THẦY LÀ NGỌN HẢI ĐĂNG
Thích Thông Huệ
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2006
(Tưởng niệm nhân ngày Đại Tường
cố H.T Luật sư thượng Đỗng hạ Minh)
Gẫm lại cuộc đời cố Hòa thượng Luật sư, từ việc học tập, làm kinh tế đến việc đào tạo, dịch thuật…, lĩnh vực nào Thầy cũng đạt nhiều thành tựu lớn. 11 tuổi đỗ bằng Yếu lược, 19 tuổi được đặc cách thọ giới Cụ-túc, học các ngành thế gian đều chiếm vị trí cao trong các kỳ thi. Được Hòa thượng Bổn sư và chư tôn đức thương mến tin cậy giao nhiều trọng trách, Thầy đều thực hiện một cách xuất sắc. Bước vào ngành kinh tế, một phạm trù quá lạ lẫm đối với người xuất gia, Thầy như người lính tiên phong bước vào một trận địa vừa khó khăn bí hiểm vừa thiên biến vạn hóa. Bằng tài trí siêu xuất, Thầy đã biến thương trường thành sở trường, làm cũng như không làm mà mọi việc đều hanh thông, đều thành công rực rỡ.
Tinh thần kinh tế tự túc, vừa theo truyền thống chư Tổ ngày xưa, vừa có tính khoa học hiện đại, đã hỗ trợ rất lớn cho công cuộc đào tạo Tăng tài và phát triển Giáo hội. Với tấm lòng vì đàn hậu bối, Thầy dốc hết tâm lực vào công tác xây dựng lực lượng kế thừa. Học trò Thầy không ít người thành danh, và đến lượt họ, đã làm Tam Bảo hưng long, góp phần xây dựng ngôi nhà Phật pháp. Bên cạnh đó, Thầy còn cố công phát hiện và đãi ngộ nhân tài. Khi Ban phiên dịch Pháp tạng thành lập, Thầy thiết tha kêu gọi những vị có khả năng và tâm huyết đóng góp trí lực, tài lực vào sự nghiệp chung. Thế là, trong một thời gian ngắn, Thầy đã quy tụ quanh mình một đội ngũ cộng tác viên đông đảo. Thầy vừa điều hành công việc, vừa bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên trong Ban và tự thân chứng nghĩa các bản dịch. Chỉ trong ba năm, Ban Phiên dịch đã cho ra đời nhiều dịch phẩm giá trị.
Tuy thế, nếu chỉ có tài năng, người khác có thể kính phục nhưng khó gần. Riêng Thầy, ngoài tài năng còn có đức độ của một vị sứ giả Như Lai, luôn khơi dậy những người đồng sự đồng tu một niềm quý kính sâu xa khôn kể. Suốt đời Thầy, từ thuở đồng chơn nhập đạo đều lấy bốn chữ THIỂU DỤC TRI TÚC làm phương châm, không câu nệ hình thức, không chấp trước ngã nhân bỉ thử. Một vị tôn túc giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội mà chỉ ở trong căn phòng với vài tiện nghi đơn giản; từng nắm trong tay bao nhiêu tiền bạc mà tài sản không bao giờ giữ riêng cho mình. Một người trong sáng thanh cao trước cám dỗ của tiền tài danh vọng như thế, thật chẳng phải là thường tình trong thiên hạ!
Giác ngộ muôn pháp đều huyễn, nhận chân tính hư ảo của các pháp hữu vi, Thầy sống và làm việc bằng tâm không dính mắc. Đời Thầy gặp nhiều việc thuận chiều, nhưng cũng không ít điều trở ngại, nhưng Thầy đều vượt qua một cách bình ổn an nhiên. Ngay cả với những nguy khốn từ bên ngoài và bên trong thân tâm, Thầy vẫn chưa một lần thối tâm Bồ-đề, lại càng tỏ rõ cái Dũng của một Bậc Đại nhân, biết tiến thoái đúng thời cơ, tùy duyên làm Phật sự. Khi hoạt động kinh tế thì uyển chuyển vượt thắng những nghiệt ngã của thương trường, lúc cơ sở giải thể thì chuyên tâm giảng dạy Tăng Ni. Khi giữ trách nhiệm phát triển Giáo hội thì ngày đêm lo việc đào tạo Tăng tài, lúc về già lại phụ trách nghiên cứu và dịch thuật kinh luật. Khi khỏe mạnh thì toàn tâm toàn ý làm mọi công tác được giao, lúc bệnh hoạn già yếu vẫn nghiêm trì giới luật, làm chủ thân tâm trong mọi thời khắc.
Dù ở cương vị nào, Thầy cũng luôn thể hiện tinh thần “vô ngôn nhi ngôn, vô hành nhi hành”. Sử dụng nhiều phương tiện tùy cơ, Thầy đã gieo hạt giống Giác ngộ cho biết bao người. Nụ cười mỉm thường trực của Thầy thân thương mà bí ẩn, từ ái khoan dung mà như soi thấu tâm người, nên vẻ mặt Thầy có lúc vui tươi khôi hài mà khiến người kính trọng, không biểu lộ uy đức mà từ trường lan tỏa chung quanh. Những lần Thầy đánh điệu không phải vì giận dữ mà chỉ vì từ bi muốn các con nên người, nên hành động tưởng như trừng phạt ấy vẫn là “cúng dường chư Phật”. Nhìn Thầy trong bộ y Nam tông và đôi dép cũ thật bình dị dễ gần mà cũng thật đáng tôn kính, hàng môn đệ của Thầy hiểu rằng, mình có phước duyên quá lớn được kết tình quyến thuộc với một bậc Tòng lâm thạch trụ như thế.
Một điểm sáng ở Thầy khiến mọi người đều cảm kích: Thầy là người vô cùng trọng tình trọng nghĩa. Đối với Thầy Tổ, Thầy hết lòng quí kính vâng theo những lời chỉ dạy, được phân công việc gì cũng cố gắng chu toàn. Giữ nhiều trọng trách tại Tỉnh Giáo hội Khánh Hòa, bộn bề trăm mối mà Thầy vẫn không nguôi nhớ về tông môn và chiếc nôi Tổ đình Thiền Lâm Ninh Thuận. Mang bệnh nặng đến sức lực tàn kiệt, Thầy vẫn gắng sức về lại Già-Lam thăm vị Giáo thọ sư của mình lần cuối. Chúng ta, nếu có lúc nào đó, vì ngổn ngang nhiều mối trong sự nghiệp tu học mà quên nghĩa thầy trò, hay một chút hiểu lầm mà khởi niệm oán trách vô ơn, nhìn lại tấm gương hiếu nghĩa của Thầy, có thấy hổ thẹn nhiều không?
Những môn đệ hầu cận Thầy có lẽ chưa hề nghe Thầy tự đề cao mình mà chê bai đồng sự. Nếu cần trao đổi, Thầy thường gặp mặt và bằng những lời lẽ chân thật, Thầy trình bày trên tinh thần kiến hòa đồng giải. Có lúc bất đồng ý kiến trong những Phật sự khó khăn, Thầy cũng hết sức tránh sự tranh luận gây mất đoàn kết nội bộ. Năm mươi năm sống trong mái ấm Long Sơn, cùng làm việc với các bậc tôn đức cao Tăng của Giáo hội Khánh Hòa, mối đạo tình của các vị vẫn luôn cao cả đẹp đẽ khiến mọi người ngưỡng mộ.
Tình thương của Thầy dành cho học trò lại càng thắm thiết. Lúc nghiêm lúc hòa, khi dịu hiền như từ mẫu khi cứng rắn như nghiêm phụ, lúc vỗ về an ủi lúc đánh đòn răn đe... Tất cả đều là những phương tiện quyền xảo của một người Thầy hết lòng vì đàn hậu tấn. Thầy thương tất cả môn đệ bằng tình thương vô bờ bến, không phân biệt, không đòi hỏi sự đền đáp. Bất cứ môn học nào được phân công dạy dỗ, Thầy đều tận lực dạy đến nơi đến chốn với sự sáng tạo và tính sư phạm rất cao. Khi học trò đạt được một kết quả dù nhỏ trong việc tu học hay làm Phật sự, Thầy đều hoan hỉ sách tấn, chỉ bảo thêm kinh nghiệm trong trường đời và trường Đạo. Những ngày cuối đời, Thầy cũng không quên những môn đệ ở xa chưa kịp về thăm. Thầy như chim mẹ cần cù tha từng cọng rơm làm tổ, kiếm từng miếng mồi về mớm cho lũ chim con. Đàn chim con đủ lông cánh bay khắp bốn phương, có đứa chưa một lần trở về chốn cũ; nhưng tình mẹ không bao giờ vơi cạn, vừa miệt mài tiếp tục chăm chút cho từng đứa con thơ, vừa đau đáu ngóng vời từng cánh chim xa tổ. Cho nên, như một thói quen - hay như một truyền thống gia đình - gặp chuyện vui buồn vinh nhục trong cuộc sống trong đời tu, các con đều về bên Thầy chia sẻ. Và Thầy luôn sẵn sàng có mặt, luôn dang rộng vòng tay. Chỉ một nụ cười mỉm, một vài câu nói giản đơn, Thầy gánh đỡ hết cho các con mọi gánh nặng ưu phiền!
Tình nghĩa của Thầy đối với Phật tử cũng như suối nguồn, chảy mãi không bao giờ cạn. Ai có duyên tiếp cận, làm việc với Thầy đều được Thầy từ bi chỉ dạy bằng thân và khẩu giáo. Một vài đạo hữu ngày xưa lui tới Tổ đình Thiền Lâm, khi Thầy còn là “chú Thủ”, đến giờ Thầy vẫn còn nhắc nhở, còn quan tâm đến hoàn cảnh của gia đình họ. Thầy không quên công lao đóng góp của những Phật tử đã từng cộng tác, giúp đỡ lúc Thầy gặp khó khăn. Đối với những tu sĩ vì nhiều lý do phải hoàn tục, Thầy dành cho họ sự thông cảm và thương mến ân cần.
“Tài tùng chích ảnh nhậm triêu sương.”
Bằng nét vẽ tài hoa, một vị tôn túc họa chân dung Thầy trong vai diễn trăm năm trồng người. Mặc cho sương sớm buốt lạnh, bóng hình Thầy đơn lẻ trồng trọt tưới tẩm cho từng nhánh tùng con. Hành giả độc hành bộc lộ trên vạn dặm thiên sơn, khi nhận ra diệu lý Phật thừa cũng vẫn phải một mình một bóng trên lộ trình hành Như-Lai sự. Bởi vì tu vô tu, hành vô hành, làm mà không dính mắc buộc ràng cùng tứ tướng, há chẳng phải là người “không cùng muôn pháp làm bạn” đó sao?
Được trang bị vốn giáo lý uyên áo từ những bậc danh Tăng, được thân cận cùng quý Hòa thượng đạo cao đức trọng, Thầy đã trưởng thành trong đại dương Chánh pháp. Kết hợp ý chí kiên cường và sự tinh tấn liên tục, Thầy giữ chánh niệm tỉnh giác trong mọi oai nghi, mọi thời khắc, tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm. Định lực mạnh mẽ giúp Thầy bình ổn vượt thoát các chướng duyên. Có những lúc trở ngại dồn dập đến từ bên ngoài và bệnh tật bên trong, người thường khó chịu đựng nổi, nhưng với Thầy chỉ là hoa đốm giữa hư không. Cho đến những ngày cuối đời, Thầy vẫn làm chủ thân tâm, sắp đặt chu đáo mọi việc. Dường như căn bệnh trầm kha và cái chết được báo trước không làm xao động tâm Thầy, nên giữa tiếng niệm Phật trầm hùng của hàng tứ chúng, Thầy an nhiên xả bỏ báo thân trong tư thế tuyệt đẹp của Đức Thế Tôn khi nhập Niết-bàn!
Dép cỏ lối về còn hiển hiện
Hoa đàm tuy rụng vẫn còn hương.
“Hương hoa đàm” bay ngược chiều gió tỏa khắp mười phương. Hoa tuy rụng nhưng vẫn lưu hương nồng nàn cho vạn đời sau thưởng thức. Thầy đi xa nhưng dấu chân Thầy còn hiển hiện, hình ảnh Thầy vẫn rạng rỡ trong lòng người. Chiếc thuyền của đàn con Thầy đang còn chơi vơi ngoài biển cả, sóng dập gió dồi giữa đêm trường tăm tối. Nhưng nhờ phước duyên nhiều đời, đàn con được nương ngọn hải đăng Thầy sáng rực, biết hướng tìm vào bến bờ an vui. Ngọn hải đăng luôn thắp sáng dù muôn pháp biến đổi vô thường, làm bừng lên ngọn lửa trong tâm mỗi người hữu duyên, trực nhận ánh bình minh hằng hữu của chính mình.
Hai năm trôi qua như chỉ trong chớp mắt. Thầy vẫn tạm nghỉ ngơi sau vai diễn tám mươi năm, hay đang tiếp tục đứng trên sân khấu cuộc đời? Hài nhi mang thân vô tướng đang tạm trú nơi nào trong ngôi nhà thế gian? Duyên Thầy trò tạm gián đoạn, đến lúc nào nối lại để bốn mắt nhìn nhau nửa lạ nửa quen? Trần thế tuy nhiều khổ lụy, nhưng vẫn là mảnh đất tốt để cây Bồ-đề sớm đơm hoa kết trái. Đời người cũng không quá dài, nên sau một màn diễn ngắn, hành giả nghệ sĩ có thể nghỉ ngơi một đêm lấy sức; ngày mai lại lên sân khấu, cống hiến cho đời một màn đặc sắc khác, bằng khuôn mặt mới, bằng sức khỏe tinh khôi.
Vậy thì, Thầy ơi, sẽ có một ngày nào đó không xa với bây giờ, lần gặp mặt đầu tiên giữa Thầy trò cũng là lần tái ngộ, khoảnh khắc mà thiên thu, một phút giây mà vĩnh viễn. Chúng con tin tưởng Thầy sẽ sớm hồi nhập Ta-bà, vì cõi trần chính là phước điền vô tận của các Bậc Bồ-tát, chúng sanh là nguồn năng lượng vĩ đại đưa các Ngài tiến nhanh lên quả vị Vô thượng giác.
Xin hãy cùng nhau thắp sáng niềm tin, cho hy vọng hóa thành thực tại hiện tiền!...