Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (13)

21/09/20145:44 SA(Xem: 11088)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (13)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (13)


Tích âm đức cho cha mẹ 
Lâm Thừa Mỹ người ở Phúc Kiến, mồ côi cha từ thuở bé, người mẹ ở vậy thủ tiết thờ chồng, vất vả nuôi con. Thừa Mỹ lớn khôn ngày đêm buồn khổ than khóc, không biết làm cách nào để báo đáp công ơn cha mẹ
Nhân có một vị thiền sư bảo ông rằng: “Người con hiếu thảo nghĩ đến công ơn cha mẹ, buồn khổ khóc lóc cũng chỉ vô ích thôi. Phải tìm cáchbáo đáp mới được.”
Rồi lại dạy rằng: “Làm việc thiện thì cha mẹ được lợi lạc, làm việc xấu ác thì cha mẹ phải buồn lo. Kẻ làm con muốn báo đáp công ơn cha mẹ, nên tự mình tránh việc giết hại, cứu vật phóng sinh, rộng tích âm đức, như vậy có thể báo đáp được công ơn cha mẹ.”
Thừa Mỹ nghe lời tỉnh ngộ, từ đó phát nguyện giới sát phóng sanh, rộng làm nhiều điều phước thiện. Sau ông sống thọ đến 96 tuổi, bình sinh trong việc khoa bảng cũng từng đỗ đầu ở Phúc Kiến. 
Lời bàn
Ở đời có người khéo biết cách hiếu thuận, lại cũng có người không biết cách hiếu thuận. Nếu mình hết sức chí thành và có thể làm cho cha mẹ thật sự nhận được sự lợi lạc, như vậy gọi là khéo biết cách hiếu thuận. Nếu mình cũng hết sức chí thành nhưng không thể làm cho cha mẹ thật sự nhận được sự lợi lạc, như vậy gọi là không biết cách hiếu thuận
Nếu lấy sự buồn đau khóc lóc mà gọi là hiếu thuận, thì ví như có khóc đến hai mắt tuôn lệ thành sông, liệu có ích lợi gì cho cha mẹ chăng? Nếu lấy việc mặc áo vải thô để tang cha mẹ mà gọi là hiếu thuận, thì ví như có gom những tang phục bằng vải thô đó thành núi lớn, nằm ngồi đều ở trong đó, liệu có ích lợi gì cho cha mẹ chăng?
Cho nên, những việc như khóc thương hay để tang cha mẹ chỉ là phương cách để người con hiếu biểu lộ tình cảm đối với cha mẹ, còn nếu thực sự muốn báo đáp công ơn trời biển của cha mẹ, ắt phải dùng theo cách thiền sư đã chỉ dạy như trên, chứ không thể dựa vào những hình thức thường tình của thế tục
Với anh em phải giữ lòng kính trọng, thương yêu lẫn nhau
Giảng rộng
Anh em trong một nhà, tuy hình hài có khác biệt, nhưng nếu xét theo tình thương của cha mẹ thì không khác gì nhau. Cho nên, anh em có chuyện bất hòa, chia cách, ắt không khỏi làm cho cha mẹ đau buồn, khổ tâm. Nếu anh em biết tương trợ giúp đỡ, thương yêu lẫn nhau, đó gọi là thuận theo đạo, vốn cũng là một yếu tố nằm trong đạo hiếu. Nguyên văn chỉ nói “em phải kính anh”, không nói đến “anh phải thương yêu em”, ấy chỉ là vì cách nói giản lược, thật ra vẫn hàm ý trong đó. 
Anh em tình thân như chân với tay, nhưng xưa nay thông thường bị chia cách, tình nghĩa tổn thương phần nhiều là khi có thêm người vợ. Người phụ nữ hiền thục đức hạnh tuy vẫn có, nhưng những người hẹp hòi kém đức cũng không phải ít. Những người ấy thường chỉ thấy biết việc nhỏ nhen mà không hiểu thấu ý nghĩa lớn lao, chỉ biết thu vén điều lợi về mình mà không biết đến người khác, do đó mà sự tranh chấp, xung đột rất dễ xảy ra. Lại thêm khuynh hướng thường gặp ở người đàn ông là rất dễ tin theo lời vợ. Anh em dù có trăm tiếng ngàn lời hết sức giải bày, thường cũng không bằng một vài lời tỉ tê bên tai của vợ. Ấy thế nên có nhiều người tính tình cứng rắn nóng nảy, mà trước mặt vợ thì mềm mỏng yếu ớt; có nhiều người mạnh mẽ cương cường, mà trước mặt vợ thì nhút nhát sợ sệt; có nhiều người hết sức sáng suốt khôn ngoan, mà trước mặt vợ thì hóa ra hôn ám mê muội; có nhiều người hết sức sang cả tôn quý, mà trước mặt vợ bỗng như hóa thành người sai vặt; có nhiều người hết sức quyết đoán tự tin, nhưng trước mặt vợ bỗng trở thành do dự, trù trừ; có nhiều người hết sức keo kiệt bủn xỉn, mà trước mặt vợ bỗng trở nên hào phóng rộng rãi; có nhiều người hết sức cao ngạo bướng bỉnh, mà trước mặt vợ bỗng trở thành ngoan ngoãn khuất phục; có nhiều người hết sức công minh chính trực, mà trước mặt vợ bỗng trở nên tà vạy, dua nịnh
Cho nên, có những người dẫu vẫn biết tôn trọng việc nước đạo nhà, nhưng không thể hết lòng giữ theo trung, hiếu. Ấy là vì trong chốn khuê phòng có kẻ ngày đêm tỉ tê to nhỏ những chuyện khác hơn, cứ dần dần nghe mãi mà thành bị khuất phục. Thật đáng thương thay! Tình anh em trong cõi đời có năm sự ô trược xấu ác này, biết làm sao để nhà nhà đều có được những người con dâu hiền thảo đức hạnh, giúp cho anh em đều biết hòa thuận thương yêu đối xử tốt đẹp, không oán thù xung đột với nhau
Trưng dẫn sự tích
Cung kính chuyển giao tài sản 
Đ
ời nhà Minh có người tên Triệu Ngạn Tiêu, sau khi cha mẹ mất rồi, cùng với người anh là Triệu Ngạn Vân làm ăn sinh sống với nhau đến 12 năm. Sau đó, Ngạn Vân thường ăn chơi lười nhác, bỏ phế cơ nghiệp, Ngạn Tiêu liền xin với anh phân chia gia sản để mỗi người tự lập
Vừa qua được 5 năm, gia sản của Ngạn Vân đã hết sạch. Một hôm, Ngạn Tiêu bày tiệc rượu mời anh đến chơi rồi nói: “Em trước đây vốn không có ý muốn phân chia gia sản, chỉ vì anh không biết tự kiềm chế lo việc làm ăn, nên em vì thương anh mà buộc phải phân chia ra để tự mình có thể giữ gìn được phân nửa sản nghiệp cha mẹ để lại, dẫu có bề gì cũng còn có thể tạm duy trì sự sống cho anh em mình. Nay mời anh quay trở lại nhà, xin giao quyền làm chủ gia đình này cho anh.” 
Ngạn Vân nói rồi đem chứng từ phân chia gia sản ngày trước ra đốt sạch, lấy chìa khóa nhà kho giao hết cho anh, lại hỏi tất cả các khoản nợ nần hiện nay của anh rồi thay anh thanh toán hết. Ngạn Vân hết sức xấu hổ, nhận lời em rồi từ đó nỗ lực hối cải, chí thú lo việc làm ăn, không còn ham chơi như ngày trước. 
Năm sau, cả hai cha con Triệu Ngạn Tiêu cùng lúc thi đỗ Tiến sĩ
Lời bàn
Khi chạm đến vấn đề phân chia tài sản, anh em trong một nhà thường rất dễ trở thành chia cách, ly tán. Khi còn sống dựa vào cha mẹ, nhờ cậy qua lại mọi việc rồi cũng qua; đến lúc thực sự phân chia tài sản riêng tư, mới thường nảy sinh chuyện tranh chấp, giành giật lẫn nhau. 
Lành thay, sách Công quá cách (功過格) có câu rằng: “Phận làm con trong khi nuôi dưỡng cha mẹ, hoặc lo việc tang ma, nên nghĩ tưởng rằng cha mẹ chỉ sinh ra được mỗi một mình ta; đến lúc phân chia gia sản, nên nghĩ tưởng rằng cha mẹ sinh ra anh em đông đúc, chẳng riêng gì mình ta.”
Đến như quán xét việc làm của Triệu Ngạn Tiêu, nào thấy ông ta có nghĩ tưởng gì đến việc tranh giành tài sản đâu? 
Tình cảm chí thành cảm hóa được người 
Đời nhà Minh, tại Quy An thuộc vùng Triết Giang có người tên Nghiêm Phụng, tánh tình hiếu thuận, luôn thương yêu đối xử tốt với anh em bằng hữu, người đời thường tôn xưng là Khê Đình Tiên sinh. Một hôm cùng với người bạn đồng hương là Thí Dực đi thuyền dạo chơi. Thí Dực than phiền với ông rằng người anh phân chia tài sản với mình chẳng công bằng. Nghiêm Phụng nghe rồi buồn bã nói: “Tôi có người anh sức khỏe yếu kém, đó là điều làm tôi khổ tâm nhất. Giá như anh tôi mà được mạnh mẽ như anh của ông, dẫu có đoạt hết ruộng đất tài sản, tôi cũng không buồn.” Nói dứt lời, nước mắt tuôn tràn không dứt. Thí Dực nghe vậy hết sức cảm động, nhân đó trong lòng có chút tỉnh ngộ
Nguyên Thí Dực có người anh là Thí Tương Chi. Cả hai đều là bậc nhân sĩ trí thức vùng Tri Châu, chỉ do việc phân chia tài sản ruộng đất mà anh em hóa ra hiềm khích với nhau đã nhiều năm rồi. Kể từ sau lần đó, anh em nhà họ Thí quay lại làm hòa, nhường nhịn lẫn nhau, suốt đời không một lời nào phân cách nữa. 
Lời bàn
Khê Đình Tiên sinh khi từ quan về quê, có người anh rất nghèo khổ lại già yếu, liền đón về nhà mình nuôi dưỡng. Mỗi khi có dịp đãi khách tại nhà, đều cung kính mời anh ngồi trên, còn bản thân mình cầm đũa đứng hầu phía sau anh. Một hôm nhân bước tới trước gắp chút thức ăn, anh cho là vô lễ, giận tát vào mặt, ông vui vẻ đón chịu, suốt bữa tiệc ấy lại tỏ ra vẻ vô cùng hứng khởi, hân hoan. Tan tiệc, ông cung kính đưa anh vào phòng nghỉ. Hôm sau, trời chưa sáng đã đến bên giường anh đứng chờ vấn an. Chẳng bao lâu sau người anh mất. Ông than khóc, chu toàn việc tống táng theo đúng lễ nghi
Qua việc tiên sinh đối với anh tận tình như thế, có thể biết rằng những lời tiên sinh đã nói với Thí Dực thảy đều là xuất phát từ nội tâm chân thật
Với bạn bè phải giữ lòng tin cậy
Giảng rộng
Cứ y theo ý nghĩa của chữ “bằng hữu” vẫn thường dùng, thì một nhóm bạn cùng chơi với ta sẽ gọi là “bằng”, nếu chỉ một người bạn thì gọi là “hữu”, cũng có thể xem là tương đương với cách nói “bạn bè” trong tiếng thuần Việt. Tuy nhiên, ở đây không cần thiết phải gượng ép phân tích, có thể nói chung hết thảy những ai cùng ta chung lý tưởng phụng sự, hoặc cùng chung công việc, hoặc cùng chung lớp học v.v... đều có thể xem là bạn. 
Nói “giữ lòng tin cậy” cũng hàm nghĩa đối xử với nhau tương kính, không có sự khinh khi, chứ không chỉ hạn hẹp trong ý nghĩa giữ đúng lời đã hứa. Cho nên, lo việc giúp bạn mà không tận tâm hết sức, ấy là không giữ lòng tin cậy. Vay mượn của bạn không hoàn trả đủ, ấy cũng là không giữ lòng tin cậy. Trước mặt bạn ngợi khen xưng tán, lúc vắng mặt thì chê bai phỉ báng, ấy là không giữ lòng tin cậy. Gặp lúc bạn nguy cấp không cùng chia sẻ giúp đỡ, ấy cũng là không giữ lòng tin cậy. Thấy bạn có lỗi lầm sai trái mà không chỉ ra để khuyên bạn cải hối, ấy là không giữ lòng tin cậy... Tránh được tất cả những điều “không tin cậy” như trên, đó chính là giữ được lòng tin cậy với bạn bè. 
Trưng dẫn sự tích
Vượt ngàn dặm để giữ lời hứa 
Thời Tam quốc, nước Ngô có người tên Trác Thứ. Nhân lúc từ Kiến Khang sắp về Hội Kê, đến từ biệt Thái phó là Gia Cát Khác. Thái phó hỏi khi nào trở lại, Trác Thứ nói đến ngày ấy tháng ấy... ... sẽ trở lại
Đúng ngày hẹn, Thái phó bày tiệc đãi khách. Quan khách đều đến đủ nhưng vẫn chưa đãi ăn uống, có ý muốn đợi Trác Thứ. Mọi người đều nói: “Đường từ Kiến Khang đến Hội Kê, đi về cả ngàn dặm, lại thêm sông hồ cách trở gian nan, chắc gì ông ấy trở lại kịp?” Bỗng nhiên thấy Trác Thứ đột ngột xuất hiện, tất cả mọi người trong tiệc đều kinh ngạc
Lời bàn
Đây chỉ là một trong các khía cạnh của việc giữ lòng tin cậy. Tuy nhiên, vượt đường xa ngàn dặm mà không để sai lời đã hẹn, đủ biết người xưa giữ tín như thế nào.
Giữ lời hứa hóa độ bạn 
Thời Đông Hán, ở Lạc Dương có vị cao tăngAn Thế Cao, vốn là thái tử của quốc vương nước An Tức, từ thuở nhỏ đã nổi tiếng là người chí hiếu. Ngài thông minh trí tuệ hơn người, đọc hiểu thấu suốt sách vở trong thiên hạ, thông thiên văn, hiểu rành y học, có khả năng thông hiểu được ý nghĩa trong âm thanh của các loài chim thú... 
Ngài An Thế Cao tự kể lại rằng, trong đời trước ngài cũng xuất gia học đạo, có người bạn đồng tu tính tình nóng nảy sân hận, can ngăn nhiều lần nhưng không thay đổi. Ngài có lời hứa đến đời này sẽ hóa độ cho người ấy. 
Khoảng cuối đời Hán Linh Đế, ngài quyết định đến Giang Nam hoằng hóa, cũng là để hóa độ cho người bạn đời trước. Ngài đi đến một cái miếu ở hồ Cung Đình, nổi tiếng rất linh thiêng, khách buôn vãng lai đến đó cầu khấn đều có thể biết trước được hướng gió thuận hay nghịch, vì thế nên người cầu đảo cúng tế ở đây không lúc nào ngớt. Khi ngài An Thế Cao còn chưa đến, người giữ miếu nghe tiếng thần giữa hư không bảo rằng: “Trên thuyền sắp đến kia có một vị cao tăng, nên thỉnh vào miếu.”
Người giữ miếu theo lời mách bảo của thần, đón thuyền mời ngài An Thế Cao vào miếu. Cùng đi trên thuyền có hơn 30 người cũng đều đi theo. Khi vào miếu liền nghe tiếng thần nói rằng: “Tôi ngày trước ở đất nước khác, cùng với thầy học đạo, nay tôi làm thần ở miếu này. Trong phạm vi ngàn dặm quanh đây đều do tôi cai quản. Nhờ đời trước tu hạnh bố thí nên đời này được hưởng phước rất lớn, nhưng do tâm nhiều sân hận nên phải đọa trong cảnh giới quỷ thần. Mạng tôi nay sắp dứt, chỉ còn trong sớm tối. Do những người vì tôi cúng tế cầu đảo thường giết hại sinh linh rất nhiều nên tôi sợ rằng sau khi chết không khỏi đọa vào địa ngục, xin thầy từ bi cứu độ. Tôi có được ngàn cây vải lụa cùng nhiều đồ vật quý báu ở đây, xin thầy vì tôi dùng những thứ ấy lo việc phụng sự Phật pháp.”
Ngài An Thế Cao bảo thần hiện thân gặp mặt, thần nói: “Thân hình tôi cực kỳ xấu xí, nếu hiện ra nhất định sẽ làm hại mọi người ở đây vì kinh sợ.”
Ngài Thế Cao nói: “Không sao, mọi người đã biết, sẽ không lấy làm sợ hãi đâu.”

Thần liền từ phía sau điện thờ hiện thân, đưa phần đầu ra, thật là một con mãng xà cực lớn, không biết được phần thân với đuôi dài đến mức nào. Mãng xà bò đến sát bên gối của ngài An Thế Cao. Ngài hướng về phía mãng xà tụng chú nhiều lần, rồi dặn dò dạy bảo nhiều điều. Mãng xà lắng nghe rồi rơi lệ như mưa, thân hình sau đó dần dần biến mất. 
Ngài An Thế Cao nhận lấy vải lụa và những vật quý của thần miếu đã gửi gắm rồi từ biệt ra đi, mang những thứ ấy vì thần miếu mà xây dựng ngôi chùa Đông Tự, hồi hướng phước báo cho thần miếu trong cảnh giới tái sinh
Chẳng bao lâu sau, ngày nọ bỗng thấy có một thiếu niên đến quỳ gối lễ tạ trước mặt ngài Thế Cao, sau đó biến mất. Ngài Thế Cao bảo người chung quanh rằng: “Đó là thần miếu hôm trước, nay đã thoát được hình thể xấu xí rồi.”
Sau đó có người nhìn thấy trong một cái đầm rộng lớn nổi lên xác con mãng xà cực lớn, thân dài nhiều dặm. Chỗ ấy nay chính là Xà thôn thuộc quận Tầm Dương. 
Lời bàn
Những quỷ thần trên cạn dưới nước, nói chung nếu thọ hưởng những vật thực do người đời sát hại sinh linh mà dâng cúng, đều không khỏi phải đọa vào địa ngục. Người thế tục không biết điều này, mỗi khi gặp phải tật bệnh liền bói toán cầu thần, buông thả làm việc giết hại sinh linh, càng gây hại thêm cho người bệnh, khiến tội nghiệt chất chồng tội nghiệt, từ khổ càng thêm khổ. Hạng quỷ thần này chính thật chỉ là những quỷ quái yêu tinh, nếu nhờ đến bọn họ ban phước, bảo vệ hay giúp tăng thêm tuổi thọ, rốt cùng đều là chuyện không thể được. 
Vào khoảng trước đời Đường, Đông Nhạc Thánh Đế cũng từng vô tình thọ hưởng tế vật sát sinh, liền phải gấp rút khẩn cầu thiền sư Nguyên Khuê truyền giới, huống chi là vị thần miếu này. 
Chuyện này cũng chỉ nói lên một khía cạnh của việc giữ lòng tin cậy, nhưng có thể giữ được lời hứa từ kiếp trước, đủ thấy các vị cao tăng thời xưa xem trọng việc giữ chữ tín đến như thế nào. 
Hoặc phụng chân triều đẩu
Giảng rộng
Chân, là nói đến các bậc thiên tiên; đẩu, là danh xưng tinh tú. Ấy là những vị thường ghi chép việc thiện ác, theo dõi số mạng sống chết của con người, sao có thể không cung kính phụng thờ lễ bái? Nếu như muốn truy tìm đến tận chỗ ban sơ, ắt các vị thiên tiên là trước, tinh tú phải đặt sau. Vì thuở ban đầu thế giới hình thành chưa có các vị tinh tú, Phạm thiên Đế Thích nhân theo lời cầu thỉnh của Lư Thần Đại tiên nên sau đó mới tạo lập 28 vị tinh tú ở 4 cửa trời đông, tây, nam, bắc. Đẩu là tinh tú thứ năm ở cửa tây, thuộc sao Đẩu, nên dùng các loại lúa gạo, hương hoa, mật ong... mà cúng tế mới thích hợp
Kinh Lâu Thán Chánh Pháp (樓炭正法經) có nói rằng: “Tinh tú lớn thì chu vi bảy trăm dặm, tinh tú hạng vừa thì chu vi bốn trăm tám mươi dặm, tinh tú nhỏ thì chu vi một trăm hai mươi dặm, bên trong đều có các vị thiên nhân cư trú.” Người thế gian gọi là sao rơi, thật ra chỉ là những tảng thiên thạch lớn, chẳng phải tinh tú; thậm chí có người còn vẽ ra hình tượng bảy con lợn bên dưới tượng Đẩu Mẫu, như thế thật là vô cùng bất kính. 
Các vị chân nhân, đẩu mẫu, đều là những người đời trước kính tin Tam bảo, tu theo Mười điều lành, nên ngày nay mới được hưởng phước cõi trời, có khả năng bay lượn tự do giữa không trung, sống trong cung điện tốt đẹp của cõi trời, chiếu soi xuống chốn nhân gian. Cho nên, những người ngày nay tin theo Đạo giáo mà quay lại phỉ báng Phật pháp thì làm sao có thể phụng chân triều đẩu? 
Đời Hán, Ngụy trở về trước, người ta thường tôn xưng đức PhậtThiên Tôn, gọi các vị tăng là đạo sĩ, còn những đạo sĩ của Đạo gia chỉ gọi là tế tửu, tức là người giữ lễ dâng rượu cúng mà thôi. Kể từ Khấu Khiêm đời Bắc Ngụy trở về sau, Đạo giáo mới tiếm xưng các danh hiệu Thiên Tônđạo sĩ, nên từ đó không còn xưng PhậtThiên Tôn, mà các vị tăng cũng gọi là tỳ-kheo, không gọi là đạo sĩ nữa. Riêng danh xưng “tế tửu” trước dùng để gọi đạo sĩ, sau đi vào thế tục mà đổi lại là “đại tư thành”. 
Trưng dẫn sự tích
Bảy vị tinh quân cứu lửa 
Vào đời nhà Minh, ở Hề Phố, Thường Thục thuộc vùng Giang Tô có họ Tiền, người trong họ cùng sống với nhau trong một vùng riêng biệt. Có một gia đình 4 người, mẹ chồng với nàng dâu đều góa bụa, thường ngày kính phụng Đẩu quân. Vào năm Bính Dần niên hiệu Chánh Đức, nhà kế bên rủi ro phát hỏa, đám cháy kéo dài đến 3 ngày đêm. Trong lúc ấy bỗng mơ hồ nhìn thấy có 7 người mặc áo đỏ, đứng phía trước mái nhà phất ống tay áo, ngọn lửa theo đó bỗng tắt, chung quanh bốn phía nhà đều hóa thành tro lạnh. 
Lời bàn
Kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Phổ môn dạy rằng: “Dù có vào trong lửa dữ, lửa cũng không thiêu đốt được.” Cứ theo sự việc trên mà xét thì câu kinh này thật rất đáng tin
Kính lễ Đẩu mẫu thoát nạn trộm cướp 
Vào đời nhà Thanh, ở huyện Cú Dung thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Nghiêm Cận Sơn. Năm Khang Hy thứ nhất, Cận Sơn đi đến các quận Kinh Châu, Tương Dương thuộc Hồ Bắc, gặp một vị đạo nhân dạy nên kính lễ Đẩu mẫu. Cận Sơn tin tưởng làm theo trong suốt 3 năm. 
Một hôm, Nghiêm Cận Sơn đang đi thuyền dọc theo ven sông, bỗng trời kéo mây đen tối sầm, lại gặp phải thuyền bọn giặc cướp. Cận Sơn sợ hãi quá liền chí thành niệm Đẩu mẫu tâm chú. Chẳng bao lâu, bỗng thấy như có một đám mây đen kịt trùm xuống bao bọc lấy thuyền của ông. Lần ấy Nghiêm Cận Sơn được an toàn vô sự, mà tất cả các thuyền cùng đi đều bị bọn cướp làm hại. 
Lời bàn
Có người cho rằng Đẩu mẫu chính là đức Bồ Tát Quán Âm, như vậy là không đúng. Bồ Tát tuy tùy theo chủng loại chúng sinhhóa thân cứu độ, nhưng thông thường đều ẩn tàng kín đáo chứ không lộ liễu. Nếu cho đó là Bồ Tát Quán Thế Âm mà lại xếp vào vai vế thấp hơn Ngọc đế, quả thậtvô cùng điên đảo. Lại có người cho rằng Đẩu mẫu chính là chư thiên cõi trời Ma-lợi-chi, chẳng thể biết được là có đúng hay không?
Phụ đính trích dẫn 
Nguồn gốc kinh sách của Đạo giáo
Đạo giáo vốn thật không có kinh sách đủ gọi là “tạng”, duy nhất chỉ có một quyển Đạo Đức kinh (道德經) gồm 5.000 chữ của Lão Tử là xác thật mà thôi. Khi tôi khảo cứu sách Nguyên đô mục lục (元都目錄), thấy hết thảy đều do người đời sau giả tạo, mượn từ nội dung của sách Nghệ văn chí (藝文志) rồi thêm vào các chú giải, thành ra 884 quyển, gọi đó là tạng kinh sách của Đạo giáo
Lại như việc tuyển chọn sai lầm các sách của Đạo giáo qua các triều đại thật khó nói ra cho hết. Nay chỉ xin lược cử một số trường hợp, như vào đời Tiền Hán có Vương Mậu làm ra sách Động nguyên kinh (洞元經); đời Hậu Hán có Trương Lăng làm ra sách Linh bảo kinh (靈寶經) cùng với các nghi lễ cúng tế, cả thảy 40 quyển. Thời Tam quốc, nước Ngô có Cát Hiếu Tiên làm ra sách Thượng thanh kinh (上清經). Đời Tấn có đạo sĩVương Phù làm ra sách Tam hoàng kinh (三皇經), đạo sĩ nước Tề là Trần Hiển Minh làm ra sách Lục thập tứ chân bộ hư phẩm kinh (六十四真步虛品經). Đời nhà Lương có Đào Hoành Cảnh làm ra sách Thái thanh kinh (太清經). 
Vào đời Vũ Đế thời Bắc Chu lại có đạo sĩ ở Hoa Châu là Trương Tân vâng chiếu nhận chức thứ sử Hoa Châu, đạo sĩTrường An là Trương Tử Thuận được tuyển làm chức Khai phủ, quận Phù Phong có Mã Dặc đỗ Tiến sĩ, Ung châu có quan Biệt giá là Lý Thông, cả thảy 4 người này vào niên hiệu Thiên Hòa thứ 5 họp lại tại chùa Thủ Chân ở Cố thành, cùng sao chép tuyển soạn từ kinh điển nhà Phật mà làm thành những kinh giả của Đạo giáo gồm đến hơn ngàn quyển. 
Đời nhà Tùy, năm cuối niên hiệu Đại Nghiệp, có đạo sĩ Ngũ Thông Quán là Phụ Huệ Tường sửa đổi kinh Niết-bàn (涅槃經) thành Trường An kinh (長安經). Quan Thượng thư là Vệ Văn Thăng tâu việc này lên triều đình, vua lập tức hạ lệnh bắt giải đến bên ngoài Kim quang môn chém đầu răn chúng. 
Vào năm đầu niên hiệu Lân Đức, đạo sĩ Tây Kinh là Quách Hành Chân, đạo sĩ Đông Minh Quán là Lý Vinh, đạo sĩ Hội Thánh Quán là Điền Nhân Huệ, lại cùng nhau mang những ngụy kinh từ trước ra thêm thắt sửa chữa, lấy thêm nội dung từ kinh điển của Phật giáo mà tráo đổi đưa vào, từ đó trong Đạo giáo mới có thêm các danh từ như tam giới (ba cõi), lục đạo (sáu đường), ngũ ấm (năm ấm), thập nhị nhập (mười hai nhập), thập bát giới (mười tám giới), tam thập thất trợ đạo phẩm (ba mươi bảy phẩm trợ đạo) cùng với các danh xưng như đại tiểu pháp môn, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di...
Đây quả thật đúng như lời Khổng tử nói: “Chư hầu tế lễ nên hướng đến thiên tử nghiêm trang kính cẩn, sao lại nhận lấy nơi tế tự của hàng quan tước Tam công mà cho đó là tôn kính nhất?” Xét cho cùng, chỗ thâm trọng nhất của Đạo gia bất quá cũng chỉ đến cõi trời, cõi tiên là hết, sao có thể đạt được đến như pháp môn tu hành của hàng Bồ Tát?
Trích dẫn kinh sách Đạo gia 
Pháp luân kinh của Đạo giáo nói rằng: “Đức Thiên Tôn ban sắc dạy hàng đạo sĩ rằng: Nếu thấy hình tượng Phật, khởi tâm vô lượng, nên nguyện cho hết thảy chúng sinh cùng thể nhập pháp môn.”
Kinh Thái thượng thanh tĩnh nói: “Nếu thấy bậc sa-môn, nên nguyện cho tất cả chúng sinh thấu rõ được pháp môn giáo hóa, cùng đắc đạo như Phật.”
Kinh Lão tử thăng nguyên nói: “Đạo sĩ thiết lễ cúng thanh tịnh, nếu có các vị tỳ-kheo hoặc tỳ-kheo ni đến, phải mời lên tòa cao ngồi.”
Sách Phù tử nói rằng: “Bậc thầy của Lão tử chính là đức Thích-ca Văn Phật.”
Kinh Linh bảo tiêu ma an chí nói rằng: “Đạo lấy sự thanh tịnh trai giới làm đầu, chuyên cần thực hiện ắt sẽ thành Phật.” 
Kinh Thượng phẩm đại giới nói rằng: “Cúng dường nơi tháp miếu của Phật, được phước báo gấp ngàn lần. Cúng dường các vị sa-môn, được phước báo gấp trăm lần.”
Kinh Lão tử đại quyền Bồ Tát nói rằng: “Lão tử chính là Bồ Tát Ca-diếp, đến giáo hóa nơi đất Trung Hoa.”
Lời bàn
Thời xưa Đạo giáo cúng tế thường dùng thịt nai khô, rượu trắng, nay đã thay đổi dùng táo khô với nước thơm
Hoặc thờ Phật học kinh, thường nhớ nghĩ làm theo lời Phật dạy
Giảng rộng
Danh xưng Phật mang ý nghĩa giác ngộ. Tự mình đã giác ngộ rồi, lại giáo hóa người khác giúp cho cũng được giác ngộ, đạt đến chỗ giác ngộgiáo hóa đều rốt ráo viên mãn thì được tôn xưng là Phật. Vì trong tự tâm mỗi người đều sẵn có phẩm tính giác ngộ, nên đều sẵn có tánh Phật. 
Nếu nói rằng những tượng đất tượng gỗ mà người đang lễ bái kia là Phật, ắt đó chỉ là Phật của hạng phàm nhân ngu muội. Nếu nói thánh thần ban phước giáng họa là Phật, thì đó chỉ là Phật của một số nhà Nho thời Đường, Tống. 
Hạng phàm nhân ngu muội suốt ngày nói đến Phật, nhưng thật ra Phật chưa từng được cung kính; các nhà Nho thời Đường Tống suốt ngày báng bổ Phật, nhưng Phật thật chưa từng bị hủy báng; ấy là vì những hạng người như thế đều không hề biết rằng trong tự thân mình thật sự có Phật. 
Phật là bậc thầy lớn của Ba cõi, tất nhiên hết thảy hàng chư thiên, thần tiên, Phạm vương, Đế thích, đều phải cung kính lễ bái, huống chi là hạng phàm phu đang chìm đắm trong vòng trói buộc? 
Kính lễ một vị Phật, nên quán tưởng đang kính lễ vô số Phật; kính lễ đức Phật trong hiện tại, nên quán tưởng như đang lễ bái chư Phật quá khứ cùng chư Phật trong đời vị lai; ví như đối trước chư Phật ba đời trong khắp mười phương nhiều như số hạt bụi nhỏ, đều nguyện đem thân mình cúng dường đến hết thảy các vị, được như thế mới có thể gọi là khéo tu pháp lễ kính Phật
Kinh điển của chư Phật so với các sách khuyến thiện của thế gian có chỗ không giống nhau. Thế gian chỉ biết mưu cầu lợi lạc cho bản thân, gia đình mình; kinh Phật lại nhắm thẳng đến việc cứu độ, khai mở trí tuệ cho hết thảy chúng sinh. Thế gian chỉ có khả năng luận bàn việc trong hiện tại, kinh Phật lại nhắm thẳng đến những phước báo lợi lạc cho nhiều đời nhiều kiếp. Thế gian này nếu khôngkinh điển của chư Phật, ắt là khắp hai cõi trời người, thiên hạ đều phải chìm trong đêm dài tăm tối. Cho nên, kinh Thắng thiên vương dạy rằng: “Nếu như có bậc thầy thuyết giảng Phật pháp đi qua nơi nào, hàng thiện nam tín nữ nên phát nguyện đem thân xác mình trải lót trên đường đi, không để chút bụi bặm nào bay lên làm bẩn chân Pháp sư.” Chí thành cúng dường đến mức như vậy cũng chưa đủ gọi là nhiều. 
Tụng đọc kinh Phật, nghĩ nhớ và thấu hiểu ý nghĩa sâu xa, lại có thể y theo lời dạy trong kinh mà thực hành tu tập, đó là cao quý nhất. Nếu như không hiểu được ý nghĩa sâu xa, chỉ giữ lòng cung kính ngưỡng mộ, cũng được hưởng vô lượng phước báo. Giống như đứa trẻ ngây thơ dùng thuốc, tuy chưa hiểu gì về phương thuốc ấy, nhưng vẫn có thể trị được bệnh tật. 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/10/2019(Xem: 8747)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.