Kinh Pháp Cú Bắc Truyền

19/01/20199:24 SA(Xem: 11510)
Kinh Pháp Cú Bắc Truyền

KINH PHÁP CÚ BẮC TRUYỀN
ĐTK/ĐCTT, N°. 0210
Soạn tập: Tôn giả Pháp Cứu
Hán dịch: Đời Ngô, Thiên Trúc Sa-môn Duy-kỳ-nan
Việt dịch: Thích Đồng Ngộ - Thích Nguyên Hùng
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 2019


 cover-book-bia-sach_kinh-phap-cu-bac-truyen 2
Lời thưa

 

Cùng Pháp lữ xa gần quý mến! Kinh Pháp cú Nam truyền đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới 1 . Riêng tiếng Việt, bản dịch sớm nhất là của hai vị cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu, (năm 1959, dựa trên bản dịch Hán văn của Pháp sư Liễu Tham) và cố Hòa thượng Thích Minh Châu, (năm 1969, dịch từ nguyên bản Pāli). Cả hai bản dịch này hiện đã được tập hợp và in chung thành bộ Kinh Pháp CúLời Phật dạy, nxb. Hồng Đức ấn hành năm 2014.

Đến nay, Kinh Pháp cú Nam truyền đã có nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật khác. Tiêu biểu có Thi kệ Pháp cú kinh của Thích Tịnh Minh; Kinh Pháp cú của Phạm Kim Khánh; Kinh Lời Vàng - Thi hóa Dhammapada, của Tỳ-kheo Giới Đức (Minh Đức - Triều Tâm Ảnh); Kinh Pháp Cú, của Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển dịch thơ… Ngoài ra, còn nhiều tác phẩm thi hóa, thi lược khác, như Lời vàng vi diệu của Thích Giác Toàn, Thi lược lời kinh Pháp cú của Triều Nguyên, Pháp cú tinh hoa của Vũ Anh Sương… Có thể nói, Pháp cú Nam truyền đã tạo nguồn cảm hứng vô tận cho giới học Phật, hình thành nên nghệ thuật, thi ca đầy sáng tạo, khiến cho hương hoa chánh pháp ngào ngạt muôn phương!

Trong khi đó, Kinh Pháp cú Bắc truyền, vốn được dịch từ Phạn sang Hán, hiện đang lưu giữ trong Đại tạng kinh Đại chánh tân tu, tập IV, số hiệu 0210, mới chỉ có hai công trình dịch thuật bằng văn xuôi (Kết một tràng hoa của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, Đọc pháp cú Bắc tông của Hòa thượng Thích Trí Quang) và một bản kệ tụng trong Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng kinh.

Nhận thấy, Pháp cú Bắc truyền có 39 phẩm, 759 bài kệ, không những chứa đủ nội dung Pháp cú Nam truyền (gồm 26 phẩm, 423 bài kệ), mà còn nhiều hơn 13 phẩm, 336 bài kệ với nhiều ý nghĩa sâu xa, thí dụ sinh động, chúng tôi mạo muội chuyển dịch tác phẩm này ra tiếng Việt với tựa đề KINH PHÁP CÚ BẮC TRUYỀN để Tăng NiPhật tử có cơ hội tiếp xúc, đối chiếu kinh điển giữa hai truyền thống, ngỏ hầu hái được những đóa hoa sắc hương trong vườn hoa Tuệ giác, làm đẹp cho đời.

Bản dịch này căn cứ trên bản Đại chánh và tham cứu thêm bản Nam Bắc truyền Phápkinh kệđối chiếu biểu của Hội xá Thất diệp Phật giáo2 để phân chia kệ tụng. Chúng tôi cũng cho in nguyên bản ở cuối bản dịch để bạn đọc tiện đối chiếu.

Trong quá trình phiên dịch, chúng tôi nhận được nhiều khích lệ từ chư tôn đức và quý pháp hữu am tường Hán tạng; nơi đây, xin chân thành tri ân chư tôn đức và quý bằng hữu. Trong vài thập niên đầu công nguyên, khi Phật pháp mới du nhập Trung quốc, do vốn dụng ngữ Phật học chưa nhiều, nên các dịch giả kinh Phật nói chung và dịch giả kinh Pháp cú nói riêng phải vay mượn nhiều khái niệm bản ngữ để diễn tả. Đây là một thử thách không nhỏ đối với chúng tôi, và cũng do đó nên bản dịch không sao tránh khỏi sai sót, vụng về. Kính lạy Thiện tri thức mười phương hỷ xả và chỉ dạy thêm cho.

Am Vô Nguyện Cuối thu Bính Thân, Phật lịch 2560

Thích Nguyên Hùng
_________________

1 Xem mục Phụ bản A, Thư tịch, trang 307, Kinh Pháp cúLời Phật dạy, của HT. Thích Thiện Siêu và HT. Thích Minh Châu, nxb. Hồng Đức, năm 2014.

2 Xem ở đây: http://www.bjbci.com/fjj/974.jhtml; và ở đây: http://book.bfnn.org/books3/2075.htm#a239.



Bài tựa

Kệ Đàm-bát là nghĩa lý cốt lõi của các kinh. Đàm nghĩa là Pháp; Bát nghĩa là Cú. Pháp cú cũng có mấy bộ khác nhau, có bộ gồm 900 bài kệ, có bộ 700 bài, có bộ 500 bài.

Kệ hay Thi tụng tức là lời kết. Những bài kệ này do Thế Tôn gặp việc tuỳ nghi diễn thuyết chứ không phải nói ra trong một lúc. Mỗi bài kệ đều có mở đầu, kết thúc và nằm rải rác trong kinh. Đức Thế Tôn vì lòng đại từ thương xót chúng sinhthị hiện ở đời, khai mở chân lý nhằm giải thoát cho họ. Giáo nghĩa Phật thuyết gói gọn trong mười hai phần giáo và được phân thành nhiều bộ. Như bốn bộ A-hàm là bộ kinh do Tôn giả A-nan khẩu truyền sau khi Phật nhập diệt. Bất luận bài kinh dài ngắn, phần mở đầu đều có câu “Tôi nghe như vầy” nhằm khẳng định đây là nghĩa lý nhiệm mầu từ kim khẩu Phật nói ra lúc Ngài còn tại thế. Về sau, sa-môn của năm bộ phái tự sao chép những bài kệ 4 câu hoặc 6 câu trong các kinh, dựa trên nội dung từng bài kệ đó rồi đặt tên phẩm. So với mười hai phần giáo, nội dung của các bài kệ này quá ngắn gọn, không có tên kinh thỏa đáng, nên gọi chung là Pháp cú.

Lời kinh gọi là Pháp ngôn, Pháp cú được hình thành dựa trên Pháp ngôn này. Gần đây Cát-thị 1 truyền lại 700 câu kệ nghĩa lý sâu xa, rất tiếc người dịch đã làm lẫn lộn nghĩa lý đôi chút. Phật đã khó gặp, lời Phật lại càng khó được nghe, hơn nữa Ngài thị hiệnThiên Trúc, mà ngôn ngữ Thiên Trúc lại không đồng âm với Hán ngữ. Sách của Thiên Trúc được gọi là Phạn thư, ngôn ngữ được gọi là Phạn ngữ, danh vật không đồng nên chuyển dịch cho chính xác là điều không dễ. Xưa chỉ có An Thế Cao, Đô uý Phật Điều chuyển dịch từ Phạn sang Hán là chính xác nhất, từ đó về sau khó ai tiếp bước 1 . Dịch giả sau này dù không thể nêu bật được nghĩa lý sâu kín, nhưng vẫn giữ được giá trị và chỉ thú của tác phẩm.

Duy-kỳ-nan (Vighna) là người đầu tiên chuyển dịch từ Phạn sang Hán. Ngài vốn người Thiên Trúc, đến Vũ Xương vào năm Hòang Vũ thứ 3 (224 Tây lịch), mang theo bản Pháp cú gồm 500 kệ tụng, mời đồng đạo Trúc Tương Diễm cùng chuyển dịch. Diễm tuy giỏi Phạn văn nhưng lại không rành Hán ngữ, thành thử bản dịch của ngài có những chữ để nguyên Phạn ngữ, hoặc dựa trên nghĩa đặt âm, cốt chuyển tải được tính chân thật chứ văn từ thì không mấy bác học. Hồi ấy, Khiêm tôi cho rằng, ngôn từ ngài dịch chưa mấy nhuần nhuyễn, Duy-kỳ-nan nói: “Phật dạy: Nương nghĩa lý đừng quá cầu trau chuốt, chọn pháp chứ đừng chạy theo tính nghiêm mật”, những bản kinh truyền lại cho đời cần phải dễ hiểu và không đánh mất nghĩa lý của nó, như vậy gọi là thiện. Hầu hết người dịch đều cho rằng, Lão tử bảo: “Lời đẹp thì không đáng tin, lời đáng tin thì không đẹp”; Khổng tử cũng bảo: “Sách không truyền tải hết lời, lời không chuyển tải hết ý”, đủ thấy ý của thánh nhân thâm thuý vô cùng.

Pháp cú bản Phạn hiện nay lưu hành, nghĩa lý thật chính xác với khế kinh, bởi đây là những kệ tụng được khẩu truyền và khẩu dịch. Cổ đức đã từng hiệu đính nhưng không thêm thắt văn từ, những bản dịch khó hiểu thì không lưu truyền nữa, vì thế có rất nhiều bài kệ đã bị bỏ đi. Văn từ Pháp cú mộc mạc nhưng ý chỉ lại thâm sâu, câu chữ ngắn gọn nhưng nghĩa lý nhiệm mầu, cốt chuyện liên quan đến khế kinh, mỗi bài kệ đều có nguyên do, từng câu đều có nghĩa. Người xuất giaThiên Trúc nếu không học Pháp cú là đi sai trình tự tu học. Pháp cú chính là nấc thang cần thiết giúp những người xuất gia tu tập thâm nhập vào pháp tạng sâu xa, khéo khai mở cho kẻ mông muội, biện rõ chánh tà, khuyến hóa người học trở về sống với chính mình, dù học ít nhưng kiến giải mênh mông, có thể nói Pháp cúnghĩa lý mầu nhiệm, cốt yếu tột bậc.

Lúc kinh mới truyền, có rất nhiều chỗ không hiểu. Gặp Tương Diễm đến, lại học hỏi thêm, mới có bản kệ đây, lại thêm 13 phẩm mới. So những bản khác, số lượng kệ tụng có tăng lên nhiều. Xếp theo phẩm mục, tổng có một bộ gồm 39 phẩm, cả thảy hơn 750 bài kệ.

Với việc làm ấy có bao ích lợi, đều san sẻ ra, ngỏ hầu gần xa cùng nhau học hỏi!

Chi Khiêm Cẩn bút
__________________

1 Tức là tính đến khoảng 222-253 Tây lịch, giai đoạn Chi Khiêm tận lực phiên dịch kinh điển.

Thư Viện Hoa Sen

pdf_download_2

Kinh Phap Cu Bac Truyen - Final Draft (Thích Nguyên Hùng & Thích Đồng Ngộ)

cover-book-bia-sach_kinh-phap-cu-bac-truyen__Thich-Nguyen-Hung

Nghiên cứu thêm các kinh liên hệ:

Sanskrit/Hán Tạng

Kinh Pháp Cú Hán Tạng (Thích Nhất Hạnh)


Pali Tạng:
Chú Giải Kinh Pháp Cú Nam Truyền Quyển 1, 2, 3 & 4 (Pháp Minh)
Kinh Pháp Cú Thích Minh Châu
Kinh Pháp Cú Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Kinh Pháp Cú Thích Thiện Siêu
Kinh Pháp Cú - Đa Ngữ: Việt - Anh - Pháp - Đức
Kinh Pháp Cú Song Ngữ Chú Giải Thích Phước Thái
Kinh Lời Vàng (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/05/2010(Xem: 143780)
16/05/2010(Xem: 92303)
13/03/2017(Xem: 8245)
19/03/2016(Xem: 20610)
13/05/2010(Xem: 170403)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.