Con Ngựa Của Thái Tử

10/03/20226:15 SA(Xem: 4304)
Con Ngựa Của Thái Tử
CON NGỰA CỦA THÁI TỬ
Huệ Trân

 

buddhism_kanthaka_horseKanthaka là tên con ngựa của Thái-tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn, giòng họ Thích Ca. Nó được Thái-tử gọi là Kanthaka nhưng cũng có những người gọi nó là Kiền Trắc.

Gọi là gì, đối với nó không quan trọng, mà hạnh phúc lớn nhất của nó là được vua Tịnh Phạn chọn làm quà sinh nhật thứ 15 cho Thái-tử. Nó còn nhớ, một ngày vào năm đó, nó được tuyển lựa kỹ càng trong một trăm ngựa quý từ kinh thành Tỳ-Da-Ly, mang về đây. Nó chẳng hiểu nhiệm vụ nó về đây làm gì mà phải chọn kỹ thế, nhưng nó hãnh diện vì nó đã được chọn.

Rồi một hôm, nó nghe xôn xao mọi người đi dự lễ hội thể thao về, bảo rằng, Thái-tử đã thắng hầu hết những giải quan trọng như bắn cung, cưỡi ngựa, đánh kiếm, và nhận được giải thưởng cao quý là một thớt voi trắng uy nghi, tuyệt đẹp.

Khi nghe tin đó, Kanthaka tưởng rằng, từ nay, Thái-tử sẽ du hành bằng voi. Như thế thì Thái-tử sẽ không thường đi chơi xa được vì voi to lớn, rềnh ràng quá!

          Trong những suy nghĩ mông lung đó, nó được Channa, người hầu cận của Thái-tử dắt đi tắm rửa, chải bờm, khoác đai mới mầu bích ngọc điểm nhiều hạt trai trắng ngần và những đá quý lấp lánh muôn mầu. Xong, Channa ngắm nghía nó, gật gù có vẻ hài lòng rồi dắt nó chậm rãi từng bước về phía hoàng cung, nơi, từ sân trước, nó đã thấy vua Tịnh Phạn, hoàng hậu Kiều Đàm Di và Thái-tử Tất Đạt Đa đang chuyện trò vui vẻ. Khi Channa dắt nó tới gần thì nhà vua tiến về phía nó, cầm lấy giây cương, rồi đích thân vua trao giây cương cho Thái-tử và âu yếm nói:

          - Đây là quà sinh nhật của con. Kanthaka là con ngựa đẹp nhất của vương quốc lân bang mà vì tình giao hảo, cha đã có được.

            Kanthaka ngước nhìn Thái tử và chạm vào đôi mắt nhân từ mà nó chưa từng được thấy bao giờ. Chỉ đôi mắt đó cũng đủ khiến từng sợi tơ bờm trắng của nó rung rinh. Và khi Thái-tử nghiêng xuống, dịu dàng vòng hai tay ôm lấy đầu nó thì đôi vành tai nó không thể không lay động, và bốn vó nó khó mà không nhún nhẩy theo giòng nhạc rất êm ái nó đang nghe được trong trái tim vui mừng.

          Từ hôm đó, nó được gần gũi với Thái-tử. Đi đâu, Thái-tử cũng có Channa theo hầu. Gọi là người hầu nhưng nó thấy Channa được cư xử như một người bạn thân thiết vì Channa cũng trạc tuổi Thái-tử.

Với hồng-mã cho Channa và bạch-mã là nó, cho Thái-tử. Nó và hồng-mã được cùng nhau song hành khắp nơi trong vương quốc, hoặc khi cùng được móc vào một chiếc xe xinh đẹp, sơn vàng óng ánh, cùng nhịp vó, vui như tiếng nhạc.Trên đường, Channa tuân lời Thái-tử, không bao giờ dùng đến roi, vì chỉ cần nhích nhẹ giây cương là nó và hồng-mã đã biết ý chủ.

          Channa không chỉ cùng Thái-tử thưởng ngoạn bao cảnh đẹp của non sông cẩm tú mà Thái-tử còn thường muốn tới những nơi cùng khổ, đói nghèo để thăm viếng, giúp đỡ.

Chính những nơi đây, Thái-tử đã từng ngạc nhiêncảm phục khi tình cờ thấy công nương Da-Du-Đà-La, một cành vàng lá ngọc, thường cùng thị nữ đến những xóm nghèo, thuộc giai cấp hạ-tiện để chăm sóc, tắm rửa, mang thực phẩm cho những đứa trẻ lê la đất cát vì cha mẹ chúng phải tới những nhà giầu làm việc từ sáng sớm!

          Kanthaka và hồng-mã đã nhìn nhau mỉm cười khi nghe Thái-tử ân cần hỏi thăm Channa về công nương Da-Du-Đà-La. Tình cảm nẩy nở giữa Thái-tử và công nương là niềm vui mừng của vua Tịnh Phạn vì vua luôn bị ám ảnh bởi lời tiên tri của lão đạo-sỹ A-Tư-Đà, một ẩn sỹ nhiều năm đã chống gậy xuống núi ngày Thái-tử chào đời.

Vua Tịnh Phạn đã nghe tiếng vị ẩn sỹ này nhưng chưa từng gặp được. Nay, khi quân lính báo tin đạo sỹ đang đứng chờ ngoài cửa thành thì nhà vua liền thân chinh ra đón. Lão đạo-sỹ nói ngay ý mình, xin được thăm Thái-tử.

          Đứng trước chiếc nôi hồng, trong đó vị Thái-tử vừa chào đời đang say sưa trong giấc ngủ thiên thần, lão đạo sỹ lặng người thật lâu, rất lâu, rồi bỗng bật khóc. Đức vua và hoàng hậu đều hốt hoảng, cùng thưa:

          -Ngài thấy điềm gì không tốt cho Thái-tử chăng?

          Lão đạo-sỹ vẫn vừa khóc tức tưởi, vừa nghẹn ngào đứt quãng:

          -Tâu bệ hạ, lão thần khóc là khóc cho chính mình vì nghiệp dầy phước mỏng, sẽ không kịp có cơ duyên được nghe Đạo Cả từ một bậc vĩ nhân. Vâng, Thái-tử đây không chỉ làm vua một nước mà sẽ là một vị Thánh-vương của khắp bốn chúng. Nghĩa là, Thái-tử sẽ là một vị sa-môn, tự tìm ra con đường giác ngộ, giải thoát cho mình, rồi sẽ độ tha cho khắp hết hàng nhân, thiên, trời, rồng …. những ai đủ duyên tiếp nhận con đường sa-môn tìm ra. Ôi, tôi nay đã già yếu rồi, tôi sẽ chết trước ngày thế gian này được cứu vớt!

          Khóc rồi, lão đạo sỹ bước nhanh ra khỏi hoàng cung, vua giữ thế nào cũng không được.

          Thế nên, nếu Thái-tử tìm được người ý hợp tâm đầu mà gắn bó, có nghĩa là Thái-tử sẽ không đi tu, sẽ nối ngôi vua cha chăn dắt thần dân sau này. Đó là điều vua Tịnh Phạn thầm mong muốn.

          Quả nhiên, việc vui mừng đã đến. Kanthaka còn nhớ, ngày trọng đại đó, nó được dẫn đầu đàn ngựa quý cùng với voi, xe, đoàn kỹ nữ ca múa, diễn hành qua cổng thành hoa đèn rực rỡ, trong khi dân chúng nô nức hướng về Ca-Tỳ-La-Vệ để chờ được thấy Thái-tử và công nương xuất hiện trên lan can hoàng cung.

 

          Ấy thế mà ngày vui không bao lâu sau khi công nương sanh một tiểu hoàng-tử, đặt tên là La-Hầu-La. Thời gian này, Kanthaka thấy Thái-tử thường đăm chiêu, buồn bã. Trước kia, đi đâu cũng có Channa cưỡi hồng-mã theo hầu nhưng nay, Thái-tử thường chỉ đi một mình.

Ra khỏi hoàng thành, Thái-tử thường thả lỏng giây cương, mặc nó muốn đi hướng nào thì đi. Mới đầu, nó bối rối lắm vì không biết phải đưa Thái-tử đi đâu cho Thái-tử đỡ buồn, nhưng sau, nó vận dụng sự suy nghĩ, quyết định đi về những cánh rừng thưa, những ngọn đồi xa đô thị, những bờ sông êm ả vắng bóng  đò. Nó mơ hồ thấy như Thái-tử đang có điều gì bận tâm lắm. Vậy thì, chỉ những nơi tĩnh lặng Thái-tử mới thong thả suy nghĩ được mà thôi.

Đôi khi nó cảm động đến chảy nước mắt khi Thái-tử thì thầm, tâm sự với nó: “Kanthaka ơi, chắc rồi ta phải ra đi. Đi đâu, ta chưa biết chắc, nhưng phải đi mới tìm được. Tìm gì ư? Ta cũng chưa thấy rõ hình dáng cái ta muốn tìm là gì, nhưng chắc chắn phải có cái đó, ở đâu đây, hay đang ở chính trong ta không chừng. Đó là cái có thể vượt ra ngoài những giây trói của bao đau khổ chập chùng trong kiếp người. Nếu tìm được, hiểu được từ đâu mà đau khổ thì mới mong diệt khổ. Nhưng này, Kanthaka, làm sao ta có thể tĩnh tâm tìm được cái điều sâu thẳm, mơ hồ đó, khi hàng ngày, hàng giờ ta mãi quẩn quanh trong trói buộc của phù phiếm, xa hoa? Ta phải chặt đứt giả tạm này mới mong tìm ra chân lý. Ta đã quyết thế rồi, Kanthaka ơi! Nhưng ta không thể chia xẻ điều này với bất cứ ai, vì nhân danh tình thương, ta sẽ bị những người yêu thương ta cản bước.”

          Kanthaka đã nhiều lần nghe Thái-tử bồi hồi nói như thế, và lần nào nó cũng cọ đầu vào lòng Thái-tử. Nó muốn nói rằng, dù Thái-tử đi đâu thì chắc chắn nó cũng đi theo, chắc chắn như thế, vì Thái-tử làm sao đi bộ được!

          Nhưng Kanthaka đã lầm!

 

          Một đêm mồng tám tháng hai, nó đã thiu thiu ngủ thì thấy Channa mở cổng bước vào. Không nói năng gì, Channa lẳng lặng đắp yên cương, đeo túi da gồm bánh ngọt, trái cây và nước uống. Nó dậm nhẹ vó, ý hỏi “Thái-tử đi đâu giờ khuya khoắt này?” nhưng dáng điệu Channa bồn chồn như chính Channa cũng chưa biết.

          Một lát thì từ phía đông-cung, một bóng người nhẹ nhàng, thoăn thoắt đi xuống. Đó là Thái-tử Tất-Đạt-Đa.

 

          Channa đứng bật dậy. Thái-tử cũng ngạc nhiên khi thấy Channa và nhất là nhìn thấy nó đã được trang bị đầy đủ cho một chuyến đi. Đi đâu? Nó không biết. Nó nghe Thái-tử hỏi nhỏ Channa:

          -Anh biết ta sẽ đi đêm nay?

          Và giọng Channa đầy nước mắt:

          -Thưa, thần không biết. Chỉ tuân lời Lệnh Bà xuống chuẩn bị cho Kanthaka.

          Và giọng Thái-tử xúc động, như nói với chính mình:

          -Da-Du-Đà-La yêu quý, thì ra em đã đoán biết.

          Rồi không chậm trễ, Thái-tử vừa nhảy lên mình nó, vừa bảo Channa:

          -Thôi được, anh đã tới đây thì cùng đi với ta một đoạn đường.

          Channa cũng vội vã dắt hồng-mã ra.

          Thoáng chốc, đôi bạn đã ra ngoài cửa thành mà không một ai hay biết.

          Bên ngoài thành, Thái-tử chợt dừng lại, quay nhìn hoàng cung, rồi vòng tay, lạy ba lạy. Sự việc xảy ra trong thầm lặng, chớp nhoáng, nhưng đủ cho nó cảm nhận điều gì đó, rất nghiêm trọng trong chuyến đi này. Bất ngờ, Thái-tử bảo Channa:

          -Về hướng Nam.

          Rồi giật giây cương.

          Nó lập tức tuân lệnh, phi nước đại. Hồng-mã cũng chồm lên, theo sau.

 

          Trên trời đêm, trăng và sao lấp lánh soi đường cho đôi bạn. Đôi ngựa cũng phi nhanh theo tay cương, đi mãi như thế đến khi ánh dương vừa rạng cuối chân trời thì tới biên giới vương quốc lân bang. Nơi đây có con sông nhỏ, hiền hòa chảy ngang. Thái-tử và Channa cùng xuống, dắt nó và hồng-mã qua chỗ sông cạn . Sang bên kia bờ, đôi bạn vẫn nhắm hướng Nam, đi thêm một đỗi nữa. Tới bìa rừng đầy hoa vàng và trúc xanh thì Thái-tử ghìm cương, bước xuống. Channa cũng làm theo như thế.

 

          Hình như khi đó, trên trời có một vầng mây xám bay ngang.

          Thái-tử xõa tóc ra phía trước, rút thanh đoản kiếm đeo bên hông, và trong tích tắc đã cắt đứt mái tóc xanh, trao cho Channa. Bây giờ Thái-tử mới nói rõ:

          - Channa, người bạn thân thiết của ta, anh hãy mang lọn tóc này về, dâng phụ hoàng và mẫu hậu. Hãy thay ta mà thưa rằng, ta quyết phải tìm cho ra con đường giải thoát khổ đau cho nhân loại. Ta chưa biết rõ sẽ bắt đầu từ đâu và đi đâu, nhưng lại biết chắc chắn là ĐÃ TỚI LÚC TA PHẢI BIẾN NHỮNG THÔI THÚC TRONG LÒNG THÀNH HÀNH ĐỘNG. Hành động đó là xuất gia. Từ nay, ta sẽ sống đời sa-môn không nhà, ta sẽ tự chăm sóc mình trên đường tìm đạo.

          Channa còn ngẩn ngơ thì Thái-tử quay sang, xoa đầu nó:

          - Con không chỉ là một con ngựa giỏi mà còn là một người bạn tốt. Con đã đưa ta đi biết bao đoạn đường và ở đoạn cuối này, con vẫn hoàn tất nhiệm vụ tốt đẹp. Con đã đưa ta đến nơi ta muốn. Nhưng nơi đây, chúng ta phải chia tay. Channa sẽ dắt con và hồng-mã cùng trở lại hoàng cung. Khi nào tìm ra đạo cả, ta hứa sẽ về thăm. Ta cám ơn Channa. Ta cám ơn con.

          Bây giờ, Channa mới lượng định được phần nào sự nghiêm trọng. Channa quỳ sụp xuống trước Thái-tử, khóc òa lên:

          - Con lạy Điện-hạ, Điện-hạ đi đâu cũng xin cho con theo hầu. Điện-hạ là cành vàng lá ngọc, làm sao sống đời Sa-môn lang thang cực khổ được. Làm sao con dám quay về, đưa tin hãi hùng này lên hoàng gia! Trăm lạy Điện-hạ, xin Điện-hạ thương con.

          Khi ấy, Thái-tử vừa cảm động, vừa buồn cười, nhìn Channa mà nói rằng:

          - Có vị Sa-môn nào đi tu mà còn mang theo người hầu không? Vả lại, anh là người duy nhất có thể giúp ta mang tin về, anh cũng biết như thế, phải không? Giờ này, có lẽ mọi người đang nhốn nháo tìm ta. Anh nên giúp ta, về mau đi!

          Channa là một người thông minh nên đã hiểu rõ ngay trạng huống. Thái-tử ôm bạn, vuốt ve nó và hồng-mã rồi quay lưng, đi vào rừng.

 

          Channa đứng lặng, nhưng bật khóc thành tiếng, khóc nức nở.

          Cả ba, người và ngựa đều đứng lặng như thế, rất lâu. Ba trái tim đều như cùng theo sát bước chân vị Thái-tử vừa rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn, bước những bước chân trần đầu tiên, quyết đi tìm những sự thật mầu nhiệm từng bị vô minh che lấp khiến muôn loài triền miên trong luân hồi đau khổ.

 

          Cả ba, người và ngựa đứng lặng như thế cho đến khi hình dáng vị Thái-tử đã khuất hẳn sau bóng lá cây rừng.

 

          Đó là ngày Thái-tử Tất-Đạt-Đa xuất gia.

                                                Cẩn bái.

 

Huệ Trân

(Tào-Khê tịnh thất – những ngày tịnh tu)

Kanthaka5th Century A.D :: Renunciation or Mahabhinishkramana of Prince Siddhartha (Gautam Buddha) Prince Siddhartha Is Mounted On Horse Kanthaka Chhandaka Is Holding Umbrell- a




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/04/2012(Xem: 78187)
07/11/2010(Xem: 140141)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.