Phẩm 31 Tâm

23/07/20193:11 CH(Xem: 3546)
Phẩm 31 Tâm

KINH PHÁP CÚ TÂY TẠNG
Tôn giả Pháp Cứu (Dharmatrāta) tuyển soạn

 Nguyên Giác dịch và ghi nhận
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation

 

Phẩm 31

TÂM

 ____________________________________________

 

Ghi nhận: Bài kệ số 2 ở phẩm này nói rằng khi giữ tâm tịch lặng để rời lưới ma, như cá giãy giụa trên bờ -- trong đó “lưới ma” được bản Sparham chú giải là các cảm xúc bất thiện. Bài kệ số 4 nói rằng tâm không được thấy và không hề có thực tánh, là nói thức vốn có đặc tính tàng hình và biến đổi từng khoảnh khắc. Bài kệ 6 và 7 nói “ngôi nhà” là chỉ thân tâm ngũ uẩn. Bài kệ 9 nói người trí sống trong hang là nói thu về nội xứ, nói không nghĩ về thân là nói ưu tiên điều tâm. Bài kệ 29 nói về dòng sông gồm 36 cảm thọ bất thiện sẽ cuốn trôi người ưa ái dục.

Bài kệ số 55 trong khi hai bản dịch Rockhill và Iyer dịch là "flavour of perfect solitude" (hương vị cô tịch tuyệt hảo), bản Sparham dịch là "taste of detachment" (hương vị tâm vô sở trụ, hay hương vị của tâm xa lìa dính mắc). Cả hai cách dịch đều thích nghi trong ngữ cảnh.

Nhiều bài kệ nơi đây nói rằng với người có tâm từ bi, sẽ không niệm sân nào khởi lên được, và do vậy là đắc quả thánh.

 

 

1 (35) Hãy giữ tâm bình an, tịch lặng. Tâm vốn khó nắm giữ, dễ lăng xăng, ưa theo dục tìm vui. Tâm bình an tịch lặng sẽ dẫn tới hạnh phúc.

2 (34) Trong khi tìm thoát lưới Ma, tâm giãy giụa như cá bị ném lên bờ đất khô, xa khỏi hồ nước. 

 

3 Như khi người bị che khuất ánh sáng mặt trời, tâm sẽ chạy lăng xăng; người trí biết cách điều tâm, như dùng móc sắt dạy voi.

 

4 Sẽ không khôn ngoan nếu làm gì bất lợi cho mình, dù chỉ một niệm; các người hãy liên tục phòng hộ tâm, vốn không thấy được và vốn không có thực tánh.

 

5 (326) Trước kia, tâm ta chạy theo ái, dục, lạc; bây giờ ta thuần phục, như cầm móc ghìm giữ voi điên.

 

6 (153) Kẻ làm ra ngôi nhà này, ta đã tìm tới giờ mới gặp, sau vô lượng kiếp tái sanh và qua vô lượng khổ đau trong sinh tử.

 

7 (154) Kẻ làm ra ngôi nhà này, ta đã thấy ngươi rồi, đòn dông (vô minh) của ngươi đã bị phá hủy, kèo cột (tham ái) đã bị gẫy tan; sẽ không còn nhà nào cho ta nữa.

 

8 (33) Tâm lăng xăng, lay động hoài, khó kiểm soát; hãy tu tập, làm thẳng tâm như lấy lửa uốn thẳng mũi tên.

 

9 Người trí không nghĩ về thân, thu về sống trong hang (nội xứ), lang thang cô tịch, chiến thắng tâm lăng xăng sẽ giải thoát khỏi sợ hãi.

 

10 (42) Người có tâm nghiêng về ác sẽ tự mang sầu khổ tới; chớ lấy căm ghét đối trả căm ghét, chớ lấy thù nghịch đối trả thù nghịch.

 

11 (43) Người có tâm nghiêng về thiện sẽ tự mang hạnh phúc tới; hạnh phúc đó không ai mang tới cho mình, dù là từ ba, mẹ và người thân khác.

 

12 (13) Như ngôi nhà vụng lợp, mưa liền xâm nhập vào. Cũng vậy tâm không tu, tham dục vào tràn ngập.

 

13 Như ngôi nhà vụng lợp, mưa liền xâm nhập vào. Cũng vậy tâm không tu, mê đắm vào tràn ngập.

 

14 (14) Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, mê đắm tham dục không vào.

 

15 Như ngôi nhà vụng lợp, mưa tràn vào. Cũng vậy tâm không tu, tràn ngập bởi vô minh.

 

16 Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không vào được. Cũng vậy tâm khéo tu, vô minh bị ngăn chận.

 

17 Như ngôi nhà vụng lợp, mưa tràn vào. Cũng vậy tâm không tu, tràn ngập bởi chấp ngã.

 

18 Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không vào được. Cũng vậy tâm khéo tu, chấp ngã bị ngăn chận.

 

19 Như ngôi nhà vụng lợp, mưa tràn vào. Cũng vậy tâm không tu, tràn ngập bởi tham ái.

 

20 Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không vào được. Cũng vậy tâm khéo tu, tham ái bị ngăn chận.

 

21 Như ngôi nhà vụng lợp, mưa tràn vào. Cũng vậy tâm không tu, tràn ngập bởi tham muốn.

 

22 Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không vào được. Cũng vậy tâm khéo tu, tham muốn bị ngăn chận.

 

23 (1) Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.

 

24 (2) Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng, không rời hình.

 

25 Những người tâm bất thiện, ưa thích xung đột, dù cố gắng cũng không hiểu nổi chánh pháp khéo giảng này.

 

26 Những người dễ nổi sân, ưa tranh cãi, hay tín tâm không đủ, không hiểu nổi chánh pháp do Thế Tôn dạy.

 

27 Người có tâm thanh tịnh, lìa sân hận, đã rời tất cả ác tâm, có thể hiểu được chánh pháp khéo giảng.

 

28 Người tâm phóng dật sẽ không hiểu chánh pháp; người tín tâm dao động không thể có trí tuệ viên mãn.

 

29 (339) Người ưa theo ái dục bị giữ trong dòng sông gồm 36 cảm thọ bất thiện, sẽ bị cuốn trôi vì mê đắm.

 

30 Vui theo ái dục, nghiện ngập cảm thọ sẽ làm tâm sáng bị che mờ, như chim trên cây bị hái trái.

 

31 (371) Tỷ kheo, hãy tu thiền, chớ buông lung phóng dật, tâm chớ đắm say dục; Phóng dật, nuốt sắt nóng, bị đốt, chớ than khổ!

 

32 (280) Khi cần, không nỗ lực, tuy trẻ mạnh, nhưng lười; Chí nhu nhược, biếng nhác, với trí tuệ thụ động, sao tìm được chánh đạo?

 

33 Cho dù hiểu các tham ái vi tế và tầm quan trọng của ly tham, khi còn dao động trong nội tâm là chưa đủ trí tuệ để hiểu tận tường; tâm như thế vẫn còn bị lừa gạt, sẽ còn lang thang sinh tử luân hồi mãi thôi.

 

34 Người luyện được ký ức, tinh tấn, phân biệt, thấy rõ niệm trong tâm, sẽ rời được tất cả lỗi trong nội tâm.

 

35 (40) Nhìn thấy thân mình như bình rỗng, biết trú tâm như thành trì, lấy gươm trí tuệ chống Ma vương; chiến thắng, sống đời xuất gia.

 

36 Nhìn thấy thế giới như bình rỗng, biết trú tâm như thành trì, lấy gươm trí tuệ chống Ma vương; chiến thắng, sống đời xuất gia.

 

37 Nhìn thấy thân mình như chùm bọt nước, biết trú tâm như thành trì, lấy gươm trí tuệ chống Ma vương; chiến thắng, sống đời xuất gia.

 

38 Nhìn thấy thế giới này như chùm bọt nước, biết trú tâm như thành trì, lấy gươm trí tuệ chống Ma vương; chiến thắng, sống đời xuất gia.

 

39 (89) Những ai với chánh tâm, khéo tu tập thất giác chi, từ bỏ mọi ái nhiễm, hoan hỷ không chấp thủ. Không lậu hoặc, sáng chói, sống tịch tịnh (Niết bàn) ở đời.

 

40 Người quan sát tâm mình như con bò yak tự nhìn chỏm đuôi nó, sống từ bi với tất cả các sinh vật, hạnh phúc cứ mãi tăng, không giảm.

 

41 Người có tâm định tĩnh, không sân, vui sống đơn độc như loài voi khổng tượng, loài voi có ngà rất quý.

 

42 Người có tâm không hại ai, tử tế và từ bi với tất cả các sinh vật, sẽ không bao giờ có sân khởi trong tâm.

 

43 Người không hề khởi niệm ác, tử tế và từ bi với tất cả các sinh vật, sẽ không bao giờ có sân khởi trong tâm.

 

44 Người không hề khởi niệm ác, tử tế với các sinh vật, từ bi với tất cả chúng sinh, sẽ không bao giờ có sân khởi trong tâm.

 

45 lập lại bài kệ 44.

 

46 Người tử tế với tất cả các người quen, với tất cả bạn hữu, với tất cả tạo vật, và ban vui với lòng từ bi, sẽ tăng thêm hạnh phúc thọ nhận.

 

47 Nếu không hề khởi niệm bạo lực với các sinh vật, và chỉ hiển lộ tâm từ bi, người này đắc giới hạnh; nếu tâm hiển lộ lòng thương xót tới tất cả chúng sanh, người này sẽ đạt phước đức lớn như các bậc thánh.

 

48 Người có tâm hoan hỷ, tâm vô úy, sống theo giới pháp, sẽ đạt tới toàn hảo và hạnh phúc.

 

49 Giải thoát với tri kiến toàn hảo, người trí sẽ bình an và định tĩnh. Tâm hành của người này an nghỉ, thân hành và khẩu hành của người này tịch lặng.

 

50 Do vậy, nhờ chú tâm vào một điểm, người này sẽ đắc tri kiến toàn hảo về chánh pháp, chớ không phải vui vì ban nhạc có năm nhạc khí.

 

51 Người có tâm vui trong thiền định sẽ không tìm vui trong tham ái; người không còn chút phiền não nhỏ sẽ thấy giấc ngủ an lạc.

 

52 Người có tâm vui trong thiền định sẽ không tìm vui trong tham ái; người không còn chút phiền não nhỏ sẽ thấy được niềm vui lớn.

 

53 Người có tâm bất động, y hệt đá tảng, giữa những mê đắm vẫn không khởi chút mê đắm, giữa những sân hân vẫn không khởi chút sân hận, với tâm như thế sẽ không gặp sầu khổ.

 

54 (185) Không nói ác, không làm hại, giữ gìn vững giới pháp, biết điều độ ăn uống, vào rừng sâu cư ngụ, sẽ thấy tâm an trong trí tuệ; đó là lời Đức Phật dạy.

 

55 Người khéo quan sát các chuyển biến của tâm, nếm được hương vị của tâm vô sở trụ, tỉnh thức tròn đầy với tâm định tĩnh, sẽ hưởng niềm vui vô ngã (hay: niềm vui không là gì cả -  pleasure of being without anything).

 

56 Người chú tâm, vui trong bốn sự thực (Tứ Diệu Đế), luôn luôn giữ thân, khẩu, ý trong chánh pháp, rời bỏ sầu khổ, sẽ không còn gặp sầu khổ nào nữa.

57 Người không phòng hộ tâm, lại tin vào tà kiến, lười biếng, ưa ngủ, sẽ rơi vào thế lực Ma vương.

 

58 Người khéo phòng hộ tâm, sống theo chánh kiến, hiểu hoàn toàn về việc đang làm, hiểu hoàn toàn về sinh và diệt, tỳ khưu vượt thắng giấc ngủ và lười biếng, đã thấy con đường diệt khổ.

 

59 Người sống trong sạch sẽ được an lành; người có tâm được phòng hộ toàn hảo sẽ hạnh phúc; tất cả những ai chệch hướng theo bản năng thô bạo sẽ xuống địa ngục.

 

60 Người sống trong sạch sẽ được an lành; người có tâm được phòng hộ toàn hảo sẽ hạnh phúc; tất cả những ai chệch hướng theo bản năng thô bạo [tương lai] sẽ xuống cảnh giới loài thú.

 

61 Người sống trong sạch sẽ được an lành; người có tâm được phòng hộ toàn hảo sẽ hạnh phúc; tất cả những ai chệch hướng theo bản năng thô bạo [tương lai] sẽ xuống cảnh giới quỷ đói.

 

62 Người sống trong sạch sẽ được an lành; người có tâm phòng hộ toàn hảo sẽ hạnh phúc; tất cả ai phòng hộ ngừa bản năng thô bạo sẽ tìm thấy vui trong cõi người.

 

63 Người sống trong sạch sẽ được an lành; người có tâm phòng hộ toàn hảo sẽ hạnh phúc; tất cả ai phòng hộ ngừa bản năng thô bạo sẽ tìm thấy vui trên cõi trời.

 

64 Người sống trong sạch sẽ được an lành; người có tâm phòng hộ toàn hảo sẽ hạnh phúc; tất cả ai phòng hộ ngừa bản năng thô bạo sẽ tìm thấy Niết bàn.

 

 

 

Hết Phẩm 31, về Tâm

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.