Hãy chuẩn bị cho một sự tan rã

15/01/20184:56 CH(Xem: 10835)
Hãy chuẩn bị cho một sự tan rã

HÃY CHUẨN BỊ CHO MỘT SỰ TAN RÃ  
Tâm Minh

 

tan rã
Ảnh minh họa

Đề tài nầy nghe có vẻ như không hề thích hợp với thế giớichúng ta đang sống. Hai chữ “tan rã” nói lên một sự tuyệt vọng khủng khiếp của một cái chết giữa một thế giới sinh động, đáng yêu và đầy sáng tạo hứa hẹn. Ai cũng sợ chết và muốn được hiện hữu vĩnh viễn. Thế mà thần chết không hề tha sót người nào. Vì vậy, từ ngữ “tan rã” được hiểu đầu tiên là tan rã thân xác. Ôi ! chuyện đó còn lâu lắm, biết tới nó làm gì ? Trên đời nầy còn rất nhiều chuyện để làm mà ! Thế rồi, lớn lên học hành, bon chen, đi làm, lập gia đình, làm lụng cực nhọc kiếm cơm, sinh con, nuôi con , v.v…, toan tính đủ thứ, tranh dành, chụp giựt, tưởng chừng như mình sẽ không bao giờ chết. Làm như thế để tự cảm thấy mình hiện hữu hay sao, để rồi đùng một cái, một cơn bệnh trổ ra, bị thần chết rước đi trong đau khổ luyến tiếc ?

1)    Diệt thuyết và Thường thuyết:

Ai có suy nghĩ thâm sâu, đều không vừa ý một cuộc đời như vậy, huống chi nó lại sẽ kết thúc một cách bất ngờ đau đớn nữa: cái chết ! Tất cả chỉ là một con số không. Nghĩ như vậy và ôm ấp điều nầy ắt rơi vào chủ nghĩa hư vô (Nihilism). “ Khốn thay cho kẻ nào ôm giữ sa mạc, vì sa mạc lớn dần”. Đó là câu nói của nhân vật tưởng tượng Zarathustra trong tác phẩmZarathustra đã nói như thế ” ( Ansi parlait Zarathustra, Thus spoke Zarathustra) của triết gia Đức Nietzsche, ám chỉ rằng con người là những con lạc đà ngu si, bị chất lên lưng đầy những đảm đang gánh vác đi trong sa mạc, để rồi kết cuộc cũng chẳng được gì ngoài việc tiếp tục cái nghiệp phi lý nầy một cách vô tận.

Thật ra, hư vô chủ nghĩa không phải đầu tiên phát xuất từ triết gia Tây phuơng nầy, mà hẳn đã có từ lâu đời trong một vài trường phái tôn giáo của Ấn Độ trước thời đức Phật Thích Ca, gọi là Diệt thuyết. Chết là hết. Cái chết xóa sổ tất cả, chấm dứt tất cả. Tất cả đi vào hư vô, vào một con số không to tướng trong đó mọi giá trị đều sụp đổ và không còn gì để nói thêm nữa. Như là một nỗi tuyệt vọng não nùng, Diệt thuyết nầy dễ dàng làm mồi cho thuyết hiện sinh kiểu duy vật hoặc chủ nghĩa vô thần. Cả hai chủ thuyết nầy có thể làm nơi nương tựa cho những kẻ vô đạo bất nhân: không nhân, không quả, không tội, không phước.  Tương tự Diệt thuyết cổ xưa nầy, một kiểu Diệt thuyết mới ngày nay lại xuất hiện, tự xưng là “Phật giáo”, quan niệm rằng chuyển biến của tâm tư từ sát na nầy sang sát na khác chính là luân hồi, và ngoài ra không có kiếp sau nào hết, chết là hết. [ Quí vị có thể tham khảo Tà kiến nầy đã được tôi nêu ra ở bài viết “ Thoát khỏi luân hồi” trong Đặc san Hiện Thực số 40/2017]. Ngược lại với Diệt thuyết là Thường thuyết, chủ trương rằng con người có một cái bản ngã thường hằng, đó là linh hồn bất tử, là tự ngã (Atman) hay Tiểu ngã, sống hòa hợp với Đại Ngã (Brahman) cũa vũ trụ. Cả hai Tiểu NgãĐại Ngã nầy đều bất biếntrường tồn vĩnh cữu. Đại Ngã của vũ trụ được xem là bản thể của muôn loài, hay là Thượng Đế, v.v...  Để điều hành vũ trụ, Thượng Đế nầy lại có 3 ngôi: Sáng tạo (thần Brahman), Huỷ diệt (thần Shiva) và Bảo tồn (thần Vishnu). Khác hơn thế, người theo chủ thuyết Duy vật, tuy không tin có linh hồn, nhưng tin vào một Qui luật tự nhiên của vật chất. Qui luật nầy thường hằng bất biến, chi phốiđiều hành thế giới vật chất của họ. Ngoài ra, tất cả những triết thuyết nào trên thế giới, bất kể là triết đông hay triết tây, chủ trương thế giới hay vũ trụcon người có một bản thể thường hằng bất biến, bất kể là lấy tên gì (chẳng hạn như Đại Ngã Bà La Môn hay Thượng đế, v.v.), đều là những loại Thường thuyết. Những lý luận của Thường thuyết xem như khá hữu lý và có tính cách thuyết phục hơn Diệt thuyết. Tuy nhiên, ngày xưa, khi bị chất vấn để dò hỏi về chân lý của ngoại đạo, trong tháI độ lặng thinh, đức Phật không trả lời chi cả. Sau nầy, các đệ tử của ngài hiểu rằng ngài đã bác bỏ cả hai, Diệt thuyết lẫn Thường thuyết vào thời đó.

 Gần đây, ý  niệm về Big Bang (tiếng nổ  lớn) là nguyên nhân tạo thành vũ trụ đã làm lung lay niềm tin của con người vào một đấng Sáng Tạo. Nếu thế giới có bản chất thường hằng hay một bản thể bất biến nào đó, sao lại không ở lì như vậy mà lại phát ra tiếng nổ Big Bang ? Như vậy trong 2 thời kỳ tiền Big Bang và hậu Big Bang, cái nào là thường hằng bất biến ? Rõ là mâu thuẫn phi lý khi gán cho vũ trụ có một bản thể thường hằng bất biến.  Nhưng khoa học vẫn là sự thật không thể chối cãi. Ngược lại với hiện hữu độc lậphiện hữu trong thế tương quan gồm tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi sự vật, trong đó mọi cái gọi là bản chất hay bản thể nào đó đều phải tan biến đi không còn gì nữa. Hiện hữu trong thế tương quan là giáo lý cốt lõi của đức Phật Thich Ca với tên gọi là thuyết Duyên khởi ( Pratyasamutpada). Theo thuyết nầy, không có sự hiện hữu nào độc lập, hiện hữu độc lập là một điều không tưởng, và do đó, không có một hữu thể nào là bản thể thường hằng bất biến. Thử suy nghĩ về 2 điểm:

1)      Nếu thế gian nầy có một bản thể thường hằng bất biến thì nó phải hiện hữu độc lập. Bất kể là có con người hay không có con người, nó vẫn là thế ấy và không bị ảnh hưởng. Nó không có liên quan gì đến con người thì làm sao con người có thể hội nhập được vào nó để nhận lấy nó là bản thể của chính mình ? Tính bất khả tới gần nầy (the inaccessibility) của hữu thể ấy có thể ví như đi du lịch vào một quốc gia mà không thể mua vé, không thể có hộ chiếu và giấy thông hành, do là không có liên quan gì, thì làm sao vào được ? Nếu bản thể thường hằng nầy là thật có (thí dụ như Thượng đế, Đại Ngã hay Qui luật, v.v..) thì mọi sự tu hành, thiền tập hay hành thiện đều vô nghĩa vì không thể tới gần được những thực thể được gọi là cao cả ấy. Trong đạo Phật, nếu gọi chúng là những thực thể thì không đúng, phải nên gọi là “ảo thể” vì chúng vốn không có thật. Hướng về chúng là chạy theo ảo tưởng của chính mình, dĩ nhiên cũng có thể có ích lợi cho mọi người nếu ảo tưởng đó là thiện hoặc cũng có thể gây ác hại nếu ảo tưởng đó là ác, nhưng tuyệt nhiên không thể nào có giác ngộ giải thoát, cái mà người theo chủ thuyết Thường thuyết nầy gọi là “ nhập vào bản thể” hay “đường vào bản thể “ hay “đắc đạo”, v.v….

2)      Còn nếu cho rằng thế gian hay vũ trụ hàm chứa luôn con người trong đó thì  cái bản thể bất biến thường hằng ấy của thế gian ở đâu không thấy, mà chỉ thấy sanh lão bệnh tử,  một sự vô thường trơ tráo.  Nếu bản chất nào là thường hằng thì ác là vẫn luôn là ác, không thể tu hành đắc đạo được, còn thiện là vốn thiện, không cần phải tu hành chi cả. Ác cũng không đáng trách, thiện cũng không đáng hoan nghênh, phi lý không ?

Tất cả những điều phi lý nầy cho chúng ta thấy rằng : bản thể thường hằng bất biến là một điều không tưởng, là một sản phẩm của trí tưởng tượng . Lý thuyết về Thường thuyết nầy trong kinh  Phạm Võng gọi là Thường trú luận, một loại vọng tưởng về quá khứ, là một tà kiến với 4 luận chấp trong số 62 món tà kiếnđức Phật đã giảng dạy.(Xem Trường Bộ Kinh- Kinh Phạm Võng- Digha-Nikaya- Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali). Với Thường thuyết nầy, ý niệm về linh hồn, về Thượng đế, hoặc về Qui luật được thành lập.  Nhưng trong giáo lý đạo Phật, chúng ta luôn hiểu rằng: 1) Không có một linh hồn nào như vậy 2) Không có một Thượng đế nào như vậy và 3) Không có một qui luật nào như vậy.

Linh hồn: đức Phật thay thế chữ linh hồn bằng từ ngữthân trung ấm” để tránh hiểu lầm đó là một cái gì cố định và có bản chất hay tự tính. Thân trung ấm là một tập hợp, là một loại uẩn (skandha) không có tự tánh cố hữu, luôn thay đổi (thí dụ như khi thiện, khi ác)

Thượng đế: con người lọt vào ý niệm tôn thờ một “Thượng đế” khi chủ trương một phần thường trú luận và một phần vô thường luận, cho rằng: bản ngãthế giớithường hằng đối với một hạng hữu tình (Thượng đế, Hóa sanh chủ, Sáng tạo chủ) và vô thường đối với hạng hữu tình khác (chúng sanh đến sau trong thế giới ấy). Người tới sau trong thế giới  nầy tưởng lầm rằng người tới trước sanh ra mình. Người tới trước do cô độc ban đầu, ước nguyện muốn có nhiều người tới ở chung; ước nguyện được thành tựu bèn vọng tưởng rằng chính mình sanh ra những kẻ  tới sau.  Đây là những vọng tưởng về quá khứ của cả 2 loại hữu tình nói trên. Vọng tưỏng nầy là vô minh, là một tà kiến . Do vì nhờ có tu nên thấy biết được một đời quá khứ, chứ không thấy biết được nhiều đời trước nữa. Tà kiến nầy cũng được phân biệt thành 4 loại luận chấp trong số 62 món tà kiếnđức Phật đã giảng dạy (Xem Trường Bộ Kinh-  trang 17 kinh Phạm Võng, Thượng Tọa Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali).

Qui luật: thuyết vô thường đánh ngã tất cả những gì được gọi là thường hằng. Vì vậy không có qui luật nào cố định được xem nhưbản thể.

2)    Thuyết Duyên khởiTính Không:

Cả 3 ý niệm trên về linh hồn, Thượng đế và Qui luật đều trở thành phi lý trước thuyết Duyên khởi ( Pratityasamutpada= Dependent Origination) của đức Phật Thích Ca. Thuyết đó là: các pháp trên thế gian đều hiện hữu trong thế tương quan (tương liên, tương tác và tương tạo= interdependence, conditioning co-production), nên không có sự hiện hữu nào độc lập. Lý vô thường ( Impermanence) xuất hiện từ đây: sự vật luôn thay đổi nên không có bản chất bất biến, không có tự tính, đây là lý Vô ngã. Sự thay đổi tương tục nối tiếp nhau trong dòng thời gian tạo ra lý Nhân quả ( Theory of Cause and Effect= Karma). Từ lý Vô thường, con ngườisinh lão bệnh tử. Từ Sinh TửNhân quả, thuyết Luân hồi được thành lập. Vì pháp thế gian biến đổi vô thường tương tục từ vô thủy đến vô chung, nên nó không có chơn tướng riêng, và do vậy cũng không có tên gọi nào cho xứng về phương diện tuyệt đối, đây gọi là vong thân danh từ, tức là Tính Không về đối tượng. Thuyết Nhị đế xác định tên gọi tương đối theo qui ước thế gian (thí dụ cái bàn, cái ghế,v.v…). Đó là Tục đế, còn tên gọi tuyệt đối thì bị vong thân, trở thành không tên trong Chân đế. Tính Không về chủ thể (người quan sát) là Tâm Không. Người chứng được Tính Không là người có Tâm Không (tâm rỗng rang trước đối vật), thấy được Tướng Không của sự vật ( “Thị chư pháp Không tướng” trong Bát Nhã Tâm Kinh), thấy sự vật là vô tướng. Đó là người đã dứt bặt Tham Sân Si.

So sánh Tính Không trong Hư vô chủ nghĩaTính Không trong Phật giáo, chúng ta thấy có một khác biệt lớn lao, đó là lý Nhân quả. Hư vô chủ nghĩa khơi dậy một nỗi tuyệt vọng tận đáy lòng khi mọi giá trị về hành vi hay đạo đức đều bị sụp đổ trong ý niệm rằng: không  nhân không quả, không tội không phước, chết là hết. Ngược lại, lý nhân quả trong đạo Phật dựng lại cho con người mọi ý nghĩa sáng tạo của cuộc sống, một niềm tin về mọi giá trị của những hành vi của mình. Lại có thêm thuyết luân hồi, báo tin mừng cho mọi người biết rằng chúng ta không bao giờ chết, mà chỉ chuyển sang một thân thể khác ở kiếp sau, tuy không có một linh hồn được hiểu sai theo quan niệm thường kiến của mọi người.

3)    Phật giáo có phải là vô thần không ?

Đạo Phật không tin vào một bản thể thường hằng bất biến, hay một Thượng đế siêu phàm vĩnh cữu. Điều nầy dẫn tới sự hiểu lầm hoặc nghi vấn rằng: đạo Phậtvô thần ? Sự thật là không. Chẳng hạn như Tông phái Tịnh độ Tông tuy tin rằng đức Phật A Di Đàvô lượng thọ, là hiện hữu lâu dài không tính đếm nổi, nhưng không có nghĩa là đức Phật nầy hiện hữu vĩnh cữu, nghĩa là đến một thời điểm nào đó cũng sẽ lui mất. Lui mất đi rồi thì đi đâu và làm gì, ở đâu ? Chỉ có Phật với Phật mới biết. Phàm phu  chưa giác ngộ như chúng ta chỉ có thể ước lượng rằng ngài biến thành một vị Phật khác ở một cõi Phật khác do một nguyện lực mới phát khởi tự chính ngài, và điều nầy không tạo ra do một bản chất bất biến cố hữu nào hết. Phật tánh là một cái gì sinh động, biến thiên không dừng nghỉ, chứ không phải là chết cứng, cố đặc theo một công thức hay qui luật nào hết, nghĩa là hoàn toàn sáng tạo. Vì vậy thuyết Vô ngã của đức Phật chi phối luôn cả Phật tínhNiết Bàn: hai thứ nầy cũng đều thiếu vắng tự tánh. Đối với người phàm phu như chúng ta, khi cái chết đến, thân xác tan rã biến thành một dạng năng lượngý thức gọi là trung ấm thân trước khi nhập thai hoặc sanh vào một thân xác mới, hữu hình hoặc vô hình trong 6 nẻo luân hồi: trời, người, A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, hoặc nếu có tu, đắc quả Vô Sanh thành A La Hán. Thuyết Duyên khởi trong ý nghĩa sự tương liên, tương tác và tương tạo giữa các chúng sinh hữu hình và vô hình, làm thành thuyết cứu độ của các vị Phật đã thành và của các vị Bồ tát, đối với các chúng sanh khác đang trên con đường tu tập. Đây là điều rõ ràng rằng đạo Phật không phải là vô thần.

4)    Sự khác nhau giữa Phật và chúng sinh:

Trong kinh điển có ghi lời Phật rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” ngụ ý dạy rằng mỗi chúng sinh đều có Phật tánh, là một mầm mống, một hạt giống để trở thành Phật, ví như một chiếc gương bị bụi Tham Sân Si bu bám, khiến nó lu mờ, vô minh. Chỉ cần ra công lau chùi, nó sẽ trở nên sáng bóng. Tham sân si (tam độc) cũng không có thực chất, không có tự tính, đều là những cấu hợp (aggregates), tạo nên thân thể con người, gọi là thân ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Khi tam độc nầy tan rã, hành giả chứng được Tánh không (tâm rỗng rang trước đối vật) từ địa hạt vi mô (từng giây phút) đến địa hạt vĩ mô (một thời gian dài), đắc quả giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Thân xác vật chất không còn nữa. Đổi lại, hành giả nầy có được một thân mới có trí tuệ siêu việt, là thân năng lượng dưới dạng ánh sáng thuần khiết, có thể đi đây đi đó vô giới hạn để gặp gỡ giúp đỡ những người mình muốn giúp.

