Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (6)

20/09/201410:16 CH(Xem: 11784)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (6)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (6)


Mười tám cảnh trời thuộc cõi Sắc
Bên trên cõi Dục có cõi Sắc. Gọi tên như vậy vì chúng sinh trong cõi này chỉ có thân thể mang hình sắc nhưng không có ái dục nam nữ. Từ dưới tính lên có cả thảy là 18 cảnh trời, tuần tự kể ra như sau:
1. Cảnh trời Phạm Chúng (梵眾天 - Phạm chúng thiên)
2. Cảnh trời Phạm Phụ (梵輔天 - Phạm Phụ thiên)
3. Cảnh trời Đại Phạm (大梵天 - Đại Phạm thiên)
Ba cảnh trời này đều gọi chung là các cảnh trời Sơ thiền (初禪天 - Sơ thiền thiên). Mỗi cảnh trời này sau khi trải qua thời gian một kiếp cũng đều bị nạn lửa hủy hoại. 
4. Cảnh trời Thiểu Quang (少光天 - Thiểu Quang thiên)
5. Cảnh trời Vô Lượng Quang (無量光天 - Vô Lượng Quang thiên)
6. Cảnh trời Quang Âm (光音天 - Quang Âm thiên)
Ba cảnh trời này đều gọi chung là các cảnh trời Nhị thiền (二禪天 - Nhị thiền thiên). Mỗi cảnh trời này sau khi trải qua thời gian bảy kiếp đều sẽ bị nạn hồng thủy hủy hoại. 
7. Cảnh trời Thiểu Tịnh (少淨天 - Thiểu Tịnh thiên)
8. Cảnh trời Vô Lượng Tịnh (無量淨天 - Vô Lượng Tịnh thiên)
9. Cảnh trời Biến Tịnh (遍淨天 - Biến Tịnh thiên)
Ba cảnh trời này đều gọi chung là các cảnh trời Tam thiền (三禪天 - Tam thiền thiên). Mỗi cảnh trời này sau khi trải qua thời gian 64 kiếp đều sẽ bị nạn gió hủy hoại. 
10. Cảnh trời Phước Sanh (福生天 - Phúc Sanh thiên)
11. Cảnh trời Phước Ái (福愛天 - Phúc Ái thiên)
12. Cảnh trời Quảng Quả (廣果天 - Quảng Quả thiên)
13. Cảnh trời Vô Tưởng (無想天 - Vô Tưởng thiên)
Bốn cảnh trời này, cho đến cảnh trời Sắc Cứu Cánh sẽ nói bên dưới, cộng chung là 9 cảnh trời, đều gọi chung là các cảnh trời Tứ thiền (四禪天 - Tứ thiền thiên), không còn bị các nạn lửa, nước và gió (gọi chung là tam tai) làm hại được nữa. 
14. Cảnh trời Vô Phiền (無煩天 - Vô Phiền thiên)
15. Cảnh trời Vô Nhiệt (無熱天 - Vô Nhiệt thiên)
16. Cảnh trời Thiện Kiến (善見天 - Thiện Kiến thiên)
17. Cảnh trời Thiện Hiện (善現天 - Thiện Hiện thiên)
18. Cảnh trời Sắc Cứu Cánh (色究竟天 - Sắc Cứu Cánh thiên)
Năm cảnh trời này cũng được gọi chung là năm cảnh trời Bất Hoàn (五不還天 - Ngũ Bất Hoàn thiên). 
Cả 18 cảnh trời như trên, chư thiên ở đó đều tu tập Phạm hạnh thanh tịnh cùng các pháp thiền định phước lạc, chỉ là mức độ nhiều ít, sâu cạn không giống nhau. 
Lời bàn
Bên trên cảnh trời Sắc Cứu Cánh là cảnh trời Ma-hê-thủ-la, uy quyền cao nhất, là chủ tể cai quản thế giới Ta-bà này, thống nhiếp cả thảy vạn ức chư thiên cảnh trời Tha Hóa, vạn ức chư thiên cảnh trời Hóa Lạc, vạn ức chư thiên cảnh trời Đâu-suất, vạn ức chư thiên cảnh trời Dạ-ma, vạn ức chư thiên cảnh trời Đao-lợi, vạn ức chư thiên cảnh trời Tứ vương, vạn ức các vị Nhật thiên tử, vạn ức các vị Nguyệt thiên tử, nhưng chư thiên trong cõi Dục đều không được nghe biết đến danh hiệu, không được nhìn thấy hình tướng
Bốn cảnh trời thuộc cõi Vô sắc 
Bên trên cõi Sắc lại có bốn cảnh trời. Một là cảnh trời Không Vô Biên, hai là cảnh trời Thức Vô Biên, ba là cảnh trời Vô Sở Hữu, bốn là cảnh trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Chư thiên ở các cảnh trời này chỉ thọ hưởng kết quả do tu các pháp thiền định vô sắc, không còn nghiệp quảhình sắc, nên gọi chung là cõi Vô Sắc
Lời bàn
Cảnh trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng là cao nhất trong Ba cõi, chư thiên ở đó có tuổi thọ đến 84.000 đại kiếp, nhưng thảy đều chưa thấu rõ được chân tâm sáng suốt mầu nhiệm, nên một khi phước trời đã hết vẫn phải trở lại lưu chuyển trong luân hồi. Nếu nhìn từ góc độ nhà Phật thì đó vẫn là hàng phàm phu chưa giải thoát ra khỏi thế gian. Đạo gia tuy cũng nói đến Tam giới, nhưng là Thượng giới, Trung giới và Hạ giới, không giống như Tam giới hay Ba cõi trong Kinh Phật. 
Phụ đính 2 mục vấn đáp
1. Vì sao có nhiều cảnh trời?
Hỏi: Nói về trời, đó là danh xưng của bậc chí tôn, không ai bằng được mới có thể gọi là trời, làm sao lại có nhiều loại danh xưng, hình sắc khác nhau như thế? 
Đáp: Con người cũng được xem là linh giác trong vạn vật, lẽ nào chỉ có thể gọi chung là người mà không phân biệt kẻ hiền người ngu, kẻ cao quý, người hạ tiện? Trong Kinh dạy rằng: “Giữ tròn Năm giới thì được sinh trong cõi người, tu Mười thiện nghiệp thì được sinh lên cõi trời.” Tuy nhiên, trong việc làm theo Năm giới với Mười thiện nghiệp, lại cũng có những mức độ nhiều ít, sâu cạn khác nhau. Cho nên trong cõi người, phước đức của mỗi người cũng không giống nhau. Chư thiên trong các cảnh trời cũng vậy, phước đức của mỗi vị cũng không giống nhau. 
2. Sự phân chia phàm thánh ở các cảnh trời
Hỏi: Trong 28 cảnh trời đã kể trên, cảnh trời nào là phàm, cảnh trời nào là thánh? 
Đáp: Có 2 cảnh trời thuộc về phàm, 5 cảnh trời thuộc về thánh. Còn lại 21 cảnh trời khác đều là chỗ phàm thánh cùng cư trú. 
Hai cảnh trời thuộc về phàm là cảnh trời Đại Phạm Thiên thuộc Sơ thiền thiên và cảnh trời Vô tưởng thuộc Tứ thiền thiên
Vì sao như vậy? Vì ở cảnh trời Đại Phạm, Đại Phạm Thiên Vương không hề biết rằng tất cả chúng sinh trong sáu đường thảy đều là do nghiệp đã tạo mà phải lưu chuyển sinh tử, lại tự cho rằng mình là cao quý, chỉ có chính mình mới có khả năng kiến tạo ra hết thảy trời đất, người, vật... do đó mà sinh khởi tà kiến
Còn ở cảnh trời Vô Tưởng, chư thiên ở đó toàn là những kẻ ngoại đạo trước đây tu tập pháp định Vô tưởng mà sinh về đó, được hưởng quả báo 500 kiếp tâm thức rỗng không, không có tư tưởng gì, rồi tự cho đó là Niết-bàn. Chư thiên cảnh trời này sau khi thọ hết quả báo sẽ khởi sinh tà kiến rồi sinh vào địa ngục
Năm cảnh trời thuộc về các bậc thánh nằm trên cảnh trời Quảng Quả, bao gồm các cảnh trời Vô Nhiệt, Vô Thiền, Thiện Kiến, Thiện Hiện và Sắc Cứu Cánh, được gọi chung là Ngũ Tịnh Cư thiên hay Ngũ Bất Hoàn thiên. Chư thiên ở năm cảnh trời này đều là các vị thánh đã chứng đắc Thánh quả thứ ba là quả vị A-na-hàm mới được sinh về. 
Ngoài 7 cảnh trời kể trên, còn lại 21 cảnh trời khác đều là nơi có đủ hai bậc phàm, thánh, có thể suy ra mà biết đều là do được hưởng phước báo từ việc tu tập nghiệp lành trong hai cõi trời, người. 
