NHỤY NGUYÊN
SƯƠNG KHÓI PHẬN NGƯỜI
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation
Phần II
CÕNG NGHIỆP BÊN BỜ VỰC THẲM
VŨ TRỤ NGHIỆP THEO MÌNH
Sự giải thoát cần thiết bắt đầu bằng cái nhìn thật tướng về những khổ đau do lạc thú mang lại. Chư thiên ở cõi trời Đạo Lợi nhìn xuống, thấy người thế gian oe oe sinh lúc mặt trời chưa mọc, có chút phước sống lâu thì xế chiều lúc mặt trời chưa tắt đã ra nghĩa địa rồi, như một đóa phù dung sớm nở tối tàn. Tôi bỗng hiểu lời các đại đức, rằng người trời khó khai ngộ bởi họ thiên hưởng phước, ít lâm nạn trừ phi thọ mạng hết, lúc mà cơ hội và thời gian giải độc tập khí không còn nhiều; họ phải luân hồi để tự thấy khổ, tự thấy tài danh dục lạc đeo đuổi từ vô số kiếp đều hư huyễn. Biết thế, tôi và bạn vẫn ngại ngần rút những mũi tên độc khỏi thân tâm. Phật dạy rút cũng đau, nhưng sự rút này là chữa trị; không rút cũng đau song tắt hơi liền đọa xứ. Chúng ta không biết dục lạc là mũi tên độc bọc đường đã cắm vào thân tâm từ khi ta biết hưởng thụ và cho mình có tài danh hơn thứ sẵn trong chân tánh. Ân sư của tôi ví về một ngân hàng vô tận phước đức và trí tuệ dành cho mọi chúng sanh, ai cũng là chủ sở hữu; song chúng ta không mở kho báu ấy mà đổ sức làm việc gây dựng nghiệp danh rồi chấp thứ nhỏ mọn ấy để cao thấp với đời.
Tôi và bạn tưởng những thứ mình có được là của ta nên gán quyền hưởng thụ. Chúng ta tưởng một bước nhảy vèo vào biển từ bi của Phật mà quên nghiệp bất khả tư nghì. Tôi vẫn thường cúi đầu trước lý thâm sâu “đới nghiệp-cũ”, nghĩa là hành giả trong pháp môn này hạn chế đến chặn đứng tạo nghiệp mới. Chẳng tạo nghiệp mới đơn giản là nằm trọn trong khuôn khổ giới luật, vận dụng giới luật nhuần nhuyễn trên nguyên lý phá chấp trước vạn trần. Ân đức này xem như lưỡi câu của chư Phật và Bồ tát tung ra giữa Biển Ái Dục nhẫn nại đợi chờ những đứa con lầm lỗi biết sụp xuống ăn năm chí thành quy mạng. Nhưng bởi do nghiệp mới từng ngày vẫn “dạy dỗ” nên chúng ta tin ở mình hơn, tin ở ngày mai ngày kia và mãi mãi hơn là tin chỉ có thực tại từng giây phút sẵn sàng trở về với bản-tánh-cực-lạc bất cứ lúc nào. Bởi lẽ này chúng ta vẫn rứt miếng mồi của chư Phật một cách khôn ngoan và bỏ lại lưỡi câu trống trơ khô lạnh với thời gian. Tôi và bạn thương lượng với thần Chết để ở lại trong vòng tay êm dịu của ái ma; chúng ta thương lượng với thời gian để mê vào những việc khoác mặt nạ Phật sự hư dối lợi mình và không ngừng cố tăng trưởng công phu để hơn thua với những hiền giả khác giáo, thậm chí là đồng tu trong cùng một pháp môn. Lâm bệnh ngó lỗi thế gian, tôi chưa chịu tin ngay từ lúc sinh ra đã may mắn vạn lần những đứa trẻ cũng mới sinh dị tật, đã mang “nỗi oan” động trời. Thôi khoan bàn nhân quả đời trước; nếu chúng ta chỉ tin mỗi kiếp này tại sao không tự thấy mình sinh ra đầy đặn, là may mắn. Chúng ta may mắn lại chẳng muốn giúp những người không may mắn?, lại đưa tài danh bao bọc sự hưởng thụ. Thực ra, nào đâu có chân-lý-hưởng-thụ; mà như lời ân sư, “sự hưởng thụ gọi chính xác là tiêu phước”. Phước bởi là phước hữu lậu, nên phước ấy ảo, nhưng chúng ta chấp thật nên nhận nghiệp thật. Nạn nghiệp là thật, nỗi đau đớn tột cùng là thật; trong lúc