Nghiên cứu về quá trình mang thai và việc giáo dục thai nhi theo quan điểm Phật giáo

04/11/20184:08 SA(Xem: 13067)
Nghiên cứu về quá trình mang thai và việc giáo dục thai nhi theo quan điểm Phật giáo

NGHIÊN CỨU VỀ QUÁ TRÌNH MANG THAI
VÀ VIỆC GIÁO DỤC THAI NHI THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO
Chúc Phú

 

Studies of Embryos by Leonardo da Vinci
Studies of Embryos by Leonardo da Vinci

Từ khi một chúng sanh được tượng hình trong thai mẹ cho đến lúc hiện sinh trên cõi đời là cả một tiến trình lắm đỗi gian nan và cũng chuyên chở nhiều điều mầu nhiệm. Theo Phật giáo, quá trình hoài thai là giai đoạn quan trọng của đời người.

Bàn về giai đoạn này, nhiều cổ thư quan trọng của Ấn giáo và của Phật giáo thuở sơ kỳ cùng quan tâm và đề cập đến như kinh thư Upaniṣad[1], truyện thư Agni Purāṇa[2], kinh Tăng-nhất A-hàm[3], kinh Tạp A-hàm[4], kinh Tương Ưng (S.i,206)[5] và luận Du-già sư địa[6]. Tuy nhiên, các nguồn tư liệu vừa nêu chỉ đề cập đến quá trình hoài thai một khách khái lược và không đi sâu vào chi tiết.

Có thể nói, đề cập đến quá trình hoài thai một cách đầy đủ, gồm cả ba mươi tám tuần và những chi tiết liên quan, hiện có bốn nguồn tư liệu cùng phát xuất từ một nguyên bản, và được tập thành vào những bộ loại kinh điển khác nhau:

  1. Phật thuyết kinh bào thai (佛說胞胎經)[7]. Bản kinh này do ngài Trúc-pháp hộ (竺法護) dịch vào niên hiệu Thái An (太安) năm thứ hai (303)[8].
  2. Nhập mẫu thai tạng Tu-đa-la pháp (入母胎藏修多羅法)[9] do ngài Bồ-đề-lưu-chí (菩提流志) dịch, thuộc tập 55 trong bộ kinh Đại bảo tích (大寶積經). Bộ kinh Đại bảo tích được khởi dịch từ niên hiệu Thần Long (神龍) năm thứ hai (706), đến niên hiệu Tiên Thiên (先天) năm thứ hai (713) thì hoàn thành[10].
  3. Kinh nhập mẫu thai (入母胎經) do ngài Nghĩa Tịnh (義淨) dịch, cũng nằm trong bộ kinh Đại bảo tích(大寶積經), thuộc tập 56 và 57.
  4. Kinh nhập mẫu thai (入母胎經) do ngài Nghĩa Tịnh (義淨) dịch, nằm trong bộ Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tạp sự (根本說一切有部毘奈耶雜事), quyển thứ 11[11].

Như vậy, quá trình phát triển của một thai nhi từ lúc tượng hình đến khi xuất hiện ở cõi thế đã có mặt rất sớm trong những nguồn kinh, luật khả tín của Phật giáo. Đặc biệt, chủ đề này đã được nhiều dịch giả uy tín của Phật giáo như ngài Trúc-pháp-hộ, Bồ-đề-lưu-chí, Nghĩa Tịnh…cùng quan tâm nên đã gián tiếp bảo chứng độ khả tín của thư tịch. Và, đây cũng là cơ sở chủ yếu để khảo về quá trình phát triển của một thai nhi theo quan điểm Phật giáo.

1.Quá trình phát triển của thai nhi, từ kinh điển đến khoa học.

Nền y thuật cổ xưa của phương Đông chứa đựng nhiều điều kỳ diệu mà mãi đến nay vẫn chưa được khám phá hết. Cơ sở của nền y thuật đó là tổng hòa tuệ giác của bao thế hệ tiền nhân mà trong đó có cả Phật giáo. Nói cách khác, có những tri thức, khái niệm liên quan đến thai kỳ được nhiều tôn giáo cùng sử dụng chung, kể cả Phật giáo như Ca-la-la (歌羅邏:Kalala), An-phù-đà (安浮陀:Abbuda), Bế-thủ (閉手:Pesī), Già-na (伽那:Ghana), Bát-la-xa-khư (般羅奢佉:Pasākha)[12]… khi đề cập về quá trình phát triển của thai nhi.

Trước hết, từ cơ sở của nhân duyên, khi tinh cha, huyết mẹ và thần thức gặp gỡ thì một thai nhi hình thành. Vào khoảng bảy ngày kể từ thời điểm thọ thai được gọi là Ca-la-la (Kalala:歌羅邏: 入胎七日) và cũng được gọi là Danh-sắc theo lý thuyết mười hai nhân duyên. Theo quan điểm của luật tạng Phật giáo, ngay từ thời điểm này nhân vị đã được xác lập. Nói cách khác, vào khoảng bảy ngày kể từ thời điểm thọ thai, một con người đã được hình thành, kinh điển gọi là chúng sanh[13], với ba bộ phận cơ bản gồm thân căn, tâm cănmạng căn (身根,心根,命根)[14].

Theo kinh điển ghi nhận, hình thể của Ca-la-la trong bảy ngày đầu vừa thọ thai chỉ như váng sữa mong manh (一七日如薄酪)[15]. Bảy ngày kế tiếp gọi là An-phù-đà (安浮陀), hình dạng như sữa đặc (凝酥, 生酪). Vào tuần thứ ba gọi là Bế-thủ (閉手), hình dạng như cái chày nhỏ dùng để nghiền thuốc (狀如藥杵). Vào tuần thứ tư gọi là Già-na (伽那), nhân dạng như cái nghiên mực (狀如溫石)[16]. Vào tuần thứ năm gọi là Bát-xa-la-khư (Pasākha:般羅奢佉), các tế bào phân chia và tượng hình nên thân thể gồm phần đầu cùng với hai đùi và hai vai[17].

Đây là năm giai đoạn cơ bản của một thai nhi, luận Câu-xá ghi rằng: Trong thai mẹ chia thành năm giai đoạn. Một là Yết-lạt-lam (羯剌藍), hai là Át-bộ-đàm (頞部曇), ba là Bế-thi (閉尸), bốn là Kiện-nam (鍵南), năm là Bát-la-xa-khư (鉢羅奢佉)[18].

Giai đoạn thứ năm tương ứng với tuần thứ năm, đó là lúc những quan năng cơ bản đã xuất hiện. Tương tự như những điều đã khái quát trong kinh điển, ở đây, căn cứ vào công trình khoa học Sự trưởng thành và phát triển của thai nhi (Fetal growth and development) thì vào tuần thứ sáu, thai nhi được phát triển như sau:

Vào giai đoạn này, phần đầu và thân trên đã phát triển ổn định, đôi mắt bắt đầu hình thành, cấu trúc của hai tay và hai chân như những mầm chồi đã bắt đầu hiện ra, quả tim với dạng hình ống đã bắt đầu mấp máy, ống thần kinh đã được định hình để phát triển thành não và tủy sống[19].

Từ cơ sở mang tính nền tảng này, trải qua thời gian thai nhi ngày càng phát triển. Để tiện theo dõi, chúng tôi xin lược nêu những sự kiện chính diễn ra trong quá trình phát triển như sau.

 Đến tuần thứ chín, các bộ phận tiếp nhận dinh dưỡng, thông tin và bài tiết thông qua chín lỗ được hình thành như hai mắt, hai tai, hai mũi, miệng và hai nơi đại, tiểu tiện. Vào tuần thứ mười hai, hệ thống tiêu hóa gồm có ruột non và ruột già hoàn thiện (生大小腸)[20].

 Vào tuần thứ mười ba, thai nhi có thể tiếp nhận dinh dưỡng từ người mẹ thông qua lỗ rốn và các mao mạch trên thân (身穴中及以臍輪)[21]. Đây là giai đoạn chuyển biến quan trọng của thai nhi, như kinh đã ghi:

Đứa con ở thai mẹ
Trải qua mười ba thất
Thân vừa biết suy hao
Liền sinh tưởng đói khát
Hễ mẹ ăn uống
Bồi bổ nuôi dưỡng thai
Nhờ vậy thân mạng này
Từ từ được lớn mạnh.[22]

Đến tuần thứ mười chín, sáu quan năng của thai nhi đã thành hình[23]. Theo lý thuyết mười hai nhân duyên, đây cũng còn gọi là giai đoạn lục-nhập (六入)[24], lục tình (六情)[25] hoặc lục xứ (六處)[26].

Ở đây, cũng theo tác phẩm Sự trưởng thành và phát triển của thai nhi (Fetal growth and development) thì vào tuần thứ mười tám, thai nhi đã phát triển như sau:

Hình thể và các đặc điểm trên gương mặt của thai nhi đã định hình rõ ràng. Thai nhi có thể đáp ứng với âm thanh. Trong giai đoạn này, mũi, môi và tai có khả năng nhận biết. Da đầu đã hiện diện. Ở giai đoạn này, một thai nhi không thể sống sót nếu được sinh ra vì còn quá nhỏ và các cơ quan còn non nớt. Thai nhi dài khoảng 6 inch và nặng khoảng 4,5 ounce[27].

Đến tuần thứ ba mươi mốt, thai nhi phát triển đầy đủ[28]. Đến tuần ba mươi tám, thai nhi xoay ngược đầu về hướng sản môn, chuẩn bị ngày ra đời. Theo luận Du-già-sư-địa, khi ra khỏi sản môn, mới được gọi là xuất sinh[29].

Cũng tương tự, tác phẩm Sự trưởng thành và phát triển của thai nhi (Fetal growth and development) xác nhận:

Khi thai được ba mươi tám tuần tuổi: Thai nhi có thể nắm chặt tay. Da mặt và cơ thể trở nên mịn màng. Phần đầu tiếp tục trở thành phần lớn nhất của cơ thể. Cơ thể đã hoàn toàn đầy đặn. Lông tơ (Lanugo) chỉ còn lại trên vai và phần trên cơ thể. Móng chân đã phủ đến đầu ngón. Thai nhi dài khoảng dài khoảng 19, 5 inches và nặng khoảng 6 pounds. Hầu hết những đứa trẻ đều sống sót nếu sinh ra trong giai đoạn này. Thời kỳ mang thai như vậy đã đầy đủ và đứa trẻ sẵn sàng được sinh ra bất cứ lúc nào từ đây đến lúc 42 tuần[30].

Như vậy, quá trình phát triển của thai nhi đã được trình bày rất sinh động từ rất lâu trong kinh điển Phật giáo. Trong khoảng thời gian ba mươi tám tuần đó, có những thời điểm đáng nhớ như, đó là lúc thai nhi tượng hình vào tuần thứ nhất, Phật giáo gọi đó là giai đoạn danh-sắc. Kế đến, đó là thời kỳ năm bộ phận chính của thân thể được định hình vào tuần thứ năm. Đặc biệt, vào tuần thứ mười chín, sáu quan năng chính của thai nhi được hình thành. Đây là giai đoạn quan trọng, thuật ngữ Phật giáo gọi là lục-nhập, là yếu tố thứ năm trong chuỗi mười hai nhân duyên. Và kể từ tuần thứ ba mươi mốt đến ba mươi tám, thai nhi đã từng bước hoàn thiện và chuẩn bị ra đời.

Việc hiểu rõ các giai đoạn của quá trình phát triển thai nhi giúp cho chúng ta phần nào hiểu được sự tương tác giữa thai phụ và thai nhi cũng như những nỗi khổ đau khi sinh sản.

2. Sự tương tác giữa thai phụ, thai nhikhổ nạn khi sinh sản.

Từ thực tế cho thấy rằng, có những người mẹ tuy trải qua thời gian mang thai nhưng cơ thể không thay đổi quá lớn. Tuy nhiên cũng có những người mẹ khi mang thai là cả một chuỗi cực hình, vì phải trãi qua những phản ứng phức tạp của cơ thể. Đặc biệt, cũng có những trường hợp khi mang thai thì bỗng dưng người mẹ thông minh dĩnh tuệ, cảm giác về thân như đang thọ phước lạc. Tất cả những điều đó cho thấy có sự tương tác rất lớn giữa cơ thể mẹ và thai nhi hoặc ngược lại. Trong sự đa dạng liên quan đến quá trình mang thai, chúng tôi xin điểm qua những trường hợp được ghi nhận trong kinh điển.

Trong kinh điển ghi nhận nhiều trường hợp đặc thù về những trải nghiệm của người mẹ khi mang thai con. Trước hết, theo kinh Phật thuyết cấp cô trưởng giả nữ đắc độ nhân duyên (佛說給孤長者女得度因緣經)[31], kể từ khi mang thai tôn giả Xá-lợi-phất thì người mẹ trở nên thông minh lanh lợi, nhiếp phục được nhiều vị luận sư. Sau khi phối kiểm, người ta nhận ra sở dĩ bà mẹ có khả năng ấy là do tác động của thai nhi trong bụng mẹ.

Trường hợp tương tự cũng được ghi nhận trong kinh Tạp A-hàm (雜阿含經) quyển hai mươi lăm.

Kinh ghi:

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tứ đại Thiên vương:

“Tại nước Ba-liên-phất, sẽ có Bà-la-môn tên là A-kỳ-ni-đạt-đa, thông đạt kinh luận Tỳ-đà. Bà-la-môn này sẽ cưới vợ, sau đó có chúng sanh trung ấm sẽ đến làm con. Lúc vào thai mẹ, người mẹ rất thích luận nghị cùng người. Bà-la-môn này liền hỏi các ông tướng. Thầy tướng trả lời rằng: ‘Vì chúng sanh ở trong thai này sẽ thông đạt tất cả các luận thuyết, cho nên khiến người mẹ sanh ra tâm ưa thích luận nghị với người như vậy.’ Như vậy, khi đủ ngày tháng, ra khỏi thai mẹ, trở thành một đồng tử thông đạt tất cả các thứ kinh luận[32]. (HT. Thích Đức Thắng, dịch).

Trong trường hợp ngược lại, có những thai phụ mang thai quá lâu nên khi chuyển sanh đã gặp lắm điều trở ngại. Quá trình thoát thai của tôn giả Sīvali là tiêu biểu cho trường hợp này. Mặc dù thời gian thọ thai cũng như thời gian chuyển dạ của tôn giả Sīvali theo ghi nhận của kinh văn dường như phi thực tế, thiết nghĩ, phải chăng đó là cách nhấn mạnh về sự kiện này của người xưa?

Kinh Phật tự thuyết (Ud.15) ghi:

Một thời Thế Tôn trú ở Kundiyāya, trong rừng Kunditthana. Lúc bấy giờ, Suppavāsā, con gái của vua xứ Koliya có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thứ bảy. Dầu nàng cảm giác những cảm thọ khổ đau, nhức nhối, khốc liệt, thống khổ, nàng vẫn duy trì ba niệm: "Thế Tôn thật là bậc Chánh Đẳng Giác, Ngài thuyết pháp để đoạn tận đau khổ này. Chúng đệ tử của bậc Thế Tôn ấy là khéo hành trì. Chúng hành trì để đoạn tận đau khổ này. Thật sự an lạc là Niết-bàn, tại đây khổ đau này không có mặt ". Rồi Suppavāsā, con vua Koliya gọi ngưòi chồng của mình:

- Này Phu quân, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến nhân danh tôi, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh ít não, khinh an khỏe mạnh, lạc trú và thưa: "-Bạch Thế Tôn, Suppavāsā con gái vua Koliya cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh ít não, khinh an khỏe mạnh, lạc trú ". Rồi hãy nói như sau: "Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con gái vua Koliya, có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thứ bảy. Dầu nàng cảm giác những cảm thọ.... tại đấy khổ đau này không có mặt!

- Thật là tốt lành.

Koliyaputta đáp lại Suppavāsā, con gái vua Koliya, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Koliyaputta bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Suppavāsā, con vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn,.... lạc trú.... tại đấy khổ đau này không có mặt.

- Mong rằng Suppavāsā, con gái vua Koliya được an lạc, không bệnh, sanh đứa con không có bệnh hoạn. Với lời nói này của Thế Tôn, Suppavàsà, con gái Koliya, được an lạc không bệnh, đẻ đứa con trai không bệnh.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Koliyaputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi trở về nhà của mình. Koliyaputta thấy Suppavāsā, con gái vua Koliya, được an lạc, không bệnh, sanh đứa con trai không bệnh, thấy vậy liền suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay, thần lực và đại uy lực của Thế Tôn, khiến cho Suppavāsā con gái vua Koliya này, với lời nói của Thế Tôn được an lạc, không bệnh, sanh con trai không bệnh![33]

Lý giải vì sao tôn giả Sīvali phải ở trong thai mẹ lâu như thế, chuyện tiền thân Asātarūpa (Jataka 100) đã cho biết rằng, trong một kiếp xa xưa, do vì muốn chiếm thành Ba-la-nại, tiền thân ngài Sīvali đã cắt đứt giao thông, tuyệt đường tiếp tế và vây hãm thành ấy trong bảy ngày. Do nghiệp cũ ấy nên ngày hôm nay phải sống bảy năm trong bình máu và bảy ngày chịu cơn đau đẻ[34].

Đặc biệt, khi gặp phải những trường hợp khó sanh sản, ngoài việc cầu Phật và các bậc Thánh giả như ngài Aṅgulimāla chú nguyện để dễ dàng sinh con[35], luật tạng còn ghi nhận một trường hợp rất mực đặc thù về phương diện y thuật. Cụ thể là, có một đứa trẻ chết lưu trong bụng mẹ nên phải dùng phương cách phẫu thuật lấy đứa bé ra để cứu lấy thai phụ. Luật tạng ghi lời Phật dạy:

Nan-đà! Nếu trong đời trước thai nhi đó đã tạo nhiều nghiệp ác, kể cả việc phá hủy thai bào, do nhân duyên đó nên khi sắp sinh thì tay, chân tay quẫy loạn không thể chuyển thuận và đã mạng chung ngay trong bụng mẹ.

Khi ấy, nếu có người phụ nữ thông thạo việc này hoặc y sư giỏi, dùng dầu bơ ấm, hoặc nhựa vỏ cây Du (榆皮)[36] cũng như các thứ dầu trơn xoa lên cánh tay của mình, dùng ngón tay giữa nắm con dao mỏng có đầu nhọn sắc như lá lúa đưa vào bên trong, là nơi phẩn uế, dơ bẩn tối tăm đáng chán vì đó là chỗ sinh sống của vô số sinh trùng, thường tiết dịch xú uế và cũng là chỗ lưu thông của tinh huyết hư hoại, cực kỳ chán ngán, chỉ lấy da mỏng mà che thân nghiệp bệnh dơ, rồi dùng con dao bén đó cắt thai chết lưu thành từng miếng nhỏ rồi đưa ra ngoài. Do việc này mà người mẹ cực kỳ thống khổ, đôi khi phải mạng chung, nếu được sống còn nhưng không khác gì đã chết[37].

Trường hợp thai phụ tử vong vì thai chết lưu trong bụng mẹ còn được ghi nhận trong kinh Tăng-nhất A-hàm liên quan đến câu chuyện của vị Phạm-chí Lộc Đầu (鹿頭梵志)[38]. Theo kinh, Phạm-chí Lộc Đầu có khả năng thông đạt quá khứ, biết nguyên do dẫn đến cái chết của từng người thông qua việc gõ vào đầu lâu của họ. Trong một trường hợp, Phạm-chí cho biết đây là đầu lâu của một phụ nữ đã chết trong quá trình sinh sản (當產之時以取命終).

Có thể nói, nuôi dưỡng thai nhi là cả một tiến trình cực khổ, gian nan. Trong tiến trình ấy, ở một số người thì giống với một cuộc nhàn du nhưng đối với kẻ khác thì trông như hành trình lao khổ. Đặc biệt, với điều kiện y thuật đặc thù ở thời xưa, nếu như thiếu phước và không đủ duyên thì quá trình mang thai cũng như lúc sinh sản phải đối diện với muôn vàn khốn khó. Và do vậy, trong tiến trình mang thai, thai phụ phải điều chỉnh hành vicách sống nhằm bảo tồn thân mệnh, cũng như chuẩn bị những tiền đề ngõ hầu có được một đứa con xinh đẹp như ý nguyện của riêng mình.

3. Cơ sở lý luận về quá trình giáo dục thai nhi và những pháp hành dành cho thai phụ.

Vấn đề giáo dục thai nhi có cơ sở khoa học từ trong kinh điển.

Trước hết, kinh Tương Ưng (S.i,206) và bản kinh tương đương trong Hán tạng[39] đã xác quyết rằng:

Những gì người mẹ ăn,
Đồ ăn, đồ uống nào,
Con người trong bụng mẹ,
Ở đấy, lấy nuôi dưỡng[40]
(Yañcassa bhuñjatī mātā, annaṃ pānañca bhojanaṃ;
Tena so tattha yāpeti, mātukucchigato naro)[41].

Cần phải thấy, tất cả loài hữu tình do các món ăn (āhāra) mà an trú[42], (Sabbe sattā āhāraṭṭhitikā)[43]. Thức ăn cho chúng sanh có bốn loại, đoàn thực, xúc thực, niệm thựcthức thực (摶食,觸食,念食,識食)[44]. Tùy theo người mẹ tiếp thụ thực phẩm gì thì thai nhi sẽ thọ hưởng tương ứng. Phật thuyết kinh bào thai (佛說胞胎經) ghi:

Phật dạy ngài A Nan: Đến tuần thứ mười ba, thai nhi trong bụng mẹ biết đau ốm đói khát, những chất bổ dưỡng do người mẹ ăn uống sẽ chuyển vào thai nhi. Thai nhi ở trong bụng nhận được thức ăn của mẹ, nhờ vậy mà lớn lên[45].

Cơ sở thứ hai, theo luận Đại-trí độ: khi chúng sanh vừa vào thai mẹ thì có được hai căn: thân cănmạng căn. Lúc ấy chỉ như khúc thịt vì các căn chưa hoàn bị nên không thể có sự nhận thức, phân biệt; khi ngũ căn thành tựu thì nhận hiểu ngũ trần [46]. Theo kinh Đại Bảo Tích, vào tuần thứ mười chín của thai kỳ, thì các căn của thai nhi đã hoàn bị[47]. tác phẩm luật tạng Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tạp sự (根本說一切有部毘奈耶雜事) và thực nghiệm y khoa cũng xác nhận điều tương tự. Giai đoạn thai kỳ này, đối chiếu theo lý thuyết mười hai nhân duyên, theo quan điểm phần vị duyên khởi (分位緣起), đó là giai đoạn lục nhập. Khi các căn thành tựu trong thai mẹ thì gọi là nội lục nhập (內六入)[48]. Theo Đức Phật, khi nội lục nhập (內六入) tiếp xúc với  ngoại lục nhập (外六入)[49] sẽ sinh ra lục thức (六識). Đó là điều được khẳng định trong kinh Tăng-nhất A-hàm: do nương vào lục nhập nên có lục thức thân (以依六入便有六識身)[50].

Câu chuyện đứa bé chấp tay nghe kinh từ trong bụng mẹ, được Phật dạy trong kinh Phật thuyết phúc trung nữ thính kinh (佛說腹中女聽經)[51] tuy chuyên chở nhiều vấn đề chưa thể kiểm chứng trong thực tế, nhưng sự kiện thai nhi đáp ứng với âm thanhsự thật được xác nhận bởi nhiều ngành khoa học ngày nay.

Như vậy, tùy thuộc vào sự trưởng thành của căn môn và đối cảnh tương ưng mà có sự nhận hiểu. Nói cụ thể, vào tuần thứ mười chín của thai kỳ, thai nhi đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu nhận hiểu tùy theo yếu tố tác động.

Cơ sở thứ ba, theo quan điểm của duy thức, tâm của con người là nơi chứa nhóm vô số các hạt giống được huân tập[52]. Những hạt giống này khi đủ nhân duyên sẽ nảy nở, khởi sanh trong hiện hành[53]. Đó là điều được đức Thế Tôn dạy rõ trong kinh Phân biệt duyên khởi sơ thắng pháp môn (分別緣起初勝法門經) do pháp sư Huyền Tráng (法師玄奘) dịch: trong dị thục thức (異熟識) chứa đựng các hành nghiệp do chủng tử huân tập, làm nguyên nhân sanh ra dị thục thức mới về sau[54]. Quá trình huân tập các hạt giống thiện lành là tiền đề mở ra những thành tựu tốt đẹp, như lời Phật dạy trong kinh Ví dụ tấm vải:

Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải thanh tịnh, trong sạch, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác - hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía, vải ấy sẽ được màu nhuộm tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế[55].

Trên đây là ba cơ sở chính, làm tiền đề để xây dựng những phác thảo ban đầu như là những pháp hành dành cho thai phụ.

Thứ nhất, để sắc thân tồn tại, phải nhờ vào thức ăn. Sự trưởng thành của thai nhi phụ thuộc vào cách ăn uống của người mẹ. Hãy ăn uống cho thích nghi[56] (yathābhuttañca bhuñjathā)[57] là lời của vua Đại Thiện Kiến (mahāsudassana) trong kinh Đại Thiện Kiến vương có thể ứng dụng trong trường hợp này. Cụ thể hơn, trong thời gian thai nghén, căn cứ vào Phật thuyết kinh bào thai (佛說胞胎經), thai phụ phải rất mực chú ý đến chuyện uống ăn, đi lại. Kinh ghi:

Nếu thai phụ ăn uống thái quá thì thai nhi không yên, ăn quá ít thì cũng không yên; ăn nhiều chất béo thì thai nhi cũng không yên; ăn không có chất béo thì thai nhi cũng không yên. Hoặc vì muốn tốt lành mà ăn quá nóng, hoặc quá lạnh thì cũng không tốt. Những thức ăn chua, ngọt, thô, tế và những thứ tương tự mà ăn nhiều, ít hoặc không quân bình thì thai nhi cũng không yên. Sa đà vào sắc dục quá độ thì thai nhi cũng không yên. Hoặc ở nơi nhiều gió thì thai nhi không yên. Hoặc đi lại quá nhiều, hoặc cưỡi ngựa chạy nhảy, hoặc trèo cây thì thai nhi cũng không yên[58].

Như đã trình bày, năng lượng để tồn tại và phát triển của con người dựa vào bốn loại thức ăn (一切眾生以四食存)[59] : 1. Thức ăn nói chung; 2. Sự xúc chạm ưa thích[60]; 3. Suy tưởng, chú tâm; 4. Khao khát hiểu biết[61]. Tùy theo từng giai đoạn của thai kỳ mà chú trọng hỗ trợ cho thai nhi những nguồn năng lượng tương ứng, hoặc phối hợp chúng lại với nhau, tùy theo thể trạng và hoàn cảnh. Cần phải biết, từ sau tuần thứ mười chín của thai kỳ, thai nhi đã có những sự nhận hiểu cơ bản, do vậy, sự quan tâm, xúc chạm, bồi bổ những tác động tinh thần song song với việc bồi bổ thể chất là những việc cần làm. Ở đây, việc tham vấn các nhà chuyên môn trong phương cách bổ sung năng lượng cho thai nhi là hành động cần thiết.

Phật dạy, có những phiền não do thọ dụng mà được đoạn trừ[62], sự đói khát, thiếu dưỡng chất cần thiết cung cấp cho thai phụ hay thai nhi là những phiền não. Muốn tránh khỏi phiền não này, điều cần yếu là người mẹ phải biết cách ăn uống cũng như tiếp nhận năng lượng có sự cân nhắc và chọn lọc.

Thứ hai, từ cơ sở bản kinh Phật thuyết phúc trung nữ thính kinh (佛說腹中女聽經)[63]thực tế đã được kiểm nghiệm bởi khoa học, đã xác tín rằng, vào tuần thứ mười chín của thai kỳ, thai nhi có thể đáp ứng với âm thanh. Đây là cơ hội để những bậc cha mẹ vun bồi (熏習) những hạt giống (種子) thánh thiện vào tâm thức của thai nhi thông qua con đường âm thanh. Nói cách khác, đây là phương cách giáo dục bằng âm thanh như lời Phật dạy: nhờ âm thanhhiểu rõ các pháp (因聲解諸法)[64].

Theo luận Đại-trí-độ, do duyên nhiều thứ mới có âm thanh và phải dựa vào nhiều nhân duyên mới có thể nghe được âm thanh[65]. Âm thanh có nhiều tầng bậc và chủng loại, có những âm thanh khó nghe và có những thứ âm thanh vui đẹp. Trong những loại âm thanh trên cõi đời này thì những âm thanh có tám tính chất như lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động[66] hay còn gọi là Phạm-âm[67], là những âm thanh có khả năng sinh ra niệm lành.

Trong thực tế đời sống, việc tìm ra những nguồn âm thanh có đầy đủ những tính chất này là việc vô cùng khó. Từ tri thức kinh nghiệm của các bà mẹ cho thấy, việc cho thai nhi nghe các bản nhạc giao hưởng, các thể loại nhạc nhẹ nhàng là tiền đề góp phần hình thành nên nhiều tư chất tốt đẹp cho con trẻ. Ở đây, chúng tôi xin bổ sung thêm, việc nghe các thể loại nhạc Thiền, các dạng thức âm thanh đặc thù của Phật giáo như Phạm-bối[68], tự mình tụng hoặc lắng nghe những bản kinh hữu duyên, không nhất thiết chỉ nghe riêng bản kinh Địa tạng…là những phương cách giáo dục thai nhi bằng con đường âm thanh tối hảo. Trên một bình diện khác, xét về vai trò chủ thể, khi bà mẹ nghe những thể loại âm thanh này, tâm tư sẽ thanh thản, an nhiên và từng bước thấm nhuần trong hỹ lạc. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phóng thích những nội tiết tố có ích, tích cực từ bà mẹ tác động đến thai nhi.

Thứ ba, muốn có một đứa con xinh đẹp thì thai phụ không những không được sân hận mà còn phải giữ tâm hòa duyệt, vui vẻ suốt thai kỳ. Cơ sở của pháp hành này xuất phát từ Tiểu kinh nghiệp phân biệt:

Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy... cõi dữ... xấu sắc. Con đường ấy đưa đến xấu sắc, này Thanh niên, tức là phẫn nộ... bất mãn.

Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều, cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy.... thiện thú... đẹp sắc (pasadika: hoan hỷ) Con đường ấy đưa đến đẹp sắc, này Thanh niên, tức là không phẫn nộ... không bất mãn[69].

Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, cha mẹ có thể góp duyên cải thiện dung sắc khả ái cho thai nhi. Giải pháp cụ thể ở đây theo quan điểm Phật giáo chính là vì thai nhi phát tâm bố thí. Vì theo kinh Tăng Chi (A.ii,64), phước báo bố thí vật thực mang đến nhiều tác dụng thiết thực, và một trong số chúng chính là dung sắc đoan chánh[70].

Thứ tư, đã là một đệ tử Phật, khi vừa hoài thai, thì nên vì đứa bé mà quy y cho chúng. Khởi đầu của truyền thống này, được ghi nhận từ câu chuyện của vương tử Bồ-đề trong kinh Trung Bộ. Kinh ghi:

Này Sanjikaputta, mặt trước mặt đối diện với mẫu thân của ta, ta tự nghe như sau: "Một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tu viện Ghosita. Mẫu thân ta đang mang thai, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, mẫu thân ta bạch với Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, đứa con này của con, dù là con trai hay con gái, cũng xin quy y với Thế Tôn, quy y Phápquy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận nó làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, nó trọn đời quy ngưỡng"[71].

Lý giải việc quy y cho thai nhi có đúng pháp hay không và có cần thiết không, luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa (阿毘達磨大毘婆沙論) quyển 34 ghi:

Hỏi: Có trường hợp người con ở trong thai mẹ, hoặc ở dạng hài nhi, người mẹ v.v... vì con thọ ba quy y, luật nghi, thai nhi đó sẽ được không?

Đáp: Vì thai nhi kia không có tâm, nên tuy kết hợp cũng không được, nhưng nên cho họ thọ để khiến đứa trẻ đó về sau sẽ thuận với sự tu thiện. Nghĩa là hài nhi đó đến khi lớn khôn, nếu có hủy báng Tam bảo, hay gây tạo nghiệp ác, thì người mẹ quở trách: Con lúc còn trong thai mẹ, trước đây đã thọ ba quy y, luật nghi, sao bây giờ lại hủy báng Tam bảo, gây tạo các nghiệp ác? Đứa trẻ nghe mẹ quở trách như thế cảm thấy hổ thẹn, bắt đầu tỏ ra kính trọng Tam bảo, lìa bỏ nghiệp ác, lại còn thêm thọ trì Tam bảo. Vì có những lợi ích thiết thực như thế, vậy trước hết cho thọ.

Lại nữa, vì muốn thiên thần ủng hộ con mình, nên người mẹ vì con thọ ba quy y, luật nghi. Nghĩa là đứa con được thọ rồi, tin tưởng cung kính Tam bảo, chư Thiên, thiện thần tất ủng hộ, không để phải chết yểu, không gặp phải chứng bệnh nan y[72]. (Nguyên Huệ dịch)
4.    Kết luận.

 Quá trình hoài thai là quãng thời gianý nghĩa quan trọng của cả đời người. Việc hiểu rõ tiến trình phát triển của thai nhi, cũng như những khó khăn của thai phụ giúp chúng ta nhận diện chân thực bản chất sinh động của đời sống.

Với tuệ giác siêu việt, Đức Phật đã chỉ rõ tận tường quá trình hình thành thai nhi, và cả những biến chuyển tâm, sinh lý rất phù hợp với những phát kiến của khoa học đương đại. Với những mô tả rất mực chi tiết qua những bài kinh liên quan đến việc phát triển thai nhi, là những tư liệu quý báugiá trị ứng dụng thực tiễn, dù ở thời quá khứ hay ngay trong xã hội hiện đại.

Bên cạnh những lưu ý về các nguồn dinh dưỡng dành cho thai phụ và thai nhiphương diện vật chất, kinh điển còn chú ý bổ sung về các nguồn năng lượng tinh thần. Cân đối cả hai nguồn dưỡng chất, từ vật chất cho đến tinh thần giúp cho thai nhi phát triển hoàn hão. Đặc biệt, từ những cứ liệu kinh điển có nguồn gốc khả tín, đã khẳng định rằng, việc giáo dục trẻ con từ khi còn trong bụng mẹ là việc làm có cơ sở.

Nếu đã sinh ra và lớn lên trong gia đình tín phụng Tam Bảo, lẽ tất nhiên cần phải định hướng cho thế hệ nối dõi tuân theo truyền thống gia phong. Do vậy, khi thai nhi hoàn chỉnh các quan năng vào khoảng tuần thứ hai mươi của thai kỳ, đó cũng là lúc thích hợp để thai phụ đến chùa hướng thai nhi quy y Tam Bảo.

Một trong những ý nghĩa của đời sống nhân giannuôi dạy con cháu, cùng nhau vui đùa (養育子孫,共相娛樂)[73]. Việc hiểu rõ quá trình hình thành thai nhiứng dụng thai giáo theo lời dạy của Đức Phật, là một trong những phương cách đem đến ý nghĩa hạnh phúc, dù nhỏ nhoi, trong cõi nhân gian huyễn mộng.

Chúc Phú
Thư Viện Hoa Sen

[1] Thirty minor Upaniṣads. Trans by K. Nārāyaṇasvāmi Aiyar. Madras: 1914.  p.117-118. Tham chiếu thêm Garbha Upaniṣad, bản Devanagari của Subhash Kak, सुभाष काक, 2006.

[2] The Agni Purana. Part IV. Translated and annotated by N. Gangadharan. Delhi: Motilal Banarsidass. 1987. p.1032.

[3]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第三十, 七.

[4]大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第四十九, 一三〇〇

[5] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 317-318.

[6]大正藏第 30 冊 No. 1579 瑜伽師地論, 卷第二

[7]大正藏第 11 冊 No. 0317 佛說胞胎經

[8]大正藏第 49 冊 No. 2034 歷代三寶紀, 卷第六

[9]大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第五十五

[10]大正藏第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳, 卷第三, 唐洛京長壽寺菩提流志傳.

[11]大正藏第 24 冊 No. 1451 根本說一切有部毘奈耶雜事, 卷第十一, 第二門第十子攝頌之餘難陀因緣

[12]大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第五十五

[13] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.219. Nguyên văn: Như bộ phận quy tụ./ Tên xe đươc nói lên./ Cũng vậy, uẩn quy tụ./Thông tục gọi chúng sanh.

[14]大正藏第 11 冊 No. 0317 佛說胞胎經

[15]大正藏第 14 冊 No. 0523 佛說五王經

[16] Xem, 溫石, 以用其石硯磨墨在隆冬季節不凍而得名. 經試驗,在攝氏零下三, 四度時, 用溫硯磨墨確實不凍,而其他魯硯中的墨汁則出現冰棱.

[17]大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第五十五. Nguyên văn: 諸皰開剖兩髀兩肩及其身首而便出現

[18]大正藏第 29 冊 No. 1558 阿毘達磨俱舍論, 卷第九. Nguyên văn: 謂母腹中分位有五.一羯剌藍位.二頞部曇位.三閉尸位.四鍵南位.五鉢羅奢佉位.

[19] Fetal growth and development. South Dakota Department of Health. 1995. p.7. Cf: By this time the head and upper body are well developed. The eyes have begun to form. Structures that will become arms. and legs, called limb buds, begin to appear.  The heart, now in a tubular form, begins to beat. The neural tube has formed which will give rise to the brain and spinal cord.

[20]大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第五十五

[21]大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第五十五

[22]大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第五十五. Nguyên văn: 其子處母胎,已經十三七,身即覺虛羸,便生飢渴想,母所有飲食,滋益於胎中,由此身命存,漸漸而增長

[23]大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第五十五. Nguyên văn: 諸根悉已具足

[24]大正藏第 16 冊 No. 0709 佛說稻[卄/干]經. Nguyên văn:六根開張名為六入. Xem, 大正藏第 15 冊 No. 0618 達摩多羅禪經, 卷下.Nguyên văn: 諸根既開,名為六入. Xem thêm, 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十三, 六. Nguyên văn: 云何為六?所謂六入者,眼入,耳入,鼻入,口入,身入,意入.

[25]大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第五. Nguyên văn: 是名色中生眼等六情,是名六入. Xem thêm, 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第四十九, 六. Nguyên văn: 是故,比丘!當將護六情,無令漏失.如是,比丘!當作是學.

[26]大正藏第 01 冊 No. 0026 中阿含經, 卷第三, 度經

[27] Fetal growth and development. South Dakota Department of Health. 1995. p.13. Cf: The body and facial features of the fetus are now recognizable. The fetus is able to respond to sound. The nose, lips and ears can be recognized at this stage. Scalp hair is present. A fetus at this age will be unable to survive if born prematurely because it is much too small and the organs are too immature. The fetus is about 6 inches long and weighs about 4 1/2 ounces.

[28]大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第五十五. Nguyên văn:人相具足

[29]大正藏第 30 冊 No. 1579 瑜伽師地論, 卷第二. Nguyên văn:出產門時名正生位

[30] Fetal growth and development. South Dakota Department of Health. 1995. p.26. Cf:

[31]大正藏第 02 冊 No. 0130 佛說給孤長者女得度因緣經

[32]大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第二十五. Nguyên văn: 爾時,世尊告四大天王:巴連弗國,於彼國當有婆羅門,名曰阿耆尼達多,通達比陀經論,彼婆羅門當納妻. 彼時,中陰眾生當來與其作子,入母胎中時,彼母欲與人論議.彼婆羅門即問諸相師,相師答云:是胎中眾生當了達一切論,故令母生如是論議之心,欲將人論議. 如是日月滿足,出生母胎,以為童子,了達一切經論.

[33] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu và Trần Phương Lan dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 124-126.

[34] Kinh Tiểu Bộ, tập 3, HT. Thích Minh Châu và Trần Phương Lan dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.386-388.

[35] Kinh Trung Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.125-132.

[36] Danh pháp khoa học là Ulmaceae. Một loại cây mà nhựa của nó có tác dụng kháng khuẩn rất tốt.

[37]大正藏第 24 冊 No. 1451 根本說一切有部毘奈耶雜事, 卷第十一. Nguyên văn:  難陀!若彼胎子於前身中造眾惡業并墮人胎.由此因緣將欲出時,手足橫亂不能轉側,便於母腹以取命終.時有智慧女人或善醫者, 以煖酥油或榆皮汁及餘滑物塗其手上,即以中指夾薄刀子利若鋒芒, 內如糞廁黑闇臭穢可惡坑中有無量虫恒所居止,臭汁常流精血腐爛深可厭患,薄皮覆蓋惡業身瘡,於斯穢處推手令入,以利刀子臠割兒身片片抽出.其母由斯受不稱意,極痛辛苦因此命終,設復得存與死無異

[38] 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十, 四

[39]大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第四十九. Nguyên văn:  因母飲食等,長養彼胎身. Xem thêm, 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第三十, 七. Nguyên văn:  若母飲食時,種種若干饌,精氣用活命,受胎之原本,形體以成滿,諸根不缺漏,由母得出生,受胎苦如是.

[40] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 318

[41] Xem tại, https://www.tipitaka.org/romn/

[42] Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 647. Xem thêm, 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第三十七. Nguyên văn:  有其眾生依命根存形,有食則存,非食命不濟

[43] Xem tại, https://www.tipitaka.org/romn/

[44]大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第八, 眾集經

[45]大正藏第 11 冊 No. 0317 佛說胞胎經. Nguyên văn:  佛告阿難: 第十三七日, 其胞裏內於母腹藏, 覺身體羸, 又覺飢渴, 母所食飲入兒體中,兒在胎中,母所食飲,兒因母大長養身.

[46]大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第二十三. Nguyên văn:  如人初入胎中得二根:身根,命根;爾時如段肉,未具諸根,不能有所別知;五根成就,能知五塵.

[47]大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第五十五. Nguyên văn:  十九七日處母胎時…如是諸根悉已具足.

[48]大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第八. 眾集經. Nguyên văn:  謂內六入: 眼入, 耳入, 鼻入, 舌入,身入,意入.

[49]大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第八. 眾集經. Nguyên văn:  謂外六入:色入,聲入,香入,味入,觸入,法入.

[50]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十九, 二. Nguyên văn:  是謂, 比丘!有此六入, 由父母而得有, 以依六入便有六識身. 云何為六?若依眼識則有眼識身,耳識,鼻識,舌識,身識,意識.是謂,比丘!此名六識身.

[51]大正藏第 14 冊 No. 0563 佛說腹中女聽經

[52] 大正藏第 31 冊 No. 1585 成唯識論, 卷第三. Nguyên văn:   謂或名心.由種種法熏習種子所積集故

[53]大正藏第 17 冊 No. 0844 佛說大方廣未曾有經善巧方便品. Nguyên văn:  種子具足,出生現行

[54]大正藏第 16 冊 No. 0717 分別緣起初勝法門經, 卷上. Nguyên văn:  異熟識中安置諸行熏習種子,引發餘生新異熟識

[55]Kinh Trung Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr. 61.

[56] Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013,tr.353

[57] Xem tại, https://www.tipitaka.org/romn/

[58]大正藏第 11 冊 No. 0317 佛說胞胎經. Nguyên văn:  假使母多食,其兒不安;食太少,其兒不安.食多膩,其兒不安;食無膩,其兒不安.大熱大冷,欲得利不利,甜醋麁細,其食如是,或多少而不調均,兒則不安.習色欲過差,兒則不安;在風過差,兒則不安.或多行來馳走有所度越,或上樹木,兒則不安

[59] 大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第二十,世記經

[60] Kinh Tăng Nhất A-hàm, quyển 21 ghi là 更樂食 với định nghĩa khái quát: 諸餘身體所更樂者. Tương tự, kinh Tương Ưng (S.ii,95) ghi : Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ, nên lạc thọ sanh khởi.

[61] Xem, 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十一, 四

[62] Kinh tất cả lậu hoặc. Xem, Kinh Trung Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.25.

[63]大正藏第 14 冊 No. 0563 佛說腹中女聽經

[64]大正藏第 09 冊 No. 0266 佛說阿惟越致遮經, 卷上

[65]大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第一. Nguyên văn:  從多因緣和合故得聞聲,不得言一法能聞聲

[66] Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.381;393.

[67]大正藏第 54 冊 No. 2131 翻譯名義集,

[68] Phạm-bối là dùng lời ca và điệu nhạc để tụng kinh, tán vịnh, ca tụng ân đức của Phật. Cũng có khi được gọi là thanh-bối, tán-bối, kinh-bối, Phạm-khúc, Phạm-phóng, thanh-minh…lược xưng là Phạm-bối

[69] Kinh Trung Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.541.

[70] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 407.Nguyên văn: Những ai khéo chế ngự./Sống bố thí người khác./Ai tùy thời nhiệt thành./Bố thí đồ ăn uống./Đem lại cho các vị./Bốn sự kiện như sau./Cho thọ mạng, dung sắc./Cho an lạc, sức mạnh.

[71] Kinh Trung Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.124

[72]大正藏第 27 冊 No. 1545 阿毘達磨大毘婆沙論, 卷第三十四. Nguyên văn:  問有在母胎.或嬰孩位.母等為受三歸律儀.彼為得不.答彼無心故.雖俱不得然應為受.令彼後時順修善故.謂彼長大若毀三寶.或造惡業.他便責言.汝在胎中或嬰孩位.先既已受三歸律儀.如何今時.輕毀三寶造諸惡業.彼聞慚愧.敬重三寶離諸惡業.復更受持.有此益故先應為受復次為令天神擁護彼.故母等為受三歸律儀.謂為受已信敬三寶.諸天善神必擁護彼.不令橫死不遭病難.

[73]大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第十五, 究羅檀頭經

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/04/2012(Xem: 78184)
07/11/2010(Xem: 140138)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.