Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (12)

21/09/20145:40 SA(Xem: 10510)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (12)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (12)


Đối xử với người phải giữ lòng trung
Giảng rộng
Chữ “trung” đó là do nơi trong lòng người, không thể xem dáng vẻ cung kính bên ngoài mà biết được. Cho nên giúp người hạn chế tai ương, ngăn ngừa hoạn nạn, đó là trung. Giúp người phô bày điều thiện, ngăn cấm sự tà vạy sai trái, đó cũng là trung. Vì người bôn ba xuôi ngược, đó là trung. Đem hết sức mình phụng sự người lãnh đạo đất nước, đó cũng là trung. 
Bằng như kẻ giúp việc điều hành đất nước mà chỉ biết trên nói sao dưới nghe theo vậy, bất kể đúng sai đều phụ họa, dua nịnh; nhân dân có điều khổ sở oán thán thì ém nhẹm không trình báo lên; chính sách có điều tốt đẹp, lợi lạc cho nhân dân cũng tránh né không mang ra thi hành; chỉ biết quan tâm riêng việc thôi thúc giao nộp thuế má, gọi đó là chấp hành pháp luật; lấy sự khắt khe soi mói người dân để gọi là công minh sáng suốt; đó chính là trường hợpMạnh Tử từng hết lời phản bác đối với những kẻ luôn ngụy biện rằng “vua của ta không thể làm được như thế”. Như vậy sao có thể gọi là trung?
Đối tượng của “lòng trung” không hẳn chỉ là riêng với người lãnh đạo đất nước. Như quan hệ cấp dưới đối với cấp trên, người giúp việc đối với chủ thuê, cho đến mọi quan hệ ứng xử giữa người với người, đều phải giữ lòng trung. Dưới đây lược cử 2 trường hợp để nêu lên ý nghĩa của lòng trung. 
Trưng dẫn sự tích
Tận tụy báo ơn chủ 
Vào đời nhà Minh, huyện Thuần An thuộc tỉnh Triết Giang có nhà họ Từ, anh em trong nhà cùng phân chia tài sản. Người anh cả được một con ngựa, anh kế được một con trâu. Người em út đã mất để lại vợ góa, chỉ được hai anh chia cho một người nô bộc tên A Ký. 
A Ký khi ấy đã hơn 50 tuổi. Người vợ góa liền khóc mà nói rằng: “Ngựa có thể dùng để cưỡi, trâu có thể dùng để cày ruộng, phần tôi nhận lão bộc này chỉ tốn cơm nuôi thôi.” 
A Ký liền hỏi lại: “Bà chủ nói như thế là cho rằng tôi đây không được bằng như trâu, như ngựa chăng?” Từ đó liền thay bà chủ nghĩ cách làm ăn sinh sống. Người vợ góa mang hết những đồ trang sức của mình bán đi, được cả thảy 12 lượng bạc. A Ký mang số bạc ấy đi lên vùng núi mua nhựa cây sơn về bán lại, chỉ trong một năm số vốn ấy đã tăng gấp 3 lần. Lại buôn bán trong 20 năm nữa, tích lũy gia sản cho người vợ góa lên đến hàng vạn lượng bạc. A Ký thay bà chủ gả chồng cho 3 người con gái, lại mời thầy giỏi về dạy học cho 2 người con trai, về sau đều kết thông gia với các gia đìnhdanh vọng, sính lễ lên đến hàng ngàn lượng bạc, lại dựa theo thông lệ xin được cho vào Thái học.
A Ký mỗi khi gặp người trong họ Từ, dù nhỏ tuổi cũng kính trọng chắp tay thi lễ. Suốt đời luôn giữ cung cách nghiêm trang, không bao giờ liếc nhìn bà chủ. Đối với những cô con gái của chủ, cho dù nhỏ tuổi nhưng ông vẫn giữ lễ không bao giờ đứng chung ngang hàng. Đến khi lâm bệnh nặng biết mình không qua khỏi, ông mang hết sổ sách quản lý giao lại cho bà chủ, nói rằng: “Hai vị tiểu chủ giờ đã có thể thay thế cai quản gia nghiệp, lão già này đem hết sức trâu ngựa báo đền ơn chủ, đến nay xem như đã xong.”
A Ký qua đời, xem lại nơi ông sống tuyệt nhiên không một chút tiền bạc của cải gì của nhà chủ. Vợ ông với một người con trai cũng chỉ vừa đủ y phục che thân mà thôi. 
Lời bàn
Giữ được tấm lòng như A Ký, làm tròn bổn phận như A Ký, vì chủ nhân mà mưu tính việc làm ăn sinh sống như A Ký, cho dẫu là bậc đại hiền cũng không thể làm hơn thế. Người như vậy mà rốt lại chỉ là một kẻ dân thường nơi xóm thôn vắng vẻ, quả thật đáng kinh ngạc lắm thay! 
Chủ nhân vẽ tượng lễ bái 
Đời nhà Thanh, vào niên hiệu Thuận Trị năm thứ nhất, vùng An Huy, huyện Thanh Dương, nhà Ngô Lục Phòng có người giúp việc tên là Ngô Mao, thường giữ Năm giới, làm nhiều việc thiện, niệm Phật không gián đoạn. Gặp lúc Tả Lương Ngọc đưa quân vượt Trường giang, cả nhà Ngô Lục Phòng đều phải đi lánh nạn, chỉ để lại một mình Ngô Mao thay chủ giữ nhà, rốt lại bị quân giặc bắt gặp đâm vào người 7 nhát mà chết. Vừa khi ấy có người em của Ngô Mao đến, Ngô Mao chợt tỉnh lại nói với em: “Anh đời trước tạo nhiều tội nghiệp, lẽ ra phải thọ sinh làm thân lợn trong 7 kiếp. Nay nhờ công đức trì giới niệm Phật nên chịu 7 nhát dao đâm mà giải trừ hết sạch oan nghiệp đời trước. Từ nay anh được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc.”
Về sau, người chủ là Ngô Lục Phòng có lần hốt nhiên nhìn thấy Ngô Mao trên đường thẳng đến, phía trước phía sau đều có cờ xí trang nghiêm che rợp. Ngô Mao đến trước Ngô Lục Phòng thi lễ rồi nói rằng: “Tôi là Ngô Mao, nhân có việc phải đến cõi trời, tình cờ ngang qua đây.” Nói xong thì biến mất. 
Ngô Lục Phòng liền cho người vẽ lại hình tượng Ngô Mao, mỗi ngày đều cung kính lễ bái
Lời bàn
Chịu 7 nhát dao đâm thay đổi được 7 kiếp làm thân lợn, đó gọi là nghiệp báo nặng mà thọ báo nhẹ, dứt được tội đời trước. Nhờ công đức niệm Phật mà được vãng sinh, đó gọi là chuyển đổi thân phàm phu nhập vào dòng thánh, do nền tảng tu tập chân chánh mà được hưởng quả siêu việt
Với cha mẹ ông bà phải hiếu thảo
Giảng rộng
Chỉ một chữ “hiếu thảo” đó, thật khó nói cho hết ý nghĩa! Kinh Thi có câu rằng: “Muốn báo đáp hết ân đức của cha mẹ, nhưng ân đức ấy thật mênh mông rộng lớn như trời cao không cùng tận.” Quả thật, con cái báo đáp công ơn cha mẹ, bất luận như thế nào, liệu có thể vượt quá trời cao được chăng? Sách vở từ xưa nay khuyên dạy, khuyến khích sự hiếu thảo thì hiện có rất nhiều, nay chỉ đơn cử những trường hợp ít thấy, hiếm nghe nói đến mà thôi. 
Người ta nếu không biết có đời sau, không tin nhân quả, thật cũng giống như người mù không thể nhìn thấy, người điếc không thể nghe được âm thanh. Người như vậy quả thậthạng thứ dân cùng khổ mà không thể kêu cầu với ai được cả. Vì sao vậy? Tự mình không biết có đời sau, tất nhiên cũng không biết cha mẹ mình còn có đời sau, nên dù có hết lòng thương yêu báo đáp song thân, chẳng qua cũng chỉ là trong một thời gian tạm thời, ngắn ngủi mà thôi. Tự mình không tin nhân quả, đương nhiên cũng không biết rằng cha mẹ sau này còn có nhân quả, nên dù có muốn vì cha mẹ mà dứt trừ khổ não, chẳng qua cũng chỉ làm được đôi điều nhỏ nhặt, giới hạn mà thôi. 
Có lần tôi nhìn thấy gà mẹ che chở cho đàn con mà thường lấy đó làm bài học nhắc nhở, tự cảnh tỉnh mình. Khi gà mẹ giương cánh che chở bảo vệ đàn con, quả thật tình cảm mẹ con lúc ấy sâu đậm lắm. Thế mà trải qua một thời gian rồi thì lần lượt bị người giết hại, khiến cho mẹ con chẳng còn có dịp gặp lại nhau. 
Chúng ta làm người thật ra cũng không khác mấy. Cha con, vợ chồng đang lúc cùng nhau sum họp, quả thật rất khó lòng chia cắt, lìa xa nhau. Nhưng một khi đến lúc sinh tử phân ly, thân mang bệnh khổ đớn đau, thì dù là người thân thiết nhất cũng không thể thay mình chịu đựng; cho đến bao nhiêu nghiệp ác đã tạo, cũng không ai có thể thay mình gánh chịu. Thậm chí đến lúc xả bỏ thân này đi vào cảnh giới trung ấm, đối mặt với ngàn vạn điều thống khổ, thì nơi chốn dương gian có thể là những người thân của ta trong gia đình lại đang cùng nhau mừng vui yến ẩm. Chăn mền còn đó, dẫu có muốn sớm chiều tận tâm chăm sóc cũng không còn được nữa; món ngon vật lạ không biết dâng ai, dù học theo Vương Tường “nằm băng bắt cá” nào có ích gì? Người xưa nói rằng: “Người con hiếu không thể chịu được việc cha mẹ chết mất.” Như thế chính là cha mẹ của ta thật ra chưa từng chết mất. Nói như thế lẽ đâu lại chỉ là chuyện hư dối sao? 
Đức Phật dạy rằng: “Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, người thế gian không thể báo đáp hết được. Ví như có người đặt cha lên vai trái, đặt mẹ lên vai phải, rồi đi như thế trong trăm năm, lại dâng lên cha mẹ đủ mọi nhu cầu, cũng không báo đáp hết được công ơn cha mẹ.” Như vậy, nếu chỉ theo những phương cách của thế tục thì dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể báo đáp được hết công ơn cha mẹ! Do đây mà suy xét, có thể biết chắc rằng trong đạo Phật nhất định phải có phương cách hoàn hảo để giúp người báo đáp công ơn cha mẹ
Trưng dẫn sự tích
Năm người mẹ bi thương 
Xưa có chú sa-di, năm 7 tuổi đã xin mẹ rời nhà xuất gia học đạo. Chuyên cần tu tập, đến năm 8 tuổi đã chứng được đạo quả, thấy biết việc đời trước. Nhân khi nhìn thấy việc đời trước liền than rằng: “Chỉ một thân này của ta mà làm khổ lụy đến 5 người mẹ! Trong đời thứ nhất, khi ta ra đời thì bên nhà hàng xóm cũng có người sinh con. Ta lại chết sớm, mẹ ta nhìn thấy con của người hàng xóm trưởng thành mà đau buồn khổ sở. Qua đời thứ hai ta sinh ra chưa được bao lâu thì chết, mẹ ta mỗi khi nhìn thấy người khác cho con bú thì lại nhớ đến ta, đau buồn khôn xiết. Sang đời thứ ba, ta được 10 tuổi thì chết. Mẹ ta mỗi khi thấy những đứa trẻ cùng tuổi ăn uống thì lại nhớ đến ta, đau khổ vô cùng. Sang đời thứ tư, ta chưa đến tuổi lấy vợ thì đã chết. Mẹ ta mỗi khi nhìn thấy những người bằng tuổi ta cưới vợ thì lại nhớ ta mà sinh tâm đau buồn. Nay là đời thứ năm, ta vừa được 7 tuổi đã xin xuất gia học đạo, mẹ ta ở nhà nhớ mong, lại cũng sinh tâm đau buồn. Cả năm người mẹ đều giống nhau ở một điểm là đau buồn sầu khổ vì mong nhớ ‘con của tôi’, đều nói rằng mình bị mất con mà sinh tâm bi thương buồn khổ không thôi. Ta quán xét cõi luân hồi sinh tử thật mê lầm như thế, phải chuyên cần tinh tấn tu tập Chánh đạo để thoát ra.”
Lời bàn
Tinh lực khí huyết một đời của cha mẹ, quá nửa đều là vì con cái mà hao tổn. Nhưng nếu xét theo những nỗi khổ như chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, cho đến bên ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn, thì sự khó nhọc chịu đựng của người mẹ lại có phần nhiều hơn. Tự xét lại hình hài này quả thật đáng trách, mang đến hệ lụy khó nhọc cho cha mẹ quá nhiều, mà báo đáp lo lắng cho cha mẹ lại quá ít. 
Chúng ta từ vô số kiếp đến nay, nếu đong lường lượng sữa mẹ đã dùng ắt là nhiều hơn nước trong biển cả; cho đến đại tiểu tiện làm nhơ nhớp trên thân cha mẹ, thật cũng nhiều hơn nước trong biển cả; thậm chí những khi sinh ra rồi chết sớm khiến cho cha mẹ phải buồn đau than khóc, nước mắt ấy cũng lại nhiều hơn nước trong biển cả. 

Hết thảy những việc ấy, thảy đều do nơi sinh tử luân hồi, khiến chúng ta luân chuyển đầu thai qua nhiều kiếp sống. Ví như đời này sang đời khác đều có thể hết lòng hiếu thảo, đều có thể khiến cho cha mẹ vui lòng, cũng chẳng bằng là không làm khổ lụy đến cha mẹ. Khổng tử nói rằng: “Phân xử việc tranh tụng của người đạt đến sự công minh, cũng không bằng khiến cho người không khởi việc tranh tụng.” Chẳng phải cũng là cùng một ý nghĩa như vậy đó sao? 
Cả nước đều biết hiếu dưỡng 
Cách đây vô số kiếp về trước, có một vương quốc nhiều điều tệ ác tên là Khí Lão. Theo luật của vua nước ấy, người ta đến tuổi già nua đều bị xua đuổi đi xa, không được sống trong nước nữa. Có một vị đại thần cực kỳ hiếu thảo, người cha đến tuổi già không nỡ đuổi đi, liền làm một gian mật thất để giấu cha nơi đó, hết lòng cung phụng nuôi dưỡng
Ngày kia, có một vị thiên thần mang đến 2 con rắn, hỏi quốc vương nước ấy rằng: “Nếu ông phân biệt được giữa 2 con rắn này, con nào là rắn đực, con nào là rắn cái thì ta sẽ bảo vệ cho đất nước này được an ổn. Bằng không, ta sẽ hủy diệt cả nước.” 
Nhà vua hết sức lo lắng, hỏi khắp trong triều không ai biết được câu trả lời. Vị đại thần kia liền mang câu hỏi ấy đến mật thất hỏi cha. Người cha bảo: “Hãy thả hai con rắn ấy lên trên một tấm thảm thật mềm mại rồi quan sát. Con nào co duỗi nhanh gấp, đó là rắn đực; con nào chịu nằm yên, chỉ cử động chậm chạp là rắn cái.” Đại thần liền y theo lời ấy trả lời với thiên thần
Thiên thần lại hỏi: “Người nào trong lúc mê mà gọi là tỉnh, trong lúc tỉnh mà gọi là mê?” Vị đại thần lại về hỏi cha, người cha nói: “Đó là vị tỳ-kheo đang tu tập. So với kẻ phàm phu, vị ấy là người tỉnh; so với vị A-la-hán, tỳ-kheo ấy là người còn mê.” Liền đáp với thiên thần như vậy. 
Thiên thần lại chỉ vào con voi của quốc vương, hỏi voi ấy nặng bao nhiêu cân. Cả triều đình đều mù mịt không nói được. Đại thần lại đến hỏi cha, người cha dạy: “Cho voi ấy lên thuyền rồi đánh dấu mức nước bên mạn thuyền. Sau đó cho đá lên cùng thuyền ấy cho đến khi thuyền chìm xuống đến đúng mức đã đánh dấu. Cân số đá ấy thì biết voi nặng bao nhiêu cân.” Liền dùng cách ấy đáp với thiên thần
Thiên thần lại hỏi: “Làm thế nào để một chén nước có thể nhiều hơn nước trong biển cả?” Đại thần lại hỏi cha, người cha đáp: “Nếu có thể khởi tâm chí thành đem một chén nước ấy cúng dường lên đức Phật, hoặc chư tăng, hoặc cha mẹ, hoặc người đang bị bệnh khổ nguy khốn, ắt sẽ được thọ hưởng phước báo không cùng tận. Biển cả tuy nhiều nước, bất quá cũng chỉ tồn tại trong một kiếp, so ra không bằng phước ấy.” Nhà vua y theo như vậy trả lời với thiên thần
Thiên thần liền hóa thành một người ốm đói gầy còm chỉ còn da bọc lấy xương rồi hỏi: “Trong đời còn có người nào thê thảm hơn ta nữa chăng?” Mọi người lại không ai biết câu trả lời. Đại thần về hỏi cha, người cha dạy phải trả lời với thiên thần rằng: “Nếu có người tham lam bủn xỉn, ganh ghét đố kỵ với người khác, đời sau ắt sẽ đọa vào cảnh giới ngạ quỷ, trong trăm ngàn vạn năm không được nghe đến tên gọi các loại nước, huống hồ là được uống, mỗi khi cử động thì các đốt xương đều sinh ra lửa nóng tự thiêu đốt. Người chịu cảnh đói khổ lửa thiêu như thế, tất nhiên còn thê thảm hơn ông gấp trăm ngàn vạn lần.”
Thiên thần lại hóa thành một người tay chân đều bị xiềng xích cùm khóa, trên cổ đeo gông nặng khóa chặt, trong thân hình bốc ra lửa nóng tự thiêu cháy toàn thân đỏ rực, đến hỏi quốc vương: “Thế gian này có người nào khổ sở đến mức như ta đây chăng?” Đại thần lại nghe theo lời cha mà trả lời rằng: “Nếu ai bất hiếu với cha mẹ, ngỗ nghịch làm hại bậc sư trưởng, khinh chê báng bổ Tam bảo, đời sau ắt phải đọa vào địa ngục, trong mỗi một ngày đêm chết đi sống lại đến vạn lần, cảnh ấy còn khổ sở hơn ông đến trăm ngàn vạn lần.”
Thiên thần lại hóa thành một người con gái đoan trang xinh đẹp không ai bằng, đến hỏi quốc vương: “Thế gian này có ai xinh đẹp hơn ta chăng?” Đại thần lại theo lời cha mà đáp rằng: “Nếu có người cung kính tin theo Tam bảo, hiếu thuận với cha mẹ, thường thực hành các pháp bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, trì giới, ắt sẽ được sinh lên cõi trời, thân hình đoan nghiêm thù thắng, vượt xa hơn cô trăm ngàn vạn lần. Nếu lấy hình thể của cô thế này mà so sánh với người ấy thì chẳng qua chỉ như con khỉ chột mắt mà thôi.”
Thiên thần lại đưa ra một cây gỗ chiên-đàn đã đẽo gọt bốn bề vuông vức bằng nhau rồi hỏi: “Phần nào là gốc, phần nào là ngọn?” Người cha của đại thần liền đưa ra câu trả lời rằng: “Chỉ cần thả cây xuống nước, phần chìm xuống thấp hơn là gốc, phần nổi cao hơn là ngọn.”
Thiên thần liền mang đến hai con ngựa cái hình dáng giống hệt như nhau, hỏi rằng: “Trong hai con ngựa này, con nào là ngựa mẹ, con nào là ngựa con?” Đại thần lại đến hỏi cha, người cha trả lời rằng: “Hãy mang cỏ đến cho ăn. Ngựa mẹ sẽ nhường cho con nó ăn trước.”
Cứ như vậy lại đưa ra rất nhiều câu hỏi, quan đại thần đều nhờ có sự hướng dẫn của người cha mà đối đáp thông suốt tất cả. Thiên thần hài lòng, hứa sẽ bảo vệ cho đất nước này. Nhà vua khi ấy rất vui mừng, liền hỏi vị đại thần: “Ông tự biết được những điều ấy chăng? Hay có ai dạy cho ông biết?” 
Vị đại thần liền nói thật mọi điều. Vua lập tức cho đón người cha của vị đại thần đến để phụng dưỡng, tôn làm bậc thầy. Đại thần liền tâu lên rằng: “Bệ hạ nên truyền lệnh cho người khắp nước từ nay không được xua đuổi người già nữa. Những kẻ bất hiếu với cha mẹ nên xử tội nặng.”
Vua chuẩn y theo lời ấy. Từ đó điều luật xấu ác kia được xóa bỏ, người trong khắp nước ấy đều biết hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ
Lời bàn
Đức Phật kể lại chuyện này rồi nói rằng: “Người cha của đại thần thuở ấy, nay chính là ta. Đại thần thuở ấy, nay là Xá-lợi-phất. Quốc vương thuở ấy, nay là vua A-xà-thế. Vị thiên thần thuở ấy, nay chính là A-nan.”
Hương lạ bay xa 
Đời nhà Đường, quan thứ sử Từ Châu là Vương Thiên Thạch, tính tình nhân ái, từ hòa, hiếu thuận, nổi tiếng là người điềm tĩnh, thận trọng, lại tinh thông kinh điển Phật giáo. Niên hiệu Trinh Quán năm thứ 6, người cha của ông qua đời, ông buồn thương đau đớn quá độ. Sau khi lập phần mộ, ông dựng một lều tranh nhỏ bên trái phần mộ, mỗi đêm đều ở đó tụng kinh Phật, hồi hướng phước báo cho cha. Người trong vùng ấy thường nghe có tiếng gõ khánh ngân vang, âm thanh cực kỳ trong trẻo êm tai, lại có hương thơm lạ lùng bay xa ra quanh đó rất nhiều dặm. 
Lời bàn
Những người vừa mới qua đời, thần thức trong trạng thái trung ấm giống như hôn mê, phía trước không thấy ánh sáng, nhìn quanh không có ai là bạn bè thân thích. Trong khoảng thời gian 7 tuần thất, mỗi tuần thất là 7 ngày, cả thảy 49 ngày, luôn ở trong tâm trạng kinh khiếp sợ hãi, nỗi khổ ấy thật khôn lường, lúc nào cũng hướng đến những người thân nơi dương thế, cầu mong họ làm điều phước thiện hồi hướng cho mình để giảm bớt tội lỗi. Vì thế, con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ, không chỉ lo cho thi hài được có nơi an táng chu đáo, mà còn phải lo sao cho thần thức người quá cố được có chỗ quay về nương dựa an ổn nữa. Ví như hạt đào hạt mận, có thể dùng để tiếp nối sinh sản không dứt chính là nhờ nơi cái nhân bên trong. Người đời nay chỉ biết lo việc chí thành phụng dưỡng cha mẹ lúc sinh tiền, an táng chu đáo lúc qua đời, nhưng không biết đến việc lo cho thần thức cha mẹ có chỗ quay về nương dựa an ổn, như vậy há chẳng phải là chỉ lo giữ gìn bảo vệ phần vỏ bên ngoài mà lại vất bỏ đi cái nhân bên trong rồi sao?
Xuất gia báo đáp ơn cha 
Vào đời Đường, có người họ Tạ, cha làm nghề đánh cá, một hôm rơi xuống nước mà chết. Người ấy nghĩ, cha mình tạo nghiệp giết hại quá nhiều, nay chết chắc chắn phải đọa vào đường dữ. Nghĩ vậy liền xuống tóc xuất gia làm một vị tăng, pháp danhSư Bị. Ông dốc lòng tu tập chuyên cần, khó nhọc, giữ hạnh đầu đà
Một hôm, Sư Bị cùng chúng tăng có việc ra khỏi núi, rủi ro vấp phải cục đá cắt thành vết thương nơi chân, máu tuôn lênh láng, ngay khi nhìn thấy máu chảy hốt nhiên đại ngộ. Sau đó, ngài mộng thấy người cha hiện về tạ ơn, nói rằng: “Nhờ có con xuất gia, liễu ngộ tâm tánh, nên ta đã được sinh về cõi trời, nay đến đây để báo cho con được biết.”
Lời bàn
Trong kinh Hiền ngu nhân duyên (賢愚因緣經) có dạy rằng: “Ví như có một thầy thuốc giỏi, chữa trị cho 100 người mù đều được sáng mắt. Lại có một người đủ thế lực, ra sức cứu thoát cho 100 người khỏi tội móc mắt, không bị mù lòa. Tuy rằng cả 2 người ấy đều được phước báo vô lượng, nhưng vẫn không bằng phước báo của người tạo điều kiện cho người khác xuất gia hoặc tự mình xuất gia tu tập.”
Như vậy, việc con cái xuất gia tu tậpcha mẹ nhờ phước ấy được sinh cõi trời thật không có gì phải nghi ngờ cả. 
Tu sám pháp tìm được mẹ 
Đời nhà Tống có người tên Chu Thọ Xương, là con của quan Hình bộ Thị Lang Chu Tốn. Mẹ ông xuất thân từ gia tộc thấp hèn. Năm Thọ Xương lên 7 tuổi, Chu Tốn đến trấn nhậm vùng Ung châu, sắp đặt cho mẹ ông kết hôn với người khác trong dân gian. Đến khi ông lớn lên không có mẹ, buồn thương không dứt, cuối cùng từ bỏ chức quan để đi tìm mẹ. Tìm khắp bốn phương, trải qua nhiều gian khổ mà vẫn không gặp được mẹ.
Chu Thọ Xương trích huyết chép một bộ Thủy Sám, lại khắc bản in lưu hành khắp nơi, ngày đêm thường trì tụng bộ sám ấy không ngừng nghỉ. Sau ông đi đến Đồng châu, bỗng nhiên được gặp lại mẹ. Mẹ con ôm nhau khóc, người đi đường ai nấy nhìn thấy đều cảm động. Ông liền đón mẹ về nhà phụng dưỡng. Không bao lâu sau ông lại ra làm quan, nhận chức Tư nông Thiếu khanh. Hàng trí thức đương thời rất nhiều người đem chuyện của ông viết lại thành truyện để lưu truyền.
Lời bàn
Trích huyết chép sám pháp, lại ngày đêm trì tụng, thật chí thành biết bao! Nhờ việc ấy mà mẹ con được gặp lại nhau, đó cũng là lẽ đương nhiên. Chu Hy sau này khi biên soạn sách Tiểu học có đưa vào sự tích Chu Thọ Xương tìm mẹ, nhưng lại lược bỏ mất chi tiết này, khiến cho người đọc không thể hiểu được nguyên nhân vì sao?
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/10/2010(Xem: 48425)
11/08/2013(Xem: 43813)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.