Phẩm Qua Bờ Bên Kia – Các bài kệ giới thiệu

28/10/201810:06 SA(Xem: 3488)
Phẩm Qua Bờ Bên Kia – Các bài kệ giới thiệu
NGUYÊN GIÁC
Dịch Việt & Chú Giải
KINH NHẬT TỤNG SƠ THỜI
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation

 

KINH TẬP -- PHẨM QUA BỜ BÊN KIA

 

 

Phẩm Qua Bờ Bên Kia gồm 16 kinh, mỗi kinh ghi lại những lời đối thoại của 16 giáo sĩ Bà La Môn với Đức Phật. Nhóm 16 vị này là học trò của đạo sĩ Bavari. Sau các câu đối thoại, 15 vị đầu tiên tức khắc vào thánh vị A La Hán. Các bộ chú giải đời sau nói dị biệt về giáo sĩ thứ 16. Vị này tên Pingiya. Có chú giải nói rằng ngài Pingiya sau khi đối thoại với Đức Phật (Kinh Sn 5.16) vào thánh vị Sơ Quả (Nhập Lưu), có chú giải khác nói rằng ngài Pingiya đắc thánh vị Tam Quả (Bất Lai).

Phẩm Qua Bờ Bên Kia thuộc nhóm các kinh trong sơ kỳ Đức Phật hoằng pháp, với các bài kệ được dạy lại trong nhiều kinh khác. Theo Thanissaro Bhikkhu, các nhà nghiên cứu dò ra một số bài kệ trong Phẩm này được tụng lại và khảo sát trong ít nhất 5 bản kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh, 4 bản kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh, trong khi Kinh AN 7.53 ghi rằng nữ cư sĩ Velukantaki (mẹ của ngài Nanda) dùng Phẩm này làm kinh nhật tụng.

Có một số chứng cứ cho thấy Phần Giới Thiệu (từ bài kệ 976 tới 1031) đặt trước nhóm 16 kinh, và Phần Kết (từ kệ 1124 tới 1149) là do đời sau soạn ra để hiểu toàn cảnh Phẩm Qua Bờ Bên Kia. Trong khi một số học giả (trong đó có Thanissaro Bhikkhu) khi dịch nhóm 16 kinh này ra tiếng Anh đã không dịch hai phần này, phần đông các dịch giả vẫn dịch toàn văn. Bản tiếng Việt của ngài Thích Minh Châu đã dịch toàn văn. Nơi đây, cũng sẽ dịch toàn văn, dựa vào nhiều bản Anh dịch, với tham khảo bản tiếng Việt nêu trên, để các nhà nghiên cứu tiện dụng. Tuy nhiên, với người chỉ chú trọng về pháp hành, có thể sẽ thấy không cần đọc Phần Giới Thiệu và Phần Kết.

Ký số kinh có dị biệt. Bản của ngài Bhikkhu Anandajoti ghi Phần Giới Thiệu là Kinh Snp 5.1 và do vậy Kinh Snp 5.2 là các bài kệ đối thoại giữa Ajita và Đức Phật. Bản của ngài Thanissaro vào thẳng, ghi ký số Kinh Snp 5.1 là các bài kệ đối thoại giữa Ajita và Đức Phật. Nơi đây, ký số kinh sẽ ghi theo Thanissaro; ký số các bài kệ ghi theo quý ngài Bodhi và Thích Minh Châu.


PHẨM QUA BỜ BÊN KIA

CÁC BÀI KỆ GIỚI THIỆU

 

 

Khởi đầu là một người Bà La Môn muốn “không tài sản gì hết” – dịch theo sát nghĩa, như ngài Anandajoti, dịch là “to have no posessions,” nghĩa là một ẩn sĩ hay du sĩ, không tài sản. Nhưng ngài Bodhi dịch là vị này muốn tìm trạng thái thiền định “vô sở hữu xứ,” dịch là “the state of nothingness.” Cả hai cách dịch đều đúng, tuy nghĩa chệch nhau. Nhưng đều không quan trọng, vì Phần Giới Thiệu là do đời sau ghép vào. Phần này kể rằng người Bà La Môn Bavari thông thạo các bộ Vệ Đà, bản thân có 16 môn đệ giỏi, và mỗi môn đệ có trường dạy với các môn đệ riêng. Bavari bị một dị nhân tới làm bùa chú, trù ếm là Bavari sẽ bị chẻ đầu làm bảy mảnh vì không có để cúng ông này 500 tiền vàng. Bavari sầu khổ, được một vị thiên tới chỉ dẫn, rằng hãy tìm Đức Phật để cứu. Bavari nhờ 16 môn đệ tìm Đức Phật.

 

Tóm lược ý kinh: Nói về cơ duyên có Phẩm Qua Bờ Bên Kia, khi 16 người Ba La Môn hỏi và được Đức Phật dạy Pháp.

Phần này gồm các bài kệ từ 976 tới 1031.

 

[Người kể]

976. Một vị Bà La Môn giỏi các kinh điển Vệ Đà, ước muốn sống đời vô sở hữu, đi từ thành phố tuyệt vời của người dân Kosalan, để tới miền đất phía Nam,

 

977. Tại thị trấn Assaka, gần biên giới Alaka, vị này tới bên bờ sông Godhavari, sống bằng trái cây và đồ lượm nhặt.

 

978. Gần đó là một ngôi làng lớn, với những lợi tức thu góp từ làng này, vị này tổ chức một lễ tế lớn.

 

979. Khi lễ tế xong, vị này về lại nơi lều ẩn dật, thì một vị Bà La Môn khác tìm tới.

 

980. Vị đó đang khát, hai bàn chân đau đớn, răng cáu bẩn, bụi đầy đầu – tới gần vị Bà La Môn đầu tiên, vị này xin 500 đồng tiền.

 

981. Bavari (vị đầu tiên) mời vị kia ngồi, hỏi thăm về tình trạng an lạcsức khỏe, rồi nói:

 

982. [Bavari] Tất cả những gì tôi được trao tặng, tôi đều bố thí cả rồi. Thưa ngài Bà La Môn, xin lỗi, tôi không có 500 đồng tiền.

 

983. [Bà La Môn] “Nếu ông không cho tôi điều tôi xin, thì trong vòng 7 ngày, nguyện cho đầu của ông sẽ chẻ ra làm 7 mảnh!”

 

[Người kể]

984. Sau khi làm màn chú thuật, vị kia đưa ra lời phù phép dữ. Nghe xong, Bavari trở nên sầu khổ.

 

985. Không ăn gì, vị này khô héo, với mũi tên sầu khổ ghim vào, không còn thấy vui với thiền định nữa.

 

986. Thấy Bavari tội nghiệpkinh hãi, một vị thiên muốn giúp, nên tới gần và nói:

 

987. [Vị thiên] Kẻ kia không biết gì về đầu, y chỉ muốn tài sản. Y không biết gì về đầu hay về chẻ đầu.

 

988. [Bavari] Nhưng bây giờ ngài biết. Xin giải thích cho tôi về đầu và về chẻ đầu; tôi muốn lắng nghe lời ngài.

 

989. [Vị thiên] Tôi cũng không biết về chuyện  này. Chuyện về đầu và về chẻ đầu. Chỉ có Bậc Chiến Thắng đã thấy.

 

990. [Bavari] Vậy thì, ai trên mặt đất này biết về đầu và về chẻ đầu? Vị thiên ơi, xin nói với tôi.

 

991. [Vị thiên] Từ thành Kapilavatthu, đã có vị Thế Tôn, thuộc dòng vua Okkaka, một người con trai tộc họ Sakyan, người mang ánh sáng tới. Vị này là bậc Chánh Đẳng Giác (Sambuddha), toàn hảo trong mọi pháp. 

 

992. Vị này thành tựu tất cả kiến thứcsức mạnh, đã  Nhìn Thấy mọi pháp, đã tới tận cùng mọi việc, và rồi kết thúc tất cả dính mắc để giải thoát.

 

993. Vị này là Đức Phật trong thế giới này, Bậc Giác Ngộ, Nhìn Thấu Suốt, đang dạy Pháp. Ông tới hỏi ngài, sẽ được ngài giải thích.

 

994. [Người kể] Nghe chữ “Bậc Giác Ngộ,” Bavari vui mừng, nỗi sầu khổ giảm nhiều.

 

995. [Bavari] Bấy giờ, Bavari hỏi vị thiên: Thế Tôn đang ở làng nào, thị trấn nào, quốc độ  nào. Nơi đâu tôi có thể tới để tôn kính ngài, Bậc Toàn Giác đó?

 

996. [Vị thiên] Bậc Chiến Thắng đang ở thành Savatthi, quốc độ Kosala; ngài đã thành tựu trí tuệ tuyệt vời, là bậc toàn giác. Vị con dòng Sakya đó, là bậc tối thắng, xa lìa mọi lậu hoặc, là người hiểu được chuyện chẻ đầu ra.

 

997. [Người kể] Rồi vị Bà La Môn nói với các môn đệ giải về Kinh Vệ Đà. [Bavari] Tới đầy, hỡi các Bà La Môn trẻ, nghe lời ta nói đây.

 

998. [Bavari] Bậc Toàn Giác rất hiếm gặp nơi thế giới này đã tới. Hãy nhanh chóng tới thành Savatthi để gặp Người Tối Thắng này.

 

999. [Các môn đệ] Kính thưa Ngài Bà La Môn, làm sao chúng con biết vị đó là Đức Phật Toàn Giác? Thầy hãy chỉ chúng con cách làm sao để biết đó là vị Thế Tôn?

 

1000. [Bavari] Trong các bộ Vệ Đà truyền lại cho chúng ta có ghi về 32 tướng tốt của bậc Thượng Nhân.

 

1001. Hễ có ở tay chân 32 tướng tốt của bậc Thượng Nhân, vị đó sẽ chỉ có hai nơi định sẵn, không có trường hợp thứ ba.

 

1002. Nếu sống đời tại gia, vị này sẽ chiến thắng địa cầu này, không dùng gậy hay gươm, vị này cai trị theo Chánh pháp

 

1003. Nếu xuất gia, vị này sẽ là bậc Gỡ Bỏ Vô Minh, là bậc Thế Tôn, là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, vô thượng.

 

1004. Với tâm quý vị, hãy hỏi vị đó về sự sanh của ta, vê gia đình và về đặc tướng, về các bài kệ chú của ta, và về các môn đệvân vân, về đầu và về chẻ đầu tan vỡ.

 

1005. Nếu vị đó là một vị Phật, người nhìn suốt không ngăn ngại, vị Phật đó sẽ lên tiếng trả lời những câu hỏi trong tâm quý vị.

 

1006. [Người kể] Sau khi nghe Bavari nói, nhóm 16 môn đệ Bà La Môn: Ajita, Tissa Metteyya, Punnaka, cũng như Mettagu,

 

1007. Dhotaka, và Upasiva, Nanda, và Hemaka, hai vị Todeyya và Kappa, và người trí tuệ Jatukanni,

 

1008. Bhadravudha và Udaya, và Posala, người thông minh Mogharaja, và nhà đại ẩn sĩ Pingiya,

 

1009. Mỗi người đều lãnh đạo một nhóm tu học riêng, nổi tiếng khắp thế giới này, những thiền gia vui trong thiền định, đều là bậc trí tuệ, với nghiệp lành từ quá khứ.

 

1010. Họ đảnh lễđi vòng quanh Bavari, họ bện tóc và mặc áo da nai, cùng đi về hướng Bắc:

 

1011. Trước tiên là đi từ Mulaka tới Patitthana, rồi tới Mahissati, tới Ujjeni, và Gonaddha, tới Vedisa, và tới nơi có tên là Vanasa.

 

1012. Rồi tới Kosambi, và Saketa, và tới thành phố tối thắng Savatthi, tới Setabya, và Kapilavatthu, và tới thành phố Kusinārā,

 

1013. Rồi tới Pava, tới Bhoganagara, tới Vesāli, và tới thành phố Rajagaha của người Magadhan, và tới đền Pasanaka, nơi tuyệt đẹp, lôi cuốn.

 

1014. Y hệt như một người khát đối với nước mát, hay như thương nhân nghĩ tới lợi lớn, hay như người cháy bỏng vì nắng hướng về bóng mát, người đó mau chóng leo lên núi.

 

1015. Nay là lúc Đấng Thế Tôn ngồi trước tăng đoàn, đang giảng pháp cho các tỳ khưu, như tiếng gầm sư tử trong rừng.

 

1016. Ajita nhìn thấy Đức Phật, hào quang như mặt trời sáng rực, như mặt trăng trong đêm rằm.

 

1017. và sau khi nhìn thấy các đặc tướng đầy đủ nơi tay chân của Đức Phật, Ajita vui mừng đứng bên, và hỏi thầm trong tâm:

 

1018. [Ajita] “Xin hãy nói về tuổi thầy tôi, về gia tộc và về đặc tướng, nói về thầy tôi đã học thành tựu các bộ Vệ Đà thế nào, và thầy tôi đã dạy ra bao nhiêu vị Bà La Môn?”

 

1019. [Đức Phật] Tuổi vị đó là 120 tuổi, thuộc gia tộc Bavari, có ba đặc tướng nơi tay chân, đã thành thạo ba bộ Vệ Đà.

 

1020. Ba bộ Vệ Đà về đặc tướng và truyền thống, về tự vựng và về nghi lễ. Thầy của ông dạy 500 môn đệ, trong pháp tuyệt hảo của riêng vị đó.

 

1021. [Ajita] Ô hỡi bậc Tối Thượng trong cõi người, hãy kể về đặc tướng cơ thể của Bavari. Ô bậc đã cắt bỏ tham dục, xin ngài nói rõ, để chúng con không ngờ vực nữa.

 

1022. [Đức Phật] Lưỡi của y có thể che cả khuôn mặt, có một nhúm lông giữa hai mi mắt, có da bọc âm tàng. Hãy biết thế, hỡi chàng trai này.

 

1023. [Người kể] Không nghe câu hỏi nào (nói lên), trong khi nghe các câu hỏi được (Đức Phật) trả lời, tất cả mọi người đều vui mừng kinh ngạc, chắp tay, suy nghĩ:

 

1024. Vị thiên nào – một vị thiên, hay một Phạm Thiên, hay Đế Thích, hay Sujampati – ai đã hỏi các câu hỏi trong tâm như thế? Ai được trả lời như thế?

 

1025. [Ajita] Bavari hỏi về đầu và về chẻ đầu nhiều mảnh. Xin Thế Tôn giải thích, gỡ bỏ nghi ngờ của chúng con.

 

1026. [Đức Phật] Hãy biết vô minh gọi là “cái đầu” trong khi hiểu biết ra (ngộ) chính là “chẻ đầu ra” -- nối kết với tín, niệm, định, dục tinh tấn, và năng lực.

 

1027. [Người kể] Với cảm xúc lớn, bày tỏ tôn kính, chàng trai quấn tấm da nai lên một vai, quỳ lạy đặt đầu nơi bàn chân Đức Phật.

 

1028. [Ajita] Bạch Ngài, người Bà La Môn Bavari và các môn đệ, rất mực vui mừng thờ phượng nơi chân Ngài, bậc Nhìn Thấu Suốt.

 

1029. [Đức Phật] Người Bà La Môn Bavari, hãy sống vui, an lạc với các môn đệ. Và quý vi hãy sống vui, an lạc. Và chàng trai này, mong chàng sống trường thọ.

 

1030. Tất cả nghi ngờ nào Bavari, hay ông, hay bất kỳ ai có, hay bất cứ những gì trong tâm, người đều được phép hỏi.

 

1031. Được Đức Phật cho phép, Ajita ngồi xuống, hai tay chắp kính lễ, và hỏi Đức Như Lai câu hỏi đầu tiên.

 

Hết Phần Các Bài Kệ Giới Thiệu






Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/07/2016(Xem: 110619)
21/01/2015(Xem: 6299)
07/09/2011(Xem: 99867)
07/09/2011(Xem: 53729)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.