- Mục Lục Chi Tiết (Âm Thanh: Giọng Đọc Của Nguyên Hà)
- 01 Lời Mở Đầu
- 02 Phần Giới Thiệu
- 03 Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
- 12 Lục Độ Ba La Mật (Sáu Pháp Ba La Mật)
- 13 Tam Huệ Học Và Trí Tuệ
- 15 Kết Quả Của Sự Phá Chấp Pháp
- 16 Bát Nhã Là Điều Kiện Tối Yếu Để Thành Phật
- 20 Phần Tổng Luận Của Tâm Kinh
- 21 Chơn Đế Và Tục Đế
- 22 Thường Lạc Ngã Tịnh
- 23 A-lại-da Duyên Khởi / 24 Chân Như Duyên Khởi / 25 Lục Đại Duyên Khởi
- 26 Pháp Giới Duyên Khởi
- 28 Vài Nét Về Thiền
- 29 Y, Bát Của Phật
- 30 Thế Nào Là Ma Cảnh?
- 31 Tu Pháp Xa-ma-tha Tức Là Tu Chỉ Hoặc Gọi Là Tu Định / 32 Tu Pháp Tam-ma-bát-đề Tức Là Tu Quán Hay Là Tu Trí Tuệ. / 33 Tu Pháp Thiền Na
- 34 Lục Tổ Huệ Năng (The Sixth Patriarch Hui Neng)
- 35 Thuyết Nhị Nguyên Và Chân Lý Nhất Như
- 36 Bốn Chân Lý Tứ Diệu Đế. / 37 Sinh Diệt Tứ Diệu Đế / 38 Vô Sinh Tứ Diệu Đế / 39 Vô Lượng Tứ Diệu Đế / 40 Vô Tác Tứ Diệu Đế
- 41 Ngài Huyền Trang
- 42 Vài Nét Về Kim Cang Bát Nhã Ba-la-mật Kinh
- 43 Lời Kết
BÁT NHÃ TÂM KINH GIẢNG GIẢI
VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng
VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng
36 Bốn Chân Lý Tứ Diệu Đế.
Khi nói đến Tứ diệu đế thì chúng ta có ấn tượng ngay đây là những chân lý mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy cho nhóm ông Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển của xứ Ba-la-Nại sau khi Ngài vừa thành đạo. Trong suốt 49 năm hành đạo, chính Đức Phật đã thuyết giảng Tứ Diệu Đế cho không biết bao nhiêu đệ tử. Ngày nay Tứ Diệu Đế vẫn là cánh cửa lớn và nền tảng cho chúng sinh bước vào căn nhà giác ngộ. Chân lý nầy đã được trích dẫn rõ ràng trong phần trên của Tâm kinh. Tứ diệu đế nầy rất phổ thông trong hầu hết tất cả những kinh điển của Phật giáo vì nó chính là nền tảng căn bản để giúp chúng sinh đoạn trừ phiền não khổ đau ngỏ hầu đạt đến cứu cánh thanh tịnh của Niết Bàn. Nhưng đây chỉ là Tứ diệu đế cho hàng Thanh văn A La Hán mà thôi chớ không phải cho hàng Bồ tát. Tứ diệu đế bao gồm:
1) Khổ đế là nói về tất cả những nỗi khổ trên thế gian nầy từ tam khổ như khổ khổ, hoại khổ và hạnh khổ cho đến bát khổ như sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ và sau cùng là ngũ uẩn thạnh khổ.
2) Tập đế là nguyên nhân của những nỗi khổ. Đó là:
Kiến hoặc là bị nhiều thành kiến, tà kiến làm cho tâm mê hoặc vì tin theo các thuyết của các đạo tà, ma, thần, quỷ và các học thuyết của các chủ nghĩa sai lầm. Đó là thân kiến, biện kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến.
Tư hoặc là bị các phiền não của tham, sân, si, mạn, nghi làm cho tâm mê hoặc.
Vô minh hoặc là sự mê lầm bởi không thấy biết chánh kiến.
Trần sa hoặc là còn nhiều thứ mê hoặc nhiều như cát, như bụi không kể xiết. Muốn đạt đến địa vị Bồ tát phải đoạn trừ cho hết tất cả những mê hoặc sa trần.
Vì chúng sinh sống trong thế gian nên phải chịu ngũ trược ác thế tức là năm thứ vẩn đục độc ác làm nhân khổ cho con người.
Ngũ trược ác thế gồm có:
Ø Kiếp Trược là thời đại tụ hợp toàn những pháp vẫn đục của thế gian.
Ø Kiến Trược là thời đại có 5 tà kiến. Đó là:
a) Thân kiến là si mê lầm tưởng thấy thân ta và những vật của ta là thật Có.
b) Biện kiến là khi đã cố chấp thân ta và vật của ta là thật Có. Nếu họ theo chủ nghĩa “đoạn” tức là Vô có nghĩa là khi thân ta chết là hết hoặc theo chủ nghĩa “thường” tức là Hữu có nghĩa là thân ta chết mà vẫn còn, không mất, không thay đổi.
c) Kiến thủ là học theo những ý kiến chủ nghĩa tà ngụy, kém cỏi, hẹp hòi của các tà thuyết, tà đạo mà họ cho là mầu nhiệm hay hơn hết.
d) Giới cấm thủ là học theo những giới luật nhảm nhí của bọn tà ma để cầu sinh lên trời…
e) Tà kiến là học theo tất cả những lý luận, những chủ nghĩa, những đạo giáo sai lầm cho là đời người không có nhân, có quả chi hết, cũng không có thiện báo, ác báo chi cả.
Chúng sinh ở vào thời đại có năm tà kiến nầy sẽ làm cho họ tối tăm mù quáng và đắm chìm vẫn đục nên gọi là đời Ki��n trược.
Phiền Não Trược là năm thứ phiền não mà nó ngấm ngầm sai khiến con người vì nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Năm thứ phiền não đó là:
a) Tham lam: yêu thích, ham muốn.
b) Sân hận: giận dữ, thù hằn.
c) Si mê: ngu dốt, mê muội.
d) Mạn: kiêu ngạo, khinh người, trịch thượng.
e) Nghi ngờ: không có tín tâm chân thật.
Năm cái Tâm Sở xấu xa nầy luôn luôn ngấm ngầm gây ra phiền não, rung động, rối loạn và làm vẩn đục cái tâm tính yên tĩnh trong sạch, sáng suốt của con người nên được gọi là đời Phiền Não Trược.
Ø Chúng Sinh Trược là cái thân thể và cái thế giới của chúng ta ở đây do năm Kiến Trược và năm Phiền Não Trược cảm ứng mà hiện ra ngũ uẩn hòa hợp với nhau. Nó rất thô bỉ, tệ ác và giả tạm mà được gọi là thân thể chúng ta.
Ø Mạng Trược là phần nhân, phần quả đều kém cỏi, mạng sống quá ngắn ngủi cho dù là trường thọ cũng chẳng toàn vẹn một trăm năm cho nên gọi là đời Mạng Trược.
3) Diệt đế: chính là Niết bàn.
4) Đạo đế: có tất cả 37 phẩm trợ đạo để giúp chúng sinh đạt đến cứu cánh Niết bàn.
Vậy bốn loại Tứ diệu đế là: Sinh diệt Tứ diệu đế, Vô sinh Tứ diệu đế, Vô lượng Tứ diệu đế và Vô tác Tứ diệu đế.
37 Sinh diệt Tứ diệu đế
Đây chính là chân lý Tứ diệu đế mà Đức Phật đã thuyết giảng cho nhóm ông Kiều Trần Như. Triết lý nầy lấy chữ “Khổ” làm đối tượng và vô thường tức là thành, trụ, hoại, không là kết quả của nó. Con người cũng như vạn vật trong thế gian nầy chẳng qua là nằm trong vòng sinh diệt của vô thường mà thôi. Loài hữu tình thì bị chi phối bởi sanh, lão, bệnh, tử còn loài vô tình thì cũng không thoát khỏi định mệnh của sinh, trụ, di, diệt. Thật vậy, không có vật gì trên thế gian nầy mà tự nó có thể sanh ra và tồn tại được mà không nhờ sự trợ giúp của những nhân duyên khác. Cho nên tất cả vạn pháp trong vũ trụ nầy đều là vô ngã cả. Vì không có ngã nên tất cả vạn pháp đều bị chi phối bởi luật vô thường tức là có sinh tất sẽ có diệt.
Con người vì thấy hiện tượng sinh diệt hiển hiện trước mắt làm cho họ đâm ra lo sợ và dĩ nhiên khổ đau cũng bắt đầu nẩy sinh từ đây. Ngày xưa chúng ta mạnh khỏe tráng kiện bao nhiêu thì bây giờ già yếu, bệnh hoạn bấy nhiêu. Tiền tài, danh vọng mà con người thành đạt bằng cách làm ăn lương thiện hay bằng thủ đoạn lưu manh thì họ có đem theo được đâu? Nghèo cũng khổ mà giàu cũng chưa chắc đã sung sướng gì. Sống trong một xã hội càng văn minh tân tiến thì càng có nhiều bệnh tật hiểm nghèo, khó trị. Vì phải đối diện với bao nhiêu đau khổ của cuộc đời như thế nên tâm thức con người trở thành ô nhiễm và bất tịnh.
Như thế Sinh diệt Tứ diệu đế là dựa trên bốn căn bản là vô ngã, vô thường, đau khổ và bất tịnh. Cốt tủy của chân lý Tứ diệu đế nầy là đoạn trừ Tham-Sân-Si phiền não để tâm được thanh tịnh mà chứng được Niết bàn. Trong phần đạo đế Đức Phật đã đưa ra 37 phẩm trợ đạo để giúp chúng sinh đạt được cứu cánh Niết bàn. Niết bàn là Liễu nhân chớ không phải là Tác nhân có nghĩa là Niết Bàn chính là tự tánh thanh tịnh có sẵn trong mọi chúng ta chớ không phải do con người tạo ra. Khi tu theo đạo đế tức là dùng 37 phẩm trợ đạo để đánh tan đám mây vô minh hắc ám làm cho bản tâm thanh tịnh được bừng sáng thì Niết bàn sẽ hiển hiện tức thì. Đây chính là Tạng giáo và là giáo lý của Tiểu thừa để đạt được bốn hàng thánh quả của Thanh văn thừa là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Trong số tất cả những đại đệ tử của Đức Phật như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Phú Lâu Na, A Nan, A Na Luật…đều tu theo pháp sinh diệt Tứ diệu đế nầy để trở thành A La Hán.
38 Vô sinh Tứ diệu đế
Đây là bắt đầu của triết lý đại thừa về lý Không trong thế gian vũ trụ nầy. Tất cả vật thể mà ngũ quan nhận biết được chẳng qua đó chỉ là cái Tướng bên ngoài là sinh diệt. Nhưng thật ra bên trong tiềm ẩn cái Thể bất sinh bất diệt tức là Không. Tâm kinh dạy rằng Sắc tức là Không và Không tức là Sắc. Như thế thì Tướng và Thể là một tức là bất nhị.
Trong Vô sinh Tứ diệu đế thì không có khổ đế vì khổ đau bây giờ không thật bởi vì nếu con người quay lại tìm trong họ thì làm gì có cái khổ. Không có khổ thì không có Tham-Sân-Si mạn nghi…vì trong tự tánh chỉ có bản nhiên thanh tịnh, trong sáng mà thôi. Không có khổ đế thì làm gì có tập đế vì tập đế cũng là không thật.
Vì thật tướng của vạn pháp là vô tướng cho nên trong vô sanh tứ diệu đế thì tự tánh vốn an nhiên thanh tịnh tức là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh nên Niết bàn không còn cần thiết nữa. Không có Niết bàn thì Diệt đế cũng là không. Nếu không có Niết bàn thì đạo đế cũng chẳng dùng vào đâu được bởi vì nếu không có gì ràng buộc thì cần gì phải tháo gở. Nói một cách khác nếu không bệnh thì uống thuốc để làm gì?
Khi thấy nước thủy triều lượn sóng, làn sóng trước tan thì làn sóng sau nối tiếp vô tận. Làn sóng có tan có hợp cũng như cuộc đời sinh diệt nhưng thể nước có mất đi bao giờ? Vì thế nước muôn đời vẫn là nước, không sinh không diệt. Con người thì cũng thế. Vì nhân duyên hòa hợp nên chúng ta sanh có nghĩa là tứ đại hòa hợp với không gian và tâm thức thì có con người. Khi nhân duyên tan rã thì lục đại phân ly. Đất, nước, gió, lửa về lại với tứ đại. Không gian trở về với không gian vô tận và tâm thức tan rã chỉ còn lại những chủng tử của nghiệp được lưu lại mà thôi. Khi nhân duyên kết thì nghiệp lực dựa vào tiền duyên mà đưa đẩy những chủng tử của nghiệp theo tinh trùng của người cha vào noãn bào của người mẹ mà tạo thành con người mới. Tinh trùng của người cha chính là sự sống của hài nhi cộng với máu huyết của người mẹ và tất cả những chủng tử của nghiệp để tạo tác thành một con người. Tất cả những chủng tử của nghiệp sẽ là động lực chính để tạo thành hình dáng, tánh tình, nhân cách, sức khỏe…và định đoạt sự sung sướng cũng như khổ đau của hài nhi sau nầy.
Nên biết Phật dạy trong Tâm kinh rằng ngũ uẩn giai không có nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không. Sắc là thân xác tức là tứ đại sẽ về trở lại với tứ đại. Không có sắc thì thọ, tưởng, hành cũng tan rã. Sau cùng thức tức là tâm thức cũng bị tan rã theo. Thế thì khi con người chết tức là ngũ uẩn tan rã thì làm gì còn cái linh hồn? Người tu Phật phải thấu hiểu đạo lý nầy vì đây là chân lý tối thượng của Phật giáo. Không hiểu tường tận thì chắc chắn sẽ rơi vào mê tín dị đoan làm cuộc đời thêm điên đảo. Chỉ có tất cả những chủng tử của nghiệp là tồn tại mãi mãi và đây chính là phần thần thức duy nhất còn lại của con người. Nói một cách khác dựa theo luật nhân quả của nhà Phật thì tất cả những chủng tử của nghiệp sẽ quyết định về cuộc đời mới của chúng ta.
Thí dụ hiện nay ở Thái lan có loại sầu riêng cơm dày và rất thơm ngon. Nếu bây giờ chúng ta sang Thái lan xin một hột giống đem về quận Cam để trồng. Quý vị có nghĩ rằng trái sầu riêng trồng ở quận Cam cũng thơm ngon như ở Thái lan? Dĩ nhiên là không bằng. Tại sao? Cái hột giống sầu riêng của Thái lan mà nếu đem trồng tại Thái lan thì chắc chắn mùi vị sẽ giống nhau. Nhưng hột giống sầu riêng nầy bây giờ hấp thụ bởi biết bao nhân duyên hoàn toàn khác biệt chẳng hạn như thời tiết khác nhau, nước đất và phân bón khác nhau, cách trồng trọt cũng khác nhau…thì kết quả trái sầu riêng tại quận Cam làm sao giống như ở Thái lan được. Cái giống là sầu riêng thì cái trái cũng là sầu riêng nhưng nhân duyên hoàn toàn không giống nhau nên kết quả là trái sầu riêng trồng tại quận Cam không thơm ngon bằng trái sầu riêng trồng tại Thái lan.
Nói một cách khác là hai trái sầu riêng nhìn bề ngoài có thể giống nhau nhưng thật chất bên trong hoàn toàn khác biệt. Con người khi chết thì ngũ uẩn tan rã chỉ còn lại những chủng tử của nghiệp mà thôi. Khi hội đủ nhân duyên thì những chủng tử nầy sẽ đi tái sinh để thành con người mới. Như thế thì con người mới là kết quả của những nghiệp quả mà nó đã tạo tác trong tiền kiếp cộng với tất cả những nhân duyên mới để tạo thành nó. Những nghiệp quả cũng như cái hột sầu riêng của Thái lan. Trái sầu riêng bây giờ đâu còn là trái sầu riêng ở Thái lan mà là trái sầu riêng ở quận Cam. Tất cả những nghiệp quả trong tiền kiếp hòa hợp với biết bao nhân duyên mới để tạo thành con người mới thì dĩ nhiên con người cũ không còn nữa.
Vì thế không có chuyện cầu an hay cầu siêu trong nhà Phật. Tệ hại hơn nữa là cúng sao giải hạn. Mình gieo nhân mà người khác giải được không? Trong thế gian nầy có mấy người giỏi thần toán bằng Khổng Minh Gia Cát Lượng của nhà Hán ngày xưa, thế mà chính vị quân sư nầy vì muốn sống thêm mười năm để phục hồi nhà Hán nên cho đăng đàn cúng sao giải hạn mà có được đâu. Vì thế Khổng Minh mới có câu:”Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”. Nếu Khổng Minh am hiểu Phật pháp thì ông sẽ nói lại rằng:”Lượng sự do tâm thành sự do nghiệp”. Cả một đời người thì sống sô bồ hổn độn đến khi chết thì mời chư tăng đến cầu an, cầu siêu. Trên đời làm gì có đạo lý như vậy. Ngày xưa chính Đức Phật cũng phải khuyên bảo gia đình quyến thuộc của Ngài tu đạo để được giải thoát, nếu không thì nhân nào quả nấy mà thôi.
Nhắc lại khi vua Lưu Ly của nước Kiều Tất La đem quân xâm lược để tiêu diệt cung thành Ca Tỳ La Vệ. Đức Phật biết sự báo ứng của nhân quả và muốn cho nó tự kết thúc nên để cho vua Lưu Ly được đi. Chính Đức Phật mà còn không siêu nổi cho thân bằng quyến thuộc thì ai dám đủ sức siêu cho kẻ khác? Nếu Đức Phật có thể siêu thì chính Ngài đã siêu cho con của Ngài là tôn giả La Hầu La. Nhưng tại sao Đức Phật lại phải chứng kiến cảnh tre phải khóc măng? Khi thọ mạng hết và nhân duyên tan rã thì ngũ uẩn tan rã. Tất cả những chủng tử của nghiệp hay cái mầm của nghiệp sẽ quyết định cuộc đời mới của chúng ta về sau.
Muốn có tương lai tươi sáng thì khi sống phải tạo nhiều thiện nghiệp còn ngược lại thì tương lai tăm tối, khổ đau. Không một tha nhân nào trên thế gian nầy có thể cải đổi những nghiệp quả của người khác được. Muốn siêu thì phải thấu hiểu Phật pháp và sống đời đạo hạnh tức là tạo nhân lành thì cái quả dĩ nhiên là viên mãn. Nếu đạo Phật chỉ lo cầu an, cầu siêu thì Đức Phật cần gì phải khổ nhọc thuyết giảng suốt 49 năm và truyền lại 12 bộ đại tạng kinh để khai thị cho chúng sinh thấy được con đường để tự mình giải thoát giác ngộ. Trong thời Đức Phật còn tại thế không hề có chuyện cầu an cầu siêu thì ngày nay dĩ nhiên cũng không cần theo cái tệ đoan tiền mất tật còn nầy. Muốn tu đạo viên mãn hay sống đời an vui tự tại thì phải loại bỏ tất cả những mê lầm tà kiến nầy thì mới có thể phục hồi chánh kiến để giúp chúng ta đi thong dong trên con đường chánh đạo.
Khi chúng ta nhìn vào thật tướng của vạn vật thì không có cái gì sanh hay cái gì mất cả chẳng qua chỉ là sự biến đổi do duyên khởi mà thôi. Thí dụ như từ nước chúng ta có thể làm nước chanh, nước đá hay đun nước sôi nhưng thể nước lúc nào cũng vậy, không sanh không diệt. Vì nhận biết thật tướng vạn pháp không sanh diệt cho nên vạn pháp là Thường. Vì biết vạn pháp là Thường cho nên có chân Lạc. Vì biết vạn pháp là Thường, là Lạc cho nên vạn pháp có chơn Ngã. Sau cùng vì biết vạn pháp là Thường, là Lạc, là Ngã cho nên vạn pháp có chơn Tịnh.
Vô sinh Tứ diệu đế chính là Thông giáo và cũng là giáo lý phổ thông của Bồ tát vì với tuệ nhãn của Bồ tát thì chẳng có thật sinh thật diệt cho nên vạn pháp có Chơn Thường, Chơn Lạc, Chơn Ngã và Chơn Tịnh hay gọi tắt là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Khi nhìn vạn pháp có chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh thì Niết Bàn tịch diệt còn dùng vào đâu mà cầu mong “chứng” với “đắc”.
Vô sanh tứ diệu đế là một chân lý rất phổ thông và dễ áp dụng trong cuộc sống thường nhật. Đây chính là tư tưởng nòng cốt trong kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng. Vì con người có thói quen là sống với cái tâm sanh diệt nên mới có khổ đau phiền não. Càng lún sâu vào vọng thức thì khổ đau càng nhiều. Nhưng bản nhiên thanh tịnh thì lúc nào cũng có sẵn trong tất cả con người có nghĩa là tự tánh thanh tịnh thì không có khổ đau hay phiền não chi cả vì thế nếu chúng sinh quay về để sống với cái tự tánh thanh tịnh nầy thì làm gì còn hệ lụy khổ đau. Thí dụ như khi chân chúng ta bị đạp bùn nhơ thì sau khi rửa sạch chúng ta gọi nó là sạch. Nhưng trước khi đạp bùn thì chân của chúng ta sạch chớ đâu có dơ. Nếu không dơ thì cần gì phải rửa. Khổ đau thì cũng thế. Nếu sống với tự tánh thanh tịnh thì đâu có phiền não khổ đau. Không phiền não khổ đau thì cần gì Niết bàn. Vì thế khổ cũng không, Niết bàn cũng không và đây mới thật là vô sanh tứ diệu đế.
39 Vô lượng Tứ diệu đế
Khác với vô sanh tứ diệu đế là cái Khổ không thật nên khổ đế và tập đế đều không thật. Còn sinh diệt tứ diệu đế thì phải đối diện với tam khổ và bát khổ. Ở đây vô lượng tứ diệu đế thì có vô lượng khổ đế có nghĩa là cái khổ bây giờ là vô lượng chớ không nhất thiết chỉ có tam khổ hay bát khổ mà thôi. Khổ đế thì vô lượng như thế thì tập đế bây giờ không còn giới hạn của Kiến hoặc, Tư hoặc và Vô minh hoặc mà nó là vô lượng vô cùng không biết bao nhiêu mà đếm. Đây chính là Trần sa hoặc vậy.
Thông thường thì Diệt đế có những loại Niết bàn như tự tánh thanh tịnh Niết bàn (là Phật tánh, là Chơn tâm), hữu dư y Niết bàn (Niết bàn chưa hoàn toàn có nghĩa là chưa đoạn hết phiền não tức là chứng quả A Na Hàm), vô dư y Niết bàn (Niết bàn hoàn toàn tức là chứng quả A La Hán) và vô trụ xứ Niết bàn (Niết bàn của các vị Bồ tát). Nhưng vô lượng diệt đế thì Niết bàn bao trùm khắp không gian vô tận và thời gian vô cùng cho nên ở đâu và bất cứ lúc nào cũng đều có Niết bàn cả.
Nếu diệt đế mà vô lượng như thế thì đạo đế cũng vô cùng vô lượng mà thôi. Đạo đế bây giờ không những chỉ lấy 37 phẩm trợ đạo làm nền tảng mà nhìn chung quanh thế gian vũ trụ đâu đâu cũng có thể học đạo được và ở đâu cũng có thể hành đạo được.
Vậy vô lượng tứ diệu đế là Biệt giáo và là giáo lý riêng của Bồ tát hay còn gọi là Độc Bồ tát tức là một pháp môn đặc biệt dành riêng cho một bậc Bồ tát. Khi tu theo pháp môn nầy thì Bồ tát cũng thực hành 37 phẩm trợ đạo của Tứ diệu đế nhưng Tứ diệu đế bây giờ có nhiều vô lượng hình tướng khác nhau.
40 Vô tác Tứ diệu đế
Vô tác có nghĩa là vô tác giả hay vô tạo tác.
Tất cả những cái khổ trên thế gian nầy bắt đầu từ tam khổ cho đến bát khổ đã làm cho cuộc sống của con người trở thành thất điên bát đảo thật ra hoàn toàn không có ai là tác giả cả. Chúng ta biết sinh lão bệnh khổ, cầu bất đắc khổ…nhưng đố ai tìm ra được cái gốc của nó. Ngày nay khoa học có thể dùng thiên vọng kính để tìm thấy những hành tinh cách xa mấy ngàn năm ánh sáng hay dùng những kính siêu hiển vi để tìm thấy những con siêu vi khuẩn. Thế mà con người đành bó tay không cách nào dùng kính siêu hiển vi để tìm thấy được cái gốc khổ của con người. Vậy vô tác tức là vô ngã, có nghĩa là do nhân duyên mà thành. Vì do nhân duyên cho nên tất cả chỉ là huyễn hóa như hoa đóm trên không.
Vô tác giả cũng có ý nghĩa là không do ai làm nên cái đó hết. Như thế thì Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế trong vô tác tứ diệu đế là không có ai làm ra được nó. Đố ai tìm ra được cái gốc của bát khổ. Mặc dù không tìm được cái gốc của khổ đế tức là cái khổ thì vô hình vô tướng, thế mà khổ đế vẫn cứ tác động hoành hành làm con người điêu đứng bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp.
Khi đã biết nó là huyễn ảnh trong tâm thì con người phải vứt bỏ nó đi thì cái gốc khổ sẽ không còn nữa. Thí dụ như khi chúng ta gánh rất nặng trên đôi vai. Nặng nhọc là khổ. Bây giờ muốn hết khổ thì bỏ gánh nặng xuống. Do đó tất cả đều do con người chọn lựa. Nếu muốn thanh nhàn thì quăng cái gánh nặng xuống còn nếu giữ khư khư gánh nặng nầy thì phải chịu đau khổ dài dài. Đã biết nó là hư đóm trong hư không mà mình làm cho nó có thật thì phải gánh chịu khổ đau.
Nói tóm lại tam khổ, bát khổ thật sự không có cho dù có tìm kiếm cách mấy cũng không thấy nó. Vì thế nó không có bản chất và cũng không có ai làm ra cho nên khổ đế là vô tác. Mà khổ đế vô tác là quả còn tập đế là nhân. Quả vô tác thì nhân cũng vô tác. Vậy vô tác tứ diệu đế chính là vô vi, là thật tướng, là vô tướng của vạn pháp. Còn sinh diệt tứ diệu đế là hữu vi, là do duyên sanh của vạn pháp mà thành.
Về mặt tự tánh thanh tịnh Niết bàn tức là Diệt đế thì cũng không có ai làm ra nó cả. Vì không ai làm ra cái Niết bàn nầy nên Diệt đế là vô tác. Con người nếu diệt hết ý niệm sinh diệt thì cái vui tịch diệt hiện lên và đây chính là Niết bàn. Niết bàn nầy là tự nó có chớ không có ai làm ra nên được gọi là vô tác. Ngược lại nếu chưa hết phiền não khổ đau thì cho dù có trèo non lội suối cũng không có được Niết bàn.
Diệt đế là vô tác thì Đạo đế cũng là vô tác. Nói thế thì đạo đế cũng không có cái gì để sanh ra thì phương cách tu hành cũng không có. Nói một cách khác thì 37 phẩm trợ đạo là những liều thuốc dùng để trị bệnh khổ cho chúng sinh. Nay chúng sinh không có khổ thì thuốc đâu còn cần thiết nữa hay vô tác dụng. Tự tánh thanh tịnh bản nhiên vốn trong sáng thì cần gì phải lau chùi, chỉ cần biết quay về để sống với cái tự tánh nầy thì sẽ có Niết bàn ngay.
Thêm nữa 37 phẩm trợ đạo là dựa theo hữu vi pháp còn diệt đế Niết bàn vốn thanh tịnh vô vi thì cần gì phải tu luyện.
Vô tác tứ diệu đế là Viên giáo tức là giáo lý viên mãn hoàn toàn của Bồ tát. Khi tu theo vô tác tứ diệu đế thì Bồ tát cũng dựa theo 37 phẩm trợ đạo mà được gọi là phẩm trợ đạo của Viên giáo có nghĩa là Vô Thượng Phật pháp. Khi Bồ tát tu theo pháp môn nầy sẽ thấy Tứ diệu đế chỉ là huyễn ảnh trong tâm Bồ đề chớ không phải do ai tạo tác ra nó.
Có người thắc mắc là tại sao Đức Phật lại nói nhiều tứ diệu đế như thế?
Nên nhớ rằng tất cả bốn chân lý Tứ diệu đế ở trên là do Đức Thế Tôn thuyết giảng trong suốt 49 năm hoằng pháp của Ngài. Phật pháp thì cao thâm vì thế Đức Phật chỉ thuyết giảng dần dần dựa theo khả năng thấu hiểu và thu nhập của đệ tử mà thôi. Trong hai mươi năm đầu Phật chỉ nói về tục đế tức là pháp hữu vi và Đức Phật đã dùng 22 năm sau đó để thuyết giảng về trí tuệ Bát nhã tức là tính Không của nhân sinh vũ trụ.
Trong hai mươi năm đầu kể từ khi Đức Phật thành đạo thì Ngài chỉ thuyết giảng về sinh diệt tứ diệu đế. Đây là chân lý căn bản dựa theo pháp hữu vi tức là tất cả vạn pháp trên thế gian vũ trụ nầy mà ngũ quan có thể nhận biết được. Nhắc lại Đức Phật không phải là đấng sáng tạo ra nhân sinh vũ trụ mà Ngài là bậc khám phá ra định luật sinh tồn của nhân sinh vũ trụ đó là con đường tùy thuận chân lý. Tùy thuận theo chân lý thì con người sẽ sống rất an vui tự tại vì tất cả hiện sinh trong vũ trụ nầy đều sinh diệt vô thường vì chúng là vô ngã. Ngược lại thì con người sẽ sống trong phiền não khổ đau cũng như một người lội ngược dòng sông. Vì thế triết lý nầy là sống trong nhân thế mà không hề rời nhân thế. Biết thế gian là phiền não khổ đau nên Đức Phật dạy con đường thoát khổ để đạt đến cảnh tịch diệt an vui tự tại của Niết bàn. Muốn đạt đến cứu cánh nầy thì trong phần tập đế có Tham-Sân-Si mạn, nghi… chúng sinh chỉ cần cộng chữ Vô tức là Không vào thì Niết bàn hiện ra. Thí dụ chúng ta tham nên khổ bây giờ không tham thì sẽ hết khổ tức là Niết bàn. Ngày xưa có người chửi thì ta nổi điên bây giờ nếu có người chửi mà ta không nổi điên là có Niết bàn. Lúc trước thấy vật đẹp cao sang là đam mê thích thú bây giờ thì vật nào cũng vậy thôi nên không đam mê thì có Niết bàn.
Trong phần đạo đế thì Bát chánh đạo là con đường mầu nhiệm để giúp chúng sinh đoạn trừ mọi phiền não mà đạt được thánh quả. Bát chánh đạo thì gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Bát chánh đạo tự nó không giúp chúng sinh phát triển trí tuệ mà chỉ an định cho tâm mà thôi. Muốn phát triển trí tuệ thì chúng sinh phải cố gắng tu theo Lục độ. Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Chính cái trí tuệ sau cùng nầy là ánh sáng của chân lý và cũng là con đường đi đến giải thoát giác ngộ.