Thế giới chung, thế giới riêng

12/09/20183:40 SA(Xem: 8462)
Thế giới chung, thế giới riêng

THẾ GIỚI CHUNG, THẾ GIỚI RIÊNG
Hoa Tâm

hoa sen nởThế giới chung là thế giới ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hay thế giới căn và cảnh (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), chịu sự thay đổi, biến hoại, khổ đau mà mọi chúng sinh phải đối mặt.

Thế giới riêng là tâm giải thoát, tuệ giải thoát có sẵn mỗi người, thoát khỏi mọi thay đổi, biến hoại, khổ đau.

Phàm sinh ra ở đời, hết thảy mọi người đều có chung một thế giới và cùng chung một số phận. Đó là thế giới ngũ uẩn chịu sự sanh, già, bệnh, chết cùng bao nhiêu hệ lụy phiền toái khác mà mọi người phải đối diện. Ngoài duyên nghiệp riêng biệt của mỗi người thể hiện ở sự may mắn hoặc không may mắn khi đến với thế giới này, hết thảy chúng sinh đều bình đẳng trước quy luật vô thường sanh diệt của hiện hữu. Dù giàu sang hay nghèo hèn, may mắn hay bất hạnh, tất cả mọi người đều đồng chịu cảnh già, bệnh, chết. Không ai hơn kém ai về phương diện sinh tử, vì không ai thoát khỏi quy luật già, bệnh, chết, kể cả các bậc giác ngộ1 . Đức Phật tuyên bố:

Ví như, thưa Đại vương, tất cả đồ gốm do người thợ gốm làm ra, chưa nung chín hay đã nung chín, tất cả đồ gốm ấy đều phải bể, đều kết thúc trong sự bể, đều không vượt qua sự bể. Cũng vậy, thưa Đại vương, tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết”2 .

Đó là thế giới chung, thế giới ngũ uẩn, chịu sự sanh diệt biến hoại mà mọi chúng sinh đều phải trải qua một cách bình đẳng, không có ngoại lệ. Nhưng chính trong thế giới biến đổi sanh diệt ấy, thái tử Siddhattha đã thức tỉnh:

“Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt, và bị tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết xuất ly khỏi già và chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến xuất ly khỏi già và chết”3 .

Và cũng chính trong thế giới sanh diệt ấy, Siddhattha đã quyết tâm tìm kiếm một thế giới riêng, thế giới của tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não:

“Tại sao Ta, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, hãy tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, hãy tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, hãy tìm cầu cái bất tử, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, hãy tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn…

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Và trí và kiến khởi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa”4 .

Đó là thế giới riêng, thế giới của tâm giải thoát, tuệ giải thoát, có sẵn trong mỗi chúng sinh, mà chính Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử loài người đã chứng ngộthể hiện trong cuộc đời mình. Đó là thế giới của tâm thức tỉnh, vắng bặt các cấu uế (tham-sân-si), vắng bặt các lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu) vắng bặt các triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi ngờ), vắng bặt các kiết sử (thân kiến, nghi ngờ, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử, vô minh) trong đời sống hàng ngày. Đó là thế giới của tâm không động, không sầu, không uế nhiễm, an ổn khi xúc chạm việc đời5 . Đó là thế giới của thân bệnh nhưng tâm không bệnh6 . Nói cách khác, đó là thế giới của mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân cảm xúc, ý nhận thức nhưng tham-sân-si không dấy khởi quấy rầy tâm thức.

Sau đây là một vài bản kinh soi sáng về thế giới riêng, thế giới của tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không sanh không diệt hiện diện giữa thế giới chung, thế giới ngũ uẩn hay thế giới căn trần, chịu sự sanh diệt: “Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona cũng đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona thấy trên những dấu chân của Thế Tôn có dấu bánh xe một ngàn cọng, với vành xe, trục xe và đầy đủ tất cả các tướng khác. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ như sau: ‘Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Những dấu chân này không phải là của loài Người!’.

Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đến ngồi dưới một gốc cây, ngồi kiết-già, thân thẳng, đặt niệm trước mặt. Bà-la-môn Dona theo dấu chân của Thế Tôn, thấy Thế Tôn đang ngồi dưới một gốc cây đẹp đẽ, khởi lên tịnh tín, các căn tịch tịnh, tâm ý tịch tịnh, đạt được tịnh chỉ do điều phục tối thượng, giống như một con voi được điều phục, được phòng hộ với các căn tịch tịnh, thấy vậy Bà-la-môn Dona liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, thưa với Thế Tôn:

 - Có phải thưa Tôn giả, Ngài sẽ là vị tiên? - Hỡi này Bà-la-môn, Ta sẽ không là tiên. -Có phải thưa Tôn giả, Ngài sẽ là Thát-bà? - Hỡi này Bà-la-môn, Ta sẽ không Thát-bà. - Có phải thưa Tôn giả, Ngài sẽ là Dạ-xoa? - Hỡi này Bà-la-môn, Ta sẽ không Dạ-xoa. - Có phải thưa Tôn giả, Ngài sẽ là loài Người? - Hỡi này Bà-la-môn, Ta sẽ không là Người.

 - Hỏi ‘Ngài có phải sẽ là tiên không?’, Ngài trả lời: ‘Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải là tiên’. Hỏi ‘Ngài có phải sẽ là Càn-thát-bà không?’, Ngài trả lời: ‘Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải là Càn-thát-bà’. Hỏi ‘Ngài có phải sẽ là Dạ-xoa không?’, Ngài trả lời: ‘Này Bà-la-môn, Ta sẽ không phải là Dạ-xoa’. Hỏi ‘Ngài có phải sẽ là loài Người không?’, Ngài trả lời: ‘Ta sẽ không phải loài Người’. Vậy sở hành của Ngài là gì và Tôn giả sẽ là gì?

 - Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-lamôn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là Người với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như, này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì.

Với lậu hoặc chưa đoạn, Ta có thể là tiên, Có thể Càn-thát-bà, Có thể là loài chim, Hay đi đến Dạ-xoa Hay vào trong thai người, Với Ta lậu hoặc tận, Bị phá hủy, trừ khử, Như sen trắng tươi đẹp, Không bị nước thấm ướt, Đời không thấm ướt Ta, Do vậy Ta được gọi, Ta là Phật Chánh giác, Hỡi này Bà-la-môn”7 .

Phật là người như mọi người, Phật sống ở đời giống như mọi người, nhưng Phật là người đã đoạn tận các lậu hoặc; Phật sống giữa cuộc đời nhưng không bị cuộc đời chi phối, không bị cuộc đời làm cho ô nhiễm. Phật có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thường xuyên tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nhưng Phật không bị các ngoại duyên chi phối, tâm Phật không biến đổi. Nói cách khác, Phật sống giữa thế giới chung, thế giới ngũ uẩn hay thế giới căn và cảnh, chịu sự thay đổi, biến hoại, khổ đau, nhưng Phật có thế giới riêng, thế giới của tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không biến đổi, không sanh diệt, không khổ đau.

Qua hình ảnh giải thoát của Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta xác chứng với Tôn giả Kotthika về sự hiện hữu của thế giới riêng (thế giới của tâm giải thoát, tuệ giải thoát) ở trong thế giới chung (thế giới ngũ uẩn hay thế giới căn và cảnh). Nói khác, con người có thể tìm thấy giải thoát ngay trong thế giới vô thường biến đổi của ngũ uẩn hay thế giới sanh diệt của căn và cảnh:

“- Thưa Hiền giả Sàriputta, có phải con mắt là kiết sử của các sắc, hay các sắc là kiết sử của con mắt?… Có phải ý là kiết sử của các pháp hay các pháp là kiết sử của ý?

- Hiền giả Kotthika, con bò đen không phải là kiết sử của con bò trắng. Và con bò trắng cũng không phải là kiết sử của con bò đen. Do sợi dây hay cái ách cột lại, cái ấy ở đây là kiết sử. Này Hiền giả, cũng vậy, con mắt cũng không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của con mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử… Ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của ý; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử. Này Hiền giả, Thế Tôn có mắt. Với con mắt, Thế Tôn thấy sắc. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải

thoát là tâm Thế Tôn…

Này Hiền giả, Thế Tôn có ý. Với ý, Thế Tôn biết pháp. Tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm Thế Tôn.

Này Hiền giả, với pháp môn này cần phải hiểu biết như vậy. Mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử… Ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của ý; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử”8 .

Các luận chứng của Tôn giả Sàriputta gợi sáng về một thế giới riêng, thế giới của tâm giải thoát, tuệ giải thoát, rất dễ nhận diện và dễ thiết lập đối với mọi người ngay trong thế giới chung, thế giới ngũ uẩn hay thế giới căn và cảnh, chịu sự biến hoại khổ đau. Đó là tập nhìn các pháp (hiện hữu) như chúng là, hoàn toàn do duyên sinh và do duyên diệt, chuyển biến vô thường, không phải của mình, không dính dáng gì đến mình, không khởi niệm phân biệt thế này thế khác thì không bị chúng trói buộc, tâm được tự do, giải thoát, không có sầu muộn khổ đau. Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và sáu trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) là các pháp do duyên sinh và do duyên diệt, chuyển biến vô thường, không phải của mình, không dính dáng gì đến mình; như con bò đen và con bò trắng cùng ăn cỏ trên cánh đồng, không ngăn ngại lẫn nhau, không trói buộc lẫn nhau. Thường xuyên vận dụng sáu căn theo cách như vậy khi chúng tiếp xúc với sáu trần cảnh thì tâm không dính mắc, không bị trói buộc, không rơi vào thuận ứng và nghịch ứng, không nhiễm ô, đạt đến thanh tịnh, đi đến giải thoát. Kinh Điềm lành tối thượng (Mahàmangalasutta) thuộc Tiểu bộ nói như vầy:

Khi xúc chạm việc đời9 , Tâm không động, không sầu, Không uế nhiễm, an ổn, Là hạnh phúc tối thượng10.

Nhìn chung, bên cạnh thế giới chung, thế giới ngũ uẩn hay thế giới căn và cảnh, chịu sự thay đổi, biến hoại, khổ đau, con người có thể xây dựng cho mình một thế giới riêng, thế giới của tâm giải thoát, tuệ giải thoát, vượt ra ngoài mọi thay đổi, biến hoại, khổ đau. Đó là tập nhận diện bản chất duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn hay thế giới căn-trần và thể hiện nếp sống vô ngã ấy trong đời sống xúc chạm hàng ngày. Rõ ràng, các pháp vốn do nhân duyên mà sinh và diệt, vô ngã, không ngăn ngại, không trói buộc lẫn nhau; chỉ do con người khởi tâm phân biệt yêu ghét, chấp làm của mình, nên tập quán tham-sân-si mới có dịp sinh khởiquấy rầy tâm thức, khiến cho tâm rơi vào phiền muộn khổ đau. Học Phật không gì khác là học cách nhìn đúng các pháp (các pháp là duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã) để thấy rõ khổ đau do duyên sinh và do duyên diệt và để biết cách buông bỏ khổ đau.

Sau đây là bài pháp ngắn do Thế Tôn thuyết giảng cho Tôn giả Punna nêu rõ thế nào là khổ đau và thế nào là buông bỏ khổ đau, nhờ đó Tôn giả Punna thiết lập cho mình một thế giới riêng, thế giới của tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không còn phiền muộn khổ đau, ngay trong thế giới chung, thế giới ngũ uẩn hay thế giới căn-trần, thường xuyên biến đổichất chứa nhiều phiền toái khổ đau:

“- Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷkheo hoan hỷ tán thưởng, chấp thủan trú trong ấy, thời do hoan hỷ tán thưởng, chấp thủan trú, dục hỷ sanh; và này Punna, Ta nói, rằng từ sự tập khởi của dục hỷ, là sự tập khởi của khổ. Này Punna, có những tiếng do tai nhận thức; có những hương do mũi nhận thức; có những vị do lưỡi nhận thức; có những cảm xúc do thân nhận thức; có những pháp do ý nhận thức; khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủan trú trong ấy, thời do hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủan trú tham đắm, dục hỷ sanh; và này Punna. Ta nói, rằng từ sự tập khởi của dục hỷ, là sự tập khởi của khổ.

Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả hỷ, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷkheo không hoan hỷ, không tán thưởng, không chấp thủ và an trú, thời dục hỷ diệt. Này Punna, Ta nói rằng, từ sự diệt tận dục hỷ là sự diệt tận đau khổ. Này Punna, có những tiếng do tai nhận thức; có những hương do mũi nhận thức; có những vị do lưỡi nhận thức; có những cảm xúc do thân nhận thức; có những pháp do ý nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán thưởng, không chấp thủ và an trú, thời dục hỷ diệt. Này Punna, Ta nói, rằng từ sự diệt tận dục hỷ là sự diệt tận đau khổ. Này Punna, Ông sẽ sống ở quốc độ nào, nay Ông đã được Ta giáo giới với lời giáo giới vắn tắt?

- Bạch Thế Tôn, nay con đã được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới vắn tắt, có một quốc độ tên là Sunaparanta (Tây phương Du-na quốc), con sẽ sống tại đấy.

 - Này Punna, người nước Sunaparanta là hung bạo. Này Punna, người nước Sunaparanta là thô ác. Này Punna, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc Ông, nhục mạ Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ như thế nào?

 - Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta’. Bạch Thế Tôn, tại đây con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ như thế nào?

- Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy các cục đất ném đánh Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ thế nào?

 - Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy cục đất ném đánh con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy gậy ném đánh ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

 - Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập Ông… Ông nghĩ thế nào?

 - Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy đao đánh đập ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao đánh đập Ông… Ông nghĩ thế nào?

 - Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

 - Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng Ông… Ông nghĩ thế nào?

 - Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con; thời tại đấy con sẽ nghĩ như sau: ‘Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiềnnhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ như vậy.

- Lành thay, lành thay, này Punna! Này Punna, Ông có thể sống trong nước Sunaparanta, khi Ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Punna, Ông nay hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời”11.

Không buồn giận, không oán trách, Tôn giả Punna đón nhận mọi sự việc xảy ra một cách thanh thản, vì Tôn giả đã thiết lập cho mình một thế giới riêng, thế giới của tâm giải thoát, tuệ giải thoát; không còn bận lòng về thế giới chung, thế giới ngũ uẩn hay thế giới căn-trần, vốn chịu sự thay đổi, biến hoại, khổ đau, không phải của mình, không dính dáng gì đến mục tiêu giác ngộ. Tôn giả sống với tâm giải thoát, không sanh không diệt, lặng lẽ trả lại cho đời những gì không phải của mình.

Chú thích: 1. Kinh Vua, Tương ưng bộ. 2. Kinh Tổ mẫu, Tương ưng bộ. 3. Kinh Thành ấp, Tương ưng bộ. 4. Kinh Thánh cầu, Trung bộ. 5. Kinh Điềm lành tối thượng, Kinh Tập, Tiểu bộ. 6. Kinh Nakulapita, Tương ưng bộ. 7. Kinh Tùy thuộc thế giới, Tăng chi bộ. 8. Kinh Kotthika, Tương ưng bộ. 9. Nghĩa là sáu căn tiếp xúc với sáu trần. 10. Kinh Điềm lành tối thượng, Kinh tập, Tiểu bộ. 11. Kinh Giáo giới Punna, Trung bộ

Hoa Tâm | Văn Hóa Phật Giáo số 304 1-9-2018

Thư Viện Hoa Sen

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/05/2012(Xem: 37702)
28/10/2013(Xem: 12776)
26/12/2017(Xem: 12507)
21/11/2011(Xem: 52335)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.