ta vẫn không chịu buông cái phước ảo để nhận thật tướng hạnh phúc. Thực ra lúc nạn nghiệp đến là cơ hội để tôi và bạn tỉnh giác. Nhưng tôi vẫn thấy cuộc đời này không khổ không huyễn thật mà vui thật, nên mơ hồ tin vào dục lạc mình có cơ hội nắm trên sự điêu tàn của phước báu đã trôi theo dĩ vãng. Đã tiêu phước thì núi phước cũng cạn; phước cạn thì nghiệp hiện; nghiệp hiện vẫn không tin nguyện lực chân thật, thì chư Phật Bồ tát hẳn cũng tạm thời để ta nếm mùi vị thống khổ! Bạn tu của tôi vẫn thường niệm kinh hồi hướng cho những con muỗi đốt mình. Lúc đọc sách, những con muỗi đến tìm thức ăn ở thân, đợi nó hút máu lưng bụng liền đuổi đi - là cách bạn thương nó. Còn lúc bạn chìm lắng niệm một câu kinh, những con muỗi do không có ai đuổi nên hút máu no cằng. Thỏa mãn sự no rồi những con này bay không nổi rớt xuống ngay tại chỗ; số khác thậm chí không đủ sức rút nọc. Để thấy hễ tôi tham liềm mê. Mê không được ai nhắc nhở dễ đoản mạng. Tất cả món dục xét đến cùng chỉ là ảo giác. Sự thỏa mãn sáu căn đều ảo. Thân thể người chẳng có nơi nào nhạy cảm cả. Những hành giả thực sự xả ly chia sẻ rằng một khi họ giải tỏa ảo giác, làm tan rã sức mạnh của ảo thì những chỗ được cho nhạy cảm trở nên đồng đẳng với mọi nơi khác trên cơ thể. Và lúc đó cái tự biết hay tạm gọi tánh giác hiển hiện như một sự tự nhắc hành giả quay về. Nếu ta lạy Phật năm vóc sát đất, khoảnh khắc ấy ngoài năm chỗ xúc chạm được cái tự biết báo động, chẳng còn ai ở đó. Cũng như một chỗ ngứa nổi lên, một chỗ nhói lên, thì ngoài cái ngứa và cái đau ấy ra chẳng có ai đứng đó với tư cách tôi cả.
Tôi và bạn quen thói dùng các căn xài ảo giác, thành mê, mê lâu tưởng thật, cứ như tỉnh rồi còn bẹo xem có phải mình vừa mơ hay không. Sập bẫy ảo ảnh, dễ vướng lưới ma. Ta từng nếm món ăn tuyệt hảo do một đầu bếp ở nhà hàng nấu, lúc ăn chỗ khác cũng món ấy song bị quá vãng món ăn phủ lên tâm thức nên thực chất là nhai nuốt ảo ảnh để sống với một thực tại tức tưởi. Ta buông tuồng để rồi quá vãng lôi vào nhốt trong ảo ảnh về một khái niệm từ món ăn “đã chết” đã trở thành “khói sóng”. Cùng một bài hát, ta từng nghe lúc ngồi với người thương tại quán cà phê, thì khó nghệ sĩ nào có thể thuyết phục kéo ta về với thực tại cả. Tôi luôn bị nhốt trong nhà tù ảo nên nỗi lạc vào lục đạo. Không ra khỏi ngôi nhà tù ảo, ai nói luôn làm chủ bản thân là tự dối gạt. Thử tưởng đến một nghịch cảnh động trời, cái ta bùng nổ và lúc đó cũng như đang dự tiệc vua ban, ta lật nhào hết thảy trước sự ngơ ngác của kho tri thức với đầy đủ danh ngôn lời răn kể cả những hình tượng linh thiêng về một đấng tối cao lưu cữu tôn thờ! Sự mê ảo trở thành một phản xạ, thành bản năng và chúng ta luôn luôn tưởng thật. Lúc bạn và tôi lớn lên, không ai nhắc không ai dạy, hễ thấy người nữ liền sinh cảm xúc tiêu cực. Học Phật rõ ra đó là “tấm bùa hộ mệnh” của ma tặng cho chúng ta tự do phiêu du trong khuôn khổ sáu đường. Biết vậy, tôi nào đã ra được! Dục lạc luôn là độc dược bọc đường. Có một điều rất dễ cảm nghiệm là trẻ em rất thích ngọt. Chúng thích đường sữa kẹo bánh, tất cả những thứ kể cả thuốc đắng bọc đường. Sự ngọt ngào luôn tiềm ẩn độc tố. Nếu mang muối ra so sánh với đường, hiển nhiên muối rất cần cho cơ thể, còn đường hoàn toàn nhân loại không cần đến, bởi trong ngũ cốc rau quả ta ăn hàng ngày dư đường rồi. Cơ thể chúng ta nếu thiếu muối mới là tai họa, còn thêm đường là thừa. Nhưng chúng ta thấy muối quá rẻ nên xem thường, chỉ quý đường. Thế gian sự ngọt ngào êm ái luôn được con người tìm kiếm. Chợt nghĩ xa hơn, mấy ai trong sự thăng tiến cảm xúc lại nhận ra mặt trái của nó. Không ai đang sung sướng hưởng thụ năm món dục lạc thế gian lại nhìn ra sự nguy hiểm của nó. Họ cho đó là sự phát triển, không mảy may biết mình đang đi xuống theo một lập trình chuẩn xác của nghiệp. Ngược lại đa phần gặp nghiệp nạn, người dẫu không tu cũng tự kiểm thảo lại mình, biết sợ một điều gì đó, sợ cái hoang lạc. Sợ tức là giác. Quá nhiều người gặp bệnh nạn được duyên may tác động đã quay về nẻo thiện, tin sâu nhân quả, tin và hành theo Phật để lợi lạc mình và tha nhân. Để thấy sự ngọt ngào êm ái hẳn đều là cảnh giới của tâm ma. Thầy tôi nhắc, ngay đến những hành giả tu đắc những tầng định sâu, thọ lạc họ trú ấy nếu không tỉnh táo cũng lạc ngay vào ma đạo, trụ không thiên, lọt xuống hầm vô vi. Quả thực chúng ta không thể không cảnh giác mọi sự hưởng thụ mà giác quan đưa lại. Bằng mọi sự nhẫn nại và sáng suốt, rất cần sự cầu giải thoát khỏi khung trời ảo ảnh để nhìn thật về chân tướng của sự sống qua từng khoảnh khắc. Hiện tại vừa chạm đã thành quá khứ, đã thành bóng huyễn. Tương lai chỉ là ảo vọng, đều ảo và chỉ ảo mà thôi. Chỉ còn lại từng giây phút thực tại nếu ta không nương vào các căn để an trú sẽ theo dòng ảo ảnh cuộn xiết khổ não.
Thầy tôi bảo chúng sanh đọa lạc lại không biết mình đọa lạc. Tài danh có thể đưa họ lên đỉnh cao của tự ngã, đó cũng là sự đọa lạc xuống hố thẳm. Người lúc gặp nạn, bệnh tật kéo đến vẫn chưa chịu nhận ra mình vét phước tiêu gần cạn rồi. Mấy ai có cái nhìn trí tuệ như những đồng tu tôi được biết, họ xem bệnh như một thiện tri thức luôn nhắc nhở sự vô thường, luôn nhắc họ ở lại với cơn đau như chính thực tại hiện tiền; bệnh giúp họ đối-trị-cân-bằng với ham muốn dục lạc; bệnh khiến tâm kiêu mạn của họ xẹp xuống, khiến biết cúi mình trước Nghiệp như kính cẩn trước Pháp. Lúc cơn đau nổi lên, bạn tu của tôi xem đó như cơn thèm dục lạc. Thèm món dục nó khiến thân tâm nhức nhối; bạn tu một lần bỗng à lên, sao cơn thèm này giống cơn đau của bệnh quá. Từ lâu bạn vẫn xem bệnh như bạn; bởi xem sự thèm món dục như cơn đau của bệnh nên bạn cân bằng được tâm, rồi càng ngày thấy món ấy nhạt đi. Thật cảm ơn bệnh muôn phần. Bởi bệnh gần như tất yếu, mang bệnh vẫn có thể về nước Phật; còn nặng mang dục là tự gieo xuống tam đồ. Sống trọn với nỗi kính trọng vô bờ nhân quả vốn công minh tuyệt đối, nghiệp bệnh nhiều khi là ngọn roi của tánh giác giúp chúng ta tập buông dần thân tâm đầy huyễn giả mộng mị. Tôi đã từng xem bệnh như kẻ thù cần tận diệt; dùng cả những toa thuốc “ác độc” trừ khử những căn bệnh mà người tu hoàn toàn có thể chung sống hòa bình trong niềm ân hưởng của Phật. Rồi có những người quyết diệt bệnh lại gạt đi nguyên nhân sơ sờ gây ra bệnh cho mình. Họ chiến đấu với bệnh mong có lại sự ổn định tạm thời để tiếp tục hưởng thứ dục khiến họ lâm bệnh.
Mỗi chúng sanh từ vô lượng đã cõng quá nhiều nghiệp, và còn sống là đang từng khắc tạo nghiệp. Chúng ta chưa sống được trước hết với Thập thiện Ngũ giới thành nền nếp, là nghiệp đang đốt cháy phước mạng và dĩ nhiên đang phá hoại từng thời công phu hành pháp nhọc nhằn. Một giới tà dâm đối với cư sĩ thôi, bạn tu của tôi bảo đã thực hành quán chiếu thân bất tịnh như một liều thuốc nặng trong thời gian khá dài, đã xem hàng trăm bức ảnh kinh tởm, nghe vô số bài giảng về ái dục như liếm mật ngọt trên lưỡi dao, đã đọc biết bao kinh luận sớ như phần chuyên biệt trong kinh Lăng Nghiêm, sách Thọ khang bảo giám, Thiếu niên bảo thân, Dục hải hồi cuồng,… vẫn chưa dám chắc trì cho ra giới này. Rồi tiến lên tầng công phu dùng sự sáng suốt nhận diện món dục như một liều thuốc độc để ly độc; vẫn còn cảm thấy sóng tâm thức như cuồng lưu chảy ngược! Nếu có định lực, hành giả sẽ dùng trí bát nhã tập quán chiếu về bản chất vô thường của vạn pháp, quán chiếu về bản chất ảo giác huyễn mộng và rốt ráo không của dục để dần ly tâm ý thức hướng về chân tâm từ lâu vẫn ở đó hư hư không. Bây giờ ta được sung sướng, thông minh, thuận chiều trong công việc mà chưa làm nhiều phước là đang hưởng phước. Hưởng rồi sẽ hết; phước cạn thì nạn bệnh sẽ đến; nghiệp nặng nhất vẫn thường sanh từ giới dâm, sau đó là giới sát; rồi nữa các chất gây nghiện sẽ khiến tâm chìm lún vào tầng si không cách gì có định để phát tuệ. Công phu nếu không thực miên mật, đời này gặp duyên sẽ tương tác với túc nghiệp nẩy mầm quả đắng khiến hành giả không đủ sức vượt qua. Vạn pháp giai không. “Giai không” chẳng thể hiểu mà được; mà hành cho nhạt đi cái có. Tôi chưa hề soi thấu ngũ uẩn giai không, ít ra chưa làm nhạt được cái thân huyễn tâm vọng, vẫn chấp vạn pháp là thật nên ai đụng vào thân liền la, ai chạm vào danh liền ấm ức sân nộ; đó chính là minh chứng cho “nhân quả bất không”. Mà dẫu ai đó quán nhạt ngũ ấm, cũng chỉ là không lầm nhân quả thôi, chứ quả vẫn vận hành và thiên biến theo nhân họ gieo. Xem thường tu phước sẽ dễ gặp bệnh trước lúc chúng ta không còn sợ bệnh; chúng ta dễ mất mạng trước lúc không còn sợ chết. Tu phước chính là niệm niệm vì người, cắt nguồn rễ độc trong từng ý niệm tham sân si mạn.
Bạn tu của tôi bảo từ giới thân, người càng sâu chuyên môn sẽ trì giới tâm, tức ý niệm có khởi tà kiến trong sự tiếp xúc đối đãi với vạn sự vạn vật hàng ngày hay không. Giới tâm tính từ khởi tâm động niệm. Tâm không khởi niệm tham, sao dẫn tới hành động thân tạo nghiệp trộm, dâm; tâm không bị niệm si vi tế điều động, sao có thể khiến thân tạo giới sát và nhiều giới khác nữa. Trì giới tâm mới khiến phát định sinh tuệ. Một hành giả trì giới tâm chứng tỏ họ biết sợ nhân quả. Tin sâu nhân quả thêm một tầng sẽ càng phát hiện những vi tế khởi sinh, sẽ càng khiến tâm định thêm một nấc. Vạn pháp đều không ra ngoài nhân quả. Mà nhân quả là thật tướng. Người tin nhân quả được một phần sẽ buông xuống được ngũ dục lục trần bám víu một phần. Công phu thật ra mà nói chẳng ra ngoài việc tin nhân quả hiển hiện nơi vạn pháp để rồi buông xuống chấp trước thế gian. Xem thường nhân quả ở những nấc vụn vặt nhất sẽ khiến hành giả rớt xuống dẫu họ gắng dụng công bao nhiêu chăng nữa, bởi sự gắng này chắc chắn khiến tâm kiêu mạn thêm lớn mà họ chưa nhận ra đó thôi. Những thứ tâm vọng muốn đều có tà lạc, rất hấp dẫn và rất dễ dính mắc. Nếu tâm không được trí soi chiếu qua tấm gương trong suốt của giới sẽ bị mê. Mê, hiểu thô là ta hễ không có thứ mê ấy sẽ không chịu; cái sự không chịu này chính là tập khí si phá hoại tâm thanh tịnh, phá hoại định lực mới như lớp băng mỏng dưới sức nóng mặt trời. Một hành giả cần bước trên đường đạo như trên băng mỏng bằng trí tuệ của giới luật, nếu không dễ sụp chìm xuống đáy của biển nghiệp. Một hành giả luôn tự cảnh tỉnh mình, rằng ta dính vào một món dục đơn giản hơn cả trở bàn tay, song khi đã bị mê rồi không chừng phải trầy da tróc vảy, đau hơn hoạn mới gở nổi. Giới là bào mòn tập khí để hiển lộ tánh giác, vì trong tánh giác vốn không hề có thập ác, vốn không hề có phân biệt chấp trước vạn pháp; trong tánh giác chỉ thuần là cái chiếu soi nhi nhiên.
Nhớ hồi tôi chưa được học Phật, một lần gặp một người, ngồi bên tôi vừa nghĩ gì họ biết không sót niệm nào. Bạn tu dẫn lời một vị sư bảo rằng với sự phát triển chóng mặt của khoa học, tương lai gần sẽ có cái máy khuếch đại ý niệm của mỗi người thành nội dung kiểu như ta thâu âm thanh vậy. Điều này nghe có vẻ thiếu nhân quyền, nhưng đó là tất yếu của khoa học, đó là tất yếu của sáng tạo, nó đúng với lộ trình đi xuống mà nhân loại vẫn nhầm đi lên. Tôi càng bước là càng gần sự chết. Những người chẳng tin khoa học thì thôi, người được khoa học chứng minh vẫn không tin chết chẳng phải hết, mà phần thức ấy còn mãi để lâm vào những cảnh giới bội phần tăm tối khổ não lúc ta sống. Nhưng họ chỉ lo cái phần vật chất và đến trước hố thẳm vẫn không học lấy cụm từ vũ trụ huyền bí. Trái đất cũng thành trụ hoại không như con người sanh già bệnh chết. Bởi sáng tạo mới nảy nòi ra bom nguyên tử và nhiều mối họa khôn lường khác, cũng như mạng toàn cầu chiếu trên cái nhìn của vật lý lượng tử. Không phủ nhận sự sáng tạo khiến loài người được hưởng lợi đời sống vật chất, nhưng người ta quên phần tinh thần quên thế giới tâm linh nên sự sáng tạo chủ yếu phục vụ vật chất ấy đẩy đến sự hoại diệt, còn là sự hoại diệt mau chóng. Có lẽ một cái máy soi tâm thức với vô vàn ý nghĩ xấu ác trong một giây làm méo từ trường, làm ô nhiễm không gian chung như thế nào sẽ được đo rõ ràng, dĩ nhiên sẽ khiến mỗi người tự biết xếp chỗ đứng cho mình. Điều này khiến rất nhiều người bớt lao lực tranh giành chỗ đứng lẫn nhau, tranh giành cả chỗ an tọa của hiền thánh và chư Phật Bồ tát (hóa hiện người thường) để tránh đi cái họa lớn nhất là không chịu để ánh quang minh rọi đường ra khỏi lầm mê.
Tôi đã gặp Phật, sớm được học nhiều lý mầu nhiệm, nên phóng tâm đòi bỏ qua nền giới luật. Chúng ta chưa tin nổi nhân quả là nền móng của pháp bảo khiến sau bao thời gian công phu tưởng mình khá sạch sẽ đâu ngờ gặp nghịch cảnh sơ sơ đã chao đảo như con thuyền nan giữa biển. Bây giờ mới chút bệnh đã chới với thân tâm, đến lúc già yếu, lâm chung trăm nghiệp đổ về không chừng lại khởi tâm trách Phật không gia trì sự điên đảo. Tôi và bạn chưa tin nổi nhân quả nên cửa vào cõi tịnh còn đóng và do đó cái chúng ta có chỉ dừng lại như một dạng tôn giáo. Ân sư tôi dạy thái độ học Phật chiếm chín mươi phần trăm, pháp hành là phần còn lại. Thái độ chính là tha thiết chí thành dâng thân mạng cho chư Phật khai phóng, sẵn sàng buông sự bám chấp cõi trược. Tôi và bạn đều biết nghiệp vốn bất tư nghì. Nghiệp mỗi chúng ta như quả núi luôn treo trên đầu, lâu lâu nó văng xuống cục đá còn đỡ; không có thái độ chí thành buông cái khổ huyễn thế gian, việc hành pháp chẳng khác người vác đá vượt núi. Thiển nghĩ bậc tu chứng nhìn thấy tôi và bạn bứt phá giới luật gắng gỗ khư khư ôm lấy pháp hành một cách mỏi mệt qua ngày đoạn tháng mong ngóng tìm cầu, xót xa vô hạn thay!
Tôi và bạn như hai con thuyền vừa xuống sông nước đã tràn. Gắng lắm chúng ta chỉ đủ thời gian vừa tát nước vừa chèo với sức gia trì của chư Phật Bồ tát hy vọng qua bờ. Đây vẫn là một cách nói. Bởi tôi mang theo một vũ trụ nghiệp, một hư-không-nghiệp. Có vị Tổ suốt đời tận lực giảng về sự lạnh lùng khốc liệt của nghiệp nhân quả báo, rất hạn chế giảng pháp môn tu; ngay thời xưa mà Ngài đã thấu rõ phần nhiều chúng sanh như tôi từng sụp nền tảng giới có nguy cơ lâm vào ác đạo quá nhanh đến không chụp kịp. Đồng tu nhắc, chúng ta dốc lòng "tùy hỷ" nghiệp lực cũng như đứa trẻ sờ tay vào những loại keo siêu dính; thử nghĩ xem thần y sẽ xử lý thế nào. Một khi phước không được giới vun bồi, không được định trì giữ, không chừng dễ nếm đòn roi của oan gia, đến lúc ấy chúng ta sẽ hiểu thế nào là sự quậy phá của ma và nghiệp. Ai từng ngủ và nghỉ ngày đêm khoảng 7 tiếng; sáng tầm 3 rưỡi dậy công phu như bạn tu của tôi, sẽ hiểu thế nào là nghiệp si, là sự kéo chìm xô đẩy của ma hôn trầm; đó âu mới là sự thăm khám nghiệp lực ở một góc hẹp phận người. Chúng ta may mắn dựa vào nguyện lực của Phật, phải chân thật mở lòng nếu không bỏ thân này nghiệp sẽ kéo chìm mất. Thầy dạy tôi tha lực chân thật chỉ giúp con tăng trưởng công phu thôi. Tha lực nhiều lúc cũng đưa đến cho con chút tài vật, song tài vật đó rốt ráo vẫn là phục vụ việc duy nhất thăng tiến huệ mạng. Giai đoạn tu tiểu học, nếu "tha lực" đã giúp ta dính sâu vào phiền não dục lạc, trong lúc pháp hỷ không sanh, nguy hiểm quá chừng! Tam vô lậu học Giới Định Tuệ dành cho bất cứ pháp môn nào, Trí là cứu cánh. Bát Nhã là thắng trí được sinh từ Lục độ ba la mật. Ngay đến đại trí Văn Thù, pháp hành cũng phải bắt đầu từ Phước (bố thí), rồi đến trì giới; sau mới Tinh tấn cầu định. Ai thông làu kinh chăng nữa song chưa thâm tín nhân quả, chưa bắt đầu bằng Bố thí, Trì giới, âu vẫn là người sở hữu Tri thức mà chưa sanh Trí vậy. Thực tế chỉ mỗi Bố thí thôi đã trùm khắp. Bạn còn thấy lỗi thế gian là chưa thực Bố thí cái lỗi ấy để tâm được trong lặng. Tôi còn muốn in tác phẩm này khoác cái danh nọ là chưa hề bố thí niềm vui cho các đồng nghiệp vốn nặng tâm không muốn ai hơn mình. Bạn và tôi còn khởi niệm sân trước nhà sư phá giới hay kẻ phàm báng Phật, là chưa hề bố thí sự bao dung đến những con người còn nặng nghiệp hơn ta. Ngay đến hoằng pháp lợi sanh một khi tín chủ vây quanh, một khi ta chưa hề nắm chắc sanh tử tự tại thì đó đã dọn lại con đường trở về lục đạo.
Bạn tu của tôi nói, không vững giới, chưa chạm định sẽ không có tia sáng dẫu mong manh của Tuệ để quay lại soi chiếu nền tảng giải thoát, hành giả dễ mê đánh bóng tự ngã mà không hay biết. Trong lúc yếu quyết của người tu là khiến cái ta mờ nhạt dần và nếu có thể đó là sự biến mất, nhường cái-thân-ta này lại làm sân chơi toàn vẹn cho cái tự biết/giác. Những thiền sư nhờ buông trọn ý niệm tâm thức, vào định và thấy thân mình mất dấu vết. Họ không hề còn cảm giác mình đang ở thế kiết già tĩnh tọa, hai tay bắt ấn cũng không. Cho đến lúc họ tác ý máy động trở lại mới à lên cái thân này ngồi đây. Với những hành giả tu theo hướng thiền tự tính, sự định có mặt ở khắp các thế đi đứng nằm ngồi. Họ chia sẻ nhiều khi cảm giác chỉ là cái bóng ẩn hiện giữa trần, đôi lúc còn muốn soi gương xem có hình hài thật không. Dẫu đó là bản chất hài hước của những thiền sinh nhiều sức sống, song cũng khiến chúng ta ý thức về sự có mặt của cái ta thật đáng chán. Sự nhạt phai mình đi giữa trần gian chính là bước ra khỏi cảnh ảo luôn luôn hiện hữu hầu mong nhập vào không gian của Đạo cũng hiện hữu trong từng khoảnh khắc sống động. Ẩn mà hiện, thế nên nhìn bề ngoài, một hành giả miên mật với thực tại không khác nhiều so với phàm nhân; chỉ sự tĩnh giác nhờ nương vào cái tự biết sẵn để có chân pháp lạc là yếu quyết để họ ly vọng chấp chạm vào sự huyền nhiệm của pháp.
Từ bi chính là trí tuệ. Chưa khởi tâm từ ái đến những người khổ nạn chung quanh và cả loài vật, thực sự là nền tảng mỏng manh. Tu phước chúng ta sẽ soi được tâm còn chấp tướng hay không (việc tu phước). Song dẫu còn chấp thì ai cũng dễ dàng hơn trên tầng chuyên môn đạo hạnh. Nhân quả rất “tàn khốc” và không hề khoan nhượng mảy mảy đối với bất cứ ai, vì nó là sự thường hằng nghiễm nhiên. Nhiều người mang tiếng chuyên tu, xem thường nhân quả, họ nghĩ đang hành chuyên môn nên không quan tân đến tu giới tu phước. Phước sẽ hóa giải, giảm nhẹ nghiệp dữ nếu ta phải nhận lãnh trong tương lai, và phước sẽ kéo thọ mạng để ta đủ thời gian khiến công phu vượt thoát chín muồi. Suy cho cùng, mọi tài vật danh vọng có được đều đổi từ phước trong mạng ra. Phước đã chiêu cảm thành tài sản và danh vọng, cũng là phước trong mạng cạn hơn những người có tích phước mà không cầu tài sản và danh vọng, mà họ cầu trí huệ chân thật soi chiếu cho ra thân huyễn tâm vọng, soi chiếu cho ra trần cảnh vốn huyễn, soi cho thấu phần nào quy luật vận hành của vũ trụ nhân sinh để chỉnh lại vận mạng được an lành cho đến lúc thực hiện bước nhảy cuối cùng. Ngay đến Đức Phật cũng tu phước để làm gương cho sự cứu vớt tà niệm của chúng sanh thời mạt. Thầy bảo tôi điều con không ngờ tới chính là tâm quá loạn, quá chấp trước trần cảnh vốn bình đẳng giữa trời đất. Thầy tôi dạy con người đều là bộ máy, và trong bộ máy ấy gồm nhiều bộ phận như camera, máy thâu âm, thâu hương vị v.v; hàng ngày tiếp xúc với lục trần chính là chúng ta thâu âm thanh hình ảnh làm dữ liệu trong tàng thức. Chúng ta đưa vào quá nhiều dữ liệu, phủ lên tánh giác. Nhờ nương vào một câu kinh, ai quyết hành trong mọi thời, những dữ liệu xem như được xếp vào kho, không khởi tác dụng nếu không gặp duyên mạnh từ ngoài tác động. Trong lúc hành giả không ngừng nâng cao định lực và sức mạnh của một câu kinh; câu kinh ấy phát năng lực giữ lại kho báu là “tánh giác định”, giữ sự bình lặng để rồi kết nối với từ lực cứu độ của chư Phật Bồ tát. Làm được điều này đòi hỏi người tu phải thật sự hành, thật thà cung kính cùng cực; còn không chúng ta hành chánh pháp song thành tà bởi luôn muốn thâu vô vàn dữ liệu, vẫn muốn giữ dục lạc tài danh khiến tâm luôn vọng. Sự không định nổi trước trần cảnh là cái nhân cho thấy chúng ta rất khó vượt qua cửa tử dễ dàng trước trùng trùng chướng nạn do chính tâm chiêu cảm và trong mọi thời khắc núi nghiệp ấy luôn kết hàng rào kiên cố quanh hành giả khiến ánh sáng từ bên trong và từ bên ngoài sự tướng không thể soi thấu đánh thức trí tuệ trong cơn mê quá sâu của tôi và bạn. Đức Phật không thừa nhận ai là đệ tử của Ngài nếu chưa học Tiểu thừa lại thẳng vào Đại thừa; lời dạy này dành cho những hành giả thuộc Đại thừa. Đức Phật biết trước, thời Mạt chúng sanh sẽ xem thường giới luật nên đối với học nhân Đại thừa Ngài sớm cảnh tỉnh phải học Tiểu thừa - chính là Giới Luật. Ân sư tôi trăm lần nhắc câu giới luật rất quan trọng! Có giới mới sanh định, có định với khai tuệ. Bởi, giới luật là mạng sống của Phật pháp. Ai là người tu cũng thường ngày nên quán chiếu câu này như gìn giữ linh hồn của mình vậy. Xưa nay bậc chân nhân đều xem đây là chân lý tối thượng, xem Giới Luật như có Phật trước mắt. Tam học Giới Định Tuệ là bất biến đối với một học trò của Đức Bổn sư, ngoại trừ hàng thượng thượng căn nhảy thẳng vào nhận tự tánh và đứng ngắt ở đó. Họ thấy mình như không tồn tại, hay đó là sự tồn tại của tha lực thuần khiết nhuốm sáng thân tâm, cũng đồng nghĩa với việc tự ngã được đưa về không. Lý này nghe rất hấp dẫn, dường như ai cũng vào được. Song điều tôi không ngờ là sự lôi dẫn của nghiệp dĩ, con người luôn ngầm bị điều động bởi tham si mạn như mối mọt đục ruỗng niềm tin thánh thiện bổn nhiên từ buổi ban sơ ta gặp nguyện lực từ bi vô biên của Phật. Đó cũng là lý do Phật tiên liệu rõ nhất trong thời Mạt, nên nguyện lập giới luật làm nguồn sống của Pháp. Giới Định Tuệ quyện chặt như một vòng tròn trôn ốc, như mũi khoan đột phá từng tầng vô minh. Công phu được đo phải cậy vào sự soi chiếu tương phản của hành giả trước tấm gương đại chúng và vũ trụ nhân sinh kể cả các loài thuộc thế giới vô hình. Giới tâm luôn vi tế và người lôi được những vi tế nghiệp bày ra giữa thanh thiên bạch nhật chính là họ lôi được những sâu trùng nọc độc mà mắt thường không thể nhìn thấy.
Để bảo vệ một luận án Tiến sĩ theo tiêu chuẩn ở những trường đại học danh tiếng nước ngoài, không chừng chúng ta đổ tâm sức hàng chục năm trời chưa thành công. Còn cái luận án đời người vượt tử sinh thì mức độ khó chỉ có thể tưởng tượng mà thôi. Có lần ngồi uống trà, thầy tôi gần như thì thầm, “chẳng có pháp nào ra khỏi luân hồi mà dễ đâu con. À, con đã nếm mật nằm gai chưa?” Tôi nhớ lời ân sư: Vượt luân hồi là đại sự, ngay đến việc đứng trên muôn người cũng là chuyện nhỏ. Vượt sinh tử là xuyên qua tham sân si mạn như sương khói. Những hành giả một khi họ lăn xả vào học và hành giới, thuần cái nhìn trong khiết với cuộc đời lắm nỗi thị phi, thuần cái nhìn trong khiết cả với hàng hậu học non xanh và thậm chí cả với những ai còn lầm mê hủy pháp, là dấu hiệu cho thấy họ đang quyết liệt vượt luân hồi ngay trong từng giây phút sống. Bởi hơn ai hết họ hiểu đau khổ là tấm gương phản chiếu sự sung sướng. Càng đào xới niềm vui sâu bao nhiêu hố đau khổ phải chiếu sâu hơn thế ấy. Đau khổ dẫu chưa xuất hiện đồng thời với cái gọi hạnh phúc song lúc hội đủ duyên sẽ trỗi lên dìm con người từng khoét sâu sự hưởng thụ dục lạc xuống như là cú đảo ngược cái phản chiếu trong tâm thức vọng động khôn cùng.