LƯỢC GIẢI TÂM KINH
Thích Trí Quang dịch giải
mồng tám tháng tư 2537 Phật lịch
Mục lục
Dịch âm
Dịch nghĩa
Phần một : Trước khi lược giải tâm kinh
1. Lược nói oai linh của tâm kinh và đức Quan âm, vị thuyết ra Tâm kinh.
2. Lược nói Bát nhã và Không của Bát nhã trong A Hàm.
- Bát nhã trong A Hàm
- Không trong bộ A Hàm
- Chánh tri kiến và Không tam muội như vậy hủy diệt cái gì ?
- Không như vậy vì sao có thể thực hiện ?
- Như vậy thì vì "không" mới "có"
3. Lược nói Bát nhã và Không của Bát nhã trong đại thừa.
- Bát nhã là Phật mẫu.
- Bát nhã là chủ đạo của Bồ tát hạnh.
- Bát nhã là gì ?
- Không của Bát nhã.
- Tác dụng Không của Bát nhã.
- Sau hết cũng nên biết tu học Bát nhã thì sinh ở đâu.
4. Lược nói Bát nhã và Không của Bát nhã trong Tâm kinh.
- Sự độc đáo thứ nhất của Tâm kinh là nói về cái Không siêu việt.
- Sự độc đáo thứ hai của Tâm kinh là nói Bát nhã là một bài chú.
- Sự độc đáo thứ ba của Tâm kinh là đem Bát nhã và Không của Bát nhã làm thành một cảnh ngữ để tu học Bát nhã.
5. Lược nói các pháp số trong Tâm kinh.
- Về 5 uẩn.
- Về 12 xứ
- Về 18 giới
- Về 12 duyên sinh
- Về 4 đế
- Về 2 chuyển y
6. Thử hội dịch Tâm kinh
Phần hai : Lược giải
Tiết 1 : Lược giải đầu đề
Tiết 2 : Lược giải chính văn
Mục 1 : Mở đầu
Mục 2 : Nói về Bát nhã
Đoạn 1 : Nói về Bát nhã
Đoạn 2 : Nói về đại dụng của Bát nhã
Mục 3 : Nói về thần chú Bát nhã
Tiết 3 : Viết tắt lại Tâm kinh
Ghi chú
Dịch âm :
Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh :
Quan tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách. Xá lị tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc ; sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị. Xá lị tử, thị chư pháp Không tướng bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố Không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô thức giới, vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tửdiệc vô lão tử tận, vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánhniết bàn ; tam thế chư Phật y bát nhã ba la mật đa cố đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Cố tri bát nhã ba la mật đa thị đại thần chú : thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trù nhất thế khổ, chân thật bất hư. Cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú. Tức thuyết chú viết : Yết đế, yết đế, ba layết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha.
Dịch nghĩa :
Thần chú Bát nhã
Bài kinh tinh túy của đại bát nhã :
Quan tự tại đại bồ tát đã đi vào Bát nhã ba la mật đa sâu xa, soi thấy năm uẩn đều không, vượt mọi khổ ách. Ngài nói, tôn giả Thu tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc ; sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy. Tôn giả Thu tử, Không ấy của các pháp không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt (không quá khứ, không vị lai, không hiện tại). Thế nên trong Không không sắc thọ tưởng hành thức, không nhãn nhĩ tỹ thiệt thân ý, không sắc thanh hương vị xúc pháp, không nhãn giới cho đến không ý thức giới, không vô minh và sự diệt tận của vô minh, cho đến không lão tử và sự diệt tận của lão tử, không khổ tập diệt đạo, không quán trí, không thủ đắc, vì không thủ đắc gì cả. Bồ tát vì y theo Bát nhã ba la mật đa nên tâm không bị chướng ngại, vì không bị chướng ngại nên không khiếp sợ, siêu thoát mộng tưởng thác loạn, cứu cánh niết bàn. Phật đà cả ba thì gian vì y theo Bát nhã ba la mật đa nên được vô thượng bồ đề. Do đó mà biết Bát nhã ba la mật đa là bài chú rất thần diệu : bài chú rất sáng chói, bài chú tối thượng, bài chú tuyệt bậc mà đồng bậc, trừ được hết thảy khổ não, chắc thật, không hư ngụy. Nên tôi nói chú Bát nhã ba la mật đa. Ngài liền nói chú ấy : Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha.
Phần một : Trước khi lược giải Tâm kinh
1. Lược nói oai linh của Tâm kinh và đức Quan Âm, vị thuyết ra Tâm kinh
Sử truyện của ngài Huyền tráng, dịch giả Tâm kinh, chép:
... Chừng canh ba, pháp sư lén vượt được cửa ải Ngọc môn, mừng lắm, để đồ xuống, nằm ngủ cách người Hồ hơn 50 bước. Mới nằm một lát, người Hồ rút dao đứng dậy, đi nhẹ về phía pháp sư. Đi chưa được mươi bước thì lùi lại, không biết ý gì. Pháp sư ngờ người Hồ có lòng khác, nên ngồi dậy niệm đức Quan âm. Thấy vậy, người Hồ về chỗ nằm ngủ. Trời gần sáng, pháp sư gọi dậy, lấy nước, lót lòng, rồi sắp đi thì người Hồ nói, đường đi nguy hiểm, xa xôi, nước không, cỏ chẳng có, chỉ nơi 5 đồn canh mới có nước. Đồn nào cũng phải ban đêm lén đến mới lấy được nước, và có nước mới qua được sa mạc này. Nhưng bị phát giác thì chết. Đệ tử nghĩ chẳng bằng quay về thì hơn. Pháp sư không chịu nên người Hồ miễn cưỡng mà đi. Được vài dặm, đứng lại, nói, đệ tử không thể đi được. Đệ tử còn gánh nặng gia đình, phép vua lại không thể vi phạm. Pháp sư biết ý, bảo cứ về. Người Hồ nói, chắc chắn pháp sư không qua khỏi, bị bắt rồi khai đến con thì sao? Pháp sư nói, thân này bị xả nhỏ ra tôi cũng không khai đến anh. Pháp sư thề thốt nặng lời, người Hồ mới yên bụng lui về, sau khi giao lại cho pháp sư một con ngựa.
Vậy là pháp sư đơn độc đi vào sa mạc. Chỉ nhìn xương người hay phân ngựa mà đi. Một lát bỗng có mấy trăm quân binh đầy cả trước mắt, thoáng đi thoáng ngừng, người ngựa cờ xí biến ảo liền liền, nhìn xa rất rõ, đến gần lại tan. Pháp sư mới nhìn nghĩ là giặc cướp, đến gần mới biết quái dị. Nhưng nghe trong không gian có tiếng nói, bảo cứ đi, đừng sợ. Đi được 80 dặm thì thấy đồn canh thứ nhất. Sợ lính canh nhìn thấy nên pháp sư núp vào hố cát, đến đêm mới đi. Khi đến phía tây đồn canh, thấy nước, pháp sư xuống uống, rửa tay, và sắp sửa lấy nước thì một mũi tên bay vút đến, xuýt trúng đầu gối. Thoáng cái lại có một mũi nữa. Biết đã bị phát giác, pháp sư kêu lớn, xin đừng bắn, tôi là tăng sĩ. Rồi dắt ngựa đi lại đồn canh. Binh sĩ điệu vào gặp hiệu úy Vương Tường. Nhưng chính nhờ viên hiệu úy này giúp đỡ mà pháp sư đến được đồn canh thứ tư. Viên hiệu úy ở đây nghe có lời Vương Tường nên hoan hỷ, mời ngủ lại, lại biếu túi da lớn để dựng nước và biếu lúa mạch cho ngựa ăn, tiễn pháp sư mà dặn đừng đi về phía đồn canh thứ năm. Viên hiệu úy ở đó có thể hại ngài. Từ đây đi cỡ trăm dặm thì có suối Dã mã, ngài hãy lấy thêm nước ở đó.
Vậy là pháp sư đi vào đại sa mạc Mông cổ. Đại sa mạc này dài hơn 800 dặm. Trên không có chim bay, dưới không có thú chạy. Nước không có, cỏ cũng không. Bấy giờ pháp sư một mình một ngựa, chỉ niệm đức Quan âm và bài Tâm kinh mà đi. Hồi trước, khi còn ở đất Thục, pháp sư gặp một bịnh nhân, ghẻ lở hôi thối dơ bẩn, áo quần rách rưới dơ dáy. Pháp sư đưa về chùa, tặng quần áo, biếu thực phí. Bịnh nhân cảm kích, truyền thọ bài kinh ấy cho pháp sư (66). Nhân đó pháp sư đã thường trì tụng. Bây giờ, khi vào đại sa mạc, gặp bao nhiêu hiện tượng quái dị vây bọc trước sau, pháp sư niệm bài kinh này thì tan biến liền. Bao nhiêu nguy khốn mà pháp sư phải gặp, thật do bài kinh này cứu độ.
Pháp sư đi cỡ trăm dặm thì lạc đường, tìm suối Dã mã không thấy. Lấy túi nước xuống để uống thì lỡ tay đổ cả. Vật độ mạng trên đường ngàn dặm, thoáng cái sạch hết! Vậy mà còn lạc đường đến nỗi quanh quẩn không biết nên đi theo ngã nào. Pháp sư nghĩ quay lại hướng đông, chỗ đồn canh thứ tư đã. Nhưng đi hơn mươi dặm, pháp sư tự nghĩ, mình đã nguyện không đến xứ Phật thì không lui về hướng đông một bước, sao nay quay về. Thà đi tới hướng tây mà chết, chứ không quay về hướng đông để sống. Trở ngựa lại, pháp sư chuyên tâm niệm đức Quan âm mà đi tới hướng tây bắc. Bấy giờ bốn bề cát nóng mênh mông, người ngựa đều lả. Đêm thì yêu quái nhấp nháng như sao, ngày thì cuồng phong cuốn cát lên, tung bay như mưa mùa. Pháp sư không nao núng gì cả, chỉ khổ vì khát quá, không đi được nữa. Đã 4 đêm 5 ngày rồi, pháp sư không có một giọt nước thấm môi. Cổ, miệng và bụng khô nóng gần chết. Quị xuống mặt cát nóng rát dưới cái nắng sa mạc mà pháp sư vẫn thầm niệm đức Quan âm, khốn đốn đến thế mà không ngừng, thầm bạch rằng con đi đây không cầu lợi lộc, không mong danh vọng, chỉ vì Phật pháp vô thượng mà thôi. Bồ tát là đức Từ bi, thương người mà cứu khổ. Con thế này là đang khổ đây, lẽ nào ngài không biết. Pháp sư tác bạch như vậy và không ngừng niệm danh hiệu của ngài. Nửa đêm hôm ấy là đêm thứ năm, đột nhiên có luồng gió mát thổi đến thân thể pháp sư. Pháp sư nghe mát như tắm nước lạnh. Nhờ vậy mà sáng mắt, ngựa cũng dậy được. Cơ thể đã thư, pháp sư thiếp được một lát, mộng thấy vị thần cao lớn, bảo sao không gắng dậy mà đi, lại nằm như thế này. Pháp sư hoãng dậy, đi được mươi dặm thì đột nhiên ngựa tự rẽ qua ngã khác, kéo lại cũng không chịu. Đi vài dặm bỗng thấy cả mẫu cỏ xanh. Pháp sư cho ngựa ăn, và đi mươi bước thì thấy một ao nước, trong và ngọt. Uống rồi người ngựa đều khỏe, nghỉ lại 1 ngày. Hôm sau múc nước, lấy cỏ, và đi tới. Hai ngày sau nữa pháp sư mới ra khỏi sa mạc ... (Chính 50/223).
... Lại đến nước Y lan noa bát phạt đa. Trên đường đến đó có già lam Ca bố đức. Phía nam già lam này, cách vài ba dặm, có hòn núi đơn độc, cây cao cỏ tốt, lá rậm hoa thơm, ao trong suối đẹp. Núi là thắng cảnh mà lại có chùa thiêng, cảm ứng thần kỳ. Tinh xá chính giữa có ngôi tượng Quan âm bằng gỗ đàn hương, uy thần đặc tôn. Thường có vài mươi người, trong một hay hai tuần không ăn cơm, không dùng cả nước có thực phẩm nghiền nát, thành tâm cầu nguyện. Ai chân thành thì cảm ứng. Và cảm ứng luôn, nên người đến càng đông. Người trong chùa sợ tượng bị bẩn, nên bốn phía cách tượng chừng 7 bước, dựng lan can gỗ. Ai đến cũng triều bái ở ngoài lan can. Hoa hương hiến cúng cũng từ ngoài tung vào. Hoa của ai nằm trong tay hay mắc vào cánh tay của Bồ tát thì được cát tường.
Pháp sư cũng đến cầu nguyện. Mua hoa, xâu thành vòng, pháp sư đến chỗ tôn tượng, chí thành lễ bái tán dương rồi, quì xuống cầu nguyện 3 điều. Một, tại đất Ấn độ này con học tập xong rồi, về nước mà được an toàn thì xin hoa nằm trong bàn tay của ngài. Hai, bao nhiêu phước tuệ có được, con nguyện sinh Đâu suất nội viện, phụng sự Di lạc từ tôn, nguyện này như ý thì xin hoa mắc vào cánh tay của ngài. Ba, giáo lý có chỗ nói chúng sinh có một số không có Phật tánh, nay con nghi hoặc, không rõ có hay không có; nếu một số ấy cũng có Phật tánh, có thể tu hành thành Phật, thì xin hoa mắc vào cổ của ngài. Tác bạch rồi, pháp sư tung hoa vào, được đúng cả như lời cầu nguyện. Pháp sư hoan hỷ hết sức. Những người lễ bái và người trong chùa ai cũng vỗ tay, dậm chân, mà nói thật là chưa từng có (Chính 50/239).
... Từ biệt rồi, pháp sư yên lặng, chánh niệm, miệng tụng: sắc không, thọ tưởng hành thức cũng không, nhãn giới không, cho đến ý thức giới cũng không, vô minh không, cho đến lão tử cũng không, thậm chí bồ đề cũng không, không ấy cũng không ... Đệ tử là Đại thừa quang hỏi pháp sư chắc chắn được sinh Di lạc nội viện không, pháp sư nói chắc chắn. Nói rồi, hơi thở nhẹ dần, một lát pháp sư mất mà nhẹ nhàng đến nỗi thị giả không biết liền ... (Chính 50/277).
Sử truyện của ngài Huyền tráng đến nay đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Học giả ra sức khảo chứng càng không ít. Trong bao nhiêu nguy khốn mà ngài trải qua có sa mạc Gobi. Ở đó, ngày nay không nói cuồng phong cuốn cát lên tung bay như mưa mùa, mà nói là bão cát. Cũng ngày nay, phi cơ loại trung bình bay trên vùng trời sa mạc này vẫn dồi sốc rất khó chịu. Nên học giả thế giới đã và vẫn còn khiếp phục ngài Huyền tráng, nhận rằng phi sức mạnh tôn giáo thì không dễ gì vượt qua bao nhiêu nguy khốn mà ngài đã gặp. Oai linh của đức Quan âm, và của bài Tâm kinh mà đức Quan âm tuyên thuyết, chính cuộc đời và công nghiệp của ngài Huyền tráng là một minh chứng (67).
2. Lược nói Bát nhã và Không của Bát nhã trong A hàm
Bát nhã trong A hàm.- Trong bộ A hàm, chánh tri kiến chính là Bát nhã. Chánh tri kiến gọi tắt là chánh kiến, có nghĩa thấy biết chính xác. Nên chánh tri kiến cũng gọi là như thật tri kiến hay như thật tri, có nghĩa thấy biết đúng như sự thật. Và tri kiến mà chánh, mà như thật, thì có nghĩa vô đắc: không thủ đắc. Trưởng giả Cấp cô độc hằng ngày đến yết kiến đức Thế tôn. Một hôm ra đi hơi sớm, trưởng giả ghé vào tinh xá của ngoại đạo. Hai bên chào hỏi nhau rồi, các vị ngoại đạo hỏi trưởng giả, ông yết kiến đức Cù đàm mà thấy biết những gì? Trưởng giả thưa, xin quí vị nói sự thấy biết của quí vị rồi tôi sẽ thưa sự thấy biết của tôi. Các vị ấy nói những sự thấy biết của mình: đối với thế giới thì thấy cố định hay thấy chuyển biến, thấy hữu hạn hay thấy vô hạn, đối với sinh mạng và bản thân thì thấy đồng nhất hay thấy biệt lập, đối với sự diệt khổ rồi thì thấy vĩnh cửu hay thấy hư vô. Vị nào cũng nói cái mình thấy biết là chân lý, ngoài ra đều tà ngụy cả, và bảo trưởng giả hãy nói sự thấy biết của ông. Trưởng giả thưa, cái tôi thấy biết là duyên khởi (tương quan): thấy biết duyên khởi thì đối với mọi sự thấy biết đều không thủ đắc (Tạp, Chính 2/248, lược dịch).
Thấy biết như vậy là thanh tịnh kiến: thấy biết trong sáng. Thấy biết trong sáng là thấy Không; Không ấy là Thánh pháp ấn: ấn tín của Phật đối với vạn hữu (Tăng, Chính 2/20).
Không trong bộ A hàm.- Trước đây hay nói Không của tiểu thừa là phân tích không, nói Không của đại thừa là đương sinh vô sinh, lại nói Không của tiểu thừa là không trong 4 hành tướng vô thường khổ không vô ngã. Những cách nói như vậy xét ra thật là võ đoán. Bởi vì Tạp a hàm đã nói minh bạch, rằng Không là tánh tự nhĩ: thực chất tự như thế (Chính 2/56). Kinh ấy còn nói không phải tự sinh, tha sinh, cọng sinh, vô nhân sinh (Chính 2/81 và 93). Vậy thì Không không phải chỉ là không trong 4 hành tướng, mà Không là căn bản của tất cả lý, hạnh, quả, là Không tam muội.
Về Không là căn bản của tất cả lý hạnh quả thì hãy tham cứu 2 bài kinh chuyên nói về Không trong Trung a hàm (Chính 1/736-740); 2 bài kinh này nếu không biết đến thì đừng nói gì về Không cả. Còn Không là Không tam muội thì như Phật nói với tôn giả Xá lợi phất, Không tam muội là rất bậc nhất ... Không tam muội thì không chấp ngã nhân, thọ mạng, không chấp chúng sinh, không chấp các hành, nên không tạo nghiệp mới, không tạo nghiệp mới nên không còn hậu hữu, không còn hậu hữu thì không có quả báo khổ vui của thế gian. Xá lợi phất, khi ta chưa được tuệ giác Phật đà, ngồi dưới bồ đề đại thọ nghĩ rằng chúng sinh vì không được phương pháp gì mà phải lưu chuyển sinh tử, không được giải thoát? Ta lại nghĩ, chúng sinh vì không có Không tam muội nên lưu chuyển sinh tử mà không cứu cánh giải thoát ... Được Không tam muội thì được Vô nguyện tam muội, được Vô tướng tam muội; được Không tam muội thì thành tựu Vô thượng giác. Lúc bấy giờ ta được Không tam muội nên 7 ngày đêm ta nhìn bồ đề đại thọ không nháy mắt. Xá lợi phất, do vậy mà biết Không tam muội là tam muội bậc nhất; tam muội chúa tể chính là Không tam muội (Tăng, Chính 2/773).
Không tam muội còn được gọi là Thượng tọa thiền (Tạp, Chính 2/57). Đại sĩ thiền của kinh này nói (Chính 2/236) cũng thực sự là Không tam muội. Vô tránh đạo của ngài Tu bồ đề (68) chính là thực hành chân thực không (Trung, Chính 1/703). Không, như vậy, là tâm trí không đi theo 2 cực đoan nên chánh hướng trung đạo (Tạp, Chính 2/84).
Chánh tri kiến và Không tam muội như vậy hủy diệt cái gì? Cái ấy, hay nói đến nhất là ngã và ngã sở, nhưng hay nói đến hơn nữa là 2 chấp có và không. Có và không, không phải chỉ là 2 cực đoan, 2 phạm trù khẳng định và phủ định, mà Tăng a hàm giải thích thật đặc biệt: Đức Thế tôn nói với các vị tỷ kheo, có 2 sự thấy là thấy có với thấy không. Thấy có là thế nào? Là thấy có dục có sắc có vô sắc -- Thấy có dục là 5 dục: mắt thấy sắc thì rất ưa, quí và nhớ, chưa bao giờ rời bỏ mà cứ tôn thờ mãi; tai nghe tiếng, mũi ngửi hơi, lưỡi biết mùi, thân biết xúc, ý biết pháp (cũng như vậy), và đó gọi là thấy có. Thấy không là thế nào? Là thấy có thường thấy không thường, thấy có đoạn thấy không đoạn, thấy có biên thấy không biên, thấy có mạng thấy không mạng, thấy thân mạng khác nhau thấy thân mạng là một, (và) 62 sự thấy (xuất từ các sự thấy) như trên gọi là thấy không, và toàn là không phải sự thấy chính xác (Chính 2/577). Do đó luận Du dà đã nói: Không tam muội là tâm trí chuyên nhất quán sát về Không, và Không ấy đại khái có 4. Một là quán sát không: quán sát các pháp không thường, không lạc, cho đến không tự ngã, không ngã sở ... Hai là kết quả không: tâm trí giải thoát, không mọi phiền não tham sân si ... Ba là bên trong không: không bản thân, nghĩa là không có mọi cố chấp lệch lạc về tự ngã, ngã sở, ngã mạn ... Bốn là bên ngoài không: không ngũ dục, nghĩa là không ái không dục đối với ngũ dục ấy (Chính 30/337).
Không như vậy vì sao có thể thực hiện? Vì như Trung a hàm đã nói: Nếu có ai nói một cách đúng đắn để nói cái điều sáng suốt này: tất cả chúng sinh sinh ra ở đời thực chất đều siêu việt, không bị đau khổ hay khoái lạc khuất lấp, thì người ấy chính là ta đây -- Bởi vì chính ta nói đến cái điều sáng suốt này: tất cả chúng sinh sinh ra ở đời thực chất đều siêu việt, không bị đau khổ hay khoái lạc khuất lấp (Chính 1/680). Tạp a hàm còn nói rõ: Không phải giác quan buộc đối cảnh hay đối cảnh buộc giác quan, mà sự buộc chỉ là tham dục; ví như 2 con bò chẳng con nào buộc con nào, mà buộc cả 2 con chính là cái ách (Chính 2/60). Pháp thoại sau đây càng nên chú ý. Ma la ca thưa, bạch đức Thế tôn, con già cả, giác quan suy tàn, nhưng vẫn muốn được nghe đức Thế tôn cho con một lời dạy tóm tắt. Con nghe rồi sẽ tinh chuyên tư duy, cho đến tự biết không còn hậu hữu. Đức Thế tôn bảo thôi. Ma la ca vẫn cầu thỉnh lần thứ hai rồi lần thứ ba. Bấy giờ đức Thế tôn mới nói, ... thấy là thấy, nghe là nghe, hay là hay, biết là biết, và nói chỉnh cú sau đây: cái này không phải cái kia, cái kia không phải cái này, cũng không phải giữa hai cái, đó là biên cương đau khổ (đau khổ chấm dứt). Ma la ca thưa, con biết rồi bạch đức Thế tôn, con hiểu rồi bạch đức Thiện thệ! Đức Thế tôn hỏi, ông hiểu biết thế nào? Ma la ca thưa lại bằng lời chỉnh cú (lược dịch): sáu giác quan thấy nghe hay biết sáu đối cảnh mà không chánh niệm thì nổi tham sân si, nếu chánh niệm thì không tham sân si: đó là niết bàn. Rồi đó Ma la ca bất phóng dật mà tinh chuyên tư duy và thành bậc La hán (Tạp, Chính 2/90).
Như vậy thì vì "không" mới "có".- Không, như vậy, thực chất là đem cái tâm vốn không mà quán sát các pháp vốn không (Tạp, Chính 2/72). Không, như vậy, không phải đoạn kiến: không phải phủ định, hoài nghi, nên Tạp a hàm (Chính 2/92) đã nói: các tỷ kheo, có nghiệp báo mà không có tác giả: có hành vi và có kết quả của hành vi mà không có cái gọi là chủ thể (bản ngã). Trường a hàm nói càng rõ và đủ hơn: Như lai sử dụng phương tiện, nói các pháp mà không thủ đắc, nói sạch không mà có thành tựu (Chính 1/35). Như vậy đúng là "dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thế pháp đắc thành" (Trung luận, Chính 30/33). Nên phải chiêm nghiệm lời dạy đầy tính tích cực sau đây của Phật: Cái thân vô thường mà ông cho là tự ngã đó, ta nói nó là ô nhiễm, là thanh tịnh, là giải thoát. Ông đừng nói ô nhiễm không thể diệt trừ, thanh tịnh không thể phát sinh, con người phải ở mãi trong sự đau khổ; đừng nói như vậy, vì ô nhiễm có thể diệt trừ, thanh tịnh có thể phát sinh, con người có thể ở trong an lạc (Trường, Chính 1/112).
3. Lược nói Bát nhã và Không của Bát nhã trong Đại thừa
Bát nhã là Phật mẫu.- Trong đại thừa, Bát nhã là Phật mẫu: mẹ sinh của Phật. Mà là Phật mẫu thì cũng là Pháp mẫu: mẹ sinh của Pháp. Nên ngay như kinh Pháp hoa, căn bản cũng là Bát nhã: là Phật tri kiến. Như lai tòa trong 3 pháp của pháp sư Pháp hoa, phần hai của hành xứ cận xứ trong an lạc hành, đều là Bát nhã và Không của Bát nhã. Hơn nữa, thọ lượng bất tận của Phật mới chính là Bát nhã: Như lai đúng như sự thật của 3 cõi mà thấy 3 cõi không sinh không chết, không lui mất không hiện ra, không tồn tại không nhập diệt, không thật không giả, không như nhau không khác nhau.
Bát nhã là chủ đạo của Bồ tát hạnh.- Bồ tát hạnh có 6 đại mục gọi là 6 ba la mật. Ba la mật có nghĩa là rời, không phải chỉ nghĩa là đến (69) : rời bờ bến bên này mà vượt đến bờ bến bên kia, nên dịch nghĩa là đáo bỉ ngạn, dịch tắt là độ. Như vậy ba la mật có nghĩa là toàn hảo. Sáu sự toàn hảo là thí giới nhẫn tiến định tuệ (cống hiến, đạo hạnh, chịu đựng, nỗ lực, chuyên chú, tuệ giác) (70) . Sáu sự này là nhân tố của tuệ giác vô thượng, là nhân tố đem lại mọi sự toàn hảo cho chúng sinh, nên gọi là Biển cả pháp trắng (Du đà, Chính 30/529).
Sáu ba la mật được gọi bằng cái tên ấy là vì những sự hơn hết: vì lấy bồ đề tâm làm chỗ nương tựa, vì thực thi đủ hết mọi sự, vì lấy sự yên vui chúng sinh làm chủ đề, vì được sự chủ đạo của vô phân biệt trí (bản thân của Bát nhã), vì hướng đến tuệ giác vô thượng, vì hủy diệt phiền não chướng và sở tri chướng (Nhiếp luận, Chính 31/144). Nhưng 6 ba la mật trong vô số kiếp thứ nhất, nghĩa là từ thắng giải hành địa đến sơ địa, mới được gọi là ba la mật; rồi qua vô số kiếp thứ hai, nghĩa là từ sơ địa đến bát địa, thì được gọi là cận ba la mật; và đến vô số kiếp thứ ba, nghĩa là từ bát địa đến Phật địa, thì được gọi là đại ba la mật (Giải thâm mật, Chính 16/707). Trước 3 vô số kiếp thì chỉ được gọi là thí giới nhẫn tiến định tuệ mà thôi. Tu học 6 ba la mật thì phải bằng 5 sự: một là trước hết tin mạnh mẽ và hiểu thông suốt những giáo lý trong bồ tát tạng nói về 6 ba la mật, hai là đem cái diệu trí được có bởi văn tư giáo lý ấy mà nỗ lực thực hành, ba là giữ bồ đề tâm, bốn là gần thiện tri thức, năm là nỗ lực liên tục (Giải thâm mật, Chính 16/705). Sáu ba la mật lấy đại bi làm nhân, lấy ích lợi chúng sinh làm quả, lấy vô thượng bồ đề làm lợi (Giải thâm mật, Chính 16/707).
Bát nhã (tuệ) tuy là 1 trong 6 ba la mật, nhưng cái vô phân biệt trí làm chủ đạo cả 6 ba la mật chính là Bát nhã, nên Bát nhã được tôn kính nhất.
Bát nhã là gì? Nếu bồ tát rời xa 2 cực đoan thêm (có) và bớt (không) mà đi trong trung đạo, thì đó là Bát nhã. Do Bát nhã này mà biết đúng sự thật (1) về giải thoát là 3 giải thoát môn, (2) về tự tánh là 3 tự tánh, (3) về vô tánh là 3 vô tánh, (4) về thế tục đế là 5 minh xứ, và (5) về thắng nghĩa đế là 7 chân như (Giải thâm mật, Chính 16/706). Năm sự biết đúng như sự thật này diễn dịch 3 loại sau đây mà 3 loại ấy lại đủ hơn nhiều: bát nhã biết thế tục đế, bát nhã biết thắng nghĩa đế, bát nhã biết ích lợi chúng sinh (Giải thâm mật, Chính 16/705). Trong cái biết thế tục đế, Du dà thêm biết 3 pháp tụ: biết cái gì hữu ích, cái gì vô ích, cái gì cả hai; còn cái biết ích lợi chúng sinh thì Du dà nói là làm được mọi ích lợi chúng sinh (Chính 30/528). Nhưng 5 sự biết đúng như sự thật và 3 loại biết trên đây được qui nạp như sau: Bát nhã có 3 phần, một là da hành vô phân biệt trí, là phần nỗ lực; hai là căn bản vô phân biệt trí, là phần bản thân; ba là hậu đắc vô phân biệt trí, là phần hoạt dụng (Nhiếp luận, Chính 31/145).
Không của Bát nhã.- Không của Bát nhã thường được gọi là tánh không. Không ấy, nay căn cứ Trung luận, có thể trình bày bằng 3 cách sau đây.
Một, đương sinhvô sinh nên Không, là chính nơi các pháp đương sinh đương có trước mắt mà xét sự sinh ấy là vô sinh, vì không phải tự sinh, không phải tha sinh, không phải cọng sinh, không phải vô nhân sinh (Chính 30/2).
Hai, duyên sinh nên Không, là trong nguyên lý tương quan, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không (71) , nên nói duyên sinh là không là giả là trung đạo (Chính 30/33).
Ba, và đây mới chính xác, Không là ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt (Chính 30/24 và 25) -- Không là không sinh diệt, không thường đoạn, không nhất dị, không lai xuất: nói duyên sinh một cách siêu việt hý luận (72) như vậy (Chính 30/1).
Tác dụng Không của Bát nhã.- Không như vậy là hủy diệt tà kiến và thành tựu các pháp. Tà kiến là 62 tà kiến (Chính 30/36). Tà kiến ấy có thứ phá hoại yên vui thế gian, có thứ phá hoại đường đi niết bàn, và tất cả đều bị Không hủy diệt (Chính 30/30). Không mà như vậy thì chính vì Không mà các pháp thành tựu (Chính 30/33).
Sau hết, cũng nên biết tu học Bát nhã thì sinh ở đâu? Phật đã dạy như sau, trong kinh Đại bát nhã: Sống theo Bát nhã thì từ cõi Phật đến cõi Phật, không tách rời Phật (Chính 8/225). Từ cõi Phật đến cõi Phật, câu ấy có 2 nghĩa. Một, ngay trong đời này mà tu tập Bát nhã là sống trong Bát nhã ấy, nghĩa là sống trong cõi Phật ngay trong cõi đời này, rồi các đời sau cũng tự tiếp tục như vậy. Hai, do sự sống trong cõi Phật ngay trong cõi đời này mà đời sau sinh ra ở đâu cũng nhằm cõi Phật cả, trong có các cõi Phật của đức Di đà và đức Di lạc. Thành thật luận nói, chúng sinh có 4: có người từ chỗ tối đến chỗ tối, có người từ chỗ tối đến chỗ sáng, có người từ chỗ sáng đến chỗ tối, có người từ chỗ sáng đến chỗ sáng. Từ cõi Phật đến cõi Phật là từ chỗ sáng đến chỗ sáng, mà là chỗ sáng nhất.
4. Lược nói Bát nhã và Không của Bát nhã trong Tâm kinh
Mặc dầu Tâm kinh chỉ là 1 bài kinh thuộc bộ Bát nhã, nhưng quả thật có những sự độc đáo rõ rệt, không thể không nói riêng ra. Thêm nữa, tiểu mục này tuy tiêu đề nói về Bát nhã và Không của Bát nhã trong Tâm kinh, nhưng không thể không nói những sự độc đáo của Tâm kinh mà làm nổi bật được 2 điều này.
Sự độc đáo thứ nhất của Tâm kinh là nói về cái Không siêu việt. Nếu có thể nói có cái Không biện chứng và có cái Không siêu việt, thì Tâm kinh biểu thị cái Không siêu việt nhiều hơn.
Cái Không siêu việt là gì? Là cái Không trong cách trình bày thứ Ba của tiểu mục 3. Cái Không ấy là ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt: là siêu việt tư duy và thảo luận, là bất khả tư nghị. Cái Không ấy được Tâm kinh nói là bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Không ấy Pháp hoa và Trung luận gọi là thật tướng, Thiền tông gọi là bản địa phong quang.
Cái Không của Tâm kinh như vậy thì Bát nhã của Tâm kinh phải là vô phân biệt trí, và Thiền tông thì trực hạ thừa dương.
Sự độc đáo thứ hai của Tâm kinh là nói Bát nhã là một bài chú. Hai bản dịch sớm nhất của Tâm kinh là của ngài Chi khiêm, đề Ma ha bát nhã ba la mật chú kinh, và của ngài La thập, đề Ma ha bát nhã ba la mật đại minh chú kinh. Rồi chính bản đối phiên chữ đâu nghĩa đó của ngài Huyền tráng cũng không dịch 4 tên chú mà dịch: Thế nên phải biết bài chú vĩ đại Bát nhã ba la mật (là) bài chú đại minh, bài chú vô thượng, bài chú vô đẳng đẳng (Chính 8/852); nghĩa là Bát nhã được gọi là đại chú: bài chú vĩ đại. Sau hết, quan sát sơ hay kỹ gì cũng thấy rõ ràng Tâm kinh cốt nói Bát nhã là một bài chú: không những câu chú cuối cùng là một bài chú, mà chính văn trước đó cũng là một bài chú, tất cả hiển ngữ và mật ngữ của Tâm kinh toàn là bài chú của Bát nhã.
Sự độc đáo thứ ba của Tâm kinh là đem Bát nhã và Không của Bát nhã làm thành một cảnh ngữ để tu học Bát nhã. Câu mật ngữ của bài chú Bát nhã trong Tâm kinh chính yếu là chữ Yết đế. Theo sự giải thích của ngài Pháp tạng (Chính 33/555), chữ Yết đế ấy dịch là khứ, là độ. Khứ là đi tới đi, độ là vượt qua đi. Đi tới đi, vượt qua đi, chính là không ái, không thủ: là Không, là Bát nhã. Nên đi tới đi hay vượt qua đi là biến Bát nhã và Không của Bát nhã thành một cảnh ngữ trong cuộc sống: phóng hạ tất cả, thoát lạc hết thảy, không vướng mắc, không khiếp sợ, không thác loạn, người tu học Bát nhã sống với bản địa phong quang, chánh kiến và thiện dụng toàn bộ cuộc sống.
5. Lược nói các pháp số trong Tâm kinh
Tâm kinh có các pháp số sau đây: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 12 duyên sinh, 4 đế, 2 chuyển y. Nên lược nói trước ở đây về các pháp số này.
Về 5 uẩn, uẩn cũng gọi là ấm. Nhưng đó là thường đọc. Đọc đúng theo 2 vị đại sư Tịnh ảnh và Khuy cơ thì đọc âm, nghĩa như chữ âm trong chữ âm dương: âm tích, âm tụ. Như vậy âm cũng là uẩn, và có thể đổi chữ mà nói là hợp thể. Năm uẩn chính là thân tâm (và vũ trụ của thân tâm) chúng ta đây. Sắc uẩn bao gồm tất cả vật lý của cơ thể và ngoại cảnh (72B). Thọ uẩn bao gồm tất cả cảm giác của cơ thể và tâm trí. Tưởng uẩn (73) bao gồm tất cả ấn tượng, liên tưởng. Hành uẩn bao gồm tất cả tâm sở khác ngoài 2 tâm sở thọ và tưởng (74). Thức uẩn bao gồm tất cả tâm vương. Như vậy pháp số 5 uẩn thu gọn sắc mà mở rộng tâm.
Về 12 xứ, cũng gọi lục nhập: 6 căn giao tiếp 6 cảnh nên gọi 6 nhập, và 6 nhập, như vậy, tức là 12 xứ. Xứ là sinh xứ: chỗ giúp cho 6 thức phát sinh. Trong 12 xứ, trừ phần tâm của pháp xứ và trừ ý xứ (75), tất cả 10 xứ còn lại và phần sắc của pháp xứ đều là sắc uẩn. Như vậy pháp số 12 xứ thu gọn tâm mà mở rộng sắc.
Về 18 giới, giới ở đây nghĩa là chủng loại: 6 căn, 6 cảnh và 6 thức phân thành từng chủng loại. Từng chủng loại còn được kê nhãn giới, sắc giới và nhãn thức giới, cho đến ý giới, pháp giới và ý thức giới. Như vậy pháp số 18 giới quân bình tương đối về sắc và tâm.
Các pháp số 5 uẩn, 12 xứ và 18 giới hay gọi là 3 khoa. Lại hay nói 5 uẩn phá ngã chấp. Nhưng luận Đại thừa ngũ uẩn nói: Hỏi, vì gì Phật nói uẩn xứ giới? Đáp, vì, theo thứ tự, đối trị 3 thứ ngã chấp: nhất tánh ngã chấp, thọ giả ngã chấp, tác giả ngã chấp (76) (Chính 31/850).
Về 12 duyên sinh, có người nói vốn chỉ có 10. Nói như vậy thì hơi lạ, vì đã có ái với thủ thì làm sao không có vô minh và hành? Duyệt lại A hàm thì thấy pháp số 12 duyên sinh quan trọng không nhỏ, nhất là đối với các vấn đề luân hồi và giải thoát. Biết đúng sự thật về 12 duyên sinh là tuệ giải thoát, hữu ngã cũng biết, vô ngã cũng biết, hữu ngã vô ngã cũng biết, phi hữu ngã phi vô ngã cũng biết; như lai hữu chung cũng biết, như lai vô chung cũng biết, như lai hữu chung vô chung cũng biết, như lai phi hữu chung phi vô chung cũng biết (Trường, Chính 1/61). Nhưng biết chứ không phải ký (ghi nhận), và vì sao không ký thì Phật đã nói rõ trong Trung a hàm và Trường a hàm (Chính 1/804 và 111).
Về 4 đế thì đế chính là chân lý. Xét ra 4 đế mới thật đặc hữu của Phật giáo từ danh đến nghĩa. Nên 4 đế cực kỳ đơn giản mà cũng cực kỳ bao la. Cứ nhìn mục lục của những đại tác như Thành thật luận hay Câu xá luận, thấy chỉ nói về 4 đế, cũng đủ biết đặc tính ấy.
Về 2 chuyển y là đại niết bàn và đại bồ đề. Gồm cả 2 chuyển y thì gọi là Phật quả. Cả 2 chuyển y đều là kết quả của Bát nhã.
Đại niết bàn là tánh tịnh niết bàn (chân như bản lai thanh tịnh), hữu dư niết bàn (chân như xuất phiền não chướng), vô dư niết bàn (chân như xuất sinh tử khổ) (77), vô trú niết bàn (chân như xuất sở tri chướng). Vô trú niết bàn được đại bi đại trí vĩnh viễn phụ dực nên không ở sinh tử không ở niết bàn (78) , lợi lạc chúng sinh, tận cùng vị lai dụng mà thường tịch (Thành duy thức, Chính 31/55).
Đại bồ đề là đại viên cảnh trí (chuyển đệ bát thức), bình đẳng tánh trí (chuyển đệ thất thức), diệu quán sát trí (chuyển đệ lục thức), thành sở tác trí (chuyển tiền ngũ thức) (Thành duy thức, Chính 31/56 và 57). Bốn trí này phối nhiếp 3 thân, nên đại bồ đề có chỗ nói về 3 thân (Nhiếp luận, Chính 31/149).
Điều nên nói thừa ở đây, là trong A hàm, niết bàn là gì thì có vẻ diễn tả bằng sự không diễn tả. Đến đại thừa thì, như trên, nói rất minh bạch, và minh bạch nhất là vô trú niết bàn.
6. Thử hội dịch Tâm kinh
Khởi sự từ năm 223 cho đến năm 980, và sau đó vẫn còn, Tâm kinh có khá nhiều bản dịch, và hiện còn khá đủ, nằm trong Chính 8/847-852 (và ở chỗ khác nữa). Nay tôi căn cứ những bản dịch ấy, nhất là căn cứ đoạn văn mà tôi thấy là xuất xứ của Tâm kinh (Chính 8/223 và 5/22), bắt chước người xưa, thử làm một bản hội dịch như dưới đây. Và đây là những chữ tắt ghi trong bản hội dịch ấy.
Xx : xuất xứ của Tâm kinh.
Đb : định bản Tâm kinh, ngài Huyền tráng dịch.
Đp : đối dịch chữ đâu nghĩa đó, cũng ngài Huyền tráng dịch.
Td : bản dịch của ngài La thập.
Hd : bản dịch của ngài Thi hộ.
Pd : bản dịch của ngài Pháp thành.
nb : nhiều bản dịch.
Ts : lược sớ của ngài Pháp tạng.
bt : bổ túc của tôi.
Đây là bản hội dịch Tâm kinh:
Bài kinh
Tinh túy của thần chú đại bát nhã (Td, Đb), mẹ sinh các vị toàn giác (nb).
Tôi nghe như vầy :
Một thời đức Thế tôn cùng các vị đại tỷ kheo và đại bồ tát ở trong đỉnh Linh sơn, thuộc thành Vương xá. Đại bồ tát Quan tự tại cũng hiện diện trong đại hội này. Ngài là vị đại bồ tát đã đi (Hd) vào Bát nhã toàn hảo, soi thấy 5 hợp thể đều Không (nb).
Ngài nói, tôn giả Thu tử (nb), như trong kinh Đại bát nhã, đức Thế tôn đã dạy cho tôn giả, rằng (bt) Thu tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy. Thu tử, không ấy của các pháp không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt (nb), không quá khứ, không vị lai, không hiện tại (Xx, Td). Thế nên trong Không không sắc thọ tưởng hành thức, không nhãn nhĩ tĩ thiệt thân ý, không sắc thanh hương vị xúc pháp, không nhãn giới cho đến không ý thức giới, không vô minh và sự diệt tận của vô minh, cho đến không lão tử và sự diệt tận của lão tử, không khổ tập diệt đạo, không quán trí, không thủ đắc (Xx, nb).
Tôn giả Thu tử, vì không thủ đắc (nb) nên Bồ tát y theo Bát nhã toàn hảo thì tâm không bị chướng ngại, không bị chướng ngại thì không khiếp sợ, siêu thoát mộng tưởng thác loạn, cứu cánh niết bàn (nb); lại vì không thủ đắc nên (bt) Phật đà cả ba thì gian y theo Bát nhã toàn hảo thì được vô thượng bồ đề (nb). Tôn giả Thu tử, do đó mà biết Bát nhã toàn hảo là thần chú vĩ đại: (Đp, Pd) thần chú rất sáng chói, thần chú tối thượng, thần chú tuyệt bậc mà đồng bậc, trừ được hết thảy khổ não, chắc thật, không hư ngụy. Nên tôi tuyên thuyết thần chú Bát nhã toàn hảo: (nb) Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, vượt qua bên kia hoàn toàn: vượt qua tuệ giác vô thượng. Mau chóng thành tựu như vậy! (Ts). Tôn giả Thu tử, tu học thần chú này là tu học Bát nhã toàn hảo (Hd).
Bấy giờ đức Thế tôn tán dương đại bồ tát Quan tự tại, tốt lắm, đúng như lời đại bồ tát nói. Đối với Bát nhã toàn hảo, hãy tu học như vậy. Tu học như vậy thì chư vị Như lai đều hoan hỷ. Nghe đức Thế tôn dạy như vậy, tất cả 4 chúng và 8 bộ đề rất hoan hỷ, tín thọ và phụng hành (nb).
Ghi chú :
Do đó mà biết Bát nhã toàn hảo là thần chú vĩ đại: thần chú rất sáng chói ... Câu này cũng có thể dịch: Do đó mà biết thần chú vĩ đại Bát nhã toàn hảo là thần chú rất sáng chói... Lại có thể dịch: Do đó mà biết Bát nhã toàn hảo, thần chú vĩ đại ấy là thần chú rất sáng chói...
Phần hai : Lược giải Tâm kinh
Trước hết, dưới đây là những chữ gọi tắt những tài liệu dùng trong phần lược giải này.
Xuất xứ: một đoạn văn của kinh Đại bát nhã (Chính 8/223 và 5/22).
Khiêm dịch: bản dịch của ngài Chi khiêm (đã mất, chỉ còn đầu đề).
Thập dịch: bản dịch của ngài La thập (Chính 8/847).
Đối phiên: bản dịch chữ đâu nghĩa đó của ngài Huyền tráng (Chính 8/851).
Hộ dịch: bản dịch của ngài Thi hộ (Chính 8/852).
Lược giải Tâm kinh bằng 3 tiết: tiết 1 lược giải đầu đề, tiết 2 lược giải chính văn, tiết 3 viết tắt lại Tâm kinh.
Tiết 1: Lược giải đầu đề
Bài kinh
Tinh túy của đại bát nhã
Hoa văn đầu đề Tâm kinh là Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh, dịch đủ là bài kinh (kinh) nói về tinh túy (tâm) của đại trí độ (ma ha bát nhã ba la mật đa).
Nhưng tôi ngờ tâm là chú tâm (tinh túy của thần chú) (79). Nếu ngờ như vậy là đúng thì đầu đề Tâm kinh có thể thêm như sau: Ma ha bát nhã ba la mật đa chú tâm kinh, bài kinh nói về tinh túy của thần chú đại trí độ. Rất rõ ràng Tâm kinh cốt nói về thần chú Bát nhã, cốt nói Bát nhã là thần chú, nên đầu đề có thể theo 2 bản Khiêm dịch và Thập dịch mà thêm như vậy.
Tiết 2: Lược giải chính văn
Chính văn Tâm kinh có thể chia làm 3 mục: mục 1 mở đầu, mục 2 nói về Bát nhã, mục 3 nói về thần chú Bát nhã.
Mục 1: Mở đầu
Quan tự tại đại bồ tát đã đi vào Bát nhã ba la mật đa sâu xa, soi thấy năm uẩn đều không, vượt mọi khổ ách.
Quan tự tại là đức Quan âm. Hoa nghiêm sớ sao nói Bà lô chỉ đế dịch Quan, Thấp phạt ra dịch Tự tại, Nhiếp phạt ra dịch Âm; Phạn bản tự có 2 tiếng nên dịch ra khác nhau (Vạn 11/291B) (80) .
Đại bồ tát sát chính văn thì chỉ là bồ tát. Nhưng bồ tát là danh từ gọi chung tất cả bồ tát, từ thấp đến cao. Còn đại bồ tát thì gọi các vị như đức Quan âm ở đây, nên tôi lấy chữ của một số bản dịch khác mà bổ túc.
Đã đi vào, sát chính văn thì chỉ nói đi. Nhưng nói đã đi thì đúng hơn. Không có chữ đã thì có vẻ chỉ khi nói Tâm kinh, đức Quan âm mới đi vào, hay tệ hơn nữa mới bắt đầu đi vào Bát nhã. Nên tôi lấy chữ của Hộ dịch mà dịch. Hộ dịch nói rõ dĩ năng tu hành (Chính 8/852).
Bát nhã ba la mật đa sâu xa là Bát nhã đại ba la mật, thuộc vô số kiếp thứ ba.
Thấy năm uẩn là thấy tất cả các pháp qua pháp số 5 uẩn, hơn nữa, 5 uẩn nói sát thân tâm và thế giới của thân tâm chúng ta đây.
Đều không, đúng ra phải dịch ‘đều là Không’, và Không ở đây là thật tướng không, cái không siêu việt mà mục 2 sẽ nói.
Vượt mọi khổ ách là câu mà chính bản Đối phiên không có, cũng như một số bản dịch khác không có. Không có thì già dặn và đầy đủ hơn, bởi vì cắt nghĩa chữ khổ ách sâu rộng đến mấy, Bát nhã cũng không phải chỉ vượt qua khổ ách mà thôi.
Trọn lời mở đầu trên đây có thể viết tắt lại như sau: Đại bồ tát Quan tự tại đã thâm nhập đại bát nhã, thấy tất cả các pháp toàn là Không.
Mục 2: Nói về Bát nhã
Mục này có 2 đoạn: đoạn 1 nói về Bát nhã, đoạn 2 nói về đại dụng của Bát nhã.
Đoạn 1: Nói về Bát nhã
Ngài nói, tôn giả Thu tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy. Tôn giả Thu tử, Không ấy của các pháp không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Thế nên trong Không không sắc thọ tưởng hành thức, không nhãn nhĩ tĩ thiệt thân ý, không sắc thanh hương vị xúc pháp, không nhãn giới cho đến không ý thức giới, không vô minh và sự diệt tận của vô minh, cho đến không lão tử và sự diệt tận của lão tử, không khổ tập diệt đạo, không quán trí, không thủ đắc, vì không thủ đắc gì cả.
Ngài nói là chữ bổ túc. Đáng lẽ còn bổ túc thêm nữa: ‘Ngài nói, tôn giả Thu tử’; như trong kinh Đại bát nhã, ‘đức Thế tôn đã dạy cho tôn giả, rằng’. Đáng lẽ phải bổ túc thêm như vậy, vì trọn đoạn chính văn trên đây gần như sao lại Xuất xứ.
Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy. Câu này có thể viết tắt lại mà đủ hơn, như sau: ‘Các pháp chẳng khác không, không chẳng khác các pháp; các pháp tức là không, không tức là các pháp’. Và không đây là thật tướng không, được nói ngay sau câu này. Nên câu này lấy câu đương xứ tiện thị của Thiền tông mà giải thích thì tuyệt hảo.
Không ấy của các pháp, sát thì phải dịch: ‘Không của các pháp ấy’.
Không ấy của các pháp không sinh không diệt, không nhớp không sạch, không thêm không bớt, Xuất xứ và Thập dịch còn có ‘không quá khứ, không vị lai, không hiện tại’.
Không sinh không diệt là không khái niệm phát sinh với không khái niệm tiêu diệt, không dơ không sạch là không khái niệm thanh khiết với không khái niệm dơ bẩn, không thêm không bớt là không khái niệm thêm lên với không khái niệm bớt đi (81); không quá khứ, không vị lai, không hiện tại (82) thì có 2: không quá khứ không hiện tại là không khái niệm đã mất với không khái niệm đang còn, không vị lai không hiện tại là không khái niệm sẽ có với không khái niệm đang có. Một số phạm trù đủ cả không gian thì gian này tiêu biểu cho những khái niệm đối kháng nhau, và những khái niệm như vậy được gọi là thủ đắc: là ngã chấp pháp chấp.
Nói ‘không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt (và không quá khứ, không vị lai, không hiện tại)’ là nói thật tướng không: thật tướng của các pháp siêu việt những khái niệm như vậy. Thực chất cái biết của chúng ta chỉ là sự hình thành của những khái niệm như vậy nên gọi là ngã chấp, pháp chấp; còn Bát nhã là tuệ giác siêu việt cái biết ấy nên gọi là không. Bất nhị pháp môn của kinh Duy ma là nói về tuệ giác này đây. Và câu chính văn trên đã mở đầu và làm căn bản cho danh tác Trung luận.
Câu chính văn tiếp theo có thể viết tắt như sau: Thế nên trong Không không 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, không 12 duyên sinh và sự diệt tận của 12 duyên sinh, không 4 đế, không quán trí, không thủ đắc, vì không thủ đắc gì cả. Câu này có nghĩa là trong sự soi sáng của thật tướng không thì không có các pháp qua sự thủ đắc theo những khái niệm đối kháng nhau: không có các pháp qua ngã chấp, pháp chấp. Tại sao? Câu ‘vì không thủ đắc gì cả’ là nói lý do: vì thật tướng không là không thủ đắc theo những khái niệm ấy, là không ngã chấp, pháp chấp.
Không quán trí là không có sự hiện quán, quán các pháp trên. Không thủ đắc là không có sự thu hoạch của sự hiện quán. Sự thu hoạch của hiện quán là các Thánh quả, nên Xuất xứ nói rõ: “... không quán trí, không thủ đắc: không Tu đà hoàn và tuệ giác Tu đà hoàn, không Tư đà hàm và tuệ giác Tư đà hàm, không A na hàm và tuệ giác A na hàm, không A la hán và tuệ giác A la hán, không Duyên giác và tuệ giác Duyên giác, không Phật đà và tuệ giác Phật đà.”
Trọn đoạn chính văn đoạn 1 trên đây có thể viết tắt như sau: Các pháp là không, không là các pháp; Không ấy là không sinh diệt, dơ sạch, thêm bớt ... Thế nên nơi Không không 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, không 12 duyên sinh, không 4 đế, không quán trí, không thủ đắc, vì không thủ đắc gì cả.
Trọn đoạn chính văn này nên lược giải bằng sự ví dụ của Duy thức học: con rắn là thấy lầm sợi giây, biết đích là sợi giây thì không còn con rắn. Lại nên lược giải bằng lời Phật nói sau đây, trong kinh Pháp hoa: Như lai đúng như sự thật của 3 cõi mà thấy 3 cõi là không: không sinh không chết, không lui mất không hiện ra, không tồn tại không nhập diệt, không thật không giả, không như nhau không khác nhau. Không như chúng sinh 3 cõi nhìn thấy 3 cõi; 3 cõi như vậy Như lai nhìn thấy rõ ràng, không có lầm lẫn.
Đoạn 2: Nói về đại dụng của Bát nhã
Bồ tát vì y theo Bát nhã ba la mật đa nên tâm không bị chướng ngại, vì không bị chướng ngại nên không khiếp sợ, siêu thoát mộng tưởng thác loạn, cứu cánh niết bàn. Phật đà cả ba thì gian vì y theo Bát nhã ba la mật đa nên được vô thượng bồ đề.
Có một việc nên nói trước khi lược giải đoạn này. Ấy là vị trí của câu dĩ vô sở đắc cố. Khuy cơ đại sư (83) đã đặt câu ấy vào cuối đoạn trên, nói câu ấy giải thích tất cả chữ vô ở trên nó (Chính 33/540). Nhìn vào chính văn, thấy cách sử dụng chữ cố của ngài Huyền tráng thì không thể không đồng ý với Khuy cơ đại sư. Vì nếu đặt câu ‘dĩ vô sở đắc cố’ vào đầu đoạn này thì hiểu và dịch chữ cố sẽ rất bất ổn: Vì không thủ đắc nên vì bồ tát y theo Bát nhã nên tâm không bị chướng ngại, vì không bị chướng ngại nên không khiếp sợ ... Về ý nghĩa, nếu đặt câu ‘dĩ vô sở đắc cố’ vào đầu đoạn này thì chỉ là lặp lại sự không thủ đắc mà thôi, không có ý nghĩa như đã giải thích. Nhưng ý nghĩa như đã giải thích thì rất quan trọng. Cũng có thể giải thích sự không thủ đắc sao cho thích hợp để, như một số bản dịch khác, đặt câu dĩ vô sở đắc cố vào đầu đoạn này, rồi phải chuyển văn mà dịch, như sau: vì không thủ đắc nên Bồ tát y theo Bát nhã thì tâm không bị chướng ngại ... (Lại vì không thủ đắc nên) Phật đà cả ba thì gian y theo Bát nhã thì được vô thượng bồ đề.
Bây giờ lược giải đoạn chính văn trên. Trong đoạn ấy nói không bị chướng ngại, không khiếp sợ, siêu thoát mộng tưởng thác loạn, vậy nên biết chướng ngại, khiếp sợ và mộng tưởng thác loạn ở đây, của Bồ tát, là gì?
Chướng ngại (84) ở đây là phiền não chướng và sở tri chướng (85), 2 trọng chướng này là chướng ngại cho 2 chuyển y là đại niết bàn và đại bồ đề. Phiền não chướng và sở tri chướng là ngã chấp pháp chấp: là sự thủ đắc những khái niệm đối kháng nhau. Chướng ngại như vậy tạo ra sự khiếp sợ và sự mộng tưởng thác loạn sau đây.
Khiếp sợ (86) ở đây là như Tăng a hàm nói, chúng sinh sợ sự không đáng sợ là sợ vô ngã và vô ngã sở (Chính 2/16). Khiếp sợ mà như vậy thì không những bằng bản năng mà còn bằng chính nhận thức.
Mộng tưởng thác loạn ở đây là ảo tưởng thác loạn, tưởng các hành phi thường lạc ngã tịnh là thường lạc ngã tịnh, tưởng niết bàn thường lạc ngã tịnh là phi thường lạc ngã tịnh. Mộng tưởng thác loạn còn là ảo tượng thác loạn, ấy là sự sinh tử phi thường lạc ngã tịnh, được có bởi chính ảo tưởng thác loạn. Lược giải mộng tưởng thác loạn như vậy là diễn tả cách giải thích của đại sư Khuy cơ (Chính 33/541) (87).
Chư bồ tát tu học Bát nhã thì sự chướng ngại 2 chuyển y là 2 trọng chướng, và sự khiếp sợ cùng sự mộng tưởng thác loạn của 2 trọng chướng ấy, đều bị hủy diệt. Cũng phải nói thêm rằng, tu học Bát nhã dầu chưa có sức, oai thần của Bát nhã vẫn chế ngự được những nguy khốn như đã được thấy chính trong sử truyện của ngài Huyền tráng (88).
Trọn đoạn Bồ tát vì y theo ... được vô thượng bồ đề, có nghĩa các vị Bồ tát, tức các đức Phật vị lai, cũng y như các đức Phật quá khứ và hiện tại, do tu học Bát nhã, tiêu dung 2 trọng chướng mà thành đạt 2 chuyển y. Lời này vừa lược giải vừa lược dịch về đoạn chính văn này. Lời này còn để thấy đoạn chính văn này nói là nói như vậy, chứ không phải nói Bồ tát y theo Bát nhã thì chỉ được đại niết bàn, còn Phật đà y theo Bát nhã thì chỉ được đại bồ đề.
Mục 3: Nói về thần chú Bát nhã
Do đó mà biết Bát nhã ba la mật đa là bài chú rất thần diệu: bài chú rất sáng chói, bài chú tối thượng, bài chú tuyệt bậc mà đồng bậc, trừ được hết thảy khổ não, chắc thật, không hư ngụy. Nên tôi nói chú Bát nhã ba la mật đa. Ngài liền nói chú ấy: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha.
Đoạn chính văn này, căn cứ bản Đối phiên và một số bản dịch khác, thấy ngài Huyền tráng đã chuyển văn mà dịch thần chú Bát nhã có 4 tên. Xin dịch lại như sau để thấy sự chuyển văn ấy: Thế nên phải biết bài chú vĩ đại Bát nhã ba la mật đa (là) bài chú rất sáng chói, bài chú tối thượng, bài chú tuyệt bậc mà đồng bậc.
Tuyệt bậc mà đồng bậc, chính văn là vô đẳng đẳng. Từ ngữ này tôn xưng Phật và pháp của Phật (như Bát nhã ở đây), và thường được dịch: không bậc nào (vô đẳng) sánh bằng (đẳng); hoặc sánh bằng (đẳng) với bậc không thể sánh bằng (vô đẳng), nói cách khác là đồng bậc với tuyệt bậc. Nhưng nói gì đi nữa, vô đẳng đẳng mà cắt nghĩa như vậy thì chỉ là nghĩa tối thượng, không có gì đặc thù cả. Bồ tát Thế thân, trong Thập địa kinh luận, cắt nghĩa như sau: Vô đẳng là Phật sánh với chúng sinh thì chúng sinh không đồng đẳng với Phật, còn Đẳng là Phật với chúng sinh thì pháp thân đồng đẳng. Tại sao không chỉ nói vô đẳng (mà còn nói đẳng)? Là vì biểu thị đồng đẳng chánh giác (pháp thân) (Chính 26/132). Như vậy Bát nhã cũng vừa là tuyệt bậc vì tuệ giác khác không thể sánh bằng, vừa là đồng bậc vì Bát nhã ai cũng có và có thể thực hiện. Bài chú Bát nhã cũng vậy; bài chú ấy vừa là tuyệt bậc vì bài chú khác không thể sánh bằng, vừa là đồng bậc vì bài chú ấy ai cũng có thể tu học.
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha. Câu mật ngữ này, căn cứ sự giải thích của ngài Pháp tạng (Chính 33/555), có thể dịch như sau: Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, vượt qua bên kia hoàn toàn: vượt qua tuệ giác vô thượng. Mau chóng thành tựu như vậy!
Câu mật ngữ ở đây, với hiển ngữ ở trên, phối hợp với nhau làm cho Tâm kinh thành 1 bài chú Bát nhã, và rõ ràng Tâm kinh cốt nói Bát nhã là 1 bài chú tâm.
Tiết 3: Viết tắt lại Tâm kinh
Tâm kinh có thể và cần phải viết tắt lại, như sau.
Bài kinh
Tinh túy của đại bát nhã.
Đại bồ tát Quan tự tại đã thâm nhập đại bát nhã, thấy các pháp là Không. Ngài nói, tôn giả Thu tử, các pháp là không, không là các pháp. Không ấy không sinh diệt, dơ sạch, thêm bớt ... Thế nên nơi Không không 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, không 12 duyên sinh và sự diệt tận của 12 duyên sinh, không 4 đế, không quán trí, không thủ đắc, vì không thủ đắc gì cả. Chư vị Bồ tát và chư vị Phật đà vì y theo bát nhã nên cứu cánh niết bàn và thành tựu bồ đề. Do đó mà biết bát nhã là thần chú vĩ đại - thần chú sáng chói, thần chú tối thượng, thần chú tuyệt bậc mà đồng bậc. Nên tôi nói thần chú bát nhã: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha.
Ghi Chú
Ghi Chú (66)
Không thể nào học như ngài Huyền tráng mà đến lúc này vẫn chưa biết Tâm kinh không qua bản dịch của ngài Chi khiêm thì cũng qua bản dịch của ngài La thập. Nói dị nhân truyền thọ có thể chỉ là giới thiệu và đề cao Tâm kinh, và đọc cho ngài học Phạn bản của Tâm kinh ấy. Nhưng Phạn bản mà ngài Huyền tráng dịch chắc chắn phải là bản mà ngài tìm ra khi đến học ở Ấn độ, bởi vì 1 bài kinh đã cứu độ cho ngài đến như sử truyện của ngài đã ghi thì không thể nào ngài không tìm cho ra Phạn bản, và việc tìm ấy chắc chắn không khó.
Ghi Chú (67)
Có 1 bài gọi là tựa của bản đối phiên Tâm kinh. Bài ấy cũng ghi ngài Huyền tráng được sự cứu độ như thế nào của đức Quan âm và của bài Tâm kinh do đức Quan âm tuyên thuyết, nhưng ghi không sát với sử truyện của ngài Huyền tráng, tình lý lại kém xa.
Ghi Chú (68)
Tu bồ đề là vị chuyên tu về Không. Ngài từng nói, các pháp sinh nhau, các pháp dựa nhau, các pháp động nhau, các pháp loạn nhau, các pháp trị nhau, tất cả toàn là Không, không ngã nhân, không nam nữ ... (Tăng, Chính 2/575). Ngài xét về Không mà được Phật khen là người lạy Phật trước hết (Tăng, Chính 2/708). Thế nhưng thực sự không phải chỉ ngài Tu bồ đề chuyên tu về Không. Ngài Xá lợi phất cũng là vị chuyên tu như vậy (Tăng, chính 2/773 và 795). Và kỳ lạ là ngài Câu hy la, cậu ngài Xá lợi phất, có biệt danh Trường trảo phạn chí. Nói về Không một cách biện chứng chính là ngài này (Tạp, Chính 2/81). Khi mới gặp Phật, ngài thưa con không chấp nhận mọi sự thấy biết, Phật hỏi liền, thế ông có chấp nhận cái không chấp nhận ấy không, ông nói không. Phật khen ngợi là đã rời bỏ, đã giải thoát ... Ngài Xá lợi phất lúc ấy thọ cụ túc giới mới được nửa tháng, đang quạt hầu Phật, nghe như thế mà được tâm giải thoát (Tạp, chính 2/249). Nên bồ tát Long thọ đã nói, chính Phật muốn thỏa mãn những người như Trường trảo phạn chí mà nói Bát nhã (Đại trí độ, Chính 30/61).
Ghi Chú (69)
Chính 33/524.
Ghi Chú (70)
Ngoài pháp số 6 ba la mật, còn có pháp số 10 ba la mật: ngoài 6 thứ còn thêm 4 thứ nữa, đó là phương tiện, nguyện, lực, trí, và toàn là chi tiết của Bát nhã phần hậu đắc (Nhiếp luận, Chính 31/146; Giải thâm mật, Chính 16/705).
Ghi Chú (71)
Nguyên ngữ là thử hữu cố bỉ hữu, thử sinh cố bỉ sinh, là chỉ nói sự tương quan của 12 duyên sinh, và 12 duyên sinh cốt nói có nghiệp và nghiệp báo mà không có tác giả. Nói 2 câu này câu thì nói tính cách không gian của duyên sinh, câu thì nói tính cách thì gian của duyên sinh, chỉ là cách nói suy diễn. Nếu nói 2 tính cách này thì 12 duyên sinh có tính cách thì gian nhiều hơn. Sau này, duyên sinh tiến lên nói 4 duyên (nhân duyên, tăng thượng duyên, sở duyên duyên, đẳng vô gián duyên). Tuy chỉ 4 duyên nhưng nói đủ hơn về các duyên và về các duyên của tất cả các pháp. Sau này nữa duyên sinh chỉ nói trùng trùng duyên sinh, nhưng nói đủ và rộng nhất về sự tương quan của tất cả các pháp.
Ghi Chú (72)
Hý luận, nghĩa đen là bàn chơi, ở đây chỉ cho những chủ thuyết phản ảnh những phạm trù đối kháng lẫn nhau.
Ghi Chú (72B)
Nói chính xác thì sắc uẩn là cảm giác khách quan hóa.
Ghi Chú (73)
Tưởng ở đây không phải tưởng trong tình tưởng của kinh Lăng nghiêm.
Ghi Chú (74)
Duy thức nói còn bao gồm bất tương ưng hành pháp.
Ghi Chú (75)
Tiểu thừa chưa biết ý xứ là đệ thất thức. Ở đó chỉ lấy cái "tiền niệm vô gián diệt" của chính ý thức mà làm ý căn. Duy thức bác bỏ, nói tiền niệm vô gián diệt là đẳng vô gián duyên, không phải là tăng thượng duyên, mà căn thì phải là tăng thượng duyên.
Ghi Chú (76)
Chưa tìm thấy giải thích. Dưới đây là tạm giải thích theo chữ nghĩa được suy luận riêng: Nhất tánh ngã chấp: chấp tự ngã là duy nhất và thực tại. Thọ giả ngã chấp: chấp tự ngã là chủ thể của sự hưởng chịu kết quả. Tác giả ngã chấp: chấp tự ngã là chủ thể của sự tạo tác hành vi.
Ghi Chú (77)
Nói bằng từ ngữ khác, hữu dư niết bàn là chân như do diệt tận tập đế mà hiển lộ, vô dư niết bàn là chân như do diệt tận khổ đế mà hiển lộ (Khuy cơ, Chính 33/541). Thế nhưng hữu dư niết bàn và vô dư niết bàn có lẽ vốn rất giản dị: diệt 5 hạ phần kiết, không còn trở lại đây nữa là hữu dư niết bàn, diệt hữu lậu, không còn thọ hậu hữu nữa là vô dư niết bàn (lược dịch Tăng, Chính 2/579).
Ghi Chú (78)
Nhiếp luận nói vô trú niết bàn bỏ tạp nhiễm mà không bỏ sinh tử (Chính 31/148).
Ghi Chú (79)
Phật học đại từ điển nói, chú tâm, chữ tâm ấy cũng như chữ tâm trong đầu đề Bát nhã tâm kinh, có nghĩa là tinh túy, cốt yếu: tinh túy cốt yếu của thần chú nên gọi là chú tâm.
Ghi Chú (80)
Một vài vị đệ tử của chính ngài Huyền tráng cho rằng Quan tự tại cũng có thể không viết hoa, không phải tên người, mà là từ ngữ gọi các vị đã thành tựu sự quan tự tại. Nhưng ý kiến này không có ai quan tâm.
Ghi Chú (81
Không thêm lên với không bớt đi: không khẳng định với không phủ định.
Ghi Chú (82)
Về 3 thì gian, thông thường nói quá khứ hiện tại vị lai, nhưng cách nói theo học lý thì vị lai hiện tại quá khứ: chưa có nhưng sẽ có là vị lai, có rồi mà đang còn là hiện tại, đang còn rồi mất đi là quá khứ, và đó là nói một giai đoạn, của bất cứ pháp gì. Rồi sự mất đi của giai đoạn này chính là sự sẽ có của giai đoạn kế tiếp, và các pháp cứ như thế mà diễn tiến
Ghi Chú (83)
Ngài là đệ tử đắc truyền của ngài Huyền tráng, giải thích Tâm kinh bằng bản Tâm kinh u tán (Chính 33/523-552), mở đầu với lời này: Tôi y theo sự truyền dạy (cuả thầy tôi) trước đây mà tán dương tóm tắt đối với nghĩa lý trung đạo (Không) (Chính 33/523). Ngài phân chính văn Tâm kinh làm 3 phần. Trong 3 phần ấy, phần hai mở đầu từ câu "tôn giả Thu tử" và chấm dứt ở câu "vì không thủ đắc gì cả". Ý kiến ấy, đồng thời với ngài đã có người đồng ý, ví dụ như ngài Tuệ tịnh (Vạn 41/211B), sau ngài vẫn có người đồng ý, ví dụ như ngài Trí húc (Vạn 41/471A).
Ghi Chú (84)
Chướng ngại, chính văn là quái ngại. Chữ quái vốn viết bô mịch, rồi bộ thủ, trước khi viết bộ võng. Quái ngại là bị vướng mắc, bị xiết, bị ngăn cản, nên ngài Khuy cơ nói quái là chướng (Chính 33/541). Người Anh dịch là cái vỏ che đậy tư tưởng. Trước đây tôi đã dịch nhẹ nhàng là vướng mắc, nay chữa cho sát là chướng ngại.
Ghi Chú (85)
Nghiệp quả thiếu phước hay vô phước, làm cho sự tu hành bị bao nhiều trở lực, nhất là trở lực xuất từ chính bản thân, cũng là những chướng ngại chi tiết của 2 trọng chướng. Bao nhiêu tại nạn bình thường hay ngang trái cũng vậy.
Ghi Chú (86)
Khiếp sợ vô ngã vô ngã sở là gốc. Từ gốc này, nghĩa là từ chấp ngã và chấp ngã sở mà còn, như ngài Khuy cơ giải thích, sợ không có phương tiện để sống, sợ tiếng xấu, sợ chết, sợ đường dữ, sợ oai công chúng hay cá nhân (Chính 33/541).
Ghi Chú (87)
Sự chướng ngại, cùng 2 sự khiếp sợ và mộng tưởng thác loạn của sự chướng ngại, cũng có thể nói giản dị hơn, trong bước đầu tu học Bát nhã. Nhưng sự giản dị nào cũng chỉ là chi tiết của 2 trọng chướng. Còn 2 trọng chướng thì phải nói ở đây, vì ở đây nói Bồ tát tu học Bát nhã, nói chướng ngại của 2 chuyển y.
Ghi Chú (88)
Oai linh của Bát nhã, hãy tạm coi Đại bát nhã. Ở đó nói, do Vạn 41/468A-470A trích dẫn, và tôi trích yếu như sau: Thiện nam hay thiện nữ nào đối với Bát nhã mà hết lòng lắng nghe, tiếp nhận, ghi nhớ, học đọc, tụng thuộc, tinh tiến thực hành, tư duy đúng lý, sao chép, diễn giảng, truyền bá rộng rãi, thì ngay đời này không bị thuốc độc tác hại, khí giới tổn thương, không bị lửa cháy, nước chìm, cho đến không bị bốn trăm lẻ bốn loại bịnh làm cho chết yểu, trừ ra bị vì định nghiệp đời trước. Quan quyền hay giặc thù bức bách mà chí tâm tụng niệm Bát nhã thì đến chỗ họ, họ cũng không hành hung. Oai linh của bát nhã tự làm ra như vậy ... Tụng niệm Bát nhã thì ... không sa vào 3 đường dữ, trừ ra phát nguyện vào đó mà tác thành chúng sinh; sinh ra ở đâu cũng đủ các giác quan, cơ thể không bị mọi thứ khuyết tật, không bao giờ sinh vào những nhà nghèo nàn, hèn hạ, thợ thịt, kẻ chài, thợ săn, trộm cướp, cai ngục, dọn quét phân rác và xác chết, đao phủ thủ ... Sinh ra ở đâu cũng không làm ác ..., mà lại tác thành chúng sinh, trang hoàng thế giới ... Ở đâu cũng không bị tổn hại bởi loài người và loài khác.
(Lược giải Tâm kinh ở trên được trích từ sách:
Hai Thời Công Phu - HT. Thích Trí Quang dịch giải)