Thư Viện Hoa Sen

Chương VIII. TRANH CHẤP

09/02/20193:14 CH(Xem: 3872)
Chương VIII. TRANH CHẤP
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
LỜI PHẬT DẠY
VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI
HỢP TUYỂN TỪ KINH TẠNG PĀLI
The Buddha’s Teachings on Socialand Communal Harmony 
An Anthology of Discourses from the Pāli Canon
by
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications 2016
Việt dịch:
Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC


Chương VIII. TRANH CHẤP 
  

GIỚI THIỆU

 

Bởi vì các cộng đồng, dù nhỏ hay lớn, đều là tập hợp của những con người, nên điều không thể tránh được là những cộng đồng ấy dễ bị căng thẳng do bản chất yếu kém của con người gây ra. Khuynh hướng tự cao tự đại bẩm sinh, khao khát lợi ích cá nhân, luôn luôn tự cho mình đúng, và chấp thủ vào ý kiến cá nhân, có thể đưa đến chủ trương bè phái và các tranh chấp, và thậm chí  chia rẽ cộng đồng thành từng mảnh. Những tranh chấp như thế là chủ đề của Chương VIII, và việc giải quyết các tranh chấpchủ đề của Chương IX.

 

Những đoạn kinh bao gồm trong Chương VIII nói đến các tranh chấp giữa cả tăng chúng lẫn cư sĩ, vốn tương tự nhau trong một vài phương diện, nhưng khác nhau trong những phương diện khác. Kinh Văn VIII, 1 đặt ra chủ đề cho chương này. Ở đây, chúng ta thấy Sakka Thiên chủ, vị vua của cõi Thiên, đến yết kiến Đức Phật và trình Ngài một câu hỏi hóc búa : “ Trong lúc tất cả chúng sinh đều muốn sống trong an bình, tại sao họ mãi mãi vướng mắc vào các cuộc xung đột ?” Câu trả lời của Đức Phật mở đầu một cuộc đối thoại nhằm  truy tìm nguồn gốc của các xung đột cho đến mức độ càng lúc càng vi tế hơn.

 

Trong Kinh Văn VIII, 2,  trưởng lão tăng Mahākaccāca (Đại-ca-chiên-diên) khẳng định rằng cư sĩ tranh chấp nhau bởi vì họ dính mắc với các dục lạc giác quan, trong lúc sa-môn tranh chấp nhau bởi vì kiến chấp của họ. Kinh Văn VIII, 3-6 minh họa quan điểm này: hai bài đầu tiên trong nhóm này nói đến việc tranh chấp giữa các gia chủ, và hai bài cuối nói đến tranh chấp giữa các sa-môn. Trong lúc luận đề của trưởng lão Mahākaccāca có thể có giá trị một phần, thật ra quá trình lịch sử chứng tỏ tình trạng này phức tạp hơn nhiều. Đã có chiến tranh giữa các quốc gia và các khối trong khu vực về các ý thức hệ đối lập nhau – chúng ta chứng kiến cuộc Chiến Tranh Lạnh đã thử thách tập đoàn chủ nghĩa tư bản trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa cọng sản, và những xung đột hiện nay giữa hệ phái Sunni và phe Hồi giáo Shiite. Mặt khác, cũng vì các nhu cầu vật chất thiết yếu, việc cấp đất cư ngụ, sự hộ trì của các gia chủ, cũng như danh tiếngvinh dự, các sa-môn đã dấn thân vào những tranh chấp cay đắng với nhau và thậm chí đã đi đến kiện cáo nhau vì lợi lộc vật chất.

 

Đức Phật đã xem Giáo đoàn – là đoàn thể Tăng và ni – là cốt lõi của cọng đồng tâm linh, Ngài công nhận rằng sự trường tồn của Giáo pháp tùy thuộc vào khả năng của các đệ tử xuất gia của Ngài chế ngự được những tranh chấp do người trong  hàng ngũ của họ kích động, và tái lập được sự đoàn kết. Xung đột đã từng bùng nỗ, cuộc xung đột nổi tiếng nhất là cuộc gây gỗ đã chia rẽ các Tỷ-kheo ở Kosambi cùng với các cư sĩ của họ thành hai phe mà sự chống đối nhau mạnh mẽ đến nỗi thậm chí họ bác bỏ nỗ lực của Đức Phật muốn can thiệp để hòa giải, như được thấy trong Kinh Văn VIII, 7 (1)

 

Để tránh các cuộc tranh chấp bùng nỗ trong hàng ngũ giáo đoàn, Đức Phật đã dành nhiều bài kinh nói về nguyên nhân của tranh chấp và các phương tiện để giải quyết chúng mỗi khi tranh chấp đã bùng nỗ. Trong Kinh Văn VIII,8, Ngài vạch rõ “ sáu gốc rễ của tranh chấp” (vivādamūla);vì năm gốc rễ đầu tiên trong số đó xảy ra theo từng cặp tương xứng, khi chúng được tính riêng thì các gốc rễ của tranh chấp thực ra lên đến mười một. Ngăn cản các tranh chấp đòi hỏi chư tăng loại bỏ gốc rễ của tranh chấp có thể mới xuất hiện nửa chừng trước khi chúng  trở nên tệ hại đến mức độ chia rẽ toàn diện.

 

Nếu các xung đột trở nên nghiêm trọng, chúng đưa đến một mối nguy khác là sự phân hóa, sự chia rẽ tăng đoàn thành hai phe phái đối nghịch nhau khiến họ từ chối công nhận tính hợp pháp của các qui luật của phe kia. Đức Phật xem sự phân hóa trong Giáo đoàn là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất cho sự thành công của việc hoằng dương Chánh pháp. Vì vậy, tôi kết thúc chương này với Kinh Văn VIII, 9 , nhằm kết nối nhiều bài kinh ngắn về những điều kiện dẫn đến sự phân hóa trong Giáo đoàn và các hậu quả  tương ứng cho những người đã kích động sự phân hóa và những người nỗ lực đoàn kết Giáo đoàn.

Tạo bài viết
03/09/2018(Xem: 13070)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: