Trường Hạ Bát Nhã - Hương Từ Lan Xa

02/07/201212:00 SA(Xem: 27853)
Trường Hạ Bát Nhã - Hương Từ Lan Xa

TRƯỜNG HẠ BÁT NHÃ
HƯƠNG TỪ LAN XA
Thích Minh Tuệ

Mùa Hạ là mùa Chư Tăng Ni câu hội nơi một Đạo Tràng an cư, hạn chế ngoại duyên, thúc liễm tu tập. Thời gian này, Chư Tăng Ni khắp nơi trên thế giới đang an cư ở những trú xứ thích hợp. Đây là lần đầu tiên tôi đến tham dự Trường Hạ Bát Nhã do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Hoa Kỳ tổ chức với sự hiện diện của Hội Đồng Giáo Phẩm và Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội cùng với 201 Tăng Ni trên khắp đất nước Hoa Kỳ, Canada và Việt Nam đồng về an cư.

huongtulanxa

 

Điều đặc biệt đầu tiên là về trú xứ an cư. Chùa Bát Nhã đã dỡ ra và chuẩn bị cho công trình xây cất, tái thiết cho nên thiếu phòng ốc và các tiện nghi cần thiết cho Đại chúng an cư. Hạ tầng cơ sở thì hạn chế nhưng tâm lượng của Viện chủ, Hóa chủ Bát Nhã thì vô hạn, tạo duyên thu nhận hết những ai muốn về an cư. Tôi không biết có Đạo Tràng An Cư nào của Phật Giáo Việt Nam tại Việt Nam và Hải Ngoại với túc số trên 201 vị hay không? Khi xưa căn nhà nhỏ của cư sĩ Duy Ma Cật có thể chứa 84.000 tòa sư tử cao ngàn trượng là đại lượng của Bồ tát vô biên, vô chướng ngại.

Mùa an cư là thời điểm để chư Tăng truyền trao kinh nghiệm tu họchoằng pháp. Thật là ấn tượng và ngoài sức tưởng tượng khi chứng kiến Hòa Thượng Thiền Chủ - Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ, nay đến tuổi 84, tuổi của Cha Mẹ tôi nhưng Mẹ tôi thì từ trần hơn 10 năm về trước, còn Cha tôi thì đang già bệnh nằm yên một chỗ, thế mà Hòa Thượng lại vững chãi, nhẹ nhàng, tỉnh táo tham dự các thời khóa sinh hoạt an cư, Pháp Thoại, Pháp Đàm, Đạo Từ, Tác Pháp Yết Ma,…Ngài cũng đi khắp các Châu lục : Canada, Châu Âu, Úc để chứng minh, tham dự các đại hội, khóa tu, chương trình Phật sự,…Một đại nguyện dấn thân cao cả, một tình thương vô bờ, một nguồn năng lực vô tận từ nơi Ngài là thân giáo nhiệm mầu để làm chỗ dựa nương, an lòng cho đại chúng tu học. Ngoài Hòa Thượng Thiền Chủ ra, còn có rất nhiều chư Tôn Thạc Đức, Hòa Thượng, Thượng Tọa khác mà thường ngày hàng Tăng Ni Phật tử ít có điều kiện thân cận học hỏi, nay lại có phúc duyên dựa kề nhiều bóng mát Bồ Đề như vậy.

Trong thời khóa sinh hoạt Trường Hạ, mỗi ngày có 2 thời Pháp Thoại, Pháp Đàm vào lúc 9 giờ sáng và 7:30 tối. Pháp Thoại phong phú sinh động đúc kết kinh nghiệm tu học thân chứng của chư Tôn Thạc Đức truyền trao đến hàng hậu học và hội chúng, đề tài từ cương lĩnh, tiêu chí, nội dung sinh hoạt của Giáo Hội, Duy Thức Học, cho đến giới trường, ân tình, nếp sống Thiền môn, quá trình di cư, định cư của cộng đồng người Việt, hình thành và phát triển Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, cốt tủy Nghi Lễ Phật Giáo, Giữ gìn sơ tâm xuất gia, hiểu và thương, hòa hợp, dắt dìu tu tập, Luật Tạng, Pháp Yết Ma, Bồ Tát Giới, Nghiệp Báo, Hành Trạng các bậc Kỳ Túc trong thời cận đại, Thiền tiếp xúc với sự sống, hãy nhìn đôi bàn chân và giẫm lên đất với đôi bàn chân của mình, Phương tiệntùy duyên mang Đạo Phật vào đời,…Ban Tổ Chức Trường Hạ thương tưởng và sắp xếp, tạo duyên cho hàng Phật Tử tại gia theo học Phật Pháp cùng chư Tôn Đức. Ngoài giờ Pháp Đàm đối với Tăng Ni Trường Hạ, đặc biệt còn có 3 thời Phật Pháp Vấn Đáp vào chiều thứ Bảy, sáng và chiều chủ nhật, ngày 23, 24/06/2012. Chính tôi làm điều hợp trong buổi Tu Học Vấn Đáp đầu tiên và chứng kiến sự tận tụy, trách nhiệm chăm lo giải đáp thắc mắc, nghi vấn, nan đề trong cuộc sống với ánh sáng Phật Pháp của Chư Tôn Đức : một câu hỏi có khi lại nhận được 5-6 câu trả lời bổ sung từ từng vị Tôn Đức. Quả thật mọi người đều thấm nhuần Pháp Hỷ sung mãn trong mùa an cư.

Đặc biệt trong mùa an cư năm nay có chương trình hội thảo sinh động do nhóm Tăng Ni trẻ phụ trách với đề tài : “Trách nhiệm Tu Sỹ và Tương lai Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại”. Đây là dịp để hàng Tăng Ni trẻ nêu lên những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, trở ngại, kiến nghị, dự án, chương trình,…Bảy thuyết trình viên đại diện hội chúng trình bày các đề tài : Những vấn đề của chúng ta ( Thích Tâm Thành), Xây dựng lý tưởng ( Thích Quảng Định), Kinh nghiệm tu học và làm sao đứng vững trong xã hội Hoa Kỳ ( TN. Giới Châu), Ngũ Thừa Phật Giáo ( Thích Thiện Tài), Phật Giáo với Môi Trường (Thích Quảng Văn), Hành Trang và Hội Nhập của Tăng Ni trên quê hương mới ( TN. Nguyên Hương), Trách Nhiệm của Tu Sỹ và những đổi thay thích hợp cho việc duy trì và phát triển Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại ( Thích Minh Tuệ). Do thời gian giới hạn trong 10 phút và đứng trước uy lực của đại chúng, công chúng nên các thuyết trình viên chưa thể trình bày trọn vẹn và mạch lạc những điều cần thiết muốn nói. Nếu thực hiện theo cách đọc tham luận trước hội nghị hoặc power point presentation thì sẽ trình bày được nhiều hơn. Dù sao đi nữa, có được nhóm Tăng Ni trẻ, chịu đào sâu suy nghĩ và chịu đứng ra trình bày làm chất xúc tác, trợ duyên cho những người khác cùng suy tư về đề tài lớn liên quan trách nhiệm chung của mọi Tu Sỹ, nhất là tạo được các tiêu điểm thảo luận, phương hướng và quyết nghị trong Đại Hội Khoáng Đại của Giáo Hội sắp đến, hoặc tạo tiền đề cho các cuộc hội thảo có tầm vóc lớn hơn sau này, đó chính là thành tựu của đêm hội thảo. Phần sau đây là đúc kết những ý kiến và những hệ luận suy ra từ đêm hội thảo đó :

1/ Có những thế lực, ma quân nhắm vào GHPGVNTN Hoa Kỳ để phân hóa nội bộ, gây hoang mang, dao động, lo âu,.. trước những đánh phá từ thô đến tế như vậy, chúng ta có nên nhận định, hoặc phản ứngthích hợp không hay là chỉ nên lặng lẽ lo tu học, hoằng pháp và các Phật sự cần thiết khác, rồi cuối cùng “thanh giả tự thanh”, “bất chiến tự nhiên thành”, mặc cho : “ ai ngậm máu phun người thì dơ miệng mình thôi” ?

2/ Việc căn bản đầu tiên mỗi hành giả cần làm là tinh tấn tu học, bồi dưỡng năng lực tự thân. Tự độ chưa xong thì làm sao có thể độ tha? Chưa biết bơi mà đi cứu người khác có thể nhận chìm cả hai. Vua Lương Võ Đế không lo nội hướng tu tập mà chỉ lo hướng ra ngoài làm phước thiện, công quả nên Tổ Bồ Đề Đạt Ma cảnh giác : “Không có công đức”, “ Xa rời Bồ Đề Tâm mà làm các việc thiện thì cũng là Ma nghiệp vậy”. Chàng dũng sĩ trong câu chuyện : “ Cửa tùng đôi cánh gài” (TS. Nhất Hạnh) lo xuống núi, trừ tà, phá yêu, mang an lành cho dân chúng cho đến khi chàng dũng sĩ lên núi, thăm lại am cốc Sư phụ, cửa tùng đã khép lại và chàng không vào được. Chàng không thể tin vào chính mình khi nhìn vào kính chiếu yêu, chàng thấy gương mặt mình biến dạng thành yêu ma. Thế nên nếu không lo tu tập mà lo nhiều Phật sự, đối duyên xúc cảnh, ứng phó bên ngoài, bận rộn không còn thời gian hành trì nữa, cuối cùng bao nhiêu tà vọng nổi lên và người đó biến chất lúc nào không hay. Một hành giả khép mình trong giới luật, tinh nghiêm hành trì, cho dù chưa làm nhiều Phật sự, nhưng sẽ có được nếp sống an lạc, giải thoát và thân-khẩu-ý giáo sẽ làm gương sáng, tạo niềm tin vững chắc cho những ai có cơ duyên hội ngộ. Trang nghiêm tự thân tức trang nghiêm Giáo Hội, chỉ có : “Sư tử trùng thực sư tử nhục”. Đạo Pháp hưng long hay đến hồi Mạt pháp tùy thuộc Tăng Ni Phật Tử có thực học, thực tu trong Chánh Pháp Như Lai không?

3/ Muốn phát triển Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ thì phải hiểu rõ những khó khăn trở ngại và những đặc tính của xã hội Hoa Kỳ. Trước hết phải tinh tường ngôn ngữ, văn hoá, nếp sống, luật pháp Hoa Kỳ,…Vấn đề bills, nợ, bảo hiểm, mortgage, tài chánh duy trì và phát triển Già Lam, tổ chức sinh hoạt là những vấn đề lớn, đeo đuổi thử thách trọn đời người. Phật Giáo có đề cập về Ngũ Minh, Tứ Nhiếp Pháp, tu sỹ có thể bồi dưỡng nhiều khả năng phương tiện, mang hạnh Bồ Tát, hòa nhập vào dòng đời, chủ động tạo ra tài chánh và sử dụng thích đáng cho các Phật sự, hoằng Pháp lợi sanh. Nhưng phải biết đó chỉ là phương tiện và biết dừng lại ở những vị trí vừa phải. Vai trò chính của tu sỹ là chuyên sâu tu tập, giảng dạy Phật Pháp, hướng đạo đời sống tinh thần, tâm linh cho người Phật tử.

4/ Về mặt giáo dục, bồi dưỡng : Hầu hết các tu sỹ đến được đất nước Hoa Kỳ đều trải qua các trường lớp Phật Pháp tại Việt Nam từ thấp đến cao cho nên mối quan tâm hàng đầu của họ bây giờ là bồi dưỡng Anh Văn và kiến thức về xã hội cuộc sống Hoa Kỳ chứ không phải là Phật học. Tuy nhiên, việc học là một đại dương mênh mông không bờ bến, hơn nữa, nếu có môi trường Phật Học Viện, tu sỹ có thể đến ở, tu tập, sinh hoạt, truyền trao kinh nghiệm cho nhau trong một thời gian dài hạn hơn : 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm,…Như vậy giống như Trường Hạ Bát Nhã này, không phải thời hạn chỉ có 10 ngày mà kéo dài hơn, mỗi người sẽ có điều kiện hoàn thiện chính mình trên nhiều phương diện. Điều này đặc biệtý nghĩa cho việc cảm thông giữa các thế hệ, đào tạo Tăng tài, huấn luyện những nhân tố có thể đảm đang các vai trò trong Giáo HộiPhật sự có tầm vóc toàn quốc Hoa Kỳ sau này. Nếu chưa cảm thông, hiểu ý nhau thì khó mà cùng nhau phối hợp chung lo Phật sự tốt đẹp được. Phật Học Viện có thể mở một nơi nào đó vùng Cali này, sẽ có nhiều vị Giáo Thọ Sư các chùa lân cận thay phiên đến giảng dạy, phụ trách lớp, cũng như có nhiều Phật tử hộ pháp đến trợ duyên cho mọi phương tiện sinh hoạt.

5/ Về mặt trụ trì, cơ sở tự viện : Sứ giả Như Lai nên mang ánh sáng Phật Pháp đến tận hang cùng ngõ hẻm cuộc sống, đến với những ai có tai và lắng lòng muốn nghe. Chư Tăng Ni nên phân thân đến khắp mọi nơi, đáp ứng nhu cầu tâm linh cộng đồng người Việt khắp các tiểu Bang và thành phố Hoa Kỳ : nơi nào cần người tu có, nơi nào khó có người tu. Sự phân bố đều đặn, dấn thân đến với quần chúng, không từ gian lao, không nệ hà khó nhọc của tu sỹ sẽ duy trì cơ sở tự viện giềng mối và ổn định niềm tin, sinh hoạt tu học của Phật tử các vùng địa phương. Với sứ mạng : “Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”, mỗi vị trụ trì cần nỗ lực tu học, tự nâng cao nhiều phương diện : giảng pháp, quản trị, luật pháp, tâm lý, lễ hội văn hóa, Pháp môn hành trì, tu tập,…

6/ Về mặt hoằng pháp : Giáo Hội tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp, giảng pháp, phân chia các phái đoàn Hoằng Pháp và sắp xếp họ đến sinh hoạt gieo duyên nhiều cơ sở tự viện, nên soạn các giáo trình cho việc hoằng pháp, tổ chức bồi dưỡng, khuyến khích thi thuyết giảng, tổ chức nhiều khóa tu học để các vị giảng sư trẻ có điều kiện thực tập và mang ánh sáng Phật pháp đến quần chúng Phật tử, có những cuộc họp, hội thảo, đúc kết, đưa ra phương hướng sinh hoạt giữa các thành viên trong Ban Hoằng Pháp chứ không phải gặp gỡ ngẫu nhiên tình cờ hoặc gặp trong Đại Hội vài năm 1 lần.

7/ Về mặt Nghi Lễ : Tổng Vụ Nghi Lễ nên soạn một bộ sách Nghi Lễ bao gồm các nghi thức phổ thông, cầu an, cầu siêu, Lễ Hội Phật Giáo, Chẩn Tế,… bằng Tiếng Việt, kèm theo DVDs, CDs với giọng đọc tụng chuẩn làm mẫu gửi đến các cơ sở tự viện chùa chiền trực thuộc GHPGVNTN Hoa Kỳ. Ngay cái việc Nghi Lễ phương tiện vậy mà chưa “thống nhất” thì làm sao “ thống nhất” các việc lớn hơn được? Tiếng Hán Việt có thể sử dụng trong nội bộ Hành Lễ của Tăng Ni, nhưng Nghi Lễ với tiếng Thuần Việt nên áp dụng cho các Khoá Lễ quần chúng Phật tử? Có bao nhiêu người Phật tử hiểu được tiếng Hán Việt? Nếu tán tụng cho hay ho và kéo dài thời gian mà người nghe không hiểu được gì hết thí tác dụng sẽ như thế nào, khi xưa, Đức Phật có bày tụng kinh theo kiểu cách như vậy hay không?

8/ Về mặt thông tin, truyền thông : Tờ báo Chánh Pháp trong các năm qua thể hiện vai trò truyền bá Chánh Pháp và chuyển tải các thông tin cần thiết cho sinh hoạt Giáo Hội, tự viện, Phật giáo thế giới ,…Tu sỹ cần nên đóng góp nhiều bài viết hơn nữa cho nội dung Báo Chánh Pháp, cũng như các Mạnh Thường Quân gần xa đóng góp tài chánh cho việc in ấn, bưu phẩm phát hành báo. Giáo Hội cần công bố cho biết 1 website chính thức của Giáo Hội và có Ban Chủ Nhiệm, Ban Biên Tập lo việc cập nhật nội dung phong phú và kịp thời. Đây là thời đại của công nghệ thông tin nên internet, báo chí, đài, tivi, DVDs, CDs đóng vai trò quan trọng cho đại chúng hay biết những gì cần thiết.

9/ Về mặt Văn Hóa : Tổng Vụ Văn Hóa nên quan tâm tổ chức các cuộc Hội Thảo về các bậc Cao Tăng, Danh Nhân Văn Hóa, về văn thơ nhạc Phật Giáo và tổ chức các Đặc San, Tập sách chuyên đề : Phật Đản, Vu Lan, An Cư, Tết, các chuyên đề Phật Pháp, cũng như đưa ra những nhận địnhphản ứng kịp thời trước những thế lực phá hoại Phật GiáoGiáo Hội.

10/ Đường Hướng và Tầm Vóc của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ: Thế hệ Tăng Ni trẻ cần có nhiều điều kiện học hỏi, hiểu tận tường hơn nữa về Hiến Chương GHPGVNTN, Lịch Sự Phật Giáo Việt Nam Cận Đại. Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ có gì đặc thù so với Phật giáo tại Việt Nam hoặc Phật Giáo Việt Nam tại các Châu Lục? Phât Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ làm sao có thể dung thông bao gồm các Tông Phái khác nhau và kết hợp các đặc điểm, tinh hoa Phật Giáo các nước khác như Mật Tông Tây Tạng, Zen Nhật Bản, Tổ Sư Thiền Trung Quốc, Phật Giáo Hàn Quốc, Miến Điện, Tích Lan, … đáp ứng được nhu cầu tu học cho người thuộc nhiều sắc tộc khác nhau và cả người Mỹ bản xứ. Đặc biệt, chú tâm hướng đến việc kế thừa xứng đáng các cơ sở tự viện đã thành lập nên và các hoạt động, sinh hoạt Phật sự nơi đó, dấn thân đến nhiều ngả đường cuộc sống : Nhà tù, trại cai nghiện, nhà dưỡng lão, trường học, Lễ hội công cộng có tầm vóc tiểu bang hoặc liên bang, tổ chức gia đình Phật tử và các lớp học Song Ngữ cho các em gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ,… Để có thể làm được những việc này đòi hỏi sự hòa hợp, dấn thân, chương trình dài hạn, đan kết những tấm lòng, khối óc, bàn tay làm tốt Đạo, đẹp Đời.

Mùa an cư chủ yếu là mùa phản quang tự kỷ, nội hướng, chuyên tu. Thời khóa sinh hoạt bắt đầu từ 4:30 sáng cho đến 10 giờ đêm, trong đó có Hô Canh tọa thiền khuya, Công Phu Sáng, kinh hành, Tụng Kinh Pháp Hoa, Trì tụng Chú Đại Bi, Hô Canh tọa thiền tối,… Đại chúnguy lực rất lớn, tác động đến sinh hoạt tu họcchuyển hóa tự thân mỗi hành giả. Mỗi hành giả thật khó buông lung, phóng dật, giãi đãi trước nhịp sinh hoạtquy chế an cư. “Cơm có canh, tu hành có Bạn” , vai trò của môi trường, tha lực là rất lớn đối với những ai chưa đạt đến mức độ thong dong tự tại, vô nhiễm. Ngày thường nhiều người hay đau bệnh nhưng qua 10 ngày an cư lại vui khỏe, vững vàng, tham dự đầy đủ mọi thời khóa chương trình. Hành giả thúc liễm, tinh nghiêm tu tập, góp phần tạo nên một Đạo tràng an cư trang nghiêm, tốt đẹp như Tăng Đoàn thời Đức Phật và như vang vọng thường trực lời Di Giáo của Như Lai : “Các Ông hãy tự mình cố gắng, Như Lai chỉ là bậc Đạo Sư”, “Hãy tinh tiến lên để giải thoát”

Nếp sống thiểu dục tri túc, an lạc ngay trong những điều kiện tiện nghi còn thiếu thốn, hình bóng chiếc Y vàng thanh thoát với số lượng 201 Tăng Ni đã làm chấn động vùng trời Santa Ana, Nam Cali. Phật tử rất hân hoan chờ đón cúng dường trong ngày Chủ Nhật đi khất thực, bao nhiêu vị Hộ Pháp tham gia các ban ngành và phục vụ cho 10 ngày an cư không mệt mỏi, quên giờ giấc ngày đêm và ngủ lại nơi Chánh Điện hoặc ngay nơi làm việc. Quả nhiên, có trùng trùng duyên khởi và : “Bát cơm tín thí biết bao công, đức hạnh đầy vơi tự xét lòng,…” Mục kích những cảnh ấy, mỗi hành giả tâm niệm tinh cần tu học đền đáp tứ trọng ân.

Cũng trong ý nghĩa niệm tưởng Tứ Trọng Ân, 10:30 sáng Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 06 năm 2012, Lễ tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, Truy Tán Công Đức tứ vị Tăng Thống GHPGVNTN, tấm gương sáng chói, vì Đạo, vì Đời, sẵn sàng quyên sinh vì Đạo Pháp. Lẽ sống và cái chết của Qúy Ngài để lại những bài học thấm sâu vào con tim, mạch máu của bao thế hệ, thắp sáng tâm nguyện:“Con dốc lòng vì Đạo hy sinh”. Hình ảnh các bậc Thánh Tăng sẽ là nguồn động lực, nhắc nhở, hộ trì cho thế hệ chúng con sống tương ưng với Chánh Pháp cho dù phải đối diện với Ma quân, nghịch cảnh, với bức bách, tử sinh vẫn giữ cho mình một tấm lòng son.

Trường Hạ Bát Nhã kết thúc vào ngày Thứ Bảy, Ngày 30 tháng 06 năm 2012 cùng với Lễ khởi công xây dựng Chùa Bát Nhã. Ba lời phát nguyện của HT Viện Chủ Chùa Bát Nhã thể hiện lòng vô ngã vị tha, kiến lập Đạo tràng chỉ vì đáp ứng nhu cầu sinh hoạt Phật Pháp: Chùa Bát Nhã cúng dường cho Giáo Hội, đón các vị Trưỡng Lão khi sắp viên tịch về Chùa Bát Nhã làm nơi an nghỉ cuối cùng, sau khi xây dựng xong, khi nào Giáo Hội cần, đặc biệt cho việc an cư kiết hạ, Giáo Hội cứ tùy nghi sử dụng cơ sở Bát Nhã. Đó quả nhiên là Phật hoan hỷ nhật khi Đạo Tràng an cư kiết hạ Bát Nhã thành tựu viên mãn,

Tăng Ni Phật tử đồng lòng tạo nên con thuyền Bát Nhã rộng lớn hơn, tiện nghi hơn để nhiều người hơn cùng nương thuyền từ Bát Nhã, qua đến bờ bên kia giải thoát an vui.

Tuy chia xa mà lòng không xa, kỷ niệm, ấn tượng, năng lực tu tập trong Trường Hạ sẽ là hành trang tâm linh cho hành giả mang đi khắp mọi nẻo đường để mang đến cho đời nhiều nội dung Phật chất. Chúng ta hẹn gặp lại nhau trong khoá Tu Bắc Mỹ lần 2, trong Đại Hội Khoáng Đại GHPGVNTN Hoa Kỳ lần II, trong mùa an cư kiết hạ năm sau tại Phật Học Viện Quốc Tế. Chúng ta mãi gặp nhau trong lý tưởng phụng sự chúng sanh, chuyển bánh xe Pháp, chuyển hoá thế giới theo hướng chân thiện mỹ, vì an lạc hạnh phúc và giải thoát cho tất cả chúng sanh. Âm hưởng của Trường Hạ Bát Nhã mãi ngân vang trong Ta và Hương Từ Trường Hạ ngược gió khắp tung bay.

Cali, Mùa Hạ PL 2556

Thích Minh Tuệ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/10/2010(Xem: 48424)
11/08/2013(Xem: 43811)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.