Nguyên Giác Trong Thiền Tập Với Pháp Ấn

18/02/20232:45 CH(Xem: 2690)
Nguyên Giác Trong Thiền Tập Với Pháp Ấn
NGUYÊN GIÁC TRONG THIỀN TẬP VỚI PHÁP ẤN
Thiện Quả Đào Văn Bình

            thien tap voi phap anSách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác. Có thể kiếp trước tôi và Nguyên Giác là bạn vong niên đồng tu cho nên tôi đã dành nhiều thời giờ giới thiệu nhiều sách của ông. Thế nhưng nhìn cuốn sách dày cộm này tôi thấy sợ. Ở tuổi già 81 như tôi, rất nhiều bạn bè đã ra đi, một số còn đó nhưng sống ở viện dưỡng lão, hoặc ngồi xe lăn, hoặc nằm như bất động trên giường bệnh, từng giây từng phút đối phó với sự đau đớn, dằn vặt, tiếc thương. Một số còn khỏe thì cố mà đi du lịch kẻo mai không đi được nữa. Một số giết thì giờ bằng cách nghe nhạc, thưởng thức các chương trình văn nghệ, giải trí v.v… và đầu óc chẳng còn dư để nghĩ đến sách vở nhất là sách Thiền. Còn tôi, may mắn ngoài thuốc trị áp huyết, chưa thấy đổ bệnh gì. May mà đầu óc vẫn còn minh mẫn, thể xác cỏn khỏe, yêu đời, chẳng ham du lịch, chẳng ham thú giải trí mà chỉ thích quét sân, làm vườn, viết về Phật pháp và đọc sách Phật.

           

nguyen giac
Cư sĩ Nguyên Giác

Thời buổi bây giờ bỏ ra cả tuần lễ, có khi nửa tháng để đọc một tác phẩm dày gần 500 trang, suy nghĩ rồi trích dẫn viết ra, chẳng được đồng bạc nào…có lẽ ở tuổi già như tôi thật hiếm hoi. Nói như thế chẳng phải để than van nhưng là để thấy mình còn may mắn. Nguyên Giác trích dẫn lời Phật, “Trong Kinh AN 5.26, Đức Phật nói người sống không phóng dật và nhiệt tâm có thể đi đến đoạn diệt hoàn toàn qua một trong năm giải thoát xứ: (a) nghe pháp, (b) thuyết pháp, (c) tụng đọc pháp, (d) tư duy và khảo sát về pháp.” Vậy thì đọc và giới thiệu sách hay viết về Phật pháp của một người khác là phước báu chứ không phải là một món nợ hay nghiệp phải trả. Phước báu là trong khi đọc mình có dịp học hỏi thêm, củng cố niềm tin và góp phần vào việc hoằng pháp, cúng dường chư Phật.

            Tuy nhiên, tôi chỉ có thể giới thiệu một số chương vì nếu viết ra hết, bài điểm sách có thể trở thành một cuốn sách nhỏ, dài quá khiến người đọc chán ngán. Vậy tôi xin bắt đầu:

1)      BÀI KINH ĐẦU TIÊN: LÒNG BIẾT ƠN

            Trong chương này, tác giả viết, “Một câu hỏi có thể nêu lên: Đức Phật sau khi thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài dạy bài kinh nào đầu tiên? Câu trả lời theo sử Phật Giáo, đó là bài Kinh Vô Ngôn, nội dung bài kinhlòng biết ơn. Lúc đó, Đức Phật đã bày tỏ lòng biết ơn cây Bồ Đề (Pippala), nơi Ngài ngồi dưới cội cây và được che mưa nắng nhiều tuần lễ cho tới khi thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác.” Sau đó tác giả đưa nhận xét, “biết ơn là một phẩm tính tự nhiên của bậc trí tuệ trên đường tu hạnh bậc thánh.” Theo như luận giải này thì kẻ không có trí tuệ thường vô ơn hoặc cho rằng mình cao cả, trưởng thượng, thánh thiện cho nên người ta phải phục vụ mình, đó là bổn phận, chẳng ân huệ gì hết.

2)      NIÊM HOA VI TIẾU: MÙA XUÂN TRONG KINH PALI

            Tác giả y cứ kinh điển để nói rằng, “Tích Niêm Hoa Vi Tiếu kể rằng một hôm trên núi Linh Thứu, Đức Thế Tôn lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác không hiểu, duy ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật nói: ‘Ta có Chánh pháp vô thượng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca Diếp.’ Tích này không được ghi trong các Kinh Phật thuộc Tạng Pali và Tạng A Hàm, có thể vì vài thế kỷ sau mới có văn tự để viết và lúc đó không ai còn nhớ và cũng có thể quý ngài đời sau nghĩ ra tích này để giải thích một số điểm cốt tủy trong Phật pháp và cũng để làm chỗ y cứ cho Thiền Tông. “

            Theo tôi nghĩ, cho dù tích “Niêm Hoa Vi Tiếu” không có thật đi nữa thì Thiền Tông vẫn là một tông phái “đốn ngộ” và “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, đạt được “tâm giải thoát bất động” ngay trong hiện tại, trước mắt mà không cần phải đợi tới năm hay bảy năm như lời Đức Phật nói với du sĩ Nigrodha (Trường Bộ Kinh DN 25, Kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu) mà theo tác giải, tâm giải thoát bất động này Thiền Tông gọi là “Niết Bàn Diệu Tâm”. Vậy thì Thiền Tông, theo như nhận xét của Đại Sư Suzuki trong Thiền Luận thì các thiền sư đã nhảy ngay vào chỗ chứng đắc của chư Phật. Thế nhưng tu Thiền không dễ, hãy lắng nghe lời Phật dạy, “Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mìnhchứng ngộ ngay trong hiện tại, phạm hạnhmục tiêu vô thượng, mà vì lý tưởng này các thiện nam tử từ bỏ gia đình, xuất gia tu đạo, vị ấy chỉ cần có bảy ngày.

3)      THẦY THÍCH MINH CHÂU với BẤT LẬP VĂN TỰ

            Trong chương này tác giả ca ngợi công đức vô lượng của HT. Thích Minh Châu-Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh (*), “Trong Kinh AN 5.26, Đức Phật nói người sống không phóng dật và nhiệt tâm có thể đi đến đoạn diệt hoàn toàn qua một trong năm giải thoát xứ: (a) nghe pháp, (b) thuyết pháp, (c) tụng đọc pháp, (d) tư duy và khảo sát về pháp (bản dịch Bodhi: ponders, examines, and mentally inspects the Dhamma), (e) khéo nắm giữ một định tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thông đạt với trí tuệ (has grasped well a certain object of concentration, attended to it well, sustained it well, and penetrated it well with wisdom). (1) Như thế, ngồi dịch Kinh nhiều thập niên như Thầy, là dễ dàng đi qua bốn cửa giải thoát đầu trong Kinh trên, vì dịch Kinhnghe pháp, là thuyết pháp, là tụng đọc pháp, là tư duy và khảo sát về pháp. Khi Thầy đã qua được bốn cửa giải thoát nêu trên, là đã lìa khỏi các phân loại của chúng sinh. Thì có gọi Thầy bằng chữ nào như học giả, dịch giả, pháp sư, thiền sư cũng không thích nghi.”

            Một số người thường nói rằng Thầy Thích Minh Châu đã phủ nhận tư tưởng Đại Thừa, xem như của các vị sư Trung Hoa hậu tác. “quan điểm của một số học giả Pàli cho rằng những gì ngoài ba Tạng Pàli là ngụy tạo, vừa nguy hiểm, vừa nông nổi nếu không phải là lạc hậu. Nguy hiểm vì tự mình phủ nhận những cố gắng trung thành với đạo Phật nguyên thủy của các nhà luận sư, như chúng ta đã thấy quá rõ ràng trong tập sách này. Nguy hiểm hơn nữa là chúng ta phủ nhận luôn những tinh hoa đạo Phật nguyên thủy do chính các nhà luận sư khai thác và diễn đạt. Nông nổi và lạc hậu, vì ngày nay các nhà học giả Phật giáo phần lớn đều chấp nhận một số tư tưởng Đại thừa là những tư tưởng của đạo Phật nguyên thủyxác nhận chính trong tam tạng Pàli, được kiết tập trong một thời gian một vài thế kỷ, lẽ dĩ nhiên phải có những đoạn phi nguyên thủy xen kẽ vào. Nếu có nhà học giả nào chịu khó so sánh bốn tập A Hàm (Trung Hoa) với các tập Pàli Nikàya tương đương, các vị ấy sẽ thấy có nhiều đoạn văn A Hàm Trung Hoa lại nguyên thủy hơn các đoạn văn Pàli.”

            Trong cuốn sách “Trước Sự Nô Lệ của Con Người: Con Đường Thử Thách của Văn Hóa Việt Nam” của thầy Thích Minh Châu có lẽ xuất bản năm 1968, “lại ưa thích trích dẫn Kinh Kim Cương, Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Già, Tư tưởng Bất Nhị, Tư tưởng Bát Nhã, Tư tưởng Phật Tính, Bồ Tát Hóa Thân, Đức Di Lặc, Lục Tổ Huệ Năng, Tam Tổ Tăng Xán, Ngài Long Thọ… Và rồi tận cùng Thầy Thích Minh Châu đã viết với văn phong Lâm Tế rằng, “Phật giáo chỉ là Phật giáo khi Phật giáo vượt qua chính cơ cấu ngôn ngữbiểu tượng của Phật giáo…” Nghĩa là, Thầy Thích Minh Châu đang lặng lẽ truyền pháp của Thiền Tông bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền…” Ngoài ra còn rất nhiều chi tiết rất thú vị về HT. Thích Minh Châu mà phải có sách đọc mới nói hết được.

4)      THIỀN TỈNH THỨC VỚI VÔ NGÃ

                Trước trào lưu Thiền Tỉnh Thức (Mindfulness Meditation) được dạy tràn lan ở khắp mọi nơi, “dạy ở bệnh viện để giúp bệnh nhân giảm đau, ở trường học để học sinh nhạy bén hơn, ở nhà tù để tù nhân giảm thói quen bạo lực, ở quân trường để chiến binh bình tỉnh đối phó các tình huống nguy hiểm…Thiền pháp tỉnh thức đã trở thành một nguồn kinh doanh lớn, nơi đó dạy cách ăn chậm sao cho thưởng thức vị ngon hơn, dạy cách nghe nhạc sao cho nghe hay hơn, dạy cách giao tiếp với người trong gia đình sao cho yêu thương tha thiết hơn, dạy trong các nhà thờ sao cho dễ tiếp nhận “ý Chúa” để vâng phục trọn lành…”

            Tác giả đặt câu hỏi bây giờ là, chúng ta khi dạy Thiền pháp tỉnh thức, nên nói gì và dạy gì để Phật tử thấy đây là Thiền nhà Phật và để phân biệt với các phương pháp Thiền tỉnh thức đang dạy trong nhà thờ, trong bệnh viện, trong quân trường… và sẽ cho thấy Thiền tỉnh thức của nhà Phật hiệu quả hơn, và không bao giờ đi lạc sang ngã rẽ khác của đạo khác hay đời thường. Muốn thế, theo tác giả, phải dạy về Lý duyên khởi (Dependent arising, Dependent origination) tức vạn vật không hề tự nó sinh ra không thể  do ai đó hóa phép mà sinh ra, mà do sự cấu thành của nhiều nhân duyên/yếu tố. Các thiền sư phái Tào Động gọi Lý Duyên Khởi là Không là Tự Tánh.  Theo tác giả, hiểu Lý duyên khởi thâm sâu, chúng ta sẽ không còn tự than thân trách phận hay cầu nguyện một Đấng Thượng Đế nào nữa hết, mà sẽ tự biết phải gìn giữ giới luậttu dưỡng phước đức để từ từ giải nghiệp.

5)      KHI ĐỨC PHẬT DẠY THIỀN

            Trước sự phát triển đến hỗn loạn của Thiền Chánh Niệm, tác giả chú ý tới một bài viết của BBC có nhan đề, “Thiền định chánh niệm có thể khiến con người xấu tính đi?” khiến phải chữa trị bằng một loại thiền nữa gọi là “Thiền tâm từ (Metta meditation)” Cũng mới đây, lại có bài viết ngày 22/8/2022 của Tiến sĩ Terri Apter trên tạp chí Psychology Today có nhan đề “Can Mindfulness Be Bad for Teens?” tức Thiền chánh niệm có thể bất lợi đối với trẻ em vị thành niên? Tác giả đã đưa ra phương thức chữa trị đó là thiền của Phật hay thiền của các thiền sư đó là:

-Phải giữ giới trước tiên. Phải có giới mới sanh định huệ. Vào Thiền Đường Chánh Niệm xong rồi đi ăn nhậu, tối vào quán bar, coi phim bạo động, bỏ cả trăm đô-la mua vé vào xem các trận football la hét ỏm tỏi, rồi vào facebook hay twitter bỉnh phẩm lung tung…còn thấy yêu-ghét…thì có thiền thêm vài chục năm nữa thì vẫn khổ đau và trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi.

-Phải có chánh kiến (trong Bát Chánh Đạo). Nếu khôngchánh kiến thì sẽ lạc vào tà kiến. Theo tôi nghĩ, muốn có Chánh Kiến phải có trí tuệ. Không trí tuệ, không nghiền ngẫm xâu xa thì không thể có Chánh Kiến. Tác giả nhắc nhở rằng “Cũng không chắc người tu đã có đủ giới và chánh kiến, như lời Phật dạy trong Kinh SN 47.3”

-Phải có tín tâm, phải thực hiện hạnh bố thí.

            - Nên nhớ rằng Thiền Tứ niệm xứ oai lực vô cùng tận và cũng thích hợp cho cả cư sĩ, không riêng cho các vị xuất gia. Kinh SN 47.29 kể rằng cư sĩ Sirivaḍḍha đắc quả Bất Lai (A Na Hàm)  nhờ thiền quán  Thân bất tịnh. Thọ thị khổ, Tâm vô thườngPháp vô ngã.

            -Ngoài ra hành giả có thể tập Thiền Vô Tướng.

6) THIỀN TẬP VỚI PHÁP ẤN

                        Tác giả nói rằng con người ta thường tin vào phép mầu, bùa phép. Các chuyện cổ hay thần thoại đểu toàn là phù phép, thậm chí vào cả nghĩa địa để cầu cơ. Thế nhưng theo Đức Phật“Phép lạ lớn nhất  chính là giáo hóa thần thông. Tức là đưa Chánh Pháp tới nhiều người hơn, làm sáng tỏ giáo lý hơn, tức    là chúng ta phải tự rèn luyện để có trí tuệ và sức thuyết phục lớn. Đó mới là phép lạ lớn nhất. Nếu nhận  ra một trong tứ Pháp ẤnVô Thường, vạn pháp không có tự tánh, tất cả các pháp đều đang chuyển biến, chảy xiết, không có cái gì gọi được là cái gì. Thấy được như thế, sẽ không rơi vào các tôn giáo khác, vì sẽ không tin vào thuyết cứu rỗi, sẽ không tin vào thuyết phục sinh, cũng không tin vào thuyết  hồn xác lên trời.”

                        Tác giả nói rằng hãy nhìn vào thân và tâm này sẽ thấy pháp ấn nơi đây. “Trong ba thập niên  sống với nghề làm báo giữa nơi sóng gió nhất của người Việt hải ngoại, người viết nhận thấy những  cuộc tranh luận dễ dàng làm mất bạn, trong khi hầu hết trường hợp là không cần thiết như thế.” Tác giả  trích dẫn , “Có một Kinh rất đặc biệt, nói rằng dù bạn chưa đắc quả gì hết, nhưng nếu thường trực sống trong sơ Thiền, khi mãn tuổi thọ, là sinh thiên rồi vào Niết Bàn.” Rồi từ sơ Thiền, nghe thuyết pháp (hay đọc Kinh), có thể giải thoát. Rồi có thể kinh hành (đi bộ) để vào sơ thiền. Rồi nếu bỏ hết năm điều sau đây có thể vào sơ Thiền như: Ưa thích chùa lớn nhà cao, ưa thích niềm vui gia đình, ưa thích lợi dưỡng  ạc tiền, ưa lời khen ngợi tung hô, thấy pháp hay là giấu biệt.” Khi vào sơ Thiền, thì ngôn ngữ sẽ tịch lặng, trong tâm không thấy chữ nào hiện lên. Nhiều người đã có thể vào sơ Thiền, nhưng không biết rằng đó là sơ Thiền. Kinh AN 5.28 kể rất chi tiết về cảm giác toàn thân hỷ lạc khi đắc sơ Thiền.

7) NIỆM THÂN: NHỠ KHÔNG THẤY BẤT TỊNH

                                Niệm thân bất tịnh là một thiền pháp do Đức Phật dạy trong nhiều kinh. Niệm thân bất tịnh có  oai lực  lớn, từ từ sẽ dẫn tới xa lìa ái dục và rồi giải thoát. Tuy nhiên, một câu hỏi có thể nêu ra: nhỡ  không thấy bất tịnh thì sao, nhỡ những cái được thấy lại được nhìn như là xinh đẹp hơn thì sao? Đức Phật đã dạy nên nhìn người nữ như mẹ, như chị, như con gái mình, tùy độ tuổi mà nhìn, thì sẽ không      khởi bất thiện tâm. Vua Udena hỏi: Trường hợp với những người mà chúng ta nhìn như mẹ, như chị,  như con gái mà vẫn bất chợt tham ái khởi lên, thì làm sao? Bấy giờ Đại sư Bharadvāja mới nhắc lời Đức Phật dạy pháp quán thân bất tịnh, Kinh SN 35.127.

8) SUY NGHĨ VỀ KINH SABHIYA SUTTA

                        Đây là một trong các bài Kinh khi Đức Phật còn trẻ tuổi và chỉ mới xuất gia. Kinh ghi theo thể     vấn đáp, khi du sĩ Sabhiya được một vị thiên tử chỉ rằng hãy đi tìm các câu trả lời cho một số câu  hỏi, lúc đó không một vị đạonổi tiếng nào lúc đó trả lời nổi. Những câu hỏi gồm có:

            -Thành tựu những gì mới được gọi là Tỳ kheo?

            -Đạt được những gì thì được gọi là Bà la môn? Như thế nào, được gọi là tu sĩ?

            -Người thế nào được chư Phật gọi là chiến thắng đất ruộng? Như thế nào được gọi là thiện khéo? Như thế nào được gọi là người trí tuệ? Như thế nào được gọi là bậc tịch lặng?

            -Thành tựu những gì để được gọi là bậc thầy kiến thức?

            -Đạt được những gì, được gọi là học giả?

                        Sau  khi nghe lời giải đáp, du sĨ Sabhiya chắp tay bạch Phật rằng: “Ngài đã đi tới tận cùng, đã   vượt qua bờ đau khổ, ngài là một vị A la hán, bậc giác ngộ hoàn toàn. Con nghĩ ngài đã lậu tận, chói   sáng, thông minh, trí tuệ rộng lớn vô lượng, đã kết thúc khổ đau, ngài đã và đang đưa con qua bờ kia.”

9) VÔ THƯỜNG CŨNG LÀ NIẾT BÀN TỊCH DIỆT

            Đây là một chủ đề nhức đầu và dường như mâu thuẫn khi tác giả mở đầu bằng đoạn văn, “Thoạt đọc qua, có vẻ như có gì hơi sai sai bởi vì, vô thường được hiểu là sinh diệt tương tục, sinh diệt bất tận. Trong khi đó, tịch diệtNiết bàn với thể tánh không tịch, vắng lặng, được hiểu như dường nghịch nhau.”

            Tác giả đã dùng rất nhiều luận giải cúa các đại sư để minh chứng cho chủ đề này như: Lục Tổ Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh, HT. Thích Minh Châu, HT. Thích Thanh Từ và  Bhikkhu Analayo. Thế nhưng dù đọc đi đọc lại, đầu óc u tối của tôi vẫn chưa lĩnh hội được cho nên tôi tự hiểu bằng lối suy nghĩ rất u tối như sau: Vì tâm động cho nên chúng ta thấy những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta có sinh-diệt tức vô thường. Nhưng khi tâm không động thì thấy vạn pháp chẳng hề sinh ra hay diệt mất. Mà chẳng sinh chẳng diệt chính là Niết Bản. Vậy thì trong sinh-diệt, trong vô thường đã có Niết Bản như tác giả viết ở đoạn cuối, “Cách nói cổ truyền của Thiền Tông, rằng trong vô lượng ý niệm đang sinh sinh diệt diệt, vẫn có một tâm bất động. Và trong vô lượng cái vô thường huyễn hóa trước mắt, bên tai, vẫn có một Niết Bàn tịch diệt không rời. Cũng như nước không rời vô lượng lớp sóng, như gương không rời vô lượng ảnh hình phản chiếu. Và tánh ướt của nước, tánh chiếu sáng của gương… chính là tâm bất động, là tịch diệt Niết bàn.”

10) KINH CHO NGƯỜI BỆNH NẶNG VÀ CẬN TỬ

           Trước đại dịch kinh hoàng - trước gọi là Corona sau đổi thành Covid-19 giết chết khoảng 6 triệu người, tác giả trích dẫn kinh điển Nam Truyền để giúp cho người sắp chết hoặc đang chịu đau đớn vì bệnh tật:

-Trong khi bệnh hoạn, vẫn có thể tu giải thoát.

-Mười pháp quán niệm sẽ làm giảm bệnh ngay lập tức.

-Chịu đau nơi thân được nhờ tứ niệm xứ.

-Khi thân đau đớn và tâm loạn động, hãy quán sát không thấy ngã ở đâu hết.

-Dù bệnh liệt giường, hãy giữ tâm ly dục, không nhiễm, lìa cả ba thời.

-Cư sĩ Dìghàvu đau đớn, cận tử, quán niệm 6 pháp, chợt quyến luyến liền tác ý xả ly, sinh vào tịnh độ Bất Lai.

-Bệnh đau dữ dội, không đắc thiền định, được Phật dạy quán vô thường nơi cảm thọ trên thân.

-Nhà sư trẻ, mới tu, bệnh cận tử, được Phật dạy quán nhân duyên, viên tịch, nhập Niết bàn.

-Ngài Cấp Cô Độc bệnh nặng, được dạy pháp “không dựa vào bất kỳ nơi nào mà khởi thức.

-Người cư sĩ nên nói gì với người cư sĩ khác lâm trọng bệnh, cận tử.

           Riêng tôi, nếu còn sáng suốt nên niệm Nam Mô A Di Đà Phật hay Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

11) TU TÂM TỪ ĐỂ HỘ THÂN, NGỦ AN LÀNH

                        Trước đại dịch gây kinh hoàng cho nhân loại, tác giả đưa ra những pháp tu sau đây:

            -Tu tâm từ, sẽ ngủ ngon, được chư thiên hộ vệ, thân tâm bình yên.

            -Dứt bỏ hơn thua, sẽ ngủ bình an.

            -Từ bỏ sân hận, sẽ ngủ bình an.

            -Trú niệm, tỉnh giác, sẽ ngủ an lành, được chư thiên hộ vệ.

            -Thà là thường ngủ, hơn là thức mà tâm loạn tưởng.

            -Giữ tâm tỉnh thức trong mọi thời, kể cả khi ngủ.

            -Tỉnh thức nơi 6 căn: xả ly, lìa ưa ghét, sẽ được tôn kính.

            -Khi ngủ, hãy giữ tâm từ, thương chúng sanh.          

            -Tu tâm từ sẽ chắc chắn chứng quả.

            -Tu tâm từcông đức hơn cúng dường vô lượng tỳ kheo bốn phương.    

            -Sống an lạc hiện tại, thương xót chúng sanh đời sau.

            -Nhìn mọi người như mẹ, như cha đời quá khứ.

            -Dù bị bạo hành, vẫn giữ tâm từ vô lượng.

                -Kinh Từ Bi: Đi đứng nằm ngồi đều giữ chánh niệm từ bi

12) NI TRƯỞNG TRÍ HẢI với THIỀN PHÁP NGƯỜI GỖ.

            13)Thiền Sư Nhật Bản RYOKAN TAIGU (1758-1831)

            14) THIỀN SƯ BẠCH ẨN HUỆ HẠC của Nhật Bản.

  Thay Lời Kết:

                        Nguyên Giác hết sức cẩn trọng, khiêm tốn, trung thực và tỉ mỉ. Trước 1975 ông  tu học với cố HT. Thích Tịch Chiếu và học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh cho nên ông có một kiến thức rất lớn về Phật Học. Ngoài ra với trình độ Anh Ngữ vững vàng, ông có dịp đọc và nghiên cứu kinh điển của các học giả trên thế giới viết bằng tiếng Anh của tạng Pali. Trong hầu hết các tác phẩm, ông so chiếu nó với các bản dịch qua Việt Ngữ của các dịch giả Việt Nam hoặc từ Hán Văn hoặc từ Pali, cho nên nghĩa của kinh được hiểu rất rõ. Một trong những chủ đề lớn mà Nguyên Giác tập trung trong nhiều cuốn sách là kinh điển Đại Thừa/Bắc Tông đều có trong kinh tạng Pali/Nam Tông. Kinh điển Đại Thừa đều là cốt tủy của Phật Giáo để đánh bạt quan niệm sai trái cho rằng đây là ngụy kinh do các chư tổ Trung Hoa chế tác ra. Đối với những người chê bai kinh điển Đại Thừa, tôi đã chia xẻ một ý nghĩ với Nguyên Giác là - học không tới nơi tới chốn mà hung hăng viết bậy thật nguy hại vô cùng. Trong khi đó, HT. Thích Minh Châu- vốn tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật Học tại Ấn Độ và là viện trưởng một đại học Phật Giáo tăm tiếng dĩ nhiên ngài phải bênh vực kinh tạng Pali nhưng đã khẳng định, “quan điểm của một số học giả Pàli cho rằng những gì ngoài ba Tạng Pàli là ngụy tạo, vừa nguy hiểm, vừa nông nổi nếu không phải là lạc hậu. Nguy hiểm vì tự mình phủ nhận những cố gắng trung thành với đạo Phật nguyên thủy của các nhà luận sư, như chúng ta đã thấy quá rõ ràng trong tập sách này.”

                        Để kết thúc bài viết này tôi xin trích dẫn lời giới thiệu của cư sĩ Tâm Diệu- người chủ trương Ananda Viet Foundation như sau: “ Ở cuốn sách, tôi bị thu hút bởi các pháp tu do Phật dạy, được tác giả trích từ các nguồn kinh gốc tiếng Nam Phạn và Bắc Phạn, đối chiếu với các bản dịch tiếng Anh của các đại sư đương thời người Tây phương. Các lời giáo huấn qua ngòi bút của tác giả được viết bằng ngôn ngữ cực kỳ đơn giản, dễ hiểu mà ai cũng có thể tự biết cách tu, ai cũng có thể thực hành được. Nếu coi tập sách nầy như một người chỉ đườngquyết tâm theo đuổi việc tu tập đến cùng với mục đích thấu đạt ý nghĩa thâm sâu của pháp và thành tựu giải thoát, người học Phật sẽ gặp một Đức Phật, một vị Thánh Tăng hay một vị Tổ Sư hiển hiện từ mỗi câu. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một quyển sách hay và quý.”

                        Sau cùng, Nguyên Giác nói rằng có thể đây là cuốn sách cuối vì sẽ không còn sức khỏeminh mẫn để viết nữa. Thế nhưng tôi theo tinh thần của Kim Cang: “ Cuối cùng nhưng không phải là cuối cùng, như thế mới là cuối cùng” tức chẳng chấp vào câu nói “cuối cùng” - tức Nguyên Giác vẫn còn có thể viết nữa để làm phong phú thêm kho tàng học thuật của Phật Giáo. Mong lắm thay.

Thiện Quả Đào Văn Bình

            
(*) Cuối năm 1968, các họa sĩ Ngô Đình Cầu, Cung Mi, Bùi Vi Thiện và tôi có tổ chức một cuộc triển  lãm tranh sơn dầu tại Phòng Thông Tin (Góc Tự Do và Lê Lợi, đối diện với Nhà Hát Thành Phố bây giờ) và HT. Thích Minh Châu-Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh đã chủ tọa lễ cắt băng khai mạc. Trong cuộc triển lãm này tôi đã bán được hai bức tranh cho cặp vợ chồng người Mỹ . Hình ảnh hiện `còn lưu trữ tại nhà tôi ở Việt Nam. Hòa Thượng Thích Minh Châu rất văn nghệ chứ không cứng nhắc trong bộ áo tu hành đâu. Trong những buổi tối đến thăm thầy tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, chúng tôi  thấy thầy xem đài truyền hình Mỹ để biết về tình hình thế giới vì đài truyền hình trong nước tin tức rất hạn chế.


Xem sách tại đây: 

Thien Tap Voi Phap An 9781088004838-book cover
Sách in bản giấy: https://www.amazon.com/dp/1088004830/





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.