TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
HT. Thích Nguyên Siêu
Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy
LỜI GIỚI THIỆU
Xưa nay không ít người có quan niệm nhầm lẫn cho rằng Phật giáo bi quan yếm thế, thoát ly cuộc đời, tiêu cực đối với cuộc sống nhân sinh, không thích hợp với đà văn minh tiến bộ của nhân loại. Thật ra, đạo Phật là đạo tích cực yêu đời. Chỉ riêng việc Thái tử Tất- đạt-đa từ bỏ đời sống vương giả quyền uy danh vọng tột đỉnh để xuất gia tu hành chứng đạo, rồi hòa mình với quần chúng bình dân, trọn đời tận tụy cho sự nghiệp giáo hóa, cũng đã đủ để chứng minh cho tinh thần vị tha cứu thế của đạo Phật. Và hào quang trí huệ giác ngộ của đức Phật đã soi sáng cho nền văn minh nhân loại tiến lên không ngừng. Những phát minh khoa học ngày càng thành công rực rỡ, thì những lời đức Phật thuyết giảng năm xưa lại càng trở nên sống động, chứng nghiệm sáng tỏ trong mọi hoàn cảnh, khắp mọi lãnh vực sinh hoạt của con người.
Trần gian như đêm tối, trí thức nhân loại như ngàn sao, còn trí huệ giác ngộ của đức Phật chẳng khác nào mặt trời mùa xuân buổi sáng. Đức Phật đem trí huệ giác ngộ đó để xây dựng cuộc đời với chất liệu từ bi, hỷ xả, vị tha, giúp chúng sanh có được đời sống an lạc thăng hoa, hiền hòa, sáng sủa. Ngài xuất thân từ con người, do phát tâm tu hành mà thành bậc giác ngộ, rồi trở lại giáo hóa độ sanh. Tất nhiên hơn ai hết, Ngài thấu rõ thực trạng xã hội bất an, kiếp sống nhân sinh lầm than tăm tối bởi những giáo điều mê tín thần linh ích kỷ và những tập tục hủ lậu từ lâu đời đè nặng lên kiếp sống con người không lối thoát.
Để giải phóng thực trạng đau lòng trong kiếp sống nhân sinh, đức Phật đã hiến trọn đời mình cho công cuộc hoằng pháp giáo hóa, nhằm thức tỉnh thế nhân nhận thức chân giá trị khả năng Phật tánh thánh thiện của mình. Ngài xác quyết: “Tất cả chúng sanh đều có tình thức. Trong mỗi người đều có dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn. Mọi người đều có Phật tánh. Ta là một chúng sanh đã thành Phật. Chúng sanh là những vị Phật sẽ thành.” Rõ ràng đức Phật thuyết minh đặc tánh nhân bản, nhằm xây dựng xã hội công bằng bình đẳng, để mọi người đều được quyền sống an lành hạnh phúc, từ đó tiến lên cảnh giới thánh thiện huy hoàng của bậc thánh nhân.
Muốn đạt đến hoàn cảnh an lành thanh thoát sáng sủa của Phật, Thánh, thì trước hết phải hoàn thành nhân cách. Thế nên, giáo lý đạo Phật gồm có Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ Tát thừa, thuật ngữ Phật học thường gọi là Ngũ thừa.
Đức Phật giáo hóa khắp cả trời, người và long cung. Nhưng trọng tâm vẫn là con người. Do vậy mà Ngài thường tại nhân gian thuyết pháp giáo hóa. Ngài giáo hóa khắp mọi lãnh vực chánh trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, cá nhân. Thế nên tinh thần tích cực giáo hóa nhân sinh và xây dựng xã hội trong giáo lý đạo Phật mang đặc tính phổ cập khắp mọi thời, mọi nơi và mọi lãnh vực, đặc biệt nhất là chú trọng giáo hóa con người và xây dựng nhân sinh hạnh phúc. Con người hiền đức, trí huệ, vị tha thì gia đình, xã hội, quốc gia, thế giới an hòa hạnh phúc tiến bộ. Con người là chủ tể của chính mình và là chủ nhân ông của cuộc đời. Đức Phật đến với cuộc đời và Ngài cũng là con người từ trong cuộc đời khởi đi, phát tâm tu hành thành Phật, để rồi trở lại giáo hóa nhân sinh, xây dựng cuộc đời an lành hạnh phúc thánh thiện.
Để thẩm thấu ý nghĩa tích cực tuyệt vời của đạo Phật với cuộc đời, mời quý vị định tâm thanh thản đọc quyển Tư Tưởng Xã Hội Trong Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy của tác giả Thích Nguyên Siêu, với tài hoa trình bày khúc chiết, chứng tỏ tác giả đã dày công nghiên cứu và hệ thống hóa tạo thành tác phẩm tinh hoa hy hữu này. Muốn thấu rõ tinh thần tích cực của đạo Phật đối với công trình giáo hóa nhân sinh thăng hoa thánh thiện và xây dựng xã hội hòa bình hạnh phúc thăng tiến mà thiếu tập sách giá trị này là tự đánh mất tư liệu quý giá cần thiết cho việc khai triển chánh kiến, tiến lên ba mươi bảy phẩm trợ đạo, để bước vào vườn hoa đạo hạnh ngát hương giải thoát.
Với hảo ý trao cho người thiện căn tăng trưởng chánh kiến dồi dào, để hoa lòng ngào ngạt ngát hương giác ngộ, tỳ-kheo Quê Mùa tôi có mấy lời phi lộ, giới thiệu tác phẩm xuất sắc này đến thiện hữu bốn phương để cùng thưởng thức.
Hoa Kỳ, Vu Lan Giáp Tuất, 1994
THÍCH ĐỨC NIỆM
Lời nói đầu
Chúng tôi thực hiện tập tiểu luận này trong thời gian tương đối ngắn ngủi và hôm nay được coi như đã hoàn thành.
Sau khi chọn đề tài – một trong 16 đề, chúng tôi đã bỏ ra một thời gian sưu tập sách tham khảo. Và như vậy, chúng tôi vừa viết, vừa đọc sách để hệ thống tài liệu. Viết đến đâu, chúng tôi phải đánh máy đến đó, và làm luôn bản sách tham khảo, cũng như phần mục lục và cước chú. Sở dĩ có phần hơi vội như vậy là vì từ khi sắp bắt đầu viết cho đến khi trình tập tiểu luận này, chỉ còn một thời gian ngắn để kịp ngày vía Đức Phật Quán Thế Âm (19/9 Quý Hợi), tức là cuối tháng 10/1983, ngày mà tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam tổ chức Lễ chúc thọ Ôn Già Lam lần thứ 75, ngày mà toàn thể Ban Giáo sư cũng như học tăng tổ chức triển lãm những tác phẩm cổ, cũng như những công trình nghiên cứu mới nhất của các thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát – NGÀY TRUYỀN THỐNG CÚNG DƯỜNG PHÁP.
Qua thời gian triển lãm, chúng tôi đã kính trình Ban Giáo sư cũng như Giáo sư bảo trợ và đã được duyệt khán. Như vậy, có thể nói tập tiểu luận này là thành quả của một thời gian học hỏi mà Quý Ôn cũng như các Ngài đã dày công giáo huấn, không quản sự nhọc nhằn, gian lao trong lúc tuổi già sức yếu, cũng như toàn thể Ban Giáo sư đã đầy thiện chí dạy dỗ cho chúng con được thành đạt như ngày hôm nay. Mặc dù hoàn cảnh hiện tại gặp nhiều khó khăn trong lúc học tập, nhưng với khả năng hiện có – tinh thần sẵn sàng hy sinh, tấm lòng đầy tràn nhiệt huyết của Quý Ôn, cũng như của toàn thể Ban Giáo sư nhất mực lo cho đàn con cháu, đã vượt qua tất cả mọi trở ngại. Sự thành đạt trên bước đường học hỏi của chúng con chính là sự thành đạt của một sự thử thách lớn lao mà chúng con phải vượt qua. Vì vậy, đối với công ơn trưởng dưỡng của Quý Ôn cũng như Quý Thầy đã làm cho chúng con không thể nào quên được.
- Chúng con xin thành tâm đảnh lễ Bổn Sư – Người đã khai sinh Giới thân huệ mạng cho con. Từ khi xuất gia, tuổi còn thơ ấu, con nhờ Thầy dắt dìu và hướng dẫn trên bước đường tu học, cho đến ngày hôm nay, quả là một công lao to tác và nhiều ân đức. Thầy là Người chăm sóc lo lắng cho con trong quãng đời 10 năm hành điệu, là Người trao truyền kinh nghiệm tu hành cho con để lấy đó làm nền tảng tiến thân trên lộ trình tu tập.
- Chúng con xin nhất tâm đảnh lễ Ôn Già Lam, Người đã suốt đời hy sinh cho đàn con cháu. Ôn đã thành lập bao nhiêu Phật học viện, đã đào tạo bao nhiêu lớp người và hướng dẫn bao nhiêu thế hệ bước đi trên con đường phục vụ Đạo Pháp và Dân Tộc, Người đã dày công tô bồi, xây đắp cho thế hệ chúng
Sau bao nhiêu năm sự học của chúng con bị dừng lại – Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang, giờ đây Ôn đã đứng ra mở lớp học, tạo điều kiện thuận lợi để cho chúng con tiếp tục những gì đã dở dang bao năm qua. Ôn đã mời các vị Giáo sư để trao truyền những kinh nghiệm kiến thức cho chúng con, hầu mong chúng con thành người hữu dụng mai sau.
Nhờ thiện chí và ân đức của Ôn đã tạo nên sinh khí cho toàn thể lớp học chúng con. Chúng con được núp dưới bóng mát của cây đại thọ mà ngày hai buổi, chúng con cắp sách đến lớp học để thể hiện tích cực tinh thần “tre tàn măng mọc” mà Ôn thường huấn thị chúng con.
Trước ân đức vô cùng ấy, chúng con xin thành thiết đảnh lễ.
- Chúng con xin nhất tâm đảnh lễ Ôn Từ Đàm – Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang, Người mà chúng con được gần gũi và học hỏi nhiều nhất. Ôn dã tích cực trao truyền kinh nghiêm dạy dỗ suốt bao nhiêu năm – từ giai đoạn Trung đẳng lên Cao đẳng, để chúng con có được ngày hôm Ôn là bậc cố vấn tinh thần và chỉ đạo trong nếp sống Thiền môn, là mẩu người mẫu mực, quy củ, là kim chỉ nam cho chúng con suốt đời noi theo để tu học và thể hiện. Chúng con xin thành thiết đảnh lễ.
- Chúng con xin chân thành tri ân Thượng Tọa Thích Minh Châu, Người đã cống hiến đời mình cho sự nghiệp phiên dịch Kinh tạng Pāli sang Việt ngữ. Nhờ công trình phiên dịch của Thượng Tọa, chúng con đã có đủ tài liệu để thực hiện tập tiểu luận này. Thượng Tọa cũng là người trong Ban Giáo sư mà suốt thời gian dạy dỗ, Thượng Tọa đã mang tất cả tinh hoa, yếu nghĩa trong kinh tạng Pāli để trao truyền cho chúng con. Thượng Tọa đã mở ra một chân trời mới để chúng con được cái nhìn vào kho tàng Giáo lý uyên thâm hơn. Chúng con xin thành thiết đảnh lễ.
- Chúng con xin chân thành tri ân toàn thể Ban Giáo sư: Thượng Tọa Huyền Quang, Thượng Tọa Minh Châu, Đại Đức Tuệ Sỹ, Thầy Lê Mạnh Thát, Thầy Chơn Thiện, Thầy Nguyên Hồng, đã dành nhiều kinh nghiệm cũng như thiện cảm trong suốt thời gian giáo dục. Quý Thầy đã hết lòng hướng dẫn và khuyến khích tận tình trong trách nhiệm.
- Chúng tôi xin chân thành tri ân Giáo sư Nguyên Hồng, người có trách nhiệm hướng dẫn chúng tôi thực hiện tập tiểu luận này.
- Chúng con xin chân thành tri ân Đại Đức Chơn Thiện, người đã đề xuất một số vấn đề căn bản, cũng như đã cung cấp một số tài liệu trong khi chúng con viết tập tiểu luận này.
Cuối cùng, chúng tôi cũng xin chân thành tri ân tất cả thiện hữu tri thức, cùng toàn thể đàn-na thí chủ, dù trực tiếp hay gián tiếp, đã giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công trình tu học của chúng tôi có kết quả tốt. Đó là một công đức lớn lao, chúng tôi xin nhất tâm hồi hướng công đức ấy đến cùng khắp mọi loài đều được lợi lạc.
Thích Nguyên Siêu
- Từ khóa :
- tư tưởng
- ,
- xã hội
- ,
- kinh điển
- ,
- Phật Giáo
- ,
- Nguyên Thủy