Từ Câu 91 Đến Câu 100

03/10/20204:22 CH(Xem: 4035)
Từ Câu 91 Đến Câu 100
100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP (TẬP 2)
Thích Phước Thái
Nhà xuất bản Quang Minh

91. Vấn đề kết hôn khác tôn giáo?

Hỏi: Kính thưa thầy, gia đình con có truyền thống tu theo đạo Phật. Ông bà cha mẹ con đều là những người theo đạo Phật. Con cũng đã quy y Tam bảo và đã trở thành một Phật tử. Nhưng con có quen với một người bạn gái theo đạo Thiên Chúa. Chúng con định kết hôn với nhau. Nhưng khi biết được, ba mẹ con quyết định không đồng ý cho con kết hôn với người bạn gái đó. Con xin hỏi, nếu chúng con tiến tới hôn nhân thì con có mang tội với tôn giáo của mình không? Và đối với gia đình con có phải là đứa con bất hiếu không? Kính xin thầy hoan hỷ cho con biết ý kiến và con rất muốn nghe lời khuyên bảo của thầy.

Đáp: Đây là một vấn đề rất tế nhị, vì nó được đặt định trên cơ sở của niềm tin. Ở đây, chúng tôi chỉ dựa vào tinh thần vô ngã phá chấp bao dung của đạo Phậtchúng tôi xin được góp chút thành ý chung chung trong vấn đề nầy.

Niềm tin đối với con người rất hệ trọng. Nhất là đối với niềm tin tôn giáo. Vì thế, đạo Phật xưa nay rất tôn trọng niềm tin tưởng của mọi người. Đạo Phật không bao giờ bắt buộc ai phải tin theo đạo Phật một cách mù quángđiều kiện. Cho nên, việc chọn lựa là quyền quyết định của mỗi cá nhân. Việc từ bỏ một tôn giáo nầy theo một tôn giáo khác, đối với đạo Phật cũng không có ngăn cấm. Vì đạo Phật rất tôn trọng quyền tự do tư tưởng quyết định tuyệt đối của con người. Tuy nhiên, việc chọn lựa khổ hay vui, là chính do con người tự định đoạt lấy. Đạo Phật chỉ vạch bày cặn kẽ cho mọi người thấy rõ, đâu là con đường đưa đến an vui hạnh phúc và đâu là con đường dẫn đến khổ hải trầm luân. Từ đó, mỗi cá nhân tự tư duy sát nghiệm cho thật kỹ càng rồi mới nên quyết định. Đạo Phật chỉ khuyên con người cần có một quyết định sáng suốt. Bởi theo đạo Phật, niềm tin bao giờ cũng phải có sự vận dụng của trí huệ soi sáng dẫn đường. Có ý thức như thế, thì mới không bị sa đọa vào con đường tà ngoại.

Với chủ trương vô ngã phá chấp, đạo Phật khuyên con người nên mở rộng cõi lòng hỷ xả bao dung phá bỏ mọi thành kiến cố chấp dị biệt. Định kiến cố chấp, đó không phải là tinh thần căn bản của đạo Phật. Càng cố chấp chừng nào thì con người càng chuốc lấy hệ lụy khổ đau nhiều chừng nấy. Chẳng những làm khổ mình mà còn làm khổ lụy bao nhiêu người khác. Đạo Phật sở dĩ được tồn tại trải dài theo thời gian mà vẫn không bị lỗi thời, là vì đạo Phật tuyệt đối không có vấn đề mặc khải giáo điều. Nguồn giáo lý của đạo Phật mang đủ hai yếu tính cơ bản thiết thực: khế lý và khế cơ. Khế lý là hợp với chân lý muôn đời bất di bất dịch. Khế cơthích nghi với mọi hoàn cảnh, căn cơ, thời đại. Nhất là luôn luôn thích nghi phù hợp với mọi trào lưu tư tưởng tiến hóa của nhơn loại. 

Vấn đề tình cảm hôn nhân, đối với xã hội ngày nay nó không còn định hình thủ cựu như ngày xưa nữa. Những phong tục lễ nghi tùy theo mỗi thời đại mà có sự thay đổi biến thể khác nhau. Chúng ta chỉ nên duy trì những lễ nghi phong tục nào, xét thấy còn mang tính thuần phong mỹ tục đặc trưng cho bản sắc dân tộc và khế hợp với thời đại khoa học, còn những phong tục lễ nghi nào rườm rà phức tạp, mê tín, lỗi thời, thì chúng ta nên giảm bớt hoặc mạnh dạn dứt khoát loại bỏ không nên duy trì.

Là phụ huynh, chúng ta không nên cố chấp vào những nếp nghĩ bảo thủ xưa, mà làm đau khổ cho những thế hệ trẻ. Chính tình trạng bắt ép theo kiểu cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó, đã hơn một thời gây ra không biết bao nhiêu những cặp thanh niên nam nữ phải chịu nhiều đau khổ. Thậm chí có người vì quá yêu thương không được toại nguyện, nên họ đành phải chọn cái chết để kết liễu đời mình. Đó là hậu quả thật vô cùng tai hại do những thành kiến bảo thủ cố chấp gây ra. Với thời đại khoa học tân tiến hiện nay, việc bảo thủ định kiến tai hại nầy, theo tôi, thì không còn thích hợp nữa. Chúng ta cần phải mở rộng cõi lòng dung hợp trong tinh thần đạo đức nhân bản nhằm tiến đến xây dựng tình người trong cộng đồng nhơn loại.

Trở lại câu hỏi của Phật tử, Phật tử hỏi rằng, nếu Phật tử tiến đến hôn nhân có mang tội với tôn giáo của mình không? Theo tôi, thì Phật tử không có gì là mang tội cả. Vì đó là chuyện quyết định chọn lựa tình cảm riêng tư của Phật tử. Không phải vì kết hôn với một người khác tôn giáo mình, mà Phật tử lại từ bỏ lý tưởng đạo giáo của mình. Phật tử đâu có nói là khi tôi thành hôn với người đó, thì tôi quyết định từ bỏ đạo giáo của tôi. Phật tử chỉ quyết định trong việc cưới hỏi thành hôn thôi mà! Còn việc đạo giáo tín ngưỡng thì đạo ai nấy gìn giữ tôn thờ.

Đó là mình vẫn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người. Điều quan trọng là cả hai phải tôn trọng thỏa thuận niềm tin của nhau. Nói theo Thiền sư Nhất Hạnh thì, Phật tử có thêm một gốc rễ tâm linh thứ hai. Như vậy, thì Phật tử được phong phú dồi dào thêm chớ sao lại có tội? Phật tử có bao giờ phản bội làm thiệt hại đến đạo giáo của mình đang tôn thờ đâu? Không phải vì kết hôn với một người khác tôn giáo với mình mà mình không có hạnh phúc. Quan niệm nầy xét thấy thật không hợp lý lắm. Chúng tôi thấy có nhiều cặp vợ chồng không cùng chung một tôn giáo mà họ vẫn sống rất hạnh phúc với nhau cho đến trọn cuộc đời.

Ngược lại, có lắm người cùng chung một tôn giáođời sống của họ không bao giờ có hạnh phúc. Điều quan trọng là ở nơi cá tánh của mỗi người chớ không phải ở nơi tôn giáo. Họ không bao giờ biết nhường nhịn lẫn nhau. Mặc dù tôn giáo đã dạy họ như thế. Nhưng họ vẫn tranh cãi ăn thua đủ với nhau. Thậm chí có người vì quá sân hận nóng nảy nên gây ra cảnh bạo hành đánh đập với nhau. Hậu quảgia đình tan nát đổ vỡ, mỗi người một ngã. Ngày xưa thương yêu bao nhiêu nay trở thành đối nghịch thù hận bấy nhiêu. Cha mẹ ly dị thì con cái phải chịu nhiều đau khổ! Như vậy hạnh phúc do đâu? Có phải do khác tôn giáo hay không? Theo tôi, hạnh phúc có hay không, chính là ở chỗ giữa hai trái tim có thiết thực thông cảm, hiểu biết, yêu thương, và có khéo biết cư xử thành thật tôn trọng với nhau hay không mà thôi. Nói rõ ra là hạnh phúc chỉ nằm gọn trong “trái tim yêu thương” chân thật thông cảm của hai người. Đó mới là điều quan trọng trong việc bảo vệ hạnh phúc lứa đôi.

Còn việc Phật tử hỏi như thế có bất hiếu với gia đình hay không? Điều nầy, theo tôi, nếu căn cứ theo truyền thống hiếu đạo của người Việt Nam chúng ta, thì con cái mà cãi lời cha mẹ, chỉ biết làm theo ý mình, bất cần lời khuyên bảo dạy dỗ của cha mẹ, thái độ như thế thì đó là người con bất hiếu. Bất cứ thái độ hành động hay lời nói nào làm khổ cho cha mẹ, thì đều gọi là bất hiếu cả. Bởi vì làm cha mẹ lúc nào ai cũng muốn cho con cái của mình có được một cuộc sống an vui hạnh phúc. Không có cha mẹ nào muốn cho con mình phải hư hỏng chịu nhiều đau khổ. Chính vì sự yêu thương quan tâm lo lắng rất mực đó, nên giữa cha mẹ và con cái mới có những sự bất đồng quan điểm gây nên tình trạng mâu thuẫn xung đột bất hòa với nhau. Và cả hai đều có những nội kết nỗi khổ niềm đau riêng.

Hơn ai hết, là người Phật tử chúng ta nên vâng theo lời Phật dạy mà khéo xử sự nhẫn nhịn ôn hòa với nhau. Bởi tư tưởng của con người là do huân tập ở mỗi môi trường, hoàn cảnh, thời đại khác nhau. Do đó, nên mỗi người có những ý nghĩ quan niệm sống khác nhau. Trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái nên thiết lập truyền thông bàn giải trong tinh thần yêu thương cởi mở dung hòa để tìm ra một giải pháp thích hợp. Trên đời, không có bài toán đố khó khăn nào mà không tìm ra đáp số. Nếu chúng ta chịu khó ngồi lại với nhau để cùng nhau quyết tâm tìm cách giải đáp. Theo tôi, đối với thời đại ngày nay, chuyện cưới gả kết hôn đối với ngừời khác tôn giáo, thật ra không có gì là lỗi đạo hay không đem lại hạnh phúc cho lứa đôi.

Do đó, sự quyết định nên để cho con cái tự do quyết định hay hơn là cha mẹ lấy quyền quyết định. Nếu cuộc hôn nhân do cha mẹ quyết định, khi thuận thảo yên xuôi cơm lành canh ngọt thì thôi, bằng trái lại, khi hôn nhân của chúng nó bị chia ly đổ vỡ, thì ai là người lãnh lấy trách nhiệm? Có phải mọi việc chúng nó sẽ đổ trút lên hết trách nhiệm cho cha mẹ hay không? Đây là một bài học quá cay đắng và quá xưa đã lỗi thời rồi. Thế thì, muốn cho yên xuôi trên hòa dưới thuận, thì tốt hơn hết là hãy để cho chúng nó tự quyết định lấy. Đó là biện pháp hay nhứt và không lỗi thời. Mọi việc nên hư, thành bại, đắc thất… đều do chúng nó ý thức tự quyết định lấy. Cha mẹ chỉ đóng vai trò là người cố vấn phân tích lợi hại và thức nhắc chúng mà thôi. Tuyệt nhiên, không nên can dự vào sự quyết định chọn lựa của chúng nó.

Đó là những điều mà chúng tôi xin được chân thành trao đổi chia sẻ góp ý cùng với các bậc phụ huynh cũng như với các bạn trẻ. Nhất là đối với Phật tử đã hỏi. Thật ra, đối với thời nay, phải nói ngược lại mới đúng. Nghĩa là con cái đặt đâu thì cha mẹ ngồi đó. Mong rằng, những chia sẻ góp ý nầy, sẽ giúp cho quý vị phần nào nhằm giải tỏa những mâu thuẫn gút mắc trong gia đình về việc hôn nhân, nhất là hôn nhân khác tôn giáo. Sự chân thành góp ý nầy, nếu có gì sai trái, thì xin quý vị cũng niệm tình thứ lỗi bỏ qua cho.

Kính chúc Phật tử mọi việc sẽ đạt được an ổn tốt đẹp như ý muốn.

92. Tập khí là gì?

Hỏi: Kính bạch thầy, xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ ý nghĩa của hai chữ tập khí là gì?

Đáp: Tập khíthuật ngữ của Phật giáo. Tiếng Phạn, Pali: Vàsana. Tập khí còn có những tên gọi khác như: phiền não tập, dư tập, tàn khí, chủng tử. Hai chữ nầy nguyên là từ ngữ Hán Việt. Trong quyển Hán Việt Tự Điển của cụ Thiều Chửu giải thích hai chữ tập khí như sau:

Chữ “tập” gồm có 5 nghĩa: 1. Học đi học lại, như giảng tập. 2. Quen thạo. Như tập kiến: thấy quen; Tập văn: nghe quen. 3. Tập quen. Phàm cái gì vì tập quen không đổi đi được đều gọi là tập. Như tập nhiễm. 4. Chim bay vi vụt. 5. Chồng, hai lần.

Chữ “khí” gồm có 6 nghĩa: 1. Hơi thở. 2. Cái gì không có hình chất mà cùng cảm ứng với nhau được gọi là khí, như khí vận, khí tượng, khí vị v.v… 3. Khí hậu. 4. Khí tức hơi. 5. Thể hơi. 6. Ngửi.

Như vậy hai chữ tập khí có nghĩa là những tập tánh được huân tập vào kho A lại da thức trở thành những hạt giống (chủng tử) thiện ác. Nói cách khác dễ hiểu hơn thì, tập khí có nghĩa là những kinh nghiệm, thói quen mà do con người tích lũy được.

Trong quyển Từ Điển Phật Học Huệ Quang tập 7 trang 6578 giải thích hai chữ tập khí như sau:

Tập khí chính là phần tàn dư , khí còn sót lại của phiền não, dần dần kết chặt vào tâm, trải qua thời gian lâu xa tích tập thành tánh, rất khó phá trừ. Ví như đặt một thỏi hương vào hộp, khi lấy thỏi hương ra, trong hộp vẫn còn mùi thơm; tức là tuy đã diệt trừ chánh thể (chánh sử) phiền não nhưng vẫn còn khí phần tập quán. Trong kinh Phật có nói đến dâm tập của ngài Nan Đà, sân tập của ngài Xá lợi phấtMa ha ca diếp, mạn tập của ngài Tỳ lăng già bà bạt, khiêu hỷ tập của ngài Ma đầu ba tư tra, ngưu nghiệp tập của ngài Kiều phạm ba đề… Chỉ có Phật là đoạn trừ vĩnh viễn chánh sử và tập khí”.

Qua đó, chúng ta thấy rằng những tập khí phiền não như: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… nói chung là những thứ căn bản phiền não và chi mạt phiền não, thật không phải dễ trừ dễ đoạn. Bình thường ta không thấy bọn chúng ẩn trốn trú ngụ nơi đâu, giống như không khí bàng bạc khắp nơi, không thấy hình dạng chi cả, nhưng khi đối cảnh xúc duyên, trái ý nghịch lòng thì chúng xuất đầu lộ diện ngay. Như có người mắng chửi ta, thì tập khí sân hận, liền phát khởi hiện hành tức khắc. Vì thế, người tu hành sợ nhứt là lũ tập khí phiền não nầy. Chính bọn chúng luôn luôn khuấy động làm cho tâm ta không lúc nào yên cả. Tập khí, tùy theo sức huân tu của mỗi người mà nó có nặng nhẹ khác nhau. Ngoài những thứ tập khí phiền não lâu đời (bản hữu chủng tử) như tham, sân, si …ra, còn có những thứ tập khíchúng ta mới huân tập (tân huân chủng tử) vào. Như những tập khí (thói quen) nghiện ngập: cờ bạc, rượu chè, hút thuốc, nói nhiều, chửi thề, trạo cử run đùi v.v…

Những thứ tập khí nầy, tuy mới huân tập trong hiện đời mà chúng ta thật còn khó bỏ thay, hà tất gì những thứ tập khí lâu đời lâu kiếp. Muốn dứt trừ chúng thật là thiên nan vạn nan. Đòi hỏi người tu hành phải chuyên cần tinh tấn và phải có một quyết tâm mạnh mẽ luôn hành trì già dặn miên mật lắm mới được. Người tu hành hơn nhau là ở chỗ khéo dẹp trừ những thứ tập khí phiền não xấu ác. Những thứ tập khí nầy có thô tế, sâu cạn, nặng nhẹ khác nhau. Tu hành diệt trừ được phần thô cũng đã là khá lắm rồi. Còn những thứ phiền não vi tế, chỉ có Phật mới dứt sạch hết mà thôi. Tất cả những pháp môn Phật dạy đều nhằm mục đích duy nhất là để đối trị, đoạn trừ hoặc chuyển hóa những thứ tập khí phiền não nầy.

93. Không quy y Tam bảo niệm Phật có được vãng sanh không?

Hỏi: Kính thưa thầy, mặc dù con chưa chánh thức quy y Tam bảo để trở thành người Phật tử, nhưng hằng ngày con vẫn lo tu niệm không làm điều gì sái quấy tội lỗi. Hơn nữa, con tuy ở nhà không có đi chùa, nhưng vẫn thường niệm Phật. Như vậy, không biết khi lâm chung con có được vãng sanh về Cực lạc hay không? Xin thầy vui lòng giải đáp cho con biết.

Đáp: Việc niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc, không luận là quy y hay không quy y. Và cũng không luận là ở chùa hay ở nhà. Bất cứ dưới hình thức nào và bất cứ ở nơi đâu cũng có thể tu hành niệm Phật được cả. Điều quan trọng là chúng ta có thật tâm chí thành tu hànhniệm Phật hay không mà thôi. Tuy nhiên, dù sao quy y Tam bảo cũng vẫn là điều tốt hơn. Vì sao? Vì chúng ta có chỗ quy hướng để nương tựa tu học. Nhờ có quy y phát nguyện giữ giới đúng theo lời Phật dạy, nên chúng ta ít gây ra những điều tội lỗi sái quấy. Đó cũng là một trợ duyên tăng thượng rất tốt làm tăng thêm sức định tâm trong khi chúng ta hành trì niệm Phật. Quy y là để chúng ta nương tựa vào Tam bảo để học hỏi biết rõ đường lối tu hành, chớ không phải quy y cốt để cho mình trở nên một người Phật tử mang danh nghĩa rỗng suông. Nếu hiểu nghĩa quy y theo quan niệm như thế, thì thật là trái với ý nghĩa quy y và không xứng danh là người Phật tử.

Trường hợp của đạo hữu, tuy đạo hữu chưa đủ nhân duyên quy y Tam bảonhưng đạo hữu vẫn tin tưởng và chọn cho mình một pháp môn tu theo Phật giáo, điều đó thật là quý giá. Điều quý giá hơn nữa là, đạo hữu lại chọn cho mình một pháp môn niệm Phật thù thắng để chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc. Việc tin tưởng hành trì nầy đủ chứng minh rằng, đời trước đạo hữu đã từng gieo chủng duyên sâu dầy với pháp môn niệm Phật, nên nay, đạo hữu mới có được duyên lành như thế. Nếu đời trước đạo hữu không có duyên lành trồng sâu với pháp môn Tịnh độ, thì làm sao đời nay đạo hữu lại phát tâm niệm Phật như thế?

Tuy nhiên, trong khi hành trì niệm Phật thì đạo hữu lại đâm ra nghi ngờ bán tín bán nghi. Nghi rằng, mình chưa có quy y Tam bảoniệm Phật như thế, thì không biết khi chết mình có được vãng sanh hay không? Nghĩa là không biết đức Phật A Di Đà và các vị Bồ tát có chiếu cố phóng quang tiếp rước mình trong giờ phút lâm chung hay không? Điều nghi ngờ nầy, xét ra tuy cũng có lý, nhưng xin đạo hữu đừng có lo ngại. Chỉ cần đạo hữu quyết tâm một lòng chí thành tha thiết niệm Phật và nhất là phải niệm Phật cho đúng cách theo lời Phật Tổ chỉ dạy, thì tôi tin chắc rằng, đức Phật Di Đà cũng như các hàng Thánh chúng sẽ không bao giờ bỏ sót đạo hữu đâu. Vì đó là bản nguyện tiếp dẫn độ sanh của các Ngài. Đạo hữu cứ yên tâm xin chớ có nghi ngờ lo sợ. Vì nghi ngờ, đó cũng là một chướng ngại rất lớn cho việc vãng sanh.

Điều quan yếu của việc niệm Phật là phải bền lâu. Bởi thế, nên Tổ sư có dạy: “Niệm Phật không khó, mà khó ở bền lâu, bền lâu không khó mà khó ở nơi nhất tâm”. Ngài Ngẫu Ích Đại Sư là vị tổ thứ 9 bên Liên Tông có dạy: “Pháp môn niệm Phật không chi kỳ lạ, chỉ tin sâu, nguyện thiết, gắng sức thật hành mà thôi. Điều cần yếu là tin cho thấu đáo, giữ cho bền lâu, một lòng chuyên niệm, mỗi ngày đêm hoặc mười muôn, ba muôn, hay năm muôn câu, lấy số quyết định không thiếu làm lệ. Hành trì như thế trọn một đời, thề không thay đổi, nếu không vãng sanh, thì chư Phật ba đời thành ra nói dối. Khi được vãng sanh, tất không còn bị thối chuyển, bao nhiêu pháp môn đều được hiện tiền. Rất kỵ tâm không thường hằng, nay vầy mai khác, thấy ai nói pháp chi huyền diệu liền xu hướng theo, thì không môn nào thành tựu. Đâu biết một câu A Di Đà niệm được thuần thục, thì ba tạng mười hai phần kinh những giáo lý cực tắc đều ở trong đó; một ngàn bảy trăm công án, đường lối hướng thượng đều ở trong đó; ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, ba tụ tịnh giới cũng ở trong đó”.

Niệm Phật tối kỵ nhất là tâm loạn tưởng lăng xăng phan duyên theo trần cảnh. Cần phải buông bỏ hết muôn duyên, chỉ giữ tâm cho thật yên lặng. Nên nhớ niệm Phật là phải tâm niệm chớ không phải chỉ có khẩu niệm suông không thôi. Tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau và niệm mỗi câu, mỗi chữ phải cho rành rẽ rõ ràng. Có thế, thì việc niệm Phật mới có kết quả tốt đẹp.

Tôi thành thật khuyên đạo hữu nên tìm các kinh sách hay băng giảng do Phật, Tổ cũng như chư Tôn Đức chuyên sâu giảng giải về pháp môn niệm Phật. Có thế, thì việc hành trì niệm Phật của đạo hữu mới không bị sai lệch. Và như thế, thì việc cầu vãng sanh của mình mới có phần bảo đảm vững chắc hơn.

Còn việc quy y hay không quy y, đi chùa hay ở nhà, điều đó còn tùy thuộc vào căn duyên biệt nghiệphoàn cảnh của mỗi người. Nếu như đạo hữu đã có lòng tin tưởng tu hành niệm Phật như thế, mà vẫn còn lo nghĩ nghi ngờ, theo tôi, thì tốt hơn hết là đạo hữu nên quy y Tam bảo. Vì sau khi quy y Tam bảo, thì tín tâm của đạo hữu lại càng kiên cố vững chắc hơn. Đồng thời việc cầu nguyện vãng sanh của đạo hữu cũng được tăng trưởng niệm lực tha thiết hơn. Vì lúc đó đạo hữu sẽ không còn lo sợ hoài nghi như hiện nay nữa. Như thế thì thật là lợi lạc biết bao nhiêu! Đây chỉ là lời khuyên chân thành của chúng tôi thôi, chớ tuyệt nhiên chúng tôi không dám có cái ý là muốn buộc đạo hữu phải quy y đâu. Vì chúng tôi rất tôn trọng niềm tin và sự chọn lựa quyết định của mọi người. Nhất là vấn đề niềm tin tôn giáo. Mong đạo hữu hiểu và thông cảm cho.

Kính chúc đạo hữu tín tâm kiên cố, tịnh nghiệp tinh chuyên và chóng đạt thành sở nguyện.

94. Vấn đề oan gia trái chủ?

HỏiKính thưa thầy, trong Kinh Dược Sư có nói, người nào chí thành thọ trì đọc tụng kinh nầy thì oan gia trái chủ sẽ được tháo mở. Con muốn biết nếu một người vợ cầu cho oan gia trái chủ của mình được tháo mở thì she có chia tay với her husband (giả sử he là oan gia của her) sau khi oan gia trái chủ được tháo mở?

Đáp: Trước hết, tưởng cũng nên tìm hiểu sơ qua về cụm từ: “oan gia trái chủ”. Oan gia, theo cụ Đào Duy Anh giải nghĩa trong quyển Hán Việt Từ Điển thì, oan gia có nghĩa là người thù hằn – Nhà bị oan trái lâu đời. Còn chữ trái nghĩa là vay nợ. Trái chủ là chủ nợ. Trong quyển Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên của ông Bửu Kế giải thích hai chữ oan gia: oan bị nghi ngờ, qui lỗi mà bản thân không phạm. Gia là nhà. Ghép hai chữ lại có nghĩa là: nhà bị nhiều điều oan trái. Còn hai chữ trái chủ ông giải thích nghĩa cũng giống như trên. Như vậy, oan gia trái chủ có nghĩa là do vương nợ nần oan trái lâu đời với nhau nên nay chúng ta phải trả cái nghiệp báo mà mình đã gây tạo.

Theo sự thắc mắc của Phật tử cho rằng: trong Kinh Dược Sư có nói: “Người nào chí thành thọ trì đọc tụng kinh nầy thì oan gia trái chủ sẽ được tháo mở”. Rồi từ đó Phật tử thắc mắc việc tháo mở oan gia trái chủ giữa vợ chồng. Nói rõ ra là ly dị. Nghĩa là cả hai chấm dứt sống chung không còn vương vấn nợ nần oan gia trái chủ gì với nhau nữa. Trong câu hỏi nầy, trước tiên, xin được minh định về việc Kinh Dược Sư nói.

Thú thật, tôi đã đọc kỹ lại ba bản kinh: Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức. Dược Sư Thất Phật Bổn Nguyện Công ĐứcDược Sư Sám Pháp. Ba bản kinh văn nầy gom lại thành một quyển đề là Kinh Dược Sư do chùa Quang Minh ấn tống, dịch giả là Thích Huyền Dung. Trong đó, tôi không thấy chỗ nào nói tụng kinh nầy oan gia trái chủ sẽ được giải kết. Không biết có bản văn kinh nào khác có đề cập đến hay không? Vì trong câu hỏi của Phật tử chỉ nói Kinh Dược Sư nói, nhưng rất tiếc Phật tử không có nêu rõ chi tiết. Để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi, giả sử cho rằng, có bản kinh Dược Sư nào đó nói, thì tôi xin thưa ngay rằng, Phật tử đã hiểu lầm ý kinh dạy.

Kinh nói nếu người nào “thọ trì đọc tụng” chí thành trì niệm danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, thì sẽ giải kết oan gia trái chủ trong nhiều đời. Phật tử nên nhớ bốn chữ thọ trì đọc tụng trong kinh nói. Thọ trì đọc tụng hiểu theo nghĩa thông thưòng là đọc tụng trên mặt văn tự chữ nghĩa. Nếu chỉ hiểu trên phần sự tướng không thôi, thì Phật tử sẽ không hiểu được thâm ý nghĩa lý của kinh văn. Nếu không khéo người Phật tử sẽ trở thành mê tín kinh. Trong kinh Phật dạy chủ đích là nhắm thẳng vào phần lý tánh hơn là phần sự tướng.

Thọ trì đọc tụng nói ở đây, không phải chúng ta chỉ giở kinh ra đọc tụng suông trên mặt văn tự mà gọi là thọ trì. Đó chỉ là phần thọ trì sự tướng bên ngoài. Kinh nói thọ trì ở đây có nghĩa là chúng ta phải hằng sống lại với ánh sáng trí tuệ tự tại trong ngần như ngọc lưu ly bất sanh bất diệt (Lưu Ly Quang Vương Như Lai) của chính mình. Sống được như thế mới đúng với ý nghĩa thọ trì. Thọ là nhận nghĩa là nhận ra tánh giác (kiến tánh) ; trì là gìn giữ không cho sót mất, nghĩa là luôn luôn không rời tánh giác. Người nào hằng thọ trì kinh như thế, thì thử hỏi còn có thứ gì mà vướng mắc nữa chớ? Vì tự tánh là “bản lai vô nhứt vật” hay “ly nhứt thiết tướng” kia mà!

Như vậy, không phải chỉ giải kết oan gia trái chủ không thôi mà còn giải kết tất cả những vô minh tội lỗi nghiệp chướng trong vô lượng kiếp. Bởi oan gia trái chủ cũng chính từ tâm gây ra, nay cũng chính từ tâmchứng nhập. Khi đã chứng nhập bản thể rồi, thì bặt hết dấu vết không còn vi tế vô minh nào nữa cả. Chỉ có một tâm thể làu làu thanh tịnh sáng suốt trong ngần mà thôi.

Trong Chứng Đạo Ca ngài Vĩnh Gia Huyền Giác có nói:

Chứng thật tướng vô nhơn pháp

Sát na diệt khước a tỳ nghiệp…

Nghĩa là khi chứng được thật tướng (tướng Không của các pháp) thì nhơn và pháp chấp không còn. Mà không còn thấy có nhơn có pháp, thì thử hỏi cái nghiệp a tỳ là cái thứ gì mà có thể tồn tại được? Khác nào như bóng tối trong một căn nhà bỏ hoang trải qua hằng tỷ tỷ năm, chỉ cần có ngọn đuốc chiếu sáng soi vào, thì bóng tối kia sẽ tan biến ngay lập tức. Vì sao thế? Vì bóng tối không có thực thể cố định. Cũng vậy, bao nhiêu oan gia nghiệp báo tội lỗi trải qua trong nhiều đời nhiều kiếp, một khi hành giả đã chứng đạt chơn lý tuyệt đối rồi, thì tất cả đều tiêu tan hết.

Đó là chúng tôi nói sơ qua cho Phật tử hiểu được phần nào về thâm ý lý lẽ của kinh dạy. Cho nên, khi tụng đọc kinh điển đại thừa, chúng ta không nên chỉ một bề hiểu trên mặt văn tự chữ nghĩa sự tướng không thôi, mà cần phải lưu tâm tìm hiểu sâu xa về nghĩa lý thâm sâu trong kinh. Nếu một mặt hiểu trên phần sự tướng, coi chừng chúng ta sẽ bị rơi vào mê tín kinh. Và như thế, thì sẽ oan ức cho ba đời chư Phật (Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan)

Khi hiểu được thâm ý kinh dạy như thế, thì Phật tử sẽ không còn hiểu theo kiểu tháo mở trong sự quan hệ vợ chồng. Không phải tụng kinh Dược Sư rồi vợ chồng xúm nhau chia tay ly dị hết. Hiểu theo cái nghĩa giải kết (tháo mở) đó như Phật tử nói, thì chắc chắn không một ai dám tụng kinh Dược Sư nữa. Vì tụng kinh rồi vợ chồng tháo mở oan gia chia tay đường ai nấy đi hết. Như thế, thì Phật tử thử nghĩ xã hội loài người chúng ta sẽ ra sao? Thử hỏi Phật Tổ nào dạy bảo chúng ta phải làm như thế? Như vậy, thì lòng từ bi của chư Phật như thế nào? Không lẽ chư Phật dạy cho con người sống đảo lộn mất hết luân thường đạo lý nhân nghĩa hết hay sao? Đã thế, thì còn gì là tình người? Tình người chưa có, nói chi đến tình đạo. Đây là một sự hiểu lầm ý kinh rất nguy hiểm.

Phật tử nên hiểu rằng, tháo mở Phật nói ở đây là, Phật bảo chúng ta là phải tháo mở những gút mắc oan gia oán thù ở nơi tự tâm của chúng ta. Nói rõ ra, là hãy tháo mở những thứ giây mơ rễ má phiền não kiết sử đã lâu đời chúng nó trói buộc chặt chúng ta. Chúng nó sai sử chúng ta tạo nhiều nghiệp ác để rồi phải chịu trầm luân trong vòng sanh tử khổ đau vay trả trả vay với nhau. Bởi thế, nên chúng ta mãi trôi nổi đắm chìm trong tam đồ lục đạo. Tất cả đều bởi do lũ phiền não kiết sử trói buộc. Chúng là những nhân tố chính yếu gây ra làm cho chúng ta phải chịu nhiều đau khổ.

Hiểu theo nghĩa thông thường thì Phật khuyên chúng ta oan gia trái chủ nên mở không nên cột. Nghĩa là những gì mà trước đây vì si mê tăm tối, nên chúng ta chấp nhứt thù hận gây ra làm đau khổ cho nhau, nay tụng đọc kinh điển, dâng theo lời Phật dạy, chúng ta nên cởi bỏ hết mọi oán thù tranh chấp. Hãy mở rộng trái tim yêu thương bao dung tha thứ cho nhau. Như vậy, thì đời sống trong gia đình rộng ra là quốc gia xã hội, thật là an ổn tốt đẹp hạnh phúc biết bao nhiêu.

Nhưng khổ nổi, chúng ta tụng thì tụng mà thật hành theo kinh dạy thì không. Do đó, nên chúng ta mãi chịu trôi lăn khổ đau dài dài. Phần nhiều Phật tử chúng ta chỉ biết tụng kinh cho có phước, chớ ít có ai tụng kinh để tìm hiểu nghĩa lý thâm sâu trong kinh Phật dạy những gì. Dĩ nhiên, tụng kinh thì chúng ta có phước. Nhưng nếu chỉ có thế, thì chưa đúng với ý nghĩa tụng kinh. Bởi tụng kinh là cốt để tìm hiểu nghĩa lý thâm huyền trong kinh mà Phật đã dạy. Khi nhận hiểu rồi, chúng ta liền đem ra áp dụng thật hành ngay trong đời sống thực tế. Như thế thì mới được lợi ích thiết thực vậy. 

Kính chúc Phật tử an vui mạnh khỏe tấn tu đạo nghiệp viên thành đạo quả Bồ đề.

95. Giang san dễ đổi, tánh nết khó dời?

Hỏi: Kính thưa thầy, câu nói giang sơn còn dễ đổi, chớ tánh nết thì khó dời. Ý nghĩa của câu nói nầy như thế nào? Con chưa hiểu rõ lắm. Kính xin thầy hoan hỷ giải thích cho con được rõ thêm.

Đáp: Câu nói trên, ta thấy gồm có hai vế đối nhau. “Giang sơn còn dễ đổi” đối lại với “tánh nết thì khó dời”. Vế đầu, nói về sự vô thường thay đổi của những hiện tượng ngoại cảnh. Vế sau, một phần nói lên cái tánh bên trong và đồng thời cũng diễn tả cái nết hiện tướng bên ngoài. Năm chữ giang sơn còn dời đổi, thì quá rõ nghĩa, ai cũng có thể hiểu được hết. Điều nầy, khỏi phải luận bàn thêm. Còn năm chữ “tánh nết thì khó dời”, thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên tìm hiểu kỹ hơn.

Trước tiên, chúng ta cần minh định rõ về chữ tánh. Chữ tánh nói ở đây, xin chớ vội lầm nhận là tánh thể hay bản thể hằng hữu của chúng sanh. Nếu hiểu chữ tánh đó là sai. Mà chữ tánh nầy cổ nhân muốn ám chỉ là cái tánh do sự huân tập lâu ngày thành một thói quen. Như có người nói tánh của tôi sao hay nóng nảy quá! Vậy thì tánh nóng nảy nầy do đâu mà có? Có phải là do huân tập ở những môi trường sống chung quanh mà tạo nên không? Hay chính do con người huân tập lâu ngày thành thói quen, rồi chính thói quen đó người ta gọi là tánh. Tánh nầy còn có những tên gọi khác như: tập khí, chủng tửphiền não và nghiệp.

Nếu phân tách rõ hơn, ta thấy tánh nầy trong kinh thường nêu có hai loại: bản hữu và tân huân. Bản hữu là những thứ chủng tử có sẵn từ vô thỉ. Chúng được huân tập hình thành trong kho tàng thức lâu đời. Như những thứ hạt giống phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi v.v… Đây là những thứ tập khí thật khó trừ khó đoạn. Nói khó thôi, chớ không phải là không đoạn trừ được. Còn những thứ tân huân thành tánh hiện đời nầy, thì dễ trừ bỏ hơn. Như những tật tánh: hút thuốc lá, xì ke ma túy, cờ bạc, rượu chè, ca hát, nói nhiều v.v… Những thứ nầy vì mới huân tập thành tánh nết thói quen, nhưng nếu ta cương quyết thì cũng có thể trừ bỏ được. Vì những thứ nầy nó mới huân vào thành thói quen cạn cợt, giống như những rễ bàng ăn trên mặt đất vậy.

Như vậy, nói tu tức là chuyển đổi cái tật tánh hay tập khí xấu ác nầy. Nếu tánh hay tập khí nầy mà không chuyển đổi được, thì thử hỏi chúng ta tu hành để làm gì? Nên nói, tu là chuyển nghiệp. Nếu nghiệp không chuyển được thì làm sao thành Phật tác Tổ? Nhờ sức huân tu già dặn miên mật của chúng ta, nên mới chuyển đổi từ những tánh xấu trở thành những tánh tốt thánh thiện.

Tuy nhiên, nói tánh nết khó dời, đây là cổ nhân muốn nói đến những con người cố chấp và không biết tu niệm. Họ là hạng người mang nặng thành kiến bảo thủ. Những gì họ suy nghĩ, nói năng hay hành động, dù rằng những điều đó sai trái có hại cho bản thân, gia đìnhxã hội, nhưng họ vẫn cố chấp quyết định không từ bỏ. Cho nên người ta gọi hạng người nầy tánh nào tật nấy là thế. Đó là do họ bảo thủ cố chấp trở thành con người mang nặng kiến thủ mà thôi. Chớ không phải cái tật tánh đó không thay đổi được. Nói khó dời là đối với hạng người nầy. Ngược lại, đối với những người cầu tiến khéo biết cải thiện chuyển đổi thì không thể nói như thế. Cho nên, lời nói nầy không thể hiểu một chiều cố định được.

Đã nói đến tánh, tất nhiên là có tánh tốt và tánh xấu. Nói cách khác trong kho A lại da thức của mỗi người chúng ta đều có sẵn hai loại hạt giống thiện và ác. Người tu hành, Phật Tổ dạy chúng ta là nên tiêu diệt những hạt giống ác. Nói theo tinh thần của giáo nghĩa Đại thừa thì phải nói là chuyển hóa. Chúng ta nên chuyển hóa những hạt giống ác thành những hạt giống thiện. Đồng thời nên nuôi dưỡng và phát triển những hạt giống lành. Nếu người nào tu cao khá hơn thì, chúng ta nên chuyển hóa cả hai. Nghĩa là không còn tánh dữ và cũng không còn tánh lành. Lành và dữ là hai phạm trù đối nghịch với nhau. Không còn thấy có hai (nhị biên), tất nhiên là ta đã vượt ra ngoài phạm trù đối đãi nhị nguyên. Nếu hành giả nào nhận và sống được với thể tánh viên minh nầy, thì gọi người đó là người ngộ đạo hay chứng đạo vậy.

Nói tóm lại, tánh và nết, ta có thể sửa đổi được. Vì nó không có một thực thể cố định. Một khi đã sửa đổi tánh rồi, tất nhiên cái nết cũng theo đó mà được trang nghiêm tốt đẹp theo. Vì cái nết nó hệ thuộc vào cái tánh. Nết thì hiện ra hình dáng bên ngoài. Đối với phái nữ người ta rất chú trọng đến cái nết. Người có thái độ cử chỉ đúng đắng, nói năng lễ độ đàng hoàng, thì người ta cho rằng người đó có nết na đoan trang thùy mỵ dễ thương. Ngược lại, người con gái không thùy mỵ đoan trang đúng đắn đàng hoàng, thì người ta cho là thứ đồ con gái hư thân mất nết.

Như vậy, tánh nết ta có thể sửa được. Như trước kia người đó có tánh lao chao lóc chóc, ngồi đứng không yên, luôn luôn trạo cử, nay biết tu hành sửa đổi lại tâm tánh hiền hòa điềm đạm và thân không còn dao động trạo cử như xưa. Như vậy, từ tánh nết xấu sửa đổi thành tánh nết tốt. Cũng con người đó, ngày xưa hung dữ ác độc ai trông thấy cũng ghê tởm ghét sợ, nhưng khi sửa đổi lại thành tánh tình hiền hòa không còn hung dữ nữa. Bấy giờ ai trông thấy họ cũng sanh tâm cảm tình thương mến. Thế thì, tại sao nói tánh nết khó dời? Khó dời là đối với những hạng người bảo thủ cố chấp không biết cải thiện. Chớ đối với những người biết tu hành cải thiện thì làm sao nói khó dời cho được? Thế nên, câu nói đó chúng ta không nên hiểu cố định một chiều. Nếu như không chuyển đổi được thì kẻ xấu phải xấu hoài, họ không bao giờ trở nên con người hoàn thiện. Nhưng ở đời đâu phải ai cũng như thế mãi. Phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật kia mà! Bằng chứng như chư Phật Tổ và các vị Bồ tát. Nếu các Ngài không chuyển hóa những vô minh phiền não, thì sao các Ngài thành Phật tác Tổ? Chỉ cần chúng taý chí cương quyết là không có gì mà không sửa đổi được. Vì tánh đó phải nói ngược lại là hay dời đổi vô thường vậy.

96. Ý nghĩa uốn lưỡi bảy lần trước khi nói?

Hỏi: Kính thưa thầy, người ta thường nói: phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Câu nói nầy ý nghĩa của nó như thế nào? Con chưa hiểu rõ, kính xin thầy hoan hỷ giải thích cho con được rõ.

Đáp: Lời nhắc nhở khuyên răn nầy là cả một kinh nghiệm già dặn trong việc giao tiếp xử thế của người xưa. Bởi người xưa rất am hiểu và rất sợ cái lưỡi không xương của con người. Chính vì nó không xương nên nó mới có nhiều đường lắt léo. Nó muốn uốn như thế nào cũng được. Nó uốn xuôi cũng được mà uốn ngược cũng hay. Khi có cảm tình với ai, thì nó uốn theo ý muốn của người đó. Có khi vì muốn được quyền lợi riêng tư nào đó, thì nó uốn cong theo kiểu ton hót nịnh bợ. Người đó muốn thứ gì nó cũng uốn chiều theo được hết. Mục đích nó uốn là để lấy lòng thủ lợi. Dù cho người đó xử sự hành động trăm lần sai trái, nó cũng uốn cong ca ngợi người đó cái gì cũng tốt đẹp hết. Đó là nó uốn theo chiều gió để được hưởng chút lợi lộc. Nó uốn miễn sao được vinh thân phì gia thì thôi. Nó không cần biết đến phẩm cách thể diện giá trị làm người chi cả. Đây là nó uốn theo chiều hạ đẳng để được lợi lộc ấm thân.

Ngược lại, khi mà nó ghét ai, thì nó uốn theo kiểu trù rủa, đâm thọc, nói xấu, đặt điều thêm thắt, mắng nhiếc, nhục mạ. Nghĩa là bằng mọi cách nó phải dìm hại người đó cho đến chết mới thôi. Đó là nó uốn theo chiều gian xảo quỷ quyệt rất là độc ác. Đại khái nó uốn theo cách đường mật cũng được hay nó uốn theo cách cay đắng như ớt như bồ hòn cũng xong. Cho nên trong năm giới cấm của người Phật tử tại gia, thì giới thứ tư là giới Phật cấm người Phật tử không được nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều và nói lời hung ác.

Chính vì không muốn cho nó uốn một cách vô ý thức và gây ra nhiều tội ác như thế, nên các bậc Cổ Đức mới khuyên răn người ta trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần. Lời dạy nầy, theo tôi, là nó hàm chứa một ẩn ý mang tính chất ngụ ngôn. Nghĩa là cái ý hay đẹp nó ẩn trong lời nói. Thật ra, không có ai phải uốn cái lưỡi bảy lần rồi mới nói. Nếu hiểu theo nghĩa đen như thế, thì thử hỏi làm sao chúng ta giải thích được. Đâu có ai điên khùng gì đến độ trước khi nói phải uốn cong cái lưỡi lên xuống qua lại bảy lần rồi mới nói. Và nếu uốn như vậy, thì đâu có lợi íchý nghĩa gì. Chỉ làm khổ nhọc cho cái lưỡi thêm đau mà thôi. Cho nên, nói uốn lưỡi bảy lần ở đây, ta có thể hiểu là ý cổ nhân muốn khuyên dạy ta trước khi nói: “phải nhìn lên, nhìn xuống, nhìn bốn phía, và rồi nhìn ngang”. Đó là cách nhìn suy tư giống như con số bảy ( 7 ). Vì con số bảy gồm có: thượng, hạ, đông, tây, nam, bắc và dấu gạch ngang thân hình của nó (lối viết theo người Đông phương). Điều nầy nói lên ý nghĩachúng ta phải suy nghĩ kỹ trước khi phát ngôn. Nhìn lên, thì lời nói không để cho xúc phạm với các bậc trưởng thượng. Nhìn xuống, thì không nên nói năng gây ra làm khổ cho người thấp dưới mình. Như chửi rủa la rầy nặng lời con cháu chẳng hạn. Nhìn ngó bốn bên là lời nói không gây ra ác độc làm khổ lụy cho bất cứ một ai. Và cuối cùng, nhìn ngang khi phát ra lời nói ta cũng cố giữ hòa khí đừng để gây ra làm mất lòng với những đồng bạn đồng hành ngang hàng với mình.

Cổ nhân đã dạy cách uốn lưỡi 7 lần trước khi phát ngôn là như thế. Đó là lời nói khi phát ra không gây tổn hại cho bất cứ ai. Chúng ta nên sử dụng lời nói mang tính chất ái ngữ, từ tốn, hiền dịu, hòa nhã, đoàn kết, yêu thương, xây dựng v.v… để làm lợi ích cho mọi người.

Có uốn lưỡi cẩn thận kỹ lưỡng như thế, thì lời ta nói ra mới có giá trị và có ảnh hưởng tác động rất lớn. Đối với các bậc trưởng thượng cao đức ta phải hết lòng kính trọng. Không nên dùng lời nói thô ác gây nên tổn hại làm xúc phạm đến các vị ấy. Nếu thế, tất nhiên là ta đã phạm thượng và phải chuốc lấy nhiều tội lỗi.

Trong luật Sa Di có kể câu chuyện một thầy Sa Di khinh chê một Thầy Tỳ Kheo già tụng kinh âm thanh như chó sủa. Nhưng vị Tỳ kheo già đó lại là người tu hành đã chứng quả A la hán. Vì không muốn cho vị Sa Di trẻ tuổi đó phải đọa vào địa ngục, nên Thầy Tỳ kheo già bảo ông Sa Di phải sám hối. Nhờ thành tâm sám hối, nên vị Sa Di kia không bị đọa vào địa ngục, nhưng vẫn mắc phải cái quả báo làm thân con chó trải qua năm trăm đời. Đời nào sanh ra cũng mang thân con chó. Đó là hậu quả của lời nói ác khi thốt ra mà không chịu uốn lưỡi. Nếu chịu khó uốn lưỡi bảy lần theo lời người xưa răn dạy, thì chắc chắn chúng ta sẽ tránh được cái quả báo xấu xa hiện đời và đời sau.

Nói tóm lại, nói uốn lưỡi bảy lần, đó là cách nói ẩn ý ngụ ngôn mà người xưa đã khuyến nhắc chúng ta phải hết sức cẩn trọng giữ gìn ở nơi lời nói. Vì: “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hay “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Chúng ta nên ghi nhớ câu: “ Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập”. Một lời nói hưng nhà lợi nước, cũng một lời nói mà nước mất nhà tan. Một lời nói tán thân mất mạng và một lời nói cứu muôn vạn sanh linh. Đối với người Phật tử, Phật dạy ta nên dùng lời ái ngữ chân thật trong khi giao tiếp với mọi người. Lời nói của ta phải là lời nói mang chữ ký có giá trị muôn đời.

97. Vấn đề bói toán xem số tử vi?

Hỏi: Kính bạch thầy, ba của con khi còn sống thường hay bói toán xem số tử vi cho người ta. Và ông cũng có truyền dạy lại cho con. Con cũng có xem cho mọi người, nhưng đó không phải là nghề nghiệp sinh sống chính yếu của con. Nay khi con học hỏi về Phật pháp, hiểu được chút ít về lý nhân quảcố gắng tu tạo nghiệp lành. Nhưng đối với việc làm nầy thú thật con cũng chưa bỏ được. Vì con thấy trong chùa cũng có cho người ta xin xăm đoán quẻ. Vậy xin hỏi việc làm của con có trái vớinhân quả và có mang quả báo tội lỗi không? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.

Đáp: Nếu căn cứ theonhân quả Phật dạy, bất cứ việc làm nào mà không phù hợp với chân lý, thì đều rơi vào con đường tà kiến mê tín hết cả. Bói toán hay xem số tử vi v.v… đều là trái vớinhân quả. Vì nhân quả là một chân lý phổ biến khách quan bao trùm khắp cả muôn loài vạn vật. Không một loài vật nào thoát khỏinhân quả. Nhân quả rất công bằng như tiếng dội giữa không gian. La lớn thì tiếng đáp lại lớn. La nhỏ thì âm thanh đáp lại nhỏ. Cho nên nói, nhân quả như vang theo tiếng, như ảnh tùy hình là thế. Mọi ý nghĩ, lời nói hay hành động của chúng ta, tất cả đều không có gì thoát ra ngoài nhân quả.

Trong câu hỏi, Phật tử có đề cập đến việc xin xăm đoán quẻ ở trong chùa. Vấn đề nầy, chúng tôi cũng đã có giải thích trong quyển 100 câu hỏi Phật Pháp tập một, ở mục nói về chánh tínmê tín, số trang 139. Ở đây, chúng tôi không muốn lặp lại dài dòng. Nếu Phật tử muốn biết rõ, thì hãy tìm đọc lại quyển sách đó. Tuy nhiên, để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi, thì nhân đây, tôi cũng xin tạm giải thích đôi điều.

Trong chùa sở dĩ bày ra những việc coi ngày, coi sao và xin xăm đoán quẻ …, phải thành thật mà nói, tất cả cũng chỉ vì muốn đáp ứng lại cái nhu cầu tín ngưỡng, theo tập tục mê tín lâu đời của mọi người mà thôi. Thật ra, thì việc làm nầy không đúng với chánh pháp Phật dạy. Nhất là trái hẳn với lý nhân quả. Nhưng vì đã trở thành một thói quen tin tưởng lâu đời rồi, nên người Phật tử cũng khó dứt khoát trừ bỏ hẳn. Chính vì lẽ đó, nên trong chùa mới bày ra đó thôi. Đây cũng là một trong muôn ngàn phương tiện độ sanh. Vì nếu không bày ra như thế, thì Phật tử cũng vẫn đi tìm nơi khác để xem coi. Thay vì chạy đi nơi khác thì lại càng lún sâu thêm vào con đường tà kiến mê tín. Chi bằng, tốt hơn là trong chùa bày ra như thế để Phật tử còn có cơ duyên về chùa. Khi Phật tử về chùa thì dù sao Phật tử cũng còn lạy Phật hoặc nghe pháp. Như thế có phải là lợi ích hơn không? Lợi ích là vì Phật tử còn có cơ hội trau dồi học hỏi thêm Phật phápđồng thời cũng gieo duyên lành với Tam Bảo. Và nhân đó, chư Tăng Ni còn có thể giải thích cho Phật tử biết thêm về chánh lý nhân quả. Nhờ phương tiện bày ra đó, có nhiều Phật tử bước đầu chưa hiểu Phật pháp còn mê tín tin tưởng theo, nhưng dần dần về sau, khi nghe chư Tăng Ni giảng pháp và tìm hiểu học hỏi Phật pháp, rồi từ đó họ phát khởi tín tâm thâm tín vào Tam bảo và lý nhân quả. Nhờ thế, mà người Phật tử không còn tin tưởng vào việc mê tín nầy nữa. Đó cũng là một phương tiện tốt nhằm hướng dẫn những người chưa quy y Tam bảo hoặc những người đã quy y Tam Bảo mà vẫn còn mê tín trở lại với con đường chánh lý, chánh tín vậy.

Trường hợp của Phật tử, như Phật tử đã nói nhờ học hỏi Phật pháphiểu biết chút ít về lý nhân quả, nhưng việc bói toán xem tử vi, Phật tử cũng vẫn chưa dứt khoát bỏ hẳn được. Điều nầy cho thấy, Phật tử tuy có hiểu, nhưng chưa có chí quyết thật hành. Tôi rất cảm thông với Phật tử, vì bỏ một tập khí hay định kiến, thật không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng đã mang danh là Phật tử, tức con của đấng Giác Ngộ, mà Phật tử vẫn làm như thế thì thật là đáng tiếc! Dù rằng việc đó không phải là một nghề nghiệp nuôi sống, như Phật tử đã nói. Nhưng theo lời Phật dạy, thì điều đó là một tà mạng nghiệp quả không tốt. Nếu Phật tử cương quyết từ bỏ hẳn, thì thật là tốt biết mấy. Vì tôi chỉ sợ Phật tử sẽ chuốc thêm nghiệp quả không hay đó thôi. Đó là lời khuyên chân thành chí tình của tôi. Còn bỏ hay không điều đó còn tùy ở nơi Phật tử quyết định.

Phật tử thử nghĩ xem, như Phật tử đã có học hỏi Phật pháphiểu biết chút ít về lý nhân quả, mà Phật tử cũng vẫn còn chưa bỏ được tập khí tà kiến đó, trách gì những người khác họ chưa từng học hỏi Phật pháp và cũng chưa hiểu biếtnhân quả là gì. Như thế, thì thử hỏi làm sao họ không rơi vào con đường tà kiến mê tín cho được?! Nếu như mọi người đều tin chắcnhân quả Phật dạy, quyết không còn mê tín nữa, thì thử hỏi trong chùa bày ra những thứ đó để làm gì? Vì chính quý Phật tử đã giúp cho chư Tăng Ni trong chùa có thêm thời giờ tu học. Đó là điều thật đáng tán thán quý kính biết bao! Nhưng rất tiếc, đa số Phật tử chúng ta vẫn chưa có thể bỏ hẳn được. Nói lên điều nầy, chúng tôi không có ý kích bác hay chống đối với bất cứ ai. Nhất là đối với những ai hiện đang tin tưởnghành nghề bói toán. Vì chúng tôi rất tôn trọng niềm tinviệc làm của mọi người. Ở đây, chúng tôi chỉ dựa vàonhân quả Phật dạy mà phân tích đôi điều để cho Phật tử hiểu thêm thôi.

Theo như Phật tử đã nói, chuyện bói toán xem tử viPhật tử muốn nối nghiệp do người cha truyền lại. Do đó, nên Phật tử chưa dám mạnh dạn dứt khoát bỏ hẳn được. Điều nầy theo tôi, thì không hẳn như thế. Có thể trước kia vì ông chưa tìm hiểu Phật pháp và cũng chưa thấu hiểu được lý nhân quả Phật dạy, nên ông mới làm như thế thôi. Không lẽ người trước hành sai rồi mình cũng theo đó mà hành sai theo. Nếu thế, thì con người sẽ không bao giờ cải thiện tốt đẹp được. Theo đạo Phật cho đó là mắc phải cái thành kiến bệnh cố chấp. Bệnh nầy cũng rất là nguy hiểm. Là Phật tử, ta không nên cố chấp để trở thành một định kiến tai hại như thế. Nếu thế, thì con người làm sao tu hành để trở thành những bậc hiền thánh cho được?

Phật tử nên suy nghiệm quán chiếu lại cho thật kỹ những gì Phật dạy. Theo lời Phật dạy, thì người Phật tử phải đặt định niềm tin đúng theo chánh pháp. Nghĩa là niềm tin đó phải được đặt định trên cơ sở nền tảng trí huệ. Nếu không, thì niềm tin đó sẽ trở nên lỏng lẻo và mù quáng. Đã thế, thì không làm sao tránh khỏi rơi vào con đường tà kiến. Cho nên, người Phật tử khi làm việc gì, Phật dạy chúng ta phải có chánh kiến. Có chánh kiến thì việc nhận định quyết đoán của chúng ta mới sáng suốt không bị sai lầm. Việc đó, còn tùy Phật tử nhận thức qua sự nghiên cứu tìm hiểu học hỏi chánh phápPhật Tổ đã chỉ dạy, rồi từ đó Phật tử sẽ tự quyết định lấy.

Còn Phật tử hỏi tôi, việc làm nầy có trái vớinhân quả và có mang quả báo tội lỗi hay không? Như đã nói, điều nầy hẳn nhiên là trái vớinhân quả và tất nhiên, không sao tránh khỏi quả báo tội lỗi. Lý do vì sao? Vì theo lời Phật dạy, tất cả tội lỗi có ra là do động cơ phát xuất từ ở nơi ba nghiệp: “thân, ngữ, ý”. Thân, miệng, ý hợp tác làm việc bất chánh, tất nhiên là có tội. Tuy nhiên, tội báo nặng, nhẹ, nó còn tùy thuộc vào cường độ của nghiệp nhân đã gây. Trong ba nghiệp nói trên chủ động sai sử là ý nghiệp. Khi ba nghiệp cấu kết tạo nghiệp bất thiện, thì không sao tránh khỏi quả báo khổ đau.

Trong Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy: “Nhứt cử nhứt động vô phi thị tội”. Nghĩa là một cử chỉ một hành động tạo tác, thì không gì là chẳng phải tội. Tội là vì trái với tánh giác. Mà trái với tánh giác tức là vô minh. Bởi do vô minh vọng động bất giác nên chúng ta gây tạo ra nhiều lỗi lầm. Một khi đã tạo tác thành ác nghiệp rồi, tất nhiên không sao tránh khỏi cái nghiệp quả. Nhân quả rất công bằng khác nào như vang theo tiếng và như bóng theo hình. Luật nhân quả một mảy may không hề sai chạy. Làm lành hay làm dữ cuối cùng rồi cũng phải trả. Chẳng qua nó đến với mình có mau hay chậm mà thôi. Kinh nói:

“Giả sử bá thiên kiếp

Sở tác nghiệp bất vong

Nhân duyên hội ngộ thời

Quả báo hoàn tự thọ”.

Nghĩa là:

Dù cho trải qua trăm ngàn kiếp

Chỗ tạo nghiệp không bao giờ mất

Khi thời tiết nhân duyên đã đến

Quả báo mình phải nhận lấy thôi.

Nói thế, để Phật tử suy nghiệm mà lượng xét. Còn việc quyết định đó là tùy ở nơi Phật tử vậy.

Kính chúc Phật tử có đầy đủ chánh kiếntrí huệ sáng suốt để biện biệt rõ lẽ chánh tà chân ngụyvạn sự hanh thông kiết tường như ý.

98. Một người thường đi chùa nhưng tánh tình vẫn không thay đổi?

Hỏi: Kính bạch thầy, ông xã con là người cũng biết đạo Phật, siêng năng đi chùa, tụng kinh, làm công quả. Nhưng khi anh ấy về nhà thì bao nhiêu thói hư tật xấu cũ như: đánh bài, uống rượu, kiếm chuyện la rầy cãi cọ với vợ con thì vẫn y nguyên không có chút gì thay đổi. Con có điều thắc mắc xin hỏi là: Tại sao anh ta đã biết tu hành như thế, nhưng khi đụng chuyện thì tánh tình anh ấy lại không có chút gì thay đổi? Như vậy, có phải là do nghiệp quả đời trước hay do tập khí sâu dày của anh ta hiện đời nầy? Kính xin thầy giải đáp cho con rõ.

Đáp: Việc siêng năng đi chùa, tụng kinh, làm công quả là điều rất tốt và đáng khích lệ tán dương. Tuy nhiên, nếu cho rằng việc làm đó là thật sự tu hành thì chưa đúng hẳn. Mới nhìn qua, ai cũng nghĩ và cho đó là tu hành. Nhưng nếu xét kỹ thì không hẳn như thế. Nếu có, cũng chỉ là một phần rất nhỏ của việc tu hành hay nói đúng hơn là chỉ tạo thêm chút ít phước đức mà thôi. Điều nầy, nếu không xét kỹ, thì người ta sẽ dễ hiểu lầm. Như những câu giải đáp trước, rải rác, chúng tôi cũng có đề cập đến vấn đề nầy. Đi chùa, công quả, tụng kinh, mà không sửa đổi tu tập ở nơi ba nghiệp: thân, ngữ, ý, thì việc làm đó chưa phải là tu. Tại sao thế? Vì những việc làm đó, chẳng qua cũng chỉ là làm theo một thói quen mà thôi. Vậy thế nào mới gọi là tu? Muốn trả lời câu hỏi nầy, trước hết chúng ta cần phải hiểu nghĩa của chữ tu là gì?

Tu nghĩa là sửa. Nhưng sửa cái gì và sửa ở đâu? Tất nhiên, là phải sửa ở nơi ba nghiệp. Nghĩa là phải sửa ở nơi thân, ở nơi lời nói và ở nơi ý nghĩ. Sửa ở nơi thân là sửa như thế nào? Nghĩa là chúng ta phải sửa đổi những hành động sái quấy ở nơi thân. Như trước kia, khi chưa biết tu, chúng ta có những hành động thô bạo xấu ác như: đánh đập, sát hại sinh vật, cướp giựt, trộm cắp và làm những điều tồi bại bất lương hãm hiếp tà dâm v.v… Nay biết tu hành, tất nhiên chúng ta phải sửa đổi lại không có những hành động bất thiện sái quấy đó nữa. Đó là người khéo biết tu thân.

Còn sửa ở nơi lời nói là sao? Theo lời Phật dạy thì có 4 cách tu tập: Như trước kia chúng ta thường hay nói dối, gian xảo lường gạt, chuyện có nói không, chuyện không nói có, và nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói lời hung ác. Nay biết tu hành chúng ta quyết sửa đổi lại, quyết không nói những lời thô bỉ độc ác tác hại đó nữa. Mà phải nói những lời ái ngữ, chân thật, hiền hòa, dịu dàng v.v… Đó là chúng ta khéo biết tu ở nơi lời nói. Nghĩa là hằng giữ gìn cái khẩu nghiệp cho được trong sạch vậy.

Còn sửa ở nơi ý nghĩ thì sao? Trước kia, chúng ta có tánh hay tham lam, tật đố, ganh tỵ, giận dữ, thù hằn, mê muội tối tăm… Nay biết tu hành, thì chúng ta nên sửa đổi lại những tánh xấu ác đó. Nghĩa là khi những tánh xấu ác đó khởi lên, thì chúng ta nên nhận diện khắc phục chuyển hóa chúng ngay. Chúng ta nên chuyển đổi từ tánh tham lam keo kiệt bỏn sẻn, trở thành tánh thi ân bố thí rộng khắp cứu đời giúp người. Chuyển đổi tâm sân hận nóng nảy thành đức tánh từ bi, hỷ xả, hiền hòa, bao dung, tha thứ, tươi mát. Đó là chúng ta khéo biết tu tâm. Nếu không được như thế, thì chưa phải là người thật sự biết tu hành.

Nói tóm lại cho dễ hiểu, tu là sửa quấy thành phải, sửa dở thành hay, sửa tà thành chánh, sửa dữ thành hiền, sửa phàm thành thánh …. Có sửa đúng như thế mới gọi là tu. Còn đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, công quả, mà không biết tu để chuyển hóa tốt đẹp ở nơi thân tâm, thì đó chưa phải là người thật sự biết tu. Mà những việc làm đó khác nào như một cái máy, chỉ biết phát ra âm thanh và biết hoạt động mà thôi. Nếu chúng ta không khéo vận dụng hiểu biết để tu hành như thế, coi chừng chúng ta sẽ trở thành một cái máy di động khi nào không hay biết!

Trường hợp ông xã của Phật tử, tuy ông có siêng năng đi chùa, tụng kinh, làm công quả, nghĩa là biết làm những điều phước thiện, nhưng luận về tu hành thì ông ta chưa có thật sự tu. Vì sao? Vì ông ấy không có hoán cải sửa đổi ở nơi ba nghiệp. Nghĩa là tánh nào ông vẫn hoàn tật nấy. Đụng chuyện thì ông vẫn hành động theo bản năng phàm tình của một con người tràn đầy dục vọng. Ông vẫn đam mê cờ bạc rượu chè say sưa… như một người bình thường không biết tu hành.

Muốn đánh giá người có tu hay không, là chúng ta hãy nhìn vào ba nghiệp của người đó. Mà hai nghiệp thân và miệng là biểu hiện rõ nét nhứt. Những hành động thô bạo cũng như những thói hư tật xấu của ông ấy như Phật tử đã nói, thì quả đó là do những tập khí lâu đời cũng như những tập khí hiện đời của ông ta vậy. Trong nhà Phật gọi đó là Bản hữu chủng tử và Tân huân chủng tử. Bản hữu là cái đã sẵn có. Như những cội gốc phiền não tham, sân, si v.v… Còn Tân huân chủng tử là những thói quen mới huân tập vào trong hiện đời. Như tánh tình sân hận nóng nảy, chửi mắng, đánh đập, hành hung vợ con v.v… đó là những thứ tập khí sẵn có (bản hữu). Còn cờ bạc, rượu chè say sưa v.v… đó là những thói quen mới huân tập vào (tân huân). Vì lúc mới chào đời không có ai biết những thứ nầy. Lớn lên rồi theo môi trường sống mà huân tập thành thói quen đắm nhiễm. Những thói quen tân huân nầy, nếu chúng ta quyết chí cải thiện thì cũng có thể trừ bỏ được. Chỉ có những thói quen cố hữu lâu đời như tham, sân, si… đó là những tập khí sâu dầy thật khó trừ khó đoạn. Phải là người có công phu tu hành già dặn miên mật lắm mới có thể đoạn trừ,

Như vậy, ông xã của Phật tử tuy có siêng năng làm những điều phúc thiện (tất nhiên là có phước) nhưng bảo ông tu thì chưa có tu. Nghĩa là chưa có sửa đổi tánh tình một chút nào cả. Nói theo nhà Phật, thì đó cũng là một nghiệp quả của ông ta khá sâu nặng. Tuy nhiên, nếu ông ý thứccương quyết tu trì thì cũng có thể giảm trừ những thói quen cũ mới nầy. Vì tu hành là có thể chuyển được nghiệp. Nếu nghiệp lực không chuyển được thì thử hỏi tu hành làm gì?

Có người đi chùa nhưng tánh tình thì vẫn nóng nảy, giận hờn, hết nói xấu chuyện người nầy, lại bươi móc chuyện người kia, hoặc hay dòm ngó chỉ trích phê bình kẻ nầy người nọ v.v… Thử hỏi người đi chùa như thế có tu hay không? Có người đang tụng kinh, nhưng có ai làm trái ý nghịch lòng, thì ôi thôi tam bành lục tặc của họ nổi lên, cũng tía tai đỏ mặt, phùng mang trợn mắt như ai. Thậm chí, có người còn quăng luôn cả chuông mõ. Như vậy, chứng tỏ người đó chỉ có biết tụng kinh mà chưa có tu. Nghĩa là chỉ biết phát ra âm thanh thành tiếng nói ở nơi cái lỗ miệng suông thôi. Có người đang làm công quả giúp cho chùa, bỗng có ai làm trái ý, thì họ la hét lớn tiếng, tay múa chân đá, mặt đỏ mắt trợn, làm hùm làm hổ, ai trông thấy cũng đâm ra sợ hãi phát ớn lạnh. Như vậy, chứng tỏ họ là những người chỉ biết làm mà không biết tu. Do đó, phước đâu không thấy mà thấy toàn là tội lỗi cả.

Tóm lại, đi chùa, tụng kinh, niệm Phật hay làm công quả, tất cả chỉ làm theo một thói quen tốt. Còn nếu bảo đó là tu thì thiết nghĩ, điều đó thật chưa đúng nghĩa. Bởi tu là phải hằng chuyển hóa sửa đổi ở nơi thân tâm. Cổ nhân thường dạy: “Tu tâm sửa tánh” là thế. Tu ở nơi tâm vọng và sửa ở nơi tánh tập nhiễm. Có tu và sửa như vậy, thì cuộc đời mới thăng hoa tiến triển tốt đẹp và mới được an vui giải thoát. Bằng ngược lại, thì chỉ tu cho có lệ trên mặt hình thức mà thôi. Thực chất nội dung thì trống trơn không có. Phật dạy người Phật tử phải hằng tu ở nơi ba nghiệp. “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, thì đồng Phật vãng Tây phương”. Được thế, thì mới xứng danh là người Phật tử vậy.

99. Làm sao khuyên người giảm bớt nô lệ cho sắc thân?

Hỏi: Kính thưa thầy, con có một người bạn, chị ấy thường đi chùa làm công quả, tụng kinh và đọc rất nhiều kinh sách Phật học. Nhưng khi ra ngoài hoặc đi dự những buổi parties, chị ấy thường khi ăn mặc rất hở hang model, phục sức rất nổi. Con rất thắc mắc: tại sao chị ấy đã học hiểu biết tu hành như thế, mà còn quá nô lệ cho sắc thân. Như vậy, có phải chị ấy còn chấp thân quá nặng hay không? Con muốn khuyên chị ấy, nhưng không biết phải khuyên bằng cách nào? Kính xin thầy hoan hỷ cho con biết rõ ý kiến về việc đó.

Đáp: Đạo Phật rất chú trọng đến việc thật hành. Sự nghiên cứu học hỏi về phương diện lý thuyết, tuy cũng rất cần thiết, nhưng đó chỉ là phần phụ bổ túc thêm cho phần thật hành mà thôi. Như có đôi mắt sáng cốt để chỉ đường cho đôi chân đi. Nếu chỉ có nghiên cứu lý thuyết suông, thì muôn đời không đi đến đâu. Khác nào như người suốt đời chăn bò thuê hay đếm bạc cho người, rốt lại mình không có được một giọt sữa bò và không có một đồng xu dính túi. Cho nên sự thật hành mới là điều quan trọng.

Vấn đề phục sức trang điểm làm đẹp, tạo nên thân hình duyên dáng có sức hấp dẫn lôi cuốn để cho phái nam nhìn ngắm, phải nói đó là sở trường chuyên nghiệp của phái nữ. Hầu như không có một người nữ nào lại không thích trang điểm lo sửa sang sắc đẹp cho bản thân mình. Ngoại trừ những vị từ bỏ thế tục xuất gia ở chùa. Từ xưa tới nay, phái nữ bao giờ cũng muốn se sua đua đòi chạy theo cái model thời trang. Với cái nhìn của đạo Phật, thì cho đó là cái nghiệp nặng của phái nữ. Tuy nhiên, trang điểm phục sức làm đẹp, có khác hơn là ăn mặc lố lăng hở hang mang tính cách khêu gợi.

Điều nầy, nếu là người có chút tự trọng, đạo đức và biết chút ít tu hành, thì chắc chắn không ai làm như thế. Chỉ trừ những hạng người thích trêu hoa bắt bướm thì không nói. Bởi vì họ chỉ biết có một con đường vui chơi thỏa thích trụy lạc thôi. Hạng người nầy, họ không cần biết gì đến phẩm giá hay đạo đức con người. Họ cũng không cần biết đến luân thường đạo lý chi cho thêm mệt. Họ là hạng người thật đáng thương hơn đáng trách. Có thể vì một lý do hoàn cảnh éo le ngang trái nào đó, nên họ đành phải bước chân vào con đường sa đọa nầy.

Ngoại trừ hạng người nầy ra, đối với những người nữ có phẩm cách đoan trang đúng đắn đàng hoàng, thì dù họ có trang điểm nhưng vẫn ở một mức độ vừa chừng nào đó thôi. Vấn đề nầy còn tùy theo tuổi tác, tánh nết và thói quen của mỗi người. Tuy nhiên, theo như người bạn mà Phật tử đã nói, tuy có biết đi chùa, tụng kinh, làm công quả, nghiên cứu kinh điển Phật học, nhưng họ vẫn ăn mặc hở hang không đúng đắn đàng hoàng. Có thể họ cho rằng, việc tu hành khác với việc ăn mặc chưng diện ở ngoài đời. Theo họ, đi với Phật thì mặc áo ca sa, đi với ma thì mặc áo giấy. Họ là hạng người:

Vào chùa thấy Phật lạy dài

Nghe câu kinh tụng trong ngoài tịnh thanh

Ra đời gặp thế đua tranh

Cái tâm thanh tịnh trốn quanh mất rồi

Hở hang chưng diện người coi

Việc tu với niệm thôi thời gác qua.

Có thể đây là một thói quen của họ. Họ là người thích chưng diện làm đẹp. Vì họ rất coi trọng về phần thân thể. Họ chấp thân rất nặng. Họ là người còn ham thích đua đòi theo dòng đời ngũ dục. Họ chưa nhận ra thân nầy chỉ là giả tạm vô thường, khác nào như gốc củi mục, như bọt nước trôi sông hay như lầu sò chợ bể. Hơn thế nữa, thân nầy chỉ là một ổ vi trùng, nay bệnh mai đau, toàn chứa những đồ xú uế bất tịnh. Tuy có học Phật, nhưng họ chưa bao giờ biết quán niệm tu tỉnh ở nơi thân thể.

Phật tử tuy có lòng tốt, có ý muốn khuyên bạn mình không nên ăn mặc hở hang khó coi như thế. Nhưng Phật tử lại quên rằng, mỗi người có mỗi quan niệm sống khác nhau. Sự ăn mặc cho đến những việc khác trong đời, nhìn kỹ không ai giống ai. Có giống chăng cũng chỉ ở một phương diện nhỏ nhoi nào đó thôi. Chớ làm sao giống nhau hoàn toàn cho được. Có thể đối với Phật tử cho đó là điều khó coi không đẹp mắt, mất tư cách, không đúng đắn đàng hoàng…

Nhưng ngược lại, đối với họ, thì họ thấy như thế rất là đẹp và rất là model hợp thời trang. Như thế, thì Phật tử nghĩ sao? Phật tử có nên khuyên họ hay không? Theo tôi, thì lời khuyên của Phật tử sẽ không có tác dụng gì. Bởi vì họ cho rằng, việc làm của họ không có gì là tội lỗi khó coi.

Phật tử nên biết, mỗi người có một nghiệp dĩ riêng, không ai giống ai. Lời khuyên của Phật tử không khéo sẽ trở thành phản tác dụng. Họ còn cho Phật tửlỗi thời, là bê bối, là đủ thứ cái là… Từ đó, Phật tử sẽ chỉ chuốc lấy thêm phiền muộn và còn mất đi tình bạn thân nữa. Điều gì xét thấy, không thể khuyên can, thì tốt hơn hết là mình không nên can dự vào. Vì điều đó, ngoài khả năng tầm tay của mình. Lời khuyên của mình chẳng những không có giá trị mà đôi khi còn trở nên họa hại nữa. Trong đạo Phật từ bi bao giờ cũng phải có trí huệ chỉ đạo. Có thế, thì việc nhận định của người Phật tử mới không bị sai lầm. Thôi thì cứ để mặc nhiên tùy duyêntốt hơn. Còn nếu như Phật tử thấy mình có thể khuyên bảo thức nhắc họ được, thì tùy ở nơi Phật tử quyết định. Vì Phật tử đã hỏi đến, nên tôi chỉ góp chút thành ý đó thôi.

Theo tôi, thì sự ăn mặc nó thuộc về hình thức bên ngoài. Vả lại, nó cũng không có thiệt hại gì. Như đã nói, cái không tốt của mình lại là cái đẹp của nguời. Không phải vì thế, mà ta đánh giá quá thấp người đó. Khi đánh giá ai, ta cần phải xét đến cá tính và hoàn cảnh của người đó. Có đôi khi, họ vì một hoàn cảnh nào đó mà ta chưa có thể tìm hiểu biết hết được. Nếu thế, mà ta vội phê bình đánh giá, coi chừng chúng ta sẽ trở thành người cố chấp và họ còn cho ta là kẻ ganh tỵ kỳ thị họ nữa… Phật tử hãy nên cẩn trọng cân nhắc thật kỹ lưỡng ở nơi lời khuyên của mình.

Kính chúc Phật tử luôn luôn sáng suốtthành công trên bước đường tu học Phật pháp.

100. Ý nghĩa câu: “Trên lưỡi sen hồng phóng hào quang”?

Hỏi: Kính bạch thầy, phần nghi thức tụng niệm của Kinh Pháp Hoa, có bài kệ khen ngợi kinh, trong đó có câu: “Trên lưỡi sen hồng phóng hào quang”. Ý nghĩa của câu nầy như thế nào? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp giùm, vì con chưa hiểu rõ.

Đáp: Khi đọc tụng kinh điển Đại Thừa, chúng ta nên lưu ý cẩn thận về những cách nói mang tính ẩn dụ hay ngụ ngôn. Nghĩa là ý nghĩa không nằm trong lời nói (ý tại ngôn ngoại). Nếu chúng ta chỉ một bề căn cứ vào lời nóigiải thích, không khéo thì rất dễ sai lệnh ý kinh. Có khi phạm vào cái lỗi hiểu sai lời Phật dạy và như thế là oan cho ba đời chư Phật. Khi tụng đọc hay tìm hiểu kinh điển Đại Thừa, ta phải lưu tâm cẩn trọng qua hai phương diện: “Sự và Lý hay Tánh và Tướng”. Thường kinh điển Phật dạy, lúc nào sự và lý cũng phải viên dung. Ngay Sự tức Lý hay ngay Lý hiển Sự. Người học không nên hiểu hoặc chấp nê một chiều. Nếu nhận hiểu thiên lệch như thế, thì chúng ta không làm sao hiểu được trọn vẹn ý kinh. Nêu ra như thế, để chúng ta thấy rằng, trường hợp của câu nầy không phải chỉ nói về phần sự tướng không thôi. Chẳng qua Cổ Đức muốn mượn những hình ảnh sự tướng cụ thể để diễn tả cái thâm ý sâu xa ẩn chứa bên trong.

Thử hỏi trên đời nầy làm gì có hoa sen hồng mọc trên lưỡi và lại có thêm hào quang phóng ra từ cái lưỡi? Nếu chỉ hiểu trên mặt văn tự như vậy, thì làm sao cắt nghĩa câu nầy? Nên nhớ đây là bài kệ không phải do Phật nói mà là người sau khen ngợi những lời Phật nói trong kinh. Bởi Kinh Pháp Hoabộ kinh thuộc liễu nghĩa Đại Thừa viên đốn, Phật chỉ bày đến chỗ giác ngộ cùng tột cho chúng sanh. Tất cả ý kinh Phật đều nhắm vào một mục đích duy nhất là chỉ bày “Tri Kiến Phật” cho hết thảy chúng sanh. Do đó, nên mỗi lời mỗi câu đều chứa đựng vô biên nghĩa mầu, khác nào như nước cam lồ rịn nhuần, như chất đề hồ nhỏ mát, và như răng ngọc trắng tuôn xá lợi v.v…

Đó là Cổ Đức mượn những hình ảnh để tán thán ca ngợi những lời Phật nói ra nhằm mang lại lợi ích cao tột cho tất cả chúng sanh. Nói trên lưỡi sen hồng phóng hào quang, cũng như những câu kia trong bài kệ, tất cả đều mang một ý nghĩa tượng trưng thôi. Vì khi phát ra lời nói cần phải sử dụng đến cái lưỡi. Sen hồng là biểu trưng cho đức tánh cao quý thanh tịnh, không nhiễm ô. Hào quangtượng trưng cho trí huệ Bát Nhã. Ý nói, những lời Phật dạy đều là những lời vàng ngọc thanh tịnh sáng suốt giống như hào quang soi sáng trùm khắp cả pháp giới. Lời dạy có tác dụng cao đẹp hướng chúng sanh đến chỗ thanh tịnh sáng suốt giải thoát hoàn toàn. Đó là những lời thuộc Thánh giáo lượng hay là Chơn thiệt ngữ. Do đó, khi tụng đọc kinh điển Phật dạy, chúng ta phải nên hết lòng tin kính phụng trì. Có thế, thì sự tụng đọc của chúng ta mới được lợi ích thiết thực vậy.

Câu nầy ngoài việc khen ngợi kinh văn ra, các bậc Cổ Đức còn hàm ý muốn khuyến nhắc chúng ta nên lấy đó để áp dụng vào đời sống thực tế hằng ngày. Là người Phật tử, mỗi lời nói của chúng ta thốt ra, phải là những lời trong sạch cao đẹp thanh khiếtgiá trị như hoa sen và phải có chánh niệm sáng suốt như hào quang chói sáng. Khi giao tiếp xử thế, chúng ta nên dùng những lời ái ngữ, hòa nhã, êm dịu… không nên dùng những lời quái ác ngữ làm đau khổ cho tha nhân. Có thế thì lời nói của chúng ta mới thực sự có uy tín và mới thực sự đem lại lợi ích cho mọi người. Lời nói của chúng ta phải là:

Lời nói ra phải là lời chân thật

Lời nói ra như Phật phóng quang

Lời nói ra phải ái ngữ dịu dàng

Như sen nở giữa mùa hè nóng bức

Lời nói ra phải dụng lực của từ bi

Lời nói ra không gây thù bực tức

Lời nói ra không mê tối ngu si

Không gây khổ, dứt nghi, trừ độc hại.

 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/10/2010(Xem: 48420)
11/08/2013(Xem: 43811)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.