Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (4)

20/09/20142:49 SA(Xem: 11594)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (4)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014


Giảng rộng nghĩa lý bài văn Âm chất (4)


Cứu người lúc nguy nan
Giảng rộng:
Sự nguy nan có rất nhiều hình thức, nhưng nói đại lược không ra ngoài 7 việc: một là nạn nước lụt, hai là nạn lửa cháy, ba là bị tù ngục oan uổng, bốn là nạn trộm cướp, năm là nạn chiến tranh binh lửa, sáu là nạn mất mùa đói thiếu, bảy là nạn dịch bệnh truyền nhiễm.
Gặp người bị nạn nước lụt, lửa cháy, có thể tìm cách bảo toàn tính mạng cho người, đó gọi là cứu. Gặp người bị tù ngục oan uổng, có thể tìm cách giúp người minh oan gọi là cứu. Gặp người bị nạn trộm cướp, binh lửa chiến sự, có thể tìm cách giúp người an ổn thoát ra gọi là cứu. Gặp người đói rét vì mùa màng thất bát, có thể giúp cho cơm ăn áo mặc gọi là cứu. Gặp người mắc phải dịch bệnh, có thể dùng thuốc men điều trị gọi là cứu.
Hết thảy những sự cứu giúp ấy đều phải phát xuất từ tấm lòng chân thành, thấy người bị nạn cũng tưởng như chính mình đang bị nạn, nên dốc hết tâm lực, trí tuệ để tìm đủ mọi phương cách mà cứu giúp, sao cho người ấy được hoàn toàn thoát nạn mới thôi.
Khi người gặp nạn rồi mới đến cứu, đó là sự cứu giúp có thể nhìn thấy được, giống như Khổng tử nói: “Người có nạn, phải đặt mình vào trường hợp của người mà giúp.” Lại có một phương pháp khác, khiến cho người tự nhiên không gặp sự nguy nan. Cứu giúp theo cách này công đức lớn hơn bội phần, như Khổng tử nói: “Khiến cho người không gặp phải nguy nan.”
Như vậy là thế nào? Đó là vì, người gặp phải hoạn nạn, thảy đều do nghiệp đời trước tạo ra. Đời này không gieo nhân xấu, đời sau tự nhiên không gặp quả xấu. Nếu có thể khuyên người không phạm vào các nghiệp giết hại, trộm cắp, tà dâm, gian dối, đó chính là cứu được rất nhiều sự nguy nan cho người. Vì thế, cứu người khi sự nguy nan đã xảy ra thì việc cứu giúp đó là có giới hạn, mà cứu người từ lúc sự nguy nan chưa xảy ra thì sự cứu giúp đó mới là vô cùng tận.
Cứu người khi đã gặp nạn, đó là việc thiện của người bình thường; cứu người bằng cách khuyên dạy khiến cho không bao giờ phải gặp nạn khổ, đó là phẩm hạnh của hàng Bồ Tát. Cả hai việc ấy đều có thể cùng lúc thực hiện, không hề trái nghịch nhau.
Trưng dẫn sự tích
Làm rõ oán an kỳ lạ
Đế Quân kể rằng: Có người tên Hà Chí Thanh sống dưới chân núi Quy Sơn, sinh được 2 con trai, đặt tên con trưởng là Hà Vô Phương, con thứ là Hà Lương Năng.
Con trưởng lớn lên lấy vợ là con gái Hầu Phủ. Qua một năm, Hầu Phủ có bệnh, con gái xin được về thăm, lúc về cùng đi với chồng. Trong lòng bối rối nên khi đi để quên cái vòng ngọc hồi môn. Lúc sực nhớ ra, còn đang phân vân chưa biết làm sao thì Hà Lương Năng đã mang vòng ngọc đuổi theo trao cho, lại nói: “Mẹ cũng đang có bệnh, mong anh sớm trở về.” Hà Vô Phương nghe vậy thì dặn dò em mình hãy bảo vệ chị dâu trên đường về thăm nhà, còn tự mình gấp rút quay lại thăm bệnh mẹ.
Đi được một đoạn, chị dâu ái ngại nên bảo em chồng rằng: “Nhà chị cũng chẳng bao xa, không dám phiền chú nhọc sức đi theo.” Vì thế, Lương Năng liền quay về nhà.
Đêm đó, nhà họ Hầu chờ mãi không thấy con gái về. Sáng ra theo đường mà tìm, thấy một thi thể con gái nằm chết, bị chặt mất đầu. Hầu Phủ đau lòng quá mà qua đời. Nhà họ Hầu nghi ngờ rằng Lương Năng giữa đường muốn cưỡng bức chị dâu, do nàng không thuận theo nên giết đi, liền đưa đơn kiện lên quan phủ. Lương Năng bị tra tấn bức cung không chịu đựng nổi, cuối cùng đành phải nhận tội oan, chịu xử tội chết.
Bấy giờ, thần núi Quy Sơn là Ngải Mẫn mang nổi oan đó báo lên, ta liền xem xét sự việc. Hóa ra trong đêm ấy có tên cướp hung bạo là Ngưu Tư, cùng vợ là Mao thị có chuyện cãi vả, trong lúc nóng giận lỡ tay giết chết vợ. Khi ấy, tình cờ lại gặp con gái nhà họ Hầu đang đi một mình trên đường, liền bắt về cưỡng bức, lại lấy quần áo của nàng tráo đổi với xác chết của Mao thị. Mao thị với Hầu thị tuổi tác cũng suýt soát gần nhau nên thân hình giống nhau. Ngưu Tư liền chặt đầu Mao thị giấu đi, mang xác vất ra bên đường, rồi bắt Hầu thị mang về nhà mình, chẳng ai nhận biết được chuyện ấy cả.
Ta liền truy tìm hồn phách của Mao thị, khiến cho tạm nhập vào thân xác của Ngưu Tư, lại mượn chính miệng của Ngưu Tư để nói ra những chuyện đã xảy đến cho nàng. Quan phủ nghe qua thấu rõ sự thật, truyền mang Ngưu Tư ra chém tại chợ. Con gái họ Hầu được trả về nhà, mối oan của Hà Lương Năng được sáng tỏ.
Lời bàn
Người phàm mắt thịt chỉ có thể nhìn thấy hình dạng bên ngoài của con người, nhưng quỷ thần có thể nhìn thấu cả tâm can. Vì thế nên pháp luật của dương gian có thể oan sai, còn sự khiển trách trong chỗ vô hình thì không thể nào chạy thoát.
Trừ bạo loạn, cứu người hiền
Đế Quân kể rằng: Ở làng Bắc Quách có một phú ông tên Trí Toàn Lễ. Nhân tiết Trọng Xuân làm lễ tế tự, sau đó thì cả nhà lớn nhỏ đều uống đến say mềm. Có tên cướp hung bạo là Vương Tài dẫn theo đồng đảng đến cướp nhà họ Trí, trói chặt cả thảy nam nữ là 9 người, lại thêm tỳ thiếp 7 người nữa. Chỉ có người vợ Toàn Lễ với 2 cô con gái là Thuấn Anh, Thuấn Hoa còn chưa bị trói. Hai cô gái ôm mẹ mà khóc. Vương Tài muốn hãm hiếp, cô em liền lớn tiếng chửi rằng: “Bọn giặc đói chúng mày dám cướp nhà tao, thần minh họ Trương đã biết rõ tội bọn bay rồi.”
Nói vừa dứt lời thì vị thần tư mệnh trong nhà cùng với tổ tiên dòng họ Trí đã cùng nhau đến cấp báo lên ta. Ta lập tức phái công tào dẫn trăm âm binh đi giải cứu. Ngay khi đó, Toàn Lễ với tất cả mọi người trong nhà đều bỗng dưng thấy dây trói tự mở, liền cùng nhau xông ra bắt hết bọn cướp trói lại. Quan phủ nghe chuyện mang quân đến, liền bắt toàn bộ bọn chúng về trị tội.
Lời bàn
Vương Tài sở dĩ dám đến cướp là vì nhân lúc tất cả người nhà đều say khướt, không sức chống cự. Mà cả nhà Toàn Lễ đều say khướt, là do trước đó ham vui uống quá chén. Ví như chủ nhà biết giữ sự tỉnh táo không rối loạn, ắt kẻ lớn người nhỏ trong nhà cũng đều duy trì được sự cảnh giác, đâu để phải chuốc lấy tai họa từ bên ngoài? Đáng sợ lắm thay! Người làm chủ trong gia đình không thể không luôn giữ sự tỉnh giác! Nếu người không có trí tuệ chân chánh, hiểu biết đúng đắn, ắt sẽ bị sáu tên giặc chuyên cướp công đức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý dẫn theo bọn đồng đảng là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm và các ý tưởng, tự cướp lấy hết những của báu trong nhà mình, nào phải chỉ riêng Toàn Lễ bị cướp mà thôi đâu!
Giúp người khi khẩn thiết
Giảng rộng:
Những trường hợp gọi là khẩn thiết không giống với những trường hợp gọi là nguy nan. Ta thường nói nguy nan để chỉ những chuyện không may bất ngờ gặp phải, nhưng sự khẩn thiết thông thường là chỉ chung cho những trường hợp thiếu thốn quá nhiều về vật chất.
Người đời thường xem tiền bạc như sinh mệnh, ấy là muốn giữ cho trong đời sống không bị thiếu ăn thiếu mặc, khi bệnh tật ốm đau không thiếu thuốc thang, đều là những chuyện khẩn thiết. Nhà có con trai, con gái đến tuổi trưởng thành, thì chuyện lo liệu hôn nhân cưới gả là khẩn thiết. Nhà có người chết thì chuyện tang ma quan quách là khẩn thiết. Tùy theo khả năng, sức lực của mình mà trong những trường hợp khẩn thiết đó có thể hỗ trợ, phụ lực cho người vượt qua, đó gọi là giúp người.
Khổng tử nói: “Thực hành theo đạo lớn thì là người của cả thiên hạ. Cho nên, không chỉ yêu lấy người thân của riêng mình, không chỉ hiếu kính riêng với cha mẹ mình.”
Lại cũng nói rằng: “Đối với tài vật, ghét sự phung phí vất bỏ, cũng không nhất thiết phải giữ làm của riêng. Có sức lực, ghét sự lười nhác không ra sức, cũng không nhất thiết chỉ làm việc cho riêng mình.”
Chân thành nhận hiểu thấu đáo những lời trên, thì chuyện thiếu thốn khẩn thiết tuy ở người khác nhưng cũng không nỡ xem đó là việc của người, mà sẽ nhận như là của chính mình. Nếu như có thể xem sự thiếu thốn khẩn thiết của người giống như của chính mình, ắt đời đời kiếp kiếp về sau, tự thân mình sẽ chẳng bao giờ rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn nữa.
Tiên sinh Trần Kỷ Đằng có nói: “Người đời gọi kẻ giàu cótài chủ, ý muốn nói rằng người ấy có thể làm chủ, biết sử dụng hợp đạo lý tài sản của mình.” Sự nghiệp gia đình tuy vẫn phải phát triển, nhưng cũng nên biết tùy sức mình mà giúp đỡ, chu cấp cho người khác. Ngày nay, những người có nhiều tài sản thường trở thành nô dịch cho tài sản ấy. Có thể tích lũy tài sản, cũng có thể tùy ý sử dụng tài sản, như vậy mới đáng gọi là tài chủ. Nếu chỉ biết tích lũy cho nhiều tài sản mà không thể tùy ý sử dụng, thì bất quá chỉ nên gọi là tài nô, tức kẻ nô dịch của tài sản mà thôi.
Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy rằng: “Nếu bố thí y phục cho người, ngày sau sẽ được hình sắc đẹp đẽ diễm tuyệt; nếu bố thí thức ăn cho người, ngày sau sẽ được sức mạnh vô cùng; nếu giúp người phương tiện soi sáng, tự thân mình sẽ được mắt sáng trong sạch nhiệm mầu; nếu giúp người phương tiện đi lại, tự thân mình sẽ được an vui; nếu giúp người có chỗ ở an ổn, tự thân mình sẽ luôn được đầy đủ không đói thiếu.”
Lại cũng dạy rằng: “Nếu giúp đỡ người khác các nhu cầu như cơm ăn, áo mặc, nhà ở... với tấm lòng thương yêu, hoan hỷ, sẽ được phước đức nhiều không thể đo lường.”
Trưng dẫn sự tích
Nghèo giàu chỉ trong thoáng chốc
Đế Quân kể rằng: Khi Thục đế vừa lên ngôi, năm ấy mùa màng mất sạch, đói kém nặng nề lan tràn khắp nơi, riêng ở quận Ba Tây lại càng hết sức nghiêm trọng. Có người phú nông là La Mật, tích chứa được hơn năm ngàn hộc thóc, đóng cửa kho giữ chặt không chịu bán ra. Lại có người đầy lòng hiệp nghĩa là Hứa Dung, dốc hết tài tản ra cứu giúp người nghèo. Đến lúc không còn khả năng tiếp tục giúp nữa, suốt đêm ông lại thắp hương khẩn cầu trời cao cứu giúp. Vị thần trong huyện là Lai Hòa Tôn mang việc ấy trình báo lên ta.
Ta tấu trình lên Ngọc Đế, có chỉ ban xuống thu lấy số thóc trong nhà La Mật phân bổ ra để cứu dân nghèo. Ta liền ra lệnh cho thần gió thổi tung nhà của La Mật, khiến cho tất cả những bao chứa thóc bên trong đều bị gió cuốn bay đi, rồi từ trên không trung mà rơi xuống khắp nơi, tự gom thành từng đống. Người trong huyện đều được một phen no đủ. Riêng nhà họ La, tài sản tích chứa chỉ trong một ngày bị mất sạch. Người trong huyện nhớ ơn Hứa Dung trước đây cứu giúp, nên có nhiều người mang thóc đến hoàn trả cho ông.
Đó cũng là do họ La thấy người gặp tai họa mà khoanh tay đứng nhìn hả hê, không ra sức giúp đỡ. Khi ấy, Thục Đế phong Hứa Dung làm Huyện tá. La Mật nghe được chuyện ấy, tự thấy hổ thẹn quá mức, liền tự treo cổ mà chết.
Lời bàn
Như thế gọi là thần thông du hí. Chuyện làm mưa thóc từ trời xuống, tuy là nhân sự tấu trình của Đế Quân, nhưng cái cách bỡn cợt đùa vui với người đời như thế, thật ra thì trời cao vẫn thường làm. Xin ghi lại đây chuyện ông trưởng giả Lô Chí ngày trước để người đọc tiện tham khảo thêm.
Ấn Độ xưa có trưởng giả Lô Chí, hết sức giàu có nhưng lại vô cùng keo kiệt, bủn xỉn. Vợ con, tôi tớ trong nhà đều khổ sở vì sự keo kiệt của ông. Một hôm trời đẹp, Lô Chí liền lẻn mang bốn đồng tiền đi mua rượu thịt, mang ra chỗ một bãi tha ma hoang vu vắng vẻ, một mình ăn uống. Nhưng Lô Chí vốn không quen uống rượu, nên vừa uống đã say. Trong lúc say rượu cao hứng, liền cất lên một bài ca rằng:
Nay ta gặp đủ điều may mắn,
Nhấm rượu ngon khoái lạc cực kỳ.
Thật hơn xa vua Tỳ-sa-môn,
Vượt trội cả vua trời Đế Thích.
Khi ấy, Đế Thích nghe qua lời hát, bật cười nói rằng: “Thức ăn của người này bất quá chỉ đáng giá bốn đồng tiền, thế mà dám nói là khoái lạc hơn ta. Ta phải tìm cách quấy phá hắn mới được.”
Nghĩ thế, liền hóa hình giống như Lô Chí, hiện đến nhà ông ta rồi gọi tất cả người trong nhà đến nói rằng: “Ta từ trước đến nay đối xử tệ bạc với các người, vốn là do bị một con quỷ keo kiệt bám theo trong người mà khiến ra như vậy. Hôm nay ta may mắn trong lúc đi chơi bên ngoài đã thoát được nó rồi. Nay tất cả các người nếu cần gì trong nhà này xin cứ tùy ý lấy sử dụng.” Nói rồi liền mở cửa kho, phân phát tất cả cho mọi người, lại nói rằng: “Con quỷ keo kiệt ấy hình dạng giống hệt như ta, trong chốc lát nữa thế nào nó cũng đến. Các người phải đánh đuổi nó đi, nếu để nó vào nhà, ắt sẽ nhập vào khiến ta trở lại keo kiệt, bủn xỉn như xưa.”


Người trong nhà đều vâng dạ nghe theo. Bỗng nhiên thấy Lô Chí tỉnh rượu quay về, người giữ cửa liền đuổi đi, không cho vào. Lô Chí lớn tiếng gọi vợ con. Hóa ra cả vợ con ông cũng cầm gậy gộc xông ra đánh đuổi ông đi. Lô Chí hết sức kinh hoảng, liền đến chỗ mấy người bạn thân than khóc kể lại. Những người bạn ấy liền cùng nhau đưa ông về nhà. Vợ con Lô Chí nhìn thấy lại nói: “Không phải đâu, nó chính là con quỷ keo kiệt, sao các ông lại tin lời nó.”
Mấy người bạn nhìn vào trong nhà thấy Đế Thích giả hình Lô Chí, cho rằng Lô Chí quả thật vẫn đang ở trong nhà, liền quay sang quát mắng Lô Chí: “Mày là con quỷ keo kiệt, sao dám gạt bọn ta.”
Lô Chí khi ấy có miệng không nói thành lời, khó lòng biện bạch, liền xoay xở mượn của người quen được một khúc vải lụa, định dâng lên vua để kể lể oan tình. Người giữ cửa không nhận, không cho vào, Lô Chí bèn la lớn: “Tôi muốn dâng tài sản, tôi muốn dâng tài sản.” Vua nghe thấy, truyền cho ông vào.
Lô Chí vào trước điện, vừa muốn dâng khúc vải lụa lên để kêu oan, bỗng nhiên hai nách khép chặt giữ khúc vải lụa lại, dù gắng hết sức lực vẫn không dang tay ra được. Khi ấy, Đế Thích lại biến hóa khúc vải lụa thành một bó cỏ. Lô Chí thấy vậy hết sức xấu hổ. Vua liền cười lớn mà nói: “Thôi thôi, ông không cần dâng vải lụa, có gì oan ức cứ nói nhanh ra đi.”
Lô Chí rơi nước mắt, khóc lóc kể hết sự tình. Vua nghe qua rồi, truyền cho đòi cả 2 ông Lô Chí cùng với vợ con đều đến trước điện. Vua nhìn thấy cả hai người, từ giọng nói cho đến hình dạng đều y hệt như nhau, liền ra lệnh cởi áo để trần cánh tay ra mà so sánh nốt ruồi nhận dạng, nhưng vẫn thấy giống hệt nhau, không thể phân biệt được. Vua liền lệnh đưa hai người đến hai nơi riêng biệt, yêu cầu mỗi người tự tay viết ra những điều ẩn khuất, bí mật nhất trong đời mình. Kết quả chẳng những nội dung đều tương đồng như nhau, mà cả nét chữ cũng không khác biệt.
Khi ấy, đức vua than rằng: “Ta người phàm mắt thịt, trong chuyện này dễ bị mê hoặc, không phân biệt được. Nay ta nên đến thưa hỏi đức Thích-ca Như Lai.”
Nói rồi lên xe cùng đi với hai ông Lô Chí đến tinh xá Kỳ Viên. Đức Phật nhìn thấy liền hướng đến chỗ Lô Chí giả mà gọi một tiếng, Đế Thích lập tức hiện nguyên hình vua trời. Vua nhìn thấy Đế Thích, lập tức quỳ xuống bái lạy, rồi quay sang bảo Lô Chí hãy quay về nhà. Lô Chí nói: “Nay tôi quay về nhà thì tài sản đã mất sạch hết rồi.”
Đế Thích nói: “Ông làm việc bố thí, tài sản trong kho chẳng xê xích gì.”
Lô Chí nổi giận, nói: “Tôi chỉ tin lời Phật, không tin lời Đế Thích.”
Đức Phật bảo: “Ông cứ quay về nhà, lời Đế Thích nói đó không sai.”
Lô Chí quay về nhà, quả nhiên thấy tài sản trong kho vẫn còn y nguyên không mất mát gì. Từ đó dần dần đổi tính, thường làm việc bố thí giúp người, không còn keo kiệt bủn xỉn như trước nữa.
Thương xót người cô độc
Giảng rộng
Đáng thương thay! Thiên hạ có biết bao nhiêu người cô độc, những trẻ em mồ côi, yếu đuối không nơi nương tựa. Xưa cha mẹ còn sống, cũng từng được thương yêu chiều chuộng, chăm sóc đủ điều, thương quý như ngọc ngà; cũng từng được bồng ẵm nâng niu, ôm ấp bảo bọc, chỉ lo con nóng lạnh bất thường. Nào ngờ cha mẹ nửa đường vắn số, sớm nẻo quy tiên, khiến cho cốt nhục chia lìa, chắc hẳn nơi chín suối cha mẹ không khỏi phải ôm lòng đau đớn khôn nguôi.
Than ôi, làm người quan trọng nhất là phải có tấm lòng suy mình thương người, mới đáng gọi là nhân từ khoan thứ. Thử tưởng tượng nếu như con cái mình phải lênh đênh phiêu dạt, cô độc khổ sở, bỗng gặp có người nhân từ độ lượng giúp đỡ bảo bọc cho, mình sẽ cảm niệm ơn đức ấy nói sao cho xiết! Cho nên nói rằng, người ta ai cũng sẵn có tấm lòng bất nhẫn, nhìn thấy kẻ khác khổ sở đớn đau thì không thể khoanh tay vô sự đứng nhìn; thường thường nuôi dưỡng được tâm niệm như thế, đó gọi là người có lòng nhân.
Còn ít tuổi mà cha mẹ mất sớm, tất nhiên phải trở thành côi cút, cô độc. Nhưng theo đó mà suy rộng ra, thì những kẻ mà trong họ hàng không có chú bác, trong gia đình hiếm hoi anh chị em, cũng đều có thể gọi là cô độc. Những gia đình suy vi ít phước, tuổi già mà con cái còn nhỏ dại, cũng gọi là cô độc. Lại như những người vì việc quan trường bận rộn, hoặc bon chen chốn doanh thương, phải trôi dạt tha hương không người thân thích, đó cũng gọi là cô độc. Thậm chí như những người đạo hạnh cao khiết nhưng bị người khác vu khống làm nhục, người đức cao vọng trọng nhưng bị người báng bổ, khiến cho mọi người xa lánh, cũng gọi là cô độc.
Những trường hợp gọi là cô độc như thế rất nhiều, sự khởi tâm thương xót giúp đỡ cũng có nhiều phương thức đa dạng. Dưới đây đưa ra một bài của Đế Quân, có thể giúp nhận hiểu và phân biệt rõ hơn.
Trưng dẫn sự tích
An ủi lòng bạn nơi chín suối
Đế Quân kể rằng: Quan Sư Thị là Vi Trọng Tương, bạn đồng sự cùng ta trong triều, biết nhau đã lâu. Sau khi ông chết, không có con trai, chỉ để lại năm đứa con gái côi cút không nơi nương tựa. Ta lo lắng trọn vẹn việc hôn nhân cho ba đứa đã lớn, còn lại hai đứa nhỏ gửi gắm ở nhà quan Tư Gián là Cao Chi Lượng, sau đón về làm vợ hai con ta là Minh và Mậu Dung.
Lời bàn
Con trai mồ côi được người nuôi dưỡng cũng thường gặp, nhưng con gái côi cút được người lo lắng chu toàn thật ít có. Nhà họ Vi thật may mắn có được người bạn tốt.
Về hai người con của Đế Quân là Minh và Mậu Dung, sau vào đời Tây Tấn lại tái sinh làm con Tạ Đông Sơn. Sang đời Đường có Thừa tướng Trương Cửu Linh, đời Tống có Thừa tướng Trương Tề Hiền, lại như Tư Mã Quang, đều là những hậu thân của hai người.
Khoan thứ kẻ lỗi lẫm
Giảng rộng
Khổng tử nói rằng: “Khắc phục chỗ xấu của chính mình, không công kích chỉ trích chỗ xấu của người khác.” Lại nói rằng: “Nghiêm khắc với chính mình mà giảm bớt sự chê trách người khác.”
Các bậc hiền thánh xưa nay có muôn câu ngàn lời răn nhắc, thảy đều khuyên ta phải tự xét lỗi mình. Biết tự xét lỗi, ắt lúc nào cũng luôn tự lo việc sửa mình, chẳng còn thời gian đâu mà chê trách lỗi người khác.
Lỗi lầm của người ta có khi là cố ý, cũng có lúc chỉ là vô tình. Những lỗi vô tình rất dễ tha thứ, những lỗi cố ý thật khó dung tha. Nhưng người học đạo quyết chí nuôi dưỡng lòng khoan thứ lại nên chú ý đến việc dung thứ cho những lỗi cố ý của người khác. Nếu người phạm lỗi cố ý còn có thể tha thứ được, huống chi là kẻ phạm lỗi vô tình?
Khi sự việc nghiêm trọng đến mức không thể dung thứ mà ta muốn dung thứ thì quả nhiên sẽ rất khó khăn, nhưng cũng không thể không cố gắng hết sức. Vậy có thể dùng cách nào để khởi tâm tha thứ trong những trường hợp này?
Một là hãy nghĩ đến người việc người phạm lỗi kia chỉ vì không đủ trí tuệ. Thiên hạ đa phần đều là những người tầm thường dung tục, sao ta lại muốn đem những chuẩn mực của bậc hiền thánh mà trách cứ người khác? Nếu không tha thứ được cho người kém hiểu biết, thì hóa ra chính ta mới là người thiếu trí tuệ.
Hai là nghĩ đến việc mạng người ngắn ngủi. Người sống trong đời này, ngày qua tháng lại khác nào như bóng câu qua song cửa, một ngày trôi qua là tuổi thọ đã ít đi một ngày; khác nào tử tù đang trên đường ra pháp trường, mỗi bước đi là một bước đến gần cái chết. Đối với mạng người ngắn ngủi như thế, sao có thể không khởi lòng thương xót?
Ba là nghĩ đến sự sai lầm của người khác chính là phương thuốc giúp ta sửa lỗi của chính mình. Từ trước ta dù có lỗi cũng thường không tự biết được, nay nhìn thấy lỗi của người, nhờ đó có thể tự soi xét phản tỉnh trong lòng. Cho nên, người ấy có thể xem như thầy ta, sao dám đem lòng xét nét trách cứ?
Nếu khởi tâm suy xét như trên, ắt sẽ có thể tha thứ cho cả những điều rất khó tha thứ. Cho nên, khi chưa thể khởi tâm tha thứ thì tâm tánh thường nóng nảy, bực dọc; sau khi đã tha thứ được cho người thì tự nhiên trong lòng được an ổn, bình thản. Tâm tánh nóng nảy thì trước mắt tự thấy đầy dẫy chông gai, dù con sâu con kiến cũng đủ làm chướng ngại trên đường. Tâm an ổn thì rào chắn không tự dựng lên, tự nhiên rộng mở tâm hồn, dù kẻ xung khắc với ta cũng có thể cùng chung đường tiến tới.
Hơn nữa, nếu không thể dung thứ cho người có lỗi, ắt phải cùng người ấy tranh biện hơn thua, khiến cho động lòng tự ái, phải tìm mọi cách để biện bạch, vì thế nên muốn người ấy không mắc lỗi nữa nhưng thực tế họ càng phạm lỗi nhiều hơn. Ngược lại, nếu có thể tha thứ lỗi của người, ắt sẽ khiến người ấy tự thấy xấu hổ, dù ta không cầu cho người ấy không mắc lỗi, nhưng người ấy cũng tự nhiên ít phạm lỗi hơn.
Cho nên nói rằng, nhìn thấy lỗi của người khác là cửa ngỏ của mọi điều xấu ác, mà nhìn thấy được lỗi của mình chính là cửa ngỏ của mọi điều thiện.
Trưng dẫn sự tích
Tiến cử kẻ thù
Đế Quân kể rằng: “Cha ta chết, vốn là do lời gièm pha vu khống của Nam Phong Thành, trong triều đình ai ai cũng biết rõ việc ấy. Mối thù hận trọn kiếp đó ta vẫn còn chưa quên. Sau Nam Phong Thành chết, con trai ông là Nam Ôn Thúc lại là người tài năng đức độ. Quan Sư Thị họ Vi thường nói với ta: “Con trai của Nam Phong Thành tính ham học không chán, nói ra lời nào cũng đều hợp với đạo lý, phép tắc, thật hiếm có trong số con em quý tộc hiện nay.”
Ý trời thật khó biết, ai ngờ Nam Phong Thành lại có được người con như thế. Lúc bấy giờ, tuy ta đang có mối thù không đội trời chung với nhà họ Nam, nhưng nghe đến sự đức độ hiền lương của Ôn Thúc thì vẫn thường mến mộ, yêu thích. Khi ta thăng chức làm quan Đại phu, chức quan Bảo thị còn chưa có người thay, ta liền tiến cử Ôn Thúc. Sau quả nhiên Ôn Thúc đảm nhận chức quan ấy vô cùng xuất sắc.
Lời bàn
Vua Nghiêu giết ông Cổn vì tội trị thủy không thành công, nhưng con trai ông là Vũ vẫn giúp vua Nghiêu kế tục công việc trị thủy và thực hiện thành công. Quản Thúc và Sái Thúc là anh em với Chu Công, đều bị lệnh vua giết, nhưng Chu Công vẫn là người phụ chính giúp Chu Thành Vương. Đế Quân không vì thù cha mà khiến cho đất nước mất đi bậc hiền tài, khiến người đức hạnh phải bị che lấp không được dùng đến, có thể nói là đã rất khéo léo vận dụng đúng chữ hiếu.
Khi tôi đọc sách Lễ ký thấy có câu rằng: “Kẻ thù giết cha không thể đội trời chung.” Sau lại đọc Kinh điển đạo Phật, thấy có câu rằng: “Hết thảy oán thù đều không thể báo hết.” Hai thuyết như thế có vẻ như hoàn toàn trái ngược, nhưng mỗi thuyết đều có chỗ hợp lý.
Nhà Nho chỉ căn cứ vào đời sống hiện tại này, nên có thù cha mà không báo tức là đã quên ơn dưỡng dục. Vì thế cho rằng việc nuôi dưỡng cái tâm “không đội trời chung” ấy là hiếu thảo.
Đức Phật hiểu thấu nhân quả trong ba đời, quá khứ, hiện tạivị lai, thấy được rằng những chúng sinh từng làm cha mẹ của ta trong quá khứ thật không thể tính đếm hết, lại những kẻ có thù với cha mẹ ta cũng là vô số. Như vậy, chính trong số những chúng sinh từng là cha mẹ của ta, lại cũng chính là những cừu địch của nhau, nhiều đến vô số. Số nhiều như vậy, nếu mỗi mỗi đều không đội trời chung, làm sao có thể báo thù rửa hận đối với tất cả?
Huống chi chỉ xét trong đời này, thêm một mối cừu thù, là cha mẹ phải thêm một sự đối nghịch oán hận, cho nên vì muốn dứt nhân duyên đối nghịch oán hận cho cha mẹnhẫn nhục không báo thù, xem đó mới là hiếu thảo.
Xét như khi Vũ vương đánh vua Trụ, Thái Công vác kích theo ra trận, Bá Di cản trước đầu ngựa quyết can ngăn, như vậy chẳng phải hai người ấy trái nghịch nhau như nước với lửa đó sao? Nhưng Mạnh tử khi nhắc đến chuyện này lại nói: “Hai ông già ấy, đều là những ông già đáng tôn kính nhất trong thiên hạ.” Lại cũng chưa từng dám phê phán hai người ấy ai tốt, ai xấu. Đối với hết thảy những chỗ khác biệt hay giống nhau giữa Nho gia với Phật giáo, đều nên quán xét theo lẽ ấy. Được như vậy thì càng đọc nhiều kinh Phật, lại càng tinh tường lý lẽ của nhà Nho. Đế Quân khuyên người thực hành rộng khắp theo Tam giáo chính là vì thế.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/10/2019(Xem: 8748)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.