Lời Giới Thiệu Chuyện Đời Xưa Của Trương Vĩnh Ký

05/07/20173:15 CH(Xem: 10278)
Lời Giới Thiệu Chuyện Đời Xưa Của Trương Vĩnh Ký

LỜI GIỚI THIỆU
CHUYỆN ĐỜI XƯA CỦA TRƯƠNG VĨNH KÝ
Trần Văn Chánh

 

Chuyen Doi XuaNói đến CHUYỆN ĐỜI XƯA của Trương Vĩnh Ký (1837-1898), tôi nhớ ngay tới thời kỳ đầu học Trung học về môn Việt văn cách nay chừng nửa thế kỷ. Khi đó, những anh chị em học lớp Đệ lục (tương đương lớp 7 bây giờ) như tôi đều có học qua một số đoạn trích giảng lấy từ CHUYỆN ĐỜI XƯA, mà một số bài ấn tượng nhất đã ghi sâu vào ký ức của tuổi thanh xuân làm cho nhớ mãi tới bây giờ, như “Chàng rể bắt chước cha vợ”, “Bụng làm dạ chịu”, “Ba anh dốt làm thơ”, “Học phép hà tiện”, “Hữu dõng vô mưu”, “Làm ơn mắc oán”… Tôi đoán, muốn chê thơ ai quá dở, người ta dùng cụm từ “thơ con cóc”, có lẽ xuất phát đầu tiên là từ chuyện “Ba anh dốt làm thơ”, chứ không phải từ điển tích gì khác… 

Sở dĩ ấn tượng và nhớ lâu, vì chuyện nào cũng ngắn gọn (chừng nửa trang giấy), đọc vô thấy đơn giản dễ hiểu mà rất dễ tức cười. Có cái cười ngặt ngoẽo bể bụng không nín được, nhưng cũng có cái cười thấm thía tế nhị, từ đó không chỉ hiểu được một cách sinh động tâm tính hồn nhiên của người Việt bình dân cách nay trên dưới một thế kỷ, mà còn rút ra được nhiều bài học/ kinh nghiệm sống bổ ích. Khía cạnh bổ ích này, tác giả Nguyễn Văn Sâm đã có phân tích lược qua ở “Lời đầu sách” nên tại đây thiết tưởng không cần lặp lại thêm rườm.

            Nói là chuyện đời xưa, nhưng thật ra toàn những câu chuyện khôi hài thích hợp để đọc vui xả hơi sau ngày làm việc mệt nhọc cho cả người lớn lẫn trẻ em từ lứa tuổi biết đọc trở đi. Ngoài ra, người nào chú ý tìm hiểu/ nghiên cứu ngôn ngữ-văn chương Nam Bộ, hoặc biên soạn từ điển tiếng Việt, cũng phải cần đọc nó, vì bên trong chứa đựng rất nhiều tiếng địa phương độc đáo của miền Nam nước Việt, một thứ văn liệu quý hiếm xác thực để làm việc.   

            Duy có điều hơi khó hiểu là tại sao một cuốn sách hay ho thú vị như vậy mà đến nay rất ít khi được tái bản? Trước năm 1975, ở miền Nam, còn nhớ có một bản do nhà xuất bản Khai Trí ấn hành, ngoài bìa vẽ màu cảnh đồng quê với hình ảnh người dân quê trông rất dễ thương. Từ đó về sau không thấy nữa. Tôi có nhắc lại tên sách với vài bạn trẻ đã học qua bậc đại học nhưng hầu như không em nào biết. Gần đây, trong cuốn PETRUS KÝ NỖI OAN THẾ KỶ (Nguyễn Đình Đầu chủ biên, Tri Thức, 2016) thấy có in lại nguyên văn CHUYỆN ĐỜI XƯA gồm 74 truyện, dựa theo bản in năm 1927, với tên gọi đầy đủ mà cũng rất dễ thương theo nguyên gốc: Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích.

            Nay nhà giáo-nhà nghiên cứu kỳ cựu Nguyễn Văn Sâm không chỉ cho tái bản CHUYỆN ĐỜI XƯA dựa theo bản in quý hiếm xưa cũ nhất (1914) mà còn gia công chú giải từ ngữ, giúp người đọc hiện nay dễ dàng hiểu tường tận văn bản nhờ nắm vững được những từ ngữ địa phương tuy trước đây tầm thường nhưng bây giờ đã trở nên xa lạ với không ít người, nhất là đối với giới trẻ trong cũng như ngoài nước.

            Riêng tôi lại còn tưởng tượng thêm, kiều bào nam phụ lão ấu ở hải ngoại mà có được cuốn sách này trong tay, họ sẽ quý nó như vàng. Bởi không chỉ để đọc cho vui giết thì giờ rảnh rỗi, tiếp thu được những bài học cuộc sống không bao giờ lạc hậu, mà còn tìm thấy trong nội dung cuốn sách mỏng khiêm tốn này cái hồn của dân tộc Việt, từ đó thêm một chút tình hoài hương thắm thiết của những người xa xứ không quên quê cha đất tổ. Vì thế, tôi xin trân trọng, vừa cám ơn tác giả, vừa muốn giới thiệu CHUYỆN ĐỜI XƯAchú giải này của nhà giáo Nguyễn Văn Sâm đến đông đảo bạn đọc.

 

TRẦN VĂN CHÁNH

3.5.2017  





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.