Chương 3: Bái Hương

23/05/20235:48 SA(Xem: 1358)
Chương 3: Bái Hương

HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Nhà xuất bản Phương Đông


Chương 3
BÁI HƯƠNG

Năm 43 tuổi, tôi ở chùa Phổ Đà mấy tháng, khi tĩnh tọa cũng thấy chút thắng cảnh. Tôi nghĩ thầm: “Mình cắt ái từ thân, cạo tóc xuất gia đã hơn 20 năm rồi mà đạo nghiệp vẫn chưa thành, cứ lông bông phiêu dạt, thật là hổ thẹn”… Nghĩ muốn báo đền ân đức cù lao nên tôi quyết định sẽ bái hương từ Đông Nam Hải đến Bấc Ngũ Đài.

Ngày mồng 1 tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1882) tôi phát thệ triều lễ Ngũ Đài Sơn. Bắt đầu lễ từ Am Pháp Hoa núi Phổ Đà. Hễ đi ba bước thì lạy một lạy, cứ thế đi mãi, bao giờ đến Ngũ Đài Sơn thì xem như thệ nguyện viên mãn.

Mới đầu có bốn Thiền giả là Biến Chơn, Thu Ngưng, Sơn Hà, Giác Thừa cùng đi theo phụ hương. Nhưng sau khi vượt biển thì mỗi ngày đi đường chẳng được bao nhiêu, phải dừng lại ở Hồ Châu.

Khi đến Tô Châu, Thường Châu, thì các vị đồng hành này dần dần rút lui hết, rốtt cuộc chỉ còn mình tôi miệt mài triều lễ.

Đến Nam Kinh, tôi lễ tháp Sư tổ Pháp Dung (dòng Thiền Ngưu Đầu), rồi qua sông đến chùa Sư Tử ở Phố Khẩu thì hết năm.

QUANG TỰ THỨ 9 – QUÍ MÙI (1883)

Tôi 44 tuổi. Khởi hành nơi núi Sư Tử, từ Bắc Giang Tô đi đến tỉnh Hà Nam, qua Phụng Dương, Hòa Châu, Thiệu Lăng, Tung Sơn (chùa Thiếu Lâm) tới chùa Bạch Mã, Lạc Dương. Sáng đi tối nghỉ, dù trời quang hay mưa gió tôi vẫn cứ đi, tam bộ nhất bái, chuyên tâm hành lễ dốc lòng niệm Thánh hiệu Bồ Tát, không màng no đói, khổ vui.

Tháng chạp, tôi đến bến Thiết Hàm sông Hoàng Hà, qua Lăng Quang Vũ. Ngày mồng một nghỉ đêm tại lữ điếm, mồng hai qua sông, đến bờ thì trời đã tối nên chẳng dám đi. Lúc này bốn bề vắng lặng không một bóng người.

Thấy ven đường có một chòi tranh trống, tôi vào đó ngồi kiết-già. Ban đêm khí trời càng lạnh, rét buốt xương, tuyết rơi mù mịt. Sáng ra vừa mở mắt nhìn, thấy thế giới như hóa lưu ly, tuyết phủ dày cả thước, chẳng còn lối đi, không một bóng người lai vãng, cũng chẳng biết phương hướng đâu mà bước. Mới đầu, tôi còn ngồi niệm Phật, ráng chịu đói lạnh, chòi tranh lại không có vách, rét đến nỗi tôi phải nằm co. Đã vậy tuyết mỗi lúc càng đổ mạnh, phả hơi lạnh khủng khiếp, bụng tôi đói như cào, hơi thở mỗi lúc một yếu dần chỉ còn thoi thóp, nhưng chánh niệm không mất.

Một ngày, hai ngày rồi ba ngày… tuyết cứ rơi, tôi vì nhịn đói suốt mấy ngày thêm bị cơn rét cóng nên chìm dần vào hôn mê.

Đến xế trưa ngày mồng sáu, tuyết ngừng rơi, đã thấy ánh mặt trời hiện ra le lói, nhưng tôi đã bệnh nặng, không sao ngóc dậy nổi.

Thầy từ đâu đến?

Sáng mồng bảy, có ông ăn mày đi tới, thấy tôi nằm vùi trong tuyết bèn tiến lại gần hỏi thăm, nhưng tôi không mở miệng được. Biết tôi bị nhiễm lạnh, ông ta bèn gạt tuyết, rút cỏ trên mái tranh để nhen lửa sưởi ấm cho tôi. Sau đó ông lấy tuyết nấu cháo cho tôi ăn. Được hơ ấm, tôi tỉnh dần. Ông ăn mày hỏi:

-Thầy từ đâu đến?

-Nam Hải.

-Định đi đâu?

-Triều lễ Ngũ Đài.

Tôi hỏi tên, họ thì ông ta đáp:

-Tôi họ Văn tên Cát.

-Ông  đâu tới, định đi đâu?

-Từ Ngũ Đài đến, tính đi Trường An.

-Ngũ Đài hả? Vậy có thường viếng chùa không?

-Ở đó ai cũng biết tôi hết.

-Từ đây đến Ngũ Đài, phải đi qua những nơi nào?

-Qua Mạnh huyện, Hoài Khánh, Hoàng Sa Lĩnh, Tân Châu, Thái Cốc, Thái Nguyên, Đại Châu, Nga Khẩu… thì tới núi. Nhưng thầy hãy ghé ngọn Bí Ma trước,  đây có vị Tăng miền Nam tên Thanh Nhất tu hành rất tốt.

Tôi hỏi:

-Từ đây đến núi ấy còn bao xa?

-Hơn hai nghìn dặm (Tương đương 1000km)

Ở Nam Hải có thứ này không?

Lúc Văn Cát nhóm lửa nấu cháo gạo rang, ông lấy tuyết nấu thay nước và trỏ vào nồi, hỏi tôi:

-Ở Nam Hải có thứ này không?

-Không!

-Vậy dùng gì?

-Dùng nước!

Khi tuyết trong nồi tan hêt, ông chỉ vào đấy hỏi:

-Là gì đây?

Tôi không đáp được. Ông ta chất vấn tiếp:

-Thầy lễ bái danh sơn ý muồn cầu cái gì?

-Tôi sinh ra chẳng được thấy mẫu thân nên phát tâm triều lễ mong báo đáp thâm ân…

-Thầy mang hành lý nặng, đường lại thăm thẳm xa, thêm nỗi tiết trời giá buốt, đi kiểu này, biết ngày nào mới tới? Hãy thôi đi! Tôi khuyên Thầy chẳng nên lễ nữa…

-Thệ nguyện này tôi hằng ôm ấp, đã muốn thực hiện từ lâu thì kể chi năm tháng xa gần?

-Nguyện của Thầy thiệt khó!… Bây giờ tiết trời tuy tốt nhưng tuyết vẫn chưa tan, chẳng dễ tìm ra lối đi. Thầy hãy theo dấu chân của tôi đã đến đây mà bước nhé. Cách đây mười cây số có ngọn Tiểu Kim Sơn, đi thêm mười cây nữa thì đến Mạnh huyện là gặp chùa, có thế trú ngụ được…

Nói xong, Văn Cát cáo biệt.

Do tuyết phủ dày khó hành lễ nên tôi vừa đi vừa vái theo dấu chân.

Xin thỉnh Thượng tọa vào chùa!

Đến Tiểu Kim Sơn, tôi vào chùa quải đơn (trình điệp đàn xin nghỉ qua đêm). Hôm sau tôi lẻ tiếp đến Mạnh huyện. Từ Mạnh huyện đến Hoài Khánh (Tầm Dương), gần chùa Hồng Phước, thì gặp vị Tăng già tên Đức Lâm, chứng kiến cảnh tôi bái lạy trên đường, ông tiến đến đỡ lấy đồ đạc, ngỏ lời mời:

-Xin thỉnh Thượng tọa vào chùa!

Rồi gọi đồ chúng đem hành lý tôi vào cất, ân cần chiêu đãi. Cơm nước xong, ông hỏi:

-Thượng tọa bắt đầu triều lễ từ đâu vậy?

Tôi kể sơ cho ông nghe, vì muốn báo thâm ân nên đã bắt đầu lễ từ Phổ Đà, đi mất hai năm mới tới đây. Nghe kể tôi xuất giaCổ Sơn, ông bất giác rơi lệ nói:

-Nhóm chúng tôi có ba người, một ở Hành Dương, một ở Phúc Châu, đồng kết bạn triều sơn, ở chung ngót ba mươi năm, sau đó chia tay rồi bặt tin luôn. Giờ nghe Thượng tọa nói tiếng đất Tương, lại là đồ đệ Cổ Sơn, tôi có cảm giác như gặp lại bạn cũ của mình nên động niệm. Tôi nay tuổi đã tám lăm, chùa cũng sung túc, sang năm chắc còn thâu hoạch khá hơn, vậy xin Thượng tọa hãy ở lại đây.

Ông mời tha thiết quá, tôi đành  lại đến hết năm.

QUANG TỰ THỨ 10 – GIÁP THÂN (1884)

Tôi 45 tuổi. Mồng 2 Tết tháng giêng, tôi khởi lễ từ chùa Hồng Phước đến phủ Hoài Khánh rồi quay về chùa ngủ nhờ.

Mồng 3, tôi cáo từĐức Lâm, ông khóc to, bịn rịn mãi, tôi phải hẹn ngày sau gặp lại.

Tôi đến chùa Tiểu Nam Hải ở trong thành phủ Hoài Khánh, nhưng chùa này không cho nghĩ qua đêm, tôi phải ra ngoài thành, ngủ ven đường. Đêm ấy bụng đau dữ dội.

Sáng mồng 4 tôi dậy sớm tiếp tục hành lễ, đến chiều thì phát bệnh lạnh run.

Mùng 5, tôi tuy bị kiết lỵ nhưng vẫn gắng gượng lễ mỗi ngày.

Ngày 13, tôi đến núi Hoàng Sa, gặp một miếu cũ không nóc nằm trên đỉnh. Tới đây thì tôi không thể đi được nữa, đành nghỉ lại. Dù tôi không ăn uống gì mà vẫn đi kiết hoài, mỗi ngày đi cả chục lần, sức lực cạn kiệt, tôi nằm bẹp, hết nhúc nhích.

Miếu ở tít trên đỉnh, không người vãng lai, tôi chỉ còn nằm chờ chết, nhưng lòng không chút hối hận.

Đại Sư phụ sao tới giờ vẫn còn ở đây?

Đến nửa khuya rằm tháng giêng, bỗng thấy có người đốt lửa phía tây vách, tôi ngỡ là bọn phỉ, nhìn kỹ hồi lâu thì ra đó là Văn Cát. Mừng quá, tôi gọi:

-Văn Tiên sinh ơi!

Ông ta cầm lửa đến soi, hỏi:

-Đại sư phụ sao tới giờ vẫn còn ở đây?

Tôi kể cho ông nghe mọi việc. Văn Cát ngồi xuống an ủi và đưa nước cho tôi uống.

Đêm này được gặp Văn Cát, thân tâm tôi đều thanh tịnh.

Ngày 16, Văn Cát đem mớ quần áo nhớp nhúa của tôi đi giặt và cho tôi uống một bát thuốc.

Ngày 17, bệnh thuyên giảm dần, tôi ăn hai chén cháo gạo rang, mồ hôi toát ra, trong ngoài đều khinh an.

Ngày 18, tôi hết bệnh, tạ ơn Văn Cát:

-Hai lần nguy hiếm đến tính mạng đều được Tiên sinh cứu, tôi thật mang ân quá.

Văn nói:

-Chuyện nhỏ mà!

Tôi hỏi:

-Tiên sinh từ đâu đến vậy?

-Từ Trường An.

-Giờ tính đi đâu?

-Về Ngũ Đài.

-Thiệt uổng quá! Tôi bị bệnh, thêm vừa đi vừa lễ nên chẳng được đi cùng với Tiên sinh.

Văn Cát nói:

-Tôi xem Thầy từ tháng chạp năm ngoái đến giờ, rị mọ làm lễ ngoài đường, đi đâu được bao nhiêu, kiểu này bao giờ tới đích? Hơn nữa Thầy lại không khỏe, thật khó hành trì… Thôi! Đừng có lễ nữa!

-Cảm tạ ý tốt của tiên sinh! Tôi vừa chào đời đã không được gặp mẹ, Thân mẫu vì sinh ra tôi mà mất. Cha tôi có mình tôi là con một, nhưng tôi lại trốn đi tu khiến ông buồn, từ quan rồi mệnh chung. Mấy mươi năm nay lòng tôi âm thầm đau xót, áy náy không yên, chỉ biết phát nguyện triều sơn, cầu Bồ-tát Văn Thù gia hộ cha mẹ tôi thoát khỏi biển khổ, sớm sinh về cõi Tịnh. Vì vậy cho dù có gặp trăm tai nạn, nếu không đến được Thánh cảnh Ngũ Đài thì tôi thà chết… chứ quyết không bỏ cuộc!…

Văn Cát nói:

-Hiếu tâm của Thầy kiên cố quá! Giờ tôi về núi cũng không có gì gấp, xin tình nguyện gánh hành lý giùm Thầy, nấu nướng phục vụ, làm bạn đồng hành hỗ trợ để Thầy rảnh tay lễ bái, không bị phân tâm.

-Được vậy thì may quá! Công đức của Tiên sinh quả là vô lượng! Nếu mà tôi lạy được đến nơi, thì công đức này tôi nguyên chia hai: một nửa hồi hướng cho cha mẹ tôi sớm được giác ngộ, còn một nửa xin tặng cho Tiên sinh đế báo đền ân đức….

-Tôi chẳng dám nhận đâu, thầy vì báo hiếu còn tôi thì thuận đường, có gì mà phải mang ân…

Văn Cát chăm sóc tôi thêm bốn ngày nữa thì bệnh khỏi hẳn.

Ngày 19 tháng giêng, tôi khởi sự bái hương. Từ đây hành lý, vật thực… tất cả đều do một tay Văn Cát lo liệu. Tôi nhờ vậy vọng tưởng dừng lặng. Trong, ngoài không vướng bận, lòng an lạc rỗng rang, bệnh hoạn tiêu trừ, thể lực ngày một cường tráng. Từ sớm đến tối tôi có thế vừa đi vừa lạy đến 45 dặm (tương đương 22,5 km), mà không thấy khổ thấy mệt gì.

Y là gì của ông?

Cuối tháng ba, chúng tôi đến chùa Ly Tướng, huyện Thái Cốc. Chào nhau xong, vị Tri khách nhìn trừng trừng vào Văn Cát, hỏi tôi:

-Y là gì của ông?

Tôi thuật lại mọi chuyện, Tri khách cao giọng quở:

-Thầy ra ngoài hành cước mà không thức thời! Mấy năm nay miền Bắc mất mùa đói khổ liên miên thì triều lễ cái quái gì? Thầy có phải là quan lớn đâu mà đến chỗ nào cũng dẫn người hầu kè kè theo? Nếu đã muốn hưởng thụ, thì ở nhà quách đi!?… Còn vác mặt ra đường làm chi? Thầy thấy có chùa nào cho kẻ tục quải đơn không hử?..

Bị quở trách dữ, tôi không dám hó hé, vội xin lỗi, cáo từ thì Tri khách nói:

-Lẽ nào như vậy? Đó là tự Thầy muốn đi, chứ ai đuổi đâu?…

Tôi nghe vậy liền ướm lời:

-Văn tiên sinh tôi sẽ cho ra quán trọ ngủ, phần tôi xin tá túc ở đây một đêm có được không?

-Được!

Văn Cát nói:

-Từ đây đến Ngũ Đài không còn xa nữa, tôi xin phép đi trước, Thầy từ từ đi sau nhé. Hành lý của Thầy không lâu sẽ có người mang lên núi giùm….

Tôi cố lưu Văn Cát lại nhưng không được, bèn lấy tiền biếu tặng, nhưng ông không nhận, từ biệt rồi đi.

Văn Cát vừa khuất dạng thì thầy Tri khách đổi ngay sắc mặt, ra chiều rất hoan hỉ. Ông đích thân xuống bếp làm thức ăn, sốt sắng pha trà, chế mì… bưng lên đãi tôi. Cử chỉ thật quái dị! Tôi dòm quanh chùa, thấy không có ai, thắc mắc hỏi:

-Chúng  đây được bao nhiêu người?

Ông ta đáp:

-Tôi  ngoại giang đã lâu, về đây trụ trì, mấy năm nay liên tiếp mất mùa, chùa chỉ còn mình tôi ở, lương thực có thế này thôi. Hành động nãy giờ là đùa chơi, xin Thầy đừng trách nhé!

Tôi nghe ông ta nói mà lỡ khóc lỡ cười, lòng thật xốn xang, ăn qua quýt nửa chén mì rồi cáọ từ, gấp rút đi tìm Văn Cát. Thầy Tri khách năn nỉ tôi ở lại, nhưng tôi đâu còn lòng dạ nào mà nhận lời? Tôi đi khắp các quán trọ hỏi thăm, nhưng tìm không ra tung tích Văn Cát. Hôm ấy là rằm tháng tư, trăng sáng vằng vặc. Tôi nóng lòng muốn đuổi theo Văn Cát nên đi luôn trong đêm, ruột gan nóng như lửa. Vừa đi vừa lễ, cứ nhắm hướng Thái Nguyên mà bước. Hôm sau, đầu tôi bốc hỏa, mũi chảy máu cam ròng ròng.

Ngày 20, tôi đến chùa Bạch Vân ở Hoàng Thổ Câu (chùa này của Phù Thượng tọa). Tri khách thấy tôi miệng đầy máu tươi nên không cho ở. Sáng ngày 21, tôi đến thành Thái Nguyên ghé chùa Cực Lạc, lại bị xua đuổi và không cho tạm trú. Sáng ngày 22 tôi rời khỏi thành, triều lễ đến ngoài cửa Bắc thì gặp một vị Tăng trẻ tên Văn Hiền. Thầy đến gần chào hỏi, đón lấy hành lý, mời tôi ghé vào chùa rồi dọn cơm nước mời, tỏ lòng yêu kính hết mực như đối với người thân.

Tôi hỏi:

-Trông Thầy là người ngoại tỉnh, chỉ hơn hai mươi, vì sao trụ trì ở đây?

Văn Hiền kể:

-Thân phụ con làm quan đã nhiều năm, sau nhậm chức tại phủ Bình Dương, bị gian thần ám hại, Thân mẫu giận quá mà chết, con gạt lệ xuất gia, các quan và thân sĩ ở địa phương này vốn có quen biết với Tiên phụ, nên mời con về đây. Con hiện đang muốn bỏ đi, giờ chứng kiến đạo phong của Ngài, lòng mến mộ lắm, xin Ngài hãy ở lại đây cho con được thân cận.

Tôi giải thích là mình phải thực hiện cho xong đại nguyện triều lễ Ngũ Đài, Văn Hiền rất cảm phục, song vẫn năn nỉ giữ tôi ở lại mười ngày rồi mới cho đi, còn tặng y phục, vật thực và lộ phí, nhưng tôi không nhận, Văn Hiền đành phụ vác hành lý tiễn tôi đến hơn năm cây số rồi mới chịu chia tay, mắt dâng đầy lệ. Hôm ấy là mồng 1 tháng 5.

Vì sao Đại sư lại lễ bái giữa đường?

Tôi nhắm hướng Hàng Châu tiến bước. Một sáng nọ, đang lễ bái trên đường, thì từ đằng sau bỗng có chiếc xe ngựa tiên đến, chạy chầm chậm chứ không vượt qua, tôi thấy vậy bèn tránh qua một bên. Vị quan trên xe bước xuống hỏi:

-Vì sao Đại sư lại lễ bái giữa đường?

Tôi thuật lại nguyên do, vị quan này là người đất Tương, chuyện trò rất tâm đắc. Ông bảo:

-Tôi hiện đang trú tại chùa Bạch Vân ở Nga Khẩu, Thầy triều sơn thế nào cũng đi ngang qua đó, để tôi mang hành lý của Thầy đến đó trước dùm.

Tôi cảm tạ. Ông vái chào rồi cho xe đi.

Từ đây tôi hằng ngày triều lễ, không còn trở ngại gì nữa.

Khoảng trung tuần tháng năm thì tôi đến chùa Bạch Vân, vị quan mang giùm hành lý (là quan Tuần tra) gặp tôi, vui vẻ mời về doanh trại, ưu ái thết đãi. Tôi nghỉ lại đây ba ngày rồi cáo từ, ông cúng dường lộ phí vật thực trọng hậu nhưng tôi không nhận, thế là ông sai binh sĩ mang hành lý đồ đạc của tôi đến chùa Hiển Thông.

Tôi khởi lễ đến núi Khuê Phong, qua các nơi như đảnh Bí Ma, hang Sư Tử, Long động… thấy cảnh non xanh nước biếc xinh đẹp lạ lùng, khó mà tả cho hết, nhưng do bận bái hương nên tôi chẳng thể thưởng ngoạn.

Cuối tháng năm, tôi đến chùa Hiển Thông, lính hầu trao hành lý cho tôi rồi từ biệt.

Đến chùa Hiển Thông, tôi đi dâng hương tại các chùa lân cận, đến đâu cũng hỏi thăm tung tích của anh chàng Văn Cát lạ kỳ nhưng không ai biết. Cuối cùng gặp một lão Tăng, ông chăm chú nghe tôi thuật lại mọi chuyện rồi cung kính chắp tay nói:

-Đó chính là hóa thân của Bồ-tát Văn Thù.

Tôi chỉ còn biết đảnh lễ cảm tạ.

Ngày 22 tôi khởi hương, lạy hai ngày thì đến Đông Đài, đêm ấy trăng sao sáng rực, tôi lên Thạch thất dâng hương, ở đó sớm tối lễ tụng, tọa thiền bảy ngày rồi mới đi xuống lễ hang động Na La Diêm, tới đây thì lương thực vừa hết.

Mồng 1 tháng 6, tôi quay về chùa Hiển Thông.

Mồng 2, tôi khởi sự triều lễ lên đỉnh Hoa Nghiêm, ở lại đó một đêm. Mồng 3 lễ Bắc Đài rồi nghỉ qua đêm tại Trung Đài. Mồng 4 lễ Tây Đài, ở qua đêm. Mồng 5 trở về chùa Hiển Thông.

Mồng 7, lễ Nam Đài,  đây đả thất. Đến ngày 15 trở về chùa Hiển Thông, tham gia Hội Đại Phật tháng sáu.

Ba năm bái hương cầu siêu cho song thân đã xong. Trong ba năm này, trừ những lúc tật bệnh, phong vũ tuyết sương cũng không thể ngăn tôi triều lễ, trên đường tôi luôn nhất tâm chánh niệm. Hành trình lễ bái tuy có gặp nhiều gian nan, nhưng lòng nhẹ nhàng, hoan hỷ. Nhờ cảnh mới biết được tâm. Càng vấp phải đắng cay, càng tỉnh giác, an ổn. Nhờ vậy mới hiểu được lời người xưa: “Tiêu được một phần tập khí liền được một phần quang minh, nhẫn được mười phần phiền não liền có chút ít Bồ-đề”.1

Suốt lộ trình hành lễ tôi đi qua không biết bao nhiêu danh lam thắng cảnh, từ Phổ Đà đến Giang Triết, Trung Châu, Hoàng Hà, Thái Hành… khó mà kể cho hết. Các tập du ký xưa nay dù có tường thuật tỉ mỉ các cảm tưởng, nhưng xem ra không thể nào bằng kinh nghiệm của chính mình trải qua. Tôi được tận mắt chứng kiến thắng cảnh Thanh LươngNgũ Đài, ngắm cảnh phóng hào quang ban đêm của Đức Văn Thù, trèo lên núi cao nghìn trượng rét căm căm có tuyết phủ ngàn năm… qua cầu đá cheo leo miệng vực, chiêm ngưỡng lầu các tuyệt mỹ… là những cảnh không nơi nào sánh được. Tôi do bận bái hương nên không kịp thưởng ngoạn, đến khi ước nguyện đã hoàn thành, tôi mới từ từ cất bước ngao du…

Bình:

Khi gặp Văn Cát lần hai, được Văn Cát săn sóc chăm lo cho Sư (từ 15/1 đến 18/4) tính ra hơn ba tháng, đến cuối tháng 5 thì Sư đến Ngũ Đài. Trong suốt ba năm triều lễ, Văn Cát đã xuất hiện cứu nguy Sư kịp thời. Hòa thượng Hư Vân đi đến đâu thường là được người quý mến, muốn nương tựa. Nhưng đối với Văn Cát (người đã xuất hiện với thân phận một gã ăn mày) Sư lại ở vào thế tùy nương phụ thuộc rất mạnh. Lúc gặp Văn Cát, Sư có được cảm giác an ổn, thân tâm thanh tịnh. Đây là điểm lạ thứ nhất.

Điểm lạ thứ hai là – trời lạnh cóng, tuyết rơi mịt mù che hết lối đi, trên đường không bóng người qua lại, thế mà ông ăn mày vẫn đi tự nhiên tự tại, không hề lạc, chính ông để lại dấu chân dẫn đường cho ngài Hư Vân đi khỏi lạc. Nếu không phải là Bồ-tát tại sao ông luôn xuất hiện cứu nguy rất kịp thời? Câu đầu tiên trong lần gặp đầu, Văn Cát đã giới thiệu về mình:- “ở Ngũ Đài, ai cũng biết tôi”. Lần thứ hai, gặp ngài Hư Vân bị bênh kiết lỵ tức nhiên có lúc đi tướt không cầm được, và quần áo nhớp nhúa ấy do một tay Vãn Cát giặt. Sau đó Văn Cát đảm trách phục dịch hết, từ nấu ăn, gánh hành lý… ngài Hư Vân chỉ việc lễ lạy thôi. Nhờ gã ăn mày làm thị giả nên suốt ba tháng ròng lộ trình Sư đi bình an, vậy mà khi tới chùa Ly Tướng, “ai” đã xui khiên để vị Tru trì có thái độ quái lạ chỉ muôn đuổi Văn Cát đi, đuổi xong thì rất hớn hở – Phải biết trong thời gian này, ngài Hư Vân nương vào Văn Cát rất mạnh, Văn Cát là ăn mày, về Ngũ Đài không có chuyện gì bận gấp, thì lấy cớ gì để rời xa ngài Hư Vân đây? – vì khi hành trình đã êm, chướng nạn đã hết, thì Văn Cát không cần phải giúp nữa, đã đến lúc Văn Cát phải rút lui, thì thái độ đuổi xua (tưởng như quái dị) của vị Trụ trì Ly Tướng hóa ra lại “tháo gỡ” cho Văn Cát rất hợp thời. Thêm nữa, Văn Cát đã bảo ngài Hư Vân: “Từ đây đến Ngũ Đài không còn xa nữa, tôi xin phép đi trước, Thầy từ từ đi sau nhé. Hành lý của Thầy không bao lâu sẽ có người mang lên núi giùm”…

– Tại sao Văn Cát biết là sẽ có người mang giùm? – Nguyện lớn của ngài Hư Vân nếu được Văn Cát giúp đỡ tới đích thì sẽ không còn hay nữa… Dù rút lui nhưng Văn Cát vẫn trấn an, nói trước những gì sắp xảy ra cho Hư Vân yên tâm. Một gã ăn mày tầm thường sẽ không làm được như Văn Cát, bởi vì từ lúc bắt đầu bái hương, có bốn vị đi theo Hư Vân phù trợ, nhưng chẳng bao lâu họ thối lui hết, còn Văn Cát theo Hư Vân, phải giặt giũ nấu nướng, gánh hành lý, công việc không nhàn nhã song Văn Cát thực hiện rất chu đáo.

Chỉ có ngài Hư Vân là chưa ý thức được Bồ- tát giúp mình, sự tùy nương vào Văn Cát mạnh mẽ quá, khiến Ngài nóng ruột nóng gan nôn nao tìm kiếm Văn Cát đến đầu bốc hỏa, mũi chảy máu..

Thói thường “người nhỏ thích nương người lớn”, vì vậyđa số các tu sĩ khi gặp Hư Vân đều muốn theo, đều bày tỏ tâm nguyện muốn nương tựa thân cận Ngài, còn ngài Hư Vân thì sung sướng nương tựa, thân cận ông ăn mày Văn Cát, bởi ông đem đến cho Ngài niềm bình an, cảm giác thanh tịnh cả thân lẫn tâm. Cảm giác này ta chỉ có được khi đứng trước các bậc minh sư Thánh triết, những bậc Thầy vĩ đại. Ta thấy rõ Bồ-tát gặp ta không hề xưng Bồ-tát hay Thánh gì… các Ngài thường hóa hiệnthân phận thấp kém nhất, nhưng thân phận địa vị chỉ là áo khoác, danh xưng. Quan trọng là cung cách ứng xử. Dù khoác chiếc vỏ ngoài thấp kém đến đâu, cung cách các vị Bồ-tát luôn vị tha, từ ái… có đầy đủ tính cách của một bậc Thượng nhân. Chính hấp lực của cung cách Thượng nhân này, đã đặt ngài Hư Vân (vốn là bậc Thánh tái thế) cũng phải ở vào vị trí tùy nương! Bởi vậy, giá trị của người ta không nằm ở địa vị chức danh mà ở phẩm cách. Trước ngài Hư Vân, gã ăn mày Văn Cát thấp kém lại thành điểm tựa vững vàng, mạnh mẽ hỗ trự chở che, ban cho niềm an ủi không cùng – Bồ tát là vậy đó! – Trong thực tế, một ăn mày vốn yếu đuối, sống nhờ vào sự giúp đỡ của người sẽ không làm được như Văn Cát. Văn Cát hiện thânăn mày, song sự xuất hiện của ông là cứu người, giúp đỡ, ủi an… Thế nên trong dòng đời, khi gặp những người thấp kém ta chớ có coi thường, Phật luôn nhắc nhở khi giao tiếp nên cung kính Phật tính có sẵn ở mỗi người, mới tránh được lầm lỗi. (LND)

 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/10/2010(Xem: 48497)
11/08/2013(Xem: 44007)
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?