Tình Đời Ý Đạo

30/07/201710:35 SA(Xem: 5642)
Tình Đời Ý Đạo

Trần Việt Long

TÌNH ĐỜI Ý ĐẠO
trong tuyển tập

ĐẠO PHẬT: ĐẤT NƯỚC, CUỘC SỐNG và TÂM LINH
của nhà văn Đào Văn Bình

 

Sau khi đọc xong tuyển tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh” của nhà văn Đào Văn Bình thì người đọc mãi lâng lâng trong tình đời ý đạo qua văn phong trong sáng, nhẹ nhàng và chân thành của tác giả như,

Kiếp trước đời sau tình vẫn một,
Thời gian xuôi gửi tiếc thương về. [1]

“Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh” là một tác phẩm văn học hiện đại Phật giáo, qua đó tác giả thể hiện cảm hứng cá nhân bắt nguồn từ hiện thực xã hội mà xuyên suốt 355 trang giấy với 52 chủ đề trong ba phần Đất Nước, Cuộc Sống, và Tâm Linh đều nhất quán ươm đượm nội dung Phật lý thâm sâu qua hình ảnh giản dị trong cuộc sống của mỗi một con người chúng taTác giả nghĩ về quê hương đất nước, ưu tư về cuộc sống trong xã hội, và nhìn về những sinh hoạt tâm linh như một gắn bó cơ cấu giữa dân tộc Việt và Phật giáo Việt tự ngàn xưa cho đến ngày nay và mãi đến ngàn sau.

Tác phẩm trải dài qua 52 luận đề với Phần I về Đất Nước có 6 chủ đề, Phần II về Cuộc Sống có 18 đề tài, và Phần III về Tâm Linh gồm 28 bài viết.  Mỗi Phần sẽ được trưng dẫn một đề tài như là một hình ảnh tiêu biểu của Phần đó trong tác phẩm.

I.- Bài viết đầu tiên trong Phần I về Đất Nước là “Mái Chùa Trụ Cột Hồn Dân Tộc.”  Cùng một đề tài này, Cố Hòa thượng Thích Mãn Giác đã viết bài thơ thật cảm động.

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung, 
Mái chùa che chở hồn dân tộc, 
Nếp sống muôn đời của tổ tông.[2]

Và nhà văn Phạm Phú Minh đã viết bài bút ký “Chùa Là Cái Thiện Của Làng” thật văn chương, nhưng “Mái Chùa Trụ Cột Hồn Dân Tộc” của tác giả Đào Văn Bình mới thật là tha thiết tình đời ý đạo, mới gắn bó tình tự quê hương, trong đó đất nước, dân tộc và Đạo Pháp hòa vào nhau thành một khối trải dài qua lịch sử hơn hai ngàn năm, khởi nguyên từ trung tâm Phật giáo Luy Lâu trước Tây lịch những hơn một thế kỷ như nhà thơ Trần Nguyên Liêm đã viết,

Hãy ngoãnh nhìn dãy đất Việt Nam,
Một dãy giang sơn mà Phật lý vẫn trường kỳ,
Cho đến ngày nay hằng bao thế kỷ,
Cho đến cỏ cây thấm nhuần Phật lý. [3]

Dao van Binh
Tác phẩmtác giả

Tác giả Đào Văn Bình đã ghi lại hình ảnh sinh hoạt trong xã hội Việt Nam qua văn hóa truyền thống đượm tình người, không duy linh, không duy vậtvạn sự khởi từ tâm là bản sắc dân tộc, “Tất cả những gì nói trên, những sinh hoạt của Đình, Chùa, Miếu, Đền của làng quê Việt Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa từ mấy ngàn năm để trở thành bản sắc dân tộc …” (tr. 4)

Chùa không những là nơi sinh hoạt tâm linh mà chùa còn là nơi gặp gở của thanh thiếu niên nam nữ như là thiên duyên tiền định của những mối tình trong sáng ngọc ngà như bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp.  Tác giả viết, “Chính vì thế mà Hội Chày Chùa Hương là một hội lớn của dân tộc, giống như những cuộc hành hương về Mecca mỗi năm của hàng triệu người Hồi giáo.

Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương,
Cùng thầy mẹ em dậy,
Em vấn đầu soi gương.” (tr. 7)

II.- Bài viết đầu tiên trong Phần II về Cuộc Sống là “Những Khác Biệt Văn Hóa Đông Tây.”  Với khả năng của một nhà hành chánh tại Việt Namkinh nghiệm của một nhà giáo tại Hoa Kỳ, nhà văn Đào Văn Bình đã đưa ra 41 tình huống như là các trường hợp điển hình về sự cư xử khác biệt giữa Đông PhươngTây Phương, giữa người Việt và người Mỹ để so sánh nhằm giúp người Việt chúng ta dễ nhận ra nguyên nhân của những khác biệt và để điều chỉnh tác phong thích hợp trong môi trường sinh sống mới của xã hội Tây Phương khi sự điều chỉnh là thật sự cần thiết.

Tác giả Đào Văn Bình viết, “Do bối cảnh địa lý, kinh tế, văn minh, triết lý và ảnh hưởng tôn giáo khác nhau, mỗi xã hội có một nền văn hóa khác nhau.  Một nền văn hóa có thể thích hợp cho nước này nhưng chưa hẳn tốt lành cho xứ khác.” (tr. 73)

Nhưng tại sao lại có tác phong và thái độ khác nhau giữa người Đông Phương và người Tây Phương như thế?  Tác phong khác nhau đó khởi xuất từ quan niệm của mỗi dân tộc về năm giá trị văn hóa dẫn đạo (value orientations) trong hệ thống giá trị văn hóa thường được gọi là tín niệm hệ (cultural value system) sau đây.

Người ta quan niệm thế nào về bản tính con người (human nature), về tương quan giữa con ngườithiên nhiên (man-nature relation), về thời giankhông gian (time and space), về hoạt động cá nhân (activity), và về tương quan giữa người và người (relational orientation)? [4]

Trong khi người Mỹ cho rằng bản tính con người là xấu nhưng có thể cải thiện được thì người Việt cho rằng bản tính con người là tốt nhưng có thể trở nên xấu do môi trường sinh hoạt; cũng vậy, người Mỹ chinh phục thiên nhiên, người Việt thuận theo thiên nhiên để hình thành hoạt động thích hợp; người Mỹ xem thời gian rất chặt chẻ, và không gian rất rộng lớn nhưng người Việt thì xem thời gian rất rộng rãikhông gian thì rất hạn chế.  Tác phong đó của người Việt được diễn tả qua ca dao tục ngữ như “Cơm vua, ngày trời” để nói lên tính hay đi trễ về sớm, cũng như “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” để nói lên quan niệm rất giới hạn về không gian ….

Người Mỹ sống thành thật với chính mình (being), và thực hiện (doing) như là mục đích của cuộc sống qua các thành ngữgetting things done”, “let’s do something about it” thì người Việt sống để trở thành (being-in-becoming), sống tự chế (self-control), sống như là một mẫu mực cho con cháu.

Tương quan giữa người và người của người Mỹ là tôn trọng, bình đẳng, tranh đua trong công bằng, thương người và thương súc vật trong tinh thần bác ái của Thiên Chúa giáo; người Việt thì tôn ti trật tự, tôn lão kính trưởng, hài hòa, dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười, ở hiền gặp lành, hiếu với cha mẹ, thảo với anh chị em, nghĩa với thầy bạn, và thương người, thương động vật, thương thực vật trong tinh thần từ bi của Phật giáo ….

Trong bối cảnh khác biệt văn hóa giữa người Mỹ và người Việt như thế thì tác giả Đào Văn Bình đã đưa giáo lý từ bi, bình đẳng, tứ diệu đếbát chánh đạo của Đức Phật đến mọi gia đình người Việt như là một mô thức sinh hoạt thiện lành để cha mẹ hướng dẫn và dạy dỗ con cháu của họ.

III.- Bài viết cuối cùng trong Phần III về Tâm Linh và cũng là bài thứ 52 cuối cùng của tác phẩm là “Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài.”  Đọc đến bốn trang cuối của tuyển tập này thì tôi lại thấy nhà văn Đào Văn Bình thật tâm huyết khi dùng hai câu thơ của cụ Tiên Điền vô cùng từ áiliễu nghĩa như một lời nhắn nhũ trước khi quyển sách được khép lại.

Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Bằng một cách viết đơn giản, nhà văn Đào Văn Bình đã trình bày thật dễ hiểu một phạm trù triết học khó nhất, căn bản nhất, rốt ráo nhất của Phật học ở bình diện học thuật và của Phật giáo ở bình diện sinh hoạt tâm linhtôn giáo.

Với truyền thống văn học Bắc truyền thì Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Suramgama) tập trung giảng giải cái Tâm của con người, và từ cái Tâm thì con người mới có Thức là sự thấy biết, nghe biết, nếm biết, ngửi biết, nhận biếthiểu biết.  Nhưng cái Tâm ở trong, ở ngoài, ở trên, ở dưới, ở trước, ở sau cái căn (như nhãn căn là con mắt) hay ở giữa cái căn và cái trần (như nhãn trần là đối tượng của con mắt).  Tâm ở đâu và Tâm có từ bao giờ?

Với truyền thống văn học Nam truyền thì Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) ghi lại lời Đức Phật thuyết giảng về Tâm.  Đức Phật Ngài dạy:

“Nầy các Tỳ kheo, tâm có tính tỏa sáng.  Và tâm bị lu mờ bởi phiền não bám vào.”
“Nầy các Tỳ kheo, tâm có tính tỏa sáng.  Và tâm được giải thoát khỏi phiền não bám vào.” 

(Luminous, monks, is the mind.  And it is defiled by incoming defilements. [I,v,9].  Luminous, monks, is the mind. And it is freed from incoming defilements. [I,v,10])

Ngài giảng rất rộng về Tâm, Tâm như một chiếc gương soi hay như một thau nước mà người nữ có thể soi vào để thấy mặt bị dơ thì đi rửa nhưng gương và thau nước vẫn có thể bị dơ thì trước khi soi phải lau sạch gương hay phải để lắng bụi trong nước xuống thì mới soi được ….  Tâm cũng vậy, phải để Tâm lắng xuống thì Tâm mới tỏa sáng được.

Để hiểu về Tâm là một việc rất khó thế mà qua ngòi bút của nhà văn Đào Văn Bình thì Tâm là lãnh vực có thể hiểu được vì “Chữ Tâm thuộc về tiên nghiệm chứ không thuộc về hậu nghiệm.  Chữ Tâm hay cái Tâm nó nằm tràn đầy ở khắp hư không.  Nó có cả ở trong ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai.  Nó ‘bất sinh, bất diệt, bất tịnh, bất cấu, bất tăng, bất giảm.’ [5]  Nó chính là Phật tánh của chúng sinh.  Nó cũng chính là Trí Tuệ Bát Nhã vậy.” (tr. 350-51)

Tâm vì thế, theo tác giả, mang nội dung lòng trắc ẩn, ngay thẳng, thành thật, cảm thông, tha thứ, bao dung, chia xẻ, giúp đỡ, từ bi, hỷ xả, hy sinh, bố thí, v.v… .  Và đặc biệt, tác giả đã viết bài “Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài” này với hình thức một lá thư gửi cho người vợ hiền, Em yêu dấu, như là một lời nhắn nhũ đầy yêu thương của một người chồng lương hảo dành riêng lời tâm tình cho người vợ hiền đầy yêu thương của mình. 

Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã nhận xét tác phẩm này thật sâu sắc, “Khi nhà văn Đào Văn Bình viết về Đạo Phật, những dòng chữ thoạt như rất đời thường của ông hiển lộ trên trang giấy đẹp như thơ.  Khi viết về đất nước, ông đứng nhìn vượt qua những cột cờ của nhiều thế kỷ và nhiều chế độ để thấy một dòng chảy sinh động từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau.  Khi viết về cuộc sống, ông từ tốn nói về phước đức đi lễ chùa, xây nhà thương, mở cô nhi viện, và về tình yêu hóa giải các đau đớn trong đời.  Khi viết về tâm linh, ông làm cho độc giả thấy rõ pháp ấn vô thường hiển lộ trên dòng văn với hình ảnh tóc xanh chuyển sang tóc trắng, khi hoa nở úa tàn dần, và sẽ thấy cách Đào Văn Bình mời gọi tịnh hóa thân khẩu ý rất đơn giản nhưng cực kỳ vi diệu ở từng suy nghĩ, từng lời, từng hành động trong đời thường.  Đây là một tuyển tập thích hợp với mọi thành phần độc giả, mọi lứa tuổi, và đọc hoài vẫn thấy như rất mới.” [6]

Tác phẩm “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh” của nhà văn Đào Văn Bình do Annada Viet Foundation xuất bản.  Độc giả có thể đặt mua sách qua https://www.amazon.com/ và gõ “dao van binh” (không cần dấu tiếng Việt).
Sách đã bán trên toàn cầu, mục tiêu nhằm gây quỹ cho Giải Văn Học Phật Giáo Ananda Việt Awards.
Độc giả trong nước Việt nam không mua trực tiếp được, nhưng có thể vào
https://thuvienhoasen.org/a27591/gioi-thieu-hai-cuon-sach-tai-lieu-moi 

và xem hướng dẫn nơi cuối bài về cách mua qua văn phòng dịch vụ tại các thành phố lớn ở Việt Nam.

Trần Việt Long

[1] Vũ Hoàng Chương. Giang Nam Người Cũ (thơ)
[2] Huyền Không. Nhớ Chùa (thơ)
[3] Trần Nguyên Liêm. Phật Giáo Việt Nam (thơ)
[4] Florence R. Kluckhohn and Fred L. Strodtbecck. Varieties in Value Orientations (Evanston: Peterson and Company, 1961) 4 & 63
[5] Bát Nhã Tâm Kinh.
[6] Nguyên Giác, Đọc Tuyển Tập “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống & Tâm Linh” (Thuvienhoasen.org, 20-6-2017)

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.