VỀ Ý NGHĨA CỦA “SỰ PHƠI BÀY CÁI-ĐANG-LÀ”
Tô Đăng Khoa
Trong bài viết này, chúng ta sẽ khai thác đặc tính thực dụng và tương đối của ngôn ngữ quy ước để làm cho sáng tỏ, bộc lộ, và phơi bày một sự thật rốt ráo nhưng lại rất hiển nhiên. Xin bạn hãy hướng tâm, chú ý lắng nghe ngôn ngữ trình bày một cách thụ động, và sau đó, hãy tự mình suy nghiệm.
Bất cứ lúc nào và ở đâu thì trước Tâm Thức của bạn cũng chỉ có hai lựa chọn để nó hướng tâm đến:
1. Lựa chọn thứ nhất: hướng tâm đến cái-đang-là. Đây là sự hướng tâm đúng vì nó đưa đến sự phơi bày bộc lộ của cái-đang-là, một thực-tại-hiện-tiền, sẽ đưa tới trí tuệ như-thật-như-vậy, và giải thoát.
2. Lựa chọn thứ hai: hướng tâm vào cái-không-đang-là (tức là cái-phải-là, cái-nên-là, cái-sẽ-là). Đây là sự hướng tâm sai, sẽ đưa tới mâu thuẩn, xung đột, và khổ não. Vì sao? Vì gốc rể của cái-phải-là chính là do bản ngã của bạn phóng ra, nên chúng mâu thuẩn với cái-đang-là đang vận hành một cách tự nhiên trong vô-ngã.
Một khi tất cả suy nghĩ và lời nói và hành động đều lấy cái-đang-là làm chủ đề duy nhất thì chính những hoạt động đó cũng LÀ- cái-đang-là. Như vậy khi đó chỉ có một cái-đang-là duy nhất đang vận hành, không hề có ảo tưởng phân biệt về cái-đang-là và chủ-thể-tự-ngã-đang-rõ-biết-cái-đang-là.
Điều này có nghĩa là: Cái-đang-là đang tự biết chính nó! Đang tự phản chiếu chính nó trên tấm gương nhận thức của chính nó. Cho nên, trong sự phản chiếu đó: Khái niệm về tự-ngã chỉ là một ảo tưởng, như mộng, điển, bào, ảnh, không có thực chất tính. Đây chính là nguồn cội của trí tuệ vô ngã, đưa bạn đến giải thoát. Đức Thế Tôn dạy: “Tự mình có sắc, biết các sắc khác: Đó là giải thoát!” Lời dạy của Đức Bổn Sư hết sức cô đọng và không hề hư ngụy. Trên mặt tục đế, tấm thân con người được cấu tạo từ Sắc (tức là đất nước gió lửa) nhưng lại có khả năng phản chiếu các hình sắc khác (cũng là đất nước gió lửa). Cho nên trong hiện tượng nhận thức, về bản chất rốt ráo, chỉ là “Sắc đang phản chiếu các Sắc khác”. Khi bạn nhìn thấy một cái cây, không phải là có “cái-ta” đang nhìn thấy, lức đó chỉ là cái-đang-là đang phản chiếu chính nó qua tấm gương nhận thức. Cái Ta-ảo-tưởng không có mặt ở đó, không có mặt trong đời này, đời sau, hay đời chặng giữa, và như vậy, chỉ cần như vậy thôi là đoạn tận khổ đau. Xin bạn hãy chiêm nghiệm và thể nhập một cách thâm sâu về điều này để nhờ đó thoát khỏi tất cả mọi khổ não không cần thiết của cái không-phải-đang-là do cái Ta-ảo-tưởng phóng rọi ra.
Không có một quyền năng nào trên thế gian này có thể huỷ hoại cái-đang-là của các hiện tượng thế gian . Vì thế bạn hãy chấp nhận nó một cách vô điều kiện. Mong cho những định kiến, những lề lối tư duy cũ, những khát vọng sẽ không lôi kéo bạn trở lại cái-phải-là hay cái-sẽ-là của cái Ta đem đến. Và duy chỉ có phương pháp hướng tâm trọn vẹn vào Cái-đang-là của bạn sẽ giúp bạn vượt qua chúng.
Như vậy chỉ còn duy nhất một chủ đề duy nhất cho bạn chiêm nghiệm: Đó là Cái-đang-là. Nó đang phơi mở một cách viên mãn trong nguyên lý trùng trùng duyên khởi. Cái-đang-là không phải thường vì nó luôn luôn thay đổi, không phải vô thường vì lúc nào nó cũng đang-là. Cái-đang-là siêu việt thường và vô thường, bất sanh bất diệt, bởi vì nó vẹn toàn, không có thời gian.