PHỤ ĐỀ
NHÂN VẬT & SỰ KIỆN
___________________________________
HUYỀN LINH TÂM PHÁP
Hành trình Chứng Đạo
của Thiền sư Nikos Kazantzakis
Anh dịch: Kimon Friar | Việt dịch: Tuệ Hạnh
I. Tây phương:
Akusilaus von Argos: Akusilaus, sống vào khoảng thế kỷ thứ 6 ttl ở Argos, xem Hỗn độn như là nguyên lý đầu tiên. Khởi thuỷ triết học Hy lạp không phải là đối lập giữa huyền thoại/mythos và lý ngôn/logos, cũng không phải đối lập giữa hữu thể và thần thoại, y như ‘hữu’ là thước đo mọi sự. Trong bộ Siêu hình/Metaphusica (982b), Aristotle đã giải thích: Con người, trong khi bối rối và kinh ngạc, nhận ra ngu muội của mình. Do đó ngay cả lòng yêu huyền thoại cũng chính là yêu tri thức/triết lý vì huyền thoại cấu tạo từ những điều kinh ngạc.
Trong triết học cổ đại tiền-Socrate, phương thức phổ hệ là hình thái thể hiện qua nhân hệ, thần hệ, vũ trụ hệ, diễn đạt tinh thần ngạc nhiên về quan hệ người với thế giới trong một trật tự có hệ thống trời/đất/thần/nhân. Akusilaus ở trong thời đại thần thoại này, với những nhân vật khác như Orpheus, Musaeus, Epimenides, Pherecydes, Theagenes. Akusilaus có thể sống vào thế kỷ thứ 6 ttl ở Argos, theo truyền thuyết đã viết tác phẩm Phổ hệ/Genealogiens (theo Apollonios von Rhodos) trong đó nói, Skylla/Szylla là con gái của Phorky và Hekate; bà cắt Uranos, giọt máu rơi xuống đất nẩy sinh ra người Phäaken/Phéaciens (sống ở đảo mà Nausicaa đã vớt Ulysse - ngày nay là đảo Corcyre - trong Odysses của Homer). Akusilaus cũng nói Phoroneus là con người đầu tiên (theo Clemens). Ông coi Chaos/Hỗn mang là nguyên lý thứ nhất; Erebos là giống đực và Nacht/đêm là giống cái, giao hợp mà sanh ra Äther/Khí, Eros/Ái và Mêtis/Tạp chủng, cũng như những thần khác (theo Damaskios). Plato cho rằng Akusilaus đồng ý với Hesiod về Hỗn Độn có trước, rồi mới đến Đất và Ái. Nếu Phổ hệ tồn tại, có thể ví với
Amor fati là ngữ từ La tinh có nghĩa ‘tình yêu định mệnh’, chỉ thái độ chấp nhận buông xuôi đầu hàng hoàn cảnh mọi việc xãy ra trong đời, kể cả khổ đau và mất mát, như là một điều phải thế, không đổi thay được. Từ này luôn được Friedrich Nietzsche nhắc đi nhắc lại trong các tác phẩm của ông, điển hình như: Công thức cho sự vĩ đại của một người là amor fati: y không muốn có gì khác biệt, không tiến lên, không thụt lui, không cả trong những gì vĩnh cữu; không những chỉ chịu đựng những gì tất nhiên, lại càng chẳng cần che dấu chúng – tất cả mọi chủ nghĩa lý tưởng đều là sự xuyên tạc trước điều cần thiết – nhưng yêu thích nó. (trích trong: The Inner Citadel: The Meditations of Marcus Aurelius. Pierre Hadot biên soạn, 1998, tr. 143; Basic Writings of Nietzsche, Walter Kaufmann dịch và tập thành. 1967. tr. 714).
Antaeus (hay Antaios) (Ἀνταῖος) trong thần thoại Hi lạp là một người khổng lồ, con của Poseidon và Gaia, vợ là tiên nữ Tinge. Antaeus có một con gái tên Alceis hay Barce. Ông được cho là sống vào thế kỷ 6 trước tây lịch, trong lòng sa mạc Libya; ai đi qua đó đều bị ông chận lại thách đấu, giết chết rồi thâu lượm đầu lâu của họ, chất đống để lập thành một ngôi đền thờ cho cha ông là Poseidon. Sức mạnh ông ta vô địch chỉ khi nào hai chân còn bám chặt trên mặt đất (bà mẹ là địa mẫu), nhưng nếu bị dỡ hỏng chân lên thì yếu sìu như người bình thường.
Antaeus bách chiến bách thắng cho đến khi đụng độ với Heracles (tức Hercules) khi ông này trên đường đi đến vườn Garden of Hesperides. Sau một hồi quật đấu nhau, mỗi lần Heracles vật ngã Antaeus là một lần Antaeus đứng bật dậy mạnh mẽ hơn, Heracles khám phá ra yếu điểm của đối thủ, bèn dở hõng Antaeus lên và quật chết Antaeus vào vách núi. Mẫu chuyện Antaeus dùng làm biểu tượng cho sức mạnh linh thiêng được tích lũy nếu đức tin dựa trên sự kiện thực tế tức thời (chân bám đất). Cuộc chiến giữa Antaeus và Heracles là đề tài hấp dẫn cho nghệ thuật điêu khắc thời kỳ Phục Sinh (thế kỷ 14-16) và cổ đại Tây phương. Trong Inferno của Dante, Antaeus được mô tả là người khổng lồ nửa thân dưới bị đóng băng đứng sừng sững bên ven Vòng Phản Bội (Circle of Treachery). Nhờ Antaeus mà Dante và Virgil mới được bốc bỏ vào trong Vòng này.
Aquinas. x. Thomas d' Aquinas.
Ataraxia (ἀταραξία) là từ ngữ Hi lạp do Pyrrho và Epicurus đề xướng, có nghĩa " an tịnh", tranquility, mô tả trạng thái an lạc, thoát khỏi mọi lo âu lo lắng, không sợ hãi thiên chủ thần thánh (gods) nào, là niềm hạnh phúc chân thật nhất đối với đời người.
a. Phái Khắc kỷ (Stoicism) cũng chủ trương đi tìm an lạc tinh thần nên đề cao ataraxia, và cho rằng trạng thái tịnh lạc mà hành giả khắc kỷ đạt được là khi không còn sanh khởi lòng tham dục, apatheia (absence of passion), nữa.
b. Pyrrho (Πύρρων, hay Pyrrōn, kh. 360-kh. 270 ttl), triết gia cổ đại Hi lạp, chịu ảnh hưởng triết học Đông phương, nhất là Phật giáo, được tôn làm ông tổ của trường phái Bi quan (skeptic philosophy) gọi là Pyrrhonism do Aenesidemus chủ trương vào kh. thế kỷ I trước tây lịch.
c. Epicurus (Έπίκουρος, 341-270 tl), triết gia cổ đại Hi lạp, với thuyết Epicurean, một trường phái tư tưởng chủ trương mục đích của đời người là sống một cuộc sống hạnh phúc, tự tại, an lạc, không có đau đớn và sợ hãi (aponia). Epicurus đề xướng rằng niềm vui và nỗi đau là những thước đo điều thiện và điều ác; rằng cái chết là sự chấm dứt của thể xác và tâm hồn, cho nên cái chết không đáng sợ; rằng những vị chúa trời (gods) không ban thưởng hay trừng phạt con người; rằng trái đất là vô tận và vĩnh cửu, và các sự kiện trên trái đất rốt cuộc đều là kết quả của những vận động tương tác lẫn nhau của các nguyên tử di chuyển quanh khoảng không trống rỗng.
d. Aenesidemus (Αἰνησίδημος, hay Ainēsidēmos, sống kh. thk I ttl) chủ trương theo Pyrrho, nhưng thực sự cũng là ông tổ của trường phái Bi quan thứ 3 trong nền triết học Hi lạp. Tác phẩm chánh của ông, Pyrrhoneia (Πυρρώνειοι λóγοι), bàn về 4 hệ điểm tư tưởng: những lý do để bi quan (scepticism) và nghi ngờ (doubt); tranh luận về thuyết nhân quả (causality) và chân lý (truth); thuyết lý đạo đức; và thuyết về vật lý học.
e. Aristostle hay Aristote, sống vào thế kỷ thứ 3 trước tây lịch ở Chios tiêu biểu cho người khắc kỷ có xu hướng khuyển sĩ. Theo Diogenes Laertius trong Vitae philo-sophorum, Aristostle phát biểu rằng mục tiêu của hiện hữu là sống một đời sống dững dưng với những gì làm trung gian giữa đức hạnh và xấu ác, không tạo cho ta bất kỳ loại xử sự phân biệt nào giữa những trung gian này, nhưng đặt tất cả trên một cơ sở bình đẳng.
Trong triết học cổ đại tiền-Socrate, phương thức phổ hệ là hình thái thể hiện qua nhân hệ, thần hệ, vũ trụ hệ diễn đạt tinh thần ngạc nhiên về quan hệ người với thế giới trong một trật tự có hệ thống: ‘trời/đất/thần/người’.
Augustinus, còn gọi là Aurelius Augustinus Hipponensis, Augustin of Hippo, Agustín de Hipona, hay Saint Augustine, Saint Austin (Thánh Augustine, Thánh Austin), sanh năm 354 ở Tagaste, Bắc Phi; làm giám mục ở Hippo (bishop of Regius, nay là Annaba, Algeria) từ 395 cho đến lúc mất vào năm 430. Ông là nhà thần học cổ điển, triết gia tài danh; tư tưởng của ông ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triễn Ki-tô giáo và nền Triết học Tây phương. Ông được xem là một trong những Giáo phụ (Church Fathers) quan trọng nhất của Ki-tô giáo phương Tây (Western Christianity, đối tác với Ki-tô giáo phương Đông tức là Chánh Thống giáo [Greek Orthodox Christianity]) trong thời đại Patristic (Patristic Era, kéo dài từ cuối thời Tân Ước [New Testament] hay thời đại Apostolic [Apostolic Age], kh. 100 stl.) cho đến năm 451, niên đại của Đại hội đồng Chalcedon (Council of Chalcedon). Augustin sống vào thời đại học thuyết tân-Plato mang sắc thái Ki-tô giáo, bởi ảnh hưởng của Plotinus;[1] cùng với Gaius Marius Victorinus[2] ông dịch những bản văn của Plotinus và Porphyre sang tiếng La tinh. Khi còn trẻ, ông chịu ảnh hưởng thuyết nhị nguyên của Ma-ni giáo (Manichéisme),[3] sau khi cải đạo theo Ki-tô năm 387, Augustine bèn sáng chế cách tiếp cận triết học và thần học của riêng ông. Ông tin tưởng rằng Ơn huệ của đấng Ki-tô tuyệt đối cần thiết cho sự tự do của con người, nên hăng say góp phần vào việc công thức hóa giáo điều 'tội Tổ tông' (original sin) và gieo mầm ý tưởng về sự phát triễn lý thuyết 'chiến tranh chánh nghĩa' (just war theory). Trong những tác phẩm của Augustin, thiên Xưng tội (Confessiones) và Thiên quốc (De civitate Dei, City of God, Thành phố của Chúa), là tiêu biểu cho tư tưởng độc đáo của ông.
Khi Đế quốc La mã Tây phương sụp đổ, Augustine bèn sáng chế ra ý niệm về một Tòa Thánh Gia-tô (Catholic Church, hay Giáo hội Gia-tô) như là một Thành phố thần thánh của Chúa (a spiritual City of God),đối ngược với thành phố vật chất trần gian (a material Earthly City). Từ nơi quyển Thành phố của Chúa phát sanh ý niệm về Chúa Ba ngôi (Trinity) mà Đại hội đồng Tổng Giám Mục toàn cầu lần đầu họp tại Nicaea (Council of Nicaea) năm 325 và toàn cầu lần hai năm 381 tại Constantinople (Council of Constantinople) đã ít nhiều đề cập đến.
Trong Giáo hội Gia-tô và Anh giáo (Anglican Church), ông là một vị Thánh, một nhà thông thái ưu việt của Giáo hội (pre-eminent Doctor of the Church), và là Thánh bảo trợ cho những ai theo luận thuyết của ông, cho những người cất rượu, nhà in, thần học gia, và là Thánh trị bịnh đau mắt. Giáo hội Tin Lành, nhất là Giáo hội Can-vinh (Calvinism), tôn vinh ông là một trong những giáo phụ thần học do vì giáo lý về 'cứu rỗi' (salvation) và 'ơn huệ thiêng liêng' (divine grace), còn Chánh Thống giáo thì không đồng ý về quan điểm 'tội Tổ tông', 'ơn huệ' và 'số phận tiền định'[4] (predestination) của ông.
Windelband[5] đánh giá tư duy Augustin là một Siêu hình học của Kinh nghiệm nội tại (Metaphysik der inneren Erfahrung), bởi nó khai phá nội tâm, chân lý ở tự cõi thâm sâu trong con người (noli foras ire, in te ipsum redi, in interiore homine habitat veritas).
Quyển Thiên quốc (De civitate Dei, cõi trời, Thiên đường) được nhiều học giả đánh giá là quan điểm triết học về lịch sử của Augustin. Theo Karl Jaspers, được tôn xưng là người xây dựng triết học lịch sử của phương Tây, chính là vì Augustin là người đầu tiên đặt vấn đề về nguyên ủy (Ursprung) và mục đích (Ziel) của lịch sử. Augustin, khi phân biệt giữa thiên quốc với nhân quốc (civitas terrena, cõi người, nhân gian), giữa hai loại người (in duo genera) sống theo con người và sống theo Thượng đế, thực sự là để hàm ngụ hai thái độ đạo đức chánh trị ở cùng một thế giới con người, một đàng cai trị bởi kẻ dữ và bất công, một đàng cai trị bởi người hiền và chánh nghĩa. Từ đó, ý tưởng về thuyết 'chiến tranh chánh nghĩa' theo ông là cần thiết, nhân danh Chúa, đưa con người đến cảnh giới thiên quốc nhờ đức tin, ở đó điều Thiện chiến thắng sự sa đọa của ý chí quyền lực.
Với những quan niệm giáo điều như thế, Augustin đã khơi dẫn bước đầu một nền triết học chánh trị mà ảnh hưởng sâu rộng không những trong lịch sử triết học chánh trị thời Trung cổ, mà ngay cả đến ngày nay.
Henri Louis Bergson (1859-1941), triết gia Pháp, có ảnh hưởng lớn vào những thập niên đầu tiền bán thế kỷ 20. Ông là người đầu tiên dựng nên một lý thuyết mà sau này gọi là triết lý tiến hành (process philosophy), bác bỏ những nguyên tắc cứng đọng, máy móc, thay vào đó là những nguyên tắc về di động (motion), biến dịch (change), và tiến hóa (evolution). Bergson thuyết phục nhiều nhà tư tưởng đương thời về quan niệm rằng kinh nghiệm tức thời (immediate experience) và trực giác (intuition) để hiểu biết thực tại (reality) là quan trọng hơn duy lý (rationalism) và khoa học. Tư tưởng nổi bật của ông: Đà sinh động (Élan Vital), Trực giác (Intuition), Gian kỳ (Duration).
Năm 1889 ông đệ trình luận án Essai sur les données immédiates de la conscience và đậu bằng tiến sĩ (Anh dịch: Time and Free Will: An Essay on the Immediate Data of Consciousness; Thời gian và Ý chí tự do: luận về Thu thập tức thời cỉua Ý thức). Đây là một công trình thiết lập khái niệm về gian kỳ tồn tại (notion of duration), hay thời gian đã sống qua (lived time), đối lập với khái niệm không gian rộng chứa của thời gian (spatialized conception of time), được đo lường bởi đồng hồ, do khoa học áp dụng.
Năm 1891 ông thành hôn với Louise Neuburger, em họ của Marcel Proust, một nhà văn Pháp nổi tiếng nhưng khó đọc. Đồng thời, ông nghiên cứu về liên hệ giữa tâm và thân. Quan niệm bấy giờ là tâm vật hiện hành (psycho-physiological parallelism), mỗi một sự kiện thuộc tâm đều tương đương với và được xác định bởi một sự kiện thuộc thân đi liền theo. Bergson thì tra cứu về chức năng của bộ óc, và phân tách liên hệ giữa tri giác (perception, nhận thức sự vật) và ký ức (memory, tâm thức lưu trữ). Theo ông, thân và tâm song hành và ảnh hưởng nhau tức thời. Ông phổ biến kết quả công trình nghiên cứu vào năm 1896 với tác phẩm Matière et mémoire: essai sur la relation du corps à l’esprit (Anh dịch: Matter and Memory; Việt: Vật thể và Ký ức: luận về liên hệ giữa thân và tâm). Tác phẩm này được rất nhiều tạp chí chuyên đề luận bình và đánh giá cao, cũng như lôi cuốn số đông độc giả đủ thành phần, đánh dấu bước đầu trên đường sự nghiệp giảng dạy và viết lách của ông. Năm 1900, ông được mời làm Khoa trưởng Phân khoa Tân Triết học (Chair of Modern Philosophy), tại Collège de France, một đại học nghiên cứu thanh thế nhất tại Pháp, giảng dạy và thuyết trình về Đạo đức, Tôn giáo và Xã hội học. Tài năng và uy tín của ông tạo nên phong trào triết lý Bergsonism thịnh hành đương thời. Một buổi bình minh mới của triết học bắt đầu, mang ánh sáng đến cho những sinh hoạt khác như văn chương, âm nhạc, chánh trị và tôn giáo.
Năm 1907, tác phẩm quan trọng và nổi danh nhất của Bergson xuất bản, L’Évolution créatrice (Creative Evolution; Tiến hóa sáng tạo), xác chứng ông là nhà triết học về tiến hành (philosopher of process), theo đó, đối với lý tưởng của cuộc sống, Bergson nhìn nhận tiến hóa (evolution) là sự kiện mà khoa học có thể thiết lập được. Ông đề nghị toàn thể hành trình tiến hóa cần phải được xem như là sự tương tục của một “đà sinh động”, một élan vital không ngừng phát triễn và phát sanh những hình thức mới. Tiến hóa, tóm tắt, luôn sáng tạo, chứ không máy móc, cứng đọng.
Viết với một văn phong độc đáo, có sức lôi cuốn cả vừa giới học giả vừa độc giả bình dân, ông đoạt giải Nobel về Văn chương năm 1927 vì “những tư tưởng phong phú và sống động được mô tả bằng một văn phong uyển chuyển, lôi cuốn” qua tác phẩm The Creative Evolution. Kể từ năm 1915, ông được mời vào và là một trong “40 nhân vật bất tử” của Hàn lâm viện Pháp (Académie Française). Ông cũng được bầu làm Chủ tịch của Hàn lâm viện Khoa học Đạo đức và Chánh trị (President of the Académie des Sciences morales et politiques). Ngoài ra, ông cũng được bầu làm hội viên danh dự của Hàn lâm viện Nghệ thuật và Khoa học của Mỹ (American Academy of Arts and Sciences) vào năm 1928.
Ông gặp William James, triết gia Thực dụng lỗi lạc Mỹ năm 1908 tại London; từ đó cả hai trở thành bạn thân. Triết gia đại học Harvard này là người đầu tiên giới thiệu công trình và triết lý của Bergson cho học giới Anh Mỹ. Ảnh hưởng của Bergson đã khiến James “chối từ phương pháp trí thức và khái niệm đương thời về lôgít như là cách đo hữu hiệu về những gì có thể và không thể là”, và khiến James “không ngần ngại và thẳng thừng từ bỏ luôn lôgít” như là một phương pháp, bởi vì ông khám phá ra rằng “thực tế, cuộc sống, kinh nghiệm, sự cụ thể, tánh cách tức thời, hay dùng từ gì mà anh muốn, tất cả đều vượt quá xa lôgít của chúng ta, tràn đầy và vây quanh nó.” Năm 1911, Bergson viết lời Tựa gồm 16 trang, gọi là Truth and Reality (Chân lý và Thực tế), cho ấn bản Pháp văn của James, Pragmatism.
Nhiều thành phần trong xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của Bergson: một mặt là những phong trào như Tân Gia-tô (neo-Catholicism) hay Chủ nghĩa Hiện đại (Modernism), mặt khác là phong trào Công đoàn (syndicalism), v.v., tìm cách áp dụng và tuyên truyền nhiều tư tưởng chủ đạo của ông. Công đoàn thì cho rằng có một hài hòa khi phối họp tiếng sáo của suy tư triết lý cá nhân với tiếng kèn trômpết của cách mạng xã hội. Trong khi nhiều thủ lãnh của tư duy tôn giáo, nhất là các thần học gia có đầu óc tiến bộ thuộc nhiều dòng lưu khác nhau, như Đảng Tân Gia-tô (Neo-Catholic Party) hay nhóm Hiện đại (Modernists), thì đều vô cùng hứng thú với, cũng như được khuyến khích và kích động bởi, những công trình của ông. Thế nhưng, Giáo hội Gia tô La mã (Roman Catholic Church) thì lại cấm đoán 3 tác phẩm của Bergson, vì họ cho rằng chúng chủ trương phiếm thần (pantheism), tức là Chúa tiềm tàng nội tại trong Sáng tạo và được sáng tạo trong tiến trình Sáng tạo; sắc lệnh của Giáo hội ngày 1 tháng 6 năm 1914 ghi 3 tác phẩm của Bergson vào “Danh sách các Sách Cấm” (Index Liborum Prohibitorum, Index of Prohibited Books).
Trong thời thế chiến, trước những chết chóc bạo tàn vô lý, Bergson chứng kiến những xung động giữa Tâm thức và Vật thể, hay đúng hơn là giữa Sự sống và Cơ giới (Life and Mechanism); từ đó tư tưởng chủ đạo trong triết lý của ông được minh chứng qua hành động. Những tác phẩm khác của Bergson được kể là Le Rire: essai sur la significance du comique (1900; Tiếng cười: Ý nghĩa của Hài hước) và, Introduction à la metaphysique (1903; Siêu hình học nhập môn). Quyển sau này được xem như là một thủ sách (manual) gối đầu nằm, giới thiệu đơn giản nhưng đầy đủ về nền Triết học của ông, phân giải tận tường phương pháp của ông. Có hai cách khác biệt nhau về tri thức, ông viết. Cách thứ nhất, đạt đến phát triển xa nhất trong khoa học, là phân tách, giãn rộng không gian, và khái niệm hóa, có khuynh hướng nhìn mọi vật đều là thuần chắc và không liên tục. Cách kia là trực giác, có tánh cách phổ cập, tức thời, đạt đến tận cùng con tim của sự vật bằng cảm thông hay xúc cảm. Cách trước rất hữu ích khi việc gì cần phải làm cho xong, khi phải thực thi ngay một hành động nào đó, nhưng nó thất bại không thể đạt đến được căn bản thực tế của sự vật bởi vì nó không kể đến gian kỳ và những thay đổi liên tục của nó vốn không thể nghĩ bàn và chỉ có thể thấu rõ bằng trực giác mà thôi. Trọn tác phẩm này có thể kể như là công trình của Bergson về ý nghĩa của trực giác của gian kỳ, thực tế nội tại nhất của mọi vật.
Hơn 25 năm sau L’Évolution créatrice, mãi đến 1932 Bergson mới cho xuất bản Les Deux Sources de la Morale et de la Religion (Hai cội nguồn của Đạo đức và Tôn giáo). Giống như những công trình đi trước, nhất là Introduction à la Metaphysique xuất bản năm 1903, ông cho rằng hai phương vị đối lập giữa tĩnh lực và động lực tạo thành sự sáng suốt để nhìn thấu bên trong sự vật (trực ngộ). Cho nên, hai thứ đạo đức, đúng ra, hai cội nguồn đạo đức: một có gốc rễ nơi thông minh, đưa đến khoa học và lý tưởng máy móc, tĩnh lực của nó; một kia dựa trên trực giác, được biểu lộ không những trong các sáng tạo tự do của nghệ thuật và triết lý, mà cả trong những kinh nghiệm huyền linh của những bậc thánh. Bergson trong Les Deux Sources này đã tiến gần thêm nữa với khái niệm của truyền thống tôn giáo về Chúa, so với tư tưởng trước kia về “đà sinh động” trong L’Évolution créatrice của ông.
Mặc dầu tư tưởng của Bergson không tạo thành một trường phái triết học Bergsonian, nhưng ảnh hưởng của ông thật không nhỏ, không chỉ đối với các triết gia lớn tại Pháp, mà ngay cả tại Mỹ và Anh, nhất là trong các tác phẩm của William James, George Santayana và Alfred North Whitehead, một nhà siêu hình học về thuyết tiến hành của thế kỷ 20.
Thư tịch:
Bergson, Henri. Œuvres, with notes by André Robinet, 5th ed. (1991). Toàn tập sáng giá nhất các tác phẩm của ông.
Bergson, Henri. Selections from Bergson, ed. by Harold A. Larrabee (1949).
Arbour, R. Henri Bergson et les lettres françaises (1956).
Chevalier, Jacques. Henri Bergson, (1926). Anh dịch: Lilian A. Clare (1928, tái bản 1970).
Deleuze, Gilles. Bergsonism (1966) (Anh dịch, 1988).
Guitton, Jean. La Vocation de Bergson (1960).
Gunter, P. Henri Bergson: A Bibliography, rev. 2nd ed. (1986).
Jankélévitch, Vladimir. Henri Bergson (1959, tái bản 1989).
Lacey, A.R. Bergson (1989).
Maritain, Jacques. La Philosophie bergsonienne, 3rd ed. (1948).
Pilkington, A.E. Bergson and his Influence: a Reassessment (1976).
Russell, Bertrand. The Philosophy of Henri Bergson (1914, tái bản 1978).
Peter Bien là Giáo sư Anh văn và Tỷ giảo Văn chương, Giáo sư Danh Dự, của đại học Dartmouth (Professor Emeritus of English and Comparative Literature at Dartmouth College); tất cả nghiên cứu và tác phẩm của ông đều chuyên về Văn chương và Ngôn ngữ hiện đại Hi lạp. Ông đã dịch các tác phẩm The Last Temptation of Christ, Saint Francis, và Report to Greco của Kazantzakis. Là người sáng lập hội Modern Greek Studies Association of America, Peter Bien giữ 2 nhiệm kỳ Hội trưởng và là Chủ biên của tạp chí của Hội, Journal of Modern Greek Studies.
Albert Camus (1913-1960), văn hào, triết gia, nhà báo người Pháp nổi danh.
Ông là tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng L’Étranger (Kẻ xa lạ), La Peste (Dịch hạch, 1947). Albert Camus được trao tặng Giải Nobel Văn chương năm 1957 vì các sáng tác văn học của ông đã “đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta”.[6] Camus là người trẻ thứ hai, ở tuổi 45, đoạt giải Nobel Prize for Literature này, sau Rudyard Kipling.[7] Cùng với Jean-Paul Sartre (1905-1980), Camus thường được xưng tụng là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism), nhưng ông thì lúc nào cũng cực lực phản đối gán ghép này. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1945, Camus phủ bác những gì cho là ông liên hệ đến bất kỳ ‘một chủ nghĩa’ nào. “Không, tôi không phải là nhà hiện sinh. Sartre và tôi vô cùng kinh ngạc khi tên tuổi chúng tôi bị cho là thuộc chủ nghĩa hiện sinh...” Đặc biệt, ông viết The Rebel (Kẻ nổi loạn) để lên tiếng nói về điều gọi là Chủ nghĩa Phi lý (absurdism), nhận rằng trọn đời ông chống lại Chủ nghĩa Hư vô (nihilism) mặc dầu ông luôn suy tư thâm trần về tự do cá nhân.
Năm 1935, Camus bắt đầu viết tác phẩm L'Envers et l'Endroit (Mặt trái và mặt phải), xuất bản hai năm sau đó. Năm 1938, ông viết quyển Noces (Đám cưới), tuy ca ngợi vẻ đẹp rực rở của mặt trời quê hương nhưng ông đã cho thấy sự bi quan sâu sắc về cuộc sống. Năm 1942, ông cho phát hành L'Étranger (Người xa lạ) và tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Sisyphe), trong đó ông trình bày nhiều tư tưởng triết học của mình. Sisyphe là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp bị trừng phạt phải lăn một hòn đá lớn lên núi dốc, khi đến đỉnh hòn đá lại rơi trở xuống chân đồi, cứ thế Sisyphe tiếp tục lăn lên rồi rơi xuống theo một châu kỳ miên viễn. Theo nhận định của riêng Camus, các tác phẩm trên, cùng với các vở kịch Le Malentendu (Ngộ nhận, 1944) và Caligula (1945), thuộc “châu kỳ phi lý” (cycle de l'absurde). Những tác phẩm tiếp theo sau đó thì thuộc “châu kỳ nổi loạn” (cycle de la révolte), trong đó nổi tiếng hơn cả phải kể đến La Peste, kế đến L'État de siège (Bị vây, 1948), Les Justes (Những người chân chánh, 1949) và L'Homme révolté (Người nổi loạn, 1951). Trong tiểu luận triết lý Người nổi loạn này, ông đã trình bày tất cả các hình thức nổi loạn (siêu hình, chính trị và nghệ thuật...) qua mọi thời đại. Ông miêu tả con người cảm nhận sâu sắc sự phi lý của cuộc sống, luôn muốn nổi dậy, chống lại nỗi khốn khổ của kiếp người, nhưng cuối cùng vẫn không có lối thoát, mọi cố gắng đều hoàn toàn vô ích. Năm 1956, cuốn La Chute (Rơi lọt), tác phẩm quan trọng cuối cùng của Camus được xuất bản.
Tình bạn giữa Albert Camus và Jean-Paul Sartre rạn nứt vào năm 1952, sau khi trên tạp chí Les Temps modernes của Sartre, Henri Jeanson đã chê trách sự nổi loạn của Camus là “có suy tính”.
Ngày 4 tháng 1 năm 1960, tại Petit-Villeblevin vùng Yonne, Camus bị tử nạn nhưng có nhiều thuyết cho rằng ông tìm cách tự sát qua tai nạn giao thông này, vì không thể sống cách bình thường với cơn nổi loạn nội tâm. Ông được chôn cất ở Lourmarin, vùng Vaucluse.
Tư tưởng chủ yếu của Camus là: “Điều vô lý là khái niệm thiết yếu và là sự thật đầu tiên”; “bao giờ cũng phải đi xa hơn nữa, bởi vì chỉ có nơi đó ta mới tìm được Chân lý”. Trong khi René Descartes (1596-1650), cha đẻ của triết học Tây phương hiện đại, có câu tuyên bố bất hủ “Cogito, ergo sum”, (Je pense, donc je suis, Tôi tư duy, nên tôi hiện hữu), Camus cũng không kém : “Tôi nổi loạn, cho nên tôi hiện hữu” (Je me revolte, donc je suis) trong La Pensée de Midi (Suy tư giữa trưa).
“Chúa đã chết” (Đức ngữ: Gott ist tot, Anh: God is dead, Pháp: Dieu est mort), câu tuyên bố bất hủ của Friedrich Nietzsche, triết gia người Đức. Câu này lần đầu tiên xuất hiện năm 1882 trong tập The Gay Science (German: Die fröhliche Wissenschaft), nơi tiết 108 (New Struggles), tiết 125 (The Madman), và lần thứ ba tiết 343 (The Meaning of our Cheerfulness). Phải đợi đến năm 1883 câu này lại được nhắc đến trong Thus Spake Zarathustra (Đức: Also sprach Zarathustra, Zarathustra đã nói thế), mới trở thành phổ biến. Trong “The Madman”, ý tưởng này được diễn đạt như sau:
“Chúa đã chết. Chúa vẫn còn chết. Và chúng ta đã giết Ngài. Thế nhưng hình bóng Ngài vẫn còn lảng vảng đâu đây. Làm sao mà chúng ta có thể tự an tâm, chúng ta, sát nhân số một của tất cả những sát nhân? Những gì thánh thiện nhất, oai dũng nhất của tất cả mà thế giới này sẽ tư hữu được đã rỉ máu chảy đến chết dưới lưỡi dao của chúng ta: ai sẽ chùi sạch máu này trên tay chúng ta đây? Có giọt nước nào không để chúng ta rửa sạch [tội lỗi của] chúng ta? Có các buổi lễ cứu chuộc, có những trò chơi thánh thiện nào không để chúng ta không cần phải phát minh ra chúng lần nữa? Có phải chăng sự vĩ đại của hành động đó quá to tát đối với chúng ta? Tự chúng ta có cần thiết không nên trở thành Chúa chỉ vì là để có vẽ như được xứng đáng bởi hành động đó?” (Trích Nietzsche trong The Gay Science, tiết 125, Walter Kaufmann dịch)
Thư tịch chọn lọc:
Nietzsche, Friedrich (1844-1900). The Gay Science (1882), sections 108, 125 and 343.
Altizer`, Thomas, J. J. and William Hamilton, Radical Theology and the Death of God. Indianapolis: Bobbs-Merrill, 1966.
Altizer, Thomas J. J. The Gospel of Christian Atheism. Philadelphia: Westminster, 1966.
Benson, Bruce E. Pious Nietzsche: Decadence and Dionysian Faith. Bloomington: Indiana UP, 2008.
Caputo, John D. and Gianni Vattimo. After the Death of God; edited by Jeffrey W. Robbins. New York: Columbia University Press, 2007.
Hamilton, William. A Quest for the Post-Historical Jesus. London, New York: Continuum International Publishing Group, 1994.
Heidegger, Martin. Nietzsches Wort 'Gott ist tot' translated as "The Word of Nietzsche: 'God Is Dead,' (1943)"; in Holzwege, edited and translated by Julian Young and Kenneth Haynes. Cambridge University Press, 2002.
Holub, Robert C. Friedrich Nietzsche. New York: Ywayne Publishers, 1995.
Kaufmann, Walter. Nietzsche: Philosopher, Psychologist, Antichrist. Princeton: Princeton University Press, 1974.
Magnus, Bernd, and Kathleen Higgins. The Cambridge Companion to Nietzsche. Cambridge: Cambridge UP, 1996.
Morrison, Robert G. (Dharmachari Sagaramati). God is Dead: What Next? A Buddhist Response to Nietzsche; adapted from a talk given at the St. Mungo Museum of Religious Life and Art, Glasgow, Sunday, 24th October, 1993; reprinted in Western Buddhist Review, vol.1, 1997. Later expanded & published in bookform as:
Morrison, Robert G. Nietzsche and Buddhism: a Study in Nihilism and Ironic Affinities. Oxford University: Clarendon Press, 1999.
Murchland, Bernard, ed. The Meaning of the Death of God. New York: Random House, 1967.
Pfeffer, Rose. Nietzsche: Disciple of Dionysus. Canbury: Associated University Presses, 1972.
Roberts, Tyler T. Contesting Spirit: Nietzsche, Affirmation, Religion. Princeton: Princeton University Press, 1998.
Rubenstein, Richard L. "God After the Death of God" in After Auschwitz: History, Theology, and Contemporary Judaism. 2nd. Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1992, 293–306.
Time Magazine. Is God Dead?, April 8, 1966.
Vahanian, Gabriel. The Death of God. New York: George Braziller, 1961.
Welshon, Rex. The Philosophy of Nietzsche. Montreal: McGill-Queen’s UP, 2004.
Danh sách các Sách cấm. x. Thư viện Sách Cấm.
Dante, tên gọi tắt của Durante Degli Alighieri (kh. 1265-1321), là thi hào, văn sĩ, nhà biện luận văn học, triết gia đạo đức và tư tưởng chánh trị gia. Ông nổi tiếng nhất với thiên trường ca Commedia, sau đổi là La divina commedia (Divine Comedy), được xem như là áng văn chương vĩ đại nhất của Ý ngữ và một trong những kiệt tác của văn học nhân loại. Ông được xưng tụng là “người Cha của ngôn ngữ Ý”. Tại Pháp, thỉnh thoảng Ý ngữ còn được gọi là “ngôn ngữ của Dante” (la langue de Dante).
Divine Comedy mô tả hành trình của Dante xuyên qua hỏa ngục (Inferno), ngục luyện tội (Purgatorio), và thiên đường (Paradiso), do Virgil thi sĩ La mã hướng dẫn, sau đó là do Beatrice, đối tượng tình yêu của ông, mà cũng là nhân vật chánh xuất hiện trong La Vita Nuova. Chương về Inferno mô tả cảnh địa ngục rất là sống động. Chương Purgatorio, với nhiều khuôn mặt thi nhân, rất là con người và rất thi vị, giọng thơ trữ tình đầy mê cảm. Paradiso thì nghiêng nặng về lý luận thần học, nhiều đoạn rất mỹ lệ đầy thần tính và thần bí, thế mà Dante thú nhận là ông không thể truyền đạt những gì ông muốn mô tả (dụ như, khi Dante nhìn thẳng vào gương mặt của Chúa: “all'alta fantasia qui mancò possa” – “ngay vào lúc cực điểm đó, mọi khả năng để mô tả đều bị đánh mất”,[8] Paradiso, XXXIII, 142).
Dante là một trong số ít nhà tiên phong, trong đó có Geoffrey Chaucer (kh.1343-1400) và Giovanni Boccaccio (1313-1375), vượt ra ngoài truyền thống chuyên dùng tiếng La tinh (ngôn ngữ của nghi lễ, lịch sử, thơ trữ tình và học thuật nói chung) trong tác phẩm của họ. Sự thay đổi này là lần đầu tiên, giúp cho nhiều, rất nhiều, công trình khác xuất bản cho quảng đại quần chúng, tạo thành nhiều tầng cấp có giá trị văn học cho tương lai. Dante, giống như Homer và Shakespeare, là những tiền lệ xuất sắc của những “thiên tài độc đáo”, những người tự đặt luật lệnh cho riêng mình, tạo dựng những nhân vật tầm cở đầy hấp lực và thâm ảo, vượt xa tất cả những kiểu mẫu của những bậc thầy đi trước, đồng thời cũng không ai về sau có thể bắt chước được. Cho đến thế kỷ 19, danh tiếng của Dante càng lúc càng vững mạnh; đến năm kỷ niệm 1865, ông nghiểm nhiên trở thành là một trong những thần tượng vĩ đại của nền văn học Tây phương.
Đương thời, mọi công trình học thuật, nghiên cứu, hay có tánh cách nghiêm trọng, đều được viết bằng chữ La tinh; một truyền thống dai dẵng hàng mấy trăm năm sau, cho đến thời Khai Minh (Enlightenment) của thế kỷ 18; tác phẩm nào không dùng La tinh ngữ đều bị cho là đồ bỏ. Lại nữa, từ “hài kịch” theo nghĩa cổ điển là dùng cho các công trình mô tả đức tin về một vũ trụ trật tự theo ý chí của đấng Tối Cao trong đó tất cả đều phải có một kết thúc vui vẻ hay “đáng cười”. Theo ý nghĩa này, trong một bức thư mà Dante đích thân viết cho Cangrande I della Scala, tiến trình của cuộc du hành từ địa ngục đến thiên đường là một diễn đạt điển hình của hài kịch, bởi vì tác phẩm bắt đầu với cuộc du hành của nhân vật còn nhiều rắm rối luân lý và kết thúc với viễn ảnh của Chúa.
Các tác phẩm khác của Dante kể có:
Convivio (The Banquet, Bửa tiệc), tuyển tập các bài thơ dài nhất của ông;
Monarchia (Quân chủ), một luận giải về triết học chánh trị, viết bằng chữ La tinh, mà sau khi ông chết, bị kết án và thiêu hủy bởi tòa án Papal Legate Bertrando del Poggetto, tuy rằng tác phẩm này bàn cải về sự cần thiết cho một vương triều quân chủ toàn cầu để thiết lập một thế giới hòa bình cho cuộc đời này; và liên hệ giữa vương triều này với Giáo hội Gia- tô La mã chính là chỉ đạo cho hòa bình vĩnh cữu;
De vulgari eloquentia, về văn chương bình dân; và,
La Vita Nuova (Cuộc sống mới) về chuyện tình của ông với Beatrice Portinari, mà cũng là hình ảnh cứu rỗi cuối cùng trong Comedy.
Thư tịch:
Gardner, Edmund Garratt. Dante. London, Pub. for the British Academy by H. Milford, Oxford University Press, 1921.
Hede, Jesper. Reading Dante: the Pursuit of Meaning. Lanham, MD: Lexington Books, 2007.
Raffa, Guy P. The Complete Danteworlds: a Reader's Guide to the Divine Comedy. University of Chicago Press, 2009.
Scott, John A. Dante's Political Purgatory, Philadelphia, University of Pennsylvania Press, 1996.
Seung, T. K. The Fragile Leaves of the Sibyl: Dante's Master Plan. Westminster, MD: Newman Press, 1962.
Toynbee, Paget. A Dictionary of the Proper Names and Notable Matters in the Works of Dante. London, Clarendon Press, 1898.
Whiting, Mary Bradford. Dante the Man and the Poet. Cambridge, England, Heffer, 1922.
Heracles và Antaeus, Euphronios họa, 515–510 ttl,
bảo tàng viện Louvres (G 103)
Daniel A. Dombrowski (sanh năm 1953), giáo sư Triết của đại học Seattle University. Ông là tác giả nhiều sách viết về đạo đức học, lịch sử Triết học, lịch sử Tôn giáo (tân cổ điển) như:
Rethinking the Ontological Argument: A Neoclassical Theistic Perspective. Cambridge: Cambridge University Press, 2006;
Contemporary Athletics and Ancient Greek Ideals. Chicago: University of Chicago Press, 2009;
Rawlsian Reflections in Religion and Applied Philosophy. University Park: Pennsylvania State University Press, 2011;
Plato's Philosophy of History. Washington, DC: University Press of America, 1981;
Thoreau the Platonist. NY, Berne, and Frankfurt: Verlag Peter Lang, 1986;
St. John of the Cross: An Appreciation. Albany: State University of New York Press, 1992;
Analytic Theism, Hartshorne, and the Concept of God. Albany: State University of New York Press, 1996;
A Platonic Philosophy of Religion: A Process Perspective. Albany: State University of New York Press, 2005; v.v.
Đặc biệt, là quyển:
Kazantzakis and God. Albany: State University of New York Press, 1997; được nhắc đến trong đây, cùng là một số tiểu luận khác:
“Journeying Toward the Promised Land: Kazantzakis, Method, and the East.” in Modern Greek Studies 8-9 (2001): 73-79.
“Kazantzakis and Mysticism.” in God's Struggler: Religion in the Writings of Nikos Kazantzakis (Macon, GA: Mercer University Press, 1996), 71-92.
“Kazantzakis and the New Middle Ages.” in Religion and Lierature 26, no. 3 (Autumn 1994): 19-32.
“Nikos Kazantzakis, Bergson and God.” in Literature and Process Thought. ed. by Darron Middleton (Burlington, VT: Ashgate, 2002): 173-89.
Tuy viết nhiều như thế, nhưng ông vẫn chưa có một nhận định xuyên suốt đối với cái nhìn siêu việt về Chúa của Nikos Kanzantzakis, mà vẫn cứ loanh quanh lẩn quẩn với một mớ bòng bong của Chúa cổ điển.
Ezekiel (יְחֶזְקֵאל, Y'ḥez'qel, Hazqiyal, ‘Chúa sẽ vững mạnh hơn’ tức ‘Đấng Toàn Năng’, hay ‘Thượng Đế’ là nhân vật trọng yếu chủ đạo trong quyển Book of Ezekiel trong Kinh thánh Do thái. Cả ba tôn giáo Do thái, Gia-tô và Hồi đều nhìn nhận Ezekiel (được cho là sanh khoảng 622 trước tây lịch) là đấng tiên tri Do thái. Riêng trong Do thái và Gia-tô giáo, ngài được xem là tác giả của Book of Ezekiel, trong đó tiên tri việc ngôi đền Jerusalem bị phá hủy (năm 67 sau tây lịch) và những viễn ảnh về Millennia Temple (Đền Thiên niên kỷ) tức ngôi Đền thứ ba (Third Temple).
Faust. x. Goethe.
Kimon Friar (1911-1993), thi sĩ Mỹ gốc Hi lạp, chuyên dịch thi ca Hi lạp sang Anh ngữ.
Friar sanh năm 1911 tại Imrali, vương quốc Ottoman, cha Mỹ, mẹ người Hi lạp. Tốt nghiệp đại học University of Michigan, ông bắt đầu dạy Anh văn tại trường Adelphi (1940–1945), Amherst College (1945–1946), New York University (1952–1953), và University of Minnesota-Duluth (1953-1954); và là giáo sư thỉnh giảng tại UC Berkeley, University of Illinois, Indiana University, và Ohio State University.
Friar từng là chủ biên của tờ The Charioteer (1960–1962), và Greek Heritage (1963–1965), hai tạp chí chuyên về văn hóa Hi lạp tại Mỹ. Friar chuyên phiên chuyển rất lưu loát những áng thi ca từ Hi lạp ngữ sang Anh ngữ; ông biên soạn, phiên dịch và hiệu đính rất nhiều tác phẩm, kể cả Modern Poetry: American and British (cùng với John Malcolm Brinnin) năm 1951; năm 1960 dịch The Saviors of God; năm 1963 dịch Sodom and Gomorrah cũng của Nikos Kazantzakis, và đến 1973 phát hành hợp tuyển Modern Greek Poetry: from Cavafis to Elytis.
Friar nổi tiếng nhất với công trình phiên chuyển thiên trường ca The Odyssey: A Modern Sequel của Kazantzakis, từ Hi lạp sang Anh ngữ, sau nhiều năm hợp tác thân thiện cùng tác giả, và hoàn tất tác phẩm này vào năm 1958. Một nhà phê bình văn học cho tạp chí Time đánh giá bản dịch The Odyssey của Friar tự nó cũng xứng đáng là một kiệt tác. Còn Kazantzakis thì hết lời khen ngợi Kimon Friar: “dịch phẩm cũng tuyệt vời như nguyên bản”.
Công trình thứ hai xác chứng tài năng phiên dịch tuyệt vời của Friar là quyển Spiritual Exercises, tức Huyền linh Tâm pháp, cũng của Kazantzakis, mà ông đặt tựa là The Saviors of God, phát hành năm 1960. The Saviors of God chứa đựng cốt lõi triết lý của Kazantzakis, được đánh giá ngang hàng với Thus Spake Zarathustra của Nietzsche. Nó là chìa khóa mở cửa cho ta nhìn thấy toàn thể các tác phẩm khác của Kazantzakis; riêng The Saviors of God tự nó là một quan điểm có hệ thống và cuồng nhiệt về liên hệ giữa con Người và Chúa của Kazantzakis.
Năm 1978, Friar đoạt giải Greek World Award. Đến năm 1986, ông được cấp 2 học bổng Ford Foundation và National Foundation of the Arts and Humanities[9] với câu ca tụng khi phát giải: “Chúng tôi muốn nói rằng nhà thi sĩ trong dịch phẩm cần phải được thưởng thức, còn dịch giả thì lại cần phải được xưng tán.”
Kimon Friar mất vào ngày 25 tháng 5, 1993, tại Hi lạp, nơi ông sinh sống những năm cuối đời.
Tác phẩm:
Yeats: A Vision (1940)
Modern Poetry: American and British (with John Malcolm Brinnin). (1951)
Modern European Poetry, editor and translator of the Greek section in Bantam Classics, 1966.
With Face to the Wall; selected Poems by Miltos Sahtouris, translations by Kimon Friar. Washington: The Charioteer Press, 1968.
Modern Greek Poetry: from Cavafis to Elytis (1973).
The Odyssey: A Modern Sequel, translation in verses by Kimon Friar. New York: Simon and Schuster, 1958; London: Secker and Warburg, 1958.
The Saviors of God: Spiritual Exercises, by Nikos Kazantzakis, translation by Kimon Friar, 1960.
Sodom and Gomorrah by Nikos Kazantzakis, translation by Kimon Friar, 1963.
The Sovereign Sun: Selected Poems by Odysseus Elytis, trans. Kimon Friar. Philadelphia, 1974.
Giải thưởng:
National Foundation of the Arts
Nguồn tư liệu:
Kimon Friar Papers, a biography by Maritza Maxwell.
Johann Wolfgang von Goethe sanh ngày 28 tháng 8 năm 1749, mất ngày 22 tháng 3 năm 1832, được xem là một trong những vĩ nhân trong nền văn học thế giới. Ông là nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, tiểu thuyết gia, khoa học gia, họa sĩ, nhà triết học tự nhiên, nhà ngoại giao, của Đức. Do đó ông là một trong số ít những người được xem là nhà thông thái. Hầu hết các tác phẩm văn chương nổi tiếng của ông trường tồn với thời gian, một trong những số đó là vở kịch thơ Faust gồm 2 phần, là một trong những đỉnh cao của nền văn chương thế giới; các quyển khác là Wilhelm Meister's Apprenticeship, là tiểu thuyết dưới dạng trao đổi văn thư Nỗi đau của chàng Werther.
Goethe, một trong những gương mặt điển hình của văn chương Đức đã đoạn tuyệt khỏi trường phái cổ điển Weimar ở Đức vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19; sự siêu việt này cũng trùng hợp với thời kỳ Khai Minh (Enlightenment period) và chủ nghĩa lãng mạn (Existentialism). Ông có ảnh hưởng rất lớn đến nền văn chương thế giới đặc biệt là ở châu Âu, nhiều tác phẩm của ông là nguồn cảm hứng trong âm nhạc cổ điển Đức, cũng như kịch nghệ, thi ca và triết học.
Năm 1832, Goethe tạ thế tại thành phố Weimar và được chôn cất trong Nghĩa trang Lịch sử Weimar.
Bi kịch Faust của Goethe: Vở kịch Faust của Johann Wolfgang von Goethe là một bi kịch gồm có 2 màn, thường ít khi được trình diễn trọn cả hai, nhưng lại lôi cuốn rất đông khán giả Đức. Faust là tác phẩm nổi danh nhất của Goethe, và được các thẩm bình gia xem như là kiệt tác trong văn học Đức ngữ.
Goethe hoàn tất màn I của Faust và cho xuất bản vào năm 1806; sau đó được tái bản vào những năm 1828-29, cũng do Goethe tái duyệt. Màn II của Faust được Goethe hoàn tất năm 1831. Màn II, khác với màn I, ở đây không chú trọng đến linh hồn của Faust nữa, vốn trước đó đã bán linh hồn cho quỷ sứ, mà chú trọng đến những hiện tượng xã hội như tâm lý, sử học và chánh trị, cùng với những đề tài huyền bí và triết học khác. Màn II này là những vấn đề mà Goethe chú ý trong những năm cuối của cuộc đời. Sau khi ông mất, màn II mới được xuất bản vào năm 1832.
Faust màn I, in lần đầu, 1808.
Những vai chánh trong màn I của Bi kịch gồm có:
Heinrich Faust, học giả;
Mephistopheles, quỷ sứ;
Gretchen (hay là Margaret; Goethe đôi khi dùng của hai) , người yêu của Faust;
Marthe, láng giềng của Gretchen;
Valentin, anh của Gretchen;
Wagner, người hầu cận thân tín của Faust.
Màn I của Faust là một mẫu chuyện ly kỳ, được dàn dựng nhiều cảnh. Cảnh 1 là ở nơi thiên đường. Quỷ sứ Mephistopheles đánh cuộc với Chúa: y có thể dụ dỗ nhân vật mà Chúa yêu quí nhất (Faust), người đang học hỏi tất cả những gì tri nhận được, dụ dỗ chàng không đeo đuổi những điều thiện. Cảnh 2 là nơi thư phòng của Faust, quá thất vọng vì điều vô nghĩa của tri thức tôn giáo, nhân văn và khoa học, nên Faust bèn xoay sang ma thuật để mong đạt được kiến ngộ vô cùng tận. Tuy nhiên, ông cũng hoài nghi là những cố gắng của ông cũng sẽ thất bại, cho nên, vô cùng thống khổ, ông toan tính tự tử, nhưng mà rồi lại thôi, khi nghe bên ngoài thiên hạ bắt đầu ca hát ăn mừng lễ Phục Sinh. Ông bèn cùng người hầu Wagner đi dạo; khi trở về thì có một con chó hoang đi theo về.
Vào đến thư phòng của Faust, con chó bổng chuyển mình biến thành quỷ sứ Mephistopheles. Faust bèn điều đình với quỷ sứ : quỷ sứ phải làm theo bất kỳ điều gì mà Faust muốn khi mà y còn ở trên mặt đất này, đổi lại, Faust sẽ phụng vụ quỷ sứ ở Địa ngục. Faust dàn xếp rằng trong trọn khoảng thời gian mà Mephistopheles phục vụ Faust, nếu Faust hài lòng với tất cả những gì mà quỷ sứ cung hiến thì ông mong muốn sẽ được sống miên viễn mãi trong giây phút đó, ấy là, ông muốn chết ngay trong phút giây đó. Khi quỷ sứ bảo Faust phải ký tờ hiệp ước bằng máu, Faust cằn nhằn là quỷ sứ không tin tưởng nơi lời hứa danh dự của ông ta. Cuối cùng, Mephistopheles thắng cuộc và Faust ký bằng giọt máu của mình. Thế là Faust bán linh hồn cho quỷ sứ.
Cuối cùng Faust được lên thiên đường, vì ông chỉ thua có nửa cuộc. Các thiên sứ của Chúa khoan dung, tuyên bố, ở cuối cảnh V: “Ai mà phấn đấu và sống trong phấn đấu, thì dầu tội lỗi vẫn được cứu chuộc” (V, 11936–7).
Tuy ngày nay độc giả tân thời khó hiểu những đề tài cổ điển của Âu châu, nhưng tác phẩm này luôn vẫn là một thí dụ điển hình về khoa học và tôn giáo, đam mê và cám dổ, tự do và tình yêu, v.v. Là một tuyệt tác của thi ca, Goethe dùng Faust để đặt khoa học và quyền lực vào trong bình diện siêu hình đạo đức. Điển hình là Faust, một nhà khoa học thực nghiệm, lại phải đối diện trước những vấn đề lưỡng cực như thiện và ác, Chúa và sa-tăn, tình dục và bất tử, v.v. Schopenhauer không hết lời ca tụng tài nghệ Goethe diễn đạt Gretchen và nổi thống khổ chịu đựng của nàng. Khi luận bàn về sự cứu rỗi từ nơi đau khổ, Schopenhauer đã trích dẫn đoạn này của Faust làm thí dụ điển hình về những con đường đưa đến sự thánh thiện, qua diễn đạt về từ bỏ ý chí, vì bất hạnh, thối chí trước sự cứu rỗi, qua nổi thống khổ của Gretchen.
Các dịch bản:
- Thi hào Anh Samuel Taylor Coleridge dịch thi vận màn đầu của Faust ra Anh ngữ và phát hành năm 1821; được Frederick Burwick and James C. McKusick kể đến trong quyển Faustus: From the German of Goethe, translated by Samuel Taylor Coleridge do họ biên soạn. (Oxford University Press, 2007);
- Gérard de Nerval, một nhà văn nổi danh của Pháp, dịch Faust sang Pháp ngữ năm 1828, khi ông mới 25 tuổi;
- Năm 1887, kịch gia Ái nhĩ lan William Gorman Wills phóng tác màn đầu của Faust với Henry Irving đóng vai Mephistopheles tại kịch trường Lyceum Theatre, London;
- Triết gia Mỹ Walter Kaufmann cũng soạn dịch một bản Anh ngữ của Faust;
- Năm 1950, bản dịch Nga ngữ của nhà văn Boris Pasternak ra đời, diễn đạt rất sống động hình ảnh các thiên chúa (gods), thiên thần (angels), phù thủy (witches), ma quỷ (spirits), sự điên cuồng của Gretchen đáng tội nghiệp, và tất cả những gì ‘phi lý’ trong Faust.
Homer (Oμηρος Hómēros)
Không ai biết rõ thời đại sinh hoạt của Homer. Các nhà nghiên cứu không thống nhất với nhau, người cho rằng ông sống khoảng 850 trước tây lịch; người khác khoảng thế kỷ 12 ttl, gần với trận chiến Troy (Trojan War), một số nói giữa thế kỷ 7 và 8 ttl.
Theo truyền thống cổ văn Tây phương, Homer (Oμηρος, Hómēros) là tác giả hai thiên trường ca Iliad và Odyssey, và được xưng tụng là thi bá vĩ đại nhất của cổ văn học Hi lạp. Hai tác phẩm này khởi nguồn và có ảnh hưởng sâu đậm đối với nền văn học Tây phương, nhất là nền văn hóa Hi lạp. xt. Odyssey
Aldous Leonard Huxley (1894-1963) văn sĩ Anh, nổi danh với tác phẩm Brave New World (1932), là nhà nhân văn (humanist), trào phúng (satirist) và theo chủ nghĩa hòa bình (pacifist); ông mê say với những vấn đề huyền linh như cận tâm lý học (parapsychology), huyền bí học (philosophical mysticism), đến độ dùng những thuốc kích thích để xuất thần, đưa hồn vào những trạng thái lâng lâng (psychedelics). Ông sống vào thời kỳ mà phong trào những nhà trí thức và văn nghệ sĩ (nổi tiếng nhất là The Beatles) rầm rộ đi về phương Đông để tìm những cung ứng tâm linh mới cho nhu cầu và thể xác, mà truyền thống Tây phương không đáp ứng được. Tuy nhiên, họ lạc sâu vào con đường dùng những kích thích tố để xuất thần ngay tức thời, trong khi Thiền quán của đạo Phật là tự thân kinh nghiệm và thực chứng, trãi qua thời gian dài – đôi khi trọn đời – khổ công tu tập, không qua một trung gian nào khác dầu đó là thần bí như Chúa hoặc vật thể như thuốc kích thích. Phong trào này còn có những tên mang ý nghĩa xấu khác, như ‘the Hippies’, ‘Baby Boomers’, v.v.
Huxley kết thân với George Orwell (1903-1950), tác giả viễn kiến tài danh của Animal Farm và nhất là Nineteen Eighty-Four (1984), người tiên đoán những gì trong xã hội, về những kiểm soát chánh trị, tôn giáo và khoa học kỹ thuật, sẽ hiện thực vào năm này mà khi xuất bản, đầu thập niên 1950’, không ai có thể tin nổi. Những bạn khác của Huxley có thể kể Aleister Crowley, nhà thần bí (occultist) Anh, là người đưa Huxley vào đường dùng mescaline-peyote (thuốc gây ảo giác làm từ loại cây xương rồng nhỏ Mễ tây cơ), Alfred Matthew Hubbard người đầu tiên xử dụng cần sa LSD, Ray Bradbury,[10] v.v.. Những kinh nghiệm ảo giác của ông được mô tả trong The Doors of Perception (Cánh cửa nhận thức, rút từ lời nói trong tác phẩm The Marriage of Heaven and Hell của William Blake [1757-1827]), và Heaven and Hell (Thiên đường và Địa ngục), được những nhóm hippies sùng bái.
Từ 1939, ông đi theo Swami Prabhavananda (1893-1976), người đầu tiên truyền bá tư tưởng hậu-Vệ đà đến Mỹ, và thành lập các hội Vedanta Society khắp nơi tại Mỹ, được đạo sư này làm lễ nhập môn và dạy thiền quán và những thực tập tâm linh khác, theo Ấn giáo (Brahmanism). Trong nhóm môn đồ này, còn có cả Christopher Isherwood, một tác giả nổi tiếng khác về Thần bí học và Vệ-đà học.
Năm 1944 Huxley viết lời Giới thiệu cho quyển “Bhagavad Gita: The Song of God”, do Swami Prabhavanada và Christopher Isherwood dịch. Trước khi chết, ông còn đòi chít vào gân một mủi LSD, 100 µg, rồi mới chịu ra đi, ngày 22-11-1963, chỉ vài giờ sau cuộc ám sát tổng thống John F. Kennedy. Cùng ngày, tác giả người Ái nhĩ lan C. S. Lewis (1898-1963),[11] cũng trút hơi thở cuối cùng; tình cờ này gợi hứng cho Peter Kreeft sáng tác Between Heaven and Hell: A Dialog Somewhere Beyond Death with John F. Kennedy, C. S. Lewis, & Aldous Huxley (Giữa Thiên đường và Địa ngục: Cuộc Đối thoại đâu đó siêu việt Thần chết với John F. Kennedy, C. S. Lewis, & Aldous Huxley). Cùng là 3 cái chết, nhưng không chắc người nào thật sự được giải thoát; mặc dầu Huxley cũng ngộ nhận tưởng mình đã được giải thoát trong những cơn xuất thần lâng lâng vì những thứ thuốc kích thích, khi ông viết: “Moksha: Writings on Psychedelics and the Visionary Experience 1931–63”, xb 1977 (Giải thoát: tãn mạn về Xuất thần và Kinh nghiệm ảo giác 1931–63).
Các tác phẩm chánh:
Brave New World (1932)
Jacob's Hands: A Fable (Bàn tay của Jacob: ngụ ngôn) cùng viết với Christopher Isherwood
The Art of Seeing (1942)
The Perennial Philosophy (1945)
Science, Liberty and Peace (1946)
The Doors of Perception (1954)
Heaven and Hell (1956)
Brave New World Revisited (1958)
Literature and Science (1963)
Moksha: Writings on Psychedelics and the Visionary Experience 1931–63 (1977)
Pride and Prejudice (1940)
The Genius and the Goddess (kịch bản cùng soạn với Betty Wendel, 1958)
Jacob, trong sách Sáng Thế (Book of Genesis) của Gia-tô giáo, là con của Isaac và Rebecca, cháu nội của Abraham, là em song sanh với Esau. Truyền thống cho rằng Jacob là tiên tổ của tộc Hebrews. Khi còn trẻ, ông dùng thủ đoạn để được cha là Isaac chấp nhận nối dòng, gạt anh ra ngoài. Esau tức giận tìm cách trả thù khiến Jacob chạy tới ông cậu, Laban, ở Paddan-aram, để trốn. Trên đường chạy trốn, tại Bethel, Jacob có ảo ảnh thấy nhiều thiên thần đi lên đi xuống cầu thang dẫn tới thiên đường. Sau 20 năm phục vụ dưới trướng của Laban, Jacob lại tìm về cố hương, mang theo 2 bà vợ, Leah và Rachel, và 12 đứa con, mà tên của chúng được đặt cho 12 bộ lạc Do-thái, thủy tổ của dân tộc này. Trên đường đi Canaan, bên bờ sông Jabbok, ông vật lộn trọn đêm với thiên thần, sau đó được thiên thần ban phước và đặt cho tên là Israel. Hôm sau, về đến Israel, ông làm lành với Esau. Đứa con cưng của ông, Joseph, bị các anh em khác bán làm nô lệ sang Ai cập, sau đó Jacob cũng di tản sang Ai cập chung sống với Joseph và cuối cùng chết tại đây. Rồi gia đình đoàn tụ sau khi có nạn đói xãy ra, các anh em của Jacob phải chạy sang Ai cập để kiếm ăn. Ngày nay, các nhà thần học hiện đại đặt vấn đề giá trị lịch sử của Jacob. Trong Tân Ước, thì tên James đồng nghĩa với Jacob của Hebrew ngữ.
William James (1842-1910), nhà tâm lý học tiền phong của Mỹ, viết nhiều sách về tâm lý giáo dục, tâm lý của kinh nghiệm tôn giáo, và huyền linh học (spiritualism). Ông cũng viết về chủ nghĩa thực dụng (philosophy of pragmatism), nên sau này được xem là ông tổ của triết học này. Ông thường trao đổi tư tưởng với những danh sĩ đương thời như Ralph Waldo Emerson, Bertrand Russell, John Dewey (1859-1952),[12] Walter Lippmann (1889-1974),[13] Mark Twain, Horatio Alger Jr.,[14] Henri Bergson, Sigmund Freud, v.v.
James cho rằng đức tin chân thật là những điều được chứng minh là có ích lợi cho người đang tin vào chúng. Từ đó, ông đề xướng và định nghĩa chủ nghĩa thực dụng, rằng giá trị của mọi sự thật đều tuyệt đối tùy thuộc vào lợi ích cho người đang nắm giữ nó. Mô tả của James về liên hệ giữa tâm nội tại và thế giới ngoại tại, mà ông gọi là dòng tâm thức (stream of consciousness) hay tâm lý (psychology), gây ảnh hưởng sâu đậm và trực tiếp đến nghệ thuật và văn chương của trào lưu Tiền phong (avant-garde) và Hiện đại (modernist).
Tác phẩm của ông được John McDermott thu tập thành 47 quyển,[15] trong đó có những công trình quí giá như bộ 2 tập Principles of Psychology (Những Nguyên lý căn bản của Tâm lý học, 1890).
Index of Prohibited Books. x. Thư viện Sách Cấm.
John the Apostle (Aramaic: Yoħanna, Hi lạp: Ἰωάννης) (kh. 6 – kh. 100 stl) là một trong 12 tông đồ của Giê-su, và là anh của tông đồ James. Truyền thống Gia-tô cho rằng ông sống dai nhất trong số các tông đồ, sau chết vì tuổi già; những vị kia thì tự tử như Judas Iscariot, số còn lại thì đều tử đạo. Các Giáo Phụ (Church Fathers) cho rằng ông còn được gọi bằng các danh xưng khác như John the Evangelist, John of Patmos, và the Beloved Disciple (môn đệ dấu yêu). Ông được cho là tác giả của 5 sách trong Tân Ước: Gospel of John (Phúc Âm của John), 3 Epistles of John (3 Thánh thư của John), và Book of Revelation (sách Khải Huyền). Những lời ghi của ông trong các sách này được cho là do ngôi Thánh Thần mặc khải trong khi ông quán tưởng, thấy viễn ảnh và trong những giấc mơ.
James Augustine Aloysius Joyce (1882-1941), văn hào và thi bá người Ái nhĩ lan, được xưng tụng là một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng thâm sâu nhất trong giới tiên phong (avant-garde) hiện đại của đầu thế kỷ 20. Joyce nỗi danh với tác phẩm Ulysses (1922), dựa trên Odyssey của Homer. Các tác phẩm lớn khác kể có Dubliners (Người dân thành phố Dublin, 1914), A Portrait of the Artist as a Young Man (Gương mặt Nghệ sĩ thời trẻ, 1916) và Finnegan’s Wake (Đêm thức canh Finnegan, 1939). Toàn tập của ông gồm ba quyển thơ, một kịch bản, các bài viết trên báo chí và những văn thư trao đổi cùng thân hữu.
Joyce sanh tại Dublin, nhưng kể từ thập niên 1920’, ông sang định cư tại Âu châu, thường sống tại Trieste, Paris và Zurich. Tuy thế, tất cả những nhân vật trong các tác phẩm của ông đều xây dựng trên sinh hoạt thực tế của những người thân, bạn bè, kẻ không ưa, v.v., trong thời ông sống tại Dublin. Đặc biệt, Ulysses mô tả rất sống thực những con đường, những ngỏ hẻm của thành phố này. Ông nói, “với tôi, tôi luôn viết về Dublin, bởi vì, nếu tôi nói lên được tâm hồn của Dublin thì là tôi nói lên được tâm hồn của mọi thành phố trên toàn thế giới. Những cảnh đặc biệt về Dublin đã mang đầy đủ hình ảnh toàn cầu”.
Lúc nhỏ, ông học các trường thuộc dòng Tên,[16] cho nên tuy đã từ bỏ gốc rễ Gia-tô vào tuổi 16 (1896), nhưng triết lý của Thomas Aquinas vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng sâu đậm trong suốt cuộc đời của ông. Năm 1915, ông dọn về ở Zurich. Tại đây, ông sáng tác Exiles (Lưu đày), xuất bản A Portrait of the Artist as a Young Man, và khởi sự viết Ulysses. Bốn năm sau, ông trở lại Trieste; rồi đến 1920 viếng thăm Paris theo lời mời của Ezra Pound,[17] định ở chơi một tuần, rốt lại ở đó luôn đến 20 năm sau. Joyce hoàn tất Ulysses tại Paris, và nổi danh là tay cự phách của phong trào Avant-garde (Tiên Phong).
L. A. G. Strong, William T. Noon, Robert Boyle và một số khác tranh luận rằng, Joyce vào cuối đời, đã qui phục lại với đức tin mà ông đã chối bỏ khi còn trẻ, rằng Ulysses và Finnegan’s Wake từ căn bản mang đầy tư tưởng Ki-tô. Cũng thế, thi hào Mỹ T.S. Eliot (1888-1965) đọc thấy giữa hai hàng[18] của những tác phẩm của Joyce là quan điểm của một Ki-tô hữu chân chánh và bên dưới cái vỏ bề ngoài chống báng là tiềm tàng một thái độ và đức tin Gia-tô. Kevin Sullivan thì nói rằng, không phải là ông tìm về hòa giải với đức tin Gia-tô, mà thật ra là Joyce chưa hề bao giờ rời bỏ nó.
Trong cuộc phỏng vấn sau khi xuất bản Ulysses, ông được hỏi: “Ông từ bỏ Giáo hội Gia tô khi nào”, Joyce trả lời, “Điều đó để cho Giáo hội lên tiếng.” Triết gia Ý Umberto Eco (1932- ) thì so sánh Joyce với những vị ‘giám mục lạc lõng’ (episcopi vagantes, stray bishops) thời Trung cổ. Họ để lại cho hậu thế một khuôn thức cho sự nổi loạn của họ, mà không phải là một gia tài văn hóa hay một trào lưu suy tư gì cả. Giống như họ, Joyce trì giữ ý nghĩa về phản giáo (blasphemy) như là một nghi lễ tế thần.
Đầu óc tôi đập vỡ toàn bộ trật tự xã hội hiện đại và Ki-tô giáo: gia đình, những đức hạnh được tuyên dương, giai cấp trong cuộc sống, và giáo điều tôn giáo … Sáu năm trước, tôi từ bỏ Giáo hội Gia-tô, hăng say thù ghét nó. Tôi âm thầm khêu chiến với nó khi còn là sinh viên và không thèm nhận một chức vị gì mà họ hiến tặng cho tôi. Tôi trở thành là một tên nghèo khó, nhưng vẫn giữ niềm tự hào của mình. Nay thì tôi có thể ra mặt chiến đấu với họ qua ngòi bút của mình, qua những gì tôi làm và tôi nói.
Khi ai nấy chuẩn bị lễ an táng cho Joyce, một linh mục Gia-tô tìm đủ cách để thuyết phục Nora Barnacle đưa quan tài Joyce đến nhà thờ để nhận lãnh Thánh lễ an táng, bà kể cho Ellmann rằng: “Tôi không thể làm trái ý James được.”
Odysseus (Hi : Ὀδυσσεύς) hay Ulysses (La: Ulyssēs, Ulixēs), trong thần thoại và dã sử Hi lạp, là ông vua Bàn Cổ trị vì đảo quốc Ithaca; cho nên từ Odysseus và Ithaca đồng nghĩa với sự khởi nguyên của nước Hi lạp, giống như họ Hồng Bàng của Việt nam. Thi hào Homer mô tả những cuộc hành trình mạo hiểm của Odysseus trong thiên trường ca bất hủ Odyssey; và cho Odysseus đóng một vai quan trọng trong một tác phẩm cũng nổi danh khác, là Iliad. Bản tánh Nikos Kazantzakis cũng hiếu động, thích phiêu lãng và thường du hành đó đây, nên ông tự ví mình như Odysseus.
Trong Iliad và Odyssey, Homer mô tả Odysseus là một anh hùng văn hóa, trong khi dân La mã xem ông là kẻ thù nghịch, vì chiến thắng của ông tại thành Troy. Trong Aeneid của Virgil, ông là “Odysseus tàn ác” (La tinh ngữ: dirus Ulixes) hay “Odysseus lừa đão” (pellacis, fandi fictor). Còn đối với Homer, Odysseus là nhân danh[19] người hùng của Odyssey. Thiên trường ca Odyssey này mô tả 10 năm gian khổ của Odysseus trong hành trình trở về Ithaca để đòi lại địa vị thiên mạng đế vương của ông, sau trận chiến tại thành Troy (Trojan War) hào hùng. Odysseus trong thông dụng còn có nghĩa là một cuộc viễn trình xa xôi, người đi phải vất vả chiến đấu với nhiều hiểm họa trên đường, mới có thể đến đích.
Odysseus có mặt trong một số bi kịch cổ điển còn lưu truyền, như của Aeschylus, Sophocles (Ajax, Philoctetes), Euripides (Hecuba, Rhesus, Cyclops) Trong Ajax, Sophocles mô tả Odysseus là một tiếng nói tân tiến có suy luận hơn là hình ảnh khắc khe tàn nhẫn cổ xưa. Ulysses thường xuất hiện trong Aeneid của Virgil; trong đó người hùng của tập thơ này, Aeneas, cứu mạng một thủy thủ của Ulysses bị bỏ lại đàng sau trên đảo Cyclops. Aeneas bèn kể cho nghe nhiều sự việc xãy ra, rồi Homer tường thuật lại, dùng Ulysses làm vai chánh. Ulysses của Virgil biểu lộ quan niệm của ông về người Hi lạp: anh ta xảo quyệt, không tín ngưỡng, cuối cùng trở thành hiểm độc và thích hưởng thụ. Còn Ovid thì viết về cuộc tranh tài giữa Ulysses và Ajax để tranh dành chiến bào của Achilles, người chỉ có tử huyệt duy nhất ở nơi gót chân (Achilles’s heel), người hùng của thành Troy. Huyền thoại Hi lạp cho rằng Ulysses là người xây dựng thành Lisbon hiện tại, thủ phủ Bồ đào nha (Portugal), gọi nó là Ulisipo hay Ulisseya, trong thời gian 20 năm ông phiêu lưu trên các miền biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.
Dante, trong đoạn Canto 26 phần Inferno của tác phẩm Divine Comedy của ông, đã gặp gở Odysseus (viết là Ulisse trong nguyên ngữ Ý) ở cuối đáy vực của Địa ngục: cùng với Diomedes, Odysseus bị lửa cháy xém khi chạy qua vòng đai thứ 8[20] của Quỹ Đạo Tám,[21] một sự trừng phạt vì đã tham dự âm mưu chiến lược để chiếm thành Troy. Con người, theo Ulisse của Dante, không phải được tạo dựng để sống tàn bạo như súc vật, mà là phải sống theo đạo đức và có tri thức.
Odysseus cũng xuất hiện trong Troilus and Cressida một kịch bản về Trận chiến thành Troy, của Shakespeare.[22] Trường thi “Ulysses” của Tennyson[23] mô tả một vị hoàng đế già nua, từng tung hoành thiên hạ hơn nửa đời người nên không thích sung sướng ngồi trên ngai vàng chờ chết, bèn truyền ngôi cho con, quy tụ nhóm chiến hữu xưa để “dong thuyền vượt ánh tà dương”.[24] James Joyce thì có quyển tiểu thuyết Ulysses; còn Virginia Woolf[25] thì quyển Mrs. Dalloway; và nhiều tác giả khác, hoặc viết trực tiếp về người hùng này hoặc mô tả một nhân vật nào đó có bóng dáng Ulysses. Quyển The Penelopiad của Margaret Atwood[26] miêu tả cốt truyện theo quan điểm của Penelope.
Trường ca The Odyssey: a Modern Sequel của Nikos Kazantzakis, dài 33.333 câu, bắt đầu bằng Odysseus tắm mình trong máu của những người hâm mộ nàng Penelope. Ít lâu sau, Odysseus lại rời Ithaca để tìm những mạo hiểm mới. Trước khi chết, ông bắt cóc Helen của thành Troy; xúi giục những bạo loạn nơi đảo Crete và Ai cập; thông linh với Chúa; và gặp gở những khuôn mặt nổi tiếng trong lịch sử và văn học, như Vladimir Lenin, Don Quixote[27] và Giê-su.
Những năm 1978-1979, đạo diễn Đức Tony Munzlinger thực hiện một loạt phim tài liệu tên Unterwegs mit Odysseus (Những cuộc hành trình với Odysseus); toàn ê-kíp nhân viên thực hiện phim vượt biển Địa Trung Hải, xuyên Đại Tây dương, đi tìm dấu vết mà Odysseus của huyền thoại có thể lưu lại cho người đời như trong Odyssey mô tả. Phim The War at Troy và tiếp đó The Return from Troy của Lindsay Clarke xây dựng Odysseus trong những hành trình vừa huyền bí vừa có những ngộ kiến tâm lý hiện đại. Tài tử John Drew Barrymore đóng vai Odysseus trong phim The Trojan Horse năm 1961, cũng như Piero Lulli trong The Fury of Achilles năm 1962, Sean Pean trong Troy, v.v. Còn Ulysses 31 là một bộ phim truyện hoạt họa của Pháp và Nhật, đưa huyền thoại Hi lạp và La mã về Ulysses (tức Odysseus) qua thế kỷ thứ 31. Đầu thế kỷ 20, nhà soạn nhạc người Anh, Cecil Armstrong Gibbs soạn bản Giao hưởng 2 (Second Symphony) và đặt tên là Odysseus, với lời ca của nhà thơ Mordaunt Currie.
Trên đây là sơ lược một ít công trình trong văn học và nghệ thuật dùng Ulysses làm nhân vật trọng tâm. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Nikos Kazantzakis cũng được Ulysses gợi hứng để mô tả những hành trình nội tâm đầy sống động của ông.
Thư tịch:
Bittlestone, Robert, James Diggle and John Underhill. Odysseus Unbound: The Search for Homer’s Ithaca. Cambridge: Cambridge University Press, 2005.
Bradford, Ernle. Ulysses Found. Hodder and Stoughton, 1963.
Bloom, Harold. Homer's The Odyssey. New York: Chelsea House, 2007.
Schönborn, Hans-Bernhard. Die Pastophoren im Kult der ägyptischen Götter. Meisenheim am Glan: Hain, 1976.
Tole, Vasil S. Odyssey and Sirens: a Temptation towards the Mystery of the Isopolyphonic Regions of Epirus, a Homeric theme with variations. Albania: Tirana, 2005.
Pandelis Prevelakis (Hi lạp ngữ: Παντελής Πρεβελάκης, đôi khi dịch là Panteles Prevelakes, 1909-1986), văn nhân, thi sĩ, kịch tác gia, thẩm bình gia Hi lạp; một trong những nhà văn xuôi nổi danh của thế hệ thời 1930’. Ông sanh tại Rethymno, quần đảo Crete, năm 1909, học về Ngôn ngữ học tại Paris; từ năm 1930, ông trở thành bạn thân của Nikos và sau đó viết một quyển tiểu sử và văn nghiệp về Kazantzakis.
Từng sáng tác The Tale of a Town hay The Chronicle of a Town (Το χρονικό μιας Πολιτείας, 1937), diễn tả những biến chuyển của lịch sử nơi quê hương Rethymno của ông từ 1898-1924. Từ 1939 đến 1975 ông là giáo sư Lịch sử Nghệ thuật tại Academy of Arts, Athens. Năm 1939 ông xuất bản quyển lịch sử về dòng họ Medici, The Death of the Medici. Ông có sáng tác 4 kịch phẩm, đều là về đề tài lịch sử.
Prevelakes mất tại Athens vào tháng 3 năm 1986; mộ chôn tại Rethymno, trong một nghĩa trang nhà thờ ở ngọn đồi trên con đường mang tên Kazantzakis Street. Tượng của ông đặt trước toà đô sảnh của thành phố Rethymno.
Tác phẩm:
Le soleil de la mort (1965), tức The Sun of Death do Philip Sherrard dịch (1997)
The Cretan, A. Rick & P. Mackridge dịch sang Anh ngữ năm 1991
The Tale of a Town, K. Johnstone dịch (1976)
Valentin Louis Georges Eugène Marcel Proust (1871-1922), nhà văn, nhà phê bình và tiểu luận gia người Pháp, nổi tiếng qua tác phẩm đồ sộ À la recherche du temps perdu (Anh: Remembrance of Things Past; Việt: Nhớ về thời gian đã mất[28]), xuất bản những năm 1913-1927.
Vào những năm cuối đời, Proust nằm liệt giường trong căn phòng đóng kín mít, ngủ ngày thức đêm để hoàn tất tác phẩm này. Ông mất vì bịnh sưng phổi năm 1922, và được chôn tại nghĩa trang Père Lachaise Cemetery tại Paris. Proust, cùng với James Joyce của Ái nhĩ lan, Thomas Mann của Đức, Robert Musil của Áo, và Italo Svevo của Ý, là những khuôn mặt tiên phong trong nền Văn học Hiện đại (Modernist literature).
Proust khởi đầu sự nghiệp viết văn lúc còn rất trẻ, ngay khi còn ở trung học đã tham gia đóng góp bài vở cho La Revue verte và La Revue lilas, từ năm 1890 và có được một trang xã luận trong báo Le Mensuel. Năm 1892 ông cùng bạn hữu lập tạp chí văn học phê bình Le Banquet (dùng từ của Plato trong Symposium), cùng là cọng tác thường xuyên với tạp chí uy tín La Revue Blanche.
Năm 1896 ông cho xuất bản Les Plaisirs et les Jours, tổng họp những bài ông viết cho các báo trên. Sách được Anatole France,[29] văn hào Pháp đương thời, đề tựa. Cùng năm 1896, Proust bắt đầu viết một tiểu thuyết, mà mãi đến 1952 mới xuất bản, sau khi ông chết (1922) được các nhà biên tập đề tựa là Jean Santeuil. Một số các chủ đề trong quyển tiểu thuyết này được tìm thấy trong các bản nháp đầu tiên của À la recherche du temps perdu với vài sửa đổi chỗ này chỗ khác; nhiều đoạn trong In Search of Lost Time cũng được đọc thấy trong bản thảo đầu tiên của Jean Santeuil.
Từ năm 1895 Proust bỏ ra nhiều năm để đọc và nghiên cứu Carlyle,[30] Emerson, và John Ruskin (1819–1900), nhờ đó ông tao luyện thêm triết thuyết của riêng ông về nghệ thuật và vai trò của nghệ sĩ trong xã hội. Cũng thế, trong Time Regained (Một thời tìm lại) vai chánh của Proust nhắc ta nhớ đến Sesame and Lilies của Ruskin. Trách nhiệm của người nghệ sĩ là đối diện với hiện tượng của thiên nhiên để suy nghiệm đến bản chất của thiên nhiên và rồi diễn đạt nó qua tác phẩm nghệ thuật sáng tạo của mình.
Cũng giống như [Lục Tổ] Tuệ Năng, khi nhà xuất bản phê bình Proust không hiểu Anh văn mà lại dịch quyển The Bible of Amiens (Thánh kinh của Amiens) của Ruskin sang Pháp văn, Proust trả lời: "Tôi không tự nhận mình hiểu Anh văn, tôi chỉ nhận là tôi hiểu Ruskin". Bản dịch và phần giới thiệu của Proust khi phát hành năm 1904 được tán thưởng nồng nhiệt. Henri Bergson gọi lời giới thiệu của Proust là "một đóng góp quan trọng về tâm lý của Ruskin" và hết sức khen ngợi nội dung dịch bản. Ngoài Ruskin, Proust còn được ảnh hưởng văn học của Louis de Rouvroy duc de Saint-Simon, Michel de Montaigne, Marie-Henri Stendhal, Gustave Flaubert, George Eliot, Leo Tolstoy và Fyodor Dostoevsky.
Đến năm 1909, ông khởi sự viết À la recherche du temps perdu. Quyển này gồm 7 tập, khoảng 4.300 trang, với hơn 2 ngàn nhân vật. Graham Greene[31] gọi Proust là “nhà văn lớn nhất của thế kỷ 20.” Còn W. Somerset Maugham[32] thẩm định tác phẩm này là “quyển tiểu thuyết vĩ đại nhất từ xưa đến nay.”
Tác phẩm:
1896 - Les plaisirs et les jours
1904 - La Bible D'Amiens; a translation of John Ruskin's The Bible of Amiens.
1906 - Sésame et les lys; a translation of John Ruskin's Sesame and Lilies.
1913-1927 - À la recherche du temps perdu (In Search of Lost Time, also Remembrance of Things Past)
1913 - Du côté de chez Swann (Swann's Way, also The Way by Swann's)
1918 - À l'ombre des jeunes filles en fleur (In the Shadow of Young Girls in Flower, also Within a Budding Grove)
1919 - Pastiches et mélanges (Pastiches and mixtures). Paris: Gallimard.
1920 - Le côté de Guermantes (The Guermantes Way)
1922 - Sodome et Gomorrhe (Sodom and Gomorrah, also Cities of the Plain)
1923 - La prisonnière (The Prisoner, also The Captive)
1925 - Albertine disparue (original title: La fugitive, The Fugitive, also The Sweet Cheat Gone)
1927 - Le temps retrouvé (Finding Time Again, also Time Regained and The Past Recaptured)
1954 - Jean Santeuil; édité par André Maurois. 3 vols. (unfinished). Paris: Gallimard, 1952
1954- Contre Sainte-Beuve: suivi de Nouveaux mélanges (Against Sainte-Beuve). Paris: Gallimard, 1954.
Bình luận:
Aciman, André. The Proust Project. New York: Farrar, Straus and Giroux, 2004.
Adorno, Theodor. Short Commentaries on Proust, Notes to Literature. S. Weber
Nicholsen, trans. New York: Columbia University Press, 1991.
Albaret, Céleste. Monsieur Proust. Barbara Bray, trans. New York: The New York Review of Books, 2003
Bernard, Anne-Marie. The World of Proust, as seen by Paul Nadar. Cambridge, Mass.: MIT Press, 2002
Carter, William C. Marcel Proust: a Life. New Haven: Yale University Press, 2000.
Chardin, Philippe. Proust ou le bonheur du petit personnage qui compare. Paris: Honoré Champion, 2006
Chardin, Philippe, et al. Originalités proustiennes. Paris: Kimé, 2010
De Botton, Alain. How Proust Can Change Your Life. New York: Vintage Books, 1998
De Man, Paul. Allegories of Reading: Figural Language in Rousseau, Nietzsche, Rilke, and Proust. 1979
Deleuze, Gilles. Proust and Signs: the Complete Text. Minneapolis: University of Minnesota Press, 2004
Green, F. C. The Mind of Proust. 1949
Hughes, Edward J. Proust, Class, and Nation. Oxford University Press, 2011
Kristeva, Julia. Time and Sense: Proust and the Experience of Literature. New York: Columbia U. Press, 1996.
Painter, George D. Marcel Proust: a Biography; 2 vols. London: Chatto & Windus, 1959
Shattuck, Roger. Proust's Binoculars: a Study of Memory, Time, and Recognition in "À la recherche du temps perdu". New York: Random House, 1963
Shattuck, Roger. Proust's Way: a Field Guide to "In Search of Lost Time". New York: W. W. Norton, 2000
Slochower, Harry. Marcel Proust: Revolt against the Tyranny of Time. in The Sewanee Review, 1943
Tadié, Jean-Yves. Marcel Proust: a Life. Euan Cameron, trans. New York: Penguin Putnam, 2000
White, Edmund. Marcel Proust: a Life. New York: Viking Books, 1998.
Bertrand Arthur William Russell, 3rd Earl Russell, OM, FRS (1872 –1970), triết gia, luận lý gia, toán học gia, sử gia và nhà thẩm bình xã hội. Đôi khi trong đời, ông xem mình là người thuộc tư tưởng tự do, xã hội, và hòa bình, nhưng thú nhận là không hề thật sự dấn thân với chúng. Ông thuộc dòng dõi của Monmouthshire, một trong những nhà vọng tộc Anh.
Russell dẫn dầu “cuộc chiến chống lý tưởng” tại Anh trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Ông cùng với Gottlob Frege[33] trước đó và Ludwig Wittgenstein[34] người được ông đở đầu, được xem là những người sáng lập nền triết học phân tích (analytic philosophy); đồng thời ông cũng là nhà lôgít học sáng giá nhất của thế kỷ 20. Ông cọng tác với Alfred Whitehead[35] viết tác phẩm đồ sộ Principia Mathematica, để đưa toán học vào lô gít. Tiểu luận “On Denoting” được xưng tụng là “kiểu mẫu cho triết học”, có ảnh hưởng lớn đối với lô-gít, toán học, triết lý toán học, thuyết về tập hợp (set theory), ngôn ngữ học, vi tính (computer science), triết học - nhất là triết lý của ngôn ngữ -, đạo đức học, nhận thức luận và siêu hình học. Ông rất khâm phục triết học của Gottfried Leibniz (1646–1716).[36]
Russell còn là nhà hoạt động chống chiến tranh, chống chủ nghĩa thực dân và từng bị ngồi tù vì chủ trương hòa bình trong thời thế chiến thứ I. Sau đó, ông chống Adolf Hitler, phê bình chế độ độc tài theo Stalin, tấn công Mỹ can dự chiến tranh tại Việt nam, và lên tiếng đòi giải giáp nguyên tử. Năm 1950, Russell đoạt giải Nobel về Văn chương, do “những công trình có giá trị về lý tưởng nhân đạo và về sự tự do của tư tưởng.”
Russell tự nhận mình vừa là nhà bất khả tri (agnostic[37]) vừa là nhà vô thần (atheist[38]). Ông cho rằng tôn giáo chỉ là một thứ mê tín, mặc dầu mang nhiều kết quả tốt đẹp cho xã hội nhưng cũng có hại cho con người, cản trở trí thức, gieo mầm sợ hãi và ỷ lại, và phải chịu trách nhiệm phần lớn về chiến tranh, bức hại, và những lầm than thống khổ trên thế giới. Ông là thành viên của Hội đồng tư vấn của Liên hiệp Nhân văn Anh (the Advisory Council of the British Humanist Association) và là Chủ tịch của Những nhà Nhân văn Cardiff (President of Cardiff Humanists) cho đến cuối đời.
Hoạt động chánh trị và xã hội hầu như chiếm trọn cuộc sống của Russell; ông viết lách và vận động các lãnh tụ thế giới về những ưu tư của mình, cũng như cho phép nhiều tổ chức cùng lý tưởng vay mượn tên tuổi của ông để hoạt động. Ai cũng nhớ câu nói bất hủ của ông: “Không ai có thể ngồi bên đứa trẻ đang chết dần vì những hiểm họa ụp lên trên đầu nó mà vẫn còn có thể tin nơi Chúa.” (trích L. L. Clover. Evil Spirits Intellectualism and Logic. Minden, Louisiana: Louisiana Missionary Baptist Institute and Seminary, 1974, tr. 55).
Arthur Schopenhauer (1788 -1860) triết gia Đức, nổi danh qua tác phẩm Die Welt als Wille und Vorstellung (The World as Will and Representation, Thế giới ý chí và biểu hiện), xuất bản năm 1814, trong đó, ông cho rằng thế giới của chúng ta bị thôi thúc bởi một ý chí luôn bất mãn, và luôn tìm kiếm để được thỏa mãn. Ông chịu ảnh hưởng của Triết học Đông phương, nên tuyên bố rằng : “Chân lý đã được các nhà hiền triết Ấn độ tri nhận.” Do đó mà giải pháp của ông cho sự đau khổ ở đời này cũng giống như của các tư tưởng gia Phật giáo và Ấn giáo (Vệ-đà), và rồi ông tự chọn làm người vô thần (atheist).
Tư tưởng của ông ảnh hưởng sâu đậm đến các triết gia lớn khác, nhất là Friedrich Nietzsche, Richard Wagner, Ludwig Wittgenstein, Albert Einstein, Erwin Schrödinger, Sigmund Freud, Otto Rank, Carl Jung, Joseph Campbell, Leo Tolstoy, Thomas Mann, Jorge Luis Borges,v.v...
Tertullian, tức Quintus Septimius Florens Tertullianus (kh. 155-kh. 240), lý thuyết gia Gia-tô, sáng tác rất nhiều và là người đầu tiên tập thành bộ văn học Ki-tô giáo hệ La tinh. Ông cũng là người đầu tiên tạo nên phong trào tiêu diệt tà giáo (những gì không phù hợp theo Thánh kinh), kể cả chủ nghĩa Hữu Tri (Christian Gnosticism) đương thời. Tertullian được tôn sùng là Tổ phụ của Ki-tô giáo La tinh (Latin Christianity) và là Sơ tổ của Thần học Tây phương. Dẫn: Gonzáles, Justo L. "The Early Church to the Dawn of the Reformation" trong The Story of Christianity. New York: HarperCollins Publishers, 2010. tr. 91–93; Audi, Robert, ed.; và trong The Cambridge Dictionary of Philosophy. Cambridge University Press, 1999. p. 908.
Thomas Aquinas /von Aquino/d'Aquin: còn gọi là Thomas of Aquino, Thomas d'Aquinas, O.P., sanh tại Roccasecca gần Naples năm 1225, mất ngày 7 tháng 3, năm 1274, thọ 49 tuổi. Ông là tu sĩ Gia-tô dòng Đa Minh (Dominican Order), nhà thần học và tư tưởng gia có ảnh hưởng rộng lớn trong truyền thống học phái Kinh viện (Scholasticism[39]).
Aquinas viết nhiều tác phẩm; hai sách nỗi tiếng nhất là Summa contra Gentiles, 1260, chống dân ngoại đạo và Summa Theologiae, 1265-1272, (Tổng Luận Thần Học), trình bày tư tưởng chủ đạo của ông, tổng hợp luận lý Aristotle và thần học Ki-tô giáo (Christianity), chứa đựng triết lý về cả hai mặt phương pháp và nội dung, gồm những phần như luận về sự hiện hữu và phẩm tánh Thượng đế (về ba ngôi, sáng tạo, thiên thần, công trình sáu ngày dựng thiên lập địa, v.v.), về đời sống đạo đức của con người (đam mê, tập quán, luật lệ, ân sủng, đức tin, hy vọng, bác ái), về thiên trị, về cứu cánh sau cùng của đời người, về nhập thể, về Giê-su và các bí tích phục sinh, v.v. Cũng như Albert le Grand, Aquinas viết một số tiểu luận bàn về những thiên Phân tích, Đạo đức, Siêu hình, Vật lý, v.v... của Aristotle,[40] cho nên Thomas Aquinas thường được xem là người đưa những công trình của Aristotle vào trong thế giới Ki-tô giáo, kết hợp triết học Aristotle với những học thuyết thần học Ki-tô.
Etienne Gilson, một học giả chuyên biệt về học thuyết Thomiste (triết học của Thomas Aquinas, tức chủ nghĩa Tô-mít) phát triển theo hai điều kiện: khu biệt giữa lý trí (reason) và đức tin (faith) cùng sự tất yếu về hòa hợp giữa hai điều này; Aquinas xác tín rằng không hề có mâu thuẩn giữa lý trí của con người với các chân lý đức tin do mạc khải của Chúa.[41] Lãnh vực của triết học toàn diện chỉ thuộc về lý trí, điều đó có nghĩa là triết học chỉ nhìn nhận những gì thu nhận được qua ánh sáng tự nhiên và chứng minh được bằng những tài nguyên của nó. Thần học thì trái lại xây dựng trên đức tin mặc khải, nghĩa là rốt cuộc dựa vào thẩm quyền của Thượng đế. Những vấn đề của đức tin là những nhận thức có nguồn gốc siêu nhiên, do đó chân lý của triết học hòa hợp với chân lý của mặc khải nhờ vào một chuỗi những quan hệ thực nghiệm và khả niệm, nếu như tinh thần của chúng ta có thể lãnh hội đầy đủ những dữ kiện của đức tin.
Học thuyết của Thomas Aquinas trở thành chủ nghĩa Tô-mít (Thomism) có một vị trí quan trọng trong thần học và triết học thời Trung cổ; chính ông là Giáo phụ của trường phái thần-triết Tô mít này. Về mặt lịch sử, Thomas đã có công đưa triết học Aristotle mà trước đó đã từng bị thù nghịch trong phạm trù Ki-tô trở thành một đồng minh của thế giới Ki-tô giáo, dưới thời giáo hoàng Urban IV. Trước đó, các tác phẩm của Aristotle, - dịch sang tiếng La tinh dựa trên những bản dịch tiếng Ả rập, qua ảnh hưởng của Avicenna và Averroës -, có nhiều điều trái với đức tin Ki-tô nên bị cấm, cho đến thời giáo hoàng Gregory IX, và rồi Urban IV đã triệu Thomas Aquinas về cùng với William van Moerbeke (O.P., 1215-kh.1286) dịch Aristotle trực tiếp từ tiếng Hy lạp qua tiếng La tinh, để được chấp nhận một lần sau cùng là cốt lõi của triết học Ki-tô.
Chủ nghĩa Tô-mít hiện đại được sinh động bởi điệp thư Aeterni Patris (1879) của giáo hoàng Leo XIII nhằm phục hồi triết học Ki-tô, để biện giải với Martin Grabmann (1875-1948) ở Đức, F. Olgiati (1886- ?) ở Ý, G. Manser (1866-1949) ở Thụy sĩ, Léon Noel (1888- ?) ở Bỉ, cùng R. Garrigou-Lagrange (1877- ?), J. Maritain (1882-1973) và Etienne Gilson (1884-1978) ở Pháp, Yves Simon (1903-1961), Anton Pegis (1905-?), L.M. Regis (1903-?) và C. de Koninck (1906-?) ở Mỹ & Gia nã đại, và Oswaldo Robles (1904-?) ở Mễ tây cơ. Những người theo Thomas quan niệm học thuyết Tô-mít còn chứa những giải pháp cho nhiều vấn đề lớn của triết học nói chung.
Ảnh hưởng của Thomas d'Aquinas đối với tư tưởng Tây phương rất sâu đậm; phần lớn nền triết học hiện đại được xem như là phản tác, hay đồng thuận, với những tư tưởng của ông, nhất là trong phạm trù Siêu hình học (Metaphysics), Luận lý (Logic), Đạo đức học (Ethics), Tâm thức (Mind), Nhận thức luận (Epistemology), luật Thiên nhiên (Natural laws) và Chánh trị học (Politics).
Trong Tông huấn (Encyclical) ngày 4 tháng 8, 1879, giáo hoàng Leo XIII dạy rằng thần học của Aquinas quyết chắc là diễn xướng đúng đắn giáo điều Gia-tô (Catholic doctrine), và sắc lệnh cho tất cả giới tu sĩ xem học thuyết của Aquinas là cơ bản của tất cả luận điểm thần học, cần phải được giảng dạy tại tất cả chủng viện và đại học Gia-tô. 50 năm sau khi chết, vào ngày 18 tháng 7, 1323, Aquinas được Giáo hoàng John XXII phong thánh tại Avignon, Pháp. Đến năm 1880, Aquinas được phong làm thánh tổ của ngành giáo dục và của tất cả mọi cơ cấu tổ chức giáo dục Gia-tô (cơ sở văn hóa, chủng viện, đại học, trường học).
Lâu đài Monte San Giovanni Campano
Ngày 6 tháng 12 năm 1273, trong khi đang cử hành thánh lễ mừng thánh Nicholas (Mass of St Nicholas), bổng nhiên Aquinas ngưng thần, bất động; người phụ lễ Reginald of Piperno thúc giục ông tiếp tục hành lễ nhiều lần, cuối cùng, ông mới lên tiếng nói: “Này Reginald, ta không thể, bởi vì tất cả những gì mà ta soạn viết ra trước kia nay đối với ta chỉ là rơm rác vô giá trị.” (mihi videtur ut palea). Điều gì đã khiến Aquinas xuất thần như vậy, không ai biết. Có người cho rằng ông bị đột quỵ, hoặc suy nhược thần kinh. Còn phần lớn tin rằng khi ấy ông đã đạt được một kinh nghiệm tâm linh siêu việt khiến ông bừng ngộ và thấy rõ là suy luận (logít) và lý tính (reason) không đủ hiệu lực hay khả năng để thông hiểu được Chúa.
Trong The Divine Comedy, Dante tìm thấy tinh thần sáng chói của Aquinas trong “Thiên Đường của Mặt Trời” (Heaven of the Sun) cùng với những hình ảnh tiêu biểu vĩ đại khác của trí tuệ tôn giáo.
Phương ngôn của Thomas d'Aquinas: “Nihil est in intellectu quod non fuerit prius in sensu.” (Không có gì bên trong trí năng mà không bắt nguồn từ các giác quan; Nothing is in the intellect that was not first in the senses).
Mạc Khải
Aquinas tin rằng ta có thể biết được Sự thật bằng lý tính (mạc khải tự nhiên)[42] và đức tin (mạc khải siêu nhiên).[43] Mạc khải siêu nhiên bắt nguồn từ cảm hứng của Thánh Thần,[44] được các nhà tiên tri giảng dạy trong Thánh Kinh, và truyền đạt qua Huấn Quyền;[45] và tổng hợp thành “truyền thống”. Mạc khải tự nhiên là sự thật mà tất cả mọi người ai cũng tự có qua bản tánh con người; một số sự thật mà ai cũng có thể đạt đến bằng lý luận đúng đắn thuộc con người. Mạc khải này áp dụng cho chứng cớ hữu lý về sự hiện hữu của Chúa.
Mặc dầu ta có thể suy diễn sự hiện hữu của Chúa và những thuộc tính của Ngài (Độc nhất, Chân lý, Toàn Thiện, Quyền năng, Toàn tri) qua lý tính, nhưng có một số đặc biệt chỉ có thể hiểu biết được thông qua mạc khải đặc biệt mà thôi, thí dụ như Chúa Ba Ngôi (Trinity). Theo quan điểm của Aquinas, mạc khải đặc biệt có thể kể là điều mà Chúa mạc khải cho Giê-su Ki-tô, Nhập thể, giáo điều của Giáo hội, Kinh Thánh; cho nên những điều này không thể nào được suy diễn cách khác hơn.
Tự tánh giữa mạc khải siêu nhiên (đức tin) và mạc khải tự nhiên (lý trí) bồi bổ cho nhau hơn là chống đối nhau, bởi vì chúng cùng chung một đích điểm: chân lý. Aquinas định nghĩa bốn đức tánh chủ yếu (four cardinal virtues) của con người là: khôn ngoan cẩn trọng (prudence), tiết độ (temperance), công chánh liêm minh (justice), và dũng cảm (fortitude). Các đức tánh chủ yếu này là tự nhiên và được mạc khải trong bản tánh của con người; chúng gắn bó trong mỗi một con người. Ngoài ra, còn có ba mạc khải linh thiêng: đức tin (faith), hi vọng (hope), và lòng từ thiện (charity). Chúng là siêu nhiên và khác biệt với bốn đức tánh kia bởi mục đích, đó là: Chúa.
Tượng Thomas Aquinas thế kỷ 17.
Cũng trong Summa Theologica, ông nêu lên 5 lý do về sự hiện hữu của Chúa:
1. Chúa rất giản đơn, không có những phối hợp của từng phần, như thân xác và linh hồn, hay vật chất và tinh thần;
2. Chúa thì toàn hảo, không thiếu thứ gì cả; tức là, Chúa khác biệt với tất cả mọi sanh thể khác do vì Chúa hoàn toàn hiện thực (complete actuality);
3. Chúa thì vô cùng tận (infinite); tức là, Chúa không bị hạn cuộc như cách thế mà mọi tạo thể khác bị hạn cuộc, bởi thân xác, trí tuệ hay xúc cảm;
4. Chúa thì không biến đổi (immutable), không thể thay đổi về mặt bản thể (essence) và đặc tánh (character);
5. Chúa là Một (God is one), không có đa dạng ngay từ trong tự ngã của Chúa (God's self). Như thế, sự đơn nhất của Chúa (God's unity) có nghĩa là bản thể của Chúa cũng giống y như sự hiện hữu của Chúa (God's existence).
Thư tịch:
Thomas d'Aquinas. Summa contra Gentiles
On Being and Essence (De Ente et Essentia)
Corpus Thomisticum - the works of St. Thomas Aquinas
Bibliotheca Thomistica Intra Text: texts, concordances and frequency lists
Aquinas, Thomas. An Aquinas Reader: Selections from the Writings of Thomas Aquinas. Editor: Mary T. Clark. Fordham University Press, 2000.
Copleston, Frederick. Aquinas: An Introduction to the Life and Work of the Great Medieval Thinker. Penguin Books, 1991.
Davies, Brian. The Thought of Thomas Aquinas. Oxford UP, 1993.
Geisler, Norman, ed. Baker Encyclopedia of Christian Apologetics, Grand Rapids, MI: Baker Academic, 1999.
Healy, Nicholas M. Thomas Aquinas: Theologian of the Christian Life. Ashgate Pub. Ltd., 2003.
Kreeft, Peter. Summa of the Summa. Ignatius Press, 1990.
Kung, Hans. Great Christian Thinkers. New York: Continuum Books, 1994.
McInerny, Ralph M. Aquinas Against the Averroists: On There Being Only One Intellect. Purdue University Press, 1993.
Nichols, Aidan. Discovering Aquinas: An Introduction to His Life, Work, and Influence. Wm. B. Eerdmans Publishing, 2003.
Thư viện Sách Cấm (Index Librorum Prohibitorum; Index of Prohibited Books), tức là Danh Sách những tác phẩm bị xem là tà đạo, chống báng giáo điều Ki-tô (Christianity) nên bị Giáo hội Gia-tô (Catholic Church) cấm đoán, không cho phổ biến.
Danh Sách đầu tiên được tập thành vào thế kỷ 9, tên là Decretem Glasianum, không rõ do ai chủ trương, cho đến khi giáo hoàng Phao lồ đệ tứ (Pope Paul IV) vào năm 1559 chánh thức ban bố, gọi là Pauline Index. Một năm sau, lại đổi thành Tridentine Index, vì được Công đồng Trent (Council of Trent) chấp nhận; Paul F. Grendler phê bình, gọi đây là “điểm ngoặc của sự tự do được tham cứu về thế giới của Gia-tô giáo.”[46] Và cứ thế mà phát triển thành một Thư Viện đồ sộ cho đến ngày nay, và được toà thánh Vatican bảo quản.
Danh Sách lần thứ 20 được công bố vào năm 1948, để rồi cuối cùng, vào ngày 14 tháng 6 năm 1966, giáo hoàng Phao lồ đệ lục (Pope Paul VI) tuyên bố bãi bỏ, có lẽ vì đã đánh mất giá trị của nó trước ngưỡng cửa thế kỷ thứ 21. Tuy nhiên tất cả những tác phẩm nằm trong Danh Sách từ xưa cho đến trước ngày này vẫn nằm trong Thư Viện đặc biệt này, trong đó, chắc chắn không ít là những tác phẩm văn học và văn hóa của Việt nam (nhất là về đạo Phật và các tín ngưỡng địa phương) bị những giáo sĩ Tây phương & Pháp thâu tóm khi họ xâm chiếm Việt nam.
Mục đích của Danh Sách này là để bảo trì đức tin và đạo đức của tín hữu Gia-tô, bằng cách cấm đoán họ không được đọc các tác phẩm bị toà thánh liệt kê là tà đạo, không đúng khoa học đương thời, sai sự thật, không phù họp giáo điều Ki-tô, những ấn bản của quyển Thánh Kinh gồm thêm nhiều thông tin không được Toà Thánh phê chuẩn, hay sách vô đạo đức, v.v. Ngay cả các nhà xuất bản lớn in những tác phẩm giá trị mà không thông qua Giáo hội cũng bị cho vào Danh Sách.[47]
Qua thời gian, đây là cả một thư viện đồ sộ, trong đó, có những tác phẩm mà ngày nay được giới khoa học cũng như các đại học lớn, ngay cả các đại học Gia-tô, dùng để nghiên cứu hay giảng dạy, đại khái như:
- Epitome astronomiae Copernicanae, New Astronomy, và World Harmony của nhà Thiên văn học Johannes Kepler (1571-1630), bị liệt vào Danh Sách từ 1621 cho đến 1835;
- Critique of Pure Reason của triết gia Immanuel Kant (1724-1804);
- Principia Mathematica (1687) của Isaac Newton (1642-1726);
- Giordano Bruno (1548-1600), tu sĩ dòng Dominican, triết gia, thi sĩ, toán học gia, vũ trụ học gia, người bị thiêu trên giàn hỏa vào năm 1600 tại Campo de' Fiori (Rome), nơi ngày nay được xem là cơ sở căn bản của Vũ trụ học hiện đại; toàn thể các tác phẩm của ông đều nằm trong Danh Sách vào năm 1603.[48]
- Antonio Rosmini-Serbati (1797–1855), tu sĩ Ý, triết gia, thần học gia, sáng lập Institute of Charity còn gọi là dòng tu Rosminians, mục đích xiển dương triết lý hài hoà giữa lý trívà tôn giáo của ông; trước kia các tác phẩm bị vào Danh Sách, đã được phong thánh vào năm 2007;
- Etienne Dolet (1509-1546), học giả Pháp, tác gia, dịch giả và là một trong những nhà in ấn sách đầu tiên, bị thiêu trên giàn hỏa năm 1546, cùng toàn thể các sách do ông phát hành vì bị kết án là kẻ vô thần; toàn thể sách in bị liệt kê vào Danh Sách năm 1551;
- René Descartes (1596-1650), triết gia, toán học gia, khoa học gia Pháp, ông Tổ của Triết học Tây phương hiện đại, lọt vào Danh Sách năm 1660; triết thuyết Descartes bị cấm dạy trong các trường học từ năm 1670;
- dĩ nhiên gồm cả những nhà thần học tư tưởng gia đầu đàn của Tin Lành giáo như Martin Luther, John Calvin, Philipp Melancthon, v.v…
Hầu như những khuôn mặt sáng giá của nền văn học và triết học Âu châu khoảng cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20 đều có một thời gian nằm trong Danh Sách này; điển hình như: Jean-Paul Sartre, Voltaire, Denis Diderot, Victor Hugo, Jean-Jacques Rousseau, André Gide, Emanuel Swedenborg, Baruch Spinoza, Immanuel Kant, Montaigne, David Hume, René Descartes, Francis Bacon, Thomas Browne, Blaise Pascal, Hugo Grotius, vv và vv..
Điểm lạ lùng là các tác phẩm của Charles Darwin (1809-1882), vốn chủ trương thuyết Tiến hoá (Evolution-ism), được xem như là trực tiếp chống đối với thuyết Sáng tạo (Creation-ism) của Ki-tô giáo, lại không bị bỏ vào Danh Sách này.
Danh Sách được J. Martínez de Bujanda liệt kê rất công phu và phát hành thành sách, nên gọi là Thư viện Sách Cấm, Index Librorum Prohibitorum, 1600–1966;[49] và có thể hạ tải trên mạng.
Virgil hay Vergil, tên thông dụng của Publius Vergilius Maro (70-19 ttl), là nhà thi hào cổ La mã. Ông nổi tiếng với ba tác phẩm: Eclogues (hay Bucolics), Georgics, và trường ca Aeneid; một số các tác phẩm nhỏ khác được tập thành trong Appendix Vergiliana.
Aeneid là thiên trường ca về lịch sử cổ La mã, tiếp tục dã sử Iliad và Odyssey của Homer, mô tả Aeneas sau chiến trận Troy, trôi dạt đến Ý và trở thành tổ tiên của huyền thoại La mã, thiết lập nên thành Rô-ma. Tác phẩm của Virgil ảnh hưởng sâu đậm trên nền văn học Tây phương, nhất là trên tác phẩm Divine Comedy của Dante, trong đó Virgil xuất hiện như là người hướng dẫn Dante đi xuyên qua các tầng địa ngục và lò luyện tội.
Núi Vesuvius (Ý: Monte Vesuvio, La tinh: Mons Vesuvius) là một ngọn núi lửa trong vùng vịnh Naples, Ý, nổi tiếng vì phun lửa vào năm 79 sau tây lịch, hủy diệt và chôn vùi 2 thành phố Pompeii và Herculaneum. Hai thành này không hề được xây dựng lại, bị bỏ quên cho đến thế kỷ 18, người ta mới tìm thấy nhiều di tích của chúng.
Vesuvius mang một truyền thống văn hóa và lịch sử lâu đời, được xem như là ngọn núi linh thiêng vào trước thời 79 stl, nơi một long thần của thần Jupiter được sùng bái là Jupiter Vesuvius. Sử gia Diodorus Siculus có ghi truyền thuyết về Hercules, trên đường đi Sicily, tìm thấy một đồng bằng tên Phlegraion Pedion, cánh đồng lửa, từ ngọn đồi chuyên phun lửa; Hercules chinh phục những tên thổ phỉ khổng lồ tại đó, cho nên có tên thành Herculaneum; còn thi sĩ Martial năm 88 stl có bài thơ ca tụng nữ thần Venus, vị thần hộ mạng của thành Pompeii, nên ngọn đồi được đặt tên là Vesuvius. Cả hai Venus và Hercules đều được sùng bái tại những vùng này.
Alan Wilson Watts (1915-1973) triết gia, văn sĩ, người Anh, nổi tiếng là một trong số ít người tiên phong trong phong trào tu tập và giới thiệu thiền quán cho Tây phương. Sanh tại Chislehurst, Anh quốc, ông di cư sang Mỹ năm 1938 và bắt đầu tu tập thiền định tại New York, đồng thời ghi danh nơi trường dòng Seabury-Western Theological Seminary, đậu bằng thạc sĩ về Thần học. Ít lâu sau, ông thọ phong linh mục dòng Episcopal (một tên khác của Anh giáo Anglican Church tại Mỹ) nhưng đến năm 1950 thì bỏ áo nhà dòng, xuất tu và dọn sang California, dạy và nghiên cứu về Á châu học tại American Academy of Asian Studies. Alan Watts hoạt động tại vùng vịnh San Francisco, được rất đông nhiều người theo tu học, gây thành một trong những phong trào Thiền tập sớm nhất tại Mỹ. Ông sáng tác nhiều sách và tiểu luận về tôn giáo Đông và Tây phương, nhưng nổi tiếng nhất là The Way of Zen (1957), quyển sách đầu tiên về Thiền bán chạy như tôm tươi, nhất là trở thành hầu như là Thánh kinh trong giới trẻ bấy giờ đang mất niềm tin với tôn giáo của họ và đang tìm một hướng đạo mới. Trong Psychotherapy East and West (1961), Watts đề xướng rằng Phật giáo có thể được xem như là một hình thức của Tâm lý trị liệu (psychotherapy) chứ không chỉ thuần túy là tôn giáo. Đề xướng này ngày nay đã thành hiện thực; các đại học lớn có nhiều chương trình nghiên cứu về Duy Thức học Phật giáo[50] trong khi một số lớn các nhà thương nổi tiếng đang áp dụng thực tập thiền quán cho bịnh nhân tâm thần với nhiều tiến triễn và kết quả tốt đẹp. Cũng như Aldous Huxley trước đó, ông chú ý đến việc thám sát tâm thức con người qua tiểu luận “The New Alchemy” (1958), và trong quyển The Joyous Cosmology (1962). Thiền giới Tây phương tôn sùng ông như là nhà tiên tri của Thiền phong Tây phương.
Alfred North Whitehead, OM FRS (1861-1947), triết gia, toán học gia người Anh, được xem là "bộ óc suy đoán vĩ đại nhất" của thế kỷ 20. Ông viết về lôgít, đại số học, cơ bản của toán học, tôn giáo, triết lý của khoa học, vật lý học, siêu hình học, và giáo dục; tất cả đã được dung hợp vào trong quan điểm tổng hợp của ông mà ngày nay gọi là Triết học tiến trình (process philosophy).
Triết học của Whitehead thách thức các quan điểm triết học và thần học hiện hành, vốn cho là Tồn hữu (Being) mà không là Tiến thành (Becoming) do ông chủ xướng, độc lập hơn là có sự tương liên, vật tồn tại cứng đọng như thế hơn là còn tiến diễn nữa, cho rằng tinh thần con người trong căn bản cách ly với mạng lưới xã hội và thiên nhiên trong đó, mà theo ông, rõ ràng là chúng ta cùng sống chung, cùng xê dịch và cùng phát triễn để tiến thành, chứ không tồn tại cứng đọng.
Triết học tiến trình biện luận rằng "ta cần gấp rút nhận ra rằng thế giới này là một mạng lưới chằng chịt những tiến trình tương liên hệ thuộc nhau, mỗi một tiến trình là một phần tử thiết yếu trong mạng lưới đó, do vậy mà tất cả những gì chúng ta chọn lựa [thuộc tâm thức], hay hành động [thuộc thân], đều bị ảnh hưởng và đồng thời ảnh hưởng đến thế giới quanh ta".[51] Tư tưởng này của Whitehead nay được áp dụng vào phạm trù văn minh sinh thái (ecological civilization) và đạo đức môi sinh (environmental ethics), bởi vì chúng tạo cho ta một hình ảnh siêu hình thật chi tiết về một thế giới tạo thành bởi mạng lưới liên hệ tương duyên nhau (a web of interdependent relations).
Alfred North Whitehead sanh tại Ramsgate, quận Kent, Anh quốc, năm 1861. Năm 1884 ông viết về toán học Treatise on Universal Algebra (Luận về Đại số học phổ cập, 1898) trong khi dạy tại Trinity college[52] cho đến 1910. Từ 1910 đến 1926, ông dạy vật lý học, triết lý của khoa học, lý thuyết và thực hành của giáo dục tại University College London và Imperial College London. Ông là Hội trưởng của Aristotelian Society năm 1922-1923; đến 1924, thì tư tưởng triết học của ông đã được giới học thuật tôn sùng, thế là đại học Harvard University thỉnh mời ông sang dạy, làm Giáo sư Triết học của phân khoa Thần-Triết. Ở đây, Whitehead viết Science and the Modern World (Khoa học và Thế giới hiện đại); ngay lập tức, được xem như là một lựa chọn mới đối với tư tưởng nhị nguyên của Descartes. Ít năm sau, ông phát hành bản thảo đầu tiên của kiệt tác Process and Reality (Tiến trình và Thực tại); công trình này được so sánh là đối tác, về mặt quan trọng cũng như thông suốt, với Critique of Pure Reason (Thẩm bình Lý tánh Tịch tĩnh) của Kant.
Cùng với Concept of Nature (Khái niệm về Thiên nhiên, 1920), và Science and the Modern World (1925), Process and Reality (1929) cung ứng cho ta một cái nhìn quán triệt về lịch sử của tư tưởng (history of ideas), và vai trò của khoa học và toán học trong tiến trình phát triễn của nền văn minh Tây phương. Nói cách đơn giản, Jay McDaniel mô tả "tư tưởng tiến trình" (process thought) của Whitehead nằm trong 3 phạm trù: (1) không ai đi qua hai lần cùng một dòng sông, (2) không ai là ốc đảo của riêng mình, và (3) tất cả mỗi một sanh thể đều có giá trị riêng của nó.
Process and Reality phủ bác những ý kiến cổ điển về thực thể, hiện hữu, và thực tại (reality). Với Whitehead, thực tại (gồm cả Chúa) là một tiến trình của tổng hợp những ngẫu nhiên[53] và kết quả[54] của chúng, cần phải được hiểu như là một tiến trình – tiến trình hình thành; như thế Chúa không hoàn toàn, vì hoàn toàn là cứng ngắc, bất động, không đổi thay. Từ đó, ông được xem như là ông tổ của nền thần học tiến trình (process theology). Tác phẩm phổ thông nhất của Whitehead về tôn giáo là quyển Religion in the Making (Tôn giáo đang hình thành). Mục đích của sách này là cung ứng “một phân tách súc tích về những yếu tố khác nhau trong bản tánh của con người để hình thành một tôn giáo, về trình bày sự biến thể không thể tránh được của tôn giáo song song với sự biến thể của tri thức, và đặc biệt hơn nữa là sách đưa sự chú ý của chúng ta trực tiếp đến nền tảng của tôn giáo để chúng ta lãnh hội được những yếu tố thường tồn mà theo đó ta biết rằng có một trật tự rất ổn định trong vũ trụ, những yếu tố thường tồn mà nếu không có chúng sẽ không thể có thế giới biến dịch này"[55]
Một vài câu nổi tiếng của Whitehead về tôn giáo[56] như:
“Tôn giáo là điều mà một cá nhân làm gì với nỗi cô độc của riêng mình.
“Chủ đề của tôn giáo là cá nhân tánh trong cộng đồng.
“Tôn giáo là nơi nương tựa cuối cùng của thời man rợ của con người.
“Tôn giáo có thể là, và đã là, công cụ cho sự tiến bộ.
Whitehead bảo trợ và chấm điểm nhiều luận án tiến sĩ mà sau này đều trở thành là những triết gia thanh thế, trong số đó có Bertrand Russell và Willard Van Orman Quine,[57] là những người gây ảnh hưởng rộng sâu về lôgít và triết học phân tách (analytic philosophy). Là toán học gia và nhà lôgít, ông cọng tác với Bertrand Russell soạn viết kiệt tác đồ sộ đánh dấu một kỷ nguyên mới cho nền toán học: Principia Mathematica (Nguyên lý Toán học).
Tượng Homer được cho là tạc vào thời Hellenistic period,
bảo quản tại British Museum.
.
Tượng Virgil tại Naples
Dante Alighieri
Tranh Dante Alighieri, do Giotto họa, trong thánh đường
của hoàng cung Bargello tại Florence. Đây là tranh cổ nhất
được vẽ ngay trước khi ông bị lưu đày.
Bích họa Dante, tìm thấy tại hoàng cung
Palazzo dei Giudici, Florence.
Tượng Dante tại Uffizi, Florence
Dante Alighieri, do Luca Signorelli bích họa, trong nhà nguyện
Chapel of San Brizio, của thánh đường Orvieto Cathedral.
Dante, do Andrea del Castagno, kh. 1450, họa,
trưng bày tại Uffizi Gallery.
Mộ Dante tại Ravenna, xây năm 1780.
Đài kỷ niệm Dante tại thánh đường Basilica of Santa Croce, Florence.
Dante, đứng giữa ngọn đồi của lò luyện tội và thành phố Florence,
mở bày trang Tựa Nel mezzo del cammin di nostra vita, trong tranh
của Domenico di Michelino, Florence 1465.
Dante, tranh nhìn nghiêng, do Sandro Botticelli vẽ.
Tượng Dante Alighieri tại Verona.
***
Thiện Tài Đồng Tử (Sudhana-śreṣṭhi-dāraka, 善財童子): là vị Bồ Tát trong phẩm Nhập Pháp Giới (入法界品) của kinh Hoa Nghiêm, đi tham vấn 53 vị thiện tri thức cho đến khi được Bồ tát Phổ Hiền (Samantabhadra, 普賢) chỉ điểm mới thành tựu Phật đạo. Phật giáo Bắc tông lấy trường hợp nầy làm bằng chứng của lý tắc Tức Thân Thành Phật (卽身成佛); quá trình cầu pháp của Đồng Tử thể hiện các giai đoạn nhập vào pháp giới Hoa Nghiêm. Căn cứ vào phẩm Nhập Pháp Giới quyển 45, Thiện Tài Đồng Tử là con trai của trưởng giả Phước Thành (福城), lúc nhập bào thai và hạ sanh, có các loại trân bảo tự nhiên hiện ra, nên có tên là Thiện Tài (善財). Lớn lên, Thiện Tài được Bồ tát Văn Thù Sư Lợi (Mañjuśrī, 文殊師利) dạy dỗ, rồi du phương đến các nước phương Nam. Ban đầu, Thiện Tài đến Khả Lạc Quốc (可樂國), tham vấn tỳ kheo Công Đức Vân (功德雲), nhận pháp môn Niệm Phật Tam Muội (念佛三昧). Rồi tiếp tục tham vấn đủ các hạng người như Bồ tát, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, đồng tử, đồng nữ, Dạ Thiên, Thiên nữ, Bà la môn, trưởng giả, thầy thuốc, người lái thuyền, quốc vương, tiên nhân, Phật mẫu, vương phi, Thần Đất, Thần Cây, v.v., tổng cộng 53 vị; lắng nghe và thọ nhận đủ loại pháp môn; cuối cùng đến đạo tràng của Bồ tát Phổ Hiền thì chứng vào Pháp Giới Vô Sanh (無生法界). Theo Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký (華嚴經探玄記, Taishō q.35, mục số 1733) quyển 18, hành trình chứng đạo của Đồng Tử thông với Tam Sanh (三生, ba đời) là thấy nghe (đời trước), hành giải (đời nầy), chứng nhập (đời sau); tức biểu thị trong một đời nầy, Thiện Tài Đồng Tử tu tập đầy đủ những pháp hành của 5 giai đoạn (ngũ vị) là Thập Tín (十信), Thập Trụ (十住), Thập Hành (十行), Thập Hồi Hướng (十迴向), Thập Địa (十地). Đây chính là nghĩa “Tam Sanh thành Phật (一生成佛, thành Phật Ba Đời).”
***
Tượng bán thân của James Joyce tại
St. Stephen's Green, Dublin
Joyce vào năm 1915
Tượng Joyce tại Trieste
Công viên James-Joyce-Kanzel, nơi hợp lưu giữa
2 dòng sông Sihl và Limmat tại Zurich,
nơi Joyce thường đến nghỉ ngơi thư giãn.
Tại Paris, 1924. Patrick Tuohy họa
Mộ James Joyce tại Zurich-Fluntern
Chân dung Goethe được Josef Stieler họa năm 1828
Tượng mô tả Mephistopheles đang dụ dỗ Faust
trong cảnh Auerbachs Keller của Faust, Leipzig.
Faust II, ấn bản đầu tiên, 1832
***
***
Đây là một bích họa Ý khoảng năm 1560,
mô tả thuyền của Odysseus chèo xuyên qua quái vật
6 đầu Scylia và xoáy nước Charybdis.
***
***
Kinh Kàlama:
Đức Thế Tôn đã từng dạy rằng: “… Này Kalàma! Đừng nên tin bất cứ một điều gì dù đó là do truyền thống được rất nhiều đời lưu truyền lại,
-dù đó được rất nhiều người nói đến hay truyền tụng, dù được ghi chép trong các kinh điển,
- dù được xem như là do các đấng thần linh mặc khải hiển bày,
- dù đó là do uy quyền của các bậc tôn trưởng như thầy dạy, người lão thành hay ngay cả các tu sĩ bảo phải tin.
Nhưng mà này Kalàma, chỉ khi nào mà ngươi đã tự thân nghiệm chứng và phân tích rằng điều gì đó thuận hợp với chân lý, đem lại hạnh phúc tốt đẹp và lợi lạc cho mình và cho tất cả mọi người, bấy giờ ngươi hãy chấp nhận và sống thực theo điều đó.
Cũng thế, ngay cả đến những lời dạy của Như Lai, này Kalàma, cũng đừng vội tin chỉ vì các ngươi sùng bái Đức Thế Tôn; các ngươi hãy thực nghiệm trước những lời dạy của Ta, ví như đem lửa thử vàng, sau khi thấy đúng thực và lợi lạc rồi hãy tin.”
Hoàng Bá Hi Vận (黃蘖希運, N: ōbaku kiun, ?-850),[58] là Pháp tự[59] của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải và là thầy của Lâm Tế Nghĩa Huyền, người sáng lập dòng thiền Lâm Tế được truyền cho đến ngày nay. Trước tu ở chùa Vạn Phúc, sau đến hoằng pháp tại chùa Đại An, núi Thừa Phong, tỉnh Giang Tây và đổi núi này thành núi Hoàng Bá. Sư có đến hơn ngàn môn đệ, trong đó có 13 vị đắc pháp. Tịch tại núi Hoàng Bá vào năm Đại Trung thứ tư đời Đường Tuyên Tông (850), được sắc phong là Đoạn Tế Thiền sư. Tướng quốc Bùi Hưu có cơ duyên được học hỏi nơi Sư và ghi chép để lại hậu thế quyển sách quý báu với tên Hoàng Bá Sơn Đoạn Tế Thiền sư Truyền tâm pháp yếu, gọi tắt là Hoàng Bá truyền tâm pháp yếu. Những lời dạy của Sư trong sách này là những nguồn cảm hứng sâu đậm nhất trong thiền ngữ, trong đó có đoạn dạy rằng:
“Pháp này là tâm. Ngoài tâm không có pháp. Ngoài pháp không có tâm. Tâm tự nó vô tâm mà không vô tâm. Đem tâm này mà làm cho ra vô tâm thì tâm này lại thành ra hữu tâm. Cứ âm thầm thể nhập mà thôi vậy! Muốn thế phải dứt bặt mọi nghĩ bàn, gọi là “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” (Dứt đường nói năng, bặt nơi tâm làm).”
Đây là lần đầu tiên thiền ngữ này được nhắc đến và truyền tụng đến ngày nay.
Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨濟義玄, ?-866), môn đệ xuất sắc nhất của Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận. Sư khai sáng dòng thiền Lâm Tế trong thời kỳ Phật giáo bị Đường Võ Tông đàn áp, lịch sử gọi là Pháp nạn Hội Xương (842-845); chính dòng này đã phục hưng sức sống mãnh liệt sau cơn Pháp nạn, và trở thành thiền phái quan trọng nhất của Phật giáo Trung hoa. Cùng với dòng Tào Động (N: Soto Zen), dòng thiền Lâm Tế (N: Rinzai Zen) của Sư truyền bá tại Nhật Bản cho đến ngày nay mà vẫn duy trì theo truyền thống tại Trung hoa.
Sư tiếp nối truyền thống hoằng hoá của Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất bằng cách sử dụng tiếng quát (hát 喝; N: katsu), gậy đập (trúc bề 竹篦; N: shippei, kyosaku) và Phất tử (拂子, N: hossu); thêm vào đó là pháp quán Công án, một dấu hiệu chính của thiền Lâm Tế và chính dòng thiền này đã giữ gìn truyền thống đó cho đến ngày nay. Những lời dạy của Sư được ghi lại trong Trấn Châu Lâm Tế Huệ Chiếu Thiền sư ngữ lục, gọi tắt là Lâm Tế lục, một bộ ngữ lục quan trọng trong Thiền tông.
Vĩnh Gia Huyền Giác (永嘉玄覺, 665-713), nổi danh là bậc Nhất Túc Giác (一宿覺), có nghĩa là "giác ngộ chỉ trong một đêm" qua câu chuyện Sư chỉ xin tá túc một đêm nơi đạo tràng của Tổ Tuệ Năng mà được ấn chứng. Sư là tác giả của quyển Chứng đạo ca (證道歌) nổi tiếng và Thiền Tông Vĩnh Gia tập ( 禪宗永嘉集). Sư tinh thông cả ba tông: Thiền, Thiên Thai và Hoa Nghiêm.
Sau Sư trụ trì ở Ôn Giang, học chúng đến học rất đông. Đời Đường, niên hiệu Tiên Thiên thứ hai, ngày 17 tháng 10, Sư ngồi vui vẻ thị tịch, thọ 49 tuổi. Vua sắc phong là Vô Tướng Đại sư, tháp hiệu Tịnh Quang.
Vô môn quan (無門關, N: Mumonkan), nghĩa là "ải không cửa vào", là tên của tập công án do Thiền sư Vô Môn Tuệ Khai biên soạn. Cùng với Bích nham lục, đây là hai tập công án lừng danh nhất của Thiền tông. Vô môn quan ghi lại 48 công án, mỗi công án được bổ sung thêm một lời bình và một bài kệ. Những bài kệ tụng trong đây là những kiệt tác của văn chương Phật giáo tại Trung hoa.
Vô môn quan ra đời khoảng một thế kỉ sau Bích nham lục. Cấu trúc của tập này chứng tỏ là sư Tuệ Khai chú trọng đến việc sử dụng những tắc công án làm phương tiện thực hành, tu tập, không dựa vào kinh luận nào khác. Sư xem chúng là những "viên gạch gõ cửa tâm" của các thiền sinh và viết như sau trong lời tựa:
"Phật dạy tâm là tông chỉ, cửa Không là cửa pháp. Đã không cửa, thì làm sao bước qua? Há chẳng nghe 'từ cửa mà vào thì không phải là của báu trong nhà, nhờ duyên mà thành đạt tất phải có thành hoại.' Nói như vậy thật chẳng khác chi khi không dậy sóng, thịt da đang lành đem ra mổ mụt. Huống chi chấp vào văn tự để tìm mong lí giải, vác gậy quơ trăng, gãi ngứa ngoài giày, có dính líu gì đến sự thật đâu!..."
Vô Môn Tuệ Khai (無門慧開, N: Mumon Ekai, 1183-1260), thuộc hệ phái Dương Kì tông Lâm Tế, nối pháp Thiền sư Nguyệt Lâm Sư Quán ( 月林師觀), nổi danh nhất thời, đến bây giờ vẫn còn được nhắc đến qua tập công án Vô môn quan.
Sư họ Lương, người Tiền Đường, Hàng Châu, xuất gia từ thuở nhỏ, lớn lên đi tham vấn các nơi, sau đến Thiền sư Nguyệt Lâm Sư Quán ở chùa Vạn Thọ ( 萬壽寺), Giang Tô. Ban đầu Nguyệt Lâm giao cho Sư công án "Không" (無) của Triệu Châu Tòng Thẩm làm thoại đầu. Sư chú tâm vào công án này sáu năm liền nhưng không kết quả. Một ngày nọ, khi nghe tiếng trống báo hiệu giờ ăn trưa, Sư hoát nhiên đại ngộ. Sư được vua ban hiệu Phật Nhãn Thiền sư ( 佛眼禪師) và tặng cho ca-sa vàng (kim lan y 金襴衣).
Pháp bảo đàn kinh ( 法寶壇經) là bộ ngữ lục do Tổ Tuệ Năng thuyết. Lúc Tổ Tuệ Năng ở chùa Bảo Lâm, Tào Khê, có Thứ sử Thiều Châu là Vi Cừ thỉnh Tổ vào chùa Đại Phạm để diễn giảng pháp Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật. Các bài giảng của Sư được đệ tử là Pháp Hải ghi lại thành sách, về sau gọi là Đàn kinh hay Lục tổ Đàn kinh (六祖壇經). Trải qua nhiều lần sửa chửa thêm thắt, xuất hiện hơn 10 bản khác nhau, nhưng đại khái có 4 bản quan trọng hơn cả:
1. Bản Đôn Hoàng (敦煌本), gọi đủ là Nam tông đốn giáo tối thượng đại thừa Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật kinh Lục tổ Huệ Năng Đại sư ư Thiều Châu Đại Phạm tự thí pháp đàn kinh (南宗頓教最上大乘摩呵般若波羅蜜經六祖 惠能大師于韶州大梵寺施法壇經). Bản nàygồm có 57 tiết, không phân chia phẩm mục, văn nghĩa chất phác, được xem là bản xuất hiện sớm nhất; và được xếp vào Đại Chánh Đại Tạng, tập 48, mục số 2007, trang 337;
2. Bản của Huệ Hân (惠昕), tựa Lục tổ đàn kinh (六祖壇經), chia làm 2 quyển thượng và hạ, gồm 11 môn, khoảng hơn 14.000 chữ, ít hơn bản Đôn Hoàng 1.000 chữ. Bài tựa của Huệ Hân viết: Bản xưa văn rườm rà được đệ tử xem qua, trước vui sau chán, cho ta thấy rằng bản này đã bị lược bớt ít nhiều;
3. Bản của Khế Tung, tựa là Lục tổ đại sư Pháp bảo đàn kinh Tào Khê nguyên bản (六祖大師法寶壇經曹溪原本), gọi tắt là Tào Khê nguyên bản, gồm 1 quyển, 10 phẩm, hơn 20.000 chữ, do đại sư Khế Tung biên sửa lại vào khoảng niên hiệu Chí Hoà (1054-1056) đời nhà Tống;
4. Bản của Tông Bảo, tựa là Lục tổ đại sư Pháp bảo đàn kinh (六祖大師 法寶壇經), 1 quyển, 10 phẩm, hơn 20.000 chữ, do đại sư Tông Bảo (宗寶) biên tập lại vào niên hiệu Chí Nguyên thứ 28 (1291) đời nhà Nguyên; đây là bản thong dụng ngày nay, được xếp vào Đại Chánh Đại Tạng tập 48, mục số 2008, trang 345.
Các bản trên không ghi chép trung thực về lời giảng ban đầu của Tổ Tuệ Năng mà có sự trộn lẫn, sửa đổi, thêm thắt, về cuộc đời của Tổ cũng như những lời giảng và lý giải về Thiền tông của Tổ. Giáo sư Yampolsky có ý kiến rằng Đàn kinh do Thần Hội hay một vị ẩn danh đương đại nào đó thuộc Hà Trạch tông chế tác, không trung thực với tông phong của Tuệ Năng.
Nội dung Đàn kinh nói về pháp Ma-ha-bát-nhã và phát triển thành Đốn giáo "Nhất siêu trực nhập", đem lí luận "Vô niệm", "Vô tướng" và "Vô trụ" trong kinh Kim Cang kết hợp lại, rồi đề xướng "Vô niệm là tông", "Vô tướng là thể" và "Vô trụ là bổn" làm phương pháp thực tu của Thiền phái Nam tông. Lại có cách giải thích mới về ‘thiền định’: "Ngoài lìa các tướng là thiền, trong tâm không loạn là định", tức là chỉ cần đạt đến vô niệm thì chính đó là thiền định. Từ những lý giải này, Thiền tông sau Tổ Tuệ Năng phát triển nhiều tư tưởng đặc sắc, như Tự tánh cụ túc, kiến tánh thành Phật, tự tâm đốn ngộ, trực chỉ chơn tâm, v.v. và tất cả đều là phản ảnh từ Đàn kinh. Có thể nói Đàn kinh đặt nền tảng cho sự phát triển của pháp Thiền đốn ngộ ở phương Nam, đối tác với Thiền tiệm ngộ ở phương Bắc của Tổ Thần Tú.
Tuệ Năng (慧能, N: Enō, 638-713), đắc đạo lúc chưa xuất gia, môn đệ và pháp tự của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.
Trước thời Tuệ Năng, Thiền còn mang nặng ảnh hưởng Ấn Độ nhưng đến đời Sư, Thiền bắt đầu có những đặc điểm riêng của Trung hoa, do đó mà có quan niệm rằng Sư mới thật sự là vị Tổ khai sáng dòng Thiền Trung hoa. Tuệ Năng không chính thức truyền y bát cho ai, nên sau đó không còn ai chính thức là truyền nhân. Tuy nhiên Sư có nhiều pháp tự xuất sắc. Môn đệ chính là Thanh Nguyên Hành Tư và Nam Nhạc Hoài Nhượng là hai vị Thiền sư dẫn đầu hầu như toàn bộ các dòng Thiền về sau. Cả hai dòng này cũng được truyền đến Việt Nam qua các vị như Nhất Cú Tri Giáo, Vô Ngôn Thông và Chuyết Công.
Sư dược cho là tác giả của tác phẩm chữ Hán duy nhất được gọi là "Kinh", một danh từ thường chỉ được dùng cho những lời nói, bài dạy của chính Phật Thích-ca, đó là Lục tổ đại sư Pháp bảo đàn kinh, một tác phẩm với biện luận sâu sắc về Bát nhã và Thiền.
Sư họ Lô (盧) sanh trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, lớn lên bán củi sanh nhai để nuôi mẹ. Một hôm, nghe có người tụng kinh Kim Cang, Sư bỗng nhiên có ngộ nhập. Nghe người đọc kinh nhắc đến Hoằng Nhẫn, Sư liền đến tìm học. Hoằng Nhẫn nhận ra ngay căn cơ của Sư, nhưng không truyền pháp ngay, bắt tiếp tục chẻ củi, vo gạo. Truyền thuyết nổi tiếng về việc bí mật truyền tâm ấn cho Tuệ Năng và chánh thức nhìn nhận pháp tự đời thứ 6 cho Thần Tú, đưa đến việc phân đôi hai phái Thiền Nam-Bắc, là một sử kiện cho đến ngày nay vẫn còn là đề tài nghiên cứu cẩn mật và tranh biện của nhiều học giả Tây phưong, Nhật và Trung hoa.
Theo truyền thuyết được ghi trong Đàn kinh, Ngũ tổ vào nửa đêm gọi sư vào thất và thuyết trọn kinh Kim Cang cho sư. Đến câu "Đừng để tâm vướng víu nơi nào" (ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm 應無所住而生其心), Sư hoát nhiên đại ngộ. Ngũ tổ bèn truyền y bát cho sư và khuyên trở về vùng quê hương của Sư ở phương Nam. Suốt 15 năm, Sư ở ẩn, và trong thời gian này vẫn là cư sĩ. Mãi đến khi Sư đến chùa Pháp Tánh (法性寺) ở Quảng Châu, nơi phát sanh công án nổi tiếng "chẳng phải gió, chẳng phải phướn, mà là tâm động" (Vô môn quan, công án 29), Sư mới được trụ trì chùa là đại sư Ấn Tông (印宗) cạo đầu cho, và cho Sư gia nhập Tăng-già; rồi Ấn Tông xin được nhận Sư làm Thầy.
Bấy giờ Sư mới bắt đầu cử xướng thiền phong của mình, trước tại chùa Pháp Tánh, sau tại Bảo Lâm tự ở Tào Khê và thành lập tông môn mà trong lịch sử Thiền tông Trung hoa gọi đó là Nam tông thiền, dùng kinh Kim Cang làm căn bản, trong lúc Thần Tú bấy giờ ở Trường an dùng kinh Nhập Lăng Già làm tông phong, gọi là Bắc tông thiền, cho nên từ “Nam Đốn Bắc Tiệm (南頓北漸)” phát xuất từ đây. Nam tông thiền cho rằng, giác ngộ là một sự nhảy vọt bất ngờ, mang tánh trực giác theo kinh Kim Cang, trong lúc Bắc tông thiền chủ trương dùng tư lự, tu tập dần dần theo chỉ dạy của kinh Nhập Lăng Già mà giác ngộ. Trong cuộc tranh chấp giữa hai phái đốn ngộ và tiệm ngộ này, Nam tông thiền đã phát triển rực rở, sản sinh vô số Thiền phái và Thiền sư; ngay cả những thiền phái không hề có liên quan trực tiếp với Tuệ Năng như phái Hồng Châu của Mã Tổ Đạo Nhất cũng tự nhận là truyền thừa của Nam tông thiền. Sư có những môn đệ xuất sắc như Thanh Nguyên Hành Tư (青原行思, ?-740), Nam Nhạc Hoài Nhượng (南岳懷讓, 677-744), Hà Trạch Thần Hội (河澤神會, 684-760), Vĩnh Gia Huyền Giác (永嘉玄覺, 675-713), Nam Dương Tuệ Trung (南陽慧忠, ?-775), v.v.
Thần Tú (神秀, 605-706), còn gọi là Ngọc Tuyền Thần Tú, là một trong 10 môn đệ xuất sắc của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Theo truyền thuyết, Sư thua cuộc trong sự kiện Tổ Hoằng Nhẫn chọn người nối pháp, và Tuệ Năng được truyền y bát, qua hai bài trình kệ mà xưa nay ai ai cũng ca tụng Tuệ Năng (bồ đề bổn vô thọ...) và chê bai Thần Tú (thân thị bồ đề thọ...). Tuy nhiên, trên thực tế, theo lịch sử được nghiên cứu cẩn mật bởi các học giả Tây phương và Trung hoa như Erik Zurcher,[60] Heinrich Dumoulin, Ui Hakuju (宇井伯壽, 1882-1963), Philip Yampolsky,[61] Hồ Thích, Lương Khải Siêu, Thang Dụng Đồng, v.v., Sư mới là người được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chánh thức truyền thừa kế vị làm Lục Tổ; sau đó Sư tiến Bắc hoằng bá tại kinh đô Trường an, tiếp tục xiển dương truyền thống thiền của 5 vị Tổ trước, vẫn dùng bộ kinh Nhập Lăng Già mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền trao cho Nhị tổ Tuệ Khả làm căn bản thiền tập; tông phong này được gọi là Bắc tông thiền, còn mang đậm sắc thái Thiền tông Ấn độ.
Xưa, Sư làu thông Tứ thư Ngũ kinh, thi đổ, làm quan cao, theo truyền thống Nho gia. Năm 46 tuổi, Sư treo ấn từ quan, đến núi Hoàng Mai nhập hội của Hoằng Nhẫn, trở thành môn đệ xuất sắc của Ngũ tổ, được cử làm thủ chúng và sau được chánh thức truyền thừa pháp vị của Hoằng Nhẫn, trở thành Lục tổ. Sau khi Ngũ tổ viên tịch, Sư rời Hoàng Mai và đi du phương gần 20 năm, cuối cùng đến kinh đô Trường an. Nơi đây, Sư được Võ Hậu Tắc Thiên phong làm Quốc sư; Sư giáo hoá nhiều người, danh tiếng lừng lẫy một thời.
Năm Thần Long thứ hai (706), Sư viên tịch, truyền thừa cho Phổ Tịch làm Thất tổ. Vua sắc phong Sư là Đại Thông Thiền sư. Về sau, trong cuộc tranh luận giữa Phổ Tịch dùng kinh Nhập Lăng Già và Thần Hội dùng kinh Kim Cang; Phổ Tịch thua biện tài của Thần Hội nên bị thất sủng; Thần Hội liền được vua sắc ban làm đệ Thất tổ. Bấy giờ Thần Hội dâng sớ nói Tuệ Năng là Thầy mình, thế là Tuệ Năng mới được sắc phong và nghiểm nhiên được xưng tụng là đệ Lục tổ từ đó cho đến ngày nay. Đệ tử đời thứ năm của Thần Hội là Khuê Phong Tông Mật, cũng là Tổ đời thứ năm tông Hoa Nghiêm, chính là người ghi những sự cố tranh chấp giữa Thần Tú và Tuệ Năng, giữa Thần Hội và Phổ Tịch theo khuynh hướng Nam tông thiền của Sư trong quyển Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự. Từ đó đến nay ai cũng tôn sùng Tuệ Năng là Lục tổ, pháp tự trực tiếp của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.
Thần Hội, còn gọi là Hà Trạch Thần Hội (荷澤神會, N: Kataku Jin'e, 684-758), môn đệ của Tổ Tuệ Năng. Sư là người trình tấu lên triều đình nhà Đường xin công nhận dòng Nam tông thiền của Tuệ Năng là chánh tông và Tổ là người nối pháp chánh thức của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Tuy nhiên, cũng phải đợi đến năm 796, gần trăm năm sau, triều đình mới chánh thức ban sắc phong Thần Hội là Thất tổ, như thế, nghiễm nhiên Tuệ Năng trở thành Lục tổ, gần trăm năm sau ngày Tổ thị tịch, nhất thời lật đỗ địa vị của Thần Tú trước đó vốn được Hoằng Nhẫn chánh thức truyền thừa là pháp tự đời thứ 6. Thế nhưng, chỉ sau vài đời, đến thời Pháp nạn Hội Xương (843-845), thì Hà Trạch tông của Sư cũng tàn lụn luôn.
Trong tông sau này chỉ có một vị còn được nhắc nhở đến, đó là Thiền sư Khuê Phong Tông Mật (圭峰宗密, N: Keihō Shū-mitsu, 780-841), tác giả Nguyên Nhân Luận (原人論) và Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (禪源諸詮集都序, cũng là vị Tổ thứ năm của Hoa nghiêm tông. Chính Tông Mật là người ghi chép lại, theo chủ quan bênh vực tông môn Nam tông thiền của Sư, những sự cố tranh tài giữa Thần Hội và Phổ Tịch, truyền thừa của Tổ Thần Tú. Trong kỳ Đại Pháp Hội năm 732 tại Hà Nam, trước sự chứng kiến của nhà vua và đại thần triều đình nhà Đường, Phổ Tịch thì dùng kinh Nhập Lăng Già bị thua cho biện tài của Thần Hội vốn dùng kinh Kim Cang nên bị thất sủng. Thế là Thần Hội được thay vào địa vị của Phổ Tịch, làm Thất tổ, và Tuệ Năng nghiễm nhiên được triều đình, gần trăm năm sau, chánh thức sắc phong làm Lục Tổ vào năm 796.
Đời nhà Đường niên hiệu Thượng Nguyên (758), Thần Hội từ biệt đại chúng, nửa đêm thị tịch. Vua ban hiệu là Chân Tông Đại sư. Tác phẩm Hiển tông ký (顯宗記) của sư vẫn còn lưu hành.
Hoằng Nhẫn (弘忍, N: Gunin, 602 - 675), còn gọi là Hoàng Mai Hoằng Nhẫn, Tổ thứ năm của Thiền tông Trung hoa. Sư có mười đại đệ tử, trong đó có hai vị kế thừa xuất sắc, là Tổ Huệ Năng và Tổ Thần Tú. Tương truyền rằng, Tứ tổ Đạo Tín một hôm qua huyện Hoàng Mai, giữa đường gặp Sư, lúc bấy giờ còn là một đứa trẻ với thần sắc khác thường. Tổ hỏi: "Danh tánh (姓, là họ) là chi?" Sư đáp: "Có tánh, nhưng chẳng phải tánh (性, bản tánh) thường." Tổ hỏi: "Là tánh chi?" Sư đáp: "Phật tánh." Tổ hỏi vặn lại: "Con không có tánh sao?" Sư thưa: "Có tánh 姓 nhưng tánh 性 vốn Không." Tổ lặng im ấn chứng cho Sư.
Sau khi Tứ tổ qua đời, Sư thành lập Thiền viện trên núi Hoàng Mai. Nơi đây xảy ra chuyện truyền y bát cho Tuệ Năng và sự phân chia của Thiền tông ra Nam thiền và Bắc thiền, biểu hiện một bước ngoặt lớn trong lịch sử Thiền tông Trung hoa.
Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一, N: Baso Dōitsu, 709-788), là người đắc pháp duy nhất của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Sư có rất nhiều môn đệ đắc đạo như Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện, Đại Mai Pháp Thường, Đại Châu Huệ Hải, Trí Tạng Tây Đường, Trí Thường Quy Tông, Bảo Triệt Ma Cốc, Tề An, Thạch Cựu... Sư là người đầu tiên sử dụng những phương pháp quái dị để dạy thiền sinh như tiếng quát, im lặng, dựng phất tử, hay thình lình đánh gậy, có khi xô thiền sinh té xuống đất, vặn mũi bứt tóc, tung ra những câu hỏi bất ngờ và cho những câu trả lời mâu thuẫn. Mục đích của những cách dạy này là lôi kéo thiền sinh ra khỏi mọi thói quen lí luận, khỏi vòng vây bọc của khái niệm, để cuối tự thân cùng đạt được một kinh nghiệm Giác ngộ trực tiếp.
Sự giáo hoá của Sư đã để lại cho đời 139 đệ tử được truyền ấn. Mã Tổ được nhắc đến trong công án thứ 30 và 33 của Vô môn quan và công án thứ 3, 53 và 57 của Bích nham lục. Hậu thế vì quý trọng Sư nên gọi là Mã Tổ, tức là vị Tổ họ Mã. Sư cũng được phong danh là Giang Tây Pháp chủ.
Đời Đường, niên hiệu Trịnh Nguyên, mùng bốn tháng hai, Sư có chút bệnh, tắm gội xong ngồi kết già thị tịch, thọ 80 tuổi, 60 tuổi hạ. Vua sắc thuỵ là Đại Tịch Thiền sư.
Bách Trượng Hoài Hải (百丈懷海, Nhật: Hyakujō Ekai, 720-814), một trong những vị Thiền sư danh tiếng nhất đời nhà Đường, nối pháp Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Học nhân đến Sư tham vấn rất đông, trong đó Hoàng Bá Hi Vận và Quy Sơn Linh Hựu là hai vị thượng thủ. Sư xuất gia lúc còn để chỏm và chuyên cần tu học Giới, Định, Huệ. Sau, Sư đến tham học với Mã Tổ làm thị giả và được Mã Tổ truyền tâm ấn. Sư là người đầu tiên trong Thiền tông thiết lập và kết tập những quy luật hành động hằng ngày của thiền sinh trong một thiền đường, nhấn mạnh sự kết hợp giữa thiền và các việc lao động trong và ngoài thiền viện như làm ruộng, cuốc đất trồng cây. Câu nói của Sư "một ngày không làm, một ngày không ăn" (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực 一日不作一日不食) cũng trở thành là một công án nổi tiếng trong thiền đường. Những quy luật mới này được ghi lại trong Bách Trượng thanh quy. Mặc dù nguyên bản của quyển sách này đã mất nhưng các quy luật này vẫn còn được tuân hành nghiêm chỉnh cho đến ngày nay.
Đời Đường niên hiệu Nguyên Hoà năm thứ 9 ngày 17 tháng giêng (814), Sư quy tịch, thọ 95 tuổi. Vua ban hiệu là Đại Trí Thiền sư.
[1] Plotinus (204-270), người sáng lập trường phái Tân-Plato (Neo-platonism). Tham cứu Plato, Plotinus phát triễn một vũ trụ luận tinh thần phức tạp (complex spiritual cosmology) gồm ba yếu tố nền tảng: Nhất thể (the One), Trí năng (the Intect) và Linh hồn (the Soul). Từ nơi sự đồng nhất sanh khởi của ba Hữu thể này mà tất cả mọi hiện hữu bắt nguồn, theo Plotinus.
[2] còn có tên là Victorinus Afer, nỗi danh kh. thế kỷ 4-5.
[3] Manichaeism, một tôn giáo nhị nguyên bao hàm nhiều yếu tố Ki-tô (Christian), Khải tri (Gnostic) và ngoại đạo (pagan), do Ma-ni (Manes (kh. 216-kh. 276) sáng lập vào thế kỷ 3 tại Ba-tư (Persia), sau đó được Plotinus và phái Tân-Plato (Neo-Platonism) của ông phát triễn thêm.
[4] tiềm nguyên lý (rationes seminales) của sự vật; tức là cấu trúc cơ bản cuả mỗi sanh thể đã tiền hiện trong dự tính của Chúa rồi.
[5] Wilhelm Windelband (1848-1915) triết gia Đức, nhà phê bình tôn giáo và triết học. Tác phẩm : History of Philosophy, 2 q. Macmillan, 1893, reprinted 1901, 1938 & 1979.
[6] trích dẫn bài văn trao giải Noel Văn chương cho Camus.
[7] Joseph Rudyard Kipling (1865-1936), nhà văn Anh, tiểu thuyết gia, thi sĩ; ở tuổi 42, vào năm 1907, được trao giải Nobel về Văn Chương.
[8] Thiền: ngôn ngữ đạo đoạn; vắng bặt nói năng.
[9] Hai cơ quan văn hóa lớn nhất của Mỹ, chuyên cấp học bổng cho cá nhân hay những chương trình giá trị đóng góp vào sự phát triễn văn hóa của nhân loại.
[10] Ray Douglas Bradbury (1920 -2012), văn sĩ Mỹ chuyên viết tiểu thuyết về khoa học dã tưởng (science fiction), hoang tưởng (fantasy), kinh dị (horror), trinh thám (mystery), nỗi danh qua tác phẩm Fahrenheit 451 (năm 1953), The Martian Chronicles (1950) và The Illustrated Man (1951).
[11] Clive Staples Lewis (1898-1963), người Ái nhĩ lan, tiểu thuyết gia, thi sĩ, học giả, nhà thẩm bình văn học, nhà thần học, nỗi danh qua bộ tiểu thuyết dã tưởng The Chronicles of Narnia (được quay thành phim truyền hình), The Screwtape Letters và The Space Trilogy.
[12] Triết gia người Mỹ, nhà giáo dục cải cách, tâm lý học gia, nhà phê bình xã hội và chánh trị; tư tưởng cải cách giáo dục của ông có ảnh hưởng rộng sâu đến nền cải cách xã hội và giáo dục của Mỹ.
[13] văn sĩ Mỹ, phóng viên, nhà bình luận chánh trị nỗi tiếng là người đầu tiên dùng ý niệm "Cold War" (chiến tranh lạnh), và dùng thuật từ "stereotype" (mẫu rập khuôn) trong ý nghĩa tâm lý hiện đại.
[14] tác giả Mỹ thế kỷ 19, viết rất nhiều tiểu thuyết cho thiếu niên về bất công xã hội, cảnh nghèo đói, những người trẻ làm giàu từ hoàn cảnh bần hàn.
[15] John J. McDermott, The Writings of William James: A Comprehensive Edition.
[16] Jesuit schools, có mục đích ngụy trang là tạo những nhà lãnh tụ chánh trị hay tư tưởng gia tương lai tại ngay nước đó, do các linh mục dòng Tên (Jesuit Fathers) giật dây bên sau. Lãnh tụ nước Cuba, Fidel Castro (1926-2016), thuở nhỏ học các trường dòng Tên, làm Thủ tướng từ năm 1959, và ngay sau khi được bầu làm Tổng thống năm 1976, đã ra lịnh đóng cửa tất cả các trường ở mọi cấp của dòng Tên, và đuổi tất cả các linh mục dòng Tên ra khỏi nước.
[17] Ezra Weston Loomis Pound (1885-1972), thi sĩ người Mỹ nhưng sống tại Pháp, nhà thẩm bình văn học uy tính và là khuôn mặt sáng chói trong phong trào Hiện đại (modernist movement), cũng là một tay cự phách của phong trào Avant-garde (Tiên Phong).
[18] nhận ra ý nghĩa ẩn mật mà ngườiviết muốn truyền đạt, không thể tìm thấy nếu chỉ đọc suông những hàng chữ.
[19] nhân danh, eponyme, tên người nguyên là danh từ riêng, sau trở thành danh từ chung để mô tả một người cùng giống số phận. Thí dụ: Kiều trong tác phẩm của Nguyễn Du, ngày nay ‘nàng kiều’ là một phụ nữ có nhan sắc nhng nhiều lận đận lao đao trong đời; hay Hoạn Thư, nay ‘hoạn thư’ là bà vợ ghen tuông; Tú Bà, nay là ‘mụ tú bà’; Sở Khanh: ‘tên sở khanh’, v.v.
[20] vòng đai thứ 8, có tên là Counselors of Fraud để trị tội những tên cố vấn về gian lận trên dương thế.
[21] Quỹ Đạo Tám, đặt tên là Sins of Malice, những tội lỗi của tánh hiểm ác.
[22] William Shakespeare, 1564-1616, kịch tác gia số một của Anh, cha đẻ của ngôn ngữ và thành ngữ Anh hiện đại.
[23] Lord Alfred Tennyson (1809–1892), thi hào Anh.
[24] to sail beyond the sunset
[25] Virginia Woolf (1882-1941), nữ sĩ Anh, thuộc nhóm Văn học hiện đại.
[26] Margaret Eleanor Atwood (1939- ), thi sĩ Gia nã đại.
[27] Don Quixote of La Mancha (Tây Ban Nha: El Ingenioso Hidalgo Don Quijote de la Mancha), nhân vật chánh trong tiểu thuyết Tây Ban Nha của văn hào Miguel de Cervantes (1547-1616).
[28] những cách dịch khác: Một thời đã qua, Đi tìm dĩ vãng, v.v.
[29] Anatole France (1844-1924, giải Nobel Văn chương, Nobel Prize in Literature, năm 1921.
[30] Thomas Carlyle (1795–1881), triết gia Ái nhĩ lan, sử gia, tiểu luận gia, văn sĩ trào phúng, nhà bình luận xã hội quan trọng nhất của thời đại.
[31] Henry Graham Greene, OM, CH (1904-1991), văn hào Anh, được xưng tụng là một trong những văn nhân vĩ đại nhất của thế kỷ 20.
[32] William Somerset Maugham, CH (1874- 1965), người Anh, kịch tác gia, văn sĩ, tiểu thuyết gia, rất nổi tiếng trong thời đại của ông.
[33] Friedrich Ludwig Gottlob Frege (1848-925) người Đức, triết gia, nhà toán học, có nhiều đóng góp quan trọng vào những công thức nền tảng của toán học, một trong những nhà sáng lập luận lý học hiện đại, viết về triết học của ngôn ngữ và toán học; được xưng danh là cha đẻ của nền triết học phân tích (analytic philosophy).
[34] Ludwig Josef Johann Wittgenstein (1889-1951) triết gia người Áo, chuyên viết về luận lý, triết học của toán học, của ngôn ngữ và của tâm thức.
[35] Alfred North Whitehead, OM, FRS (1861-1947) nhà toán học và triết gia người Anh, được xưng danh là khuôn mặt vĩ đại của nền triết học tiến trình (process philosophy), mà ngày nay được áp dụng vào nhiều lãnh vực như thần học, môi sinh, giáo dục, vật lý học, sinh vật học, kinh tế, tâm lý học, v.v.
[36] Gottfried Wilhelm von Leibniz (1646-1716), nhà toàn học và triết gia người Đức, nhà sáng chế máy tính (calculator); giữ một địa vị lỗi lạc trong lịch sử trong lịch sử toán học và triết học. Ký hiệu toán (mathematical notation), Luật tiếp diễn (Law of Continuity) and Luật thuần nhất tiên nghiệm (Transcendental Law of Homogeneity) của Leibniz được áp dụng rộng rãi trong nhiều lãnh vực cho đến ngày nay. Về triết/thần học, Leibniz nổi tiếng là rất lạc quan, ông cho là Vũ trụ của chúng ta là một vũ trụ đẹp đẽ nhất mà Chúa có thể tạo dựng nên. Ông cùng với René Descartes và Baruch Spinoza, là 3 khuôn mặt vĩ đại về thuyết Duy lý của thế kỷ 17.
René Descartes, (1596-1650), nhà toán học, khoa học và triết gia người Pháp, nỗi tiếng qua câu bất hủ: “Cogito, ergo sum”, “Je pense, donc je suis”, tôi suy tư, cho nên tôi hiện hữu”.
Benedict de Spinoza (1632-1677), triết gia người Hà lan, nhà duy lý (rationalist) vĩ đại cuả thế kỷ 17; triết lý của ông đặt nền tảng cho thời đại Khai Sáng (Enlightenment period) ở thế kỷ 18 và trào lưu Phê bình Thánh kinh hiện đại.
[37] agnosticism: thuyết chủ trương không có thể biết là Chúa có hiện hữu hay không.
[38] atheism: thuyết không tin có một chủ tể hay thần tánh tạo nên vũ trụ.
[39] Scholasticism, học phái Kinh viện, gồm 2 ngành chánh: 1. Augustinianism, bắt nguồn từ Plato, và 2. Thomism, bắt nguồn từ Aristotle.
[40] Anh ngữ viết là Aristotle, Pháp ngữ ghi là Arsitote.
[41] viết theo Tự Điển Công Giáo của Nguyễn Đình Diễn.
[42] reason: natural revelation
[43] faith: supernatural revelation
[44] Holy Spirit
[45] Magisterium: Quyền giáo huấn của Giáo hội
[46] Grendler, Paul F. "Printing and censorship" in The Cambridge History of Renaissance Philosophy, Charles B. Schmitt, ed. Cambridge University Press, 1988, tr. 45–46
[47] Bald, Margaret. Literature Suppressed on Religious Grounds. New York: File on File, Inc., 2006 , tr. 180.
[48] Findlen, Paula. "A Hungry Mind: Giordano Bruno, Philosopher and Heretic", in The Nation, September 10, 2008.
[49] de Bujanda, Jesús Martínez. Index Librorum Prohibitorum, 1600–1966 (v. 11 in series Index des livres interdits). Droz, Geneva, 2002; Index of Prohibited Books, Revised, Vatican Polyglot Press, 1930.
[50] xem bài Duy Thức Học Phật giáo của Tuệ Hạnh, trong Cơ Bản Phật Học, q. IV., và ‘Điểm Sách’ của Phật Điển Hành Tư.
[51] Hai ngàn năm trăm năm sau, Whitehead mới nhận ra đây là tư tưởng trùng trùng duyên khởi của nhà Phật.
[52] cùng với 2 trường kia là những viện cao đẳng cấp 3 danh tiếng tại Anh.
[53] Occasions, cách dịch khác: duyên cớ
[54] Events, cách dịch khác: sự kiện, trường hợp có khả năng có thể xãy ra
[55] đây là văn thể của Whitehead, câu văn dài dòng, ý tưởng đa phức, đến nỗi các nhà phê bình đôi khi cũng phải ôm đầu khổ sở. Chúng tôi cố gắng chuyễn ngữ trung thực với nguyên tác, đôi khi phải thêm thắt một vài trợ từ trong ngoặc đơn vuông [...] để làm rõ nghĩa. Những từ mới lạ mà Whitehead dùng chúng tôi thêm trong ngoặc đơn (...) để làm sáng nghĩa dịch từ trong khi chờ đợi dịch từ sát nghĩa hơn.
[56] tôn giáo ở đây hiểu theo nghĩa là Ki-tô giáo của Tây phương, vì vào thời Whitehead, Phật giáo chưa thịnh hành cũng như không hề được xem là một tôn giáo thuần túy, vì ngoài hình thức tín ngưỡng và nghi lễ Phật giáo còn cống hiến những bộ môn khác như triết học, Tâm lý học (Duy thức), thiền học, v.v.
[57] Willard Van Orman Quine (1908–2000), triết gia Mỹ, hoạt động trong truyền thống phân tách (analytic tradition) về triết học lý thuyết (theoretical philosophy), lôgít, triết học thực tiễn (practical philosophy), chánh trị học và đạo đức học.
[58] Những nhân vật Thiền gia trong đây được lược trích từ quyển "Từ Điển Phật Học" của Thích Nguyên Tâm. Toàn bộ các tiểu sử này có thể tìm đọc nơi "Thiền Tông Trung hoa" của Hòa Thượng Thiền sư Thích Thanh Từ.
[59] đệ tử, học trò, được truyền pháp
[60] Erik Zürcher, sanh năm 1928, trình luận án "The Buddhist Conquest of China" năm 1959 tại đại học Leiden University và rồi được thỉnh làm Giáo sư Á châu học tại đại học này. Ông viết rất nhiều bài khảo cứu về Phật giáo sơ thời tại Trung hoa, về Đạo giáo và về sự hội nhập của Ki-tô giáo tại Trung hoa vào thế kỷ 17. Luận án "The Buddhist Conquest of China" của ông cho đến ngày nay vẫn còn là tác phẩm nền tảng bậc nhất cho những công trình nghiên cứu về sau.
[61] Heinrich Dumoulin, S.J. (1905-1995). Zen Buddhism: A History; Translated by James W. Heisig and Paul Knitter. Volume 1: India and China; Volume 2: Japan. New York: Macmillan, 1988-1990. (Nanzan Studies in Religion & Culture).
Ui Hakuju (宇井伯壽, 1882-1963) tác giả Zenshü-shi Kenkyü (Thiền tông sử nghiên cứu)
Philip Yampolsky (1920-1996) The Platform Sutra of the Sixth Patriarch. Columbia University Press, 1967.