Thư Viện Hoa Sen

Đốn Ngộ Đại Thừa Chính Lý Quyết

08/06/20174:01 SA(Xem: 11596)
Đốn Ngộ Đại Thừa Chính Lý Quyết

Ban Biên Tập: Đây là bài dịch Việt "Đốn Ngộ Đại Thừa Chính Lý Quyết" của Diệu Trai Cư sĩ, nó nguyên là nội dung của một tác phẩm cổ xưa được các nhà khảo cổ học khai quật tại động Đôn Hoàng. Tác giả của bài này là hòa thượng Ma-ha-diễn bên Trung Quốc. Nội dung nói về cuộc tranh luận Phật pháp giữa Thiền tông Trung QuốcMật tông Tây Tạng. Thiết nghĩ bài dịch này có giá trị dữ liệu bổ ích cho nghiên cứu Phật giáo về mảng lịch sử, tư tưởng cũng như nhiều giá trị nhân văn khác. 


Bản chép tay đời Đường ở Đôn Hoàng:
ĐỐN NGỘ ĐẠI THỪA CHÍNH LÝ QUYẾT
Việt dịch: DIỆU TRAI cư sĩ (Nguyễn Thành Sang).
Email: [email protected]
Phone: 0125.550.0131

đại sư Liên Hoa Giới (Kamalaśīla)
Đại sư Liên Hoa Giới (Kamalaśīla)

Sử tịch Tây Tạng ghi chép, Phật giáo tiền kỳ đất Tạng đã dấy lên cả hai lần đại nạn, một là nạn bên trong, hai là nạn bên ngoài. Nạn bên ngoài gọi là cuộc diệt pháp của vua Lãng-đạt-ma (Glan-dar-ma), Thánh giáo đoạn tuyệt hơn một trăm năm, đến thời Triệu Tống mới được phục hưng, là giáo nạn trọng đại nhất trong sử Tây Tạng. Nạn bên trong là Thánh giáo Tây Tạng dựng lên chưa lâu, sau khi các vị như luận sư Tĩnh Mệnh thị tịch (đời vương triều Trĩ-tùng Tây Tạng, khoảng thời Đường Đại Tông) có sự hiểu lầm nghĩa Không, hủy báng hòa thượng Chi-na mang danh Ma-ha-diễn[1] phương tiện sang Tạng, đề xướng Thiền tông, chia Phật giáo làm hai môn Đốn – Tiệm, bảo các hành giả tiệm tu theo tam học, lục độ… là Tiệm môn. Những người nhìn thẳng vô tư vô tưởng ly phân biệt là Đốn môn. Lại bảo sự phân biệt dù thiện hay ác cũng đều là chướng Thánh đạo, duy vô phân biệt mới chứng Bồ-đề. Lại nói các hành giả rộng hiểu Tam tạng Thánh giáo thì họ là hạng thượng căn lợi trí nếu nói theo chúng sinh độn căn thời Mạt, nhìn thẳng tự tâm, diệt những phân biệt, đốn ngộ thành Phật, vốn không cần tu các thiện hạnh. Do vậy dị kiến cạnh tranh, giáo đồ tranh chấp, cuộc chiến suốt nhiều năm vẫn chưa giải quyết. Sau nhờ Tạng vương thỉnh luận sư Liên Hoa Giới Ấn-độ sang Tạng biện luận mới khôi phục lại phép thường. Tương truyền khi Ma-ha-diễn chuẩn bị biện luận từng soạn ba bộ sách, một nói rõ tự tông, chỉ diệt phân biệt, chẳng cần tu hành, thụy miên (ngủ mê) tức là thành cái ý của Phật, gom lại trích dẫn hơn 80 bài đại kinh xưng tán sự vô phân biệt chứng minh sở thuyết của mình, sắp sẵn mười phiên vấn đáp nhằm giải thích cho cuộc tra hỏi.

Song khảo xét sử tịch Hán văn, không thấy có người tựa như thế, cũng không thấy có loại sách giống vậy, tức là ba bộ sách này cũng đã sớm thất truyền tại Tây Tạng rồi, nay trong các văn bản in hình hang đá Đôn Hoàng của Bắc Kinh đồ thư quán được lưu giữ tại Paris, chợt có được bộ sách Đốn Ngộ Đại Thừa Chính Lý Quyết do Ma-ha-diễn biểu tấu xưng phổ, tức là soạn ra sẵn lối vấn đáp nhằm giải thích cuộc tra hỏi, thực là sử liệu hy hữu đáng quý. Xem cái lí được bàn trong đó vốn chỉ là rỗng tuếch vô nghĩa, không phải là lời thật ngữ thiền đức, giáo được dẫn trong đó cũng thuộc loại tầm chương trích cú, gần như hiểu lệch. Ba bài Tu thứ đệ luận của Liên Hoa Giới cùng với Bồ-đề Đạo thứ đệ luận của Tông-khách-ba biện chính toản tường, rất đáng tham khảo. Tiến tới khảo về sư thừa của Ma-ha-diễn thì bảo “pháp hiệu Hàng Ma Tiểu Phúc Trương hòa thượng, chuẩn ngưỡng Đại Phúc Lục hòa thượng”, có lẽ là hậu duệ của Thần Tú[2]. Vì nối pháp của Thần Tú chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 4 có thiền sư Tiểu Phúc người Kinh Triệu và Hàng Ma Tạng thiền sư người Duyện Châu. Nếu vậy, niềm tin suy tàn đối với thiền Bắc tông cũng là có lý do.     

Ngày 29 tháng 11 năm 1950, nhà yoga Đạo Tại ghi.


BÀI TỰA
“ĐỐN NGỘ ĐẠI THỪA CHÍNH LÝ QUYẾT”
Tiền Hà Tây Quan sát sứ phán quan Triều tán đại phu Điện trung Thị ngự sử Vương Tích soạn;

Từ khi đức Thích-ca hóa diệt, niên đại xa vời, Kinh chép lá bối, pho bộ tuy nhiều, hoặc có chân ngôn, ý kiêm bí mật, lí đã sâu sắc, chẳng dễ qua bờ. Thế là chư Bộ trỗi dậy, tà chấp giằng co, cho nên có Tiểu Thừa thiển trí, đại nghĩa trái khuấy, cái ánh le lói của đom đóm mà đòi tranh sáng tỏ với vầng thái dương. Hiềm nỗi phiên quốc quạt tục gió tà, không truyền Phật giáo, chẳng lường Thiền tông. Ôi ngã Thánh xưng phổ, sớm trồng gốc thiện, chóng ngộ lẽ thật. Thương muôn tính cứ mãi mê lâu bèn diễn áo chỉ của Chính thừa. Vốn biết lời nói trái lẽ thì tính (chúng sinh) sẽ trái Thừa, không tin Pháp mà đi theo Phi pháp. Chạy theo thế đế (lẽ đời), sẵn rộng căn cơ, không bỏ Thanh văn, uốn dòng văn tự, ban truyền trong cõi, để lại tinh tu. Tiếp xúc lân bang mở bày long tượng. Ở nước Ngũ Thiên Trúc thỉnh ba mươi vị Bà-la-môn tăng, nơi nước Đại Đường thỉnh ba vị Hán tăng đại thiền sư Ma-ha-diễn cùng hội tịnh giới, chung thuyết Chân tông. Đại sư ta ngầm viện Thiền môn, nêu rõ Pháp ấn, hoàng hậu Một-lô thị tự mình kiền thành, vạch đường khai ngộ, cắt bỏ tóc xanh, mặc áo nâu sòng. Giới châu sáng tỏ nơi ruộng tình, thấu suốt Thiền tông nơi nước định, tuy hoa sen không nhiễm nhưng chưa đủ làm gương. Khéo hay làm phương tiện, dạy dỗ sinh linh, thường xưng phổ cho mẹ dì Tất-nang-nam thị cùng các đại thần phu nhân hơn ba mươi người nói pháp Đại Thừa, đều xuất gia cùng lúc cả, cũng có khác gì chuyện đầu têu từ bà Ba-xà-ba-đề làm Tỳ-khưu-ni đâu. Lại có Tăng thống đại đức Bảo Chân, vốn tục họ Nghịch, chẳng lầm thiền – luật nơi ruộng tình, kinh – luận sẵn bàn nơi bể miệng, hộ trì Phật Pháp, tinh tu gấp bội. Hoặc chi giải sắc thân, chẳng hề nhiễu động, tập thiền cũng thế. Lại có tăng Tu-già-đề con nối vua Tô-tì, tiết tháo tinh tu, giới châu sáng sủa, mình mặc trăm áo, tâm khớp ba Không, bảo đại sư ta rằng:

- Hận là đại sư đến muộn, không được sớm nghe lời Pháp!

Bắt đầu năm Thân, đại sư ta chợt vâng minh chiếu về lời tâu của những Bà-la-môn tăng, Thiền tông đốn ngộ được Hán tăng truyền dạy chẳng phải là sở thuyết từ kim khẩu, xin ngừng bỏ lập tức. Thiền sư ta vẫn điềm nhiên cười rằng:

- Lạ thay! Chúng sinh cõi này há không có chủng tính Đại Thừa, bị quân Ma nhiễu động hay sao? Chúng bảo giáo pháp của ta không khớp lẽ Phật, tự chuốc diệt vong ư?

Thương xót hàm linh, ròng ròng nước mắt, bèn cúi đầu cung kính trước Phật mà thưa rằng:

- Nếu chúng sinh vùng này có duyên với Đại Thừa, thiền pháp sẽ mở lại không sai, xin luận nghị với Tiểu Thừa để xét đoán đúng sai, gióng lên hồi trống Pháp làm chấn động càn khôn, thổi loa Pháp mà xếp lại non nhạc. Nếu nói không hợp lý thì nguyện cho Mật tích Kim cương băm nát bần đạo ra làm bụi nhỏ.

Bậc thánh chủ đứng trước, lập tức tâu rằng:

- Thầm mong thánh thượng trách vấn với những Bà-la-môn tăng, cật nạn lẫn nhau, so sánh kinh nghĩa, nên có chỉ quy để giảm thiểu sai sót, xin ngừng bỏ đi.

Vua nói:

- Được thôi!

Những Bà-la-môn tăng qua nhiều năm tháng tìm tòi kinh nghĩa để tâu vấn đề, cóp nhặt tì vết, đại sư ta thì tâm trong lẽ thật, đáp theo lời hỏi, như gió mát cuốn bay sương mù, nhìn thấy trời xa, khác gì tấm gương thật dựng lên soi sáng mọi hình tượng. Những Bà-la-môn lời lẽ đuối lý, cùng cạn từ nghĩa, ngọn giáo bị gãy, đâm lòng chống đối, bèn mê hoặc lũ đại thần âm mưu kết bè đảng, có hai vị tăng Thổ-phồn là Khất-xa-di và Thi-tì-ma-la, biết thân như bọt bóng, khế sâu thiền kỹ, quyên sinh vì Pháp, đâu dám ngoan cố, chui đầu vào lửa, bèn thân gỡ dao sắc mà nói:

- Ta không nỡ thấy bè đảng kết giao, hủy báng Thiền pháp.

Bèn chết đi. Lại có hơn ba mươi vị tăng Thổ-phồn đều thâm ngộ chân lý, chung một lời tâu lên:

- Nếu thiền pháp không hành thì chúng tôi xin cởi hết cà-sa, vứt thân hiểm hóc.

Bọn Bà-la-môn bèn trừng mắt uốn lưỡi, kinh hồn vỡ mật, lo ảnh sửa tường, nghĩ thẹn toán chiến. Tiểu Thừa đã loạn cách há còn dấy quân, xem cờ Đại Thừa giương vẫn vậy dũng mãnh. Đến ngày 15 tháng giêng năm Tuất đại tuyên chiếu mệnh rằng: “Thiền nghĩa do Ma-ha-diễn khai thông suốt Kinh văn, không chút sai lầm, từ nay về sau dù đạo hay tục cũng đều y pháp tu tập”. Tiểu tử chẳng tài, đại sư chầm chậm gọi bảo:

- Mực chữ công văn được lời vấn đáp lấy làm đề mục, kiêm viết trình tựa, nên đặt mục là Đốn Ngộ Đại Thừa Chính Lý Quyết.

Hỏi rằng:

- Nay thấy tâm trừ tập khí, ra Kinh văn gì?

Cẩn đáp:

- Đúng Kinh Phật Đỉnh dạy: một căn ngược về nguồn, sáu căn thành giải thoát. Theo Kinh Kim Cương và các Kinh Đại Thừa đều dạy: lìa tất cả vọng tưởng tập khí gọi là chư Phật. Cho nên khiến thấy tâm trừ tất cả tâm vọng tưởng tập khí.

Hỏi:

- Lời Kinh Đại Thừa nói sao gọi là nghĩa Đại Thừa?

Đáp:

- Kinh Lăng-già nói: duyên có vọng tưởng thì thấy có Đại Thừa; nếu không vọng tưởng thì lìa Đại Tiểu thừa, cái không thừa và thừa không có kiến lập thừa, ta nói là Đại Thừa.

Hỏi thứ nhất:

- Hoặc có người nói Phật từ vô lượng nhiều kiếp tới nay vô lượng công đức trí tụ tròn sẵn, rồi mới thành Phật. Lìa mỗi vọng tưởng không được thành Phật. Vì cớ sao? Nếu người chỉ lìa vọng tưởng được thành Phật cũng không cần nói Sáu Ba-la-mật, mười hai bộ kinh, chỉ cần nói khiến diệt vọng tưởng. Nếu đã không nói như vậy thì trái với lí.

Đáp:

- Tất cả chúng sinh duyên vô lượng kiếp tới nay thường không lìa khỏi ba độc phiền não, tâm tưởng vô thủy tập khí vọng tưởng cho nên trôi lăn sinh tử, không được giải thoát. Theo Kinh Chư Pháp Vô Hành quyển thượng nói: nếu trong tất cả pháp vì trừ được tâm duyên tướng ấy là bất khả đắc nên người đó gọi là người đã được độ. Lại Kinh Kim Cương Tam-muội dạy: Phật nói một niệm tâm động thì năm ấm cùng sinh. Khiến chúng sinh kia an tọa tâm thiền, trụ Kim Cương địa, cái không một niệm này đúng như cái lí vậy, đủ hết mọi pháp. Lại Kinh Kim Quang Minh thứ hai nói: tất cả phiền não cuối cùng diệt tận, bởi vậy pháp như như, cái trí như như nhiếp tất cả Phật Pháp. Lại Kinh Lăng-già thứ hai nói: chỉ lìa tâm vọng tưởng thì Pháp thân Như Lai của chư Phật trí tuệ bất tư tự nhiên hiển hiện. Lại Pháp thân tức chợt hiện, tỏ Báo thân cũng như Hóa thân. Lại Kinh Chư Pháp Vô Hành Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: “nếu có người hỏi ngươi đoạn tất cả bất thiện pháp, thành tựu tất cả thiện pháp gọi là Như Lai, ngươi đáp thế nào?” Văn-thù-sư-lợi nói: “như Phật ngồi nơi đạo tràng, vả thấy pháp có sinh diệt chăng?” Phật nói “không thấy”. “Thế Tôn! Nếu pháp không sinh không diệt, không đoạn tất cả bất thiện pháp, không thành tựu tất cả thiện pháp, là sở kiến gì? Sở đoạn gì? Sở chứng gì? Sở tu gì? Sở đắc gì? Chỉ là tâm tưởng vọng tưởng tức là tự nhiên trọn đủ ba mươi bảy đạo phẩm, tất cả công đức cũng đều trọn sẵn, rộng thuật Kinh văn không thể nói hết, cứ tự xét tìm sẽ thấy Kinh nghĩa cứ lí.

Hỏi:

- Cái không trái đối với lí nếu có chúng sinh lìa khỏi ba độc phiền não, liền được giải thoát tâm tưởng vô thủy tập khí vọng tưởng, cũng được thành Phật, công đức như vậy không thể so lường.

Đáp:

- Mười hai bộ kinh theo Kinh Lăng-già nói: Kinh Phật đã dạy đều có nghĩa vậy, tuệ lớn, các Tu-đa-la dạy tùy thuận theo tâm tất cả chúng sinh chứ chẳng phải chân thật ở trong lời, chẳng phải đều hiển thị cái pháp trí chứng nơi chân thật. Tuệ lớn phải tùy thuận nghĩa, chẳng thấy ngôn thuyết. Lại Kinh dạy: Phật nói “Ta đêm nọ thành đạo, đêm đó nhập Niết-bàn, ở hai khoảng giữa đó không nói một chữ, không từng nói, nay nói hay sẽ nói”. Không nói tức là Phật nói. Lại Kinh Niết-bàn dạy: kẻ nghe Phật không nói pháp là người trọn đủ đa văn. Lại Kinh Kim Cương dạy: cho đến không có chút pháp đáng nắm được, đó là Vô thượng Bồ-đề. Lại Kinh ghi: không pháp có thể nói, đó gọi thuyết pháp. Theo đạo lí này nên không trái nhau.

Lại hỏi:

- Có trời người chế ra vọng tưởng, vì chế vọng tưởng nên sinh Trời Vô Tưởng, bọn này không đến Phật đạo, biết rõ trừ tưởng không được thành Phật.

Cẩn đáp:

- Những trời người kia có quán có hướng, lấy định Vô tưởngvọng tưởng này mà sinh Trời kia, nếu có thể lìa quán lìa Vô tưởng định thì không còn vọng tưởng, chẳng sinh Trời kia. Kinh Kim Cương dạy: lìa tất cả các tướng gọi là chư Phật. Nếu nói kẻ lìa vọng tưởng không thành Phật vậy đi ra từ Kinh văn nào?

Hỏi:

- Theo Kinh Lăng-già dạy: người không Tam thừa là kẻ bất định tính trong năm chủng tính chúng sinhgiả thuyết, không nên chấp như vậy chứ.

Lại đáp:

- Cách gọi năm chủng tính chỉ duyên chúng sinh có năm loại vọng tưởng bất đồng, cho nên nói tên có năm chủng, nếu lìa được vọng tưởng thì một loại cũng không, làm gì có năm, há lại lập phương tiện khác ư?

Hỏi:

- Kinh Lăng-già nói: lời đã nói với Thanh văn thụ ký, hóa Phật – hóa Thanh văn thụ ký, theo điều này chỉ là mấy cái nghĩa Trung Niết-bàn đạo phương tiện điều phục chúng sinh, là Tam thừa. Nếu lìa khỏi tưởng thì không thể nói là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, bảo Vô tưởng không quán Đại – Tiểu thừa, chẳng phải không Đại – Tiểu. Thí như bậc Thanh văn sau khi chứng Niết-bàn thì không có chỗ quán gì thêm với Đại Thừa hay Tiểu Thừa. Hạng Thanh văn này há nói là nhập Đại Thừa đạo chăng?

Cẩn đáp:

- Cách nói hóa Phật và hóa Thanh văn thụ ký là vì người Thanh văn chưa thấy Pháp thân cũng như Báo thân, chỉ thấy Hóa thân, cho nên Hóa thân thụ ký chính hợp lẽ ấy.

Lại hỏi:

- Kinh Lăng-già dạy: lời ta đã nói thì tắt ngọn lửa thức gọi là Niết-bàn, không nói Niết-bàn đạo là Tam thừa.

Đáp:

- Kệ Kinh Lăng-già bảo những bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán quả đều là chư Thánh nhân, tâm họ mê hoặc hết. Tam thừa, Nhất thừa và Phi thừa mà ta lập ra, là nói cho ngu phu thiểu trí ưa tịch chư Thánh. Pháp môn đệ nhất nghĩa lánh xa ba hướng, trụ vào không cảnh giới, dựng Tam thừa nào nữa. Chư thiền và vô lượng, tam-ma-địa vô sắc cho đến Diệt thụ tưởng, duy tâm bất khả đắc. Theo nghĩa lí Kinh ấy, Tam thừa đã nói đều là pháp môn phương tiện dẫn dắt chúng sinh. Lại Kinh Tư Ích nói: Võng Minh Bồ-tát hỏi Tư Ích Phạm Thiên rằng “Hành tất cả hành mà chẳng phải hành là gì?” Phạm Thiên nói: “Nếu người ngàn muôn ức kiếp hành đạo, nơi lẽ Pháp tính không thêm không bớt, bởi vậy nói hành tất cả hành mà chẳng phải hành. Tôi nhớ quá khứ a-tăng-kỳ kiếp, gặp vô lượng a-tăng-kỳ Như Lai thừa sự không sơ sót và thực hành mười hai đầu-đà khổ hạnh, vào núi học đạo, giữ giới tinh tiến, trí tuệ đọc tụng tư duy đã nghe là chư Như Lai cũng không thấy thụ ký. Vì cớ sao? Vì y chỉ sở hành, do vậy nên biết là Bồ-tát làm ra tất cả các hạnh thì được thụ ký. Theo đạo lí này, cái nhìn Đại Thừa trong lẽ Pháp tính đều là tưởng giả dối, nếu lìa vọng tưởng thì không có nhìn Đại – Tiểu. Lại theo Kinh Lăng-già Mật Nghiêm nói: Thanh văn tuy lìa vọng tưởng phiền não, nơi bùn đất tập khí thí như người say mê sau đó tỉnh rượu dậy, Thanh văn kia cũng vậy, tham trước tịch diệt, ưa tam-muội lạc, vì sự say đó cho đến trường kiếp không giác (tỉnh dậy), sau khi giác sẽ thành Phật. Thanh văn tham trước tịch diệt lạc cho nên không được nhập Đại Thừa.

Lại hỏi:

- Cách nói Thanh văn trụ vô tướng, được nhập Đại Thừa không?

Đáp:

- Theo Kinh Lăng-già nói: nếu trụ vô tướng, không thấy nơi Đại Thừa, cho nên không chuốc lấy Vô tưởng định. Bởi vậy Kinh văn “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”.

Hỏi thứ hai:

- Lìa tất cả tướng gọi là chư Phật, Kinh nào nói vậy?

Cẩn đáp:

- Kinh Kim Cương dạy: lìa tất cả tướng, tức gọi chư Phật. Lại trong các kinh Đại Bát-nhã, Lăng-già, Hoa Nghiêm… cũng nói rộng đủ.

Lại hỏi mới hơn:

- Kinh Kim Cương dạy: nếu liễu đạt các pháp, quán rồi sau đó không quán ấy là trí tuệ; nếu tu trọn tất cả thiện rồi sau đó không tu vì hóa chúng sinh. Đại trí tự nhiên thành tựu, vì trước tiên nói nguyện lực. Vì phàm phu vọng tưởng chẳng sinh. Phàm phu vốn dĩ không đạt tất cả, còn chưa đủ các công đức, chỉ diệt vọng tưởng không được thành Phật. Để nói tóm gọn, hiểu tất cả pháp là trí, tu tất cả thiện pháp là phúc, là vì thành tựu tất cả như vậy cho nên trải qua nhiều kiếp vì nhân các phúc trí lực nên tam-muội vô quán từ đó mới tỏ. Lại Kinh Thủ-lăng-nghiêm Tam-muội nói: vì mới tập quán được Tam-muội này, thí như học bắn, ban đầu bắn giỏ tre, to như thân bò, về sau nhỏ dần, giống như lông tóc, cũng đều bắn trúng. Từ tập nơi quán là tiệm tu hành, lời chư Phật nói đều là Tiệm môn, không thấy Đốn môn.

Đáp câu hỏi mới thứ hai:

- Theo Kinh Lăng-già dạy: Phật bảo Đại Tuệ Bồ-tát nên chớ xem văn tự, tùy nghi thuyết pháp, ta và chư Phật vì đều theo giải phiền não chúng sinh nên muốn khai diễn cho muôn loài bất đồng, khiến biến các pháp được hiện nơi tự tâm. Lại Kinh Tư Ích nói: nói lẽ Pháp tính, nếu người ngàn muôn ức kiếp hành đạo, với lẽ Pháp tính không thêm không bớt, nếu hiểu rõ lẽ này gọi là Đại trí tuệ. Ở trong lẽ Pháp tính tu và không tu đều là vọng tưởng. Theo đạo lí Pháp tính, nếu lìa vọng tưởng, Đại trí vốn tự nhiên thành tựu. Nếu luận phúc – trí, càng không có đạo lí Pháp tính. Cũng như Pháp tính tam-muội đã nói: Tiệm – Đốn đều do chúng sinh tâm tưởng vọng tưởng thấy, bởi vậy Kinh dạy: Đại tuệ, vì vậy nên sinh thấy trong tưởng hòa hợp lìa nhân duyên sở tác, nếu lìa tất cả tưởng vọng tưởng, Tiệm – Đốn không thể nắm được. Nếu nói người lìa vọng tưởng không thành Phật đi ra từ Kinh nào? Cách nói Kinh Thủ-lăng-nghiêm dạy: người học bắn dần dà không duyên tâm tưởng tăng trưởng vọng tưởng, chỉ hợp khiến trừ vọng tưởng.

Hỏi câu hỏi thứ ba cũ:

- Nói tất cả tưởng thì tưởng ấy thế nào?

Đáp:

- Tưởng là tâm niệm khởi động và nắm ngoại cảnh, nói tất cả nghĩa là dưới đến địa ngục, trên đến chư Phật trở xuống. Kinh Lăng-già nói: các pháp vô tự tính, đều là vọng tưởng tâm thấy.

Câu hỏi mới thứ ba tưởng trên đến chư Phật, dưới đến địa ngục, cần phải lâu dài thành tựu thiện pháp, lánh xa ác pháp, thực hành theo đó. Nếu không hiểu Phật, không biết địa ngục, như nói Vô minh trong mười hai nhân duyên, hạng phàm phu không hợp tu hành pháp này.

Câu hỏi mới thứ ba:

- Tất cả chúng sinh vì cớ xưa nay vọng tưởng phân biệt chấp trước, vọng tưởng về thiện ác pháp, hoặc giỏi thiện hoặc giỏi ác, do nhân duyên đó trôi lăn sinh tử, xuất ly không được, vì vậy Kinh văn phàm hết mọi tưởng đều là giả dối, nếu thấy các tướng chẳng phải tưởng thì thấy Như Lai. Nếu công đức hiểu rõ niệm này, qua vô lượng kiếp tu tập thiện pháp, không bằng một niệm công đức này. Lại còn bảo trong ngôi phàm phu không thích hợp học pháp này, tất cả sự tu tập thiện pháp thành Đẳng Giác của chư Phật Bồ-tát vô lượng kiếp đều lưu lại pháp cho chúng sinh Mạt Pháp đời sau giáo lệnh tu học, đã nói chúng sinh phàm phu không hợp học pháp này thì chư Phật Bồ-tát truyền dạy để lại cho ai? Phàm phu không hợp học pháp này lấy ra từ Kinh nào?

Hỏi:

- Tưởng có lỗi gì?

Đáp:

- Lỗi của tưởng là có thể ngăn Nhất thiết trí bản lai của chúng sinh, và ba nẻo ác lâu mãi trong luân hồi, nên có lỗi này. Kinh Kim Cương nói: cũng khiến lìa tất cả các tưởng thì gọi là chư Phật.

Câu hỏi mới thứ tư:

- Hoặc có cớ khiến tưởng được sinh trưởng hoặc khiến tưởng và xứ không sinh. Khi bậc phàm phu mới tu hành không được trừ tất cả tưởng?

Đáp:

- Các Kinh Đại Thừa nói: tất cả chúng sinh vì có phân biệt chấp trước, vọng tưởng lúc sinh lúc không bởi vậy trôi lăn sinh tử, nếu có thể không chấp trước vọng tưởng lúc sinh lúc không liền giải thoát. Chúng sinh phàm phu không trừ được tưởng lấy ra từ Kinh nào?

Câu hỏi cũ:

- Nhìn tâm như thế nào?

Đáp:

- Soi ngược nguồn tâm, xem tâm tưởng nếu động có sạch hay không sạch, không hay chẳng không… tận đều không nghĩ không quán, ngay người không nghĩ cũng không nghĩ luôn. Cho nên trong Kinh Tịnh Danh nói: chẳng quán là Bồ-đề.

Câu hỏi mới thứ năm:

Bát địa Bồ-tát cứ trong Kinh Thập Địa chỉ nhập chẳng quán, Phật khiến nhập tu hành, theo sự này, phàm phu sơ địa ngay chẳng quán còn chưa được thì làm sao mà được?

Đáp:

- Theo Kinh Lăng-già nói: Bát địa Bồ-tát lìa tất cả quán và tập khí phân biệt, nghiệp thiện ác đã chịu vô lượng kiếp nay như tòa thành Càn-thát-bà, như huyễn hóa vậy, biết rõ bậc Bồ-tát vượt qua tất cả hành, đắc Vô sinh pháp nhẫn, sau đó được thụ ký, không nghe Bát địa Bồ-tát giáo lệnh tu hành. Kinh văn nói thế nào, chỉ hợp tìm kỹ lời trong Kinh dạy thì phàm phu chưa đắc sơ địa, kẻ không hợp không quán thì nghĩa này hợp hành chẳng hành, câu hỏi trước đã nói qua.

Câu hỏi cũ:

- Phương tiện làm sao để trừ được vọng tưởng cũng như tập khí?

Đáp:

- Vọng tưởng khởi không tỉnh gọi là sinh tử, giác tỉnh rồi không gây nghiệp theo vọng tưởng, không nắm không trụ, niệm niệm tức là giải thoát. Bát-nhã Bảo Tích Kinh dạy: không được chút pháp nào gọi là Vô thượng Bồ-đề.

Câu hỏi mới thứ sáu:

- Như trước đã nói, phàm phu sơ học há hiểu được Phật, Phật là đấng đã thành tựu?

Đáp:

- Phàm phu tuy không bằng Phật và pháp mà Phật đã ngộ, theo Kinh văn đều lưu lại cho chúng sinh Mạt Pháp đời sau giáo lệnh tu học, nếu không như vậy thì pháp giáo để lại cho ai?

Lại hỏi:

- Phật nói không có chút pháp nào nắm được thì không thể chấp trước ngôn thuyết. Nếu không chút pháp nào nắm được, người không nghĩ không quán lợi ích tất cả có thể không như vậy được chăng?

Đáp:

- Nghĩa này trước đã trả lời rồi, nay sẽ nói lặp lại lần nữa, Phật từ vô lượng kiếp tới nay đã lìa tâm được hay chẳng được, không tâm không nghĩ, giống như gương sáng, không tâm không nghĩ, lìa được hay chẳng được, nhưng ứng vật hiện hình theo chúng sinh, như dụ về nước hay dụ ánh mặt trời đều đồng đẳng nhau. Lại theo Kinh Nhập Như Lai Công Đức nói: chẳng phải không được chút pháp nào, là được tất cả pháp trái nghịch với nghĩa, câu hỏi trước đã nói phàm phu không hợp học pháp này, thế thì khi được vin vào Kinh văn Đại Thừa được công đức vô lượng vô biên như vậy huống gì tin nhận tu hành. Vì cớ nói vậy, đáp việc như vậy, vì vô sở đắc nên gọi đó là đắc, thật không hề trái với lí.

Câu hỏi cũ:

- Sáu Ba-la-mật và các pháp môn cần hay không cần?

Đáp:

- Như pháp Thế đế: sáu Ba-la-mật vì bằng phương tiện hiển thắng nghĩa nên chẳng phải là không cần. Như thắng nghĩa lìa ngôn thuyết thì sáu Ba-la-mật và các pháp môn không thể nói là cần và không cần, các Kinh rộng nói.

Câu hỏi mới thứ bảy:

- Thế gianĐệ nhất nghĩa đế là một hay là khác?

Đáp:

- Không một cũng chẳng khác. Thế nào là không một? Vọng tưởng chưa tận đến nay thấy có Thế đế. Thế nào là chẳng khác? Lúc tất cả vọng tưởng tập khí, một hay khác chẳng thể phân biệt. Lại hỏi vì phương tiện này là hiển bày Đệ nhất nghĩa đế nên chỉ là kẻ độn căn, lại còn phải cùng cần thiết lợi và độn nữa ư?

Đáp:

- Độn căn không hiểu rõ thắng nghĩa là cần, kẻ lợi căn chẳng luận cần hay không cần.

Lại hỏi:

- Sáu Ba-la-mật bằng với pháp môn khác, không nói là cần hay không cần, vì sao không thể nói?

Đáp:

- Là pháp, tính lí tức không thể nói. Cứ trong pháp tính lí, cần hay không cần, có một và khác hay không đều không thể được.

Lại hỏi rằng:

- Kinh văn rộng nói, làm sao nói là ngôn thuyết chẳng nên bảo cần hay không cần?

Đáp:

- Kinh văn rộng nói là nói cốt cho kẻ độn căn, lợi căn chẳng luận cần hay không cần. Thí như người bệnh cần thuốc, người muốn vượt sông cần thuyền, người không bệnh thì chẳng nói cần hay không cần, vượt sông rồi thì không cần thuyền nữa.

Câu hỏi cũ:

- Khi sáu Ba-la-mật là cần thì làm sao tu hành?

Đáp:

- Kẻ tu hành sáu Ba-la-mật là trong là ngoài. Trong ngoài có hai loại, trong là tự độ, ngoài là lợi ích chúng sinh. Phương tiện được tu hành là theo Kinh Bát-nhã, Lăng-già, Tư Ích, khi sáu Ba-la-mật không nghĩ không quán với tất cả pháp, ba nghiệp thanh tịnh, như ánh dương ảo[3], không nắm không trụ với tất cả.

Câu hỏi mới thứ tám:

- Sáu Ba-la-mật khi đã nói tam nghiệp thanh tịnh, phàm phu chưa thể làm được và tu tập trung gian chẳng quán, không tu hành đãi tam nghiệp thanh tịnh sau đó tu tập, còn chưa thể tịnh được tam nghiệp để gắng tu, làm sao tu hành?

Đáp:

- Đã nói sáu Ba-la-mật có bốn loại, một là Ba-la-mật thế gian, hai là Ba-la-mật xuất thế gian, ba là Ba-la-mật xuất thế gian thượng thượng, bốn là sáu Ba-la-mật nội. Theo Kinh Lăng-già nói: khi rộng nói hay lược nói, lúc nếu được chẳng quán chẳng nghĩ, sáu Ba-la-mật tự nhiên viên mãn, chưa được trung gian chẳng quán chẳng nghĩ, việc cần làm sáu Ba-la-mật, chẳng mong mỏi quả báo.

Lại hỏi rằng:

- Ngựa hoang hay ánh dương thật là không hiểu?

Đáp:

- Ngựa hoang dụ cho tâm vọng tưởng, ánh dương dụ cho tất cả pháp tất cả thế gian. Ví như ngựa hoang khát thấy ánh dương tưởng là nước, thật chẳng phải nước, nếu lúc thấu rõ pháp thế gian như vậy tức là tam nghiệp thanh tịnh.

Câu hỏi cũ:

- Tu pháp môn này sớm muộn được giải thoát chứ?

Đáp:

- Như Kinh Lăng-già và Kim Cương nói: lìa tất cả tưởng thì gọi là chư Phật, tùy căn tính mình lợi hay độn mà tu tập như vầy, tập khí vọng tưởng cạn hết rồi thì được giải thoát ngay.

Câu hỏi cũ:

- Lại hành pháp nghĩa này, có công đức gì?

Đáp:

- Công đức của sự chẳng quán chẳng tưởng, nghĩ và quán chiếu không thể đong lường, mọi công đức của Phật nên thấy như vậy và chút phần như thế. Theo Kinh Bát-nhã nói nếu làm tất cả chúng sinh trời, người, Thanh văn, Duyên giác chứng hết Vô thượng Bồ-đề, chẳng bằng nghe nghĩa Bát-nhã Ba-la-mật này, công đức kính tin tính toán không gì bằng nổi. Vì cớ sao? Người, trời, Thanh văn, Duyên giác và các hàng Bồ-tát đều ra từ Bát-nhã Ba-la-mật, người – trời và hàng Bồ-tát không thể ra khỏi Bát-nhã Ba-la-mật. Lại hỏi sao gọi là Bát-nhã Ba-la-mật? Đáp: cái gọi không tưởng không nắm không xả không chấp gọi là Bát-nhã Ba-la-mật. Lại Kinh Nhập Như Lai Công Đức nói: hoặc có chuyện vâng hầu cúng dường Phật số vi trần khắp tam thiên đại thiên thế giới cho đến sau khi chư Phật kia diệt độ lại dùng bảy báu trang nghiêm tháp Ngài cao rộng ví như đại thiên thế giới, lại công đức cúng dường qua vô lượng kiếp, không bằng nghe pháp nghĩa này lắng nghe mà lòng không nghi, phước đức đạt được hơn cái kia gấp trăm ngàn lần. Lại Kinh Kim Cương nói: nếu có người đã dùng đầy bảy báu tam thiên đại thiên thế giới bố thí cũng như hằng ha sa số thân mạng bố thí, chẳng bằng nghe một bài kệ bốn câu, phước ấy rất nhiều, không thể tỉ dụ. Trong các Kinh Đại Thừa rộng nói nghĩa này, phước đức ấy trừ Phật ra không có ai biết.

Câu hỏi mới thứ chín:

- Người khiến tất cả chúng sinh chứng hết Vô thượng Bồ-đề vì không bằng phước kia, Vô thượng Bồ-đề này mới thành ra có cái hơn. Thế có phải không? Tiếp sau nói rằng hàng Vô thượng Bồ-đề đi ra từ Bát-nhã Ba-la-mật, Vô thượng Bồ-đề không ra khỏi Bát-nhã Ba-la-mật, người không ra khỏi nói là dạng Bồ-tát nào? Nếu nói Vô thượng Bồ-đề, theo như nay hiện Bát-nhã Ba-la-mật tựa như thế, chỉ nói như vậy thì không thể là Vô thượng Bồ-đề.

Đáp:

- Đã nói người khiến tất cả chúng sinh chứng hết Vô thượng Bồ-đề vì không bằng phước này, phía trước đã nói chúng sinh phàm phu không hợp thực hành pháp này, vì vậy vin các kinh điển Đại ThừaBát-nhã Ba-la-mật, chúng sinh nghe pháp này sinh một niệm tịnh tín được công đức vô lượng vô biên như vậy, là so sánh công đức nên mới nói như vậy. Hiện có Kinh văn nói tất cả chư Phật và pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề của chư Phật đều từ Kinh này ra. Nay lại hỏi có cái hơn Vô thượng và dạng Bồ-tát nào, Kinh văn hiện tại cứ kiểm thì biết.

Câu hỏi cũ:

- Nếu lìa tưởng chẳng nghĩ chẳng quán, làm sao đắc Nhất thiết chủng trí?

Đáp:

- Nếu vọng tâm không khởi, lìa tất cả vọng tưởng thì chân tính bản hữuNhất thiết chủng trí tự nhiên hiển hiện. Như các Kinh Hoa Nghiêm và Lăng-nghiêm nói: như mặt trời ló dạng, nước đục lọc trong, gương được sáng sạch, như bạc khai khoáng…

Câu hỏi mới thứ mười:

- Lời này là thật, thế thì đã thành tựu đủ pháp của đấng thế lực, chẳng phải là pháp của phàm phu.

Đáp:

- Nghĩa này đã trả lời ở trước rồi, nay lại hỏi nữa, ví như bông sen ra khỏi bùn lầy thì sạch sẽ tươm tất, rời khỏi bụi nhơ, chư Thiênquý nhân nhìn thấy kính trọng. A-lại-da thức cũng lại như thế, rời bùn tập khí mà được trong sáng, được chư Phật Bồ-tát và trời người kính trọng, chúng sinh phàm phu cũng lại như vậy, nếu được ra khỏi bùn lầy tập khí phân biệt vọng tưởng ba độc vô lượng kiếp nay vẫn được thành tựu cái thế đại lực. Phàm phu vì bị vọng tưởng ba độc che lấp cho nên không ra khỏi cái sức đại thế.

Câu hỏi cũ:

- Nếu quán trí làm sao lợi ích chúng sinh?

Đáp:

- Người chẳng nghĩ chẳng quán lợi ích chúng sinh trong Kinh Nhập Như Lai Công Đức có nói, như ánh mặt trăng mặt trời chiếu soi tất cả, ngọc báu như ý xuất trọn tất cả, mặt đất có thể sinh tất cả. Lại hỏi rằng chấp cảnh, chấp thức, chấp trung luận trong ba pháp này, nay theo nguồn nào? Đáp: nghĩa này là Bát-nhã Ba-la-mật vô tư Đại Thừa Thiền môn, trong nghĩa vô tư (không nghĩ) làm gì có ba luận. Rộng nói Kinh Bát-nhã thì một cũng chẳng lập.

Câu hỏi mới thứ mười một:

- Nghĩa này là Bát-nhã Ba-la-mật vì cầu Bát-nhã Ba-la-mật, nếu người đủ Trí tuệ Ba-la-mật, năm Ba-la-mật kia tu với không tu cũng được.

Lại đáp rằng:

- Đã nói Thiền không tương tự thì trong Kinh Bảo Tích nói Thiện Trụ Ý thiên tử bạch Văn-thù-sư-lợi rằng: “Đại sĩ đã nói bậc Tỳ-khưu thiền hành, những gì gọi là bậc Tỳ-khưu thiền hành?” Văn-thù-sư-lợi nói: “Thiên tử! Không có chút pháp nào nắm được đó là thiền hành.” Lại trong Kinh Mật Nghiêm nói nếu có ai tu hành được định nhiệm mầu của Như Lai, khéo biết uẩn vô ngã, thấy các thứ đều trừ diệt. Kinh Tư Ích nói: không trụ gì với các pháp đó gọi là Thiền Ba-la-mật. Kinh Lăng-già nói: chẳng sinh phân biệt, không khởi quan điểm Niết-bàn của ngoại đạo thì đó gọi là Thiền Ba-la-mật. Và các kinh điển Đại Thừa đều nói như vậy. Theo đạo lí này, chúng sinh Mạt Pháp giáo lệnh tu học. Vì sao được biết? Các Kinh Đại Thừa nói: vì chúng sinh Mạt Pháp trí tuệ kém cỏi cho nên rộng nói. Nếu có người nghe thấy pháp này tức công đức không thể lường, huống gì tin nhận vâng làm.

Câu hỏi cũ:

- Nghĩa đã như vậy, vì sao các Kinh rộng nói?

Đáp:

- Như các Kinh đã nói, chỉ nói vọng tưởng chúng sinh, nếu lìa vọng tưởng thì còn pháp nào đáng nói nữa. Cho nên Kinh Lăng-già nói: tất cả các Kinh chỉ nói vọng tưởng chúng sinh, Chân như không nằm trong ngôn thuyết.

Lại hỏi:

- Chúng sinh vốn dĩ là có Phật tính, vì sao biết được cái vốn dĩ đó? Như ngoại đạo nói có ngã, khác gì nhau đâu?

Đáp:

- Vốn dĩ có Phật tính như mặt trời ló dạng, nước đục lọc trong, gương mài trong sáng. Như chín mươi lăm thứ ngoại đạo phải nói tóm lại là không biết sự biến đổi ba cõi duy tâm, bạc ra trong mỏ, nung thép lại nguội, trước đã nói rồi. Chẳng giống với cái ngoại đạo kêu là có ngã đâu, thấy có sự làm; thấy có sự biến đổi theo thời; hoặc chấp có không, quán Không trụ; thấy một bên, vì vậy chẳng giống. Kinh Lăng-già rộng nói.

Lại hỏi:

- Gọi chúng sinh là sao?

Đáp:

- Chúng sinh là từ đủ thứ vọng tưởngnăm ấm ba độc nên mới có.

Lại hỏi:

- Gọi người Nhị thừa là sao?

Đáp:

- Người Nhị thừa là thấy tất cả hữu từ nhân duyên sinh, hiểu tất cả được sinh bởi nhân duyên hòa hợp, vô thường – khổ – không, vì chán nỗi khổ nên ưa Niết-bàn, trụ nơi rỗng lặng, duyên hữu thủ xả, nên gọi Nhị thừa. Kệ rằng: “Vốn không mà có sinh, sinh rồi thì lại diệt”, nhân duyên có chẳng có không trụ giáo pháp Ta. Đãi có nên thành không, đãi không mới thành có, không thì chẳng thể nắm, có cũng chẳng thể nói, không hiểu ngã hay vô ngã, nhưng chấp vào ngôn ngữ thì kẻ đó chìm vào hai lằn (nhị biên), hoại mình lẫn hoại người, nếu có thể hiểu điều này thì chẳng hủy đạo của bậc đại sư, đó gọi là Chính quán. Nếu tùy lời nắm nghĩa, dựng lên với các pháp, vì sự dựng lên kia nên chết đọa vào địa ngục.

Thần, Sa-môn Ma-ha-diễn nói:

- Thần nghe người có thể hoằng đạo chẳng phải là người hoằng đạo, nhờ Đại Thánh lâm triều xiển dương Chính Pháp, tuy được hóa độ bằng Tam thừa nhưng khiến quay về cánh cửa Bất nhị, vì thương sinh mê ngu mà xét tận Thắng đế. Điều thần đã nói không nghĩa đáng nghĩ, Bát-nhã chân tông khó tin khó nhập, chẳng phải bậc đại trí có thể dò ý, há kẻ hiểu biết nhỏ nhen lần nghe được nổi sao. Vào thuở đức Phật mở giáo, dựng ra năm trăm Tỳ-khưu, Như Lai vẫn còn chưa chế, lời lui cũng rất đẹp. Huống chi thần già nua, tâm phong đã nói, quên mất trước sau, chỉ mong bệ hạ phước lực gia hộ, lí tính trợ tuyên, thật mong mỏitừ bi, dứt hết tranh luận này thì chư Thiên thảy đều hoan hỷ, tăng ni họ và tôi tự không có gì. Thần theo lời hỏi mà diễn Kinh, chẳng phải là tin miệng mà nói dối, mà cậy theo lá bối truyền thẳng mở cửa Thiền, nếu tìm văn cứu nguồn vẫn giống nói thuốc mà cầu khỏi bệnh. Biết rằng cư sĩ im lặng, khen ngợi điềm lành, tâm tương ưng thì danh nào có. Nếu cần vặn hỏi thì thần có học trò giỏi giắn và thông minh lợi căn còn hậu sinh khả úy. Thầm mong chấp nhận lời cầu của thần, sai tu lẫn tục vâng noi theo, kiêm bản tập Thiền tông của thần, cẩn ghi như sau tiến dâng. Theo Kinh Tư Ích nói: Võng Minh Bồ-tát vì sao tất cả hành chẳng phải hành? Phạm Thiên nói: nếu người hành đạo trong ngàn muôn ức kiếp, không tăng không diệt với lí pháp tính. Lại Kinh Tư Ích, Phạm Thiên bạch Phật: “Bồ-tát vì sao làm chư Phật thụ ký?” Phật nói: “Nếu Bồ-tát không hành tất cả, chư Phật bèn thụ ký.” Phật nói: “Ta nhớ quá khứ gặp gỡ vô lượng a-tăng-kì chư Phật Như Lai thừa sự không sơ sót và thực hành sáu Ba-la-mật, kiêm hành đầu-đà khổ hạnh, Phật trọn không thụ ký, vì cớ sao? Vì tâm sở hành. Vì vậy nên biết nếu Bồ-tát ra khỏi tất cả các hành, Phật bèn thụ ký. Ta nhớ quá khứ hành vô lượng đầu-đà khổ hạnh và sáu Ba-la-mật hạnh, tất cả hành, chẳng bằng một niệm không làm công đức. Lại hỏi: “Văn-thù-sư-lợi, vả có vô sở hành gọi là Chính hạnh không?” Đáp rằng: “Có. Nếu không hành tất cả pháp hữu vi, gọi là Chính hạnh.” Bất Thối Chuyển Bồ-tát bạch Phật rằng: “Đã nói hành giả tùy pháp gọi là gì?” Phật bảo thiên tử: “Hành giả tùy pháp không hành tất cả pháp, gọi là tùy pháp hành.” Trong Kinh Lăng-già nói Đại Tuệ Bồ-tát bạch Phật rằng: “Trong Tu-đa-la nói Như Lai Tạng bản tính thanh tịnh, thường hằng chẳng đoạn, không có biến dị, đủ ba mươi hai tướng, ở trong thân của tất cả chúng sinh, do bị vấy bẩn bởi sình nhơ phân biệt vọng tưởng như tham, đắm, giận, si… trói buộc trong tấm áo dơ uẩn – giới – xứ, như ngọc vô giá nằm trong áo bẩn. Ngay Mật Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cương tam-muội, Pháp Hoa Phổ Siêu tam-muội, cùng tất cả các Kinh Đại Thừa chuyền đủ ý nghĩa này. Theo đạo lí ấy, Phật tính bản hữu chẳng phải tu hành. Nhưng lìa ba độc giả dối, áo dơ tập khí vọng tưởng, bèn được giải thoát. Như thức A-lại-da ra khỏi bùn tập khí, chư Phật Bồ-tát gặp đều tôn trọng. Kinh Tư Ích nói: nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ có thể tin hiểu pháp nghĩa như vậy thì nên biết người đó được giải thoát các kiến, nên biết người đó được Đà-la-ni, nên biết người đó thực hành Chính niệm quán, nên biết người đó hiểu thấu nghĩa thú các pháp. Các Kinh Lăng-già, Tư Ích, Thiền tông nói không Thừa và Thừa là không có Thừa để kiến lập, ta nói là Nhất thừa. Kinh Pháp Hoa dạy: mười phương nước chư Phật không hai cũng không ba, chỉ có Nhất Phật thừa, trừ Phật phương tiện thuyết. Trộm cho thấy Tam thừa này mới là pháp môn dẫn dắt chúng sinh. Kinh Đại Phật Đỉnh nói: vì mê nên nói ngộ, nếu ngộ rồi thì mê ngộ đều không thể nắm được. Do chúng sinh mê vọng tưởng nên mới nói lìa vọng tưởng, nếu mê được tỉnh ngộ thì tự đâu có vọng tưởng nào mà lìa. Nay các câu hỏi mà thần trả lời đều dẫn Kinh văn. Phật vì người tin thi hành khiến công đức bất hủ, thánh đức bỗng nhiều, mãi mãi thấm nhuần thứ dân, kính dâng biểu cho nghe, không bằng lòng xấc xược nào cả. Thần là Sa-môn Ma-ha-diễn thật vui thật mừng lạy đầu lạy đầu. Cẩn nói: ngày 17 tháng 6. Thần Sa-môn Ma-ha-diễn dâng biểu.

Thần, Sa-môn Ma-ha-diễn nói:

- Vào ngày Sa Châu giáng xuống, vâng ơn lệnh Tán-phổ (Tsenpo) đi xa để khai thị Thiền môn và đến người La-sa cùng hỏi thiền pháp, vì chưa phụng tiến ngưng, đâu dám nói càn, lại đi đến Cát-lũ nhờ thánh chủ hỏi han, lại đi đến La-sa giáo lệnh dạy thiền, lại ở Chương-tha và Đặc-tiện La-sa mấy tháng răn dạy, lại ở Bột-bằng-mạn tra xét nguồn cơn, chẳng phải một dịp. Bệ hạ đã hiểu tông chỉ Thiền môn thần giảng nói là đúng đắn mới sai cho đồng khai Thiền giáo cùng vị Đạt-ma, bắt đầu sắc lệnh ban xuống các nơi khiến trăm họ quan liêu biết hết. Bệ hạ còn xem qua sáng trọn thắng nghĩa, hiểu thấu lời lẽ bâng quơ của thần, nói vua tôi theo làm, tự nay nếu có người nghi thì thầm mong thiên ân giải quyết. Vả điều thần nói trước sau đều trả lời câu hỏi theo Kinh văn, cũng không phải bản tông Thiền môn của thần. Nguồn tông của thần là lìa tất cả tướng ngôn thuyết, lìa tướng phân biệt tự tâm, tức là Chân đế, đều mặc truyền thầm trao, dứt đường ngôn ngữ. Nếu khổ luận chẳng phải được mất, lại thành có tịnh tam-muội. Như nước cùng một vị, dù thấy khác nhau, trí năng nhỏ lớn, thật khó dùng ngang. Chỉ mong tùy cái người vui tu hành, tự mình chặt đứt pháp và ngã, thì thần rất ư vinh hạnh, thỏa lòng mọi người, kính dâng biểu trần tình để nghe, cho thỏa tấc lòng tâm huyết. Thần Ma-ha-diễn kính sợ rạp cúi đầu cúi đầu cẩn nói: Ma-ha-diễn nghe tâu là Phật Pháp nghĩa tịch Thiền giáo lí, trước sau luôn nhờ cho câu hỏi mới có kiến giải, hết mực đối đáp, kể cả sáu Ba-la-mật và các thiện pháp cần tu hay không tu? Ân sắc luôn răn, kiêm cả sư tăng liêu cũng luận sáu Ba-la-mật và các điều thiện, tự mình không làm, đệ tử và người khác cũng không dạy tu hành, các đệ tử cũng học như vậy, lại có người tâu nghe. Nhưng đệ tử thần truyền dạy đều theo chỉ thị Kinh văn, làm việc thần làm và dạy pháp môn cho đệ tử kiêm trình mức đệ tử đã tu, đủ các thứ kiến giải tiến dâng. Vì chúng sinh phàm phu sức yếu, theo lí tu hành và sáu Ba-la-mật cũng không trái nhau. Sáu Ba-la-mật và các điều thiện đó cần làm hay không làm, điều trước sau trả lời ước theo thắng nghĩa, không nói là làm hay không làm. Luận pháp thế gian cho đến tam quy y một chắp tay phát nguyện lớn nhỏ các điều thiện trên dưới đều vì nói hết, thảy khiến tu hành. Diễn hòa thượng dạy nơi môn đồ con em, Sa-môn Thích Diễn nói: pháp tính khắp ngôn thuyết chỗ mà trí không với tới, người tập thiền khiến nhìn tâm nếu lúc niệm khởi chẳng quán chẳng nghĩ có hay không, người không nghĩ cũng chẳng nghĩ đến, nếu lúc tâm tưởng khởi chẳng giác tùy thuận tu hành tức luân hồi sinh tử, nếu giác không thuận vọng tưởng gây nghiệp tức niệm niệm giải thoát, lìa tất cả chư Phật. Ở trong thắng nghĩa lìa tu không tu, nếu luận pháp thế gian, giả ba nghiệp thanh tịnh, không trụ không nhìn thì thực hành sáu Ba-la-mật. Bên ngoài lại giữ giới Thanh văn, bên trong giữ giới Bồ-tát, hai loại giới này có thể trừ tập khí ba độc. Người đã tu hành thì nói suông vô ích, sự cần tu hành theo không thủ xả, tuy nói ba đường ác, trời, người, ngoại đạo, Nhị thừa thiền khiến họ hiểu biết, không bắt làm theo, tất cả chúng sinh ba cõi từ nghiệp nhà hiện sự thay đổi của tâm giống như ảo ảnh ánh dương, nếu thông đạt lí tính Chân như tức là tọa thiền, nếu chưa thông đạt thì nên giở Kinh rồi chắp tay lễ bái tu thiện, phàm tu công đức chẳng qua dạy răn khiến hiểu pháp môn Đại Thừa, giống như ngọn đèn tỏa ra trăm ngàn chuyện, pháp thí để lợi quần sinh. Cả đời Ma-ha-diễn đến nay chỉ tập thiền Đại Thừa, không phải pháp sư, nếu muốn nghe pháp tướng thì khiến cho nghe bên cạnh pháp sư Bà-la-môn. Điều Ma-ha-diễn nói không theo sớ luận mà theo chỉ thị Kinh văn Đại Thừa, cái mà Ma-ha-diễn tu tập là tin nhận vâng làm theo các Kinh: Đại Bát-nhã, Lăng-già, Tư Ích, Mật Nghiêm, Kim Cương, Duy-ma, Đại Phật Đỉnh, Hoa Nghiêm, Niết-bàn, Bảo Tích, Phổ Siêu Tam-muội… Ma-ha-diễn y chỉ hòa thượng pháp hiệu Hàng Ma Tiểu Phúc Trương hòa thượng, kính ngưỡng Đại Phúc Lục hòa thượng, cùng dạy răn Thiền môn Đại Thừa. Từ khi nghe pháp đến nay, qua 5-60 năm, cũng từng ở lâu dưới cây nơi rừng cội, tài vật tín thí có được từ xuất gia tới giờ cũng từng cất chứa, tùy thời đều chuyển thí hết cả, mỗi sớm mai làm thí chủ đến tất cả chúng sinh một quyển Kinh Đại Thừa, đốt hương tùy pháp thế gian đều phát nguyện xin thế gian yên bình, muôn loài lặng vui, sớm được thành Phật. Cũng đã từng lên ba chốn trong kinh thành đệ tử nghe pháp tin nhận chừng hơn năm ngàn người, hiện khiến đệ tử Sa-di chưa thể tu thiền, đã dạy tụng được một bộ Lăng-già, một bộ Duy-ma, mỗi ngày luôn tụng. Những đệ tử mà Ma-ha-diễn đã dạy dỗ ngày nay mỗi người hỏi theo chỗ mình kiến giải, duyên bố thí ruộng sự, nếu có người xin thân, đầu, mắt và cần các vật thì thề nguyện xả hết, ngoại trừ mười tám việc, ít có người chứa tiền vật đáng giá. Cũng có ngoại trừ giới Thanh văn còn trì thêm giới Bồ-tát và hành mười hai đầu-đà kiêm kiên cố, lại tin thắng nghĩa, tinh tiến ngồi thiền, vẫn luôn tập Đà-la-ni, vì lợi ích chúng sinh, xuất gia cúng dường Tam Bảo, chuyển tụng tu thiện, trong thiền vô quán của Đại Thừa chẳng phân duyên sự, thường tập bằng trí tuệ không vu vơ, hay tụng nghĩa lớn, nắm nghĩa tin ưa Bát-nhã Ba-la-mật rất nhiều, cũng vì Tam Bảo khi lợi ích chúng sinh, không tiếc thân mạng nguyện lòng rất nhiều, lúc vì người khác nói nghĩa Niết-bàn vượt qua ngôn thuyết kế độ giới, hoặc tùy thế gian quy y Tam Bảo lần lượt tu thiện, không học văn tự cũng như chuyện vô ích, nên học tu hành. Lúc chưa tọa thiền, y Giới Ba-la-mật, Tứ vô lượng tâm… và tu các điều thiện, thừa sự Tam Bảo, mọi điều đã nói trong Kinh, điều sư tăng đã dạy, người nghe như thuyết tu hành, thế nhưng tu các điều thiện nếu lúc chưa thể chẳng quán thì mọi công đức hồi hướng thí cho chúng sinh, đều khiến thành Phật.

Nguyễn Thành Sang.

Thủ Dầu Một, 31-5-2017, dịch xong. 


[1] Ma-ha-diễn chính là tác giả của bộ Đốn Ngộ Đại Thừa Chính Lý Quyết. Kham-bố Ma-ha-diễn tức là hòa thượng Ma-ha-diễn, Ma-ha-diễn là phiên âm của Mahāyāna trong tiếng Phạn, nghĩa là Đại Thừa hòa thượng. Ma-ha-diễn nguyên là một thiền tăng người Hán đời Đường, thuộc pháp môn Đông Sơn. Ông là thiền sư của Thiền phái Bắc tông (hệ Thần Tú), trụ trì chùa Ly Sơn ở Trường Sa. Thiền Bắc tông về sau bị sự phê phán và đả kích mạnh mẽ từ phía thiền sư Nam tông của Hà Trạch Thần Hội. Sau đó ông rời khỏi Trường Sa, đi đến dải Sa Châu (thuộc Đôn Hoàng) để hoằng pháp, trở thành nhân vật trọng yếu của Thiền Bắc tông. Năm 786, dưới sự thống trị của vua Xích-tùng-đức-tán (Trisong Detsen), Thổ-phồn (Tây Tạng) vây đánh Sa Châu, bấy giờ Phật giáo hưng khởi tại Thổ-phồn, vì thế thiền tăng Sa Châu được thỉnh mời đến Lhasa hoằng phápdịch kinh không ít, Ma-ha-diễn chính là vị thiền tăng rất nổi tiếng trong số đó. Trong thời gian hoằng pháp tại Lhasa, Thiền tông dùng những giáo lý dễ hiểu như vô niệm, vô tưởng, không tác ý… giành được số lượng lớn tín chúng. Theo ghi chép Hán văn khai quật ở Đôn Hoàng, vương phi của Xích-tùng-đức-tán là Một-lô Tát-trì-khiết-mạc-tán (pháp danh là Giáng-cầu-khiết-tán), di mẫu và vương tử Da-tì (Sumpa) đều tu theo và bái Ma-ha-diễn làm thầy. Ngược lại, Mật tông đến từ Thiên Trúc lại bị đòn giáng cực mạnh, hai bên trở nên đối nghịch chẳng dung như nước với lửa, mỗi bên tự viết luận phẩm để tiến hành công kích và hủy mạ đối phương. Năm 792, tăng nhân Thiên Trúc là đại sư Liên Hoa Giới (Kamalaśīla) dâng thỉnh xin cấm chỉ Thiền tông, Ma-ha-diễn tâu xin biện luận với tăng nhân Thiên Trúc, kẻ nào thua phải chủ động rời khỏi Lhasa. Thiền tông Hán truyền và Mật tông Thiên Trúc cử hành tranh luận tại chùa Tang-da (Samye Gompa). Cuộc biện luận đó được gọi là “pháp tranh Lhasa”, kéo dài 3 năm, cuối cùng hai bên đã lắng cơn biện luận, nhưng kết quả vẫn mơ hồ không rõ. Sử thư Tạng truyền Phật giáo về sau phần nhiều ghi chép rằng: Xích-tùng-đức-tán nhận địnhThiền tông đã thua, tăng nhân Thiên Trúc giành được thắng lợi, Ma-ha-diễn bị thua phải dâng vòng hoa lên cho Liên Hoa Giới và sau đó chủ động dắt tăng nhân Thiền tông rời khỏi Lhasa quay về Đường triều. Tuy nhiên, trong văn bản Đốn Ngộ Đại Thừa Chính Lý Quyết khai quật tại Đôn Hoàng (năm 794) lại ghi ngược lại: Ma-ha-diễn giành thắng lợi, Thiền tông được Xích-tùng-đức-tán cho là hệ phái chính thống và được hoằng dương.     

[2] Thần Tú: cùng thời với Lục Tổ Huệ Năng đều là đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn trong Thiền tông Trung Quốc. Sau này Huệ Năng là tổ của thiền Nam tông, Thần Tú là tổ của thiền Bắc tông.

[3] Trong Phật giáo hay dùng từ “dương diễm” tức là ảo ảnh của ánh nắng mặt trời. Buổi trưa ra đường hay gặp ánh nắng mặt trời phả xuống phía trước hiện nên ảo giác giống như có nước, nhưng thật ra không phải.


Tạo bài viết
07/11/2017(Xem: 10094)
11/08/2013(Xem: 46355)
01/11/2022(Xem: 4195)
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.