Thư Viện Hoa Sen

Phẩm 5 Ca Diếp

30/06/20173:18 SA(Xem: 4240)
Phẩm 5 Ca Diếp
KINH ĐẠI BI
Tam tạng pháp sư Na Liên Đề Da Xá, người nước Thiên-trúc, dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung quốcvào thời Cao-Tề (Bắc-Tề, 550-577). Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn, 
tại Canada, năm 2016.

Phẩm 5

CA DIẾP

 

Lúc bấy giờ, tôn giả A Nan đang ở bên giường của đức Phật, đau buồn thảm thiết, nước mắt ràn rụa, đứng không muốn vững, than rằng:

“Đức Thế Tôn nhập niết-bàn sớm quá! Đấng Đại Từ Bi, viên ngọc quí của chúng sinh, ra đi sớm quá! Ngọn đèn lớn của thế gian, cây đuốc lớn của trời người, ẩn mất sớm quá! Hoa sen quí của chúng sinhthế gian ẩn mất sớm quá! Bậc long tượng của chúng sinh, bậc khéo tự điều phục, lại điều phục những chúng sinh chưa được điều phục, ra đi sớm quá! Đấng Đạo Sư vô thượng, chỉ bày cho chúng sinh con đường an ổn, ra đi sớm quá! Con mắt trí tuệ chiếu ánh sáng lớn, soi khắp thế gian, ẩn mất sớm quá! Bậc dẫn đường cho những kẻ mù lòa, bậc cha mẹ của chúng sinhthế gian, diệt độ sớm quá! Thế gian này trở thành cô độc, không nơi nương tựa! Viên ngọc quí của chúng sinh như thế, mà ngày mai con không còn trông thấy nữa, chỉ có danh hiệu là còn lưu lại mà thôi!”

Đức Phật bảo tôn giả A Nan:

“Này A Nan, thầy đừng đau buồn nữa! Như Lai đã từng bảo thầy, tất cả những gì, dù ưa thích, xứng ý đến đâu, đã có hòa hợp thì chắc chắn phải có lìa tan. Này A Nan! Các pháp hữu vi, pháp sinh, pháp có, pháp hiểu biết, pháp nhân duyên, pháp hoại diệt, những pháp ấy nếu không hoại diệt thì không có lẽ đó; những pháp ấy nếu thường trú thì cũng không có lẽ đó; giả sử những pháp ấy được tồn tại lâu dài thì chắc chắn cũng có lúc phải chia lìa. Vì vậy cho nên, này A Nan, thầy chớ lo buồn!”

Lúc ấy tôn giả A Nan chiêm ngưỡng dung nhan đức Thế Tôn, mắt nhìn chăm chú không rời; rồi lại suy nghĩ, lại đau buồn, khóc lóc, nghẹn ngào; rồi quì xuống đất. Đức Phật lại bảo:

“Thôi đi, này A Nan, thầy đừng đau buồn nữa! Đừng dùng sự đau buồn để khiến cho Như Lai trụ thế! Này A Nan! Như Lai đã từng bảo thầy, tất cả những gì, dù ưa thích, xứng ý đến đâu, đã có hòa hợp thì chắc chắn phải có lúc lìa tan; giả sử chúng được tồn tại dài lâu thì rồi cũng phải hoại diệt. Các pháp hành là như vậy. Này A Nan! Thầy đã hầu hạ Như Lai, từ việc làm cho đến lời nói, đều bằng tâm từ hiếu, an lạc, trước sau như một, không chút giận hờn, oán trách.”

Tôn giả A Nan đứng dậy, lau nước mắt, bạch Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Làm sao con có thể không đau buồn! Đức Thế Tôn, bậc đại từ bi như thế, bậc đã ra khỏi thế gian, bậc thương xót tất cả thế gian, bậc được tất cả thế gian quí kính và quay về nương tựa, bậc dẫn đường cho tất cả thế gian, bậc làm lợi íchan lạc cho tất cả thế gian, bậc tôn quí của thế gian như thế, mà ngày mai con phải chia lìa!”

