2. Những “Mô hình” (phẩm phương tiện)

10/04/20163:23 SA(Xem: 10015)
2. Những “Mô hình” (phẩm phương tiện)

CÕI PHẬT ĐÂU XA 
THẤP THOÁNG LỜI KINH DUY MA CẬT 
(Viết về kinh Duy Ma Cật
Nhà xuất bản Văn Học 2016 
Đỗ Hồng Ngọc

2. Những “Mô hình” (phẩm phương tiện)

 

Như đã nói, phương pháp “Tiếp cận dựa vào cộng đồng” (Community-based approach)  đòi hỏi phải có sự tham gia cộng đồng (community involvement), và phải có kỹ thuật học thích hợp (appropriate technology)… mới thành công. Không có sự tham gia của cộng đồng, không sử dụng kỹ thuật học thích hợp (ở đây chính là “phương tiện”)… thì các phương pháp tiếp cận dù hay cách mấy mà áp đặt, xa lạ, cũng trở nên vô ích, thui chột vì không hợp “thổ ngơi”! (*)

Lý tưởng cao đẹp của Phật là giải thoát khổ đau cho chúng sinh, tạo một “cõi Phật” thanh tịnh cho mọi người, mọi loài, bình đẳng, không phân biệt. Không cần phải chia chẽ ở đây. Nào A-la-hán nào Bồ-tát, nào xuất gia nào tại gia, thậm chí cũng chẳng cần phân biệt kẻ nam người nữ… Tại sao vậy? Tại vì ai ai cũng có Pháp thân, có thân Như Lai như nhau, chỉ có người “thấy biết” (tri kiến Phật) người chưa thấy biết! Phật từng bảo: Ta là Phật đã thành còn chúng sanh là Phật sẽ thành đó thôi.

 

Khi ngó xuống thành Tỳ-da-ly nheo nhóc khổ đau dưới kia, Phật nghĩ phải nhanh chóng tìm một cách tiếp cận mới, bởi các vị A-la-hán, Bồ-tát đạo cao đức trọng quanh Phật bây giờ không thể nào tiếp cận được với các quan chức, vương tôn công tử, đại gia, các kiều nữ chân dài, các người trẻ ham chơi nơi các thanh lâu trà đình tửu điếm?

Đối tượng đích (target population) lần này đến thành Tỳ-da-ly không chỉ có năm trăm chàng tuổi trẻ, con nhà trưởng giả, vương tôn công tử, doanh nhân, trí thức – trong đó một số ít người đã biết con đường giải thoát của Phật, đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác) … nhưng không biết cách phải thành tựu thế nào vì họ không thể bỏ mọi việc ở đời mà xuất gia theo Phật – mà đối tượng đích lần này còn là các đệ tử gần xa của Phật, để họ có dịp nhìn lại chính mình mà thay đổi, bởi tuy theo Phật từ lâu, một số vị đã trở nên ngã mạn, tự cao tự đại, luôn có cái nhìn phân biệt đầy ngã chấp, pháp chấp.

Phật dạy Bảo Tích cũng là để cho các đệ tử mình:

“Các loài chúng sinhcõi Phật của Bồ-tát. Bồ-tát tùy theo chỗ giáo hóa chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy theo chỗ điều phục chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật.. Nhưng nếu muốn xây cất nơi hư không thì không thể được. Bồ-tát cũng vậy, vì muốn giúp cho chúng sinh được thành tựu, cho nên nguyện giữ lấy cõi Phật. Việc nguyện giữ lấy cõi Phật đó, chẳng phải là việc xây cất nơi hư không.”.

 

“Chẳng phải là việc xây cất nơi hư không” nên không thể lý thuyết suông, hình thành pháp này pháp nọ rồi rồi bám chặt lấy mà phải đi vào thực tế đời sống trong cõi Ta bà ngũ trược dưới kia!

Để thực hiện phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng, qua giáo dục chủ động, cần phải có những mô hình đặc biệt để làm mẫu, giúp đối tượng “bắt chước” được dễ dàng. Trước khi đến Tỳ-da-ly, hẳn đã có một cuộc điều nghiên rất kỹ. Cái đó gọi là Chẩn đoán cộng đồng (Community Diagnosis), để biết rõ đường đi nước bước, phong tục tập quán của cư dân, đặc biệt tìm ra những nhân vật chủ chốt có thể từ đó mà ảnh hưởng đến các đối tượng khác gọi là nhân vật “chìa khóa” (key person), nhân vật “chuyên gia” (resource person). Từ những nhân vật chủ chốt này mà có thể mở toang cánh cửa vào cộng đồng, tạo tác động và gây chuyển hóa.

 Am-ba-pa-li là một nhân vật “chìa khóa” đó. Nàng là một kỹ nữ nhan sắc tuyệt trần, một “hoàng hậu không ngai” ở thành Tỳ-da-ly mà từ lâu các vương tôn công tử, con nhà trưởng giả, các đại gia thiếu gia, quan chức không ngớt tìm cách mua chuộc. Am-ba-pa-li vừa kiêu hãnh, xa hoa vừa đầy mặc cảm tự ti vì bị coi là hạ tiện, bị khinh miệt, chê bai, chỉ trích.   Nàng đã nghe về Phật. Một thái tử dám từ bỏ ngai vàng, dấn thân vào con đường khổ hạnh, rồi cuối cùng đã tìm ra con đường giải thoát cho mình và người, đã vượt qua tất cả mọi cám dỗ trên con đường tu tập, trở thành bậc Chánh đẳng Chánh giác, đã trở thành Như Lai, Thế Tôn, Thiên nhân sư, bậc Ứng cúng… với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp…

 

Nàng phải đến diện kiến Phật. Vừa kiêu hãnh, vừa tò mò, vừa run sợ. Trong lòng không khỏi nảy sinh nhiều ngẩm ngợi. Nhưng nàng chưng hửng. Hoàn toàn bị khuất phục. Con người tiếng tăm lừng lẫy với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp kia sao mà quá giản dị, ngoài sức tưởng tượng của nàng. Áo khoác hờ trên bờ vai như không đủ mặc, chân trần, tự rửa lấy bình bát vừa thọ trai xong, nhẹ nhàng lau chân rồi ngồi tĩnh tọa trên đệm cỏ. Nhìn lại mình ngựa xe lộng lẫy áo quần rực rỡ mà nàng nghẹn ngào. Có cái gì đó đã khác hẳn, vươn lên trong thâm tâm. Phật nhìn nàng. Không hề xa lạ. Thấy ở nàng một đứa bé sơ sinh oa oa lọt lòng mẹ, rồi biết lật biết bò, biết đứng biết đi, biết tắm mưa tắm nắng, rồi trở thành một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần, một kỹ nữ lừng danh, rồi cùng lúc là một lão bà héo úa, da nhăn, mắt mờ, tay run, chống gậy lê từng bước… Không chỉ vậy. Còn thấy ở nàng một bộ xương và những bắp cơ, lục phủ ngũ tạng, những chất liệu đã tạo nên làn da mái tóc, những nguyên tố đã từ đó mà có tấm thân hồng trần này. Phật mỉm cười. Ánh mắt từ bi. Nàng sụp lạy nghẹn ngào. Phủ phục dưới chân Phật. Một tiếng sấm vang động cả thành Tỳ-da-ly hôm ấy.

Bảo Tích, cùng năm trăm vương gia công tử giật mình, tuy đã từ lâu phát tâm Chánh đẳng Chánh giác mà vẫn loay hoay, không sao thoát khỏi trần duyên tục lụy để xuất gia theo Phật đã thấy lóe lên một ánh sáng phía chân trời. Chàng vội vã cùng bè bạn ngựa xe rầm rập kéo đến Vườn Xoài của Am-ba-pa-li kính cẩn lạy Phật.

Phật dạy: “Bảo Tích! Bồ Tát tùy lòng ngay thẳng (trực tâm) mà khởi làm-.  Tùy chỗ khởi làm mà được lòng sâu vững (thâm tâm). Tùy lòng sâu vững mà tâm ý được điều phục. Tùy chỗ điều phục tâm ý mà làm được theo đúng như thuyết dạy. Tùy chỗ làm theo đúng như thuyết dạy mà có thể hồi hướng. Tùy chỗ hồi hướng mà có sức phương tiện. Tùy sức phương tiện mà giúp cho chúng sinh được thành tựu. Tùy chỗ thành tựu cho chúng sinh mà được cõi Phật thanh tịnh”

 

Lòng ngay thẳng – trực tâm- chính là sự bình đẳng, không phân biệt, không kỳ thị. Phải có sự không phân biệt, sự bình đẳng trước đã, rồi mới có được sự tôn trọng, sự chân thành, sự thấu cảm. Khi còn có phân biệt, còn có chia chẽ thì khoảng cách càng rộng ra. Cho nên mới nói “tùy trực tâm mà khởi làm”.  Không kỳ thị, không phân biệt đối xử mới có lòng tôn trọng như Thường Bất Khinh, mới có lòng Từ bi, Thấu cảm như Quán Thế Âm, và mới có lòng Chân thành để “ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng” như Dược Vương… Tôn trọng, chân thành, thấu cảm phải dựa trên điều kiện tiên quyết là không phân biệt, là bình đẳng. Đó chính là Bất nhị. Với cái nhìn bất nhị, với tấm lòng “trực tâm” thì tức khắc người ta tạo được một không khí thuận lợi để “thành tựu chúng sanh”. Tùy chỗ khởi làm mà được lòng sâu vững (thâm tâm), chánh tín, từ đó mà tâm ý được điều phục, từ đó mà có sức phương tiện, khởi phát từ tấm lòng Từ bi chân thật.

 

Nếu Am-ba-pa-li là một nhân vật “chìa khóa” vừa làm rung chuyển thành Tỳ-da-ly vì không ai ngờ được Phật thu nhận làm đệ tử thì một nhân vật chủ chốt khác, một trưởng giả giàu sang danh tiếng lừng lẫy thành Tỳ-da-ly, một chuyên gia (resource person) am tường Phật pháp, đang rên hừ hừ vì bệnh mà Phật đã phải cử các đệ tử thân thiết hết người này đến người khác đến tận nhà thăm viếng: Đó là Duy-ma-cật, một “Mô hình” đặc biệt, mô hình “Bồ tát tại gia” mà Phật muốn giới thiệu dịp này.

“Khi ấy ở trong thành lớn Tỳ-da-ly có trưởng giả tên Duy-ma-cật, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật và sâu trồng căn lành, được vô sanh nhẫn, biện tài vô ngại, du hý thần thông, được các phép tổng trì, được vô sở úy, hàng phục chúng ma, vào được pháp môn sâu xa vi diệu, giỏi về phép trí huệ, thông đạt phương tiện; thành tựu nguyện lớn, biết rõ chỗ xu hướng trong tâm của mỗi chúng sinh, phân biệt được những căn tánh lanh lợi hoặc chậm lụt… ở lâu trong Phật đạo, tâm đã thuần thục… Mỗi hành vi tạo tác đều khéo suy lường. Giữ gìn oai nghi của Phật, tâm rộng như biển cả, được chư Phật khen ngợi, hàng đệ tử, Đế-thích, Phạm vương, hoặc vua thế gian thảy đều cung kính”.

Duy-ma-cật không chỉ thuần thục Lục độ Ba-la-mật, Tứ vô lượng tâm, Tứ pháp thâu nhiếp, Phương tiện, với tất cả các pháp tùy nghi vô ngại đến Ba mươi bảy phẩm trợ đạo gồm Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo…mà tất cả đều đã được tu tập, ứng dụng trong đời sống hằng ngày, không phải chỉ với sách vở suông.

