Thư Viện Hoa Sen

Sn 4.2 - Guhatthaka Sutta: Kinh Về Thân Giam Trong Hang Động

28/10/20189:57 SA(Xem: 3457)
Sn 4.2 - Guhatthaka Sutta: Kinh Về Thân Giam Trong Hang Động
NGUYÊN GIÁC
Dịch Việt & Chú Giải
KINH NHẬT TỤNG SƠ THỜI
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation

 

Sn 4.2 -- GUHATTHAKA SUTTA:

KINH VỀ THÂN GIAM TRONG HANG ĐỘNG

 

Kinh này nói về chúng sinh bị giam trong hang động của si mê, tham dục. Hầu hết các dịch giả đều dịch là “hang,” trong khi Gil Fronsdal dịch là “nơi ẩn núp” -- hiding place. Nói trong hang, còn có nghĩa là không thấy ánh sáng của mặt trời trí tuệ. Xa lìa tham dục nơi đây có nghĩa là chớ nuối tiếc hoan lạc quá khứ, và chớ mong đợi niềm vui tương lai; còn có nghĩa là chớ tham gì trong cõi này hay cõi tương lai.

Chính tham dục là vui với chạm xúc của sáu căn, là khởi tâm chấp rằng có một cái tôi đã là, một cái tôi đang là và một cái tôi sẽ là. Do vậy, tham dục nơi đây còn có nghĩa là tham muốn cái cõi Hữu (hiện hữu) hoặc tham muốn cái cõi Vô (phi hiện hữu) – becoming và nonbecoming (bhava và abhava). Đó là lý do tại sao ngài Trần Nhân Tông viết là “chớ dựng lập có, không” (hữu vô câu bất lập). Đức Phật dạy trong kinh này rằng hãy tỉnh giác, chớ trụ vào bất cứ những gì thấy nghe, chớ mong muốn gì trong hiện tại và tương lai.

Đoạn cuối kinh này, Đức Phật dạy phải “hiểu tận tường các tưởng, các khái niệm” (bản dịch Bodhi: having fully understood perceptions; bản dịch Fronsdal: fully understanding concepts; bản dịch Mills: the sage has known perception) – nơi đây có nghĩa là tỉnh thức, nhận diện các tập khởi và biến diệt trong tâm. Nơi đây là sự tỉnh thức (mindfulness) thường trực không đối tượng, không thấy có tôi hay của tôi, không dính mắc gì dù có hay không, dù đã qua hay sẽ tới, dù thấy hay nghe, dù niệm khởi hay diệt. Ngắn gọn, là vô sở trụ.

Tóm lược ý kinh: Tỉnh thức, lìa tham dục, chớ tiếc quá khứ, chớ vọng tương lai, không dính mắc gì ở thấy, nghe, chạm xúc, khởi tưởng…  

Kinh này gồm các bài kệ từ 772 tới 779.

 

772

Người thích ẩn trong hang, chìm vào si mê đắm say 

sẽ thấy rất xa bờ tịch lặng.

Tham dục thế giới này, không dễ gì xả buông.

 

773-774

Người vương vào ước muốn, bị buộc vào niềm vui của hiện hữu

sẽ không giải thoát  nổi, vì không ai cứu được mình.

 

Người nuối tiếc quá khứ, hay mong đợi tương lai

người ưa tìm hoan lạc dù đã qua hay sẽ tới

bám chặt vào tham dục, lo săn tìm niềm vui

trong mê mờ và ích kỷ tằn tiện

là đã rơi vào lối gian nan

 

Khi gặp khổ đau, mới than thở:

Mình sẽ là gì, khi mãn kiếp này.

 

775

Do vậy ngay trong thế giới này, hãy tự rèn luyện

với những gì mình biết là sai trái,

chớ làm những điều sai trái

Vì người trí nói, đời sống ngắn ngủi.

 

776

Ta thấy chúng sinh cõi này

cựa quậy, tham muốn các cảnh giới của hiện hữu

không thoát nổi ước muốn tái sinh (Hữu) và ước muốn không tái sinh (Vô)

Người thấp kém than khóc trước hàm răng tử thần.

 

777

Hãy nhìn họ kìa

cựa quậy trong tài sản “những cái của tôi”

như cá trong vũng nước cạn.

Thấy như thế

hãy sống với xa lìa “những cái của tôi”

và chớ dính mắc những gì trong cõi hiện sinh.

 

778

Chớ tham muốn bất cứ những gì ở cả hai phía (dù đã qua hay sẽ tới)

hãy hiểu các xúc chạm của [sáu] căn

hãy xa lìa tham muốn

và không làm những gì sau này sẽ ân hận.

Người trí không dính mắc vào những gì được thấy, được nghe.

 

779

Hiểu được tận tường các tưởng

người trí có thể vượt qua trận lụt

không vương vào tài sản “những cái của tôi”

Gỡ bỏ mũi tên sầu khổ, sống tỉnh giác

người trí không muốn gì trong cõi này hay cõi mai sau.

 

Hết Kinh Sn 4.2

Tạo bài viết
12/07/2016(Xem: 121380)
21/01/2015(Xem: 6831)
07/09/2011(Xem: 101030)
07/09/2011(Xem: 54652)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: