BA NGƯỜI PHỤ NỮ GẶP PHẬT -
HỮU DUYÊN VÀ VÔ DUYÊN VỚI CHÁNH PHÁP
Dhammananda Pháp Hỷ
Câu chuyện ở Kosambi - (Pali) or Kaushambi (Sanskrit) đã từng là một thành phố nổi tiếng của Ấn độ cổ, là thủ đô của vương quốc Vapsa, một trong 16 vương quốc thuộc Mahajanapadas thời Đức Phật còn tại thế. Thành phố này nằm trên bờ sông Yamuna nổi tiếng, cách 56 km phía tây nam chỗ giao với sông hằng Hà (35 mi) ở Prayaga (modern Allahabad).
Tại đây Đức Phật đã du hóa nhiều lần, một lần ngay sau khi ngài mới thành đạo độ chín năm. Ngài đi để lại dấu chân khiến cho một cặp vợ chồng Bà la môn có tên là Magandiya chú ý và đọc được 32 tướng tốt qua dấu chân ngài. Họ có ý định gả cô con gái mỹ miều vừa tuổi trăng tròn của họ cho đức Phật – người có 32 tướng tốt và 82 vẻ đẹp! Tuy nhiên, bậc giác ngộ có ý định khác cho họ. Ngài biết cặp vợ chồng bà la môn này có căn duyên với Phật pháp, nếu được nghe pháp đúng thời, đúng cơ duyên thì sẽ giác ngộ.
Khi gặp họ, nghe họ trình bày về ý nguyện muốn gả con gái cho vị đại sa môn còn trẻ tuổi đẹp trai - người có nhiều phúc tướng, Đức Phật đã từ chối và nói pháp cho họ nghe như cuộc hội thoại sau:
“Sau khi thấy khát ái,
Bất lạc và tham đắm,
Không thể có ưa muốn,
Đối với sự dâm dục.
Sao, với bao đầy tràn,
Nước tiểu, phân uế này,
Ta không có ước muốn,
Với chân động chạm nó.
Màgandiya:
Nếu Ngài không ước muốn:
Ngọc báu như thế này,
Nữ nhân được mong cầu,
Bởi rất nhiều đế vương,
Hãy nói như thế nào,
Là tri kiến của Ngài,
Giới cấm và sinh mạng,
Cùng sự hữu phát sanh.
Thế Tôn liền trả lời, Cho Màgandiya,
Với Ta không có nói,
Ta nói như thế này,
Sau khi quán sát kỹ
Sự chấp thủ trong pháp,
Trong tất cả tri kiến,
Ta không có chấp trước,
Ta thấy sự cất chứa,
Tịch tịnh trong nội tâm.
Màgandiya nói:
Các lý thuyết quyết định,
Ngài nói vị ẩn sĩ,
Không nắm giữ thuyết nào.
Còn về ý nghĩa này,
Của hai chữ nội tịnh,
Thế nào là bậc Hiền trí,
Hiểu biết hai chữ ấy?
Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Không phải từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến.
Người ta nói như vậy,
Nhưng cũng không phải là
Không kiến, không truyền thống,
Không trí, không giới cấm,
Từ bỏ tất cả chúng,
Không chấp thủ sự gì,
Bậc thiện không y chỉ,
Không ước muốn sanh hữu.
Màgandiya nói:
Nếu không từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đưa đến.
Người ta nói như vậy,
Cũng không phải không kiến,
Không truyền thống, không trí,
Không giới luật giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến
Con nghĩ rằng pháp vậy,
Là pháp kẻ ngu si,
Vì rằng thật có người,
Nhờ kiến đến thanh tịnh.
Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Nếu y vẫn tri kiến,
Ông còn tiếp tục hỏi,
Chính do những chấp thủ,
Đi đến sự ngu si,
Từ đó, Ông không thấy,
Một chút gì về tưởng,
Do vậy, Ông chớ thấy,
Tất cả là ngu si.
Bằng ta thắng hơn ta,
Hay thấp kém hơn ta,
Ai suy nghĩ như vậy,
Do vậy đấu tranh khởi,
Ai không bị dao động
Bởi ba vấn đề ấy,
Như vậy, đối vị ấy,
Không bằng, không thù thắng.
Sao Bà-la-môn ấy
Lại nói: "Đây sự thật ",
Đây chính là nói láo,
Để gây nên tranh luận,
Với ai không hề có,
Bằng nhau, không bằng nhau.
Do đâu nó có thể,
Mắc vào tranh luận được.
Đoạn tận mọi nhà cửa,
Sống là kẻ không nhà,
Ẩn sĩ không thân thiết,
Với một ai ở làng,
Trống không các dục vọng,
Không xem trọng sự gì,
Không nói chuyện tranh luận,
Với một ai ở đời.
Vị ấy sống viễn ly,
Mọi sự việc ở đời,
Bậc Long tượng không chấp,
Và không nói đến họ.
Như hoa sen có gai,
Sanh ra ở trong nước,
Không bị nước và bùn
Mắc dính và thấm ướt.
Như vậy bậc ẩn sĩ,
Nói an tịnh, không tham,
Không bị dục và đời,
Mắc dính và thấm ướt.
Bậc trí, không do kiến,
Cũng không do thọ tưởng,
Đi đến sự kiêu mạn,
Không có tham dự vào,
Không để cho hành động,
Cho truyền thống dắt dẫn,
Không để bị chi phối,
Trong trú xứ của ý.
Người không ưa thích tưởng,
Không có bị trói buộc,
Vị được tuệ giải thoát,
Không có sự si mê,
Và những ai chấp thủ,
Tư tưởng và tri kiến,
Người ấy sống xung đột,
Với mọi người ở đời.” (Samyutta Nikaya 4.9 PTS: Sn 835-847)
Khi bài pháp thâm diệu này kết thúc, cả hai vợ chồng Bà-la-môn Magandiya đã thấy pháp, liễu ngộ chánh pháp và phát sinh trí tuệ khiến họ buông bỏ những chấp thủ trong thế gian. Tuy nhiên, cô con gái 16 tuổi mỹ miều của họ lại có tâm thức còn rất sơ khai, đầy chấp thủ vào thân tướng của nàng. Chỉ nghe những câu đầu tiên, cô gái ngay lập tức nghĩ rằng vị Sa môn trẻ tuổi và đẹp trai kia chê bai cô là “túi da chứa đầy đồ bất tịnh”. Điều này khiến cho tâm thức của cô Magandiya kiêu hãnh cảm thấy bị tổn thương nặng nề. Cô cho đó là sự xúc phạm đối với cá nhân cô, con người cô, vv, và không thể nào nghe và hiểu phần tiếp theo của toàn bộ cuộc hội thoại. Cũng từ đó nàng có ác cảm đặc biệt với Đức Phật, trong khi đó thiện cảm của cha mẹ nàng đối với vị Sa môn có dung mạo khác người kia càng ngày càng tăng trưởng.
Sau cuộc gặp gỡ lịch sử này, cha mẹ của Magandiya đã phát tâm xuất gia, từ bỏ gia đình và những thủ chấp liên hệ đến thân kiến, tài sản, giai cấp ,địa vị, vv. Vì con gái chưa thành gia thất nên họ đã gửi nàng dưới sự bảo trợ của người chú tên là Cula-Magandiya cùng với tất cả tài sản mà họ đang có. Người chú đầy tham vọng của Magandiya nhân cơ hội này đã tiến dẫn cô cháu gái sắc nước hương trời vào cung cho vua Udena của xứ Kosambi. Không bao lâu sau, Magandiya đã được đưa lên vị trí hoàng hậu thứ hai (vì vua Udena đã có chánh cung hoàng hậu). Thật không may cho nàng, với địa vị và quyền lực mới có, Magandiya đã dùng nó để làm nhiều việc không tốt đẹp.
Vốn có ác cảm với Đức Phật và các đệ tử của ngài, khi nghe tin Đức Phật và đệ tử của ngài là Ananda đến Kosambi hoằng pháp, thứ hậu Magandiya đã thuê người đến lăng mạ và phỉ báng đức Phật khi ngài và tôn giả Ananda đi khất thực. Mấy hôm liền đức Phật và ngài Ananda đi khất thực trong thành Kosambi nhưng chỉ nhận được những lời phỉ báng, lăng mạ vô cớ. Thậm chí có những tên du đảng còn ném vỏ chuối hay đồ dơ về phía có Phật và Ananda trên đường. Một hôm, không kham nhẫn nổi với cách đối xử thù nghịch, hạ tiện của đám người không rõ từ đâu cứ đi theo gây khó dễ và chọc giận, tôn giả Ananda đã bạch Phật rằng:
-- Bạch Đức Thế Tôn, dân chúng thành Kosambi chưa đủ nhân duyên để gặp chánh pháp… họ thấy bậc Đạo Sư mà tỏ ra bất kính và cư xử rất côn đồ như thế này thật tội nghiệp…Hay là chúng ta hãy đi đến một nơi khác để giáo hóa…
Đức Phật điềm nhiên hỏi Ananda:
_ Ananda định đi đâu?
_ Bạch Thế Tôn chúng ta có thể du hành đến một thị trấn khác…
_ Ananda nếu ở đó cũng có người lăng mạ, quấy rối chúng ta thì sao?
_ Thưa, thì chúng ta đi nữa. Cõi Diêm phù đề vốn rộng lớn. Trong nhiều vùng có những người có tín tâm và cư xử tốt đẹp với Thế Tôn và các hàng Sa môn đi khất thực như chúng ta.
_ Ananda Như Lai sẽ không vì những chuyện như thế này mà bỏ đi. Ananda nghĩ sao: nếu một vị lương y treo tấm biển trước cửa tiệm như thế này: “Tôi chỉ chữa bệnh cho các bệnh nhân bị bệnh nhẹ hay vừa mà thôi”. Vị lương y đó có phải là một thầy thuốc giỏi không?
_ Chắc chắn người như vậy thì không phải là thầy thuốc giỏi. Một lương y giỏi thì sẽ chữa bệnh cho tất cả mọi ca, dù bệnh nặng hay nhẹ, ngay cả những ca khó chữa trị nhất cũng có thể đảm nhiệm.
_ Này Ananda, Như Lai là một lương y giỏi. Dân chúng trong thành có bệnh tà kiến rất nặng. Như Lai cần phải có mặt ở đây một thời gian để đem chánh kiến đến với họ. Hơn nữa, những chuyện mạ lỵ cản trở như thế này với một bậc Toàn Giác (Sammasambuddha) không thể kéo dài quá bảy ngày…
Đúng như lời Thế Tôn đã tuyên bố, sau một tuần sự việc đã được dàn xếp ổn thỏa. Và không lâu sau, tại thành Kosambi đã có một tu viện nổi tiếng để mỗi lần Đức Phật và chư Tăng ngự đến có nơi để nghỉ ngơi và hoằng pháp. Đó là tu viện Ghosikarama, được cúng dường bởi quan đại thần triệu phú Ghosika.
HOÀNG HẬU Sāmāvati –
ĐỆ NHẤT TÂM TỪ VÀ DIỆU NĂNG CỦA LÒNG TỪ
Sāmāvati là con gái của một vị thương buôn giàu có ở thành Sekata. Khi nàng còn là một đứa bé, có một trận dịch hạch xẩy ra nơi thành phố mà gia đình nàng cư ngụ. Cha mẹ nàng dẫn con gái chạy trốn khỏi vùng dịch hạch. Cha nàng có một người bạn thời trẻ tuổi, nay là một người thành đạt tại thành Kosambi. Vì vậy họ quyết định đi đến thành Kosambi để cầu cứu giúp đỡ. Thật không may, trên đường đi khó khăn họ đã phải từ bỏ tất cả tài sản mang theo. Khi họ đến gần thành Kosambi thì cả cha và mẹ nàng đều đã kiệt sức.
Sāmāvati đến chỗ cấp thức ăn cho người chạy nạn và cơ nhỡ. Cô bé xin ba phần ăn. Thật không may, đêm hôm đó cha nàng đã qua đời vì thấm bệnh. Hôm sau, cô bé lại đến chỗ phát chẩn và xin hai phần ăn. Nhưng tai họa vẫn không tha gia đình nàng. Đêm đó vì đau buồn và cũng thấm mệt, mẹ nàng lại qua đời. Hết sức buồn đau, hôm đó Samavati lê bước đến nơi phát chẩn và chỉ yêu cầu một phần ăn mà thôi. Người phát thức ăn lấy làm ngạc nhiên và hỏi cô bé với giọng điệu châm biếm:
_Sao, cô gái trẻ. Hôm nay cô ăn đủ no rồi nên chỉ xin một phần ăn thôi phải không?
Trong nước mắt chan hòa, Sāmāvati giải thích cho ông ta biết hôm đầu tiên cô xin cho cả cha và mẹ. Nhưng cha cô đã qua đời đêm hôm trước, nên hôm qua cô chỉ xin hai phần, cho mẹ và cô. Nhưng thực đau buồn, đêm qua mẹ cô cũng theo cha đến thế giới khác.Chỉ còn lại mình cô côi cút trên đời… nên hôm nay cô chỉ lấy một phần ăn mà thôi.
Nghe câu chuyên thương tâm của cô bé, lại thấy cô xinh đẹp, thông minh và rất tự chủ, người phụ trách phân phối thức ăn đem lòng cảm mến và nhận cô bé làm con nuôi. Vốn thông minh và lanh lợi, Sāmāvati đã nhanh chóng đứng vào vị trí người cố vấn và phụ tá cho cha nuôi trong việc phân phát thức ăn cho người bần cùng, cơ nhỡ. Nhận thấy nơi phát chẩn người vào và ra chen lấn lẫn nhau rất không qui cũ, Samavati đề nghị với cha nuôi cho cô làm hàng rào ngăn cách người đi vào và người đi ra sau khi lấy thức ăn. Với sự trợ giúp của cô gái trẻ, nơi phát chẩn không bao lâu đã có qui củ và bớt ồn ào, bớt chen lấn náo động đi rất nhiều. Người thí chủ thực sự của nơi phát chẩn này là quan đại thần Ghosika, một tín đồ thực hành theo lời Phật dạy về bố thí và nhân hậu.
Một hôm đại nhân Ghosaka đi thăm nơi phát chẩn và ngạc nhiên nhận ra sự khác biệt của không khí nơi này. Rất hài lòng, ông cho gọi người quản lý phát chẩn đến và hỏi vì sao nơi đây nay sạch sẽ và qui củ hơn trước như vậy. Vị quản lý này không dấu được niềm tự hào đã kể cho ông chủ nghe về người con gái nuôi mà mình mới nhận không bao lâu, và ông đã may mắn như thế nào vì có sự trợ giúp rất có tổ chức của cô bé.
Đại nhân Ghosaka rất tò mò muốn gặp cô bé Sāmāvati. Khi diện kiến, Ghosika hỏi tên tuổi và quê quán của cô. Samavati nói cho ông biết tên cha mẹ và quê quán. Đầy xúc động, Ghosaka nhận ra cha cô bé chính là người bạn thủa trai trẻ năm xưa của mình. Ông điều đình với người quản lý để nhận Samavati làm con nuôi và đưa cô về dinh thự của ông – một đại phú là quan thủ kho của vua Udena xứ Kosambi. Trong nhà cha nuôi mới, Sāmāvati được đối xử như tiểu thư lá ngọc cành vàng. Nàng được cấp cho một đoàn tùy tùng bao gồm các cô gái hầu và làm bạn với các tiểu thư con nhà danh giá khác trong thành.
Một hôm Sāmāvati cùng 500 trăm thiếu nữ tùy tùng đến tham dự một lễ hội do vua Udena tổ chức. Dáng vẻ thuần khiết và yểu điệu nhưng vẫn rất tự tin đoan chính của tiểu thư Sāmāvati đã làm trái tim vị quân vương rung động dữ dội. Nàng đã bị đức vua Udena của xứ Kosambi trông thấy và đem lòng si mê.
Triệu phú Ghosaka, cũng là một vị quan đại thần gần gũi vua đã nhiều năm, biết vua là người có bản ngã rất lớn, tính cách hung bạo, háo sắc, vv, nên không muốn cô nghĩa nữ yêu quí trở thành một trong những phu nhân của vua. Tuy nhiên vua Udena đã tìm mọi biện pháp bắt ép cha nuôi nàng phải để cho Sāmāvati vào cung làm phi tần. Đại nhân Ghosaka tìm mọi lý do để từ chối yêu cầu của ông vua bạo ngược. Kết quả là ông bị cách chức và tịch biên tài sản, cùng với cái án phải bị đày ra nơi biên địa. Khi biết nghĩa phụ vì mình mà phải chịu nhiều thiệt thòi và oan ức cho cả gia đình ông, Sāmāvati đã tự nguyện tiến cung và với điều kiện là vua Udena phải phục hồi tài sản và địa vị cho nghĩa phụ của nàng, triệu phú quan thủ khố Ghosika.
KHUJJUTARĀ - KHI NGƯỜI BẤT THIệN HOÀN LƯƠNG
Khujjutara là người hầu của hoàng hậu Sāmāvati . Bà có tên như vậy vì lưng gù. Tuy gù lưng và xấu xí nhưng Khujjutara rất thông minh và linh lợi khác thường. Bà ta được hoàng hậu tin cẩn giao cho việc mua hoa và hương liệu để dùng trong cung mỗi ngày. Vì mục đích này, mỗi ngày bà ta được cấp cho một ngàn Masaka (đồng tiền vàng) để mua hương hoa. Nhưng Khujjutara chỉ dùng 500 để mua các thứ mà hoàng hậu dặn, còn lại 500 bà ta biển thủ. Có vẻ như hoàng hậu có biết việc làm ăn không minh bạch của bà, tuy nhiên vì bản tính nhân hậu, lại trọng vì những tài lẻ khác của người đàn bà gù này, nên hoàng hậu bỏ qua.
Một hôm Khujjutara trên đường ra chợ mua hương hoa cho hoàng cung như thường lệ, bà ta nghe dân chúng kháo nhau có bậc Đạo sư là Phật Cồ Đàm với những lời đồn tốt đẹp như đó là “Bậc Như Lai, Ứng cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Thế Tôn” đến viếng thăm thành Kosambi. Người ta rủ bà đi nghe pháp. Chưa vội về cung, còn thời gian rảnh rỗi Khujjutara đã đến giảng đường nghe pháp. Từng lời pháp nhũ thấm dần vào tâm hồn của bà khiến cho Khujjutara vô cùng xúc động trước lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật cùng sự hiện diện thanh tịnh của tăng chúng vây quanh ngài. Cuối thời pháp Khujjutara đã xin quy y Tam bảo. Cũng từ đó Khujjutara cảm thấy hối hận vì những hành động lừa dối trước đây của mình. Hôm đó bà sử dụng tất cả số tiền mà hoàng hậu Samavati đưa cho để mua hương hoa cho nội cung.
Khi trở về, không chỉ hoàng hậu mà mọi người trong cung cấm đều ngạc nhiên trước số lượng và chất lượng của hương hoa được mua bởi Khujjutara ngày hôm đó. Khi được hỏi duyên cớ, Khujjutara đã quỳ gối trước hoàng hậu Samavati cầu xin sự khoan dung tha thứ của bà cho lỗi lầm ăn bớt tiền mua hương hoa trước đây. Khujjutara cũng nói cho hoàng hậu biết nay bà đã quy y, không thể tiếp tục sống không ngay thẳng như trước. Cách bà cư xử với mọi người xung quanh cũng thay đổi hẳn tốt đẹp hơn, điều đó làm cho hoàng hậu Samavati rất vui. Kể từ đó Samavati rất muốn được nghe pháp, học đạo và tu tập dưới sự chỉ dạy của Bậc Đạo sư. Tuy nhiên thân phận của các nương tử trong cung cấm không được phép ra ngoài. Vì điều ngăn cấm này, hoàng hậu Samavati đa sai Khujjutara đi nghe pháp thay mình.
Thật may mắn cho họ, Khujjutara có một trí nhớ rất tuyệt vời hơn người. Sau mỗi thời pháp, bà ghi nhớ thuộc lòng tất cả các chi pháp đã được thuyết giảng bởi Đức Phật. Khi trở về cung, hoàng hậu Samavati vì tôn kính Pháp nên đã làm sàng tọa cao quý cho Khujjutara ngồi lên thuyết lại những gì bà đã học được từ Đức Phật. Không chỉ thuyết pháp, bà còn học và hành tâm từ để truyền lại cho hoàng hậu và 500 cung nữ dưới trướng của Samavati. Họ cùng nhau thực hành phát triển tâm từ trong hậu cung. Sự thực hành của họ, nhất là của hoàng hậu Sāmāvatī đã đi đến chỗ thâm hậu và có diệu năng hóa giải hận thù như đã kể trong câu chuyện của HH. Sāmāvatī.
Sau cái chết của HH. Sāmāvatī, Khujjuttarā đã dành tất cả thời gian của mình cho việc tu học và phục vụ đạo pháp. Đức phật đã tuyên bố bà là nữ cư sĩ số một trong những người có trí tuệ sâu rộng/ đa văn (bahussutānam). [Ref. A.i.26; DhA.i.208ff; AA.i.226, 237f; ItvA.23f.; PsA.498f].
Tương truyền rằng bộ Như Thị Thuyết (Itivuttaka) trong Tiểu bộ Kinh chính là bộ mà nữ cư sĩ Khujjuttarā đã học từ đức Phật và dạy lại cho HH. Sāmāvatī và các cung nữ dưới trướng vị hoàng hậu này. Vì nguồn gốc cảu tất cả các bài kinh này đều do Phật thuyết ở Kosambī và được lập lại bởi nữ cư sĩ này nên khi kết tập lại những bài kinh này khoogn có dòng "Ekam samayam Bhagavā Kosambiyam viharati" ; thay vì chúng lại được tường thuật là "vuttam h'etam Bhagavatā arahatā." (ItvA.32).
KHUJJUTARĀ là người học thuộc lòng nhiều kinh điển mà sau này đức Phật đã khuyên các tỳ kheo nên đến gặp bà để được truyền tụng lại một số bài kinh quan trọng do ngài thuyết ở Kosambi. Và một số nguồn còn khẳng định bà chính là người sở hữu bộ Patisambhidā (phân tích) đầu tiên. [Ref. Vsm.442; VibhA.388]. bà cũng được cho là có khả năng nhớ lại nhiều kiếp sống quá khứ . [Ref. Mil.78].
Written by Ayya Dhammananda NS Pháp Hỷ
Pháp Luân TX 2015 – Liên Hoa Dallats 2018