Thư Viện Hoa Sen

Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa | Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải Hiệu Đính, Hoàn Thiện và Lý Giải

21/03/20234:55 SA(Xem: 9920)
Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa | Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải Hiệu Đính, Hoàn Thiện và Lý Giải
Tài Liệu Lịch SửTham Khảo về Bản Việt Dịch
TINH TÚY BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Do Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải Hiệu Đính, Hoàn Thiện và Lý Giải
blank
Cung kính đảnh lễ Bậc Toàn Trí Toàn Giác

PDF icon (4)^2023 FINAL v9 Tinh Túy Bát Nhã - Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải hiệu đính -
LỊCH SỬ VÀ THAM KHẢO (FULL) 8.3.2023


TỐT NHẤT LÀ NÊN ĐỌC BẢN PDF

^2023 v5 Tinh Túy Bát Nhã - Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải hiệu đính - LỊCH SỬ VÀ THAM KHẢO (COVER)_Page_1
Thể theo tôn ý và sự cho phép của Ân Sư của chúng tôi, Thượng Tọa Thích Tuệ Hải - Sư Phụ Trụ Trì Chùa Long Hương, chúng tôi xin được trân trọng viết lại ra đây về toàn bộ lịch sử quá trình hình thành và hoàn tất bản dịch Việt ngữ Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa do Thượng Tọa Thích Tuệ Hải đã hiệu đínhhoàn thiện trong tinh thần dịch thuật vượt thoát vào mùa an cư kiết hạ năm 2019 tại Việt Nam. Chúng tôi cũng xin được chia sẻ với đại chúng về những chi tiết liên quan đến một số thuật ngữ trong bản gốc Bắc Phạn ngữ Sanskrit (sẽ được nhắc đến trong bài này dưới tên Phạn ngữ hoặc Phạn văn Sanskrit) và lý do vì sao những chi tiết này đã củng cố cho tri kiến và lý giải đặc thù và vượt thoát về ‘Bát Nhã Hiện Tiền’ của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải đối với bản Kinh siêu tuyệt này, thường được biết đến dưới tên Bát Nhã Tâm Kinh hay Tâm Kinh.

Bản Việt dịch do Thượng Tọa Thích Tuệ Hải hiệu đínhhoàn thiện, và tập sách luận giải Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa đã được ký dưới pháp hiệu Tỳ Kheo Thích Tuệ HảiTrụ Trì Chùa Long Hương (www.chualonghuong.org), nên chúng tôi cũng xin được trân trọng sử dụng pháp hiệu tôn quý này trong nhà Phật để nhắc đến Thầy chúng tôi tùy thuộc vào nội dung được nhắc đến trong tài liệu này.

Trong tư cách của người đã chuyển ngữ bản Kinh từ Phạn qua Việt (với sự hỗ trợ tận lực của vị đạo hữu thông thạo Phạn ngữ, Eng Jin Ooi, cùng với những lời giải thích khúc chiết, tường tận của một huynh đệ người Việt của chúng tôi, Ratna Siddhārtha Dhyāna 1,  về một số điểm khúc mắc trong Phạn ngữ), chúng tôi xin được mạn phép trình bày những chi tiết nổi bật và có căn cứ dựa trên bản Phạn ngữ để giải đáp một số nghi vấn về bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa này. 

Chúng tôi cũng sẽ chia sẻ các lý do, dựa trên quan điểm của tinh thần dịch thuật vượt thoát, vì sao bản dịch này, sau khi được Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải hiệu đínhhoàn thiện, đã trở thành một bản Việt ngữ vô cùng đặc thù và thâm diệu – nội  dung, ý tứ, từ chữ đều hoàn toàn được Việt hóa và được sử dụng trong tinh thần khai mở toàn triệt để thể hiện một tầng tâm linh và chuyên môn sâu xa, không theo khuôn mẫu của các bản dịch và cách lý giải Bát Nhã Tâm Kinh theo truyền thống xưa nay. Bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa này muốn chuyển tải một cái thấy nhìn hoàn toàn mới mẻ, thông lưu và khai phóng để cống hiến cho Đại Thừa Phật Giáo tại Việt Nam cũng như thế giới. Nếu người đọc sẵn sàng rộng lòng, lắng tâm cùng chúng tôi tìm hiểu từ đầu bài đến cuối bài thì chúng tôi tin là khi đọc xong, người đọc cũng sẽ có được một kết luận mới mẻ và nhận ra được giá trị vượt thoát của bản Tinh Túy Bát Nhã này.

Một số thông tin trong tài liệu này, trước đây đã được chúng tôi trình bày trong phần “Chú Thích” ở cuối tập sách Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa đã được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo phát hành tại Việt Nam vào Phật lịch 2563 (năm 2019 Dương lịch). Nội dung trong tập sách này là toàn bộ những gì đã được ghi chép lại từ trong 5 buổi pháp thoại của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải tại Chùa Long Hương, Việt Nam trong mùa an cư năm 2019. Quý vị cũng có thể tìm đọc toàn tập sách Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa do Thượng Tọa Tuệ Hải lược giảng tại các trang nhà: www.chualonghuong.org, www.thuvienhoasen.org và www.quangduc.com.

Tuy nhiên, do có rất nhiều vị trong đại chúng chỉ được nghe, hoặc đọc bản Việt dịch chánh văn Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa, nhưng lại không biết đến, hoặc không xem thấy phần “Chú Thích” ở cuối sách, cũng như có nhiều vị chưa có được đầy đủ thông tin về một số khám phá liên quan đến các từ vựng và cấu trúc trong bản gốc Phạn ngữ, nên đã có phản ảnh một số thắc mắc đến chúng tôi. Nay nhân duyên hội tụ đầy đủ, Thầy chúng tôi đã từ bi cho phép chúng tôi biên soạn tài liệu này, và vì đây là việc liên quan đến lịch sử của bản dịch tiếng Việt của Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa nên chúng tôi mong nguyện mọi thông tin đều được lưu lại một cách chính xác, đầy đủ và trọn vẹn, để giải tỏa được những nghi vấn trong hiện tại, và đem lại lợi lạc lâu dài.

TINH TÚY BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
CỐT TỦY CỦA TRÍ TUỆ TOÀN HẢO SIÊU VIỆT 
HOÀN TOÀN VƯỢT THOÁT
Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải hiệu đínhhoàn thiện vào ngày 8/8/2019
dựa trên bản chuyển ngữ Phạn-Việt của Milam Sudhana

Cung kính đảnh lễ Bậc Toàn Trí Toàn Giác.

Đấng tôn quý giác hữu tình Quán Tự Tại, ngay khi thâm nhập Bát Nhã Ba La Mật Đa, thông thấu toàn bộ năm uẩntỏ tường tự thể của năm uẩn là Không.

Này Xá Lợi Phất, ngay hiện tiền này, sắc chính là Không, Không chính là sắc, sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc; cái gì là sắc, cái đó chính là Không, cái gì là Không, cái đó chính là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.

Này Xá Lợi Phất, ngay hiện tiền này, tất cả các pháp đều hiển lộ từ Không Tướng, không sanh, không diệt, không nhơ, không nhiễm, viên mãn tròn đầy.

Cho nên, Xá Lợi Phất, trong Không Tướng ấy, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới; không có tri thức, không có vô minh, không có đoạn tận tri thức, cũng không có đoạn tận vô minh; cho đến không có già chết và cũng không có đoạn tận già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí và không có chứng đắc.

Cho nên, Bậc giác hữu tình Y Như Bát Nhã Ba La Mật Đa, Hiển Hiện Như Nhiên, tâm không ngăn ngại. Do tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi, vượt thoát mê lầm ảo tưởng, đạt đến cứu cánh Niết Bàn.

Hết thảy chư Phật trong ba thời, thường Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa, đạt được đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Vì vậy, nên biết: Bát Nhã Ba La Mật Đatrí tuệ lớn, là trí tuệ của đại giác, là trí tuệ vô thượng, là trí tuệ vô song, vượt thoát hết thảy mê lầm khổ não, chân thật không hư dối.

Cho nên, thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là Hiển Hiện cảnh giới chân thật:  

Vượt rồi, vượt rồi, vượt thoát rồi, hoàn toàn vượt thoát rồi, giác ngộ viên mãn, ta bà ha.

Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa đã viên thành như thế.

Dưới đây là 5 đề mục chính liên quan đến lịch sử, các khám phá mới và cách giải mã một số thuật ngữ trong bản gốc Phạn ngữ theo cách khéo chọn ngôn từ đến từ sự chứng ngộ tâm linhtinh thần dịch thuật vượt thoát của Ân Sư của chúng tôi, Sư Phụ Trụ Trì Chùa Long Hương – Thượng Tọa Thích Tuệ Hải, trong cương vị của người hiệu đínhhoàn thiện bản Việt dịch, và từ cái nhìn thô thiển của chúng tôi trong tư cách người chuyển Việt ngữ. Do đây là một tài liệu lịch sử, nên chúng tôi xin phép được trình bày 5 đề mục này theo trình tự thời gian trong quá trình tìm hiểu, hình thành và hoàn thiện bản dịch.

I. Lịch sử các khám phá mới và sự hình thành bản Việt dịch thô 
II. Lịch sử phiên bản lá cọ Horyu-ji (Bắc Phạn Sanskrit)
III. Lịch sử hiệu đínhhoàn thiện bản Việt dịch trong tinh thần vượt thoát
IV. Phân đoạn và tóm lược yếu nghĩa của các giai đoạn thâm nhập Bát NhãHiển Hiện Bát Nhã 
V. Những điểm trọng yếu và cách lý giải một số thuật ngữ quan trọng và ý nghĩa thậm thâm Các bảng thuật ngữ (BTN) ở các trang kế tiếp được trình bày theo thứ tự của các câu kệ trong chánh văn như sau:

1. gambhῑraṁ prajñāpāramitā caryāṁ caramāṇo – Ngay khi thâm nhập Bát Nhã Ba La Mật Đa (thay vì: hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa // hành sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa // đi vào Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa // hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa // quán chiếu thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa // đi sâu vào trí tuệ Bát Nhã // hành trì Bát nhã ba la mật đa sâu xa)

2. vyavalokayati sma panca-skandhāṁs tāṁś  – Thông thấu toàn bộ năm uẩn (thay vì: chiếu kiến ngũ uẩn giai không // soi thấy năm uẩn // soi thấu năm uẩn // thấy năm uẩn)

3. ca svabhāvaśunyān paśyati sma – Và tỏ tường tự thể của năm uẩn là Không (thay vì: đến cả năm uẩn cũng không có tự tánh) (*câu này không có trong bản âm Hán/Hán-Việt/Việt/chữ ‘tự thể’ không có trong bản âm Hán/Hán-Việt/Việt/tuy nhiên bản dịch dài theo truyền thừa Tây Tạngsử dụng từ ‘tự tánh’)

4. iha śāriputra – Này Xá Lợi Phất, ngay hiện tiền này [sắc chính là Không, Không chính là sắc] (*chữ ‘iha’ này không có trong bản âm Hán/Hán-Việt/Việt nên không được dịch ra; bản hiệu đính của Ngài Bất Không tìm thấy trong động Đôn Hoàng có dịch từ ‘iha’)

5. yad rūpāṁ sā śunyatā ya śunyatā tad rūpāṁ  – Cái gì là sắc, cái đó chính là Không, cái gì là Không, cái đó chính là sắc (*không có câu này trong bản âm Hán/Hán-Việt/Việt hoặc trong bản dài theo truyền thừa Tây Tạng)

6. sarvadharmāḥ śūnyatālakṣaṇā – Tất cả các pháp đều hiển lộ từ Không Tướng (thay vì: thị chư pháp Không tướng // trong Không // tướng Không của các pháp // Không ấy của các pháp // vì thế mà nói tất cả các hiện tượng đều là Không; không đặc tính) (*có thêm cụm từ ‘không đặc tính’ trong bản dài theo truyền thừa Tây Tạng)

7. amalāvimalā nonā na paripūrṇāh  – không sinh, không diệt, không nhơ, không nhiễm, viên mãn tròn đầy (thay vì: bất sinh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm // không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt)

8. tasmāc chāriputra śūnyatāyāṁ – Cho nên, Xá Lợi Phất, trong Không Tướng ấy (thay vì: thị cố Không trung // thế nên trong Không // cho nên trong tướng Không // cho nên trong tánh Không // thế nên trong Không // bởi thế trong “Tướng Không”)

9. prajñāpāramitām āśritya viharaty – Y Như Bát Nhã Ba La Mật Đa, Hiển Hiện Như Nhiên (thay vì: y bát nhã ba la mật đa // y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa // nương theo Bát Nhã Ba La Mật Đa // y theo Bát nhã ba la mật đa, an trụ nơi đó) 

10. prajñāpāramitām āśritya – Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa (thay vì: y bát nhã ba la mật đa // y theo // nương theo // nương vào Bát Nhã Ba La Mật Đa)

11. tasmāj jñātavyam: prajñāpāramitā mahā-mantro – Vì vậy, nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đatrí tuệ lớn (thay vì: cố tri bát nhã ba la mật đa thị đại thần chú // vì vậy nên biết bát nhã ba la mật đađại thần chú // do đó mà biết bát nhã ba la mật đa là bài chú rất thần diệu // nên biết bát nhã ba la mật đa là chú thần lớn // vậy  nên phải biết bát nhã ba la mật đalinh chú đại thần // nên gọi là đại thần chú bát nhã ba la mật đa // do đó mà biết bài chú của Bát nhã ba la mật đa là bài chú của đại trí tuệ)

12. prajñāpāramitāyām ukto mantraḥ tadyathā – Thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là Hiển Hiện Cảnh Giới Chân Thật (thay vì: cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú // nói chú Bát Nhã Ba La Mật Đa, liền nói chú rằng)

13. gate gate pāragate pārasaṁgate bodhi svāhā – Vượt rồi, vượt rồi, vượt thoát rồi, hoàn toàn vượt thoát rồi, giác ngộ viên mãn, ta bà ha (thay vì: yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha // vượt qua, vượt qua,vượt qua bên kia, vượt qua hoàn toàn, an trú trong giác ngộ

14. iti prajñāpāramitāyām hṛdayaṃ samāptaṃ – Tinh túy Bát Nhã Ba La Mật Đa kết thúc ở đây/Tinh túy Bát Nhã Ba La Mật Đa viên thành như thế. (*không có câu này trong bản âm Hán/Hán-Việt/Việt)  


Sau đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong tinh thần tôn trọng và cởi mở, và đồng thời, chúng ta cũng sẽ dựa trên bản Phạn văn Sanskrit và trên các nghiên cứu có cơ sở. Mục tiêu chính yếu của chúng tôi trong tài liệu này là chia sẻ các thông tin liên quan một cách trung thực, để người đọc có thể tự suy xét để nhận thấy ra rằng bản Phạn văn Sanskrit và các nghiên cứuliên quan, một cách tự nhiên và không lường trước, đã góp phần củng cố cho lý giải của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải về bản Kinh Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa như thế nào. Nói một cách cô đọng nhất thì Thượng Tọa Tuệ Hải đã muốn chỉ ra cho chúng thấy giáo lý cốt tủy, siêu việt của Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là giáo lý siêu tuyệt của ‘Bát Nhã hiện tiền,’ và bản Kinh này chủ yếu là đang mô tả cảnh giới của một người tu chứng, tự do, siêu thoát, đã thoát khỏi sự trói buộc của năm uẩn, thể nhập Tự tánh Không vô biên


Các lý giải này là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử giảng dạy chính thống về Bát Nhã Tâm Kinh trong lịch sử Đại Thừa Phật Giáo Việt Nam. Và do bởi các lý giải này chưa từng được nghe tới trước đây, nên mọi sự hoài nghiphê bình, nếu có xảy ra, là điều đương nhiên, và chúng tôi xin tôn trọng

Tuy thế, trước khi bắt đầu thì chúng tôi xin được trân trọng nhắc lại lời chia sẻ sau đây của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải trong buổi thuyết giảng Kinh Hoa Nghiêm (bài 345) tại Chùa Long Hương vào ngày 10 tháng 1 năm 2021:

“Khi chúng ta đã tu thông rồi, thì những điều được nhắc đến trong Kinh không còn phải là những điều bí mật đối với mình nữa, nhất là những bản Kinh Đại Thừa. […] Để thấu hiểu và có thể biện biệt được thì phải là người có công phu tu tập.  Dùng từ công phu tu tập là nói khiêm tốn, mà thực sự là phải có một sự tu chứng thì mới được gọi là ‘nói quyết định,’ còn không thì mình sẽ nói trong hồi hộp, không biết là mình nói có trúng không.  Mình nghĩ rằng mình hiểu Kinh và mình cho là như vậy, nhưng có khi người thuyết bản Kinh ấy lại có một cái thấy khác. 

Khi chúng ta tu tập đến một lúc nào đó, chúng ta đọc lời Kinh thì chúng ta sẽ không chỉ hiểu ‘nghĩa’ của câu Kinh đó, mà chúng ta sẽ thấy được ‘cái tâm’ của người muốn nói bản Kinh ấy đang thật sự muốn diễn tả điều gì. Và lúc đó chúng ta sẽ giảng Kinh với cái gọi là ‘quyết định biện tài’, sẽ nói mà không nghi, nói chắc mà không nghi! Còn bây giờ nếu chỉ hiểu ‘nghĩa’ trên ‘ngữ’ thì chắc chắn sẽ còn nghi, cho nên có khi biện tài mà lại không quyết định được.”

Như vậy cho nên, tuy là chúng tôi đã dựa vào những nghiên cứu gọi là có cơ sở trong khi tra cứu và làm việc với bản dịch này, nhưng tựu chung những điều này vẫn chỉ mang tính cách hỗ trợ trong cái nhìn tương đốitương hợp trong lĩnh vực học hỏi, nghiên cứu thuộc thế gian. Còn nếu phải đem ra so sánh và nhìn với một cái nhìn rốt ráo cứu cánh thì chúng chưa chắc đã mang tính cách ‘quyết định biện tài’ như Thầy chúng tôi đã từ bi chỉ ra như trên. Có nghĩa là điều cơ bản và trọng yếu hơn hết cả cho việc học Kinh là phải dựa vào công phu tu chứng và ‘quyết định biện tài’ của chính vị giảng sư, cho nên trong trường hợp có những sự bất đồng hay những điểm chưa sáng tỏ trong các bản Kinh văn, thì trí tuệ thông suốt và ‘quyết định biện tài’ của vị ấy sẽ trở thành là kim chỉ nam cho những người học Phật như chúng ta.

I. Lịch sử các khám phá mới và sự hình thành bản Việt dịch thô 

Vào mùa an cư năm 2019, Thượng Tọa Thích Tuệ Hải đã từ bi dạy chúng tôi nên dịch bài luận giảng của Thầy về Bát Nhã Tâm Kinh qua Anh ngữ. Đây là các bài giảng mà Thầy chúng tôi đã thuyết vào nhiều năm trước đây (Nhâm Thìn 2012), dựa trên bản dịch Hán-Việt, là bản thường được đăng tải trong các quyển Kinh nhật tụng và thường được các Chùa tại Việt Nam ấn hành theo truyền thống Đại Thừa Phật Giáo Việt Nam. Bản Việt dịch ấy không ghi tên dịch giả. Bản thân chúng tôi từ khi còn nhỏ, cũng đã học thuộc lòng phiên bản phổ thông này, khởi đầu bằng câu “Khi Bồ Tát Quán Tự Tại hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đacho đến câu cuối là “Vì vậy nói chú Bát-nhã ba-la-mật-đa, liền nói chú rằng: Yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha.”

Tuy đã quen thuộc với bản Việt ngữ phổ thông, nhưng do có nhu cầu phải tra cứu để chuẩn bị chuyển dịch toàn bộ bài chánh văn và bài giảng của Thượng Tọa Tuệ Hải qua Anh ngữ, chúng tôi đã tìm đọc thêm những bản dịch Anh ngữ khác nhau của Tâm Kinh, và xem thêm một vài bài bằng Pháp ngữ. Do tìm thấy có một số điểm tương đồngkhông tương đồng trong các phiên bản ngoại ngữ này, nên chúng tôi đã lập bảng đối chiếu để xem là nên sử dụng phiên bản Anh ngữ nào làm bản gốc trong khi dịch các bài thuyết giảng về bản Bát Nhã Tâm Kinh cũ của Thượng Tọa Tuệ Hải qua Anh ngữ. 

Tâm Kinh có hai dạng: ngắn (theo Hoa truyền) và dài (theo Tạng truyền)

Tóm tắt thì trên thế giới hiện nay có hai ‘dạng’ Tâm Kinh, ngắn và dài. Truyền thống Phật Giáo Tây Tạng sử dụng dạng dài, bao gồm cả phần mở đầu “Tôi nghe như vầy,” kế tới là phần đức Quán Thế Âm nương nơi thần lực của Phật mà thuyết cho Tôn giả Xá Lợi Phất nghe, rồi đến phần kết thúc bao gồm Đức Phật xuất định, tán thán những lời tuyên thuyết của đức Quán Thế Âm, rồi loài người cùng các loài, các cõi đều tin tưởng, hoan hỷ tiếp nhận và y giáo phụng hành

Trong khi đó, phiên bản Tâm Kinh dạng ngắn, theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa và Việt Nam thì bắt đầu vào ngay câu “Khi Bồ Tát Quán Tự Tại hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa.” Theo Tanahashi (2014) trong tập sách diễn giải về Tâm Kinh thì văn bản dạng ngắn bằng Phạn văn Sanskrit đến từ ba nguồn khác nhau: (1) phiên bản Horyu-ji lưu lạc từ Trung Hoa qua Nhật Bản, (2) phiên bản Amoghavajra (tức của Ngài Bất Không Kim Cương, hay Bukong, hiệu đính) tìm thấy ở động Đôn Hoàng bởi Stein và nhận diện bởi Fukui, và (3) phiên bản Nepal do Edward Conze giới thiệu và chuyển Anh ngữ. (Tanahashi, trang 69)

Có rất nhiều học giả, dịch giả đã chuyển ngữ phiên bản ngắn này qua Anh ngữ. Ba phiên bản Anh ngữ ngắn của Heart Sutra – Tâm Kinhchúng tôi sử dụng để đối chiếu vào lúc khởi đầu là của các vị sau đây đã chuyển dịch trực tiếp từ Phạn ngữ Sanskrit qua Anh ngữ:  1/. Edward Conze (1967); 2/. Tỳ Kheo Ānandajoti Bhikkhu dịch, Edward Conze hiệu đính; và 3/. Theosophical University Press (1997).  Liệt kê dưới đây là 5 điểm khác biệt chính yếu giữa các bản Phạn-Anh và bản Hán-Việt/Việt, là những gì đã tạo ấn tượng và gây sự tò mò cho bản thân chúng tôi. Nhưng ngoài 5 điểm này ra thì các dị bản Phạn ngữ Sanskrit cũng đều có những sai biệt khác nữa, ví dụ như trong các bản Phạn-Anh ngắn lại có thêm các phần: “không có tri thức”và “không có đoạn tận tri thức” (hoặc “không cả không chứng đắc” trong bản dài) mà trong bản Hán-Việt/Việt không thấy có.

#1. Điểm khác biệt thứ nhất: Các bản dịch Anh ngữ có từ ‘here’ (tức ‘iha: ở đây/bây giờ’) đặt trước tên Tôn giả Xá Lợi Phất (iha, śāriputra) nhưng không thấy có từ này trong các bản Hán-Việt/Việt phổ thông.

Khi bắt đầu lập bảng đối chiếu thì chúng tôi đã nhìn thấy ra một chi tiết rất nhỏ, gần như là quá nhỏ để có thể làm người khác phải phân tâm, nhưng với bản thân chúng tôi thì không hiểu vì lý do gì mà khi ấy đã làm cho chúng tôi bất chợt phải giật mình! Rất kỳ lạ vì nó đã hiện ra như là một đốm sáng lóe ra từ một ngọn hải đăng, làm cho tôi cứ phải nhìn chăm chăm vào nó và nó đã choán hết toàn bộ tâm trí của tôi! 

Cái chi tiết quá nhỏ trong cả ba bản dịch Anh ngữ nêu trên đơn thuần chỉ là một chữ ‘here’ (nghĩa đen tiếng Anh là: ở đây/tại đây/ngay đây), và cái chữ ‘here’ này đã được đặt nằm ngay trước tên Tôn giả Sariputra (Xá Lị Tử/Xá Lợi Tử/Xá Lợi Phất):

Here, Sariputra, form is emptiness, emptiness is form.” (Anh ngữ)
Ngay đây, Xá Lợi Phất, sắc chính là Không, Không chính là sắc.” (Việt dịch)

Về sau, chúng tôi cũng đọc được thêm hai bản dịch Anh ngữ khác của F. Max Muller (1984) và D.T. Suzuki (1953) thì cả hai bản này cũng đều có chữ ‘here.’

“O Sariputra,” he said, “form here is emptiness.” (Anh ngữ/Muller)
“Này Xá Lợi Phất,” ngài nói, “sắc ngay đây chính là Không.” (Việt dịch)

“O Sariputra, form is here emptiness.” (Anh ngữ/Suzuki)
“Này Xá Lợi Phất, sắc chính là Không ngay đây.” (Việt dịch)

Và xin đơn cử thêm một ví dụ nữa trong bản Pháp văn, Le Sūtra du Coeur, do The Buddhiste Centre đăng tải, thì dịch giả cũng đã dùng từ ‘ici’ (nghĩa đen cũng là: ở đây/tại đây/ngay đây) như sau:

Ici donc, la forme n’est rien d’autre que la vacuité.” (Pháp ngữ)
Ngay đây, sắc chẳng là gì khác ngoài Không.” (Việt dịch)

Trong khi đó thì bản dịch theo âm Hán văn và các bản Hán-Việt lẫn Việt ngữ mà tôi tìm xem vào lúc đó, gồm các bài dịch của quý Ôn Cố Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Cố Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Cố Lão Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh (bản cũ), Cố Lão Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, kể cả phiên bản phổ in trong các quyển Kinh nhật tụng thì hoàn toàn không có sự hiện diện của từ nào hàm nghĩa ‘ở đây/ngay đây.’ Trong các phiên bản ấy thì câu văn này theo sát truyền thống Hán văn dựa trên bản dịch của Pháp Sư Tam Tạng Huyền Trang và bắt đầu như sau:
“Xá Lị Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc.”
“Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc.”
“Này Xá Lợi Phất, sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc.”
“Nghe đây, Xá Lợi Phất, sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc.”
#2. Điểm khác biệt thứ nhì: Các câu về sắc và Không bị đảo lộn thứ tự trong các bản Hán-Việt/Việt.

Chúng tôi cũng nhận ra thêm một điểm khác biệt thứ nhì, đó là trong các phiên bản Anh ngữ, thứ tự của hai câu đầu về sắc và Không bị đảo ngược so với bản Hán-Việt và Việt ngữ. 

#3. Điểm khác biệt thứ ba: Bản gốc Phạn ngữ và bản dịch Anh ngữ có “thêm” một câu thứ ba về sắc và Không mà bản Hán-Việt/Việt không có.  

Bản gốc Phạn ngữ và các bản Phạn-Anh có “thêm” một câu thứ 3 về sắc và Không, nhưng câu này lại không xuất hiện trong các bản Hán-Việt và Việt ngữ. Các câu nêu trên về sắc và Không trong bản Anh ngữ dựa trên bản gốc Phạn ngữ Sanskrit đã được dịch theo những hình thức khác nhau, nhưng tựu chung, nếu dịch qua Việt ngữ một cách đơn giản nhất thì thứ tự và nghĩa đen là như sau:
1.“Sắc chính là Không, Không chính là sắc.
2. Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc.
3. Cái gì là sắc, cái đó chính là Không; cái gì là Không, cái đó chính là sắc.
4. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.”

Trong khi đó, trong các bản Hán-Việt và Việt ngữ, hai câu đầu bị đảo ngược, và câu thứ ba thì hoàn toàn không hiện hữu trong các phiên bản Hán-Việt/Việt và được trình bày theo thứ tự như sau:

2. “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc. 
1. Sắc chính là Không, Không chính là sắc.
4. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.”

#4. Điểm khác biệt thứ tư: Câu ‘độ nhất thiết khổ ách/vượt qua hết khổ ách’ trong bản Hán-Việt/Việt không xuất hiện trong bản Phạn ngữ và các bản dịch Anh ngữ.
Điểm thứ tư mà chúng tôi nhận thấy ra là trong bản Hán âm và Hán-Việt, có thêm câu “độ nhất thiết khổ ách” ngay sau câu “chiếu kiến ngũ uẩn,” tức là “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ thất thiết khổ ách.” Câu này trong quá khứ đã được dịch qua tiếng Việt dưới các hình thức khác nhau như sau: “vượt qua hết khổ ách/vượt mọi khổ ách/vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn/nên không còn khổ”. Trong khi ấy, trong tất cả các bản dịch Anh ngữ dựa trên các dị bản Sanskrit cũng như bản Phạn-Tạng thì hoàn toàn không có phần đuôi này

#5. Điểm khác biệt thứ năm: Khi mô tả ‘năm uẩn,’ bản Hán-Việt/Việt không sử dụng từ ‘tự thể’ (svabhāva) như trong bản Phạn gốc và các bản dịch Anh ngữ. 

Điểm khác biệt thứ năm mà chúng tôi nhận thấy là trong bản Hán-Việt và Việt ngữ, câu phổ thông thường thấy là “thường chiếu kiến ngũ uẩn giai Không” hoặc “soi thấy/soi thấu năm uẩn đều Không.” Ở đây không nhắc đến ‘tự thể’ (Phạn: svabhāva) của năm uẩn. Trong khi  đó, trong tất cả các bản ngắn Phạn-Anh, và kể cả các bản dài Phạn-Tạng-Anh, thì câu này đã được tách ra làm hai phần rõ rệt, tức là có hai vế riêng biệt chứ không gom chung lại với nhau. Vế đầu (theo nghĩa đen) nói là hành giảnhìn thấy/thấy biết năm uẩn,” và vế sau nói “thấy biết tự thể của năm uẩn là Không.” (Xin xem chi tiết trong bảng thuật ngữ BTN 2 và BTN 3).

‘Iha’ – ‘Ngay hiện tiền này’ là chìa khóa đích thực của Bát Nhã Tâm Kinh

Tuy nhiên, phải thưa rằng chính điểm đầu tiên, tức là cái đốm sáng khởi đầu quá nhỏ của chữ ‘here’ (ở đây/ngay đây) trong các bản Anh ngữ lại là mấu chốt đưa tôi đến với sự thôi thúc muốn tìm hiểu sâu thêm về những từ ngữ đã được sử dụng trong các bản Phạn văn gốc, và từ đó mà một chân trời hoàn toàn mới đã mở ra. 
Ngay khi đối chiếu thì chúng tôi đã thấy ra là chữ ‘here’ đã được dịch từ chữ ‘iha’ trong bản Phạn văn Sanskrit. Từ ‘iha’ không chỉ mang một nghĩa mà là một từ bao gồm nhiều nghĩa khác nhau như sau: ‘ở đây/ngay đây/bây giờ/ngay bây giờ/trong trường hợp này/trong thời điểm này/trong thế giới này.’ Đây quả là một điều vô cùng tuyệt vời, nhưng tuyệt vờirốt ráo hơn nữa là thông qua sự minh triết, ‘quyết định biện tài’ của Thượng Tọa Tuệ Hải trong khi hiệu đính bản Việt dịch mà chúng ta đã có đại thiện duyên để đến được với cụm từ ‘ngay hiện tiền này,’ là một cụm từ mô tả hết sức chính xác khoảnh khắc vượt không gian, vượt thời gian, không trước không sau, của một người thâm nhập cảnh giới ngũ uẩn giai Không, Hiển Hiện Bát Nhã trong bản Kinh Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa này (xin xem thêm chi tiết trong bảng thuật ngữ BTN 4).

Và như vậy trong quá trình sơ khởi, sau khi lập xong các bảng đối chiếu, chúng tôi đã thưa với Thầy chúng tôi về một số khám phá và khác biệt trong các bản dịch khác nhau. Tôi đã tạm dịch thô và dịch ngược các bản dịch Anh ngữ qua tiếng Việt,  đính kèm các bạn Phạn văn Sanskrit tương ứng, rồi đã gửi cho Thầy toàn bộ các bảng đối chiếu này để xin Thầy ý kiến. Không lâu sau đó, tôi nhận được một điện thư từ Thầy vỏn vẹn như sau: “Con coi sau khi đối chiếu xong thì dịch bản hoàn thiện rồi in ra.” Lời dạy của Thầy đã làm cho tôi bị chấn động! Vì chúng tôi tự nghĩ việc này vượt quá khả năng và giới hạn của mình; mình thật chẳng có nền tảng hay tư cách gì để có thể dịch lại Bát Nhã Tâm Kinh, là một bản Kinh vàng, đã được Chư Vị Tôn Túc, các học giả, dịch giả uy tín đã nhiều lần chuyển dịch qua Việt ngữ trong quá khứ! Nhưng sau đó Thầy lại gửi điện thư khuyến tấn tiếp: “Con làm bằng tâm thành thì mọi thứ sẽ tốt đẹp như ý nguyện của mình.” 

Do bởi lời dạy từ bi của Thầy chúng tôi đã xảy đến quá bất ngờ, và bản thân chúng tôi lại quá thiếu sự chuẩn bị, quá thiếu sót vừa kiến thức lẫn tâm linh, nên tôi đã xin Thầy thêm thời gian để tra cứu thêm về những dị bản Phạn văn gốc và đi tìm thêm những người thông thạo tiếng Phạn để học hỏi và xin họ hỗ trợ cho mình. 

Qua đó, tôi đã tìm được những dị bản Phạn văn Sanskrit khác nhau, bản dài lẫn bản ngắn,  đặc biệt là đã dựa vào phiên bản lá cọ (hay lá bối) được biết dưới tên phiên bản Horyu-ji. Chúng tôi cũng đã quen được với một vài Thầy, Cô người Việt có kiến thức về Sanskrit đã hỗ trợ cho chúng tôi lúc sơ khởi. Sau đó chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu thêm từ các sách luận giảng bằng Anh ngữ, trên các trang mạng Phạn-Anh, kể cả dị bản Phạn ngữ Sanskrit phát xuất từ Nepal, các bài viết về Tâm Kinh từ các dịch giả, học giả Anh ngữ, kể cả các dị bản Anh ngữ của Tâm Kinh dịch từ các nguồn các nhau.  Chúng tôi cũng đặc biệt xem thêm các tài liệu từ nhà nghiên cứu Phật học Jayarawa Attwood, là người đã biên soạnphổ biến rất nhiều tài liệu về Tâm Kinh bằng Anh ngữ, Phạn ngữ và Hán ngữ. Hơn nữa do một nhân duyên cát tường hội tụ cho nên qua một lần tìm kiếm tài liệu trên mạng trên trang nhà www.academia.edu, chúng tôi đã tìm thấy được bản dịch Tâm Kinh (bản dài) từ Sanskrit qua Anh ngữ của Eng Jin Ooi; khi ấy ông đang theo học Cao Đẳng Phật Học chuyên ngành Phạn-Pali.

Trên thực tế, bản dịch Anh ngữ của Eng Jin Ooi đã làm cho tôi chú ý vì trong đó có một điểm tương đồng với cách dịch thuật chữ ‘amalāvimalā’ (xin xem bảng thuật ngữ BTN 8) mà tôi đã chợt nhận ra trong khi nghe một người phụ nữ Ấn hát bài Bát Nhã Tâm Kinh (https://www.youtube.com/watch?v=7ooCodjgjkY) bằng tiếng Sanskrit trên mạng. Và từ đó trở đi, cho đến khi chúng tôi hoàn tất bản dịch thô từ Phạn ngữ qua Việt ngữ và hoàn thành bản dịch toàn bộ tập sách lược giảng qua Anh ngữ, Eng Jin Ooi và huynh đệ Ratna Siddhārtha Dhyāna đã trở thành hai vị giáo thọ thân thiết và tận tụy; cả hai đã bỏ rất nhiều thời gian để giải đáp thấu đáo cho tất cả những thắc mắc của tôi về ý nghĩa và ngữ pháp. 

II. Lịch sử phiên bản lá cọ Horyu-ji (Bắc Phạn - Sanskrit)

Phiên bản Horyu-ji, mà chúng tôi dùng làn nền cho bản Việt dịch thô, đến từ hai tấm lá cọ (lá bối), và là phiên bản cổ nhất tìm được trên thế giới hiện nay, ước chừng đã được thực hiện vào thế kỷ thứ 6 hoặc thế kỷ 7-8. Trên hai tấm lá cọ này thì bài Kinh Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa được viết bằng hệ chữ Siddham (Tất đàm tự) trong ngôn ngữ Sanskrit. Theo Jarayava và Tanahashi thì bài Kinh bắt đầu từ hàng thứ nhất tới hàng thứ 7 của trang đầu tiên, qua đến hết hàng thứ nhất của tấm lá thứ nhì. Phần còn lại trên tấm lá thứ nhì là bài tổng trì Ushnisha Vijaya dharani (Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni), từ hàng thứ 2 đến hàng thứ 6, và hàng cuối cùng là bảng chữ cái Sanskrit.

truyền thuyết nói rằng phiên bản này đã được Tổ Bồ Đề Đạt Ma đem từ Ấn Độ qua Trung Hoa vào khoảng 520 CN, được một Tăng nhân tên Yashi cất giữ cho đến khi vị ấy viên tịch vào năm 577 CN, rồi sau đó đã được đưa từ Trung Hoa về thờ tại tự viện Horyu-ji ở Nara, Nhật Bản, vào khoảng năm 609 CN. Mặc khác, G. Buhler thì lại cho rằng phiên bản Horyu-ji này thật ra đã được thực hiện vào thế kỷ thứ 7 hoặc thứ 8 chứ không phải do Tổ Bồ Đề Đạt Ma đem từ Ấn Độ qua vào thế kỷ thứ 6, và Silk thì lại cho là vào thế kỷ thứ 9 hay thứ 10. 

Mãi lâu về sau, trong quá trình tra cứu, chúng tôi lại đọc được nhiều nghiên cứu và thông tin trái chiều, đặc biệt là Nattier (1992), cho rằng Tâm Kinh, nói chung, thật ra, đã được thực hiện ở Trung Hoa như một bài tóm tắt (a digest text) ghi lại một số điểm tinh yếu từ bộ Hai Mươi Lăm Ngàn Câu Kệ Bát Nhã (mà Trung Hoa gọi là bộ Đại Bát Nhã) chứ không phải là một Kinh văn gốc đến từ Ấn Độ

Trong lịch sử xuất hiệntrường tồn của Tâm Kinh thì người ta cũng không tìm ra được dấu tích Tâm Kinh trong dạng Phạn ngữ Sanskrit trước thế kỷ thứ 6, và cũng không tìm thấy ra bất kỳ một luận giải nào về Tâm Kinh của chư vị luận sưẤn Độ vào trước thế kỷ thứ 6.   Các nhà nghiên cứu lập giả thuyết cho rằng có đã có một bậc Thượng nhân hay Tăng nhân nào đó đã trích ghép những câu đoạn này ra từ trong bộ Đại Bát NhãNgài Cưu Ma La Thập đã dịch qua Hán văn vào thế kỷ 4-5. Luận cứ này đã gây ra nhiều tranh cãi và phản biện từ cả hai phía cho tới tận ngày nay.

Dù thế nào chăng nữa, thì cho tới nay, cả thế giới đều vẫn rất sùng kính Tâm Kinh và rất trân trọng phiên bản Horyu-ji do bởi chiều dài lịch sử của nó, và phiên bản ấy hiện được đưa về đặt tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Nhật Bản ở Tokyo, cũng là nơi lưu trữ các pháp bảo cổ của tự viện Horyu-ji. 
Sau một thời gian làm việc với Eng Jin Ooi với phiên bản Horyu-ji, chúng tôi hoàn tất bản Việt dịch thô. Trong quá trình chuyển ngữ, có một số chuyện có vẻ như là tình cờ đã xảy ra, nhưng đã đem đến cho tôi nhiều nghi vấn về ý nghĩa và cách dịch một số thuật ngữ chính yếu trong bản gốc (được trình bày trong các bảng thuật ngữ trong tài liệu này). Nói chung, trong quá trình làm việc với bản dịch, Eng Jin Ooi cùng với huynh đệ Ratna Siddhārtha Dhyāna của chúng tôi đã giúp giải tỏa được cho tôi các nghi vấn trên mặt ngữ nghĩa và cú pháp, nhưng lành thay, chính vì thế mà chúng tôi đã thấy ra là những điều này lại có liên hệ mật thiếtcủng cố cho cái thấy nhìn siêu vượt ngữ nghĩa của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải (xin xem các bảng thuật ngữ BTN 1-14).

Cuối cùng chúng tôi đã chọn đặt tên cho bản Việt dịch thô là “Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa: Cốt Tủy Của Trí Tuệ Toàn Hảo Siêu Việt Hoàn Toàn Vượt Thoát” và đã gửi bản dịch thô lên Thượng Tọa Tuệ Hải để thỉnh Thầy chúng tôi duyệt xét và hiệu đính. Vào cái ngày mà chúng tôi gửi bản nháp thô đến Thầy, Thầy đã nhắn gửi trong điện thư một đoạn dài để khuyến tấn, kết thúc bằng mấy chữ: “Hoan hỷ, hoan hỷ, đại hoan hỷ!” Khi đọc thấy mấy chữ này thì tôi đã cảm nhận một sự gia trì vô cùng to lớn đến từ bậc Ân Sư của chúng tôi, trong tâm khởi lên một niềm hỷ lạctri ân đến tột cùng; một sự chấn động vô cùng sâu xa đã phát sanh, cảm giác như mình đang thu nhỏ lại thành một cái gì thật vô cùng tầm thường và vô cùng nhỏ bé, cơ hồ như có thể tan biến đi trước sự mênh mông, vĩ đại của trí tuệ phủ khắp và trước năng lực vô tận vô biên của Chư Phật, Chư Bồ Tát và Chư Thầy Tổ! 

III. Lịch sử hiệu đínhhoàn thiện bản Việt dịch trong tinh thần vượt thoát

Đến khi bản Việt dịch thô đã nằm trong tay của Thượng Tọa Tuệ Hải rồi thì đây mới thực sự là khởi đầu cho một chương lịch sử mới, một sự khai mở hoàn toàn vượt thoát và thực sự khai phóng cho bản Kinhxưa nay được biết dưới tên Tâm Kinh hay Bát Nhã Tâm Kinh. Nếu khôngtrí tuệ thông thấu của Thượng Tọa Tuệ Hải trong khi hiệu đínhhoàn thiện bản Kinh này thì bản Việt dịch thô của chúng tôi, trong chiều dài lịch sử dịch thuật của Tâm Kinh, sẽ muôn đời là một phiên bản thô, theo đúng nghĩa của cái thô thiển vốn có, với đầy đủ các giới hạn và khúc mắc vốn có của ngôn ngữ hữu hạn của một người chuyển ngữ bình phàm. 

Nhưng lành thaymay mắn thay, những gì Thượng Tọa Tuệ Hải nhìn thấy ra từ trong bản Kinh này đã không đến từ cái hữu hạn của ngôn ngữ và của tâm thức, cũng không dựa vào đạo pháp của tri thức thế gian. Thầy đã thấy ra rằng, trên tầng đệ nhất nghĩa, thì đạo lý trong bản Kinh này mặc nhiên phải là như vậy chứ không khác, và sự khéo lựa chọn ngôn từ của Thầy chúng tôi cho bản Việt dịch hoàn thiện, do đó, đã đến từ chân trời chánh kiến và nền tảng công phu siêu vượt. Như Thầy đã chỉ ra cho chúng ta thấy, bản Việt dịch hoàn thiện là một bản dịch thoát ý, hoàn toàn thông lưu, cốt để làm hiển lộ toàn bộ ‘tính Bát Nhã’ trong các từ chữ được sử dụng, trong cấu trúc và cách thức diễn tả một cách siêu thoát, chứ không chỉ giới hạn trong khuôn sáo theo nghĩa đen như bao đời qua. 

Tinh thần dịch thuật vượt thoát và quyết định biện tài cho thấy bản Kinh Bát Nhã không phải chỉ thuần túy là một bản Kinh thuộc lý luận tâm thức
Lâu nay ở phương Tây, có một khuynh hướng mới mẻ trong lĩnh vực dịch thuật đã ra đời, gọi là “beyond translation,” cốt để trình bày được tinh túy tối yếu của nội dung gốc như tác giả gốc muốn biểu lộ, chứ không quá câu nệ vào cách dịch sít sao truyền thống, hay dịch từng chữ theo nghĩa đen như trước nữa. Nghĩa đen của cụm từ “beyond translation” có thể tạm hiểu là “siêu vượt dịch thuật” và chúng ta cũng có thể tạm dùng cụm từ “dịch thuật vượt thoát” để nói đến cách thức dịch thuật vượt ngoài khuôn sáo này, điển hình là bản dịch Tâm Kinh của Joan Halifax và Kazuaki Tanahashi (2014). Một vài phiên bản còn được dịch theo hình thức gọi là “free-form rendering,” có thể tạm hiểu là “chuyển tải theo hình thức tự do,” điển hình là bản dịch Tâm Kinh của Mu Soeng (2010). 

Có thể đối với phần lớn người Việt chúng ta thì cách thức chuyển dịch, nhất là dịch Kinh, theo hình thức dịch thuật vượt thoát hay dịch thuật theo hình thức tự do như ở phương Tây chưa được phổ biến hoặc chưa được tin tưởng cho lắm, và do đó, những bản dịch nào không theo hình thức truyền thống thì thường ít được sự chấp nhận, phải chịu nhiều sự phê phán và làm cho người đọc sinh nghi. Tuy nhiên, nếu xét lại thì ở phương Đông, chính tinh thần dịch thuật vượt thoát cũng vốn đã có mặt trong các bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập từ bao thế kỷ trước. Thêm vào đó, như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu của tài liệu này thì bản dịch, cũng như bài giảng, có đầy đủ đạo lý, có trung thực và siêu xuất hay không, chính yếudựa vào tầng tâm, nội lực tu chứng và tính ‘quyết định biện tài’ vô ngại của vị Minh Sư.

Ngày hôm nay khi chúng ta có được một bản Việt dịch vượt thoát, không thể nắm bắt của Tinh Túy Bát Nhã Tâm Kinh do Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải đã hiệu đínhhoàn thiện, chúng tôi chân thành mong nguyện là người đọc, người nghe sẽ mở lòng trong sáng, quán xét và phân tích trong tinh thần bình đẳng, cởi mở, như Thượng Tọa Tuệ Hải đã luôn khuyến tấn. Như vậy để chúng ta “không bị vướng mắc vào cái cũ và có thể tiếp nhận cái gì mới mẻ, hiện thực,” cũng như có thể thông suốt được “tính thể của Bát Nhã là một cái gì hiện thực hiện tiền, chứ không thông qua bất cứ một sự hiểu biết, công phu, kinh nghiệmkiến thức nào khác.” (Trích sách TTBNBLMĐ, trang 10) 

Trong quá trình chuyển ngữ, hiệu đính cũng như thực hiện các phiên bản in ấn khác nhau, chúng tôi thường xuyên thỉnh ý Thượng Tọa Tuệ Hải qua điện thư, và trong thời gian ấy, hai quý Sư Cô Tâm Chiếu và Sư Cô Như Tri trong Ban Biên Tập Chùa Long Hương cũng đã nhiệt tình hỗ trợ trong việc chỉnh sửa, thiết kế, duyệt xét bản in, và đã giúp chuyển tải thông tin giữa Thầy chúng tôibản thân chúng tôi khi cần. 
Bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã đã thoát từ ngay câu đầu tiên và tâm nguyện truyền bá Bát Nhã qua âm nhạc cho mọi tầng lớp 

Sau khi bản Việt dịch được hoàn tất viên mãn, thì Thầy chúng tôi đã nảy sinh một ý tưởng tuyệt vời và đã cho phổ nhạc bài Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa ra nhiều thể loại âm nhạc khác nhau một cách rất sáng tạo, từ nhạc giao hưởng, thính phòng, cải lương, ngâm thơ, vọng cổ, tân cổ giao duyên… cho đến nhạc cổ truyền dân tộc, như lời Thầy đã thuyết vào cuối mùa hạ 2019 trước khi khóa an cư hoàn mãn (trích sách TTBNBLMĐ, trang 175-176):

“Cả Ta Bà này là Bát Nhã, cho nên chúng ta phải ca bài ca Bát Nhã, không có bài ca nào hơn bài ca Bát Nhã. Đây là một bản nhạc tuyệt vời, âm nhạc Bát Nhã vốn vang động khắp hư không vũ trụ này, vì khắp hư không vũ trụ này là Bát Nhã, không còn gì khác hơn nữa. Nên đụng tới cái gì cũng là Bát Nhã. Buông cũng là Bát Nhã, mà nắm cũng là Bát Nhã; nói cũng là Bát Nhã, nín cũng là Bát Nhã. Tất cả đều là cảnh giới chân thật, đều là chân lý đang hiển bày.” 1

Tâm nguyện của Thượng Tọa Tuệ Hải là bài Tinh Túy Bát Nhã sẽ được truyền bá rộng khắp, và các giáo lý siêu việt trong bản Kinh này, qua lời ca, tiếng nhạc, sẽ đi sâu vào lòng người dân Việt ở khắp mọi tầng lớp, trong mọi hoàn cảnh sống, thực sự phá vỡ được những bế tắc trong tâm thức của mọi người, khai mở được trí tuệ Bát Nhã sâu xa, đưa được nhiều người đến sự chứng ngộ viên mãn.

Trong lần phát biểu vào tháng 10 năm 2022 trong buổi trình diễn Âm Vang Bát Nhã qua thể điệu nhạc dân tộc do Nhạc Sĩ Đức Dậu và Ban Nhạc Gõ Phù Đổng biểu diễn, Thượng Tọa Thích Tuệ Hải đã phát biểu như sau:  

“Vào năm 2019, sau khi đã dịch và hiệu đính xong bản Kinh Bát Nhã thì chúng tôi có nói rằng chúng tôi đã mãn nguyệntrong đời này của mình đã hoàn thành được một công tác Phật sự như thế này. Điều mình mong muốn để Bát Nhã sẽ trở thành là một bản Kinh thuần Việt nay đã được hoàn thành.

Trong lịch sử Phật Giáo trải qua hơn một ngàn năm trăm năm, bản Kinh Bát Nhã đã bị lệ thuộc, đã bị mất đi tinh túy thật của Bát Nhã, thì nay nó đã được lột xác! Ví dụ như thay vì nói rằng “hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách” thì chúng ta đổi lại và nói rằng “ngay hiện tiền này, ngay khi thâm nhập Bát Nhã Ba La Mật Đa, thông thấu toàn bộ năm uẩntỏ tường tự thể của năm uẩn là Không.” Bây giờ chẳng còn phải là “chiếu kiến” vì “chiến kiến” là dùng tâm để soi, để thấy, để quán, để chiếu… thì đó vẫn còn là nằm trong tầng của tâm thức! 

Nhưng nay sửa lại thành “ngay khi thâm nhập Bát Nhã Ba La Mật Đa, thông thấu toàn bộ năm uẩntỏ tường tự thể của năm uẩn là Không” thì tức là chúng ta đã thoát, thoát từ ngay câu đầu tiên! 

Và toàn bản Kinh Bát Nhã bây giờ là một cái gì rất siêu thoát ở cái tầng trí tuệ của một bậc chuyên tu, ở một tầng rất chuyên môn ở trong Đạo Phật, chứ không còn chỉ là lý luận tâm thức của một bài Kinh Bát Nhã như trước kia nữa. 

[…] Và như vậy là chúng tôi đã hoàn thành được bản dịch như tâm nguyện, và vào năm 2019, tôi đã có nói rằng, đó là thời điểm mà tôi đã rất thỏa mãn với công tác Phật sự này, và nếu như ngang đó, tôi có mất đi thì tôi cũng có cảm giác là đã rất đủ rồi, bởi vì như vậy là đời này chúng tôi đã góp sức được cho Phật Giáo một bài Kinh tuyệt trần.”

IV. Phân đoạn và tóm lược yếu nghĩa của các giai đoạn thâm nhập Bát NhãHiển Hiện Bát Nhã 

Để giúp làm thêm sáng tỏ cách thức chuyển ngữ, hiệu đínhhoàn thiện bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa so với bản gốc Phạn văn Sanskrit, chúng tôi xin ghi lại trong các đề mục phía dưới đây một số các trường hợp nổi bật của các từ ngữ, câu lời trọng yếu, do Thượng Tọa Thích Tuệ Hải chọn lựa. Khi đem ra so với các thuật ngữ chính yếu trong bản Phạn văn gốc, chúng ta có thể thấy ra được sự linh động khéo léo trong quá trình hiệu đínhhoàn thiện, cốt để làm sáng tỏ thâm ý của nội dung bản Kinh. Các thuật ngữ Sanskrit và câu lời tương ứng được nhắc đến bên dưới đây thật ra cũng là những gì đã từng gây thắc mắc cho chính bản thân chúng tôi trong giai đoạn khởi đầu. 

Như đã nói từ khởi đầu, Thượng Tọa Tuệ Hải đã thấy ra rằng bài Kinh Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa không phải chỉ thuần túy là một bản Kinh diễn giải về “tánh Không hay tướng Không do duyên hợp theo như cách thường được lý giải xưa nay” (trích TTBNBLMĐ, trang 16). Mà thay vào đó, đây là một bản Kinh mô tả cảnh giới hiện thực Hiển Hiện Bát Nhã khi hành giả thể nhập Chân như Tự tánh ngay trong khoảnh khắc hiện tiền, không trước không sau, siêu vượt thời gian, không gian!

Do đó, y theo những gì đã được Thượng Tọa Tuệ Hải nhấn mạnh trong các buổi thuyết giảng, chúng tôi đã thiết kế lại bài Tinh Túy Ba La Mật Đa thành 6 đoạn để giúp người đọc nhìn thấy ra những điểm tối quan trọng, giúp cho nội dung chính yếu được thể hiện rõ ràng nhất. Sáu đoạn này chính là quá trình thâm nhập Tự tánh Không và là cảnh giới giác ngộ viên mãn của một hành giả, từ lúc mới thể nhập, cho đến khi thâm nhập toàn triệt, ngũ uẩn giai Không toàn triệt và Hiển Hiện Trí Tuệ Toàn Hảo siêu vượt toàn triệt, y như Chư Phật trong ba thời. 

Phần này sẽ trình bày và tóm lược yếu nghĩa của các giai đoạn thâm nhập Bát Nhã cho đến Hiển Hiện Bát Nhã, và bao gồm các lý giải cô đọng và thông suốt của Thượng Tọa Tuệ Hải về các giai đoạn trong bản Kinh Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa như sau: (1) Từ ngay khi bắt đầu thâm nhập, (2) đang thâm nhập, (3) tiếp tục thâm nhập, (4) tan biến hoàn toàn thành Bát Nhã, (5) thường Hiển Hiện Bát Nhã, cho đến (6) Hiển Hiện cảnh giới chân thật, hoàn toàn vượt thoát. Dưới đây là lời tóm lược về các giai đoạn này do Thượng Tọa Tuệ Hải đã gợi ý khi lần đầu thuyết giảng về bản Kinh này vào mùa an cư năm 2019:

“Học Bát Nhã, chúng ta thấy được tính liên tục; mặc dù chữ nghĩa rời rạc nhưng đủ độ sâu để chúng ta thấy lý luận Bát Nhã rất liên tục, rất khúc chiết, không ai có thể ra khỏi lý luận này được. Không hề có một lý luận nào trong suốt lịch sử nhân loại có thể nói hơn bản Bát Nhã về mặt lý luận. Tuy mình thấy văn nghĩa rời rạc đoạn trên đoạn dưới như không dính gì với nhau, nhưng cách nói của Bậc giác ngộ thì không có một kẽ hở nào mà chúng ta có thể bắt bẻ. Rất là siêu xuất. Hai đoạn này gần như là một và đoạn dưới “ngay hiện tiền này” là để giải thích đoạn trên “ngay khi thâm nhập.”

Chúng ta học xuyên suốt bản Kinh này sẽ thấy toàn bộ bản Kinh đều nói đến một người ngay khi thâm nhập Bát Nhã. Trí tuệ đó thấy cái gì đang xảy ra ở đây thì cũng chính là chuyện của người đang thâm nhập Bát Nhã. Chúng ta nên hiểu nguyên bản Kinh này là như vậy. Đây chính là cái chìa khóa, nếu chúng ta mở được cái khóa ở đoạn trên thì xuyên suốt ở các đoạn dưới đều là ‘Bát Nhã hiện tiền.’

Như vậy tuy rằng ai cũng có thể hiểu được Kinh Bát Nhã theo chiều của tâm thức, nhưng nếu rời khỏi cảnh giới ‘ngay khi thâm nhập Bát Nhã’ thì coi như người đó không hiểu Kinh Bát Nhã.” (Trích TTBNBLMĐ, trang 106-107)

“Chúng ta càng học Bát Nhã, càng thấy là người xưa cách đây mấy ngàn năm đã hành văn rất chặt chẽ. […] Nhất là các vị Thánh chỉ cần xuất ngôn là thành một bài văn với mở bài, thân bài và kết luận rất chặt chẽ. Bài Kinh Bát Nhã có mấy trăm chữ nhưng đầy đủ những yếu tố đó.” (Trích TTBNBLMĐ, trang 133)

Các giai đoạn trọng yếu mô tả cảnh giới thâm nhập trí tuệ Bát Nhã 
Thêm vào đó, các trích đoạn tóm lược dưới đây bao gồm các giải thích cô đọng của Thượng Tọa Tuệ Hải về các giai đoạn trọng yếu trong bản Kinh Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa:

Đoạn 1 – Cảnh giới bắt đầu thâm nhập Bát Nhã
Ngay khi thâm nhập Bát Nhã Ba La Mật Đa

Đây là mở đầu, là bắt đầu thâm nhập Bát Nhã ‘ngay khi’ Bát Nhã hiện tiền; có nghĩa là khi ấy người đó thông thấu toàn bộ năm uẩn. Vậy thì năm uẩn chính là trí tuệ Bát Nhã. Trong chánh văn nói rằng ‘ngay khi thâm nhập Bát Nhã Ba La Mật Đa, thông thấu toàn bộ năm uẩntỏ tường tự thể của năm uẩn là Không,’ nhưng nên mở ngoặc ra nói rằng Không ở đây chính là Không Tướng (Vô Tướng). Hoặc mở ngoặc ra sau chữ Không để vô thêm chữ Bát Nhã, tức là ngũ uẩn trở thành chính là trí tuệ Bát Nhã, Bát Nhã chính là cái Không Tướng này.  (Trích lược TTBNBLMĐ, trang 106-107)

Đoạn 2 – Cảnh giới đang thâm nhập Bát Nhã
Ngay hiện tiền này, sắc chính là Không, Không chính là sắc

Đoạn này tiếp tục diễn tả một người đang thâm nhập Bát Nhã, mô tả cảnh giới của một người giác ngộ ‘ngay hiện tiền này.’ Ở đây Bát Nhã chính là ngũ uẩn, ngũ uẩn chính là Bát Nhã. Ngũ uẩn vốn dĩ cũng là toàn tri hiện hữu, vốn dĩ thanh tịnh, vốn dĩ chưa từng sanh diệt. Thực thể của sắc uẩn là Không thì Không ở đây là Không Tướng (Vô Tướng). Sắc uẩn cũng là Không Tướng, không sắc uẩn cũng là Không Tướng. Có hình sắc là Không, mà không có hình sắc cũng là Không. Nghĩa là ngay nơi hiện tiền này là hiện hữu, hiện thực, nhất như chứ không có hai, cho nên sắc chỉ là gượng nói, là tạm nói, chứ sắc không có, vì sắc là hiện tiền, mà không cũng là hiện tiền. Sự hiện hữu hiện tiền này là sự rỗng lặng thanh tịnh, chứ không có sắc và không có không, không có quá khứ, không có vị lai, không có hiện tại, không có không gian và không có thời gian. Đối với sắc là như vậy thì thọ, tưởng, hành, thức cũng là như vậy. (Trích lược TTBNBLMĐ, trang 81-83)

Đoạn 3 – Cảnh giới tiếp tục thâm nhập Bát Nhã
Ngay hiện tiền này, tất cả các pháp đều hiển lộ từ Không Tướng

Đây cũng là thêm một đoạn tiếp tục diễn tả một người đang thâm nhập Bát Nhã, mô tả cảnh giới của một người giác ngộ [ngay hiện tiền này.’ Ý nói nếu đã là Bát Nhã rồi thì tất cả các pháp đều hiển lộ từ Không Tướng (phi tướng, không có tướng sắc và cũng không có tướng không). Các câu “không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp…” cho đến “không có chứng, đắc… v.v.” chỉ là để giải thích toàn bộ cho thấy tất cả các pháp đều là Không Tướng chứ không khác. Ngay trong cảnh giới trí tuệ Bát Nhã này, tất cả các pháp đều hiện tướng Bát Nhã, đều hiện từ Không Tướng thì đây là cái thấy của người giác ngộ. Không Tướng ở đây chính là vô ngã, và vô ngã chính là vô pháp.  (Trích lược TTBNBLMĐ, trang 107-109)

Đoạn 4 – Cảnh giới tan biến hoàn toàn thành Bát Nhã
Bậc giác hữu tình Y Như Bát Nhã Ba La Mật Đa

Đây là đoạn tóm kết đầu tiên, tóm kết tất cả những ý tứ đã được trình bày trong các đoạn mở bài và thân bài ở các phần trên. Một người giác ngộ được gọi là Bậc giác hữu tình, không còn phải là ‘thâm nhập’ nữa mà là Hiển Hiện Như Nhiên, ‘Y Như Bát Nhã Ba La Mật Đa,” không còn gì là khác trí tuệ Bát Nhã, không còn nhập hay không nhập nữa. Do Không Tướng làm cho tất cả hiển lộ, nên đến đây thì người giác ngộ đó chính là trí tuệ Bát Nhã, là Không Tướng. Giữa trí tuệ Bát Nhã và người giác ngộ không còn là hai, không còn cái gì riêng, không còn cái gì khác, mà là hòa tan, tan biến hoàn toàn, và người giác ngộ trong đoạn này hoàn toàn tan biến thành Bát Nhã và đây chính là hiện hữu Niết Bàn. (Trích lược TTBNBLMĐ, trang 134-135)

Đoạn 5 – Cảnh giới thường Hiển Hiện Bát Nhã
Chư Phật trong ba thời thường Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa

Đây là đoạn tóm kết thứ nhì. Bậc giác ngộ được xem là người đạt đến cảnh giới Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác, là Phật. Bậc giác ngộ y như Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai, và y  như Chư Phật thì không lúc nào không Hiển Hiện Bát Nhã. Giác ngộ là thường Hiển Hiện Bát Nhã chứ không còn có ‘mình’ ở đây để nhận đạo hay ngộ đạo nữa, mà Bát Nhã chính là trí tuệ vượt thoát tam giới, lúc nào cũng hiển lộ, hiện thực, hiện tiền. (Trích lược TTBNBLMĐ, trang 145-147)

Đoạn 6 –  Bát Nhãtrí tuệ của đại giác - Hiển Hiện cảnh giới chân thật:
Thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là Hiển Hiện cảnh giới chân thật

Đây là đoạn kết luận cuối cùng khẳng định “Bát Nhã Ba La Mật Đatrí tuệ lớn, là trí tuệ của đại giác, là trí tuệ vô thượng, là trí tuệ vô song” và người thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa cũng không rời cảnh giới chân thật, là người đang Hiển Hiện cảnh giới chân thật, và thuyết cảnh giới chân thật chính là thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa. Thuyết có nghĩa là đang hiện bày trí tuệ Bát Nhã. Người nghe muốn đón nhận thì cũng phải ở trong cảnh giới chân thật để đón nhận. Người Hiển Hiện cảnh giới chân thật, là người giác ngộ viên mãn, là cảnh giới vượt rồi, vượt thoát rồi, hoàn toàn vượt thoát rồi, vượt hơn tất cả những gì hoàn toàn vượt thoát.  (Trích lược TTBNBLMĐ, trang 168-176)

Xin xem toàn bộ bản Việt dịch bản chánh văn Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa do Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải hiệu đínhhoàn thiện vào ngày 08/08/2019 ở trang kế bên và nghe thêm các bài thuyết giảng về Tinh Túy Bát Nhã của Thượng Tọa Tuệ Hải tại đường link kênh Youtube Chùa Long Hương sau đây:
https://www.youtube.com/playlist?list=PLv9w1I38lMN4GOrzriuZI2XOdP-BlKN_J

Chúng tôi cũng xin mạn phép chia bài Kinh này thành 6 phân đoạn, mỗi phân đoạn đều có một tiêu đề, và tiêu đề là do chúng tôi thêm vào để làm sáng tỏ nội dung chính yếu của từng đoạn Kinh dựa trên các lý giải cùa Thượng Tọa Thích Tuệ Hải trong các bài thuyết giảng chứ các tiêu đề này không có mặt trong bản gốc Phạn ngữ
Để đi vào chi tiết, xin xem các ‘bảng thuật ngữ’ (viết tắt: BTN) ở các trang kế tiếp. Ví dụ: (BTN 2) nằm ở cuối câu chánh văn ‘thông thấu toàn bộ năm uẩn’ thì có nghĩa là xin xem thêm chi tiết ở bảng thuật ngữ BTN 2.

IV. Những điểm trọng yếu và cách lý giải một số thuật ngữ quan trọng và 
ý nghĩa thậm thâm

Sau đây chúng tôi xin phép được tiếp tục trình bày về một số thuật ngữ Sanskrit, các khám phá liên quan đến các thuật ngữ này, quá trình tìm hiểu sơ khởi và cách thức diễn đạt diệu lý và thâm nghĩa trong tinh thần dịch thuật vượt thoát của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải trong khi hiệu đínhhoàn thiện bản Kinh này. 

Nhưng trước khi đi sâu hơn, chúng tôi xin mạn phép nhắc lại câu chuyện về bản Kinh Niết Bàn (Nirvana Sūtra), cùng vị Ni Cô tên Vô Tận Tạng (Wu-chin-tsang) và ‘Cư Sĩ họ Lư của chúng ta,’ như Thượng Tọa Tuệ Hải thường gọi Lục Tổ Huệ Năng một cách thân thương mỗi khi nhắc đến Ngài. Khi ấy Lục Tổ vừa mới nhận Pháp từ Ngũ Tổ, vừa rời khỏi Huỳnh Mai đi lánh nạn và vẫn chưa phải là một vị tu sĩ xuất gia. Khi Ngài đến thôn Tào Hầu (Tsaohou) gần Thiều Châu (Shaochou), nghe thấy Ni Cô Vô Tận Tạng, là người cô của một vị học giả ở địa phương tên Lưu Chí Lợi (Liu Chih-lueh), tụng Kinh Niết Bàn, thì ngài đã thể ngộ diệu lý và giải nói cho vị Ni này nghe.  

Khi vị Ni ấy đem Kinh đến đưa cho Ngài xem và hỏi Ngài về ý nghĩa của một Hán tự (một chữ đặc biệt) trong bản Kinh đó, Ngài trả lời rằng: “Tôi không biết đọc. Hãy hỏi tôi về diệu nghĩa của văn Kinh.” Vị Ni ấy hỏi lại Ngài rằng: “Nếu chữ ông còn không biết đọc, thì làm sao ông hiểu được nghĩa Kinh?” Tổ đã đáp rằng: “Diệu lý của Chư Phật chẳng dựa vào văn tự.”    Khi ấy, vị Ni ấy đã lập tức nhìn Ngài bằng một cái nhìn khác, và đã nói với những vị trưởng lão trong thôn rằng: “Đây là một người có Đạo, các vị hãy nên thỉnh cúng dường.” 

Đối với đoạn truyện trên thì Thượng Tọa Thích Tuệ Hải, trong một bài giảng về Pháp Bảo Đàn Kinh, cũng đã giảng giải rộng hơn để giúp chúng ta thấy ra được điều sâu mầu trong câu chuyện này. Vì thật ra, điều mà Lục Tổ muốn khai thị không phải chỉ liên quan đến Kinh Niết Bàn hay đến tiểu sử của Tổ nói riêng, mà có liên quan đến toàn bộ cách đọc Kinh, học Kinh, dịch Kinh, thâm nhập nghĩa lý Kinh, và nhất là lại càng thiết yếu trong trường hợp được xem như là một bản Việt dịch kỳ đặc của Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa. Chúng tôi xin ghi lại tóm tắt lời giảng của Thượng Tọa Tuệ Hải như sau, trước khi đi sâu hơn nữa vào các thuật ngữ trong bản Phạn văn gốc của Tinh Túy Bát Nhã

Nhờ Kinh điển để nhận ra đạo lý nhưng đạo lý lại nằm ngoài văn tự

Những điều được Thượng Tọa Tuệ Hải lý giải dưới đây cũng có thể được xem nhưquan điểm nền tảng của chúng ta khi phải tiếp cận với một bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa rất lạ thường, khác xa với những gì mà chúng ta đã từng tiếp cận trước đây trong bản Tâm Kinh truyền thống. Và cơ may là với một quan điểm như thế, chúng ta có thể sẽ dễ dàng hơn để rời được cái cũ, khi cần thiết, để đến được với cái mới, khi hữu dụng, nhất là nếu cái mới có thể giúp chúng ta lĩnh hội và thâm nhập ‘diệu lý của Chư Phật’ một cách toàn triệt hơn.

Đây là những lời trích trong bài Pháp Bảo Đàn Kinh (Bài giảng 12) do Đại Đức Thích Tuệ Hải thuyết giảng trong quá khứ dựa trên bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Thanh Từ (https://www.youtube.com/watch?v=AhqWbUh6sfw):

[…] “Tổ bảo “chữ thì không biết, nghĩa tức mời hỏi.” Chúng tôi nghĩ là do câu nói này mà người ta mới cho rằng Tổ Huệ Năng của chúng ta hoàn toàn không biết chữ. Khi ấy Ni Cô mới nói rằng “chữ còn không biết thì làm sao hiểu được nghĩa Kinh?” Tức là người không biết chữ thì lấy gì để hiểu nghĩa Kinh để giải? Và ở đây, Tổ lại nói rằng “diệu lý của Chư Phật chẳng có quan hệ với văn tự.” Tức là ở chỗ sâu mầu của Tự tánh kia thì chẳng dính dáng gì tới chỗ văn tự chữ nghĩa cả. Cho nên khi chúng ta học Phật Pháp, chúng ta thấy là có những người nhận đạo lý mà thông qua văn tự chữ nghĩa. Như trường hợp của Lục Tổ Huệ Năng lúc còn là một cư sĩ đốn củi, nghe qua câu Kinh “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” ở trong Kinh Kim Cang thì Ngài ngộ. Tức là nhờ chữ nghĩa, nhờ Kinh điển mà Ngài nhận ra đạo lý, nhưng chính đạo lý đó lại nằm ngoài văn tự chữ nghĩa. […] Vì từ chỗ chân lý kia, người ta mới bắt đầu nói ra chữ nghĩa. Cho nên ngôn ngữ tải được một phần nào đó của đạo lý chứ ngôn ngữ không phải là đạo lý.
Ví dụ một người hiểu Phật Pháp thì người đó nói bằng lời bằng chữ để cho thính chúng nghe. Lời chữ là từ tâm của người đó xuất phát ra, cũng là bằng đạo lý của người đó mà xuất phát ra. Nhưng tất cả những lời nói đó cũng không diễn đạt hết được các ý, hay tất cả các chân lý mà người ấy muốn diễn bày vì lời nói dù có giỏi cách mấy cũng chỉ diễn đạt được 80% mà thôi. Đôi khi chúng ta nghe giảng, đọc sách, nghe Kinh thì chúng ta lại nhận thoát hơn cái ngôn từ chữ nghĩa đó chứ không phải là chúng ta hiểu ở trong văn tự đó được.

Và ở đây cũng vậy, diệu lý, tức là lý vi diệu ở bên trong, chân lý đó lại không nằm trong văn tự chữ nghĩa này. Khi học đạo, đôi khi chúng ta nặng về ngôn từ chữ nghĩa, nặng về trường lớp […].  Nhưng trong thời của Đức Phật, tất cả những người tu và đạt đạo trong thời của Đức Phật là những người không có bằng cấp nào hết. Và Lục Tổ Huệ Năng của chúng ta là người đại diện cho điều đó. Điều này nói lên được rằng Phật Pháp thực thụ không thông qua bất kỳ một khuôn sáo nào, mặc dù khuôn sáo đó cũng có thể tải được một phần của đạo lý bằng ngôn ngữ chữ nghĩa, bằng những lý luận hay khéo.

Nói chung, hiểu Kinh có rất nhiều dạng. Có những người hiểu ý ở trong lời nói đó.Có những người hiểu lý sâu của những lời nói đó. Cũng có những người nhân những lời nói đó mà nhận ra chân lý sâu ở bên trong. Đó là rất nhiều tầng bậc để nhận định rằng khi người đó đọc qua quyển Kinh thì người đó thâm nhập Kinh tới đâu. Cũng có những quyển Kinh người đó đọc được, hiểu được, giảng được nhưng lại không thấy được chân lý thì đây là dạng hiểu nghĩa trên văn tự chữ nghĩa. Cho nên khi đã nhận ra được chân lý rồi, thì dù là chữ nghĩa hay không phải là chữ nghĩa thì người đó cũng vẫn nhận ra. […] 
Không phải Tổ bác ngôn ngữ, bác chữ nghĩa, mà Ngài muốn gợi nhắc cho chúng ta là thông qua ngôn ngữ đó nên quay lại để nhận ra cái chân thật của chính mình thì lúc đó mới lĩnh hội được, mới thể nhập được lời của Chư Phật dạy.”

Như vậy, trong trường hợp của bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa này, chúng tôi sẽ trình bày đầy đủ dưới đây những thông tin về sự liên hệ giữa một số các thuật ngữ Phạn văn Sanskrit quan trọng trong bản Kinh và cách Thượng Tọa Tuệ Hải hiệu đínhhoàn thiện. Trong trường hợp người đọc có nghi vấn về cách lựa chọn từ ngữ hoặc cách diễn đạt trong bản Việt dịch, cho rằng điều ấy không thích hợp hoặc dịch như thế là đi quá xa với ‘nghĩa đen’ của nguyên bản, thì chúng tôi xin mạo muội gợi ý để chúng ta quay lại về với lời khai thị của Lục Tổ và phần lý giải của Thượng Tọa Tuệ Hải ở trên đây. Được như vậy thì chúng ta có thể hoan hỷ nhận lấy một bản dịch hoàn toàn thoát ý, hoàn toàn thông lưu, dựa trên tinh thần diệu lý vốn vượt thoát văn tựLục Tổ đã từ bi muốn chỉ ra cho chúng ta.

Về các bảng thuật ngữ Phạn-Việt

Trong các bảng thuật ngữ (viết tắt: BTN) dưới đây, TTBNBLMĐ là chữ viết tắt của bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa do Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải hiệu đínhhoàn thiện, và cũng là tên tập sách do Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải lược giảng. Lý do chúng tôi lựa chọn nêu ra một số các trường hợp của các thuật ngữ và cấu trúc dưới đây để làm sáng tỏdo bởi những ví dụ này bao gồm các câu Việt dịch khác thường, và bởi thế đã làm cho một số vị học Phật quan tâm và thắc mắc. Những trường hợp này cũng đã được ghi lại trong phần “Chú Thích” tóm gọn nằm phía sau tập sách Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa. Chúng tôi cũng sẽ trích lược một số lời giảng cô đọng trong sách lược giảng của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải, có liên quan đến các thuật ngữ này phía dưới các bảng thuật ngữ, và nếu quý vị muốn tìm hiểu sâu xa thêm thì xin hoan hỷ đọc toàn bộ tập sách Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa do Thượng Tọa Tuệ Hải lược giảng

Về các từ ghép trong Phạn văn Sanskrit

Cũng xin lưu ý là trong trường hợp Phạn ngữ, chúng ta thấy có nhiều từ ghép được nối ghép lại bằng những từ vựng khác nhau. Một từ ghép cũng có thể mang một hoặc hai ý nghĩa khác nhau. Nếu chúng ta không rõ chủ ý của người sáng tác lúc khởi đầu thì việc diễn dịch một từ ghép lại tùy thuộc vào mỗi dịch giả với những cái nhìn chủ quancá biệt. Vì những luật hợp biến (sandhi) trong tiếng Phạn là bắt buộc trong câu, nên trong nhiều trường hợp, người đọc, người nghe có thể gặp vấn đề trong việc nhận biết từ gốc. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến ‘śūnyatālakṣaṇā’ (BTN 6) và ‘amalāvimalā’ (BTN 7) trong Tâm Kinh. Cách tách hai từ này thành từ tố đã ảnh hưởng đến việc diễn giải nghĩa lý Kinh (xin xem các giải thích chi tiết trong các bảng thuật ngữ ở những trang sau).

BTN 1. gambhῑraṁ prajñāpāramitāyām caryāṁ caramāṇo và cảnh giới của bậc tu chứng ngay khi thâm nhập trí tuệ Bát Nhã Hiện Tiền
gambhῑraṁ prajñāpāramitāyām caryāṁ caramāṇo
(tính từ cho caryā): sâu xa, thâm sâu, thâm diệu  
pra: trước
jñā: biết, nhận biết, khám phá, làm cho sáng tỏ, hiểu
prajñā: Bát Nhã, trí tuệ, trí tuệ trước cả cái biết (hàm ý: trí tuệ nguyên sơ, trí tuệ hiện tiền, trí tuệ trước khi tâm thức hoạt động, trí tuệ siêu vượt, trí tuệ tối thượng
pāram: bờ kia
itā: đã tới
prajñāpāramitā: Bát Nhã Ba La Mật Đa, trí tuệ đã tới bờ kia (hàm ý: đã đạt giác ngộ, đã vượt thoát)
prajñāpāramitāyām: (trong) Bát Nhã Ba La Mật Đa caryā (danh từ):
sự thực hành, sự hành động, sự vận hành, sự vận chuyển, sự trôi chảy, sự quán sát, sự trình diễn
caryām: (trong) sự thực hành v.v. car (động từ): đi, di chuyển, đi ngang qua, trình diễn, tiến hành
caramāṇo: (khi) di chuyển, (khi) thực hành, (khi) tiến hành, (khi) trình diễn
Nghĩa đen (ví dụ đơn cử): 
Khi tiến hành sự thực hành sâu xa trong Bát Nhã Ba La Mật Đa 
Khi thực hành sự quán sát sâu xa trong Bát Nhã Ba La Mật Đa 
Khi thực hành sâu xa Bát Nhã Ba La Mật Đa 

Bản Việt dịch TTBNBLMĐ:  Ngay khi thâm nhập Bát Nhã Ba La Mật Đa

* Tóm tắt: ‘Ngay khi’ là ngay phút chốc nhận biết, hay ra, ngộ ra Bát Nhã để tan biến thành Bát Nhã. Và thay vì ‘hành thâm’ hay ‘hành sâu’ thì từ ‘thâm nhập’ được sử dụng để chỉ một cảnh giới hòa nhập trọn vẹn trở thành Bát Nhã, chứ không phải chỉ là ‘thực hành’ Bát Nhã theo cách có người hành và có pháp để hành. Từ ‘thâm nhập’ chỉ là gượng nói để mô tả sự hiển lộ Bát Nhã.

Trích sách lược giảng TTBNBLMĐ: “‘Ngay khi thâm nhập’ Bát Nhã Ba La Mật Đa là ngay nơi hiện tiền này chính là Bát Nhã Ba La Mật Đa, cho nên dùng từ ‘thâm nhập’ cũng thành dư. Vì sao? Vì ngay nơi hiện tiền này không có sự vướng đọng, ngay nơi hiện tiền này là tỏ tường thông lưu, ngay nơi hiện tiền này là tự nhiên an nhiên, ngay nơi hiện tiềnnhất như, không có cái gì sai khác được. Ngay nơi hiện tiền là như nhiên, bình đẳng tuyệt đối. Cho nên chính hiện tiền này được xem nhưthâm nhập Bát Nhã. Từ ‘thâm nhập’ [là gượng nói nhưng chủ yếu] là muốn giới thiệu là vị đó đã Hiển Hiện Bát Nhã rồi. […] “Hiển Hiện” tức là hiển lộ. Hiện tiền chính là hiển lộ Bát Nhã. Hiện tiền là sự hiện hữu của Bát Nhã, chứ không có ‘sống trong,’ không có ‘sống bằng,’ không phải ở ngoài nhập vào, cũng không có chuyện an trú mà nó là an nhiên, nó là một sự hiển lộ như nhiên, nó vốn dĩ là như vậy. 

[…] Ở đâu cũng hiện tiền vượt thoát. Từng khoảnh khắc hiện hữu trong đời sống này là từng khoảnh khắc hiện tiền hoàn hảo vượt thoát, không bị khiếm khuyết và không cần phải làm thêm cái gì nữa, vì làm bất kỳ cái gì nữa cũng là vướng chấp. Đó được gọi là ‘thâm nhập’ Bát Nhã Ba La Mật Đa. Tạm gọi là ‘thâm nhập’ chứ thực sự [đối với người giác ngộ] thì không có Bát Nhã để nhập và không có người nhập. Ở đây dùng từ ‘ngay khi’ là ngay phút chốc nhận biết, hay ra, ngộ ra Bát Nhã để tan biến thành Bát Nhã. (trang 32-33)
BNT 2. vyavalokayati sma pañca-skandhāms tāṁś  và cảnh giới của bậc tu chứng khi thông thấu tự thể của năm uẩn
vyavalokayati sma panca skandhāms tāṁś
vi: từ nhiều phía
ava: ở dưới
vyyavalokayati (động từ chia ở  ngôi thứ ba số ít) - avalok: (một phần trong tên của đức Avalokiteshvara - Quán Tự Tại): nhìn xuống, nhìn xuống dưới, nhìn thấy, quán sát sma làm cho động từ avalok trở thành thì quá khứ năm (số lượng) skandhāms (trực bổ cách của từ skandhā): uẩn, ấm
panca-skandhāms: năm uẩn, năm ấm, ngũ uẩn, ngũ ấm chúng
Nghĩa đen
Đã nhìn xuống năm uẩn
Đã nhìn xuống thấy năm uẩn 
Đã nhìn thấy năm  uẩn
Đã quán sát năm uẩn

Bản Việt dịch TTBNBLMĐ:  Thông thấu toàn bộ năm uẩn

* Tóm tắt: Trước đây thường dịch là ‘chiếu kiến’ hoặc ‘soi thấy’ nhưng từ ‘thông thấu’ được sử dụng để chỉ một sự thông lưu thấu suốt, một sự thấy biết thông suốt có khả năng xuyên thủng, không gì ngăn trở được.

BTN 3. ca svabhāvaśūnyām paśyati sma và cảnh giới Không của năm uẩn
ca svabhāva śunyām paśyati sma
sva: tự, bổn, bản 
bhāva: thể, thể tánh
svabhāva: tự thể, tự tánh śūnyā (danh từ): Không
śūnyām (trở thành tính từ): Không (mô tả ‘tự thể’) nhìn thấy, thấy biết, nhận thấy, mục kích.
Nghĩa bổ sung: trải nghiệm, cùng dự phần, cùng chia sẻ sma làm cho động từ paśyati trở thành thì quá khứ
Nghĩa đen:  
Và đã nhìn thấy tự thể [của năm uẩn] là Không/Và đã nhìn thấy Không là tự thể [của năm uẩn]  
Và đã thấy biết tự thể [của năm uẩn] là Không/Và đã thấy biết Không là tự thể [của năm uẩn]  
Và đã nhận thấy tự thể [của năm uẩn]là Không/Và đã nhận thấy Không là tự thể [của năm uẩn]  

Bản Việt dịch TTBNBLMĐ:  Và tỏ tường tự thể của năm uẩn là Không

* Tóm tắt: Trước đây bản Hán Việt thường dịch là ‘chiếu kiến’ hay ‘soi thấy.’ Nhưng từ paśyati này còn có thêm các nghĩa bổ sung là: trải nghiệm, cùng dự phần, cùng chia sẻ. Nên ở đây dịch là ‘tỏ tường,’ ý muốn nói lên một sự tỏ thông lồ lộ mà không cần làm gì cả, là một sự chứng nghiệm cảnh giới ngũ uẩn giai Không, không có người thấy và cái thấy. Mọi sự đều chỉ lồ lộ tỏ tường, không còn phải là cái thấy theo nghĩa bình thường khi còn chủ thể và đối tượng nữa.

Trích sách lược giảng TTBNBLMĐ: “Tỏ thông thấu suốt (‘tỏ tường’) Bát Nhã thì năm uẩn từ xưa tới giờ cũng không hề có sự vướng đọng. Chúng ta lầm nên thấy có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chứ thấy đúng sự thật rồi thì ngũ uẩn là thông thấu, là hiện tiền. Sự tỏ thông này không có nghĩa là sửa đổi, là thay đổi cái thấy nhìn, mà vì ngũ uẩn từ xưa tới bây giờ vốn dĩ là Không. 
Cho nên, khi trí tuệ Bát Nhã hiển lộ thì sự tỏ thông của trí tuệ Bát Nhã làm hiển hiện cái hiện thực của ngũ uẩn này, mà ngũ uẩn này vốn dĩ là Không, chứ ngũ uẩn chưa từng có. Lầm thì có ngũ uẩn, ngộ thì ngũ uẩn là Không. Chứ không phải là ‘chiếu kiến,’ không phải là ‘hành thâm.’ Chuyện đó quá dư thừa và không đủ sức để nói chuyện Bát Nhã ở đây.” (trang 33-34)

“Bản Tinh Túy Bát Nhã muốn nói lên sự thật đang có và đang hiển lộ. Bát Nhã không muốn chúng ta làm gì, chư Phật và chư Đại Bồ Tát chưa từng bảo chúng ta làm điều gì, cho nên không có chuyện ‘quán chiếu’,’soi thấu’ hay ‘chiếu kiến.’ Bát Nhã vượt thoát hết tất cả công phu tu tập, vượt thoát hết tất cả những khái niệm, những định lý, những định nghĩa. Bát Nhã chỉ là thực tại hiện tiền mà thôi.” (trang 91)

BTN 4. iha śāriputra [rūpaṁ śūnyatā śūnyataiva rūpaṁ] và sự quan trọng của từ gốc ‘iha’ để bước vào chân trời ‘Bát Nhã Hiện Tiền’
iha śāriputra
(trạng từ chỉ định thời điểm và địa điểm): ở đây, tại đây, ngay đây, bây giờ, ngay bây giờ, trong trường hợp này, trong thời điểm này, hiện tại, trong thế giới này Xá Lợi Phất, Xá Lợi Tử

Nghĩa đen
Ở đây [ngay đây], này Xá Lợi Phất 
Bây giờ [ngay bây giờ], này Xá Lợi Phất
Ở đây và bây giờ [ngay đây và ngay bây giờ], này Xá Lợi Phất
Ngay hiện tại này, này Xá Lợi Phất

Bản Việt dịch TTBNBLMĐ:  Này Xá Lợi Phất, ngay hiện tiền này [sắc chính là Không, Không chính là sắc]  

* Tóm tắt: Cụm từ ‘ngay hiện tiền này’ để thay thế cho ‘ở đây và bây giờ’ (‘ở đây/bây giờ’ là ý nghĩa phổ thông của từ gốc‘iha’ trong bản Sanskrit). ‘Ngay hiện tiền này’ là để chỉ khoảnh khắc hiện tiền hiện hữu không trước không sau khi thể nhập, tan biến thành trí tuệ Bát Nhã.

Trích sách lược giảng TTBNBLMĐ: […] “Những gì mình từng trải qua là ký ức, là quá khứ; những gì chưa tới là tương lai, còn ‘bây giờ’ không có nghĩa là ‘hiện tại.’ Nếu bây giờ chúng ta còn thấy đây là hiện tại thì chúng ta cũng là người đang nhận định. Nếu chúng tanhận định thì khoảnh khắc hiện tiền này là hiện tại, nhưng ‘hiện tiền này’ không phải là ‘hiện tại.’ Thực tại không phải là hiện tại, mà là cái đang hiện tiền, đang hiển lộ, đang hiển bày tất cả những gì đang hiện hữu này. Sự thật đang hiện hữu này rỗng lặng, thanh tịnh; nó đang hiển lộ tất cả mọi thứ hiện tiền ở đây thì đó chính là tinh túy của Bát Nhã.

Cho nên Bát Nhã không nói chuyện chút nữa, không nói chuyện hồi nãy và cũng không nói chuyện ở đây. Còn ‘ở đây’ là chúng ta còn khẳng định. Câu nói ‘ngay tại đây và bây giờ’ là chúng ta còn khẳng định. Khẳng định ‘ở đây’ là một sự chấp thủ mà mình lại không biết là mình chấp thủ. Có ‘ở đây’ thì sẽ có ‘ở kia’, có ‘bây giờ’ thì sẽ có ‘chút nữa’ và có ‘hồi nãy.’ Cho nên hiện tiền này không phải là ‘ở đây’ mà là đang ở đây! Hiện tiền này chính là hiện hữu phủ khắp. Mặc dù chúng ta chưa cảm nhận được nhưng chính chúng ta đang ở trong cái khắp. Chúng ta đang hiện hữu bằng cái khắp, chứ chúng ta không hiện hữu bằng cái riêng.” ( trang 18)

“Chúng tôi không muốn nói cụm từ ‘ngay tại đây’ và cố tránh từ này. Vì ‘ngay tại đây và bây giờ là từ ngữ vướng kẹt trong ngôn ngữ của Thiền học. Cho nên chúng tôi muốn thoát ra các từ này và chúng tôi nói ‘ở hiện tiền’ chứ không phải ‘ngay tại đây.’ ‘Hiện tiền’ không có nghĩa ‘ngay tại đây’. Ngay tại đây là một sự khẳng định, nhưng hiện tiền thì không phải là khẳng định mà cũng không phải là phủ định. ‘Ngay tại đây và bây giờ’ là một sự khẳng định, nhưng đạo lý không phải là khẳng định, không phải là phủ định. Nó ở ngoài sự khẳng định và phủ định, vì nó là hiện tiền, là hiện hữu, là thực thể, là như nhiên, là tự nhiên, không do ai tác động hết, không có ai ở ngoài để nhận định nó […] thì đó mới chính là chân lý. Cho nên mới nói là ‘ngay nơi hiện tiền’ này. Cái hiện thực này không ai có thể khẳng định được và không ai có thể phủ định được, vì nó là sự hiện hữu hiện thực rồi.” 

“Trước đây có bao nhiêu cuốn sách dùng cụm từ ‘ngay tại đây và bây giờ,’ như vậy là đủ biết họ chết trong đó không thoát ra được. Thành ra cách sử dụng ngôn ngữ của người Việt rất sâu […].Chữ ‘hiện tiền’ này chính là chân lý. Ai có thể phá vỡ được chân lý này? Ai có thể từ chối hiện tiền này được? Hiện tiền thì không phải khẳng định, không phải phủ định, cho nên không có thời gian, không có không gian. Hiện thực, hiện hữu, hiện tiền này thì không ai có thể thay đổi được. Bởi vì chúng ta đang ở trong khoảnh khắc hiện tiền, hay nói khác hơn, chúng tahiện tiền chứ chúng ta không khác được.”(trang 90)

Sự quan trọng của từ gốc ‘iha’ và thuật ngữ ‘Ngay hiện tiền này’ 

Tiếp theo đây, chúng tôi xin mạn phép mở ngoặc viết thêm một chút nữa về chữ ‘iha’ như sau. Như đã trình bày ở phần đầu, chữ ‘iha’ tuy rất nhỏ bé nhưng đã đóng một vai trò trọng yếu trong bản Kinh Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa mà gần như chẳng mấy ai biết đến. Tôi thật sự yêu nó vô cùng! Nhiều lần tôi nghĩ đến nó và đã tự hỏi vì sao chúng ta đã phải mất hơn một ngàn mấy trăm năm để tìm ra lại chữ này trong bài Tâm Kinh? Vì sao cái chữ ấy đã đi lạc hơn một ngàn mấy trăm năm mà chẳng ai nhìn thấy nó ngay trong bài Tâm Kinh? Có phải chăng, do nó quá nhỏ bé, ở trong một vị trí quá khiêm tốn nên nó đã bị lạc mất trong rừng chữ nghĩa Phật Pháp? 

Hay có chăng, trong truyền thống Trung Hoa, Ngài Pháp Sư Huyền Trang và Chư Vị Tôn Túc đã phải đành đoạn ‘hy sinh’ nó để không làm cho câu kệ bị dư một âm? Và rồi truyền thống Phật Giáo Việt Nam của chúng ta cũng y theo bản Hán văn mà chuyển qua Việt ngữ, nên cuối cùng, nó gần như đã tan biến vào hư không sau nhiều thế hệ? (xin xem lại các thông tin về các khám phá mới trong Phần I của bài tham khảo này).

Trong quá trình tìm hiểu về bản Phạn văn gốc, chúng tôi cũng đã có đọc thấy thêm nhiều lần nữa về chữ ‘iha’ trong một số tài liệu khác nữa. Nhưng đặc biệt hơn hết cả là hai thông tin sau đây:

1. Từ ‘iha’ có xuất hiện trong bản hiệu đính Tâm Kinh của Ngài Bất Không Kim Cang (thế kỷ 8) tìm thấy trong động Đôn Hoàng

Đầu tiên là chữ ‘iha’ (Hán: ci) cũng đã xuất hiện trước tên Tôn giả Sariputra (‘ci She li zi’, tức là “ngay đây, Xá Lợi Tử’) trong bản Tâm Kinh dịch từ Sanskrit qua Hán văn mà một vị dịch giả danh tiếng tên Bất Không (Bukong) (705-774) đã hiệu đính ở tại Trung Hoa. Tên Phạn ngữ của Ngài là Bất Không Kim Cương (Amoghavajra) và Ngài là người Ấn Độ, xuất thân từ Simha (ngày nay là Tích Lan), đã được người chú dẫn đến Tràng An vào năm 10 tuổi sau khi cha mất. Về sau, khi phải lánh nạn, Ngài đã đi Tích Lan, Ấn Độ,  Đông Nam Á và đã đem hơn 500 bộ Kinh Phật về lại Trung Hoa. Ngài đã dịch rất nhiều kinh điển, tu theo Mật giáo Kim cương thừa và đã trở thành là một trong những nhân vật nổi tiếng, được Vua Đường Tông cung kính và có nhiều ảnh hưởng trong Phật Giáo Trung Hoa thời bấy giờ. 
Bản dịch Tâm Kinh của Ngài, gọi là “Phiên bản Hoa-Phạn Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh,” đã được tìm thấy trong động Đôn Hoàng và điều lý thú ở đây là ngay trong bản dịch có thêm phần chú thích như sau:

“Sanskrit Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Theo chiếu lệnh của vương triều, đã được dịch bởi Bất Không, là người được Hoàng đế ban cho tước hiệu Dabian Zhengguanzhi theo di cảo. Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) đã tự thân giảng dạy và trao truyền bản Kinh tiếng Sanskrit này cho Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang; Bất Không hiệu đính.”   

Có nghĩa là trong bản dịch phổ biếnkinh điển của Ngài Huyền Trang theo Hoa truyền mà Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa và Đại Thừa Việt Nam sử dụng thì chữ ‘iha’ (Hán: ci) đã không xuất hiện vào thế kỷ thứ 7 khi Ngài Huyền Trang còn tại thế, nhưng vì một lý do nào đó, Ngài Bất Không vào thế kỷ thứ 8, đã nhìn thấy ra từ trong bản Phạn văn Sanskrit và đã thêm vào trong khi hiệu đính bản dịch của Ngài Huyền Trang. Văn bản gốc này hiện đang được lưu giữ tại Viện Bảo Tàng Anh quốc (British Museum – Stein #5648)

2. Từ gốc ‘iha’ là từ quan trọng nhất trong bản Tâm Kinh theo Red Pine 
Thứ nhì là có một dịch giả khác, ông Red Pine (1943- ), một dịch giả danh tiếng, hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ nhưng trong quá khứ đã sống nhiều năm tại Trung Hoa, cũng đã nhìn thấy ra được tầm quan trọng của chữ ‘iha’ này.  Bản Anh dịch của ông có sự xuất hiện của từ ‘iha’ này mà ông cũng dịch là ‘here’, và ông đã viết trong tập sách luận giảng về Tâm Kinh như sau: 
“Từ ‘iha’ là một từ để nhấn mạnh, thế mà các dịch giả lại thường vất bỏ nó đi, trong khi nó lại là một trong những từ quan trọng nhất của bản Kinh này. ‘Iha’ chính là tiếng hét của một Thiền sư, là cú đấm vào xương sườn, là một tách trà.[…] Như vậy thì, ‘ngay đây,’ Bồ Tát Quán Thế Âm [Quán Tự Tại] đã mở cánh cửa vào Đại Đạo của Đại thừa.”   

‘Ngay hiện tiền này’ chuyển tải trọn vẹn thâm nghĩa của từ gốc ‘iha’ 
Bây giờ rốt ráo nói đến bản Việt dịch của chúng ta, khi nhân duyện hội tụ tròn đầy thì nó đã lại tái xuất hiện, cho nên trong niềm sung sướng hân hoan, chúng tôi đã thỉnh hỏi Thượng Tọa Tuệ Hải là mình nên chọn dịch qua tiếng Việt từ ‘iha’ này theo nghĩa nào, bởi vì nó là một cái từ thật quá đặc biệt. Nó bao gồm nhiều ý nghĩa khác nhau mà bổ sung lẫn nhau. Khi ấy, trong đầu tôi nghĩ đến việc sử dụng cụm từ ‘ở đây và bây giờ’ để có thể truyền tải khoảnh khắc mà ‘iha’ muốn biểu lộ, khoảnh khắc sống động vượt thoát toàn bộ ngũ uẩn để thành Không.
Nhưng câu trả lời của Thượng Tọa Tuệ Hải đã làm cho chúng tôi bất ngờ và bất chợt đã vỡ ra! Thầy chúng tôi dạy là không dùng từ nào trong số đó hết cả, mà hãy sử dụng cụm từ  ‘ngay hiện tiền này’ cho ‘iha’ để có thể truyền tải trọn vẹn thâm ý của bản Kinh như Thầy đã giải thích tường tận ở trên. 

Trải bao ngàn năm qua, khi không có từ ‘iha’ ở trong câu này, thì bài Tâm Kinh có thể được giảng dạy với nội dung tổng quát về tánh Không dựa trên duyên hợp giả có, về luận lý tánh Không duyên khởi dựa trên các cặp phủ định, về triết lý tánh Không nói chung – một cách chung chung. Nhưng một khi có từ ‘iha’ ở trong câu này, thì ‘iha’ trong Phạn ngữ Sanskrit lại là một trạng từ chỉ định thời điểm và địa điểm. Vậy thậm chí dù hiểu theo nghĩa thế gian thì bản Kinh này cũng là đang mô tả một cách đích xác chuyện gì đang xảy ra ở ngay khoảnh khắc đó, ngay tại đó… chứ không phải chỉ nói chuyện lý thuyết chung chung. 

‘Ngay hiện tiền này’ là khoảnh khắc quan trọng nhất của ‘Bát Nhã hiện tiền’

Và hơn nữa, nếu hiểu theo nghĩa đạo thì ‘iha’ đang muốn nhấn mạnh về chuyện đang xảy ra ‘ngay trong khoảnh khắc hiện tiền này,’ là khoảnh khắc quan trọng nhất, như Thượng Tọa Tuệ Hải đã nhìn thấy ra, và những gì được viết ra tiếp theo sau đó trong bản Kinh đều là để mô tả cảnh giới của người tu chứng khi thể nhập Không TướngBát Nhã Hiện Tiền, ngay khi sắc chính là Không, Không chính là sắc, thể nhập thọ-Không, tưởng-Không, hành-Không, thức-Không. 

Vì có chữ ‘iha’ – ‘ngay hiện tiền này’ mà nội dung của Tâm Kinh hoàn toàn xoay chuyển! Và như Thượng Tọa Tuệ Hải đã nhiều lần nhấn mạnh về ý nghĩa của thuật ngữ ‘hiện tiền’ trong bài thuyết giảng:

“Điều này có chấp nhận hay không là chuyện của mình, nhưng thực thể chân lý chỉ là như vậy. Muôn thuởhiện tiền, lúc nào cũng hiện tiền. Ngay trong khoảnh khắc này, nó là hiện tiền, khoảnh khắc kế tiếp nó cũng chỉ là hiện tiền, khoảnh khắc kế tiếp nó chỉ là hiện tiền và sự sống còn lại của chúng ta mãi mãi ở chỗ hiện tiền. Chúng ta không khác được hiện tiền này và đừng bao giờ có ý tưởng làm khác thì đó là một sự sai lầm. Cho nên phút giây nào chúng ta thấy khác cái hiện tiền, có nghĩa là phút giây đó chúng ta sai lầm, không còn thực sống ở cảnh giới hiện tiền nữa. Chúng ta cố gắng từ chối chơi vậy thôi chứ thực sự từ chối cũng không được. Chúng ta không thoát ra được, chúng ta luôn là hiện tiền, luôn là Bát Nhã, luôn là sự hiện hữu, là rỗng không, không có sắc và không có không, đó là sự thật.” (Trích TTBNBLMĐ, trang 91)

Vậy chúng ta có thể mạnh dạn kết luận ở đây rằng Bát Nhã Tâm Kinh, theo cách gọi xưa nay, đang mô tả cảnh giới tu chứng của một người thể nhập trí tuệ ‘Bát Nhã hiện tiền,’ chứ Tâm Kinh không chỉ thuần túy là một luận lý với các mệnh đề phủ định, phủ nhận tự tánh độc lập của sự vật, cho rằng mọi sự đều không có tự tánh. Đúng thật là vạn pháp đều không có tự tánh độc lập, do đó có tánh Không duyên khởi. Nhưng đặc biệtbản Kinh này còn là một bản Kinh dạy về Chân Như Tự Tánh, về Thật Tướng của vạn pháp, khẳng định về sự viên mãn tròn đầy của Chân Như Tự Tánh, và mô tả chuyện gì đang xảy ra cho một hành giả ngay khi thể nhập Thật Tướng, Không Tướng, thể nhập Chân Như Bản Thể thanh tịnh!  

BTN 5.  yad  rūpāṁ sā  śunyatā  yā  śūnyatā  tad và cảnh giới giác ngộ khi cả tướng sắc lẫn tướng không đều là Không Tướng nên ‘sắc chính là Không, Không chính là sắc’
yad rūpāṁ sā yā śunyatā tad
ai, cái gì, cái đó rūpāṁ (rūpā): sắc, sắc tướng cái này, cái đó ai, cái gì, cái đó không cái này, cái đó

Nghĩa đen: Cái gì là sắc, cái đó chính là Không, cái gì là Không, cái đó chính là sắc

Câu trên đây không hiện diện trong các bản Hán văn, Hán-Việt và bài Việt phổ thông.
Trích sách lược giảng TTBNBLMĐ: “‘Không’ này không phải là tướng không. Cái gì là sắc thì nó là Không Tướng (Vô Tướng), cái gì là Không thì nó cũng là sắc, mà sắc là Không Tướng thì không cũng là Không Tướng. Tướng sắc, tướng không đều hiện từ Không Tướng, đều sanh ra từ Không Tướng, cho nên nó mang bản chất thật của Không Tướng, nghĩa là không có tướng sắc và không có tướng không. Nó vốn không từng có tướng sắc và không từng có tướng không

chúng ta ảo tưởng có tướng sắc và tướng không, chứ thực chất thì sắc chính là Không Tướng và không cũng chính là Không Tướng. Cho nên nói ‘sắc chính là Không’ và ‘không cũng chính là Không.’ Vì ở chỗ Không Tướng thì mình muốn nói cái gì cũng là Không Tướng, chứ không khác được.

Cái thật thì vẫn luôn ‘hiện’ Không Tướng. Khi Không Tướng nhuốm sắc thì sắc là Không Tướng. Khi Không Tướng nhuốm tướng không thì tướng không cũng là Không Tướng. Tạm thời để có khái niệm ‘có tướng’ là sắc và ‘không có tướng’ là tướng không. Tướng sắc và tướng không là hai cái ảo tướng hiện ra trong cảnh giới Không Tướng. Cho nên mới nói ‘cái gì là sắc, cái đó chính là Không, cái gì là Không, cái đó chính là sắc.” (trang 87)

[…] “Ngay niệm hiện tiền này, chúng ta không thấy đúng thực thể sắc chính là Không Tướng thì xem như chúng ta vô minh. Ngay niệm hiện tiền này, chúng ta không thấy đúng thực thể không cũng chính là Không Tướng thì xem như chúng ta vô minh. Ngay hiện tiền này, chúng ta không thoát khỏi tướng có và tướng không thì xem như chúng ta vô minh. Nếu như ngay hiện tiền này, chúng ta thấy không có ‘tướng có’ và không có ‘tướng không’ thì đó là cái thấy của Bát Nhã. (trang 88)

[…] Chính cái thấy nhìn của Bát Nhã là cái thấy vượt ngoài sắc và không, vượt ngoài có và không, vượt ngoài tướng có và tướng không. Chính cái thấy này là cái thấy của Bát Nhã, mà cái thấy của Bát Nhã thì lúc nào cũng là ngay trong khoảnh khắc này, ngay nơi hiện tiền này. Ở khoảnh khắc hiện tiền, hiện hữu, hiện thực này thì thực thể luôn hiển bày. Bát Nhã luôn là hiện hữu hiện tiền, Bát Nhã không nói chuyện chút nữa, không nói chuyện đã qua. Bát Nhãthực tại, là hiện tiền. Cái hiện tiền của Bát Nhã là cái hiện tiền không có sắc, không có không. Sắc cũng là Không, Không cũng là sắc, chứ không có khác. Nói ‘cũng là’ hay ‘chính là’ thì đó cũng là một cách nói, chứ thực sự là sắc không có, không cũng không có.” (trang 91)

BTN 6.  [iha śāriputra] sarvadharmāḥ śūnyatālakṣaṇā và vạn pháp hiển lộ từ Không Tướng 
sarvadharmāḥ śūnyatālakṣaṇā #1
(śūnyatā + ālakṣaṇā) śūnyatālakṣaṇā #2
(śūnyatā + lakṣaṇā)
sarva: tất cả
dharmāḥ:pháp, hiện tượng śūnya: Không
śūnyatā: tánh Không, Không, Chân không
alakṣaṇā (tính từ để mô tả śūnyatā): không đặc tính, không có tướng śūnya: Không
śūnyatā: tánh Không, Không, Chân không
lakṣaṇā (tính từ để mô tả śūnyatā): 
đặc tính, có tướng

Nghĩa đen theo cách ghép từ #1: Tất cả các pháp [vốn là] ‘Không + không đặc tính’ (‘không đặc tính’ - ālakṣaṇā) theo Phạn văn thì phải là tĩnh từ miêu tả ‘Không’ (śūnyatā), chứ không phải để miêu tả ‘tất cả các pháp.’

Nghĩa đen theo cách ghép từ #2: Tất cả các pháp [vốn là] ‘Không + có đặc tính’ (’có-đặc-tính’ (lakṣaṇā) – nếu theo Phạn văn thì ở đây là tĩnh từ miêu tả ‘Không’ (śūnyatā), chứ không phải là tĩnh từ miêu tả ‘tất cả các pháp.’  Do đó không thể mang nghĩa là ‘tất cả các pháp đều mang đặc tính Không’ hay ‘tất cả các pháp đều là tánh Không,’ như thường được dịch xưa nay để mô tả các pháp. Nếu dịch theo nghĩa đen của cách tách từ #2 là không hợp lý, vì đã là ‘Không’ thì chẳng thể ‘có-đặc-tính,’ nên mặc nhiên phải dịch theo nghĩa đen của cách  tách từ #1. Xin xem thêm ghi chú dưới đây.

Bản Việt dịch TTBNBLMĐ: Tất cả các pháp đều hiển lộ từ Không Tướn

* Tóm tắt: Theo ngữ pháp Phạn, từ śūnyatālakṣaṇā là một từ ghép và có chữ ā ở cuối chữ śūnyatā (Không). Từ này là một từ theo nữ tính nên từ liên kết sau đó có thể có hai nghĩa, hoặc là śūnyatā + lakṣaṇā (Không + tướng/đặc tính) hoặc là śūnyatā + alakṣaṇā (Không + không đặc tính) tùy theo nội dung và cách diễn giải. Nếu để y cụm từ ghép śūnyatālakṣaṇā như trong bản lá cọ thì dựa trên ngữ pháp Phạn sẽ có hai cách hiểu: một là “tướng Không” như cách hiểu và dịch trong một số bản dịch trong quá khứ; hoặc hai là “vắng bặt mọi tướng/vắng bặt mọi đặc tính,” tức đồng nghĩa với ‘Không Tướng’ như trong bản Việt dịch TTBNBLMĐ.  'Không Tướng’ ở đây là Thật Tướng của các pháp, là hiện tiền hiện hữu chân thực.

Cách tách từ ghép śūnyatālakṣaṇā – Không Tướng (Vô Tướng

Nếu hiểu đơn giản nhất, theo cách tách từ ghép śūnyatālakṣaṇā hợp lý nhất trong Phạn ngữ (theo cách #1- xin xem bảng thuật ngữ ở trên), thì điều này lại hoàn toàn phù hợp với cách lý giải của Thượng Thọa Tuệ Hải. Đây thuần túy là cảnh “vạn pháp hiển hiện từ Không Tướng,” tức là mô tả cảnh giới Chân Không diệu hữu, chứ ở đây đang không nói đến chuyện “tánh Không,” “tướng Không,” hay  “tướng có, tướng không” của các pháp. Ở đây theo Phạn ngữ thì ālakṣaṇā - ‘không có đặc tính’ là một tĩnh từ mô tả Không (tức là Không Tướng - Vô Tướng), chứ không phải là một tĩnh từ để mô tả các pháp. 

Tương đương với cách lý giải này, trong các phiên bản theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, chẳng hạn phiên bản của Hội Pháp Hữu Gyalwa Karmapa và của dịch giả Geshe Thupten Jinpa, thì câu này cũng đã được dịch qua Anh ngữ theo nghĩa “Không (śūnyatā) + không có đặc tính (ālakṣaṇā),” tức là cũng theo cách tách từ #1, ý muốn nói rằng tất các pháp đều là Không và Không này là Không Tướng - Vô Tướng, không có bất kỳ đặc tính nào. 

Trích sách lược giảng TTBNBLMĐ:  Đây là thêm một câu giải thích nữa. Nếu như đây là Bát Nhã rồi thì tất cả các pháp đều ‘hiển lộ’ từ Không Tướng. Cho nên, nếu thấy “có các pháp” là cái thấy của phàm phu. Còn nếu thấy các pháp đều là Không Tướng thì là cái thấy của người giác ngộ. Vì vậy nếu ngay hiện tiền này chúng ta thấy các pháp là pháp thì chúng ta rớt vào cảnh giới phàm phu, rời cảnh giới Bát Nhã. Còn nếu ngay trong cảnh giới Bát Nhã này, chúng ta thấy tất cả các pháp đều hiện tướng của Bát Nhã, đều hiện từ Không Tướng thì đây là cái thấy của người giác ngộ
[…] Không có Bát Nhã thì không có cái gì hiện hết trong khắp vũ trụ này. Cho nên Bát Nhã hay sanh muôn pháp, vì muôn pháp đều sanh từ Bát Nhã

[…] Cho nên các đoạn ở dưới trong chánh văn ‘không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp v.v… cũng chỉ là để giải thích toàn bộ đoạn ở trên về ‘tất cả các pháp đều hiển lộ từ Không Tướng.’ Theo hướng này thì chúng ta sẽ thấy lộ ra hết tất cả những tinh túy cốt tủy của bản Kinh Bát Nhã. Đức Phật chỉ nói một chuyện duy nhất, đó là khi một người thâm nhập Bát Nhã rồi thì tất cả đều là Bát Nhã, không có khổ, không có vui mà nó chỉ hiện tiềnBát Nhã. Tất cả mọi cái thấy, nhìn, hay, biết, động dụng đều là Bát Nhã. Đã là Bát Nhã thì không có chứng, không có đắc, không có gì sau đó nữa hết. Nói tới đây là nói hết bản Kinh rồi đó. 

[…] Nếu chúng ta không muốn dùng cụm từ “hiển lộ từ Không Tướng” thì chúng ta có thể đổi thành “hiển lộ từ Bát Nhã.” Mỗi mỗi hiện tướng đều là hiện tướng của Bát Nhã, từ Bát Nhã hiện. Hoặc nói một câu khác gọn hơn là mỗi mỗi hiện tướng đều là tướng của Bát Nhã hiện. Chúng ta có thể nói ngược như vậy, nói ngược như vậy thì sẽ ra chuyện. Điều này không khó hiểu mà nó là sự thật. Nếu chúng ta nhìn mọi hiện tướng đều là “có” và “không” thì chúng ta vẫn còn phàm phu. Không có chuyện “có” và “không,” không có chuyện “pháp” hay “ngã” ở đây nữa. 

Tới đây chúng ta có thể nói một chút về pháp và ngã. Các pháp đều hiển hiện từ Không Tướng, vậy thì Không Tướng chính là gì? Không Tướng chính là vô ngã, vô ngã có nghĩa là vô pháp, cho nên tất cả các pháp đều là Không Tướng. Vậy thì tuy pháp hiện nhưng pháp này chính là “Pháp bổn pháp vô pháp.” Cái gốc của pháp từ xưa tới giờ chưa từng là pháp. Do các pháp hiện từ chỗ Không Tướng, cho nên nó không phải là pháp mà nó là “hiện tướng của Không Tướng.” 

Như đã nói, tất cả những cái hiện này đều là hiện tướng của Không Tướng. Ở đây chúng ta có thể mở ngoặc gọi nó là phi tướng, có nghĩa là nó không phải tướng, nó cũng không phải pháp. Chính thật tất cả mọi thứ đều không phải là pháp. Nhưng nếu nói đến định nghĩa của pháp thì pháp là cái gì? Pháp là cái gì đó mà nó gìn giữ, bảo vệ cái riêng của bản thân nó. Ví dụ, như bây giờ chúng ta giơ một ngón tay lên thì đây là một pháp. Đây là pháp của cái hiện tướng của một ngón tay. Ở đây có nghĩa là nó duy trì, gìn giữ cái riêng biệt của nó. Nhưng hiện tướng riêng biệt của nó cũng chính là ảo tướng. Ảo tướng là do cái thấy sai lầm về cái tưởng của mình. Tất cả các tướng này đều là do cái tưởng của mình mà sanh ra. 

Nếu chúng ta nói như vậy thì khó có ai có thể chấp nhận được. Nếu có một lần nào đó mà chúng ta rớt vào chỗ không có tưởng thì tất cả các tướng này đều liền không có. Tướng thân, tướng tâm của mình cũng mất luôn. Một lần chúng ta rớt vào đó là tất cả những cái này đều sẽ là “hiện tướng Không.” Chúng ta sẽ không nhìn ra được các tướng nữa nếu chúng ta vượt được qua khỏi cái tưởng. Khi chính bản thân mình không nhận được tướng nữa, như trong Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Một người đã vượt được tưởng ấm rồi thì thiên ma ba tuần còn không tìm thấy dấu tích”. Chư Thiên muốn cúng dường cũng sẽ không tìm ra

Nếu Bát Nhã hiển lộ thì ngay hiện tiền này, tất cả mọi cái thấy của mình đều là thấy hình sắc và tất cả mọi hình sắc đều hiển lộ từ cái đang thấy của mình. Mà cái đang thấy của mình chính là Thật Tướng đang rõ thông. Thật Tướng này chính là Không Tướng. Nếu khôngThật Tướng này thì không thể lộ các hình tướng này đâu. (trang 108-110)

BTN 7. anutpannā  aniruddhā  amalāvimalā  nonā  na paripūrṇāh  và pháp giới toàn chân không sanh không diệt, thông lưu, thanh khiết, không nhơ, không nhiễm, viên mãn tròn đầy 
anutpannā aniruddhā amalāvimalā #1  
(amalā + 
avimalā) amalāvimalā #2  
(amalā + 
vimalā) nonā na paripūrṇāh
an: không
utpannā: được sanh, được tạo
anutpannā: không được sanh ra, không được tạo ra an: không
niruddhā: không hiện, đoạn tận
aniruddhā:
không tận, không diệt
--Nghĩa bổ sung của aniruddhā: không dừng, không ứ trệ, thông lưu không thể làm cho ngưng lại, thông lưu không gì ngăn trở, tự do, không thể kềm hãm, cang cường tự theo ý mình a: không
malā: dơ bẩn,  nhơ nhuốc
amalā: không dơ bẩn, không nhơ nhuốc, trong sạch, thanh tịnh
vimalā: trong sạch, thanh tịnh, không bẩn, không nhơ
avimalā: không trong sạch, không không bẩn, không không nhơ 
--Nghĩa bổ sung của amalā: thanh khiết, trong sạch nhất, pha lê, chói sáng a: không
malā: dơ bẩn,  nhơ nhuốc
amalā: không dơ bẩn, không nhơ nhuốc, trong sạch, thanh tịnh
vimalā: trong sạch, thanh tịnh, không bẩn, không nhơ
--Nghĩa bổ sung của vimalā: vô cấu, không ô nhiễm na:
không
ūna: trở thành ít hơn, trở thành nhỏ hơn, trở nên thiếu, trở nên không đủ
nonā: không thiếu, không khuyết, không bị thiếu sót na:
không
paripūrṇāh:
đầy đủ, trọn vẹn, hoàn toàn, hoàn tất, viên toàn

Nghĩa đen theo cách ghép từ #1(amalā + avimalā): không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thiếu, không đủ -- Phiên bản Horyu-ji là không thiếu, không đủ, trong khi các dị bản Phạn khác là không tăng, không giảm.

Nghĩa đen theo cách  ghép từ #2 (amalā + vimalā): không sanh, không diệt, không dơ, không nhiễm, không thiếu, không đủ

Bản Việt dịch TTBNBLMĐ: không sanh, không diệt, không nhơ, không nhiễm, viên mãn tròn đầy 

* Tóm tắt: Bản Việt dịch TTBNBLMĐ chuyển ngữ câu này theo cách #2 là amalā (trong sạch, không nhơ) + vimalā (trong sạch, không ô nhiễm). Thêm vào đó thay vì dịch là ‘không thiếu, không đủ’ thì Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải đã chọn dịch thoát ý ở đây thành ra là ‘viên mãn tròn đầy.’ Hiện tại này là viên mãn tròn đầy, không dư, không thiếu, không nhiễm, không nhơ, không sanh, không diệt vì Bát Nhãviên mãn. Thêm vào đó, nếu xem kỹ các nghĩa bổ sung của aniruddhā và nghĩa bổ sung của amalā thì chúng ta cũng có thể hiểu câu này theo một nghĩa lý rất thâm diệu, đại ý rằng đây là cảnh giới “không sanh, không diệt, thông lưu không gì ngăn trở, thanh tịnh chói sáng, vô nhiễm, viên mãn tròn đầy.”

Cách tách từ ghép amalāvimalā – phản nghĩa hoặc bổ sung

Trong quá trình tìm hiểu các thuật ngữ Sanskrit trong bản Kinh, chúng tôi tình cờ tìm thấy bản dịch Anh ngữ Tâm Kinh dài theo truyền thống Tây Tạng và Nepal của Eng Jin Ooi, như đã thưa trong Phần I về các khám phá mới. Nhưng thay vì dịch câu này theo nghĩa là ‘bất cấu, bất tịnh’ hoặc ‘không nhơ, không sạch’ theo như truyền thống lâu nay, trình bày một cặp từ phản nghĩa và phủ định, thì bản dịch của Eng Jin Ooi lại nói ngược lại điều này, vì ông đã dịch là ‘not blemished, not stained’ (amalā + vimalā), đại ý là không nhơ nhuốc, không cấu uế  + không tỳ vết, không nhiễm ô. Như vậy là cặp từ này không còn là phản nghĩa nữa mà là bổ sung cho nhau!

Điều này thật sự đã làm cho tôi sửng sốt, bởi vì trước đó, tôi đã từng nghe đi nghe lại một người nữ ca sĩ Ấn Độ hát bài Tâm Kinh này bằng Phạn ngữ và tôi nghe rõ cô ấy đã hát câu này là amalā + vimalā (không nhơ, không nhiễm) thay vì amalā + avimalā (không nhơ, không sạch). Câu hát này của cô đã gây ấn tượng cho tôi và làm cho tôi thắc mắc nên tôi đã làm quen với Eng Jin Ooi, và đã hỏi ông vì sao ông chọn lựa cách dịch ngược với truyền thống như vậy. 

Sau đó Eng Jin Ooi đã giải thích cho tôi về các từ ghép trong Sanskrit, vào ông giải thích thêm rằng do hai từ này có chữ ā ở cuối chữ thứ nhất (amalā), nên người dịch được toàn quyền chuyển dịch theo một trong hai nghĩa khác nhau tùy vào quy tắc tương ứng. Cuối cùng, ông kết luận rằng nếu ta không nắm vững nguyên ý của tác giả thì đôi khi sẽ dịch lệch nghĩa của một từ ghép, và điều này cũng thường xảy ra trong Phạn ngữ trong khi lý giải ý Kinh. 

Các nghĩa bổ sung và pháp giới viên mãn toàn chân
Khoảnh khắc tôi được nghe Eng Jin Ooi giải thích về điều này, tôi cảm thấy có một cánh cửa như vừa hé mở. Tôi vội vàng lục tìm thêm trong tự điển các định nghĩa khác nhau của tất cả những thuật ngữ trong câu đó và cuối cùng có nhiều ý nghĩa bổ sung vô cùng thâm thúy đã xuất hiện. Ví dụ như nghĩa bổ sung của aniruddhā (không diệt) còn là thông lưu, không ứ trệ, không gì ngăn trở được, không thể làm cho ngưng lại; hoặc nghĩa bổ sung của amalā (trong sạch) còn là thanh khiết, trong sạch nhất, pha lê, chói sáng.

Ngay khi ấy một tư tưởng đã phát sinh trong tôi. Nếu câu này không còn phải là ba cặp từ phản nghĩa và phủ định theo cách dịch thuật truyền thống là ‘không sinh–không diệt, không nhơ–không sạch, không tăng–không giảm’, và thay vào đó, nếu dựa vào các nghĩa bổ sung thì nó có thể trở thành là ‘không sinh, không diệt, thông lưu, không ứ trệ, không nhơ, không nhiễm, thanh khiết, chói sáng, không thừa, không khuyết’ và vân vân.  

Nếu thật là thế thì chẳng phải là Bát Nhã đang mô tả chân pháp giới trong câu này hay sao? Vì nếu hiểu theo nghĩa như thế thì câu này thật chẳng mấy khác những lời dạy của Thầy chúng tôi khi luận giảng về Kinh Lăng Nghiêmchúng tôi vô cùng yêu thích, rằng ‘tứ đại là Như Lai tạng tâm trùm khắp pháp giới, vốn dĩ là vô tướng, vô sở y, vô sai biệt, vốn dĩ là bình đẳng hòa quyện, luôn luân lưuvận hành, mỗi khoảnh khắc mỗi mới,’ hoặc như khi Thầy luận giảng về Kinh Hoa Nghiêm, mô tả pháp giới toàn chân, viên mãn, thông lưu, rạng ngời! 

Tôi đã bị chấn động đến tận cùng xương tủy khi ngay khoảnh khắc ấy đã nhớ lại đến lời dạy của Thầy chúng tôi trong Kinh Lăng Nghiêm; không hiểu sao tự nhiên nước mắt đã chảy ra, tôi có cảm giác như có một cái gì đó ngay giữa tim mình vừa bung mở, như có một cái ổ khóa ngay giữa tim vừa tự nó bật tung ra. Nên ngay khi ấy, chúng tôi đã gửi điện thư thưa lại với Thầy chúng tôi về điều này, xin Thầy hãy cho chúng tôi thêm thời gian để tìm hiểu thêm và xác chứng về những thuật ngữ này.  Khi ấy là vào giữa tháng 6 năm 2019. Thầy chúng tôi dự trù là sẽ sớm giảng Tinh Túy Bát Nhã Tâm Kinh cho quý Chư Tăng, Ni và đại chúng trước khi mùa hạ kết thúc, nhưng Thầy đã quá từ bi trả lời và dạy chúng tôi, cũng chỉ vỏn vẹn một hàng thôi, mà đã làm cho chúng tôi vô cùng xúc động, rằng “con cố gắng tìm đi, Thầy chờ khi nào đầy đủ thông tin rồi giảng.” 

Cuối cùng, khi câu này được diễn dịch là ‘không nhơ, không nhiễm’  trong bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa, thay cho ‘không nhơ, không sạch’ theo như truyền thống dịch thuật do Hán truyền trước đây, có nhiều người đã nêu thắc mắc với chúng tôi và không mấy tin tưởng vào điều này. Do đó, nhân đây chúng tôi xin được chia sẻ về lịch sử tìm hiểu các thuật ngữ này như trên để cho mọi việc được sáng tỏ

Trích sách lược giảng TTBNBLMĐ: Trong Kinh Lăng Nghiêm nói “tứ đại là thanh tịnh bản nhiên trùm khắp pháp giới, tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện với cái lượng hay biết.” […] Chúng ta cứ ngẫm tới câu này đi thì sẽ thấy là “tất cả các pháp không sanh, không diệt, không nhơ, không nhiễm.” Cái không sanh, không diệt của tất cả các pháp đều hiện từ Không Tướng mà Không TướngBát Nhã. Cho nên Bát Nhã chính là không sanh thì tất cả các pháp cũng là không sanh. Trước kia chúng ta được học thân này là vô thường nhưng nó có cái chơn thường, tức là các pháp này là tướng pháp nhưng còn có tánh của các pháp. Nếu hiểu theo kiểu ‘Tánh’ là bất sanh bất diệt, còn ‘tướng’ là sanh diệt thì đó là lý luận cơ bản. Sau khi học hiểu chuyên sâu hơn thì không có chuyện tánh, tướng ở đây, vì mỗi mỗi hiện tướng đều là hiện Bát Nhã, không có tánh, không có tướng, không có sanh, không có diệt, chưa từng có cái gì sanh diệt. (trang 112)

Chúng ta đang bị bó buộc trong ảo tướng không ra được, cho nên mình tưởng tượng là mình ăn như vậy, ngủ như vậy, làm như vậy là mình mới thanh tịnh, còn mình ăn khác, ngủ khác thì mình không thanh tịnh. Đó chỉ là do mình tưởng thôi. Tịnh còn không có, huống gì là nhiễm. Cho nên ở đây gọi là “không nhơ, không nhiễm.” Ở hiện tiền này, nhơ không có kịp, nhơ không vói tới cái hiện tiện này. Cảnh giới hiện tiền này là ‘Bát Nhã toàn tri’ thì nhơ sao được mà nhơ, nhiễm sao được mà nhiễm? 

Hiện tiền này là cảnh giới thanh tịnh vô trùng tuyệt đối thì nhơ ở đâu ra? Hiện tiền luôn là tối tôn, tối thượng, tối thắng, là cảnh giới tuyệt đối của chư Phật. (trang 120)

Ở phần cuối của câu này, nếu dịch y theo nghĩa đen trong chánh văn thì sẽ dịch là ‘không thiếu, không đủ.’ Nhưng chúng tôi dịch thoát ý ở đây là ‘viên mãn tròn đầy.’ Hiện tại này là viên mãn tròn đầy, không dư, không thiếu, không nhiễm, không nhơ, không sanh, không diệt vì Bát Nhãviên mãn. Nếu thực sự một phen tâm chúng ta cảm thấy tròn đầy viên mãnchúng ta đang nhập trong Bát Nhã, đang ở chỗ hiện tiền, đang giác ngộ Phật đạo

Giác ngộ Phật đạoviên mãn tròn đầy, không hề thấy thiếu bất kỳ thứ gì. Dù là một hạt cát thì chúng ta cũng thấy nó đầy khắp pháp giới này. Dù là sát na thì nó cũng tròn đầy viên mãn khắp pháp giới hư không này. Chứ không phải hạt cátsát na là nhỏ, hư không là lớn. Nếu thấy như thế là chúng ta không có cái thấy nhìn viên mãn tròn đầy. Từ ‘viên mãn tròn đầy’ nghĩa là không có khiếm khuyết ở đâu; dù là nó hư, nó bể thì nó cũng viên mãn tròn đầy. Ví dụ cái dĩa bể phân nửa, chúng ta nhìn thấy nó khuyết thì đó là nhìn sai trên ảo tướng, chứ nó cũng đang viên mãn tròn đầy.

Viên mãn thì nơi nơi chốn chốn đều là viên mãn. Dù là hư không vũ trụ bao trùm rộng khắp này đang viên mãn, cho đến hạt cát cũng chứa cả hư không, đó mới là viên mãn, đó là sự thật! Nếu chúng ta nhìn hư không này còn thấy khác với hạt cátchúng ta còn nhìn méo mó chưa viên mãn, trí tuệ của chúng ta chưa tròn đầy. Phút chốc chúng ta ở “ngay hiện tiền này” là cái nhìn của viên mãn tròn đầy. Không phải là mình tưởng tượng đâu, mà sự thật là tất cả các pháp đều như nhau, dù là một sát na rất nhỏ nhiệm cũng viên mãn tròn đầy. 

Cho nên đang ở hiện tiền, đang nhập trong Bát Nhã là tiếng nói của Bát Nhã. Đã là tiếng nói Bát Nhã thì không chỗ nào bị khiếm khuyết. Cho nên chỗ nào cũng hiện tiền Bát Nhã, chỗ nào cũng viên mãn tròn đầy, chỗ nào cũng tỏa sáng rực rỡ hào quang, chỗ nào cũng phủ trùm pháp giới, chỗ nào cũng là cảnh giới của chư Phật, chỗ nào cũng là cõi giới của chư Phật. Nếu chúng ta nhìn khác thì không phải là viên mãn tròn đầy. (trang 120-121)

BTN 8. tasmāc chāriputra śūnyatāyāṁ và cảnh giới của bậc tu chứng khi ngũ uẩn là Không 
tasmāc chāriputra śūnyatāyāṁ
cho nên, bởi vì như thế Xá Lợi Phất/ Xá Lợi Tử śūnyatā: tánh Không, Không, Chân không, Không Tướng
śūnyatāyāṁ trong Không, về Không, liên quan đến Không

Nghĩa đen: Trong quá khứ đã được dịch như sau: thị cố Không trung [vô sắc, vô thọ, tưởng, hành thức] / Cho nên trong tướng Không / Cho nên trong tánh Không / cho nên trong Không

Bản Việt dịch TTBNBLMĐ: Cho nên, Xá Lợi Phất, trong Không Tướng ấy [không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức]
* Tóm tắt: Nếu hiểu theo kiểu ‘Tánh’ là bất sanh bất diệt, còn ‘tướng’ là sanh diệt thì đó là lý luận cơ bản. Sau khi học hiểu chuyên sâu hơn thì không có chuyện tánh, tướng ở đây, vì mỗi mỗi hiện tướng đều là hiện Bát Nhã, không có tánh, không có tướng, không có sanh, không có diệt, chưa từng có cái gì sanh diệt. Ở nơi Không Tướng này là hiện tướng của ngũ uẩn, nhưng nơi Không Tướng này cũng không có ngũ uẩn. Ở trong Không Tướng này không có ‘tướng có’ cũng không có ‘tướng không’ nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức là hoàn toàn không có.

Trích sách lược giảng TTBNBLMĐ:  “Đây là điệp khúc nhắc lại đoạn trước và để tóm kết đoạn trước. Ở nơi Không Tướng này là hiện tướng của ngũ uẩn, nhưng nơi Không Tướng này cũng không có ngũ uẩn. Ở trong Không Tướng này không có ‘tướng có’ cũng không có ‘tướng không’ nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức là hoàn toàn không có. Chúng ta có thể hiểu được bằng tâm thức là ở chỗ Không Tướng, đã không có tướng sắc, không có tướng không thì không có ngũ uẩn. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là hoàn toàn không có trong cảnh giới Không Tướng ngay nơi hiện tiền này.

Vì vậy câu ‘trong Không Tướng’ là thay thế cho ‘ngay hiện tiền.’. Ngay hiện tiền chính là Không Tướng. Không Tướng chính là hiện tiền. Hiện tiền chính là ngay khi thâm nhập Bát Nhã. Ngay khi thâm nhập Bát Nhã chính là hiện tiền. Ngay nơi hiện tiền chính là đang hiện hữu và cái đang hiện hữu chính là Không Tướng. Ngay nơi Không Tướng này chính là Bát Nhã. Như vậy nơi Bát Nhã không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ngay nơi Không Tướng không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ngay nơi hiện tiền cũng không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tức là không có ngũ uẩn.” (trang 122-123)

BTN 9. prajñāpāramitām āśritya viharaty a-cittāvaraṇaḥ và sự Hiển Hiện Như Nhiên của bậc tu chứng khi trí tuệ Bát Nhã Hiện Tiền hiển lộ
prajñāpāramitām āśritya viharaty a-cittāvaraṇaḥ
đối cách của từ prajñāpāramitā (Bát Nhã Ba La Mật Đa) nên prajñāpāramitām trở thành là đối tượng của động từ āśritya (động từ): liên kết, dựa vào, nương vào, tùy thuộc vào, trú ở nơi, hướng về tách lìa, lấy đi, bỏ ra,  vắng bặt, ẩn tu, trú nơi tịch tĩnh, sử dụng thời gian a: không có, không bị
cittā: tâm
āvaraṇaḥ: ngăn trở, che chướng, che mờ, khuất lấp
a-cittāvaraṇaḥ: không bị niệm tưởng che chướng, không bị niệm tưởng ngăn ngại

Nghĩa đen: Nương theo, trú nơi Bát Nhã Ba La Mật Đa tịch tĩnh, tâm không bị ngăn che bởi niệm tưởng

Bản Việt dịch TTBNBLMĐ:  Y Như Bát Nhã Ba La Mật Đa, Hiển Hiện Như Nhiên, tâm không ngăn ngại
* Tóm tắt: Trong bản Phạn gốc, có thêm một ý của từ ‘viharaty,’ nghĩa đen cũng có thể được hiểu là trú ở một nơi tịch tĩnh vắng bặt, nhưng ý này không được diễn tả trong các bản dịch Hán-Việt/Việt. Từ này được diễn tả bằng cụm từ ‘Hiển Hiện Như Nhiên’ trong bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa

Trích sách lược giảng TTBNBLMĐ:  “Bây giờ chính Bậc giác hữu tình đó không còn là ‘ngay khi thâm nhập’ nữa, mà là tới ‘Y Như Bát Nhã Ba La Mật Đa’ rồi. Ví dụ như mình từ bên ngoài vào, mình thâm nhập vào nội chúng này thì giống như mình còn là một tự thể riêng để đi vào Bát Nhã. Bây giờ mình không còn là người ở ngoài nhập vào, không phải là người mới bước vô mà đã thành ‘Y Như Bát Nhã’ rồi, tan biến thành Bát Nhã, chứ không còn là nhập, không còn là trực nhận, không còn là trực ngộ, không còn là sống bằng, không còn là hiểu nữa. Không phải là những từ chữ như vậy nữa.

‘Y Như’ (chứ không phải y theo hay nương theo) là một từ ngữ, tuy giống như đã được chọn lọc để xài một cách rất bình thường nhưng thực chất không phải như vậy. Phải nói rằng đây là tất cả những kinh nghiệm sống của cả một đời tu tập để chúng tôi có thể sử dụng cụm từ này trong câu này: ‘Bậc giác hữu tình Y Như Bát Nhã Ba La Mật Đa.’ Không còn gì là khác Bát Nhã, không còn là nhập hay không nhập nữa. ‘Y Như,’ nếu đem ra so sánh thì không phải là hai, không phải là khác, mà là Bát Nhã. Thay vì nói Bậc giác hữu tìnhBát Nhã nhưng chúng ta dùng từ ‘Y Như’ để người ta có thể mường tượng Bậc giác hữu tình không còn là cái gì khác với Bát Nhã nữa. Bậc giác hữu tình đó hiện tại chính là Bát Nhã, là cảnh giới Bát Nhã, là hiện hữu Bát Nhã. (trang 134)

Bậc giác hữu tình lúc đó ‘Y Như’ Bát Nhã. Con mắt họ là Bát Nhã, là trí tuệ tỏa sáng, chứ không phải cái thấy nhìn, cái hiểu biết nữa. Dùng từ ‘thấy’ hay ‘chiếu’ là những từ ngữ của trần gian, không đủ sức diễn tả Bát Nhã hiển hiện trong lúc này. Bậc giác hữu tình ‘Y Như Bát Nhã. Chính Bậc giác hữu tìnhBát Nhã, Bát Nhã là Bậc giác hữu tình.

Do vị ấy đã là Bát Nhã rồi nên chúng ta dùng từ ‘Hiển Hiện.’ Có nghĩa là vị này lúc nào Bát Nhã cũng hiển lộ hiện tiền chưa từng bị khuất mất, không gì có thể che chắn, xuyên suốt thời giankhông gian. Lúc nào Bát Nhã cũng hiển lộ, hiện tiền. Hiện tiền chính là sự hiển lộ, hiển lộ chính là sự hiện tiền, không có thời gian. Cho nên lúc nào trí Bát Nhã cũng Hiển Hiện, cũng hiện tiền, cũng hiển lộ. Không phải mình hiểu, mình ngộ, mình nhập mà Bát Nhã đã hiển lộ rồi. Khi Bát Nhã hiển lộ thì nó là hiện tiền, là hiện hữu, là hiện thực. Cái gì đang hiển lộ, đang hiện thực, đang hiện tiền thì đó chính là Bát Nhã. Bát Nhã chính là hiển lộ, hiện thực,hiện tiền không có gì khác. (trang 139)

Ở đây nếu dịch ‘an trú’ là sai. Có chỗ để mình trú và còn ‘mình’ để ‘mình’ trú là không phải. Dịch thoát ý là ‘Hiển Hiện Như Nhiên’ thì nghĩa là không có công phu, không có chú tâm, không có chú ý, không có dụng công, vì chỗ này không có dụng công. Bát Nhã là cái gì đó an ổn, thanh tịnh, tự nhiên, như nhiên. Người ở chỗ này rồi thì không còn công phu lấy bỏ, đúng sai, hay dở, không còn làm bất cứ điều gì hết. Họ là người an lạc, thanh tịnh, an ổn, tự nhiên, như nhiên. Bát Nhã là sự hiển lộ tự nhiên, như nhiên, nếu mình làm cái gì là không lộ Bát Nhã. Bất kỳ dụng công nào cũng sai với Bát Nhã. Cho nên lúc Bát Nhã hiển lộ rồi là người đó thành Như Nhiên. Người nào Như Nhiên thì người đó rất tự tại, lưu thông không còn ngăn ngại nữa. (trang 140-141)

BTN 10.  prajñāpāramitām āśritya  và cảnh giới thường Hiển Hiện Như Nhiên của Chư Phật trong ba thời
prajñāpāramitām āśritya
đối cách của từ prajñāpāramitā (Bát Nhã Ba La Mật Đa) nên prajñāpāramitām trở thành là đối tượng của động từ āśritya (động từ): liên kết, dựa vào, nương vào, tùy thuộc vào, trú ở nơi, hướng về

Nghĩa đen: Nương theo, trú nơi Bát Nhã Ba La Mật Đa

Bản Việt dịch TTBNBLMĐ: thường Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa

* Tóm tắt: Chữ ‘thường’ được thêm vào, hàm ý Chư Phật trong ba thời thời thời khắc khắc lúc nào cũng đang Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa. Bát Nhã không lúc nào không Hiển Hiện, quá khứ cũng Hiển Hiện, hiện tại cũng Hiển Hiện và tương lai cũng Hiển Hiện. Không có lúc nào không phải là Bát Nhã (TKTTH – Xem thêm các lý giải trong sách TTBNBLMĐ, trang 143-144)

Trích sách lược giảng TTBNBLMĐ: “Chư Phật quá khứ thường Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đađạt được đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chư Phật hiện tại cũng thường Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức là đời sống của các Ngài là Bát Nhã. Lúc nào cũng hiển lộ Bát Nhã; đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh đều là Bát Nhã. Khi một người đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh đều là Bát Nhã thì người đó thành Phật. Thành ra ở đây muốn kết đoạn trước ‘ngay khi thâm nhập Bát Nhã’ cho tới khi thành Phật thì người đó luôn Hiển Hiện Bát Nhã một cách trọn vẹn.”  (trang 144)

“Khi nào Bát Nhã Ba La Mật Đa không hiện thì chỗ đó không phải là Phật. Nếu tất cả đều là sự Hiển Hiện của Bát Nhã Ba La Mật Đa thì tất cả đều là Phật. Phút giây nào trong cuộc sống chúng ta Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức là chúng ta Hiển Hiện trong cõi Phật, ở trong cõi giác. Còn phút giây hiện hữu này mà chúng ta không Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa thì mình là người mê.” 

“Chư Phật trong ba thời, thường Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa”. Hỏi chư Phật là gì? Chúng ta có thể định nghĩa chư Phật là thường Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa. Bát Nhã Ba La Mật Đa không lúc nào không Hiển Hiện, nên gọi là thường Hiển Hiện. Không lúc nào trí tuệ không tỏa sáng, không lúc nào không an tịnh, cho nên gọi là thường tại định. Thường tại định là định của chư Phật, là Phật định. Phật định là thường tại định, thường định, thường hiện hữu.” (trang 146)

BTN 11. prajñāpāramitā  mahā-mantro  mahā-vidyā  mantraḥ  anuttara-mantraḥ asamasama-mantraḥ  và Bát Nhãtrí tuệ của đại giác chứ không phải Bát Nhã là một thần chú

prajñāpāramitā mahā-mantro //
mantraḥ mahā-vidyā anuttara asamasama
Bát Nhã Ba La Mật Đa, trí tuệ đã tới bờ kia (hàm ý: đã đạt giác ngộ, đã vượt thoát)
*xem thêm chi tiết trong bảng thuật ngữ 1 mahā: lớn, vĩ đại
mantro /mantraḥ: chú, chú ngữ, linh chú, thần chú, chân ngôn để bảo hộ tâm
--Nghĩa bổ sung: một bản văn thiêng liêng, một lời huấn dụ, một lời khuyên dạy, một lời chân thật với ý nghĩa sâu xa huyền nhiệm để bảo hộ tâm và làm hiển lộ Chân như Phật tánh. mahā: lớn 
vidyā: sự hiểu biết, sự hiểu biết chân chính, sự hiểu biết tâm linh, sự học hiểu, tri thức, kiến thức, minh triết, triết lý, và có thêm nghĩa bổ sung là huyền thuật, linh chú, linh dược
--Nghĩa bổ sung: theo thuật ngữ chuyên môn trong Phật giáo Sơ thời, vidyā  là trí giác không đối đãi phân biệt, sự rõ biết bình đẳng vô phân biệt.
mahā-vidyā: trí lớn, đại trí tối thượng vô song, không gì sánh bằng

Nghĩa đen: Bát Nhã Ba La Mật Đa là câu chú lớn, là câu chú của đại trí, là câu chú vô thượng, là câu chú vô song

Bản Việt dịch TTBNBLMĐ: Bát Nhã Ba La Mật Đatrí tuệ lớn, là trí tuệ của đại giác, là trí tuệ vô thượng, là trí tuệ vô song

* Tóm tắt: Trong các câu tương đương được tìm thấy trong bản Phạn của bộ Kinh Đại Bát Nhã tức ‘Hai Mươi Lăm Ngàn Câu Bát Nhã’ thì từ vidyā (trí, trí giác) đã được sử dụng thay vì từ mantraḥ (chú). Trong các bản gốc Phạn văn được nhắc đến ở trên, cũng như trong hệ Bát Nhã nói chung thì Bát Nhã Ba La Mật Đa luôn được nhắc đến như là trí tuệ thực tiễntuyệt đỉnh, chứ không hề được nhắc đến như là một loại thần chú.”  Cũng thế, trong bản Việt dịch TTBNBLMĐ thì từ ‘trí tuệ’ (trí) được sử dụng vì ở đây đang muốn nhắc rằng trí tuệ Bát Nhãtrí tuệ tối thượng vốn có của tất cả chúng sanh, đồng đẳng với mười phương ba đời chư Phật. Ở đây là sự Hiển Hiện cảnh giới chân thật của Bát Nhã, là trí tuệ siêu việt vượt ngoài tam giới

“Nói tới Bát Nhã là phải nói tới trí tuệ, và nói tới trí tuệ là nói tới Bát Nhã, vì vậy nên biết Bát Nhã chính là trí tuệ lớn. Khi chúng ta ở trong cảnh giới Bát Nhã thì trí tuệ chúng ta trùm khắp pháp giới mười phương, và tất cả mọi cảnh giới đều hiện ra trong trí tuệ này.Trong khoảnh khắc chúng ta tan biến thành Bát Nhã, hòa nhập trong cảnh giới Bát Nhã hoặc hiển hiện trong cảnh giới Bát Nhã thì lúc đó trí tuệ hiện tiền viên mãn. Trí tuệ đó thông thấu toàn bộ pháp giới này một lượt; tất cả những gì có trong pháp giới này một lượt hiện ra.”  (Xem thêm các lý giải trong sách TTBNBLMĐ, trang 148)

Thay thế từ ‘chú’ bằng từ ‘trí’ vì Bát Nhã Ba La Mật Đatrí tuệ của đại giác
Ngay từ lúc khởi đầu sau khi xem xong bản dịch thô của chúng tôi thì không lâu sau đó, Thượng Tọa Tuệ Hải có nhắn cho chúng tôi rằng qua thiền định, Thầy chúng tôi đã nhìn thấy ra một điều, và Thầy yêu cầu chúng tôi phải thay thế từ ‘chú’ (mantro, mantraḥ) như lâu nay thường được dịch (“Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú…”)  bằng từ ‘trí’ và biến câu kết luận ấy trở thành là: 

“Vì vậy, nên biết: Bát Nhã Ba La Mật Đatrí tuệ lớn, là trí tuệ của đại giác, là trí tuệ vô thượng, là trí tuệ vô song.”

Phản ứng đầu tiên khi chúng tôi nghe đến chuyện phải thay thế từ ‘chú’ bằng từ ‘trí’ là trong lòng bỗng phát sinh một sự do dự to lớn. Chúng tôi tra tìm thêm trong nhiều bản dịch của các ngôn ngữ khác thì thấy tiếng nước nào cũng giữ nguyên từ ‘chú’ (mantro, mantraḥ). Bản thân chúng tôi từ khi còn nhỏ, mỗi khi tụng đến đoạn này thì lâu lâu trong lòng cũng vẫn dấy lên một sự ngầm ngầm thắc mắc, vì không hiểu sao trong bản Tâm Kinh này lại có sự xuất hiện của cái từ ‘chú’ ở đây. Cảm nhận mơ hồ của chúng tôi khi còn nhỏ là một cái gì nằm ẩn sâu trong tiềm thức, mình lờ mờ thắc mắc là hình như điều này không có liên quan gì đến trí tuệ Bát Nhã thậm thâm, nhưng qua nhiều năm tháng thì cái thắc mắc ngầm ngầm này đã mờ nhạt đi. 

Nhưng nay do bởi chúng tôi nghĩ đến việc phải đối mặt với những người đọc nước ngoài và những phê phán của họ trong tương lai, nên tôi rất ngần ngại khi nghĩ đến chuyện phải thay đổi ở đây. Do đó, chúng tôi có thưa lại với Thượng Tọa Tuệ Hải và quý Cô trong Ban Biên Tập rằng nếu thực sự cần phải thay đổi thì nhất thiết bắt buộc phải tìm cách khéo léo giải thích về sự thay đổi này, nếu không, trong tương lai, khi bài này được dịch qua Anh ngữ và các ngôn ngữ khác, thì sẽ gặp nhiều sự đối chất và phê phán của những người đọc nước ngoài. Đây là do chúng tôi muốn cẩn trọng đối với các pháp thế gian, chứ không vì muốn chống trái với ý nguyện đến từ sự thành tựu tâm linh của Thầy chúng tôi, bởi vì với riêng cá nhân tôi, tôi hoàn toàn tin tưởng vào trí tuệ thấu biết của Thầy, và tôi cũng cảm nhận rằng sự thay đổi ở đây sẽ truyền tải được tiếng nói chân thật của nội dung gốc liên quan đến trí tuệ Bát Nhã thậm thâm

Do bởi trong lần in sách đầu tiên vào năm 2019, chúng tôi chưa truy tìm được gì cả nên đã chỉ chú thích một cách tổng quát dựa trên lời dạy của Thầy chúng tôi.  Các chú thích về từ ‘mantro, mantraḥ’ (chú) đã được viết tổng quát như sau

“Từ ‘mantro, mantraḥ’ trước đây thường được dịch là chú chú, chú ngữ, chân ngôn, linh chú, mật chú v.v. […] Nghĩa Phạn gốc của từ này còn có nhĩa là một phương tiện để bảo hộ, chuyển hóa và an phục được tâm.[…]  Tuy nhiên, trong bản Việt dịch này, từ ‘trí tuệ’ được sử dụng vì ở đây đang muốn nói đến trí tuệ tối thượng vốn có của tất cả chúng sanh, đồng đẳng với mười phương ba đời Chư Phật. Ở đây là sự Hiển Hiện cảnh giới chân thật của Bát Nhã, là trí tuệ siêu việt vượt ngoài tam giới.” (Trích phần “Chú Thích,” sách TTBNBLMĐ, ấn bản 2019)

Kỳ diệu thay, sau nhiều ngày tra tìm với hy vọng là sẽ khám phá được một điều gì đó trong một bản Phạn gốc, hoặc trong một bản dịch cổ xưa, nói lên được sự tương đồng giữa ngôn ngữ cổ với chân lý vừa được khám phá ở đây nhờ vào sự chỉ dạy của Thượng Tọa Tuệ Hải, thì nhờ ơn Chư Phật từ bi gia hộ mà một chi tiết rất lý thú đã xuất hiện. Tuy đây chỉ là một chi tiết nhỏ, được trình bày một cách minh bạch trong một vài bài nghiên cứu của nhà Phật học Jayarava Attwood, nhưng thật ra chi tiết này đã xác quyết cho sự thông suốt của Thượng Tọa Tuệ Hải về việc phải thay thế chữ ‘chú’ bằng chữ ‘trí’ trong đoạn cuối của bản dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa

Từ ‘trí’ chứ không phải từ ‘chú’ vốn luôn hiện diện trong Kinh Đại Bát Nhã và Tám Ngàn Câu Kệ Bát Nhã

Theo nghiên cứu của Jayarava Attwood thì trong bản Phạn văn còn lưu lại của Tám Ngàn Câu Kệ Bát Nhã trong hệ Bát Nhã và trong bản dịch Phạn-Hán của bộ Đại Bát Nhã mà trong truyền thống Phạn ngữ Sanskrit gọi là Hai Mươi Lăm Ngàn Câu Bát Nhã do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào thế kỷ thứ 4-5 – có một số câu tương tự như trong bài Tinh Túy Bát Nhã –  thì trong các bản Kinh đó, thuật ngữ được sử dụng trong các đoạn tương đương là ‘vidyā’ (trí, trí giác) chứ không phải là ‘mantro’ hay ‘mantraḥ’ (chú). 

Theo Jayarava Attwood và dựa trên những khám phá của Nattier và Yamabe, có các thí dụ điển hình được nêu ra từ trong các bản Phạn ngữ của bộ Đại Bát Nhã, và chúng tôi xin đơn cử một số ví dụ sau đây.  Trong bài mang tên “Epithets of the Mantra in the Heart Sutra” (Tính Ngữ của Câu Chú trong Tâm Kinh), Attwood có giải thích chi tiếtchúng tôi xin tóm lược như sau, và điều này thì hoàn toàn phụ hợp với lý giải của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải cho dù khi Thầy bắt đầu khởi sự hiệu đính và giảng dạy về Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa, Thầy chưa từng dựa vào bất kỳ sự tra cứu nào liên quan đến lịch sử hay cú nghĩa:

“Trong các bản gốc Phạn văn được nhắc đến ở trên, cũng như trong hệ Bát Nhã nói chung thì Bát Nhã Ba La Mật Đa luôn được nhắc đến như là trí tuệ thực tiễntuyệt đỉnh, chứ không hề được nhắc đến như là một loại thần chú”.

Ví dụ như trong bản Phạn văn Sanskrit của Tám Ngàn Câu Kệ Bát Nhãdựa trên bản dịch Phạn-Anh của Conze (1973), có một đoạn như sau với sáu tính ngữ mô tả Trí tuệ Bát Nhã:

“Này Kauśika (Kiều Thi Ca), Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là trí (vidyā) lớn, là trí vô lượng, là trí vô tận, là trí vô thượng, là trí vô song, là vô đẳng đẳng trí, là trí không gì có thể sánh.”

Kế tới, dưới đây là một ví dụ của bản dịch Phạn-Hán của Bộ Đại Bát Nhã tức Hai Mươi Lăm Ngàn Câu Kệ Bát Nhãngài Cưu Ma La Thập dịch, trong đó có một đoạn tương ứng với đoạn kệ trong bản Tâm Kinh hay Tinh Túy Bát Nhã:

“[Śakra, Vua Trời Đế Thích, thưa:] ‘Bạch Thế Tôn, Bát Nhã Ba La Mật Đa là trí lớn, là trí vô thượng, là trí vô song. Tại sao lại như thế? Bạch Thế Tôn, bởi vì Bát Nhã Ba La Mật Đa có thể đoạn trừ mọi ác pháp và đưa đến mọi thiện pháp. Khi ấy, Đức Phật liền đáp lời Śakra, Vua Trời Đế Thích, như sau: “Đúng vậy! Đúng vậy! Này Kiều Thi Ca, Bát Nhã Ba La Mật Đa là trí lớn, là trí vô thượng, là trí vô song. Tại sao lại như thế? Này Kiều Thi Ca, bởi vì hết thảy Chư Phật trong quá khứ đã thể dụng trí này để đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, và hết thảy Chư Phật vị lai, cũng như mười phương Phật, vì có được trí này mà đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”

Tinh thần dịch thuật vượt thoát chuyển tải và làm sáng tỏ ý nghĩa thậm thâm của Kinh 

Do có được những thông tin như trên, nên sau đó, trong lần tái bản sách Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa bắt đầu từ đầu năm 2020 trở đi, chúng tôi đã có xin phép Thầy chúng tôi để được chú thích thêm về gốc tích của từ ‘trí’ (vidyā) đến từ các bản Phạn văn trong hệ Bát Nhã như Tám Ngàn Câu Kệ Bát Nhã và từ bản dịch Phạn-Hán của bộ Đại Bát Nhã tức Hai Mươi Lăm Ngàn Câu Kệ Bát Nhã của ngài Cưu Ma La Thập. Thật lành thay, vì điều này hoàn toàn phù hợp với trí tuệ và cái nhìn thấu suốt của Thượng Tọa Tuệ Hải trong khi thiền định về bản Kinh này. 

Nhắc đến ngài Cưu Ma La Thập thì ngài không phải người Trung Hoa; ngài là người xứ Từ Quy (Kucha), thông thạo Phạn ngữ và Hoa ngữ. Ngài đã bị giải đưa từ Từ Quy về kinh đô Trường An và được phong làm quốc sư. Sau đó có cả ngàn vị tăng đã phụ ngài trong việc dịch Kinh. Trong sử nói là cách ngài Cưu Ma La Thập dịch Kinh thật rất khác những dịch giả khác. Ngài không dịch từng chữ theo nghĩa đen, mà nhất lòng dịch ý thậm thâm của Kinh vì muốn làm sáng tỏ ý Kinh, luôn so sánh với nguyên bản, và mạnh dạn cắt bỏ khi cần. 

Chúng ta có thể đọc thêm một chút để hiểu rõ hơn về cách dịch Kinh của ngài Cưu Ma La Thập

“Công lớn của ngài Cưu Ma La Thập trước hết là thay đổi phương pháp phiên dịch. Bản thân Sư nói được tiếng Trung Hoa và các cộng sự viên cũng đều là người giỏi Phật giáo và  Phạn ngữ. Cách dịch Kinh của Sư như sau: giảng Kinh hai lần từ tiếng Phạn qua tiếng Trung Hoa, sau đó các tăng sĩ Trung Quốc phải thảo luận và viết lại bằng tiếng Hán. Sau đó Sư lại kiểm soátso sánh nguyên bản cũng như bản dịch để ra bản chung quyết. Khác với các nhà dịch thuật khác khi tìm cách dịch từng chữ, Sư là người đã đưa ra được nội dung sâu xa của Kinh sách và, nếu thấy cần thiết, cũng mạnh dạn cắt bỏ những đoạn Kinh không hợp và biến đổi văn từ cho hợp với người Trung Quốc.”  

Đây cũng chính là chí hướng và phong cách khai phóng theo tinh thần dịch thuật vượt thoát của Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải khi hiệu đínhhoàn thiện bản dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa. Rốt ráo như vậy thì nội dung tinh túy của bản gốc Phạn cũng hoàn toàn thích ứng với cái thấy nhìn trong thiền định của Thượng Tọa Tuệ Hải trong khi hiệu đínhhoàn thiện câu Việt dịch để chúng ta có thể đi đến kết luận như sau: 
“Vì vậy, nên biết: Bát Nhã Ba La Mật Đatrí tuệ lớn, là trí tuệ của đại giác, là trí tuệ vô thượng, là trí tuệ vô song, vượt thoát hết thảy mê lầm khổ não, chân thật không hư dối.”

Vì đây là đoạn kết, đang nói về cảnh giới hoàn toàn vượt thoát của hành giả sau khi đã Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa nên ở đây mới kết luận bằng câu này, để khẳng định về sự siêu vượt của trí tuệ Bát Nhã thậm thâm. Đã gọi là thâm nhập, Hiển Hiện Bát Nhã thì chẳng còn lý do gì phải tụng ‘chú’ để bảo hộ tâm mình ở đoạn cuối này nữa. Như vậy, nếu đặt từ ‘chú’ vào ngay đây như các bản dịch từ trước đến nay khi tán thán Bát Nhã Ba La Mật Đa là bốn loại ‘chú’ siêu tuyệt (‘đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú’) thì hóa ra đó sẽ trở thành ra là một sự áp đặt gượng ép, không thích hợp với ngữ cảnh của đoạn kết này. 

Trích sách lược giảng TTBNBLMĐ:  “Bát Nhã Ba La Mật Đatrí tuệ chứ không nói tới chuyện khác nữa. Một người có đầy đủ trí tuệ siêu xuất thì mới có thể thâm nhập Bát Nhã.[…] Nói tới Bát Nhã là phải nói tới trí tuệ, và nói tới trí tuệ là nói tới Bát Nhã, vì vậy nên biết Bát Nhã chính là trí tuệ lớn. Khi chúng ta ở trong cảnh giới Bát Nhã thì trí tuệ chúng ta trùm khắp pháp giới mười phương, và tất cả mọi cảnh giới đều hiện ra trong trí tuệ này.Trong khoảnh khắc chúng ta tan biến thành Bát Nhã, hòa nhập trong cảnh giới Bát Nhã hoặc hiển hiện trong cảnh giới Bát Nhã thì lúc đó trí tuệ hiện tiền viên mãn. Trí tuệ đó thông thấu toàn bộ pháp giới này một lượt; tất cả những gì có trong pháp giới này một lượt hiện ra.” (trang 148)

“Cho nên Bát Nhã chính là trí tuệ, là đại trí tuệ, là đại giác […] vì không có chỗ giác ngộ nào của Chư Phật mười phương mà không hiện trong Bát Nhã này. Khi Bát Nhã Hiển Hiện rồi, thì tất cả sở chứng sở đắc của Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, Chư Thanh Văn, Chư Vị Thánh Hiền khắp pháp giới này đều hiện một lượt trong Bát Nhã. Vì vậy nên biết Bát Nhã chính là trí tuệ lớn. Ở đây khẳng định là trí tuệ này vô biên không có ngằn mé, là trí tuệ vô song, là trí tuệ vô thượng không có gì có thể so sánh bằng. Đây chính là trí tuệ tối thượng, là chỗ giác ngộ tận cùng của Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, Chư Vị Thánh Hiền. Đó là vô thượng trí, là vô đẳng đẳng trí, không trí nào có thể hơn trí này, không trí nào có thể rõ thông hơn trí này, không trí nào có thể so sánh với trí này.” (trang 152)

BTN 12. prajñāpāramitāyām ukto mantraḥ tadyathā và cảnh giới chân thật của bậc tu chứng đã đạt đạo khi thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa
prajñāpāramitāyām ukto mantraḥ tadyathā
prajñāpāramitā: Bát Nhã Ba La Mật Đa
prajñāpāramitāyām trong Bát Nhã Ba La Mật Đa, về Bát Nhã Ba La Mật Đa, liên quan đến Bát Nhã Ba La Mật Đa đã thuyết, đã nói, đã tụng, đã trùng tuyên chú, chú ngữ, linh chú, thần chú, chân ngôn để bảo hộ tâm
--Nghĩa bổ sung: một bản văn thiêng liêng, một lời huấn dụ, một lời khuyên dạy, một lời chân thật với ý nghĩa sâu xa huyền nhiệm để bảo hộ tâm và làm hiển lộ Chân như Phật tánh.
như sau

Nghĩa đen: Thuyết về Bát Nhã Ba La Mật Đa là câu chú/câu chân ngôn như sau

Bản Việt dịch TTBNBLMĐ:  Cho nên, thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là Hiển Hiện cảnh giới chân thật

* Tóm tắt: Câu chú/câu chân ngôn (mantraḥ) được thay thế bằng cụm từ Hiển Hiện Cảnh Giới Chân Thật’ ngụ ý muốn nói lên cảnh giới hoàn toàn vượt thoát, y như câu kết thúc muốn nói, là sự vượt thoát toàn triệt nay hiện tiền này, là ‘vượt rồi, vượt rồi, vượt thoát rồi, hoàn toàn vượt thoát rồi, giác ngộ viên mãn, ta bà ha.’ Người thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa phải không rời cảnh giới chân thật để mà thuyết và thuyết về cảnh giới chân thật chính là thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa

“Thuyết có nghĩa là đang hiện bày Bát Nhã Ba La Mật Đa, đem Bát Nhã Ba La Mật Đa tặng cho mình. Cho nên nếu mình muốn đón nhận Bát Nhã Ba La Mật Đa thì mình cũng phải ở cảnh giới chân thật để đón nhận Bát Nhã Ba La Mật Đa, chứ mình ở cảnh giới khác thì không đủ sức để đón nhận được.” (TTKTTH – Xem thêm các lý giải trang 168-173)

Trích sách lược giảng TTBNBLMĐ: “Người thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa cũng không rời cảnh giới chân thật để mà thuyết, cho nên người muốn nghe được Bát Nhã Ba La Mật Đa thì cũng phải ở cảnh giới chân thật mới có thể thấu suốt được Bát Nhã Ba La Mật Đa. Đây là một câu kết và cũng là một vị thuốc rất quý, ai uống vô cũng được lợi ích

Cho nên thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là Hiển Hiện cảnh giới chân thật, người thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa cũng không rời cảnh giới chân thật và thuyết cảnh giới chân thật chính là thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa. “Thuyết” có nghĩa là đang hiện bày  Bát Nhã Ba La Mật Đa, đem Bát Nhã Ba La Mật Đa tặng cho mình. Cho nên nếu mình muốn đón nhận Bát Nhã Ba La Mật Đa thì mình cũng phải ở cảnh giới chân thật để đón nhận Bát Nhã Ba La Mật Đa, chứ mình ở cảnh giới khác thì không đủ sức để đón nhận được. Đó là một câu kết tuyệt vời trên tất cả tuyệt vời từ trước tới giờ. Một câu kết mà có thể đổi cả núi kim cương cũng không đổi. Một câu kết tuyệt trong tất cả cái tuyệt! Chúng tôi không muốn kết luận bằng một câu ‘chú’ nào ở đây, mà phải thay thế bằng một câu kết đúng tầm, xứng tầm với Bát Nhã. Không thể nào có một câu nào hơn!

Vì “thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là Hiển Hiện cảnh giới chân thật.” Cảnh giới chân thật chính là Bát Nhã Ba La Mật Đa. Người nói Bát Nhã Ba La Mật Đa phải ở trong cảnh giới chân thật mà nói, rời cảnh giới chân thật thì không đủ tầm để có thể nói Bát Nhã Ba La Mật Đa. Bây giờ thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là Hiển Hiện cảnh giới chân thật. Cho nên người nghe Bát Nhã Ba La Mật Đa, muốn tan biến thành Bát Nhã Ba La Mật Đa, muốn Hiển Hiện Bát Nhã Ba La Mật Đa thì cũng phải trở về cảnh giới chân thậtcảnh giới chân thật đó chính là hiện tiền này. Đó là cảnh giới của Bát Nhã Ba La Mật Đa. Đó là Đức Phật thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa mà không có thuyết, vì Hiển Hiện cảnh giới chân thậtvô ngôn, là cảnh giới tuyệt đối giác ngộ, đó được gọi là thuyết Bát Nhã.

Vậy từ ngàn xưa các vị ấy thuyết Bát Nhã thì bây giờ có thuyết không? Bây giờ vẫn đang thuyết và mãi mãi về sau Bát Nhã vẫn đang được thuyết trong cõi trần này. Bát Nhãcảnh giới chân thật lúc nào cũng hiện tiền. Từ ngàn xưa là cảnh giới chân thật hiện tiền, bây giờ cũng là cảnh giới chân thật hiện tiềnmãi mãi về sau cũng là cảnh giới chân thật hiện tiền. Nếu tất cả chúng ta đều hiện tiền trong cảnh giới chân thật, có nghĩa là chúng ta hòa nhập trong Bát Nhã Ba La Mật Đa, cũng có nghĩa là mình đang thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa, chứ không phải là Đức Phật thuyết hay Bồ Tát thuyết, không phải là chúng sanh thuyết mà tất cả pháp giới đều thuyết. Tất cả những hiện tiền này đều là hiện tiền của Bát Nhã, cho nên hiện tiền thuyết Bát Nhãhiện tiền chân thật. Đây là một câu kết không gì có thể hơn, đủ để có thể kính lễ, cúi đầu trân trọng trước Bát Nhã! 

“Thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là Hiển Hiện cảnh giới chân thật”, tuy nghe thì rất là thường nhưng khi hiểu hết câu này rồi, thì máu có thể sôi lên đến tan người chứ không còn cái khác nữa! Vì không ở cảnh giới chân thật thì không thể thuyết được Bát Nhã Ba La Mật Đa. Do Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là cảnh giới chân thật, cho nên thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa cũng chính là cảnh giới chân thật. Cảnh giới chân thật chính là hiện hữu, hiện hữu ở đây chính là Bát Nhã. Như vậy mỗi hiện hữu đều là hiện hữu của Bát Nhã, mỗi pháp đều thuyết Bát Nhã, mỗi hiện tiền đều là Bát Nhã, đều là đang thuyết Bát Nhã, đều là Hiển Hiện cảnh giới chân thật. Quá tuyệt vời! Một câu kết của Bát Nhã không thể nào hơn.
Như vậy, hư không này đang thuyết Bát Nhã. Đóa hoa này đang thuyết Bát Nhã và từng hạt cát trong vũ trụ này cũng đang thuyết Bát Nhã. Từng khoảnh khắc nhỏ nhiệm nhất trong vũ trụ này cũng đang thuyết Bát Nhã, từng sát na một đang hiện hữu trong pháp giới này cũng đang thuyết Bát Nhã. Vì mỗi mỗi đều hiện tiền hiện hữuBát Nhã.” (trang 168-170)

BTN 13.  gate gate pāragate  pārasaṁgate  bodhi  svāhā – thì quá khứ phân cách của động từ ‘gate’ là một kết luận khẳng định về một bậc tu chứng đã đạt đạo chứ không phải là một câu thần chú hay một lời khuyến tấn
gate pāragate pārasaṁgate bodhi svāhā
(động từ thì quá khứ phân cách đến từ động từ gata): đã vượt qua (thì quá khứ phân cách): đã vượt qua đến bờ kia (thì quá khứ phân cách): đã hoàn toàn vượt qua đến bờ kia bồ đề, giác ngộ Âm Việt: ta bà ha, tát bà ha, biểu cảm sự hoan hỷ vui mừngtán thán

Nghĩa đen: Đã vượt qua, đã vượt qua, đã vượt qua đến bờ kia, đã hoàn toàn vượt qua đến bờ kia, giác ngộ, vui thay!

Bản dịch TTBNBLMĐ: Vượt rồi, vượt rồi, vượt thoát rồi, hoàn toàn vượt thoát rồi, giác ngộ viên mãn, ta bà ha

* Tóm tắt: Do ‘gate’ trong Phạn ngữ Sanskrit là thì quá khứ phân cách, nên câu này, rốt ráo là một câu kết thúc, tóm tắt cảnh giới ‘đã’ hoàn toàn vượt thoát của Đức Quán Tự Tại hay của một hành giả tu chứng ‘đã’ đạt đến giác ngộ viên mãn, chứ không phải là một câu khuyến tấn hành giả ‘hãy vượt qua’ như thường được diễn dịch trong quá khứ. Chữ “rồi” trong câu này cốt ý để nhấn mạnh đây là thì quá khứ, là hành giả đã thành tựu rồi, là việc cần làm đã làm xong. Theo chủ trương của TT. Thích Tuệ Hải, câu này được Việt hóa hoàn toàn như một câu kết luận ở cuối bản Kinh chứ không còn phải trong hình thức một câu ‘thần chú’ nữa.(Xem thêm sách TTBNBLMĐ, trang  175)

Khi chúng ta tìm hiểu sâu về câu trên, một câu mà trong quá khứ đều được mọi người xem như là câu ‘chú’ của bản Kinh Tinh Túy Bát Nhã, chúng ta sẽ thấy ra một điều rất lý thú. Nương vào sự gia trì của Chư Phật mà sự khám phá mới mẻ trong Phạn ngữ về câu này có thể giúp chúng ta đi đến một kết luận vô cùng vững chắc

Yết đế, yết đế… là một phân từ quá khứ để kết luận về một người đã chứng đạo chứ chẳng phải là một câu thần chú 

Như đã được nhắc đến trong đoạn đầu của tài liệu này, rằng y như cái nhìn thấu suốt của Thượng Tọa Tuệ Hải, thì đây chẳng phải là một câu ‘thần chú’ (theo nghĩa thông thường là một chân ngôn để bảo hộ tâm trong các pháp tu Mật thừa), và bài Kinh này cũng chẳng phải thuần túy chỉ là một bản Kinh dựa trên các luận cứ phủ định để diễn giải về tánh Không duyên khởi. Rốt ráobài Kinh này đang mô tả cảnh giới ngũ uẩn giai Không, mô tả sự thể nhập cảnh giới chân thậtHiển Hiện Bát Nhã Hiện Tiền – của một người thành tựu viên mãn. Tức ở đây là câu kết luận về chuyện của một người đã xong việc, đã đến bờ kia – là “việc cần làm đã làm xong!” 

Trong giai đoạn đầu khi tra cứu, chúng tôi thấy ra là trong hai ngôn ngữ Anh hoặc Pháp, phần lớn các dịch giả đều chép lại nguyên văn câu được xem là câu ‘chú’ bằng tiếng Sanskrit (gate gate pāragate pārasaṁgate bodhi  svāhā) và một số có dịch ý nghĩa câu này qua ngôn ngữ của họ. 

Ngược lại, trong trường hợp tiếng Việt thì các Kinh sách cổ truyền không sử dụng nguyên văn Phạn ngữ, nhưng đã chép lại câu chú theo cách phát âm Việt (yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha). Trong một số bản Việt dịch hiện đại thì có một vài dịch giả cũng đã chép lại nguyên văn câu chú bằng Bắc Phạn ngữ, và cũng có một vài vị đã có giải thích ý nghĩa của câu chú này. Nhưng tựu chung, phần lớn các dịch giả không thay thế toàn bộ câu được xem là câu ‘chú’ Phạn ngữ bằng một câu thuần Việt, do bởi câu này theo truyền thống, vẫn được xem như là một câu ‘chú’ cần phải được lặp lại nguyên văn không chỉnh đổi. 

Yết đế, yết đế… và các câu được xem là câu ‘chú’ đều có ý nghĩa, có thể được dịch thành nghĩa hoặcViệt hóa một cách minh bạch

Thật ra, trên thực tế, trong các câu thiện chú hay các bài tổng trì, ngoại trừ một số chủng tự hoặc âm tự được xem là là diệu âm, là âm thanh của Chư Phật, của pháp giới, vàthậm chí ngay cả trong những câu ác chú, thì các từ chữ trong các câu ‘chú’ hay các bài tổng trì nói chung đều có ý nghĩa nhất định. Chúng ta có thể dịch nghĩa và đọc nghĩa của các câu ấy một cách bình thường, chứ không có gì là bí ẩn mà không được phép dịch qua ngôn ngữ của mình cả. Do các câu chú được xem như là những chân ngôn để bảo hộ tâm, nên bản thân chúng tôi trước nay vẫn luôn ủng hộ việc giải nghĩa các câu ‘chú’ để người trì có thể hiểu được ý nghĩa tích cực và rõ biết mình đang trì những gì. 

Ví dụ như bài Đại Bi Chú, mỗi câu đều mang một ý nghĩa minh bạchthâm thúy, và ví dụ đơn giản hơn nữa là câu tâm chú của Đức Đại Bồ Tát Quán Thế Âm: “Om - mani padma - hum” (Sanskrit) hoặc “Om - mani padme - hung” (theo cách viết trong Tạng ngữ) hoặc “Án- ma ni bát di - hồng” (theo cách phát âm tiếng Việt).  Mani là châu bảo, châu ngọc, ngọc báu, ngọc quý, và padma là hoa sen. Vậy câu này đơn giản có nghĩa là “Om - ngọc báu trong hoa sen - hum” và ở đây đang muốn nhắc đến Phật tánh thanh tịnh trong mỗi mỗi chúng ta

Vậy nếu người tu, thay vì trì theo Sanskrit là “Om- mani padma - hum” hay theo cách phát âm Việt là “Án - mani bát di - hồng” thì có thể trì ý nghĩa của câu này là“Om- ngọc báu trong hoa sen - hum” để bảo hộ tâm. Theo sự chiêm nghiệm thô thiển của chúng tôi, điều này không có gì là sai trái hay là điều bí ẩn cần phải niêm phong. Đôi khi trì câu chú bằng tiếng mẹ đẻ còn dễ bảo hộ tâm hơn là trì bằng Phạn ngữ; vì khi trì bằng tiếng mẹ đẻ, chúng ta sẽ hiểu rất rõ ràng ý nghĩa của câu chú trong đầu mỗi khi lặp lại bằng miệng, và như thế, tâm sẽ ở ngay nơi nghĩa ngữ đó, ngay nơi niệm tưởng đó, chứ tâm chẳng thể lang thang qua một ý niệm khác, vì chẳng thể nào có được hai niệm phát sinh đồng một lúc được. Còn trì bằng tiếng Sanskrit mà không nắm chắc được nghĩa, tâm ý không được bảo hộ, thì ý một đằng, thanh một nẻo,  miệng phát ra âm thanh, nhưng ý vẫn tiếp tụng rong ruỗi mọi nơi.

Do đó, ngay từ trong bản dịch thô lần đầu tiên gửi đến Thầy, chúng tôi đã rất hoan hỷ dịch nghĩa câu này qua Việt ngữ, và khi biết Thượng Tọa Thích Tuệ Hải muốn Việt hóa toàn bộ câu này, chúng tôi đã vô cùng tri ânủng hộ cách nhìn khai phóng và chủ trương Việt hóa của Thầy chúng tôi, trong lòng chưa hề có một sự ngại ngùng hay chống trái nào về việc này.

Yết đế, yết đế… là phân từ quá khứ ám chỉ một sự việc đã thành tựu rồi chứ không phải là một câu khuyến tấn

Nhưng có một điều thực sự tuyệt vời hơn nữa đã hiện đến khi chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về từ gate (yết đế) này. Đó là khi đọc kỹ để đối chiếu với cách dịch nghĩa của các bản dịch Anh ngữ, Pháp ngữ, so với phiên bản Horyu-ji, và các bản theo truyền thống Nepal và Tây Tạng, thì chúng tôi đã nhận xét thấy rằng gần như tất cả các bản dịch đều đã dùng đạng thì quá khứ để dịch các từ gốc gate, gate, pāragate và pārasaṁgate (yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế). 

Lấy Anh ngữ làm ví dụ, gần như hầu hết các dịch giả đều đã dịch đại khái như sau: ‘gone, gone beyond, gone to the other shore, landed in the other shore’ (nghĩa là: đã vượt, đã vượt qua, đã vượt qua bờ kia, đã đến bờ kia, v.v.).

Trong giai đoạn thực hiện bản Việt dịch thô, chính điểm này đã làm cho chúng tôi phải suy gẫm. Vì sao trong tiếng Anh lại dùng thì quá thứ, ám chỉ một sự việc đã rồi, đã băng qua, đã tới bờ rồi, trong khi trong tiếng Việt thì lại được giải nghĩa rằng đây là một câu ‘chú’ hay một câu khuyến tấn, hãy vượt qua, hãy băng qua đến bờ bên kia qua bằng các giai đoạn công phu tu tập, dựa trên các giáo lý do duyên hợp và trên lý luận phủ định có, không và trên giáo lý tánh Không và v.v. trong nội dung của Tâm Kinh.

Không lâu sau đó chúng tôi đã tìm thấy ra lời giải thích sau đây trong tập sách luận giảng về Tâm Kinh của Kazuaki Tanahashi (Shambhala Publications, 2014) về từ gốc gate trong Sanskrit và điều này đã làm cho mọi việc hoàn toàn sáng tỏ: “Theo một cách diễn giải phổ biến, gate là giống cái của phân từ quá khứ gata, nghĩa là ‘đã đi,’ ‘đã ra đi,’ ‘đã đi mất,’ ‘đã chết.’ Từ này, ngoài ra, cũng có thể là hô cách giống cái hoặc vị trí cách giống đực và cái.” (Tanahashi, trang 202) 

Khi chúng tôi nêu điểm này ra để kiểm chứng với hai đạo hữu Eng Jin Ooi và Ratna Siddhārtha Dhyāna rằng từ gốc gate trong Sanskrit là thì gì, thì quá khứ, thì hiện tại hay thì vị lai, thì câu trả lời xác nhận ‘gate’ (yết đế) là thì quá khứ phân cách (gate đến từ gata) đã làm cho tôi vô cùng hoan hỷ

Giả sử nếu câu này vốn là một câu bày tỏ nguyện vọng, hay được nêu lên ở cuối bản Kinh như một câu ‘chú’ để bảo hộ tâm, hay như là một lời khuyến tấn như trước đây thường lầm hiểu, thì thông thường chúng ta sẽ phải dùng dạng thì hiện tại chứ không thể dùng dạng thì quá khứ như thế này! Nếu là dạng thì hiện tại, thì phải sử dụng gamyasva (hoặc gam); ví dụ có thể nói ‘hãy đi đi!’ (chứ không thể nói là ‘hãy đã đi đi!” được). 

