Thư Viện Hoa Sen

183. Kinh Mã Ấp (Ii)[1]

31/05/201112:00 SA(Xem: 40426)
183. Kinh Mã Ấp (Ii)[1]
Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Ương-kị[2], cùng với đại chúng Tỳ-kheo. Ngài cùng với chúng Đại Tỳ-kheo đi đến Mã ấp, ngụ tại Mã lâm tự.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Người ta thấy các ngươi, những Sa-môn, là Sa-môn. Nếu có ai hỏi các ngươi, những Sa-môn, thì các ngươi có tự xưng mình là Sa-môn chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, có.”

Phật lại nói:

“Cho nên, các ngươi chính vì lẽ đó, chính vì là Sa-môn, phải học đạo hạnh[3] của Sa-môn, chớ đừng là phi Sa-môn. Sau khi đã học đạo hạnh của Sa-môn, bấy giờ mới là Sa-môn chân chánh, không phải là Sa-môn hư danh. Nếu có thọ nhận áo chăn, ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, và các thứ tư cụ sinh hoạt khác, những thứ cung cấp ấy được phước lớn, được kết quả lớn, được công đức lớn và được quả báo rộng rãi. Các ngươi nên học như vậy.

“Thế nào là không phải đạo hạnh của Sa-môn? Không phải là Sa-môn? Có tham lam, không dứt tham lam. Có nhuế, không dứt nhuế. Có sân, không bỏ sân[4]. Có bất ngữ không dứt bất ngữ[5]. Có kết không dứt kết[6]. Có bỏn sẻn, không dứt bỏn sẻn. Có tật đố, không dứt tật đố. Có dua nịnh, không dứt dua nịnh. Có lường gạt, không dứt lường gạt. Có vô tàm, không dứt vô tàm[7]. Có vô quý[8], không dứt vô quý. Có ác dục, không bỏ ác dục. Có tà kiến, không bỏ tà kiến. Đó gọi là sự cấu uế của Sa-môn, du siểm của Sa-môn, là trá ngụy của Sa-môn, sự cong vạy của Sa-môn, dẫn đến chỗ ác, vì chưa dứt sạch, nên sự học không phải là đạo tích của Sa-môn, không phải là Sa-môn[9].

“Cũng như cái búa[10] mới rèn rất bén, đầu có mũi nhọn, được bọc trong Tăng-già-lê, Ta nói những người ngu si học đạo Sa-môn kia cũng như vậy, nghĩa là có tham lam, không dứt tham lam, có nhuế, không dứt nhuế, có sân, không bỏ sân, có bất ngữ không dứt bất ngữ, có kết không dứt kết, có bỏn sẻn, không dứt bỏn sẻn, có tật đố, không dứt tật đố, có dua nịnh, không dứt dua nịnh, có lường gạt, không dứt lường gạt, có vô tàm, không dứt vô tàm, có vô quý, không dứt vô quý, có ác dục, không bỏ ác dục, có tà kiến, không bỏ tà kiến; dù khoác Tăng-già-lê, Ta không nói đó là Sa-môn. 

“Nếu ai chỉ cần đắp Tăng-già-lê mà có tham lam dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có bất ngữ dứt bất ngữ, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến, thì bạn bè thân thiết của nó nên đến nói với nó rằng, ‘Này Hiền nhân, hãy học khoác Tăng-già-lê. Này Hiền nhân, nếu học khoác Tăng-già-lê, thì có tham lam dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân dứt sân, có bất ngữ dứt bất ngữ, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến’.

“Bởi vì Ta thấy người đắp Tăng-già-lê mà vẫn có tham lam, có nhuế, có sân, có bất ngữ, có kết, có bỏn sẻn, có tật đố, có dua nịnh, có lường gạt, có vô tàm, cóù vô quý, có ác dục, có tà kiến, cho nên người đắp Tăng-già-lê ấy Ta không nói nó là Sa-môn.

“Cũng như vậy, lõa hình, bện tóc, ngồi, ăn một bữa, thường tung nước, thọ trì nước. Những Sa-môn có hạnh như vậy Ta nói không phải là Sa-môn. Nếu Sa-môn do thọ trì nước mà có tham lam dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có bất ngữ dứt bất ngữ, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến; thì bạn bè thân thiết của nó nên đến bảo nó rằng: “Này bạn, bạn nên thọ trì nước, vì do thọ trì nước mà có tham lam dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có bất ngữ dứt bất ngữ, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến’. 

“Bởi vì Ta thấy có người thọ trì nước mà vẫn có tham lam, có nhuế, có sân, có bất ngữ, có kết, có bỏn sẻn, có tật đố, có dua nịnh, có lường gạt, có vô tàm, cóù vô quý, có ác dục, có tà kiến, cho nên người thọ trì nước ấy Ta nói không phải là Sa-môn. Đó gọi là không phải đạo hạnh của Sa-môn, không phải là Sa-môn.

“Thế nào gọi là đạo hạnh của Sa-môn? Chẳng phải chẳng là Sa-môn? Nếu có tham lam dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có bất ngữ dứt bất ngữ, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến. Sự tật đố ấy của Sa-môn[11], sự dua nịnh của Sa-môn, sự trá ngụy của Sa-môn, sự tà vạy của Sa-môn dẫn đến chỗ dữ đều đã bị dứt sạch, rồi học đạo hạnh của Sa-môn. Vị ấy như vậy không phải không là Sa-môn. Đó là đạo hạnh của Sa-môn, không phải không là Sa-môn. 

“Vị ấy như vậy thành tựu giới, thân thanh tịnh, miệng, ý thanh tịnh, không tham lam, trong tâm khôngsân nhuế, không có thụy miên, không trạo cử kiêu ngạo, đoạn nghi trừ hoặc, chánh niệm chánh trí, không có ngu si. Tâm vị ấy câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, phương trên, phương dưới và bốn phương bàng, khắp tất cả, tâm của vị ấy câu hữu với từ, không kết không oán, không nhuế không tranh, rất rộng lớn, khéo tu vô lượng, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trú. Cũng vậy, tâm bi, tâm hỷ câu hữu với xả, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng lớn, khéo tu vô lượng, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trú

“Vị ấy tự nghĩ: “Có thô, có diệu, có tưởng, dẫn đến thượng xuất yếu[12], biết như thật. Sau khi biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậuvô minh lậu. Sau khi đã giải thoát, vị ấy biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Cũng như cách làng nọ không xa, có ao tắm tốt, nước trong chảy tràn, cỏ xanh phủ bờ, cây hoa bốn phía. Giả sử có một người từ phương Đông đến, bị đói khát mệt mỏi, cởi áo bỏ trên bờ, xuống ao mặc sức tắm rửa sạch bụi nhơ, trừ khử nóng bức và khát. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng vậy, giả sử có một người từ các phương đó đến bị đói khát mệt mỏi, cởi áo bỏ trên bờ, xuống ao mặc sức tắm rửa sạch bụi nhơ, trừ khử nóng bức và khát. Cũng vậy, một thiện nam tử dòng Sát-đế-lợi, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thực hành nội tâm tĩnh chỉ, khiến được nội tâm tĩnh chỉ. Người với nội tâm tĩnh chỉ, Ta nói người ấy là Sa-môn, là Phạm chí, là Thánh, là Tịnh dục.

“Cũng vậy, một thiện nam tử dòng Phạm chí, Cư sĩ, Công sư, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thực hành nội tâm tĩnh chỉ, khiến được nội tâm tĩnh chỉ. Người với nội tâm tĩnh chỉ, Ta nói người ấy là Sa-môn, là Phạm chí, là Thánh, là Tịnh dục.

“Thế nào gọi là Sa-môn? Là người đã đình chỉ[13] các pháp ác bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệït, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Sa-môn. 

“Thế nào gọi là “Phạm chí”? Là người xa lìa các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế mà là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Phạm chí.

“Thế nào gọi là Thánh? Là người xa lìa các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, làm gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Thánh.

“Thế nào gọi là “Tịnh dục”? Là người đã tắm rửa sạch các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Tịnh dục. Đó gọi là Sa-môn, là Phạm chí, là Thánh, là Tịnh dục.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.



 
 

[1]Tương đương Pāli, M. 40. Cūḷa-Assapura-suttaṃ.

[2]Xem kinh 182 trên.

[3]Đạo tích 道跡; Pāli: msāmicīpaṇipadā, sự thực hành chân chính, chính xác, đạo chân chính.

[4]Hán: nhuế 恚và 瞋sân; những từ dễ lẫn lộn. Nhuế, Pāli: vyāpāda, sân hận hay thù nghịch, có ác ý muốn làm thiệt hại người. Sân, Pāli: kodha, nóng giận, phẫn nộ.

[5]Bất ngữ 不語; Pāli: makkha, phú tàng, sự che giấu, đạo đức giả, ngụy thiện.

[6]Kết 結; Pāli: paḷāsa, não hại, ác ý, thù nghịch muốn gây hại.

[7]Vô tàm 無慚; không biết tự thẹn. 

[8]Vô quý 無愧; không biết thẹn với người.

[9]Tham chiếu Pāli: imesaṃ... samaṇamalānaṃ samaṇadosānaṃ samaṇakasaṭānaṃ āpāyikānaṃ thānānaṃ duggativedaniyānaṃ appahānā na samaṇasāmīcipaṭipadaṃ paṭipanno, những sự cấu uế của Sa-môn này, những khuyết điểm, những tà ác của Sa-môn này, dẫn đến chỗ thấp kém, cảm thọ ác thú; vì chưa dứt trừ chúng nên không có sự thực hành Chánh đạo của Sa-môn.

[10]Việt phủ 鉞斧; Pāli: mataja, một loại vũ khí nhọn hai đầu.

[11]Bản Hán, Sa-môn tật, ở trên nói là Sa-môn cấu. Có lẽ đây chép nhầm.

[12]Lai thượng xuất yếu; không rõ. Có lẽ ý nói dẫn đến sự xuất ly cao thượng hơn (Tham khảo Pāli, M. 49 tr. 326: ito ca panaññaṃ uttari nissaraṇaṃ natthi).

[13]Đoạn này giống đoạn cuối kinh 183 trên.

Tạo bài viết
14/05/2010(Xem: 473819)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: