Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (32)

21/09/20145:53 CH(Xem: 10970)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (32)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (32)


Miệng nói đúng thật thì lòng không được nghĩ quấy
Giảng rộng
Miệng là cửa ngõ vào ra của thân. Thức ăn đưa vào miệng, nhờ đó nuôi dưỡng thân xác. Lời nói phát ra từ miệng, nhờ đó biểu đạt những gì nuôi dưỡng trong tâm ý. Lời nói ra phải phù hợp với những gì suy nghĩ trong lòng, thì mới có thể khiến cho người khác phân biệt đúng sai, phải trái. Nếu không được như vậy, ắt chỉ là hạng xảo trá, gian ngụy khó lường. Kẻ chuyên dùng cơ mưu xảo trá với người, lời nói còn chưa lập được chút công đức gì thì trước đó đã tạo ra biết bao lầm lỗi. Người đời thất bại do lời nói quả thật không ít. 
Miệng không thể suy xét, chỉ tâm mới có khả năng suy xét. Miệng do tâm sai khiến, nên nói ra lời dối trá là miệng, nhưng chủ ý nói ra lời dối trá để lừa gạt người khác lại chính là tâm. Con người khi giao tiếp mà trong lòng ngoài miệng chẳng được như nhau thì không phải lỗi của miệng, mà chính tại tâm. Chỉ cần giữ tâm trong sáng minh bạch thì lời nói tự nhiên sẽ không còn gian xảo trí trá. Người quân tử muốn tu sửa tự thân cần phải thấy được đâu là nguyên nhân căn bản.
Trưng dẫn sự tích
Thề độc phải chịu quả báo tàn khốc 
Vào thời đức Phật còn tại thế, có vị tỳ-kheo ni tên là Vi Diệu, sau khi chứng đắc quả A-la-hán liền tự nói ra với ni chúng những quả báo thiện ác của chính mình trong đời trước.
Tỳ-kheo-ni Vi Diệu kể lại rằng: “Vào đời quá khứ, ta từng làm vợ của một vị trưởng giả rất giàu có. Ông này chưa có con nối dõi, nhân có người tiểu thiếp sinh được đứa con trai nên ta ghen tị mà lén lút giết chết đứa trẻ. Người thiếp ấy oán hận lắm, mắng nhiếc rất nhiều câu khó nghe. Khi ấy ta liền tự phát lời thề độc rằng: ‘Nếu quả thật tôi giết con của cô thì chồng tôi sẽ bị rắn cắn, con tôi sinh ra sẽ bị nước trôi, bị sói ăn thịt, tự tôi sẽ ăn thịt con mình, thân tôi sẽ bị chôn sống, cha mẹ người nhà đều sẽ bị lửa lớn thiêu chết.’ 
“Do nghiệp ác đó, sau khi chết ta bị đọa vào địa ngục chịu vô số những khổ não đau đớn. Sau khi chịu tộiđịa ngục xong, trong đời này ta được sinh làm con gái một vị Phạm chí. Khi ấy, ta mang thai sắp đến ngày sinh nở, liền cùng chồng đi về nhà cha mẹ. Giữa đường chợt đau bụng sắp sinh, phải dừng lại sinh trong đêm dưới một gốc cây, bỗng có một con rắn độc cắn chết chồng ta. Ta đau buồn khóc lóc, đợi trời vừa sáng thì tay dắt đứa con lớn, tay bồng đứa con nhỏ, gạt nước mắt mà tiếp tục lên đường. Phía trước bỗng gặp một con sông chắn ngang, không có thuyền bè qua lại, ta liền để đứa con lớn ở bờ sông bên này, bế đứa con nhỏ bơi qua sông trước, đặt con trên bờ rồi mới quay lại đón đứa con lớn. Con ta nhìn thấy mẹ thì từ bờ sông chạy ngay ra, không ngờ liền bị nước cuốn trôi đi mất. Ta không cứu được đứa con lớn, quay lại chỗ đứa con nhỏ thì nó đã bị sói ăn thịt mất rồi, chỉ còn thấy máu thịt còn lênh láng nơi ấy. Đau buồn thống thiếtcốt nhục chia lìa, ruột gan ta như đứt đoạn, chết đi sống lại.
“Ta tiếp tục đi về nhà thì gặp một vị Phạm chí là người quen thân với cha mẹ ta, liền kể hết những nỗi khổ của mình rồi hỏi thăm sức khỏe cha mẹ. Vị ấy liền nói: ‘Cách đây mấy hôm nhà bị cháy, hai ông bà cùng tất cả người nhà đều chết cả.’ Nhân đó, ông liền đưa ta về nhà, nuôi dưỡng như con gái. 
Về sau ta lại tái hôn với một người khác, mang thai đến khi sắp sinh nở thì vừa gặp lúc chồng ta đi uống rượu về, không ai mở cửa nên tự phá cửa vào. Đang lúc say rượu điên cuồng, chồng ta liền trói ta lại rồi đánh đập tàn độc, lại nấu thịt đứa con mới sinh bắt ta phải ăn. Ta quá sợ phải cố nuốt vào một miếng, đau xé tâm can. Sau việc đó, ta bỏ chồng trốn chạy đi thật xa. Đến nước Ba-la-nại, dừng nghỉ dưới gốc cây thì gặp một người vừa chết vợ, liền cùng ông ta kết làm vợ chồng. Vừa được mấy hôm, người chồng này bỗng lăn ra chết. Theo luật của nước ấy, nếu vợ chồng vẫn còn đang sống với nhau thì khi chồng chết, vợ phải chôn theo. Thế là ta bị chôn sống theo chồng. May thay lúc đó có một bọn trộm cắp kéo đến đào mộ để lấy của cải, ta nhờ đó mà được cứu ra còn sống. 
“Khi ấy ta tự suy nghĩ, không biết mình đời trước đã tạo tội gì mà chỉ trong một thời gian ngắn đã phải liên tục gặp những tai họa khủng khiếp đến như thế. Khi nghe biết đức Phật Thích-ca đang ở nơi tinh xá Kỳ Hoàn, ta liền tìm đến chỗ Phật, cầu xin được xuất gia. Vì trong quá khứ ta đã có lần cúng dường thức ăn cho một vị Phật Bích-chi, lại nhân đó có phát nguyện tu hành, nên nhờ nhân duyên ấy mà đời này được gặp Phật, cuối cùng tu tập chứng đắc quả A-la-hán.”
Lời bàn
Thật bi thảm lắm thay, chỉ trong một thời gian ngắn mà liên tiếp gặp những tai hoạ lạ kỳ như thế! Lại cũng vui thích lắm thay, được gặp Phật, xuất gia, cuối cùng chứng đắc quả A-la-hán! Nghiệp quả bi thảm ấy chính là vì miệng nói ra không đúng như trong lòng nghĩ, phát lời thề độc để mong người khác nghĩ mình là ngay thẳng. Còn quả lành vui thích ấy là nhờ cúng dường thức ăn cho Phật Bích-chi lại phát nguyện cầu đạo xuất thế. Cho nên nói rằng: “Họa phúc đều do chính mình tạo ra đó thôi.” 
Mù một mắt cho đúng lời thề 
Tống Khâm Tông bị giặc Kim bắt lên phương bắc. Không lâu sau, hai nước ký kết hòa ước, Khâm Tông bị giữ lại. Hoàng hậu Hiển Nhân sắp về nam, vua cầm tay khóc mà nói: “Nếu con được về nam, chỉ mong được phong làm chủ cung Thái Ất là đủ rồi, chẳng dám cầu gì hơn.” Hoàng hậu liền thề với vua: “Nếu ta về rồi mà sau này không đón con thì mắt ta sẽ bị mù.” 
Đến khi hoàng hậu về cung rồi, Tống Cao Tông lại hoàn toàn không có ý tìm cách đón Khâm Tông về cung. Hoàng hậu buồn lòng nhưng lại lặng thinh không dám mạnh dạn nói ra. 
Chẳng bao lâu sau hoàng hậu liền bị mù mắt, thầy thuốc khắp nơi không ai chữa khỏi. Về sau có một đạo sĩ vào cung, dùng kim vàng khêu vào mắt trái liền sáng. Hoàng hậu mừng lắm, xin chữa luôn mắt bên phải. Đạo sĩ nói: “Hoàng hậu nhìn một mắt thôi, còn một mắt phải giữ cho đúng lời thề.” 
Hoàng hậu nghe nói kinh sợ, liền đứng dậy cảm tạ thì đạo sĩ đã đi mất rồi. 
Lời bàn
Xem nhẹ lời hứa ắt sẽ bị người oán trách, xem nhẹ lời thề ắt phải bị trời trách phạt. Hoàng hậu Hiển Nhân không giữ được như lời, không phải phụ lời hứa, mà vì tình thế ép buộc. Nhưng ví như lúc ấy hoàng hậu đau đớn khóc lóc trước mặt Tống Cao Tông để thỉnh cầu, cho dù ý vua nhất quyết không thay đổi, thì hoàng hậu cũng có thể xem như không phụ lời thề. Chỉ là bà ta không làm được như thế, nên việc chịu mù một mắt cho đúng lời thề biết đâu lại chẳng là đã xét cái tình của bà rồi mới trách tội như vậy. 
Phát quang đường sá, dọn sạch lối đi 
Giảng rộng
Đế quân dạy rằng: “Phát quang gai góc lùm bụi chướng ngại đường sá, dọn sạch đá gạch ngăn giữa lối đi.” Gai góc chướng ngại trên đường sẽ vướng víu y phục của người, nếu được phát quang sẽ thuận lợi cho việc đi lại. Đá gạch ngăn lối đi ắt sẽ gây thương tích nơi chân người, nếu dọn sạch sẽ thuận lợi cho khách bộ hành. Nếu lưu tâm thì có thể thấy rằng mỗi bước chân đi của khách bộ hành đều được sự giúp đỡ lợi lạc. Hơn nữa, đối với người sáng mắt đi lại ban ngày thì việc dọn đường không kể là công lớn, nhưng những khi chiều tà đêm tối, hoặc đối với người mù mắt thì công đức của việc dọn đường là rất lớn. Vì thế, chớ nên xem thường việc thiện nhỏ mà không làm. 
Từ nơi tâm nguyện trừ bỏ chướng ngại trên đường sá mà suy rộng ra, cho đến những bọn đầu trộm đuôi cướp, cường hào ác bá, gian thần lộng quyền, quan lại tham nhũng, cho đến những kẻ cậy thế làm càn, hà hiếp người hiền lương nơi thôn xóm... hết thảy cũng đều cần phải đem hết sức lực ra mà trừ bỏ dẹp sạch. 
Khi việc trừ bỏ dọn dẹp được nhân rộng khắp nơi, thì những cỏ hoang rậm rạp chướng ngại đường đi nơi thôn dã, những cây cối hỗn loạn che lấp bờ sông, những cây gỗ nằm bừa bãi nơi bến thuyền, những tảng đá lớn ven sông khiến thuyền bè dễ đâm vào hư hỏng, những lưới rớ giăng bắt cá tôm trong phạm vi bến cảng làm ngăn trở tàu thuyền, tất nhiên đều phải tìm đủ mọi phương cách để trừ bỏ dọn dẹp, không để gây hại nữa. 
Gai góc, đá gạch là những chướng ngại nhìn thấy trước mắt, khiến cho người đời không thể đi lại thuận lợi, ấy đều là do trong tâm người còn nhiều tâm niệm chướng ngại, nên mới khởi sinh những hoàn cảnh không thuận lợi bên ngoài. Chính vì thế nên một khi đã sinh vào cõi đời xấu ác có năm sự ô trược thì phần nhiều đều gặp phải những chướng ngại như thế. 
Tôi từng được đọc qua kinh Khởi thế nhân bản thấy nói rằng, khi có vị Kim luân Thánh vương ra đời, giữa biển tự nhiên xuất hiện các lối đi bằng vàng, có thể theo đó đi khắp thiên hạ. Sau khi vua băng hà bảy ngày thì các lối đi ấy tự nhiên biến mất. Đó là do phước báo nghiệp lực của vị luân vương ấy mà hiện ra như vậy. 

Lại thấy trong kinh Đại bi có dạy rằng: “Đức Như Lai bước đi trên đường có thể khiến cho chỗ đất cao tự hạ thấp, chỗ đất thấp tự nâng cao, hết thảy rừng rậm, hố hầm, ngói đá, những thứ dơ bẩn, đều tự nhiên dẹp sạch, tất cả cây rừng, hương hoa đều nghiêng mình hướng theo Phật. Sau khi đức Như Lai đi qua rồi, mọi thứ đều trở lại như cũ.” 
Như thế có thể thấy rằng, tất cả các cảnh giới đều do tâm tạo thành. Người đời nay sinh vào giữa nơi đầy gai góc, ngói đá; ta vì khởi tâm lo sợ những gai góc ngói đá ấy làm hại đến người, nên mới thay họ mà trừ bỏ, dẹp sạch, đó chính là gieo nhân lành được về nơi cõi nước thanh tịnh của chư Phật, đâu chỉ là phước báu trong hai cõi trời người! 
Trưng dẫn sự tích
Nhổ gai được vàng 
Vùng Lâm Xuyên thuộc tỉnh Giang Tây có một người dân quê tên Chu Sĩ Nguyên, một hôm đi vào núi hái lá chè rừng, bị gai góc vướng áo, bước tới ngã nhào lại bị gai đâm vào người, máu chảy ra không ngừng. Nhân lúc đó liền nghĩ đến những người trong thôn như mình đều phải đi qua con đường này, e rằng cũng không tránh khỏi bị thương tích vì gai góc. Sĩ Nguyên nghĩ như vậy rồi liền gắng chịu đau, ngồi xuống dùng hết sức nhổ bật cây gai lên. Ngay khi ấy nhìn thấy phía dưới gốc cây có ánh sáng lấp lánh, nhìn kỹ hóa ra là một thỏi vàng. 
Sĩ Nguyên dùng vàng ấy làm vốn buôn bán, ba năm sau trở thành một nhà giàu có
Lời bàn
Khắp thế gian này, hết thảy những loại cỏ độc cây hại, có thể gây tổn hại thương tích cho người, mỗi khi gặp đều nên trừ bỏ hết đi, không được vun bồi.
Sửa đường sinh quý tử 
Vào triều Nguyên, có người tên Chu Đức, nhà nghèo nhưng rất thích làm việc thiện. Mỗi khi trên đường đi gặp những thứ dơ nhớp, tạp vật, ngói đá... làm trở ngại người đi đường, Chu Đức liền ra tay dọn sạch. Gặp những người khuyết tật như què, chột... ông nhất định sẽ giúp đỡ, dìu dắt. Hết thảy mọi việc thiện, ông đều cố hết sức làm không hề chán mệt. 
Một hôm, Chu Đức nằm mộng thấy có cụ già bẻ một cành hoa quế đưa tặng cho ông rồi nói: “Ban cho ông một đứa con quý để bù đắp công lao của ông.” 
Sau quả nhiên sanh được một đứa con trai, hai mươi tuổi đã được đỗ đạt. 
Lời bàn
Ai chưa từng vất vả mệt nhọc với những chướng ngại trên đường đi thì chưa thể hiểu được công lao của người dọn dẹp. Tôi còn nhớ vào niên hiệu Khang Hy năm thứ 47, vùng Giang Tô bị trận lụt lớn, người đói thiếu đầy đường. Có người mua được một thuyền gạo tấm, đi đến cửa Sa Hà thuộc Trường Châu, không biết dưới lòng sông có hòn đá ngầm lớn, nên thuyền buồm thuận gió đi nhanh đâm ngay vào đó, thuyền lập tức bị vỡ, gạo tấm chìm hết xuống sông, người trên thuyền cũng chìm theo. Lúc ấy là giữa mùa đông, lạnh quá nên nhiều người đuối chết. 
Hôm sau mới thuê được một thuyền nhỏ, lặn vớt số gạo tấm lên nhưng chỉ còn chưa được một nửa. Hai người cùng buôn chuyến gạo tấm ấy đều phá sản. Thế mới biết công lao của việc trừ dẹp những đá ngầm ngăn cản thuyền trên sông quả thật rất lớn. 
