AN SĨ TOÀN THƯ
KHUYÊN NGƯỜI BỎ SỰ GIẾT HẠI
Nguyên tác: Vạn thiện tiên tư tập
Chu An Sỹ - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016
Quyển Ba - Biện giải những điều nghi hoặc
Sai lầm của thuyết “trời sinh vật nuôi người”
Hỏi: [Sách Thượng thư, thiên Thái thệ nói rằng:] “Trời đất là cha mẹ sinh ra muôn vật. Trong muôn vật thì con người là thiêng liêng nhất, vì thế nên trời mới sinh ra các loài vật, vốn chỉ là để nuôi dưỡng con người.” Nay khuyên người bỏ sự giết hại loài vật, chẳng phải hết sức trái ngược ý trời hay sao?
Đáp: Nếu đã biết trời đất là cha mẹ sinh ra muôn vật, sao không biết rằng muôn vật đều như con đỏ của cha trời, mẹ đất? Trong một bầy con mà đứa mạnh hiếp đứa yếu, đứa sang quý khinh rẻ đứa nghèo hèn, thì bậc làm cha mẹ ắt phải hết sức không vui. Nếu con người ăn thịt muôn loài rồi cho rằng trời sinh ra chúng để nuôi mình, thì các loài hổ báo ăn thịt người, muỗi mòng chích hút máu người, phải chăng cũng sẽ cho rằng trời sinh ra con người là để nuôi dưỡng chúng?
Hỏi: Thế sao trời không cấm hẳn việc người giết hại loài vật?
Đáp: Trời vốn đã có sự ngăn cấm, vì thế mới có những quả báo xấu ác của việc giết hại. Nhưng không thể cấm hết tất cả mọi người, cũng giống như không thể ngăn cấm tất cả các loài hổ báo, muỗi mòng kia vậy.
Hỏi: Nếu chẳng phải trời sinh vật để dưỡng nhân, như vậy ắt những loài như chim, thú, cá, rùa... đều không nên sinh ra. Vì sao ngày nay vẫn thấy chúng sinh sản đầy dẫy khắp nơi như vậy?
Đáp: Những loài vật ấy đều do chính nghiệp lực tự thân của chúng mà phải sinh ra làm chim, thú, cá, rùa... Nếu quy nguyên nhân sinh ra của chúng cho trời, thì hóa ra trời thật hết sức bất công. Còn nếu nói chúng do những khí chất trái nghịch của trời đất mà sinh ra, vậy xin hỏi vì sao chỉ riêng những con vật ấy là nhận lãnh khí chất trái nghịch?
Hỏi: Trong thiên hạ này có rất nhiều loài vật. Nếu con người ai ai cũng từ bỏ sự giết hại, không ăn thịt chúng, ắt phải sinh sôi nảy nở nhanh chóng khắp nơi, tương lai sẽ thành một thế giới đầy cầm thú, lúc ấy biết phải làm sao?
Đáp: Có những loài như giun đất, trùng, rắn... con người không bắt ăn thịt, nhưng cũng không thấy chúng sinh ra đầy khắp thiên hạ. Huống chi thế gian này có nhiều cầm thú, vốn thật là do con người giết hại quá nhiều cầm thú mà ra. [Người giết thú, chết sinh thành thú], món nợ giết hại trả vay, vay trả, qua lại với nhau nên cùng sinh vào loài cầm thú, nếu cứ như thế ắt sẽ thành cả thế giới cầm thú mà thôi. Nếu người người đều bỏ sự giết hại, ắt nghiệp báo sinh làm loài vật sẽ dần dần tiêu mất, mà chúng sinh hai cõi trời, người ngày càng nhiều hơn. Xem như người nước Sở không bắt ếch mà ở đó ếch ngày càng ít đi, người nước Thục không ăn cua mà loài cua ở đó ngày một hiếm, chẳng phải đã chứng nghiệm rõ ràng rồi sao? Hơn nữa, ngày nay ông hãy còn chưa tự mình từ bỏ sự giết hại mà đã lo toan đến việc loài vật sinh ra quá nhiều, so với câu chuyện người nông dân chưa gieo giống xuống mà đã lo người trong thiên hạ phải vỡ bụng vì dư thừa thóc lúa, thật [cũ ng ngây ngô] có khác gì nhau?
Hỏi: Trời đã ghét việc giết hại, lẽ ra nên làm cho máu thịt chúng sinh trở thành hôi thối khó chịu, tự nhiên người trong thiên hạ sẽ chẳng còn ai giết hại nữa, như vậy chẳng tốt hơn sao?
Đáp: Máu thịt của cầm thú vốn thật hôi tanh khó chịu, nhưng con người ăn vào lại cho là ngon ngọt. Điều đó có hai nguyên nhân. Một là do nghiệp lực của loài vật, hai là do nghiệp lực của con người, nên hóa ra như thế. Nghiệp báo của loài vật khi chưa được giải thoát thì tự nhiên thân thể máu thịt chúng hóa thành vị ngon ngọt, cám dỗ người đời giết mổ mà ăn. Nghiệp báo của con người khi chưa được giải thoát thì miệng lưỡi tự nhiên tham muốn những mùi vị béo ngọt [từ máu thịt loài vật], tìm đủ mọi cách gây thành món nợ hại mạng. Nếu nghiệp lực của người và vật, đôi bên đều dứt, tự nhiên sẽ không còn việc ăn nuốt máu thịt chúng sinh.
Ví như có người trong đời trước làm mèo, lúc nào cũng nghĩ đến việc bắt chuột, đời trước làm chim hạc, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện bắt rắn, nhưng từ khi tái sinh vào kiếp người ắt không còn những ý nghĩ bắt chuột, bắt rắn nữa. Qua đó có thể thấy rằng, tùy theo nghiệp lực thọ thân khác nhau mà có những sở thích khác nhau. Sở thích khác nhau là do từ thân hình, thân hình khác nhau là do từ nghiệp duyên, nghiệp duyên khác nhau là do từ tâm thức. Trời không thể biến tâm người từ ác hóa thành thiện, thì làm sao có thể biến mùi vị máu thịt chúng sinh thành hôi thối khó chịu?
Hỏi: Những người lấy việc giết hại vật mạng làm nghề nghiệp, nuôi dưỡng gia đình đều trông nhờ vào đó, nay khuyên họ đổi nghề, khác nào dứt đi con đường sống của gia đình họ? Đó là thương loài vật mà chẳng thương con người, tôi không chấp nhận như vậy.
Đáp: Người làm nghề giết hại vật mạng, ấy là dùng máu thịt chúng sinh mà giải quyết sự đói khát của mình, tuy trước mắt tạm thời có ăn có mặc, nhưng cho đến muôn ngàn kiếp về sau phải gánh chịu khổ não, e không có ngày chấm dứt. Chính vì thương xót họ nên mới khuyên họ đổi sang nghề khác, nếu ngược lại cho đó là dứt đi con đường sống của họ, ấy quả thật chỉ là chỗ thấy biết thiển cận của người lòng dạ chật hẹp.
Phần 33: Những mối nghi về việc không giết hại
Hỏi: Trâu bò cày ruộng, chó giữ nhà, tất nhiên nên thương chúng mà không giết thịt. Nhưng dê, lợn nếu không dùng ăn thịt thì thật vô dụng, nào có làm được gì khác?
Đáp: Chúng ta sở dĩ từ bỏ việc giết hại và cứu mạng chúng sinh, chỉ là vì muốn nuôi dưỡng tấm lòng trắc ẩn, từ bi thương xót muôn loài, đâu phải do nơi loài vật ấy hữu dụng hay vô dụng? Nếu nhân vì loài vật hữu dụng mà không giết thịt, chẳng qua chỉ là cách suy nghĩ ích kỷ mưu lợi cho riêng mình. Huống chi như các loài rắn độc, dơi, bò cạp, nhền nhện, bọ hung... hết thảy cũng đều vô dụng, xin hỏi vì sao chẳng ăn thịt chúng?
Hỏi: Các loài vật như gà, chó, trâu, dê... khi bị giết đều kêu gào sợ hãi, nên giết chúng đi cũng thật bất nhẫn. Nhưng các loài cá, tôm... dưới nước đều không hề kêu khóc hay rơi lệ, sao có thể ngăn cản không cho giết chúng?
Đáp: Hình thể có phân biệt lớn nhỏ nhưng bản tính muôn loài đều như nhau không khác. Ví như giết người, dù giết người hết sức to lớn như Phòng Phong Thị hay giết một đứa trẻ mới sinh còn nhỏ bé thì tội lỗi cũng như nhau. Nếu như cho rằng hình thể nhỏ bé có thể giết, thì con người vốn nhỏ hơn trâu bò, vậy giết trâu bò thật chẳng bằng quay sang giết người. Còn nói rằng không kêu la ắt không đau đớn, vậy thử hỏi như người câm lúc bị giết có đau đớn chăng?
Hỏi: Nếu tự mình cầm dao giết mổ, tất nhiên tổn hại đến tâm từ. Nhưng nếu mang con vật đến lò giết mổ, bảo người làm sẵn rồi mình chỉ mang về ăn, cũng không trái với ý nghĩa “người quân tử tránh xa bếp núc”, như vậy là đủ rồi.
Đáp: Nếu làm như vậy chẳng qua cũng giống như người bịt tai trộm chuông [để khỏi nghe thấy tiếng chuông rung] thôi. Nếu nhờ người khác thay mình giết hại, ấy là mang tội lỗi đổ sang cho người. Nếu nói theo cách này thì người bị phạt trượng oan ức chỉ nên oán hận người cầm trượng đánh mình mà không oán hận vị quan đã phạt oan. Nếu mang con vật đi chỗ khác giết hại có thể làm cho nó oán hận nơi ấy mà không oán hận mình, ắt người bị lưu đày oan uổng chỉ nên oán hận vùng đất mình bị đày đến mà không nên oán hận vị quan đã kết tội oan. Nhưng ví như có thể lừa dối được con vật bị giết, cũng làm sao có thể lừa dối được tự tâm mình?
Hỏi: [Nói về việc phóng sinh,] những con vật được thả ra rồi [về sau sẽ] bị người bắt lại, như vậy biết làm sao?
Đáp: Người đi bắt là tự họ bắt, người phóng sinh là tự mình phóng sinh. Cũng như người thầy thuốc trị bệnh, không thể đảm bảo rằng người bệnh trong tương lai sẽ không bị chết. Hoặc như năm mất mùa đói kém mang lương thực bố thí cho người, cũng không thể đảm bảo những ngày sau đó họ sẽ không bị đói. Lại như người thợ xây dựng ngôi nhà lớn, cũng không thể đảm bảo sẽ vĩnh viễn không hư hoại. Trong thế gian này, mọi việc đều vô thường bất định như thế, sao chỉ riêng nghi ngờ mỗi một việc phóng sinh? Tuy nhiên, người đời nay đang lúc chạy theo danh lợi thì hồ hởi hăng hái, không một chút đắn đo lo nghĩ, chỉ khi đối mặt với việc thiện nên làm thì rụt rè e sợ, trăm phương ngàn kế để tìm cho ra những điểm không nên làm việc ấy, thật chẳng trách gì không tạo thành một thế giới Ta-bà đầy khổ não thế này.
Hỏi: Con vật bị người ta bắt, ắt đã bị thương tích tổn hại, dù có mua lại mà thả ra cũng chưa chắc đã sống được, vậy tội gì phải uổng phí tiền bạc, công sức?
Đáp: Nếu con vật bị tổn thương, càng nên khởi tâm thương xót hơn nữa. Nếu nhờ ta mua lại phóng sinh mà nó được sống thì công đức ấy lớn lao không gì hơn được. Nếu không may chết đi, cũng giúp được cho nó có một cái chết an lành, chẳng hơn là phải chịu cái khổ cắt xẻ băm vằm, dầu sôi lửa bỏng hay sao? Ví như người tù bị giam trong ngục, ta đã biết rõ người ấy vô tội nên muốn cứu ra, lẽ nào lại vì thấy hình dung người ấy khô héo gầy còm mà đổi ý để mặc cho rơi vào chỗ chết hay sao?
Hỏi: [Tôi nghe rằng] việc làm thiện chủ yếu do nơi tâm. Nếu đã có tâm thiện thì cần gì phải răn ngừa chuyện giết hại vật mạng?
Đáp: Sao có thể nói như thế? Hạng người mà ông cho là “đã có tâm thiện” đó, chỉ vì muốn có miếng ngon trong miệng mình mà khiến cho loài vật phải chịu đựng đau đớn thống khổ ngập trời, để cuối cùng nuốt qua cổ họng rồi cũng biến thành phẩn dơ. Như vậy thì những kẻ tâm địa hung ác độc địa trong khắp thiên hạ cũng không tàn độc hơn thế. Thử hỏi cái gọi là “tâm thiện” đó ở đâu? Tôi chỉ e rằng trong khắp ba đường dữ chỉ toàn là những kẻ có “tâm thiện” như thế.
Hỏi: Nay tôi cho rằng không cần nói đến việc nên hay không nên [giết hại], cũng không nói đến việc giới sát hay không giới sát, chỉ cần giữ theo vô tâm mà làm là được.
Đáp: Nếu người có thể vô tâm mà giữ giới không giết hại, tất nhiên công đức ấy không nhỏ. Nhưng người vô tâm mà giết hại vật mạng, tội lỗi cũng không nhẹ. Như bọn giặc cướp bóc nhà người khác, bắn tên lạc trúng nhằm ông, ông có thể tha thứ cho sự vô tâm của bọn chúng được chăng?
Hỏi: Các loài chúng sinh số đông như cát sông Hằng, nay khả năng cứu vớt chỉ có hạn, làm sao có thể chu toàn?
Đáp: Trời cao có đức hiếu sinh mà không ưa sự giết hại. Cứu được một con vật cũng đã là hợp với lòng trời, huống hồ cứu được nhiều con vật? Thí như đối với một người nghèo, hầm vàng núi bạc tuy không thể có được, nhưng trước mắt giúp họ một đấu thóc cũng đã đủ để kéo dài mạng sống.
Phần 34: Những mối nghi về nghiệp nặng khó tránh
Hỏi: Những loài vật bị giết mổ cắt xẻ [như gà, lợn...] vốn sinh ra đã rơi vào tình thế ấy, khó lòng tránh được bị giết hại. Ví như tôi không giết chúng, chắc chắn cũng có người khác giết. Vậy thì việc tôi không giết chúng liệu có ích gì?
Đáp: Tội nặng của những con vật ấy [từng gây ra trong đời trước, nay] thật khó tránh khỏi bị giết hại, nhưng tội của ta [ngày nay sắp tạo ra] lẽ nào lại không thể tránh được sao? Nếu do chỗ [tội nặng] không thể tránh được [của những con vật ấy] mà giết hại chúng, thì ta với chúng đều cùng chịu tội nặng không thể tránh. Nên biết rằng, chính vì đời trước những con vật ấy cũng từng bám chấp vào quan điểm “không thể tránh được” [mà ra tay giết hại vật mạng], cho nên hôm nay mới phải chịu tội không thể tránh được như thế. Vì sao hiện nay vẫn còn có chỗ tránh được [là đừng phạm vào tội giết hại chúng] lại không chịu sớm suy xét để tự tránh đi?
Hỏi: Các loài vật bị giết hại trong đời, đa phần đều vì [có tội trong đời trước nên ngày nay phải] đền trả, vậy ta giết chúng nào có tội gì?
Đáp: Phạm tội giết hại phải sinh làm loài vật, bị giết hại để đền trả tội cũ, lẽ ấy là đương nhiên. Nhưng người ra tay giết hại vật mạng lại có hai trường hợp cần phân biệt là do nợ cũ mà giết và không do nợ cũ mà giết.
Do nợ cũ mà giết, là khi con vật bị giết trong đời trước từng giết hại ta, nay nghiệp quả chín mùi, oan gia gặp nhau, phải chịu chết dưới tay ta để trả nợ là đúng lý.
Không do nợ cũ mà giết, là khi đời trước có người khác từng bị con vật ấy giết hại, nay tuy nghiệp báo đến phải chịu đền mạng, nhưng không phải đền trả cho ta.
Người đời trong một bữa tiệc, thịt cá ê hề, trên một bàn ăn, trăm ngàn vật mạng, làm sao có thể chỉ toàn rơi vào trường hợp do nợ cũ mà giết? Cho nên phải biết, nếu nói con vật bị giết là trả nợ cho ta thì đó là trường hợp hết sức hy hữu, ngàn lần chỉ có một hai, mà rơi vào trường hợp tự mình vay nợ oan nghiệt để phải đền trả trong đời sau thì hầu như luôn luôn gặp phải. Nói đến chỗ này thì quả thật là hết sức đáng sợ!
Hỏi: Không do nợ cũ mà giết, tất nhiên đời sau phải chịu quả báo. Nhưng nếu do nợ cũ mà giết, ấy là kẻ giết qua, người giết lại, xem như nghiệp giết hại được chấm dứt, sao có thể nói là tai hại?
Đáp: Ông không thấy như trường hợp hai người đánh nhau sao? Kẻ đánh qua, người đánh lại, rồi chân tay tiếp tục thay nhau đấm đá qua lại như mưa. Có bao giờ thấy bên này đánh qua, bên kia đánh lại một cái rồi chấm dứt, đôi bên cùng buông tay bình thản nhìn nhau được chăng? [Bởi sự oán cừu tiếp nối không thôi như thế nên] Bồ Tát đối với nhân duyên trong đời vị lai thấy biết rõ ràng, dù gặp kẻ oán cừu cũng không báo oán.
Hỏi: Đức Phật nói: “Trong các loài vật, đa phần có thể là cha mẹ, quyến thuộc nhiều đời trước của ta.” Lấy gì chứng minh lời nói ấy mà nỡ nhẫn tâm cho rằng ông bà cha mẹ nhiều đời của chúng ta nay là súc vật?
Đáp: Tất cả chúng sinh từ vô số kiếp đến nay không ngừng lưu chuyển trong sáu đường. Chỉ lấy một kiếp mà luận thôi, con số [cha mẹ quyến thuộc] đã là không thể tính đếm, [huống chi đã trải qua vô số kiếp,] làm sao có thể nói rằng tất cả những chúng sinh nhìn thấy hiện nay lại không liên quan gì đến ta? Ông cho rằng nghĩ như thế là nhẫn tâm, nhưng nếu như vì không biết mà giết hại [cha mẹ, quyến thuộc đời trước], hoặc thấy họ bị giết mà không ra tay cứu giúp, như vậy không phải nhẫn tâm sao? Đó thật là [đúng như lời Mạnh tử nói:] “Đã không thể để tang [cho cha mẹ] ba năm, lại xét nét tìm hiểu phép để tang ba tháng, năm tháng.”
Hỏi: Cha mẹ quyến thuộc đời trước đã nhiều như thế, ắt con số đọa vào loài vật cũng không ít. Chỉ có điều là, nếu đã là cha mẹ quyến thuộc của ta trong đời trước thì nhất định là có duyên cùng ta, nên cho dù có đọa làm súc vật cũng chưa hẳn đã phải chết dưới tay ta.
Đáp: Ông có biết là trong số người làm cha mẹ quyến thuộc của ta nhiều đời, cũng có cả những người do oan gia nghiệp báo mà đến với ta? Ta nhận ân huệ của một người, đó là người ấy đền trả nợ cũ cho ta. Người khác nhận ân huệ của ta, đó là ta đền trả nợ cũ cho người ấy. Ví như những người thân thiết cốt nhục, quả thật do duyên lành mà đến với nhau, thì do thương yêu quá sâu nặng cũng không khỏi có sự dạy dỗ trách mắng quá mức. Trách mắng mãi không thôi ắt sinh lòng giận dỗi, giận dỗi mãi không thôi ắt sinh hiềm khích giữa đôi bên. Đời này có chút hiềm khích nhỏ nhặt với nhau, ắt gieo nhân để đời tiếp theo kết thành oán cừu. Đã kết thành oán cừu, ắt lại gieo nhân để đời tiếp theo nữa sẽ giết hại, ăn nuốt lẫn nhau. Trong cái vòng xoay đó thì mạnh hiếp yếu, lớn nuốt nhỏ, không điều gì không làm.
Nên biết rằng, cội gốc của oán cừu chính là từ nơi thân quyến. Con người nếu không có người thân ắt không có kẻ oán, không có kẻ oán ắt cũng chẳng có người thân. Kẻ oán người thân vốn là đối đãi nhau mà có, thành ra căn bản của luân hồi. Đức Như Lai dạy chúng ta đối với kẻ oán người thân bình đẳng như nhau, quả thật là một lời dạy hết sức tinh tế nhiệm mầu, có thể mang đến lợi lạc cho khắp muôn loài.
Hỏi: Nhìn thấy người khác giết hại vật mạng, tuy có phát khởi tâm nguyện cứu giúp nhưng không đủ sức làm thì sao?
Đáp: [Nếu không cứu được, có thể] lặng lẽ trì chú trong tâm, hoặc xưng niệm danh hiệu chư Phật, Bồ Tát, hoặc thay con vật ấy mà phát tâm sám hối, phát tâm cầu xuất thế, ắt con vật bị giết ấy sẽ tự nhiên được phần lợi ích.
Phần 35: Giải thích việc đãi khách trái với thế tục
Hỏi: Thân thuộc đến chơi nhà, cơm rau không đủ làm vui; bạn hiền cùng bàn luận, món ngon mới đủ thành lễ. Nay vì thương những con vật mà bỏ việc đãi đằng, phải chăng thật không đúng lẽ thường?
Đáp: Bạn bè thân thuộc, nếu là người hiền thiện ắt sẽ vui khi thấy ta không làm việc giết hại, ắt sẽ không trách ta khinh thường họ. Nếu người nào vì việc ấy mà trách ta khinh thường họ, ắt chỉ là hạng tiểu nhân tham miếng ăn ngon vào miệng, ta khinh thường họ cũng là chuyện tất nhiên. Bất chấp tội lỗi nặng nề chỉ để phục vụ miếng ăn vào miệng người khác, tôi quyết không làm.
Hỏi: Việc bày tiệc đãi khách cũng quan hệ đến lễ nghi. Thức ăn sơ sài quá, liệu có đúng lễ không?
Đáp: [Khổng tử có nói:] “Theo lễ mà xa xỉ quá chẳng bằng tiết kiệm.” Ăn uống xa xỉ dư thừa là điều người có lòng nhân không thể làm. Làm người mà không có lòng nhân, giữ theo lễ có ích gì?
Hỏi: Người đời tranh nhau bày yến tiệc xa xỉ, tôi thấy đã quen thành thói tục, dù có muốn thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn nhưng chỉ đơn độc cô thế, không người tán trợ, biết làm thế nào?
Đáp: Dù không có khả năng thay đổi thói tục của người đời, lẽ nào lại không có khả năng thay đổi hoàn thiện chính mình? Khắp cõi đời này dù uế trược ta cũng phải giữ mình trong sạch; hết thảy mọi người dù say sưa, ta cũng phải giữ mình tỉnh táo, như vậy mới đáng gọi là bậc trượng phu dũng mãnh, cương nghị. Nếu cũng tùy theo thế tục buông xuôi, thuận dòng với kẻ khác mà xem là chánh đạo, ấy chỉ là phong cách yếu hèn.
Hỏi: Khách đến nhà mà đặc biệt giết hại để chiêu đãi, việc ấy tất nhiên phải tránh. Nhưng nếu người thân hoặc bè bạn bất ngờ đến chơi, không kịp mua sắm các thứ nơi chợ búa thì làm sao?
Đáp: Nếu đã giữ trai giới, không giết hại, ắt trong nhà phải sớm lo chuẩn bị những thứ dùng đãi khách. Một khi khách đến mà vì lo sợ tiếp đón không đủ lễ [nên nghĩ đến việc buộc phải giết hại], đều là do lúc bình thường vốn đã xem thường sinh mạng loài vật. Thiền sư Nguyện Vân có kệ rằng:
Trăm ngàn năm qua, mỗi bát canh,
Oán sâu như biển, hận như thành.
Muốn biết vì sao đao binh khổ,
Hãy nhìn lò mổ lúc sang canh.
Người đãi khách nên viết bài thơ này đặt phía trên chỗ ngồi của mình.
Phần 36: Giải thích việc không nên sát sinh cúng tế
Hỏi: Cúng tế thần linh là vì cầu được sinh con, cầu tăng tuổi thọ, hoặc cầu được công danh sự nghiệp, tiền tài... Xưa nay dùng vật sống mang đến giết để cúng tế, nay bỏ đi thì biết lấy gì để tỏ lòng thành kính?
Đáp: Trời đất cho đến thần minh đều có đức hiếu sinh, ghét sự giết hại. Khiến loài vật phải mất con để cầu con cho mình, khiến loài vật phải giảm tuổi thọ để cầu tăng thọ cho mình, khiến loài vật phải mất đi mạng sống để cầu danh lợi cho mình, chưa bàn đến chuyện lẽ trời không dung, tự lương tâm mình ắt cũng đã thấy là bất nhẫn.
Cầu con mà được có con, ấy là tự thân người ấy vốn không phải tuyệt tự. Cầu tuổi thọ được tuổi thọ, ấy là tự thân người ấy thọ mạng chưa dứt. Cầu danh lợi được danh lợi, ấy là tự thân người ấy đang lúc vận số hanh thông. Nếu không rơi vào những trường hợp ấy, ngược lại có khi vốn là người sắp sinh con, do việc giết hại mà thành tuyệt tự cũng chưa thể biết được; hoặc là người vốn có thọ mạng lâu dài, do việc giết hại mà thành giảm tuổi thọ cũng chưa thể biết được; hoặc là người vốn có phúc phần danh lợi, do việc giết hại mà thành tổn phúc cũng chưa thể biết được. Đó là chỉ nói trong phạm vi nghiệp báo của đời này, đến như việc chúng sinh luân chuyển trong ba đường, oan nghiệp vay trả lẫn nhau thì quả thật không có hạn kỳ chấm dứt. “Thuận theo phàm tình thế tục nhất thời, phải chịu khổ đền trả trong muôn kiếp.” Câu ấy chẳng phải là nói đến việc giết hại để cúng tế đó sao?
Hỏi: Ví như khi cha mẹ có bệnh, đã chạy chữa thuốc thang đủ cách không thuyên giảm, nếu không làm những việc bói toán cầu thần, chẳng lẽ khoanh tay đợi chết hay sao?
Đáp: Khi thọ mạng đã hết thì dù trời đất cũng chẳng làm gì được, huống hồ là quỷ thần. Giết hại vật mạng để cúng tế, chỉ làm tăng thêm nghiệp chướng mà thôi. Nếu vì tình yêu thương sâu nặng bộc phát, lại cũng không rõ biết được chuyện sống chết thế nào, thì cũng có thể dùng thức ăn chay lạt mà dâng cúng. Nếu nghe theo tà thuyết của những kẻ tiểu nhân, ắt sẽ muốn giết hại vật mạng lấy máu thịt mà cúng tế, tuyệt đối không thể được.
Hỏi: Nếu là nhà ăn chay thì việc cúng chay là đúng. Nhưng nếu trong nhà ăn mặn, dùng cá thịt mà lại cúng chay, chẳng phải khinh thường thần linh lắm hay sao?
Đáp: Chim thước một mình ăn con chuột thối, chim phụng hoàng nhất định không thèm tranh giành với nó.
Hỏi: Các vị quỷ thần hưởng máu thịt cúng tế, về sau sẽ đọa vào địa ngục, điều ấy có tin được không?
Đáp: Không chỉ riêng hàng quỷ thần, cho dù chư thiên ở cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng thì khi phước đức đã hết cũng phải thọ nhận nghiệp báo của mình. Thuở xưa, phu nhân Ma-da có hỏi Bồ Tát Địa Tạng: “Vì sao có tên gọi là địa ngục Vô gián?” Bồ Tát đáp rằng: “Bất luận là nam hay nữ, rồng hoặc thần, cho đến chư thiên hoặc quỷ, [khi ác nghiệp chín muồi] cũng đều phải vào đó thọ báo, nên gọi là Vô gián.” Khi phước đức làm thần đã hết, ắt phải lưu chuyển trong ba đường, đó cũng là lẽ đương nhiên.
Hỏi: Cũng đều là thần cả, sao có vị thọ hưởng máu thịt cúng tế, có vị thì lại không?
Đáp: Đời trước làm người chính trực nên mới trở thành thần. Trong số ấy, người sân hận nặng nề ắt rơi vào chỗ thọ hưởng máu thịt, còn người có tâm từ ắt không thọ hưởng máu thịt. Lại nữa, do đời trước làm thiện, bố thí nên mới trở thành thần. Trong số ấy, người không biết đến Tam bảo, chỉ tu việc thiện theo thế gian, ắt phúc đức nhiều hơn trí tuệ, sẽ rơi vào chỗ thọ hưởng máu thịt. Nếu người tin sâu nhân quả, bố thí theo pháp Phật, ắt trí tuệ vượt hơn phúc đức, sẽ không rơi vào thọ hưởng máu thịt.
Hỏi: Nếu quỷ thần không có khả năng tác động đến tuổi thọ dài ngắn của người, thì việc cầu đảo ắt không thể hiệu nghiệm. Nhưng quả thật đã có những trường hợp bệnh nặng, thuốc men đều vô hiệu, đến khi cầu thần thì được khỏi ngay. Như vậy ắt là tuổi thọ dài ngắn của con người phải có phần quyết định của quỷ thần, sao có thể không cùng nhau cung kính phụng thờ?
Đáp: [Cầu thần được lành bệnh, thì] bệnh trước đó [có thể] là do quỷ thần gây ra, nhưng tuổi thọ sau khi lành bệnh, chắc chắn không thể nhờ quỷ thần mà được kéo dài. Nếu thọ mạng chưa hết, dù không cầu đảo cũng sẽ lành bệnh. Nếu thọ mạng đã hết, dù cầu đảo cũng vô hiệu. Chẳng qua gặp phải những loại tà thần ác quỷ, tham muốn máu thịt, thừa cơ quấy nhiễu đòi hỏi. Kẻ ngu mê chỉ thấy sự trùng hợp ngẫu nhiên rồi tin chắc chẳng nghi ngờ. Thấy người cầu đảo được khỏi bệnh thì cho là nhờ quỷ thần mà khỏi bệnh, nhưng thấy người cầu đảo rồi vẫn bỏ mạng thì lại cho rằng vì người ấy không cầu đảo sớm hơn nên mới phải chết. Than ôi, hạng người như thế tôi dám chắc rằng đời đời kiếp kiếp về sau sẽ phải sinh làm những con vật tế thần.
Kinh Thí dụ có nói rằng: “Quỷ thần có thể biết được thọ mạng, tội phúc của con người, nhưng không thể cứu sống người hoặc giết chết người, cũng không thể làm cho người trở nên giàu sang hay nghèo hèn. Họ chỉ muốn xúi giục người làm điều xấu ác, phạm tội giết hại, rồi nhân lúc người bị suy yếu hao tổn tinh thần mà não loạn quấy nhiễu để được người lập đền miếu thờ phụng, cúng tế.”
Phần 37: Việc phụng dưỡng cha mẹ, thờ cúng tổ tiên
Hỏi: Nay đã biết được là không thể giết hại vật mạng để tế thần, nhưng nếu giết thịt con vật để phụng dưỡng cha mẹ, không biết là có tội hay chăng?
Đáp: Làm như vậy còn nặng tội hơn cả việc giết vật tế thần. Đạo làm con thì những việc tốt đẹp hiền thiện phải hướng về cho cha mẹ, những việc sai trái lỗi lầm phải tự mình nhận lấy. Nay tự mình không muốn giết hại, chỉ vì phụng dưỡng cha mẹ nên làm việc giết hại, đó là đem chuyện sai trái xấu ác hướng về cho cha mẹ. Lấy ví dụ như đối với luật pháp của quốc gia, tự mình không dám phạm vào, lại có thể khiến cho cha mẹ phạm vào hay sao? Quỷ thần khi hết phước cũng phải luân hồi, lẽ nào cha mẹ mình có thể hưởng phước mãi mãi không hết? Nếu như cha mẹ chưa thể ăn chay hoàn toàn, có thể tạm dùng ba món thịt thanh tịnh, hoặc cũng có thể dùng những thức ăn bán sẵn nơi chợ búa, hàng quán. Nếu cho rằng nhất thiết phải tự mình giết vật để phụng dưỡng cha mẹ, đó chính là dâng rượu độc cho cha mẹ giải khát.
Hỏi: Có người nghe việc như trên có thể sẽ nổi giận nói rằng: “Sao có thể nói như thế được? Hạnh hiếu đứng đầu trăm hạnh. Giết con vật để phụng dưỡng cha mẹ là chuyện danh chánh ngôn thuận, trời cao ắt cũng không muốn bắt tội người con hiếu, cho đến con vật bị giết cũng không thể vì sự oán hận nhỏ nhặt này mà theo đuổi báo oán sau khi mạng chung.”
Đáp: Xét từ góc độ một người con thì bất quá phụng dưỡng cha mẹ cũng chỉ có hai người mà thôi. Nhưng nếu xét trong toàn thiên hạ thì số người được phụng dưỡng thật không thể tính đếm hết được. Nếu tất cả mọi người đều vì phụng dưỡng cha mẹ mà giết hại vật mạng, ắt xương cốt chất lại như núi, máu chảy đọng thành biển lớn, cũng không đủ gọi là có tội hay sao? Như vậy giết hại vô số chúng sinh, làm sao có thể đảm bảo trong đó lại không có cha mẹ quyến thuộc của mình từ nhiều đời trước? Giết hại quyến thuộc đời trước để phụng dưỡng cha mẹ đời này, chẳng phải điên đảo lắm sao? Lại ví như giết hại cha mẹ đời trước để phụng dưỡng cha mẹ đời này, chẳng phải càng điên đảo hơn nữa hay sao? Nếu nói rằng việc giết hại xuất phát từ tấm lòng phụng dưỡng cha mẹ ắt được trời cao lượng thứ, vậy thử hỏi trời cao chỉ lượng thứ cho một người thôi, hay sẽ lượng thứ cho người khắp trong thiên hạ? Nói gọn một lời thôi, quan điểm như thế thật là chẳng biết suy xét gì cả!
Hỏi: Đạo làm con báo hiếu mẹ cha đã khuất không gì quan trọng hơn việc cúng tế. Cha mẹ lúc sinh tiền không ăn chay, nay chết rồi lại cúng chay, như vậy thì đâu có theo đúng ý muốn của cha mẹ?
Đáp: Nếu như cha mẹ, tổ tiên nhờ cúng tế mà được no, thì mỗi năm chỉ có được mấy lần cúng tế, còn lại bao nhiêu ngày khác lẽ nào phải chịu đói hay sao? Nếu những ngày khác không phải chịu đói, thì biết rằng việc cúng tế chẳng qua chỉ để bày tỏ tấm lòng thành của con cái mà thôi. Liệu việc giết hại vật mạng tạo thành nghiệp ác có thể xem là bày tỏ lòng thành được chăng? Kẻ làm con, khi cha mẹ còn sống đã không thể hết lòng hết sức phụng dưỡng, chỉ khiến cha mẹ phải suốt một đời nhọc lòng lo lắng ân cần, đến sau khi chết lại chỉ vì chút hư danh hão huyền với người đời mà khiến cha mẹ phải liên lụy thêm nghiệp chướng nhiều đời, như vậy liệu có xứng đáng làm con hay chăng? Tăng Nguyên xưa kia [nuôi cha là Tăng Tử rất chu đáo mà còn bị chê là] chỉ phụng dưỡng được miếng ăn trong miệng, không theo được [như Tăng Tử nuôi cha là Tăng Tích, biết quan tâm đến] tâm ý của cha. Cớ sao khi cha mẹ đã qua đời lại còn làm khổ lụy đến cha mẹ chỉ vì miếng ăn ngon miệng? Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, [đến khi cúng tế còn phải] cầu cho được thóc gạo của người có đức nhân, huống chi lại giết hại vật mạng để bày máu thịt lên mâm mà cúng tế, sao có thể bất nhân như vậy?
Hỏi: Con cháu cúng tế, tổ tiên có về thọ hưởng chăng? Hay là sẽ không về thọ hưởng?
Đáp: Tổ tiên nếu thác sinh làm quỷ, con cháu có thể hết sức thành tâm dâng cúng ắt sẽ về thọ hưởng. Nếu sinh vào cõi trời, được hưởng nhiều khoái lạc, ắt sẽ không về thọ hưởng. Nếu đọa vào ba đường ác, vì đang phải chịu khổ nên tất nhiên sẽ không thể về thọ hưởng. Nếu sinh vào cõi người, ắt đã riêng có thân bằng quyến thuộc [trong kiếp sống mới] nên sẽ không về thọ hưởng. Như thế, nói chung thì con cháu tuy có lòng thành kính dâng cúng, nhưng trong đa số trường hợp cũng chỉ tự mình thọ hưởng những phẩm vật đó thôi. Những điều này có nói rõ trong kinh Trung A-hàm.
Hỏi: Nếu tổ tiên đã không về thọ hưởng, vậy liệu có các thần linh khác đến thọ hưởng chăng?
Đáp: Trong kinh Trường A-hàm có nói: “Ở những nơi cư trú của con người, hết thảy đều có quỷ thần, không nơi nào không có.” Kinh Ưu-bà-tắc giới nói: “Nếu ở gần nơi rừng cây thì có thần cây đến hưởng cúng tế, nếu ở gần những nơi sông, suối, giếng nước... thì có các vị thần ở đó đến hưởng cúng tế.”
Hỏi: Lương Vũ Đế dùng bột gạo làm ra các con vật cúng tế, những người chép sử đều cho đó là điềm báo [tổ tiên ông sẽ không còn được con cháu giết vật cúng tế nữa]. Cho nên biết rằng, việc cúng tế tổ tiên mà dùng chay là không hợp lễ.
Đáp: [Khổng tử nói:] “Sai lầm của mỗi người đều không giống nhau, quan sát chỗ sai lầm [một cách khách quan, cặn kẽ] thì có thể biết được đức nhân [của người ấy].” Lương Vũ Đế từng giết sáu đại thần, dẫn nước nhấn chìm cả thành Thọ Dương, đó là những điều bất nhân của ông ta. Nhưng luận về việc dùng bột gạo thay cho những con vật bị giết hại thì việc cúng tế cho đến nay đều nhờ ơn từ đó. Nếu không có ông khởi xướng làm theo phương pháp ấy thì số vật mạng bị giết hại, lại hao tốn tiền của người dân thật không biết đến mức nào. Lương Vũ Đế khởi một niệm từ bi có thể khiến cho người đời sau nhờ đó mà hóa giải được vô số nghiệp ác giết hại. Phương thức dùng bột gạo thay vật cúng tế của ông thật có thể sánh với việc vua Thành Thang ngày xưa mở lưới cứu chim hay Tử Sản nuôi cá, mà công đức còn có phần vượt trội hơn nữa.
Đến như việc nhà Lương để mất thiên hạ, ấy là do vận nước mà thôi. Nếu cho rằng do việc dùng bột gạo cúng tế mà mất nước, vậy các vua nhà Trần, Tùy đều dùng đủ ba loại vật sống để cúng tế, sao lại mất nước nhanh đến thế? Nếu theo kiểu lập luận ấy thì có lẽ chỉ cần vua Lương Vũ Đế không dùng bột gạo thay vật cúng tế, ắt bọn giặc loạn Hầu Cảnh sẽ tự nhiên sợ hãi mà rút lui chạy trốn chăng? Nói thế chẳng khác nào cho rằng vận mệnh bậc đế vương, sự an nguy của đất nước đều chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào sự còn mất của trâu, dê, lợn đó sao? Huống hồ bậc thánh nhân như vua Nghiêu, vua Thuấn cũng không thể bảo đảm rằng con mình sẽ được giống như mình, sao có thể đem chuyện thành bại mà luận việc?
Đại sư Liên Trì có dạy: “Người xưa dùng tượng gỗ tạc giống như hình người để chôn theo người chết, đức Khổng tử đã chê [là bất nhân, bảo những người làm như vậy về sau ắt] là không con nối dõi. Như vậy, việc Lương Vũ Đế dùng bột tạo hình giống những con vật để cúng tế, e rằng người có đức nhân thấy vậy vẫn còn chưa tán thành, huống chi lại muốn bỏ những con vật giả ấy mà thay bằng vật sống thì còn nhẫn tâm nào hơn?”
LỜI BÀN
Lương Vũ Đế từ sau khi lên ngôi thì từ bỏ rượu thịt, tiêu pha cần kiệm, thương dân như con, dù một mình ở trong nhà tối cũng áo mão nghiêm trang không dám xuề xòa, tiết trời nóng nực cũng không dám cởi trần, mỗi khi phải phán tội tử hình thì ăn chay trước đó một tháng, đến lúc hành hình lại vì người chết mà khóc. Ông ngưng việc binh đao để dân được ngơi nghỉ, nhiều năm liền mùa màng trong nước được bội thu. Từ đời Tấn đến đời Tùy, [trải qua hơn bốn thế kỷ,] trong những giai đoạn được khen là xã hội an ổn cũng không có lúc nào hơn được thời Lương Vũ Đế.
Ông trị nước 49 năm, thọ đến 86 tuổi, so với các vị đế vương thời ấy cũng là vượt trội hơn hết. Con cháu ông về sau đến triều Đường có 8 đời làm quan đến chức Tể tướng. Các quan chép sử [của Nho gia về sau] do việc ông kính tin theo Phật pháp nên cố ý nói xấu, chê bai ông những điều không đúng thật mà bỏ qua hết những điều tốt đẹp của ông, như vậy sao có thể gọi là công bằng nhận lấy điều hay tốt của người khác như lời dạy của thánh hiền?
Phần 38: Mối nghi rằng thánh hiền xưa dạy sát sinh
Hỏi: Đời Phục Hy chế ra lưới để giăng bắt chim, thú, như vậy vua Phục Hy có sai trái chăng?
Đáp: Bắt cá, lưới chim là những việc người nông dân cho đến đứa trẻ con đều làm được, cần gì phải đợi vua Phục Hy dạy bảo? Hẳn là vào thuở hồng hoang chim thú quá nhiều, nếu không có sự phòng vệ e chúng có thể gây nguy khốn cho con người. Rất có thể là vua Phục Hy đã dạy dân dùng lưới để phòng vệ quanh nơi cư trú, cũng chưa biết chừng. Hoặc giả nếu không như thế thì việc bắt thú đánh cá vốn đã thịnh hành vào thời Phục Hy rồi chăng, cũng chưa biết được.
Nếu nói rằng vua Phục Hy dạy người giết hại thì tôi e rằng những phường chài lưới thô thiển hẳn đã là quan lớn trong triều Phục Hy, mà những kẻ mở lưới thả chim [như vua Thành Thang], thả cá biếu vào hồ nuôi [như Tử Sản nước Trịnh] đều phải xem là có tội không nhỏ. Trong tập Thi tử có câu: “Vào đời Phục Hy, trong thiên hạ cầm thú quá nhiều nên vua dạy người săn bắt.”
Hỏi: Về chuyện Phục Hy như vậy tôi đã rõ, nhưng còn chuyện Tây Bá hầu nuôi dưỡng người già, ấn định con số gà mái và lợn nái thì giải thích thế nào?
Đáp: Những việc làm của bậc thánh nhân thời xưa, cũng có việc nên noi theo, cũng có việc nên sửa đổi, như những cách dùng gút dây để ước hẹn kỳ hạn, đào hang hố làm thành cung điện, đều là những việc người đời nay không cần làm theo nữa. Tục ngày xưa [khi cúng tế cho con em mình] làm cốt thi, rồi cha mẹ, anh chị đều quỳ bên dưới mà khấu đầu lạy [đứa trẻ ấy], thật điên đảo trái nghịch biết bao? Ngày nay cúng tế chỉ đặt chỗ ấy một cái ngai trống tượng trưng thôi, sao vẫn được bình an? Cho nên biết rằng, việc ngày nay không nuôi gà lợn cũng chưa hẳn đã là không khéo làm theo đúng ý Văn vương.
Huống chi cái thuyết “năm con gà mái, hai con lợn nái” cũng chỉ là để nói lên sự sung túc của người dân khi ấy mà thôi. Hơn nữa, việc nghi lễ cúng tế ắt có quan chuyên trách, bậc thánh nhân lẽ nào lại phải xem xét đến những chuyện [nhỏ nhặt như] gà, lợn ấy sao? [Kinh Thư, thiên Lập chánh nói rằng:] “Văn vương không quản đến những lời dị nghị, những việc hình ngục hay phạt vạ thông thường, [mỗi việc đều có quan chuyên trách lo liệu,] lẽ nào lại quan tâm đến chuyện sinh đẻ của các giống gà, lợn, đến nỗi đưa ra quy định về số lượng? Huống chi loài vật các nơi số lượng khác biệt nhau, trạng thái cũng chẳng giống nhau, làm sao có thể phán định dứt khoát phải là năm con, hai con? Cứ theo lý mà suy thì việc ấy chưa hẳn đã là thật có. Nếu không, làm sao có chuyện Văn vương quan tâm đến cả bộ xương khô? Xương khô là vật vô tri vô giác mà còn được ông quan tâm đến, ban ân trạch chôn cất tử tế, huống chi đối với con vật có tri giác thì lẽ nào lại ban lệnh giết hại? Cách hiểu như thế thật chẳng khác nào trẻ con. Cho nên mới nói rằng: “Nếu quá tin vào sách, chẳng bằng không đọc sách.”
Hỏi: Khổng tử dạy việc không giết hại, bất quá chỉ “không dùng lưới bắt, không bắn chim đang ngủ đêm” là đủ, chưa từng cấm hẳn việc câu cá, bắn chim. Nay muốn ngăn cấm hoàn toàn việc giết hại, phải chăng là cho rằng không nên làm theo lời Khổng tử?
Đáp: Ông có hiểu được ý nghĩa của Khổng tử khi đề cập đến việc câu cá, bắn chim đó chăng? Nói câu cá, là [chỉ ra sự tàn nhẫn của việc câu cá] để dẫn người ta đến chỗ không dùng lưới bắt, nói bắn chim, là [chỉ ra sự bất nhân của việc bắn chim] để giáo hóa người ta không tàn sát cả bầy chim đang ngủ trên cây. Người đời sau [không hiểu câu ấy,] cho rằng Khổng tử vì muốn giữ miếng ăn cho người cũng như có thịt cá dùng vào việc tế tự mà dạy như vậy, quả thật là nhận hiểu một cách hết sức thiển cận và sai lệch về bậc thánh nhân. Thử hỏi, người đời sau tôn kính đức Khổng tử có phải vì ngài giỏi câu cá, bắn chim chăng? Hay là vì phẩm chất đạo đức không ai hơn được? Nếu xem trọng những việc câu cá, bắn chim, ắt những kẻ chài lưới, săn bắn phải được xem là tài giỏi hơn Khổng tử rất nhiều.
Còn nếu tôn trọng ngài là do phẩm chất đạo đức không ai hơn, vậy xin hỏi phẩm chất đạo đức của ông có thể so bằng Khổng tử hay chăng? Nếu phẩm chất đạo đức không thể bằng được Khổng tử mà đã đem chuyện câu cá, bắn chim bắt chước theo Khổng tử, như vậy khác nào muốn học theo Nhan Hồi mà [không học sự hiền đức,] chỉ học riêng sự đoản mạng, học theo Tăng Tích mà [không học phong thái sái nhiên thoát tục,] chỉ học mỗi việc thích ăn táo đen. Than ôi, bắt chước họ Quách bẻ góc khăn đội đầu, ngưỡng mộ họ Lận mà đổi tên, cũng không đủ để trở thành họ Quách, họ Lận. Phải biết đem chỗ “không thể” của mình mà học theo cái “có thể” của Liễu Hạ Huệ, như vậy mới đáng làm bậc nam tử nước Lỗ, ông còn chưa biết chuyện ấy sao?
Hỏi: Người quân tử xem mạng người là cao quý, mạng súc vật là hèn kém, do đó giữ lấy sự cao quý mà giết mạng hèn kém cũng là lẽ đương nhiên. Nay xem mạng người với vật bình đẳng như nhau chẳng phải là hết sức viển vông vô nghĩa hay sao?
Đáp: Nếu luận theo đạo lớn của thánh hiền thì trời đất, muôn vật với chúng ta đều cùng một thể. Cũng ví như tay với chân của người, tuy có phân biệt hơn kém, nhưng không thể lấy tay chặt chân. Nếu chỉ so sánh theo sự cao thấp nhìn thấy trước mắt, thì đến những kẻ tôi tớ trong bếp cũng biết mắng chửi loài súc sinh, đâu phải đợi đến người quân tử đưa ra thuyết [phân biệt] cao quý với hèn kém như vậy.
Hỏi: Nói rằng trời đất, muôn vật với chúng ta đều cùng một thể, điều đó có thể khảo chứng ở sách nào?
Đáp: Ông chưa đọc qua [sách Trung dung của] Tử Tư hay sao? Tử Tư nói rằng: “Hiểu thấu tính mình ắt hiểu thấu được tính người, hiểu thấu tính người ắt hiểu thấu được tính của vật”. Phân tích cho kỹ một chữ “ắt” thì [thấy sự tương quan tất nhiên giữa mình với người, giữa mình với muôn vật, từ đó cái đạo lý “trời đất, muôn vật với chúng ta đều cùng một thể”] có thể tự nhiên hiểu được rõ ràng. Nếu không như vậy thì làm sao nói rằng đạt đến chỗ “trung” có thể khiến cho trời đất đều được an ổn ở đúng vị trí, đạt đến chỗ “hòa” có thể khiến cho muôn vật đều được sinh trưởng nuôi nấng?