KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.44. BẤT CÚNG DƯỜNG KINH LUẬT GIỚI
(giới không cúng
dường kinh luật)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử thường ưng nhất tâm thọ trì, độc tụng Đại Thừa kinh luật...” cho đến câu ‘...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu là Phật tử phải thường nhất tâm thọ trì, đọc tụng kinh luật Đại Thừa, dùng giấy, vải, hàng lụa, thẻ tre, vỏ cây, cho đến lột da làm giấy, trích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết để biên chép kinh luật, dùng vàng bạc cùng hương, hoa vô giá và tất cả các châu báu làm hộp, rương, đựng những quyển kinh luật. Nếu không y theo pháp mà cúng dường kinh luật, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Là Phật tử mà
hủy phạm giới cấm là điều Đức Phật không bao giờ chấp thuận, điều đó nhất định
là như vậy. Đối với Pháp Bảo không cung kính cũng là việc nhất định không
được.
Giới sở dĩ không
nên hủy phạm vì giới là thắng nhân thành vô thượng Phật quả., nên kinh Hoa
Nghiêm dạy: “Giới là cội gốc của vô thượng Bồ Đề”, chính là ý ấy. Pháp Bảo sở
dĩ không được thiếu sự kính trọng vì Pháp Bảo là mẹ của chư Phật. Nên kinh Kim
Cang dạy: “Quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề của tất cả chư Phật đều từ kinh
này xuất sanh”, cũng chính là ý này.
Pháp cũng là
thầy của chư Phật, nên chư Phật hết sức tôn trọng, cung kính Pháp Bảo. Bồ Tát
đối với Pháp Bảo phải cung kính giống như kính Phật. Và muốn chứng đắc Phật quả
như chư Phật, không có lý do gì không sùng trọng Pháp Bảo. Nếu không tôn trọng,
đúng như pháp cúng dường Pháp Bảo thì không biết nương vào diệu pháp chi để
tiến tu theo Phật đạo, và mọi hành vi của bạn cũng không thể hợp với Chánh Đạo.
Vì thế cúng dường kinh điển, tôn trọng Pháp Bảo quả thật không nên xem
thường!
Là Phật tử, đối
với Tam Bảo có bổn phận phải bình đẳng kính trọng và phước huệ nhị nghiêm đồng
tu tập. Nếu không cúng dường kinh điển thì trái với bổn nguyện “thượng cầu Phật
đạo”. Nếu không viết chép kinh điển thì trái với hạnh “hạ hóa chúng sanh”.
Do đó:
- Đối với kinh
điển cần phải lưu thông.
- Đối với giới
pháp cần phải cúng dường, để cho huệ mạng của Phật pháp được liên tục, không bị
đoạn tuyệt.
Nếu không
làm như thế thì trên là cô phụ thâm ân của Đức Phật, dưới là buông bỏ trách
nhiệm của mình cần phải lo tròn, tức là chính mình tự nguyện đọa lạc vậy.
Nên biết rằng
huệ mạng của Như Lai hoàn toàn nương nhờ tam tạng thánh giáo, vì thế, nếu Phật
tử không xem trọng Thánh Giáo thì Phật pháp làm sao có thể cửu trụ trong thế
gian?
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, vì muốn cho Phật pháp được
cửu trụ trong thế gian, thường phải nhất tâm thọ trì, đọc tụng kinh luật Đại
Thừa”.
Trong kinh dạy
thường phải nhất tâm, chứng tỏ người Phật tử tu các thiện pháp không được xen
tạp, không được gián đoạn và không được có chút giải đãi, biếng lười. Nếu không
thường thực hành như thế, mà lúc tu, lúc nghỉ, chắc chắn không thể nào thành
công.
Ở đây, “tu tập
những thiện pháp” không phải nói những công hạnh như lục độ, vạn hạnh... mà
chính là cần phải thọ trì, đọc tụng kinh luật Đại Thừa:
- Thọ là lãnh
nạp ý thú văn tự trong kinh luật.
- Trì là nhớ
nghĩ mãi mãi trong tâm không quên.
- Đọc là xem
theo bổn kinh mà đọc lên.
- Tụng là thuộc
lòng mà đọc lên theo âm điệu.
Ngoài những việc
nói trên còn cần phải chép, viết ra trên giấy trắng như hiện nay có người phát
tâm tả kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cương, kinh Hoa Nghiêm v.v...
Những việc sao
chép ở đây không phải chỉ như vậy mà phải lột da làm giấy, trích máu làm mực,
lấy tủy làm nước, chẻ xương làm bút, để biên chép kinh luật. Thành thật mà nói,
việc này không phải người thông thường có thể làm được. Như hiện nay, có người
phát tâm chích huyết tả kinh. Mọi người chúng ta đã cho việc ấy là quý trọng
phi thường, nên đua nhau xưng tán. Nhưng việc làm này so với việc trong kinh
hiện tại đây dạy, cách nhau rất xa.
Chư Đại Bồ Tát
vì sao có thể thực hành đến mức độ ấy?
Chẳng qua vì các
ngài đã nhận định rất sâu sắc rằng sanh mạng nhục thể này chỉ là vật không kiên
cố, không chóng thì chầy cũng sẽ bị hủ mục, không phải là vật sở hữu vĩnh viễn,
thường tồn của mình. Nay quyết đem nhục thể mong manh bại hoại này, dùng viết
chép kinh luật, lưu thông pháp bảo để cho thân mạng trí huệ nhờ đó mà được vĩnh
hằng bất diệt. Như thế trên thế gian này có sự vui sướng nào hơn mà không chịu
làm?
Lại nữa, các
Ngài biết đích xác rằng: Tất cả chư Phật được thành đạo vô thượng Bồ Đề đều do
học tập kinh luật Đại Thừa mà ra, nếu không thì quyết định không thể nào thành
Phật được.