Góp Thêm Vài Tư Liệu Về Nguồn Cội Của Thành Cú Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư

04/08/20223:51 SA(Xem: 2580)
Góp Thêm Vài Tư Liệu Về Nguồn Cội Của Thành Cú Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư

GÓP THÊM VÀI TƯ LIỆU VỀ NGUỒN CỘI CỦA THÀNH CÚ
NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ

Chúc Phú

Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi SưTheo cách hiểu của tiếng Việt, thành cú trên được dịch là: Một chữ cũng là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy. Từ trước đến nay, trong lĩnh vực giáo dụcViệt Nam nói chung, việc vận dụng thành cú này vào truyền thống tôn sư trọng đạo như một lẽ mặc nhiên mà ít có sự quan tâm đến những liên hệ nguồn cội của chúng. Với khảo sát bước đầu cho thấy, đã có những bằng chứng liên quan và liên hệ với cội nguồn của Phật giáo, trong việc xuất hiện và định hình thành cú nêu trên.

Thứ nhất, về mệnh đề Nhất tự vi sư (一字為師)

Nhất tự vi sư còn được gọi là Nhất tự chi sư (一字之師) hoặc Nhất tự (一字師). Sự hình thành của mệnh đề này có liên hệ đến hai nhân vật đặc thù, được lịch sử Phật giáo và cả lịch sử Trung Hoa ghi nhận, đó là một vị thi Tăng tên là Tề Dĩ 齊已 (863-937) và một Nho sĩ tên là Trịnh Cốc 鄭谷 (851-910).

Theo Tống Cao tăng truyện[1], Thích Tề Dĩ (釋), họ Hồ, người Ích Dương, thuở nhỏ xuất gia ở chùa Đại Vị Sơn (大溈山寺), thông minh lanh lợi, thực hành luật nghi nhưng tính tình lại ưa thích văn chương, ngâm vịnh. Ngài từng đi tham học cả trăm chốn tùng lâm như Lạc Sơn, Lộc Môn, Hộ Quốc (藥山、鹿門、護國). Năm đầu niên hiệu Long Đức (龍德), tức năm 921, ngài trú tại chùa Long Hưng (龍興寺), làm quan Tăng Chánh (僧正) mà trong lòng không hề thích thú nhưng chẳng biết làm sao. Tại đây, tranh thủ những khi rảnh rỗi, ngài viết tác phẩm Chử cung mạc vấn (渚宮莫問) gồm mười lăm chương và thường xướng họa thơ văn với ẩn sĩ ở núi Hoa Sơn tên là Trịnh Cốc. Khi mất, ngài để lại tác phẩm tên là Bạch liên tập (白蓮集) lưu hành ở đời.

Không như Tống Cao tăng truyện dành phần lớn nội dung để đề cập về cuộc đờisự nghiệp của ngài Tề Dĩ và chỉ dành mười chữ viết về Trịnh Cốc[2], thì một tác phẩm bách khoa về lịch sử, văn hóa, giáo dục… của Trung Hoa có tên là Khâm định Tứ khố toàn thư (欽定四庫全書) đã ghi nhận về cuộc gặp gỡ và xướng họa thơ văn giữa hai nhân vật kỳ tài này.

Theo Khâm định Tứ khố toàn thư (欽定四庫全書)[3], Trịnh Cốc, tự là Thủ Ngu (守愚), bản tính thông minh sáng suốt, bảy tuổi có thể làm thơ, vào niên hiệu Quang Khải (光啓) năm thứ ba (năm 887) đậu tiến sĩ, làm Hộ huyện úy (鄠縣尉) ở phủ Kinh Triệu (京兆府). Vào niên hiệu Càn Ninh (乾寧) năm thứ tư (năm 897), ông từ chức Đô Quan Lang Trung (都官郎中)[4], lui về ở ẩn tại Thư Đường (書堂) ở Sơn Đông Trang (山東莊) rồi mất. Thơ của Trịnh Cốc mới mẻ, tươi sáng, rõ ràng, được hai nhà thơ Đường danh tiếng là Tiết Năng 薛能 (817-880) và Lý Tần 李頻 (818-876) ca ngợi. Sư Tề Dĩ có bài thơ tên là Vịnh mai nở sớm (詠早梅), trong đó có câu:

Tiền thôn thâm tuyết lý (前村深雪裏)

Tạc dạ số chi khai (昨夜數枝開).

[Tạm dịch:

Trước thôn tuyết trắng rơi đầy

Mấy cành mai đã nở bày đêm qua].

Trịnh Cốc nói: Mấy cành (Số chi: 數枝) chẳng thể gọi là sớm (Tảo: 早), không bằng một cành (Nhất chi: 一枝). Tề Dĩ bất ngờ thi lễ. Giới sĩ phu gọi thầy một chữ (Nhất tự sư: 一字師) bắt đầu từ Trịnh Cốc vậy[5].

Thứ hai, về mệnh đề Bán tự vi sư (半字為師)

 Mệnh đề Bán tự vi sưliên quan đến giai thoại của một nhà thơ Đường tên là Nhậm Phiền (任蕃). Theo Khâm định Tứ khố toàn thư (欽定四庫全書)[6], Nhậm Phiền quê ở Giang Đông (江東), sinh vào khoảng niên hiệu Hội Xương 㑹昌 (841-846), tính thích du lãm đây đó, ban đầu vào kinh thi tiến sĩ nhưng không đậu. Một lần, du ngoạn núi Thiên Thai Cân Tử (天台巾子峯), đã viết một bài thơ lên vách chùa:

Tuyệt đỉnh tân thu sanh dạ lương (絕頂新秋生夜凉)

Hạc phiên tùng lộ trích y thường (鶴翻松露滴衣裳)

Tiền phong nguyệt chiếu nhất giang thủy (前峯月照一江水)

Tăng tại thúy vi khai trúc phòng (僧在翠㣲開竹房).

[Tạm dịch:

Chớm thu đêm lạnh núi mờ

Ngọn tùng, cánh hạc sương hờ trên y

Bên non trăng nước diệu kỳ

Am thiền sư ở, cửa thì trúc giăng].

Sau khi rời xa hơn một trăm dặm, [Nhậm Phiền] muốn quay trở lại để sửa [Nhất giang thủy: 一江水] thành Bán giang thủy (半江水) nhưng khi đến nơi thì có ai đó đã sửa rồi! Nhậm Phiền sáng tác bảy mươi bảy bài thơ, làm thành một quyển, nhưng hiện chẳng còn đủ vậy.

Thứ ba, về Mãn tự (滿) và Bán tự (半字) trong kinh Đại Bát-niết-bàn.

Theo chúng tôi, thành cú Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư (一字為師, 半字為師)  có thể liên quan đến trường hợp Mãn tự (滿) và Bán tự (半字) xuất hiện trong nhiều nguồn thư tịch Hán tạng mà cụ thể ở đây chính là kinh Đại Bát-niết-bàn, ở phẩm Trường Thọ: Làm sao để hiểu rõ, Nghĩa Mãn tự, Bán tự? [7]

Mãn tự (滿) là cách gọi của người Trung Hoa chỉ cho một nguyên âm (Svara -स्वर) trong Phạn ngữ; còn Bán tự (半字) tức chỉ cho một bán nguyên âm, tức là một phụ âm (Vyañjana - व्यञ्जन). Ngài Tăng Hựu 僧祐 (445-518) trong Bài ký nói về sự giống nhau và khác biệt về âm, nghĩa trong khi dịch kinh từ Phạn sang Hán (胡漢譯經音義同異記) đã giải thích rằng:

Một âm của chữ Phạn không thể thành câu, phải nói nhiều âm tiết khác nhau, nhờ đó mới có nghĩa. Người dịch diễn ý chẳng phải vất vả lắm sao? Thế nên kinh sách Bà-la-môn soạn ra Bán tựMãn tự. Sở dĩ gọi Bán tự vì nghĩa chưa đầy đủ, thể thức của chữ lệch về một bên, giống như chữ Nguyệt (月) trong Hán ngữ thiếu nét một bên. Sở dĩ gọi là Mãn tựnghĩa lý đã đạt đến chỗ cứu cánh, thể thức của chữ tròn đầy giống như chữ Nhật (日) trong Hán ngữ với hình thể đầy tràn vậy[8].

Trong Phạn ngữ, mỗi mẫu tự không có tên riêng mà tên của nó chính là âm tố (varṇa) khi đọc mẫu tự ấy lên. Tập hợp các mẫu tự của Phạn ngữ gọi là Akṣara (अक्षर), dùng để chỉ một âm tiết, tức là một nguyên âm hay một nhóm các phụ âm theo sau bởi một nguyên âm. Trong Phạn ngữ có bốn mươi tám mẫu tự (48 Akṣara), gồm mười ba nguyên âm, ba mươi ba phụ âm và hai trợ nguyên âm[9].

Như vậy, thành cú Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư (一字為師, 半字為師) trong trường hợp này có thể hiểu là: Một nguyên âm cũng là thầy và một phụ âm cũng là thầy.

Nhận định

Thành tựu văn hóa của nhân loại nói chung là sự tổng hòa những giá trị nhân bản nhân văn, mang tính chung nhất, giữa các cộng đồng dân tộc, tôn giáo khác nhau trên thế giới. Trong sự giao thoa của những dòng chảy lịch sử, văn hóa thì việc kế thừa có chọn lọc, sự tiếp biến có tính chất sáng tạo đối với những giá trị đặc thù giữa các quốc gia, là một thực tế được ghi nhận bởi lịch sử, thể hiện trong nhiều lĩnh vực.

Từ cơ sở này cho thấy, thành cú Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư (一字為師, 半字為師) có thể được định hình từ hai giai thoại được ghi nhận trong tác phẩm Khâm định Tứ khố toàn thư (欽定四庫全書) nêu trên. Tuy nhiên, với một quốc gia có những ảnh hưởng rất sớm từ Phật giáo, thể hiện trên nhiều phương diện; đặc biệt, có nhiều dấu vết Phạn ngữ, thuộc Nam Phạn, xuất hiện trong kho tàng dụng ngữ Tiếng Việt[10], thì thành cú nêu trên có khả năng được định hình từ cấu trúc Phạn ngữ tương tự như trường hợp Mãn tự (滿) và Bán tự (半字) đã dẫn ở trên.

Trong tất cả, dù ở bất kỳ nguồn thư tịch nào thì việc định hình nên thành cú Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư (一字為師, 半字為師) có nhiều bằng chứng xác thực, liên quanliên hệ rất gần với Phật giáo.

 



[1] Tống Cao tăng truyện 宋高僧傳 (T.50. 2061.30. 0897c12-0898a03).

[2]  Mười chữ đó là: Hoa Sơn ẩn sĩ Trịnh Cốc thi tương thù xướng (華山隱士鄭谷詩相酬唱).

[3] Nguyên tác: Khâm định Tứ khố toàn thư, Sử bộ, Địa lý loại, Đô hội đô huyện chi thuộc, Giang Tây thông chí, quyển thất thập nhị  (欽定四庫全書, 史部, 地理類, 都會郡縣之屬,江西通志,卷七十二).

[4] Thời Tào Ngụy (曹魏) thành lập cơ quan Đô quan lang tào (都官郎曹), quan trưởng gọi là Đô Quan lang trung (都官郎中), lệ thuộc vào Thượng thư Tả bộc xạ (尚書左僕射), chuyên quản lý tội phạm.

[5] Nguyên tác: Nho lâm hô vi nhất tự sư Cốc thủy (士林呼為一字師谷始).

[6] Khâm định Tứ khố toàn thư, Tử bộ, Tạp gia loại, Tạp thuyết chi thuộc, Hương Tổ bút ký, quyển ngũ (欽定四庫全書, 子部,雜家類,雜說之屬, 香祖筆記卷五).

[7] Đại Bát-niết-bàn kinh, Trường thọ phẩm 大般涅槃經, 長壽品 (T.12. 0375.4. 0619c05). Nguyên tác: 云何解滿, 及與半字義.

[8] Xuất Tam tạng ký tập 出三藏記集 (T.55. 2145.1. 0004b24-0004b28). Nguyên tác: 胡字一音不得成語必餘言足句然後義成譯人傳意豈不艱哉又梵書製文有滿字所以名者義未具足故字體半偏猶漢文月字虧其傍也, 所以名滿字者理既究竟故字體圓滿猶漢文日字盈其形也.

[9] Franz Kielhorn, Ngữ pháp Phạn ngữ, Đỗ Quốc Bảo soạn dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.19. Xem thêm, Lê Tự Hỷ, Tự học tiếng Phạn, tập 1, NXB.Tổng hợp TP.HCM, 2012, tr.18-19.

[10] Xem khảo cứu của chúng tôi: Vài cứ liệu về nguồn gốc Pāli trong kho tàng tiếng Việt. Xem tại: https://thuvienhoasen.org/a30116/vai-cu-lieu-ve-nguon-goc-p-li-trong-kho-tang-tieng-viet

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/04/2012(Xem: 78379)
07/11/2010(Xem: 140376)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.