Thư Viện Hoa Sen

Sơ Khảo Về Mẫu Tự Phạn Ngữ và Từ Biện Tài Trong Kinh Điển Hán Tạng

17/01/20184:01 SA(Xem: 15028)
Sơ Khảo Về Mẫu Tự Phạn Ngữ và Từ Biện Tài Trong Kinh Điển Hán Tạng

SƠ KHẢO VỀ MẪU TỰ PHẠN NGỮ VÀ TỪ BIỆN TÀI
TRONG KINH ĐIỂN HÁN TẠNG

Như Lai có thể diễn tả những gì Ngài muốn bằng bất kỳ ngôn ngữ nào [1]

Chúc Phú

ban-phan-ngu
Bản văn Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Phạn (Ảnh minh họa)

Ngôn ngữphương tiện giao tiếp cơ bản giữa người với người. Nhờ ngôn ngữ mà các giá trị liên quan đến đời sống của con người được kế thừa, giữ gìn và phát triển. Một trong những ngôn ngữ có mặt rất sớm trong lịch sử loài người đó chính là Phạn ngữ.

Trong lịch sử, đã từng có suy nghĩ cho rằng Phạn ngữ là một ngôn ngữ chết, tử ngữ. Thế nhưng, trong vài năm gần đây, Phạn ngữ đang được phục hoạt tại một số khu vực thuộc nam Ấn Độ[2], và trong cả một số trường đại học trên thế giới, cũng như được nhiều nhà chuyên khảo nghiên cứu, quan tâm.

Từ thực tế có những dòng phái Phật giáo xem mẫu tự Phạn ngữ như những biểu tượng cát tường, thiêng liêng; từ hiện trạng một số cơ sở tự viện sử dụng mẫu tự Phạn ngữ như một hình thức phù chú trang trí, mà thực tế không hiểu rõ thực nghĩa của chúng là gì; từ suy nghĩ, vì lý do gì mà những cơ sở Phạn ngữ xuất hiện khá nhiều trong thư tịch Hán tạng… đã làm động lực để chúng tôi nghiên cứu về đề tài: Sơ khảo về mẫu tự Phạn ngữ và từ biện tài trong kinh điển Hán tạng.

1.    Mẫu tự Phạn ngữ trong thư tịch Hán tạng.

Trong thư tịch Hán tạng, cơ sở của Phạn ngữ xuất hiện khá nhiều trong các bộ kinh như Đại bát nhã[3], Đại bảo tích[4], Hoa nghiêm[5], Phương quảng đại trang nghiêm[6], Văn thù sư-lợi vấn[7], luận Đại trí độ[8], Tất-đàm tự ký[9]

Theo các bản kinh, luận và thư tịch vừa nêu, số lượng mẫu tự Phạn ngữ không thống nhất, có bản nêu 42[10], 47[11], 49[12], 50[13] hoặc 52 mẫu tự[14]; khác với 48 mẫu tự (akṣara)[15]  Sanskrit thời nay[16]. Trong sự đang dạng đó, kinh Hoa Nghiêm và luận Đại-trí-độ thống nhất cho rằng có 42 mẫu tự căn bản. Theo luận Đại-trí-độ, bốn mươi hai chữ này là căn bản của tất cả các chữ (四十二字是一切字根本)[17]. Khởi đầu của 42 mẫu tự là A (अ= 阿) và mẫu tự cuối cùng là Ha (ह= 荷)[18].

Bốn mươi hai mẫu tự này được xây dựng thành tài liệu học tập ở bậc tiểu học thời cổ, gọi là Tất-đàm-chương (悉談章, đôi lúc được viết  悉曇章, hoặc Tất-địa-la-tốt-đỗ: 悉地羅窣覩). Theo tác phẩm Nam hải ký quy nội pháp truyện, bài học vỡ lòng đầu tiên của trẻ con khi lên sáu tuổi chính là Tất-đàm-chương (siddhavastu: सिद्धवस्तु)[19] và có thể hoàn thành sau sáu tháng học tập[20]. Kinh Đại pháp cự Đà-la-ni, quyển thứ sáu, do pháp sư Xà-na-quật-da dịch vào năm 592[21], đời nhà Tùy cũng ghi nhận điều tương tự.

Theo luận Đại trí độ, nhờ chữ mà có từ, nhờ từ mới thành câu, nhờ câu mà có nghĩa[22]. Điều đó cho thấy các mẫu tự Phạn ngữ rất quan trọng trong nhiều lãnh vực, kể cả việc vận dụng mẫu tự làm ví dụ trong khi thuyết phápTuy nhiên, việc gắn kết một ý nghĩa biểu trưng cho những mẫu tự này là một điều kỳ đặc, nếu không nói là sự pha trộn giữa ngôn ngữ học Ấn Độ cổ đại (ancient Indian linguistic) vào kinh điển Phật giáo.

Đơn cử như kinh Hoa Nghiêm ghi:

Khi đọc chữ a (阿), sẽ vào cửa bát nhã ma la mật, gọi là Bồ-tát uy đức các biệt cảnh giới; khi đọc chữ la (羅), sẽ vào cửa bát-nhã ba la mật, gọi là bình đẳng nhất vị tối thượng vô biên, khi đọc chữ ba (波), sẽ vào cửa bát-nhã ba-la-mật, gọi là pháp giớidị tướng[23].

Kinh Văn thù sư lợi vấn, ghi:

Khi đọc chữ a, là âm thanh của vô thường
Khi đọc chữ ā, là âm thanh của xa lìa ngã
Khi đọc i, là âm thanh của các căn quảng bác
Khi đọc ī, là âm thanh của thế gian não hại[24].

Việc sùng phụng mẫu tự Phạn ngữ đôi khi được chú trọng quá mức, như cho rằng, bốn mươi hai mẫu tự cùng với mười hai tự âm được phát sanh từ tâm của Đức Phật Tỳ-lô-giá-na[25].

Có thể do ảnh hưởng bởi quan điểm này mà ngài Phổ Am (1115-1169), đã trước thuật chú Phổ Am (普庵咒)[26], một bài thần chú có nguồn gốc từ các mẫu tự Phạn ngữ (釋談章呪)[27], được phối âm (saṃdhi) theo những cung bậc trầm bỗng cùng với các loại đàn, sáo (被諸絃管)[28], như một khúc nhạc cổ cầm.

Chú Phổ Am được bảo lưu trong Chư kinh nhật tụng tập yếu, tập 19, thuộc tạng Gia-hưng[29], và hiện còn được sử dụngPhật giáo Trung Quốc và trong một vài khoa nghi của Phật giáo Bắc truyền Việt Nam ngày nay.

Có thể nói, vì nhiều lý do khác nhau mà các mẫu tự Phạn ngữ có mặt trong thư tịch Hán tạng. Xét về phương diện lịch sử, đây là những tư liệu quan trọng góp phần bổ sung trong việc việc nghiên cứu về ngành ngôn ngữ học cổ đại. Tuy nhiên, việc quá đề cao vai trò của mẫu tự Phạn ngữ cũng như các âm tiết của chúng, xem đó như là biểu tượng linh thiêng, là điều không phù hợp. Vì lẽ, đây là hệ quả của sự pha tạp của những quan điểm sùng phụng ngôn ngữâm thanh phi Phật giáo. Điều này sẽ rõ ràng hơn khi nghiên cứu một vài quan điểm của Phật giáo đối với ngôn ngữ nói chung và Phạn ngữ nói riêng.

2. Quan điển của Đức Phật đối với Phạn ngữ Vệ-đà.

Tư liệu luật tạng trong Phật giáo Nam truyền và cả Bắc truyền đều ghi nhận rằng, có vị tỳ-kheo trước khi xuất gia là bậc thâm học giáo điển Vệ-đà và am tường các quy ước Phạn ngữ. Nhận thấy các tỳ-kheo đồng học không rành về các quy ước đặc thù của ngôn ngữ, ông đã chê trách rằng:

Các vị đại đức. Mặc dù các ông xuất gia đã lâu, nhưng với ngôn ngữ thì không phân biệt được giống đực (pum-liṅga), giống cái (strī- liṅga), thế nào là đơn âm thế nào là đa âm, các thì hiện tại, quá khứ cũng như vị lai; âm dài, âm ngắn, âm khinh, âm trọng. Các ông cần phải cân nhắc những điều này khi tụng đọc kinh Phật[30].

Sau khi chê trách, vị tỳ-kheo này đến cầu thỉnh Đức Phật chấp thuận yêu cầu của ông ta. Phật liền dạy:

Ta cho phép đọc tụng kinh điển tùy theo quốc âm của mỗi nước, miễn làm sao không trái với bổn ý của Phật. Ta không cho phép biên soạn lời Phật theo văn pháp ngoại giáo, nếu phạm, phạm tội thâu-lan-giá[31].

Trong luật Thập tụng, Đức Phật đã quy định điều này rõ ràng hơn:

Từ nay, nếu ai dùng chữ nghĩaâm thanh của ngoại giáotụng kinh Phật, thì phạm tội Đột-kiết-la.[32]

Từ lời dạy của Đức Phật cho thấy, những quy ước về ngôn ngữ mà ở đây là Phạn ngữ Vệ-đà (Vedic Sanskrit) chỉ có giá trị tương đối, không thể là khuôn mẫu tối ưu để triển khai lời Phật dạy. Qua lời dạy này cho thấy, việc đề cao các mẫu tự Phạn ngữ linh thiêng vì chúng do Phạm thiên sáng tạo ra[33], là quan điểm không thuần túy Phật giáo.

Đọc lại lời dạy của Đức Phật trong kinh Na-tiên (Milindapañhā) cho thấy, ngôn ngữ, mà ở đây là cái tên chỉ là phương tiện để gọi, là tổng hòa các yếu tố khác mà thành. Vì, cái tên ấy chỉ để mà phân biệt giữa người này và người kia, thế thôi[34].

Tương tự, theo kinh Tiểu Bộ, một thanh niên tên là pāpaka (Ác nhân), sau khi xuất gia vẫn giữ nguyên tên gọi. Mỗi khi có việc, các tỳ-kheo cứ kêu to Ác nhân, ác nhân làm cho tỳ-kheo ấy phiền não vô cùng nên cầu thỉnh thầy y chỉ ban cho tên khác. Thân giáo sư đã dạy rằng:

Này Hiền giả, cái tên chỉ để gọi thôi, không có nghĩa thành tựu mục đích (āvuso namaṁ nāma paṇṇattimattaṁ[35]). Hãy tự bằng lòng với cái tên mình[36].

Trở lại với vấn đề mẫu tự, theo Đức Phật, việc đọc tụng các dạng thức chú thuật, dù đó là bảng chữ cái Phạn ngữ hay các chú của Atharvaveda[37] không có ý nghĩa thiết thực. Kinh Tương Ưng (S.i,165) ghi:

Dầu lẩm bẩm nhiều chú,
Nhưng không vì thọ sanh,
Được gọi Bà-la-môn,
Nội ô nhiễm bất tịnh,
Y cứ trên lừa đảo,
Bà-la-môn, Phệ-xá,
Thủ-đà, Chiên-đà-la,
Kẻ đổ phẩn, đổ rác,
Tinh cầntinh tấn,
Thường dõng mãnh tấn tu,
Đạt được tịnh tối thắng,
Bà-la-môn nên biết![38]

Với ngôn ngữ nói chung, Đức Phật chỉ xem đó là một phương tiện dùng để truyền đạt chân lý giải thoát, không nên thần thánh hóa nó, sùng bái nó và sử dụng như một thần chú. Xét về phương diện là một phương tiện dùng để truyền đạt chân lý, Đức Phật đã có những tán thán nhất định đối với những ai có khả năng này.

3.    Thành tựu ngôn ngữ biện tài, là am tường đa ngôn ngữ.

Trong công trình nghiên cứu Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, giáo sư Étienne Lamotte (1903-1983) đã khái quát năng lực ngôn ngữ của Đức Phật qua câu văn sau:

Như Lai có thể diễn tả những gì Ngài muốn bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.[39]

Cơ sở của khái quát này dựa trên phẩm tính của của một vị Phật. Một vị Phật hoàn hảo luôn đầy đủ bốn món trí vô ngại mà một trong số chúng chính là khả năng siêu xuất về ngôn ngữ, gọi là từ vô ngại biện tài.

Theo kinh Tăng-nhất-A-hàm, từ vô ngại biện tài được định nghĩa:

Sao gọi là từ biện? Tùy nơi mỗi chúng sanh mà nói âm dài hay âm ngắn, giống nam hay giống nữ,  lời Phật hay lời Phạm-chí, thiên long hay quỷ thần và ngay cả A-tu-la, Ca-lưu-la, Chân-đà-la tùy theo đó mà nói cho họ. Tùy theo căn nguyên của mỗi giống loài mà nói lời phù hợp. Đó gọi là từ biện[40].

Theo luận Đại trí độ, từ vô ngại biện tài còn được gọi là từ vô ngại trí. Luận ghi:

Có khả năng dùng ngôn từ trang nghiêm để phân biệt, khiến người lĩnh hội, thông đạt không ngưng trệ, gọi là từ vô ngại trí.[41]

Năng lực quán thông nhiều thể loại ngôn ngữ của Đức Phật là một sự thật lịch sử. Vì lẽ, nhìn lại con đường hoằng pháp của Đức Phật, khảo về các đối tượng nghe pháp của đức Thế Tôn, nghiên cứu về các quốc gia, lãnh thổ mà Ngài đã đặt chân đến; chúng ta có thể phần nào hình dung khả năng ngôn ngữ ưu việt của Ngài. Nói cách khác, Đức Phật am tường đa ngôn ngữ. Ngài không những giao tiếp với mọi giai tầng nhân loại hay chư Thiên, mà kinh văn còn ghi nhận rất nhiều trường hợp Đức Phật thể hiện khả năng thông đạt với các loài muông thú[42], súc sanh[43]tùy cơ nhiếp hóa.

Từ vấn đề này đã góp phần làm sáng tỏ thêm luận điểm: Phật dùng một âm để thuyết pháp (佛以一音說法)[44]. Một âm ở đây là ngôn ngữ của chính đối tượng đó. Bộ Ngữ tông (Ch.2.10, Vehārakathā) cũng cho rằng, khi trao đổi với phàm phu, Ngài dùng phàm tuệ, khi nói với các vị thánh đệ tử, Ngài dùng Thánh tuệ. Vấn đề này góp phần bổ chính mối băn khoăn của nhiều nhà nghiên cứu Phật học, khi cứ đinh ninh cho rằng Đức Phật chỉ nói tiếng Magadhi hay một phương ngôn cố định nào đó.

Có thể nói, trong quá trình truyền dạy chánh pháp, hành giả quán thông các thể tài ngôn ngữ của loài người là một lợi thế lớn, vì có thể đem đến lợi lạc cho nhiều người và nhiều đời. Theo kinh Tăng-nhất-A-hàm, tôn giả Ma-ha-Câu-hy-la được xem là người có khả năng này và đã được Đức Phật tán thán:

Ta xem trong chúng đây, được bốn biện tài không có ai hơn được ông Câu-hy-la. Như Lai cũng có bốn biện tài này. Này cácTỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn biện tài này.[45]

Muốn cầu tuệ xuất thế, cần phải kiện toàn tuệ thế gian. Văn tự, chữ nghĩa là học pháp, kết tinh trí tuệ của thế gian, cũng cần phải am tường để thuận duyên khi bước vào thánh đạo.

Nhận định

Cửa ngõ để vào đạo khởi đầu từ việc nghe. Muốn nghe kinh pháp thì phải am tường ngôn ngữ. Kể từ khi Phật diệt độ, kinh điển được lưu truyền qua nhiều phương ngữ khác nhau. Việc am tường nhiều thể loại phương ngôn chứa đựng lời Phật dạyđiều kiện quan yếu để lĩnh hội Thánh giáo.

Mặc dù có những phương ngôn vốn có mối liên hệ thâm thiết với Đức Phậtgiáo pháp của Ngài, nhưng không vì vậy mà sùng trọng quá mức, xem đó như những biểu tượng cát tường hay là linh tự, thiêng liêng.

Với Đức Phật, ngôn từ chỉ là phương tiện giúp người học đạo. Việc thần thánh hóa chữ nghĩa, hoặc dùng âm thanh, tiết điệu đề cầu Ngài, là điều chưa thuận hợp với Phật đạo. Nói cách khác, lạm dụng phương tiện thanh, sắc thì rất khó gặp được Như Lai[46].
Chúc Phú
Thư Viện Hoa Sen



[46] Nguồn gốc của quan điềm này được được tìm thấy trong câu kinh: Này Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Xem, Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.744. Các tư liệu Hán tạng liên quan như bài kệ:  Nếu thấy thân Như Lai./ Hoặc dùng âm thanh thỉnh./ Phương cách ấy lầm lạc./ Kẻ ấy không thấy Phật, trong kinh Phật thuyết ly cấu thí nữ: 其有見我色, 若以音聲聽,斯為愚邪見,此人不見佛. Xem tại: 大正藏第 12 冊 No. 0338 佛說離垢施女經. Hoặc tương tự bài kệ ở kinh Kim Cang: Nếu lấy sắc tìm Ta./ Dùng thanh để cầu Ta./ Kẻ ấy hành tà đạo./ Không thế thấy Như Lai. Xem, 大正藏第 08 冊 No. 0235 金剛般若波羅蜜經. Nguyên văn: 若以色見我,以音聲求我,是人行邪道,不能見如來.




Tạo bài viết
06/01/2015(Xem: 27748)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: