- Mạn đàm về chiếc bao lì xì và bàn tay của thiền sư Ma Tuyến
- Câu chuyện về nhà sư Tai-lô-pa
- Phương pháp phát huy sự quán thấy sâu xa và loại bỏ tận gốc các uế tạp tâm thần
- Từ bản chất tâm thức nguyên sinh trong sáng và rạng ngời thế nhưng đã bị các thứ ô nhiễm tâm thần biến thành u mê.
- Làm thế nào có thể vừa quảng bá lòng từ bi lại vừa giết súc vật để ăn
- Những sự nghịch lý trong thời đại chúng ta
- Tại sao cần phải thiền định?
- Sự thật không hiển lộ từ trí nhớ cũng không phát sinh từ kiến thức mà từ sự hiểu biết
- Vai Trò Của Người Thầy Và Người Trò Trong Phật Giáo
- Bài kinh về ngọn lửa
- Phật giáo: một thể dạng phi-bạo-lực của nội tâm
- Đi Nghe Buổi Thuyết Trình Về Ăn Chay Của Bác Sĩ Jérôm Bernard-pellet.
Hoang Phong
Biên khảo và chuyển ngữ
ĐÔI BÀN TAY ĐỂ NGỬA
Nhà xuất bản Hồng Đức 2016
Nhiều người tu tập Phật Giáo cảm thấy hoang mang khi nghe nói có các vị thầy Phật Giáo không tuân thủ một số giới luật, chẳng hạn như uống rượu, sống chung với các thành viên khác trong tập thể tu hành, v.v. Có những trường hợp ngoại lệ nào cho phép không tuân thủ giới luật hay không?
Câu hỏi này thực sự cũng không có gì đặc biệt lắm và có thể mang hậu ý chê trách tác phong lệch lạc của vài người tu hành Phật Giáo. Các tác phong đại loại như thế thật ra cũng hết sức khó tránh trong lãnh vực tôn giáo, không riêng gì Phật giáo, cũng như trong các tổ chức sinh hoạt khác của xã hội nói chung.
Trong một buổi thuyết giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma vào mùa xuân năm 1984 tại thành phố Luân-đôn, câu hỏi này đã được một Phật tử nêu lên. Câu trả lời của Đức Đạt-lai Lạt-ma không những rất khéo mà còn mở ra một góc nhìn khác về một hướng đi "khác thường" của một số các nhà sư Phật Giáo mà chúng ta thường không chú ý đến. Ngài đã trả lời câu hỏi trên như sau :
- "Nhằm biến cải dòng tri thức tâm thần được chín chắn hơn, kinh sách của Bồ-tát Thừa (Đại Thừa nói chung) khuyên những người tu hành nên học hỏi về sáu điều hoàn hảo (sáu paramita/lục ba-la-mật, tức là các giới hạnh của người bồ-tát): sự hào phóng, đạo đức, sự nhẫn nhục, lòng hăng say, sự tập trung, trí tuệ (kinh sách gốc Hán ngữ gọi là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ). Nhằm biến cải dòng tri thức của người khác được chín chắn hơn thì sẽ có bốn phương pháp sau đây:
1- bố thí cho họ của cải vật chất.
2- thuyết giảng cho họ bằng những ngôn từ khả ái và thích nghi giúp họ ý thức được là phải tu tập như thế nào hầu có thể mang lại cho mình các kiếp tái sinh tốt đẹp hơn qua các chu kỳ hiện hữu, hoặc là phải làm thế nào để có thể đưa đến sự giải thoát cuối cùng.
3- giúp họ nhận thấy những gì thật sự bổ ích trong việc tu tập của mình và những gì tai hại cần phải tránh.
4- phải tuân thủ những gì mà mình mang ra giảng dạy cho kẻ khác.
(Kinh sách gốc Hán ngữ gọi bốn phương pháp trên đây là Tứ Nhiếp Pháp: bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hạnh nhiếp và đồng sự nhiếp)
"Tóm lại, những gì mình giảng cho kẻ khác thì mình cũng phải áp dụng cho chính mình. Thật không có gì mâu thuẫn hơn khi khuyên kẻ khác những gì cần phải tu sửa thế nhưng về phần mình thì chính mình lại không chấp hành. Nói thẳng ra là nếu nhận thấy việc tu tập của một người nào đó không phù hợp với những lời giảng huấn của họ, thì có nghĩa là người này không hội đủ phẩm tính của một người hướng dẫn tinh thần.
"Nói thế để hiểu rằng trước khi tu tập với một người thầy nào thì người đệ tử phải xét đoán thật cẩn thận xem người ấy có thật sự hội đủ các phẩm tính cần thiết của một vị đạo sư, đúng theo những gì mà chính Đức Phật đã nêu lên trong các tập luận về đạo đức (Luật Tạng) cũng như qua các bài thuyết giảng của Ngài và các kinh sách tan-tra hay không. Cũng thế, nếu một người nào đó muốn trở thành một vị lạt-ma thuyết giảng cho kẻ khác thì phải trau dồi và thực hiện được các phẩm tính ấy cho mình.
"Kinh sách tan-tra cho biết những người tu tập khi đã đạt được các cấp bậc thực hiện thật cao cũng có thể hành xử một cách khác thường. Cấp bậc tối thiểu xác nhận một người tu tập tan-tra mang khả năng hành xử bất bình thường, được gọi là sự thực hiện được khả năng. Vậy sự thực hiện được khả năng có nghĩa là gì? Đại sư Droukpa Kagyupa Padma Garbo (còn được gọi vắn tắt hơn là Péma Karpo, 1527-1592, là một vị đại sư và học giả rất uyên bác của học phái Ca-nhĩ-cư/Kagyupa) cho biết rằng sự thực hiện cấp bậc này đòi hỏi người du-già phải đủ khả năng dựa vào sức mạnh của các phép luyện tập du-già nhằm giúp mình loại bỏ được tình trạng bị mất lòng tin của kẻ khác nhờ vào các cách hành xử bất bình thường của mình. Đó cũng là trường hợp của vị đại sư uyên bác Tai-lô-pa (Tilopa, 988-1069?, một vị đại sư rất nổi tiếng và cũng là người sáng lập ra học phái Mahamudra/Đại Thủ Ấn) đã từng thực hiện nhiều phép mầu nhiệm khiến nhà sư Na-rô-pa (Naropa, 1016-1100, trụ trì đại học Na-lan-đà) phải hết lòng thán phục. Tai-lô-pa là một người đã hoàn toàn hội đủ khả năng tái lập lại sự tin tưởng và đức tinmà người đệ tử của mình đã có từ trước (Na-rô-pa nghe nói vị đại sự khác thường Tai-lô-pa là người có thể thực hiện được nhiều phép mầu nhiệm, bèn rời tu viện Na-lan-đà đi tìm và đã đích thân chứng kiến các phép thần thông do vị này thực hiện). Các hành vi khác thường trên đây chỉ có thể thực hiện được với một "khả năng" nào đó mà thôi. Đối với một vị lạt-ma chưa thực hiện được "khả năng" ấy mà cứ cho rằng cách hành xử của mình là các sự "sinh hoạt siêu việt và khác thường" mà chỉ có các vị Đại Sư mới có thể thực hiện được, thì đấy cũng chỉ đơn giản có nghĩa là mình đang đứng trước một bức tường".
Câu trả lời trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma gồm có hai phần:
Trong phần thứ nhất Ngài trả lời một cách thật trực tiếp và thẳng thắn về các thắc mắc liên quan đến tác phong của một số nhà sư, thế nhưng Ngài không chê trách họ theo ẩn ý phía sau câu hỏi. Thật vậy bất cứ một tôn giáo nào hay một tổ chức sinh hoạt nào trong xã hội cũng đều có những người lợi dụng: hoặc vì tư lợi, hoặc bị thúc đẩy bởi các hình thức bản năng thấp kém, hoặc vì mục đích chính trị, v.v. Quả cũng không có gì để quan tâm và bàn thảo thêm về vấn đề này.
Tuy nhiên trong phần thứ haì của câu trả lời, Đức Đạt-lai Lạt-ma có nêu lên một "thể loại" nhà sư khác thường, có thể là khá xa lạ và ít được biết đến đối với những người tu tập theo Phật Giáo Theravada và đối với cả những người tu tập theo một số các tông phái Đại Thừa khác như Tịnh Độ hay Thiền Học... Họ được gọi là các vị mahasiddha: maha có nghĩa là lớn, siddha có nghĩa là khả năng kỳ diệu (miraculous power), kinh sách gốc Hán ngữ dịch âm là Ma-ha Tất-đạt, hoặc dịch nghĩa là Đại thành tựu giả, hoặc còn gọi là Đại Giác. Đức Đạt-lai Lạt-ma nêu lên trường hợp của hai vị đại sư Tai-lô-pa (Tilopa) và Na-rô-pa (Naropa) tiêu biểu cho các vị mahasiddha trên đây.
Chúng ta thường quen nhìn vào các nhà sư theo hai đường hướng tu tập của họ là Phật Giáo Theravada và Phật Giáo Đại Thừa, thế nhưng có thể là ít quan tâm hơn đến các vị mahasiddha là các nhà sư tu tập theo Tan-tra Thừa hay Kim Cương Thừa. Các vị này có một cuộc sống rất đa dạng, vượt khỏi các lề lối và khuôn mẫu thường tình. Họ có thể là nam hay nữ, và không nhất thiết chỉ sinh hoạt trong chốn chùa chiền mà thường hòa mình vào cuộc sống thế tục hoặc có thể rút lui vào các hang động hẻo lánh và chỉ chuyên luyện tập cho các đệ tử của mình. Điểm khác biệt và cũng tiêu biểu nhất là họ đã đạt được các khả năng kỳ diệu và thực hiện được nhiều phép mầu nhiệm và thường có những tác phong "quái dị", vượt khỏi các quan niệm thông thường trong cuộc sống thường tình. Các khả năng kỳ diệu và phong cách sống đó của họ tương phản một cách rõ rệt với sự nghiêm túc của các nhà sư Phật Giáo Theravada và sự uyên bác của các vị tu hành theo Phật Giáo Đại Thừa, nhất là trong giai đoạn bộc phát của tông phái này từ thế kỷ thứ II đến thứ VI, chẳng hạn như các ngài Long Thụ, Vô Trước, Thế Thân, Trần Na....
Các vị mahasiddha xuất hiện vào giai đoạn khi Kim Cương Thừa phát triển sâu rộng nhất tại Ấn Độ, kể từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XII, trước khi Phật Giáo nói chung hoàn toàn biến mất trên toàn thể bán lục địa này vào thế kỷ XIII. Họ gồm có 84 vị tất cả, thế nhưng đối với nền văn hóa Ấn Độ thì con số này cũng chỉ mang tính cách tượng trưng, tương tự như con số 84.000 phương tiện thiện xảo thường được nói đến trong kinh sách. Tuy nhiên và cũng thật may mắn là Phật Giáo Tan-tra đã được đưa vào Tây Tạng trước đó khoảng hai thế kỷ và đã được tiếp tục phát triển trên mảnh đất này cho đến nay.
Tai-lô-pa là vị mahasiddha đầu tiên trong dòng truyền thừa Đại Thủ Ấn (Mahamudra) của học phái Ca-nhĩ-cư (Kagyupa) của Tây Tạng. Ông sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn trong vùng vịnh Bengale thuộc đông bắc nước Ấn. Lúc cậu bé Tai-lô-pa được tám tuổi một hôm khi đứng cạnh mẹ thì có một bà lão xấu xí, da xanh mét trông thật kinh khiếp, tiến đến gần và ra lệnh cho người mẹ phải cho con mình đi học và giao đàn trâu của gia đình cho nó chăn giữ. Một hôm trong khi vừa học vừa chăn trâu thì cậu bé trông thấy bà lão hiện ra và cho biết rằng đàn trâu đang chăn giữ chính là các kinh nghiệm cảm nhận sâu xa của cậu, quê hương đích thật của cậu là xứ Oddiyana (một vương quốc nhỏ theo Phật Giáo vào thế kỷ thứ I, nằm trong thung lũng Wat thuộc Pakistan ngày nay), cha đích thật của cậu là Cakrasamvara (một vị thần linh nam giới), và mẹ đích thật của cậu là Vajrayogini (một vị thần linh nữ giới), và bà lão là Dakini (một nữ thần phù trợ, kinh sách gốc Hán ngữ gọi là Không Hành Nữ) chính là chị của cậu.
Truyền thuyết còn ghi rằng một hôm cậu bé có gặp Long Thụ (Long Thụ sống vào thế kỷ thứ II, nếu gặp được vị này thì đấy chỉ là hóa thân của Long Thụ). Long Thụ nhờ cậu cõng mình vượt sang một con sông. Cậu bé chấp nhận, Long Thụ bèn biến thân xác mình trở nên thật nhẹ cho cậu bé cõng, thế nhưng đến giữa dòng thì Long Thụ lại biến thân xác trở lại sức nặng bình thường. Tuy nặng nhưng cậu bé vẫn cố sức đưa Long Thụ sang được đến bờ bên kia. Sau đó nhờ vào sức mạnh phù trợ của Long Thụ cậu bé đạt được các khả năng vượt bực và khi lớn lên được mọi người kính phục và phong làm vua trong một dịp thật kỳ lạ và bất ngờ. Thế nhưng không lâu sau đó thì cậu ta thoái vị và xin xuất gia trong tu viện Somapuri (Somapuri Mahavihara, là một tu viện đại học đồ sộ không thua kém tu viện đại học Na-lan-đà, ngày nay nằm trong lãnh thổ của xứ Bangladesh. Di tích của tu viện đồ sộ này trải rộng trên một diện tích khoảng hai mươi bảy mẩu đã được UNESCO thừa nhận là di sản thế giới vào năm 1985). Ông được thụ phong tỳ kheo và được dịp tu học về Tan-tra Thừa với nhiều vị đại sư trong tu viện này, và cũng đã học được phép "nội nhiệt" (tiếng Phạn là candali, tiếng Tây Tạng là gtum-mo hay tumo, là một phép luyện tập giúp làm tỏa nhiệt trong cơ thể, giữa mùa đông cũng chỉ cần mặc một chiếc áo mỏng. Các nhà sư Tây Tạng ngày nay vẫn còn giữ được phép luyện tập này).
Thế nhưng tác phong của ông khiến nhiều người trong tu viện không thích nên đã khai trừ ông. Lang thang trong mười hai năm liền, bỗng dưng một hôm bà lão ngày xưa lại hiện ra và khuyên ông không nên giữ những lời thệ nguyện của mình nữa mà hãy sống hòa mình vào thế giới trần tục, nhưng phải kín đáo tiếp tục tu tập. Trong khu chợ của thị trấn Pancapana (trong vịnh Bengale ngày nay) ông gặp một người phụ nữ làm điếm tên là Darima và sau đó đã trở thành người bảo hộ cho người phụ nữ này, đêm thì ông dẫn khách ngày thì giã mè lấy dầu để bán. Tên gọi Tai-lô-pa của ông là do nghề giã mè này mà ra: chữ tila trong tiếng Phạn có nghĩa là "mè".
Sau sáu năm âm thầm tu tập ông đạt được sự viên mãn (cấp bậc "thực hiện được khả năng" mà Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói đến trong câu trả lời cho một thính giả thắc mắc về tác phong của một số nhà sư) và sau đó đã đặt một cánh hoa lên đầu Darima và giải thoát cho người phụ nữ này khỏi vòng luân hồi. Một hôm bà lão lại hiện ra và trao cho Tai-lô-pa một chiếc thang bằng thủy tinh, một chiếc cầu bằng ngọc và một chiếc chìa khóa làm bằng các cành lá quý và khuyên ông hãy tìm đến lâu đài của các vị nữ thần dakini (kinh sách tiếng Hán gọi là không hành nữ) trên một hòn đảo ở giữa một cái hồ lớn mà nước trong hồ toàn là độc dược (xin lưu ý là các chi tiết nêu lên trong tiểu sử của các vị thánh nhân thường là mang tính cách biểu trưng. Trong trường hợp trên đây, chiếc cầu bằng ngọc biểu trưng cho các điều xứng đáng giúp mình tiếp nhận những lời giáo huấn; chiếc thang bằng thủy tinh biểu trưng cho trí tuệ, cành lá làm chiếc chìa khóa là dược thảo, v.v.). Sau khi đã vượt được tất cả các thử thách, Tai-lô-pa thâm nhập được vào mạn-đà-la (thế giới) của chính vị nữ thần Vajrayogini (vị thần linh nữ giới biểu trưng cho trí tuệ). Tai-lô-pa không quỳ lạy mà còn sai khiến vị nữ thần này phải truyền đạt cho mình phép tu tập Đại Thủ Ấn (Mahamudra) và sau đó đã hòa nhập với vị nữ thần này (tức là trí tuệ) và đã đạt được giác ngộ toàn vẹn. Ông trở thành người đầu tiên trong dòng truyền thừa Đại Thủ Ấn.
Nai-rô-pa cũng là một vị mahasiddha, con vua Kalyanavarman trong một vương quốc thuộc vùng vịnh Bengale. Lớn lên ông có ý định xuất gia, thế nhưng vua cha và hoàng hậu ngăn cản và buộc ông phải cưới một nàng công chúa tên là Vimalapidi. Sau tám năm chung sống ông lại có ý định xuất gia, công chúa Vimalapidi cũng không ngăn cản (một số tư liệu còn cho biết thêm là bà Vimalapidi sau này đã trở thành đệ tử của ông). Ông được nhận vào đại học Na-lan-đà và tu học rất chuyên cần, và đã trở thành một luận gia vô cùng xuất sắc về triết học Phật Giáo, và sau đó được đề cử giữ chức trụ trì trấn giữ cửa bắc (tức là vị trụ trì cao nhất trong số bốn vị đồng trụ trì của đại học).
Một hôm đang nghiên cứu trong thư viện thì có một bà lão xấu xí hiện ra và cất lời hỏi ông rằng ông hiểu "ý nghĩa" hay là "hiểu chữ". Nai-rô-pa trả lời là "Hiểu chữ" nhưng chưa kịp nói thêm là "hiểu cả ý", thì bà lão đã vội bảo rằng: "Em ta là Tai-lô-pa hiểu được ý nghĩa" và liền biến mất. Nai-rô-pa bèn rời bỏ đại học Na-lan-đà đi tìm Tai-lô-pa, mặc dù tăng đoàn đều khuyên ông ở lại với họ.
Trên khắp các nẻo đường tìm kiếm, không biết bao nhiêu lần Tai-lô-pa đã hiện ra với ông, nhưng ông không hề trông thấy. Tai-lô-pa hiện ra dưới nhiều hình thức khác nhau: một người phụ nữ cùi hủi thật kinh khiếp, một con chó ghẻ lở dòi bọ bám đầy, một người đàn ông mổ bụng một người còn đang sống và móc ruột gan trụng vào nước sôi, một người chài lưới rán các con cá còn sống đang giãy dụa, một người ăn mày xin bắt rận cho ông, v.v. và v.v. Quá thất vọng vì không tìm được Tai-lô-pa ông suýt tự tử, thế nhưng đúng vào lúc ấy, ông nghe văng vẳng dường như có ai nói với ông: "Này anh chàng kia, tiếc cho ngươi chẳng tìm thấy vị đạo sư của mình? Làm thế nào ngươi có thể tìm thấy được vị ấy khi mà chính mình đã giết chết vị Phật trong lòng mình? Thật vậy ta nào có phải là kẻ để cho mi tìm kiếm đâu!"(Tai-lô-pa hiện ra qua các thể dạng thật ghê tởm và kinh khiếp là để thử lòng từ bi của Nai-rô-pa, thế nhưng ông thất vọng vì không nhận thấy một chút phản ứng nào của Nai-rô-pa cả. Dù thành tâm đi tìm Tai-lô-pa nhưng ông đã "giết chết" vị Phật tức là lòng từ bi trong lòng mình). Sau khi nghe câu nói ấy thì Nai-rô-pa mới chợt hiểu là Tai-lô-pa đã từng ở bên cạnh mình từ những ngày đầu tiên khi rời đại học Na-lan-đà.
Một cách vắn tắt là sau sự gặp gỡ đó Tai-lô-pa trực tiếp thử thách Nai-rô-pa thêm nhiều lần nữa trước khi truyền thụ giáo pháp Đại Thủ Ấn cho ông và ông đã đạt được giác ngộ toàn vẹn. Sau nhiều biến cố và các cuộc phiêu du khác Na-rô-pa dừng chân nơi ngôi chùa Siromani và thu nạp nhiều đệ tử rất giỏi.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời của các vị này thì có thể xem các tập luận giải của học phái Đại Thủ Ấn. Ngoài ra nếu muốn tìm hiểu về các phép thần thông và mầu nhiệm của các vị mahasiddha Tây Tạng thì có thể đọc các sách của một nữ phật tử người Pháp thật phi thường nhưng cũng thật khác thường là bà Alexandra David-Néel (1868-1969). Bà từng biệt tu trong một hang động trên dãy Hy-mã Lạp-sơn và cũng đã từng chứng kiến các phép thấn thông của các nhà sư Tây Tạng. Chính bà cũng đã học được phép phát động nội nhiệt. Ngoài ra cũng xin thuật lại một câu chuyện nhỏ về nhà sư người Pháp rất nổi tiếng tu tập theo Phật Giáo Tây Tạng là Matthieu Ricard. Trong một quyển sách ông có kể lại rằng một hôm đang ngồi thiền trong một tu viện trên miền bắc Ấn, bỗng dưng ông nhớ lại ngày nhỏ mình có bắn chim. Ông bèn đi tìm vị thầy của mình để hỏi về việc này. Trong dãy hành lang thật dài của tu viện ông trông thấy thầy mình từ xa đi đến, chưa kịp hỏi thì thầy ông đã mỉm cười và cất lời hỏi trước rằng ông đã bắn chết bao nhiêu con chim! Các việc thần giao cách cảm như thế rất thường xảy ra với các nhà sư Tây Tạng cao thâm.
Đức Đạt-lai Lạt-ma lúc nào cũng cho biết mình chỉ là một nhà sư Phật Giáo thật bình dị và khiêm tốn. Trong một vài quyển sách Ngài có nêu lên, hoặc nghe người khác thuật lại về một vài khả năng phi thường và lạ lùng của các nhà sư Tây Tạng trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Trong Luật Tạng có nêu lên giới luật cấm các vị tỳ kheo huênh hoang về các khả năng của mình, nếu vi phạm giới luật này thì sẽ bị khai trừ vĩnh viễn khỏi tăng đoàn. Thật vậy mục đích tối thượng của giáo huấn Phật Giáo là sự giác ngộ, các khả năng nếu đạt được trên con đường thì cũng chỉ là các phương tiện thiện xảo nhằm trợ giúp kẻ khác cùng bước đi với mình, hoặc đấy cũng chỉ là các thể dạng tự nhiên, thứ yếu và phụ thuộc xảy đến với mình trên con đường mà mình đang bước đi.
Bures-Sur-Yvette, 01.09.14
Hoang Phong