- 1. Lời Thưa
- 2. Phật ở Trên Chùa, Phật ở Trong Lòng
- 3. Muốn Được Yên Vui Sanh Tồn Cần Phải Học Phật
- 4. Đức Phật Đản Sanh
- 5. Bất Diệt Trong Sinh Diệt
- 6. Giản Dị Trong Nếp Sống
- 7. Cầu Thấy Phật
- 8. Hạnh Cứu Khổ Của Bồ-tát Quán Thế Âm
- 9. Tâm Từ Bi
- 10. Mở Trường Giáo Dục Tăng Ni Trẻ
- 11. Tại Sao Phải Mở Trường Phật Học
- 12. Con Rồng Trong Kinh Điển Phật Giáo
- 13. Nói Với Huynh Trưởng
- 14. Không Nên Tự Mãn Khen Mình Chê Người
- 15. Bố Đại Hòa Thượng
- 16. Tụng Kinh Là Đem Lại An Lạc Và Hạnh Phúc Lâu Dài
- 17. Hiếu Hạnh
- 18. Tìm Hiểu Sơ Lược Về Phật Giáo Ấn, Trung, Việt
- 19. Mong Có Hòa Bình Và Hạnh Phúc
- 20. Thế Nào Là Chơn Hạnh Phúc
- 21. Ý Nghĩa Pháp Khí Trong Đạo Phật Pháp
- 22. Phật Pháp Đại ý
- 23. Quy Y Tam Bảo
- 24. Nghi Thức Sám Hối
- 25. Sám Nguyện
- 26. Kinh Lòng Bát Nhã Ba-la-mật
5. Bất diệt trong sinh diệt
Trong Kinh Lăng Nghiêm, vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
- Bạch đức Thế tôn: Ngày trước, khi chưa gặp Ngài, Trẫm thường nghe các ngoại đạo nói thân này chết rồi mất hẳn. Và như thế gọi là Niết-bàn. Đến nay tuy gặp Phật, đối với vấn đề ấy Trẫm vẫn chưa thể giải quyết cách nào cho khỏi trái với Tâm tánh bất sinh diệt?
Phật dạy:
- Đại vương: Cái thân thể của Đại vương đó có thường còn không tiêu diệt không?
- Bạch đức Thế Tôn! Phải tiêu diệt.
- Đại vương chưa chết sao biết sẽ tiêu diệt?
- Vì thân Trẫm tuy chưa chết như Trẫm xét thấy nó thay đổi mãi mãi như lửa đốt củi thành than, than tiêu ra tro, cho đến tan mất.
- Chính vậy, Đại vương! Nhưng Đại vương già yếu như thế dáng mạo hiện giờ có giống lúc còn nhỏ không?
- Bạch đức Thế Tôn: Giống thế nào được! Khi còn nhỏ Trẫm tươi trẻ mà nay già cả thì tóc bạc mặt nhăn...
- Nhưng đột nhiên thay đổi như thế chăng?
- Bạch đức Thế Tôn: Nó ngấm ngầm thay đổi, Trẫm không hề biết. Khi 20 khác lúc 10 tuổi, khi 30 lại suy hơn 20; đến bây giờ 62 tuổi, ngó lại lúc 50 thì lúc ấy cường tráng nhiều. Nhưng đó là kể trong từng chục năm, chứ thật suy xét kỹ càng thì nó thay đổi trong từng phút từng giây và rồi đây sẽ điêu tàn...
- Đại vương: Đại vương xét thân thể Đại vương biến hóa không ngừng và sẽ tiêu diệt như thế, nhưng Đại vương có biết trong cái thân sinh diệt ấy có cái gì bất sinh diệt không?
- Bạch đức Thế Tôn! Thật Trẫm không biết.
- Đại vương! Đại vương bắt đầu thấy nước sông Hằng lúc mấy tuổi?
- Bạch đức Thế Tôn! Khi 3 tuổi, mẫu thân Trẫm dắt đi bái yết đền thờ trời Kỳ-bà, bấy giờ đi ngang qua sông Hằng Trẫm đã trông thấy nước sông ấy.
- Đại vương vừa nói thân thể Đại vương thay đổi rõ ràng nhất là trong hàng chục năm. Vậy khi 2 tuổi Đại vương thấy nước sông Hằng với 13 tuổi thấy nước sông ấy, hai cái thấy đó có khác gì nhau không?
- Bạch không! Cho đến nay 62 tuổi rồi mà sự thấy vẫn cũng như thế.
- Đại vương! Đại vương lấy làm lo lắng khi thấy thân thể Đại vương tóc bạc da nhăn, khi già khác lúc trẻ. Nhưng cái thấy nước sông Hằng đó có trẻ già thay đổi như thân thể ông không?
- Bạch không! Cái thấy ấy lúc nhỏ cho đến bây giờ đây không sai biệt gì cả.
Phật dạy:
- Đại vương! Mặt Đại vương tuy nhăn mà tánh thấy (kiến tính) chưa khi nào nhăn. Hễ cái gì nhăn thì quyết phải biến đổi, còn cái gì không nhăn thì cái ấy quyết định bất biến. Cái gì biến đổi thì phải tiêu diệt, còn cái gì không biến đổi thì vốn bất sinh diệt. Cái đã trong sinh diệt thì đâu có bị sinh tử lưu chuyển. Sao Đại vương không tự giác bản tánh bất sinh diệt ấy mà dẫn câu chết rồi mất hẳn của bọn đoạn kiến ngoại đạo để tự nghi hoặc.
Vua Ba-tư-nặc nghe Phật khai thị như thế, liền giác ngộ bỏ thân thì thọ thân, chứ không khi nào mất hẳn.
*
Như một người ngồi trên chiếc đò, đò đi mà thấy và cho rằng bờ chạy. Cũng như thế, người ta chỉ nhìn mình hoàn toàn với con mắt sinh diệt. Người ta đã tự phủ nhận giá trị của mình vậy.
Đạo Phật, trái lại, lại phát huy cho ta thấy trong cái thân thể sinh diệt vô thường có cái bản tánh vô thượng bất sinh diệt. Đạo Phật đã phát huy bản tánh ấy bằng cách căn cứ ngay với giác quan thô cạn chứ không xa xôi đâu khác. Và khi nói đến bản tánh bất sinh diệt ấy, thì đạo Phật đã dùng vô số danh từ rất cao đẹp.
Thật ra, chúng ta bất lực, tư tưởng hành động bị "vô minh" chi phối, là vì chúng ta không tự ngộ bản tánh ấy. Nếu giác ngộ tánh bất diệt trong sinh diệt thì toàn thể sinh diệt là bất diệt vậy.
Và cuộc đời chúng ta sẽ hiện thân của Từ bi, sẽ rạng ngời ánh Trí tuệ, nếu chúng ta luôn luôn sống với bản tánh bất diệt trong cuộc đời sinh diệt.
(1959)