Niết-bàn Kinh Hậu Phần Số 0377 Trong Tạng Đại Chánh Có Phải Là Nội Dung Mà Ngài Đàm-vô-sấm Tìm Kiếm?

28/05/20224:32 SA(Xem: 3374)
Niết-bàn Kinh Hậu Phần Số 0377 Trong Tạng Đại Chánh Có Phải Là Nội Dung Mà Ngài Đàm-vô-sấm Tìm Kiếm?

NIẾT-BÀN KINH HẬU PHẦN SỐ 0377
TRONG TẠNG ĐẠI CHÁNH

CÓ PHẢI LÀ NỘI DUNG
MÀ NGÀI ĐÀM-VÔ-SẤM TÌM KIẾM?

Chúc Phú

kinh-dai-bat-niet-banĐối với kinh Đại bát-niết-bàn, bản của ngài Đàm-vô-sấm 曇無讖 (385-433), mang số hiệu 0374 (Bắc bản) và cả 0375 (Nam bản) trong tạng Đại chánh, khi chuyển dịch sang tiếng Việt, đã có vài trường hợp người dịch tự tích hợp thêm Đại bát-niết-bàn kinh hậu phần 大般涅槃經後分 vào nội dung, tức là phần sau của kinh Đại bát-niết-bàn, mang số hiệu 0377 cũng thuộc tạng Đại chánh[1]. Vậy bản kinh được thêm vào này thực sự có liên quan đến bộ Kinh Đại bát-niết-bàn của ngài Đàm-vô-sấm nêu trên? Đây có phải là nội dung kinh quan trọng mà ngài Đàm-vô-sấm dám hy sinh cả tính mạng để nỗ lực tìm kiếm?

1.   Vài nét về xuất xứ Đại bát-niết-bàn kinh hậu phần và mối liên hệ với kinh A-hàm.

Trong tạng Đại chánh, Đại bát-niết-bàn kinh hậu phần mang số hiệu 0377, thuộc bộ Niết-bàn, gồm hai quyển. Theo Tống Cao tăng truyện[2], bản kinh này do ngài Nhã-na-bạt-đà-la (Jñānabhadra) và ngài Hội Ninh 會寧 cùng dịch tại nước Ha-lăng 訶凌國, một tiểu quốc thuộc nước Indonesia ngày nay[3].
Về xuất xứ của bản kinh này, Phật Tổ thống kỷ ghi: Vào niên hiệu Long Sóc 龍朔 năm thứ hai (năm 662)…, Sa-môn Hội Ninh người nước Tây Thục, từ Nam Hải dong thuyền đến nước Ha-lăng, gặp Sa môn Trí Hiền[4] mang phần sau kinh Niết-bàn từ nước Sư Tử đến, liền cùng nhau dịch thành hai quyển[5].
Như vậy, Đại bát-niết-bàn kinh hậu phần, số 0377 có nguồn gốc từ nước Sư Tử 師子國, cũng gọi là Tích Lan (錫蘭, Sri Lanka). Và do đó, có thể xem bản kinh này có nguồn gốc Nam truyền.
Đồng tình với quan điểm này, ngài Nghĩa Tịnh 義淨 (635-713) đã khẳng định trong Đại Đường Tây Vức cầu pháp cao tăng truyện 大唐西域求法高僧傳:
Trong khoảng niên hiệu Lân Đức (664-665), [ngài Hội Ninh] chống tích trượng đến Nam Hải, dong thuyền đến đảo Ha-lăng và tạm dừng ở đây ba năm. Nhân đó, cùng với Tỳ-kheo đa văn Nhã-na-bạt-đà-la người nước Ha-lăng phiên dịch sự kiện hỏa táng kim thân của Như Lai khi ngài Niết-bàn, ở trong kinh A-hàm (阿笈摩, Āgama). Kinh này cùng với [Kinh] Đại thừa Niết-bàn có lẽ không có sự liên quan[6].
Cũng theo Tống cao tăng truyện, trong phần truyện của ngài Trí Hiền và ngài Hội Ninh, Sa-môn Tán Ninh 沙門贊寧 (919-1001) cũng ghi nhận điều tương tự:
Bản kinh này được trích dịch từ trong kinh A-hàm, nói về sự việc như hỏa táng kim quan của Đức Thế Tôn và việc thu lấy Xá-lợi (設利羅, Śārīra - शारीर)…, so với [kinh] Đại Niết-bàn có lẽ không có sự liên quan[7].
Qua khảo sát bước đầu của chúng tôi, những nhận định trên của ngài Nghĩa Tịnh và ngài Tán Ninh phần nào có cơ sở. Bởi lẽ, có một số sự kiện trùng hợp về nội dung giữa kinh Du hành thuộc Trường A-hàmĐại bát-niết-bàn kinh hậu phần. Đơn cử các sự kiện như: Vấn đề giáo hóa Xa-nặc; Nghi lễ hỏa táng kim thân Đức Phật giống như nghi lễ của một bậc Chuyển luân Thánh vương; Phân biệt Bốn loại tháp như tháp của Đức Phật, bậc Độc giác, bậc A-la-hán và vua Chuyển luân; Về việc thể nhập và xuất Bốn thiền, Bốn định trước khi niết-bàn; Về trường hợp ngài Ca-diếp; Về vị Bà-la-môn chủ trì việc phân chia xá-lợi Đức Phật tên là Droṇa (द्रोण)[8].
Ngoài ra, một trong những cơ sở cho thấy rằng Đại bát-niết-bàn kinh hậu phần chưa hẵn là phần sau của kinh Đại bát-niết-bàn khi khảo sát về dung lượng chữ nghĩa.

2.   Vài nét về nguồn gốc, dung lượng chữ nghĩa giữa Đại bát-niết-bàn kinh hậu phần với Đại bát-niết-bàn kinh, bản của ngài Đàm-vô-sấm

Xét tổng quan, trong tạng Đại chánh, kinh Đại bát-niết-bàn, bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm có hai truyền bản, bản 0374 có 40 quyển, bản 0375 có 36 quyển, cả hai bản tuy có sự khác biệt số quyển nhưng thực tế nội dung, kể cả chữ nghĩa cũng tương đồng nhau. Trong khi đó, Đại bát-niết-bàn kinh hậu phần chỉ gồm có hai quyển, vậy hai quyển này có phải là phần sau của bộ kinh Đại bát-niết-bàn, bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm?
Để dễ hình dung, chúng ta thử khảo qua vài nét về truyền bản của ngài Đàm-vô-sấm và những vấn đề then chốt liên quan đến truyền bản này.
Theo Cao tăng truyện, ngài Đàm-vô-sấm 曇無讖 (385-433) người Trung Ấn Độ, bẩm chất thông minh, xuất gia từ thuở nhỏ với ngài Đạt-ma-da-xá 達摩耶舍. Khi chưa tròn hai mười tuổi, trong một lần luận nghị với Bạch Đầu Thiền sư 白頭禪師, ngài được vị Thiền sư này truyền cho bản kinh Niết-bàn được khắc trên vỏ cây[9]. Đây là nhân duyên thuở đầu của ngài với bộ kinh Đại bát-niết-bàn. Sau khi trưởng thành và rời Ấn Độ, ngài Đàm-vô-sấm mang theo mười quyển đầu của kinh Đại bát-niết-bàn đến Kế-tân[10]. Sau đó, nhận sự thỉnh cầu của Hà tây vương Thư Cừ Mông Tốn 沮渠蒙遜 (368-433), ngài Đàm-vô-sấm đến Bắc Lương 北涼 (397-439) vừa học tập ngôn ngữ bản địa để rồi sau đó dịch phần đầu kinh Đại bát-niết-bàn. Ngài tự biết rằng bản kinh này chưa đầy đủ nên ra sức tìm kiếm các phần còn lại và đã tìm được phần giữa bộ kinh này tại nước Vu Điền (于闐), sau đó lại sai sứ đến nước Vu Điền tìm thêm phần sau và dịch thành ba mươi ba quyển[11] vào niên hiệu Vĩnh Sơ 永初 năm thứ hai (năm 421). Dù nỗ lực như thế nhưng ngài Đàm-vô-sấm cho rằng, nguyên tác Phạn ngữ của bản kinh Đại bát-niết-bàn gồm ba vạn năm ngàn bài kệ nhưng bản kinh vừa dịch ở đây đã giảm cả trăm vạn lời, chỉ còn hơn một vạn bài kệ[12]. Là người từng tiếp cận kinh Đại bát-niết-bàn bằng nguyên tác Phạn ngữ, sự khẳng định này của ngài Đàm-vô-sấm đã cho thấy bản kinh mà ngài vừa dịch sang chữ Hán chưa tới một phần ba so với nguyên tác Phạn ngữ. Cũng từ lý do này, vào tháng ba niên hiệu Nghĩa Hòa 義和 năm thứ ba (năm 433), ngài Đàm-vô-sấm xin phép Thư Cừ Mông Tốn trở lại Ấn Độ để tìm phần còn lại của kinh Đại bát-niết-bàn. Thực tế là vậy nhưng lo sợ kế hoạch quân cơ bị bại lộ và cũng như không muốn Đàm-vô-sám rơi vào tay Ngụy Lỗ Thác Bạt Đảo 魏虜託跋燾(408-452), Thư Cừ Mông Tốn đã ngầm sai thích khách ám hại Đàm-vô-sấm sau khi trang trọng tổ chức lễ tiễn đưa ngài trở lại quê hương.


3.   Kết luận

Đầu tiên, sự kiện Niết-bàn của Đức Phật là một sự kiện trọng đại đối với toàn thể đệ tử Phật nói chung. Tùy theo tông chỉ, chủ trương của từng nhóm đệ tử, từng bộ phái mà cách nhìn nhận sự kiện Niết-bàn của Đức Phật khác biệt nhau. Bản Đại bát-niết-bàn kinh hậu phần theo nhận định của ngài Nghĩa Tịnh, ngài Tán Ninhthực tế khảo sát của chúng tôi đã cho thấy, bản kinh này thuộc về hệ thống kinh điển A-hàm. Sự đa dạng về các bộ kinh liên quan đến sự kiện Niết-bàn của Đức Phật có thể tìm thấy qua nhiều bản kinh thuộc Bộ A-hàm (阿含部) và nhiều nhất là ở Bộ Niết-bàn (涅槃部) trong tạng Đại chánh.
Thứ hai, hai truyền bản kinh Đại bát-niết-bàn số 0374 và 0375 của ngài Đàm-vô-sấm trong tạng Đại chánh thuộc về thể loại kinh điển phương đẳng Đại thừa, được truyền thừa từ phương Bắc xuống. Trong khi đó, bản Đại Bát-niết-bàn kinh hậu phần có nguồn cội từ Tích Lan và được truyền đến từ phương Nam. Kế đến, theo như lời ngài Đàm-vô-sấm, bản kinh Đại bát-niết-bàn mà ngài đã dịch chưa đầy đủ hoàn toàn, chỉ hơn một phần ba bản gốc mà đã chiếm dung lượng 33 quyển lúc mới phiên dịch, hoặc chia thành 40 quyển (Bắc bản), hay 36 quyển (Nam bản). Nếu như phần sau của bản kinh Đại bát-niết-bàn thì phải gấp hai lần số quyển vừa nêu thì mới phù hợp.
Thứ ba, theo Cao tăng truyện[13], pháp sư Tuệ Quán 慧觀法師 với chí nguyện muốn tìm Hậu phần niết-bàn nên vào niên hiệu Nguyên Gia 元嘉 (424-453) đã thỉnh cầu Tống Thái Tổ[14] 宋太祖 chu cấp tư lương, cử Sa-môn Đạo Phổ 沙門道普 mang theo thư cùng với mười người đi đi về phương Tây để tìm kinh, đến quận Trường Quảng[15] 長廣郡, thuyền bị phá nước, [Đạo Phổ] bị thương ở chân, nhân đó lâm bệnh rồi qua đời. Khi lâm chung, ngài Đạo Phổ than rằng: Hậu phần Niết-bàn đối với đất Tống quả không có duyên[16]!
Như vậy, phần sau kinh Đại bát-niết-bàn theo bản của ngài Đàm-vô-sấm có thể không phải là bản Đại bát-niết-bàn kinh hậu phần, số hiệu 0377 trong tạng Đại chánh. Việc không sáp nhập hai bản kinh này vào nhau là một phương cách xử lý văn bản hợp lý của các nhà Phật học Nhật Bản trong khi biên tập tạng Đại chánh, đáng để tham chiếucân nhắc vận dụng.
________________
[1] Đại bát-niết-bàn kinh hậu phần 大般涅槃經後分 (T.12. 0377. 0900a03-0912a16). Hai bản dịch kinh Đại bát-niết-bàn của HT.Thích Trí Tịnh và Đoàn Trung Còn-Nguyễn Minh Tiến đều có thêm bản kinh này vào nội dung.

[2] Tống cao tăng truyện 宋高僧傳 (T.50. 2061.2. 0717b24).

[3] Theo Phật tổ thống kỷ 佛祖統紀 (T.49. 2035.32. 0316a04), nước Ha-lăng 訶凌 (Kalingga) nằm kề cận Thất-lợi-phật-thệ 室利佛逝 (Srivijaya) và Mạt-la-du 末羅瑜 (Melayu).

[4] Trí Hiền (): Dịch nghĩa từ Jñānabhadra ().

[5] Theo Phật tổ thống kỷ 佛祖統紀 (T.49. 2035.39. 0367c05). Nguyên tác: 西蜀沙門會寧自南海附舶至訶陵國遇沙門齎涅槃後分自師子國來即與對譯成文二卷.

[6] Đại Đường Tây Vức cầu pháp cao tăng truyện 大唐西域求法高僧傳 (T.51. 2066.1. 0004a05-0004a08): Nguyên tác: 爰以麟德年中仗錫南海.汎舶至訶陵洲. 停住三載. 遂共訶陵國多聞僧若那跋陀羅,於阿笈摩經內譯出如來涅槃焚身之事. 斯與大乘涅槃頗不相涉.

[7] Tống cao tăng truyện 宋高僧傳 (T.50. 2061.2. 0717b28). Nguyên tác: 此於阿笈摩經內譯出說世尊焚棺收設利羅等事與大涅槃頗不相涉.

[8] Theo Từ điển Phạn ngữ của Williams Monier, Droṇa (द्रोण) có nghĩa là mây mù, hơi nước. Có thể dựa vào nghĩa này nên Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2 0029b18) dịch nghĩa là Hương Tánh (香姓) còn ở Đại bát-niết-bàn kinh hậu phần 大般涅槃經後分 (T.12. 0377.2. 0912a16) dịch nghĩa là Tánh Yên (姓煙).

[9] Cao Tăng truyện 高僧傳 (T.50. 2059.2. 0335c25). Nguyên tác: Thiền sư liền truyền cho bộ kinh Niết-bàn làm bằng vỏ cây (禪師即授以樹皮涅槃經本). Trong lịch sử truyền thừa kinh điển, bên cạnh thể loại kinh được ghi bằng lá bối (, Palm) thì chi tiết bộ kinh làm bằng vỏ cây (樹皮) là một chi tiết chứa dựng nhiều giá trị lịch sử. Thứ nhất, dường như đây là một văn bản kinh điển chép tay đầu tiên được ghi nhận trong kinh văn Hán tạng. Thứ hai, thể loại kinh điển viết trên vỏ cây (樹皮) đã được chứng minh là một hiện vật lịch sử, vừa được phát hiện qua 29 thủ bản kinh cổ ở Gandhara, được viết trên vỏ cây bạch dương (birch bark). Xem thêm, Richard Salomon, Ancient Buddhist Scrolls from Gandhāra: The British Library Kharosthī Fragments, Seattle: University of Washington Press, 1999. p.15,89,186.

[10] Cao Tăng truyện 高僧傳 (T.50. 2059.2. 0336a12): Nguyên tác: 往罽賓齎大涅槃前分十卷.

[11] Như trên. Nguyên tác: 三十三卷

[12] Như trên, trang 0336b08. Nguyên tác:  讖云: 此經梵本本三萬五千偈, 於此方減百萬言, 今所出者止一萬餘偈.

[13] Như trên, trang 0337a23.

[14] Tống Thái Tổ ở đây chính là Tống Thái Tổ Văn hoàng đế 文皇帝 (407-453), cũng gọi là Lưu Tống Văn đế, 劉宋文帝, tên húy là Lưu Nghĩa Long 劉義隆,thuộc triều Lưu Tống 劉宋, cũng gọi là Nam Tống 南宋; khác với Tống Thái Tổ, vị hoàng đế khai quốc nhà Bắc Tống 北宋,tên thật là Triệu Khuông Dận 趙匡胤 (927-976), tự là Nguyên Lãng 元朗.

[15] Là một quận lỵ được thành lập từ thời Đông Hán 東漢, nay thuộc tỉnh Sơn Đông 山東省, Trung Quốc.

[16] Cao Tăng truyện 高僧傳 (T.50. 2059.2. 0337a27). Nguyên tác: Niết-bàn hậu phần dữ Tống địa vô duyên hỹ! (涅槃後分與宋地無緣矣).

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/04/2010(Xem: 131426)
14/05/2010(Xem: 441414)
23/04/2023(Xem: 33122)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.