Khảo luận về tác giả, niên đại và truyền bản

23/02/20164:00 SA(Xem: 4055)
Khảo luận về tác giả, niên đại và truyền bản

KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG
ĐỐI CHIẾU & NHẬN ĐỊNH
THÍCH CHÚC PHÚ 

Nhà xuất bản : Hồng Đức 2014

KHẢO LUẬN VỀ
tác giả, niên đại và truyền bản

Trong kho tàng kinh điển Hán tạng, kinh Tứ thập nhị chương là một trường hợp đặc biệt, ẩn chứa nhiều giai thoại liên quan đến lịch sử du nhập cũng như quá trình phát triển của Phật giáo tại Trung Hoa và ngay cả Việt Nam. Với những quốc giasử dụng kinh điển Phật giáo chữ Hán, thì kinh Tứ thập nhị chương là một bản kinh được nhiều giới Phật học quan tâm nghiên cứu, tạo nên nhiều dị bản cùng song hành, tồn tại. Đi tìm bối cảnh ra đời, tác giả, niên đại cũng như các truyền bản kinh Tứ thập nhị chương là chủ đích của bài khảo luận này.
1. Về tác giả và niên đại xuất hiện
Các bản kinh Tứ thập nhị chương hiện đang lưu hành đều ghi rằng, kinh Tứ thập nhị chương do Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan cùng dịch. Cơ sở của thông tin này dựa vào đâu và thông tin đó xác thực đến mức độ nào?
1.1. Về hai ngài Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan
Theo Xuất Tam tạng ký tập
Trong Bài tựa Kinh Tứ thập nhị chương nằm trong Xuất Tam tạng ký tập, quyển sáu1, thì phái đoàn cầu pháp đã sang Đại Nguyệt Chi, trích tuyển được kinh Tứ thập nhị chương và sau đó đựng trong 14 chiếc hòm bằng đá. Bài tựa Kinh Tứ thập nhị chương 7
không xác định ai là người đã trích tuyển và không đề cập đến danh tánh hai ngài Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan.
Tuy nhiên, trong quyển thứ hai của Xuất Tam tạng ký tập đã cho rằng, phái đoàn cầu pháp: Vừa đến nước Đại Nguyệt Chi, thì gặp Sa-môn Trúc Ma-đằng, dịch rồi sao chép kinh này và trở về Lạc Dương, cất giữ trong gian thạch thất thứ 14 của lầu Ngự sử2.
Theo Lịch đại Tam bảo ký
Trong quyển bốn, Ca-diếp Ma-đằng còn có tên là Trúc Nhiếp Ma-đằng hoặc Nhiếp Ma-đằng, là người dịch kinh Tứ thập nhị chương ở chùa Bạch Mã.
Tuy nhiên, cũng trong quyển này, ở phần sau, khi nói về Tôn giả Trúc Pháp Lan, tác phẩm này cho rằng: Vào đời Minh Đế, lúc đầu tiên, Trúc Pháp Lan đã cùng Ca-diếp Ma-đằng cùng dịch kinh Tứ thập nhị chương, tuy nhiên, do Ca-diếp Ma-đằng viên tịch, nên Trúc Pháp Lan tự mình dịch bộ kinh này3.
Cũng trong quyển này, Phí Trường Phòng đã dẫn lời của ngài Bảo Xướng cho rằng: Tứ thập nhị chương do Trúc Pháp Lan dịch. Bằng chứng nghi ngờ đó có lẽ cho thấy, Trúc Pháp Lan đã đến cùng với Nhiếp Ma-đằng4.
Theo Chúng kinh mục lục
Trong quyển 2 và cả quyển 6, tác phẩm này ghi nhận, kinh Tứ thập nhị chương do Trúc Pháp Lan và những người khác dịch vào năm Vĩnh Bình, đời Hậu Hán5.
Theo Khai nguyên Thích giáo lục
Trong quyển thứ nhất ghi, Sa-môn Ca-diếp Ma-đằng dòng dõi Bà-la-môn, bác học đa văn. Khi phái đoàn cầu pháp của vua Hán Minh Đế sang Đại Nguyệt Chi cầu pháp thì gặp Ca-diếp 8
Ma-đằng. Phái đoàn liền thỉnh ngài về Lạc Dương, dùng ngựa trắng chở kinh sách và Phật tượng. Sau đó, Ca-diếp Ma-đằng dịch kinh Tứ thập nhị chương tại chùa Bạch Mã6.
Theo Cao tăng truyện
Phái đoàn cầu pháp của vua Hán Minh Đế gặp Tôn giả Nhiếp Ma-đằng tại Thiên Trúc. Phái đoàn đã thỉnh ngài về Lạc Ấp (Lạc Dương). Vua Hán Minh Đế đã dựng một tinh xá ở ngoài cửa thành Tây, và từ đây, đất Hán có vị Tăng đầu tiên vậy. Có tư liệu cho rằng (有記云),Nhiếp Ma-đằng dịch kinh Tứ thập nhị chương một quyển, lúc đầu được lưu giữ tại gian nhà thứ 14 của tòa thạch thất Ngự sử.