Nhưng do bởi đây là thì quá khứ phân cách, nên câu này, rốt ráo là một câu kết thúc, tóm tắt cảnh giới ‘đã vượt thoát’ của Đức Quán Tự Tại hay của một hành giả tu chứng

Trong lúc duyệt chỉnh và hoàn thiện bản Việt dịch, Thượng Tọa Tuệ Hải có dạy chúng tôi là nên đổi hai cụm từ ‘vượt rồi’ ở đầu câu thành ‘vượt thoát’ để cho đồng bộ với hai câu ‘vượt thoát’ ở phần sau của câu. Nhưng do chúng tôi đã cố tình để thêm chữ ‘rồi’ vào, cốt để nhấn mạnh rằng đây là dạng thì quá khứ, nên tôi đã kính thưa lại với Thầy chúng tôi về lý do có mặt của chữ ‘rồi’ ở đây, và bởi vì thế mà chữ ‘rồi,’ tuy là một chi tiết rất nhỏ bé, lại vô cùng thiết yếu. Đó là lý do vì sao cuối cùng thì câu này đã được chuyển Việt ngữ như sau trong bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã:

Vượt rồi, vượt rồi, vượt thoát rồi, hoàn toàn vượt thoát rồi, giác ngộ viên mãn, ta bà ha.

Hiển Hiện Cảnh Giới Chân Thậtgiác ngộ viên mãn

Thêm một điều quan trọng cần nhắc đến ở đây là thật ra vào lúc đầu, câu kết luận này không có chữ ‘viên mãn’ ngay sau chữ ‘giác ngộ.’  Nhưng một đêm kia, ngay trước khi bản Kinh này được in ra để phân phát cho đại chúng trước khi khóa an cư năm 2019 hoàn mãn tại Chùa Long Hương, thì Thầy chúng tôi kể lại là Thầy đã không thể nào ngủ được, tâm rỗng rang tỉnh sáng, nhưng bất chợt bản dịch Tinh Túy Bát Nhã đã hiện ra, và trong thiền định, Thầy đã thấy ra là câu “Cho nên, thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa…” cần phải thêm vào hai chữ ‘Hiển Hiện’ để trở thành “thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chính là Hiển Hiện Cảnh Giới Chân Thật” (xem bảng thuật ngữ 10 và 13). 

Đồng lúc, Thầy cũng thấy ra câu “Vượt rồi, vượt rồi…” vẫn còn bị vướng vướng, chưa thông và cần phải thêm vào hai chữ ‘viên mãn’ để câu ấy trở thành là “giác ngộ viên mãn, ta bà ha.” Sau đó Thầy đã kịp thời nhắn tin cho quý Sư Cô trong Ban Biên Tậpbản thân chúng tôi để thêm vào các chữ ấy trước khi in ấn. 

Sáng hôm sau, Thầy chúng tôi đã chia sẻ với đại chúng như sau: 

“Phải thêm vào hai chữ ‘viên mãn’ này thì mới xong bản Kinh Bát Nhã, còn chưa có là chưa xong![…] Bát Nhã đã được dịch, nếu đúng theo cái nhìn của chúng tôi, là rất đúng với chuyên môn, rất đúng với chánh pháp, rất đúng với cái tâm của người đã viết lúc ban đầu. Trời, người, chư Thiên, chư Long thiên Hộ pháp và các cõi cũng đều rất hoan hỷ khi ‘Tinh Túy Bát Nhã’ ra đời và được giảng trọn vẹn trong cuối tuần vừa qua.” 

Thầy lại nói tiếp rằng: 

“Không biết có phải Phật Tổ xui khiến mình hay không, nhưng một chữ thôi thì Phật cũng không cho tôi ngủ nữa, nên tôi biết rằng đây không phải là chuyện của mình! Đây là chuyện của… ai đó, mà chúng ta chỉ là người nối dài, là sứ giả mang sứ mệnh của Phật, của Bồ Tát, để đem bản dịch Kinh này đến trần gian này chứ đây không phải là chuyện của mình!”

Và rồi theo đúng như ý nguyện và chí hướng khai phóng của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải khi muốn Việt hóa hoàn toàn, làm mới, cũng như nâng tầm tâm linh của bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa, nên từ đó về sau, toàn bộ câu mà trước đây được xem như là một câu chú: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha,” thì bây giờ đã được thay thế trọn vẹn bằng câu kết luận mô tả cảnh giới hoàn toàn vượt thoát (chứ không mang hình thức của một câu ‘chú’ nữa) bằng ngữ nghĩa thuần Việt: 

“Vượt rồi, vượt rồi, vượt thoát rồi, hoàn toàn vượt thoát rồi, giác ngộ viên mãn, ta bà ha.” 

BTN 14. iti prajñāpāramitāyām hṛdayaṃ samāptaṃ và sự viên thành của trí tuệ Bát Nhã Hiện Tiền
iti prajñāpāramitāyām hṛdayaṃ samāptaṃ
như vậy, như thế prajñā: Bát Nhã, trí tuệ
prajñāpāramitā: Bát Nhã Ba La Mật Đa, trí tuệ đã tới bờ kia (hàm ý: đã đạt giác ngộ, đã hoàn toàn vượt thoát)
prajñāpāramitāyām: (trong) Bát Nhã Ba La Mật Đa tinh túy, cốt tủy, trái tim Phân từ quá khứ bị động, có nghĩa: kết thúc, hoàn tất, viên thành

Nghĩa đen
Tinh túy Bát Nhã Ba La Mật Đa đã kết thúc như vậy
Tinh túy Bát Nhã Ba La Mật Đa đã viên thành như vậy

Bản dịch TTBNBLMĐ:  
Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa kết thúc ở đây
Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa đã viên thành như thế

* Tóm tắt: Câu này trước đây được dịch là “Tinh túy Bát Nhã Ba La Mật Đa kết thúc ở đây,” ngụ ý rằng đây là câu kết thúc bản Kinh văn. Nhưng do samāptaṃ là một phân từ quá khứ bị động nên một cách diễn đạt khác là đối với một hành giả tu chứng thì Trí tuệ Bát Nhã đã viên thành y như những gì đã được mô tả ở các đoạn trên, nên câu này cũng có thể dịch là “Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa đã viên thành như thế.”

Lời cuối, xin cho con được kính lễ thâm ân công ơn giáo hóa muôn một của Sư Phụ Trụ Trì Chùa Long Hương – Thượng Tọa Thích Tuệ Hải, cũng như kính ơn Sư Phụ đã từ bi gia trì, hộ niệm để chúng con được phép ghi chép lại những lời này, lưu lại thành một tài liệu lịch sửtham khảo, và con xin được thành tâm sám hối mọi lỗi lầm và sai sót do thiểu trí. 

Nương vào trí tuệ, oai đứchạnh nguyện của Sư Phụ trọn một lòng muốn làm thành tựu mỗi mỗi chúng sinh, nguyện cho những gì được chuyển tải trong tài liệu này sẽ giúp làm sáng tỏ mọi nghi tình liên quan đến các khám phá, các thuật ngữ và nội dung của bản Việt dịch rất mới mẻ, khai phóng của Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật ĐaSư Phụ đã hoàn thiện, là một pháp bảo trân quý siêu tuyệt trong sự nghiệp hành đạoSư Phụ muốn dâng hiến cho Đại Thừa Phật Giáo Việt Nam cũng như cho thế giới

Đặc biệt là chúng con xin được mạo muội kính chia sẻ các thông tin trên đây lên trên Chư vị Tôn Túc, Chư hành giả, Chư học giả, Chư dịch giả trong lĩnh vực Phật học; ngưỡng mong Chư vị hoan hỷ quán xét và chỉ dạy thêm. 

Nguyện mong tất cả mọi người trong mọi tầng lớp, tất cả những ai hữu duyên, đều nhận ra được chân giá trị từ bản Việt dịch Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa theo tinh thần dịch thuật vượt thoát mà Bậc Thầy tôn kính của chúng con đã đem hết tâm huyết ra để hiệu đính, hoàn thiện và làm cho lan tỏa, với tâm nguyện làm mới hoàn toàn và Việt hóa hoàn toàn bản Bát Nhã Tâm Kinh để góp phần xây dựng cho trang lịch sử Đại Thừa Phật Giáo Việt Nam

Hơn thế nữa, sự cống hiến này của Thầy đã đến từ tâm huyết của trọn một đời gian khó trải mình cho tu tập. Tâm nguyện của Thầy chúng con là muốn nâng tầm Bát Nhã Tâm Kinh lên một tầng tâm linh siêu vượt, một tầng chuyên môn của bậc tu chứng, để làm thành một nét son trong lịch sử Phật Giáo, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn thế giới. Do bởi Bát Nhã Tâm Kinh cần được đặt trở lại vào đúng vị trí của nó, để Bát Nhã Tâm Kinh có thể nói lên được trọn vẹn tinh thần giác ngộ giải thoát tuyệt đối của Phật đạo, để Bát Nhã Tâm Kinh không chỉ thuần túy là một bản Kinh nặng về lý thuyết với các luận cứ phủ định, mà rốt ráo sẽ đem đến được lợi lạc đích thực, khai thông được năng lực giác ngộ vốn vô tận vô biên, vốn viên mãn, vốn sẵn đủ nơi mỗi người.

Chúng con xin kính lễ, muôn đời trân kính thâm ân mười phương Phật, mười phương Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng, Chư vị Giác Ngộ, Chư Hộ pháp, Chư Thầy Tổ, và toàn bộ hư không pháp giới, toàn bộ hữu tình pháp giới. Với tất cả lòng quý yêu và chân thành từ sâu thẳm con tim, xin kính nguyện cho Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa đời đời chói sáng để đem lại lợi lạc miên viễn và mở ra chân trời giác ngộ siêu thoát cho toàn thể hữu tình!            
Milam Sudhana
Californnia, Hoa Kỳ 
22/12/2022
Danh sách đăng các buổi thuyết giảng Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải: https://www.youtube.com/playlist?list=PLv9w1I38lMN4GOrzriuZI2XOdP-BlKN_J
Toàn bộ sách lược giảng Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa của Thượng Tọa Thích Tuệ Hải:
- Chùa Long Hương: https://thuvien.chualonghuong.org/tinh-tuy-bat-nha-ba-la-mat-da/
- Thư Viện Hoa Sen: https://thuvienhoasen.org/a37661/tinh-tuy-bat-nha-ba-la-mat-da
- Quảng Đức: https://quangduc.com/a73507/tinh-tuy-bat-nha-ba-la-mat-thich-tue-hai
Sách nói Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa:
https://www.youtube.com/playlist?list=PLv9w1I38lMN4pHXqGK37id2-s-MEx97Tj
Âm nhạc Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa (nhiều thể loại):
https://www.youtube.com/watch?v=tjPhlcrlMwg&list=PLv9w1I38lMN73vqJOon6c-HcloY0SI65f
Âm Vang Bát Nhã (nhạc dân tộc cổ truyền - phiên bản đặc biệc 2022): https://www.youtube.com/watch?v=7tR-Bylsx6I
Trường Ca Tinh Túy Bát Nhã (kết hợp nhạc dân tộc cổ truyền và nhạc giao hưởng 2022): https://www.youtube.com/watch?v=SlMHTvW3tAc&t=11441s 
Bài Ca Đại Hoan Hỷ: ‘I-ha’ Bát Nhã Ba La Mật Đa:
https://www.youtube.com/watch?v=lxsbq6IPXIg&list=PLv9w1I38lMN73vqJOon6c-HcloY0SI65f&index=16
Thư Mục Tham Khảo
Attwood, Jayarava. The Buddhas of the Three Times and the Chinese Origins of the Heart Sutra. https://www.academia.edu/37777312/The_Buddhas_of_the_Three_Times_and_the_Chinese_Origins_of_the_Heart_Sutra
----- Epithets of the Mantra in the Heart Sutra. https://www.academia.edu/33049700/_Epithets_of_the_Mantra_in_the_Heart_Sutra
----- Form is (Not) Emptiness: The Enigma at the Heart of the Heart Sutra. https://www.academia.edu/65460799/Form_is_Not_Emptiness_The_Enigma_at_the_Heart_of_the_Heart_Sutra
----- A Preliminary Critical Edition of the Chinese Heart Sutra. https://www.academia.edu/32348081/A_Preliminary_Critical_Edition_of_the_Chinese_Heart_Sutra
----- The True Story of the Heart Sutra, III. https://jayarava.blogspot.com. Accessed 2020.
----- Ungarbling Section V of the Sanskrit Heart Sutra.  Journal of the Oxford Centre for Buddhist Studies (2020). https://www.academia.edu/43133311/Ungarbling_Section_VI_of_the_Sanskrit_Heart_Sutra
Brunnholzl, Karl: The Heart Attack Sutra: A New Commentary on the Heart Sutra. Ithaca, NY: Snow Lion Publication, 2012.
Conze, Edward (Translator). Buddhist Wisdom: The Diamond Sutra and the Heart Sutra. New York: Vintage Spiritual Classics, 2001.
------ The Perfection of Wisdom in Eight Thousand Lines and Its Verse Summary. Delhi, India: Sri Satguru Publications, 1973.
The Dalai Lama (Đức Đalai Lama đời thứ XIV). Geshe Thupten Jinpa translated and edited. Essence of the Heart Sutra: Heart of Wisdom Teachings. Boston, MA: Widsom Publication, 2005.
----- Jangchup Tharchi Đỗ Hoàng Duyệt chuyển Việt ngữ. Thiện Sinh Chương Phổ hiệu đính. Cốt Tủy Tâm Kinh (Essence of the Heart Sutra).  California: Tự phát hành, 2007.  
----- Hồng Như Thubten Munsel chuyển Việt ngữ. Tinh Túy Bát Nhã Tâm Kinh (Essence of the Heart Sutra).  Portland, OR: Hội Bảo Tồn Truyền Thống Phật Giáo Đại Thừa (FPMT), 2008.  
Hakuin. Norman Waddell (Translator). Zen Words for the Heart: Hakuin’s Commentary on the Heart Sutra.  Boston, MA: Shambhala, 1996.
Kosei, Ishii (Komazawa University).  Jeffrey Kotik (Leiden University) chuyển Anh ngữ. “Issues Concerning the Prajnaparamita Hrdaya: Doubts Concerning Jan Nattier’s Theory of a Composition by Xuanzang.” https://www.academia.edu.
Lopez, Donald Jr.  The Heart Sutra Explained: Indian and Tibetan Commentaries. New York: State University of New York Press, 1988.Medley of Potpouri.  “Heart Sutra.”  https://amedleyofpotpourri.blogspot.com/2019/01/heart-sutra.html. Accessed on January 28, 2020.
Muller, F. Max and Nanjio (Editors).  Bunyiu. With an Appendix by G. Buhler.  The Ancient Palm Leaves. Oxford: Oxford University, the Clarendon Press, 1884.
Nattier, Jan.  “The Heart Sutra: A Chinese Aprocryphal Text?” The Journal of the International Association of Buddhist Studies 15, no. 2 (1992): 153-223.
Nishijima, Gudo Wafu & Cross, Chodo.  Shobogenzo: The True Dharma-Eye Treasury, Vol 1. Berkeley, CA: Numata Center for Buddhist Translation and Research, 2007.
Pine, Red. The Heart Sutra: Translation and Commentary. Berkeley, CA: Counterpoint, 2004.
Rinpoche, Khenchen Thrangu.  Đỗ Đình Đồng dịch Việt ngữ. ‘Shentong và Rangtong: Hai Cái 
Thấy Về Tánh Không Trong Truyền Thống Phật Giáo Tây Tạng.’ Thư Viện Hoa Sen:  www.thuvienhoasen.org, 2014.
Soeng, Mu. The Heart of the Universe: Exploring the Heart Sutra. Summerville, MA: Wisdom  Pubs, 2010.
Silk, Johnathan. The Heart Sutra in Tibetan: A Critical Condition in the Two Recensions 
Contained in the Kanjur. Wien: Universtat Wien, 1994
Tanahashi, Kazuaki. The Heart Sutra: A Comprehensive Guide to the Classic of Mahayana Buddhism. Boston, MA: Shambhala Publications, 2014.
Taranatha, Venerable. Translated by Karma Choephel. A Textual Commentary on the Heart Sutra. Derge Edition. India: Vajra Vidya Institute, 2005.
Thích Nhất Hạnh. The Other Shore: A New Translation of the Heart Sutra with Commentaries.  San Francisco, CA: Palm Leaves Presss, 2017.
Tỳ Kheo Thích Tuệ HảiBát Nhã Tâm Kinh Lược Giảng (Đồng Nai, Việt Nam, 2012) https://www.youtube.com/playlist?list=PLv9w1I38lMN6SPXr5hOmknuXvfIyjlwul. Accessed in 2018.
-----Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa. Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2019.
Vidya, Dr. P. L.  Mahayana-Sutra-Samgraha, Part 1 (Buddhist Sanskrit Texts - No. 17). India: Mithila Institute, 1961. 
Wriggins, Sally Hovey.  Xuanzang: A Buddhist Pilgrim on the Silk Road. Colorado: Westview Press, 1996. 

Một số nguồn của các dị bản Bát Nhã Tâm Kinh bằng Phạn ngữ Sanskrit:
1. Thư Viện Đại Học Viện Oxford (Anh quốc, 1884). Nguyên bản Phạn (hệ chữ viết Devanagari)(trang1819): http://www.downloads.prajnaquest.fr/BookofDzyan/Sanskrit%20Buddhist%20Texts/prajnaparamita_hrdaya_and_usnisa_vijaya_1884.pdf
2. Mithila Institute of Post-Graduate Studies and Research in Sanskrit Learning. Nhiếp Đại Thừa Kinh (phẩm 1) /Mahāyāna-sūtra-saṃgrahaḥ (part 1) - University of the West, Hoa Kỳ. Digital Sanskrit Buddhist Canon. Nguyên bản Phạn (hệ chữ viết Devanagari): 
https:dsbcproject.org
https://www.dsbcproject.org/canon-text/content/71/591
https://ia801607.us.archive.org/17/items/in.ernet.dli.2015.405222/2015.405222.Mahayana-Sutra.pdf
3. Esoteric Society Society (Nhật Bản 2018). Nguyên bản Phạn (theo hệ chữ viết Siddham):
https://esotericbuddhistsociety.org/wp-content/uploads/2018/09/heart_sutra_siddham.pdf
4. Universitat Wien (Tâm Kinh bằng Tạng ngữ - chuyển qua Anh ngữ từ Tạng ngữ- Bản nhuận văn B (trang 177): 
https://www.istb.univie.ac. at/uploads/wstb/WSTB_34.pdf
Một số nguồn tham khảo các định nghĩa Phạn ngữ Sanskrit:
https://www.sanskritdictionary.com/
https://www.wisdomlib.org
https://www.sanskrit-lexicon.uni-koeln.de/
Tham khảo tổng quát về Bát Nhã Tâm Kinh và các đề mục liên quan:
www.academia.edu 
www.chualonghuong.org
www.dharmafellowship.org
 www.giacngo.vn 
www.google.com
www.quangduc.com 
www.rigpawiki.org
www.thuvienhoasen.org
www.en.wikipedia.org 
Chú thích:

[1] Eng Jin Ooi là Nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc Đại học Mahidol, Thái Lan, chuyên ngành Phạn-Pali Cao Đẳng Phật Học (2019-2020), và hiện tại (2022) là Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, chuyên ngành Ngôn ngữ Nam Á.
Ratna Siddhārtha Dhyāna hiện tại (2022) là Nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc Đại học UCLouvain, Vương quốc Bỉ, chuyên ngành Ngôn ngữ, Văn học và Dịch thuật.

[1] Các câu viết chữ nghiêng đậm trong danh sách là Phạn văn Sanskrit trong bản lá cọ Horyu-ji. Các câu viết chữ thẳng đậm là các câu do Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải hiệu đínhhoàn thiện trong bản Kinh Tinh Túy Bát Nhã. Các câu trích dịch trong các phần mở ngoặc (thay vì:…) là trích từ các bản âm Hán/Hán-Việt dựa trên: phiên bản âm Hán văn ngắn và phổ biến của Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang; phiên bản Hán văn ngắn do Ngài Bukong (Bất Không Kim Cương-Amoghavajra) hiệu đính, tìm thấy trong động Đôn Hoàng; các bản Việt dịch của Chư Ôn Cố Lão Hòa Thượng: Thích Trí Quang, Thích Trí Thủ, Thích Nhất Hạnh (bản cũ), Thích Thiện Hoa; cũng như bản Việt dịch dài theo truyền thừa Tây Tạng của Hồng Như Thubten Munsel.

[1] Bản ngắn theo truyền thống Trung Hoa và Việt Nam. Riêng bản dài theo truyền thống Tây Tạng và Nepal có thể được tìm thấy tại trang nhà: Digital Sanskrit Buddhist Cannon (www.dsbcproject.org)

[1] Đặc biệt các bài dịch từ bản gốc Phạn qua Anh của Tỳ Kheo Anandajoti Bhikhhu, Edward Conze, Red Pine, và Theosophical University Press; bản dịch từ Phạn qua Việt của TS Thế Dân; từ Hoa qua Anh của Chung Tai, từ Nhật qua Anh của Andrew May, từ Tạng qua Anh của Geshe Thupten Jinpa và từ Anh qua Việt của Đỗ Hoàng Duyệt và Hồng Như;  các bài khảo cứu từ bản Phạn gốc trên trang Đạo Phật Ngày Nay, Jayaraya’s Raves và Sunyata GL, một số trang mạng và các tự điển Phạn-Việt và tự điển Phạn-Anh.

[1] Lopez, Introduction, trang 13

[1] Trong bản Việt dịch được phổ biến lâu nay, câu  này được Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch là “Diệu lý của Chư Phật chẳng có quan hệ đến văn tự.” Trong bản dịch Anh ngữ của Pine, câu này là như sau: “The profound truths of the buddhas don’t depend on the words.” (Pine, 2006; trang 121). Đoạn này trích dịch từ bản dịch Hán-Anh có tên The Platform Sutra: The Zen Teachings of Hui-Neng, Phần I (Đoạn 1-11). Theo Pine thì đây không phải là Shaochou (Thiều Châu) mà chính là Shaokuan (Thiều Quang) tức là trên đường Ngài đi về hướng bắc, chứ không phải hướng nam như trong sử thường ghi (?).  Thiều Quang là nơi hiện còn lưu lại nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng.

[1] Tanahashi, trang 68-69

[1] Pine, trang 71

[1] Cũng xin nói thêm là vào khoảng năm 2020, một thời gian sau khi Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa đã ra đời, chúng tôi có đọc được một bài luận giải của Jayarava Attwood, The True History of the Heart Sutra, III (trên trang jayarava.blogspot.com). Trong đó ông cũng đã lập luận rằng Tâm Kinh đang mô tả cảnh giới tan biến thành Không của người tu chứng. Đến đầu năm 2022, chúng tôi cũng lại đọc được tài liệu giảng về Tâm Kinh của Đạo sư Taranatha danh tiếng (tk 16-17), thì mới hay ra là truyền thống ‘Shentong’ (Tha Không – Pháp tánh) của Phật Giáo Tây Tạng cũng đã từng dạy về Tâm Kinh như là  một kinh nghiệm thể nhập Pháp tánh hay Chân không diệu hữu, nhưng trong quá khứ, giáo lý này đã bị ếm nhẹm trong thời kỳ độc tôn của dòng Gelug bởi các vấn đề chính trị và cũng do bởi dòng Gelug luôn ủng hộ ‘Rangtong’ (Tự Không) và muốn bảo vệ giáo lý phủ định của‘sự không có tự tánh độc lập,’ cho đây là giáo lý chính yếuduy nhất của Tâm Kinh. Thêm vào đó, trong một buổi lược giảng về Tâm Kinh vào năm 2022 trên mạng trực tuyến, Trưởng Lão Garchen Rinpoche dòng Drikung Kagyu Phật Giáo Tây Tạng (https://www.youtube.com/watch?v=L_nD56IUID0), là một dòng truyền thừa chú trọng về Thiền Đại Thủ Ấn và các thực hành du già, cũng đã khẳng định rằng Tâm Kinh đang mô tả kinh nghiệm thâm nhập cảnh giới Không của một bậc tu chứng. Hiện nay dòng Karma Kagyu và dòng Jonang của Phật Giáo Tây Tạng vẫn tiếp tục giảng dạy về ‘Shentong’ để bổ sung cho ‘Rangtong.” Xin tìm hiểu sơ lược qua các thông tin trên các trang như sau: https://en.wikipedia.org/wiki/Rangtong_and_shentong; hoặc trang https://encyclopediaofbuddhism.org/wiki/Rangtong_and_Shentong_-_Rime_Approach; hoặc qua
tài liệu của Khenchen Thrangu Rinpoche:https://thuvienhoasen.org/a20844/6-truong-phai-trung-dao.

[1] Cả hai bản dịch Anh ngữ sau đây cũng đều chuyển dịch theo nghĩa ‘không nhơ, không nhiễm’ (amalā + avimalā). Đó là:  phiên bản do Vaidya, P.L. hiệu đính trích trong Nhiếp Đại Thừa Kinh (Mahāyāna-sūtra-saṃgrahaḥ/Digital Sanskrit Buddhist Canon) thuộc Đại học viện University of the West, đã được Eng Jin Ooi dịch và chú giải (2017), và phiên bản đã được hiệu đính trong Appendices: Recession B do Johnathan Silk dịch theo truyền thống Tây Tạng (Wien: Universität Wien, 1994)

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Cưu-ma-la-thập

Tạo bài viết
18/05/2010(Xem: 150867)
16/05/2010(Xem: 93251)
13/03/2017(Xem: 9714)
19/03/2016(Xem: 23235)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: