KINH DUY-MA-CẬT
Đoàn Trung Còn
Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội 2009
KINH DUY-MA-CẬT
QUYỂN THƯỢNG
Phẩm thứ nhất
Cõi Phật
Tôi nghe như thế này: Một thuở nọ, đức Phật ngự tại thành Tỳ-da-ly, trong vườn
cây Am-la với chúng đại tỳ-kheo là tám ngàn người, Bồ Tát là ba mươi hai ngàn
vị mà ai ai cũng đều biết đến, đều đã thành tựu về đại trí và bổn hạnh. Oai
thần mà chư Phật đã gầy dựng được, chư Bồ Tát ấy nương vào đó mà hộ vệ thành
trì đạo pháp. Các ngài thọ lãnh giữ gìn Chánh pháp, có thể thuyết pháp hùng hồn
như tiếng sư tử rống, danh tiếng các ngài bay khắp mười phương. Chẳng đợi sự
thỉnh cầu giúp đỡ mà các ngài tự mang sự an ổn đến cho mọi người. Các ngài tiếp
nối làm hưng thạnh Tam bảo, khiến cho lưu truyền chẳng dứt.
Hàng phục ma oán, chế ngự các ngoại đạo, các ngài đã trở nên thanh tịnh, lìa
hẳn các phiền não che phủ quấn quít, lòng hằng trụ yên nơi giải thoát vô ngại,
niệm, định, tổng trì, tài biện thuyết chẳng gián đoạn. Các ngài có đầy đủ những
đức: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ và sức phương
tiện. Các ngài đạt tới mức tự thấy mình không chứng đắc chi cả, chẳng cần khởi
lòng nhẫn nhịn đối với mọi sự việc mà biết tùy thuận căn cơ của chúng sinh để
quay bánh xe Pháp chẳng thối lui. Các ngài biết rõ tướng trạng các pháp, hiểu
được căn tánh chúng sinh. Các ngài bao trùm khắp đại chúng, đạt đến chỗ an ổn không
sợ sệt.
Các ngài tu tâm mình bằng công đức trí huệ. Những tướng chánh quý và những
tướng phụ tốt tô điểm thân thể, làm cho dung sắc hình tượng các ngài đẹp đẽ bậc
nhất. Các ngài chê bỏ mọi món trang sức tốt đẹp của thế gian. Danh tiếng của
các ngài rất cao xa, vượt khỏi núi Tu-di. Đức tin của các ngài sâu vững như kim
cang. Chánh pháp quý giá của các ngài soi sáng khắp nơi và tuôn xuống như mưa
cam-lộ. Tiếng nói của các ngài vi diệu đệ nhất.
Các ngài thấu nhập sâu xa tới chỗ phát khởi của nhân duyên, chặt đứt các ý kiến
tà vạy và ý kiến thiên lệch về hai bên, chẳng nghiêng về chấp có hoặc chấp
không. Các ngài không còn những thói quen xấu. Các ngài diễn giảng pháp giáo
một cách hùng hồn không sợ sệt, dường như tiếng sư tử rống. Tiếng giảng thuyết
của các ngài vang dội như sấm dậy, không thể đong lường, quá số đong lường.
Những điều quý giá mà các ngài thâu góp được trong Chánh pháp nhiều như châu
báu mà một vị hải đạo sư tìm được ở biển cả. Các ngài thấu rõ nghĩa lý sâu xa
huyền diệu của các pháp. Các ngài biết rành chỗ đã qua và chỗ sẽ đến của chúng
sinh, cùng mọi manh động trong tâm ý của họ. Các ngài gần tới mức huệ tự tại
của Phật mà không ai sánh bằng. Huệ ấy bao gồm những đức như: mười trí lực,
lòng chẳng sợ, mười tám món công đức vượt trên hàng nhị thừa. Các ngài đã đóng
kín hết các đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nhưng tự mình thị hiện sinh
sống trong năm đường: cõi trời, cõi người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Làm
bậc đại y vương, các ngài trị lành các thứ bệnh. Tùy bệnh mà cho thuốc, các
ngài khiến người ta được lành mạnh.
Các ngài đều thành tựu vô lượng công đức. Vô lượng cõi Phật đều được các ngài
làm cho trang nghiêm, thanh tịnh. Những ai nghe biết đến các ngài, thảy đều
được lợi ích. Những việc mà các ngài làm đều mang lại lợi lạc cho chúng sinh.
Tất cả những công đức như vậy, các ngài đều có đầy đủ.
Danh hiệu của các ngài là: Bồ Tát Đẳng Quan, Bồ Tát Bất Đẳng Quan, Bồ Tát Đẳng
Bất Đẳng Quan, Bồ Tát Định Tự Tại Vương, Bồ Tát Pháp Tự Tại Vương, Bồ Tát Pháp
Tướng, Bồ Tát Quang Tướng, Bồ Tát Quang Nghiêm, Bồ Tát Đại Nghiêm, Bồ Tát Bảo
Tích, Bồ Tát Biện Tích, Bồ Tát Bảo Thủ, Bồ Tát Bảo Ấn Thủ, Bồ Tát Thường Cử
Thủ, Bồ Tát Thường Hạ Thủ, Bồ Tát Thường Thảm, Bồ Tát Hỷ Căn, Bồ Tát Hỷ Vương,
Bồ Tát Biện Âm, Bồ Tát Hư Không Tạng, Bồ Tát Chấp Bảo Cự, Bồ Tát Bảo Dũng, Bồ
Tát Bảo Kiến, Bồ Tát Đế Võng, Bồ Tát Minh Võng, Bồ Tát Vô Duyên Quan, Bồ Tát
Huệ Tích, Bồ Tát Bảo Thắng, Bồ Tát Thiên Vương, Bồ Tát Hoại Ma, Bồ Tát Điện
Đức, Bồ Tát Tự Tại Vương, Bồ Tát Công Đức Tướng Nghiêm, Bồ Tát Sư Tử Hống, Bồ
Tát Lôi Âm, Bồ Tát Sơn Tướng Kích Âm, Bồ Tát Hương Tượng, Bồ Tát Bạch Hương Tượng,
Bồ Tát Thường Tinh Tấn, Bồ Tát Bất Hưu Tức, Bồ Tát Diệu Sinh, Bồ Tát Hoa
Nghiêm, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đắc Đại Thế, Bồ Tát Phạm Võng, Bồ Tát Bảo
Trượng, Bồ Tát Vô Thắng, Bồ Tát Nghiêm Độ, Bồ Tát Kim Kế, Bồ Tát Châu Kế, Bồ
Tát Di-lặc, Bồ Tát Pháp vương tử Văn-thù Sư-lỵ... Những Bồ Tát như vậy là ba
mươi hai ngàn vị.
Lại có mười nghìn Phạm Thiên Vương, như Phạm vương Thi Khí..., từ các cõi Tứ
thiên hạ khác đến nơi Phật ngự để nghe pháp. Lại có một mười hai ngàn vị thiên
đế, cũng từ các cõi Tứ thiên hạ khác đến dự pháp hội. Cũng có cả chư thiên oai
đức lớn, long thần, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la,
ma-hầu-la-già, thảy đều đến ngồi nơi pháp hội.
Lúc ấy, Phật vì đại chúng vô lượng trăm ngàn người cung kính bao quanh mà
thuyết pháp, như núi chúa Tu-di hiện rõ trên biển cả, Ngài ngồi yên trên tòa sư
tử nghiêm sức bởi các báu, che mờ tất cả đại chúng đến dự pháp hội.
Lúc bấy giờ, trong thành Tỳ-da-ly có một chàng con nhà trưởng giả, tên là Bảo
Tích, cùng năm trăm chàng con nhà trưởng giả khác, thảy đều cầm những lọng bảy
báu, đến nơi Phật ngự, đầu và mặt làm lễ sát chân Phật. Mỗi chàng đều đem lọng
của mình mà cúng dường Phật. Oai thần của Phật khiến cho các lọng báu hiệp
thành một cái lọng duy nhất, che trùm cả thế giới tam thiên đại thiên. Trọn
tướng rộng dài của thế giới này đều hiện đủ trong cái lọng ấy. Lại nữa, các núi
Tu-di, Tuyết sơn, Mục-chân-lân-đà, Ma-ha Mục-chân-lân-đà, Hương sơn, Hắc sơn,
Thiết vi, Đại thiết vi, cùng với biển cả, sông cái, sông con, rạch, suối,
nguồn, cùng mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, thiên cung, long cung, cung điện của
các tôn thần thuộc thế giới tam thiên đại thiên này thảy đều hiện ra trong lọng
báu ấy. Lại nữa, chư Phật mười phương, chư Phật đang thuyết pháp cũng hiện ra
trong lọng báu ấy.
Lúc ấy, tất cả đại chúng thấy sức thần của Phật, đều khen là chưa từng có. Cùng
nhau chắp tay lễ Phật, chiêm ngưỡng vẻ mặt của Phật, mắt chẳng xao lãng. Chàng
Bảo Tích, con nhà trưởng giả, liền đối trước Phật tụng kệ rằng:
Mắt trong, dài, rộng như sen xanh,
Lòng sạch qua khỏi các thiền định,
Tịnh nghiệp chứa lâu, lường không xiết,
Dùng tịch dắt chúng, đáng đảnh lễ!
Đã thấy Đại thánh dùng Thần biến,
Hiện vô lượng cõi khắp mười phương,
Chư Phật thuyết pháp các cõi ấy,
Ở đây ai nấy đều nghe thấy.
Pháp lực Pháp vương vượt quần sinh,
Thường đem của pháp thí tất cả,
Có tài phân biệt tướng các pháp,
Đối Đệ nhất nghĩa, chẳng động chuyển.
Đối với các pháp được tự tại,
Cho nên đảnh lễ Pháp vương này.