Về ngài Trúc Pháp Lan, người Trung Thiên Trúc, là học giả bậc thầy. Thuở nhỏ đã giỏi chữ Hán, đã dịch năm bộ kinh như Thập địa đoạn kết, Phật Bổn sinh, Pháp Hải tạng, Phật Bổn hạnh, Tứ thập nhị chương. Do loạn lạc nên phần lớn các bộ kinh ấy bị thất truyền, hiện tại ngày nay, ở miền Giang Tả chỉ còn bộ kinh Tứ thập nhị chương với hơn hai ngàn chữ. Trong những bộ kinh hiện còn từ thời Hán, chỉ có bộ này là đầu tiên vậy7.
1.2. Nhận định về tư liệu đã dẫn
Trong những nguồn tư liệu vừa dẫn ở trên, có nhiều điểm không thống nhất về dịch giả bản kinh Tứ thập nhị chương.
Về Tôn giả Ca-diếp Ma-đằng, trong tư liệu kinh lục Xuất Tam tạng ký tập chỉ ghi, phái đoàn thỉnh kinh đã gặp Sa-môn Trúc Ma-đằng, dịch rồi sao chép kinh này và trở về Lạc Dương8. Tư liệu này không xác định ai đã dịch bộ kinh này. Tư liệu Lịch đại Tam bảo ký cho rằng Trúc Ma-đằng dịch kinh tại chùa Bạch Mã, tác phẩm Khai nguyên Thích giáo lục cũng đồng ý với quan điểm này. Cẩn trọng hơn, trong Cao tăng truyện của Huệ Hạo, mặc dù cũng cho rằng Ca-diếp Ma-đằng đã dịch kinh Tứ thập nhị chương ở chùa Bạch Mã, nhưng không chỉ ra chính xác đó là tài liệu nào. Trong khi đó, ngài Đạo An mặc dù biết đến chùa Bạch Mã9, nhưng không biết đến bản kinh Tứ thập nhị chương, nên không đưa vào tác phẩm Chúng kinh mục lục của mình. Không những thế, việc phái đoàn sang Tây Vực cầu pháp được lưu xuất từ Bài tựa Kinh Tứ thập nhị chương. Thật sự thì Bài tựa Kinh Tứ thập nhị chương còn nhiều điều bất cập về niên đại10, và do vậy, chưa đủ thông tin để khẳng định rằng ngài Ca-diếp Ma-đằng đã dịch kinh Tứ thập nhị chương.
Với ngài Trúc Pháp Lan, Lịch đại Tam bảo ký đã xác tín rằng, Tôn giả Trúc Pháp Lan đã tự mình dịch kinh Tứ thập nhị chương sau khi Trúc Ma-đằng viên tịch. Và cũng trong chương này, Phí Trường Phòng đã dẫn lời Bảo Xướng khi cho rằng, kinh Tứ thập nhị chương do chính Trúc Pháp Lan dịch. Trong Chúng kinh mục lục đã khẳng định dứt khoát rằng, kinh Tứ thập nhị chương do Trúc Pháp Lan và những người khác dịch vào năm Vĩnh Bình, đời Hậu Hán. Đặc biệt, trong Cao tăng truyện, thông tin về Trúc Pháp Lan được đề cập khá rõ. Đó là một học giả uyên thâm, tinh thông Hán ngữ, đã dịch năm bộ kinh, di cảo dịch thuật đến thời ngài Huệ Hạo (497-554) chỉ còn lại bộ kinh Tứ thập nhị chương.
Như vậy, quan điểm cho rằng Trúc Pháp Lan chính là tác giả dịch kinh Tứ thập nhị chương có cơ sở hơn Ca-diếp Ma-đằng.
Khi khảo sát những chi tiết liên quan đến cuộc đời của ngài Trúc Pháp Lan, đã mở ra một hướng nghĩ mới về một dịch giả ẩn danh của bản kinh Tứ thập nhị chương. Thông tin quan trọng đó chính là, ngài Trúc Pháp Lan là bổn sư truyền Ngũ giới cho cư sĩ Chi Khiêm.
1.3. Chi Khiêm thọ giới với Trúc Pháp Lan và việc dịch kinh Tứ thập nhị chương
Theo Xuất Tam tạng ký tập quyển 13, truyện Chi Khiêm, thứ sáu11, Chi Khiêm tự Cung Minh, còn có tên là Việt, tổ phụPháp Độ, xuất thân từ nước Đại Nguyệt Chi. Từ nhỏ đã có tính thương người, thương vật. Năm mười tuổi học kinh thư, có trí thông minh mẫn tiệp. Năm mười ba tuổi học sách vở tiếng Phạn và thông thạo ngôn ngữ của sáu nước. Chi Khiêm theo Chi Lượng học Phật pháp. Cuối đời Đông Hán, Chi Khiêm chạy loạn đến nước Ngô.
Ngô Tôn Quyền nghe tiếng bác học, tài năng trí tuệ xuất chúng của Chi Khiêm, nên triệu ông vào tham vấn về sự thâm áo của Phật pháp. Chi Khiêm tùy theo căn cơứng đáp minh bạch. Vừa nghe qua, Ngô Tôn Quyền rất vui mừng, bèn bái Chi Khiêm làm Bác sĩ, đảm nhậm chức Bổ đạo Đông cung. Đương thời, đã có rất nhiều kinh điển được truyền vào đất Ngô, nhưng phần lớn là kinh tiếng Phạn, do thông thạo chữ Hán và chữ Phạn, cùng ngôn ngữ của sáu nước, nên Chi Khiêm đã phát tâm phiên dịch ra chữ Hán nhiều bộ kinh điển. Từ năm Hoàng Vũ nguyên niên (222) đến năm cuối Kiến Hưng (253), Chi Khiêm phiên dịch khoảng hai mươi bảy bộ kinh. Theo Cao tăng truyện, truyện của ngài Khương Tăng Hội, thì Chi Khiêm dịch đến 49 bộ kinh12. Lúc thái tử lên ngôi, bỏ qua thế sự cuộc đời, Chi Khiêm vào ẩn cư nơi núi Khung Ải, cầu ngài Trúc Pháp Lan thọ Năm giới và sống ở đó cho đến lúc qua đời.
Ngoài tư liệu Xuất Tam tạng ký tập cho rằng, Chi Khiêm cầu thọ Ngũ giới với Trúc Pháp Lan, thì Khai nguyên Thích giáo lục13, quyển thứ hai, cũng khẳng định điều tương tự.
Trong nhiều bản dịch kinh điển, Chi Khiêm trân trọng ghi phía trước tên mình ba chữ Ưu-bà-tắc, đó cũng là một cách khẳng định vai trò cư sĩ của mình nói riêng, và đồng thời gián tiếp chia sẻ thông tin mình là đệ tử của ngài Trúc Pháp Lan.
Theo Lịch đại Tam bảo ký, quyển thứ năm, trong ba mươi sáu bộ, hoặc 49 kinh do Chi Khiêm dịch, thì có kinh Tứ thập nhị chương14. Theo Trinh nguyên Tân định Thích giáo mục lục, quyển thứ 25, do Sa-môn Viên Chiếu đời nhà Đường soạn thì cư sĩ Chi Khiêm là người dịch kinh Tứ thập nhị chương đầu tiên (第一譯)15. Theo Sa-môn Thích Tĩnh Mại trong tác phẩm Cổ kim Dịch kinh đồ ký16, quyển thứ nhất, thì Chi Khiêm dịch tổng cộng 129 bộ kinh, hợp thành 152 quyển, trong số đó có bản kinh Tứ thập nhị chương. Được biết, ngài Thích Tĩnh Mại, là một trong 11 vị Tăng được tinh tuyển tham dự vào Viện dịch kinh Từ Ân Tự17, do đó, thông tin của ngài về bản kinh Tứ thập nhị chương do Chi Khiêm dịch là có cơ sở.
1.4. Đi tìm bối cảnh ra đời cũng như dịch giả ẩn danh của bộ kinh Tứ thập nhị chương
Để tìm được tác giả ẩn danh đã dịch kinh Tứ thập nhị chương, nên chăng thử điểm qua vài nét về những tác giả dịch kinh Pháp cú. Vì lẽ, từ bản dịch kinh Pháp cú của Duy-kỳ-nan, có thể phần nào cho thấy ai là tác giả thực sự của bản kinh Tứ thập nhị chương.
Theo Xuất Tam tạng ký tập, quyển hai, thì kinh Pháp cú có 2 quyển, do Trúc Tương Diễm và Chi Khiêm dịch. Cũng trong tác phẩm này, phần truyện của ngài Đạo An, đã bổ sung thêm thông tin: Sa-môn Duy-kỳ-nan người Thiên Trúc, vào năm Hoàng Vũ thứ ba (224) thời Ngô Tôn Quyền, đã đem Phạn bản kinh Đàm bát đến Vũ Xương. Đàm bát tức kinh Pháp cú. Khi đó Chi Khiêm cầu thỉnh dịch kinh ấy nên Duy-kỳ-nan đã nhờ bạn đồng đạo là Trúc Tương Diễm phiên dịch, Chi Khiêm viết sang Hán văn18. 
Theo Đại Đường nội điển lục, quyển bảy19, thì Chi Khiêm dịch toàn bộ hai quyển kinh Pháp cú. Trong Chúng kinh mục lục, quyển 620, cũng cho rằng Chi Khiêm dịch hai quyển Pháp cú tập.
Theo Bài tựa Kinh Pháp cú do Chi Khiêm viết, có đoạn: Kẻ quê mùa này được ngài Duy-kỳ-nan truyền cho bản Pháp cú gồm 500 bài kệ, nên đã thỉnh cầu đồng đạo của thầy ấy là ngài Trúc Tương Diễm dịch. Tương Diễm tuy giỏi tiếng Phạn nhưng vốn chữ Hán vẫn chưa hoàn bị. Những lời dịch của ông ta có khi đúng với Phạn ngữ, có khi căn cứ vào nghĩa để dịch âm nên bản dịch còn mang tính thô phác, Chi Khiêm e rằng do vì văn chương không giỏi21. Mở rộng tìm hiểu về khả năng ngôn ngữ của hai ngài Duy-kỳ-nan và Trúc Tương Diễm thì được biết, Duy-kỳ-nan không rành lắm về ngôn ngữ của chính nước mình (難既未善國語) và bạn đồng tu là Tương Diễm cũng không giỏi về Hán ngữ (炎亦未善漢言)22 và do vậy, Chi Khiêm, một vị cưthông thạo sáu ngoại ngữ, đã hiệu đính theo nghĩa dịch lại toàn bộ bản kinh Pháp cú để thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
Vai trò của Chi Khiêm đối với dịch phẩm kinh Pháp cú rất lớn, thế nhưng, ngay như Bài tựa Kinh Pháp cú của Chi Khiêm, cũng xếp nằm ở giữa cuốn thượng và cuốn hạ. Không những thế, trên dòng đề tên tác giả thì chỉ ghi do Duy-kỳ-nan và những người khác cùng dịch. Điều đó đã chứng minh ông quả thật sống đúng với tên của mình: Chi Khiêm (支謙),một người khiêm nhường ở nước Đại Nguyệt Chi.
Trở lại với bản kinh Tứ thập nhị chương, nối kết lại những thông rời rạc liên quan đến bộ kinh này đã cho thấy, bối cảnh ra đời cũng như ai là dịch giả chủ yếu, có nhiều điểm tương đồng như bản kinh Pháp cú của Duy-kỳ-nan.
Trước hết, mặc dù vẫn chưa xác định được thời điểm chính xác Chi Khiêm cầu thọ Ngũ giới với Trúc Pháp Lan, chưa rõ vào giai đoạn trung niên hay lúc cuối đời, theo văn cảnh thì có vẻ như vào lúc cuối đời, thế nhưng vẫn có thể xác định rằng, Trúc Pháp Lan sống cùng thời với Chi Khiêm.
Thứ hai, có khả năng Trúc Pháp Lan đã tự mình dịch kinh Tứ thập nhị chương, theo thông tin từ tác phẩm Lịch đại Tam bảo ký, quyển bốn. Tuy nhiên, do hạn chế về ngôn ngữ, trình độ Phật học nói chung, nên bản dịch chưa hay, và có thể nói là chưa hoàn thành.
Thứ ba, với vốn Phật học phong phú vì đã dịch hơn 49 bộ kinh, căn cứ theo Cao tăng truyện, hoặc 129 bộ kinh, nói theo Cổ kim Dịch kinh đồ ký, thì Chi Khiêm có thể hiệu đính xuất sắc bản dịch kinh Tứ thập nhị chương của Trúc Pháp Lan. Hiện tại, trong Đại tạng kinh Đại Chính tân tu (ĐTKĐCTT) còn lưu giữ 55 bộ kinh do Chi Khiêm dịch, đã chứng minh năng lực dịch thuật của Chi Khiêm. Ở đây, với những tư liệu kinh lục cho rằng, chỉ riêng một mình Chi Khiêm dịch kinh Tứ thập nhị chương, vì có thể việc hiệu đính bản kinh Tứ thập nhị chương của Chi Khiêm giống như một bản dịch mới.
Thứ tư, bản kinh Tứ thập nhị chương có nguồn gốc từ Đại Nguyệt Chi. Đại Nguyệt Chi có giai đoạn là một quốc gia rộng lớn, có trung tâm Phật giáo nổi tiếng Gandhara với các thủ bản kinh cổ bằng ngôn ngữ Kharostthi còn lưu lại đến này ngay23. Chi Khiêm vốn là người nước này, cộng với lợi thế am tường sáu ngôn ngữ, thế nên sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc phiên dịch kinh điển có nguồn gốc từ Đại Nguyệt Chi.
Thứ năm, với bản chất khiêm hạ của mình, mặc dù hiệu đính bản dịch của thầy mình là Trúc Pháp Lan, thế nhưng Chi Khiêm vẫn không lưu lại tên mình, như trường hợp kinh Pháp cú của Duy-kỳ-nan chẳng hạn. Ở đây, để ghi nhận công lao của những người có công đem kinh Tứ thập nhị chương sang đất Hán, Chi Khiêm đã giữ nguyên tên của ngài Ca-diếp Ma-đằng, như là một sự tôn trọng về cội nguồn du nhập của bản kinh.
Như vậy, theo suy luận của chúng tôi, bối cảnh xuất hiện của kinh Tứ thập nhị chương được dựng lên là: Việc các vua nhà Hán sai sứ đi Đại Nguyệt Chi là có thật. Trong những chuyến giao lưu tiếp biến văn hóa trên Con đường tơ lụa, đã tiếp nhận thư tịch Phật giáo. Ca-diếp Ma-đằng là một trong những đại diện tiêu biểu, có công lao trích tuyển, sao chép bản kinh Tứ thập nhị chương bằng ngôn ngữ Đại Nguyệt Chi24, sau đó bản kinh được đưa vào đất Hán và giữ gìn ở Thư viện Hoàng gia (蘭 臺 石 室)25. Trúc Pháp Lan đã dịch kinh ấy nhưng văn nghĩa chưa trọn vẹn, sau đó, được đệ tử Năm giớiChi Khiêm hiệu đínhhoàn thành xuất sắc dịch phẩm. Vì tôn trọng Thầy của mình, vì bản tính khiêm hạ, nên Chi Khiêm chỉ ghi Trúc Pháp Lan như là dịch giả chính thức và Ca-diếp Ma-đằng như là tác giả sao lục bộ kinh này.
Thông tin về Chi Khiêm dịch kinh Tứ thập nhị chương cũng khẳng định thêm một vấn đề quan trọng: bản kinh Tứ thập nhị chương có niên đại xuất hiện vào giữa những năm 222-253.
2. Vài nét về các truyền bản và yếu tố Thiền tông trong kinh Tứ thập nhị chương
2.1. Các truyền bản kinh Tứ thập nhị chương
Kinh Tứ thập nhị chương được nhiều nhà nghiên cứu Phật học quan tâm, chú giải. Trong thư khố Hán tạng, kinh Tứ thập nhị chương hiện có các bản kinh, chú, sớ như sau:
1. Kinh Tứ thập nhị chương, tập 20/ Đại tạng kinh Cao Ly, từ trang 891-893.
2. Kinh Tứ thập nhị chương, số 784, tập 17/ ĐTKĐCTT, từ trang 722-724.
3. Chú Tứ thập nhị chương kinh, số 1794, tập 39/ĐTKĐCTT, từ trang 516-522. Tống Chân Tông hoàng đế chú. Bản này cũng có mặt trong tập 59/Vạn tục tạng, từ trang 49-65.
4. Tứ thập nhị chương kinh chú, tập 59/Vạn tục tạng, Tống, Sa-môn Cổ Linh Liễu Đổng bổ chú.
5. Tứ thập nhị chương kinh giải, tập 59/Vạn tục tạng, Minh, Ngẫu Ích đại sư viết.
6. Tứ thập nhị chương kinh chỉ nam, tập 59/Vạn tục tạng, Thanh, Sa-môn Phú-sa Thích Đạo Bái thuật.
7. Tứ thập nhị chương kinh sớ sao, tập 59/Vạn tục tạng. Thanh, Từ Vân Sa-môn Tục Pháp thuật.
8. Tứ thập nhị chương kinh giảng lục, Dân Quốc, Thái Hư toàn thư.
9. Phật Tổ tam kinh, Bản biệt hành. Tống, Đại Hồng Từ Tổ, Sa-môn Thủ Toại chú.
Theo kết quả khảo sát và phân loại của chúng tôi thì trong chín tác phẩm vừa nêu, thực tế phát xuất từ hai nguồn tư liệu chính.
Thứ nhất, đó là bản kinh Tứ thập nhị chương nằm trong tập 20 của Đại tạng kinh Cao Ly. Sau khi đối chiếu, chúng tôi phát hiện rằng, toàn văn của bản kinh này được thu lục vào tập 17 của ĐTKĐCTT với bản kinh cùng tên, mang số thứ tự 784. So với bản Đại tạng kinh Cao Ly, thì bản ĐTKĐCTT chỉ thiếu một chữ ở chương thứ chín và sai một chữ ở chương thứ ba mươi ba. Cả hai trường hợp này không ảnh hưởng đến nội dung bản kinh. Do ĐTKĐCTT mang tính phổ biến, thế nên chúng tôi sử dụng bản này để độc giả tiện theo dõi. Trong những trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ đối chiếu với bản Tứ thập nhị chương trong Đại tạng kinh Cao Ly.
Thứ hai, là bản của Sa-môn Thủ Toại, đó là tác phẩm Phật thuyết Tứ thập nhị chương kinh, nằm trong bản biệt hành Phật Tổ tam kinh.
Ở đây, với nguồn tư liệu thứ nhất, tức bản kinh Tứ thập nhị chương mang số hiệu 784 cho thấy, những lời dạy của Đức Phật được thể hiện trong 42 chương rất gần với nội dung của các bộ kinh A-hàm và các kinh Nikaya tương ứng. Bản Chú Tứ thập nhị chương của Tống Chân Tông thời Bắc Tống, đã chú giải dựa trên bản kinh 784. Theo đối chiếu, bản chú giải của Tống Chân Tông giống đến chín mươi phần trăm so với bản kinh 784. Cụ thể, trong bản của Tống Chân Tông có thêm lời dẫn trước nội dung kinh, bổ sung chương 2, bổ sung 20 điều khó ở chương 10, và mở rộng một phần ở chương 42.
Nguồn tư liệu kế tiếp là bản của Sa-môn Thủ Toại. Bản này định hình vào đời vua Tống Cao Tông, năm Kiến Viêm thứ ba (1129), được chính Sa-môn Thủ Toại ghi lại trong phần cuối bản chú giải Phật thuyết Tứ thập nhị chương kinh. Căn cứ vào bài tựa Quy Sơn cảnh sách chú của Đức Dị cho thấy, bản chú giải kinh Tứ thập nhị chương của Sa-môn Thủ Toại được tập thành vào tác phẩm Phật Tổ tam kinh vào năm Chí Nguyên thứ ba (1266)26. Phật Tổ tam kinh là một tác phẩm phổ dụng của Thiền gia, chưa được đưa vào ĐTKĐCTT và thu lục không đầy đủ trong danh mục Tục tạng. Bản chúng tôi hiện sử dụng là một bản biệt hành, in lại vào năm Minh Mạng thứ mười một27.
Bản của Thủ Toại làm nền tảng của hầu hết các bản chú, sớ liên quan đến kinh Tứ thập nhị chương của các tác giả như Cổ Linh Liễu Đồng, Ngẫu Ích, Đạo Bái, Tục Pháp... Ngay cả bản Tứ thập nhị chương kinh giảng lục của Thái Hư đại sư cũng được triển khai từ nền tảng bản chú giải của Sa-môn Thủ Toại.
Từ những đối chiếu đó đã cho thấy rằng, kinh Tứ thập nhị chương hiện có hai bản trong Hán tạng. Một bản mang số hiệu 784, thuộc tập 17/ ĐTKĐCTT và một bản xuất hiện ở thời Nam Tống của Sa-môn Thủ Toại.
2.2. Yếu tố Thiền tông trong kinh Tứ thập nhị chương
Trong hai truyền bản kinh Tứ thập nhị chương, thì bản của Sa-môn Thủ Toại ảnh hưởng đậm nét tư tưởng Thiền tông và Lý học đời Tống. Đó là các chương 1, 2, 11, 12, 15, 18, 19, 27, 36, 40, 42.
Căn cứ từ tư liệu lịch sử cho thấy, kinh Tứ thập nhị chương được hình thành trước khi Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa khai phái lập tông vào thế kỷ thứ VI. Nếu vậy, thì sự có mặt tư tưởng Thiền tông trong kinh Tứ thập nhị chương rõ ràng là do người sau thêm vào. Theo đó, khởi nguyên của mọi sự thêm thắt, bổ sung tư tưởng Thiền tông bắt đầu từ bản chú giải của Sa-môn Thủ Toại. Vậy, vị Sa-môn ấy là ai?
Theo Bổ tục Cao tăng truyện28, quyển 9, Thủ Toại họ Chương, người huyện Bồng Khê, Tùy Châu, từ nhỏ đã thích chay tịnh, không thích đùa giỡn, rong chơi. Ngài thờ Nam Lộc Viện thượng nhân làm thầy, xuất gia vào năm 27 tuổi, sau đó du hành phương Nam, đến núi Ngọc Tuyền thuộc Hồ Bắc. Tại đây, Thủ Toại gặp vị Thiền sư tên là Cần, được coi trọng và chọn làm trợ tá trong viện. Vài năm sau, ngài đến chùa Đại Hồng, ra mắt Thiền sư tên Ân. Một lần vào phương trượng trải tọa cụ, thấy một con côn trùng nhỏ rơi xuống đất, ngài vội vàng dùng tay phủi đi, nhân đó đại ngộ, được Thiền sư Ân ấn chứnggiao phó làm Tổng viện.
Thủ Toại là một thiền sư có khả năng văn chương, thi phú.
Một lần, ngài triệu đại chúng vân tập thiền đường và đưa ra một công án thấm đẫm chất thơ ca, được nhiều tác phẩm của Thiền gia lưu lại:
一 拳 拳 倒 黃 鶴 樓.
一 踏 踏 翻 鸚 鵡 洲.
慣 向 高 樓 玉 驟 馬.
曾 於 急 水 打 金 毬
然雖恁麼 ?
Nhất quyền quyền đảo Hoàng Hạc Lâu
Nhất đạp đạp phiên Anh Vũ Châu
Quán hướng cao lâu ngọc sậu mã
Tằng ư cấp thủy đả kim cầu
Nhiên tuy nhẫm ma?
Tạm dịch:
Một tay xoay đảo Hoàng Hạc lâu29
Một bước trở mình Anh Vũ châu30
Quen hướng lầu cao phi ngựa báu
Nhiều phen nước xiết đá kim cầu.
Điều đó có ý gì?
Với khả năng văn chương, thi phú, cộng với ảnh hưởng của một vị thiền sư ngộ đạo, cho nên bản chú giải kinh Tứ thập nhị chương của Sa-môn Thủ Toại được đánh giá cao và được sử dụng rộng rãi vào thời nhà Tống. Đặc biệt, vào thời nhà Tống, kỹ thuật in khắc gỗ đạt đến đỉnh cao, việc in ấn kinh điển được nhiều giới quan tâm bổ trợ. Đó là điều có thể thấy rõ qua tám lần tổ chức khắc in Đại tạng kinh và nhiều ấn bản kinh điển quan trọng trong thư tịch của Phật giáo vào thời nhà Tống.
Không những thế, kể từ cuối nhà Đường và đầu nhà Tống, trong những tông phái Phật giáo tại Trung Quốc thì Thiền tông phát triển mạnh mẽ và từng bước phát triển sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Ở đây, sự phát triển của Thiền tông đã đồng thời tạo tiền đề để cho những tác phẩm của thiền gia nhân đó được quảng bố và ảnh hưởng mạnh mẽ. Đó cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để truyền bản kinh Tứ thập nhị chương nằm trong bộ Phật Tổ tam kinh, do Sa-môn Thủ Toại chú giải, được phổ biếnlưu hành rộng rãi ở nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam.
3. Vài suy nghĩ về bản kinh Tứ thập nhị chương ở Việt Nam
Đã từng có luận điểm cho rằng, kinh Tứ thập nhị chương được lưu hành khá sớm ở Việt Nam (Giao Châu) trong thế kỷ thứ hai Tây lịch, tuy nhiên những luận cứ đưa ra chỉ dừng lại trên phương diện gợi mở và vẫn chưa đảm bảo tính thuyết phục khoa học32.
Chúng tôi hiện chưa đủ cứ liệu để xác định chính xác niên đại bản kinh Tứ thập nhị chương đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm kinh Tứ thập nhị chương được lưu hành rộng rãiViệt Nam vào khoảng sau thời nhà Tống. Vì lẽ, với kỹ thuật in khắc gỗ đã phát triển khá mạnh vào thời kỳ này, là một trợ thủ đắc lực trong việc in ấn và phổ biến kinh điển. Thứ hai, đây cũng là giai đoạn mà lịch sử ghi nhận đã có những giao lưu văn hóa mang cấp quốc gia33. Thứ ba, bản kinh Tứ thập nhị chương được quảng bố, lưu hànhViệt Nam là bản của Sa-môn Thủ Toại, nằm trong bộ Phật Tổ tam kinh, một tác phẩm phổ biến trong sinh hoạt của Thiền gia nhiều thời kỳ.
Đặc biệt, căn cứ bài Tứ thập nhị chương kinh tụng do Tăng Viên diễn thơ, vào năm thứ tư niên hiệu Khánh Đức (1652) đời
vua Lê Thần Tông, cũng được in chung trong bộ Phật Tổ tam kinh; thông tin đó đã đồng thời cho thấy, kinh Tứ thập nhị chương đã phổ biếnViệt Nam trước thế kỷ thứ XVII . Không những thế, trong những sáng tác của Thiền sư Hương Hải (1628-1715), có tác phẩm Giải Phật Tổ tam kinh34.
Trong những năm đầu và giữa thế kỷ XX, sau những nỗ lực vận động chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam, những bản kinh cơ bản của Phật giáo được in ấn và lưu hành. Kinh Tứ thập nhị chương cũng là một trong số những bản kinh được quan tâmphổ biến. Ngay như chương trình đào tạo Phật học do Thiền sư Thanh Hanh của Hội Bắc Kỳ Phật giáo đã chọn bộ Phật Tổ tam kinh làm nội dung đào tạo trong năm thứ nhất35. Ở đây, do bị chi phối bởi nguồn tư liệu (nguồn từ Phật Tổ tam kinh và nguồn từ Thái Hư đại sư toàn tập), nên bản kinh Tứ thập nhị chương được phổ biếnViệt Nam vẫn là bản của Sa-môn Thủ Toại. Bản kinh Tứ thập nhị chương do Hòa thượng Thích Hoàn Quan dịch ra tiếng Việt, là minh chứng tiêu biểu cho trường hợp này.
Đành rằng, bản kinh Tứ thập nhị chương của Sa-môn Thủ Toại sáng tỏ về văn chương, cô đọng về văn cú, thế nhưng do vì một phần tư nội dung bản kinh bị chi phốiảnh hưởng bởi quan điểm tông phái và Lý học thời Tống; vì vậy chỉ nên sử dụng bản này cho mục đích đối chiếu, tham khảo.
Từ những luận cứ có cơ sở của Đại sư Ấn Thuận36, từ những gợi ý của Hòa thượng Trí Quang qua Kinh 42 bài37, từ những đối chiếu, so sánh, khảo sát của chúng tôi giữa bản kinh Tứ thập nhị chương trong tập 20 Đại tạng kinh Cao Ly và bản kinh cùng tên mang số hiệu 784 trong tập 17 của ĐTKĐCTT, đã dẫn đến một đề xuất mang tính khẳng định: Bản kinh mang 21
số hiệu 784 nằm trong tập 17 của ĐTKĐCTT là bản kinh Tứ thập nhị chương có giá trị tư liệu mang tính nguyên bản, cần được chính thức nghiên cứuphổ biến. Tác phẩm Kinh Tứ thập nhị chương - đối chiếunhận định được chúng tôi thực hiện dựa trên nền tảng bản kinh này.
1 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2145出三藏記集序卷第六 . 四十二章經序第一.
2 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2145 出三藏記集錄上卷第二, 新集經論錄第一. Nguyên văn: 始 於 月 支 國 遇 沙 門 竺 摩 騰. 譯 寫 此 經 還 洛 陽. 藏 在 蘭 臺 石 室 第 十 四 間 中.
3 大正新脩大藏經第 49 冊 No. 2034 歷代三寶紀, 卷第四. Nguyên văn: 明帝世翻初共騰出四十二章. 騰卒. 蘭自譯.
4 大正新脩大藏經第 49 冊 No. 2034 歷代三寶紀, 卷第四. Nguyên văn: 寶唱又云. 是竺法蘭譯. 此或據其與攝摩騰同時來耳.
5 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2147 眾經目錄卷第二
6 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第一總錄之一
7 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2059 高僧傳,卷第一
8 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2145 出三藏記集錄上卷第二
9 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2059高僧傳卷第五. Nguyên văn: 安以白馬寺狹.乃更立寺名曰檀溪
10 Bài tựa Kinh Tứ thập nhị chương đề cập về câu chuyện Hán Minh Đế mộng người vàng. Về mặt văn bản, theo như lưu ý của ngài Tăng Hựu, thì chưa rõ tác giả của tư liệu này là ai (未詳作者), thế nên mức độ chứng thực của tài liệu không đảm bảo. Không những thế, có một chữ Hán (漢) nhấn mạnh bổ sung và chữ Hiếu Minh Hoàng Đế (孝明皇帝) vốn là thụy hiệu của Hán Minh Đế. Mặt khác, chữ Ngày xưa (昔) xuất hiện đầu tiên trong bản văn và năm chữ cuối: mãi đến nay không dứt (于
今不絕也) cho thấy rằng bài tựa này được hình thành khá muộn, ít nhất sau thời nhà Hán và có khả năng trong thời ngài Tăng Hựu. Trong bài tựa có đề cập đến một vị Trung lang tướng tên là Trương Khiên (張 騫…中 郎 將). Theo Sử ký Tư Mã Thiên, tập sáu mươi ba, Đại uyển liệt truyện, vị trung lang tướng này là người từng đi Đại Nguyệt Chi, là người có công mở mang con đường thông thương, trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc với các nước trên Con đường tơ lụa. Điều đáng chú ý, Trung lang tướng Trương Khiên sống ở thời Tây Hán, dưới triều vua Hán Vũ Đế, đã từng đi sứ Đại Nguyệt Chi vào năm Kiến Nguyên thứ 2 (139 TCN). Ở đây, nếu như Bài tựa Kinh Tứ thập nhị chương đề cập chính là vị Trung lang tướng Trương Khiên này, thì quả là một sự thêm thắt không phù hợp với niên đại.
11 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第十三
12 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第一
13 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第二
14 大正新脩大藏經第 49 冊 No. 2034 歷代三寶紀, 卷第五
15 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2157 貞元新定釋教目錄卷第二十五
16 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2151 古今譯經圖紀, 卷第一
17 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳, 卷第四唐簡州福聚寺靖邁傳. Nguyên văn: 得一十一人邁預其精選. 即居慈恩寺也
18 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第二. Nguyên văn: 後有沙門維秖難者. 天竺人也. 以孫權黃武三年齎曇鉢經胡本來至武昌. 曇鉢即法句經也. 時支謙請出經. 乃令其同道竺將炎傳譯. 謙寫為漢文.
19 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2149 大唐內典錄, 卷第七
20 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2146 眾經目錄, 卷第六
21 大正新脩大藏經第 04 冊 No. 0210 法句經卷上 , 法句經序.Nguyên văn: 僕從受此五百偈本. 請其同道竺將焰為譯. 將焰雖善天竺語未備曉漢. 其所傳言或得梵語. 或以義出音. 迎質真樸初謙其為辭不雅.
22 大正新脩大藏經第 50 冊 No. 2059 , 高僧傳, 卷第一, 維祇難七
23 Richard Salomon. Ancient Buddhist Scrolls from Gandhara. Seattle: University of Washington Press, 1999.
24 大正新脩大藏經第 55 冊 No. 2145 出三藏記集錄上卷第二, 新集經論錄第一.
25 蘭 臺 石 室, cũng tương tự như 蘭省芸客: Nhà chứa sách, thư viện.
26 卍新纂續藏經第 63 冊 No. 1239 溈山警策註.
27 Phật Tổ tam kinh, Báo Quốc tự tàng bản, Minh Mạng thập nhất niên, Bình Vọng xã, Thượng Phúc huyện, Hà Đông tỉnh.
28 卍新纂續藏經 第七十七冊 No. 1524, 補續高僧傳卷第九.
29 大正新脩大藏經第 51 冊 No. 2077 續傳燈錄卷第十三目錄(終) ; 卍新纂續藏經第 80 冊 No. 1565 五燈會元; 卍新纂續藏經第 79 冊 No. 1559 嘉泰普燈錄卷第五.
30 黃 鶴 樓. Lầu Hoàng Hạc, cũng là tựa đề một bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu.
31 鸚 鵡 洲. Bãi Anh Vũ, một địa danh, cũng là tên một bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch.
32 Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, NXB.Thuận Hóa, 1999, tr.208.
33 Triều Lý đã từng cử phái đoàn sứ bộ sang Tống thỉnh kinh Phật. Xem Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tôn giáo triều Lý, NXB.Hà Nội, 1996, tr.116-117.
34 Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Phương Đông, 2012, tr.465.
35 Sđd, tr.721.
36 印順法師, 妙雲集下編之九, 佛教史地考論, 一五, 漢明帝與四十二章經
37 Kinh 42 bài, Hòa thượng Trí Quang dịch, NXB.TP.HCM, 1994.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/06/2010(Xem: 57725)
09/06/2010(Xem: 32768)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.