- - Mục Lục
- - Lời Nói Đầu
- - Sơ Lược Tiểu Sử Ht. Thích Trí Thủ
- - Phật Thuyết Vô Thường Kinh (Âm & Nghĩa)
- - Kinh A Di Đà
- - Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo
- - Kinh Pháp Hoa - Phẩm Thường Bất Khinh
- - Kinh Bất Tăng Bất Giảm
- - Kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng
- - Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa
- - Đức Quán Thế Âm Bồ Tát
- - Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm Bồ Tát
- - Thiên Cảm Ứng Cứu Nạn
- - Phật Dạy Ấn Tống Kinh - Tượng Được Mười Công Đức
- - Kinh Bát Đại Nhân Giác
- - Bát Nhã Tâm Kinh
- - Nghi Thức Cúng Giao Thừa Và Vía Di Lặc
- - Nghi Thức Chúc Tán
- - Nghi Thức Lễ Phật Đản
- - Nghi Thức Lễ Thành Đạo
- - Ý Nghĩa Thần Chú Đại Bi
- - Nghi Thức Cầu An Và Lễ Thành Hôn
- - Nghi Thức Hộ Niệm Khi Lâm Chung
- - Nghi Thức Cúng Cô Hồn
- - Nghi Chẩn Tế
- - Các Ngày Vía Phật
- - Những Điều Căn Bản Cho Các Phật Tử Mới Quy y Tam Bảo
- - Nghi Thức Quy Giới
- - Bát Quan Trai Giới
- - Pháp Trưởng Tịnh
- - Nghi Thức Truyền Giới Và Bồ Tát
- - Giới Luật - Viên Âm Số 89
- - Giới Luật - Viên Âm Số 91
- - Tam Quy - Viên Âm Số 84
- - Luật Tỳ Kheo
- - Luật Tỳ Kheo Yết Ma Yếu Chỉ
- - Pháp Môn Tịnh Độ
- - Mười Điều Tâm Niệm
- - Phát Bồ-đề Tâm Luận
- - Sự Tích Đức Phật Thích-ca Mâu-ni
- - Giáo Lý Về Nghiệp - Cơ Sở Đạo Đức Học Và Luật Học
- - Năm Lượng Phương Tiện Lý Giải
- - Ba Tháng An Cư
- - Thử Vạch Một Quy Chế Tăng Sĩ Và Một Chương Trình Đào Tạo Tăng Sinh
- - Lời Giới Thiệu (Trong Cuốn Liễu Sanh Thoát Tử)
- - Lời Giới Thiệu Kinh Kim Quang Minh
- - Lời Giới Thiệu Tập San Công Đức Nhẫn Nhục Của Ni Chúng Diệu Đức
- - Lời Chúc Tết
- - Việt Nam Phật Giáo Bách Khoa Từ Điển
- - Văn Đắc Pháp
- - Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Tăng Già Bia Minh
- - Kệ Phú Pháp
- - Thơ Và Câu Đối
TÂM NHƯ - TRÍ THỦ TOÀN TẬP
Hoà Thượng Thích Trí Thủ
NGHI THỨC QUY GIỚI
LỜI NÓI ĐẦU
Từ khi đức Bổn sư truyền thọ pháp Tam quy Ngũ giới cho trưởng giả Đề vị, người đệ tử Ưu bà tắc đầu tiên trong hàng đệ tử tại gia của đức Phật; lấy đó làm điển hình, về sau giáo pháp truyền đến đâu cũng đều dùng tiếng bản xứ (thổ âm) để truyền thọ cho hàng đệ tử tại gia. Cốt người truyền, người thọ, người nói, người nghe phải hiểu biết nhau thì giới thể mới thành tựu.
Ở Trung Hoa, Việt Nam, các vị Tổ sư y luật quy định thành nghi thức riêng cho lễ Quy Giới bằng Hán văn (Các bổn hoằng giới). Đến nay, ở nước ta Hán văn không còn người hiểu biết, mà nghi thức truyền quy giới, các vị giới sư cứ y theo vần mà đọc, giới tử chẳng hiểu nói gì; có vị làm một cách quá đơn giản, đơn giản đến nỗi chỉ đọc một cái sớ và truyền cái phái quy y bằng Hán văn y như một lễ cúng khác.
Cái việc làm mà không hiểu, đương nhiên không tránh khỏi tệ, vấp vào hai lỗi rất lớn:
Một là việc truyền thọ không đúng chánh pháp. Nghĩa là người truyền và người thọ không hiểu gì nhau. Đức Phật dạy: "Người thọ giới không hiểu giới, thì truyền và thọ gì cũng bất thành cả."
Hai là làm cho Phật pháp suy đồi. Vì làm không đúng chánh pháp nên tín đồ chẳng hiểu bổn phận của mình là phải làm gì cho mình và cho đạo.
Chúng ta cần chú ý: Nền móng không chắc thì lâu đài sụp đổ. Tam quy Ngũ giới là nền móng của tất cả hàng đệ tử Phật, bất luận tại gia hay xuất gia; nếu bước đầu sai lạc thì đừng mong đạt đến đích tốt đẹp!
Từ lâu Tổng trị sự chúng tôi thấy cần phải ấn hành một nghi thức bằng Việt văn để chư tăng có thể theo đấy mà làm lễ quy giới cho tín đồ.
Ủy viên nghi lễ là Thầy Thích Trí Thủ của Giáo hội tăng già Trung Việt đã nghiên cứu các bản tuyên giới Hán văn mà soạn cuốn Nghi thức này, ngoài việc truyền Tam quy Ngũ giới, còn có nghi truyền thọ Bát quan trai, lịch sử đức Phật và ý nghĩa của quy giới để hướng dẫn tín đồ hiểu đức Phật và biết bổn phận người tại gia. Bài "Pháp trưởng tịnh cho tại gia" là cách bố tát cho hàng tại gia nửa tháng một lần như lễ bố tát của chư tăng vậy.
Tóm lại, Tổng trị sự muốn chư tăng truyền thọ giới pháp được thống nhất, nhất là không sai chánh pháp, làm cho tín đồ hiểu biết bổn phận. Rạch ròi đời sống mê mờ (khi chưa quy y), sống theo đời sống giác ngộ (sau khi đã quy y), để có thể tiến mạnh trên đường đạo, khả dĩ xứng đáng làm người trong loài người và xứng đáng làm đệ tử Phật.
Tổng trị sự rất mong chư Tăng vì nhiệm vụ hoằng truyền đạo pháp mà thiết tha với các việc truyền thọ giới pháp được rành mạch, làm cho Phật pháp được tái chỉnh, Tăng bảo được có thành quách ngoại hộ kiên cố, thì lo gì thiên ma ngoại đạo không kính phục, chánh pháp không được trường tồn, để lợi lạc cho chúng sanh?
Ấy là lòng tha thiết cầu nguyện của Tổng trị sự.
NAM MÔ HỘ PHÁP VI ĐÀ TÔN THIÊN BỒ TÁT
Tổng Trị sự Giáo hội Tăng già Trung Việt.
BA PHÁP QUY Y
Ba pháp quy y là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Phật là vị đã hiểu biết tất cả những điều cần phải hiểu biết, đã dứt trừ tất cả những điều cần phải dứt trừ và đủ năng lực làm tất cả những điều cần phải làm. Nói tóm, Phật là một đấng đã giác ngộ, đầy đủ vô lượng phước đức và trí huệ nên gọi là Lưỡng túc tôn.
Pháp là giáo lý phân tích rõ ràng sự khổ não, vạch rõ nguyên nhân của khổ não và đề ra phương pháp diệt trừ nguyên nhân ấy. Nói tóm, Pháp là phương pháp để diệt khổ, nên gọi là Ly dục tôn.
Tăng là đoàn thể thoát ly tất cả những gì của mình, trên thì cầu được sự giác ngộ vô thượng và dưới thì phục vụ tất cả sanh linh. Nói tóm, Tăng là đoàn thể hành trì chánh pháp, gọi là Chúng trung tôn.
Quy y nghĩa là quay đời sống trái chân lý của mình lại mà sống theo Phật - Pháp - Tăng như trên. Khi đã quy y Phật rồi thì không được theo trời vất quỷ thần; quy y Pháp rồi thì không được theo lý thuyết sai lạc; quy y Tăng rồi thì không được theo phe phái độc ác.
Như vậy, người nào quy y Phật - Pháp - Tăng rồi và quy y một cách duy nhất thì người đó là con của Phật, gọi là Phật tử.
NĂM ĐIỀU GIỚI CẤM
Năm điều giới cấm là không được sát sinh, không được trộm cướp, không được tà dâm, không được nói dối trá và không được rượu chè.
Không được sát sinh là không được tàn sát một cách vô lý; không được trộm cướp là không được gian giảo bóc lột; không được tà dâm, là không phóng đãng; không được nói dối trá là không được lừa đảo; không được rượu chè là không được say sưa.
Bản tánh của con người vốn thanh tịnh. Bản tánh của xã hội vốn bình đẳng. Nguyên nhân làm cho con người tội lỗi và làm cho xã hội bất bình đẳng là vì sát sanh, trộm cướp, tà dâm, dối trá và rượu chè. Nên năm giới cấm của Phật chính là điều kiện để cải tạo một con người tốt và một xã hội hoàn mỹ. Vì lẽ đó, người Phật tử đã quy y rồi thì gắng sức mà thọ trì năm cấm giới này. Nếu hoàn cảnh không thể thọ trì được cả năm giới thì lựa lấy mà thọ trì từ hai cho đến bốn trong năm giới đó.
NGHI THỨC QUY Y
A. TÁN LỄ TAM BẢO
1. Niệm hương bạch Phật
2. Tán hương cúng dường
3. Tụng chú Đại bi
4. Tán dương Tam bảo.
B. GIỚI TỬ ĐẢNH LỄ
Nhất tâm đảnh lễ Thập phương thường trụ Tam bảo.
Nhất tâm đảnh lễ Ta bà giáo chủ Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.
Nhất tâm đảnh lễ Thập phương thanh tịnh đại hải chúng Bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Linh sơn hội thượng vô lượng Thánh hiền.
Nhất tâm đảnh lễ Hộ giáo chư vị Thiện thần, Tây thiên Đông độ lịch đại Tổ sư.
(Mỗi hiệu ba lạy, lạy xong quỳ xuống chấp tay).
C. THỌ PHÁP TAM QUY
1. GIỚI SƯ KHAI THỊ
Phật tử, các ngươi hãy lắng nghe: Đời là bể khổ mênh mông không bờ bến. Nếu không có đấng Chí tôn (Phật) đủ vô lượng công đức và trí huệ thì chúng ta chẳng biết nương vào đâu để cầu thoát khổ. Vậy các ngươi muốn thoát bể khổ, phải quy kính Tam bảo; muốn thoát khỏi luân hồi nên giữ gìn giới pháp.
Phật Pháp Tăng là thuyền từ qua bể khổ, là ánh sáng của đêm trường, là đường đi đến nhân thiên, là bước đầu tiên của đạo quả. Cho nên, kinh dạy: "Nếu chúng sanh nào muốn trừ khổ não, hưởng quả yên vui, thì nên quy y Tam bảo; nếu ai đem tâm thanh tịnh quy kính trong giây phút thì đời đời thế nào cũng được niết bàn an lạc."
Quy y là gì? Là tôn thờ, vâng theo hay quay về. Tôn thờ ngôi Tam bảo, vâng theo lời chỉ giáo và quay về với tâm thanh tịnh của chúng ta. Thầy khuyên các người trước phải nhận lãnh Tam quy, sau nên thọ trì ngũ giới.
Tam quy là quy y với Phật, Pháp và Tăng. Phật là đấng đã giác ngộ hoàn toàn. Chúng sanh mê lầm trong bể sanh tử, không biết tự giác; đức Phật giác ngộ tất cả đều vô thường, chứng được đạo niết bàn nên gọi là Giác giả. Đức Phật trong hiện tại là đức Thích ca Mâu ni đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, là đạo sư cả ba cõi, cha lành của muôn loài, trí huệ vô lượng, phước đức cao cả!
Pháp là đạo pháp chơn chính. Nghĩa là những phương pháp Phật đã dạy, nếu ai tin tưởng tu hành sẽ được trừ hết phiền não, chứng quả yên vui thanh tịnh như Phật.
Tăng là chúng hòa hợp thanh tịnh, xuất gia đệ tử Phật, hiến đời mình cho đạo, tuân theo kinh luật mà tu trì, làm ruộng phước cho nhân thiên, làm gương lành cho muôn loài.
Tam bảo có đủ công đức như thế. Cho nên, Phật Pháp Tăng là ba ngôi quý báu nhất của thế gian và xuất thế gian. Nếu người nào phát tâm quy y thì không đọa vào ba đường dữ, luôn gặp Phật, mau chứng quả bồ đề. Nay các người đã có duyên lành biết quy y Tam bảo, nên vận hết thành tâm và phải nghĩ là khó gặp, chăm chú để nghe lời chỉ giáo. Bây giờ các người hãy nói theo đây:
2. PHÁT NGUYỆN QUY Y
(Phật dạy: Người quy y nếu tự mình không đọc Tam quy và không xưng tên họ thì quy y bất thành. Trong khi đọc, thầy đọc trước giới tử đọc sau, không được đọc một lần).
Đệ tử chúng con (xưng tên) nguyện suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng (đọc ba lần, xá ba xá).
Đệ tử chúng con nguyện đã quy y Phật, đã quy y Pháp, đã quy y Tăng (đọc ba lần, xá ba xá).
3. GIỚI SƯ KHUYÊN BẢO
Phật tử, các ngươi đã quy y Phật rồi, từ nay phải tôn Phật làm thầy, thà bỏ thân mạng, quyết không quy y với trời, thần, quỷ, vật vì những kẻ ấy là phàm phu còn quanh quẩn trong ba cõi, không đầy đủ trí huệ như Phật là đấng đã giải thoát vòng sanh tử của thế gian.
Quy y Pháp rồi, từ nay về sau phải tôn Pháp làm thầy, thà bỏ thân mạng, quyết không quy y với ngoại đạo tà giáo vì những đạo pháp ấy không phải là những phương pháp xuất thế, có thể làm cho chúng ta thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi được.
Quy y Tăng rồi, từ nay về sau phải tôn Tăng làm thầy, thà bỏ thân mạng, quyết không quy y với bè đảng xấu ác vì những người ấy không thể so với hàng đệ tử Phật đã tu chứng Tam thừa, Tứ quả.
Giờ đây các người đã chân thành quy y, sẽ được Tam bảo luôn luôn cứu hộ, hiện tại chắc chắn yên vui, tương lai sẽ được sinh về Cực lạc. Tam bảo đã có công năng như thế, các ngươi nên đêm ngày tưởng nhớ thì quyết chứng được quả bồ đề vô thượng. Vậy các ngươi hãy đọc theo thầy những lời thề nguyện:
Đệ tử đã quy y Phật, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y trời, thần, quỷ, vật.
Đệ tử đã quy y Pháp, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y ngoại đạo tà giáo.
Đệ tử đã quy y Tăng, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y bè đảng xấu ác.
(Theo luật thì: bước đầu tiên của một người phát tâm theo Phật, trước phải thọ tam quy sau mới thọ ngũ giới. Nếu người nào vì hoàn cảnh chưa thọ giới được thì nên thọ tam quy mà thôi. Nếu chỉ thọ tam quy thì đến đây là lễ thọ tam quy đã xong, giới sư nên thêm vài lời khuyến khích và hồi hướng là rồi lễ).
D. THỌ PHÁP NGŨ GIỚI
1. GIỚI SƯ KHAI THỊ
Phật tử! Các ngươi đã lãnh thọ pháp tam quy, bây giờ thầy sẽ trao cho năm giới. Năm giới này là căn bản để làm người, là nền tảng của giới Sa di, Tỳ kheo, Bồ tát, cho đến đạo quả vô thượng Bồ đề. Ví như muốn xây lầu bốn tầng, chúng ta phải bồi đắp nền móng; muốn trải qua đường muôn dặm, chúng ta phải khởi hành từ bước đầu tiên. Chư Phật đạt đến mục đích Đạo quả viên mãn, đều đã nương vào giới pháp này.
Giờ đây, các ngươi muốn được lợi ích thiết thực quyết nên thọ trì giới pháp.
Nhưng muốn thọ trì giới pháp, trước hết phải sám hối những tội lỗi đã chất chứa từ lâu, để cho thân tâm được trong sạch, thì sự lãnh thọ giới pháp mới được hoàn toàn. Bây giờ các ngươi hãy nói theo thầy để chí thành sám hối:
2. TỎ BÀY SÁM HỐI
Đệ tử chúng con, chí thành sám hối: nhiều kiếp đến giờ chưa gặp Tam bảo, chẳng biết thiện ác nhân quả, biết bao tội lỗi do thân, khẩu, ý gây nên; khinh dể Tam bảo, tạo mười ác nghiệp. Ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi lầm, đối trước mười phương Tam bảo tỏ bày sám hối, nguyện đều tiêu diệt.
Đệ tử gây nên các vọng nghiệp
Đều do vô thỉ tham sân si
Từ thân, khẩu, ý phát sanh ra,
Đệ tử chí thành xin sám hối.
(đọc ba lần, lạy một lạy và quỳ xuống)
3. GIỚI SƯ TRAO GIỚI
Phật tử! Các ngươi đã sám hối đúng pháp, bây giờ thầy sẽ trao cho năm giới pháp. Giới pháp này rất khó gặp, nếu Phật không ra đời thì không có. Giới pháp này đủ sức trừ sạch phiền não sanh tử và đưa chúng ta đến đạo quả bồ đề giải thoát. Bởi lẽ ấy, giờ đây các người muốn thoát sanh tử, cầu chứng niết bàn, nên gắng lãnh thọ giới pháp.
Lãnh giới pháp này, đàn ông thì gọi là Ưu bà tắc, đàn bà thì gọi là Ưu bà di, nghĩa là những người đã bỏ dữ làm lành, gần gũi phụng sự Tam bảo. Trong năm giới này các ngươi có thể tùy năng lực và hoàn cảnh của mình mà lãnh thọ một giới, gọi là nhất phần Ưu bà tắc (hay Ưu bà di); lãnh thọ hai giới gọi là thiểu phần; lãnh thọ ba giới gọi là bán phần; lãnh thọ bốn giới gọi là đa phần; và lãnh thọ cả năm giới gọi là mãn phần. Vậy, bây giờ các ngươi muốn lãnh thọ phần nào, giới nào, tùy theo hoàn cảnh và năng lực mình mà thọ lãnh. Nhưng phải nhớ: khi đã thọ lãnh giới nào thì dù gặp hoàn cảnh có thể mất tánh mạng, cũng thề quyết không hủy phạm. Vì sao thế? Vì giới pháp là thuyền bè đưa chúng ta ra khỏi bể khổ sanh tử luân hồi, thật là khó gặp mà thân mạng thì dễ mất, dầu có giữ gìn cho lắm rồi nó cũng sẽ mất; nếu không giữ giới thì thuyền bè bể rạc tất nhiên phải chìm đắm, khổ đau nhiều đời! Để cầu giới pháp các người hãy nói theo thầy.
4. PHÁT NGUYỆN THỌ GIỚI
Đệ tử chúng con đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, nguyện suốt đời thọ trì mãn phần (hay đa, bán, thiểu phần ... tùy nguyện) Ưu bà tắc (hay Ưu bà di) giới. Phật là đấng chí tôn vô thượng giác, là bậc Thế tôn của chúng con (đọc ba lần, xá ba xá.
Đệ tử chúng con đã quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi, nguyện suốt đời thọ trì mãn phần (hay đa, bán, thiểu phần ... tùy nguyện) Ưu bà tắc (hay Ưu bà di) giới. Phật là đấng chí tôn vô thượng giác, là bậc Thế tôn của chúng con (đọc ba lần, xá ba xá).
Thầy dạy: Phật tử! Thầy đã trao giới pháp cho các ngươi, giới thể đã được viên toàn. Bây giờ các ngươi muốn biết giới tướng để tu trì, thầy sẽ chỉ bảo thêm, nếu giới nào giữ được thì trả lời giữ được.
1. Trọn đời không sát sanh là giới của Ưu bà tắc (hay Ưu bà di), các ngươi giữ được không?
2. Trọn đời không trộm cắp là giới của Ưu bà tắc (hay Ưu bà di), các ngươi giữ được không?
3. Trọn đời không tà dâm là giới của Ưu bà tắc (hay Ưu bà di), các ngươi giữ được không?
4. Trọn đời không nói dối là giới của Ưu bà tắc (hay Ưu bà di), các ngươi giữ được không?
5. Trọn đời không uống rượu hay dùng các chất loạn tánh tình ... là giới của Ưu bà tắc (hay Ưu bà di), các ngươi giữ được không?
Phật tử! Các ngươi được thọ giới rồi, từ nay phải khéo giữ gìn, dù gặp nhân duyên trắc trở cũng không nên hủy phạm. Nếu ai phạm những giới trên đây, hiện tại mất hết nhân cách và nền móng tốt đẹp; tương lai phải chịu nhiều kiếp đọa đày trong cảnh giới đau khổ. Các ngươi hãy cố gắng lên!
5. GIỚI SƯ KHAI THỊ NIỆM PHẬT
Phật tử! Các ngươi nên hiểu: chúng ta sinh nhằm đời mạt pháp chánh tà lộn xộn, ma Phật khó phân. Nếu không nhờ oai thần của Phật gia hộ, thì khó bề giữ vững đạo tâm và hoàn thành những lời thề nguyện và khó bề khỏi lạc vào đường ma lối quỷ. Cho nên, các người phải chăm lòng tưởng nhớ, niệm danh hiệu Phật, nhất là Phật A Di Đà ở thế giới Cực lạc phương Tây. Các người hãy nghe lời thề rộng rãi của Ngài: "Nếu ai niệm danh hiệu của Như lai, sẽ được Như lai hộ trì tiếp dẫn, sanh về cảnh giới của Như lai. Sanh trong hoa sen, hoa nở thấy Phật, gần gũi các vị Bồ tát, dứt hết luân hồi, mau thành chánh quả.
Vậy thời, các người hãy phát nguyện, hằng ngày chuyên tâm niệm Phật. Các người nên đọc theo lời thầy:
Nguyện sanh tịnh độ cảnh Tây phương,
Chín phẩm hoa sen làm cha mẹ,
Hoa nở thấy Phật chứng vô sanh
Bất thối Bồ tát làm bè bạn.
Nam mô Tây phương thế giới Đại từ đại bi A Di Đà Phật (đọc 3 lần, lạy 3 lạy)
6. GIỚI SƯ KHUYẾN KHÍCH
Phật tử! Một lần nữa, thầy nhắc lại với các người: Trên đây, các người đã phát nguyện thọ trì Tam quy và Ngũ giới. Về Tam quy các người phải luôn luôn giữ vững lòng chánh tín đối với Tam bảo, suốt đời giữ trọn lời thề và cúng dường phụng sự; không nên tin tưởng phụng thờ trời thần quỷ vật, ngoại đạo tà giáo, bạn bè phe phái tàn ác. Về Ngũ giới pháp, các người nên nhớ lời phát nguyện mà giữ gìn cho trọn vẹn, không nên vì một lẽ gì mà xao lãng lời thề nguyện và hủy phạm giới pháp để phải chịu khổ nhiều đời!
Ngoài việc quy y và thọ giới, hằng ngày các người nên cố gắng niệm Phật để cầu Phật lực gia hộ. Cũng tùy ở hoàn cảnh và khả năng, các người có thể niệm nhiều hay ít, niệm nhỏ hay lớn, cần nhất phải chí thành và tin tưởng, hằng ngày không sai.
Các người thực hành được như thế, có thể gọi là làm tròn bổn phận Phật tử tại gia. Tuy nhiên, đó chỉ là phần tự lợi. Muốn được lợi tha, các người phải tận tâm hộ đạo. Tùy tài tùy sức góp của góp công, giúp đỡ vào mọi Phật sự, hoằng dương chánh pháp, cùng nhau duy trì nền chánh giáo của đức Bổn sư. Được thế mới thật xứng đáng một tín đồ trung thành với Tam bảo. Các ngươi nên cố gắng!
Đáp: Chúng con xin vâng lời (3 lần 3 xá).
HỒI HƯỚNG TAM BẢO
1. LỄ TẠ TAM BẢO
Nhất tâm đảnh lễ Thập phương thường trụ Tam bảo.
Nhất tâm đảnh lễ Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.
Nhất tâm đảnh lễ Truyền giới bổn sư.
Nhất tâm đảnh lễ Hộ giới chư vị đại đức.
(Mỗi hiệu 1 lạy).
2. TRÌ TỤNG HỒI HƯỚNG
Tụng bài: "Đệ tử kính lạy ..."
3. TAM TỰ QUY
Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng.
Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển.
Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại.
4. PHÁT ĐIỆP VÀ XƯỚNG PHÁP DANH
Lời dặn: Nếu muốn rút ngắn thời gian thì có thể lược qua một vài đoạn giải thích không cần lắm. Ngoài ra không thể bỏ được, vì liên quan lẫn nhau.
LỜI DẶN CẦN THIẾT TRONG KHI PHÁT PHÁI QUY Y
1. Y như pháp thì các ngươi nay đã thành tựu một người Phật tử chơn chánh. Lá phái chẳng qua là vật để đánh dấu và tiêu biểu nhắc nhở các ngươi. Hằng ngày các ngươi nên nhìn đến lá phái mà luôn luôn nhớ rằng: Năm ấy, tháng ấy, ngày ấy, các người đã đến chùa ấy, cầu thầy ấy truyền thọ cho giới pháp Tam quy và Ngũ giới, pháp danh là gì. Có như thế thì thiện căn mỗi ngày một tăng trưởng và sẽ hưởng phước báo vô cùng.
2. Tam quy y cũng là một giới, nếu không giữ trọn thì mất. Ví dụ người đã quy y rồi mà cũng thờ cúng tín ngưỡng quỷ thần tà ma ngoại đạo hay tin theo tà thuyết của thế gian và nhập vào bè đảng tàn ác, là mất giới Tam quy. Người ấy không còn gọi là đệ tử Phật: mất hết công đức trong Phật pháp.
3. Người quy y Phật rồi, phải chánh tín nhơn quả. Vì nhơn quả là một định luật của thế gian và xuất thế gian mà đức Phật đã chứng minh một cách xác thực. Có tin nhơn quả mới tinh tấn bỏ ác làm lành, hoán cải cảnh đời xấu xa trở nên tốt đẹp. Như thế mới là chơn chính đệ tử của đức Phật.
4. Thể theo đức từ bi của đức Phật, người Phật tử tại gia ngoài bổn phận giữ gìn giới điều mình đã lãnh thọ, cần phải phát nguyện mỗi tháng ít nhất ăn chay từ hai ngày cho tới mười ngày và các ngày vía kỷ niệm chư Phật để tỏ lòng thương xót đối với loài vật.
5. Từ ý nghĩ, nói phô cho đến hành động, ít nhất mỗi ngày phải có một việc lành, như dùng lời giáo hóa, tán thán công đức Tam bảo hoặc khuyến khích ít nhất mỗi năm cũng phải có một người noi theo mình mà quy y Tam bảo. Đây là một điều vô cùng phước đức, cần phải chú ý.
6. Không được vô tình hay hữu ý trong lúc nói phô hoặc hành động để cho người bàng quan chê bai Tam bảo, có phương hại đến danh dự của chánh pháp. Nếu sơ lỡ, phải lạy Phật sám hối liền, vì đó là một điều vô cùng tội lỗi. Trái lại, phải luôn luôn tìm mọi cách hộ trì chánh pháp là bổn phận tối cao của người Phật tử.
7. Phải học hiểu chánh pháp, ít nhất cũng phải biết qua tôn chỉ, mục đích của đạo Phật và đời tu hành cao quý của đức Phật. Phải thuộc làu những bài kinh thường tụng, để huân tập (tự kỷ ám thị) vô lậu nghiệp vào tâm thức.
THÀ GIỮ ĐẠO MÀ CHẾT, HƠN LÀ MẤT ĐẠO MÀ SỐNG