 Người phàm phu và bậc giải thoát chỉ khác nhau ở chỗ là mê mờ và sáng suốt, nhưng cả hai đều đồng một Tánh giác (Tánh biết): Biến kế sở chấp tánh hoặc Y tha khởi tánh hay Viên thành thật tánh cũng đồng một thể, ví như cùng là nước trong đại dương, bất kể là lúc nổi thành sóng dữ  gào thét (Biến kế sở chấp của Tham Sân Si) hay yên lặng như tờ lúc biển yên (Viên thành thật của vô tâm). Đó là phân tích theo Duy thức học tức Pháp Tướng tông. Tuy nhiên, với cái nhìn phóng khoáng về cùng một Tánh biết nói trên, Pháp Tánh tông (hay Thiên thai tông) qui gán hai đối cực lại thành một thể: Phật và chúng sanh là một (đã thành và chưa thành), Niết BànSanh tử là một, Giải thoátLuân hồi là một, Bồ đềPhiền não là một. Ý niệm nầy của Pháp Tánh tông thật là hết sức vi diệu, nhưng lại trừu tượng khó hiểu nếu không được cụ thể hóa bằng hình ảnh một đồng xu gồm 2 mặt sấp và ngữa: Ngữa lên là Phật, lật lại là Chúng sanh, ngữa lên là Niết Bàn, lật lại là Sanh tử, ngữa lên là Giải thoát, lật lại là Luân hồi, ngữa lên là Bồ đề, lật lại là Phiền não. Đó chỉ là giả dụ trong cái nhìn phóng khoáng mà thôi trong bình diện vi mô (từng giây phút), chứ thật ra, trên bình diện vĩ mô (một thời gian dài), lật sấp muốn trở thành lật ngữa, đồng xu (tức hành giả) phải trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp tu tập trong chánh pháp. Ví dụ về đồng xu nầy cũng cho ta thấy rằng: Niết Bàn hoặc Phật tánh, hay Giải thoát, không hề có một bản chất bất biến trường tồn nào hay một bản thể vĩnh cữu nào chi phối. Và cũng nên nhớ rằng mặt sấp hay mặt ngữa của đồng xu không phải là một trò chơi hên xui của Hư vô chủ nghĩa, mà là một sự chuyển mình trong nỗ lực phi thường của hành giả bị chi phối bởi luật Nhân quả (karma) trong quá trình vĩ mô dài hạn mà ta gọi là tiệm ngộ. Không có cái gọi là “Hoát nhiên đại ngộ” hay đốn ngộ của “Pháp ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ chơn tâm, Kiến tánh thành Phật” . Ý nghĩa đốn ngộ nầy chỉ là thấy được một loé sáng rồi vụt mất trong đêm tăm tối (trong nghĩa vi mô) mà thôi. Nếu kiến tánh thành Phật dễ như vậy thì người ta thành Phật hết rồi !

5)    Tan rã và buông bỏ:

Trong môn Tâm lý học, Tham Sân Si được xem là bản ngã (self, ego) của con người. Tam độc Tham Sân Si nầy có thể rút gọn lại thành một cái ngắn gọn là Tánh tham, vì Sân và Si cũng từ Tham mà ra. Với thuyết Vô ngã, tánh Tham, như bao nhiêu pháp khác, cũng không có tự tánh của nó. Nó chỉ là một cấu hợp, là một uẩn (skandha). Đề tài “Hãy chuẩn bị cho một sự tan rã “ không phải chỉ có nghĩa là chuẩn bị cho cái chết, mà bây giờ là chuẩn bị cách thức để đập tan bản ngã. Hãy nhìn kỹ: Bản ngã, cũng như Tham Sân Si, vốn không có thật. Chúng ta không cần đập nó tan rã, mà chỉ cần buông bỏ nó.  Những tâm tánh đặc trưng của các cõi là: tánh tham và dâm dục ở cõi quỉ đói, tính phóng dật thích thú ở các cõi trời, tính kiêu mạn đố kỵcõi A Tu La, tính ghen tỵcõi người, tính thù hận giận dữ ở các cõi địa ngục, là những đối tượng bên trong cần buông bỏ. Ngoài ra, những đối tượng bên ngoài gồm thế giới và người thân cũng là những sợi dây oan trái ràng buộc, tù hãm chúng ta trong một cái rọ kiên cố khó thoát ra được. Cách đối trị hai loại đối tượng bên trong và bên ngoài nầy đã được đề cập trong bài ”Thoát khỏi luân hồi” trong Đặc san Hiện thực số 40/2017 , quí vị có thể tìm thấy chi tiết ở đó. Dưới đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh và khai triển thêm phần khó làm nhất trong những đối tượng trên, đó là làm thế nào để khắc phục sự tham luyến thế giới và người thân trong giờ phút lâm chung. Nếu không khắc phục được điều nầy, mục tiêu giải thoát sẽ không thể tiến tới được.

1. Tham luyến thế giới, quốc gia, quê hương, làng xóm mình đang sống:

Muốn khắc phục điều nầy cần có những chuẩn bị lâu dài về thói quen sống ẩn dật (hạnh A Lan Nhã) chẳng hạn như không muốn làm nổi bật mình giữa đám đông, cũng như về lối giao tiếp với bạn bè , thí dụ như giữ cân bằng và độc lập với họ. Đại sư Liên Hoa Sanh có khuyên rằng trong giờ phút lâm chung hãy buông bỏ mối quan tâm đối với thế giới nầy

2. Tham luyến người thân trong gia đình:

Đại sư Liên Hoa Sanh khuyên rằng: trong giờ phút lâm chung, hãy buông bỏ sự dính mắc với bất cứ ai mà bạn có mối quan liên mạnh mẽ nhất trong đời nầy.

Điều nầy phải được chuẩn bị từ trước trong thói quen suy nghĩ và hành động, hướng đến mục tiêu làm tròn bổn phận đối với ngưòi thân của mình. Đây là nghiệp mà mình phải trả cho họ. Khi tròn bổn phận rồi thì đừng khởi tâm tham luyến nữa. Nếu vì quá thương tiếc không nỡ ra đi thì hãy nên nghĩ rằng: Ta đã từng có cả triệu người chồng (hoặc vợ), hay mẹ, hay cha, hay con cái trong nhiều kiếp trước rồi, sao ta không thương tiếc họ đi ? Có ích lợi gì không ?  

Nếu nghĩ như thế mà chưa hết tham luyến, hãy nghĩ thêm rằng: tất nhiên ta chắc chắn sẽ gặp lại chồng (hoặc vợ) ta, hay mẹ ta, hay cha ta, hay con ta. Hãy nhớ rằng, theo Du Già Sư Địa Luận (Yogacarabhumi) được thánh giả Vô Trước (Asanga) ghi chép lại từ Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) thì con người chết đi và đầu thai lại chỉ luẩn quẩn trong vòng những người thân của mình trong vô lượng lần. Điều nầy cũng dễ hiểu, vì rất hiếm ai tìm đến những nơi xa lạ không quen thuộc, thí dụ như Việt kiều khi đi du lịch, hầu hết là thích về Việt Nam hơn là về những xứ xa lạ như Ả Rập hay A Phú Hãn. Đầu thai lại, dầu là không nhận biết được nhau, nhưng gặp lại là được rồi. Nghĩ như vậy là một lối tự an ủi để giảm bớt tham luyến. Hãy nghĩ thêm một bước thứ hai nữa là: gặp lại trong hoàn cảnh của kiếp mới chưa chắc sống với nhau được  tốt đẹp như kiếp nầy, biết đâu còn tệ hại hơn, do điều kiện sống có thể khác xa. Rồi thì, thương có thể trở thành ghét, rồi ghét lại biến thành thương. Tình cảm nào cũng vô thường, cũng có 4 giai đoạn sinh trụ dị diệt, đừng nên quan tâm nó làm gì. Tôi thấy có nhiều cặp vợ chồng ghét nhau dữ lắm, nghe nhắc tới tên là ứa gan, nhưng ắt hẳn họ đã phải ưa thích nhau từ buổi đầu gặp gỡ thì mới kết duyên nợ được, thế mà bây giờ thì khác hẳn. Vô thường là thế. Suy nghĩ với những bước như vậy cho thành thói quen, đến lúc lâm chung sẽ thuần thục, không bị dính mắc. 

                                                                                                                            

Tâm Minh

14/1/2018
Thư Viện Hoa Sen

                        

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/04/2012(Xem: 78184)
07/11/2010(Xem: 140138)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.