III. Ngôn Ngữ của Kinh Phật

24/06/20229:29 SA(Xem: 2839)
III. Ngôn Ngữ của Kinh Phật

VŨ THẾ NGỌC
KINH PHẬT
NGUỒN GỐC và PHÁT TRIỂN
Buddhist Sutras: Origin and Development

 

CHƯƠNG III

NGÔN NGỮ CỦA KINH PHẬT

 

1. ĐỨC PHẬT NÓI TIẾNG GÌ

            Trong một đại lục có hằng trăm ngôn ngữ và phương ngữ như Ấn Độ, một quốc giacho đến ngày nay bắt buộc phải ghi vào hiến pháp đến 15 ngôn ngữ đều là ngôn ngữ chính thức của quốc gia[1] thì câu hỏi rằng trước đây hai mươi lăm thế kỷ Đức Phật nói ngôn ngữ nào thì tưởng như là một câu hỏi không thể trả lời.[2] Nhưng hầu như bất cứ một nhà ngôn ngữ học lịch sử nào ngày nay cũng có thể trả lời là “Đức Phật nói tiếng Magadhi Prākrit”. Câu trả lời nhanh chóng của họ không khỏi khiến chúng ta ngạc nhiênnghi ngại tự hỏi tại sao họ có thể biết một cách chắc chắn như thế? Lẽ dĩ nhiên câu trả lời này không phải là tùy tiện mà là kết quả của một học vấn vững trãi. Dù rằng câu trả lời chưa chắc được toàn thể mọi người hài lòng, nhưng chúng ta biết câu trả lời này là thành quả của nhiều nghiên cứu quan trọng trong những năm vừa qua của nhiều nhà nghiên cứu khắp thế giới. Để hiểu được trọn vẹn câu trả lời này, chúng ta cần được giải thích chi tiết hơn hơn.

Magadhi “ngôn ngữ Ma Kiệt Đà”

Khi nói “Đức Phật nói tiếng Magadhi-Prākritchúng ta cần phải hiểu rõ hai từ MagadhiPrākrit. Trước hết, Magadhi (Magahi) là một phương ngữ quan trọng và phổ biến trong nhiều ngôn ngữ cùng gốc được dùng ở vương quốc Magadha (Ma kiệt đà) của Ấn Độ thời cổ. Đức Phật vốn là hoàng tử của tiểu quốc nằm cạnh vương quốc này và ngài đã sổng ở Magadha trong 25 năm.

Ngày nay còn có hơn 20 triệu người tiếp tục nói tiếng Magadhi ở các vùng Bihār thuộc miền Tây Bengal và Đông Ấn Độ. Trong cuộc nghiên cứu và khảo sát cuối cùng năm 1961 thì tiếng Magadhi được coi là đã sát nhập vào ngôn ngữ Hindi (là ngôn ngữ phổ thông nhất hiện nay của người dân Ấn Độ). Vì vậy trong thông kê năm 2001 mới đây cho biết số người nói thuần tiếng Magahi như tiếng mẹ đẻ chỉ còn 12 triệu người.

Nên nhớ so sánh với số người nói tiếng Sanskrit ngày nay chỉ còn vài chục ngàn người nói như tiếng mẹ đẻ (không cần học mà biết) nhưng vẫn được công nhận là một trong 15 ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ hiện đại. Lý do chính là vì ảnh hưởng văn hóa của Sanskrit trong văn hóa Ấn Độ dù ngày nay chỉ còn là ngôn ngữ mẹ đẻ của một dân số rất nhỏ. Đây là khái niệm căn bản cần biết khi chúng ta sẽ nói đến ngôn ngữ Sanskrit ở sau. Ở đây chúng ta cũng cần hiểu ý nghĩa căn bản này để so sánh với một cổ ngữ khác là ngôn ngữ Pāli, Pāli dường như từ xa xưa chưa bao giờngôn ngữ mẹ đẻ (người ta phải học mới biết) và hơn nữa Pāli đã là một tử ngữẤn Độ từ thế kỷ X - nhưng Pāli vẫn sống sót ở các quốc gia Đông Nam Á theo Phật giáo Theravāda.

Theo lịch sử ngữ học Ấn Độ thì tiếng Magadhi ngày nay được coi là hậu duệ chính thức của ngôn ngữ Aryan-Ấn Độ thời Trung cổ vốn có tên là Magadhi Prākrit. Thời Đức Phật còn tại thế thì Magadhi Prākritngôn ngữ phổ thông của vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) một trong 16 vương quốc lớn nhất đương thời. Theo kinh Phật và Kỳ Na giáo thì chúng ta biết Magadha là vương quốc thuộc triều đại Haryanka, một triều đại kéo dài gần hai thế kỷ (từ năm 543 đến năm 413 trước Dương lịch). Thời đại này người ta thường gọi tên quốc gia theo thủ đô của nó, nên Magadha vừa là tên thủ đô vừa là tên nước. Đọc kinh Phật chúng ta không xa lạ gì với tên hai vị vua danh tiếng của Ma Kiệt Đàvua Tần Bà Sa La (Bimbisāna) và con là vua A Xà Thế (Ajātashattu). Cho nên Magadhi-Prākrit có nghĩa là “tiếng phổ thông của vương quốc Ma Kiệt Đà” hay “ngôn ngữ của vương quốc Magadha”.[3]

Vương Quốc Magadha (Ma Kiệt Đà)

Trong 49 năm hành đạo (theo Theravāda là 45 năm) Đức Phậtkhông sinh trưởng ở Magadha nhưng ngài thường xuyên cư trú và truyền giáo ở vương quốc này trong suốt 25 năm.[4] Magadha vào thời Đức Phật gồm các phần đất nằm quanh vùng Bihār, phía nam sông Hằng và đông sông Son, tức là trải dài từ Bangladesh cho đến tận Nepal ngày nay. Như chúng ta biết rằng Ấn Độ không phát triển về thông sử như Trung Hoa,[5] cho nên phần nhiều chúng ta chỉ biết về vương quốc này qua sự liệu của các tôn giáo như Phật giáoKỳ Na giáo. Trong kinh luận Phật giáonói nhiều về vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) với hai vị vua nổi tiếngvua Tần Bà Sa La (Bimbisāra) và người hậu duệA Xà Thế (Ajātashattu)[6], cả hai đều là đệ tử tại gia của Đức PhậtA Xà Thế chính là người bảo trợ cho kỳ Kết Tập kinh Phật lần thứ nhất. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, ngôn ngữ Magadhi vẫn tiếp tục phát triển và cũng là ngôn ngữ phổ thông của triều đại Khổng Tước (Mauaryan) thời A Dục Đại Đế (Aśoka) trị vì từ năm 272 đến 231 trước Dương lịch. Ngôn ngữ trên các “Trụ Pháp của Vua A Dục” (Edicts of Aśoka) mà ngày nay còn tồn tại cũng là ngôn ngữ Magadhi Prākrit viết bằng hai loại chữ phổ biến dương thời là chữ KharosthiBrahmi. Ở đây tôi cũng cần ghi chú có hai việc quan trọng mà nhiều người trí thức học Phật cũng thường không biết. Thứ nhất là ai cũng biết A Dục là người theo Phật và cũng là người cho chính con của mình xuất gia và đi truyền pháp tận Tích Lan, nhưng trong các Trụ Pháp dù có nhắc đến tên đức Phật, nhưng nội dung chỉ nói về luật trị nước và đạo đức. Các Trụ Pháp không hề chép một dòng chữ nào về kinh Phật. Thứ hai, như vừa nói ở trên, ngôn ngữ trên Trụ Pháp là ngôn ngữ phổ thông Magadhi (hay gọi là Magadhi Prākrit) chứ không phải là tiếng Phạn (Sanskrit).

Prākrit “ngôn ngữ phổ thông”

Thuật ngữ Prākrit (viết theo IAST là prākṛta) không chỉ bất cứ một ngôn ngữ nào, trong ngữ học lịch sử Prākrit là danh từ tổng quát chỉ chung “tất cả ngôn ngữ phổ thông Ấn Độ thời Cổ” (All Middle Indo-Aryan Languages) khác với Sanskrit. Để so sánh với Sanskrit, chúng ta có thể suy luận từ nghĩa đen của Prākrit có nghĩa là “tự nhiên, bình thường” (original, normal) để đối chọi với từ “tinh luyện” (refined) chỉ Sanskritngôn ngữ cao quí. Tóm lại, theo nguyên gốc Prākritthuật ngữ chỉ chung tất cả những ngôn ngữ phổ thông thời Trung Cổ. Ngày nay Prākrit vẫn còn là thuật ngữ chỉ chung nhiều ngôn ngữ như Gandhari, Magadhi, Pali.[7] Thành ra khi viết Magadhi Prākrit chỉ có nghĩa là tiếng Magadhi xưa, Gandhāri Prākrit chỉ có nghĩa là tiếng Gandhāri xưa.

Trong thời đại giai cấp cổ, các ngôn ngữ Prākrit là “tiếng phổ thông” (trong đó có cả ngôn ngữ Pāli) luôn luôn có địa vị thấp kém so với Sanskrit là ngôn ngữ của giới thượng lưu trí thức được tôn xưng là “ngôn ngữ do thần linh sáng tạo”. Cho nên trong các kịch cổ điển (như danh tác Shakuntala của Kalidasa) các vai thượng lưu bao giờ cũng nói bằng ngôn ngữ Sanskrit, và các vai bình dân thì nói bằng các ngôn ngữ Prākrit. Nhà Phật học Mizuno chuyên gia về ngôn ngữ Ấn Độ cho ta thấy điển hình trong những vở kịch thì vua, đại thần và đại tăng thì nói tiếng Sanskrit, hoàng hậu công chúa và tùy tòng thì nói tiếng Shauraseni, thương gia nghệ sĩ thì nói tiếng Magadhi, hạ dân thì nói tiếng Paishachi, riêng lời ca thì là ngôn ngữ Maharashtri vốn nổi tiếng về những tiếng réo rắc thích hợp với âm nhạc.[8] Đó chính là sự phân biệt giữa ngôn ngữ Sanskrit và bốn ngôn ngữ (Shauraseni, Magadhi, Paishachi, Maharashtri) nói chung là tiếng Prākrit trong thời đại Đức Phật còn tại thế. Giai cấp cao nói tiếng Sanskrit và coi thường các ngôn ngữ khác, cho đến thế kỷ XVII trong Tuhfat al-hind (1676) của Mirza Khan còn gọi Prākrit là “ngôn ngữ thấp hèn” (Patal-bani) hoặc còn tệ hơn nữa là “ngôn ngữ rắn rết” (Nag-bani).

Mặc dù khởi đầu Prākrit được coi là “thấp hèn” (thật giống như quan niệm “Nôm Na mạch qué” của giới “trí thức” Nho giáo của Việt Nam ngày trước) nhưng vì phổ thông nên Prākrit cũng được dùng để chú giải nên nó cũng gây ảnh hưởng trên Sanskrit. Sau đó lại thâu nhập từ ngôn ngữ trí thức Sanskrit khiến nó cùng dần dầnđịa vị cao hơn (cũng thật giống như chữ Nôm dần dần được kính trọng).[9] Tuy nhiên trong thực tế, học giả thế giới cũng vẫn ít chú ý đến Prākrit hơn là Sanskrit. Vì rất ít văn cảo Prākrit còn tồn tại cho đến ngày nay, cho nên các nghiên cứu về Prākrit cũng rất hiếm. Ngay trong quốc gia Ấn Độ, Prākrit cũng không được coi là “ngôn ngữ cổ điển” (classical language) mặc dù nhiều văn bản Prākrit còn cổ xưa hơn nhiều tác phẩm được gọi là “tác phẩm cổ điển” (thí dụ như kinh luận của Kỳ Na giáo (Jainism)[10] phần lớn là ngôn ngữ Prākrit). Nhưng giới nghiên cứu cho rằng lý do chính là vì địa bàn các ngôn ngữ Prākrit quá rộng và không nhất định liên kết với một địa phương nào hay một ngôn ngữ nào rõ rệt.

Magadhi-Prākrit “ngôn ngữ phổ thôngMagadha

Như thế chúng ta đã hiểu Magadhi Prākrit nghĩa là “Magadhi ngôn ngữ phổ thông của vương quốc Magadha”. Chúng ta cũng nên nhớ ba điểm quan trọng:

(1) Không hề có “tiếng Prākrit” thuật ngữ Prākrit là từ chỉ chung “tất cả các phương ngôn Ấn thời cổ”.

(2) “Magadhi thời cổ” (Magadhi Prākrit) không hoàn toàn là “Magadhi thời nay” (Magadhi) cho nên chúng ta cần phân biệt tế nhị giữa Magadhi PrākritMagadhi.

(3) Hiện nay vẫn còn hơn 20 triệu người nói tiếng Magadhi là ngôn ngữ mẹ đẻ, trong khi Pāli là một tử ngữ ở Ấn Độ từ thế kỷ XII.

            Ngôn ngữ Pālingôn ngữ Magadhi đều được sắp trong nhóm Prākrit (có thể dịch là “các ngôn ngữ phổ thông ngày xưa”) nên ngôn ngữ Pālingôn ngữ Magadhi có liên lạc mật thiết nhưng không phải là một. Pāli cũng là ngôn ngữ chuyên của kinh Phật mà Magadhi cũng dùng để chỉ ngôn ngữ phổ thông các địa phương Đức Phật hoằng pháp, cho nên từ nhận định “Đức Phật nói tiếng Magadhi Prākritbiến thành quan điểm “Đức Phật nói tiếng Pāli” rất phổ biến và từ lâu đã là đức tin của những người theo Phật giáo Theravāda. Chúng ta cũng cần biết sau khi Phật giáo biến mất ở Ấn Độ từ thế kỷ XI thì trước đó Pāli đã bắt đầu tàn rụi ở xứ sở này, trong khi đó hiện nay vẫn còn hơn 20 triệu người nói tiếng Magadhi là ngôn ngữ mẹ đẻ. Cho đến ngày nay ở Ấn Độ chỉ có người nghiên cứu chuyên về Phật giáo Nam phương (Theravāda) là còn học tiếng Pāli – có nghĩa là tiếng Pāli phải học mới biết chứ không phải là ngôn ngữ tự nhiên hay là ngôn ngữ mẹ đẻ.

Chúng ta biết rằng “Đức Phật Lịch Sử” tức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh năm 563 trước Dương lịch. Ngài là con trai một tiểu vương dòng họ Thích Ca (śākya) ngày nay thuộc biên giới Nepal và Ấn Độ, gần Hi Mã Lạp Sơn. Tên của ngài là Tất Đạt Đa (siddhārtha) thuộc họ Cồ Đàm (gautama), nên sử còn gọi ngài là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (siddhārtha gautama). Vương quốc này cũng vương quốc nhỏ so với vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) và cũng nằm trong khu vực dân cư nói tiếng phổ thông Magadhi (xưa). Sau khi thành đạo Đức Phật thường xuyên cư ngụ ở Magadha cho nên khi nói “Đức Phật nói tiếng Magadhi Prākrit” đều là có cơ sở lịch sửngôn ngữ học.

 Tuy nhiên chúng ta nên biết tiếng Magadhi thủa Đức Phật còn tại thế (Magadhi Prākrit) so với tiếng Magadhi ngày nay có rất nhiều khác biệt – Thí dụ tiếng Mường và tiếng Kinh (Việt ngữ đồng bằng) được coi là một ngôn ngữ nhưng ngày nay đã cách biệt biết bao dù chỉ mới cách xa có vài thế kỷ - Cho nên khi nói “Đức Phật nói tiếng Magadhi Prākrit ” thì chính xác, nhưng nói “Đức Phật nói tiếng Magadhi” thì đã hơi tổng quát hóa cho rằng Magadhi hiện nay là Magadhi Prākrit. Rồi từ đó lại đi đến kết luận là “Đức Phật giảng Pháp bằng tiếng Pāli” thì rõ ràng là không thể thuyết phục.[11]

Tóm lại chúng ta có thể đồng ý Đức Phật giảng pháp bằng “ngôn ngữ phổ thông Magadhi xưa” (Magadhi Prākrit) là có cơ sở lịch sửngôn ngữ học. Tuy nhiên trong nhiều thế kỷ các pháp thoại của Đức Phật chỉ là do truyền khẩu và thuộc lòng. Rồi còn qua nhiều lần chuyển dịch qua nhiều ngôn ngữ, chắc chắn phải có những điều nhớ sai hoặc vì biến chuyển qua một ngôn ngữ khác. Cho nên năm trăm năm sau, lời Phật dạy mới được ghi xuống bằng văn tự, thì đã trải qua nhiều thế kỷ khẩu truyền như thế, chắc chắn ngôn ngữ có ghi bằng bất cứ ngôn ngữ nào cũng rất xa ngôn ngữ đức Phật nói trước đó. Hơn nữa, giống như tất cả các tôn giáo cổ, kinh luận văn tự chữ viết đều là của người đời sau ghi lại. Chúng ta nên biết từ kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất do Ca Diếp triệu tập ngay sau khi Đức Phật nhập niết bàn (năm 483 trước Tây lịch) cho đến kỳ kết tập lần thứ ba hai thế kỷ sau dưới triều đại vua A Dục (Aśoka) thì các tu sĩ chỉ tập họp và ghi nhớ lời Đức Phật bằng cách cùng tụng đọc và ôn lại theo trí nhớ bằng tiếng phổ thông Magadhi Prākrit mà thôi.

Tóm lại kinh Phật cho đến thời vua A Dục (Aśoka trị vì từ năm 272 đến 231 trước Dương lịch) cũng chưa được viết xuống. Ngày nay chúng ta chỉ biết được là các “Trụ Pháp Lệnh của Vua A Dục” (Edicts of Aśoka) mà ngày nay còn tồn tại cũng là ngôn ngữ Magadhi Prākrit viết bằng hai loại chữ phổ biến dương thời là chữ KharosthiBrahmi. Và nội dung của các Pháp Lệnh này cũng đều không hề khắc kinh Phật ngoài một vài danh từ Phật giáo như “Pháp” hay “Ưu Bà Tắc” thế thôi.

Truyền thống truyền bá các tôn giáo thời xưa đều là truyền thống truyền khẩu ngoài vì lý do chưa có văn tự hay văn tự chưa được phổ biến, nhưng cũng còn vì người ta tôn quí ngôn ngữ truyền khẩu, coi những lời truyền khẩuchân thực chân truyền của giáo chủ mà người ta phải giữ làm lòng trong tận tâm khảm. Chúng ta cũng cần hiểu thêm bản chất của tôn giáo, điển hình là Phật giáo, người đi tu vốn là một sự chọn lựa tự thân. Người tu sĩ của truyền thống xưa là người tự chọn làm tu sĩ trọn đời chỉ với đại nguyện tu hành với một lý tưởng chuyên nhất.[12] Với các tu sĩ truyền thống như thế, sự truyền thừa từ một vị thầy qua một người đệ tử là sự tiếp nối trọn đời, họ không chỉ thuộc lòng kinh luậnđời sống của họ với kinh luận là một.

Cho nên văn tự kinh sách chỉ là nhu cầu cần thiếtthời đại sau, khi sự truyền thừa trở nên “đại trà” của những tùng lâm lớn và tịnh xá lớn, và còn có sự hiện diện đông đảo của giới tu học Phật Pháp nhưng không ở chùa (cư sĩ). Lớp người học Phật lúc này không chỉ là tu sĩ xuất gia lìa bỏ gia đình và sống trọn đờitịnh xá hay rừng núi, mà còn là những người tại gia. Số lượng những người này càng ngày càng nhiều. Những người tại gia bây giờ không phải lúc nào cũng “quì dưới chân thầy” và có hoàn toàn thời gian cho việc tụng đọc kinh điển, cho nên lúc này kinh sách văn tự mới là phương tiện quan trọng cho số người tại gia này vì họ chỉ có số thời gian nhất định để tu học. Xét riêng về Phật giáo, chúng ta cần biết thêm hai lý do quan trọng giúp việc kinh luận cần được ghi xuống bằng văn tự trở nên một nhu cầu.

Thứ nhất là lý do lo sợ nguy hiểm tận diệt Phật Giáo. Từ các chum đất chứa kinh viết trên vỏ cây chôn ở Gandhāra (xem Kinh Phật: Nguồn Gốc và Phát Triển) đến rừng kinh khắc trên đá ở Phòng Sơn Thạch Kinh (xem Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng) hay kho kinh luận dấu kín ở Đôn Hoàng (xem Bồ Đề Đạt Ma:Tuyệt Quán Luận) hay gần đâycông trình khắc kinh Pāli trên đá của kỳ kết tập thứ năm ở Miến Điện năm 1868, đều khởi từ nguy cơ chiến tranh và các Pháp nạn đã khiến các tu sĩ lo sợ giáo pháp của Đức Phật thất truyền, nên muốn ghi lại để truyền được cho hậu thế.

Thứ hai là sự phát triển của Phật giáo Đại thừa. Như đã nói ở trên, trước đây người thật sự học Phật chỉ có tu sĩ chuyên nghiệp, số còn lại là tín đồ thì chỉ lo làm phước ở lành và tin Phật. Từ khi Phật giáo Đại thừa xuất hiện bản chất vốn là “Phật giáo của mọi người” và tuyên dương “Chúng sinh đều có Phật tính, ai cũng có khả năng thành Phật” thì đã phát triền một nền “văn hóa Phật giáo không nhất thiết là của tự viện” và phát triển phong trào học Phật trong giới cư sĩ. Một cao trào học phật xiển dương những kinh điển nói về các cư sĩ xuất chúng như Duy Ma Cật, Thắng Man của Ấn Độ, Huệ Năng, Bàng Uẩn của Trung Hoa, Thái tử Thánh Đức của Nhật Bản, Tuệ Trung Thượng Sĩ của Việt Nam v.v. Họ không phải là “tu sĩ chuyên nghiệp” của truyền thống tu viện mà là người có cuộc sống như người thường, nghĩa là không có toàn thời gian tu học, cho nên kinh sách đối với họ còn cần thiết hơn các tu sĩ. Rồi tiến đến việc đọc kinh Phật còn trở nên một nhu cầu trí thức giống như người Tây phương đọc sách triết lý tư tưởng – Chú ý người trí thức Đông phương thường đều ít nhiều đọc kinh Phật, khác với người Tây phương từ sớm đã chia cách các sách tư tưởng triết lý khỏi kinh điển tôn giáo (người Tây phương đọc kinh Chúa (Bible) chỉ vì nhu cầu tín ngưỡng)

Cho nên nhìn về lịch sử Phật giáo, năm trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, việc truyền giáo thuần túy chỉ là truyền khẩu. Các kỳ kết tập kinh điển (sangīti) chỉ là dịp các tu sĩ tập họp, ôn định lại các kinh luận mà họ đã được truyền thụ và còn nhớ mà thôi (Chúng ta hằng nhớ đến các kinh đều thường mở đầu với câu “Như thế tôi nghe” evam srute mayā). Sau kỳ kết tập thứ nhất thì “như thế tôi nghe” không còn có nghĩa “như thế tôi, Ananda, nghe” như lời đọc của Ananda trong kỳ kết tập lần thứ nhất, chữ “tôi” bây giờ là các tăng sĩ tham dự các kỳ kết tập sau.[13]

Chúng ta được biết sau kỳ kết tập thứ ba (khoảng năm 244 trước Dương Lịch) toàn bộ kinh luận của kỳ kết tập này là cơ sở của giáo pháp Thượng Tọa bộ (Theravāda sau này). Sau đó các phái đoàn truyền giáo do vua A Dục phái đi, trong đó thành công nhất là đoàn đi Tích Lan và từ đó giáo pháp được loan tỏa ra khắp Đông Nam Á. Do đó mọi người đều nhận rằng kinh tạng Pāli của Thượng Tọa bộ là cổ nhất và từ đó theo đức tin sai lạc cho rằng là kinh luận được viết xuống sớm nhất là kinh hệ Pāli vì kinh đã được viết xuống cả trăm năm trước Tây Lịch như truyền thuyết của Tích Lan cho biết.[14]

Ở đây có hai sự thực chúng ta cần biết: Thứ nhất là bên cạnh kinh điển Pāli (gọi là Nikāya) thì đồng thời có các kinh điển Sanskrit tương tự gọi là Āgama. Chỉ có điều các kinh điển Sanskrit này bị tan tát sau 17 lần quân Hồi giáo xâm nhập Ấn Độcuối cùng là xóa tan Phật giáo ở nước này, cho nên chúng ta không còn toàn diện bộ Āgama mà chỉ còn lại bản dịch Hán văn (gọi là A-hàm). Thứ hai, thật ngạc nhiên là trên chứng liệu văn cảo cụ thể[15] chúng ta chỉ có các bản kinh Pāli cổ nhất được viết xuống bằng chữ viết là vào thế kỷ thứ năm Tây lịch mà thôi,[16] tức là về chứng liệu chữ viết thì Nikāya còn có sau cả A-hàm.

Nhiều người tin rằng sau nhiều thế kỷ truyền thừa bằng trí nhớtruyền khẩu, kinh điển từ kỳ kết tập thứ nhất cho đến khi được ghi xuống bằng văn tự vẫn không có gì sai lạc. Nhưng ngoài đức tin như thế, chúng ta vẫn không khỏi suy nghĩ về sự nguyên vẹn toàn bích của kinh tạng sau một thời gian dàì chỉ được kế truyền bằng truyền thống trí nhớtruyền khẩu như thế, và rõ ràng Pāli không phải là Magadhi Prākrit (dù PāliMagadhi Prākrit rất gần gũi và có ảnh hưởng hỗ tương)

Tuy nhiên mới gần đây, năm 1994, chúng ta lại tìm được kinh Phật bằng chữ Kharosthi viết trên vỏ cây Bu-lô từ thế kỷ thứ nhất[17] (nghĩa là văn bản kinh Phật cổ nhất có trước cả NikāyaA-hàm cả trăm năm). Đây là một biến cố lớn trong việc nghiên cứu văn cảo kinh Phật. Số lượng kinh Phật mới phát hiện này không đủ nhiều và có thể thay thế được các kinh điển chúng ta đang có, nhưng rõ ràng chúng sẽ bổ khuyết cho toàn bộ kinh điển cũ, đặc biệt là là chứng liệu của sự biến chuyển từ Phật giáo Tiểu thừa qua Phật giáo Đại thừa là những khâu lịch sử mà từ trước chúng ta đã có rất ít tài liệu. Cho nên trong sách này tôi sẽ cố viết thêm một phụ lục về sự khám phá quan trong này “Di Liệu Văn Học Phật Giáo Kharosthi.” Quả thật các phát hiện và nghiên cứu về Phật học từ triết học tư tưởng đến văn bản kinh điển vẫn luôn luôn tiếp tục có những phát kiến mới lạ và kỳ thú. Rất tiếc Phật giáo Việt Nam thường chỉ tập trung vào việc truyền bá tín ngưỡngcủng cố đức tin bằng các công trình xây dựng kỷ lục hay hành hương du lịch mà không tham dự vào các nỗ lực nghiên cứu Phật học của thế giới tri thức.[18]

Từ xưa chúng ta cũng đã biết đến hồi ký của nhà chiêm bái và tây du thỉnh kinh danh tiếng Pháp Hiển (法顯 320-420), trong ký sự “Phật Quốc Ký” 佛國記 và “Nam Hải Kí Qui Nội Pháp Truyện” 法賢南海寄歸内法傳 thuật lại chuyến đi cầu Pháp dài hai mươi năm khắp Ấn Độ và gồm cả các quốc gia Phật giáo Tiểu thừa ở Đông Nam Á. Pháp Hiển cho biết ngài đi từ Trường An qua ngõ Đôn Hoàng chiêm bái hầu hết các thánh tích Phật giáoẤn Độ nhưng đều không tìm ra văn bản kinh luận (vì chư tăng chỉ học và tụng theo truyền khẩu) cho đến khi Pháp Hiển đến Ma Kiệt Đà (Magadha) ngài mới tìm thấy được kinh luận ao ước bằng văn tự để chép mang về. Trước khi trở về bằng đường biển, Pháp Hiển còn tu họctìm hiểu Phật giáoTích Lan và Đông Nam Á và cũng tìm được một số văn bản kinh Phật giáo Đại thừa ở đây. Chúng ta sẽ có dịp nói đến sự liên hệ Phật giáotruyền thống thỉnh kinh và chép kinh ở phần sau.

Kinh Lalitavistara (Phổ Diệu Kinh) cho biết khi còn là Thái tử, Đức Phật học và biết đến 16 ngôn ngữ đương thời.[19] Đặc biệt là thuộc giai cấp quí tộc Ấn Độ, Đức Phật còn bắt buộc phải sử dụng ngôn ngữ Sanskrit. Ngôn ngữ Sanskrit là ngôn ngữ văn hóa của giới quí tộc và họ nói tiếng Sanskrit thường xuyên và nhiều khi thành thạo hơn ngôn ngữ mẹ đẻ.[20] Vấn đề nói tiếng Sanskrit của giới quí tộc trong thời này rất giống như giai cấp quí tộc và trí thức của cả Âu Châu thời Trung Cổ nói tiếng La tinh. Việc nói tiếng Sanskrit không phải chỉ là nói tiếng của giai cấp mà còn muốn nói đến sự chính xácvăn chương của chính ngôn ngữ Sanskrit. Người nói tiếng Sanskrit, giống như người nói tiếng La tinh ở Âu châu trước kia không phải chỉ vì ý thức giai cấp của mình, mà còn vì chính họ sử dụng tiếng La tinh để có thể diễn tả được đầy đủ và chính xác hơn khi nói tiếng bản địa. Đây cũng là lý do trước đây việc sử dụng tiếng Pháp ở cấp Đại Học Việt Nam.[21] Cho nên ngoài lý do vì muốn phổ biến Phật giáo cho mọi tầng lớp giai cấp địa phương của tiếng Magadhi-Prākrit, việc cho rằng “Đức Phật nói tiếng Sanskrit” vẫn là một khả năng không thể loại bỏ. Nhưng chúng ta lại cũng có chứng liệu để nói rằng “Đức Phật không giảng Pháp bằng tiếng Sanskrit”.

2. ĐỨC PHẬT KHÔNG GIẢNG BẰNG SANSKRIT

Tuy chúng ta có những chứng cứ cho biết “Đức Phật nói tiếng Sanskrit” vì biết rằng trong đời sống văn hóa Ấn Độ đương thời thì Sanskrit vừa là ngôn ngữ trí thức vừa được coi là ngôn ngữ linh thiêng dùng trong mọi nghi lễ của tất cả các tôn giáo. Tuy nhiên chúng ta cũng có nhiều chứng từ rõ ràng“Đức Phật không giảng Pháp bằng tiếng Sanskrit”. Thứ nhất là trong rất nhiều kinh cho chúng ta biết, đức Phật vì không đồng ý với quan điểm giai cấp của giai cấp thượng lưu chuyên dùng Sanskrit, vừa muốn giáo pháp của ngài được phổ biến trong quảng đại quần chúng, nên đức Phật đã nhiều lần khuyến cáo các đệ tử của ngài đến từ khắp mọi nơi phải dùng ngôn ngữ của chính mình (sakāya niruttiyā)[22] - chỉ ngôn ngữ địa phương và phải dùng ngôn ngữ của quảng đại quần chúng để giảng pháp cho mọi người không phân biệt giai cấp chủng tộc đều có thể hiểu được.

Một trường hợp rõ ràng có ghi trong kinh là trường hợp Đức Phật có hai đệ tử là hai huynh đệ Bà La Môn quí tộc là YameruTekula.kính trọng lời Phật dạy, họ nghĩ rằng các lời vàng ngọc đó không nên phát biểu bằng ngôn ngữ Magadhi bình dân. Cho nên hai người đã xin thưa với Đức Phật giảng bằng ngôn ngữ trí thứckinh điển là Sanskrit. Nhân dịp này chính Đức Phật không những từ chối lời yêu cầu của huynh đệ Yameru mà còn là dịp ngài chính thức ngăn cấm việc giảng pháp bằng ngôn ngữ quí tộc Sanskrit.[23]

Sau thời gian khẩu truyền thì kinh điển tiếp tục cho đến đến lần kết tập thứ ba (khoảng năm 244 trước Dương lịch) đưới triều vua A Dục vẫn chưa có tài liệu nào cho chúng ta biết kinh Phật đã được viết xuống bằng văn tự. Vì vậy các bản kinh chúng ta khám phá ra được ngày nay, bằng hai loại cổ tự Kharosthi và Brahmi, chính là các kinh luận được ghi lại của “ngôn ngữ phổ thông” Magadhi Prākrit là cổ nhất và là kết quả của đường lối giảng pháp bằng ngôn ngữ phổ thông địa phương trong năm thế kỷ đó.[24] Đây chính là lý do các tăng đoàn Phật giáo đã phát triển thật nhanh trong quảng đại quần chúng của đại lục Ấn Độ vốn là một vùng đất bao la có cả trăm phương ngữ. Mặt khác cũng là thực tế hóa giáo lý đặt nền tảng trên tinh thần vô phân biệt của Phật giáo. Ngay trong thời Đức Phật còn tại thế, sử Phật giáo còn ghi rõ tăng đoàn của Phú Lâu Na (Purma) đã đi truyền bá Phật giáo đến tận các tiểu quốc ở tận bờ biển phía tây Ấn Độ. Tăng đoàn của Đại Ca Diếp (Mahā-Kāśapa) thì có mặt khắp phía tây Ujjeni thủ đô Avanti, mà hiện nay các đại tháp SnchiBharhut và các đại tự trong lòng núi đá ở AjantaEllora vẫn còn là các di tích văn hóa lịch sử lớn của Ấn Độ. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, sự truyền bá và phát triển Phật giáo trong truyền thống hòa hợp với văn hóangôn ngữ bản địa vẫn luôn luôn là một đặc trưng của Phật giáo.[25]

Tóm lại chúng ta có đủ chứng liệu để chứng minh hai vấn đề. Thứ nhất Magadhi (Magadhi Prākrit) là ngôn ngữ phổ thông của quê hương và của các địa phương Đức Phật cư trú và hành đạo, cho nên dù thông thạo tiếng Sanskrit như tất cả các trí thức đương thời nhưng Đức Phật rõ ràng không giảng đạo bằng ngôn ngữ Sanskrit của giai cấp thiểu số trí thức và quí phái mà ngài đã chọn lựa thuyết giảng bằng ngôn ngữ phổ thông Magadhi (Magadhi Prākrit) của quần chúng.

Nhưng như thế có thể là “Đức Phật nói tiếng Pāli ?” Thì điểm thứ nhất chúng ta đã chứng tỏ Pāli và Magadhi (Magadhi Prākrit) không phải là một. Nhưng dù Pāli không phải là Magadhi (magadhi prākrit) thì “Đức Phật giảng pháp bằng ngôn ngữ Pāli chăng?” thì chúng ta cần thảo luận thêm trong phần sau về Sanskrit và Pāli. Ngoài Sanskrit là “ngôn ngữ của thần minh” đứng một mình, chúng ta biết Pāli và Magadhi (Magadhi Prākrit) đều là ngôn ngữ của nhóm ngôn ngữ phổ thông đương thời giới ngữ học gọi chung là Prākrit – và cũng có thể nói trong các ngôn ngữ Prākrit hiện nay thì Pālingôn ngữ cổ hơn cả. Cho nên nghiên cứu đối chiếu về ngôn ngữ Magadhi và Pāli cho chúng ta thấy chúng có rất nhiều điểm giống nhau và có ảnh hưởng hỗ tương. Nhưng các nhà ngữ học lịch sử cũng chứng minh rằng dù chúng có ảnh hưởng hỗ tương nhưng có lịch sử tồn tại và phát triển riêng biệt. Kết luậnPāli và Magadhi không là một, dù có thể có nhiều tương đồng. Cho nên chúng ta hiểu rằng quan điểm “Đức Phật giảng pháp bằng tiếng Pāli” chỉ là một mặc định của đức tin và không thuyết phục được đại đa số giới nghiên cứu. Trong phần viết về “Ngôn Ngữ Pālichúng ta sẽ trở lại đề tài này chi tiết hơn.

3. SANSKRIT (Saṃskṛtā)

Trong hai ngôn ngữ dùng trong kinh Phật mà chúng ta quen biết là Sanskrit và Pāli thì Sanskrit cổ hơn Pāli. Sanskrit được người Á Đông gọi là “Phạn tự” (梵字) hay “Phạn Ngữ” (梵語) hay đọc âm là “Xiển Đà” (chanda) vì hầu như lúc đó Phật giáo Á Đông chỉ biết có Sanskrit. Mãi về sau biết thêm sự hiện diện của Pāli thì người ta mới gọi Sanskrit là “bắc Phạn” và Pāli là “nam Phạn”. Chữ Sanskrit là chữ phổ thông đã quốc tế hóa, nếu viết đúng theo IAST (International Alphabet of Sanskrit Transliteration) thì viết là Saṃskṛtā.[26]

Trong ngữ học lịch sử thì chúng ta biết Sanskrit là một ngôn ngữ rất cổ của Ấn Độ có mặt từ gần hai ngàn năm trước Tây lịch và được coi là “ngôn ngữ của thần linh” dùng trong tế lễ của các các tôn giáo như Ấn giáo (Hinduism), Kỳ Na giáo (Jaina) và cả Phật giáo. Theo lịch sử Sanskrit phát triển không đơn độc mà phát triển song song với các ngôn ngữ phổ thông Prākrit - và không phải vì tình cờnghĩa đen của từ Prākrit có nghĩa là “tự nhiên” (natural) để so sánh với Sanskrit là ngôn ngữ “bác học” (refined) do “thần linh tạo ra” và có một vị trí độc tôn trong tôn giáo lẫn văn hóa. Ở Ấn Độ và các khu vực quanh Ấn Độ như Tây Tạng cho đến ngày nay thì ngôn ngữ Sanskrit vẫn là “hơi thở tinh thần” của văn hóa các quốc gia này. Dấu vết xưa cũ của chữ Sanskrit hiện còn trải dài từ Pakistan cho đến các vùng Đông Nam Á đến cả Việt Nam.[27]

Cho nên đến ngày nay dù chỉ còn vài chục ngàn người nói tiếng Sanskrit như ngôn ngữ mẹ đẻ nhưng Sanskrit từ thượng cổ cho đến nay vẫn luôn luôn là cơ sở tinh thần của văn hóa Ấn Độ, các kinh điển tôn giáo văn chương triết học của đất nước này đều là Sanskrit. Ngày nay ở Ấn Độ ngôn ngữ Sanskrit vẫn còn quan trọng hơn cổ ngữ La tinh hay Hy Lạp đối với thế giới Tây phương. Thực tế là hằng trăm triệu trí thức Tây phương ngày nay chỉ còn một số rất nhỏ chuyên gia còn biết cổ La Tinh hay cổ Hy Lạp. Nhưng tại Ấn độ Sanskrit vẫn tiếp tục được học tập như một ngôn ngữ của triết học văn chương ở học đường và dùng như một ngôn ngữ tế tự trong mọi lễ nghi tôn giáo. Không những ở Ấn Độ mà ở các quốc gia trong lân cận như Nepal, Tây Tạng Sanskrit vẫn được vô cùng kính trọng và dùng trong các tế tự tôn giáo. Ngay ở các quốc gia Á Đông như Trung Hoa thì dù Sanskrit chỉ có một thiểu số rất ít học giả còn biết đến, nhưng Sanskrit vẫn còn được sử dụng trong các nghi lễ dưới dạng các chân ngônthần chú (mantra) – Trong lễ đàn, cổng chùa, ảnh tượng, bia đá từ Trung Hoa đến Nhật Bản hay Việt Nam người ta vẫn thấy còn ngôn ngữ Sanskrit (viết bằng văn tự Siddhaṃ - Tất Đàn) luôn luôn được kính trọng như các linh tự. Tại các quốc gia Âu Mỹ ngày nay Sanskrit được dạy trong các đại học và là ngôn ngữ bắt buộc phải học cho các học trình tiến sĩ của các môn học liên quan đến ngôn ngữ văn hóa và nghệ thuật Ấn Độ và Á châu.

Một chiếc chuông ở Nhật Bản có trạm chữ Phạn.

 

Vedic Sanskrit > Classical Sanskrit > Buddhist Hybrid Sanskrit

Tiền thân của tiếng Sanskrit là tiếng Sanskrit Phệ Đà (吠陀) nên Anh ngữ gọi là Vedic Sanskrit. Như tên gọi, đây là ngôn ngữ của thánh thư Vệ Đà ṛgveda (Lê câu Phệ đà 棃俱吠陀) xuất hiện từ bốn thiên niên kỹ trước đây. Cho đến khoảng 500 năm trước Tây Dương lịch thì nhà đại ngữ học Pāṇini (ba-ni-ni 巴尼尼) hoàn tất việc nghiên cứusắp đặt ngôn ngữ Sanskrit vào một trật tự rõ ràng và rất chi tiết, đưa Sanskrit vào thành một hệ thống toàn chỉnh nên Sanskrit từ thời Pāṇini được gọi là “Sanskrit Cổ Điển” (Classical Sanskrit). Nhưng sau đó trong quá trình sử dụng Sanskrit để viết kinh Phật, người ta bắt đầu thấy nẩy sinh ra một dạng Sanskrit đơn giản hơn, được gọi là “mixed Sanskrit” hay “hybrid Sanskrit”. Loại Sanskrit này được dùng nhiều trong Phật giáo, đặc biệtkinh luận của Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda), nên cũng được gọi là “Sanskrit Phật giáo” (Buddhist Hybrid Sanskrit) là một dạng Sanskrit được tô điểm với ngôn ngữ phổ thông prākṛta dùng để giải thích thêm. [28]

Điểm quan trọng thứ nhất cần chú ý là khi người ta dùng từ Sanskrit để nói “ngôn ngữ Sanskrit” (Sanskrit language) thì hay bị hiểu lầm với “văn tự Sanskrit” (Sanskrit script) tức là ‘chữ viết Sanskrit”. Sanskrit là một ngôn ngữ toàn chỉnh và hữu hiệu nhưng căn bản vẫn là ngôn ngữ nói (spoken language). Cho nên lịch sử Sanskrit dù rất cổ (xuất hiện từ 2000 năm trước Dương lịch) nhưng cho đến thời cổ (từ khoảng 300 năm trước Dương lịch) người ta mới bắt đầu dùng nhiều loại cổ văn tự (chữ viết) khác nhau để viết (Sanskrit gọi “văn tự” là lipi). Ban đầu thì người ta chuộng văn tự Kharosthi rồi Brahmi [29] - Đây là hai loại văn tự thấy khắc trên các trụ Pháp Lệnh danh tiếng của vua A Dục (Aśoka) vào khoảng năm 280 trước Tây Đương lịch. Đến triều đại của vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishca khoảng đầu thế kỷ thứ nhất Dương lịch) thì văn tự Brahmi mới được dùng nhiều để viết Sanskrit. Cho đến thế kỷ thứ sáu thì người ta thấy Brahmi chuyển qua loại chữ Gupa Siddham. Loại văn tự Siddham (Tất Đàn) được chọn làm văn tự để viết kinh Phật cho đến tận thế kỷ XI. Nhiều người đã giới thiệu về Đại Tạng Kinh Hán Ngữ (đặc biệtđại tạng đang được dùng làm tiêu chuẩnĐại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh 大正新修大藏經) nhưng không chú thích quan trọng là Phạn ngữ của La Thập (344-413)[30] là văn bản viết bằng văn tự Brahmi, còn văn bản Phạn văn Huyền Trang (602-664) sử dụng là văn bản viết bằng văn tự Siddham.

Siddham (Hán dịch âm là 悉曇 (Tất Đàn) được coi là hậu thân trực tiếp của chữ Brahmi còn tồn tại đến ngày nay. Hầu như đa số kinh sách Huyền Trang (602-664) mang về Trung Hoa là kinh luận viết bằng chữ Tất Đàn. Rồi sau đó kinh luận Phật giáo Mật tông của Tam ĐạiMật tôngThiện Vô Úy (subhākārasimha 637-735) Kim Cương Trí (vajrabodhi 663-723) và Bất Không Kim Cương (amoghavajra 705-774) mang đến Trung Hoa truyền bá và dịch ra Hán văn cũng là chữ Tất Đàn rồi văn tự Tất Đàn được chuyên dùng để viết các chân ngôn hay thần chú – dù các thần chú này đã có “phiên thiết” ra Hán ngữ (thí dụ như thần chú gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā được chuyển thành “yết đế - yết đế - ba la yết đế - ba la tăng yết đế - bồ đề tát bà ha”).

 (Siddhaṃ)

गते गते पारगते परसंगते बोधि सवाहा (Devanāgarī)

gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā (IAST)

揭帝揭帝般羅揭帝般羅僧揭帝菩提薩婆訶 (Hán)

(Yết-đế yết-đế ba-la yết-đế ba-la-tăng yết-đế bồ-đề tát-bà-ha)

Mật tôngảnh hưởng lớn ở Trung Hoa, nhưng không có tông môn truyền thừa chính thức, cho nên người học Tất Đàn sau đời Đường (tk VII-IX) cũng không còn,[31] nhưng Tất Đàn vẫn luôn luôn được coi là linh ngữ được ghi khắc tôn thờ. Riêng ở Nhật Bản thì khác, Đại sư Không Hải (Kukai 774-835) của Nhật Bản qua Trung Hoa học Mật tông về Nhật Bản thành lập Chân Ngôn Tông (真言宗/ Shingon-shu) tiếp tục phát triển cho đến ngày nay với hàng ngàn chùa thất và hằng chục đại học. Cho nên ngày nay hầu như chỉ có Nhật Bản là nơi duy nhất còn dạy Sanskrit bằng văn tự Tất Đàn mà tiếng Nhật gọi “Tất Đàn” là “Bonji” (梵字 Phạn tự). Rồi từ chữ Sanskrit Tất Đàn, cho đến đến cuối thế kỷ XIX Nhật Bản theo chân Tây Phương nghiên cứu Pāli, họ cũng mau chóng trở nên các học giả cự phách về Pāli học, vì đã học Sanskrit thì trở qua học thêm Pāli rất dễ dàng.

Vì từ những nhân duyên này mà Phật giáo Á Đông rất quen thuộc với văn tự Tất Đàn hơn cả với loại chữ Brahmi trước đó hay Devanāgarī sau này. Có thể nói tất cả các kinh Hán văn trong Tam Tạng Hán ngữ đều là dịch từ Sanskrit hay Hồ ngữ do khẩu truyền hay từ văn bản (xem phần viết về kinh tạng Hán ngữ) nhưng hầu như không có kinh Phật Hán ngữ dịch từ văn tự Devanāgarī. Lý do đơn giản vì khi người Ấn Độ bắt đầu có văn tự Devanāgarī thì các kinh luận cũ viết bằng cổ tự như Tất Đàn vẫn còn, rồi khi người Ấn trọng dụng văn tự Devanāgarī thì Phật giáo đã “biến mất” ở Ấn Độ. Cho nên người Á Đông hầu như “chưa kịp” biết đến văn tự Devanāgarī. Vì vậy học giả người Á Đông sau này chỉ có người chuyên cứu về cổ văn học Ấn ĐộPhật học thì mới học Devanāgarivăn tự viết theo IAST mà thôi.

Chữ Tất Đàn dù ngày nay ở Trung Hoa và Việt Nam không còn ai học nữa nhưng nếu chúng ta chú ý thì từ các bia đá, cột chùa, chuông đồng cho đến chân ngôn thần chú vẫn tiếp tục được viết khắc bằng chữ Tất Đàn như một linh tự. Ở Việt Nam tôi chú ý hầu như không có dấu vết gì của loại chữ Brahmi hay Devanāgarī – Riêng ở Võ Cạnh, Nha Trang thì giới khảo cổ lại phát hiện ra chữ Pāli cổ viết theo văn tự Brahmi - được xem là di chỉ ngôn ngữ Pāli cổ nhất ở Đông Nam Á nhưng đó là đất cũ của vương quốc Champa ngày trước, không liên hệ với Việt Nam.

Sau thế kỷ XIII thì ở Ấn Độ lại bắt đầu thích dùng mẫu tự Nāgari để viết Sanskrit, và loại chữ Devanāgarī (phát triển từ Nāgarī) mới trở nên phổ biến. Cho đến thế kỷ XX thì mẫu tự Devanāgarī không những được dùng để viết Sanskrit hay Pāli mà còn được dùng để làm mẫu tự viết cho rất nhiều ngôn ngữ hiện đại khác như Hindi, Nepali, Magadhi, Awadhi, Konkani v.v. Cho nên văn tự Devanāgarī rất phổ biến khiến nhiều người sinh ra một sai lầm khi nghĩ rằng “chữ Devanāgarī là chữ Sanskrit” mà đúng hơn phải nói rằng “văn tự Devanāgarī là một trong những loại mẫu tự dùng để viết Sanskrit (như chữ Quốc Ngữ dùng mẫu tự La tinh, chữ không phải chữ Việt là chữ La Tinh) và đừng quên thời hoành tráng của Brahmi và Tất Đàn vốn là viễn tổ của Devanāgarī.

 Ngày nay loại chữ IAST (International Alphabet of Sanskrit Transliteration) viết Sanskrit bẳng mẫu tự La tinh lại cũng đã thay thế dần các loại chữ viết Sanskrit khác. Đại đa số người học Sanskrit ngày nay vì nghành học liên quan đến văn hóa văn minh nghệ thuật Ấn Độ cũng chỉ học IAST. Loại văn tự Devanāgarī thường chỉ thịnh hànhẤn Độ và ở các quốc giangôn ngữ vốn đã dùng dùng mẫu tự Devanāgarī như chữ Hindi, Nepali, Awadhi v.v.

Ở các quốc gia Á Đông chữ Devanāgarī thì vừa không phổ biến vừa không được kính trọng như chữ Tất Đàn thời xưa. Tuy nhiên từ thế kỷ XX thì chữ Devanāgarī quá phổ biến qua các nghiên cứu kinh viện của học giả Tây phương nên làm nhiều người hiểu sai là Devanāgarivăn tự Phạn duy nhất để viết Sanskrit mà quên đi thời huy hoàng của văn tự cổ như Brahmi hay Tất Đàn. Thực tế thì ngày nayngười Á Đông dù không còn học chữ Tất Đàn (trừ Nhật Bản) nhưng trong tâm tư vẫn coi Tất Đànngôn ngữ linh thiêng. Phật giáo Á Đông ngày nay thường đọc chân ngôn bằng ngôn ngữ Tất Đàn (qua cách lối phiên thiết của chữ Hán, xem thí dụ về thần chú gate), và đặc biệt là vẫn dùng văn tự Tất Đàn để viết chữ và trang trí điện tháp (mặc dù không còn ai biết chữ Tất Đàn nữa). Quần chúng thì thực tế hơn, họ phân biệt Phật giáo thì trang nghiêm bằng chữ Tất Đàn còn “đền thờ Ấn Độ giáo” thì dùng văn tự Devanāgarī (tiếng Hindi Ấn Độ đang viết bằng mẫu tự Devanāgarī)

Điểm quan trọng là Sanskrit căn bản là một ngôn ngữ nói (spoken language) và Sanskrit chưa bao giờ là tử ngữ. Ngày nay vẫn còn có vài trăm ngàn người ở Ấn ĐộNepal nói Sanskrit như là ngôn ngữ mẹ đẻ. Cho nên ngôn ngữ Sanskrit vẫn được thừa nhận là một trong mười lăm ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ. Chúng ta phải thấy sự quan trọng của ý nghĩa này, vì ở Ấn Độ còn có nhiều ngôn ngữ khác có nhiều người nói như tiếng Magadhi hiện có đến hơn 12 triệu người coi là ngôn ngữ mẹ đẻ mà vẫn không được coi là một trong mười lăm ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ (Hiện đại Magadhi được coi là một thành phần của ngôn ngữ Hindi, một ngôn ngữ đại chúngphổ thông nhất Ấn Độ). Ngày nay Sanskrit dù số người coi tiếng Sanskrit là ngôn ngữ mẹ đẻ càng ngày càng ít. Nhưng Sanskrit vẫn không vì thế mà không còn quan trọng, vì giá trị văn hóa vô đối của nó. Ở các trường học Ấn Độ người ta vẫn có thể chọn Sanskrit là ngôn ngữ thứ hai. Ở các đại học Âu Mỹ, sinh viên đều được khuyến cáo học Sanskrit nếu ngành học liên quan đến ngữ học, triết học, hay nghệ thuật văn minh Á Châu.

Sanskrit luôn luôn là công cụ truyền bá không phải chỉ của văn hóa Phật giáo mà còn là tượng trưng cho văn hóavăn minh Ấn Độ. Kinh điển triết học thi ca của Ấn Độ từ Vệ Đà (ṛgveda) đến Áo Nghĩa Thư (Upanishad) và kinh điển Phật giáo, Kỳ Na giáo (Jainism) cũng đều là Sanskrit. Sanskirt lại rất quan trọng trong nghành ngữ học, đặc biệtngữ học lịch sử. Sanskrit và ngôn ngữ Tây phương đều chung nguồn gốc - gọi là ngôn ngữ Ấn Âu (Indo-Eurpopean Language) gồm Hittite (1750 – 1200 BC), Ancient Greek (cổ Hy-Lạp 750 – 400 BC), classical Latin (cổ La Tinh 600 BC–100 CE), Gothic (cổ Đức ngữ Germanic language, 350 CE), v.v.

Theo đó, Sanskrit là ngôn ngữ cổ nhất còn tồn tại của ngôn ngữ Ấn Âu được giới ngữ học cho là viễn tổ của nhiều ngôn ngữ cả Ấn Độ lẫn Âu châu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh về từ nguyên học (etymology) cũng như âm vị học, cho thấy chúng đều chia sẻ các từ gốc, chỉ với cách đọc hơi khác nhau.[32] Về nhân chủng thì giống người Aryan không những là giống người thành lập ra văn minh Ấn Độ (bên cạnh dân bản địa)[33] mà cũng là giống người vốn là tiền thân của nhiều chủng tộc Âu châu - Chúng ta còn nhớ trong Thế Chiến II, Hitler luôn luôn tự hào nước Đức của ông ta là “thuần chủng Aryan”.

Tóm lại, chúng ta cũng nên biết Sanskrit là một ngôn ngữ và cũng là một cổ ngữ quan trọng như thế, nhưng ít người biết rằng từ xưa cho đến nay Sanskrit chưa bao giờchữ viết (lipi) riêng của nó. Trong các loại văn tự cổ nhất dùng để viết Sanskrit hay Pāli thì chúng ta biết hai cổ tự là Kharosthi và Brahmi. Đến thế kỷ VII thì Brahmi phát triển thành nhiều loại văn tự khác, trong số đó Siddham (Tất Đàn) rất quen thuộc với người học Phật Á Đông. Chữ Siddham (Tất Đàn) là loại chữ được sử dụng để viết kinh luận Phật giáo từ thế kỷ I đến thế kỷ VIII (đại bộ phận kinh luận do Huyền Trang (601-664) mang về Trung Hoa là kinh luận Sanskrit viết bằng chữ Siddham. Cho nên Sanskrit viết bằng Siddham rất có ảnh hưởng với Phật giáo Á Đông. Ngày nay mặc dù ở Á Đông, trừ Nhật Bản, thì không còn ai biết chữ Siddham nữa nhưng người ta vẫn còn thấy Sanskrit viết bằng chữ Siddham trên các tượng thờ, chuông đống, bia đá.[34] Chữ Siddham không những chuyên dùng để viết phù chú mà tự nó cũng là một thứ linh tự. Cái hào quangDevanāgarī ngày nay không thể có được.

Trở lại với lịch sử phát triển của ngôn ngữ Sanskrit. Văn tự Brahmi không dừng ở Siddham mà sau đó còn phát triển thành loại văn tự Nāgarī. Từ thế kỷ XII loại chữ Nāgarī phát triển thành chữ Devanāgarī (thịnh hành ở phương bắc) và Nandināgarī (thịnh hành ở phương nam). Devanāgarī nghĩa đen là “chữ Nāgarī của Hoa thị thành” ngày nay không chỉ dùng để viết Sanskrit mà nó còn phổ thông hơn nữa khi được dùng làm tự mẫu (alphabet) cho rất nhiều ngôn ngữ khác như Hindī (हिन्दी) của Ấn Độ, Nepalese của Nepal, và hàng chục ngôn ngữ chính thức của các quốc gia ở khu vực này như Awadhi, Marathi, Pahari, Kurukh.[35] Rất ít người ý thức rằng trong khi ngôn ngữ Sanskrit là một ngôn ngữ văn chươngbác học đã có từ rất xưa, còn văn tự Devanāgarī thì tiến triển rất chậm, nó mới chỉ được dùng rộng rãi từ thế kỳ XII và cho đến thế kỷ XIX nó mới toàn chỉnh như hiện tại.

Ngày nay dù văn tự Devanāgarī phổ biến rất rộng và được dùng làm chữ cái (mẫu tự) để viết nhiều ngôn ngữ khác, nhưng nó vẫn không phải là loại cổ tự như Kharosthi, Brahmi hay Siddham nên thiếu phần “linh thiêng” cần thiết của tôn giáo. Và cũng trong chiều hướng phát triển quốc tế hiện đại thì tôi nghĩ trong giới học thuật loại chữ Sanskrit La tinh IAST sẽ phát triển hơn chữ Sanskrit viết bằng văn tự Devanāgarī. Đó cũng là trường hợp chữ Pāli La-tinh (của Pali Text Society thiết lập năm 1881) đã thay thế dần các loại chữ Pāli viết bằng các mẫu tự khác nhau của các quốc gia Đông Nam Á.

Cuối cùng chúng ta chỉ cần nhớ Sanskritngôn ngữ bác họcvăn chương, dù hoàn hảo nhưng căn bản là “ngôn ngữ nói” (spoken language) không có riêng chữ viết của nó, cho nên chữ Sanskrit La tinh IAST (International Alphabet of Sanskrit Transliteration) ngày nay vừa phổ biến vừa cũng có giá trị và có thể chuyển đổi với các loại chữ cổ Kharosthi, Brāhmi, Sidddham hay tân thời như  Devanāgarī vì tất cả chúng đều dùng mẫu tự (chữ cái) để ghi âm (gọi là phonetic languages). Cụ thể hơn hết là với tiêu chuẩn điện toán ISO 15919 (standard transliteration convention) chúng ta có thể in và viết IAST trên máy điện toán computer, và do đó có thể tàng trữ so sánhchuyển đổi dễ dàng qua lại từ IAST và Devanāgarī.

4. PALI (Pali, Pāli, Paḷi, Pāḷi)

Pali, Pāli, Paḷi, Pāḷi [36] - viết theo văn tự Devanāgarī  là पाळि - thuộc nhóm ngôn ngữ Âu Ấn thời Trung cổ (Indo - Aryan Languages) chúng ta có thuật ngữ gọi chung tất cả các ngôn ngữ Ấn Độ phổ thông thời này là prākrit”. Cứ theo ngôn ngữ học lịch sử thì chúng ta biết Pāli là một dạng ngôn ngữ phát sinh từ tiếng Paishachi.[37] Tiếng Paishachi vào thời gian vua A Dục (thế kỷ thứ ba trước Tây Dương lịch) là một ngôn ngữ phổ thông của nhóm prākrit dùng nhiều ở miền tây đế quốc này (quê hương của bà Devi, mẹ Mahinda). Cũng theo các nghiên cứu ngữ học lịch sử thì Đức Phật giảng bằng tiếng Magadhi Prākrit rồi sau đó được diễn ra Paishachicuối cùng là phát triển qua ngôn ngữ Pāli. Khi phái đoàn của tu sĩ Mahinda (Ma Hi Đà) và nữ tu sĩ Sanghamitt (Tăng già Mật Đa) đều là con của vua A Dục truyền giáo đến Tích Lan thì Mahinda mang theo những bộ kinh Pāli truyền khẩu giữ nguyên ngôn ngữ gốc của nó bằng tiếng Magadhi Paishachi. Sau khi đến Tích Lan Mahinda mới biết dân chúng ở đây không biết cả Pāli lẫn Magadhi, cho nên ngài và phái đoàn truyền giáo mới dịch các chú thích kinh ra tiếng bản xứ (Sinhalese) để truyền bá đạo Phật theo giáo pháp “Đồng Diệp Bộ” (tāmra-śātīya) một chi nhánh của Thượng Tọa Bộ (s. Sthaviravāda, p. Theravāda).

Tu sĩ Mahinda là con vua A Dục (A Dục trị vì 272-231 trước Dương lịch một vị hoàng đế sáng chói nhất của đế quốc Khổng Tước (Maurya) hùng cường nhất trong lịch sử Ấn Độ) có mẹ là bà Devi người vợ đầu tiên của vua A Dục từ khi ông còn làm quân trưởng vùng này. Khi A Dục trở về thủ đô Pataliputra (nay là Patna) lên ngôi Hoàng Đế, thì vương tử Mahinda ở lại với mẹ Devi vốn là đại quí tộc ở vùng này và cũng là một người rất tín ngưỡng Phật giáo, cho nên dù là con lớn của A Dục Đại Đế mà ông vẫn theo gương Đức Phậtxuất gia. Hoàng hậu Devi là người vùng này cho nên ngôn ngữ tự nhiên của bà là Paishachi. Mahinda sống với mẹ từ bé nên chúng ta tin rằng ngài cũng nói tiếng Paishachi là phương ngữ địa phương của tiếng Magadhi – cả hai đều gọi chung là ngôn ngữ Prākrit (các trụ Pháp Lệnh của vua A Dục đại đa số là tiếng Prākrit viết bằng cổ tự BrahmiKharosthi).

Cho đến thế kỷ thứ nhất trước Dương lịch, ở Ấn Độ tiếng Pāli đã bắt đầu xuy vi và cho đến thế kỷ thứ mười thì hầu như “biến mất” vì không còn ai có nhu cầu học và biết Pāli nữa. Pāli sau đó chỉ còn sống sót ờ ngoài Ấn Độ nhờ Pālingôn ngữ kinh Phật của Phật giáo Theravāda của các quốc gia Đông Nam Á, và trong cùng thời gian này ở Ấn Độ thì Sanskrit đã phát triển đến đỉnh cao nhất. Nên nhớ sau khi học giả Pānini chỉnh đốn tiếng Phạn cổ (Vedic Sanskrit) thành ngôn ngữ Sanskrit còn hoàn hảo hơn nữa, nên gọi là “Sanskrit Cổ Điển” (Classical Sanskrit). Người ta hầu như chỉ dùng loại Sanskrit này để ghi chép kinh luậnvăn chương. Cho nên người ta hầu như không tìm ra văn cảo tôn giáo hay triết học nào bằng ngôn ngữ PāliẤn Độ. Trong khi đó, trong quá trình ghi kinh luận Phật giáo bằng Sanskrit thì người ta lại thành tựu một loại tiếng Sanskrit đơn giản hơn và thường có pha một số ngôn ngữ phổ thông prākrit nên gọi là “tạp Sanskrit” hay “lai tạo Sanskrit” (hybrid Sanskrit). Loại Sanskrit này được dùng nhiều trong Phật giáo, đặc biệtkinh luận của Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) cho nên cũng được gọi là “Sanskrit Phật giáo” hay “Buddhist hybrid Sanskrit”. Tóm lại từ thế kỷ thứ nhất thì Pāli đã bắt đầu suy vi và cho nên đến thế kỷ XI khi Phật giáo biến mất ở Ấn Độ thì Pāli hoàn toàn là một tử ngữ vì hầu như ở Ấn Độ không còn ai học hay sử dụng Pāli nữa, nên nhớ Pāli chỉ là ngôn ngữ phải học (learned language) không phải là ngôn ngữ tự nhiên – tiếng mẹ đẻ. 

Riêng ở Tích Lan (Sri Lanka) đến thế kỷ thứ năm khi Pāli ở chính quốc Ấn Độ đi đến giai đoạn thoái trào và Sanskrit đạt đến đỉnh cao nhất thì Pāli chỉ tồn tại nhờ vai trò của nó trong kinh điển Phật giáo Theravāda. Ở đây chúng ta còn phải nhắc đến nhân vật Phật Âm (Buddhaghosa) vào thế kỷ IV. Buddhaghosa là một sử gia và học giả lớn của Phật giáo Theravāda sinh trưởngMa Kiệt Đà (magadha) Ấn Độ nhưng hoạt độngTích Lan. Buddhaghosa đã đóng vai trò quan trọng cho sự hồi sinh trở lại của Pāli ở xứ sở này như là một ngôn ngữ của Phật giáo. Cho nên khác với Ấn Độ, nơi phát nguyên của tiếng Pāli, ở các quốc gia theo Phật giáo Nam phương (Theravāda) Pāli vẫn sống sót cho đến ngày nay. Vai trò Pāli ở các quốc gia này giống như La Tinh ở Âu Châu thời trung cổ. Tại các Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Cambodia, người Phật giáo Theravāda tiếp tục cầu nguyện kinh Phật bằng Pāli. Tu sĩ các nước này còn có thể liên lạc với nhau nếu có học Pāli.  

Lẽ dĩ nhiên Pāli không phải là ngôn ngữ bản địa của các quốc gia Phật giáo này cho nên Pāli chưa bao giờngôn ngữ tự nhiên (là tiếng mẹ đẻ) mà chỉ là ngôn ngữ do học vấn (phải học mới biết). Như trường hợp Tích Lan (Sri Langka) là quốc gia đầu tiên trong khu vực này theo Phật giáo thì cho đến ngày nay ngôn ngữ phổ thông của đảo quốc này vẫn luôn luôn là tiếng Sinhalese.[38] Theo thống kê mới nhất năm 2016 thì dân đảo quốc Tích Lan có gần 17 triệu người nói tiếng Sinhalese (tức 75 % dân số). Nhóm thứ nhì là độ gần bẩy triệu người Tamil di cư từ nam Ấn Độ nói tiếng Tamil (một loại phương ngữ Ấn Độ). Số còn lại là các đám thiểu số nhỏ gồm thổ dân hải đảo, các hậu duệ của người Bồ Đào Nha, Anh quốc v.v.[39] Còn Pālingôn ngữ phải học mới biết, không có người Tích Lan, Thái Lan hay Miến Điện nào nói tiếng Pāli là tiếng mẹ đẻ cả. Ngay cả trong giới tu sĩTích Lan ngày nay, chỉ có tu sĩ có học mới biết Pāli. Quần chúng bình thường chỉ biết đọc và tụng kinh Phật bẳng ngôn ngữ Singhalese mà thôi.

Như chúng ta biết, vì cùng nhóm Prākrit (các ngôn ngữ Ấn Độ thời trung cổ) cho nên PāliMagadhi Prākrit có rất nhiều liên hệ, nhưng đây chỉ là những ảnh hưởng hỗ tương qua lại, mà không phải là liên hệ vì có nguồn gốc trực tiếp.[40] Cũng như ảnh hưởng tương quan giữa Pāli và Sanskrit thì còn rõ ràng hơn nữa, nhưng đó chỉ là những liên hệ tương quan và không có nghĩa là Pāli xuất phát từ Sanskrit. Dù người ta nhận thấy hầu như các thuật ngữ Pāli Phật giáo đều được mượn từ những từ vựng Sanskrit với một số thay đổi về cách phát âm theo một qui cách nhất định. Nhưng rõ ràng Pāli không phát xuất từ Sanskrit. Cũng như thế, Pāli sau này được sử dụng ở các quốc gia theo Phật giáo Nam phương cho nên Pāli từ đây cũng mượn một số ngôn ngữ địa phương (Sinhalese, Burmese, Thai v.v.) không phải gốc Ấn Độ. Việc sử dụng ngôn ngữ địa phương trong Pāli có thể dễ dàng tìm thấy trong các lời chú giải kinh Phât tiếng Pāli, như các câu chuyện dân gian, bình giải về kinh, điển hình là Jātaka (kinh Bản Sinh về sự tích Đức Phật) v.v.

Cũng nên nhớ rằng trong truyền thống Ấn Độ xưa nay Sanskrit luôn luôn được cho là một ngôn ngữ thần thánh linh thiêng, không thay đổi được vì trong đó mỗi từ hàm chứa một ý nghĩa quan trọng. Đó là ngôn ngữ riêng của lớp người cao quí và tri thứcgiai cấp thấp nếu học Sanskrit bị coi là phạm tộiQuan điểm giai cấp này lẽ dĩ nhiên không được Phật giáo chấp nhận, như đã nói trong phần viết về Sanskrit, cho nên chính Đức Phật còn ra lệnh cấm giảng thuyết bằng loại ngôn ngữ quí phái Sanskrit và minh thị rõ ràng chỉ được truyền giáo bằng ngôn ngữ phổ thông đại chúng. Quan điểm về ngôn ngữ này do đó đã mở rộng tự nhiên đến Pāli và khiến nó có thể đóng góp một phần nhất định vào việc sử dụng Pāli trong sinh hoạt Phật giáo khi đức Phật cấm giảng đạo bằng tiếng Sanskrit, cho nên Pāli dù chết ở Ấn Độ nhưng vẫn sống sót ở các quốc gia Phật giáo Theravāda có dùng Phật tạng Pāli. Đây cũng là một điều cần chú ý, nhờ giữ được ngôn ngữ Pāli khiến Phật giáo ở đây giữ được truyền thống nguyên thủy, thì phải chăng cũng đã đi ngược với giáo huấn của Đức Phật khi ngài chủ trương truyền bá giáo pháp bằng ngôn ngữ địa phương?

Tuy không linh thiêng như Sanskrit, nhưng theo suy nghĩ bình dân thông thường của quần chúng thì Pāli vẫn là “lời Phật’ cho nên, các lời tụng kinh bằng tiếng Pāli cũng được cho là có những quyền năng siêu phàm. Tại các quốc gia Phật giáo Theravāda thì Pāli còn được kính trọng còn hơn người Việt đối với chữ Hán vì Pāli được dùng trong các dhāraṇī (chân ngôn), và trong nhiều trường hợp chữ Pāli tự thân cũng là thần chú. Nhiều người bình dân trong văn hóa Theravāda vẫn còn tin rằng thề thốt bằng tiếng Pāli có một sự quan trọng đặc biệt.

Như đã nói, Pāli căn bản là “ngôn ngữ học vấn” (có nghĩa là phải học mới biết) nó chưa bao giờ là “ngôn ngữ tự nhiên” (ngôn ngữ mẹ đẻ). Có hai sự nhầm lẫn lớn. Thứ nhất là coi Pāli là ngôn ngữ tự nhiên và thứ hai là việc cho rằng Pāli là tiếng Magadhi Prākrit (cơ bản là ngôn ngữ tự nhiên) khiến trước đây người Phật giáo Theravāda vẫn tin rằng “PāliMagadhi Prākrit là một” nên nghĩ rằng ngôn ngữ Magadhi Prākrit khắc trên trụ đá Pháp Lệnh (Edict of Aśoka) của vua A Dục là chữ Pāli - Sự thật các trụ Pháp Lệnh của vua A Dục là có đến ba loại ngôn ngữ Magadhi Prākrit và đều viết bằng văn tự Brahmi trừ hai trụ Pháp Lệnh viết bằng văn tự Kharosthi ở vùng tây bắc, không hề có trụ Pháp Lệnh nào viết bằng chữ Pāli cả vì Pali không phải là chữ viết (văn tự).[41]

Cũng giống như trường hợp theo tín sử Tích Lan (Mahavamsa) thì Kinh tạng Pāli đã được viết bằng chữ Sinhalese (Sinhala script) vào khoảng 80 năm trước Đương lịch dưới triều đại vua Vattagamini. Tuy nhiên theo chứng cớ khảo cổ thì người ta chỉ mới tìm được văn cảo (manuscript) Pāli (viết bằng chữ Brāhmi) sớm nhất là khoảng cuối thế kỷ thứ năm hiện nay còn dấu vết ở thành phố Pyu của Miến Điện (Burma).[42]

Chúng ta có thể tin rằng Phật điển Pāli của Phật giáo Theravādathành quả của kỳ kết tập thứ ba dưới triểu vua A Dục, nhưng chủ yếu kỳ kết tập này cũng chỉ là đọc tụng ôn lại kinh điển. Cho nên rõ ràngcho đến kỳ kết tập này chưa có kinh điển Phật giáo được viết xuống bằng văn tự. Nhưng người ta vẫn thắc mắc là liệu trong bẩy trăm năm ấy truyền thừa chỉ bằng trí nhớkhẩu truyền như thế, cho đến khi kinh Phật được viết xuống, thì có những khác biệt biến dạng như thế nào? Cuối cùng bản chất vẫn chỉ là đức tin.

Quan trọng hơn cả, như chúng ta biết giống như Sanskrit ngôn ngữ Pāli không có chữ viết của riêng nó, trước kia người muốn viết kinh Pāli người ta phải dùng các loại cổ tự như chữ Brāhmī rồi sau nữa người ta mới dùng văn tự Devanāgarī để chép kinh tạng Pāli. Sau này thì người nước nào thì dùng mẫu tự nước đó. Như người Tích Lan phải dùng mẫu tự Tích Lan (Sinhalese), người ở Thái Lan phải dùng mẫu tự chữ Thái, người Campuchia thì dùng mẫu tự Campuchia. Vì vậy có một việc mà nhiều người không biết là ngày nay tu sĩPhật tử ở các quốc gia Đông Nam Á dùng chung Kinh Tạng chữ Pāli, cho nên nếu tụng kinh bằng tiếng Pāli thì họ có thể cùng tụng chung (như trước đây tín đồ Thiên Chúa giáo các nước đều đọc kinh bằng La Tinh) nhưng chỉ có người có đi học mới biết Pāli, số Phật tử còn lại người nước nào cũng chỉ biết học và đọc kinh viết bằng chữ của nước mình mà thôi.[43] Cho nên ngày xưa người ngoại quốc như người Việt Nam muốn học Pāli thì phải học trước hoặc học song song với một ngôn ngữ địa phương như Tích Lan hay Campuchia nào đó. Tuy nhiên từ ngày Pāli với mẫu tự Latin phổ biến (của T. W. Rhys Davids và do hội Pāli Text Society phổ biến từ năm 1881)[44] người ta có thể học trực tiếp Pāli bằng mẫu tự (alphabet) La tinh. Ngày nay kinh sách Phật giáo viết bằng “Pāli La tinh” dần dần cũng phổ biến còn hơn so với các loại viết bằng mẫu tự khác như Pāli chữ Thái Lan, Tích Lan, Lào, Miến Điện hay Campuchia.

5. SO SÁNH SANSKRIT VÀ PALI

1. Sanskritngôn ngữ cổ hơn Pāli.

Sanskrit là ngôn ngữ cổ điển của Ấn Độ xuất hiện từ hai ngàn năm trước Dương lịch, là ngôn ngữ linh thiêng của Ấn Độ được tin là ngôn ngữ do thần linh sáng tạo. Sanskrit vừa được dùng trong mọi nghi thức của các tôn giáoẤn Độ vừa được coi là ngôn ngữ thanh lịch văn chương của giai cấp tăng lữ và quí tộc khắp Ấn Độ. Còn Pāli cho đến khi trở thành tử ngữ vẫn chỉ là một phương ngữ Ấn Độ (một trong nhiều ngôn ngữ prākrit) thời trung cổ (Middle Indo-Aryan Language). SanskritPāli đều dùng trong kinh diển Phật giáo, Sanskrit còn được dùng sớm hơn trong tất cả các nghi thứckinh điển các tôn giáo khác từ Bà La Môn đến Kỳ Na giáo (Jainism). Tuy nhiên Pāli thì hầu như chuyên dùng cho kinh điển Phật giáo cho nên ngoài một số sách thuốc, chúng ta hầu như không có các tác phẫm văn chương Pāli như Sanskrit. Vì lý do “chuyên trị Phật giáo” cho nên mặc dù SanskritPāli đều chia sẻ các thuật ngữ Phật học, nhưng nhiều khi sử dụng thuật ngữ Phật học Pāli lại “chính xác” hơn, vì các từ tương đương bên Sanskrit nhiều khi còn bị mang ảnh hưởng của ngôn ngữ và triết lý khác của văn hóa Ấn Độ – Đây cũng là hiện tượng giống như khi nghiên cứu Phật giáo chúng ta phải rất cẩn thận khi dùng các thuật ngữ Phật học chữ Hán (Hoa ngữ) thường bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa (tư tưởng Khổng Lão và phương pháp Cách Nghĩa).

2. Pāli không phải là hậu duệ của Sanskrit

Mặc dù Pāli không là hậu duệ trực tiếp của Sanskrit (Vedic Sanskrit hoặc Classical Sanskrit) nhưng hai ngôn ngữ này rất gần nhau và những đặc tính chung sẽ được người học cả hai ngôn ngữ nhận ra một cách dễ dàng. Về từ ngữ, phần rất lớn các từ trong Pāli và Sanskrit thường giống nhau, chỉ khác nhau trong chi tiết biến tố. Vì có các liên hệ này các thuật ngữ Phật học Sanskrit có thể chuyển đổi dễ dàng thành Pāli (và ngược lại) bằng một số các biến đổi phát âm quy ước về âm vị học.

3. Ngữ pháp Pāli đơn giản hơn Sanskrit.

Thuần túy về ngữ pháp thì ngữ pháp Pāli giống nhưng đơn giản hơn Sanskrit. Theo các nhà ngôn ngữ học cả hai ngôn ngữ SanskritPāli có lẽ khởi sự là ngôn ngữ nhân tạo (được tạo ra cho nhu cầu truyền thông của con người, cho nên là ngôn ngữ phải học mới biết), sau đó Sanskrit mới trở thành ngôn ngữ mẹ đẻ của một số người, nhưng Pāli trước sau vẫn chỉ là ngôn ngữ phải học mới biết. Cho nên khi Sanskrit càng trở nên văn hoa hơn, thì cũng từ ưu điểm này mà tự thân cũng là khuyết điểm khi nó trở nên quá trừu tượng so với nét trực tiếp của PāliChúng ta cần biết ý nghĩa của truyền thuyết Ấn Độ cho rằng con người không tạo ra tiếng Sanskrit mà do thần linh tạo ra, cho nên tự thân Sanskrit đã được coi là ngôn ngữ của Phạm Thiên. Đức tin này một khi đề cao sự cao quí của Sanskrit thì cũng vô tình là con dao hai lưỡi khi phân tích ngôn ngữ về mặt thuần khiết căn bản.

4. Sanskrit và Pāli đều không có văn tự riêng.

Sanskrit và Pāli đều không có chữ viết riêng của nó, mà dùng rất nhiều loại chữ khác nhau để viết. Theo các chứng liệu còn giữ được như Trụ Pháp của vua Ashoka và các mảnh kinh Phật trên vỏ cây, trên tiền đồng, trên đá thì các loại chữ viết cổ như KharosthiBrahmi đều đã được dùng để viết Sanskrit và Pāli. Sau đó phổ biến hơn cả là loại văn tự có tên Siddham phát triển từ Brahmi và kế đó là Devnanāgari bắt đầu được dùng nhiều để viết Sanskrit – nhưng lúc này Pāli đã tàn ở Ấn Độ (Văn tự Devanāgari dùng để viết Pāli là của người đời sauTích Lan). Sau đó loại chữ Devanāgari dùng để viết Sanskrit trở nên phổ biến nên nhiều người thường đơn giản hóa rằng “chữ Devanāgari là chữ Phạn” mà quên các loại văn tự tiền phong như Kharosthi, BrahmiSiddham rất quan trọng trong lịch sử Phật giáo hơn là văn tự Devanāgari. Từ thế kỷ XX thì thế giới lại chuyển qua cách La tinh hóa chữ Devanāgari như IAST (International Alphabet for Sanskrit Transliteration). Hiện nay chữ “Pāli-Latin” của Pali Text Society đã phổ biến hơn các loại văn tự khác của Pāli[45] cũng như văn tự IAST phổ biến hơn văn tự Devanāgari để viết Sanskrit.

5. PāliMagadhi không phải là một.

Pāli cũng như Magadhi đều là phương ngữ Ấn Độ thời trung cổ, thuật ngữ gọi chung tất cả các ngôn ngữ đó là “các ngôn ngữ Prākrit” (Prākrit languages) còn Sanskrit là một ngôn ngữ riêng. Cho nên trước đây người ta cho rằng Pālihậu duệ trực tiếp của Magadhi PrākritPrākrit của xứ Magadha” là ngôn ngữ phổ thông của vùng MagadhaBihār là quê hương Đức Phật. Vì vậy nếu nói ngôn ngữ của Đức Phật là tiếng Magadhi Prākrit thì đúng nhưng cũng dễ bị hiểu lầm khi nói rằng “Đức Phật giảng pháp bằng tiếng Pāli”Quan điểm “Phật nói tiếng Pāli” vốn là một đức tin khó lay chuyển của nhiều tu sĩ Phật giáo Therāvada – Nhưng nghiên cứu ngữ học lịch sử trong những năm vừa qua lại cho thấy mặc dù có sự liên hệ chặt chẽ giữa PāliMagadhi-Prākrit nhưng nguồn gốc và phát triển của chúng thì hoàn toàn độc lập.[46]

6. Kinh Phật Pālikinh điển khẩu truyền cổ nhất

Chúng ta được biết sau kỳ kết tập thứ ba (thế kỷ thứ ba trước Dương Lịch) toàn bộ kinh luận của kỳ kết tập này là cơ sở của giáo pháp Thượng Tọa bộ (Theravāda sau này) và kết tập bằng tiếng Magadhi và sau đó được truyền qua ngôn ngữ Paishachi (môt ngôn ngữ chị em với Magadhi). Sau đó các phái đoàn truyền giáo do vua A Dục phái đi cũng mang theo kinh Phật bằng tiếng Magadhi hay Paishachi. Trong các phái bộ truyền giáo này thành công nhất là phái bộ đi Tích Lan do sư Mahinda lãnh đạo. Mahinda vốn là con của vua A Dục và bà Devi, sống với mẹ từ bé ở miền Tây nên chúng ta tin rằng ngài cũng nói tiếng Paishachi, là ngôn ngữ có thể gọi là trung gian giữa Magadhi và Pāli. Ngôn ngữ của Mahinda mang đến Tích LanPaishashi, tiền thân của Pāligiáo pháp của Thượng Tọa Bộ (gồm nhiều chi nhánh nhưng đến thế kỷ XII chỉ còn môt nhánh là Theravāda hiện nay) và từ đó giáo pháp Theravāda được loan tỏa ra khắp Đông Nam Á. Do đó mọi người đều nhận rằng kinh tạng Pālikinh tạng khẩu truyền của một tông môn cổ xưa nhất và liên tục nhất là có nguyên do, nhưng cho nó đồng nhất với kinh Phật của kỳ kết tập thứ ba thì vẫn chưa được đủ chứng minh. Còn việc theo truyền thống tin rằng người ta đã dùng văn tự (viết xuống thành chữ) để viết kinh Pāli từ 80 năm trước Dương lịch, thì vẫn chỉ là truyền thuyết. Ngày nay chúng ta chỉ có văn bản kinh Phật Sanskrit viết bằng văn tự Kharosthi và Brahmi sớm nhất là vào thế kỷ thứ nhất, và  mới chỉ tìm ra kinh Phật Pāli được viết sớm nhất vào thế kỷ thứ V Tây lịch mà thôi.

Mới đây chúng ta lại mới khám phá còn có kinh văn viết bằng văn tự Kharosthi có sớm hơn tạng văn Pāli nhiều thế kỷ.[47]Tạng văn Kharosthichúng ta hiện có chưa nhiều để trở thành một tam tạng đầy đủ như tạng Pāli hay tạng Hán văn, nhưng “Tạng văn Kharosthi” vừa cổ hơn vừa có thể cung cấp thêm tài liệu cho việc tìm hiểu giải thích giai đoạn lịch sử chuyển biến từ “Phật giáo Tiểu thừa” qua “Phật giáo Đại thừa”. Ngoài ra nó còn có thể đưa ra một hậu kết quan trọng liên quan đến Hán tạng. Trước đây Tam tạng chữ Hán đều được coi là chỉ xuất hiện sau khi Tạng Pāli thành hình. Tuy nhiên ngày nay vì có sự hiện hữu của tạng Kharosthi lại cho thấy có thế có một số kinh Hán văn được trực tiếp dịch từ tạng Kharosthi – có nghĩa là nguồn gốc của một số kinh chữ Hán còn có thể cổ hơn kinh văn Pāli – Đây quả là một đề tài mới, có tầm vóc lớn và hấp dẫn cho giới nghiên cứu văn tạng Hán ngữ trong nhiều năm qua thường thiếu các đề tài lớn.



[1] Chỉ thí dụ trong một vở kịch cổ điển chúng ta sẽ thấy các diễn viên đối thoại môt cách tự nhiên bằng ngôn ngữ đặc thù của giai cấp mình: Vua chúa giáo sĩ nói với nhau bằng Sanskrit, hoàng hậu và cung đình nói tiếng Shauraseni, thương gia và nghệ nhân nói tiếng Magadhi, quần chúng nói tiếng Paishachi, và ngay cả ca nhạc cũng dùng riêng loại ngôn ngữ riêng rất uyển chuyển gọi là Maharashtri.

[2] Ngay các trụ pháp danh tiếng của A Dục Đại Đế (Aśoka) sống sau Đức Phật hai trăm năm, được dựng lên ở tám vùng lãnh thổ của đế quốc này với cả năm ngôn ngữ viết bằng văn tự BrahmiKharosthi.

[3] Prākritthuật ngữ ngữ học chỉ chung tất cả các phương ngữ Ấn Độ thời trung cổ “Middle Aryan-Indo Languages”

[4] “Tứ Động Tâm” là từ chỉ về bốn địa điểm mà phật tử thường hành hương thăm viếngLumbini (nơi Đức Phật đản sinh), Bodh Gaya (nơi Đức Phật đắc đạo), Kushinagara (nơi Đức Phật nhập diệt) và Mrigadava (nơi Đức Phật giảng Pháp lần đầu)

[5] Ấn Độ sử. Chúng ta nên biết quan điểm tư tưởng triết học vô thủy vô chungquan tâm chủ yếu đến lý tuyệt đối của văn hóa Ấn Độ khiến họ ít quan tâm đến lịch sử nhân văn, cho nên thông sử Ấn Độ phát triển rất chậm. Cho nên các con số về niên đại triều đại hay tiểu sử các danh gia, triết gia, danh tăng v.v thường không nhất địnhchính xác (như so với thông sử Trung Hoa). Tất cả các con số tôi đưa ra (dù cố gắng dựa vào các tài liệu nghiên cứu) cũng chỉ tương đối, giúp cho chúng ta định hình và sắp xếp giữa các sự kiện lịch sử.

[6] Tần Bà Sa La (Bimbisāra 558-491 trước Dương lịch) là vua, là bạn của Đức Phật và cũng người bảo trợ lớn của Phật giáo đương thời. Vua A Xà Thế (Ajātashattu) là con của vua Bimbisāra, ông này vì nghe lời Đề bà Đạt đa (Devadata) đã giết cha và âm mưu hại Đức Phật, nhưng sau đó tỉnh ngộqui y Phật, chính A Xa Thế là người bảo trợ cho kỳ kết tập kinh lần thứ nhất do Đại Ca Diếp (Mahā-śyapa) triệu tập một tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn.

[7] Theo nghĩa ngôn ngữ học thì Prakrit không chỉ riêng một ngôn ngữ nào. Trong thuật ngữ thì Prakrits gồm các ngôn ngữApabhraṃśa, Ardhamagadhi, Dramili, Elu, Gandhari, Kamarupi, Magadhi, Maharashtri, Paishachi, Pali, Shauraseni.

[8] Năm ngôn ngữ Sanskrit, Shauraseni, Magadhi, Paishachi, Maharashtri này là năm loại ngôn ngữ phổ biến ở thời Đức Phật còn tại thế. Mizuno, sđd, tr. 26

[9] Chúng ta có thể xem “Hành Trình Chữ Nôm” trong các sách của Vũ Thế Ngọc như Tự Học Chữ Nôm nxb Eatwest Institute 1985, hay Chinh Phụ Ngâm Khúc (Hán Nôm Việt Anh) nxb Hồng Đức 2016.

[10] Trong Trung Bộ kinhtiểu phẩm 56 Upaly Sutra có kể lại tranh luận giữa Đức PhậtNigantha Nataputtra (trường khổ hạnh giả) cao đồ của Mahavira, và cũng thu phục cư sĩ Upaly cũng là đại đệ tử của Mahavira.

[11] Ví như người Việt thế kỷ XX chắc chắn không hiểu hết tiếng Việt của Nguyễn Trãi thế kỷ XV - Hãy thử tìm đọc Quốc Âm Thi Tập dù đã được ký âm bằng chữ quốc ngữ.

[12] Họ không đến trường học để tốt nghiệp với một văn bằng làm “chứng chỉ hành nghề” như ngày sau.

[13] Cũng nên nhớ là các kinh Phật trong Tam Tạng phật giáo ngày nay (của cả Đại thừa lẫn Theravāda) đều có các kinh nói về các sự kiện sau khi Phật nhập Niết Bàn. Xem chương viết về Nội Dung Tam Tạng Kinh Điển.

[14] Đại Sự (Mahavamsa) cho biết kinh Pāli được viết vào năm 80 trước Dương lịch.

[15] Chúng ta cần phân biệt, kinh Pāli truyền khẩu xuất hiện trước kinh văn Hán tự nhiều thế kỷ, nhưng tài liệu “văn bản” thì kinh văn tự Pāli không sớm hơn Hán văn. Biết được việc này mới hiểu đươc sự quan trọng trong việc tìm ra các văn bản Kharosthi viết trên vỏ cây bhoja-patra vào thế ký thứ nhất ở Gandhāra mới được tìm ra.

[16] Stargardt, Janice. Tracing Through Things: The Oldest Pāli Text and the early Budhist Archaelogy of India and Burma. Royal Netherlands Academy of Art and Sciences, 2000, tr. 25

[17] Xem phần viết về chữ Kharosthi.

[18] Cũng xin nhắc lại, giới thiện trí thức hiện nay không ai chống lại các hình tướng chùa to tượng lớn hay du lịch tâm linh v.v. nhưng nếu Phật giáo chỉ phát huy hình tướng thì cũng giống như các tôn giáo đức tin khác, sẽ không còn là Phật giáo từ bitrí tuệ như Đức Phật dạy.

[19] Hiltebeitel, Alf. “The Sanskrit Epics”, Indo-Iranian Journal, (2000) Volume 43, Issue 2, tr. 161-169.

[20] Thế kỷ trước trí thức Việt Nam cũng thành thạo Pháp ngữ và còn cho rằng tiếng Pháp mới có thể diễn tả được tư tưởng uyên náu thâm thúy.

[21] Xin hãy tạm bỏ tự ái dân tộc mà công nhận rằng thời gian đầu thế kỷ hai mươi chúng ta cần phải dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữĐại học Việt Nam, vì quả thật lúc đó chữ quốc ngữ của chúng ta chưa tiến bộ (như ngày nay) để có thể diễn tả trọn vẹn về trí thức chuyên môn.

[22] Theo giáo pháp Theravāda bộ “Vinayapitaka Cullavagga” (Tiểu Phẩm) của Luật TạngĐức Phật đã huấn thị các Tỳ khưu học tập giáo pháp bằng “ngôn ngữ của mình” (saka nirutti).

[23] Truyện Đức Phật cấm giảng pháp bằng ngôn ngữ quí tộc Sanskrit có ghi rõ trong Tiểu Phẩm của Đồng Diệp Luật trong Nam Truyền Đại Tạng Kinh. Q.4, tr. 221

[24] Khi Đức Phật chủ trương cho truyền Pháp bằng ngôn ngữ địa phương cũng có nghĩa là Đức Phật chấp nhận dùng ngôn ngữ văn hóa địa phương để giảng Pháp. Việc này đã gây ra hai kết quả quan trọng. Thứ nhất là vì lý do này mà Phật giáo truyền bá rất nhanh mà hầu như không có các cuộc chiến tranh tôn giáo. Hậu quả thứ hai là sau đó Phật giáo bị phát triển thành nhiều tông mônảnh hưởng của văn hóa địa phương như Thiền tông ở Trung Hoa, Mật tôngTây Tạng .

[25] Chúng ta hãy thử so sánh với truyền thống Catholic Church, cho đến đầu thế kỷ XX tiếng La Tinh vẫn được coi là ngôn ngữ duy nhất như là phương tiện “hiệp thông” với Thiên Chúa. Trường hợp Hồi Giáo thì cho đến ngày nay vẫn tiếp tục chỉ đọc và tụng Qur’an bằng Arabic (tiếng Ả Rập). Chúng ta cũng cần ghi nhận ưu đểm của phương cách này.

[26] “Sanskrit” là chữ “Phạn Anh ngữ”, nếu viết theo IAST (international alphabet of sanskrit transliteration) phải là Saṃskṛtā [chú ý /n/ thay cho /ṃ/ và /ri/ thay cho /ṛ/] viết đầy đủ là saṃskṛtā vāk  संस्कृता वाक्).

[27] Dấu vết cổ nhất của Sanskrit-Pāli ở Đông Nam Á đã được tìm thấy ở Võ Cạnh, Nha Trang Việt Nam. Giới chuyên môn gọi là “Vo Canh Insciption”, vào khoảng thế kỷ thứ II Tây lịch. Xem Keat Gin OoiSoutheast Asia: A Historical Encyclopedia, from Angkor Wat to East Timor. ABC-CLIO (2000). tr. 643

[28] Tôi nhận thấy việc dùng Sanskrit ở kinh luận Phật giáo nẩy sinh ra loại “Buddhist Sanskrit” rất giống như việc sư tăng Trung Hoa dùng Hán văn để viết ngữ lục từ thời Đường Tống cũng là tiền đề phát sinh ra Bạch Thoại mà đến thế kỷ XX mới nở hoa kết trái. Đây sẽ là một đề tài lớn cho các luận án hay nghiên cứu về ngôn ngữ tỷ giảo, ngôn ngữ lịch sử hay Phật học.

[29] Loại mẫu tự Kharaspthi có nguồn gốc Tiểu Á, còn mẫu tự Brahmi là từ tiếng bản địa (Ấn Độ) – Xem phần sau viết về chữ KharaspthiBrahmi.

[30] Theo những nghiên cứu mới, có thể năm sinh năm mất của Cưu Ma La Thập đúng hơn là 350-409

[31] Cho đến thời cận đại thì Trung Hoa coi như không còn người biết chữ Tất Đàn nữa (ít nhất là không có ai mở trường lớp dạy chữ Tất Đàn).

[32] Thí dụ: Tiếng Vedic Sanskrit có khuynh hướng chuyển các từ Ấn-Âu /l/ ल् thành /r/ र्, chuyển /ḍ/ ड् và /ḍh/ ढ् thành /ḷ/ ऌ và /ḷh/ ळ giữa các nguyên âm (với /l/).

[33] Sắc dân bản địa của Ấn Độ Dravidian da đen hơn và cũng thường nhỏ bé hơn, và sau này trở thành giai cấp ti tiện nhất trong hệ thống giai cấp của Ấn Độ. Phân biệt theo ngôn ngữ thì nhóm dân thuộc gốc Indo-Aryan chiếm 78 %, nhóm bản địa có nguồn gốc Dravidian chiếm chừng 19 % dân số .

[34] Giồng như ở Việt Nam vẫn thích dùng chữ Hán trong đình chùa dù rất ít người còn biết chữ Hán.

[35] Cho nên người bình dân đi du lịch Nepal trông thấy “chữ Phạn khắp nơi” mà không biết là chỉ có một thiếu số dân nước này theo Phật giáo, thì không khác một bác nhà quê Nepal đến Sài Gòn chỉ thấy “chữ Tây khắp nơi”.

[36] Bản thân từ Pāli có nghĩa là "văn bản" và dường như bắt nguồn từ các truyền thống chú giải, trong đó Pāli được phân biệt với các câu chú giải hay là các câu bằng tiếng bản xứ. Cho nên tên gọi của ngôn ngữ này đã gây ra nhiều tranh luận và cách viết của nó cũng khác nhau, với "ā" dài và "a" ngắn, cũng như với âm bật /ḷ / hay là không / l /. Cho nên cả bốn cách viết Pāli, Pali, Paḷi, Pāḷi đều có thể tìm thấy trong các sách giáo khoa dạy Pali.

[37] Paishachi (IASTPaiśācī) là một loại ngôn ngữ thời trung cổ Ấn Độ.Theo sử gia Tây Tạng Button Richen Drub (thế kỷ XIII) thì cổ thời thì các tu sĩ theo Đại Chúng bộ (Mahāsāṃghikas) ưa dùng Prakrit, Nhất Thiết bộ (Sarvāstivādins) thích dùng Sanskrit và Thượng Tọa bộ (Sthaviravādins/ Pāli. Theravāda) thích dùng Paishachi.

[38] Tiếng Sinhalese khi viết lại dùng mẫu tự của chữ cổ Brahmi, gọi là “Sinhala abugida script”. Nên nhớ loại chữ Brahmi là loại chữ tối cổ được dùng để viết kinh Phật (xem phần nói về chữ Brahmi ở sau)

[39] Số người Tích Lan (chủ yếu là dân trí thức thành thị) thành thạo Anh ngữ lên đến 25% dân số.

[40] Von Hinüber, Oskar. A Handbook of Pali Literature (1st Indian edition). New Delhi: Munishiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd, 1997, tr. 4–5

[41] Cunningham, Alexander & Eugen Hultzsch. Inscription of Aśoka, Caltutta: Office of the Superintendent of Government Printing. Calcutta: 1877

[42] Stargardt, Janice. Tracing Through Things: The Oldest Pali Text and the early Budhist Archaelogy of India and Burma. Royal Netherlands Academy of Art and Sciences, 2000, tr. 25

[43] Lẽ dĩ ngày xưa kinh Phật Pāli viết bằng chữ cổ như chữ Brahmi thì các nhà sư có học đều đọc được như nhau.

[44] Pali Text Society (PTS) là lực lượng chính cùng với các học giả phương Tây quảng bánghiên cứu tiếng Pāli kể từ ngày thành lập vào năm 1881. Hội PTS đặt trụ sở tại Anh và đã dịch được toàn bộ Tam Tạng tiếng Pāli ra Anh ngữ từ đầu thế kỷ trước, và vẫn tiếp tục xuất bản nhiều sách báo Pāli dùng mẫu tự La Tinh. Dù không có cựu thuộc địa là quốc gia Phật giáo Theravāda nào nhưng ở ĐứcNga, Đan Mạch và nhiều quốc gia Âu châu khác việc nghiên cứu về Phật giáo Pāli vẫn luôn luôn được chú trọng không kém gì ở Anh. Ảnh hưởng của Âu châu cũng đến Nhật Bản và nước này cũng mau chóng trở nên “cường quốc” với nhiều học giả lớn nghiên cứu về Phật giáo Pāli.

 

[45] Trường hợp Pāli chuyển đến Đông Nam Á như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Kapuchia thì đến ngày nay dân chúng nước nào cũng viết Pāli theo mẫu tự riêng của từng nước.

[46] Von Hinüber, Oskar. Sdd, tr. 4,5

[47] Xem Phụ Lục Kinh Tạng Kharosthi.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
29/11/2010(Xem: 74116)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.