Nói pháp chẳng có cũng chẳng không,
Các pháp do nhân duyên mà sinh.
Không ta, không tạo, không người thọ,
Nghiệp lành, nghiệp dữ cũng chẳng mất.
Trước dẹp ma tại cội Bồ-đề,
Đắc Diệt cam-lộ, thành giác đạo.
Đã không tâm ý, không thọ hành,
Mà tồi phục hết các ngoại đạo.
Ba Chuyển pháp luân ở đại thiên,
Pháp ấy xưa nay thường trong sạch:
Trời, người đắc đạo, đó là chứng,
Tam bảo lúc ấy hiện thế gian.
Đem diệu pháp ấy cứu quần sinh,
Thọ rồi, chẳng thối, thường tịch nhiên,
Đại y vương độ lão, bệnh, tử,
Nên lễ Pháp hải đức vô biên.
Chê, khen chẳng động, như Tu-di,
Người lành, kẻ dữ, Phật thương đều,
Lòng hành bình đẳng như hư không,
Ai nghe Nhân bảo chẳng kính vâng?
Nay hiến Thế Tôn lọng báu này,
Cõi thế giới ta hiện trong ấy:
Cung điện các vị trời, rồng, thần,
Càn-thát-bà với cung dạ-xoa,
Mọi vật thế gian thấy trong đó.
Thập lực phương tiện biến hóa ấy,
Thấy việc ít có, chúng khen Phật.
Nay ta đảnh lễ Tam giới tôn,
Đại thánh Pháp vương: chỗ chúng theo,
Tâm tịnh nhìn Phật, ai chẳng vui?
Thảy thấy Thế Tôn trước mặt mình,
Thần lực của Ngài chẳng ai bằng.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Chúng sinh loài nào cũng hiểu được,
Họ bảo: Thế Tôn nói tiếng mình,
Như vậy, thần lực chẳng ai bằng.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Chúng sinh ai nấy tùy chỗ hiểu,
Thảy được thọ, hành, thâu lợi ích,
Như vậy, thần lực chẳng ai bằng.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Kẻ nghe sợ sệt hoặc vui vẻ,
Hoặc sinh chán lìa, hoặc dứt nghi,
Như vậy, Thần lực chẳng ai bằng.
Đảnh lễ Thập lực đại tinh tấn.
Đảnh lễ Bậc đắc không sợ sệt.
Đảnh lễ Bậc trụ Bất cộng pháp.
Đảnh lễ Thầy lớn dắt tất cả.
Đảnh lễ Bậc dứt các trói buộc.
Đảnh lễ Bậc tới bờ bên kia.
Đảnh lễ Bậc độ các thế gian.
Đảnh lễ Bậc lìa đường sinh tử.
Biết rõ tướng lai khứ chúng sinh,
Hiểu rành các pháp được giải thoát,
Chẳng nhiễm thế gian, như hoa sen,
Thường khéo vào nơi hạnh không tịch,
Thấu các tướng pháp, không trở ngại,
Đảnh lễ Như Không, chẳng dựa đâu.
Lúc ấy, chàng Bảo Tích tụng những câu kệ ấy rồi, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn!
Năm trăm chàng con nhà trưởng giả đây, thảy đều đã phát tâm A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề, nay muốn nghe việc được quốc độ thanh tịnh của Phật. Xin
đức Thế Tôn giảng thuyết các hạnh tịnh độ của chư Bồ Tát.”
Phật dạy: “Lành thay, Bảo Tích! Ông đã vì chư Bồ Tát hỏi Như Lai về hạnh tịnh
độ. Hãy lắng nghe, lắng nghe! Hãy suy nghĩ cho kỹ. Ta sẽ vì ông mà giảng
thuyết.”
Lúc ấy, Bảo Tích và năm trăm chàng con nhà trưởng giả vâng lời dạy ngồi nghe.
Phật dạy Bảo Tích rằng: “Các loài chúng sinh là cõi Phật của Bồ Tát. Tại sao
vậy? Bồ Tát tùy theo chỗ giáo hóa chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy theo chỗ
điều phục chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi nước
nào để vào trí huệ Phật mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi
nước nào để phát khởi căn Bồ Tát mà giữ lấy cõi Phật. Tại sao vậy? Bồ Tát giữ
lấy cõi nước thanh tịnh là vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh. Tỷ như người ta
muốn tạo lập cung điện nhà cửa trên đất trống thì tùy ý mà tạo lập, không chi
trở ngại. Nhưng nếu muốn xây cất nơi hư không thì không thể được. Bồ Tát cũng
vậy, vì muốn giúp cho chúng sinh được thành tựu, cho nên nguyện giữ lấy cõi
Phật. Việc nguyện giữ lấy cõi Phật đó, chẳng phải là việc xây cất nơi hư không.
Bảo Tích! Nên biết rằng: Tâm ngay thẳng là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi
Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh chẳng nịnh bợ sinh về nước ấy. Tâm sâu vững
là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh đầy
đủ công đức sinh về nước ấy. Tâm bồ-đề là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi
Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh Đại thừa sinh về nước ấy. Bố thí là cõi
nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh có thể bỏ
tất cả sinh về nước ấy. Trì giới là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát
thành Phật, những chúng sinh làm mười việc lành tròn nguyện sinh về nước ấy.
Nhẫn nhục là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, chúng sinh
được trang nghiêm bởi ba mươi hai tướng tốt sinh về nước ấy. Tinh tấn là cõi nước
thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh siêng tu tất cả
công đức sinh về nước ấy. Thiền định là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ
Tát thành Phật, những chúng sinh giữ tâm chẳng loạn sinh về nước ấy. Trí huệ là
cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh chánh
định sinh về nước ấy.
Bốn tâm vô lượng là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật,
những chúng sinh thành tựu các đức từ, bi, hỷ, xả sinh về nước ấy. Bốn pháp
thâu nhiếp là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những
chúng sinh thoát khỏi chỗ nắm giữ sinh về nước ấy. Phương tiện là cõi nước
thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh đối với tất cả
các pháp tùy nghi vô ngại sinh về nước ấy. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là cõi nước
thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh có Bốn niệm xứ,
Bốn chánh cần, Bốn thần túc,(2) Năm căn,(3) Năm sức,(4) Bảy thánh giác,(5) Tám
chánh đạo(6) sinh về nước ấy. Tâm hồi hướng là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát,
khi Bồ Tát thành Phật, ngài được quốc độ đầy đủ tất cả công đức. Thuyết trừ tám
nạn là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước ấy không
có Ba ác, Tám nạn.(7) Tự mình giữ giới hạnh, chẳng chê kẻ khác lỗi lầm là cõi
nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước ấy không nghe đến
chuyện phạm cấm. Mười điều thiện là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát
thành Phật, mạng sống không ngắn ngủi, chết yểu, những chúng sinh giàu có, giới
hạnh trong sạch, nói lẽ thành thật, thường dùng lời êm ái, quyến thuộc chẳng
chia lìa, khéo hòa việc tranh tụng, nói lời có ích, chẳng tham, chẳng sân,
chẳng si sinh về nước ấy.
Bảo Tích! Như vậy, Bồ Tát tùy lòng ngay thẳng mà khởi làm. Tùy chỗ khởi làm mà
được lòng sâu vững. Tùy lòng sâu vững mà tâm ý được điều phục. Tùy chỗ điều
phục tâm ý mà làm được theo đúng như thuyết dạy. Tùy chỗ làm theo đúng như
thuyết dạy mà có thể hồi hướng. Tùy chỗ hồi hướng mà có sức phương tiện. Tùy
sức phương tiện mà giúp cho chúng sinh được thành tựu. Tùy chỗ thành tựu cho
chúng sinh mà được cõi Phật thanh tịnh. Tùy cõi Phật thanh tịnh mà thuyết pháp
thanh tịnh. Tùy chỗ thuyết pháp thanh tịnh mà trí huệ được thanh tịnh. Tùy trí
huệ thanh tịnh mà tâm được thanh tịnh. Tùy tâm được thanh tịnh mà tất cả công
đức đều thanh tịnh.
Bảo Tích! Cho nên, nếu Bồ Tát muốn được cõi nước thanh tịnh hãy làm cho tâm
thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh, ắt cõi Phật thanh tịnh.
Lúc ấy, nương oai thần của Phật, Xá-lỵ-phất có ý nghĩ này: “Nếu như tâm của Bồ
Tát thanh tịnh, ắt cõi Phật thanh tịnh. Như vậy, phải chăng đức Thế Tôn của
chúng ta khi còn làm Bồ Tát tâm ý chẳng thanh tịnh nên cõi nước của ngài nay
mới chẳng được thanh tịnh như thế này?
Phật biết được ý nghĩ ấy, bảo Xá-lỵ-phất rằng: “Ý ông thế nào, mặt trời, mặt
trăng há chẳng sáng hay sao mà kẻ mù chẳng thấy hai vầng ấy?”
Xá-lỵ-phất thưa: “Thế Tôn! Chẳng phải vậy. Đó là lỗi ở kẻ mù, chẳng phải lỗi ở
mặt trời, mặt trăng.”
“Xá-lỵ-phất! Do tội của chúng sinh, nên họ chẳng thấy quốc độ của Như Lai trang
nghiêm thanh tịnh, chẳng phải lỗi của Như Lai. Xá-lỵ-phất! Cõi đất này của ta
là thanh tịnh, nhưng ông chẳng thấy được như vậy.”
Lúc ấy, Phạm Vương Loa Kế bảo Xá-lỵ-phất: “Đừng nghĩ như vậy, cho rằng cõi Phật
này là không thanh tịnh. Vì sao vậy? Ta thấy rằng cõi Phật của đức Thích-ca
Mâu-ni là thanh tịnh như cung trời Tự tại.”
Xá-lỵ-phất nói: “Tôi chỉ thấy cõi này toàn là gò nổng, hầm hố, gai gốc, sỏi
sạn, núi đất, núi đá, dẫy đầy mọi nhơ nhớp xấu xa.”
Phạm Vương Loa Kế nói: “Lòng của nhân giả có cao thấp, chẳng y theo trí huệ
Phật. Vậy nên ông thấy cõi này là không thanh tịnh. Xá-lỵ-phất! Bồ Tát giữ lẽ
bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, lòng dạ sâu vững thanh tịnh, y theo trí
huệ Phật, ắt thấy cõi Phật này là thanh tịnh.”
Lúc ấy, Phật dùng ngón chân mà nhấn xuống đất. Tức thời, cõi thế giới tam thiên
đại thiên này được nghiêm sức bởi trăm ngàn thứ trân bảo, cũng giống như cõi vô
lượng công đức trang nghiêm của đức Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng đều
khen rằng: “Chưa từng có!” Và ai nấy đều tự thấy mình được ngồi trên tòa sen
báu.
Phật hỏi Xá-lỵ-phất: “Ông nhìn thấy cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh rồi chứ?”
Xá-lỵ-phất bạch rằng: “Dạ, Thế Tôn! Từ trước con chưa từng được thấy, chưa từng
được nghe như thế này. Nay, quốc độ nghiêm tịnh của Phật đã hiện.”
Phật bảo Xá-lỵ-phất: “Cõi Phật độ của ta thường thanh tịnh như vậy. Nhưng vì
muốn độ những kẻ thấp kém ở đây, cho nên ta thị hiện ra cõi bất tịnh với mọi
thứ nhơ xấu.
“Ví như chư thiên cùng ăn cơm đựng trong chén bát quý báu, nhưng tùy theo phước
đức của họ mà hình sắc của cơm có khác. Xá-lỵ-phất! Cũng vậy đó, nếu lòng người
ta tịnh, liền thấy được những công đức trang nghiêm của cõi này.”
Trong khi Phật hiện ra cõi nước trang nghiêm thanh tịnh, năm trăm chàng con nhà
trưởng giả do Bảo Tích dẫn dắt đều đắc Vô sinh pháp nhẫn. Tám mươi bốn ngàn
người trong hội đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Phật lấy ngón chân thần lên, thế giới liền trở lại như cũ. Ba mươi hai ngàn chư
thiên và những người cầu Thanh văn thừa hiểu ra được rằng các pháp hữu vi là vô
thường, liền xa trần cảnh, lìa cấu nhiễm, được Pháp nhãn tịnh. Tám ngàn vị
tỳ-kheo chẳng thọ nạp các pháp, dứt phiền não rỉ chảy, tâm ý được giải thoát.
Phẩm thứ hai
Phương tiện
Lúc ấy, trong thành lớn Tỳ-da-ly có một vị trưởng giả tên là Duy-ma-cật. Ấy là
người đã từng cúng dường vô lượng các đức Phật, trồng sâu căn lành; được đức
nhẫn vô sinh, biện tài vô ngại, du hí thần thông, nắm được các phép tổng trì,
đạt được pháp vô sở úy; hàng phục chúng ma, vỗ về những kẻ oán hờn; đã vào được
pháp môn sâu xa vi diệu, giỏi về phép trí huệ, thông đạt phương tiện; thành tựu
nguyện lớn, biết rõ chỗ xu hướng trong tâm của mỗi chúng sinh, phân biệt được
những căn tánh lanh lợi hoặc chậm lụt. Đối với đạo Phật, từ lâu trong tâm ngài
đã thuần thục, chí quyết về Đại thừa. Mỗi khi làm việc chi, ngài đều khéo suy xét,
liệu lường. Ngài trụ nơi oai nghi của Phật, lòng dạ rộng lớn như biển cả. Chư
Phật khen ngợi, những đệ tử là Đế-thích và Phạm vương, chúa cõi thế giới đều
kính trọng ngài.
Vì muốn cứu độ chúng nhân nên ngài dùng phương tiện khéo cư ngụ tại thành
Tỳ-da-ly. Dùng tài sản nhiều không kể xiết, ngài nhiếp phục những kẻ nghèo;
dùng giới luật thanh tịnh, ngài nhiếp phục những kẻ phạm giới cấm; dùng nhẫn
nhục nhu hòa, ngài nhiếp phục những kẻ hay nóng giận; dùng sức tinh tấn mạnh
mẽ, ngài nhiếp phục những kẻ lười nhác, giải đãi; dùng nhất tâm thiền tịnh,
ngài nhiếp phục những kẻ tâm ý tán loạn; dùng trí huệ chắc quyết, ngài nhiếp
phục những kẻ vô trí.
Tuy là cư sĩ, nhưng ngài kính giữ luật hạnh thanh tịnh của bậc sa-môn. Tuy ở
tại nhà, nhưng ngài chẳng vướng vào ba cõi. Thị hiện có vợ con, nhưng ngài
thường tu hạnh thanh tịnh. Thị hiện có quyến thuộc, nhưng ngài thường thích rời
xa. Tuy phục sức đồ quý báu nhưng ngài cốt dùng các tướng tốt để trang nghiêm
thân mình. Tuy vẫn ăn uống, nhưng ngài lấy niềm vui hành thiền làm món ăn ngon.
Nếu có đến nơi cờ bạc, ngài dùng nơi đó để hóa độ người. Mặc dầu thọ học đạo
khác, ngài chẳng chê bỏ chánh tín. Tuy hiểu rành sách vở thế gian, nhưng ngài
thường hâm mộ pháp Phật.
Thấy ai ngài cũng kính nhường, lấy sự cúng dường làm trọng. Nắm giữ Chánh pháp,
ngài nhiếp phục được kẻ lớn người nhỏ. Trong mọi cuộc cộng tác làm ăn, mặc dầu
thu được những món lợi thế tục, nhưng ngài không lấy đó làm vui. Dạo chơi nơi
ngả tư đường, ngài thường giúp ích cho chúng sinh. Dự vào việc chính trị, ngài
cứu hộ tất cả nhân dân. Vào nơi giảng luận, ngài đem Đại thừa mà dắt dẫn người
nghe. Vào chốn học đường, ngài khuyến dụ và khai hóa trẻ em. Vào chốn lầu xanh,
ngài chỉ rõ chỗ tội lỗi của sắc dục. Vào các quán rượu, ngài lập chí hướng
thiện cho những người ở đó.
Nếu ở tại nhóm trưởng giả, ngài được tôn trọng, bèn nói pháp cao trổi cho họ nghe.
Nếu ở tại nhóm cư sĩ, ngài được tôn trọng, bèn dứt mối tham trước của họ. Nếu ở
tại nhóm sát-lỵ, ngài được tôn trọng, bèn đem pháp nhẫn nhục mà giáo hóa họ.
Nếu ở tại nhóm bà-la-môn, ngài được tôn trọng, bèn dứt trừ lòng ngã mạn của họ.
Nếu ở tại nhóm đại thần, ngài được tôn trọng, bèn đem phép chính trị mà chỉ dạy
cho họ. Nếu ở tại nhóm vương tử, ngài được tôn trọng, bèn chỉ cho họ nết trung
nết hiếu. Nếu ở tại nhóm nội quan, ngài được tôn trọng, bèn dạy bảo cho các
cung nữ trở nên chính trực. Nếu ở trong hàng dân dã, ngài được tôn trọng, liền
khiến cho phước lực của họ được hưng thạnh.
Nếu ở tại cảnh Phạm thiên, ngài được các vị Phạm thiên tôn trọng, liền giáo hóa
các vị này về pháp trí huệ thắng diệu. Nếu ở tại cảnh trời Đế-thích, ngài được
chư thiên cảnh trời Đế-thích tôn trọng, liền thị hiện cuộc vô thường bại hoại.
Nếu ở cảnh trời Hộ thế, ngài được bốn vị Thiên vương Hộ thế tôn trọng, liền phò
hộ chúng sinh.
Trưởng giả Duy-ma-cật dùng vô số các phương tiện như vậy mà giúp ích cho chúng
sinh. Người cũng dùng phương tiện hiện ra thân mình có bệnh. Vì người đang
bệnh, nên các hàng quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, bà-la-môn cùng các
vương tử quan thuộc, vô số ngàn người đều đến thăm hỏi bệnh người.
Với những người đến thăm ấy, Duy-ma-cật nhân việc thân có bệnh mà thuyết pháp
rộng rãi với họ:
“Các nhân giả! Thân này là không thường tồn, không có sức mạnh, không bền chắc.
Nó là vật mau hư hoại, không thể tin vào nó được. Nó là khổ, là não, các bệnh
đều tụ tập vào nó.
“Các nhân giả! Như cái thân này đây, bậc minh trí không nương cậy vào nó được.
Thân này như bọt đọng mà người ta không thể sờ nắm. Thân này như bọt nổi, không
tồn tại lâu dài. Thân này như nháng lửa, nó do sự khát khao ái dục mà sinh ra.
Thân này như cây chuối, bên trong chẳng bền chắc gì. Thân này như món đồ ảo
thuật, do nơi sự xáo trộn mà khởi ra. Thân này như chiêm bao, thấy nó là hư
vọng chẳng thật. Thân này như cái bóng, nó theo nghiệp duyên mà hiện ra. Thân
này như tiếng dội, nó phụ thuộc các nhân duyên. Thân này như mây nổi, trong
phút chốc đã biến mất. Thân này như tia chớp, chẳng ở yên một phút nào!
“Thân này không chủ, cũng như đất. Thân này không phải ta, cũng như lửa. Thân
này không sống lâu, cũng như gió. Thân này không phải người, cũng như nước.
Thân này chẳng thật, nó lấy bốn đại: đất, nước, lửa, gió làm nhà. Thân này là
trống không, nó lìa ta và vật của ta. Thân này không biết chi hết; nó như cỏ,
cây, gạch, sỏi. Thân này không làm gì hết, nó bị sức gió chuyển dời. Thân này
là bất tịnh, dẫy đầy mọi nhơ nhớp xấu xa. Thân này là hư ngụy, dẫu nó có tạm
dùng những việc tắm, rửa, ăn mặc, nhưng rồi nó cũng mòn dứt mà thôi! Thân này
là tai hại, mang lấy một trăm lẻ một bệnh não. Thân này như gò đất, giếng nước,
nó bị cái già hiếp bức. Thân này không kiên định, có ngày phải chết. Thân này
như rắn độc, như kẻ cướp oán thù, như xóm nhà không người, các ấm, nhập, giới phối
hợp mà làm thành cái thân.
“Các nhân giả! Thân này đáng lo, đáng chán, mà nên ưa thích thân Phật. Tại sao
vậy? Thân Phật tức là Pháp thân, do vô lượng cúng dường trí huệ mà sinh ra; do
các pháp: giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến mà sinh ra; do những
đức từ, bi, hỷ, xả mà sinh ra; do các ba-la-mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục,
tinh tấn, thiền định, trí huệ mà sinh ra; do phương tiện mà sinh ra; do sáu
thần thông mà sinh ra; do ba minh(3) mà sinh ra; do ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà
sinh ra; do chỉ quán mà sinh ra; do mười sức, bốn vô sở úy,3 mười tám pháp bất
cộng mà sinh ra; do việc cắt đứt tất cả các pháp chẳng lành, nhóm họp tất cả
các pháp lành mà sinh ra; do chân thật mà sinh ra; do chẳng phóng dật mà sinh
ra. Do vô lượng pháp thanh tịnh như vậy mà thân Như Lai sinh ra.
“Các nhân giả! Muốn được thân Phật dứt hết các bệnh của chúng sinh, nên phát
tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”
Trưởng giả Duy-ma-cật thuyết pháp như vậy với những người thăm bệnh, khiến cho
vô số ngàn người đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Phẩm thứ ba
Đệ tử
Lúc ấy, trưởng giả Duy-ma-cật bệnh nằm trên giường, tự nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn
đại bi! Ngài há chẳng đoái thương con sao?”
Phật biết ý nghĩ ấy, liền bảo Xá-lỵ-phất: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm
hỏi bệnh người.”
Xá-lỵ-phất bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm
hỏi bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, khi con đang ở
trong rừng, ngồi yên dưới một cội cây. Bấy giờ, Duy-ma-cật đến bảo con rằng:
‘Dạ, thưa ngài Xá-lỵ-phất! Chẳng cần ngồi như vậy mà gọi là ngồi yên. Nếu ngồi
yên thì chẳng hiện thân và ý trong ba cõi, như vậy là ngồi yên. Chẳng khởi diệt
định mà hiện các oai nghi, như vậy là ngồi yên. Chẳng bỏ đạo pháp mà hiện việc
phàm phu, như vậy là ngồi yên. Đối với các kiến giải, tâm chẳng động, bèn tu
hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, như vậy là ngồi yên. Chẳng cắt đứt phiền não mà
vào Niết-bàn, như vậy là ngồi yên. Nếu ngồi được như vậy sẽ được Phật nhận cho
là tốt.’
“Thế Tôn! Lúc đó nghe xong mấy lời ấy, con lặng thinh chẳng đáp lại được. Vậy
nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy.”
Phật bảo Đại Mục-kiền-liên: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh người.”
Mục-liên bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm
bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, khi con vào thành lớn
Tỳ-da-ly, ở trong một ngõ xóm mà thuyết pháp với các cư sĩ. Bấy giờ, Duy-ma-cật
đến bảo con rằng: ‘Dạ, thưa ngài Đại Mục-liên! Có thuyết pháp với cư sĩ áo
trắng, chẳng nên thuyết như ngài vậy. Người thuyết pháp nên y như pháp mà
thuyết. Pháp không có chúng sinh, nên lìa khỏi cấu trược của chúng sinh. Pháp
không có ta, nên lìa khỏi cấu trược của ta. Pháp không có thọ mạng, nên lìa
khỏi sinh tử. Pháp không có người, nên dứt hết khoản trước và khoản sau. Pháp
thường yên lặng, nên dứt hết các tướng. Pháp lìa khỏi tướng, nên không có chỗ
duyên leo. Pháp không có danh tự, nên dứt hết ngôn ngữ. Pháp không có thuyết
diễn, nên lìa khỏi giác quan. Pháp không có hình tướng, nên giống như hư không.
Pháp không có hí luận, nên tất cánh là không. Pháp không có vật của ta, nên lìa
vật của ta. Pháp không có phân biệt, nên lìa khỏi các thức. Pháp không có chỗ
so sánh, nên không có sự đối đãi. Pháp chẳng do nơi nhân, nên chẳng ở tại
duyên. Pháp đồng tánh với nhau, nên thiệp nhập với các pháp. Pháp tùy theo lẽ
như như, nên không tùy theo đâu cả. Pháp trụ ở thực tế, nên các bên đều chẳng
khởi động. Pháp không có lay động, nên chẳng đeo theo sáu trần: hình sắc, âm
thanh, mùi ngửi, vị nếm, xúc cảm, các pháp. Pháp không có đi, không có lại, nên
thường chẳng trụ. Pháp thuận với không, tùy theo vô tướng, ứng với vô tác. Pháp
lìa khỏi tốt và xấu. Pháp không có thêm và bớt. Pháp không có sinh và diệt.
Pháp không có chỗ về. Pháp vượt khỏi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Pháp không
có cao và thấp. Pháp thường trụ chẳng động. Pháp lìa khỏi tất cả mọi sự quán
sát và hành đạo.
‘Thưa ngài, tướng pháp là như vậy, há thuyết diễn được sao? Này, người thuyết
pháp thì không nói, không chỉ. Kẻ nhận pháp thì không nghe, không đắc. Như nhà
ảo thuật thuyết pháp với người ảo hóa. Nên lập xong cái ý niệm ấy rồi mới
thuyết pháp. Nên hiểu rõ căn tánh lanh lợi hoặc chậm lụt của chúng sinh. Phải
thấy biết cho rành rẽ, không chi trở ngại. Đem lòng đại bi xưng tán Đại thừa.
Nhớ báo đáp ơn Phật, đừng dứt lìa Tam bảo. Được như vậy rồi, mới có thể thuyết
pháp.’
“Duy-ma-cật thuyết thời pháp ấy rồi, tám trăm cư sĩ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề. Con không có biện tài như thế. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận
việc đến đó thăm bệnh ông ấy.”
Phật bảo Đại Ca-diếp: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
Ca-diếp bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm
bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, khi con đi khất thực
trong một xóm nhà nghèo. Bấy giờ Duy-ma-cật đến bảo con rằng: ‘Dạ, thưa ngài
Đại Ca-diếp! Ngài có lòng từ bi, nhưng lại chẳng rộng khắp, ngài bỏ nhà giàu
sang để đến nhà nghèo hèn mà khất thực.
‘Thưa ngài, hãy trụ nơi pháp bình đẳng, theo thứ tự nhà cửa mà đi khất thực. Vì
chẳng ăn, mới nên đi khất thực. Vì bỏ tướng hòa hiệp, mới nên bốc lấy thức ăn.
Vì chẳng thọ nhận, mới nên thọ nhận đồ ăn ấy. Vì xem làng xóm như nơi không dân
cư, nên mới đi vào xóm làng. Chỗ thấy hình sắc với chỗ không nhìn thấy của kẻ
mù đều như nhau. Âm thanh nghe được với tiếng dội lại đều như nhau. Mùi ngửi
với gió đều như nhau. Những món mà mình ăn, mình chẳng phân biệt mùi vị. Thọ
cảm sự đụng cọ, dường như trí chứng. Hiểu biết các pháp như tướng ảo hóa: không
có tánh của mình, không có tánh của vật khác; xưa vốn chẳng cháy, nay cũng
không tắt.
‘Thưa ngài, nếu có thể chẳng bỏ tám tà vào tám giải thoát, dùng tướng tà mà vào
pháp chánh, đem một bữa ăn mà thí cho tất cả, cúng dường chư Phật với Hiền
Thánh Tăng, làm được như vậy rồi mới nên ăn. Người ăn như vậy, chẳng phải có
phiền não, chẳng phải lìa phiền não, chẳng phải vào định ý, chẳng phải ra định
ý, chẳng phải trụ thế gian, chẳng phải trụ Niết-bàn. Ai thí cho người ấy, không
có phước lớn, không có phước nhỏ, chẳng làm lợi ích, chẳng làm tổn hại. Đó là
vào Phật đạo một cách chánh trực, chẳng nương theo Thanh văn.
‘Thưa ngài, nếu mình ăn được như vậy là chẳng ăn luống của người ta thí.’
“Thế Tôn! Lúc ấy, nghe thuyết như vậy, con được việc chưa từng có! Liền đó, đối
với tất cả Bồ Tát, con khởi lòng kính trọng một cách sâu đậm. Con lại nghĩ
rằng: ‘Ông ấy có gia thế danh tiếng, nên trí huệ biện tài mới được như vậy. Ai
nghe mà chẳng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?’ Từ đó về sau, con chẳng
còn khuyên người ta theo hạnh Thanh văn và hạnh Bích chi Phật. Vậy nên con
chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy.”
Phật bảo Tu-bồ-đề: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, con có vào nhà ông ấy mà khất thực. Bấy giờ, Duy-ma-cật rước lấy bát, đơm đầy cơm, rồi nói với con rằng: ‘Dạ, thưa ngài Tu-bồ-đề! Nếu mình có thể coi các món ăn như nhau, thời các pháp cũng bình đẳng như nhau. Các pháp bình đẳng như nhau, thời các món ăn cũng bình đẳng như nhau. Nếu ngài khất thực được như vậy, mới có thể nhận lãnh món ăn. Như Tu-bồ-đề chẳng cắt dứt dâm, nộ, si, cũng chẳng chung cùng với ba thứ ấy. Chẳng bỏ cái thân, nhưng tùy theo cái tướng duy nhất. Chẳng dứt si ái, khởi ra giải thoát. Dùng năm tướng nghịch mà được giải thoát. Cũng chẳng có cởi mở, chẳng có trói buộc. Chẳng thấy bốn đế, chẳng phải chẳng thấy bốn đế. Chẳng phải đắc quả, chẳng phải chẳng đắc quả. Chẳng phải phàm phu, chẳng phải lìa pháp phàm phu. Chẳng phải thánh nhân, chẳng phải khác thánh nhân. Tuy thành tựu tất cả pháp, nhưng lìa khỏi tướng các pháp. Như vậy mới có thể nhận lãnh món ăn.’
‘Nếu Tu-bồ-đề chẳng gặp Phật, thời sáu thầy ngoại đạo kia: Phú-lan-na Ca-diếp, Mạt-già-lê Câu-xa-lê tử, Xan-xà-dạ Tỳ-la-đê tử, A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la, Ca-la-cưu-đà Ca-chiên-diên, Ni-kiền-đà Nhã-đề tử sẽ là thầy của ngài. Nhân ngài xuất gia theo họ, các thầy đọa lạc, ngài cũng theo đó mà đọa lạc. Như vậy mới có thể nhận lãnh món ăn.’
‘Nếu Tu-bồ-đề vào các ý kiến tà, chẳng tới bờ bên kia, ở nơi tám nạn, chẳng đặng khỏi nạn, đồng với phiền não, lìa pháp thanh tịnh. Ngài được Tam-muội Vô tranh. Tất cả chúng sinh cũng được phép định ấy. Những người thí cho ngài, chẳng phải là phước điền. Những kẻ cúng dường cho ngài, đọa vào ba nẻo dữ. Ngài bắt tay với chúng ma, làm bạn với ma. Ngài chẳng khác chi chúng ma và các phiền não trần lao. Ngài có lòng oán hận đối với tất cả chúng sinh. Ngài chê Phật, khinh Pháp, chẳng gia nhập Tăng-già, rốt cuộc chẳng vào Niết-bàn. Nếu ngài được như vậy, mới có thể nhận lãnh món ăn.’
“Bạch Thế Tôn! Lúc ấy nghe như vậy, con lấy làm hoang mang. Chẳng hiểu ông ấy nói gì, chẳng biết trả lời làm sao! Con liền đặt bát xuống, định ra khỏi nhà ông ấy.
“Duy-ma-cật nói: ‘Dạ, Tu-bồ-đề, xin ngài hãy cầm lấy bát, đừng sợ. Ý ngài nghĩ sao, như đức Như Lai có tạo ra những người ảo hóa, nếu tôi đem việc ấy mà hỏi ngài, ngài có sợ chăng?’ Con đáp lại: ‘Không sợ.’ Duy-ma-cật liền nói: ‘Tất cả các pháp dường như tướng ảo hóa, nay ngài không nên sợ chi cả. Tại sao vậy? Tất cả lời nói cũng chẳng lìa khỏi tướng ảo hóa ấy. Cho đến bậc trí giả cũng chẳng chấp trước văn tự. Cho nên không có chi phải sợ. Vì lẽ gì vậy? Tánh của văn tự là lìa. Không có văn tự, đó là giải thoát. Tướng của giải thoát, đó là các pháp.’
“Duy-ma-cật thuyết thời pháp ấy rồi, hai trăm vị tiên trên trời liền đắc Pháp nhãn tịnh. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”
Phật bảo Phú-lâu-na Di-đa-la-ni tử: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
Phú-lâu-na bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, khi con ở tại một khu rừng lớn, dưới một cội cây, thuyết pháp với những tỳ-kheo mới tu học. Bấy giờ, Duy-ma-cật đến bảo con rằng: ‘Dạ, thưa ngài Phú-lâu-na! Trước hết ngài nên nhập định, quán xét tâm tánh của những người này. Rồi đó, ông mới nên thuyết pháp. Đừng đặt món ăn dơ vào cái bát quý. Nên biết chỗ niệm tưởng trong tâm của những tỳ-kheo này. Đừng cho rằng ngọc lưu ly này đồng hàng với thủy tinh kia. Ông chẳng biết được căn cơ của chúng sinh, không được phát khởi bằng pháp Tiểu thừa. Tự người ta không có dấu vết, đừng gây thương tích cho họ. Người ta muốn đi đường lớn, đừng chỉ nẻo nhỏ cho họ. Đừng đem biển cả mà nhét vào dấu chân bò. Đừng đặt ánh sáng mặt trời ngang hàng với nháng lửa đom đóm.’
‘Thưa ngài Phú-lâu-na! Những tỳ-kheo này đã phát tâm Đại thừa từ lâu. Giữa chừng, họ quên ý ấy. Sao nay ngài dẫn dắt họ bằng pháp Tiểu thừa? Tôi nhìn thấy trí huệ Tiểu thừa là hạn hẹp, giống như những kẻ mù, chẳng phân biệt được căn lanh lợi với căn chậm lụt của tất cả chúng sinh.’
“Lúc ấy, Duy-ma-cật liền vào Tam-muội, khiến các tỳ-kheo ấy nhớ lại đời trước của mình. Các vị đã từng trồng căn lành đối trước năm trăm đức Phật, hồi hướng cầu thành quả Phật. Ngay khi ấy, các vị sáng bừng, lấy trở lại tấm lòng xưa của mình. Lúc đó, chư tỳ-kheo đảnh lễ sát chân Duy-ma-cật.
“Liền đó, Duy-ma-cật thuyết pháp với các vị. Đối với quả Phật, các vị không còn thối chuyển. Từ đó con luôn nghĩ rằng, vị Thanh văn nào chẳng quán thấy căn tánh của người ta, chẳng nên thuyết pháp. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy.”
Phật bảo Ma-ha Ca-chiên-diên: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
Ca-chiên-diên bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, Phật thuyết sơ lược những chỗ cốt yếu của pháp với chư tỳ-kheo. Sau đó, con diễn rộng nghĩa của những chỗ cốt yếu ấy, là nghĩa vô thường, nghĩa khổ, nghĩa không, nghĩa vô ngã, nghĩa tịch diệt. Bấy giờ, Duy-ma-cật đến bảo con rằng: ‘Dạ, thưa ngài Ca-chiên-diên! Đừng đem tâm hạnh sinh diệt mà nói Pháp thật tướng.
‘Thưa ngài Ca-chiên-diên! Các pháp tất cánh chẳng sinh, chẳng diệt: đó là nghĩa vô thường. Năm ấm mà người ta thọ lấy, đều trống rỗng, không không, chẳng có chỗ khởi: đó là nghĩa khổ. Các pháp rốt cuộc không có sở hữu: đó là nghĩa không. Ngã và vô ngã vốn chẳng hai: đó là nghĩa vô ngã. Pháp xưa chẳng cháy, nay cũng chẳng tắt: đó là nghĩa tịch diệt.’
“Duy-ma-cật thuyết thời pháp ấy xong, tâm ý của chư tỳ-kheo đều được giải thoát. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”
Phật bảo A-na-luật: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
A-na-luật bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, khi con đang kinh hành tại một nơi kia. Bấy giờ có vị Phạm vương tên là Nghiêm Tịnh, có một một muôn vị Phạm thiên theo hầu. Phạm vương ấy phóng hào quang trong sạch, đi lại chỗ con, cúi đầu lễ lạy, hỏi con rằng: ‘Thưa ngài A-na-luật! Thiên nhãn của ngài thấy được bao xa?’
“Con liền đáp rằng: ‘Nhân giả! Ta thấy rõ cõi Phật này của đức Thích-ca Mâu-ni, trọn thế giới tam thiên đại thiên, cũng như người ta nhìn trái am-ma-lặc để trong lòng bàn tay.’
“Bấy giờ, Duy-ma-cật đi đến bảo con rằng: ‘Dạ, thưa ngài A-na-luật! Chỗ thấy của thiên nhãn là tướng tạo tác hay tướng không tạo tác? Giả sử là tướng tạo tác, thì cũng như năm phép thần thông của ngoại đạo. Nếu là tướng không tạo tác, tức là vô vi. Như vậy, chẳng nên thấy.’
“Thế Tôn! Lúc ấy con nín lặng. Những vị Phạm thiên nghe Duy-ma-cật nói, được sự chưa từng có. Liền đảnh lễ ông ấy, hỏi rằng: ‘Thưa ngài, vậy trong đời này ai có thiên nhãn chân thật?’
“Duy-ma-cật đáp: ‘Chỉ có Phật Thế Tôn được thiên nhãn chân thật mà thôi. Ngài thường trụ nơi Tam-muội, thấy hết các nước Phật, chẳng dùng hai tướng tạo tác và không tạo tác.’
“Lúc ấy, Phạm vương Nghiêm Tịnh với quyến thuộc của mình là năm trăm Phạm thiên đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Các vị ấy đảnh lễ dưới chân Duy-ma-cật xong, bỗng nhiên biến mất. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”
Phật bảo Ưu-ba-ly: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
Ưu-ba-ly bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, có hai tỳ-kheo phạm luật hạnh. Vì hổ thẹn, hai vị ấy chẳng dám hỏi Phật. Bèn đến hỏi con rằng: ‘Dạ, thưa ngài Ưu-ba-ly! Chúng tôi phạm luật, thật lấy làm hổ thẹn, nhưng chẳng dám hỏi Phật. Xin ngài cởi mở lòng nghi hối cho chúng tôi, để chúng tôi khỏi các tội lỗi.’ Con liền theo như pháp mà giải thuyết với hai vị ấy.
“Bấy giờ, Duy-ma-cật đến bảo con rằng: ‘Dạ, thưa ngài Ưu-ba-ly! Xin đừng kết thêm tội cho hai tỳ-kheo ấy, nên trừ dứt ngay đi. Đừng làm rối lòng họ. Tại sao vậy? Tội tánh kia chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa. Như Phật có dạy: Tâm chẳng tịnh, cho nên chúng sinh chẳng tịnh. Tâm thanh tịnh, cho nên chúng sinh thanh tịnh. Tâm cũng chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa. Như tâm mình cháy bừng, tội dơ cũng cháy bừng, các pháp cũng cháy bừng, chẳng ra khỏi cảnh như như.
‘Thưa ngài Ưu-ba-ly! Như khi ngài dùng tâm tướng mà được giải thoát, há còn có sự dơ nhớp nữa chăng?’
“Con đáp: ‘Không.’
“Duy-ma-cật nói: ‘Tâm tướng không dơ nhớp của tất cả chúng sinh lại cũng như vậy.’
‘Dạ, thưa ngài Ưu-ba-ly! Vọng tưởng là dơ, không vọng tưởng là sạch. Điên đảo là dơ, không điên đảo là sạch. Giữ lấy cái ta là dơ, chẳng giữ lấy cái ta là sạch.
‘Tất cả các pháp sinh diệt chẳng ngừng, chúng như ảo hóa, như lằn chớp. Các pháp chẳng chờ nhau, cho đến trong một tư tưởng, cũng chẳng hề ngừng lại. Các pháp đều là vọng kiến, như chiêm bao, như nháng lửa, như mặt trăng dưới nước, như hình trong gương. Chúng nó đều do vọng tưởng mà sinh ra. Ai biết như vậy, gọi là người phụng trì giới luật. Ai biết như vậy, gọi là người thông hiểu.’
“Lúc ấy, hai vị tỳ-kheo nói rằng: ‘Trí cao thượng thay! Ngài Ưu-ba-ly đây chẳng bì kịp. Người giữ luật bậc nhất mà chẳng thuyết diễn được!’
“Con liền đáp rằng: ‘Trừ ra đức Như Lai, chưa có vị Thanh văn, Bồ Tát nào chế phục được trang biện tài lạc thuyết ấy! Trí huệ của ông sáng suốt như vậy đó.’
“Lúc ấy, hai vị tỳ-kheo liền dứt được nghi hối, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Hai vị ấy phát nguyện rằng: ‘Cầu cho tất cả chúng sinh đều được biện tài như thế.’
“Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”
Phật bảo La-hầu-la: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
La-hầu-la bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, một số chàng con nhà trưởng giả ở Tỳ-da-ly có đi lại chỗ con ngụ, đảnh lễ con và hỏi rằng: ‘Dạ, thưa ngài La-hầu-la! Ngài là con của Phật, đã bỏ ngôi Chuyển luân vương xuất gia học đạo. Việc xuất gia của ngài có những lợi ích gì?’
“Con liền y theo pháp, nói với những người ấy về lợi ích, công đức của việc xuất gia.
“Bấy giờ, Duy-ma-cật đến bảo con rằng: ‘Dạ, thưa ngài La-hầu-la! Ngài chẳng nên nói những lợi ích công đức của việc xuất gia. Người ta có thể nói pháp hữu vi có lợi ích, có công đức, nhưng xuất gia là pháp vô vi. Trong pháp vô vi, không có lợi ích, không có công đức.
‘Thưa ngài La-hầu-la! Nếu xuất gia thì không có bên này, không có bên kia, cũng không có khoảng giữa. Lìa sáu mươi hai kiến giải, trụ nơi Niết-bàn. Kẻ trí giả thọ pháp ấy, bậc thánh nhân hành pháp ấy. Hàng phục các ma, vượt qua năm nẻo, giữ sạch năm thứ mắt, được năm sức, dựng năm căn, chẳng não loạn người khác, lìa các xấu xa lộn xộn, dẹp các ngoại đạo, vượt khỏi giả danh, ra khỏi bùn lầy, không tự buộc trói vướng mắc, không có cái gì của mình, không thọ lãnh vật gì, tâm mình chẳng rối loạn, vui theo ý người khác, tùy theo thiền định, lìa các chỗ sai lầm. Nếu được như vậy là xuất gia chân thật.’
“Lúc ấy, Duy-ma-cật nói với những người con nhà trưởng giả rằng: ‘Các ông nên cùng nhau xuất gia, ở trong Chánh pháp. Tại sao vậy? Vì rất khó gặp Phật ra đời.’
“Những người con nhà trưởng giả nói rằng: ‘Cư sĩ! Chúng tôi có nghe Phật dạy rằng: Cha mẹ chẳng cho phép, chẳng được xuất gia.’
“Duy-ma-cật nói: ‘Đúng vậy! Các ông nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Như vậy tức là xuất gia, như vậy tức là đầy đủ.’
“Lúc ấy, ba mươi hai người con nhà trưởng giả đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”
Phật bảo A-nan: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
A-nan bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, thân Thế Tôn có chút bệnh cần dùng sữa bò. Con liền ôm bát, đến đứng ở cửa nhà một người bà-la-môn. Bấy giờ, Duy-ma-cật đến hỏi con rằng: ‘Dạ, thưa ngài A-nan! Tại sao sáng sớm ngài đã ôm bát đứng đó?’
“Con đáp rằng: ‘Cư sĩ, thân Thế Tôn có chút bệnh, cần dùng sữa bò, cho nên tôi lại đây.’
“Duy-ma-cật nói: ‘Thôi, thôi, A-nan! Đừng thốt ra lời ấy! Thân Như Lai là thể kim cang, đã dứt hết mọi điều dữ, tụ hội mọi điều lành. Làm sao có bệnh? Làm sao có não?
‘Hãy im lặng mà đi, A-nan! Đừng bêu xấu Như Lai. Đừng cho kẻ lạ nghe lời thô thiển ấy. Đừng để chư thiên đại oai đức cùng chư Bồ Tát các cõi Tịnh độ phương khác đến đây nghe được lời ấy.’
‘A-nan! Bậc Chuyển luân Thánh vương nhờ phước ít mà còn không có bệnh. Huống chi Như Lai, vô lượng phước hội, hơn khắp mọi người!’
‘Đi đi, A-nan! Đừng để chúng tôi mang điều sỉ nhục ấy. Các thầy ngoại đạo nếu nghe được lời ấy, họ sẽ nghĩ rằng: Như vậy sao đáng gọi là thầy? Bệnh mình chẳng cứu chữa được, há cứu chữa được bệnh người khác sao? Ông nên mau lui bước cho kín nhẹm, đừng để người ta nghe biết.’
‘A-nan nên biết, thân của các vị Như Lai là pháp thân, chẳng phải là thân do ái dục sinh. Phật được thế gian tôn trọng, hơn hết chúng sinh trong ba cõi. Thân Phật không có phiền não, các phiền não đã dứt hết. Thân Phật là vô vi, chẳng bị khép vào số mệnh. Cái thân như vậy, há có bệnh tật gì?’
“Thế Tôn! Lúc ấy, con thật mang lòng hổ thẹn, chẳng lẽ được gần Phật mà nghe lầm sao? Con liền nghe có tiếng phát ra từ không trung rằng: ‘A-nan! Đúng như lời cư sĩ, chẳng qua là Phật ra đời nơi thế giới xấu xa có năm điều ô trược, nên ngài thị hiện thi hành pháp ấy để độ thoát chúng sinh. A-nan, đi đi! Hãy nhận lãnh sữa, đừng thẹn.’
“Thế Tôn! Trí huệ biện tài của Duy-ma-cật là như vậy đó. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy.”
Cứ như vậy, lần lượt năm trăm đại đệ tử, mỗi vị đều nói ra duyên cớ trước đây của mình, xưng thuật lời lẽ của Duy-ma-cật. Thảy đều biết rằng mình chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh.
Phẩm thứ tư
Bồ Tát
Lúc ấy, Phật bảo Bồ Tát Di-lặc: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh
ông ấy.”
Bồ Tát Di-lặc bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó
thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, con vì vị Thiên
vương ở cung trời Đâu-suất cùng quyến thuộc của người mà giảng thuyết công hạnh
của địa vị Bất thối chuyển. Bấy giờ, Duy-ma-cật đến bảo con rằng: ‘Thưa Bồ Tát
Di-lặc! Đức Thế Tôn có thọ ký cho nhân giả: Một đời nữa, ngài sẽ đắc quả
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Do đời sống nào mà được sự thọ ký ấy? Đời quá
khứ chăng? Đời vị lai chăng? Đời hiện tại chăng? Nếu là đời quá khứ, thì đời
quá khứ đã dứt. Nếu là đời vị lai, thì đời vị lai chưa tới. Nếu là đời hiện
tại, thì đời hiện tại không trụ. Như Phật có dạy: Tỳ-kheo! Ngay lúc này đây các
ông vừa sinh ra, vừa già đi, vừa diệt mất. Nếu do vô sinh mà được thọ ký, thì
vô sinh tức là chánh vị. Đối với chánh vị, không có việc thọ ký, cũng không có việc
đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Làm sao Di-lặc được thọ ký một đời sinh ra
nữa? Là theo như sinh mà được thọ ký chăng? Là theo như diệt mà được thọ ký
chăng? Nếu là theo như sinh mà được thọ ký thì như không có sinh. Nếu là theo
như diệt mà được thọ ký thì như không có diệt. Tất cả chúng sinh đều là như.
Tất cả các pháp cũng là như. Các vị thánh hiền cũng là như. Cho đến Di-lặc cũng
là như. Nếu Di-lặc được thọ ký, tất cả chúng sinh lẽ ra cũng được thọ ký. Tại
sao vậy? Nếu là như, thì chẳng hai, chẳng khác. Nếu Di-lặc đắc quả A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề, tất cả chúng sinh lẽ ra cũng đều đắc quả. Tại sao vậy? Tất
cả chúng sinh tức là tướng Bồ-đề. Nếu Di-lặc được diệt độ, tất cả chúng sinh
cũng sẽ được diệt độ. Tại sao vậy? Chư Phật biết rằng tất cả chúng sinh tất
cánh tịch diệt, tức là tướng Niết-bàn, chẳng còn sự diệt độ nào nữa.
Vì vậy, ngài đừng đem pháp ấy mà khuyến dụ chư thiên tử. Thật không có việc
phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng không có việc thối chuyển.
‘Di-lặc! Ngài nên khiến chư thiên tử ấy lìa bỏ cái ý kiến phân biệt Bồ-đề. Tại
sao vậy? Bồ-đề ấy, không thể dùng thân mà được, không thể dùng tâm mà được.
‘Tịch diệt là Bồ-đề, vì dứt hết các tướng. Chẳng quán sát là Bồ-đề, vì lìa khỏi
các duyên. Chẳng hành động là Bồ-đề, vì không nhớ tưởng chi cả. Đoạn tuyệt là
Bồ-đề, vì bỏ hết các ý kiến. Lìa bỏ là Bồ-đề, vì lìa khỏi các vọng tưởng. Ngăn
trở là Bồ-đề, vì ngăn trở các sở nguyện. Chẳng vào là Bồ-đề, vì không có tham
trước. Thuận là Bồ-đề, vì thuận theo lẽ như. Trụ là Bồ-đề, vì trụ nơi tánh
pháp. Đến là Bồ-đề, vì đến chỗ thực tế. Chẳng hai là Bồ-đề, vì lìa ý và pháp.
Bình đẳng là Bồ-đề, vì bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ-đề, vì không có
những sự: sinh, trụ, diệt. Biết là Bồ-đề, vì rõ được tâm hạnh của chúng sinh.
Chẳng hội là Bồ-đề, vì các nhập chẳng hội nhau. Chẳng hiệp là Bồ-đề, vì lìa
khỏi thói quen phiền não. Chẳng có xứ sở là Bồ-đề, vì không có hình sắc. Tiếng
tạm gọi là Bồ-đề, vì danh tự vốn không. Như ảo hóa là Bồ-đề, vì không lấy,
không bỏ. Không loạn là Bồ-đề, vì tự mình yên tĩnh. Thường tịch là Bồ-đề, vì tánh
thanh tịnh. Không nắm giữ là Bồ-đề, vì lìa khỏi phan duyên. Không khác lạ là
Bồ-đề, vì các pháp như nhau. Không thể so sánh là Bồ-đề, vì không thể ví dụ. Vi
diệu là Bồ-đề, vì các pháp khó biết.’
“Thế Tôn! Duy-ma-cật thuyết thời pháp ấy xong, hai trăm vị thiên tử được pháp
nhẫn Vô sinh. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”
Phật bảo Đồng tử Quang Nghiêm: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông
ấy.
Quang Nghiêm bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó
thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, con đi ra ngoài
thành lớn Tỳ-da-ly. Bấy giờ, Duy-ma-cật mới vừa đi vào thành. Con liền làm lễ
ông ấy và hỏi rằng: ‘Cư sĩ từ đâu lại đây?’
“Cư sĩ đáp: ‘Tôi từ đạo trường lại đây.’
“Con hỏi: ‘Đạo trường ấy là ở đâu?’
“Cư sĩ đáp rằng: ‘Lòng ngay thẳng là đạo trường, vì không có sự hư dối. Khởi
làm là đạo trường, vì có thể biện biệt được sự việc. Lòng sâu vững là đạo
trường, vì được tăng thêm công đức. Tâm Bồ-đề là đạo trường, vì không có sự lẫn
lộn. Bố thí là đạo trường, vì không mong báo đáp. Trì giới là đạo trường, vì
được tròn nguyện. Nhẫn nhục là đạo trường, vì đối với chúng sinh, lòng mình
được vô ngại. Tinh tấn là đạo trường, vì chẳng có biếng nhác. Thiền định là đạo
trường, vì lòng dạ được điều nhu. Trí huệ là đạo trường, vì hiện rõ các pháp.
Từ là đạo trường, vì thương các chúng sinh như nhau. Bi là đạo trường, vì nhẫn
chịu các mỏi mệt khổ đau. Hỷ là đạo trường, vì là pháp vui vẻ. Xả là đạo
trường, vì dứt lòng thương ghét. Thần thông là đạo trường, vì thành tựu sáu
thần thông. Giải thoát là đạo trường, vì buông bỏ được. Phương tiện là đạo
trường, vì giáo hóa chúng sinh. Bốn pháp thâu nhiếp là đạo trường, vì nhiếp
phục được chúng sinh. Đa văn là đạo trường, vì theo như điều đã nghe mà thực hành.
Điều phục tâm là đạo trường, vì đó là chánh quán các pháp. Ba mươi bảy phẩm là
đạo trường, vì buông bỏ pháp hữu vi. Bốn đế là đạo trường, vì chẳng dối gạt thế
gian. Duyên khởi là đạo trường, vì vô minh cho tới già, chết đều là không cùng
tận. Các phiền não là đạo trường, vì biết hết thảy như thật. Chúng sinh là đạo
trường, vì biết rằng đó là vô ngã. Tất cả các pháp là đạo trường, vì biết rằng
các pháp đều là không. Hàng ma là đạo trường, vì chẳng khuynh động. Ba cõi là
đạo trường, vì không có chỗ nào để hướng theo. Sư tử hống là đạo trường, vì
mình thuyết pháp chẳng khiếp sợ. Sức vô úy với các pháp bất cộng là đạo trường,
vì không có những lỗi lầm. Ba minh là đạo trường, vì không còn trở ngại. Trong một
giây nghĩ, biết hết tất cả các pháp, đó là đạo trường, vì thành tựu được cái
trí biết tất cả.
‘Như vậy đó, thiện nam tử! Nếu Bồ Tát dùng các ba-la-mật mà giáo hóa chúng
sinh, nên biết rằng mọi việc làm của mình, cho đến những cử động nhỏ như nhấc
chân, hạ chân, đều từ đạo trường mà lại, trụ nơi Phật Pháp.’
“Duy-ma-cật thuyết thời pháp ấy xong, năm trăm vị chư thiên và người ta đều
phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc
đến thăm bệnh ông ấy.”
Phật bảo Bồ Tát Trì Thế: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
Bồ Tát Trì Thế bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến
thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, khi con trụ nơi
tĩnh thất. Lúc ấy, ma Ba-tuần hóa hình hệt như Đế-thích, có một muôn hai ngàn
thiên nữ theo hầu, có cả tiếng âm nhạc, đàn địch ca xướng, đi lại chỗ con. Ma
vương ấy với quyến thuộc đảnh lễ nơi chân con, chắp tay cung kính đứng về một
bên. Con tưởng đó là Đế-thích, nên liền nói với vị ấy rằng: ‘Lành thay,
Kiều-thi-ca! Tuy ông đáng được hưởng phước, nhưng chẳng nên phóng túng. Nên
quán năm dục là vô thường. Muốn được gốc lành, hãy tu kiên pháp về thân, mạng,
tài.’
“Vị ấy liền nói với con rằng: ‘Chánh sĩ! Xin ngài thâu nhận mười hai ngàn thiên
nữ này, các nàng có thể lo việc quét tước giặt rửa.’
“Con đáp: ‘Kiều-thi-ca! Tôi là sa-môn Thích tử, ông đừng yêu cầu tôi nhận những
thứ không đúng với pháp tu hành. Điều đó là trái với nghi luật của tôi.’
“Con chưa dứt lời thì Duy-ma-cật đến, bảo con rằng: ‘Chẳng phải Đế-thích, đó là
ma đến quấy rối ngài đó.’
“Duy-ma-cật liền nói với ma rằng: ‘Các nàng này có thể tặng cho ta. Ta bằng
lòng thâu nhận.’
“Ma hoảng sợ, nghĩ rằng: ‘Duy-ma-cật chẳng phải định hại ta đây sao?’ Liền muốn
ẩn hình trốn đi, nhưng chẳng được. Bèn dùng hết thần lực, cũng chẳng đi được.
Liền nghe có tiếng nơi không trung nói rằng: ‘Ba-tuần! Hãy trao tặng những nàng
ấy cho Duy-ma-cật, rồi ông mới đi được.’
“Vì khiếp sợ, ma miễn cưỡng mà cho.
“Lúc ấy Duy-ma-cật nói với các nàng rằng: ‘Ma đã đem các cô tặng cho ta. Nay
các cô nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’
“Duy-ma-cật liền tùy theo chỗ thích hợp mà thuyết pháp với các nàng, khiến cho
tất cả đều phát đạo ý.
“Lại nói rằng: ‘Các cô đã phát đạo ý rồi. Nay có những điều vui theo đúng pháp
để cho tự vui lấy, chẳng nên vui với năm dục nữa.’
“Các thiên nữ liền hỏi: ‘Những gì là vui theo đúng pháp?’
“Đáp rằng: ‘Vui thường tin Phật, vui muốn nghe Pháp, vui cúng dường Tăng. Vui
lìa năm dục, vui quán năm ấm như bọn oán tặc, vui quán bốn đại như rắn độc, vui
quán nội nhập như xóm không dân cư. Vui tùy hộ đạo ý. Vui làm lợi ích chúng
sinh. Vui kính dưỡng thầy. Vui làm việc bố thí rộng lớn. Vui giữ bền giới hạnh.
Vui nhẫn nhục nhu hòa. Vui siêng gom góp căn lành. Vui thiền định chẳng loạn.
Vui lìa cấu nhiễm, tỏ sáng trí huệ. Vui mở rộng tâm Bồ-đề. Vui hàng phục chúng
ma. Vui cắt đứt các phiền não. Vui tịnh quốc độ của Phật. Vui thành tựu tướng
hảo, tu các công đức. Vui trang nghiêm đạo trường. Vui nghe pháp sâu xa mà
chẳng sợ. Vui với ba môn giải thoát. Vui chẳng sai thời. Vui gần bạn đồng học.
Vui giữa nhóm người chẳng đồng học, lòng không ngăn ngại. Vui hộ trì những kẻ
quen biết xấu. Vui gần gũi những người quen biết tốt. Vui lòng ưa mến cảnh
thanh tịnh. Vui tu các đạo phẩm vô lượng. Đó là các niềm vui theo đúng pháp của
Bồ Tát.’
“Lúc ấy, ma Ba-tuần bảo các nàng ấy rằng: ‘Ta muốn cùng các cô trở về cung.’
“Các nàng thưa rằng: ‘Ông đã đem chúng tôi mà tặng cho vị cư sĩ này. Có các
điều vui theo như pháp, chúng tôi rất vui thích. Chúng tôi chẳng còn muốn trở
lại vui thích năm món dục lạc nữa.’
“Ma nói: ‘Cư sĩ! Ông nên buông xả các nàng này. Bồ Tát phải là người thí xả tất
cả sở hữu của mình cho kẻ khác.’
“Duy-ma-cật nói: ‘Ta đã buông xả rồi, ông có thể ra đi. Hãy khiến cho tất cả
chúng sinh được phát nguyện đầy đủ.’
“Lúc ấy, các thiên nữ hỏi Duy-ma-cật: ‘Chúng tôi sẽ làm gì khi ở nơi chốn cung
ma?’
“Duy-ma-cật nói: ‘Này các cô, có một phép tu gọi là Đèn không dứt. Các cô nên
học phép tu ấy. Đèn không dứt có nghĩa là, như từ một ngọn đèn, mồi sáng ra
trăm ngàn ngọn đèn liên tiếp. Những chỗ tối đều trở nên sáng, mà ánh sáng không
hề dứt. Cũng vậy, một vị Bồ Tát mở đạo cho trăm ngàn chúng sinh, khiến cho tất
cả đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Mà cái đạo ý ấy cũng không bao
giờ dứt. Tùy theo chỗ thuyết pháp, tự mình tăng trưởng tất cả pháp lành. Đó gọi
là Đèn không dứt. Các cô tuy ở nơi cung ma, hãy dùng phép tu Đèn không dứt này
mà làm cho vô số thiên tử và thiên nữ đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề. Đó là báo đáp ơn Phật, cũng là làm lợi ích lớn cho tất cả chúng
sinh.’
“Lúc ấy, các Thiên nữ lấy đầu và mặt làm lễ sát chân Duy-ma-cật, rồi theo ma
vương mà trở về cung. Bỗng nhiên, thảy đều biến mất.
“Thế Tôn! Duy-ma-cật có thần lực tự tại và trí huệ biện tài như vậy đó. Vậy nên
con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”
Phật phán với Thiện Đức, con nhà trưởng giả: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà
thăm hỏi bệnh ông ấy.”
Thiện Đức bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm
bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, ở nhà cha con, con có
tự mình tổ chức một hội bố thí, cúng dường tất cả sa-môn, bà-la-môn, các thầy
ngoại đạo và những kẻ bần cùng, hạ tiện, cô độc, hành khất. Kỳ hạn bố thí đủ
bảy ngày. Bấy giờ, Duy-ma-cật đi lại, vào trong hội, bảo con rằng: ‘Chàng con
nhà trưởng giả! Nếu là hội bố thí, chẳng nên tổ chức theo như cậu đang làm đây.
Nên mở hội thí pháp, cần gì mở hội thí tài như vậy?’
“Con hỏi cư sĩ ấy: ‘Sao gọi là Hội thí pháp?’
“Đáp rằng: ‘Hội thí pháp là không thí cho kẻ trước người sau. Trong một lúc,
cúng dường tất cả chúng sinh. Đó gọi là hội thí pháp.’
“Con lại hỏi: ‘Như vậy là thế nào?’ Đáp rằng: ‘Đó là: Nhân vì Bồ-đề, phát khởi
lòng từ. Nhân vì cứu độ chúng sinh, phát khởi tâm đại bi. Nhân vì giữ gìn Chánh
pháp, phát khởi tâm hỷ. Nhân vì nhiếp thâu trí huệ, thi hành pháp xả. Nhân vì
nhiếp phục khan tham, khởi nên pháp bố thí. Nhân vì cải hóa việc phạm giới,
khởi nên pháp trì giới. Nhân vì pháp vô ngã, khởi nên pháp nhẫn nhục. Nhân vì
lìa tướng thân tâm, khởi nên pháp tinh tấn. Nhân vì tướng Bồ-đề, khởi nên pháp
thiền định. Nhân vì cái trí biết tất cả, khởi nên pháp trí huệ. Vì giáo hóa
chúng sinh, mà khởi ra lẽ không. Vì chẳng bỏ pháp hữu vi, mà khởi lẽ vô tướng.
Vì thị hiện thọ sinh, mà khởi lẽ vô tác. Do hộ trì Chánh pháp, bèn khởi sức
phương tiện. Nhân vì độ chúng sinh mà khởi bốn pháp thâu nhiếp. Nhân vì kính
trọng tất cả, khởi trừ pháp kiêu mạn. Đối với thân, mạng, tài, khởi ba kiên pháp.
Đối với sáu niệm, khởi pháp tưởng nhớ. Đối với sáu hòa kính, khởi lòng chơn
chất ngay thẳng. Thi hành pháp lành một cách minh chánh, bèn khởi nên đời sống
trong sạch. Lòng trong sạch vui vẻ, khởi ra việc gần gũi những bậc hiền thánh.
Chẳng ghét kẻ dữ, khởi nên sự điều phục lòng người. Nhân vì pháp xuất gia, khởi
nên lòng sâu vững. Nhân vì thi hành theo như thuyết, khởi nên tài đa văn. Nhân
vì pháp không tranh chấp, khởi ra cảnh vắng vẻ, tịch tịnh. Hướng theo huệ Phật,
khởi nên pháp ngồi yên. Mở trói cho chúng sinh, khởi ra trụ địa tu hành. Nhân
vì tướng hảo và cõi Phật thanh tịnh, khởi nên nghiệp phước đức. Nhân biết được
lòng nghĩ tưởng của tất cả chúng sinh, thuyết pháp ứng hợp, bèn khởi nên nghiệp
trí. Biết rằng tất cả các pháp là chẳng giữ cũng chẳng bỏ, vào được chỗ một
tướng duy nhất, bèn khởi nên nghiệp của trí huệ. Dứt tất cả phiền não, tất cả
chướng ngại, tất cả pháp chẳng lành, bèn khởi nên tất cả nghiệp lành. Nhân vì
được tất cả trí huệ, tất cả pháp lành, mà khởi nên tất cả các pháp trợ Phật
đạo. Như vậy, Thiện nam tử! Đó là hội thí pháp. Nếu Bồ Tát trụ ở hội thí pháp
ấy, đó là đại thí chủ, cũng là ruộng phước của tất cả thế gian.’
“Thế Tôn! Duy-ma-cật thuyết thời pháp ấy xong, hai trăm người trong chúng
bà-la-môn đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Khi ấy, tâm ý con được
trong sạch, con khen là chưa từng có, liền đảnh lễ nơi chân Duy-ma-cật. Rồi con
cởi ra xâu chuỗi ngọc, giá trị trăm ngàn mà dâng hiến, nhưng ông ấy chẳng nhận.
Con liền nói: ‘Cư sĩ! Xin ông nhận lãnh, rồi muốn cho ai tùy ý.’
“Duy-ma-cật bèn nhận chuỗi ngọc, chia làm hai phần. Ông đem một phần thí cho kẻ
ăn xin nghèo hèn nhất trong hội ấy. Còn một phần, ông phụng hiến đức Như Lai
Nan Thắng bên cõi nước kia. Tất cả chúng hội khi ấy đều nhìn thấy đức Như Lai
Nan Thắng ở cõi nước Quang Minh. Chúng hội lại còn thấy được những hạt ngọc
sang bên đức Phật kia, liền hóa thành một cảnh đài báu bốn cột, bốn mặt đều
trang nghiêm, chẳng che khuất nhau.
“Lúc ấy, Duy-ma-cật hiện thần biến như vậy rồi, lại nói rằng: ‘Nếu thí chủ có
lòng bình đẳng, thí cho kẻ ăn xin nghèo hèn nhất, cũng như tướng ruộng phước
Như Lai, không có chỗ phân biệt, giữ lòng đại bi bình đẳng, chẳng cầu quả báo.
Đó mới gọi là hạnh thí pháp đầy đủ.’
“Trong thành, kẻ ăn xin nghèo hèn nhất thấy sức thần ấy và nghe Duy-ma-cật
thuyết pháp cũng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”
Cứ như vậy, các vị Bồ Tát lần lượt đối trước Phật nói ra duyên cớ của mình,
xưng thuật lời lẽ của Duy-ma-cật. Tất cả đều thưa rằng chẳng đủ sức đảm nhận
việc đến thăm bệnh ông ấy.