HAI TRÍ VÀ TƯƠNG QUAN VỚI BA THÂN CỦA PHẬT
Thích Thanh Hòa
Trí tuệ của một đức Phật được gọi là Nhất Thiết Trí (sarva-jñatā). Trí này không những có tính nhận thức một cách vô phân biệt mà còn có tính hành động mang tính phân biệt. Bởi vì, một vị giác ngộ không chỉ thấy biết riêng thế giới chân như tịch tĩnh mà còn nhận thức thế giới phàm tình để từ đó phát khởi vô số hoạt động lợi tha. Tuy nhiên, an trú tịch tĩnh và hoạt động lợi tha là hai phạm trù đối lập nhau. Để giải quyết song đề này, các nhà Duy Thức đề ra quan điểm một bậc giác ngộ có hai loại trí tuệ là trí vô phân biệt (nirvikalpa-jñāna) và trí hậu đắc (pṛṣṭha-labdha-jñāna). Hay nói khác đi, Nhất Thiết Trí của các đức Như Lai có hai khía cạnh là căn bản vô phân biệt và hậu đắc phân biệt. Thành tựu hai trí này là thành tựu Phật quả cứu cánh. Cho nên, Bồ-tát Vô Tính nói trong Nhiếp Luận Thích rằng: “Các vị bồ-tát do trước tiên tu tập lần lượt trí vô phân biệt và trí hậu đắc mà nhanh chóng chứng được Phật quả viên mãn hết thảy công đức.”[1]
Trí Vô Phân Biệt
Trí vô phân biệt (nirvikalpa-jñāna) là trí chứng biết chân như. Theo sự mô tả của các kinh luận Duy Thức, đặc điểm nổi bật của loại trí này là không có hai thứ chấp thủ năng và sở, tức không có sự phân biệt giữa chủ thể nhận thức với đối tượng nhận thức. Phẩm Chân Thật của Đại Thừa Trang Nghiêm nói:
“Khi đó, vị ấy đạt được trí vô phân biệt, [là trí tuệ] xa lìa hai loại chấp thủ, xuất thế, vô thượng và ly cấu.”[2]
Cảnh giới của trí vô phân biệt cũng được Tôn giả Thế Thân diễn tả qua bài tụng 28 của Tam Thập Luận như sau:
“Nếu trí chắc chắn không nắm bắt đối tượng sở duyên;
bấy giờ [hành giả] trụ duy thức, vì cái bị nắm bắt không tồn tại nên cũng không có cái nắm bắt.”[3]
Trụ duy thức, hay chứng nhập chân như, chính là chứng đắc trí vô phân biệt. Theo đó, Bồ-tát Hộ Pháp giải thích rằng:
“Bấy giờ bồ-tát đạt được trí tuệ vô phân biệt, đối với các cảnh sở duyên đều không nắm bắt vì không chấp thủ các hình thái hý luận. Lúc ấy [bồ-tát] mới được gọi là chân thật an trụ trong bản tính chân thật tối thắng của duy thức, tức là chứng nghiệm chân như. Trí và chân như đều bình đẳng, vì chúng đều xa lìa tướng năng thủ và sở thủ. Các hình thái năng thủ và sở thủ đều là phân biệt, vì [chúng đều là] biểu hiện của sự hý luận nơi tâm có sở đắc.”[4]
Từ chỗ không phân biệt năng duyên với sở duyên, trí vô phân biệt được xem là bình đẳng với chân như, tức trí năng duyên cũng chính là cảnh sở duyên. Nhiếp Luận nói về tính bình đẳng này như sau:
“Khi bồ-tát trụ nơi tên gọi không có khái niệm (vô phân biệt danh) đối với tất cả đối tượng và trụ nơi pháp giới bằng cái thấy hiện lượng, vị ấy đạt được trí vô phân biệt, qua đó, sở duyên và năng duyên đều hoàn toàn bình đẳng.”[5]
Nói cách khác, ở giai vị cứu cánh, không có chân như ngoài trí vô phân biệt, cũng như không có trí vô phân biệt ngoài chân như. Bởi vì, chân như và trí vô phân biệt là bất khả phân trong tự tính viên thành thật hay thể tính giác ngộ của chư Phật.[6]
Lại nữa, xét về mặt tự tính, Phật quả là sự thành tựu cảnh giới chân như thanh tịnh (viśuddhā-tathatā) hay pháp giới thanh tịnh (dharmadhātu-viśuddhi).[7] Pháp giới thanh tịnh này được Đại Thừa Trang Nghiêm diễn tả rằng:
“Chân như của các pháp là tướng thanh tịnh do đã diệt trừ hai chướng; và là tướng tự tại vô tận của đối tượng (chân như) và trí biết về nó (trí vô phân biệt).”[8]
Như vậy, Phật quả là kết quả của quá trình giác ngộ mà bản chất là sự chứng nghiệm chân như bằng trí vô phân biệt. Điều đó có nghĩa rằng Phật quả bao gồm cả chân như và trí vô phân biệt, tức cái được biết và cái biết. Và như thế cũng có nghĩa, Phật quả chính là chân như và cũng chính là trí vô phân biệt. Chân như là thể tánh không biên tế nên trí vô phân biệt cũng không có giới hạn, Phật quả cũng như thế.[9]
Như đã nói, do thường tu tập trí vô phân biệt mà hành giả đạt được quả chuyển y.[10] Như thế, trí vô phân biệt không phải đợi đến quả vị cứu cánh mới sinh khởi mà đã sinh khởi từ trước. Ở một góc độ nào đó, nó không phải là kết quả của giác ngộ mà là công cụ giúp hành giả đạt được giác ngộ. Nhờ thường tu tập nó mà hành giả dần dần trừ diệt hết chủng tử của hai chướng và chứng đắc chuyển y. Vậy vấn đề đặt ra, trí vô phân biệt sinh khởi từ khi nào?
Trên lộ trình tu đạo năm giai vị của Duy Thức, ở giai vị gia hành, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hai loại tư lương phước – trí, hành giả chính thức bắt đầu tu quán duy thức.[11] Bước đầu, quá trình tu quán này sẽ dựa vào bốn tầm tư và bốn như thật trí, lần lượt hoàn thiện bốn thiện căn noãn, đảnh, nhẫn, và thế đệ nhất pháp. Ở hai thiện căn đầu, hành giả quán về sự không tồn tại của sở thủ (đối tượng quán chiếu). Hai thiện căn cuối tiến dần vào chân nghĩa duy thức, quán về sự không tồn tại của năng thủ (chủ thể quán chiếu). Sau khi hoàn thành bốn thiện căn này, hành giả liền thành tựu trí vô phân biệt và nhập vào sơ địa, tương đương với kiến đạo hoặc thông đạt vị.[12] Trên lộ trình mười địa, chín địa còn lại là thời gian hành giả tiếp tục trau dồi trí vô phân biệt không ngừng nghỉ để diệt trừ những chướng ngại còn lại và chứng đắc chuyển y. Quãng đường chín địa còn lại này được gọi là tu tập vị hoặc tu tập đạo (bhāvanā-avasthā/mārga).
Trí Hậu Đắc
Trí vô phân biệt là trí biết chân như thuộc về cảnh giới định. Ngoài cảnh giới định, bậc giác ngộ phải đối mặt với thế giới hiện tượng thuộc biến kế sở chấp. Tất nhiên, sự nhận thức của vị ấy giờ đây đã được thay đổi tận căn nguyên do tác động của trí vô phân biệt. Kẻ phàm phu nhận thức thế giới hiện tượng trong trạng thái phân lập nhị nguyên và chấp thủ. Bậc giác ngộ không như vậy, do tác động của trí vô phân biệt từ trong thiền định, dù đã xuất định, vị ấy thấy thế giới nhị nguyên chỉ như hoa đốm hư không. Giờ đây, đối với vị ấy, sự phân biệt năng thủ và sở thủ chỉ là hư vọng bất thực giống như trò biến hóa của nhà ảo thuật. Khả năng thấy được sự bất thực của thế giới biến kế theo sau trí vô phân biệt được gọi là trí hậu đắc (pṛṣṭha-labdha-jñāna). Nhiếp Luận mô tả trí hậu đắc như sau:
“Lại nữa, vì mục đích gì mà [bồ-tát] nhập vào duy thức tính? Nhờ vào trí chỉ quán xuất thế (trí vô phân biệt) nhận biết tổng pháp,[13] nhờ vào trí hậu đắc do các thức biểu hiện, bồ-tát đoạn trừ chủng tử của các pháp [tạp nhiễm] trong a-lại-da thức bao gồm nhân của chúng, làm tăng trưởng chủng tử [vô lậu] tiếp cận pháp thân, chuyển đổi sở y. [Tiếp đó], nhờ hoàn thiện các pháp của Phật, vị ấy chứng đắc Nhất Thiết Trí. Đó là mục đích mà bồ-tát nhập vào duy thức tính.”
“Và nữa, trí hậu đắc—cái vốn xem hết thảy các pháp sinh khởi từ a-lại-da thức cũng như tất cả các đặc tướng nhận thức như là các trò ảo thuật—sinh khởi một cách không lầm lỗi. Do đó, giống như các nhà ảo thuật đối với các trò ảo thuật, bồ-tát luôn luôn không phạm lỗi về nhân quả đối với các pháp cũng như trong khi thuyết pháp.”[14]
Tôn giả Thế Thân giải thích đoạn văn trên và nói về vai trò của trí hậu đắc như sau:
“Nếu trí vô phân biệt đã đoạn trừ hết thảy chướng ngại, chứng đắc các pháp của Phật, vậy trí hậu đắc còn có công dụng gì? Trí vô phân biệt không thể tuyên thuyết các pháp nhân quả vì nó là vô phân biệt. Vì vậy, cần có trí hậu đắc để tuyên thuyết các pháp nhân quả bởi nó luôn luôn không lỗi lầm, cũng giống như nhà ảo thuật [hiểu rõ và không lỗi lầm] đối với các trò ảo thuật.”[15]
Như thế, khác với trí vô phân biệt là trí trong cảnh giới định, trí hậu đắc là trí của bậc giác ngộ trong sinh hoạt đời thường. Nhờ trí hậu đắc mà khi không còn trong cảnh giới định, bậc giác ngộ vẫn hành động, thuyết pháp không trái với lý nhân quả. Do là trí phân biệt thế giới hiện tượng có được theo sau trí vô phân biệt nên trí hậu đắc còn được gọi là trí thế tục có được sau trí xuất thế gian (lokottara-pṛṣṭha-labdha-laukika-jñāna).[16] Trí vô phân biệt nhận biết chân như, tức chân đế; trí hậu đắc nhận biết thế giới hiện tượng trong ý nghĩa bất thực, tức tục đế.[17] Chân như thanh tịnh là chỗ y cứ cho thế giới hiện tượng. Cũng vậy, trí vô phân biệt là chỗ y cứ của trí hậu đắc. Trí hậu đắc chỉ là biểu hiện của trí vô phân biệt. Để so sánh trí hậu đắc với trí vô phân biệt, Nhiếp Luận lấy các ví dụ như sau:
“Như người đang nhắm mắt
Là trí vô phân biệt
Như khi mở mắt rồi
Trí hậu đắc cũng thế.
Nên biết như hư không
Là trí vô phân biệt
Hư không hiện ảnh tượng
Trí hậu đắc cũng thế.
Như ngọc sáng, nhạc trời
Vô tư mà hoạt động
Các việc của chư Phật
Không suy xét mà thành.”[18]
Tương Quan giữa Hai Trí với Ba Thân
Từ cấu trúc nhận thức nhất thể là Nhất Thiết Trí (sarva-jñatā), Duy Thức Phái phát triển thành hai khía cạnh vô phân biệt và hữu phân biệt. Sự phát triển này làm tiền đề cho sự phát triển của giáo lý Phật thân. Hai khía cạnh của Phật vị—một chân một tục, một tĩnh một động—trở thành cơ sở lý luận cho giáo lý ba thân của Phật, mở ra một không gian hoạt dụng vô tận cho hạnh nguyện lợi tha của Phật Giáo Đại Thừa.
Khi giải thích chủ đề ba thân của Phật (đề mục thứ mười trong mười đề mục của Nhiếp Luận), Bồ-tát Vô Tính nói rằng “quả thuộc về trí của ba môn học tăng thượng gọi là quả trí, bản chất của nó chính là ba thân của Phật.”[19] Như vậy, ba thân của Phật cũng chính là Phật trí. Trong đó, thân tự tính (svābhāvika-kāya) còn được gọi là pháp thân (dharma-kāya) chính là trí vô phân biệt; thân thọ dụng (sāṃbhogika-kāya) và thân biến hóa (nairmāṇika-kāya), thuộc về sắc thân (rūpa-kāya), là trí hậu đắc.[20] Hơn nữa, giống như trí hậu đắc y cứ trên trí vô phân biệt, hai thân thọ dụng và biến hóa cũng y cứ trên thân tự tính. Nhiếp Luận nói:
“Ở đây, thân tự tính tức là pháp thân của các đức Như Lai bởi nó là chỗ y chỉ của sự tự tại đối với tất cả các pháp. Thân thọ dụng là thân dựa trên pháp thân vì các chúng hội của chư Phật mà hiển bày bởi nó thọ dụng pháp lạc đại thừa ở trong quốc độ thanh tịnh của Phật. Thân biến hóa cũng dựa trên pháp thân bởi nó hiển bày [các việc làm của đức Phật] từ xuất hiện ở cung trời Đâu-suất, giáng thế thọ sinh, hưởng thọ dục lạc, vượt thành xuất gia, theo học ngoại đạo, tu tập khổ hạnh, chứng đại bồ-đề, chuyển đại pháp luân, [cho đến] nhập đại niết-bàn.”[21]
Tương tự, Đại Thừa Trang Nghiêm nói về mối tương quan giữa ba thân như sau:
“Sự phân loại thân của Phật là thân tự tính, thân thọ dụng, và thân biến hóa; [trong đó,] thân đầu là chỗ y chỉ của hai thân kia.”[22]
Trí vô phân biệt cũng như thân tự tính vốn tịch tĩnh, vô phân biệt nên không thể phô bày cho chúng sinh thấy. Chư Phật vì muốn diễn bày giáo lý giải thoát giúp chúng sinh thoát khổ cũng như thực hiện các việc lợi tha nên phải từ trong thân tự tính phân biệt thành thân thọ dụng và thân biến hóa. Giống như trí hậu đắc là khía cạnh động phát sinh từ trí vô phân biệt tịch tĩnh để nhận thức thế giới hiện tượng; hai thân thọ dụng và biến hóa cũng lưu xuất từ thân tự tính để hoạt dụng trong thế giới hữu hình theo chỗ mong cầu của chúng sinh, làm lợi ích cho họ.[23] Mối quan hệ giữa thân tự tính với hai sắc thân thọ dụng và biến hóa hoàn toàn tương đồng với mối quan hệ giữa trí vô phân biệt với trí hậu đắc. Tất cả hai trí với ba thân cùng hòa quyện vào nhau tạo thành một thể sâu thẳm của Phật quả mà Nhiếp Luận mô tả như sau:
“Phật cùng khắp mọi nơi
Cũng không nơi đâu cả
Hiện thân nơi tất cả
Nhưng ở ngoài sáu căn.”[24]
Trong đó, theo giải thích của Bồ-tát Vô Tính, “Phật cùng khắp tất cả” là trí hậu đắc biết cùng khắp tất cả các pháp, bao gồm tất cả các đối tượng có thể nhận thức như các pháp thiện, bất thiện, vô ký, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, ... “Cũng không nơi đâu cả” là trí vô phân biệt tịch tĩnh bất động, không phân biệt cảnh giới sai thù. “Hiện thân nơi tất cả” là thân biến hóa thị hiện thọ sinh khắp mọi nơi. “Nhưng ở ngoài sáu căn” là nói pháp thân tối thắng dù hóa hiện thành thân biến hóa để giáo hóa chúng sinh nói chung, địa ngục nói riêng, nhưng các chúng sinh ấy vẫn không thể thấy được pháp thân rốt ráo của Phật.[25] Phật thân như vậy khiến chúng ta liên tưởng đến bài tụng nổi tiếng trong Kinh Kim Cang:
“Ai thấy ta bằng sắc
theo ta bằng âm thanh
người ấy hành tà đạo
không thể thấy được ta.
Từ pháp tính thấy Phật
pháp thân là Như Lai
pháp tính không biểu hiện
nên thức không biết được.”[26]
Nói tóm lại, xét trong mạch phát triển của tư tưởng Phật Giáo, thuyết hai trí có một vị trí hết sức quan trọng trong việc đặt nền móng cho tư tưởng Đại Thừa. Các giáo lý quan trọng mang bản sắc Đại Thừa như ba thân của Phật, niết-bàn vô trụ xứ, ... đều được Duy Thức Phái xây dựng trên nền tảng thuyết hai trí này. Thậm chí, thuyết bốn trí cũng chỉ là một hình thức khai triển khác của thuyết hai trí.[27]
Hải Lạc, 20.11.2022
THÍCH THANH HÒA
Thư Mục Tham Khảo:
Năng Đoạn Kim Cang = Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh: Năng Đoạn Kim Cang Phần [大般若波羅蜜多經: 能斷金剛分]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang. 1 quyển. Đại Chính 7, số 220.
Phật Địa Kinh = Phật Thuyết Phật Địa Kinh [佛說佛地經]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang. 1 quyển. Đại Chính 16, số 680.
Asaṅga. Mahāyāna Sūtrālaṃkāra. Edited by S. Bagchi. Darbhanga: Mithila Institute, 1970.
Asaṅga, & Jamgön Mipham. A Feast of the Nectar of the Supreme Vehicle: An Explanation of the Ornament of the Mahāyāna Sūtras - Maitreya's Mahāyānasūtrālaṃkāra with a Commentary by Jamgön Mipham. Translated by Stephen Gethin. Boulder, CO: Shambhala, 2018.
Brunnhölzl, Karl. A Compendium of the Mahāyāna: Asaṅga’s Mahāyānasaṃgraha and Its Indian and Tibetan Commentaries. 3 vols. Boulder: Snow Lion, 2018.
D’Amato, Mario, Jay L. Garfield, & Tom J.F. Tillemans. Pointing at the Moon: Buddhism, Logic, Analytic Philosophy. Oxford University Press, 2009.
Di Lặc, Bồ-tát. Du-già Sư Địa Luận [瑜伽師地論]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang. 100 quyển. Đại Chính 30, số 1579.
Hộ Pháp, Bồ-tát. Thành Duy Thức Luận [成唯識論]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang. 10 quyển. Đại Chính 31, số 1585.
Kramer, Jowita. "Conceptuality and Non-Conceptuality in Yogācāra Sources." Journal of Indian Philosophy 46, no. 2 (2018): 321-338.
———. "Some Remarks on Sthiramati and His Putative Authorship of the Madhyāntavibhāgaṭīkā, the *Sūtrālaṃkāravṛttibhāṣya and the Triṃśikāvijñaptibhāṣya." Buddhist Studies Review 33, no. 1-2 (2017): 47-63.
Makransky, John J. Buddhahood Embodied: Sources of Controversy in India and Tibet. NY: State University of New York Press, 1997.
Takasaki, Jikidō. A Study on the Ratnagotravibhāga (Uttaratantra) - Being a Treatise on the Tathāgatagarbha Theory of Mahāyāna Buddhism. Roma: Is. M. E. O., 1966.
Thân Quang, Bồ-tát. Phật Địa Kinh Luận [佛地經論]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang. 7 quyển. Đại Chính 26, số 1530.
Thế Thân, Bồ-tát. Duy Thức Tam Thập Luận Tụng [唯識三十論頌]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang. 1 quyển. Đại Chính 31, số 1586.
———. Nhiếp Đại Thừa Luận Thích [攝大乘論釋]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang. 10 quyển. Đại Chính 31, số 1597.
———. Nhiếp Đại Thừa Luận Thích (Chân Đế) [攝大乘論釋]. Hán Dịch bởi Tam tạng Chân Đế. 15 quyển. Đại Chính 31, số 1595.
Tu Cuong, Nguyen. "Sthiramati's Interpretation of Buddhology and Soteriology." PhD diss., Harvard University, 1990.
Vasubandhu. Triṃśikāvijñaptikārikāḥ. In Seven Works of Vasubandhu. Edited by Stephan Anacker. Rev ed., 422-3. Delhi: Motilal Banarsidass, 2005.
Vô Tính, Bồ-tát. Nhiếp Đại Thừa Luận Thích [攝大乘論釋]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang. 10 quyển. Đại Chính 31, số 1598.
Vô Trước, Bồ-tát. Đại Thừa A-tì-đạt-ma Tập Luận [大乘阿毘達磨集論]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang. 7 quyển. Đại Chính 31, số 1605.
———. Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận [大乘莊嚴經論]. Hán Dịch bởi Ba-la-phả-mật-đa-la. 13 quyển. Đại Chính 31, số 1604.
———. Nhiếp Đại Thừa Luận Bổn [攝大乘論本]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang. 3 quyển. Đại Chính 31, số 1594.
[1] Vô Tính, Nhiếp Luận Thích, 418c28-419a01; Brunnhölzl, A Compendium of the Mahāyāna, vol. II, 711.
[2] Asaṅga, Mahāyāna Sūtrālaṃkāra, XIV.28, 91; Vô Trước, Đại Thừa Trang Nghiêm, 625b08-9: dvayagrāha-visaṃyuktaṃ lokottaram anuttaraṃ | nirvikalpaṃ malāpetaṃ jñānaṃ sa labhate punaḥ || 遠離彼二執/ 出世間無上/ 無分別離垢/ 此智此時得。
[3] yadā tvālambanaṃ jñānaṃ naivopalabhate tadā | sthitaṃ vijñaptimātratve grāhya-abhāve tad-agrahāt || 若時於所緣/ 智都無所得/ 爾時住唯識/ 離二取相故。 (Vasubandhu, TriṃśK, k. 28; Thế Thân, Tam Thập Luận, tụng 28).
[4] Hộ Pháp, Thành Duy Thức, 49c18-22: 若時菩薩於所緣境無分別智都無所得。不取種種戲論相故。爾時乃名實住唯識真勝義性。即證真如智與真如平等平等俱離能取所取相故。能所取相俱是分別。有所得心戲論現故。
[5] Vô Trước, Nhiếp Luận Bổn, 143a13-6: 由是因縁住一切義無分別名。於法界中便得現見相應而住。爾時菩薩平等平等所縁能縁。無分別智已得生起。 Cũng cần nói thêm, Nhiếp Luận dành nguyên chương VIII (tương đương Phần Thứ 9 – Tăng Thượng Tuệ Học trong các bản dịch Hán) để nói về trí vô phân biệt. Điều này khiến cho nó được xem là bản trình bày đầy đủ nhất về trí vô phân biệt trong truyền thống Duy Thức.
[6] Hộ Pháp, Thành Duy Thức, 49c29-50a01: [此智]... 雖無相分而可說此帶如相起不離如故。 “[Trí vô phân biệt] tuy không có tướng phần nhưng có thể nói rằng nó khởi cùng với tướng chân như, bởi [nó] không lìa chân như.”
[7] Tự tính là một trong sáu phạm trù luận giải của các nhà Duy Thức. Các luận sư Duy Thức Phái đã xây dựng một quy chuẩn chú giải mang bản sắc rất riêng, đó là sáu phạm trù phân tích về Phật quả. Các luận như Đại Thừa Trang Nghiêm, Nhiếp Luận, Tập Luận liệt kê sáu phạm trù này như sau: (1) tự tính (svabhāva), (2) nhân (hetu), (3) quả (phala), (4) nghiệp (karma), (5) tương ưng (yoga), (6) chuyển (vṛtti). Ngoài sáu phạm trù này, Bảo Tính Luận còn thêm bốn phạm trù nữa để giải thích Như Lai Tạng. Đây là sự phát triển về sau của truyền thống Như Lai Tạng. Xem Vô Trước, Đại Thừa Trang Nghiêm, 661c03-20; Nhiếp Luận Bổn, 150b11tt; Tập Luận, 694c03tt; Takasaki, A Study on the Ratnagotravibhāga, 400tt.
[8] sarva-dharma-dvayāvāra-tathatā-śuddhi-lakṣaṇaḥ | vastu-jñāna-tad-ālamba-vaśitākṣaya-lakṣaṇaḥ || 一切法真如/ 二障清淨相/ 法智彼所緣/ 自在無盡相。 Cũng cần lưu ý, đối với vế sau của bài tụng này, có nhiều giải thích khác nhau. Ngoài cách hiểu trên, có thể kể thêm hai cách hiểu khác. Thứ nhất, An Huệ, trong luận thích về bản luận này (Sūtrālaṃkāravṛttibhāsya), giải thích đó là trí hậu đắc và trí vô phân biệt. Thứ hai, Thân Quang trong Phật Địa Kinh Luận dẫn hai quan điểm cho rằng “pháp trí” (vastu-jñāna) tương ứng với đại viên kính trí hoặc bình đẳng tính trí. Tham khảo Asaṅga, Mahāyāna Sūtrālaṃkāra, IX.56, 46; Phật Địa Kinh, 723b03-4; Vô Trước, Đại Thừa Trang Nghiêm, 606a08-9; Thân Quang, Phật Địa Luận, 324a13-b27; Asaṅga and Mipham, A Feast of the Nectar of the Supreme Vehicle, 317; Tu Cuong, "Sthiramati's Interpretation of Buddhology and Soteriology," 237-8; D’Amato, Garfield, and Tillemans, Pointing at the Moon: Buddhism, Logic, Analytic Philosophy, 43, 53.
[9] Thân Quang, Phật Địa Luận, 317b29-c01: 無分別智亦定爾耶。所縁眞如不離智體不可定爾。 “Trí vô phân biệt có giới hạn không? Đối tượng sở duyên của nó, tức chân như, là cái không lìa thể tánh của trí, do đó nó không giới hạn.”
[10] Hộ Pháp, Thành Duy Thức, 51a12-4: 由數修習無分別智斷本識中二障麁重故能轉滅依如生死及能轉證依如涅槃。 “Do thường tu tập trí vô phân biệt, trừ được hai thứ thô trọng ở nơi bản thức nên chuyển diệt sinh tử vốn có gốc rễ nơi chân như và chuyển chứng niết-bàn y cứ trên chân như.”
[11] Duy Thức Phái thiết lập lộ trình tu đạo gồm năm giai đoạn gọi là Duy Thức Tu Đạo Ngũ Vị. Năm giai vị gồm có: tư lương, gia hành, thông đạt, tu tập, và cứu cánh.
[12] Xem Vô Trước, Nhiếp Luận Bổn, 142c14-143a16; Hộ Pháp, Thành Duy Thức, 49c04-50a04. Cũng tham khảo Kramer, “Some Remarks on Sthiramati and His Putative Authorship,” 59; “Conceptuality and Non-Conceptuality in Yogācāra Sources,” 332.
[13] Tổng pháp ở đây chỉ cho chân như. Bồ-tát Vô Tính giải thích: 由緣總法者。緣一切法總相所顯真如為境謂大乘教中所說一切法。皆真如為性故。 “Nhận biết tổng pháp nghĩa là, [trí vô phân biệt] lấy chân như do tổng tướng của hết thảy các pháp hiển bày làm cảnh sở duyên. Bởi trong giáo pháp Đại Thừa, hết thảy các pháp đều có bản tính là chân như.” Xem Vô Tính, Nhiếp Luận Thích, 416c01-3; Brunnhölzl, A Compendium of the Mahāyāna, vol. II, 704.
[14] Vô Trước, Nhiếp Luận Bổn, 43a24-b02: 復次爲何義故入唯識性。由縁總法出世止觀智故。由此後得種種相識智故。爲斷及相阿頼耶識諸相種子。爲長能觸法身種子。爲轉所依。爲欲證得一切佛法。爲欲證得一切智智入唯識性。又後得智於一切阿頼耶識所生一切了別相中。見如幻等性無倒轉。是故菩薩譬如幻師。於所幻事於諸相中。及説因果常無顛倒。
[15] Thế Thân, Nhiếp Luận Thích, 352b27-c02: 若無分別智斷一切障證得佛法。此後得智復何所用。無分別智不能宣說諸因果法。無分別故。由是因緣須後得智。宣說所有諸因果法常無顛倒。譬如幻師於所幻事。 Cũng xem thêm bản dịch từ nguồn Tây Tạng Brunnhölzl, A Compendium of the Mahāyāna, vol. I, 334.
[16] Trí vô phân biệt được gọi là trí xuất thế gian (lokottara-jñāna); trí hậu đắc được gọi là trí thế gian có được sau trí xuất thế (lokottara-pṛṣṭha-labdha-laukika-jñāna). Tuy nhiên, Nhiếp Quyết Trạch Phần của Du-già nói rằng “trí thế tục (trí hậu đắc) này là cái có được sau [khi chứng đắc] trí xuất thế gian; do đó nên nói rằng trí này vừa thế gian vừa xuất thế gian, không nên nói rằng chỉ là thế gian.” (Di Lặc, Du-già Luận, Nhiếp Quyết Trạch Phần, 683a06-8: 此世俗智是出世間智後所得。應言此智亦是世間亦出世間。不應一向名為世間).
[17] Thân Quang, Phật Địa Luận, 302c25-6: 緣真義邊名無分別智,緣俗義邊名後得智。 “nhận biết đối tượng thuộc phạm vi chân đế được gọi là trí vô phân biệt, nhận biết đối tượng thuộc phạm vi tục đế được gọi là trí hậu đắc.”
[18] Vô Trước, Nhiếp Luận Bổn, 148a13-8: 如人正閉目/ 是無分別智/ 即彼復開目/ 後得智亦爾/ 應知如虚空/ 是無分別智/ 於中現色像/ 後得智亦爾/ 如末尼天樂/ 無思成自事/ 種種佛事成/ 常離思亦爾。
[19] Vô Tính, Nhiếp Luận Thích, 381c12-3: 彼果智者彼諸學果名為彼果。彼果即智名彼果智。此性即是三種佛身。 Tương tự, Chân Đế dịch bản chú giải của Thế Thân cũng nói rõ: 如此三種佛身是無分別智果 “ba thân của Phật là quả của trí vô phân biệt.” (Thế Thân, Nhiếp Luận Thích (Chân Đế), 155c13-4).
[20] Vô Tính, Nhiếp Luận Thích, 381c13-27: 一自性身。即是無垢無罣礙智。是法身義。.... 二受用身。即後得智。即由此智殊勝力故。... 三變化身。即是後得智之差別。 “thứ nhất, thân tự tính, chính là trí vô cấu vô ngại (tức trí vô phân biệt), có nghĩa là pháp thân. ... Thứ hai, thân thọ dụng tức là trí hậu đắc. .... Thứ ba, thân biến hóa là một hình thức khác của trí hậu đắc.
[21] Vô Trước, Nhiếp Luận Bổn, 149a20-26: 此中自性身者。謂諸如來法身。一切法自在轉所依止故。受用身者。謂依法身種種諸佛衆會所顯清淨佛土。大乘法樂爲所受故。變化身者。亦依法身從覩史多天宮現沒。受生受欲踰城出家。往外道所修諸苦行。證大菩提轉大法輪。入大涅槃故。
[22] Asaṅga, Mahāyāna Sūtrālaṃkāra, IX.60, 47; Vô Trước, Đại Thừa Trang Nghiêm, 606b07-8: svābhāviko ’tha sāṃbhogyaḥ kāyo nairmāṇiko ’paraḥ | kāyabhedā hi buddhānāṃ prathamas tu dvayāśrayaḥ || 性身及食身/ 化身合三身/ 應知第一身/ 餘二之依止。
[23] Giải thích công đức của việc thị hiện hai thân thọ dụng và biến hóa trong các thế giới, Bồ-tát Vô Tính nói: “tùy theo chỗ cần giáo hóa ở khắp các thế giới mà hiển bày hai thân lợi lạc tha nhân.” (Vô Tính, Nhiếp Luận Thích, 410a28-b02: 於一切世界示現受用變化身功德者。此即開示其身流布一切世界。謂隨所化遍諸世界。示現兩身利樂彼故).
[24] Vô Trước, Nhiếp Luận Bổn, 150c09-10: 佛一切處行/ 亦不行一處/ 於一切身現/ 非六根所行。
[25] Xem Vô Tính, Nhiếp Luận Thích, 444c01-11.
[26] Năng Đoạn Kim Cang, 985a23-6: 諸以色觀我/ 以音聲尋我/ 彼生履邪斷/ 不能當見我/ 應觀佛法性/ 即導師法身/ 法性非所識/ 故彼不能了。
[27] Đại Thừa Trang Nghiêm và Phật Địa Kinh Luận nói rằng trí đại viên kính là bất động, vì nó và pháp giới thanh tịnh (đối tượng sở duyên) là luôn luôn không rời nhau (恒常隨逐相續無斷hằng thường tùy trục tương tục vô đoạn); ba trí còn lại (bình đẳng tính trí, diệu quan sát trí, và thành sở tác trí) là động do có tác ý phân biệt. Ngoài ra, trí đại viên kính cũng là chỗ y chỉ của ba trí kia. Điều này cho phép chúng ta kết nối trí đại viên kính với trí vô phân biệt và ba trí còn lại với trí hậu đắc. Hơn nữa, mối liên hệ này cũng đã được An Huệ xác nhận khi sớ giải luận Đại Thừa Trang Nghiêm. Xem Vô Trước, Đại Thừa Trang Nghiêm, 606c23tt; Thân Quang, Phật Địa Luận, 310a18tt; Makransky, Buddhahood Embodied, 100tt.
- Từ khóa :
- Hai Trí
- ,
- Tương quan
- ,
- Ba Thân Của Phật
- ,
- Ba thân