Do đó mà ta có lời dạy người
Giảng rộng
Hai chữ “do đó” nếu xét theo ý nghĩa trước đó là do “chưa từng bạo ngược với dân...” thì chữ “dạy” sẽ mang ý nghĩa ngăn ngừa điều ác, làm nền tảng chuẩn bị cho câu “hết thảy việc ác quyết không làm” ở gần cuối bài. Lại nếu xét theo ý nghĩa của 6 câu kể từ “cứu người khi nguy nan”, thì chữ “dạy” sẽ mang ý nghĩa khuyến khích điều lành, làm nền tảng chuẩn bị cho câu “hết thảy việc lành xin vâng theo”. 
Đế Quân sở dĩ thương mà dạy dỗ nhắc lại nhiều lần như thế, vì hy vọng rằng chúng ta đều là những con người có thể cải hối. Nhưng liệu chúng ta quả thật không có gì phải hổ thẹn với lòng chăng? Mạnh Tử nói: “Không có lòng trắc ẩn thì không phải là người. Không có tâm hổ thẹn ghét bỏ điều ác, khiêm cung nhường nhịn, cũng không phải là người.” Theo đó mà nói thì làm người quả thật khó! 
Muôn vật đều gồm đủ, con người thật đáng tôn trọng! Có thể xưng đế xưng vương, con người cao quý thay! Sinh ra không vật mang theo, chết đi vẫn hoàn tay trắng, con người cùng khổ thay! Món ngon vật lạ qua miệng rồi đều thành phẫn dơ hôi thối, con người nhơ nhớp thấp hèn thay! Ai cũng từng ở trong bào thai rồi từ đó sinh ra, con người kém cỏi thay! Ăn nuốt hết thảy muôn loài trên cạn dưới nước, con người tàn nhẫn thay! Bên ngoài trang sức lụa là xinh đẹp, trong lòng ẩn giấu tên độc gươm sắc, con người xảo trá thay! Gia đình thân quyến ràng buộc sai sử, con người thật như nô dịch! Chỉ hướng vào thân thể hạn hẹp này mà nhận đó là nhà, con người nhỏ bé thay! Dưới ánh mặt trời thì rỡ ràng nhân nghĩa, đêm tối ám muội thì việc xấu xa nào cũng không từ, con người thật đáng hổ thẹn thay! Sống ngày nay không chắc chắn được ngày mai, con người thật mong manh thay! Thở ra không hẹn thở vào, con người thật yếu đuối thay!

Luận A-tỳ-đàm nói: “Chữ ‘người’ có 8 nghĩa.” Kinh Lâu Thán Chánh Pháp dạy rằng: “Người trong cõi Diêm-phù-đề nhiều chủng loại khác biệt nhau, cả thảy có 6.400 chủng loại.” Thế thì chữ “người” đó nào phải dễ nhận hiểu đâu? 
Các thuyết về con người
Con người từ cảnh trời Quang Âm đến
Kinh Khởi thế nhân bản dạy rằng: “Vào thuở ban đầu của kiếp này, tất cả con người đều từ cảnh trời Quang Âm giáng xuống, có thể bay lượn trên không trung, không từ bụng mẹ sinh ra. Từ khi biết dùng lúa gạo làm thức ăn, con người mới bắt đầu có gân cốt xương tủy... phân chia thành hình thể nam nữ khác nhau, từ đó mà khởi sinh ái dục.”
Lời bàn
Giống loài con người từ một cảnh trời thuộc cõi Sắc mà ra, nên khi tạo tác các hình tượng thiên thần đều phỏng theo như hình người. 
Con người từ bốn đại mà sinh ra
Vạn vậtthế gian bất quá không ra ngoài bốn đại là địa, thủy, hỏa, phong, nên con người là do khí chất của bốn đại ấy mà thành hình. Xương thịt là từ địa đại; các chất dịch như nước mắt, nước mũi, đàm dãi... là từ thủy đại; hơi ấm là hỏa đại; mọi sự vận động là từ phong đại
Lời bàn
Luận theo Ngũ hành thì có thêm hai yếu tố là kim (kim loại) và mộc (cây gỗ) mà không đề cập đến phong đại. Riêng địa đại có thể hiểu là bao gồm cả kim và mộc, nhưng thiếu phong đại thì không thể có sự vận động. Ví như có dùng ngũ tạng phối với ngũ hành, thì ngoài ngũ tạng còn có thân xác, hóa ra có vẻ như tương phản, thiếu căn cứ thuyết phục. Vì thế, thuyết ngũ hành đã bị thuyết tứ đại đánh đổ. 
Con người là một trong bốn cách sinh ra thuộc sáu đường
Bốn cách sinh ra bao gồm: thai sinh (sinh ra từ bào thai), noãn sinh (sinh ra từ trứng), thấp sinh (sinh ra từ môi trường ẩm ướt) và hóa sinh (sinh ra từ sự biến hóa). Con người thuộc về loại thai sinh
Sáu đường bao gồm các cảnh giới: trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷsúc sinh. Cảnh giới con người được xếp thứ hai trong số đó. 
Lời bàn
Con người vốn không hề có sự quyết định trước chắc chắn sẽ thuộc loại thai sinh, mà là do nghiệp duyên thúc đẩy vào loài thai sinh, lại cũng không hề có sự quyết định trước chắc chắn sẽ sinh ra làm người, mà là do nghiệp duyên thúc đẩy mới sinh làm người. Dù mang tên họ thế này thế khác, chẳng qua chỉ là tạm thời trong cõi thế; dù cung trời hay địa ngục, chẳng qua cũng chỉ là chốn nương thân trong một kiếp phù du ngắn ngủi như chớp mắt mà thôi. 
Con người có mười thời kỳ 
Sách Pháp uyển châu lâm nói rằng: “Con người có mười thời kỳ. Thứ nhất là thời kỳ hình thành màng tế bào, thứ hai là thời kỳ hình thành tế bào dạng bọc, thứ ba là thời kỳ hình thành dạng khối nhỏ, thứ tư là thời kỳ hình thành khối thịt tròn, thứ năm là thời kỳ hình thành tay chân, thứ sáu là thời kỳ hài nhi, thứ bảy là thời kỳ thơ ấu, thứ tám là thời kỳ niên thiếu, thứ chín là thời kỳ thanh niên cường tráng, thứ mười là thời kỳ già yếu.” 
Lời bàn
Năm thời kỳ trước là nói các giai đoạn còn ở trong bào thai, năm thời kỳ sau là nói giai đoạn từ sau khi ra khỏi bào thai
Hình dạng mặt người giống như hình dạng cõi đất
Kinh Khởi thế nhân bản nói rằng: “Cõi Nam Diêm-phù-đề rộng 7.000 do-tuần, hướng bắc mở rộng, hướng nam hẹp lại. Vì thế, khuôn mặt con người ở cõi ấy cũng có hình thể tương tự như hình dạng cõi đất.”
Lời bàn
Địa hình châu Bắc-câu-lô có hình vuông nên khuôn mặt người ở cõi ấy cũng vuông vắn. Châu Đông Thắng Thần có địa hình tròn, nên khuôn mặt người ở cõi ấy cũng tròn trịa. Châu Tây Ngưu Hóa có địa hình như nửa mặt trăng, nên khuôn mặt người ở cõi ấy cũng phát triển to lớn ở phần trên não mà bên dưới nhỏ hẹp lại. Do đó suy rộng ra, như chim đậu trên cây, lông cánh hình giống cây; thú đi trên cỏ, lông trên thân giống như cỏ. 
Người có sáu căn, sáu trần, sáu thức
Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; sáu trầnhình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm và các pháp. Khi mắt thấy hình sắc, tai nghe âm thanh, căn và trần đối nhau mà khởi sinh thức từ đó. 
Lời bàn
Cùng là sáu căn đó, khi kẻ phàm phu sử dụng thì khởi sinh thành sáu tình, sáu nhập, sáu cảm thọ, sáu ái nhiễm, ấy là sáu tên giặc; nhưng với hàng Bồ Tát thì đó là sáu thần thông. Chẳng đủ để hiểu ra việc chư thiên thấy nước là lưu ly, còn ngạ quỷ thấy nước là máu mủ, vốn cũng là một lẽ như vậy đó sao?
Làm người nên học giáo pháp Mười hai nhân duyên
Kinh Pháp Hoa dạy rằng: “Vô minh duyên nơi hành, hành duyên nơi thức, thức duyên nơi danh sắc, danh sắc duyên nơi sáu nhập, sáu nhập duyên nơi xúc, xúc duyên nơi thọ, thọ duyên nơi ái, ái duyên nơi thủ, thủ duyên nơi hữu, hữu duyên nơi sinh, sinh duyên nơi già chết, khổ não, buồn đau. Vô minh diệt ắt hành phải diệt, hành diệt ắt thức phải diệt, thức diệt ắt danh sắc phải diệt, danh sắc diệt ắt sáu nhập phải diệt, sáu nhập diệt ắt xúc phải diệt, xúc diệt ắt thọ phải diệt, thọ diệt ắt ái phải diệt, ái diệt ắt thủ phải diệt, thủ diệt ắt hữu phải diệt, hữu diệt ắt sinh phải diệt, sinh diệt ắt già chết, khổ não, buồn đau phải diệt.” 
Lời bàn
Chỉ biết rằng thân này do mẹ sinh ra mà không biết cha cũng góp phần, ấy là trẻ con. Chỉ biết rằng thân này do cha mẹ trời đất sinh ra, mà không biết còn do nghiệp duyên đời trước, ấy là kẻ dung tục tầm thường. 
Tôi hết sức phản đối thuyết “trời sinh thánh nhân”. Nếu quả trời có thể sinh được thánh nhân, ắt phải thường sinh thánh nhân. Như trời đã sinh vua Nghiêu, vua Thuấn, tại sao lại còn sinh vua Kiệt, vua Trụ? Nếu trời không ngăn được việc vua Kiệt, vua Trụ sinh ra, thì cũng không thể quyết định việc vua Nghiêu, vua Thuấn ra đời. Thế thì làm sao nói rằng trời có thể sinh ra người?
Có những kẻ cưới thêm thê thiếp, cầu khẩn nhiều nơi mà vẫn không có con; lại có những kẻ chưa kịp cưới xin, quan hệ bừa bãi, trong lòng chỉ sợ có thai, nhưng rồi vẫn cứ có thai; xem đó thì biết việc sinh con không chỉ là riêng do cha mẹ mà thành. 
Tuổi thọ con người xưa nay có khác biệt
Trong kinh nói rằng: “Vào thời tăng kiếp, khởi đầu tuổi thọ trung bình của con người được 10 năm, sau đó cứ trải qua 100 năm thì tuổi thọ lại tăng thêm được 1 năm; cứ như vậy tăng mãi cho đến khi tuổi thọ con người đạt đến 84.000 năm thì dừng. Từ đó về sau cứ trải qua 100 năm thì tuổi thọ lại giảm đi 1 năm, cứ như vậy giảm mãi cho đến khi tuổi thọ chỉ còn 10 năm là thấp nhất. Khi tuổi thọ trung bình của con người là 10 năm, lại bắt đầu tăng dần như trước. Sự biến đổi tăng giảm này cũng giống như trong năm có những lúc ngày dài đêm ngắn, lại có những lúc ngày ngắn đêm dài, cứ như vậy mà tuần hoàn mãi mãi không dứt.” 
Lời bàn 
Đức Thích-ca Như Lai ra đời vào lúc tuổi thọ trung bình của con người là 100 năm, nên vào đời vua Thành Khang rất nhiều người sống thọ đến gần trăm tuổi, như Vũ Vương thọ 93 tuổi, Văn Vương thọ đến 97 tuổi. Thời Đường Ngu trước Văn Vương hơn ngàn năm, nên tuổi thọ tăng hơn 10 năm, nên vua Vũ thọ 106 tuổi, vua Thuấn thọ 110 tuổi, vua Nghiêu thọ đến 117 tuổi. Đế Khốc trị vì đến 70 năm, như vậy có thể đoán là tuổi thọ cũng rất cao. Chuyên Húc trị vì đến 78 năm, so với Đế Khốc còn cao hơn. Thiếu Hạo trị vì 84 năm, so với Chuyên Húc lại cao hơn nữa. Hoàng Đế trị vì 100 năm, so với Thiếu Hạo là tuổi thọ phải cao hơn. Viêm Đế ở ngôi đến 140 năm, so với Hoàng Đế lại càng cao hơn nhiều. Từ đó suy ra trước thời Phục Hy có kỷ Nhân Đề, kỷ Tuần Phỉ, kỷ Tự Mệnh v.v... trở ngược đến thời Nhân Hoàng trị dân, chẳng biết đã mấy mươi vạn năm qua, nên anh em Nhân Hoàng có 9 người, cộng chung cả triều đại truyền đến 45.600 năm. Trở ngược đến thời Địa Hoàng rồi Thiên Hoàng, cũng không biết là bao nhiêu vạn năm, nên cả 2 vị ấy đều có tuổi thọ đến 18.000 năm.
Những điều trên đều được truyền lại trong sử sách, có thể khảo chứng rõ ràng. Các nhà Nho đời sau thấy nói về tuổi thọ ngày xưa đến mấy vạn năm cho là hoang đường, liền hết sức nỗ lực chỉnh sửa, loại bỏ đi những điều như thế, quả thậtkiến thức quá hẹp hòi.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.