Logic Học Phật Giáo

12/09/20162:28 CH(Xem: 11204)
Logic Học Phật Giáo

LOGIC HỌC PHẬT GIÁO
TS. Phạm Quỳnh

logic hoc PhatgiaoLogic học Phật giáo (còn có tên gọi theo âm Hán - Việt là Nhân minh học Phật giáo, 因明學佛教) là một nội dung lớn trong hệ thống triết học Phật giáo. Logic học Phật giáo vừa có sự phát triển nội tại do nhu cầu truyền giáophương pháp, vừa có sự kế thừa những phương pháp lập luận sẵn có của Ấn Độ cổ đại. Những phương pháp lập luận ấy vốn là tinh hoa của triết học Ấn Độ, đến Phật giáo nó lại được "chưng cất" một lần nữa để rồi có sức lan tỏa khắp lục địa châu Á. Logic học Phật giáo cũng là một trong những phương pháp tư duy logic của người phương Đông.

Vì vậy, nghiên cứu Logic học Phật giáo góp phần làm sáng tỏ một trong những phương thức tư duy của người phương Đông. Hơn nữa, nghiên cứu Logic học Phật giáo còn góp phần hiểu một cách sâu sắc hơn triết học Phật giáo.

Việt Nam là một nước có số dân theo Phật giáo khá lớn. Những công trình nghiên cứu tiếp cận Phật giáo với tư cách một tôn giáo, một hệ thống triết học ở nước ta đã có khá nhiều, nhưng những công trình nghiên cứu về Logic học của Phật giáo rất ít. Trong suốt những năm đầu của thế kỷ XX đến nay, trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Logic học Phật giáo. Trước chân lý, mọi ngành khoa học ở mọi châu lục đều bình đẳng. Đó là sự bình đẳng về mặt giá trị. Vì vậy, nghiên cứu để chỉ ra giá trị của Logic học Phật giáo là một nhu cầu cấp thiết.

Trong lịch sử, trước khi có sự xâm lược của thực dân Anh vào Ấn Độ, Trung Quốc... thì Logic học Phật giáoẤn ĐộTrung Quốc, Nhật Bản,... đã có lịch sử hàng nghìn năm nghiên cứu, chú giải. Sau khi Dignāga (phiên âm Hán – Việt là Dignāga, 陳那, khoảng năm 450 - 520) định hình được cái gọi là Logic học Phật giáo trong hai tác phẩm Pramāņa-samuccaya, Hetu-cakra-hamaru thì các thế hệ học trò của ông liên tục nghiên cứu và phát triển môn khoa học này. Trong đó phải kể đến Dharmakīrti (phiên âm Hán - Việt là Pháp Xứng, 法稱, khoảng 635 – 695), học trò xuất sắc gián tiếp của Dignāga, người được các học giả phương Tây ví như Aristotle của Ấn Độ đã có công hoàn thiện Logic học Phật giáo. Ông không những hiểu thấu đáo và chú giải hầu hết các tác phẩm của Dignāga mà còn chỉ ra được những hạn chế và không nhất quán của Dignāga. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ V đến thế kỷ XIV, tại Ấn Độ liên tục xuất hiện các tác phẩm nghiên cứu, chú giải của các luận sư Phật giáo, đặc biệt là các luận sư của phái Mũ Vàng Phật giáo Tây Tạng, điển hình là Tsongkhapa (Tống Khách Ba, 1357 - 1419), người đã có công tìm thấychú giải một tác phẩm đặc biệt quan trọng của Dharmakīrti. Đó là tác phẩm Pramāņa-varttika, một trong những tác phẩmtrật tự kết cấu trái ngược hoàn toàn với quan điểm chung của triết học Ấn Độ, gây nên sự chú ý lớn cho các nhà bình luậnchú giải thời bấy giờ.

Tại Trung Quốc, những nghiên cứu về Logic học Phật giáo không được phong phú bằng những nghiên cứu thuộc về các lĩnh vực tôn giáo. Sau chuyến "Tây du" kéo dài gần 17 năm, pháp sư Huyền Trang (玄奘 600 - 664) đã mang về Trung Quốc một số lượng kinh điển Phật giáo đồ sộ, nhưng không hiểu vì lý do gì, ông chỉ tổ chức dịch hai tác phẩm không mấy cơ bản của Logic học Phật giáo, đó là Nyāya-pravesa (Chính lý môn luận bản) của Dignāga và Hetuvidya nyāya-pravesa-śāstra (Nhân minh nhập chính lý luận) của Sankara Śvāmin (khoảng năm 550), mà không tổ chức dịch các tác phẩm quan trọng hơn. Hai tác phẩm này thông qua con đường Hán dịch lại trở nên rất nổi tiếngTrung Quốc, Nhật BảnViệt Nam. Những người tiếp bước Huyền Trang dịch và chú giải Logic học Phật giáo phải kể đến hai học trò kiệt xuất của ông là Khuy Cơ
Huệ Chiểu...

Trong suốt chặng đường lịch sử hàng nghìn năm đó, những nghiên cứu chủ yếu là của các nhà sư và đều có chung một đặc điểm là mang tính chú giải, huấn hỗ, căn cứ vào từng câu, từng chữ của tác phẩm để bàn chứ chưa vượt ra ngoài tác phẩm để đánh giá, nhận xét... Và một điều rất dễ nhận rangôn ngữ mà họ sử dụng đã quá cổ, mang đặc thù Phật giáo, khiến người đọc, người học, người nghiên cứu rất khó khăn khi tiếp cận.

Song song với việc áp đặt ách thực dân ở Ấn Độ, thực dân Anh tích cực tổ chức nghiên cứu văn hóa Ấn Độ. Hàng loạt học giả, với phương pháp khá mới đã tìm thấy ở nơi đây mảnh đất văn vật còn nguyên sơ, có đầy đủ các tố chất trên các lĩnh vực văn học, triết học, tôn giáo, v.v.. Logic học Ấn Độ, trong đó có Logic học Phật giáo cũng là một trong những đối tượng được quan tâm nghiên cứu khá kỹ. Các tên tuổi như Th.Stcherbatsky, G.Tucci, E. Steikellner, Rhys Davis, Pussin de Valeé... là những người đầu tiên giới thiệu Logic học Phật giáo sang châu Âu và đã gây được tiếng vang rất lớn. Điều đó càng kích thích các học giả châu Âu, Mỹ, sau này là các học giả Trung Quốc, Ấn Độ nghiên cứu sâu rộng hơn về Logic học Phật giáo. Một cách khái quát nhất, có thể phân nhóm các lĩnh vực mà họ đã nghiên cứu với những tác phẩm tiêu biểu như sau:

Nhóm thứ nhất là những tác giảtác phẩm nghiên cứu về lịch sử Logic học Phật giáo. Đó là các công trình nghiên cứu của: 1/ Ngu NguGiản thuật quá trình phát triển của Nhân minh học, Hiện đại Phật học, 1958, kỳ 1-2; 2/ Lã Trừng: Những bước phát triển đầu tiên của Nhân minh học tại Trung Quốc, Giang Hải Phật San, 1962, kỳ 3; 3/ Chu Văn Anh: Lược sử Logic học Ấn Độ, Giang Tây thư viện học báo, Triết xã bản, kỳ thứ 3 năm 1981 và kỳ thứ 3 năm 1982; 4/ Thẩm Kiếm Anh: Giản luận về Đông triết và quá trình phát sinh, phát triển của Nhân minh học, Khoa học xã hội xuất bản xã, 1982; 5/ G. Tucci: Những văn bản logic Phật giáo tiền Dignāga từ nguồn Trung Quốc, GOS, N0XLIX, 1929; 6/ G. Tucci: Logic Phật giáo tiền Dignāga (Asańga, Vasubandhu, Tarka-śāstra), JRAS, 1929, p.451-488; 7/ S.C. Vidyabhusana: Lịch sử logic Ấn Độ (cổ đại, trung đại, hiện đại), Motilal Banarsidass, 1984, Delhi; 8/ Alex Wayman: Một thiên niên kỷ Logic học Phật giáo, Motilal Banarsidass, 2002, Delhi...

Nội dung của những tác phẩm này tập trung giới thiệu các tác giả, tác phẩm Logic học Phật giáo, trong đó ít nhiều có sự đánh giá, nhận định so sánh Logic học Phật giáo với logic phương Tây. Đáng chú ý nhất là tác phẩm của S.C. Vidyabhusana[1], đây là một trong những tác phẩm mang tính kinh điển cho những ai quan tâm đến Logic học Ấn Độ nói chung và logic học Phật giáo nói riêng. Tác phẩm này không những là một khảo cứu sâu rộng về tất cả các trường phái Logic học ở Ấn Độ từ cổ đại đến hiện đại, mà nó còn có những gợi ý quan trọng giúp người nghiên cứu đi sâu hơn về từng lĩnh vực của Logic học Ấn Độ, đặc biệt là logic học so sánh. Chẳng hạn, trong Phụ lục B, ông đã đưa ra một số luận điểm cho rằng Logic học Ấn Độ chịu ảnh hưởng Logic học của Aristotle[2].

Nhóm thứ hai là những tác giảtác phẩm nghiên cứu bản chất của Logic học Phật giáoso sánh nó với Logic học phương Tây. Họ là những tác giảtác phẩm nghiên cứu về từng khía cạnh hoặc từng tác phẩm riêng lẻ của các luận sư Logic học Phật giáo, chủ yếu là các tác phẩm của Dignāga và Dharmakīrti. Bên cạnh đó, họ còn là những dịch giả chuyển ngữ lần lượt các tác phẩm quan trọng của Logic học Phật giáo sang tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc. Họ là những nhà Đông phương học nổi tiếng như: Stcherbatsky (Nga), Pussin de Vallee (Pháp), vợ chồng ông bà Rhys Davids (Anh), 
E. Steikellner (Đức), Lã Trừng (Trung Quốc), Thái Hư (Trung Quốc)... Những học giả này đã thực hiện được những nghiên cứu quan trọng như sau:

Một là, tổng quan về Logic học Phật giáo. Đó là công trình Buddhist logic của Stcherbatsky. Trong hai tập đồ sộ, ông không những giới thiệu một cách sâu rộng về Logic học Phật giáo mà còn chỉ ra tương quan của nó với các trường phái triết học khác của Ấn Độ lúc bấy giờ. Ông không những so sánh Logic học Phật giáo với một số tư tưởng Logic học phương Tây mà còn cung cấp cho bạn đọc một công trình dịch thuật xuất sắc tác phẩm Nyāya-bindu-tikka, một tác phẩm quan trọng của Dharmakīrti được Dhamottara chú giải, thêm vào đó là trích dịch một số văn bản triết học Phật giáoliên quan đến Logic học Phật giáo... Đó là công trình của: 1/ Thái HưNhân minh khái luận, pháp tướng duy thức học, Thương vụ ấn thư quán, 1936; 2/ Lã Trừng: Nhân minh cương yếu, Nhân minh nhập chính lý luận giảng giải,... in trong Tuyển tập các luận trước Phật học của Lã Trừng, 1998; 3/ Thạch Thôn: Nhân minh thuật yếu, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1981;...

Hai là, nghiên cứu riêng từng tác phẩm của các luận sư Logic học Phật giáo. Các tác giả thuộc nhóm này tương đối thành thục phương pháp nghiên cứu khoa học phương Tây, đặc biệt là Logic học. Vì vậy, họ có nhiều kiến giải, đánh giá khá sâu sắc giá trị của Logic học Phật giáo. Điển hình cho việc áp dụng logic mệnh đề, logic vị từ để nghiên cứu khía cạnh logic hình thức của Logic học Phật giáo phải kể đến công trình của Giáo sư R.S.Y. Chi: Buddhist Formal logic, Motilal Banarsidass, Delhi, India, 1990. Tác giả vận dụng triệt để các kiến thức Logic toán, sơ đồ Venn để luận giải tính hợp lý cũng như không hợp lý của lý thuyết Logic học của Dignāga. Dưới góc độ Logic học hình thức, để nghiên cứu Logic học hình thức Phật giáo chưa có tác phẩm nào vượt được tác phẩm này. Ngoài ra, còn có một số công trình như của M.R. Chinchore: Lý thuyết Hetu - trung tâm phép suy luận của Dharmakīrti, Delhi, 1989; B.K.Matilal: Đặc trưng của Logic học Ấn Độ, Oxford University press, 1999; V.Peckhaus: Logic phát minh của Dignāga, I.N.S.A, University of Delhi, New Delhi, 2001; G.Tucci: Ghi chú về tác phẩm Nyāya-pravesa của Sankara Svāmin, J.R.A.S April 1931, p. 81- 413; S.C.Vidyabhushana: Hetu-cakra-hamaru hay nhân luân luận của Dignāga, J.A.S, vol. 3, 1907; K.K.Chakrabarti: Vấn đề tự nhân trong Logic học của Dharmakīrti, Philosophy East & West, vol. 41, N4, p. 477 – 491, 1991; Lã Trừng: Bàn về Nhân minh của Pháp Xứng (Dharmakīrti), Nhân luân luận đồ giải, Nhân luân luận quyết trạch, Tập lượng luận yếu giải... in trong Tuyển tập luận trước Phật học của Lã Trừng, 1998;...

Riêng ở Việt Nam, hiện nay có một số tác phẩm viết về Logic học Phật giáo, như: Thích Thiện Siêu: Lối vào Nhân minh, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1994; Thích Đổng Quán: Nhân minh luận, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1996; Thích Trí Độ và Tô Duy Hợp: Nhân minh học, Giáo hội Phật giáo Hà Tây, 1997; Nhất HạnhLuận lý học Đông phương, Hương Quê xuất bản, 2000; Minh Chi: Nhân minh học Phật giáo, Nxb. Tôn giáo, 2005; Thích Kiên ĐịnhKhảo sát lịch sửtư tưởng Nhân minh luận Phật giáo, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2012; Nguyễn Khuê: Luận lý học Phật giáo, Nxb. Hồng Đức, 2013... Các tác giả này hầu như chỉ căn cứ vào một tác phẩm duy nhất của Sankara Śvāmin (phiên âm Hán - Việt là Thương Yết La Chủ) - Nhân minh nhập chính lý luận, một tác phẩm tóm tắt, mang tính nhập môn của Logic học Phật giáo.

Như vậy, Logic học Phật giáo đã được nghiên cứu khá nhiều và ở những mức độ khác nhau trên thế giới, từ góc độ lịch sử đến nội dung, từ nội dung khái quát đến nội dung chi tiết...

Cuốn sách này là những nỗ lực đầu tiên của tác giả trong quá trình tìm hiểu giá trị của Logic học Phật giáo. Phật pháp mênh mông như biển, những kiến giải của tác giả có điều gì chưa được chính xác, xin độc giả chỉ giáo.  

TS. Phạm Quỳnh Bài trích trong cuốn "Logic học Phật giáo", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 7-2014


[1]. Tác phẩm ra mắt bạn đọc lần đầu tiên vào năm 1920 tại Calcutta.

[2]. Vidyabhusana, S.C., A History of Indian Logic (Ancient, Mediaeval and Modern Schools), Motilal Banarsidass, Delhi, Indian, (1988), p.497.

 






Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/04/2012(Xem: 78185)
07/11/2010(Xem: 140139)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.