Giới Thiệu Sách: Giọt Nước Cành Dương

01/04/20184:36 SA(Xem: 9248)
Giới Thiệu Sách: Giọt Nước Cành Dương

GIỚI THIỆU SÁCH: GIỌT NƯỚC CÀNH DƯƠNG
Thích Nhật Đạo

Giọt Nước Cành DươngNhững tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì rất nhiều. Và thật khó cho chúng tôi khi chọn một tác phẩm để giới thiệu cùng các bạn. Bởi mỗi tác phẩm của Ngài đều chứa đựng những nét tinh ba về Phật học, cách trình bày với một văn phong dễ đọc, gần gũi.

Bỏ qua những suy nghĩ ở trên, chúng tôi chọn tác phẩm Giọt nước cành dương. Đơn giản bởi cuốn sách là những câu chuyện “khi tác giả còn là chú điệu” và trong có chứa đựng câu chuyện nổi tiếng: Cửa tùng đôi cánh gài.

Giọt nước cành dương gồm 15 câu chuyện “đời thường nhưng mang đậm triết lý Phật giáo”. Mỗi câu chuyện đều chứa đựng những bài học về triết lý sống sâu sắc mà dung dị. Trong giới hạn bài viết này, tôi chỉ giới thiệu đến các bạn ba câu chuyện mà tôi, có lẽ, tâm đắc nhất.

Đầu tiên, đó là câu chuyệnChú Dương”. Chú Dương là người giữ bò trong chùa mà nhân vật Tôi tu học. Thời gian không giữ bò thì chú đi làm những việc khác và lo việc thỉnh chuông khuya. Chú Dương xuất hiện như bao Phật tử công quả tại các ngôi tự viện mà hôm nay chúng ta có thể thấy, chỉ khác chăng, chú Dương trong truyện chỉ có một tay. Chú Dương có nhiều nét đặc biệt, là người mà nói như nhân vật Tôi: “Sau mỗi lần ngắm chú, tự nhiên trong lòng cảm thấy hơi bâng khuâng và e ngại. Bâng khuâng và e ngại vì không biết mình có được vững chãi mãi mãi trên con đường cam khổ như chú Dương”.

Viết đến đây, người viết chợt nghĩ đến chính mình và thế hệ Tăng Ni trẻ hôm nay, chúng ta có thể chọn đi theo cuộc sống của chú Dương (bình tĩnhvô tư) hay chọn con đường của nhân vật Tôi: “Phải nghĩ đến vấn đề học hỏi, thực tập, thi cử, giảng diễn và tổ chức lại giáo hội”. Chí nguyện dấn thân của nhân vật Tôi thật thanh cao và đáng khích lệ. Nhưng dù thanh cao và đáng khích lệ như thế, vẫn có những lúc nhân vật Tôi có cảm giác bâng khuâng “lo nhiều việc quá mà không biết có nên được việc gì không”. Tâm trạng này có lẽ là tâm trạng chung của những người hay hoài bão, ấp ủ những dự định, hay khi bạn chuẩn bị nhận một trách nhiệm gì đó. Và qua nhân vật Tôi, bạn sẽ thấy thấp thoáng hình ảnh của chính mình…

Nhưng khi dấn thân, đi vào cuộc đời thì chúng ta phải thật cẩn thận. Đó cũng là câu chuyện thứ hai tôi muốn chia sẻ đến mọi người. Câu chuyện “Cửa tùng đôi cánh gài”. Đây là một câu chuyện có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đã đọc qua. Có khác chăng là cảm nhận của mỗi người khi đọc câu chuyện, trong từng thời điểm. Hình ảnh cửa tùng lên núi đóng lại với chàng dũng sĩ trong câu chuyện hay cánh cửa giải thoát đang đóng lại với chúng ta, nếu chúng ta không khéo “phản tỉnh” và chiến thắng tự ngã chính mình? Hãy đọc để tìm cho chính mình câu trả lời bạn nhé.

Đến câu chuyện thứ ba, cũng là câu chuyện khép lại tác phẩm Giọt nước cành dương: “Bưởi”. Lời hét của Bưởi khiến chúng ta chợt nao lòng: “Thương tôi! Trời ơi, thương tôi mà chặt đứt cây tre không cho tôi về với chồng, với con! Anh Ổi ơi là anh Ổi ơi!” Tôi lại nhớ đến lời dạy của Thiền sư: Hiểu và Thương. Trong trường hợp này, Ổi có lẽ cũng hiểu, nhưng có lẽ Ổi vì quá yêu Bưởi nên đã làm vậy. Tình yêu lúc nào cũng đi cùng với sự chiếm hữu. Thậm chí đôi khi, sự chiếm hữu của mình “bóp chết” người mình nói thương yêu. Nên thử hỏi, Ổi nói thương Bưởi, nhưng tình thương này có thật sự dành cho Bưởi không? Hay Ổi đang thương chính Ổi?

Từ câu chuyện Bưởi, các bạn trẻ hôm nay khi bước vào con đường tình yêu (có hạnh phúc sẽ có khổ đau), hãy nghĩ đến nhân vật Bưởi trong câu chuyện. Hãy yêu, nhưng đừng “nhân danh” tình yêu để gây đau khổ cho người mình yêu. Bởi:

“Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương.” (Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Khép lại Giọt nước cành dương, có lẽ rất nhiều “hạt giống” lành thiện sẽ nảy mầm trong bạn.

 

Truyện của tác giả (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) khi còn là chú điệu, xứng đáng có mặt trên kệ sách mỗi người. Nhất là những bạn trẻ đã, đang, sẽ bước đi trên con đường xuất giangày xưa, tác giả đã đi qua. Hãy đọc để nuôi dưỡng lý tưởng, hoài bão của chính mình trên bước đường phụng sự.

Xin giới thiệu: GIỌT NƯỚC CÀNH DƯƠNG, tác giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh,  NXB. Hồng Đức, đơn vị liên kết: Phương Nam Book.

 

Tp. HCM, ngày 31-03-2018

Thích Nhật Đạo
Thư Viện Hoa Sen

giot-nuoc-canh-duong-02

  1. Cửa Tùng Đôi Cánh Gài 
  1. Tùng Bưởi Hồng (Tùng, Bưởi và Hồng)



Tinh Nguoi Thich Nhat HanhĐa số chuyện có trong sách này:
https://thuvienhoasen.org/a14329/tinh-nguoi-thich-nhat-hanh 

 
Xem thêm các sách dạng PDF:
https://thuvienhoasen.org/a16805/bo-sach-dien-tu-cua-thien-su-thich-nhat-hanh 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?