Đường sá gập gềnh đã lâu năm thì góp sức tu sửa, san phẳng
Giảng rộng Đã gọi là đường ắt phải có vô số người qua lại. Đường sá gập ghềnh, ắt phải có vô số người không được thuận tiện khi qua lại. Một ngày chưa tu sửa là một ngày người đi lại phải chịu bất tiện; trong nhiều năm không tu sửa thì suốt những năm ấy người đi lại phải chịu bất tiện. Nếu ngày nay có thể tu sửa, san phẳng, thì từ nay về sau, cho đến nhiều năm sau, mỗi ngày đều thuận tiện cho vô số người đi lại. 
Trong vô số người đó, lại có những người được đi lại thuận tiện vào ngày mưa to gió lớn, lại có những người đi lại mang vác hành lí nặng nề cũng được thuận tiện, lại có những người vào lúc chiều hôm đêm tối cũng được đi lại thuận tiện. Trong chỗ âm thầm mà xóa bỏ đi bao nỗi kinh hoàng cho vô số người già, trẻ con; lại cũng trong chỗ âm thầm mà giảm bớt đi bao lần té ngã cho vô số kẻ mù lòa, công lao như vậy chẳng phải là lớn lao lắm sao? 
Nói “đường sá gập ghềnh” là chỉ nói riêng về đường bộ, nếu theo ý này mà suy rộng ra thì những sông ngòi bị tắc nghẽn, những khe suối chảy vòng vèo, thảy đều trở ngại cho ghe thuyền khi di chuyển, cũng đều có thể xem là “đường gập ghềnh”. Cách tu sửa trong những trường hợp này là làm sao để thuận tiện cho việc đi lại, nghĩ cách nạo vét, khơi thông dòng chảy, sửa sang những chỗ khó đi, giúp cho người đời sau được vĩnh viễn hưởng nhờ ân huệ đó. Làm được như vậy chính là góp sức tu sửa, san phẳng “đường sá gập ghềnh” đã lâu năm. 
Trưng dẫn sự tích
Con đê dài bảy mươi dặm 
Vùng Côn Sơn thuộc tỉnh Giang Tô có con đê Chí Hòa chạy dài từ trung tâm huyện lỵ về hướng tây đến tận Lâu Môn, độ dài khoảng chừng 70 dặm, thông với hồ rộng, trước đây vốn là cả một vùng bùn đất, không có đường đi lại, thật là một mối lo rất lớn của người dân.
Từ thời Tấn, Đường, việc nâng sửa bồi đắp đều không có kết quả. Trong khoảng niên hiệu Hoàng Hữu triều Tống, có người vẽ bản thiết kế dâng lên triều đình, kiến nghị thực hiện, nhưng không có kết quả. Đến niên hiệu Chí Hòa năm thứ hai, quan Chủ bạ Côn Sơn lúc bấy giờ là Khâu Dữ Quyền lại dâng sớ lên triều đình, trình bày năm điều lợi ích của việc đắp con đê này, hết sức thuyết phục thỉnh cầu triều đình cho khởi công thực hiện. Tiếp theo đó, quan Tri huyện là Tiền Công Kỷ cũng dâng biểu thỉnh cầu cùng một nội dung, nên cuối cùng triều đình mới chuẩn y việc khởi công xây dựng. Từ đó liền huy động rất nhiều nhân công phu dịch, khai mương đắp đất, không bao lâu đã hoàn thành con đê, liền dùng niên hiệu mà đặt thành tên, gọi là đê Chí Hòa. Nhờ đó mà khai thông được đến 52 bến cảng trên sông, những chỗ có đường nước lớn đều làm cầu phía trên, rất thuận tiện cho người đi lại, cho đến nay người dân vẫn còn được thừa hưởng ân huệ đó. 
Lời bàn
Năm điều lợi ích được quan Chủ bạ nêu ra là: Thứ nhất, tiện cho thuyền bè đi lại; thứ hai, mở mang thêm ruộng đất; thứ ba, có thể miễn trừ thuế má; thứ tư, chấm dứt nạn trộm cướp; thứ năm, ngăn cấm được bọn gian thương. 
Một công trình lớn lao sử dụng nhiều nhân công phu dịch như thế, lại được khai sáng từ những vị quan nhỏ chỉ ở cấp huyện, cuối cùng để lại cho hậu thế những lợi ích vô cùng lớn lao. Theo đó mà xét, chắc chắn phải khởi sinh từ một tấm lòng quan tâm đến nỗi khổ của dân, nào phải vì mong cầu quan cao lộc hậu? 
Nấu thiếc đúc đập 
Côn Sơn có người tên Trương Hư Giang, tên húy là Hiến Thần, trong khoảng niên hiệu Gia Tĩnh triều Minh, giữ chức quan Đài đạo ở huyện Ninh Thiệu, tỉnh Triết Giang. Vừa đến nhậm chức, ông đã cương quyết từ chối tất cả mọi thứ phẩm vật tiền tài biếu xén, làm một vị quan thanh liêm hoàn toàn trong sạch, không một chút nhiễm bẩn. Ông thường nói: “Dù chỉ uống một chén nước sông Triết Giang, ta cũng mong cho con cháu sau này lại được làm quan nơi đây.” 
Về sau, quả nhiên cháu nội ông là Trương Thái Phù, tên húy là Lỗ Duy, được làm Tri phủ Thiệu Hưng. Bấy giờ, cách bên ngoài thành phủ khoảng năm, sáu mươi dặm có đập nước Tinh Tú, giữ vai trò rất quan trọng trong việc chống hạn của toàn phủ. Nguyên đập nước này trước đây do Chu Mãi Thần khởi công xây dựng từ triều Hán. Vùng này giáp với biển lớn, đập có đến 28 cửa thoát nước, chu vi dài rộng khoảng ba, bốn dặm, thế nước lại hết sức mạnh nên rất khó tu sửa. Trước đây có Thái thú Tiền huy động dân phu tu sửa, vừa xong chỉ qua được một ngày thì sụp lở hết sạch. Sau đó nhiều lần tu sửa nhưng lần nào cũng bị hư hoại, nhân dân hết sức khổ sở.
Trương Thái Phù xem xét địa hình nơi ấy, thấy rằng xây bằng đá thì không thể chịu đựng lâu dài, liền cho nấu chảy chì với thiếc đổ lên, làm cho cầu đá với đập nước liên kết thành một khối, giảm bớt được chi phí đến hàng vạn lượng bạc. Cho đến nay đập nước này vẫn sừng sững nguyên vẹn. Nhân dân Thiệu Hưng nhớ ơn lập đền thờ ông tại đó. Về sau Trương Thái Phù lại được thăng chức làm quan Đài đạo huyện Ninh Thiệu, sau đó nữa lên chức Bố chánh sứ, tiếp lại được thăng đến chức Tổng Tào của bảy tỉnh. Nói chung, trải qua các chức quan đều không xa rời Triết Giang, người đời đều cho rằng đó là phước báo của Trương Hư Giang làm quan liêm chính
Lời bàn
Thân phụ của tiên sinh Hư Giang là ông Nam Lộc, tổ tiên nhiều đời trước đó vốn là một học trò của danh sĩ Phương Hiếu Nho, do liên lụy đến vụ án của thầy mà phải dời đến ở Đường Phố thuộc Trường Châu, từ đó con cháu sinh sống bằng nghề nông, đối với người ngoài không bao giờ dám trao đổi chuyện văn chương sách vở. 
Một hôm, ông Nam Lộc nhân lúc đi ra ngoài bắt gặp bên lề đường có một cái túi, nhấc lên thấy rất nặng, ước chừng có khoảng ba, bốn trăm lượng bạc trong đó. Ông không dám mở ra nhìn, lại mang thuyền đến neo bên bờ sông tại chỗ đó suốt ba ngày đêm để chờ, vì sợ người mất của trở lại tìm không thấy. Đến ngày thứ ba mới thấy một người hớt ha hớt hãi đi tìm đến đó, gạn hỏi biết đích xác là chủ nhân liền trả lại. 
Đến khi tuổi đã xế chiều mới sinh được tiên sinh Hư Giang, mẹ là Quản phu nhân mang thai đến 16 tháng mới sinh. Thuở nhỏ tiên sinh rất thông minh, kinh thư chỉ đọc qua một lần là thuộc, vừa 20 tuổi đã đỗ đầu khoa thi Hội vào niên hiệu Gia Tĩnh. Con cháu nhiều đời nối nhau đỗ đạt không dứt.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/10/2019(Xem: 8748)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.