Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (21)

21/09/20146:23 SA(Xem: 10182)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (21)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (21)


Gối đầu lên kinh không thi đỗ 
Cao Thiên Hựu, người huyện Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy, trước đây đã từng cùng hai người bạn đồng học đến Giang Ninh dự thi. Mọi người nghe danh thiền sư Thủ Nguyên ở núi Kê Minh là người đạo hạnh, liền rủ nhau đến tham bái. 
Thiền sư nhân đó nói với ba người rằng: “Hai vị này đều sẽ thi đỗ, chỉ riêng ông Cao không thể đỗ vì đã mê muội dùng kinh Lăng nghiêm làm gối kê đầu.” 
Nghe thế, Cao Thiên Hựu ngạc nhiên lắm, nhưng bình tĩnh suy nghĩ lại hồi lâu, mới nhớ ra trong tráp có một bộ kinh Lăng nghiêm, lúc nằm nghỉ chẳng bao giờ lấy ra, lại dùng cái tráp ấy gối đầu. 
Đến lúc có bảng báo kết quả thi, quả thật đúng như lời thiền sư
Lời bàn
Có người thắc mắc rằng, tất cả sách vở kinh thư đều nên tôn trọng, sao lại chỉ tôn sùng riêng Kinh điển nhà Phật? Những người ấy không biết rằng, tuy chữ nghĩa giống nhau, nhưng giáo pháp của Như Lai làm lợi ích khắp cả chúng sanh, hết thảy tám bộ trời rồng, không ai là không tin tưởng làm theo, nên những sách vở thư tịch thông thường không thể nào sánh kịp. Cũng như chiếu chỉ vua ban, không thể đánh đồng như các văn bản khác. 
Xem như Cao Thiên Hựu khinh thường kinh Phật mà phải chịu hậu quả đi thi không đỗ như thế, thì người phát tâm in ấn lưu truyền Kinh điển được công đức lợi ích như thế nào hẳn có thể biết được. 
Xây dựng, tu sửa chùa chiền, tu viện
Giảng rộng
Phật, Pháp và Tăng-già là Ba ngôi báu, là thửa ruộng tốt để chúng sinh gieo trồng phước đức. Nhưng muốn cúng dường trang nghiêm lên Tam bảo, ắt chỉ có thể thực hiện được ở nơi chùa chiền, tu viện. Nếu không có chùa chiền, tu viện, ắt không có tượng Phật, Kinh điển giáo pháp. Hàng tăng ni nói riêng, bốn chúng Phật tử nói chung, dù muốn gieo trồng vào ruộng phước, lễ bái dâng hương, thọ trì đọc tụng Kinh điển, cũng không có nơi để thực hiện. Xét theo đó thì biết, công đức của người xây dựng, tu sửa chùa chiền, tu việnhết sức lớn lao. 
Kinh Chánh pháp niệm xứ dạy: “Nếu chúng sanh nào nhìn thấy chùa chiền, tháp miếu hư hỏng liền ra sức tu sửa, lại khuyên dạy người khác cùng làm việc tu sửa, thì sau khi mạng chung được sinh về cõi trời, thân thể tươi sáng đẹp đẽ, vào rừng san hô quý cùng các thiên nữ vui hưởng năm món dục lạc. Khi nghiệp cõi trời đã hết, liền được sinh làm người, thân thể cũng được tươi sáng đẹp đẽ.” 
Trong kinh Pháp diệt tận lại có nói rằng: “Về sau, khi thế giới khởi sinh tai kiếp lửa thiêu, nơi nào đã từng xây dựng chùa chiền, tháp Phật sẽ không bị thiêu đốt.” 
Đức Phật có dạy: “Ví như có người bỏ ra trăm ngàn lượng vàng để xây dựng một ngôi chùa, lại được một vị tỳ-kheo giữ giới từng trú trì nơi đó, thì cho dù ngôi chùa ấy về sau có bị lửa cháy, nước lụt mà hủy hoại mất đi, công đức của người xây dựng chùa ấy cũng không bị mất.” Theo đó mà xét thì việc xây dựng chùa chiền, tu viện nếu được thành tựu, trở thành ruộng tốt để chúng sinh gieo trồng phước đức, công đức sẽ lớn lao biết đến dường nào!
Trưng dẫn sự tích
Tu-đạt-đa cúng vườn 
Trong thành Xá-vệ có vị đại trưởng giả tên là Tu-đạt-đa, muốn tìm một nơi thắng địa thích hợp để xây dựng tinh xá dâng lên cúng Phật. Cuối cùng chỉ tìm được khu vườn cây của thái tử Kỳ-đà, rộng tám mươi khoảnh, cây cối um tùm xanh tốt, thật là một nơi thắng địa thích hợp nhất. 
Tu-đạt-đa liền đến thưa với thái tử xin mua, thái tử nói: “Nếu đem vàng trải kín khắp vườn, ta sẽ bán cho ông.” Tu-đạt-đa mừng nói: “Nếu vậy thì vườn này sẽ là của tôi.” Ông lập tức cho người chở vàng đến trải, không bao lâu đã sắp kín hết khắp vườn. Thái tử thấy vậy liền nói: “Ta chỉ nói đùa thôi.” Tu Đạt đáp: “Ngài là thái tử cao quý, không nên có lời đùa cợt.” Liền quyết lòng mua cho bằng được, thái tử cuối cùng phải thuận ý bán.
Thái tử khi ấy cũng không nhận vàng, mà dùng số vàng ấy để tạo dựng trong tinh xá một ngàn hai trăm phòng ốc. Ngay trong lúc chuẩn bị nền móng xây dựng, tôn giả Xá-lợi-phất bỗng nhiên mỉm cười. Tu-đạt-đa thưa hỏi nguyên nhân, tôn giả đáp: “Nay tuy ông chỉ vừa khởi công xây dựng tinh xá ở đây để dâng cúng lên Phật và chư tăng, nhưng phước báu đời sau sẽ được thọ hưởng cung điện nơi cõi trời đã được định rồi.” Tôn giả nói xong liền dùng thần thông, khiến cho Tu-đạt-đa nhất thời có được thiên nhãn, cùng quan sát cung điện nơi cõi trời. Tu-đạt-đa được thấy như vậy rồi, trong lòng vô cùng hoan hỷ, liền thưa hỏi tôn giả xem cõi trời nào là an lạc nhất. Tôn giả Xá-lợi-phất dạy: “Tầng trời thứ tư của cõi Dục là cung trời Đâu-suất, hiện có Bồ Tát Di-lặc đang thuyết pháp, chính là nơi an lạc nhất.” Trưởng giả Tu-đạt-đa liền nói: “Con xin phát nguyện sinh về cõi trời ấy.” 
Lúc tinh xá xây dựng hoàn thành, đức vua cùng các các quan đại thần, nhân dân, cả thảy hơn một trăm tám mươi vạn người, cùng đến thành Vương Xá cung thỉnh đức Phậtchư tăng. Khi đức Thế Tôn quang lâm, hào quang chiếu sáng khắp nơi, nhạc trời tự nhiên vang lên, nơi thế gian trống không người đánh cũng tự nhiên vang tiếng, bao nhiêu người mù, điếc, câm, ngọng đều tự nhiên được sáu căn đầy đủ như người bình thường
Lời bàn
Trong Kinh điển thường nói đến “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên” (Vườn ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ-đà), chính là nơi này. Do khi bán vườn cho trưởng giả Tu-đạt-đa, thái tử có giao ước chỉ bán đất vườn, không bán cây cối, rồi lại mang tất cả cây cối trong vườn ấy dâng lên cúng dường Phật, nên gọi là “Kỳ thọ” (cây của thái tử Kỳ-đà). Trưởng giả Tu-đạt-đa vốn thường chu cấp cho những người nghèo khổ, cô độc, nên được người đời xưng tụngCấp Cô Độc. Nhân đó mà khu vườn do ông dâng cúng được gọi là “vườn Cấp Cô Độc”.
Phước báo tu sửa tháp Phật 
Sau khi đức Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn, có bảy ngôi tháp được xây dựng để thờ phụng xá-lợi Phật. Sau nhiều năm, các tháp ấy hư hỏng, không ai tu sửa. Có một vị trưởng giả thấy vậy liền bảo mọi người rằng: “Rất khó được sinh vào thời có Phật pháp, lại cũng rất khó được sinh làm người. Tuy được làm người, nhưng nếu sinh vào những nơi xa xôi hẻo lánh chậm phát triển, hoặc sinh vào nhà tà kiến, ắt không khỏi bị đọa lạc. Nay chúng ta được sinh vào thời còn có Phật pháp, không thể để luống mất nhân duyên tốt đẹp này.” 
Nói rồi liền cầm đầu 93.000 người khác, cùng tu sửa các tháp Phật, lại cùng nhau phát lời nguyện rằng: “Nguyện cho đời sau không rơi vào ba đường dữ, tám hoàn cảnh khó tu tập Phật pháp, được gặp đức Phật Thích-ca ra đời, trong Pháp hội đầu tiên thảy đều được độ thoát.”
Về sau, tất cả những người này sau khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời, cuối cùng được gặp đức Phật Thích-ca xuất thế, quả đúng như lời phát nguyện ngày trước. 
Lời bàn
Đức Phật kể lại chuyện này xong lại dạy rằng: “Vị trưởng giả đứng đầu ngày ấy, nay chính là đức vua Bình Sa nước Ma-kiệt-đề. Còn 93.000 người cùng tu sửa tháp Phật ngày xưa, nay đều ở trong số những người được gặp Phật, nghe pháp.” 
Chư thiên rải hoa cúng dường 

Thuở xưa có một người nông dân, xây căn phòng nhỏ dâng cúng cho một vị tỳ-kheo đã chứng quả A-la-hán, hiệu là Ly Việt. Căn phòng nhỏ đến mức chỉ vừa đủ cho ngài tạm đặt thân nghỉ ngơi mà thôi. Người ấy lại sửa dọn chung quanh căn phòng để có chỗ cho ngài đi kinh hành.
Về sau, người nông dân ấy qua đời liền được sinh lên cõi trời Đao-lợi, được sống trong một cung điện rộng vuông vức mỗi bề 4.000 dặm. Người ấy tự biết phước báo được hưởng đó là do nhân duyên đời trước đã xây dựng căn phòng nhỏ cúng dường vị tỳ-kheo chứng quả A-la-hán, liền mang hoa tươi cõi trời đến rải xuống cúng dường nơi căn phòng vị tỳ-kheo Ly Việt cư ngụ, khấn rằng: “Ta ngày xưa bất quá chỉ xây dựng một căn phòng nhỏ vách đất sơ sài, không ngờ ngày nay được hưởng phước báo lớn lao như thế này, nên đặc biệt mang hoa đến đây rải xuống cúng dường.” 
Lời bàn
Ngài Xá-lợi-phất có lần nhìn thấy một vị thiên nhân đến rải hoa lên một xác chết, hết sức cung kính, liền hỏi nguyên do. Vị thiên nhân đáp: “Đây chính là thân xác đời trước của con. Lúc con còn sống, nhờ có thân này để hiếu dưỡng cha mẹ, cung kính sa-môn, làm nhiều việc lành, giờ đây mới hưởng phước cõi trời, nên con rải hoa cúng dường thân này.” 
Không bao lâu sau, ngài lại thấy vô số quỷ dữ, mỗi con quỷ ấy đều dùng roi quất vào một xác chết, liền đến hỏi nguyên do. Các quỷ đều đáp rằng: “Đây chính là thân xác đời trước của con. Lúc còn sống, do thân này làm những việc sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, ngỗ nghịch với cha mẹ, hủy báng Tam bảo, khiến cho ngày nay phải chịu đủ các khổ não, nên con giận mà dùng roi đánh.” 
Xét như trên thì có thể hiểu được việc thiên nhân đến rải hoa lên căn phòng của tỳ-kheo Ly Việt để cúng dường.
Nối nghĩa vợ chồng 
Trong thành Xá-vệ có một vị trưởng giả từng xây dựng chùa chiền, tháp Phật. Sau khi ông qua đời liền được sinh lên cõi trời. Từ đó, người vợ thương nhớ chồng, thường đến quét dọn ngôi chùa do chồng bà xây dựng trước đây. Một hôm, người chồng từ xa lên tiếng nói với bà rằng: “Ta là chồng của nàng ngày trước, nhờ công đức xây dựng chùa nên đã được sinh lên cõi trời. Vì thấy nàng luôn thương nhớ ta nên đặc biệt từ cõi trời giáng hạ xuống đây. Chỉ tiếc vì thân người ô uế chẳng được thanh tịnh như chư thiên, nên chúng ta không thể gần nhau được nữa. Nếu nàng vẫn muốn làm vợ ta thì nên thường cúng dường Phậtchư Tăng, quét dọn chùa chiền tháp Phật, phát nguyện được sinh về cùng một cõi trời với ta.”
Người vợ làm theo đúng như lời ấy, sau khi mạng chung quả nhiên được sinh lên cùng một cõi trời ấy, cùng nhau nối nghĩa vợ chồng. Cả hai cùng đến lễ Phật, được đức Phật thuyết pháp cho nghe, liền chứng quả Tu-đà-hoàn. 
Lời bàn
Trong Kinh có dạy rằng: “Quét chùa trong khắp một cõi Diêm-phù-đề không bằng quét một ngôi tháp Phật chỉ lớn bằng bàn tay.” Cho nên, công đức quét tháp Phật là hết sức lớn lao. 
Khó thành chồng vợ 
Trong thành Xá-vệ có hai vợ chồng hết sức kính tin Tam bảo. Khi họ còn chưa có đứa con nào với nhau thì người vợ đã mất sớm, được sinh lên làm thiên nữ trên cõi trời Đao-lợi, thân thể vô cùng đoan nghiêm xinh đẹp không gì sánh bằng. Khi ấy, vị thiên nữ khởi lên ý nghĩ không biết trong cõi người có ai là người xứng đáng để làm chồng mình. Nghĩ rồi liền dùng thiên nhãn quán xét, thấy người chồng cũ xuất gia thành một vị tỳ-kheo, tuổi tác cũng đã cao, ngày ngày lo việc quét dọn chùa chiền, tháp Phật. Thiên nữ liền phóng chiếu hào quang cõi trời, soi đến chỗ người chồng cũ khiến cho ông được nhìn thấy, khuyên ông hãy tinh tấn tu hành để ngày sau được sinh lên cõi trời, lại cùng nhau kết thành chồng vợ. 
Vị tỳ-kheo nghe biết người vợ trước đây của mình giờ đã được sinh lên cõi trời, lại càng tu tập tinh tấn hơn nữa. Thời gian sau, thiên nữ lại hiện đến, thấy vậy nói rằng: “Ngày nay đức hạnh của ngài đã vượt xa tôi, tôi thật không thể làm vợ ngài được nữa.”
Vị tỳ-kheo nghe thiên nữ nói vậy thì càng tu tập tinh tấn nhiều hơn nữa, cuối cùng chứng đắc quả A-la-hán.
Lời bàn
phước đứcnghiệp báo phải tương đồng với nhau mới có thể kết duyên chồng vợ, nên có thể thấy rằng việc người vợ bao giờ cũng phải nương theo chồng, cùng nhau chia sẻ vinh nhục sang hèn, ấy đều là do nghiệp đời trước chiêu cảm mà thành. 
Dùng nhà làm chùa 
Vào đời Bắc Tống có vị cư sĩ tên Phạm Trọng Yêm, tên tự là Hy Văn, suốt đời thường rộng làm đủ mọi việc thiện, dốc lòng tin sâu Phật pháp. Khi làm quan, mỗi lần nhận chức ở bất cứ đâu, ông đều bỏ tiền ra xây dựng chùa chiền, tạo điều kiện khuyến khích người khác xuất gia tu hành, đem lòng tôn kính mà làm hưng thịnh Tam bảo
Phạm Trọng Yêm cùng với hai vị thiền sư Lang Gia Huệ Giác và Tiến Phước Thừa Cổ có giao tình đạo vị hết sức mật thiết. Hồi còn trẻ, Trọng Yêm có lần đến chùa đọc sách tại núi Trường Bạch, tình cờ phát hiện một chỗ chôn giấu vàng. Ông che kín chỗ ấy lại mà đi, không động đến một mảy may. Sau này ông ra làm quan rồi, mới đến chỉ cho chư tăng trong chùa nơi giấu vàng ấy, bảo các vị dùng vàng để xây dựng, tu sửa lại chùa. 
Có lần ông vâng mệnh đến Hà Đông truyền đạt lệnh vua và phủ dụ quân dân địa phương, tình cờ gặp được một bản kinh Phật cổ xưa rất quý, tên là Thập lục La-hán nhân quả tụng. Ông đích thân viết lời tựa, trao cho thiền sư Huệ Triết để lưu hành
Những năm về già, ông dùng nhà ở của mình sửa sang lại thành một ngôi chùa, lấy tên là chùa Thiên Bình, cung thỉnh thiền sư Pháp Viễn ở Phù Sơn đến trú trì
Vào đời vua Tống Nhân Tông, ông được thăng chức quan Khu mật, tham gia việc chính sự quốc gia. Sau khi ông mất, vua truy phong tước Sở Quốc công, ban thụy hiệu là Văn Chính, con cháu đời sau đều nối nhau vinh hiển, thành đạt
Lời bàn
Nhà cửa ruộng vườn, bất quá chỉ như quán trọ tạm ghé trong một đời, khi có được thì nên vui mừng hoan hỷ dùng để bố thí, tu phước
Đời Đông Tấn, Trấn Tây Tướng quân là Tạ Thượng, nhờ được cha là Tạ Côn về báo mộng mà thoát nạn, nhân đó nên vào niên hiệu Vĩnh Hoà thứ tư liền sửa sang nhà ở của mình làm thành chùa Trang Nghiêm. Quan Trung thư lệnh là Vương Thản Chi hiến đất vườn nhà xây dựng thành chùa An Lạc. Quan Thứ sử thời Đông Tấn là Đào Phạm, vào niên hiệu Thái Nguyên năm thứ nhất cũng sửa sang nhà ở của mình, xây dựng thành chùa Tây Lâm. Đời Bắc Tống có Lý Tử Ước, vào năm mất mùa đói kém tổ chức việc nấu cháo phát chẩn, cứu sống được đến hàng chục ngàn người, về sau cũng dùng nhà ở của mình xây dựng thành ngôi chùa thờ Phật. Đời nhà Đường, Vương Ma Cật nhân lúc thọ tang mẹ liền dâng biểu lên triều đình, thỉnh cầu cho phép ông mang toàn bộ cơ sở đã kiến lập ở núi Lam Điền thuộc Võng Xuyên sửa sang thành chùa thờ Phật. Lại như các ông Bạch Lạc Thiên, Vương Giới Phủ cũng đều dùng nhà ở của mình để xây dựng lại thành chùa thờ Phật
Nếu đem so những bậc hiền nhân đời trước như thế với những kẻ đời nay chỉ biết bóc lột, bòn rút tài sản người khác để xây dựng nhà cửa to lớn cho mình, để rồi đành chịu để cho những đứa con cháu hư hỏng hủy phá tiêu tan hết, trong khi một đời chẳng chịu bỏ ra một đồng một cắc để làm việc phước thiện, thì quả thật là khác biệt nhau một trời một vực, như rồng thiêng đem so với thằn lằn nhỏ nhoi hèn mọn!
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/10/2019(Xem: 8748)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.