 

Ông đã dùng tài sản nhiều không kể xiết để nhiếp phục kẻ nghèo; dùng giới luật thanh tịnh nhiếp phục những kẻ phạm giới; dùng nhẫn nhục nhu hòa nhiếp phục những kẻ nóng giận; dùng sức tinh tấn mạnh mẽ, nhiếp phục kẻ lười nhác, giải đãi; dùng nhất tâm thiền tịnh nhiếp phục kẻ tâm ý tán loạn; dùng trí huệ nhiếp phục những kẻ vô trí…

Về đời sống riêng tư, Kinh nói rõ hơn:

“Tuy là cư sĩ, nhưng ngài kính giữ luật hạnh thanh tịnh của bậc sa-môn, tuy ở tại nhà, mà chẳng vướng vào ba cõi. Thị hiệnvợ con, mà tu hạnh thanh tịnh; phục sức đồ quý báu nhưng dùng các tướng tốt là để trang nghiêm thân mình, lấy niềm vui hành thiền làm món ăn ngon, đến nơi cờ bạc để hóa độ người. Vẫn thọ học các đạo khác, mà chẳng bỏ chánh tín. Rành sách vở thế gian, mà thường hâm mộ pháp Phật. Tham gia kinh doanh làm ăn lợi lộc mà chẳng lấy đó làm vui. Dự vào việc chính trị, mà cứu hộ tất cả chúng sanh. Thậm chí vào chốn lầu xanh, để chỉ rõ chỗ tội lỗi của sắc dục, vào quán rượu để hướng thiện cho những người nghiện ngập…”.
Vì đã sống nơi thành Tỳ-da-ly nhiều năm, ông quá biết cuộc sống “ngũ trược ác thế” ở đây, một cõi Ta-bà điển hình. Quân vương thì tranh ngôi đoạt vị, không từ một thủ đoạn nào; công hầu khanh tướng thì mua quan bán tước, tàn hại lẫn nhau; doanh nhân đại gia  cá lớn nuốt cá bé, vương tôn công tử trà đình tửu điếm, kỹ nữ chân dài tấp nập ngựa xe… Nhưng những chúng sanh này luôn cang cường, cứng cỏi, lì lợm đâu dễ mà thuyết phục họ với những vô thường, khổ, vô ngã, những duyên sinh, thực tướng vô tướng …! Còn lâu! Dĩ nhiên không phải là không có những thiện tri thức, những bậc cao nhân, những người chân chính và cả những thanh niên trai trẻ như Bảo Tích và bạn bè chàng đã phát tâm Bồ-đề mà vẫn mãi loay hoay chưa biết phải làm sao, bằng cách nào để biến ước mơ thành hiện thực. Duy-ma-cật phải tìm một cách tiếp cận khác, một “kỹ thuật học thích hợp”, một “phương tiện thiện xảo” khác.

Không cách nào tốt hơn “thọ bệnh”. Bởi “bệnh” thì vua quan thứ dân gì cũng có lần mắc phải, không nặng thì nhẹ, không ít thì nhiều trong đời mình nên họ đều có trải nghiệm. Có những thứ bệnh đứng bên bờ vực của cái chết, càng dễ nhận ra những thực tế của cuộc sống. Quân vương cũng bệnh,  công hầu khanh tướng cũng bệnh, doanh nhân đại gia, vương tôn công tử, kỹ nữ chân dài… cũng bệnh. Bệnh không tha thứ một ai, dù là một bé sơ sinh hay một người già lão. Trước bệnh, mọi người đều … bình đẳng!

 

Cho nên Duy-ma-cật “dùng phương tiện hiện ra thân mình có bệnh.” Dĩ nhiên phải là một thứ bệnh thập tử nhất sinh nào đó mới khiến cả thành Tỳ-da-ly giật mình. Với một nhân vật lừng lẫy, đầy uy tín như ông, nên  “các hàng vua quan, trưởng giả, cư sĩ, bà-la-môn, vương tôn công tử…” đều kéo đến thăm.

Không có cơ hội nào tốt hơn nữa! Mọi người sửng sốt thương hại nhìn một trưởng giả giàu sang phú quý thế kia mà sắp sửa từ bỏ cõi trần và rồi, họ nghĩ đến bản thân họ, lúc nào đây rồi cũng sẽ thế thôi. Công hầu khanh tướng mà chi, bạc tiền rủng rỉnh mà chi, lụa là gấm vóc mà chi…

“Các nhân giả! Thân này là không thường tồn, không có sức mạnh, không bền chắc. Nó là vật mau hư hoại, không thể tin vào nó được. Nó là khổ, là não, các bệnh đều tụ tập vào nó”…

Một câu nói của Duy Ma Cật vào thời điểm này đủ làm rúng động những trái tim, khiến họ dầu muốn dầu không cũng không khỏi giật mình!

“Các nhân giả! Như cái thân này đây, bậc minh trí không nương cậy vào nó được. Thân này như bọt đọng mà người ta không thể sờ nắm. Thân này như bọt nổi, không tồn tại lâu dài. Thân này như nháng lửa, nó do sự khát khao ái dục mà sinh ra. Thân này như cây chuối, bên trong chẳng bền chắc gì. Thân này như món đồ ảo thuật, do nơi sự xáo trộn mà khởi ra. Thân này như chiêm bao, thấy nó là hư vọng chẳng thật. Thân này như cái bóng, nó theo nghiệp duyênhiện ra. Thân này như tiếng dội, nó phụ thuộc các nhân duyên. Thân này như mây nổi, trong phút chốc đã biến mất. Thân này như tia chớp, chẳng ở yên một phút nào!

Đã đành Phật từng dạy ”Nhất thiết hữu vi pháp/ như mộng huyễn bào ảnh/ như lộ diệc như điện/ ưng tác như thị quán!”. Nhưng, còn lâu mới chịu “quán”! Chỉ có trong hoàn cảnh này, trong lúc thấy ông Duy-ma-cật ngày nào oai hùng thế ấy mà nay da vàng, bụng chướng, ho sù sụ,  rên hừ hừ, run lập lập… mới có thế làm người ta giật mình mà “quán” tưởng lại cái thân bèo bọt của mình.
“Thân này không chủ, cũng như đất. Thân này không phải ta, cũng như lửa. Thân này không sống lâu, cũng như gió. Thân này không phải người, cũng như nước. Thân này chẳng thật, nó lấy bốn đại: đất, nước, lửa, gió làm nhà. Thân này là trống không, nó lìa ta và vật của ta. Thân này không biết chi hết; nó như cỏ, cây, gạch, sỏi. Thân này không làm gì hết, nó bị sức gió chuyển dời. Thân này là bất tịnh, dẫy đầy mọi nhơ nhớp xấu xa. Thân này là hư ngụy, dẫu nó có tạm dùng những việc tắm, rửa, ăn mặc, nhưng rồi nó cũng mòn dứt mà thôi! Thân này là tai hại, mang lấy một trăm lẻ một bệnh não. Thân này như gò đất, giếng nước, nó bị cái già hiếp bức. Thân này không kiên định, có ngày phải chết. Thân này như rắn độc, như kẻ cướp oán thù, như xóm nhà không người, các ấm, nhập, giới phối hợp mà làm thành cái thân”.

Từ chuyện thân bệnh thôi mà đã đề cập tứ đại, ngũ uẩn, duyên sinh, thực tướng giả tướng, vô thường, khổ, vô ngã… rồi đó vậy.
Duy-ma-cật thừa biết nói về tâm rất khó. Cái tâm không nắm bắt được. Tiếp cận qua cái “sắc” thì ai cũng dễ đồng ý chớ qua “thọ tưởng hành thức” thì còn cãi nhau chí chóe. Tứ đại đất nước gió lửa kia chính là những carbon, hydro, oxy, nitrogen đã tạo nên các thứ protein thì ai cũng công nhận. Thân người có bao nhiêu cái xương đều đếm được, sờ nắn được, bao nhiêu bắp cơ đều sờ nắn được, bao nhiêu canxi, phospho, sắt đồng chì kẽm, mangan, manhê… đều đo đếm được. Mà ai cũng như ai thôi. Bình đẳng tuyệt đối. Không phân biệt.

“Các nhân giả! Thân này đáng lo, đáng chán, mà nên ưa thích thân Phật. Tại sao vậy? Thân Phật tức là Pháp thân. Do vô lượng pháp thanh tịnh mà thân Như Lai sinh ra. 
“Các nhân giả! Muốn được thân Phật dứt hết các bệnh của chúng sinh, nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”

 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.