TÂM KINH TIÊN CHÚ
心經箋註
Đinh Phúc Bảo tiên chú
Quảng Minh dịch chú
TIỂU DẪN
1. Tâm Kinh Tiên Chú 心經箋註 là một trong ba sách chú giải về Tâm Kinh, hợp thành bộ Tâm Kinh Chú 心經注 của Đinh Phúc Bảo. Toàn tập chú giải ấy là sự góp nhặt rộng rãi các chú thích từ xưa đến nay, đều vì phát huy nghĩa lý của Tâm Kinh. Tâm Kinh với ngôn từ ngắn gọn mà ý nghĩa phong phú, nêu lên những điểm mấu chốt của Phật pháp, nói về Đệ nhất nghĩa đế và chỉ ra tinh túy của Bát-nhã. Một câu ‘Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc’ đã toát yếu toàn bộ Đại Kinh Bát-nhã. Trong lần chuyển Pháp luân thứ hai, đức Phật đã tuyên thuyết về Trí Tuệ Toàn Thiện hay Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa-la, là giáo pháp sâu xa của Phật giáo Đại thừa. Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh, còn gọi là Bát-nhã Bala-mật-đa Tâm Kinh, nói gọn là Bát-nhã Tâm Kinh hay Tâm Kinh, là một kinh điển rất quan trọng trong văn hệ Bát-nhã. Năm Dân Quốc thứ 7 (1918), Đinh Phúc Bảo đã chăm chỉ viết ra tác phẩm Tâm Kinh Tiên Chú. Sau khi xuất bản sách ấy, hai năm sau ông viết thêm Tâm Kinh Tường Chú 心經詳註 để bổ sung những khiếm khuyết của cuốn sách trước, qua những trích dẫn từ Đại Kinh Bát-nhã, Luận Đại Trí Độ và các ngữ lục của Thiền tông. Rồi hai năm sau nữa, ông cho ra đời sách Tâm Kinh Tinh Nghĩa 心經精義, vẫn với rất nhiều dẫn chứng từ Kinh, Luận, Sớ Sao, Ngữ Lục.
2. Đinh Phúc Bảo 丁福保 (1874 - 1952), người xứ Vô tích, tỉnh Giang tô, tự Trọng Hựu 仲祐, hiệu Trù Ẩn cư sĩ 疇隱居士. Ông là một bác sĩ y khoa, và là một học giả nổi tiếng người Trung Quốc, người đã nghiên cứu về các chủ đề Phật giáo, được biết đến qua những tác phẩm có thẩm quyền của mình. Ông thông minh từ thủa nhỏ, thông suốt kinh sử, hiểu biết cả văn hóa Trung quốc và Tây phương, giỏi toán số, y học, từ chương, khảo cứ, thạo tiếng Nhật. Ông từng làm 3 giáo sư Đại Học Đường và Dịch Học Quán tại Kinh Sư. Ông cũng là một nhân vật quan trọng trong thế giới Tuyền tệ Trung Quốc, và là Chủ tịch Hoc Xã Tuyền Tệ Trung Quốc (中國泉幣學社). Năm 36 tuổi, ông sang Nhật Bản khảo sát về y học, sau ông làm nghề thuốc và sáng lập Y Học Thư Cục ở Thượng Hải. Năm hơn 40 tuổi ông mới hướng về Phật pháp, bỏ hết sở học ngày trước. Những soạn thuật của ông được chia làm 4 loại tùng thư: Y học, Văn học, Tiến đức, Phật học. Trong đó, đặc sắc của Phật học tùng thư là nhằm khơi mở lòng tin của mọi người về nhân quả ba đời và luân hồi sáu nẻo mà phát tâm học Phật. Ông đã lần lượt xuất bản: Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa Đề Yếu 一切經音義提要, Phật Kinh Tinh Hoa Lục Tiên Chú 佛經精華錄箋注, Lục Tổ Đàn Kinh Tiên Chú 六祖壇經箋注, Tâm Kinh Tiên Chú, Lục Đạo Luân Hồi Lục 六道輪迴錄, Phật Học Chỉ Nam 佛學指南, Phật Học Khởi Tín Luận 佛學起信論, Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập Tân Biên 翻譯名義集新編, Phật Học Đại Từ Điển佛學大辭典. Ông bắt đầu biên soạn bộ Phật Học Đại Từ Điển này vào năm 1912 và hoàn thành năm 1922, gồm hơn 30,000 mục từ. Đây là một cống hiến lớn lao của ông đối với Phật giáo. Ông còn được gọi là Đinh Trọng Hỗ丁仲祜 hay Đinh Trọng Cổ丁仲估.
3. Mục lục Tâm Kinh Tiên Chú:
- Huyền Trang Truyện
- Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh Tự (Thích Tuệ Trung soạn)
- Phụ lục: Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh (No. 253)
- Tạp ghi Chú thích Kinh
- Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh Tiên Chú Ở trước bản Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh, No. 251, do Pháp sư Huyền Trang dịch, sẽ có hai bài Tựa: (1) Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng Đế Ngự Chế Bát- 4 nhã Tâm Kinh Tự, và (2) Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh Tự (Thích Tuệ Trung soạn). Trong Tâm Kinh Tiên Chú, cư sĩ Đinh Phúc Bảo chú thích bài Tựa (2) và tiên chú (: chú giải) Tâm Kinh No. 251. Ông cũng phụ lục Tâm Kinh No. 253 để chứng minh nguyên bản của Tâm Kinh vốn có phần Tự và phần Lưu thông. Ông coi trọng khảo chứng cho nên trong Tâm Kinh Tiên Chú có rất nhiều trích dẫn từ Kinh Luận.
Xem tiếp:
Tâm Kinh Tiên Chú
.