- Lời Giới Thiệu
- Giới Thiệu Bản Dịch Kinh
- 1. Phẩm Thọ Mạng
- 2. Phẩm Thân Kim Cang
- 3. Phẩm Công Đức Danh Tự
- 4. Phẩm Tánh Như Lai Phần 1-4
- 4. Phẩm Tánh Như Lai Phần 5-7
- 5. Phẩm Đại Chúng Thưa Hỏi
- 6. Phẩm Thị Hiện Bệnh
- 7. Phẩm Thánh Hạnh
- 8. Phẩm Hạnh Thanh Tịnh
- 9. Phẩm Hạnh Anh Nhi
- 10. Phẩm Bồ Tát Quang Minh
- 11. Phẩm Bồ Tát Sư Tử Hống
- 12. Phẩm Bồ Tát Ca Diếp
- 13. Kiều-trần-như
- Hậu Phần
- Kinh Đại Bát Niết-bàn Phụ Lục
PHẨM THỊ HIỆN BỆNH
Phẩm thứ sáu
Phẩm thứ sáu
Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai đã lìa khỏi tất cả tật bệnh, mọi sự đau đớn khổ não đều đã dứt hết, không còn sợ sệt chi cả.
“Bạch Thế Tôn! Trong tất cả chúng sanh, có bốn mũi tên độc là nguyên nhân của bệnh. Những gì là bốn? Đó là tham dục, sân khuể, ngu si và kiêu mạn. Nếu có nguyên nhân gây bệnh, ắt phải có bệnh sanh; như các thứ bệnh phổi do tham ái, nóng nảy, khí uất lên làm nôn mửa, da thịt ngứa ngáy, mình mẩy nhức mỏi, lòng dạ bồn chồn tán loạn, bệnh kiết đại tiện khó khăn, tiểu tiện từng giọt, mắt xốn tai nhức, lưng đau bụng trướng, điên cuồng nóng bức, hoặc mắc phải quỷ mỵ... Đủ các thứ bệnh tật của thân tâm như vậy, chư Phật Thế Tôn đều không bao giờ còn mắc phải. Hôm nay vì duyên cớ gì Như Lai lại sai bảo Văn-thù-sư-lợi rằng: ‘Nay ta đau lưng, các ông nên vì Bốn bộ chúng mà thuyết pháp”?
“Có hai nhân duyên không có mọi bệnh khổ. Những gì là hai? Một là thương xót hết thảy chúng sanh, hai là cung cấp, bố thí thuốc thang cho người có bệnh.
“Từ thuở xa xưa, trong vô lượng vạn ức kiếp, Như Lai trong khi tu đạo Bồ Tát thường nói lời thân ái, lợi ích cho chúng sanh, chẳng làm cho họ khổ não, bố thí đủ món thuốc thang cho những người bệnh tật. Vậy duyên cớ gì nay lại tự nói rằng có bệnh?
“Bạch Thế Tôn! Thế gian có những người bệnh dù nằm hay ngồi đều không yên chỗ, hoặc đòi ăn uống, sai khiến người nhà chăm sóc sản nghiệp. Vì sao Như Lai nằm đó lặng thinh, chẳng dạy các đệ tử Thanh văn về Giới độ,[28] về các pháp thiền giải thoát, Tam-ma-bạt-đề,[29] các pháp tu chánh cần?[30] Vì sao ngài chẳng thuyết kinh điển Đại thừa thâm sâu như vậy? Vì sao Như Lai chẳng dùng vô lượng phương tiện dạy bảo Đại Ca-diếp, bậc Voi chúa trong loài người[31] và các vị đại nhân, khiến cho ai nấy đều chẳng còn thối lui đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề? Vì sao chẳng trừng trị những tỳ-kheo xấu ác, chứa trữ hết thảy những vật bất tịnh? Đức Thế Tôn thật không có bệnh, vì sao lặng thinh nằm nghiêng bên mặt?
“Chư Bồ Tát thường khi cấp thí thuốc thang cho người bệnh, được bao nhiêu căn lành đều thí hết cho chúng sanh, cùng nhau hồi hướng về địa vị của bậc có trí tuệ biết hết tất cả, là vì dứt trừ những phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng cho chúng sanh.
“Phiền não chướng, đó là tham dục, sân khuể, ngu si, phẫn nộ, buồn phiền trói buộc che chướng, ganh ghét keo lận, gian trá, siểm nịnh, không biết hổ thẹn, ngạo mạn khinh người, tự cao tự đại, kiêu căng, phóng dật, oán hận tranh tụng, tà vạy dối trá, giả hiện hình tướng, dùng lợi cầu lợi, mong cầu việc xấu ác, tham cầu thật nhiều, không biết cung kính, không theo lời khuyên dạy, gần gũi bạn xấu, tham lợi không chán, các mối chằng chịt trói buộc khó gỡ, tham muốn việc xấu, chấp thân, chấp hữu, cho đến chấp không, ưa nằm ham ngủ, thiếu thốn chẳng vui, ham mê ăn uống, lòng dạ ngu tối, tán tâm vọng tưởng, nghĩ điều bất thiện, miệng nói lời ác, thân làm việc ác, ham vui nói nhiều, các căn tối tăm, nói lời vô nghĩa, thường bị những cảm xúc tham dục, sân khuể, độc hại che lấp... Như vậy gọi là phiền não chướng.
“Nghiệp chướng, đó là năm tội đọa địa ngục Vô gián, bệnh nặng nguy kịch.
“Báo chướng, đó là sanh vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, những kẻ phỉ báng Chánh pháp cùng những kẻ nhất-xiển-đề. Như vậy gọi là báo chướng.
“Ba loại che chướng ấy gọi là bệnh nặng. Các vị Bồ Tát trong vô số kiếp, đang khi tu đạo Bồ-đề cấp thí thuốc thang cho tất cả những người bệnh tật thường phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho chúng sanh mãi mãi dứt trừ ba loại bệnh chướng ấy.’
“Lại nữa, bạch Thế Tôn! Bồ Tát ma-ha-tát, đang khi tu đạo Bồ-đề, cấp thí thuốc thang cho tất cả những người bệnh, thường phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho chúng sanh mãi mãi dứt trừ các bệnh, được thành tựu thân kim cang Như Lai.’ Lại phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho hết thảy vô lượng chúng sanh đều thành bậc Dược vương mầu nhiệm, dứt trừ hết thảy các bệnh nguy kịch. Nguyện cho chúng sanh được món thuốc a-già-đà,[32] dùng sức thuốc ấy có thể trừ được hết thảy vô số loại chất độc.’ Lại phát nguyện rằng: ‘Nguyện cho chúng sanh không còn thối chuyển đối với với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sớm được thành tựu liều thuốc Phật cao quý nhất, tiêu trừ hết thảy những mũi tên độc phiền não.’ Lại phát nguyện: “Nguyện cho chúng sanh siêng tu tinh tấn, thành tựu thân kim cang Như Lai, làm loại thuốc mầu nhiệm điều trị các thứ bệnh, chẳng để cho còn có ai sanh khởi ý tưởng gây gổ kiện tụng.’ Lại cũng phát nguyện: “Nguyện cho chúng sanh thành cây thuốc lớn, liệu trị tất cả các bệnh nguy kịch là những điều tà ác.’ Lại nguyện rằng: ‘Nguyện cho chúng sanh nhổ bỏ được những mũi tên độc, thành tựu hào quang Như Lai cao trổi nhất.’ Lại nguyện rằng: ‘Nguyện cho chúng sanh được vào kho tàng Chánh pháp sâu kín của Như Lai, được liều thuốc quý trí huệ trừ dứt mọi bệnh khổ.’
“Thế Tôn! Như vậy, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha[33] kiếp, Bồ Tát đã phát các thệ nguyện ấy, khiến chúng sanh đều không có bệnh hoạn. Duyên cớ gì mà hôm nay Như Lai lại nói rằng có bệnh?
“Lại nữa, Thế Tôn! Thế gian có những người bệnh không thể ngồi dậy, cúi xuống, ngẩng lên, đi đứng, ăn uống chẳng được, nước đổ vào miệng chẳng nuốt xuống được, không còn có thể dạy bảo con cái chăm sóc nghiệp nhà. Lúc đó, cha mẹ, vợ con, anh em, thân thuộc, những người quen biết... thảy đều nghĩ rằng bệnh nhân ấy nhất định phải chết.
“Bạch Thế Tôn! Ngày nay Như Lai cũng thế, nghiêng về bên mặt mà nằm, không bàn luận giảng thuyết chi cả. Có những kẻ ngu trong cõi Diêm-phù-đề này sẽ nghĩ rằng: ‘Như Lai Chánh giác sắp vào Niết-bàn’, liền nảy sanh ý nghĩ cho là [mọi thứ] đều dứt hết. Nhưng tánh Như Lai thật rốt ráo chẳng vào Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi. Vì nhân duyên ấy, Thế Tôn chẳng nên nói rằng: ‘Nay ta đau nhức lưng’.
“Lại nữa, Thế Tôn! Thế gian có những người bệnh thân thể gầy yếu, nằm ngửa, nằm nghiêng, hoặc nằm luôn trên giường bệnh. Lúc ấy, người nhà sanh lòng khinh ghét, nghĩ rằng bệnh nhân ấy nhất định phải chết.
“Nay Như Lai cũng thế, ngài đang bị chín mươi lăm bọn ngoại đạo[34] khinh ngạo, họ sanh ra tư tưởng [cho rằng Như Lai là] vô thường. Những kẻ ngoại đạo ấy nói rằng: ‘Ông ấy chẳng bằng chúng ta, [vì chúng ta] dựa vào các pháp ngã, tánh, nhân, tự tại, thời tiết, vi trần... nên là thường trụ, không có biến đổi. Sa-môn Cồ-đàm bị chuyển dời vì sự vô thường, ông ấy là pháp chịu sự biến đổi.’ Vì nghĩa ấy, hôm nay Thế Tôn chẳng nên lặng yên, nghiêng về bên mặt mà nằm.
“Lại nữa, Thế Tôn! Thế gian có những người bệnh, do bốn đại tăng giảm không hòa hợp nhau, khiến cho mệt mỏi, suy nhược; vì thế không thể tùy ý ngồi hoặc đứng, phải nằm luôn trên giường bệnh. Bốn đại của Như Lai không phải là không hòa hợp, sức lực nơi thân ngài vẫn đầy đủ, không hề suy yếu!
“Bạch Thế Tôn! Như sức lực của mười con bò nhỏ cũng không bằng một con bò lớn; mười con bò lớn cũng không bằng một con bò xanh; mười con bò xanh cũng không bằng một con voi nhà; mười con voi nhà cũng không bằng một con voi rừng; mười con voi rừng cũng không bằng một con voi hai ngà; mười con voi hai ngà cũng không bằng một con voi bốn ngà; mười con voi bốn ngà cũng không bằng một con voi trắng ở Tuyết sơn; mười con voi trắng ở Tuyết sơn cũng không bằng một con hương tượng; mười con hương tượng cũng không bằng một con voi xanh; mười con voi xanh cũng không bằng một con voi vàng; mười con voi vàng cũng không bằng một con voi đỏ; mười con voi đỏ cũng không bằng một con voi trắng; mười con voi trắng cũng không bằng một con voi núi; mười con voi núi cũng không bằng một con voi ưu-bát-la; mười con voi ưu-bát-la cũng không bằng một con voi ba-đầu-ma; mười con voi ba-đầu-ma cũng không bằng một con voi câu-vật-đầu; mười con voi câu-vật-đầu cũng không bằng một con voi phân-đà-lỵ. [Nhưng] sức lực của mười con voi phân-đà-lỵ cũng không bằng chỉ một vị lực sĩ trong loài người; mười vị lực sĩ trong loài người cũng không bằng một vị bát-kiền-đề; mười vị bát-kiền-đề cũng không bằng một vị na-la-diên có tám cánh tay; mười vị na-la-diên cũng không bằng chỉ một khớp xương của vị Bồ Tát Thập trụ.
“Thế Tôn! Các khớp xương trong thân người phàm, khớp này chẳng chạm khớp kia. Các khớp xương của những vị lực sĩ trong loài người, đầu khớp xương này vừa đụng đầu khớp xương kia. Trong thân của những vị bát-kiền-đề, các khớp xương tiếp nối nhau. Trong thân của những vị na-la-diên, các khớp xương móc lại với nhau. Trong thân của vị Bồ Tát Thập trụ, các khớp của bộ xương liên kết liền lạc với nhau, dường như rồng uốn khúc. Cho nên sức lực của vị Bồ Tát [Thập trụ] là mạnh nhất. Vào lúc thế giới hình thành, Bồ Tát từ nơi bờ cõi Kim cang, đứng dậy khỏi tòa Kim cang, đi lên Đạo tràng nơi cội cây Bồ-đề. Bồ Tát ngồi nơi đó rồi, trong tâm liền được Mười sức.[35]
“Nay Như Lai chớ nên như đứa trẻ sơ sanh kia! Trẻ sơ sanh ngu dại, không có trí tuệ, không biết nói năng. Vì lẽ ấy, tùy ý nằm ngửa, nằm nghiêng đều không ai chê cười. Như Lai Thế Tôn có trí huệ lớn, soi sáng tất cả. Ngài là tinh hoa trong nhân loại, có đủ oai đức lớn, thành tựu thần thông, là bậc tiên nhân cao trổi nhất, mãi mãi dứt tuyệt mọi sự nghi hoặc, đã nhổ xong tên độc, đi đứng yên lành, oai nghi trọn vẹn, không có chỗ sợ sệt. Nay vì sao ngài lại nghiêng bên mặt mà nằm, khiến người ta và chư thiên phải ưu sầu khổ não?”
Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp liền đối trước Phật đọc kệ rằng:
Đức Đại thánh Cồ-đàm!
Xin khởi diễn diệu pháp.
Chẳng nên như trẻ thơ,
Như người bệnh liệt giường.
Bậc thầy cõi trời, người,
Nằm dựa giữa đôi cây,
Kẻ ngu, phàm phu thấy,
Sẽ bảo là Niết-bàn.
Chẳng biết kinh Phương đẳng,
Chỗ Phật hành sâu xa,
Chẳng thấy tạng sâu kín,
Như người mù nhìn đường.
Chỉ có chư Bồ Tát,
Như Văn-thù-sư-lợi,
Mới hiểu chỗ sâu xa,
Ví như bậc thiện xạ.
Chư Thế Tôn ba đời,
Căn bản là đại bi,
Đại từ bi như vậy,
Nay đang ở nơi nào?
Nếu không có đại bi,
Thì chẳng gọi là Phật.
Nếu Phật vào Niết-bàn,
Thì chẳng gọi là thường.
Xin nguyện đấng Vô thượng,
Nghe lời chúng con thỉnh,
Vì lợi ích chúng sanh.
Hàng phục hết ngoại đạo.
Lúc ấy, đức Thế Tôn với lòng đại bi tràn ngập trong tâm, biết được hết thảy niệm tưởng của mỗi một chúng sanh. Ngài muốn tùy thuận cho họ được sự lợi ích rốt ráo, liền từ chỗ nằm ngồi dậy, ngồi theo kiểu kết già,[36] sắc mặt vui tươi sáng chói như sắc vàng ròng, đoan nghiêm như vầng trăng tròn, hình dung trong sạch chẳng chút bợn nhơ. Ngài phóng hào quang chói sáng, tràn khắp hư không. Hào quang ấy sáng hơn cả ánh sáng của trăm ngàn mặt trời, chiếu khắp các cõi Phật ở mười phương: đông, nam, tây, bắc và bốn phương kế cận, cùng phương trên và phương dưới. Ngài rộng lòng ban phát đuốc sáng đại trí tuệ cho khắp chúng sanh, khiến họ dứt trừ vô minh đen tối, khiến trăm ngàn ức na-do-tha chúng sanh đều được trụ yên nơi tâm Bồ-đề, không còn thối chuyển.
Bấy giờ, đức Thế Tôn trong lòng không chút nghi lự, như bậc sư tử chúa. Ngài dùng ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân[37] và tám mươi vẻ đẹp mà trang nghiêm thân mình. Hết thảy những lỗ chân lông trên thân ngài, mỗi một lỗ chân lông đều hiện ra một đóa hoa sen. Các hoa sen ấy rất đẹp, mỗi hoa có cả ngàn cánh, đều là màu vàng ròng, cuống hoa bằng lưu ly, nhụy hoa bằng kim cang, đài hoa bằng ngọc mân khôi, hình lớn và tròn như bánh xe. Từ nơi các hoa sen ấy phóng ra hào quang đủ màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, tía và màu pha lê. Các hào quang ấy đều tỏa chiếu ra khắp nơi, đến tận địa ngục A-tỳ, địa ngục Tưởng,[38] địa ngục Hắc thằng, địa ngục Chúng hiệp, địa ngục Khiếu hoán, địa ngục Đại khiếu hoán, địa ngục Tập nhiệt, địa ngục Đại tập nhiệt. Đó là tám cõi địa ngục mà chúng sanh thường bị bức thiết bởi mọi nỗi khổ, như bị đốt, bị nấu, bị nướng, chém, đâm, xẻ, lột... Khi chúng sanh trong các cõi địa ngục gặp được hào quang ấy rồi, các nỗi khổ như trên liền tiêu diệt hết, trở nên an ổn, mát mẻ, khoái lạc vô cùng. Trong ánh hào quang ấy lại nghe có tiếng thuyết pháp về kho tàng Chánh pháp sâu kín của Như Lai, rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’ Chúng sanh ở địa ngục nghe như vậy rồi liền mạng chung, sanh lên các cõi người, cõi trời.
Hào quang ấy lại chiếu tới tám thứ địa ngục lạnh: địa ngục A-ba-ba, địa ngục A-tra-tra, địa ngục A-la-la, địa ngục A-bà-bà, địa ngục Ưu-bát-la, địa ngục Ba-đầu-ma, địa ngục Câu-vật-đầu, địa ngục Phân-đà-lỵ. Trong các cõi địa ngục này, chúng sanh thường bị bức não bởi những nỗi khổ vì lạnh, như da thịt nứt nẻ, thân thể hư nát... tàn hại lẫn nhau. Gặp được hào quang ấy rồi, mọi nỗi khổ như vậy đều dứt tuyệt, họ được điều hòa, ấm áp, thích thú. Trong ánh hào quang ấy, lại cũng nghe có tiếng thuyết pháp về kho tàng Chánh pháp sâu kín của Như Lai, rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật’. Các chúng sanh ở địa ngục nghe như vậy rồi liền mạng chung, sanh lên các cõi người, cõi trời.
Lúc ấy, ở cõi Diêm-phù-đề này cùng ở các thế giới khác, có bao nhiêu địa ngục thảy đều trống rỗng, không còn người chịu tội, chỉ trừ những kẻ nhất-xiển-đề.
Trong cõi ngạ quỷ, chúng sanh bị bức thiết vì đói khát, tóc dài phủ xuống quấn quanh thân hình, trải qua trăm ngàn năm chưa từng được nghe đến tên gọi của nước, [huống gì là việc được ăn uống]! Khi gặp được hào quang ấy, sự đói khát của họ liền dứt ngay. Trong ánh hào quang ấy, lại cũng có tiếng thuyết pháp về kho tàng Chánh pháp sâu kín của Như Lai, rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’ Chúng sanh cõi ngạ quỷ nghe như vậy rồi liền mạng chung, sanh lên các cõi người, cõi trời.
Lúc ấy, bao nhiêu cõi ngạ quỷ đều trở nên trống rỗng, không còn người chịu tội, chỉ trừ những kẻ phỉ báng kinh điển Phương đẳng Đại thừa.
Trong cõi súc sanh, chúng sanh giết hại lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau. Những chúng sanh đó gặp được hào quang [từ các hoa sen của Phật chiếu ra] rồi, lòng oán hận liền dứt hết. Trong hào quang ấy cũng có tiếng thuyết pháp về kho tàng Chánh pháp sâu kín của Như Lai, rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’ Chúng sanh cõi súc sanh nghe rồi liền mạng chung, sanh lên cõi người, cõi trời.
Lúc ấy, cõi súc sanh cũng trở nên trống rỗng, chỉ còn lại những kẻ phỉ báng Chánh pháp.
Trên mỗi hoa sen đều [hóa hiện] có một đức Phật, có vầng hào quang tròn đường kính một tầm,[39] màu vàng sáng rực, đoan nghiêm vi diệu, cao trổi không gì sánh bằng. Mỗi đức Phật đều có đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân mình. Trong các đức Thế Tôn ấy, có vị ngồi, có vị đi, có vị nằm, có vị đứng, có vị làm sấm sét, có vị tuôn mưa, có vị phóng ra chớp điện, có vị làm nổi gió, cũng có vị làm xuất hiện khói lửa, thân như một đám lửa... Lại có vị hiện ra núi cao, ao suối, sông rạch, rừng núi cây cối thảy đều bằng bảy món báu. Cũng có vị thị hiện cõi nước bằng bảy món báu, có đủ thành ấp, làng xóm, cung điện, nhà cửa... Lại có vị thị hiện voi, ngựa, sư tử, cọp sói, chim sẻ, phụng hoàng... Cũng có vị thị hiện khiến cho chúng sanh ở Diêm-phù-đề thảy đều trông thấy các cõi địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Lại có vị thị hiện sáu cảnh trời thuộc Dục giới.[40]
Lại có vị Thế Tôn giảng về ấm, giới, nhập,[41] các yếu tố ấy có nhiều sự tai hại. Cũng có vị nói pháp Bốn thánh đế.[42] Hoặc có vị giảng vềnhân duyên các pháp. Có vị lại dạy rằng các nghiệp phiền não đều do nhân duyên mà sanh. Cũng có vị nói về giáo lý ngã và vô ngã. Hoặc có vị giảng thuyết về hai pháp khổ và lạc. Cũng có vị nói về thường và vô thường. Lại có vị thuyết tịnh và bất tịnh. Lại có vị Thế Tôn vì chư Bồ Tát mà diễn thuyết sáu pháp Ba-la-mật mà mình đã tu hành. Cũng có vị nói chỗ được công đức của chư Đại Bồ Tát. Lại có vị nói chỗ được công đức của chư Phật Thế Tôn. Cũng có vị nói chỗ được công đức của người trong hàng Thanh văn. Lại có vị nói lẽ tùy thuận Nhất thừa. Cũng có vị nói Ba thừa thành đạo. Hoặc có vị Thế Tôn thị hiện phun nước ra từ hông bên tả, tuôn lửa ra từ hông bên hữu. Cũng có vị thị hiện đản sanh, xuất gia, ngồi nơi Đạo tràng tại gốc cây Bồ-đề, chuyển bánh xe diệu pháp, nhập Đại Niết-bàn. Lại có vị Thế Tôn phát ra tiếng [thuyết pháp] hùng hồn như sư sử rống, khiến ai nấy trong hội của ngài đều đắc quả, như các quả thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, cho đến quả thứ tư.[43] Hoặc có vị giảng thuyết vô lượng nhân duyên lìa khỏi sanh tử.
Lúc ấy, trong cõi Diêm-phù-đề có những chúng sanh gặp được hào quang ấy rồi, kẻ mù liền được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm có thể nói, kẻ què có thể đi, kẻ nghèo được của cải, kẻ keo lận sanh lòng bố thí, kẻ giận hờn sanh lòng từ hòa, kẻ bất tín lại sanh lòng tin... Như vậy, khắp thế giới không còn một chúng sanh nào làm việc ác, chỉ trừ những kẻ nhất-xiển-đề.
Lúc ấy, hết thảy các loài chúng sanh, từ chư thiên, loài rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, a-tu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, la-sát, kiện-đà, ưu-ma-đà, a-bà-ma-la, loài người, loài phi nhân, đều cùng nhau xướng lên lời này: “Lành thay, lành thay! Bậc tôn quý cao trổi nhất mang lại nhiều lợi ích.”
Nói ra lời ấy rồi, ai nấy đều lấy làm vui vẻ phấn khích, hoặc ca hoặc múa, hoặc chuyển động thân thể, rồi mang đủ các loại hoa đến rảy cúng Phật và chư tăng, như hoa ưu-bát-la, hoa câu-vật-đầu, hoa ba-đầu-ma, hoa phân-đà-lỵ, hoa mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la, hoa mạn-thù-sa, hoa ma-ha mạn-thù-sa, hoa tán-đà-na, hoa ma-ha tán-đà-na, hoa lô-chi-na, hoa ma-ha lô-chi-na, hoa hương, hoa đại hương, hoa thích ý, hoa đại thích ý, hoa ái kiến, hoa đại ái kiến, hoa đoan nghiêm, hoa đệ nhất đoan nghiêm... Ai nấy lại rảy các thứ hương như hương trầm thủy, hương da-già-lâu, hương chiên-đàn, hương uất kim, hương được trộn lẫn nhiều loại, hương được tìm về từ các vùng bờ biển... Lại còn đem các loại cờ báu, phướn, lọng và các loại nhạc khí cõi trời như đàn tranh, ống địch, sênh, sắt, không hầu... cùng trỗi lên để cúng dường Phật. Kế đó, họ đồng tụng kệ rằng:
Nay chúng con sẽ đại tinh tấn,
Vô thượng Chánh giác Lưỡng túc tôn![44]
Đại chúng: chư thiên, người chẳng rõ,
Chỉ có Cồ-đàm[45] mới thấu đáo.
Thuở xưa Thế Tôn vì chúng con,
Tu khổ hạnh trong vô lượng kiếp.
Tại sao một ngày bỏ nguyện xưa,
Buông xả thân mạng, vào Niết-bàn?
Tất cả chúng sanh không thể thấy
Tạng sâu kín của Phật Thế Tôn.
Vì nhân duyên ấy, khó ra khỏi,
Luân hồi sanh tử, đọa ác đạo.
Như Phật có dạy: A-la-hán,
Tất cả đều sẽ đến Niết-bàn.
Chỗ Phật hạnh thâm sâu như vậy,
Phàm phu ngu hèn sao biết được?
Thí pháp cam lộ cho chúng sanh,
Để giúp dứt trừ phiền não vậy.
Nếu ai uống cam lộ đó rồi,
Chẳng còn chịu sanh, già, bệnh, chết.
Như Lai dùng đó mà liệu trị,
Trăm ngàn vô lượng các chúng sanh,
Khiến ai mắc phải các bệnh nặng,
Tất cả đều khỏi, không còn bệnh.
Thế Tôn từ lâu dứt bệnh khổ,
Nên được xưng là Phật thứ bảy.[46]
Hôm nay xin Phật rưới mưa pháp,
Thấm nhuần mầm công đức chúng con.
Đại chúng, chư thiên và loài người đọc kệ thỉnh Phật như vậy rồi liền đứng yên.
Trong khi đại chúng tụng kệ ấy, tất cả chư Phật ngự trên các tòa sen từ cõi Diêm-phù-đề lên tới trời Tịnh cư,[47] thảy đều nghe rõ.
Lúc ấy, Phật bảo Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông đã có đủ trí huệ thâm sâu và vi diệu như vậy, trí huệ ấy không thể bị tất cả chúng ma và ngoại đạo phá hoại.
“Thiện nam tử! Ông đã trụ yên, tất cả các luồng gió tà ác sẽ không làm cho ông nghiêng ngã được.
“Thiện nam tử! Ông nay đã thành tựu biện tài lạc thuyết. Ông đã từng cúng dường chư Phật Thế Tôn đời quá khứ nhiều như số cát vô lượng sông Hằng, cho nên mới có thể thưa hỏi Như Lai Chánh giác về nghĩa như vậy.
“Thiện nam tử! Thuở xưa, cách nay vô lượng vô biên ức na-do-tha trăm ngàn vạn kiếp, ta đã dứt trừ gốc bệnh, lìa hẳn những sự nằm, dựa...
“Ca-diếp! Về thuở quá khứ, cách nay vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, có một đức Phật ra đời, hiệu là Vô Thượng Thắng Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Ngài có thuyết kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này với hàng Thanh văn, mở bày chỉ bảo, phân biệt, hiển phát nghĩa lý. Thuở ấy, ta cũng làm một vị Thanh văn trong đồ chúng của đức Phật ấy, thọ trì kinh điển Đại Niết-bàn này, đọc tụng thông suốt, sao chép trọn quyển kinh, lại vì người khác mà mở bày chỉ bảo, phân biệt, thuyết giảng nghĩa lý. Ta lại đem căn lành ấy hồi hướng đến quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Từ thuở đó cho đến nay, ta chưa từng có những nghiệp duyên khổ não hoặc nghiệp dữ khiến đọa ác đạo như: phỉ báng Chánh pháp, làm kẻ nhất-xiển-đề, mang thân hoàng môn,[48] thân không căn, thân hai căn,[49] phản nghịch với cha mẹ, giết A-la-hán, phá chùa tháp, hủy hoại Chúng tăng, làm thân Phật chảy máu, phạm Bốn cấm giới nặng. Từ đó đến nay, thân tâm ta luôn được an ổn, không có các khổ não.
“Ca-diếp! Nay ta thật không có bất cứ bệnh tật gì. Vì sao vậy? Vì chư Phật Thế Tôn từ lâu đã lìa xa hết thảy bệnh tật.
“Ca-diếp! Chúng sanh chẳng biết giáo pháp sâu kín của kinh Phương đẳng Đại thừa, cho nên nói rằng Như Lai thật có bệnh.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là sư tử trong loài người’, nhưng Như Lai thật chẳng phải sư tử! Lời nói như vậy tức là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là rồng lớn trong loài người’, nhưng trải qua vô lượng kiếp ta đã lìa bỏ nghiệp [súc sanh] ấy rồi.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là người, là trời’, nhưng ta thật chẳng phải người, chẳng phải trời, cũng chẳng phải quỷ thần, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la già, chẳng phải ngã, chẳng phải [có thọ] mạng, chẳng phải nhờ dưỡng dục mà thành, chẳng phải linh hồn, chẳng phải làm, chẳng phải không làm, chẳng phải thọ, chẳng phải không thọ, chẳng phải Thế Tôn, chẳng phải Thanh văn, chẳng phải thuyết, chẳng phải không thuyết. Những lời nói như vậy đều là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Này Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như biển cả, như núi chúa Tu-di’, nhưng Như Lai thật chẳng phải vị mặn [của biển], cũng chẳng phải [to lớn và rắn chắc] như núi đá. Nên biết rằng những lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như hoa phân-đà-lỵ’, nhưng ta thật chẳng phải hoa phân-đà-lỵ. Lời nói như vậy tức là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như cha mẹ’, nhưng Như Lai thật không phải cha mẹ. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai là đại thuyền sư’, nhưng Như Lai thật chẳng phải là thuyền sư. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai như vị thương chủ’,[50] nhưng Như Lai thật chẳng phải là thương chủ. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai có thể hàng phục ma’, nhưng Như Lai thật không có lòng ác, muốn cho kẻ khác phải khuất phục mình. Lời nói như vậy thảy đều là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Ví như nói ‘Như Lai có thể trị ghẻ độc’, nhưng ta thật chẳng phải là thầy thuốc trị bệnh ghẻ. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Như trước đây ta có nói: ‘Như có kẻ nam người nữ lòng lành biết tu chỉnh sửa trị ba nghiệp của thân, khẩu và ý, khi người ấy bỏ thân mạng, dù thân quyến có đem thi hài thiêu trong lửa, hoặc thả xuống nước, hoặc để nơi nghĩa địa, bấy giờ chồn, sói, cầm thú tranh nhau mà ăn thân xác ấy, còn tâm thức người ấy liền sanh về cõi lành. Nhưng thật ra tâm thức ấy không có đi lại, cũng không có chỗ đến, chỉ là trước sau có chỗ giống nhau, nối tiếp nhau, tướng mạo chẳng khác. Lời nói như vậy cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai.
“Ca-diếp! Nay ta nói rằng ta có bệnh, cũng là như vậy, cũng là giáo pháp sâu kín của Như Lai. Cho nên ta sai bảo Văn-thù-sư-lợi rằng: ‘Nay ta đau nhức lưng. Các ông nên vì bốn chúng mà thuyết pháp.’
“Ca-diếp! Như Lai Chánh giác thật không có bệnh mà phải nằm nghiêng bên mặt, ngài cũng không buông hết tất cả mà vào Niết-bàn.
“Ca-diếp! Đại Niết-bàn ấy tức là thiền định thâm sâu của chư Phật. Thiền định như vậy chẳng phải là chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể làm được.
“Ca-diếp! Trước ông có hỏi: ‘Vì sao Như Lai nằm tựa chẳng dậy, chẳng đòi ăn uống, chẳng dạy bảo người nhà việc xây dựng sự nghiệp?’
“Ca-diếp! Tánh của hư không vốn không có ngồi dậy, đòi hỏi ăn uống, dạy bảo người nhà việc xây dựng sự nghiệp. Cũng không có sự đi lại, sanh diệt, già trẻ, hiện ra hay mất đi, thương tổn, bể nát, giải thoát, trói buộc. Cũng chẳng tự nói, chẳng nói kẻ khác. Cũng chẳng tự hiểu, chẳng hiểu kẻ khác, chẳng phải yên lành, chẳng phải bệnh hoạn...
“Thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn cũng vậy, dường như hư không. Làm sao có các loại bệnh khổ?
“Ca-diếp! Thế gian có ba loại bệnh nặng khó trị: một là phỉ báng Đại thừa, hai là phạm Năm tội nghịch, ba là nhất-xiển-đề. Ba loại bệnh ấy là nặng nhất trong đời, chẳng phải sức của Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát có thể liệu trị nổi.
“Thiện nam tử! Ví như người có bệnh nhất định phải chết thì khó mà trị được. Dù có khám bệnh, chăm sóc tử tế, cho dùng thuốc thang; hoặc không khám bệnh, không chăm sóc, không cho dùng thuốc thang, bệnh ấy vẫn chắc chắn là không thể liệu trị. Nên biết rằng người bệnh ấy nhất định phải chết, không nghi ngờ gì nữa!
“Thiện nam tử! Ba loại người nói trên cũng vậy, dù cho các vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát có thuyết pháp hay không thuyết pháp [cho họ nghe] cũng không thể khiến họ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Ca-diếp! Ví như người bệnh, nếu được khám bệnh, chăm sóc tử tế, cho dùng thuốc thang, ắt có thể khỏi bệnh. Nếu không có ba việc ấy thì không thể khỏi bệnh. Hàng Thanh văn, Duyên giác cũng vậy, nhờ nương theo Phật, Bồ Tát, được nghe Chánh pháp rồi liền có thể phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; không thể không nhờ nghe Chánh pháp mà có thể phát tâm.
“Ca-diếp! Ví như có loại bệnh, dù có xem bệnh, chiều thuận theo ý, dùng thuốc thang, hoặc không xem bệnh, chiều thuận theo ý, dùng thuốc thang, cũng vẫn được khỏi bệnh. Có một hạng người cũng giống như vậy, dù gặp Thanh văn hay chẳng gặp Thanh văn, dù gặp Duyên giác hay chẳng gặp Duyên giác, dù gặp Bồ Tát hay chẳng gặp Bồ Tát, dù gặp Như Lai hay chẳng gặp Như Lai, dù được nghe Chánh pháp hay chẳng được nghe Chánh pháp, vẫn tự nhiên được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó là những người hoặc vì thân mình, hoặc vì thân người, hoặc vì sợ sệt, hoặc vì lợi dưỡng, hoặc vì nịnh bợ, hoặc vì dối gạt người khác mà sao chép kinh Đại Niết-bàn này, [lại hết lòng] thọ trì, đọc tụng, cung kính cúng dường, vì người khác mà giảng giải kinh này.
“Ca-diếp! Có năm hạng người tu tập kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này còn có chỗ sai lầm, chưa phải là Như Lai. Đó là năm hạng người nào?
“Một là những người cắt đứt ba mối trói buộc,[51] đạt được quả Tu-đà-hoàn, không đọa địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, còn tái sanh bảy lần trong cõi trời người, vĩnh viễn dứt trừ các nỗi khổ, vào nơi Niết-bàn. Ca-diếp! Đó gọi là hạng người thứ nhất còn có chỗ sai lầm. Hạng người ấy trong tương lai, trải qua tám vạn kiếp sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Hai là những người cắt đứt ba mối trói buộc, giảm dần tham, sân, si, đạt được quả Tư-đà-hàm, gọi là Nhất vãng lai,[52] vĩnh viễn dứt trừ các nỗi khổ, vào nơi Niết-bàn. Ca-diếp! Đó gọi là hạng người thứ nhì còn có chỗ sai lầm. Hạng người ấy trong tương lai, trải qua sáu vạn kiếp sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Ba là những người cắt đứt năm mối trói buộc,[53] đạt được quả A-na-hàm, chẳng còn trở lại cõi này, vĩnh viễn dứt trừ các nỗi khổ, vào nơi Niết-bàn. Đó gọi là hạng người thứ ba còn có chỗ sai lầm. Hạng người ấy trong tương lai, trải qua bốn vạn kiếp sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Bốn là những người dứt tuyệt tham dục, sân khuể, ngu si, đạt được quả A-la-hán, không còn phiền não, vào nơi Niết-bàn, nhưng chưa thành tựu hạnh kỳ lân đứng riêng một mình. Đó gọi là hạng người thứ tư còn có chỗ sai lầm. Hạng người ấy trong tương lai, trải qua hai vạn kiếp sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Năm là những người dứt tuyệt tham dục, sân khuể, ngu si, thành tựu quả Phật Bích chi, không còn phiền não, vào nơi Niết-bàn. Người ấy thật đã thành tựu hạnh kỳ lân đứng riêng một mình. Đó gọi là hạng người thứ năm còn có chỗ sai lầm. Hạng người ấy trong tương lai, trải qua một vạn kiếp sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Ca-diếp! Đó gọi là năm hạng người còn có chỗ sai lầm, chẳng phải là Như Lai.”
[28] Giới độ: tức Thi ba-la-mật, hay Thi-la ba-la-mật, tức Giới ba-la-mật, hay Trì giới ba-la-mật, cũng gọi là Giới độ.
[29] Tam-ma-bạt-đề, tức là Tam-muội, cũng đọc là Tam-ma-đề hay Tam-ma-địa, Hán dịch nghĩa là Thiền định hay Đại định, chỉ pháp tu đạt đến chỗ thân và tâm không còn xao động, dứt hết vọng tưởng, tà kiến, thể nhập Pháp thân của chư Phật.
[30] Các pháp tu chánh cần, tức Tứ chánh cần, cũng gọi là Bốn tinh tấn, bao gồm: 1. Tinh tấn trừ bỏ các điều ác chưa sanh khởi; 2. Tinh tấn vượt qua những điều ác đã sanh khởi; 3. Tinh tấn phát huy các điều thiện đã có; 4. Tinh tấn làm cho các điều thiện phát sanh. Tu tập Bốn chánh cần cũng chính là Chánh tinh tấn trong Bát chánh đạo.
[31] Bậc Voi chúa trong loài người: chỉ các vị Đại Bồ Tát, đều là những vị kiệt xuất nhất trong loài người.
[32] A-già-đà, dịch nghĩa là phổ khứ, là loại thuốc có công hiệu phòng ngừa và điều trị được mọi thứ bệnh, mọi thứ chất độc.
[33] Na-do-tha, con số đo lường rất lớn, có người nói là vạn ức, có người nói là ngàn ức, hoặc ngàn vạn ức. Đây nên hiểu là một con số tượng trưng rất lớn.
[34] Chín mươi lăm bọn ngoại đạo: chỉ tất cả các giáo phái ngoại đạo vào thời đức Phật. Nhiều bản luận giải về sau cũng căn cứ vào đây khi nói về chúng ngoại đạo thời đức Phật.
[35] Mười sức: Ở đây chỉ Thập lực của Phật.
[36] Kết già: nói đủ là kết già phu tọa, là cách ngồi theo tư thế tréo chân, vững chãi như hoa sen, nên cũng gọi là dũng kiện tọa hay liên hoa tọa. Dân gian quen gọi là ngồi xếp bằng. Đây là cách ngồi được áp dụng trong tất cả các pháp môn của đạo Phật, dù là Tiểu thừa hay Đại thừa, Tịnh độ hay Thiền tông, khi hạ thủ công phu trước hết đều phải dùng đến cách ngồi an ổn này. Nếu cả hai chân đều giao nhau thì là toàn già tọa; nếu chân này gác trên chân kia thì gọi là bán già tọa. Có hai cách áp dụng phổ biến: 1. Trước hết đặt chân phải trên đùi trái, sau đó đặt chân trái trên đùi phải, hai lòng bàn chân ngửa lên, nằm trên hai bắp vế, lòng bàn tay cũng ngửa lên, tay trái đặt trên tay phải. Cách ngồi này gọi là Hàng ma tọa. Các tông Thiên Thai, Thiền tông... và đa số các tông Hiển giáo đều theo cách ngồi này. 2. Trước hết đặt chân trái trên đùi phải, sau đó đặt chân phải trên đùi trái, lòng bàn tay phải đặt trên lòng bàn tay trái, tất cả bàn tay và bàn chân đều ngửa lên. Cách ngồi này gọi là Cát tường tọa. Mật tông gọi là Liên hoa tọa.
[37] Theo tướng pháp của Ấn Độ thời cổ thì tất cả các bậc thánh nhân (đại nhân) đều có đủ 32 tướng tốt, không chỉ riêng đức Phật. Trong kinh Kim cang đức Phật cũng từng dạy rằng, không thể dùng 32 tướng tốt để xác định đó là Phật hay không phải Phật.
[38] Tưởng địa ngục, còn gọi là Đẳng hoạt địa ngục, là cõi địa ngục mà tội nhân bị khổ sở đến mức tưởng như mình đã chết, rồi nhờ có gió lạnh thổi đến mà sống lại.
[39] Theo đơn vị đo lường thời cổ thì mỗi tầm có thể vào khoảng 2,64 mét.
[40] Sáu cảnh trời thuộc Dục giới (Dục giới Lục thiên): 1. Tứ thiên vương thiên, 2. Đao-lợi thiên (Tam thập tam thiên), 3. Dạ ma thiên, 4. Đâu-suất thiên 5. Hóa lạc thiên 6. Tha hóa tự tại thiên.
[41] Ấm, giới, nhập: Ba yếu tố hiện hữu ở mọi chúng sanh. Ấm là năm ấm (hay năm uẩn): sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhập là mười hai nhập: sáu căn nhập với sáu trần, sáu trần nhập với sáu căn. Giới là mười tám giới: sáu căn, sáu trần, sáu thức. Ấm, nhập, giới tức là thân tâm của chúng sanh.
[42] Bốn thánh đế, hay Tứ thánh đế, Tứ đế, là giáo pháp về bốn chân lý về đời sống do Phật thuyết dạy, bao gồm Khổ đế, Tập khổ đế, Diệt khổ đế và Đạo đế.
[43] Tứ quả, hay Tứ thánh quả: 1.Tu-đà-hoàn, 2.Tư-đà-hàm, 3. A-na-hàm, 4. A-la-hán. Thanh văn thừa xem quả vị thứ tư, quả A-la-hán là cao nhất, là cảnh giới giải thoát cuối cùng, Niết-bàn của người tu tập.
[44] Vô thượng Chánh giác Lưỡng túc Tôn: danh hiệu tôn xưng đức Phật. Vô thượng: cao trổi hơn hết. Chánh giác: bậc giác ngộ chân chánh. Lưỡng túc tôn: bậc đáng tôn trọng vì có đủ hai mặt phước và trí.
[45] Cồ-đàm (Gautama): Một tên gọi khác của đức Phật Thích-ca, đặc biệt những người ngoại đạo thời ấy thường gọi ngài là sa-môn Cồ-đàm.
[46] Phật thứ bảy: Từ Phật Thích-ca về trước có bảy đức Phật ra đời, mà ngài là vị thứ bảy: 1. Phật Tỳ-bà-thi, 2. Phật Thi-khí, 3. Phật Tỳ-xá-phù, 4. Phật Ca-la-ca-tôn-đại, 5. Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, 6. Phật Ca-Diếp, 7. Phật Thích-Ca Mâu-Ni.
[47] Trời Tịnh cư: gồm năm cảnh trời là Vô tưởng thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến thiên và Sắc cứu cánh thiên. Những vị đắc quả thứ ba, quả A-na-hàm, sau khi xả bỏ thân mạng thì thần thức sanh lên cảnh trời Tịnh-cư, ở đó cho đến khi nhập Niết-bàn.
[48] Thân hoàng môn: Hoàng môn là những quan hoạn mặc áo vàng trong cung cấm của vua, là những người đã tự thiến mất dương vật. Thân hoàng môn là thân người nam nhưng chẳng phải nam giới, vì không có dương vật.
[49] Không căn, hai căn: Những người có bộ phận sanh dục bất thường, hoặc không có dương vật, hoặc dương vật rất nhỏ, hoặc có cả dương vật lẫn âm vật nhưng cả hai đều nhỏ khác thường.
[50] Thương chủ: Người dẫn đầu một đoàn người đi buôn bán bằng đường bộ hoặc đường thủy.
[51] Ba kết (Tam kết), hoặc Ba kết phược (Tam kết phược), là ba mối trói buộc: 1. Kiến kết, hay Thân kiến: trói buộc bởi cái thân, bản ngã, chấp có mình dựa trên thân thể (ngã kiến); 2. Giới thủ kết hay Giới cấm thủ kiến: trói buộc do giữ theo tà giới, hoặc quá cố chấp vào giới luật; 3. Nghi kết, hay Nghi kiến: trói buộc do nghi ngờ Chánh pháp, chân lý.
[52] Nhất vãng lai, hay Nhất lai, nghĩa là còn một lần tái sanh.
[53] Ngũ hạ kết: Năm mối trói buộc chúng sanh, khiến họ ở nơi Dục giới. Đó là: Ba trói buộc đã nói trên: Thân kết, Giới cấm thủ kết và Nghi kết, thêm hai điều nữa là: 1. Tham kết: trói buộc do lòng tham lam; 2. Sân kết: trói buộc do lòng sân hận.