Tôn giả lại khóc lớn, rồi lại lau nước mắt, bạch rằng:

“Kì lạ thay, các hành chỉ là xác chếttrở thành đầy quyền năng, có thể khiến cho ngọn đèn lớn như thế, cây đuốc lớn như thế, mặt trời lớn với vô lượng ánh sáng rực rỡ như thế, ẩn mất sớm quá! Bậc trí tuệ lớn, bậc có ánh sáng lớn, ẩn mất ở thế gian sớm quá! Thế gian bây giờ cô độc, vì bậc che chở ra đi sớm quá! Đức Như Lai đầy đủ thần thông biến hóa, nay ẩn mất ở thế gian sớm quá! Bạch đức Thế Tôn, con làm sao mà không đau buồn! Bạch đức Thế Tôn, con còn tự lấy làm lạ rằng, sao trái tim của con hôm nay không bị bể nát thành trăm mảnh! Con cũng tự lấy làm lạ rằng, sao con không chết ngay trước mặt đức Thế Tôn! Chắc chắn là con đã nhờ thần lực của đức Thế Tôn gia trì; vì sao vậy? Vì chính con đã thọ nhận kho tàng Pháp Bảo do đức Thế Tôn trao truyền, ghi nhớ không quên; mà kho tàng Pháp Bảo đó lại chưa được lưu bố rộng rãi cho hàng trời, người khắp mười phương. Bạch đức Thế Tôn, con làm sao mà không đau buồn cho được!  Bạch đức Thế Tôn! Mai kia con trở về thành Ca-tì-la-vệ,(41) mọi người trong dòng họ Thích(42) tập họp lại, hỏi thăm về đức Thế Tôn, con biết nói làm sao với họ đây? Con đâu có thể cam lòng nói với họ rằng, đức Phật Thích Ca Mâu Ni dòng giống Mặt-trời,(43) đấng Pháp Vương vô thượng, bậc tôn quí trong dòng họ Thích, đã nhập niết-bàn rồi! Rồi khi đến thành Vương-xá,(44) con sẽ nói thế nào với vua A Xà Thế?(45) Con đâu có thể cam lòng nói với đức vua rằng, bậc Đạo Sư đã ra đi rồi, vị Y Vương có khả năng nhổ bỏ mũi tên nghiệp vô gián cho thế gian đã ẩn mất rồi! Rồi khi đến thành Xá-vệ,(46) con sẽ nói thế nào với dân chúng trong thành? Con đâu có thể cam lòng nói với họ rằng, đấng Đại Bi thương xót thế gian đã ẩn mất rồi! Rồi khi con đến tinh xá Cấp-cô-độc trong vườn cây Kì-đà,(47) nếu đại chúng hỏi: [Chừng nào đức Thế Tôn trở về tinh xá này?], thì con biết trả lời ra sao! Rồi khi đến thành Tì-xá-li,(48) con sẽ nói làm sao với các vị công tử tộc Li-xa?(49) Con đâu có thể cam lòng nói với họ rằng, bậc Tôn Sư cao cả thương xót tất cả thế gian đã ẩn mất rồi! Rồi khi có các thiện nam tín nữ từ các nơi đến hỏi, con biết trả lời cho họ làm sao? Con đâu có thể cam lòng nói với họ rằng, đấng Đại Trí của thế gian, bậc đã đoạn trừ tất cả mọi nghi hoặc, nay đã ra đi rồi! Rồi khi có các chúng tì-kheo từ các nơi xa đến, mong muốn được trông thấy đức Thế Tôn, hoặc để hỏi thăm, lễ bái, cúng dường; hoặc để hỏi pháp, hỏi giáo nghĩa; hoặc xin bố-tát;(50) con đành phải nói với họ rằng: [Tôi không còn thấy, không còn nghe đức Thế Tôn nói pháp của các bậc thượng nhân nữa!] Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, có những bậc tu hành phạm hạnh, đầy đủ thần thông, cũng sẽ ẩn mất ở thế gian. Cho nên con đâu có thể nào mà không đau buồn!”

Tôn giả A Nan bạch xong những lời ấy, đức Phật dạy:

“Này A Nan, thầy đừng đau buồn nữa! Giáo pháp của Như Lai cần được lưu bố rộng rãi, tồn tại lâu dàithế gian để làm lợi ích cho các hàng trời, người. Này A Nan! Sau khi Như Lai diệt độ, trải qua bốn trăm năm, thầy Ca Diếp cùng với thầy và các đệ tử, truyền nối nhau tu hành phạm hạnh để làm lợi ích cho các hàng trời, người. Này A Nan, thầy không nên đau buồn! Chánh pháp của Như Lai cần phải được lưu bố rộng rãi, tồn tại lâu dàithế gian để làm lợi ích cho các hàng trời, người. Sau khi Như Lai nhập niết-bàn, thầy Ca Diếp cùng với thầy, nên phát tâm làm cho pháp bồ-đề vô thượngNhư Lai đã tích tập từ vô số kiếp được hưng thịnh, không suy mất. Vì sao vậy? Này A Nan! Thầy Ca Diếp là người ít ham muốn, biết đủ, xa lìa dục vọng, chuyên cần tinh tấn, luôn có chánh niệm, không hí luận, an trú trong định tuệ. Này A Nan! Thầy Ca Diếp có khả năng chỉ bày, dạy dỗ, khiến cho đại chúng đạt được lợi lạc, và hoan hỉ với các thành tựu của đại chúng; đối với những người tu hành phạm hạnh thì nói pháp không biết mệt mỏi, giống như cha mẹ đối với con cái. Này A Nan! Thầy Ca Diếp thấy biết sâu rộng, thương xót thế gian, vì muốn đem lại lợi ích cho chúng sinh, an lạc cho trời, người, mà phát tâm như thế.”

Bấy giờ tôn giả A Nan bạch Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Ca Diếp phát tâm như thế sẽ đem lại lợi ích an lạc cho bao nhiêu chúng trời, người?”

Đức Phật dạy:

“Thầy Ca Diếp lúc nhập niết-bàn sẽ phát nguyện rằng: [Tôi nguyện, sau khi tôi diệt độ, do thần lực của chính tôi gia trì, khiến cho xác thân tôi và y bát không bị biến hoại. Chờ cho đến khi đức Phật Di Lặc ra đời, chính thân này sẽ diện kiến Ngài, cùng phụ giúp Ngài lập nên pháp hội thứ nhất; rồi đến pháp hội thứ nhì, pháp hội thứ ba, do nguyện lực của tôi gia trì, khiến cho nhiều trăm chúng sinh, nhiều ngàn chúng sinh, nhiều ngàn vạn chúng sinh, vô số chúng sinh chứng quả Thánh. Đức Phật Di Lặc đã thấy thân tôi và y bát không bị biến hoại; chúng Thanh-văn trong cả ba pháp hội cũng đã thấy thân tôi và áo ca-sa không bị biến hoại. Bấy giờ thân tôi sẽ đứng trên hư không, dùng lửa của chính thân mình mà thiêu thân mình. Thiêu xong rồi thì tro cốt biến mất hết.] Này A Nan! Đó là thầy Ca Diếp phát tâm làm lợi ích an lạc cho chúng sinh. Này A Nan! Chính do nguyện lực gia trì mà sau khi thành thục cho chúng sinh rồi thì thầy Ca Diếp nhập niết-bàn. Liền lúc đó, có bốn ngọn núi đá kéo đến, hiệp lại làm một để che phủ xác thân của thầy Ca Diếp. Và như thế, xác thân của thầy Ca Diếp được giữ ở giữa bốn ngọn núi đá kia, không bị biến hoại, cho đến khi đức Phật Di Lặc ra đời. Thân của thầy Ca Diếp tồn tại lâu dài như thế mà không bị biến hoại, và cả tấm áo ca-sa cũng không bị biến hoại, là vì sao vậy? Này A Nan! Vì thầy Ca Diếp là người giữ giới thanh tịnh, là người tu hành phạm hạnh, là người có trí tuệ, cho nên tâm nguyện mới được thành tựu; nếu không giữ giới thanh tịnh, không tu phạm hạnh, không có trí tuệ, thì dù có muốn cũng không thể thành tựu được gì. Này A Nan! Thầy Ca Diếp, trước tiên do nguyện lực mà nhập niết-bàn; nhập niết-bàn rồi thì xác thân tồn tại lâu dài không bị biến hoại, tóc lông máu thịt, các căn, và cả y phục cũng không bị biến hoại, cũng không hôi hám, cho đến khi đức Phật Di Lặc ra đời. Này A Nan! Khi đức Phật Di Lặc ra đời, ở pháp hội thứ nhất, Ngài sẽ dẫn chín mươi sáu ức vị tì-kheo đến chỗ thầy Ca Diếp, chỉ cho đại chúng thấy thân của thầy Ca Diếp, và dạy rằng: [Này các thầy tì-kheo! Thầy Ca Diếp đây là bậc đại Thanh-văn trong thời kì pháp vận của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chuyên tu hạnh đầu-đà, ít ham muốn, biết đủ, xa lìa dục vọng, chuyên cần tinh tấn, luôn có chánh niệm, không hí luận, an trú trong định tuệ. Thầy Ca Diếp có khả năng chỉ bày, dạy dỗ, khiến cho đại chúng đạt được lợi lạc, và hoan hỉ với các thành tựu của đại chúng; đối với những người tu hành phạm hạnh thì nói pháp không biết mệt mỏi, giống như cha mẹ đối với con cái. Này các thầy tì-kheo! Thầy Ca Diếp thấy biết sâu rộng, rốt ráo không còn tâm nghi ngờ, và tùy thuận chúng sinh. Này các thầy tì-kheo! Các thầy hãy xem đó, thầy Ca Diếpthương xót thế gian, muốn đem lại lợi ích cho chúng sinh, an lạc cho trời, người, mà phát tâm như thế.] Này A Nan! Ở pháp hội thứ nhì, đức Phật Di Lặc sẽ dẫn chín mươi bốn ức vị tì-kheo đến chỗ thầy Ca Diếp. Đến pháp hội thứ ba, Ngài sẽ dẫn chín mươi hai ức vị tì-kheo đến chỗ thầy Ca Diếp, chỉ thân của thầy cho đại chúng xem, và dạy rằng: [Này các thầy tì-kheo! Thầy Ca Diếp đây là bậc đại Thanh-văn trong thời kì pháp vận của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chuyên tu hạnh đầu-đà, thiểu dục, tri túc, vì muốn đem lại lợi ích cho chúng sinh, an lạc cho trời, người, mà phát tâm như thế.] Này A Nan! Lúc bấy giờ, đức Phật Di Lặc đưa cánh tay phải ra, rờ trên đầu thầy Ca Diếp, rồi nhìn khắp các vị tì-kheo, nói rằng: [Này các vị tì-kheo! Tì-kheo Ca Diếp đây đã gìn giữ chánh pháp sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ; còn trong khắp đại chúng ở đây, sẽ không có một vị nào gìn giữ chánh pháp của ta sau khi ta diệt độ, giống như thầy Ca Diếp!] Này A Nan! Ở pháp hội thứ ba của đức Phật Di Lặc, thầy Ca Diếp, do nguyện lực của chính mình gia trì, sẽ ở trên không trung, biểu hiện nhiều thứ thần thông biến hóa, rồi dùng lửa của tự thân mà thiêu hủy thân mình. Thân xác cháy xong, tro cốt đều biến mất. Sau khi cho đại chúng chứng kiến các sự việc về thầy Ca Diếp, Đức Phật Di Lặc bèn nói pháp cho đại chúng hiện tiền, khiến cho nhiều trăm ngàn ức người, được chứng quả Thánh. Này A Nan! Thầy Ca Diếp phát tâm làm lợi ích cho nhiều chúng sinh, thầy cũng nên phát tâm làm lợi ích, đem lại an lạc cho nhiều chúng sinh. Như thế, này A Nan! Thầy Ca Diếp cùng với thầy hãy phát tâm giữ gìn chánh pháp tồn tại qua bốn trăm năm, tu hành phạm hạnh, làm lợi ích cho hàng trời, người.

 

 

 

 

Tạo bài viết
18/05/2010(Xem: 150869)
16/05/2010(Xem: 93251)
13/03/2017(Xem: 9714)
19/03/2016(Xem: 23235)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: